KIỂM
TOÁN NHÀ NƯỚC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1327/QĐ-KTNN
|
Hà
Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG PHẦN MỀM QUẢN LÝ CÁN BỘ
CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin
ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP
ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin
trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 1662/QĐ-KTNN
ngày 03/11/2017 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy chế soạn thảo, thẩm định,
ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của Kiểm toán nhà nước.
Xét đề nghị của Giám đốc Trung tâm
Tin học,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản
lý, khai thác và sử dụng phần mềm Quản lý cán bộ của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức
cán bộ, Giám đốc Trung tâm Tin học, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán
nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước;
- Lưu VT, TTTH(3).
|
TỔNG
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Hồ Đức Phớc
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG PHẦN MỀM QUẢN LÝ CÁN BỘ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ
NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1327/QĐ-KTNN ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Tổng
Kiểm toán nhà nước)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy chế này quy định trình tự, thủ tục,
trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ giữa các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước
và các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, khai thác và sử dụng Phần mềm Quản
lý cán bộ của Kiểm toán nhà nước.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Cán bộ, công chức, viên chức và người
lao động (CCVC) của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước và các tổ chức, cá
nhân khác có liên quan trong việc quản lý, khai thác và sử dụng Phần mềm Quản
lý cán bộ của Kiểm toán nhà nước.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
1. Phần mềm Quản lý cán bộ: Là phần mềm
do Kiểm toán nhà nước xây dựng (sau đây gọi tắt là phần mềm) gồm các mô-đun Quản
lý hồ sơ cán bộ, công tác cán bộ, biên chế, tiền lương, bảo hiểm và đào tạo bồi
dưỡng nhằm mục đích quản lý, theo dõi công tác cán bộ theo quy định của Kiểm
toán nhà nước.
2. Hồ sơ điện tử: Là hồ sơ của CCVC
được quản lý trên phần mềm.
3. Đơn vị quản lý: Là đơn vị quản lý
hồ sơ CCVC của đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước.
4. Người sử dụng: Là các tổ chức, cá
nhân được cấp quyền để sử dụng, khai thác phần mềm.
5. Tài khoản người dùng: Bao gồm tên
đăng nhập và mật khẩu trùng với tên và mật khẩu hộp thư điện tử công vụ của Kiểm
toán nhà nước cấp cho người sử dụng phần mềm để đăng nhập vào khai thác, sử dụng
hoặc quản trị phần mềm. Tùy theo vị trí và quyền hạn, tài khoản người dùng được
cấp một hoặc nhiều quyền khác nhau. Có 04 loại tài khoản người dùng:
- Tài khoản quản trị hệ thống: Là tài
khoản do Trung tâm Tin học quản lý sử dụng để cấp quyền hoặc hủy bỏ quyền, khóa
hoặc mở khóa tài khoản khác; thiết lập các tham số hệ thống của phần mềm.
- Tài khoản quản trị thông tin của Vụ
tổ chức cán bộ: Là tài khoản cấp cho Vụ Tổ chức cán bộ để thực hiện cập nhật,
quản lý hồ sơ điện tử theo quy định tại Điều 11 của quy chế này và các nghiệp vụ
liên quan đến công tác cán bộ theo phân cấp về quản lý cán bộ của KTNN.
- Tài khoản quản trị thông tin tại
đơn vị: Là tài khoản cấp cho các đơn vị trực thuộc kiểm toán để thực hiện cập
nhật, quản lý hồ sơ điện tử theo quy định tại Điều 11 của quy chế này và các
nghiệp vụ liên quan đến công tác cán bộ đối với CCVC của các đơn vị theo phân cấp
về quản lý cán bộ của KTNN.
- Tài khoản khai thác thông tin: Là tài
khoản cấp cho CCVC của Kiểm toán nhà nước để thực hiện khai thác, cập nhật, bổ
sung thông tin cá nhân vào hồ sơ điện tử của cá nhân.
Điều 4. Các hành
vi bị cấm
1. Phá hoại hệ thống cơ sở hạ tầng
thông tin hoặc cản trở quá trình vận hành, duy trì ổn định, liên tục của phần mềm.
2. Truy cập bất hợp pháp, xóa, sao
chép, thay đổi dữ liệu không đúng thẩm quyền, làm sai lệch hoặc phá hủy dữ liệu
trên phần mềm.
3. Tự ý xoá bỏ, tháo gỡ, thay đổi
thông số thiết lập của phần mềm gây xung đột tài nguyên, ảnh hưởng đến việc vận
hành phần mềm, các phần mềm và cơ sở dữ liệu khác được cài đặt trong hệ thống mạng
của Kiểm toán nhà nước.
4. Sử dụng, lợi dụng phần mềm hoặc dữ
liệu của phần mềm vào các mục đích không thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được
phân công; cung cấp, phát tán thông tin trái với quy định của Kiểm toán nhà nước
và pháp luật hiện hành.
5. Tiết lộ tài khoản, các quy tắc sử
dụng, danh sách người sử dụng, sơ đồ tổ chức hệ thống, thông tin dữ liệu của phần
mềm cho các tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền.
Chương II
QUẢN LÝ, VẬN
HÀNH PHẦN MỀM
Điều 5. Nguyên tắc
quản lý, vận hành
1. Phần mềm được quản lý tập trung,
thống nhất tại Trung tâm dữ liệu Kiểm toán nhà nước, vận hành thông qua hệ thống
mạng Internet, đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định, an toàn và bảo mật thông
tin.
2. Phần mềm được quản lý, vận hành đảm
bảo nguyên tắc đề cao trách nhiệm của CCVC của Kiểm toán nhà nước và các tổ chức,
cá nhân có liên quan; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhân sự của
Kiểm toán nhà nước.
3. Việc cài đặt, quản lý, vận hành phần
mềm phải tuân thủ theo các quy định của KTNN.
Điều 6. Bảo trì,
nâng cấp, phát triển
1. Bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng
thông tin, các thiết bị có liên quan và môi trường cho việc cài đặt, vận hành
phần mềm.
2. Thực hiện các biện pháp sao lưu dữ
liệu định kỳ hàng tuần, đảm bảo khả năng khôi phục hệ thống khi xảy ra sự cố. Dữ
liệu đã sao lưu cần được bảo vệ an toàn, định kỳ kiểm tra và phục hồi thư từ dữ
liệu sao lưu để đảm bảo khả năng sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.
3. Thực hiện các hoạt động bảo trì, bảo
dưỡng, sửa chữa định kỳ để đảm bảo phần mềm hoạt động ổn định, liên tục.
4. Định kỳ hàng năm (hoặc đột xuất
khi có đề xuất từ người sử dụng) thực hiện rà soát, đề xuất nâng cấp, mở rộng
phần mềm và hệ thống hạ tầng phần cứng (nếu có) nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế.
Điều 7. Đảm bảo
an toàn thông tin
1. Thực hiện các hoạt động kiểm tra,
giám sát để cảnh báo các hành vi xâm phạm an toàn phần mềm.
2. Sử dụng các kênh mã hóa và xác thực
người dùng cho các hoạt động: đăng nhập hệ thống, thay đổi thông tin người
dùng, gửi nhận dữ liệu giữa các máy chủ.
3. Áp dụng các biện pháp bảo đảm tính
xác thực và bảo vệ sự toàn vẹn của dữ liệu trong phần mềm.
4. Thực hiện việc lưu trữ lịch sử các
hoạt động của người sử dụng: truy nhập vào phần mềm; thay đổi thông tin, quyền
hạn người dùng; tạo mới, thay đổi, sửa, xóa thông tin và các nghiệp vụ khác
trên phần mềm.
5. Thiết lập và duy trì hệ thống dự
phòng nhằm đảm bảo phần mềm hoạt động liên tục.
6. Thực hiện các biện pháp cần thiết
khác để đảm bảo an toàn hoạt động của phần mềm.
Điều 8. Quản lý
tài khoản người dùng
1. Quản lý tài khoản quản trị hệ thống
a. Giám đốc Trung tâm Tin học phân
công người quản trị hệ thống.
b. Người quản trị hệ thống sử dụng tài
khoản được phân quyền để thực hiện việc quản trị hệ thống và chịu trách nhiệm
quản lý và bảo mật tài khoản.
2. Quản lý tài khoản quản trị thông
tin của Vụ Tổ chức cán bộ
a. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ có
trách nhiệm phân công người quản trị thông tin của đơn vị đối với từng mảng
công việc (nhân sự, đào tạo và tổ chức biên chế tiền lương), đồng thời đăng ký
với Trung tâm Tin học để phân quyền. Việc đăng ký được thực hiện theo Quy định
tại Điều 9 của Quy chế này.
b. Người quản trị thông tin của Vụ Tổ
chức cán bộ sử dụng tài khoản được phân quyền để khai thác, sử dụng phần mềm
theo nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm bảo mật tài khoản.
3. Quản lý tài khoản quản trị thông
tin của đơn vị
a. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm
phân công người quản trị thông tin của đơn vị, đồng thời đăng ký với Trung tâm
Tin học để phân quyền. Việc đăng ký được thực hiện theo Quy định tại Điều 9 của
Quy chế này.
b. Người quản trị thông tin của đơn vị
sử dụng tài khoản được phân quyền để khai thác, sử dụng phần mềm theo nhiệm vụ
được giao và chịu trách nhiệm bảo mật tài khoản.
4. Quản lý tài khoản khai thác thông
tin
a. Cán bộ, công chức, viên chức và
người lao động của Kiểm toán nhà nước được cấp 01 tài khoản để khai thác, bổ
sung thông tin cá nhân vào hồ sơ điện tử của mình.
b. Tùy theo nhu cầu thực tế trong
công tác cán bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định cấp tài khoản cho tổ chức,
cá nhân không thuộc diện quản lý của Kiểm toán nhà nước. Các tổ chức, cá nhân
được cấp tài khoản khai thác thông tin có trách nhiệm quản lý và bảo mật tài
khoản được cấp, không vi phạm các hành vi bị cấm được quy định tại Điều 4 Quy
chế này.
Điều 9. Đăng ký cấp
mới, thay đổi, hủy bỏ tài khoản
1. Đăng ký cấp mới, thay đổi, hủy bỏ
tài khoản người dùng.
Khi có nhu cầu cấp mới, thay đổi, hủy
bỏ tài khoản người dùng, đơn vị gửi phiếu yêu cầu theo mẫu tại Phụ lục 01 của
Quy chế này. Thông tin yêu cầu phải được gửi từ hộp thư chung của đơn vị đến hộp
thư [email protected] và gửi văn bản đến
Trung tâm Tin học. Trung tâm Tin học có trách nhiệm cấp mới, thay đổi hoặc hủy
bỏ tài khoản người dùng trong vòng 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
2. Tên tài khoản người dùng và mật khẩu
ban đầu do Trung tâm Tin học thiết lập. Thông tin về tài khoản người dùng sẽ được
gửi đến hộp thư điện tử của Kiểm toán nhà nước do người dùng cung cấp ngay sau
khi tài khoản được tạo lập.
3. Điều này được thay thế khi Kiểm
toán nhà nước ban hành Quy định về quản lý tài khoản người dùng của Kiểm toán
nhà nước.
Chương III
CẬP NHẬT THÔNG
TIN VÀO PHẦN MỀM
Điều 10. Cập nhật
thông tin vào phần mềm
1. Thủ trưởng đơn vị, người được giao
nhiệm vụ quản trị thông tin và người sử dụng thực hiện bổ sung thông tin cá
nhân chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ và toàn vẹn của thông tin cập
nhật vào phần mềm; đảm bảo việc bảo mật tài khoản quản trị thông tin của đơn vị
trên phần mềm theo đúng quy định.
2. Việc cập nhật thông tin phải được
thực hiện theo đúng trình tự được quy định tại Điều 11 của Quy chế này. Trong
trường hợp đặc biệt, thời gian, trình tự cập nhật thông tin do Tổng Kiểm toán
nhà nước quyết định.
3. Thông tin được cập nhật phải bảo đảm
tính chính xác, đầy đủ, toàn vẹn và kịp thời.
Điều 11. Cập nhật
hồ sơ điện tử
Các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà
nước được giao quản lý hồ sơ cán bộ có trách nhiệm cập nhật những biến động thường
xuyên về thông tin CCVC do đơn vị mình quản lý vào phần mềm, cụ thể như sau:
1. Cập nhật thông tin ban đầu
Sau mỗi đợt tuyển dụng CCVC, Vụ Tổ chức
cán bộ tiến hành cập nhật thông tin đợt tuyển dụng và thông tin về các ứng viên
tham gia đợt tuyển dụng theo các thông tin trên phần mềm: Họ và tên, Ngày sinh,
Giới tính, Nơi sinh, Quê quán, Chỗ ở hiện tại, Số điện thoại liên hệ, Đối tượng
ưu tiên, Trình độ, Ngành đào tạo... và thông tin vị trí ứng tuyển của ứng viên.
- Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày
các ứng viên trúng tuyển đến nhận công tác, Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm
chuyển hồ sơ điện tử của các ứng viên này về đơn vị quản lý hồ sơ điện tử theo
phân cấp quản lý.
- Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày
nhận được hồ sơ điện tử của Vụ Tổ chức cán bộ, đơn vị quản lý hồ sơ theo phân cấp
quản lý có trách nhiệm rà soát, cập nhật bổ sung đầy đủ các thông tin vào hồ sơ
điện tử.
2. Cập nhật bổ sung thông tin hồ sơ
điện tử
a. Chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ
ngày ban hành các văn bản, quyết định về công tác cán bộ gồm: bổ nhiệm, bổ nhiệm
lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức
lãnh đạo, luân chuyển, điều động, biệt phái, nghỉ hưu, thôi việc, chuyển đổi
công tác và phân công công tác, Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị trực thuộc có
trách nhiệm cập nhật bổ sung thông tin và phê duyệt các thay đổi của hồ sơ điện
tử đối với CCVC theo Quy định về phân cấp quản lý CCVC của Kiểm toán nhà nước.
b. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày ban
hành các văn bản, quyết định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng lương, nâng ngạch, thi
đua khen thưởng như:
- Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm cập
nhật bổ sung thông tin vào hồ sơ điện tử đối với công chức là Lãnh đạo Kiểm
toán nhà nước, lãnh đạo cấp Vụ, và phê duyệt các thay đổi của hồ sơ điện tử đối
với CCVC trong toàn ngành.
- Các đơn vị trực thuộc kiểm toán nhà
nước có trách nhiệm cập nhật bổ sung thông tin vào hồ sơ điện tử đối với CCVC
thuộc đơn vị mình.
c. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày có
thay đổi thông tin về nhân thân gia đình, địa chỉ hộ khẩu thường trú, nơi cư
trú, đào tạo không do Kiểm toán nhà nước cử tham dự, ...(ngoài những thông tin
quy định tại điểm a, điểm b, Khoản 2, Điều 11), CCVC có trách nhiệm bổ sung
thông tin cá nhân vào hồ sơ điện tử của mình. Các thông tin trên chỉ được cập
nhật chính thức vào phần mềm khi người quản trị thông tin của đơn vị thực hiện
chức năng phê duyệt phiếu bổ sung thông tin cá nhân.
3. Cập nhật, thay đổi thông tin về tổ
chức
Trong vòng 01 ngày làm việc kể từ
ngày Quyết định thay đổi về tổ chức có hiệu lực, Trung tâm Tin học có trách nhiệm
bổ sung, hiệu chỉnh cơ cấu tổ chức trên phần mềm.
Chương IV
KHAI THÁC, SỬ DỤNG
PHẦN MỀM
Điều 12. Nguyên
tắc khai thác, sử dụng
1. Khai thác, sử dụng phần mềm đúng mục
đích, đúng chức năng nhiệm vụ, đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thông
tin của KTNN và của pháp luật.
2. Phần mềm được khai thác, sử dụng đảm
bảo nguyên tắc đề cao trách nhiệm của CCVC của Kiểm toán nhà nước và các tổ chức,
cá nhân có liên quan; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán của Kiểm
toán nhà nước.
Điều 13. Trách
nhiệm khai thác, sử dụng
1. Tổ chức, cá nhân được cấp tài khoản
người dùng để khai thác, sử dụng phần mềm có trách nhiệm khai thác, sử dụng phần
mềm đúng mục đích, nhiệm vụ được phân công và tuân thủ các quy định tại Quy chế
này.
2, Tổ chức, cá nhân được cấp tài khoản
ngay khi đăng nhập lần đầu có trách nhiệm kiểm tra các thông tin của tổ chức,
cá nhân đã đăng ký, đồng thời thay đổi mật khẩu và chịu trách nhiệm bảo mật, đảm
bảo an toàn tài khoản do mình quản lý. Thoát khỏi phần mềm khi không sử dụng.
3. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng
phần mềm kịp thời báo cáo Thủ trưởng đơn vị để có văn bản thông báo cho Trung
tâm Tin học, đồng thời thông tin ngay tới bộ phận quản trị phần mềm khi:
- Gặp các sự cố không thể truy cập
vào phần mềm;
- Phát hiện nguy cơ lộ thông tin tài
khoản hoặc dữ liệu;
- Quên hoặc mất mật khẩu.
Điều 14. Quyền
khai thác, sử dụng thông tin phần mềm
1. Tổng Kiểm toán nhà nước có quyền
truy cập vào phần mềm để khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu hồ sơ cán bộ của
CCVC Kiểm toán nhà nước.
2. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước có quyền
truy cập vào phần mềm để khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu hồ sơ cán bộ của
CCVC trong phạm vi các đơn vị được Tổng Kiểm toán nhà nước phân công phụ trách
quản lý.
3. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ có quyền
truy cập vào phần mềm để khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu cán bộ của CCVC
Kiểm toán nhà nước.
4. Thủ trưởng đơn vị có quyền truy cập
vào phần mềm để khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu hồ sơ CCVC thuộc đơn vị
mình quản lý.
5. Cán bộ, công chức, viên chức và
người lao động của Kiểm toán nhà nước được quyền truy cập vào phần mềm để khai
thác, sử dụng thông tin cá nhân của mình và thực hiện nhiệm vụ quản trị thông
tin tại đơn vị trong trường hợp được Thủ trưởng đơn vị phân công.
6. Các tổ chức, cá nhân khác được quyền
truy cập vào phần mềm để khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu hồ sơ CCVC khi
được Tổng Kiểm toán nhà nước cho phép bằng văn bản.
Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Điều 15. Trách
nhiệm của Vụ Tổ chức cán bộ
1. Quản lý, tổ chức cập nhật thông
tin thuộc phạm vi Vụ Tổ chức cán bộ quản lý theo Quy định tại Điều 10, 11 của
Quy chế này.
2. Quản lý, khai thác thông tin của
phần mềm phục vụ công tác Quản lý cán bộ của Kiểm toán nhà nước.
3. Đôn đốc các đơn vị trực thuộc Kiểm
toán nhà nước thực hiện cập nhật đầy đủ thông tin vào phần mềm.
4. Phối hợp Trung tâm Tin học và các
đơn vị có liên quan tổ chức đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm.
Điều 16. Trách
nhiệm của Trung tâm Tin học
1. Quản lý, vận hành đảm bảo hoạt động
ổn định, liên tục, an toàn và bảo mật thông tin.
2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan tổ chức đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm.
3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp và kinh phí duy trì, nâng cấp, phát triển
phần mềm và hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo phần mềm hoạt động ổn định, liên tục,
an toàn, bảo mật và hiệu quả.
4. Định kỳ hàng năm (hoặc đột xuất)
báo cáo lãnh đạo Kiểm toán nhà nước tình hình quản lý và sử dụng phần mềm.
5. Quản trị, cấp mới, thay đổi, hủy bỏ
tài khoản (không bao gồm việc cập nhật, xem, sửa, xóa dữ liệu). Kiểm tra, đề xuất
giải pháp và thực hiện bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này
và các quy định về an toàn thông tin của pháp luật.
6. Hỗ trợ các đơn vị sử dụng phần mềm,
thông báo cho các đơn vị về sự cố hoặc nguy cơ xảy ra sự cố có ảnh hưởng đến việc
quản lý, khai thác và sử dụng phần mềm.
Điều 17. Trách
nhiệm của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước
1. Quản lý, tổ chức cập nhật thông
tin thuộc phạm vi đơn vị quản lý theo Quy định tại Điều 10, 11 của Quy chế này.
2. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm:
- Kiểm tra, đôn đốc việc cập nhật, khai
thác và sử dụng thông tin theo đúng quy định của Quy chế này.
- Định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu
đột xuất, các đơn vị có trách nhiệm báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổ
chức cán bộ) tình hình quản lý, sử dụng hồ sơ điện tử của đơn vị mình.
- Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và
Trung tâm Tin học trong việc quản lý, triển khai áp dụng phần mềm.
3. Văn phòng Kiểm toán nhà nước có
trách nhiệm tham mưu, đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc bố trí kinh
phí đảm bảo duy trì hoạt động, nâng cấp và phát triển phần mềm.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 18. Tổ chức
thực hiện
1. Trung tâm Tin học, Vụ Tổ chức cán
bộ có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn thực hiện và kiểm tra việc thi hành Quy chế
này.
2. Thủ trưởng, CCVC các đơn vị trực
thuộc Kiểm toán nhà nước và các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quy chế này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có
khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Vụ Tổ chức cán bộ (đối với các nội
dung liên quan đến công tác cán bộ), Trung tâm Tin học (đối với các chức năng
phần mềm) để tổng hợp, nghiên cứu đề xuất trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét
điều chỉnh bổ sung cho phù hợp./.