Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật kiểm toán Nhà nước 2005 37/2005/QH11

Số hiệu: 37/2005/QH11 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Văn An
Ngày ban hành: 14/06/2005 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do -Hạnh phúc

Số: 37/2005/QH11

Hà Nội ,ngày 14 tháng 6 năm 2005

LUẬT

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM SỐ 37/2005/QH11 NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 2005

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Luật tổ chức Quốc hội;
Luật này quy định về kiểm toán nhà nước.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Kiểm toán Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước; đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan; hoạt động và bảo đảm hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đơn vị được kiểm toán.

2. Kiểm toán Nhà nước.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước.

Điều 3. Mục đích kiểm toán

Hoạt động kiểm toán nhà nước phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là việc kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; việc tuân thủ pháp luật; tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

2. Kiểm toán báo cáo tài chính là loại hình kiểm toán để kiểm tra, đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính.

3. Kiểm toán tuân thủ là loại hình kiểm toán để kiểm tra, đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện.

4. Kiểm toán hoạt động là loại hình kiểm toán để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

5. Bằng chứng kiểm toán là tài liệu, thông tin do Kiểm toán viên nhà nước thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán, làm cơ sở cho việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán.

6. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là văn bản do Kiểm toán Nhà nước lập và công bố để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán.

7. Tài sản nhà nước là tài sản hình thành hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, thuộc sở hữu, quản lý của Nhà nước, là đối tượng kế toán của đơn vị được kiểm toán.

Điều 5. Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đối với tính chính xác, trung thực của báo cáo tài chính

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các số liệu kế toán và các thông tin của báo cáo tài chính.

2. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ thích hợp và có hiệu quả.

3. Tổ chức kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật để bảo vệ an toàn tài sản; đánh giá về chất lượng và độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính; việc chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và các nội quy, quy chế của đơn vị.

Điều 7. Nguyên tắc hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

1. Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

2. Trung thực, khách quan.

Điều 8. Chuẩn mực kiểm toán nhà nước

1. Chuẩn mực kiểm toán nhà nước gồm những quy định về nguyên tắc hoạt động, điều kiện và yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, năng lực đối với Kiểm toán viên nhà nước; quy định về nghiệp vụ kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán mà Kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ khi tiến hành hoạt động kiểm toán; là cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước.

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về quy trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước.

3. Tổng Kiểm toán Nhà nước xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước trên cơ sở quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Điều 9. Giá trị của báo cáo kiểm toán

1. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

2. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là một trong những căn cứ để:

a) Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định dự án và công trình quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và sử dụng trong hoạt động giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước, dự án và công trình quan trọng quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, dự án và công trình xây dựng cơ bản quan trọng khác ;

b) Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của mình;

c) Hội đồng nhân dân sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán, phân bổ và giám sát ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;

d) Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra sử dụng trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế, tài chính;

đ) Đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động của đơn vị do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền sử dụng kết luận kiểm toán quyết định việc chấp nhận kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Kết luận kiểm toán đã được cơ quan, người có thẩm quyền chấp nhận có giá trị bắt buộc thực hiện.

Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước

1. Tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

2. Khi nhận được báo cáo kiểm toán, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết đầy đủ, kịp thời kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời gửi báo cáo kết quả giải quyết cho Kiểm toán Nhà nước.

Điều 11. áp dụng điều ước quốc tế

Trong trường hợp điều ước quốc tế về kiểm toán nhà nước mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với Kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước:

a) Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị đ­ược kiểm toán;

b) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán;

c) Nhận hối lộ;

d) Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi;

e) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán;

g) Tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức;

h) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

2. Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan:

a) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

b) Cản trở công việc của Kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

c) Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ và thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước;

d) Mua chuộc, hối lộ Kiểm toán viên nhà nước;

đ) Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách;

e) Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Chương 2:

ĐỊA VỊ PHÁP LÝ , CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

MỤC 1: ĐỊA VỊ PHÁP LÝ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Điều 13. Địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước

Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Điều 14. Chức năng của Kiểm toán Nhà nước

Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Điều 15. Nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước

1. Quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm và báo cáo với Quốc hội, Chính phủ trước khi thực hiện.

2. Tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán hàng năm và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

3. Xem xét, quyết định việc kiểm toán khi Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có yêu cầu.

4. Trình ý kiến của Kiểm toán Nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định dự án, công trình quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

5. Tham gia với Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội và các cơ quan khác của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét, thẩm tra báo cáo về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, phương án bố trí ngân sách cho dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán ngân sách nhà nước.

6. Tham gia với Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội khi có yêu cầu trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực tài chính - ngân sách, giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước và chính sách tài chính.

7. Tham gia với các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội khi có yêu cầu trong việc xây dựng và thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh.

8. Báo cáo kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; gửi báo cáo kiểm toán cho Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cung cấp kết quả kiểm toán cho Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân nơi kiểm toán và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật.

9. Tổ chức công bố công khai báo cáo kiểm toán theo quy định tại Điều 58, Điều 59 của Luật này và các quy định khác của pháp luật.

10. Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và các cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.

11. Quản lý hồ sơ kiểm toán; giữ bí mật tài liệu, số liệu kế toán và thông tin về hoạt động của đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật.

12. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

13. Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của Kiểm toán Nhà nước.

14. Tổ chức thi và cấp chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.

15. Chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nội bộ; sử dụng kết quả kiểm toán nội bộ của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 6 của Luật này.

16. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước

1. Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán; đề nghị cơ quan hữu quan phối hợp công tác để thực hiện nhiệm vụ được giao; đề nghị cơ quan nhà nước, đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội và công dân giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ.

2. Yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; kiến nghị thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động của đơn vị do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị.

3. Kiểm tra đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

4. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các trường hợp sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; đề nghị xử lý theo pháp luật những trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

5. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được làm rõ thông qua hoạt động kiểm toán.

6. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho Kiểm toán Nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước.

7. Trưng cầu giám định chuyên môn khi cần thiết.

8. Được uỷ thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu và kết luận kiểm toán do doanh nghiệp kiểm toán thực hiện.

9. Kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan khác của Nhà nước sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và pháp luật cho phù hợp.

MỤC 2: TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC, PHÓ TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Điều 17. Tổng Kiểm toán Nhà nước

1. Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trước pháp luật, trước Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

2. Tổng Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sau khi trao đổi thống nhất với Thủ tướng Chính phủ; tiêu chuẩn Tổng Kiểm toán Nhà nước do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.

3. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là bảy năm, có thể được bầu lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ.

4. Lương và các chế độ khác của Tổng Kiểm toán Nhà nước như lương và các chế độ khác của Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở chính sách, chế độ tiền lương của Nhà nước.

Điều 18. Trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước

1. Lãnh đạo và chỉ đạo Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. Trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước trước Quốc hội; trình bày báo cáo kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước trước Quốc hội khi Quốc hội yêu cầu.

3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

4. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán nhà nước; chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Kiểm toán Nhà nước.

5. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước.

6. Trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định biên chế và việc thành lập, sáp nhập, giải thể đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước.

7. Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tính độc lập trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

8. Xem xét, giải quyết kiến nghị về báo cáo kiểm toán.

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Quyền hạn của Tổng Kiểm toán Nhà nước

1. Ra quyết định kiểm toán.

2. Tham dự phiên họp toàn thể của Quốc hội, các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ về vấn đề có liên quan.

3. Kiến nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của đơn vị được kiểm toán xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho Kiểm toán Nhà nước; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Trong trường hợp kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước không được giải quyết hoặc giải quyết không đầy đủ thì Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị người có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Quyết định việc kiểm toán theo đề nghị của các đơn vị được quy định tại khoản 12 Điều 63 của Luật này và các đơn vị không nằm trong kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước.

5. Quyết định việc niêm phong tài liệu, kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan theo đề nghị của Trưởng Đoàn kiểm toán.

6. Ban hành, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các chuẩn mực kiểm toán nhà nước; ban hành quyết định, chỉ thị, chế độ công tác; ban hành quy chế, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán áp dụng trong tổ chức và hoạt động kiểm toán nhà nước; quy định cụ thể về quy trình kiểm toán và hồ sơ kiểm toán.

Điều 20. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước

1. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước là người giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước, được Tổng Kiểm toán Nhà nước phân công chỉ đạo một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước về nhiệm vụ được phân công. Khi Tổng Kiểm toán Nhà nước vắng mặt, một Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước được Tổng Kiểm toán Nhà nước uỷ nhiệm lãnh đạo công tác của Kiểm toán Nhà nước.

2. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

3. Nhiệm kỳ của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước là bảy năm.

4. Lương và các chế độ khác của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước như lương và các chế độ khác của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở chính sách, chế độ tiền lương của Nhà nước.

MỤC 3: TỔ CHỨC CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Điều 21. Hệ thống tổ chức của Kiểm toán Nhà nước

1. Kiểm toán Nhà nước được tổ chức và quản lý tập trung thống nhất gồm bộ máy điều hành, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực và các đơn vị sự nghiệp.

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể cơ cấu tổ chức của Kiểm toán nhà nước.

Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước.

Số lượng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và Kiểm toán Nhà nước khu vực trong từng thời kỳ được xác định trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ do Tổng Kiểm toán Nhà nước trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Điều 22. Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành

Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành là đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, thực hiện kiểm toán theo chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức ở trung ương.

Điều 23. Kiểm toán Nhà nước khu vực

Kiểm toán Nhà nước khu vực là đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, thực hiện kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương trên địa bàn khu vực và các nhiệm vụ kiểm toán khác theo sự phân công của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước khu vực có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng.

Điều 24. Kiểm toán trưởng, Phó Kiểm toán trưởng

Kiểm toán trưởng là người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và Kiểm toán Nhà nước khu vực. Giúp việc Kiểm toán trưởng có các Phó Kiểm toán trưởng. Kiểm toán trưởng và Phó Kiểm toán trưởng do Tổng Kiểm toán Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

MỤC 4: HỘI ĐỒNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Điều 25. Thành lập và giải thể Hội đồng kiểm toán nhà nước

1. Tổng Kiểm toán Nhà nước thành lập Hội đồng Kiểm toán Nhà nước để tư vấn cho Tổng Kiểm toán Nhà nước thẩm định các báo cáo kiểm toán quan trọng hoặc tái thẩm định các báo cáo kiểm toán theo kiến nghị của đơn vị được kiểm toán và giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước xử lý các kiến nghị về báo cáo kiểm toán.

2. Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định thành lập Hội đồng kiểm toán nhà nước, quyết định thành viên và quy chế làm việc của Hội đồng. Hội đồng kiểm toán nhà nước do một Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước làm chủ tịch. Căn cứ từng trường hợp cụ thể, Tổng Kiểm toán Nhà nước được mời các chuyên gia không thuộc Kiểm toán Nhà nước tham gia Hội đồng. Trong trường hợp đối tượng kiểm toán liên quan đến bí mật nhà nước và an ninh quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước là Chủ tịch Hội đồng.

3. Hội đồng kiểm toán nhà nước tự giải thể khi kết thúc nhiệm vụ.

Điều 26. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kiểm toán nhà nước

Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kiểm toán nhà nước là thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số, ý kiến thiểu số được bảo lưu và báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước. Các ý kiến của thành viên Hội đồng kiểm toán nhà nước được ghi vào biên bản của Hội đồng. Biên bản và các tài liệu khác của Hội đồng kiểm toán nhà nước được bảo quản, lưu giữ trong hồ sơ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Chương 3:

KIỂM TOÁN VIÊN NHÀ NƯỚC VÀ CỘNG TÁC VIÊN KIỂM TOÁN

Điều 27. Chức danh Kiểm toán viên nhà nước

1. Kiểm toán viên nhà nước là công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

2. Chức danh Kiểm toán viên nhà nước gồm các ngạch sau đây:

a) Kiểm toán viên dự bị;

b) Kiểm toán viên;

c) Kiểm toán viên chính;

d) Kiểm toán viên cao cấp.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn và tiêu chuẩn cụ thể của từng ngạch Kiểm toán viên nhà nước do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.

Điều 28. Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm Kiểm toán viên nhà nước

1. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Kiểm toán viên, Kiểm toán viên chính do Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định theo quy định của pháp luật.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Kiểm toán viên cao cấp do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Tiêu chuẩn chung của Kiểm toán viên nhà nước

Kiểm toán viên nhà nước phải có đủ các tiêu chuẩn của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các tiêu chuẩn sau đây:

1. Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;

2. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật hoặc chuyên ngành khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán;

3. Đã có thời gian làm việc liên tục từ năm năm trở lên theo chuyên ngành được đào tạo hoặc có thời gian làm nghiệp vụ kiểm toán ở Kiểm toán Nhà nước từ ba năm trở lên;

4. Đã tốt nghiệp chương trình bồi dưỡng Kiểm toán viên nhà nước và được Tổng Kiểm toán Nhà nước cấp chứng chỉ.

Điều 30. Trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước

1. Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được phân công; đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán trên cơ sở thu thập đầy đủ và đánh giá các bằng chứng kiểm toán thích hợp.

2. Tuân thủ pháp luật, nguyên tắc hoạt động, chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nhà nước và các quy định khác có liên quan của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

3. Chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước và trước pháp luật về những bằng chứng, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị của mình.

4. Thu thập bằng chứng kiểm toán, ghi sổ nhật ký kiểm toán và các tài liệu làm việc khác của Kiểm toán viên nhà nước theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

5. Giữ bí mật thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình kiểm toán.

6. Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước phải xuất trình và đeo thẻ Kiểm toán viên nhà nước.

7. Thường xuyên học tập và rèn luyện để nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp; thực hiện chương trình cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, bảo đảm có đủ năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được giao.

8. Khai báo kịp thời và đầy đủ với người ra quyết định thành lập Đoàn kiểm toán khi có trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này và các tình huống khác làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Kiểm toán viên nhà nước.

9. Khi có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Trường hợp Kiểm toán viên nhà nước không được thực hiện kiểm toán

1. Góp vốn, mua cổ phần hoặc có quan hệ khác về lợi ích kinh tế với đơn vị được kiểm toán.

2. Đơn vị được kiểm toán mà mình đã làm lãnh đạo, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán trong thời hạn ít nhất là năm năm kể từ khi chuyển công tác.

3. Có quan hệ là bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột với người đứng đầu, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán của đơn vị được kiểm toán.

Điều 32. Cộng tác viên kiểm toán

1. Kiểm toán Nhà nước được sử dụng cộng tác viên kiểm toán là các doanh nghiệp kiểm toán, các chuyên gia trong và ngoài nước dưới hình thức hợp đồng thực hiện nhiệm vụ. Kinh phí sử dụng cộng tác viên nằm trong kinh phí hoạt động hàng năm của Kiểm toán Nhà nước.

2. Cộng tác viên kiểm toán có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng;

b) Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước;

c) Chịu trách nhiệm trước Kiểm toán Nhà nước và trước pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ; khi có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể việc sử dụng cộng tác viên kiểm toán.

Chương 4:

HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

MỤC 1: QUYẾT ĐỊNH KIỂM TOÁN

Điều 33. Căn cứ để ra quyết định kiểm toán

Tổng Kiểm toán Nhà nước ra quyết định kiểm toán khi có một trong các căn cứ sau đây:

1. Kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước;

2. Yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

3. Yêu cầu của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đề nghị của các đơn vị được quy định tại khoản 12 Điều 63 của Luật này và các đơn vị không nằm trong kế hoạch kiểm toán hàng năm của Kiểm toán Nhà nước đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước chấp nhận.

Điều 34. Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước

1. Việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các cấp được thực hiện trước khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách.

2. Trong trường hợp đã thực hiện kiểm toán nhưng báo cáo quyết toán ngân sách chưa được Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê chuẩn thì trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước phải tiếp tục làm rõ những vấn đề Quốc hội, Hội đồng nhân dân yêu cầu để trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân vào thời gian do Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định.

3. Việc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương sau khi Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách mà trước đó chưa kiểm toán thì thực hiện theo quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Điều 35. Quyết định kiểm toán

1. Quyết định kiểm toán phải ghi rõ các nội dung sau đây:

a) Căn cứ pháp lý để thực hiện kiểm toán;

b) Đơn vị được kiểm toán;

c) Mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán;

d) Địa điểm kiểm toán; thời hạn kiểm toán;

đ) Trưởng Đoàn kiểm toán và các thành viên khác của Đoàn kiểm toán.

2. Quyết định kiểm toán phải được gửi cho đơn vị được kiểm toán chậm nhất là ba ngày và phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày ký, trừ trường hợp kiểm toán đột xuất.

3. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, nếu cần phải thay đổi nội dung, phạm vi, địa điểm, thời hạn kiểm toán và thành viên Đoàn kiểm toán thì Tổng Kiểm toán Nhà nước phải quyết định bằng văn bản và gửi cho đơn vị được kiểm toán theo thời hạn được quy định tại khoản 2 Điều này.

MỤC 2: LOẠI HÌNH VÀ NỘI DUNG KIỂM TOÁN

Điều 36. Loại hình kiểm toán

1. Loại hình kiểm toán bao gồm:

a) Kiểm toán báo cáo tài chính;

b) Kiểm toán tuân thủ;

c) Kiểm toán hoạt động.

2. Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định loại hình kiểm toán của từng cuộc kiểm toán. Trường hợp kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì loại hình kiểm toán được thực hiện theo yêu cầu.

Điều 37. Nội dung kiểm toán báo cáo tài chính

1. Nội dung kiểm toán báo cáo tài chính đối với các đơn vị được kiểm toán thuộc hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước bao gồm:

a) Tiền và các khoản tương đương tiền;

b) Nguồn kinh phí, quỹ;

c) Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị được kiểm toán;

d) Thu, chi ngân sách nhà nước các cấp;

đ) Kết dư ngân sách nhà nước các cấp;

e) Đầu tư tài chính, tín dụng nhà nước;

g) Nợ và xử lý nợ của Nhà nước;

h) Các tài sản khác là đối tượng kế toán của đơn vị được kiểm toán.

2. Nội dung kiểm toán báo cáo tài chính đối với các đơn vị được kiểm toán thuộc lĩnh vực hành chính, sự nghiệp và các tổ chức khác sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bao gồm:

a) Tiền và các khoản tương đương tiền;

b) Vật tư và tài sản cố định;

c) Nguồn kinh phí, quỹ;

d) Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị được kiểm toán;

đ) Thu, chi và xử lý chênh lệch thu, chi hoạt động;

e) Đầu tư tài chính, tín dụng nhà nước;

g) Các tài sản khác là đối tượng kế toán của đơn vị được kiểm toán.

3. Nội dung kiểm toán báo cáo tài chính đối với các doanh nghiệp nhà nước bao gồm:

a) Tài sản cố định và đầu tư dài hạn; tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn;

b) Nợ phải trả;

c) Vốn chủ sở hữu;

d) Các khoản doanh thu, chi phí kinh doanh, thu nhập khác và chi phí khác;

đ) Thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước;

e) Kết quả và phân chia kết quả hoạt động kinh doanh;

g) Các tài sản khác là đối tượng kế toán của đơn vị được kiểm toán.

Điều 38. Nội dung kiểm toán tuân thủ

1. Tình hình chấp hành Luật ngân sách nhà nước, Luật kế toán, các luật thuế và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Tình hình chấp hành nội quy, quy chế của đơn vị được kiểm toán.

Điều 39. Nội dung kiểm toán hoạt động

1. Tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động.

2. Việc bảo đảm, quản lý và sử dụng các nguồn lực.

3. Hệ thống kiểm soát nội bộ.

4. Các chương trình, dự án; các hoạt động của đơn vị được kiểm toán.

5. Tác động của môi trường bên ngoài đối với tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của đơn vị được kiểm toán.

Điều 40. Quyết định nội dung kiểm toán

Căn cứ mục đích của từng cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định kiểm toán toàn bộ hoặc một số nội dung kiểm toán quy định tại Điều 37, Điều 38 và Điều 39 của Luật này.

MỤC 3: THỜI HẠN KIỂM TOÁN, ĐỊA ĐIỂM KIỂM TOÁN

Điều 41. Thời hạn kiểm toán

1. Mỗi cuộc kiểm toán được thực hiện trong một thời hạn nhất định. Thời hạn của cuộc kiểm toán được tính từ ngày công bố quyết định kiểm toán đến khi kết thúc việc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.

2. Căn cứ nội dung, phạm vi từng cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định cụ thể về thời hạn kiểm toán.

Điều 42. Địa điểm kiểm toán

Việc kiểm toán được thực hiện tại đơn vị được kiểm toán, trụ sở Kiểm toán Nhà nước hoặc tại địa điểm khác. Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định địa điểm kiểm toán.

Trường hợp việc kiểm toán được thực hiện ngoài trụ sở đơn vị được kiểm toán thì đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm chuyển hồ sơ, tài liệu theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

MỤC 4:ĐOÀN KIỂM TOÁN

Điều 43. Thành lập và giải thể Đoàn kiểm toán

1. Đoàn kiểm toán được thành lập để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định thành lập Đoàn kiểm toán theo đề nghị của Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực.

2. Đoàn kiểm toán tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán.

Điều 44. Thành phần Đoàn kiểm toán

Đoàn kiểm toán gồm có Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn, các Tổ trưởng và các thành viên khác. Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định danh sách các thành viên của Đoàn kiểm toán và chỉ định Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán theo đề nghị của Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành hoặc Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực.

Điều 45. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Trưởng Đoàn kiểm toán

1. Trưởng Đoàn kiểm toán có các nhiệm vụ sau đây:

a) Xây dựng, trình Kiểm toán trưởng để trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán trên cơ sở mục tiêu, nội dung và phạm vi kiểm toán đã được ghi trong quyết định kiểm toán; chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch kiểm toán chi tiết của các Tổ kiểm toán;

b) Phân công nhiệm vụ cho Phó trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán; chỉ đạo, điều hành Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt;

c) Tổ chức, kiểm tra việc thực hiện quy chế Đoàn kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán, quy trình, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán, ghi chép và lưu trữ, bảo quản hồ sơ kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

d) Duyệt biên bản kiểm toán của các Tổ kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán. Tổ chức thảo luận trong Đoàn kiểm toán để thống nhất ý kiến về việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán;

đ) Bảo vệ kết quả kiểm toán được ghi trong báo cáo kiểm toán trước Kiểm toán trưởng và cùng Kiểm toán trưởng bảo vệ kết quả đó trước Tổng Kiểm toán Nhà nước; tổ chức thông báo kết quả kiểm toán đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước thông qua với đơn vị được kiểm toán; ký báo cáo kiểm toán;

e) Quản lý các thành viên của Đoàn kiểm toán trong thời gian thực hiện nhiệm vụ kiểm toán;

g) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Kiểm toán trưởng về tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm toán, tình hình và kết quả hoạt động kiểm toán để Kiểm toán trưởng báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Trưởng Đoàn kiểm toán có các quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; yêu cầu kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của đơn vị được kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán; triệu tập người làm chứng theo đề nghị của Kiểm toán viên nhà nước;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến nội dung kiểm toán;

c) Kiến nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước ra quyết định kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác hoặc Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật; kiến nghị với Tổng Kiểm toán Nhà nước niêm phong tài liệu của đơn vị được kiểm toán khi có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sửa đổi, chuyển dời, cất giấu, huỷ hoại tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán;

d) Yêu cầu Phó trưởng đoàn, Tổ trưởng và các thành viên trong Đoàn kiểm toán báo cáo kết quả kiểm toán; khi có ý kiến khác nhau trong Đoàn kiểm toán về kết quả kiểm toán thì Trưởng Đoàn kiểm toán được quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đồng thời báo cáo ý kiến khác nhau đó với Kiểm toán trưởng;

đ) Bảo lưu bằng văn bản ý kiến của mình khác với đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán;

e) Đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị được kiểm toán;

g) Tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ của thành viên trong Đoàn kiểm toán từ Tổ trưởng Tổ kiểm toán trở xuống khi họ có sai phạm làm ảnh hưởng đến hoạt động của Đoàn kiểm toán và báo cáo ngay cho Kiểm toán trưởng; trường hợp có sai phạm nghiêm trọng phải báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước;

h) Đề nghị khen thưởng, kỷ luật đối với Phó trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên khác trong Đoàn kiểm toán khi có thành tích đột xuất hoặc có sai phạm trong thời gian thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

3. Trưởng Đoàn kiểm toán có các trách nhiệm sau đây:

a) Chịu trách nhiệm trước Kiểm toán trưởng và Tổng Kiểm toán Nhà nước về hoạt động của Đoàn kiểm toán;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán;

c) Chịu trách nhiệm liên đới về những hành vi vi phạm của các thành viên trong Đoàn kiểm toán;

d) Bảo đảm điều kiện sinh hoạt và làm việc của Đoàn kiểm toán trong thời gian thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

đ) Chịu trách nhiệm về quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ đối với các thành viên trong Đoàn kiểm toán từ Tổ trưởng trở xuống.

Điều 46. Phó trưởng Đoàn kiểm toán

Phó trưởng Đoàn kiểm toán là người giúp Trưởng Đoàn kiểm toán, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Đoàn kiểm toán và chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn kiểm toán về nhiệm vụ được phân công.

Điều 47. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ kiểm toán

1. Tổ trưởng Tổ kiểm toán có các nhiệm vụ sau đây:

a) Xây dựng kế hoạch kiểm toán chi tiết trình Trưởng Đoàn kiểm toán phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán chi tiết sau khi đã được phê duyệt;

b) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Tổ kiểm toán;

c) Chỉ đạo, điều hành các thành viên trong Tổ kiểm toán thực hiện kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt;

d) Chỉ đạo, kiểm tra việc thu thập bằng chứng kiểm toán; ghi chép nhật ký kiểm toán và các tài liệu làm việc của Tổ kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

đ) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Đoàn kiểm toán về tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm toán, tình hình và kết quả kiểm toán;

e) Tổng hợp kết quả kiểm toán của các thành viên trong Tổ kiểm toán để lập biên bản kiểm toán; tổ chức thảo luận trong Tổ kiểm toán để thống nhất về đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong biên bản kiểm toán;

g) Bảo vệ kết quả kiểm toán được ghi trong biên bản kiểm toán trước Trưởng Đoàn kiểm toán; tổ chức thông báo kết quả kiểm toán đã được Trưởng đoàn thông qua với đơn vị được kiểm toán; ký biên bản kiểm toán;

h) Thừa uỷ quyền Trưởng Đoàn kiểm toán quản lý các thành viên của Tổ kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Tổ trưởng Tổ kiểm toán có các quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán;

c) Bảo lưu bằng văn bản ý kiến của mình khác với đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong biên bản kiểm toán;

d) Báo cáo và kiến nghị biện pháp xử lý những thành viên Tổ kiểm toán có sai phạm để Trưởng Đoàn kiểm toán xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định.

3. Tổ trưởng Tổ kiểm toán có các trách nhiệm sau đây:

a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn kiểm toán về hoạt động của Tổ kiểm toán;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán;

c) Chịu trách nhiệm giải trình các vấn đề có liên quan đến công tác của Tổ kiểm toán theo yêu cầu của Trưởng Đoàn kiểm toán hoặc đơn vị, cá nhân có thẩm quyền;

d) Chịu trách nhiệm liên đới về hành vi vi phạm của các thành viên trong Tổ kiểm toán.

Điều 48. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước

1. Thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước có các nhiệm vụ sau đây:

a) Hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được phân công với Tổ trưởng Tổ kiểm toán;

b) Khi tiến hành kiểm toán chỉ tuân theo pháp luật và những quy định hiện hành về kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tuân thủ nguyên tắc, chuẩn mực, quy trình và các quy định khác về kiểm toán của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

c) Thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán; ghi nhật ký kiểm toán và các tài liệu làm việc khác của Kiểm toán viên nhà nước, lưu giữ, bảo quản hồ sơ kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

d) Chấp hành ý kiến chỉ đạo và kết luận của Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán;

đ) Chấp hành kỷ luật công tác của Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước có các quyền hạn sau đây:

a) Khi thực hiện kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong việc nhận xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán;

b) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán;

c) Sử dụng thông tin, tài liệu của cộng tác viên kiểm toán; xem xét tất cả tài liệu liên quan đến hoạt động của đơn vị được kiểm toán; thu thập và bảo vệ tài liệu và bằng chứng khác; quan sát quy trình hoạt động của đơn vị được kiểm toán;

d) Bảo lưu bằng văn bản ý kiến về kết quả kiểm toán trong phạm vi được phân công; báo cáo Trưởng Đoàn kiểm toán hoặc Kiểm toán trưởng xem xét, nếu không thống nhất thì báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước;

đ) Yêu cầu Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán làm rõ những lý do thay đổi đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị của mình trong biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán;

e) Đề nghị Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán triệu tập người làm chứng để thu thập bằng chứng kiểm toán cần thiết; đề nghị đơn vị được kiểm toán triệu tập họp đơn vị và giải trình về những vấn đề liên quan đến việc kiểm toán; đề nghị mời chuyên gia, cộng tác viên kiểm toán khi cần thiết;

g) Được bảo đảm điều kiện và phương tiện cần thiết để tiến hành kiểm toán có hiệu quả; được đơn vị được kiểm toán bố trí địa điểm làm việc trong trường hợp việc kiểm toán được thực hiện tại đơn vị được kiểm toán;

h) Được pháp luật bảo vệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Điều 49. Nhiệm vụ và trách nhiệm của các thành viên khác của Đoàn kiểm toán

1. Các thành viên khác của Đoàn kiểm toán gồm Kiểm toán viên dự bị và cộng tác viên kiểm toán.

2. Thành viên khác của Đoàn kiểm toán có nhiệm vụ và trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn thành nhiệm vụ theo sự phân công của Tổ trưởng Tổ kiểm toán;

b) Tuân thủ chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước;

c) Chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng Tổ kiểm toán về nhiệm vụ được giao.

MỤC 5: QUY TRÌNH KIỂM TOÁN

Điều 50. Các bước của quy trình kiểm toán

1. Chuẩn bị kiểm toán.

2. Thực hiện kiểm toán.

3. Lập và gửi báo cáo kiểm toán.

4. Kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Điều 51. Chuẩn bị kiểm toán

1. Khảo sát, thu thập thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ, tình hình tài chính và các thông tin có liên quan về đơn vị được kiểm toán.

2. Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và thông tin đã thu thập về đơn vị được kiểm toán để xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán và phương pháp kiểm toán thích hợp.

3. Lập kế hoạch kiểm toán.

Điều 52. Thực hiện kiểm toán

1. Đoàn kiểm toán phải thực hiện kiểm toán đúng đơn vị được kiểm toán, mục tiêu, nội dung, phạm vi, địa điểm và thời hạn kiểm toán được ghi trong quyết định kiểm toán của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Các thành viên Đoàn kiểm toán áp dụng các phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán để thu thập và đánh giá các bằng chứng kiểm toán; kiểm tra, đối chiếu, xác nhận; điều tra đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán làm cơ sở cho các ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán.

Điều 53. Lập và gửi báo cáo kiểm toán

1. Kết thúc năm kiểm toán và kết thúc cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước lập báo cáo kiểm toán ghi rõ các ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán.

Báo cáo kiểm toán được Tổng Kiểm toán Nhà nước hoặc người được Tổng Kiểm toán Nhà nước uỷ quyền ký tên, đóng dấu.

2. Báo cáo kiểm toán bao gồm các loại sau đây:

a) Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán;

b) Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước;

c) Báo cáo kiểm toán năm;

d) Báo cáo kiểm toán đột xuất.

3. Việc lập và gửi báo cáo kiểm toán được thực hiện theo quy định tại Điều 54, Điều 55 và Điều 56 của Luật này.

Điều 54. Lập và gửi báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán

1. Chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày Đoàn kiểm toán kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán phải hoàn thành dự thảo báo cáo kiểm toán gửi Kiểm toán trưởng để Kiểm toán trưởng trình dự thảo báo cáo kiểm toán lên Tổng Kiểm toán Nhà nước chậm nhất là hai mươi ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.

2. Chậm nhất là mười ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm tổ chức xét duyệt, hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm toán và gửi lấy ý kiến của đơn vị được kiểm toán chậm nhất là năm ngày sau khi dự thảo báo báo kiểm toán được xét duyệt và hoàn thiện.

3. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo kiểm toán, đơn vị được kiểm toán phải có ý kiến bằng văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước; quá thời hạn trên, đơn vị được kiểm toán không có ý kiến thì được coi là đã nhất trí với dự thảo báo cáo kiểm toán.

4. Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước gửi cho đơn vị được kiểm toán và các cơ quan có liên quan theo quy định của Tổng Kiểm toán Nhà nước chậm nhất là bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán; trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài, nhưng không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.

5. Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương được gửi cho Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp; đối với báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn được gửi cho Bộ Tài chính.

Điều 55. Lập và gửi báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước

1. Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước được lập trên cơ sở kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, kết quả kiểm toán ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong năm của Kiểm toán Nhà nước.

2. Báo cáo kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước được lập trên cơ sở báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước và tổng hợp kết quả kiểm toán trong năm của Kiểm toán Nhà nước.

3. Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm gửi báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo kiểm toán năm đến Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội chậm nhất là mười sáu tháng sau khi năm ngân sách kết thúc, đồng thời gửi Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Điều 56. Lập và gửi báo cáo kiểm toán đột xuất

Căn cứ vào tính chất của cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước lập và gửi báo cáo kiểm toán đột xuất tới Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 57. Kiểm tra việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán

1. Kiểm toán Nhà nước phải lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về các sai phạm trong báo cáo tài chính và vi phạm pháp luật; thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động và kết quả khắc phục các yếu kém đó theo kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

2. Việc kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán;

b) Tổ chức kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan.

MỤC 6: CÔNG KHAI KẾT QUẢ KIỂM TOÁN VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ KIỂM TOÁN

Điều 58. Công khai báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán

1. Báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi trình Quốc hội được công bố công khai theo quy định của pháp luật.

2. Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức công khai báo cáo kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo các hình thức sau đây:

a) Họp báo;

b) Công bố trên Công báo và phương tiện thông tin đại chúng;

c) Đăng tải trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của Kiểm toán Nhà nước.

Điều 59. Công khai báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán

Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai cùng với báo cáo tài chính theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật kế toán.

MỤC 7: HỒ SƠ KIỂM TOÁN

Điều 60. Hồ sơ kiểm toán

1. Tài liệu của mỗi cuộc kiểm toán đều phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ kiểm toán gồm có:

a) Quyết định kiểm toán;

b) Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách được kiểm toán;

c) Kế hoạch kiểm toán, kế hoạch kiểm toán chi tiết;

d) Nhật ký và tài liệu làm việc của Kiểm toán viên nhà nước, Tổ kiểm toán;

đ) Giải trình của đơn vị được kiểm toán;

e) Biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán của Kiểm toán viên nhà nước;

g) Biên bản kiểm toán;

h) Báo cáo kiểm toán;

i) Các tài liệu khác có liên quan đến cuộc kiểm toán.

2. Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể về hồ sơ kiểm toán.

3. Hồ sơ kiểm toán phải đưa vào lưu trữ trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày phát hành báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán.

4. Thời hạn lưu trữ hồ sơ kiểm toán tối thiểu là hai mươi năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật này.

Điều 61. Bảo quản và khai thác hồ sơ kiểm toán

1. Hồ sơ kiểm toán phải được bảo quản đầy đủ, an toàn và bảo mật.

2. Chỉ được khai thác hồ sơ kiểm toán trong các trường hợp sau đây:

a) Khi có yêu cầu của Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật;

b) Khi có yêu cầu giám định, kiểm tra chất lượng kiểm toán; giải quyết kiến nghị về báo cáo kiểm toán, các khiếu nại, tố cáo, lập kế hoạch kiểm toán kỳ sau và các yêu cầu khác theo quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Điều 62. Tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán

1. Hồ sơ kiểm toán đã hết thời hạn lưu trữ, nếu không có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được tiêu huỷ theo quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

2. Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định thành lập Hội đồng tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán hết thời hạn lưu trữ. Hội đồng tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán phải tiến hành kiểm kê, lập danh mục hồ sơ kiểm toán tiêu huỷ và biên bản tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán hết thời hạn lưu trữ.

3. Việc tiêu huỷ hồ sơ kiểm toán được thực hiện bằng cách đốt cháy, cắt, xé nhỏ bằng máy hoặc bằng phương pháp thủ công, bảo đảm các thông tin, số liệu trong hồ sơ kiểm toán đã tiêu huỷ không thể sử dụng lại được.

Chương 5:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA ĐƠN VỊ ĐƯỢC KIỂM TOÁN

Điều 63. Các đơn vị được kiểm toán

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở trung ương.

2. Cơ quan được giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp.

3. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan khác ở địa phương.

4. Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

5. Đơn vị quản lý quỹ dự trữ của Nhà nước, quỹ dự trữ của các ngành, các cấp, quỹ tài chính khác của Nhà nước.

6. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

7. Đơn vị sự nghiệp được ngân sách nhà nước bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí.

8. Tổ chức quản lý tài sản quốc gia.

9. Ban Quản lý dự án đầu tư có nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

10. Hội, liên hiệp hội, tổng hội và các tổ chức khác được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động.

11. Doanh nghiệp nhà nước.

12. Ngoài cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này, đơn vị nhận trợ giá, trợ cấp của Nhà nước, đơn vị có công nợ được Nhà nước bảo lãnh mà không phải là doanh nghiệp nhà nước có thể thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán; doanh nghiệp kiểm toán phải thực hiện việc kiểm toán theo chuẩn mực, quy trình kiểm toán nhà nước và gửi báo cáo kiểm toán cho Kiểm toán Nhà nước.

Điều 64. Quyền của đơn vị được kiểm toán

1. Yêu cầu Đoàn kiểm toán xuất trình quyết định kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước xuất trình thẻ Kiểm toán viên nhà nước.

2. Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm toán; đề nghị thay thế thành viên Đoàn kiểm toán khi có bằng chứng cho thấy thành viên đó không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

3. Thảo luận, giải trình bằng văn bản về những vấn đề được nêu trong dự thảo báo cáo kiểm toán nếu xét thấy chưa phù hợp.

4. Khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và thành viên khác của Đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật; kiến nghị với Tổng Kiểm toán Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán khi có căn cứ cho rằng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đó là trái pháp luật.

5. Yêu cầu Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 65. Nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán

1. Chấp hành quyết định kiểm toán.

2. Lập và gửi đầy đủ, kịp thời báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án đầu tư; kế hoạch thu, chi; báo cáo tình hình chấp hành và quyết toán ngân sách cho Kiểm toán Nhà nước theo yêu cầu.

3. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

4. Trả lời và giải trình đầy đủ, kịp thời các vấn đề do Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước yêu cầu.

5. Người đứng đầu đơn vị được kiểm toán phải ký biên bản kiểm toán.

6. Thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về sai phạm trong báo cáo tài chính và sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật; thực hiện biện pháp để khắc phục yếu kém trong hoạt động theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện kết luận, kiến nghị đó cho Kiểm toán Nhà nước.

Điều 66. Trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách

1. Kết thúc năm ngân sách, các đơn vị dự toán cấp I của ngân sách trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách cho Bộ Tài chính theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, đồng thời gửi cho Kiểm toán Nhà nước.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước cho Kiểm toán Nhà nước chậm nhất là mười bốn tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.

3. Kho bạc Nhà nước định kỳ gửi báo cáo thực hiện dự toán thu, chi ngân sách quý, năm cho Kiểm toán Nhà nước.

Chương 6:

BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Điều 67. Kinh phí hoạt động của Kiểm toán Nhà nước

1. Kiểm toán Nhà nước có kinh phí hoạt động riêng, là đơn vị dự toán cấp I của ngân sách trung ương. Kinh phí hoạt động của Kiểm toán Nhà nước do Kiểm toán Nhà nước lập dự toán và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

2. Việc quản lý, cấp và sử dụng kinh phí hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đư­ợc thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà n­ước.

Điều 68. Biên chế của Kiểm toán Nhà nước

Tổng biên chế của Kiểm toán Nhà nước do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Điều 69. Đầu tư hiện đại hoá hoạt động kiểm toán nhà nước

Nhà nư­ớc ­có chính sách đầu t­ư phát triển công nghệ thông tin và các phương tiện khác để bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Điều 70. Chế độ đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước

Chế độ tiền lương, phụ cấp, trang phục đối với cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước và chế độ ưu tiên đối với Kiểm toán viên nhà nước do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.

Điều 71. Thẻ Kiểm toán viên nhà nước

1. Thẻ Kiểm toán viên nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước cấp cho Kiểm toán viên nhà nước để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

2. Mẫu thẻ Kiểm toán viên nhà nước và chế độ sử dụng thẻ Kiểm toán viên nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định.

Chương 7:

GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 72. Giám sát hoạt động của Kiểm toán Nhà nước

1. Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát hoạt động và việc sử dụng kinh phí của Kiểm toán Nhà nước.

2. Khi xét thấy cần thiết, Quốc hội thành lập Uỷ ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra về kết quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Điều 73. Xử lý vi phạm

1. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán nhà nước phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân có trách nhiệm xem xét kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.

Điều 74. Giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về kiểm toán nhà nước

1. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của đơn vị được kiểm toán về báo cáo kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước phải xem xét, giải quyết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn này có thể kéo dài, nhưng không quá bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.

2. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về kiểm toán nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 75. Kiểm toán lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Căn cứ vào quy định của Luật này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định việc kiểm toán đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Điều 76. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005.

Nguyễn Văn An

(Đã ký)

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
---------

No. 37/2005/QH11

Hanoi, June 14, 2005

 

NATIONAL ASSEMBLY OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

THE XITH TERM , 7 TH SESSION

From the 5th of May 2005 to the 14th of June 2005

STATE AUDIT LAW

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10 of December 25th, 2001 of the Xth National Assembly, the 10th session;
Pursuant to the Law on Organization of the National Assembly;
This Law regulates on state audit

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Coverage of Regulation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 2. Objects for application

1. The audited entities;

2.The State Audit;

3. Other organizations and individuals concerning to state audit activities.

Article 3. Purposes of audit

State audit activities are aimed at serving the check and supervision of the State on management and utilization of the State budget, money and assets; contributing to practicing thrift, fighting against corruption, losses and wastes, detecting and preventing any legal violations; enhancing efficiency in using the State budget, money and assets.

Article 4. Explanation of terms and expressions

In this Law, the terms and expressions hereunder shall be understood as follows:

1. Audit activities of the State Audit shall mean the check, evaluation and certification over the accuracy and integrity of financial statements; their compliance with law; and the economy, effectiveness and efficiency in management and use of the State budget, money and assets;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Compliance Audit shall mean the form of audit aiming at checking, evaluating and certifying the compliance with law, and any rules and regulations upon which the audited entities are required to follow;

4. Performance Audit shall mean the type of audit aiming at checking and evaluating the economy, effectiveness and efficiency in management and use of the State budget, money and assets;

5. Audit evidence shall mean any document and information concerning to audit having been collected by the State auditors, and is basic to audit evaluation, certification, conclusion and recommendation;

6. Audit reports of the State Audit shall mean documents prepared and published by the State Audit in order to evaluate, certificate, conclude and recommend on contents having been audited;

7. State assets shall mean those properties that are formed with and/or having their origins from the State budget, under the ownership and management of the State, and being accounting objects of the audited entities.

Article 5. Audit objects of the State Audit

Audit objects of the State Audit shall be activities relevant to management and use of the State budget, funds and assets.

Article 6. Responsibilities for the accuracy and integrity of financial statements of agencies and organisations using the State budget, funds and assets

1. To be responsible to law for the accuracy and integrity of accounting data and information on the financial statements issued;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To organise internal audit in line with legal provisions in order to make appraisal on quality and credibility of economic and financial information; to safeguard assets and the execution of law, regulations and policies of the State and the rules and statutes of the entity.

Article 7. Operational principles of the State Audit

1. Independence and abidance by law only;

2. Integrity and objectivity.

Article 8. The State audit standards

1. The State audit standards shall encompass regulations on performance principles, conditions on and requirements for professional ethics, capability and ability of the State auditors; regulations on audit profession and the ways of dealing with relations arisen in the course of audit upon that the State auditors are required to follow while carrying out audit activities; are the basis for checking and evaluating audit quality and professional ethics of the State auditors.

2. The National Assembly Standing Committee shall prescribe the process of designing and issuing system of state audit standards.

3. The State Auditor General shall base on the resolutions of the National Assembly Standing Committee to design and issue the system of state audit standards.

Article 9. Value of audit reports

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The audit reports of the State Audit shall be among the bases which:

a) The National Assembly shall use in the process of considering and deciding on the state budget estimates, and to determine the methods of allocating the central budget, and to decide on the national important projects and works invested by the State budget resources; to review and ratify the State budget settlement and use in the oversight of execution of the State budget, the national financial and monetary policies, the resolutions of the National Assembly on the State budget, the national important projects and works, the socio-economic development programmes, and other important capital construction projects and works;

b) The Government, the state management agencies and other organisations and agencies of the State shall use during the management, operation and implementation of their duties;

c) The People's Councils shall use in the process of considering and deciding the estimates and methods of allocating and overseeing the local budgets; approving the local budget settlements;

d) The People's Courts, the People's Procuracies and investigation agencies shall use in the process of handling acts of violating economic and financial legislations;

e) The audited entities shall implement the audit conclusions and recommendations by the State Audit on irregularities in the financial statements and mistakes concerning the compliance with law; implement corrective methods over weaknesses in their activities detected and recommended by the State Audit.

3. Agencies or competent persons who use the audit conclusions shall decide themselves on the acceptance of audit conclusions of the State Audit and be responsible to law for such decisions.

Once accepted by agencies and/or competent persons, the audit conclusions shall be obliged to follow.

Article 10. The responsibilities of organisations and individuals concerning to state audit activities

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The competent State agencies shall bear responsibility for addressing fully and on time the audit conclusions and recommendations by the State Audit as their receiving the audit reports, and shall send the State Audit a report on the results thereof;

Article 11. Application of International treaty

In case of international treaties on state audit that Vietnam has signed or acceded to have provisions different from those regulated by this Law, the international treaties shall prevail.

Article 12. Forbidden acts

1. The State Audit and the State auditors shall be strictly banned against the following acts:

a) to cause trouble, difficulty and annoyance to the audited entities;

b) to interfere illegally into normal operations of the audited entities;

c) to take brides;

d) to misreport or to report inadequately on audit results;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f) to reveal the State secrets and professional confidentiality of the audited entities;

g) to reveal information on audit conditions and results that have not been officially disclosed yet;

h) other acts forbidden by law.

2. The following acts shall be forbidden towards the audited entities and relevant organisations and individuals:

a) to refuse the provision of information and documents necessary for the audit under the request of the State Audit and the State auditors;

b) to cause obstructions to the work of the State Audit and the State auditors;

c) to report wrongly, untruthfully, insufficiently and impartially on the information concerning the audit of the State Audit;

d) to corrupt and to bribe the State auditors;

e) to conceal acts of violating financial and budgetary regulations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Every organisation and individual shall be strictly forbidden to illegally interfere into the operations of the State Audit.

Chapter II

SECTION 1. LEGAL POSITION, MANDATES, TASKS, POWERS OF THE STATE AUDIT

Article 13. Legal position of the State Audit

The State Audit shall be the agency specializing in the field of checking the State finance established by the National Assembly, performing independently and subject only to law.

Article 14. Mandates of the State Audit

The State Audit shall have mandates for auditing financial statements, the legal compliance and the performance of every agency, institutions managing and using the State budget, funds and assets.

Article 15. Tasks of the State Audit

1. to decide its annual audit plan and report to the National Assembly and the Government prior to the implementation thereof;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. to consider and make decisions on audits at the request of the People's Council’s Standing Boards, and of the People's Committees of the provinces and the centrally-run cities.

4. to submit opinions of the State Auditor General to the National Assembly for reviewing and determining on the State budget estimates, and deciding on methods for the allocation of the central budget and on the national important projects and works, and for ratifying the State budget finalization;

5. to join hands with the Economic and Budgetary Committee of the National Assembly and with other agencies of the National Assembly and the Government in considering and reviewing reports on the State budget estimates, methods of allocating the central budget, ways of adjusting the State budget estimates, methods of arranging funds for the national important projects and programmes decided by the National Assembly, and the State budget finalisation;

6. to work with the National Assembly's Economic and Budgetary Committee, as may be requested, in oversight upon the implementation of laws and resolutions of the National Assembly, resolutions of the National Assembly Standing Committee in the field of finance and banking, and on the supervision of the execution of the State budget and financial policies.

7. to collaborate with the agencies of the Government and the National Assembly, as may be requested, in the preparation and appraisal of law and ordinance projects;

8. to report annually audit results and results of implementing the audit recommendations to the National Assembly, the National Assembly Standing Committee; To send the audit reports to the Council of Nationalities and other Committees of the National Assembly, the State President, the Government, the Prime Minister; And, to provide audit results to the Ministry of Finance, the People's Councils of the audited localities and other agencies as stipulated by law;

9. to organise for the publicity of the reports of audit results under the provisions in Article 58 and 59 of this Law, and other regulations of the legislations on the State finance and budget;

10. to transfer audit profiles to investigation agencies and other competent agencies of the State for examining and dealing with cases having signs of legal violations committed by the organisations and individuals detected through the audit activities;

11. to maintain audit profiles; to keep secret accounting documents, data and information on operation of the audited entities according to the provisions of law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



13. to organise and manage scientific researches, work of training, fostering and developing human resources of the State Audit;

14. to organise examinations and to issue the State auditor certificate;

15. to direct and instruct on internal audit profession and operation, and on the use of internal audit results of agencies and institutions as provided for in Article 6 of this Law;

16. To carry out other tasks as regulated by law.

Article 16. Powers of the State Audit

1. to request audited entities and relevant organizations and individuals to provide fully and on time information and documents necessary for audit work; to ask functional organs for their cooperation to carry out the assigned tasks; to ask the State organs, mass associations, social organizations and citizens for assistance and creation of favorable conditions to do audit tasks;

2. to request the audited entities to implement the conclusions and recommendations of the State Audit concerning the irregularities in their financial statements and on acts of violating the legal compliance; and the recommendations on carrying out corrective actions to weaknesses in operations of the entity detected and recommended by the State Audit;

3. to check the audited entities in their implementing conclusions and recommendation of the State Audit;

4. to recommend to the competent State organs for requesting the audited entities to implement the audit conclusions and recommendations on cases of irregularities in the financial statements and other wrongdoings against the legal compliance; to request for the resolution according to the provisions of law of case of failing to implement or to implement insufficiently and unduly the conclusions and recommendation of the State Audit;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. to ask competent organs to treat, within their scope of competence, organisations and individuals whose actions impede the audit work of the State Audit or who provide distorted, untruthful information and documents to the state auditors and the State Audit;

7. to refer for professional assessment where necessary;

8. to authorize or to hire an audit firm to carry out the audit of organs, organizations enjoying the State budget, funds and property; the State Audit shall bear responsible for the correctness of data, documents and audit conclusions issued by the firm;

9. to recommend to the National Assembly, the National Assembly Standing Committee, the Government, the Prime Minister and other State management agencies for amending and supplementing regimes, policies and laws to turn them into appropriate.

SECTION 2. STATE AUDITOR GENERAL AND STATE DEPUTY AUDITOR GENERAL

Article 17. The State Auditor General

1. The State Auditor General shall be the head of the State Audit and responsible for all the organisations and activities of the State Audit to the National Assembly, the National Assembly Standing Committee and the Government.

2. The State Auditor General shall be elected, dismissed and removed from office by the National Assembly on the proposal of its Standing Committee after discussion and agreement with the Prime Minister; criteria for choosing a State Auditor General shall be regulated by the National Assembly Standing Committee.

3. The tenure of the State Auditor General shall be seven years, being eligible for re-election of not more than two terms.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 18. Responsibilities of the State Auditor General

1. to lead and direct the State Audit to exercise its tasks and powers provided in Articles 15 and Article 16 of this Law;

2. to present reports on audit of the State budget settlement reports to the National Assembly; to bring the annual audit report of the State Audit before the National Assembly when requested so by the National Assembly;

3. to take responsibility subjected to law for all contents of the audit reports of the State Audit;

4. to decide upon and to organise the implementation of specific measures to promote disciplines and rules within state audit operations; to combat corruption, waste and any signs of bureaucratic, high-handed and authoritarian behaviors of the State Audit's officials and staffs;

5. to set rules and regulations on functions, duties, powers and organizational structure of units subordinated to the State Audit;

6. to submit to the National Assembly's Standing Committee for decision the workforce, the establishment, merging and dissolution of the units under the organisational frame of the State Audit;

7. to exercise measures to ensure independence of the audit operation of the State Audit;

8. to review and deal with complaints about auditing reports;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 19. Powers of the State Auditor General

1. to issue audit decisions;

2. to attend the plenary sessions of the National Assembly; the meeting sessions of the National Assembly's Standing Committee and of the Government on relevant issues;

3. to make recommendations to ministers, heads of the government-affiliated agencies, other organs at the central level, chairmen/women of the People's Committees of the provinces and the centrally-governed cities, leaders of the immediate higher level of the audited entities in order to have appropriate treatments within their scope of competence towards the organisations, individuals who have committed acts of impeding the audit activities of the State Audit, of providing false information and incorrect documents to the State Audit, failing to implement or to implement insufficiently the conclusions and recommendations of the State Audit. In case that the conclusions and recommendations of the State Audit are not addressed or addressed unsatisfactorily, the State Auditor General shall petition the competent persons for consideration and treatment thereto according to the provisions of law.

4. to determine on auditing the activities under the request of the entities as provided for in Section 12, Article 63 of this law and of other agencies not present in the annual audit plan of the State Audit.

5. to determine on sealing up the documents and on checking the accounts of the audited entities or of individuals concerned under the request of the leaders of the audit teams.

6. to issue, instruct, review and organise the implementation of the state audit standards; to promulgate decisions, directives and working policies; to set forth auditing professional statutes, processes and methodology to apply for the organisation and operation of state audit; and to provide for specific regulations on audit procedures and profiles.

Article 20. State Deputy Auditor General

1. The State Deputy Auditor General shall be assistant to the State Auditor General and be assigned by the State Auditor General to direct some working domains and shall be accountable to the State Auditor General for the assigned tasks. When the State Auditor General is absent, one State Deputy Auditor General shall be authorized by the State Auditor General to lead the State Audit.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The tenure of the State Deputy Auditor General shall be seven years.

4. The salary and other regimes for the State Deputy Auditor General shall be equal to those of the vice chairmen of the Committees of the National Assembly and shall be determined by the National Assembly's Standing Committee on the basis of the remuneration regimes and policies of the State.

SECTION 3. ORGANISATION OF THE STATE AUDIT

Article 21. Organisational system of the State Audit

1. The State Audit shall be organised and managed in a centralized and unified manner which shall be comprised of the governing organs, the specialized State Audit units, the regional State Audit offices and the non-business units.

2. The National Assembly's Standing Committee shall prescribe in details the organisational structure of the State Audit.

The State Auditor General shall regulate in details on the functions, tasks, powers and organisational framework of the State Audit-affiliated integral units.

 The number of specialised State Audit units and regional State Audit offices at different periods of time shall be defined on the basis of duty requirements being submitted by the State Auditor General to the National Assembly's Standing Committee for decision.

Article 22. Specialised State Audit units

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 23. Regional State Audit offices

The regional State Audit offices shall be directly under the State Audit and shall perform audit of agencies, organisations at the local levels within their geographical area, and to discharge any other audit duties assigned by the State Auditor General. The regional State Audit offices shall have legal person status as well as their own seals, accounts and offices.

Article 24. Chief Auditor and Deputy Chief Auditor

The Chief Auditors shall be heads of the specialised State Audit units and the regional State Audit offices. Being assistant to the Chief Auditors shall be the Deputy Chief Auditors. The Chief and Deputy Chief Auditors shall be appointed, removed from duty and dismissed by the State Auditor General.

SECTION 4. STATE AUDIT COUNCIL

Article 25. Establishment and dissolution of the State Audit Council

1. The State Auditor General shall set up the State Audit Council to provide him advice in his reviewing important audit reports or re-evaluating the audit reports as so requested by the audited entities, and to assist him to handle any petitions pertaining to the audit reports.

2. The State Auditor General shall decide on the establishment of the State Audit Council, and on its membership and working norms. The State Audit Council shall be chaired by one State Deputy Auditor General. Basing on each specific case, the State Auditor General shall be entitled to inviting experts from the outside to join the Council. In such cases that the audit objects are connected with the State secrets and national security, the State Auditor General shall then act as the chairman of the Council.

3. The State Audit Council shall be automatically dissolved by itself after ending its tasks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The working principles of the State Audit Council shall be of collective discussions and of vote in favour of the majority, opinions of the minority shall be reserved and reported to the State Auditor General. Every opinion of the State Audit Council members shall be written down in the minutes of the Council. The minutes and other documents of the State Audit Council shall be kept in custody and maintained in the audit profiles of the State Audit.

Chapter III

STATE AUDITOR AND AUDIT COLLABORATOR

Article 27. The State auditor title

1. The State auditors shall be the State public servants appointed to the audit level to perform audit tasks.

2. The State auditor title shall include the following scales:

a) Probationary auditor;

b) Auditor;

c) Principal auditor;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The specific tasks, powers and criteria of every scale of the State auditors shall be specified by the National Assembly's Standing Committee.

Article 28. Jurisdiction for appointment and dismissal of the State auditor

1. The appointment and dismissal of the Auditors and the Principal Auditors shall be decided by the State Auditor General in conformity with law.

2. The appointment and dismissal of the Senior Auditor shall be decided by the National Assembly's Standing Committee according to the provisions of law.

Article 29. General criteria for the State auditor

The State auditors shall be satisfied with the requirements for criteria applied for public cadres and officials according to the provisions of the legislations on public cadres and officials, and shall have the following criteria:

1. to have good moral qualities and sense of responsibility, probity, honesty and objectivity;

2. to possess at least one university degree or higher in one of the fields of audit, accounting, finance, banking, economics, law or in other fields directly relating to the audit activities;

3. to have working experiences in a continuous manner for five years or longer in the field that he or she has been trained, or to have working duration in the audit profession at the State Audit for at least three years.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 30. Duties of the State auditors

1. To perform audit tasks and to bear responsibility to the head of his/her audit group, to the leader of his/her audit team for the performance of the assigned audit tasks; to provide appraisal, certification, conclusions and recommendations on those contents audited on the basis of sufficiently collecting and properly evaluating the audit evidences.

2. to conform with the legal provisions, operational principles, standards, processes, professional methodology concerning state audit and any other applicable regulations by the State Auditor General.

3. to be accountable to the State Auditor General and law for the evidences, appraisals, verifications, conclusions and recommendations provided by him/her.

4. to collect audit evidences and to take notes in the audit diaries and other working documents of the State auditors as provided for by the State Auditor General.

5. to keep in secret all information, document gathered in the course of audit.

6. as performing audit tasks, the State auditors shall be required to present and to wear his/her State auditor card.

7. to study and to train himself/herself on a regular manner to improve professional knowledge, skills and ethics; to follow the annual knowledge updating programmes as regulated by the State Auditor General in order to guarantee himself/herself to be capable and competent sufficiently for his/her assignments.

8. to declare in a timely and sufficient manner to the person who will issue the decision on establishment of the audit team in cases prescribed in Article 31 of this Law and on other circumstances that can affect the independence of the State auditors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 31. Circumstances the State auditors disallowed to perform audit

1. to have joined capitals to, to buy stocks of, and/or to have other relations of interest with the audited entities;

2. The entities where he/she had been the leader, chief accountant or in charge of accounting issues for the time limit of at least five years since his/her shift of work.

3. to have relationship as the father, mother, adoptive parents, parents in law, wife, husband, children, brother and sister with the leader, chief accountant or person in charge of accounting affairs of the audited entities.

Article 32. Audit Collaborators

1. The State Audit shall be empowered to use the Audit Collaborators being audit businesses, the local and foreign experts under the form of a duty contract. The budget for using the Collaborators shall be part of the State Audit's annual budget.

2. The Audit Collaborators shall bear the following rights and obligations:

a) to implement the rights and obligations under the contract;

b) to strictly abide by the provisions of the legislations on state audit;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The State Auditor General shall specify in details the use of audit collaborators.

Chapter IV

STATE AUDIT ACTIVITIES

SECTION 1. AUDIT DECISION

Article 33. Foundations for issuing the audit decision

The State Auditor General shall issue the audit decision based on one of the following bases:

1. The annual audit plan of the State Audit;

2. The requests from the National Assembly, the National Assembly Standing Committee, the Government, and the Prime Minister;

3. The requests of the Standing Board of the People's Councils or the People's Committees of the provinces or centrally-governed cities; The proposals of the entities as provided for in Clause 12, Article 63 of this Law and of other entities not present in the annual audit plan of the State Audit already approved by the State Auditor General.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The audit of the State budget settlement reports of all levels shall be implemented prior to the National Assembly, the People's Councils ratifying the State budget settlement.

2. In case that such audits have been done but the budget settlement reports have not been ratified yet by the National Assembly/the People's Councils, the State Audit, within its scope of powers and jurisdictions, shall be required to continue to make clear any issues as so requested by the National Assembly, the People's Councils for submission to the National Assembly and the People's Councils at the time decided by them.

3. The audit of the local budget settlement reports that the People's Council has previously ratified which yet to be audited, shall be carried out according to the decision of the State Auditor General.

Article 35. Audit decision

1. The audit decision shall clearly define the following contents:

a) the legal basis for conducting the audit;

b) the audited entities;

c) the objectives, contents and scope of the audit;

d) the audit site and timing;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The audit decision shall be sent to the audited entities within at least three days and must be announced within at least fifteen days since its date of signature, excepting for case of unscheduled audit;

3. During the course of audit, if it is deemed necessary to change the contents, scope, location and timing of the audit, and the membership of the audit team, the State Auditor General shall be required decide in writing thereof and send the decision to the audited entities in compliance with the timing specified in Paragraph 2 of this Article.

SECTION 2. TYPES AND CONTENTS OF AUDIT

Article 36. Types of audit

1. Types of audit shall include:

a) the financial audit;

b) the compliance audit;

c) the performance audit.

2. The State Auditor General shall decide on the type of each audit. In case of audit at the request of the National Assembly, the National Assembly Standing Committee, the Government, the Prime Minister, the Standing Committee of the People's Councils or the People's Committees of the Provinces and centrally-managed cities, the type of audit shall be as so requested.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The contents of the financial audit on the audited entities in the fields of the State budget revenues and expenditures shall include:

a) money and the equivalents;

b) materials and fixed assets;

c) financial resources, funds;

d) payments in and out of the audited entities;

e) the revenues and expenditures of the State budget at all levels;

f) the balance of the State budget at all levels;

g) the financial investments and credits from the State;

h) the debts and debt settlements of the State;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The contents of audit on financial statements of entities in the administrative and non-business fields and other institutions using the State budget shall include:

a) money and the equivalents;

b) materials and fixed assets;

c) financial resources and funds;

d) payments inside and outside the audited entity;

e) revenues, expenditures and settlements of revenue and expenditure discrepancies, and operation expenses;

f) the financial investments and credits from the State;

g) other assets being the accounting objects of the audited entity.

3. The contents of audit on the financial statements of the State-run enterprises shall include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) debts payable;

c) owner's capital;

d) incomes, trading expenses, other revenues and expenditures.

e) taxes and payables to the State;

f) outcomes and distribution of trading outcomes;

g) other assets being the accounting objects of the audited entity.

Article 38. Contents of the compliance audit

1. The situation of execution of the State Budget Law, Law on Accounting, legislations on taxation and of other applicable legal documents;

2. the conformity with the internal rules and policies of the audited entities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. the situation of implementation of the operational targets and duties;

2. the safeguard, management and utilisation of resources;

3. the system of internal control;

4. the programmes, projects and activities of the audited entities;

5. the effects of the external environment to the economy, effectiveness and efficiency of the audited entities' performance.

Article 40. Decision on audit contents

On the basis of the objectives of each audit, the State Auditor General shall decide whether to audit the entire or a number of parts of the audit contents specified in Article 37 to Article 39 of this Law.

SECTION 3. AUDIT DURATION AND AUDIT LOCATION

Article 41. Audit duration

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Based on the contents and scope of each audit, the State Auditor General shall specify in details on the duration of the audit.

Article 42. Audit location

The audit work shall be exercised at the audited entities, the head office of the State Audit or at other locations. The State Auditor General shall decide on the audit location.

In case that the audit work is done outside the audited entity's head-office, the audited entity shall be responsible for having relevant documents and files transferred as so specified by the State Auditor General.

SECTION 4. AUDIT TEAM

Article 43. Establishment and dissolution of the audit team

1. The audit team shall be established to perform the audit tasks of the State Audit. The State Auditor General shall decide on the establishment of the audit team on the proposal of the Chief Auditor of the specialized audit units or regional audit offices.

2. The audit team shall be dissolved or liquidated by itself after completing its audit tasks, but shall remain its responsibilities for its appraisals, certification, conclusions and recommendations in the audit reports.

Article 44. Membership of the audit team

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 45. Duties, powers and responsibilities of the audit team leader

1. The leader of the audit team shall have the following duties:

a) to design and submit to the Chief Auditor in order for being given in to the State Auditor General for approval the audit plan of each audit, which are based on its objectives, contents and scope defined in the audit decision; and, to direct the preparation and approve the detailed audit plans of the audit groups;

b) to assign tasks to his Assistant, heads of the audit groups; to instruct and monitor the audit team in performing audits according to the approved audit plan.

c) to organise and review the implementation of the audit team statutes and the applicable standards, procedures, professional methodology of audit, the recording and maintaining of audit profiles as regulated by the State Auditor General.

d) to approve the audit minutes of audit groups and to prepare audit reports of the audit team, and to organise for discussions within the audit team in order to have a unanimity one the comments, certifications, conclusions and recommendations to be presented in the audit report.

e) to safeguard the audit results written in the audit report to the Chief auditor and together with the Chief auditor to safeguard these results to the State Auditor General; to organise for the announcement of the audit results already approved by the State Auditor General to the audited entities, and to sign the audit reports;

f) to manage all members of the audit team during the implementation of the audit tasks;

g) to report, periodically and unperiodically at request of the Chief auditor, on progress of implementing the audit plan, situation and results of audit activities to the Chief auditor for his reporting to the State Auditor General.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a) to request the audited entities to provide information, documents in need, and to explain issues pertaining to the audit contents; to request for counting assets and comparing liabilities of the audited entities relating to the audit contents; to convene witnesses at the request of the State auditors;

b) to ask organisations and individuals concerned to provide documents, information relevant to the audit contents;

c) to petition the State Auditor General for issuing decision on checking accounts of the audited entities or of individuals concerned at banks, other credit institutions or at the State Treasury under the provisions of applicable laws; to petition the State Auditor General for sealing off documents of the audited entities when there are acts of violating law or of changing, dismantling, hiding and ruining documents involving the audit contents;

d) to request the Assistant, the heads of the audit groups and other members of the audit team to report on audit results; In case that different opinions on audit results existed within the audit team, the leader of the audit team shall be empowered to impose decisions and be accountable for his/her decisions, and at the same time, to report these varied opinions to the Chief auditor.

e) to reserve in writing his/her opinions those differentiate from the appraisals, certifications, conclusions and recommendations contained in the audit reports.

f) to suggest to the State Auditor General petitions to competent state agencies for treatments to acts of violating law committed by the audited entities;

g) to temporarily suspend the team members, for the positions of heads of audit groups downwards, from performing audit tasks when they have committed such violation acts that influence the operation of the audit team, and to instantly make reports to the Chief auditor; with case of serious offences, to the State Auditor General;

h) to propose commending and awarding or disciplining the Assistant leader, heads of audit groups and other members of the audit team when they record unexpected achievements or commit mistakes in the process of audit.

3. The leader of the audit team shall have the following responsibilities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) to be accountable to law for the correctness, integrity, objectivity of appraisals, certification, conclusion and recommendations in the audit report prepared by the audit team.

c) to assume joint liability for offences committed by the team members;

d) to assure living and working conditions for the audit team during the audit in compliance with the provisions by the State Auditor General;

e) to answer for decision on the temporary suspension of task implementation of the team members from the position of heads of groups downwards;

Article 46. Assistant leaders of the audit team

Assistant leader of an audit team shall be assistant to the team leader and shall discharge such duties as assigned by the team leader and be responsible to the team leader for performing the assigned tasks.

Article 47. Duties, powers and responsibilities of heads of audit groups

1. The heads of the audit groups shall have the following duties:

a) to prepare the detailed audit plans to be submitted to the audit team leader for approval and to organise for the implementation of the approved plan;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) to instruct and steer the group members to implement the audit in line with the approved audit plan;

d) to direct and monitor the collection of audit evidences, maintenance of audit diaries and other working documents of the audit groups and the State auditors as provided for by the State Auditor General;

e) to make reports periodically or at the request of the audit team leader on the progress of implementing the audit plan, situation and results of the audit;

f) to synthesize audit results from the members of the group in order to prepare audit minutes; to arrange for discussions within the audit group for a unanimity of the appraisals, certifications, conclusions and recommendations stated in the audit minutes

g) to safeguard the audit results contained in the audit minutes to leader of audit team; to hold for discussions within the group for a unanimity of the certifications, conclusions and recommendations in the audit minutes; to sign the audit minutes;

h) to base himself/herself on the powers authorized by the audit team leader to manage all members of the audit group as regulated by the State Auditor General.

2. The head of audit groups shall have the following powers:

a) to request the audited entities for timely and sufficient provision of information and documents deemed necessary and for explanations of issues relating to the contents of the audit;

b) to request the relevant organisations and individuals to furnish information and documents connecting to the contents of the audit;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d) to report on and propose for measures to deal with members of the group who commit mistakes in order that the audit team leader may consider and solve according to his/her competence or to propose for a resolution as required by the law;

3. The head of audit group shall have the following responsibilities:

a) to be responsible to the audit team leader for activities of the audit group;

b) to take responsibility to the law for the correctness, integrity, objectivity of the appraisals, certification, conclusion and recommendations in the audit minutes prepared by the audit group.

c) to be accountable for explanations on issues concerning the activities of the audit group as so requested by the audit team leader or by other competent units and individuals;

d) to be subjected to joint liability for offences committed by members of the audit group.

Article 48. Duties, powers of members of audit teams being state auditors

1. Members of the audit team being state auditors shall have the following duties:

a) to complete audit tasks and to report results of his/her carrying out the assigned audit tasks to the head of the audit group;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c) to gather and evaluate audit evidences; to maintain audit diaries and other working documents of the state auditors; to remain audit profiles as regulated by the State Auditor General;

d) to comply with the directive opinions and conclusions of the head of the audit group and the leader of the audit team;

e) to obey working rules of the audit group and the audit team under applicable provisions by the State Auditor General.

2. Members of audit team being the state auditors shall have powers as follow:

a) in conducting the audit, the State auditors shall be empowered with rights to be independent and to comply only with law whilst making comments, appraisals, conclusions and recommendations on the areas audited;

b) to request the audited entities and organisations and individuals concerned to provide in a timely and sufficient manner information and documents pertaining to the audit contents;

c) to use information and documents of the audit collaborators; to review all documents relating to activities of the audited entities; to gather and safeguard other documents and proofs; to observe the process of operation of the audited entity.

d) to reserve in writing his/her own opinions on the audit results within the designated coverage; to report them to the leader of the audit team or the Chief Auditor for consideration, or to the State Auditor General if still not unanimous.

e) to require the leader of the audit team or head of the audit group to make clear reasons for changing his/her appraisals, certifications, conclusions and recommendations in the audit minutes and audit reports;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



g) to be guaranteed with necessary conditions and facilities for performing the audit in an effective manner; to be arranged with working locations in case that the audit is implemented at the audited entity;

h) to be safeguarded by law in the process of executing audit tasks.

Article 49. Tasks and duties of other members of the audit team

1. Other members of the audit team shall include probationary auditors and audit collaborators;

2. Other members of the audit team shall have the following tasks and duties:

a) to fulfill the tasks assigned by the head of the audit group;

b) to comply with the professional standards, procedures and methodologies on audit of the State Audit;

c) to be responsible to the head of the audit group for the assigned tasks.

SECTION 5. AUDIT PROCEDURES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. the preparation of audit;

2. the implementation of audit;

3. the preparation and submission of audit report;

4. the review of the implementation of audit conclusions and recommendations.

Article 51. Preparation of audit

1. to do survey and collect information on the internal control system, financial situation and other relevant data of the audited entity;

2. to appraise the internal control system and information collected on the audited entity in order to define appropriate objectives, contents, scope of the audit, and the audit methodology as well;

3. to prepare the audit plan.

Article 52. Implementation of audit

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Members of an audit team shall use audit professional methods to collect and judge audit evidences; to do checks, comparisons and certifications; to investigate organisations and individuals relating to the audit activities to set foundations for forming comments, certifications, conclusions and recommendations on the contents audited;

Article 53. Preparation and submission of the audit report

1. At the end of the audit year and at the end of the audit, the State Audit shall prepare audit reports which shall clearly define possible opinions of appraisals, certifications, conclusions and recommendations about the contents audited;

The audit reports shall be signed and sealed by the State Auditor General or by persons authorised by him.

2. The audit reports shall be of the following forms:

a) the audit report of an audit;

b) the report on audit of the State budget settlement;

c) the annual audit report;

d) the unscheduled audit report.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 54. Preparation and submission of the audit report of an audit

1. Within at most 15 days as from the audit team completes its audit at the audited entity, the audit team leader shall be required to finalize a draft audit report for submission to the Chief Auditor, which shall be laid before the State Auditor General no later than 20 days since the date of completion of the audit at the audited entity;

2. Within at most ten days since the date of receiving the draft audit report, the State General Auditor shall be responsible for organizing for review, completion of the draft audit report and send for feedback comments from the audited entity no later than five days after the draft audit report has been reviewed and completed;

3. Within seven days as from the date of receiving the draft audit report, the audited entity must provide its opinions in writing to the State Audit; beyond this time limit, if the audited entity does not provide any comments thereof, they shall be considered to be unanimous with the draft audit report;

4. The audit report of an audit shall be sent to the audited entity and agencies concerned in compliance with the regulations by the State Auditor General within at most forty five days since the date of completion of the audit at the audited entity; In special cases, it can be extended but not longer than sixty days since the date of completion of the audit at the audited entity.

5. The reports on the audit of the local State budget settlements shall be transmitted to the People's Council and the People's Committee at the same level; as for the reports on the audit of the State budget settlements of provinces and centrally-managed cities, they shall be also sent to the Ministry of Finance.

Article 55. Preparation and submission of the report on the audit of the State budget settlements and the State Audit's annual audit report

1. The report on the audit of the State budget settlements shall be prepared on the basis of the outcomes of auditing the State budget settlements, the results of the audit of the central State budget and local State budget during the year by the State Audit;

2. The annual audit report of the State Audit shall be prepared on the basis of the reports on the audit of the State budget settlements and of the synthesis of the audit results during the year by the State Audit;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 56. Preparation and submission of the unscheduled audit reports

Basing on the nature of the audit, the State Audit shall prepare and send the unscheduled audit reports to the National Assembly, the National Assembly Standing Committee, the Council of Nationalities, other Committees of the National Assembly, the State President, the Government and the Prime Minister.

Article 57. Review of the implementation of audit conclusions and recommendations

1. The State Audit shall be required to design plans and organise for the review of the audited entities in term of timely and sufficient implementation of the conclusions, recommendations of the State Audit on errors and mistakes in the financial statements and on legal violations; and of deploying corrective measures on weaknesses in the operation and the results of addressing thereof according to the conclusions of the State Audit.

2. The review of the implementation of the audit conclusions and recommendations shall be carried out in the following forms:

a) to request the audited entities to report in writing on results of implementing the audit conclusions and recommendations;

b) to organise for checking the implementation of the audit conclusions and recommendations at the audited entity and other organisations, agencies and units concerned.

SECTION 6. DISCLOSURE OF AUDIT RESULTS AND RESULTS OF IMPLEMENTING AUDIT CONCLUSIONS AND RECOMMENDATIONS

Article 58. Public disclosure of the annual audit report and report on implementing the audit conclusions and recommendations

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The State Auditor General shall arrange for disclosing the annual audit reports and reports on the results of implementing the audit conclusions and recommendations by the following means:

a) press conference;

b) announcements on the Public Gazettes and on the mass media;

c) posting on the internet website and other publications of the State Audit.

Article 59. Disclosure of the audit report of an audit

The audit report of an audit, after being published shall be disclosed to the public together with the concerned financial statements as prescribed by the provisions of the State Budget Law and the Law on Accounting.

SECTION 7. AUDIT PROFILE

Article 60. Audit profile

1. The documents relating to audits shall be documented into profiles. The audit profiles shall be comprised of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b) the financial statements and State budget settlement reports being audited;

c) the audit plan and detailed audit plans;

d) the diaries and working files of the State auditors and audit teams;

e) the explanations by the audited entity;

f) the minutes of confirmation on data and audit situations of the State auditors;

g) the audit minutes;

h) the audit report;

i) other documents relating to the audit.

2. The State Auditor General shall issue detailed regulations on audit profiles.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The timing for archiving audit profiles shall be at least 20 years, except for cases as regulated in Clause 1, Article 62 of this Law.

Article 61. Maintenance and exploitation of audit profiles

1. The audit profiles shall be maintained in a sufficient, safe and confidential manner.

2. The exploitation of the audit profiles shall be done only in the following cases:

a) as so requested by the courts, procuracies, investigation agencies and other institutions under the provisions of law;

b) as so requested for assessing and checking the audit quality; resolving petitions on the audit reports, or any relevant complaints and denouncements, and for planning the successive audits, and at other requests as specified by the State Auditor General.

Article 62. Destruction of audit profiles

1. The audit profiles which has gone beyond the storage time limit and if there is no otherwise decision by the competent agencies of the State shall be destructed according to the decision by the State Auditor General.

2. The State Auditor General shall make decisions on the establishment of the Council for Destruction of Expired Audit Profiles. The Council shall be required to make reckoning on and to set up a list of the audit profiles to be destructed, and a minutes of destruction.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter V

 RIGHTS AND OBLIGATIONS OF THE AUDITED ENTITIES

Article 63. The audited entities

1. Ministries, ministerial-level agencies, Government-affiliated agencies and other agencies at the central level.

2. Institutions assigned with duties of the State budget revenues and expenditures at all levels.

3. People’s councils, people’s committees at all levels and other agencies at the local levels.

4. Units of the people’s armed forces.

5. Units in charge of the reserve funds of the State, branches and levels, and other financial funds of the State.

6. Political organizations, socio-political organizations, political socio-professional organizations as well as social-professional organisations using resources from the State budget.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. National property management institutions.

9. Management boards of investment projects financed by the State budget or having resources from the State budget.

10. Associations, inter-associations, general associations and other organisations financed partly by the State budget.

11. The State-owned enterprises.

12. Apart from institutions prescribed in Clauses 1 to 11 of this Article, also including the entities subsidized by the State budget, whose liabilities are guaranteed by the State but being not the State-owned enterprises who can hire audit companies to perform audit; the audit businesses shall be required to comply with the state audit standards and procedures and to send audit reports to the State Audit.

Article 64. Rights of the audited entities

1. to request the audit team to present the audit decision, and the state auditors to show the state auditor card.

2. to refuse to provide information, documents not relating to audit contents; to request for substitution of any member of the audit team as there is evident that he/she is impartial during his/her discharging the duties.

3. to discuss and present in writing on the issues contained in the draft audit reports if considered unsatisfied.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. to request the State Audit, the State auditors to compensate for damages if their causing damages to the audited entity according to the provisions of law.

6. to perform other rights as regulated by law.

Article 65. Obligations of the audited entities

1. to abide by the audit decision;

2. to prepare and transmit in an adequate and timely manner the financial statements, investment project consolidated reports, income and expense plans, budget execution and finalisation reports to the State Audit as so requested.

3. to provide in full and on time the information and documents necessary for performing the audit work at the request of the State Audit and the State auditors, and to be responsible to law for the accuracy, integrity and objectivity of the information and documents provided.

4. to answer and explain in an adequate and timely manner any questions raised by the audit team and the State auditors.

5. the leader of the audited entity is required to sign in the audit minutes.

6. to execute in an adequate and timely manner the conclusions and recommendations of the State Audit on errors in the financial statements and on any irregularity concerning legal compliance; to apply measures to improve weakness in operation according to the conclusions and recommendations of the State Audit; to report in writing on the execution of the conclusions and recommendations to the State Audit.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. At the end of a budget year, all budget-estimating units level 1 of the central budget, the People's Councils of provinces and centrally-governed cities shall be responsible for sending their financial statements and their budget settlement reports to the Ministry of Finance as so stipulated by the State Budget Law, and concurrently to the State Audit.

2. The Ministry of Finance shall be responsible for sending the State budget consolidated settlement reports to the State Audit within the latest fourteen months since the end of the budget year.

3. The State Treasury shall send periodical reports on the execution of the State budget revenues and expenditures estimates in a quarterly and yearly manner.

Chapter VI

ASSURANCE FOR THE STATE AUDIT OPERATIONS

Article 67. Operational budget of the State Audit

1. The State Audit shall have its own operational budget and be a budget-estimating unit level 1 of the central budget. The budget for the operation of the State Audit shall be upon its estimating and requesting the Government to submit to the National Assembly for decision.

2. The management, allocation and utilisation of the operational budget of the State Audit shall be implemented in compliance with applicable provisions of the legislation on the State budget.

Article 68. Staff members of the State Audit

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 69. Investment for the modernized state audit operations

The State shall have investment policies on the development of the information technology and other facilities to insure for the organisation and operations of the State Audit to meet requirements for international integration.

Article 70. Policies on the officials and public servants of the State Audit

The policies on the salary, subsidies and costumes of the officials and public servants of the State Audit, and other preferential treatments to the State auditors shall be stipulate by the National Assembly Standing Committee.

Article 71. State auditor card

1. The State auditor card shall be issued by the State Auditor General to the State auditors for using during the implementation of their audit tasks.

2. The pattern of the State auditor card and rules on using the State auditor card shall be provided for by the State Auditor General.

Chapter VII

OVERSIGHT OF THE STATE AUDIT OPERATIONS, VIOLATION TREATMENT AND COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS RESOLUTION

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The National Assembly, the National Assembly Standing Committee, the Council of Nationalities, Committees of the National Assembly, missions of the National Assembly deputies, the National Assembly deputies shall be responsible, according to their mandates, duties and powers, for supervising the operation and utilisation of the budget of the State Audit.

2. When deemed necessary, the National Assembly shall set up an Interim Committee to do survey and review on the operation results of the State Audit.

Article 73. Treatment to violations

1. All act of violating the legislation on state audit shall be strictly treated in a timely manner.

2. Investigation agencies, the People's Procuracies, the People's Courts shall be responsible for reviewing the recommendations of the State Audit in order to deal with legal violations within their scope of competence.

Article 74. Resolution of the petitions, complaints and denouncements against the State Audit

1. Within thirty days as from the date of receiving petitions of the audited entity concerning the audit reports, the State Auditor General shall be required to review and resolve thereof. With cases of complexity, the above time limit could be extended, but no longer than forty days since the date of receiving the petitions.

2. The complaint, denunciation about the State audits and the settlement thereof shall be implemented in compliance with the provisions of the law on complaint and denunciation.

Chapter VIII

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 76. Implementation effect

This Law shall take implementation effect as from the 1st of January, 2006.

This Law was passed by the XIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its seventh session on the 14th of June, 2005.

 

 

NATIONAL ASSEMBLY
CHAIRMAN





Nguyen Van An

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Kiểm toán Nhà nước 2005

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


24.706

DMCA.com Protection Status
IP: 23.248.239.66
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!