BỘ GIAO
THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
24/VBHN-BGTVT
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2019
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm
2015 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay được sửa đổi,
bổ sung bởi:
Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm
2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong
lĩnh vực hàng không dân dụng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016;
Nghị định số 44/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm
2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu
hạ tầng hàng không có hiệu lực kể từ ngày 13 tháng 3 năm 2018.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày
29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không
dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm
2013;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm
2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải,
Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay.[1]
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định chi
tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam, bao gồm:
Nguyên tắc và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến quản lý, khai
thác cảng hàng không, sân bay; quy hoạch và thực hiện quy hoạch cảng hàng
không, sân bay; thủ tục mở, đóng cảng hàng không, sân bay; quản lý hoạt động
khai thác tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận; sân bay dùng chung
dân dụng và quân sự; bán, thế chấp, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn
liền với đất cảng hàng không, sân bay; hoạt động kinh doanh tại cảng hàng
không, sân bay.
2. Nghị định này áp dụng đối với
tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến quản lý,
khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
1. Người khai thác cảng
hàng không, sân bay là tổ chức được cấp giấy chứng nhận khai thác cảng hàng
không, sân bay.
2. Kết cấu hạ tầng cảng hàng
không bao gồm:
a) Kết cấu hạ tầng sân bay;
b) Công trình cung cấp dịch vụ
bảo đảm hoạt động bay;
c) Công trình phục vụ bảo đảm
an ninh hàng không, khẩn nguy sân bay;
d) Công trình hàng rào cảng
hàng không; đường giao thông nội bộ trong cảng hàng không; công trình cấp điện;
công trình cấp, thoát nước; công trình chiếu sáng;
đ) Công trình nhà ga hành
khách, nhà ga hàng hóa;
e) Công trình cung cấp dịch vụ
phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, trang
thiết bị hàng không; dịch vụ kỹ thuật hàng không; dịch vụ suất ăn hàng không; dịch
vụ xăng dầu hàng không, nhiên liệu tàu bay.
3. Kết cấu hạ tầng sân bay bao
gồm các công trình: Đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và các công trình, khu
phụ trợ của sân bay; phòng, chống cháy nổ; hàng rào sân bay; đường giao thông nội
bộ trong sân bay; công trình bảo vệ môi trường và các công trình khác thuộc khu
bay.
4. Tài sản gắn liền với đất
tại cảng hàng không, sân bay là các công trình thuộc kết cấu hạ tầng cảng
hàng không, sân bay được đầu tư xây dựng trên đất tại cảng hàng không, sân bay.
5. Cho thuê kết cấu hạ tầng
cảng hàng không, sân bay là việc chủ sở hữu giao quyền quản lý, khai thác công
trình thuộc kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay có thời hạn cho người thuê
để cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không tương ứng, có thu tiền theo quy định
tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
6. Công trình được đầu tư
xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước là công trình được đầu tư xây dựng trong
đó nguồn vốn nhà nước chiếm từ 30% tổng mức đầu tư trở lên.
7. Công trình được đầu tư
xây dựng bằng nguồn vốn khác là công trình được đầu tư xây dựng không bằng nguồn
vốn nhà nước.
Điều 3.
Nguyên tắc quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay
1. Bảo đảm nhiệm vụ quốc
phòng, an ninh; bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Bảo đảm phối hợp chặt chẽ,
đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay; giữa
các cơ quan, đơn vị hàng không dân dụng và quân sự liên quan đến sân bay dùng
chung dân dụng và quân sự.
2. Bảo đảm dây chuyền hoạt động
cảng hàng không, sân bay thống nhất, đồng bộ, liên tục, hiệu quả. Bảo đảm cạnh
tranh lành mạnh, văn minh, lịch sự, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hàng
không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay. Bảo vệ trật tự và lợi ích công cộng,
lợi ích của khách hàng; bảo vệ môi trường.
3. Bảo đảm sự phát triển đồng bộ
hệ thống cảng hàng không, sân bay phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
phát triển giao thông vận tải, quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng hàng không,
sân bay, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương, xu
thế phát triển hàng không dân dụng quốc tế và đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải
hàng không của Việt Nam.
4. Trong trường hợp cần thiết
vì mục đích quốc phòng, an ninh, tìm kiếm, cứu nạn, ứng phó thảm họa, thiên
tai, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quyết định trưng
dụng một phần hoặc toàn bộ kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay có bồi thường
theo quy định của pháp luật.
Điều 4.
Trách nhiệm của người khai thác cảng hàng không, sân bay
1. Duy trì đủ điều kiện cấp giấy
đăng ký, giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay; chủ trì điều phối
việc đảm bảo chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay.
2. Quản lý, khai thác đồng bộ kết
cấu hạ tầng, trang bị, thiết bị của cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi được
giao quản lý đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, tài liệu khai thác cảng
hàng không, sân bay; duy trì khai thác cảng hàng không, sân bay theo tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật áp dụng; phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an
ninh hoặc phòng, chống dịch bệnh tại cảng hàng không, sân bay.
3. Ký hợp đồng giao kết khai
thác theo quy định với doanh nghiệp được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép
cung cấp dịch vụ hàng không tương ứng tại cảng hàng không, sân bay.
4. Thực hiện bảo trì, bảo dưỡng
kết cấu hạ tầng, trang bị, thiết bị của cảng hàng không, sân bay thuộc phạm vi
được giao quản lý theo quy định.
5. Thực hiện việc tuyên truyền,
phổ biến pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.
Điều 5.
Trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam
1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
của Nhà chức trách hàng không đối với hoạt động tại cảng hàng không, sân bay
theo quy định.
2. Triển khai và giám sát thực
hiện quy hoạch cảng hàng không, sân bay được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức
lập và trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng
hàng không, sân bay. Phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng của cảng
hàng không, sân bay. Công bố cấp sân bay và thông số kỹ thuật của cảng hàng
không, sân bay.
3. Thực hiện nhiệm vụ của cơ
quan quản lý nhà nước trong việc thẩm định dự án, cấp giấy phép xây dựng công
trình cảng hàng không, sân bay. Giám sát việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi
trường tại cảng hàng không, sân bay.
4. Giao nhiệm vụ sân bay dự bị
cho cảng hàng không, sân bay. Hướng dẫn, chỉ đạo việc quản lý, tổ chức khai
thác, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, bảo vệ môi trường đối với hoạt động
hàng không chung tại sân bay chuyên dùng sau khi được Bộ Quốc phòng cho phép tổ
chức khai thác. Thông báo về hoạt động của sân bay chuyên dùng trên hệ thống
thông tin hàng không theo quy định.
5. Chủ trì, phối hợp hoạt động
của các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay. Công bố năng lực
khai thác của cảng hàng không, sân bay; điều phối giờ hạ, cất cánh tại cảng
hàng không, sân bay.
6. Chỉ đạo việc thiết lập, bảo
vệ, duy trì chất lượng hệ thống thông tin bảo đảm hoạt động khai thác tại cảng
hàng không, sân bay; việc nối mạng dữ liệu, phối hợp hoạt động của các cơ quan
quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay. Quản lý số liệu thống kê về lưu
lượng chuyến bay, hành khách, hàng hóa thông qua cảng hàng không, sân bay.
7. Chỉ đạo bố trí nơi làm việc
cho các cơ quan quản lý nhà nước làm việc thường xuyên tại cảng hàng không, sân
bay. Chỉ đạo, hướng dẫn Cảng vụ hàng không thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà
nước tại cảng hàng không, sân bay.
8. Thực hiện việc tuyên truyền,
phổ biến pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, bảo vệ môi trường cảng
hàng không, sân bay.
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo
phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều 6.
Trách nhiệm của Cảng vụ hàng không
1. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền
hạn theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
2. Chủ trì, phối hợp với chính
quyền địa phương xác định ranh giới, tổ chức cắm và bảo vệ mốc giới, xác định
ranh giới khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương thực hiện việc tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không tại cảng hàng không, sân
bay.
4. Kiểm tra, giám sát trực tiếp
việc cung cấp dịch vụ hàng không, phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác
theo ủy quyền của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.
Điều 7.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp nơi có cảng hàng không, sân bay
1. Phối hợp thực hiện quy hoạch,
xác định ranh giới, mốc giới, tổ chức cắm và bảo vệ mốc giới cảng hàng không,
sân bay; xác định ranh giới khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.
2. Bảo đảm quỹ đất, giải phóng
mặt bằng để phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Quy hoạch, quản lý sử dụng đất,
bảo đảm an ninh, an toàn hàng không tại khu vực lân cận của cảng hàng không,
sân bay. Phối hợp thực hiện công tác khẩn nguy sân bay, đối phó với hành vi can
thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng theo quy định của pháp luật.
4. Xử lý vi phạm về an ninh, an
toàn hàng không tại khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay. Chủ trì, phối hợp
với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cưỡng chế thực hiện xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo quy định.
5. Thực hiện việc tuyên truyền,
phổ biến pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.
Chương II
QUY HOẠCH VÀ THỰC HIỆN
QUY HOẠCH CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY, TRỪ SÂN BAY CHUYÊN DÙNG
Điều 8. Quy
định chung về quy hoạch cảng hàng không, sân bay
1. Quy hoạch cảng hàng không,
sân bay, bao gồm:
a) Quy hoạch tổng thể phát triển
hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc;
b) Quy hoạch chi tiết cảng hàng
không, sân bay;
c) Quy hoạch chi tiết xây dựng
khu chức năng cảng hàng không, sân bay.
2. Yêu cầu về quy hoạch cảng
hàng không, sân bay
a) Phù hợp với chiến lược, quy
hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước, của vùng, địa phương;
b) Đáp ứng yêu cầu về bảo đảm
quốc phòng, an ninh;
c) Đáp ứng yêu cầu phát triển của
ngành hàng không Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển hàng không dân dụng quốc
tế;
d) Bảo đảm các yếu tố về địa
lý, dân số, phát triển vùng, miền; chính sách sử dụng đất nông nghiệp; bảo vệ
môi trường bền vững;
đ) Bảo đảm khai thác an toàn,
hiệu quả cảng hàng không, sân bay.
3. Kinh phí lập quy hoạch cảng
hàng không, sân bay được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ của tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải quy định định mức kinh tế - kỹ thuật đối với việc lập, công bố quy hoạch cảng
hàng không, sân bay.
Điều 9. Quy
hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc
1. Quy hoạch tổng thể phát triển
hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Xác định nhu cầu và yêu cầu
về vận chuyển hàng không dân dụng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước, phát triển kinh tế vùng, địa phương;
b) Xác định quy mô, mạng đường
bay khai thác của hệ thống cảng hàng không, sân bay;
c) Xác định quy hoạch phát triển
đối với từng cảng hàng không, sân bay bao gồm: Loại hình, vai trò, vị trí, quy
mô; dự báo các đường bay dự kiến khai thác; nhu cầu sử dụng đất; ước toán chi
phí đầu tư, đề xuất các danh mục cảng hàng không, sân bay ưu tiên phát triển và
nguồn lực thực hiện;
d) Đánh giá môi trường chiến lược
theo quy định.
2. Tỉ lệ bản đồ quy hoạch tổng
thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc là 1/1.000.000 hoặc
lớn hơn.
3. Hồ sơ đề nghị phê duyệt quy
hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, bao gồm
các tài liệu sau:
a) Tờ trình đề nghị phê duyệt
quy hoạch;
b) Đồ án quy hoạch;
c) Văn bản góp ý của các cơ
quan, đơn vị liên quan;
d) Văn bản giải trình các ý kiến
góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan.
4. Bộ Giao thông vận tải có
trách nhiệm tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể
phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Điều 10.
Quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay
1. Quy hoạch chi tiết cảng hàng
không, sân bay, gồm các nội dung sau:
a) Ranh giới chi tiết khu vực
hoạt động của các cơ quan, đơn vị quốc phòng và khu vực hoạt động chung quân sự
và dân dụng; khu vực hoạt động hàng không dân dụng; nhu cầu sử dụng đất; diện
tích đất công cộng không có mục đích kinh doanh và diện tích đất sử dụng vào mục
đích kinh doanh;
b) Bề mặt giới hạn chướng ngại
vật hàng không, bản đồ tiếng ồn;
c) Vị trí, mặt bằng các khu chức
năng của cảng hàng không, sân bay;
d) Vị trí, hệ thống các hạng mục
công trình khu bay; tọa độ đường cất, hạ cánh;
đ) Vị trí, hệ thống các hạng mục
công trình bảo đảm hoạt động bay; cơ sở công nghiệp hàng không, bảo dưỡng, sửa
chữa tàu bay;
e) Vị trí khu vực xây dựng trụ
sở các cơ quan, đơn vị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay; khu vực xây dựng
các công trình cung cấp dịch vụ hàng không, dịch vụ phi hàng không; khu vực
cách ly y tế đối với cảng hàng không quốc tế; các công trình quảng cáo;
g) Mạng lưới đường giao thông nội
bộ trong sân bay, đường giao thông nội bộ trong cảng; tuyến đường kết nối với
đường giao thông công cộng;
h) Hệ thống cấp nước chung; cấp
nước chữa cháy; cấp nước cho tàu bay; hệ thống thoát nước thải; hệ thống công
trình ngầm;
i) Vị trí, quy mô công trình cấp
điện; nguồn điện;
k) Vị trí, quy mô hệ thống cung
cấp nhiên liệu;
l) Vị trí, quy mô hệ thống khẩn
nguy, cứu nạn;
m) Quy hoạch vùng trời, đường
bay và phương thức bay phục vụ khai thác sân bay;
n) Vị trí, quy mô nhà ga, khu
phục vụ kỹ thuật, sân đỗ ô tô;
o) Vị trí, quy mô hạ tầng bảo đảm
an ninh cảng hàng không, sân bay;
p) Khu tập trung, xử lý chất thải,
hạn chế ô nhiễm môi trường;
q) Quy hoạch cây xanh;
r) Đánh giá môi trường chiến lược;
s) Tổng khái toán đầu tư và
phân kỳ xây dựng.
2. Tỉ lệ bản đồ quy hoạch chi
tiết cảng hàng không, sân bay là 1/2.000 hoặc lớn hơn.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải quy định chi tiết về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt và
công bố quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay.
Điều 11.
Quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng cảng hàng không, sân bay
1. Quy hoạch chi tiết xây dựng
khu chức năng cảng hàng không, sân bay, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Hệ thống các công trình xây
dựng, kỹ thuật: Diện tích xây dựng; mật độ, số lượng, cao độ và độ cao công
trình xây dựng; hệ số sử dụng đất;
b) Hệ thống giao thông: Quy mô,
cấp đường; cao độ khống chế các đầu mối; các mặt cắt ngang điển hình;
c) Tổng khái toán đầu tư và
phân kỳ đầu tư xây dựng.
2. Tỉ lệ bản đồ quy hoạch chi
tiết xây dựng khu chức năng cảng hàng không, sân bay là 1/500 hoặc lớn hơn.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải quy định chi tiết về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy
hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng cảng hàng không, sân bay.
Điều 12. Đầu
tư xây dựng cảng hàng không, sân bay
1. Việc đầu tư xây dựng cảng
hàng không, sân bay phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Phù hợp với quy hoạch cảng
hàng không, sân bay được phê duyệt;
b) Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật
do Bộ Giao thông vận tải ban hành; phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng
không dân dụng quốc tế (ICAO), tiêu chuẩn cơ sở áp dụng trong ngành hàng không
dân dụng;
c) Được Bộ Giao thông vận tải
thống nhất với Bộ Quốc phòng thỏa thuận dự án xây dựng cảng hàng không, sân
bay;
d) Tuân thủ các quy định của
pháp luật về đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài
không được phép góp vốn đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay với tỷ lệ vượt
quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án hoặc tổng vốn chủ sở hữu của các nhà
đầu tư.
3. Chủ đầu tư được xây dựng
công trình cảng hàng không, sân bay sau khi được giao đất, cho thuê đất theo
quy định của pháp luật.
Điều 13.
Quản lý mốc giới, hàng rào cảng hàng không, sân bay
1. Cảng vụ hàng không phối hợp
với Ủy ban nhân dân các cấp nơi có cảng hàng không, sân bay để xác định ranh giới,
mốc giới quy hoạch cảng hàng không, sân bay, khu vực lân cận cảng hàng không,
sân bay trên bản đồ địa chính, trên bản đồ ranh giới, mốc giới và ngoài thực địa.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có
trách nhiệm phối hợp với Cảng vụ hàng không công bố, bảo vệ mốc giới quy hoạch
cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.
3. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay và các đơn vị được giao đất, thuê đất có trách nhiệm quản lý, bảo
vệ mốc giới, xây dựng và quản lý, bảo trì hàng rào nằm trong ranh giới đất được
giao, được thuê theo quy định.
4. Chi phí xác định, đánh dấu,
cắm mốc và quản lý mốc giới cảng hàng không, sân bay được thực hiện từ ngân
sách nhà nước.
5. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay chịu chi phí xây dựng hệ thống hàng rào an ninh, trừ trường hợp
được ngân sách nhà nước cấp.
Chương
III
MỞ, ĐÓNG CẢNG HÀNG
KHÔNG, SÂN BAY, TRỪ SÂN BAY CHUYÊN DÙNG
Điều 14. Mở
cảng hàng không, sân bay
1. Điều kiện cho phép mở cảng
hàng không, sân bay:
a) Cảng hàng không, sân bay đáp
ứng yêu cầu quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 12 của Nghị định
này;
b) Cảng hàng không, sân bay đã
được cấp giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không,
sân bay theo quy định;
c) Cảng hàng không, sân bay đã
được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn vùng trời, đường bay và phương thức
bay phục vụ khai thác sân bay.
2. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay gửi 08 bộ hồ sơ đề nghị mở cảng hàng không, sân bay trực tiếp,
qua hệ thống bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác đến Bộ Giao thông vận tải.
Hồ sơ đề nghị bao gồm các tài liệu sau:
a) Văn bản đề nghị, bao gồm các
nội dung: Tên cảng hàng không, sân bay; vị trí, quy mô, loại hình cảng hàng
không, sân bay; cấp sân bay;
b) Văn bản giải trình, chứng
minh về việc đủ điều kiện mở cảng hàng không, sân bay quy định tại Khoản 1 Điều
này.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị mở cảng hàng không, sân bay, Bộ Giao thông
vận tải tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mở cảng hàng
không, sân bay. Trường hợp không chấp thuận mở cảng hàng không, sân bay, Bộ
Giao thông vận tải phải có văn bản trả lời người đề nghị, nêu rõ lý do.
4. Bộ Giao thông vận tải tổ chức
công bố mở cảng hàng không, sân bay theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
quyết định công bố mở cảng hàng không nội địa thành cảng hàng không quốc tế
theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc
được phê duyệt.
Điều 15.
Đóng cảng hàng không, sân bay
1. Việc đóng cảng hàng không,
sân bay bao gồm các loại hình sau:
a) Chấm dứt hoạt động của cảng
hàng không, sân bay;
b) Chấm dứt hoạt động phục vụ
cho vận chuyển hàng không quốc tế đối với cảng hàng không quốc tế.
2. Bộ Giao thông vận tải đề nghị
Thủ tướng Chính phủ quyết định đóng cảng hàng không, sân bay trong các trường hợp
sau:
a) Vì lý do bảo đảm quốc
phòng, an ninh;
b) Vì lý do đặc biệt ảnh
hưởng đến kinh tế - xã hội.
3. Hồ sơ đề nghị đóng cảng
hàng không, sân bay bao gồm các tài liệu sau:
a) Văn bản đề nghị đóng cảng
hàng không, sân bay, bao gồm các thông tin: Tên cảng hàng không, sân bay; vị
trí, quy mô, loại hình cảng hàng không, sân bay; cấp sân
bay; lý do, thời điểm đóng cảng hàng
không, sân bay;
b) Phương án tổng thể khắc
phục, xử lý các vấn đề liên quan đến việc đóng cảng hàng không, sân bay;
c) Các tài liệu liên quan
đến đề nghị đóng cảng hàng không, sân bay.
4. Bộ Giao thông vận tải tổ
chức công bố việc đóng cảng hàng không, sân bay; phối hợp với chính quyền địa
phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục,
xử lý các vấn đề liên quan.
Điều 16.
Đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay
1. Toàn bộ hoặc một phần kết
cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay bị đóng tạm thời trong các trường hợp sau:
a) Việc cải tạo, mở rộng,
sửa chữa cần ngừng hoạt động của cảng hàng không, sân bay;
b) Giấy chứng nhận khai
thác cảng hàng không, sân bay bị thu hồi, đình chỉ;
c) Thiên tai, dịch bệnh, ô
nhiễm môi trường, sự cố, tai nạn hàng không và các tình huống bất thường khác
uy hiếp đến an toàn hàng không, an ninh hàng không.
2. Cục Hàng không Việt Nam
trình Bộ Giao thông vận tải quyết định đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay đối
với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Theo đề nghị của người
khai thác cảng hàng không, sân bay, Giám đốc Cảng vụ hàng không quyết định đóng
tạm thời cảng hàng không, sân bay trong thời gian không quá 24 giờ vì sự cố đột
xuất hoặc do điều kiện thời tiết để bảo đảm an toàn, an ninh hàng không; báo
cáo ngay Cục Hàng không Việt Nam.
4. Cục Hàng không Việt Nam
(đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này) và Cảng vụ hàng không (đối với
trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này) có trách nhiệm công bố đóng tạm thời
cảng hàng không, sân bay trên hệ thống thông tin hàng không theo quy định,
thông báo cho chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan; chỉ đạo tổ
chức thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý các vấn đề liên quan.
5. Cơ quan quyết định đóng
tạm thời cảng hàng không, sân bay quyết định cho phép cảng hàng không, sân bay
hoạt động trở lại sau khi các lý do đóng tạm thời bị loại bỏ.
6. Bộ Giao thông vận tải quy định
chi tiết về trình tự, thủ tục đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay.
Chương IV
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHAI
THÁC TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY, TRỪ SÂN BAY CHUYÊN DÙNG
Điều 17. Trách
nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động tại cảng hàng không, sân bay
1. Các cơ quan thực hiện
chức năng quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay, người khai thác cảng hàng
không, sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không và các tổ chức, cá
nhân cung cấp dịch vụ khác tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm phối hợp
phục vụ, duy trì cung cấp dịch vụ cho chuyến bay hoạt động theo đúng tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật áp dụng, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, bảo vệ môi trường.
2. Người khai thác cảng
hàng không, sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có trách nhiệm
duy trì đủ điều kiện khai thác công trình, thiết bị cảng hàng không, sân bay,
cung cấp dịch vụ hàng không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng; trường
hợp xảy ra sự cố hoặc phát hiện hỏng hóc uy hiếp trực tiếp đến an toàn, an ninh
hàng không, bảo vệ môi trường phải báo cáo ngay cho Cảng vụ hàng không và triển
khai các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.
3. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nộp phí nhượng
quyền khai thác cảng hàng không, sân bay cho Cảng vụ hàng không theo quy định của
Bộ Tài chính.
4. Doanh nghiệp cung cấp dịch
vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, không phải là dịch vụ bảo đảm hoạt
động bay hoặc dịch vụ vận chuyển hàng không, nộp phí nhượng quyền khai thác cho
người khai thác cảng hàng không, sân bay theo quy định của Bộ Tài chính.
5. Người khai thác cảng
hàng không, sân bay, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không
có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu về việc thực hiện quy hoạch, xây dựng
công trình, lắp đặt thiết bị tại cảng hàng không, sân bay, bảo đảm an ninh, an
toàn hàng không, bảo vệ môi trường cho Cảng vụ hàng không khi có yêu cầu.
6. Người khai thác tàu bay
phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng không, người khai thác cảng hàng không,
sân bay thông tin về việc thay đổi kế hoạch bay, các chuyến bay bị chậm, bị hủy so
với kế hoạch bay để phối hợp điều hành hoạt động khai thác cảng hàng không, sân
bay.
7. Người khai thác tàu bay
phải nộp bản cân bằng trọng tải, bản khai tổng hợp, danh sách hành khách, bản
kê khai hàng hóa của mỗi chuyến bay cho Cảng vụ hàng không trong vòng 5
(năm giờ sau khi tàu bay cất cánh hoặc hạ cánh hoặc khi có yêu cầu đột
xuất của Cảng vụ hàng không. Tài liệu được gửi trực tiếp, qua hệ thống bưu
chính hoặc các hình thức phù hợp khác. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm lưu giữ
tài liệu chuyến bay trong thời hạn 2 (hai) năm kể từ ngày nhận.
Người khai thác tàu bay có thể
bị đình chỉ thực hiện chuyến bay trong trường hợp vi phạm quy định về nộp tài
liệu chuyến bay.
8. Tổ chức, cá nhân kinh doanh
tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật
về giá. Cảng vụ hàng không có quyền đình chỉ chuyến bay trong trường hợp người
khai thác tàu bay cố tình không thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho dịch vụ hàng
không đã được cung cấp.
Điều 18.
Xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng,
sửa chữa, đưa vào khai thác thiết bị tại cảng hàng không, sân bay
1. Việc xây dựng, cải tạo, nâng
cấp công trình, lắp đặt thiết bị tại cảng hàng không, sân bay phải phù hợp với mục
đích sử dụng, quy hoạch cảng hàng không, sân bay, phương án, kế hoạch sử dụng đất
chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Người quản lý, khai thác
công trình, thiết bị tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm thực hiện việc
bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa công trình, thiết bị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật, quy trình áp dụng và theo quy định của pháp luật.
3. Việc xây dựng, cải tạo, nâng
cấp, bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị của cơ
sở cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay trong các trường hợp
sau đây phải được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận:
a) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp
công trình;
b) Bảo trì, sửa chữa công
trình, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị làm ngừng hoạt động của công
trình, cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không trên 24 giờ, trừ trường hợp đột xuất
uy hiếp trực tiếp đến an toàn, an ninh hàng không cần thực hiện ngay hoặc trường
hợp được thực hiện trong thời gian không phục vụ chuyến bay theo kế hoạch bay
liên tục từ 30 ngày trở lên.
4. Việc bảo trì, sửa chữa công
trình hoặc lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị của cảng hàng không, sân bay của
cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay trong các trường
hợp sau đây phải thông báo trước cho Cảng vụ hàng không về kế hoạch, phương án
thi công, phương án bảo đảm an toàn cho hoạt động tại cảng hàng không, sân bay
và hoạt động bay:
a) Ngừng hoạt động của công
trình, cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không chưa đến 24 giờ;
b) Ngừng hoạt động của công
trình, cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không trên 24 giờ trong trường hợp đột xuất
uy hiếp trực tiếp đến an toàn, an ninh hàng không cần thực hiện ngay hoặc trường
hợp được thực hiện trong thời gian không phục vụ chuyến bay theo kế hoạch bay
liên tục dưới 30 ngày.
5. Việc xây dựng, cải tạo, nâng
cấp, bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị của cơ
sở cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay ảnh hưởng đến hoạt
động bay phải được thông báo theo quy định về thông báo tin tức hàng không.
6. Thiết bị hàng không sau đây
phải có giấy phép khai thác do Cục Hàng không Việt Nam cấp trước khi đưa vào
khai thác:
a) Thiết bị thuộc lĩnh vực bảo
đảm hoạt động bay;
b) Thiết bị lắp đặt, hoạt động
tại khu bay.
7. Giấy phép quy định tại Khoản
6 Điều này có hiệu lực không quá 2 (hai) năm.
8. Bộ Giao thông vận tải quy định
chi tiết trình tự, thủ tục chấp thuận việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo
trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị hàng không tại
cảng hàng không, sân bay; việc xây dựng định mức, đơn giá đối với công tác bảo
trì, sửa chữa cảng hàng không, sân bay; thủ tục cấp, thu hồi giấy phép khai
thác thiết bị hàng không.
Điều 19.
Đưa vào khai thác, ngừng khai thác công trình tại cảng hàng không, sân bay
1. Công trình cảng hàng không,
sân bay được đưa vào khai thác phải bảo đảm đủ điều kiện và tiêu chuẩn khai
thác theo quy định.
2. Công trình cảng hàng không,
sân bay ngừng khai thác phải bảo đảm duy trì hoạt động bình thường của cảng
hàng không, sân bay, trừ trường hợp phải đóng, đóng tạm thời cảng hàng không,
sân bay theo quy định.
3. Bộ Giao thông vận tải quy định
chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục đưa vào khai thác, ngừng khai thác công
trình cảng hàng không, sân bay.
Điều 20.
Phối hợp hoạt động quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay
1. Cục Hàng không Việt Nam hướng
dẫn trình tự thực hiện các quy trình làm thủ tục đối với tàu bay, hành khách,
hành lý, hàng hóa, bưu gửi trên cơ sở thống nhất với các cơ quan quản lý nhà nước
chuyên ngành có liên quan.
2. Cục Hàng không Việt Nam chủ
trì tổ chức hội nghị phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước hàng năm hoặc khi cần
thiết để thống nhất công tác phối hợp và giải quyết các vấn đề phát sinh đối với
hoạt động tại cảng hàng không, sân bay.
3. Cảng vụ hàng không cung cấp,
cập nhật sơ đồ cảng hàng không, sân bay cho cơ quan quản lý nhà nước liên quan
tại cảng hàng không, sân bay; chủ trì cuộc họp liên tịch hàng tháng hoặc khi cần
thiết để giải quyết các vấn đề phát sinh đối với hoạt động của cảng hàng không,
sân bay.
Điều 21.
Kiểm soát hoạt động tại cảng hàng không, sân bay
1. Người, đồ vật, phương tiện
vào, rời, hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay chịu sự kiểm
tra, giám sát về an ninh, an toàn hàng không, bảo vệ môi trường theo quy định của
pháp luật.
2. Cục Hàng không Việt Nam tổ
chức, giám sát việc đăng kiểm kỹ thuật của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại
cảng hàng không, sân bay.
3. Cảng vụ hàng không cấp, thu
hồi biển số hoạt động của phương tiện chuyên ngành hoạt động tại cảng hàng
không, sân bay.
Điều 22. Điều
phối giờ hạ, cất cánh tại cảng hàng không, sân bay
1. Cục Hàng không Việt Nam tổ
chức khảo sát, công bố giới hạn khai thác của cảng hàng không, sân bay đối với
chuyến bay thường lệ trên cơ sở các yếu tố sau:
a) Điều kiện khai thác của cảng
hàng không, sân bay;
b) Hệ thống kết cấu hạ tầng,
thiết bị của cảng hàng không, sân bay;
c) Khả năng cung cấp dịch vụ
hàng không tại cảng hàng không, sân bay;
d) Năng lực thông qua vùng trời
sân bay.
2. Cục Hàng không Việt Nam tổ
chức điều phối giờ hạ, cất cánh của tàu bay, sử dụng sân đỗ tàu bay trên cơ sở
giới hạn khai thác được công bố quy định tại Khoản 1 Điều này; công bố giờ cao điểm
và cơ chế quản lý, phân bổ giờ hạ, cất cánh trong giờ cao điểm tại cảng hàng
không, sân bay được điều phối.
Chương V
SÂN BAY DÙNG CHUNG DÂN DỤNG
VÀ QUÂN SỰ
Điều 23.
Xác định khu vực quản lý tại sân bay dùng chung dân dụng và quân sự
1. Sân bay dùng chung dân dụng
và quân sự là sân bay phục vụ cho cả hoạt động dân dụng và quân sự.
2. Sân bay dùng chung dân dụng
và quân sự bao gồm các khu vực sau đây:
a) Khu vực sử dụng riêng cho hoạt
động quân sự;
b) Khu vực sử dụng cho hoạt động
dân dụng;
c) Khu vực sử dụng chung cho hoạt
động dân dụng và quân sự.
Điều 24.
Quản lý sân bay dùng chung dân dụng và quân sự
1. Trách nhiệm quản lý sân bay
dùng chung dân dụng và quân sự:
a) Bộ Quốc phòng có trách nhiệm
quản lý khu vực sử dụng riêng cho hoạt động quân sự;
b) Bộ Giao thông vận tải có
trách nhiệm quản lý khu vực sử dụng cho hoạt động dân dụng;
c) Bộ Giao thông vận tải chủ
trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng xác định trách nhiệm quản lý khu vực sử dụng
chung cho hoạt động dân dụng và quân sự.
2. Bộ Giao thông vận tải chủ
trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng xác định ranh giới khu vực sử dụng riêng cho hoạt
động dân dụng, khu vực sử dụng cho hoạt động quân sự, khu vực sử dụng chung cho
hoạt động dân dụng và quân sự.
3. Việc quản lý, khai thác sân
bay dùng chung dân dụng và quân sự phải được hiệp đồng bằng văn bản. Người khai
thác cảng hàng không, sân bay chủ trì, phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo
đảm hoạt động bay, đơn vị quân đội trong khu vực cảng hàng không, sân bay xây dựng
văn bản hiệp đồng, bao gồm các nội dung sau:
a) Phân định khu vực, kết cấu hạ
tầng do từng bên quản lý, khai thác; trách nhiệm quản lý, khai thác, kiểm tra điều
kiện khai thác khu vực sử dụng chung cho hoạt động dân dụng và quân sự; mức độ
ưu tiên sử dụng khu vực, kết cấu hạ tầng trong các tình huống đột xuất, đặc biệt;
b) Phối hợp cung cấp dịch vụ bảo
đảm hoạt động bay, bảo đảm an toàn trong khu bay; trách nhiệm của các bên trong
trường hợp khẩn cấp có hoạt động của tàu bay quân sự;
c) Điều kiện thiết bị và nhân lực
tối thiểu để đáp ứng các yêu cầu về điều hành tàu bay dân dụng, quân sự; phối hợp
quản lý, khai thác chung mặt bằng, thiết bị, dịch vụ dành riêng cho hoạt động
dân dụng hoặc quân sự trong trường hợp cần thiết; vị trí, thành phần làm nhiệm
vụ tại đài kiểm soát không lưu chung khi có hoạt động bay hỗn hợp;
d) Trách nhiệm thông báo kế hoạch
bay dân dụng, quân sự cho các đơn vị có liên quan; phối hợp trao đổi thông tin,
thống nhất biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hàng không;
đ) Các yêu cầu đặc thù của từng
bên trong điều kiện bay đêm, tầm nhìn hạn chế đối với tàu bay quân sự;
e) Phối hợp xử lý các trường hợp
xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, khai thác kết cấu hạ tầng và thiết bị
thuộc khu vực dành riêng cho hoạt động quân sự, dân dụng có khả năng ảnh hưởng
đến hoạt động của nhau.
Chương VI
BÁN, THẾ CHẤP, CHO THUÊ,
GÓP VỐN BẰNG TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY, TRỪ SÂN BAY
CHUYÊN DÙNG[2]
Chương VII
HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TẠI
CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY, TRỪ SÂN BAY CHUYÊN DÙNG
Điều 36.[3]
Điều 37.[4]
Điều 38.
Hoạt động của doanh nghiệp cảng hàng không
1.[5]
2. Doanh nghiệp cảng hàng không quyết định cho tổ
chức, cá nhân thuê mặt bằng thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình để cung cấp dịch
vụ phi hàng không theo quy định.
3. Doanh nghiệp cảng hàng không ký hợp đồng giao
kết khai thác theo quy định đối với doanh nghiệp được Cục Hàng không Việt Nam cấp
giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay trong thời hạn
30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng
không.
Điều 39.
Cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay
1.[6]
2.[7]
3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
hàng không tại cảng hàng không, sân bay cung cấp dịch vụ trong phạm vi giấy
phép được cấp; được giao hoặc thuê đất và đầu tư xây dựng công trình phục vụ
cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật; ký hợp đồng giao kết khai thác
theo quy định với người khai thác cảng hàng không, sân bay.
4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại
cảng hàng không, sân bay phải có phương án dự phòng để bảo đảm cung cấp dịch vụ
liên tục, không làm gián đoạn đến hoạt động hàng không, được phép thực hiện và
tự chịu trách nhiệm về việc ngừng cung cấp dịch vụ theo quy định của hợp đồng
và phù hợp với quy định của pháp luật. Việc đơn phương ngừng cung cấp dịch vụ
phải được báo cáo trước bằng văn bản gửi đến Cục Hàng không Việt Nam và báo trước
cho đối tác liên quan tối thiểu là 7 (bảy) ngày làm việc trước ngày dự kiến ngừng
cung cấp dịch vụ, có nêu rõ lý do.
5. Căn cứ vào điều kiện thực tế của cảng hàng
không, sân bay, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo việc cung cấp dịch vụ hàng
không tại cảng hàng không, sân bay đáp ứng nhu cầu khai thác và bảo đảm cạnh tranh
lành mạnh; việc ký hợp đồng giao kết khai thác giữa doanh nghiệp cung cấp dịch
vụ hàng không và người khai thác cảng hàng không, sân bay; kiểm tra yếu tố hình
thành giá, hiệp thương giá cung cấp dịch vụ hàng không trong trường hợp cần thiết;
đình chỉ có thời hạn hoặc thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không đối với
tổ chức vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.
6. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại
cảng hàng không, sân bay phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn
hàng không, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, giá dịch vụ, bảo đảm
tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ.
7. Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về
cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; thủ tục cấp giấy phép
cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay.
Điều 40. Cung cấp dịch vụ
phi hàng không tại cảng hàng không
1. Việc tổ chức cung cấp dịch vụ phi hàng không
tại cảng hàng không không được làm ảnh hưởng đến khả năng cung ứng và chất lượng
dịch vụ vận chuyển hàng không. Mặt bằng tổ chức cung cấp dịch vụ phi hàng không
trong nhà ga phải tuân thủ theo tài liệu khai thác cảng hàng không, sân bay.
Không được tổ chức kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại khu bay, trừ các dịch
vụ cần thiết như cắt cỏ, xây dựng, lắp đặt, vệ sinh, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng
công trình, trang thiết bị hàng không.
2. Việc cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng
hàng không phải đảm bảo giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu dịch vụ, phù hợp với tính
chất, quy mô và điều kiện của kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Việc lựa chọn tổ
chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không được đầu tư
xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước phải thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu cạnh
tranh, chống độc quyền.
3. Cục Hàng không Việt Nam giám sát việc tổ chức
cung cấp dịch vụ phi hàng không đáp ứng nhu cầu tại cảng hàng không; kiểm tra yếu
tố hình thành giá, trường hợp cần thiết quy định giá hoặc khung giá; đình chỉ
hoặc hủy bỏ hợp đồng cung cấp dịch vụ phi hàng không đối với tổ chức, cá nhân
vi phạm các quy định của pháp luật.
4. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phi hàng
không tại cảng hàng không phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an ninh hàng
không, an toàn hàng không, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh
an toàn thực phẩm, giá dịch vụ; đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ, sản phẩm
bán ra; niêm yết công khai giá; bảo đảm văn minh, lịch sự, chu đáo.
5. Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về
cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 41. Hiệu lực thi hành[8]
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12
tháng 12 năm 2015 và thay thế Nghị định số 83/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm
2007 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
Điều 42. Tổ chức thực hiện
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Thể
|
[1]Nghị
định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong
lĩnh vực hàng không dân dụng, có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ
Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật
hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật
đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Theo đề
nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ
ban hành Nghị định quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong
lĩnh vực hàng không dân dụng.”
Nghị định số
44/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng
hàng không, có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ
Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật
Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật
hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Theo đề
nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ
ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu
hạ tầng hàng không.”
[2]Chương
này bị bãi bỏ theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 44/2018/NĐ-CP quy
định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, có
hiệu lực kể từ ngày 13 tháng 3 năm 2018.
[3]Điều
này bị bãi bỏ theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 31 Nghị định số
92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực
hàng không dân dụng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
[4]Điều
này bị bãi bỏ theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 31 Nghị định số
92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực
hàng không dân dụng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
[5]Khoản
này bị bãi bỏ theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 31 Nghị định số
92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực
hàng không dân dụng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
[6]Khoản
này bị bãi bỏ theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 31 Nghị định số
92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực
hàng không dân dụng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
[7]Khoản
này bị bãi bỏ theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 92/2016/NĐ-CP
quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không
dân dụng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
8Khoản 1 Điều 31
Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
trong lĩnh vực hàng không dân dụng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016
quy định như sau:
“1. Nghị định này có hiệu
lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.”
Khoản 1 Điều
28 Nghị định 44/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản
kết cấu hạ tầng hàng không, có hiệu lực kể từ ngày 13 tháng 3 năm 2018 quy định
như sau:
“1. Nghị
định này có hiệu lực thi hành từ ngày 13 tháng 3 năm 2018.”