KIỂM
TOÁN NHÀ NƯỚC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
1330/QĐ-KTNN
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ
CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về công tác luân
chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý;
Căn cứ Hướng dẫn số 06-HD/CTW ngày 02/4/2002 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn
thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về công tác
luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý;
Căn cứ Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 26/9/2007 của Ban Tổ chức Trung ương hướng
dẫn thực hiện Quy định về phân cấp quản lý cán bộ, Quy chế bổ nhiệm cán bộ và
giới thiệu cán bộ ứng cử;
Căn cứ Quyết định số 450/QĐ-KTNN ngày 29/4/2009 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về
việc ban hành Quy định về trình tự bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức,
miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án luân chuyển cán bộ
lãnh đạo, quản lý của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thủ trưởng các đơn vị trực
thuộc Kiểm toán Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm
toán Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo KTNN;
- Đảng uỷ KTNN;
- Các uỷ viên BCS Đảng;
- BCH Công đoàn KTNN;
- BCH Đoàn TN KTNN;
- Lưu VT, TCCB (05).
|
TỔNG
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Vương Đình Huệ
|
ĐỀ ÁN
LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
(Ban hành theo Quyết định số 1330/QĐ-KTNN ngày 19 tháng 11 năm 2009 của Tổng
Kiểm toán Nhà nước)
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW
ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản
lý và Hướng dẫn số 06-HD/CTW ngày 02/4/2002 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn
thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về công tác
luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong những năm qua, trên cơ sở kết quả
quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn ngành, Ban cán sự đảng, lãnh đạo
Kiểm toán Nhà nước đã lựa chọn một số cán bộ trong diện quy hoạch, có trình độ,
năng lực lãnh đạo và triển vọng phát triển để điều động, luân chuyển, bổ nhiệm
giữ vị trí chủ chốt của một số đơn vị trực thuộc; các cán bộ được điều động,
luân chuyển đã phát huy năng lực lãnh đạo, tổ chức quản lý và điều hành bộ phận,
đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các cương vị mới được phân công, góp phần
tăng cường và củng cố đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở một số đơn vị, đáp ứng được yêu
cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay của Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, công tác luân chuyển
cán bộ lãnh đạo, quản lý của Kiểm toán Nhà nước hiện nay còn có những mặt hạn
chế, do chưa có kế hoạch và những hướng dẫn cụ thể, nên công tác luân chuyển
cán bộ mới thực hiện ở một số vị trí, chưa trở thành nền nếp thường xuyên hàng
năm. Mặt khác, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa có nhận thức đúng về công tác
luân chuyển cán bộ. Có đồng chí khi luân chuyển còn suy tính cá nhân hoặc ngại
khó, ngại khổ mà chưa nhận thức đúng về sự cần thiết và ý nghĩa của việc luân
chuyển cán bộ.
Để góp phần thực hiện Nghị quyết
số 01- NQ/BCS ngày 16/4/2008 của Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước “Về xây dựng
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên nhà nước trong sạch, vững
mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Kiểm toán Nhà nước xây dựng
Đề án luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm chủ động tạo nguồn cán bộ có
trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vừa có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, được
rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ của
Kiểm toán Nhà nước.
II. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ
1. Mục đích, yêu cầu
- Tạo điều kiện để bồi dưỡng, thử
thách cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành nhanh
hơn và toàn diện hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của Kiểm toán
Nhà nước.
- Từng bước điều chỉnh việc bố
trí cán bộ hợp lý hơn, tăng cường được cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp
bách, nhất là đơn vị có khó khăn về công tác cán bộ.
- Góp phần đổi mới công tác đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đưa luân chuyển cán bộ dần trở thành
việc làm bình thường, thành nền nếp thường xuyên, phá bỏ những quan điểm và
thói quen lạc hậu trong công tác cán bộ, hiện nay, như: khuynh hướng cục bộ,
khép kín trong từng đơn vị; tâm lý thoả mãn, trì trệ của nhiều cán bộ chỉ muốn
chọn nơi công tác dễ dàng, muốn ổn định chức vụ hoặc lên chức nhưng không chịu
nỗ lực học tập, phấn đấu nâng cao trình độ và hiệu quả công tác, công việc trì
trệ, kém hiệu quả; cán bộ uy tín thấp nhưng rất khó thay bằng những cán bộ có
uy tín và khả năng hơn.
- Chủ động tạo nguồn cán bộ, thực
hiện chuẩn hoá cán bộ lãnh đạo các cấp, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ
có năng lực trong những năm tiếp theo của Kiểm toán Nhà nước.
2. Phương châm, nguyên tắc luân
chuyển cán bộ
- Việc luân chuyển cán bộ phải
giải quyết tốt quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ
có chuyên môn sâu; vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng
mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.
- Coi trọng công tác tư tưởng,
làm cho cán bộ, đảng viên thông suốt về tư tưởng, thống nhất nhận thức để tự
giác, quyết tâm thực hiện; vừa làm tốt công tác động viên, khuyến khích tính tự
giác của cán bộ, vừa yêu cầu cán bộ, đảng viên nghiêm túc chấp hành quyết định
luân chuyển.
- Chống tư tưởng cục bộ, khép
kín trong từng đơn vị, không muốn nhận người từ các đơn vị khác luân chuyển đến;
ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện không lành mạnh như cô lập,
gây khó khăn, làm giảm uy tín người được luân chuyển tới, hoặc lợi dụng việc
luân chuyển cán bộ để đẩy người trung thực, thẳng thắn, người có năng lực,
nhưng không hợp với mình đi nơi khác.
- Chỉ thực hiện luân chuyển đối
với cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức nằm trong diện quy hoạch có triển
vọng phát triển. Không thực hiện luân chuyển đối với cán bộ có trình độ năng lực
yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển.
III. ĐỐI TƯỢNG,
HÌNH THỨC, ĐỊA BÀN, THỜI HẠN, ĐỘ TUỔI LUÂN CHUYỂN
1. Đối tượng luân chuyển
- Cán bộ, công chức, viên chức
là lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng và trong diện quy hoạch chức danh lãnh đạo Kiểm
toán Nhà nước, lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng thuộc các đơn vị trực thuộc Kiểm toán
Nhà nước.
- Cán bộ luân chuyển là cán bộ
trong độ tuổi luân chuyển, có triển vọng phát triển, có khả năng đáp ứng được
yêu cầu nhiệm vụ mới, được điều chuyển đến vị trí công tác mới để vừa thực hiện
nhiệm vụ, vừa đào tạo, rèn luyện theo quy hoạch cán bộ.
2. Địa bàn luân chuyển
- Căn cứ nhu cầu cán bộ lãnh đạo,
quản lý của các đơn vị, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước thực hiện
luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị trực thuộc để bảo đảm mục đích, yêu cầu
trong công tác luân chuyển cán bộ.
- Lựa chọn một số đơn vị làm địa
bàn trọng điểm để rèn luyện, thử thách, bồi dưỡng cán bộ nằm trong diện quy hoạch
đó là Văn phòng và các Vụ tham mưu thuộc bộ máy điều hành, các Kiểm toán Nhà nước
khu vực và các đơn vị sự nghiệp còn thiếu cán bộ.
3. Hình thức luân chuyển
- Bổ nhiệm chức danh trước khi
luân chuyển đến đơn vị mới;
- Luân chuyển đến một đơn vị mới
với chức danh tương đương để thực hiện việc đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện thử
thách cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ phát triển toàn diện hơn về các mặt công
tác, nhất là cán bộ mới được bổ nhiệm.
4. Thời hạn luân chuyển
- Thời hạn luân chuyển từ nói
chung từ 3 (ba) năm trở lên, tối đa không quá 5 (năm) năm.
- Trường hợp cần thiết, do nhu cầu
của việc sắp xếp, bố trí cán bộ, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ quyết định việc
luân chuyển sớm hơn thời hạn trên.
5. Độ tuổi luân chuyển
- Đối với lãnh đạo cấp Vụ trưởng
hoặc trong diện quy hoạch chức danh cấp Vụ trưởng độ tuổi không quá 55 tuổi đối
với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ, cấp Phó vụ trưởng hoặc trong diện quy
hoạch chức danh cấp Phó vụ trưởng độ tuổi không quá 50 tuổi.
- Đối với lãnh đạo cấp Trưởng
phòng hoặc trong diện quy hoạch chức danh cấp Trưởng phòng độ tuổi không quá 45
tuổi, cấp Phó trưởng phòng hoặc trong diện quy hoạch chức danh cấp Phó trưởng
phòng độ tuổi không quá 40 tuổi.
IV. PHƯƠNG ÁN
LUÂN CHUYỂN
1. Trình tự tổ chức thực hiện
luân chuyển
Bước 1: Hàng năm, trên cơ sở quy
hoạch cán bộ, và kế hoạch công tác của ngành; căn cứ vào nhu cầu luân chuyển
cán bộ, số lượng cán bộ đủ điều kiện luân chuyển, Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu
giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản
lý cấp vụ, cấp phòng trình Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Bước 2. Đề xuất danh sách cán bộ
đề nghị luân chuyển
Căn cứ vào kế hoạch luân chuyển
cán bộ, số lượng cán bộ đủ điều kiện dự kiến luân chuyển trong năm và tình hình
thực tế của các đơn vị, Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất danh sách cán bộ lãnh đạo, quản
lý cấp vụ, cấp phòng luân chuyển giữa các đơn vị để trình Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Bước 3. Phê duyệt danh sách và phương
án luân chuyển cán bộ
Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Kiểm
toán Nhà nước họp cho ý kiến và thống nhất danh sách cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp
phòng đủ điều kiện luân chuyển.
Bước 4: Gặp mặt và giao nhiệm vụ
- Đối với cán bộ lãnh đạo cấp vụ
và trong diện quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp vụ dự kiến luân chuyển:
+ Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước gặp,
trao đổi, giao nhiệm vụ; cán bộ thuộc diện luân chuyển trình bày tâm tư, nguyện
vọng, đề xuất ý kiến đối với lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.
+ Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước trao
đổi với thủ trưởng đơn vị nơi có cán bộ luân chuyển (nơi đi và nơi đến), cung cấp
thông tin về cán bộ nhằm tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt
nhiệm vụ.
- Đối với cán bộ, công chức lãnh
đạo cấp phòng và trong diện quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp phòng dự kiến luân
chuyển:
+ Vụ Tổ chức cán bộ gặp mặt,
trao đổi giao nhiệm vụ; cán bộ thuộc diện luân chuyển trình bày tâm tư, nguyện
vọng, đề xuất ý kiến đối với lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.
+ Vụ Tổ chức cán bộ trao đổi với
thủ trưởng đơn vị nơi cán bộ luân chuyển (nơi đi và nơi đến), cung cấp thông
tin về cán bộ, công chức nhằm tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt
nhiệm vụ.
Bước 5. Thực hiện luân chuyển
- Tổng Kiểm toán Nhà nước ký Quyết
định luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp trưởng phòng.
- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ký
Quyết định luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp phó trưởng phòng và trong diện quy
hoạch chức danh lãnh đạo cấp phòng.
2. Nhận xét đánh giá cán bộ luân
chuyển
- Sau thời gian luân chuyển, cán
bộ được luân chuyển làm báo cáo tự nhận xét, đánh giá gửi thủ trưởng đơn vị;
trường hợp cán bộ luân chuyển là thủ trưởng đơn vị thì gửi Lãnh đạo Kiểm toán
Nhà nước phụ trách, qua Vụ Tổ chức cán bộ (nội dung theo phụ lục số 01 kèm theo
Quyết định số 450/QĐ-KTNN ngày 29/4/2009 của Tổng Kiểm toán Nhà nước Ban hành
Quy định về trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn
nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo của Kiểm toán Nhà nước).
- Cấp uỷ đơn vị tổ chức nhận
xét, đánh giá đối với cán bộ luân chuyển bằng văn bản gửi thủ trưởng đơn vị (nội
dung theo phụ lục số 02 kèm theo Quyết định số 450/QĐ-KTNN ngày 29/4/2009 của Tổng
Kiểm toán Nhà nước Ban hành Quy định về trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại,
luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo của Kiểm toán Nhà
nước).
- Tập thể lãnh đạo đơn vị quản
lý cán bộ luân chuyển nhận xét, đánh giá cán bộ luân chuyển, báo cáo Tổng Kiểm
toán Nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ).
3. Chế độ, chính sách đối với
cán bộ luân chuyển
- Cán bộ luân chuyển được lãnh đạo
đơn vị chuyển đi và đơn vị đến nhận công tác tạo điều kiện về thời gian, sắp xếp
công việc giao, nhận và các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ công tác, sinh
hoạt theo quy định.
- Được giữ nguyên mức lương, phụ
cấp chức vụ, các quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước và của ngành.
- Luân chuyển đến những nơi khó
khăn hưởng các chính sách theo quy định của Nhà nước.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thủ trưởng các đơn vị trực
thuộc Kiểm toán Nhà nước
- Làm tốt công tác quán triệt
Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển
cán bộ lãnh đạo, quản lý; Đề án Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của Kiểm
toán Nhà nước; nhằm tạo sự thống nhất, nâng cao nhận thức tư tưởng trong ngành
đối với chính sách luân chuyển cán bộ.
- Có trách nhiệm phối hợp với Vụ
Tổ chức cán bộ thực hiện Đề án luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của Kiểm
toán Nhà nước.
- Tổ chức thực hiện công tác
luân chuyển cán bộ theo Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Tạo điều kiện
thuận lợi cho cán bộ luân chuyển sắp xếp công việc và bố trí cơ sở vật chất phục
vụ công tác theo quy định của ngành.
- Có trách nhiệm nhận xét, đánh
giá cán bộ luân chuyển, báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Tổ chức cán bộ).
2. Vụ Tổ chức cán bộ
- Quý IV hàng năm xây dựng kế hoạch,
đề xuất phương án, lập danh sách cán bộ lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp phòng đủ
điều kiện, tiêu chuẩn luân chuyển trình Tổng Kiểm toán Nhà nước.
- Gặp mặt cán bộ, công chức cấp
phòng dự kiến luân chuyển, trao đổi và giao nhiệm vụ; nghe cán bộ, công chức đó
phát biểu, đề xuất ý kiến đối với lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.
- Trao đổi với thủ trưởng các
đơn vị nơi cán bộ, công chức luân chuyển đi và đến, cung cấp thông tin về cán bộ,
công chức luân chuyển.
- Trước ngày 15/12 hàng năm, tổng
hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước kết quả thực hiện công tác luân chuyển cán
bộ lãnh đạo, quản lý.
3. Văn phòng Kiểm toán Nhà nước
- Nghiên cứu đề xuất chính sách,
chế độ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển trong phạm vi quy định của
Nhà nước, điều kiện và khả năng kinh phí của ngành.
- Bố trí sắp xếp kinh phí trong
dự toán ngân sách hàng năm phân bổ cho các đơn vị trình Tổng Kiểm toán Nhà nước
phê duyệt để đảm bảo thực hiện Đề án Luân chuyển cán bộ.
4. Trách nhiệm của người được
luân chuyển
- Nghiêm chỉnh chấp hành quyết định
luân chuyển cán bộ.
- Bàn giao công việc và tiếp nhận
công việc mới theo đúng thời gian quy định.
- Trường hợp không chấp hành quyết
định luân chuyển cán bộ, gây cản trở, khó khăn cho công tác luân chuyển cán bộ
của đơn vị, của ngành sẽ bị xem xét kỷ luật theo quy định của pháp luật và quy
định của ngành.
Trong quá trình thực hiện nếu có
vấn đề phát sinh hoặc khó khăn vướng mắc các đơn vị cần phản ảnh kịp thời về Vụ
Tổ chức cán bộ để tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, sửa đổi, bổ
sung cho phù hợp./.