BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 01/VBHN-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2013
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ
ĐĂNG KÝ QUỐC TỊCH VÀ ĐĂNG KÝ CÁC QUYỀN ĐỐI VỚI TÀU BAY DÂN DỤNG
Nghị định số 70/2007/NĐ-CP ngày 20 tháng 4
năm 2007 của Chính phủ về đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu
bay dân dụng, có hiệu lực kể từ ngày 04 tháng 6 năm 2007, được sửa đổi, bổ sung
bởi:
Nghị định số 50/2012/NĐ-CP ngày 11 tháng 6
năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
70/2007/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về đăng ký quốc tịch và
đăng ký các quyền đối với tàu bay dân dụng, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8
năm 2012.
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật hàng
không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải[1],
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, xóa đăng ký quốc
tịch tàu bay, các quyền đối với tàu bay, quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu
hộ, giữ gìn tàu bay Việt Nam; đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm
bằng tàu bay; cung cấp thông tin trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam; việc sơn, gắn dấu hiệu
đăng ký và dấu hiệu quốc tịch đối với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam.
2. Đối tượng áp
dụng của Nghị định này bao gồm:
a) Tổ chức, cá
nhân Việt Nam sở hữu và khai thác tàu bay;
b) Tổ chức, cá
nhân Việt Nam thuê tàu bay không có tổ bay hoặc thuê mua tàu bay dân dụng thuộc
sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
c) Tổ chức, cá
nhân có các quyền đối với tàu bay Việt Nam;
d) Tổ chức, cá
nhân thực hiện việc cứu hộ, giữ gìn tàu bay Việt Nam;
đ) Tổ chức, cá nhân có nhu
cầu tìm hiểu thông tin trong
Sổ đăng
bạ tàu
bay Việt
Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này,
các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Người
đăng ký” là tổ chức, cá nhân được ghi tên trong các loại Giấy chứng
nhận đăng ký.
2. “Người
đề nghị đăng ký” là tổ chức, cá nhân làm đơn và nộp hồ sơ đề nghị đăng
ký. Tùy từng trường hợp, người đề nghị đăng ký bao gồm:
a) Chủ sở hữu tàu bay, người thuê tàu bay đối với đăng ký quốc tịch tàu
bay;
b) Bên bảo đảm
hoặc bên nhận bảo đảm đối với đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay;
c) Người thuê
tàu bay đối với đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay;
d) Bên nhận bảo
đảm đã được đăng ký quyền đối với tàu bay trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam đối
với đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay;
đ) Người đăng ký
đối với các trường hợp gia hạn đăng ký, đăng ký thay đổi hoặc sửa chữa sai sót
nội dung đã đăng ký;
e) Tổ chức, cá
nhân cứu hộ, giữ gìn tàu bay;
g) Người được ủy
quyền của những người nói trên.
3. “Người
đề nghị xóa đăng ký” là tổ chức, cá nhân làm đơn và nộp hồ sơ đề nghị
xóa đăng ký, bao gồm:
a) Người đăng ký
đối với đăng ký quốc tịch tàu bay, đăng ký các quyền đối với tàu bay;
b) Bên bảo đảm
hoặc bên nhận bảo đảm đối với đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay;
c) Người được ủy
quyền của những người nói trên.
4. “Người
đề nghị cung cấp thông tin” là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có đơn đề
nghị cung cấp thông tin trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
5. “Người
đề nghị” là những người được quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều này.
6. “Giao
dịch bảo đảm bằng tàu bay” là việc cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tàu
bay.
Điều 3. Trách nhiệm của người đề nghị
1.[2]
Người đề nghị phải gửi 01 bộ hồ sơ đến Cục Hàng không Việt Nam bằng cách nộp
trực tiếp tại Cục Hàng không Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu điện và phải chịu
trách nhiệm về sự chính xác của thông tin trong hồ sơ.
2. Người đề nghị phả i nộp phí, lệ
phí theo quy định của pháp luật.
3.[3] Trừ đơn đề nghị phải là bản gốc, các tài liệu khác
trong hồ sơ đề nghị là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực; nếu tài liệu bằng
tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt Nam và phải chứng thực theo
quy định của pháp luật.
4. Trường hợp người đề nghị phát hiện
trong đơn đề nghị hoặc giấy chứng nhận được cấp theo Nghị định này có sai sót
thì phải đề nghị Cục Hàng không Việt Nam sửa chữa sai sót. Hồ sơ đề nghị sửa
chữa sai sót được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 28
của Nghị định này.
Điều 4. Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý
1. Trường hợp
người đề nghị là cá nhân thì giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý bao gồm một
trong các tài liệu sau đây:
a) Chứng minh
thư nhân dân hoặc hộ chiếu đối với công dân Việt Nam;
b) Giấy tờ để
xác định nhân thân đối với cá nhân không quốc tịch cư trú, định cư tại Việt Nam
theo quy định của pháp luật Việt Nam;
c) Hộ chiếu hoặc
giấy tờ để xác định nhân thân đối với cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp
luật nước mà cá nhân đó mang quốc tịch.
2. Trường hợp
người đề nghị là tổ chức thì giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý bao gồm một
trong các tài liệu sau đây:
a) Giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức kinh tế, quyết định thành lập hoặc giấy
phép hoạt động đối với tổ chức phi kinh tế được thành lập và hoạt động theo
pháp luật Việt Nam;
b) Giấy
tờ chứng minh
tư cách pháp
lý đối
với tổ
chức được
thành
lập và hoạt động
theo pháp luật nước ngoài
có liên quan.
3. Người được ủy quyền phải
có giấy
ủy quyền hợp
pháp.
Điều 5. Trách
nhiệm thực hiện đăng ký
1. Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan
trực thuộc Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký, xóa đăng ký quốc tịch tàu bay và các quyền đối
với tàu bay, quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay Việt
Nam; đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay; cung cấp
thông tin trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
2. Cục Hàng không
Việt Nam
có trách nhiệm kiểm
tra hồ
sơ và đánh giá nội
dung kê khai trong
hồ sơ đề
nghị để
quyết định
việc đăng
ký, xóa đăng
ký hoặc
cung cấp
thông
tin. Trong
quá trình kiểm tra
và đánh
giá hồ
sơ, Cục
Hàng
không
Việt Nam
có thể
yêu
cầu người đề
nghị cung
cấp các thông
tin hoặc
tài
liệu để
làm
rõ các vấn đề
liên
quan.
3.[4]
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện việc đăng ký, xoá đăng ký hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản cho người đề nghị.
4. Trong trường hợp
từ chối thực
hiện việc đăng ký, xoá đăng ký hoặc
cung cấp
thông
tin, Cục
Hàng
không
Việt Nam
phải thông báo
bằng văn bản cho
người đề nghị biết
và nêu rõ lý do.
5. Cục Hàng
không Việt Nam có trách nhiệm ghi các thông tin liên quan đến đăng ký, xóa đăng
ký quốc tịch tàu bay và các quyền đối với tàu bay, quyền ưu tiên thanh toán
tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay Việt Nam; đăng ký văn bản thông báo xử lý tài
sản bảo đảm bằng tàu bay vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
Chương II
ĐĂNG KÝ QUỐC TỊCH TÀU BAY
Mục 1. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ
Điều 6. Điều kiện đăng ký quốc tịch tàu bay đối với tàu bay thuê và đăng
ký tạm thời quốc tịch tàu bay
1. Tàu bay thuộc
sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài do các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê
không có tổ bay hoặc thuê mua được đăng ký quốc tịch Việt Nam nếu đáp ứng các điều
kiện quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Trường hợp
thuê mua, thuê không có tổ bay với thời hạn thuê từ 24 tháng trở lên thì tàu
bay phải được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam chậm nhất là 6 tháng kể từ ngày
đưa vào khai thác tại Việt Nam.
2. Tàu
bay đang
trong giai đoạn chế
tạo, lắp
ráp
hoặc thử
nghiệm tại
Việt Nam được tạm thời đăng ký mang
quốc tịch
Việt Nam.
Điều 7. Hồ sơ đề nghị đăng ký quốc tịch tàu bay
1.[5]
Hồ sơ đề nghị đăng ký quốc tịch tàu bay đối với tàu bay
quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 13 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam bao gồm:
a) Đơn đề
nghị đăng ký quốc tịch tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục I Nghị định này;
b) Giấy tờ
chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký tàu bay;
c) Giấy tờ
hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu bay;
d) Giấy chứng
nhận chưa có đăng ký do quốc gia nhà chế tạo cấp hoặc giấy chứng nhận đã xoá
đăng ký do quốc gia đăng ký cấp;
đ) Tài liệu
về tình trạng kỹ thuật của tàu bay, bao gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay
xuất khẩu còn hiệu lực đối với tàu bay được sản xuất tại nước ngoài, Giấy chứng
nhận loại do Cục Hàng không Việt Nam cấp hoặc công nhận, văn bản xác nhận của
nhà chế tạo về tuân thủ các điều kiện thiết kế, chế tạo còn hiệu lực;
e) Hợp đồng mua tàu bay hoặc thuê tàu bay hoặc thuê mua tàu bay.
2.[6] Hồ sơ đề nghị đăng ký tạm
thời quốc tịch tàu bay đối với tàu bay quy định tại khoản 3 Điều 13
của Luật hàng không dân dụng Việt Nam bao gồm:
a) Đơn đề
nghị đăng ký tạm thời quốc tịch tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII Nghị
định này;
b) Giấy tờ
chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký tàu bay;
c) Giấy tờ
hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu bay;
d) Giấy tờ
hợp pháp chứng minh việc tàu bay đang trong giai đoạn chế tạo, lắp ráp hoặc thử
nghiệm tại Việt Nam;
đ) Hồ sơ thiết kế tàu bay.
Điều 8. Thực hiện việc đăng ký quốc tịch tàu bay
1. Trường hợp
đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm a, b và c khoản 3 Điều 5
của Nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam ghi các thông tin liên quan đến
đăng ký quốc tịch tàu bay vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam và cấp Giấy chứng
nhận đăng ký quốc tịch tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định này
hoặc Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời quốc tịch tàu bay theo mẫu quy định tại
Phụ lục II của Nghị định này.
2. Giấy chứng
nhận đăng ký tạm thời quốc tịch tàu bay có giá trị hiệu lực không quá 12 tháng
và có thể được gia hạn một lần không quá 12 tháng.
Điều 9. Xoá
đăng ký quốc tịch tàu bay
1. Cục Hàng
không Việt Nam xoá đăng ký quốc tịch tàu bay đối với các trường hợp quy định
tại Điều 14 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
2. Cục Hàng
không Việt Nam xoá đăng ký tạm thời quốc tịch tàu bay đối với các trường hợp
sau:
a) Thời hạn đăng
ký tạm thời đã hết mà không được gia hạn hoặc đã hết thời gian gia hạn;
b) Tàu bay không
còn trong giai đoạn chế tạo, lắp ráp hoặc thử nghiệm tại Việt Nam;
c) Theo đề nghị
của người đăng ký tàu bay.
3. Người đăng ký
tàu bay có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Cục Hàng không Việt Nam về các
trường hợp có thể dẫn đến việc xoá đăng ký quốc tịch tàu bay hoặc xóa đăng ký
tạm thời quốc tịch tàu bay.
4.[7] Trường hợp
xóa đăng ký quốc tịch tàu bay theo đề nghị của người đăng ký tàu bay thì người
đề nghị phải gửi đơn đề nghị xóa đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục II Nghị
định này đến Cục Hàng không Việt Nam bằng cách nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống
bưu điện.
5. Sau khi kiểm
tra và đánh giá hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam ghi các thông tin vào Sổ đăng bạ
tàu bay Việt Nam, cấp Giấy chứng nhận xoá đăng ký quốc tịch tàu bay theo mẫu
quy định tại Phụ lục III của Nghị định này. Cục Hàng không Việt Nam tiến hành
thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay hoặc Giấy chứng nhận đăng ký
tạm thời quốc tịch tàu bay đã cấp trừ trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký quốc
tịch tàu bay hoặc Giấy chứng nhận đăng ký tạm thời quốc tịch tàu bay bị mất
tích hoặc tiêu huỷ theo tàu bay.
Mục 2. DẤU
HIỆU QUỐC TỊCH VÀ DẤU HIỆU ĐĂNG KÝ
Điều 10. Yêu cầu chung đối với việc sơn, gắn dấu hiệu quốc tịch, dấu hiệu
đăng ký
1. Khi hoạt
động, tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải được sơn hoặc gắn dấu hiệu quốc
tịch, dấu hiệu đăng ký.
2. Tàu bay mang
quốc tịch Việt Nam không được sơn hoặc gắn bất kỳ dấu hiệu nào có nội dung hoặc
hình thức giống hoặc có thể gây nhầm lẫn với tàu bay mang quốc tịch khác.
3. Cục Hàng
không Việt Nam có trách nhiệm thông báo với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế
về dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng ký của các tàu bay mang quốc tịch Việt
Nam.
Điều 11. Dấu hiệu
1. Dấu hiệu quốc
tịch và dấu hiệu đăng ký của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam là một tập hợp các
ký tự bằng chữ và bằng số. Dấu hiệu quốc tịch được viết trước dấu hiệu đăng ký
và được phân định bằng dấu gạch nối “-”
2. Dấu hiệu quốc
tịch của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam là chữ La tinh “VN” được viết hoa.
Hãng hàng không Việt Nam được sử dụng quốc kỳ Việt Nam làm biểu tượng kèm theo
dấu hiệu quốc tịch.
3. Dấu hiệu đăng
ký của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam bao gồm một trong các chữ La tinh viết
hoa dưới đây và tiếp theo là ba chữ số Ả rập:
a) Chữ “A” đối
với tàu bay có động cơ phản lực (Turbofan/ Turbojet);
b) Chữ “B” đối
với tàu bay có động cơ phản lực cánh quạt (Turboprop);
c) Chữ “C” đối
với tàu bay có động cơ piston;
d) Chữ “D” đối
với các phương tiện bay khác.
Điều 12. Vị trí sơn, gắn và kích thước của dấu hiệu
1. Dấu hiệu quốc
tịch và dấu hiệu đăng ký được sơn hoặc gắn trên tàu bay phải bảo đảm có độ bền,
rõ ràng và dễ nhận thấy về vị trí và hình thức.
2. Yêu cầu về
kiểu loại, kích thước đối với các ký tự của dấu hiệu quốc tịch và dấu hiệu đăng
ký như sau:
a) Chữ và số
không được viết cách điệu;
b) Chiều cao của
mỗi ký tự (ngoại trừ dấu gạch nối) trong cùng một nhóm dấu hiệu phải bằng nhau;
c) Chiều rộng
của mỗi ký tự (trừ số 1) phải bằng hai phần ba chiều cao của mỗi ký tự. Chiều
rộng của số 1 phải bằng một phần sáu chiều cao của mỗi ký tự.
d) Đường nét của
mỗi ký tự phải đặc, có màu sắc tương phản với nền của nơi sơn, gắn dấu hiệu. Độ
rộng của đường nét bằng một phần sáu chiều cao của mỗi ký tự;
đ) Khoảng cách
giữa các ký tự ít nhất bằng một phần tư chiều rộng của mỗi ký tự.
3. Vị trí và
chiều cao của việc sơn, gắn dấu hiệu đối với tàu bay nặng hơn không khí như
sau:
a) Ở cánh: mặt dưới của cánh trái, và có thể là toàn bộ mặt dưới của hai cánh nếu
phải kéo dài. Dấu hiệu phải nằm ở vị trí cách đều với mép trước và mép sau của
cánh, đỉnh của dấu hiệu phải hướng về mép trước của cánh. Chiều cao của dấu
hiệu ít nhất là 50 cm;
b) Ở thân (hoặc
các cấu trúc tương tự) và bề mặt đuôi đứng: chiều
cao của dấu hiệu ít nhất là 30 cm và tại một trong hai khu vực sau:
- Hai bên của
thân trong khoảng giữa cánh và đuôi nằm ngang.
- Nửa trên của
hai mặt với tàu bay có một đuôi đứng. Nửa trên của mặt ngoài của các đuôi phía
ngoài với tàu bay có nhiều đuôi đứng.
4. Việc sơn hoặc gắn dấu hiệu đối với tàu bay khác ngoài quy định tại khoản
3 Điều này do người đăng ký tàu bay quyết định phù hợp với quy định tại khoản
1, khoản 2 của Điều này và có sự chấp thuận của Cục Hàng không Việt Nam.
Chương III
ĐĂNG KÝ CÁC QUYỀN ĐỐI VỚI TÀU BAY
Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 13. Nguyên tắc chung
1. Tổ chức, cá
nhân Việt Nam có các quyền quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Hàng không dân
dụng Việt Nam đối với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải đăng ký các quyền đó
theo quy định tại Nghị định này.
2. Tổ chức, cá
nhân nước ngoài có các quyền quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Hàng không dân
dụng Việt Nam đối với tàu bay mang quốc tịch Việt Nam được đăng ký các quyền đó
theo quy định tại Nghị định này.
3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có các quyền quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Hàng
không dân dụng Việt Nam đối với tàu bay mang quốc tịch nước ngoài được đăng ký
các quyền đó theo quy định của pháp luật quốc gia mà tàu bay mang quốc tịch.
4. Thứ tự đăng
ký các quyền đối với tàu bay được xác định theo thời điểm nhận hồ sơ đầy đủ và
hợp lệ.
Điều 14. Xoá đăng ký các quyền đối với tàu bay
1. Người đăng ký có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Cục Hàng không
Việt Nam về các trường hợp có thể dẫn đến xoá đăng ký các quyền đối với tàu
bay.
2.[8] Hồ sơ đề
nghị xoá đăng ký các quyền đối với tàu bay gửi đến Cục Hàng không Việt Nam bao
gồm:
a) Đơn đề
nghị xoá đăng ký các quyền đối với tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục VII Nghị
định này;
b) Giấy chứng
nhận đăng ký đã được cấp;
c) Hợp đồng
mua tàu bay hoặc thuê tàu bay hoặc thuê mua tàu bay.
d) Văn bản đồng ý của bên nhận bảo đảm
trong trường hợp người đề nghị xóa là bên bảo đảm.
3. Sau khi kiểm
tra và đánh giá hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam ghi các thông tin về đề nghị xoá
đăng ký vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam, cấp Giấy chứng nhận xoá đăng ký theo
mẫu quy định tại Phụ lục IX của Nghị định này và thu hồi Giấy chứng nhận đăng
ký đã cấp.
Mục 2. ĐĂNG KÝ QUYỀN SỞ
HỮU, QUYỀN
CHIẾM HỮU
TÀU
BAY
Điều
15. Hồ sơ đề nghị đăng ký quyền sở hữu 9
Hồ sơ đề nghị
đăng ký quyền sở hữu tàu bay bao gồm:
1. Đơn đề
nghị đăng ký quyền sở hữu tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục III Nghị định này;
2. Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay Việt
Nam;
3. Giấy tờ
chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký;
4. Giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền
sở hữu tàu bay; trường hợp chuyển quyền sở hữu phải có thêm giấy tờ chứng minh
quyền sở hữu của chủ sở hữu cũ.
Điều
16. Hồ sơ đề nghị đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay10
Hồ sơ đề nghị
đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay bao gồm:
1. Đơn đề
nghị đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục IV Nghị định
này;
2. Bản sao có
chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay;
3. Giấy tờ
chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký;
4. Bản sao có chứng thực hợp đồng thuê tàu bay hoặc thuê mua tàu bay.
Điều 17. Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu, quyền chiếm hữu
Trường hợp đáp
ứng các yêu cầu quy định tại điểm a và b khoản 3 Điều 5 của Nghị
định này, Cục Hàng không Việt Nam ghi các thông tin liên quan đến quyền sở
hữu, quyền chiếm hữu tàu bay vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam và cấp Giấy chứng
nhận quyền sở hữu tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Nghị định này
hoặc Giấy chứng nhận quyền chiếm hữu tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục V
của Nghị định này.
Điều 18. Gia hạn đăng ký quyền chiếm hữu
1. Trong thời
hạn 15 ngày trước khi hết hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền chiếm hữu tàu
bay, người đăng ký được yêu cầu gia hạn đăng ký.
2.11 Hồ sơ đề nghị gia hạn đăng ký bao gồm:
a) Đơn đề
nghị gia hạn đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục V Nghị
định này;
b) Giấy tờ
chứng minh việc thuê mua, thuê tàu bay quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28 Luật
hàng không dân dụng Việt Nam được gia hạn;
c) Bản sao có chứng thực Giấy chứng
nhận đăng ký quyền chiếm hữu tàu bay đã cấp.
3. Trường
hợp đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm a và b khoản 3 Điều 5
của Nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam ghi chép thông tin gia
hạn vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam và cấp gia hạn cho Giấy chứng nhận đăng ký
quyền chiếm hữu tàu bay.
Điều 18a.
Đăng ký cầm cố, thế chấp tàu bay và cung cấp các thông tin về cầm cố, thế chấp
tàu bay12
Việc đăng ký cầm cố, thế chấp tàu bay
và cung cấp các thông tin về cầm cố, thế chấp tàu bay được thực hiện theo quy
định tại Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về
đăng ký giao dịch bảo đảm.
Mục 3. ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM BẰNG TÀU BAY
Điều 19. Hồ sơ đề nghị đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay
1. Hồ sơ đề nghị
đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay bao gồm:
a) Đơn đề nghị
đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, bao gồm các thông tin: họ
tên, địa chỉ, số điện thoại của người đề nghị đăng ký, người đăng
ký; loại giao dịch; họ tên, địa chỉ của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm; loại
tàu bay, nhà sản xuất và quốc gia sản xuất, số và năm xuất xưởng, quốc tịch và
số hiệu đăng ký; loại, số hiệu và số lượng động cơ tàu bay; thời điểm ký kết,
thời điểm có hiệu lực, thời điểm hết hiệu lực của giao dịch và giá trị nghĩa vụ
được bảo đảm của giao dịch; thời hạn đề nghị đăng ký;
b) Bản sao Giấy
chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay;
c) Giấy tờ chứng
minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký;
d) Giấy tờ hợp
pháp chứng minh quyền sở hữu tàu bay;
đ) Bản sao hợp
đồng giao dịch bảo đảm bằng tàu bay;
e) Văn bản thể
hiện sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu về việc giao dịch bảo đảm bằng
tàu bay trong trường hợp tàu bay thuộc sở hữu chung;
g) Biên lai hoặc
giấy tờ xác nhận về việc nộp lệ phí đăng ký.
2. Trường hợp có nhiều giao dịch bảo đảm trên cùng một tàu bay thì đơn đề nghị
đăng ký phải làm riêng đối với từng giao dịch. Trường hợp một giao dịch bảo đảm
trên nhiều tàu bay thì đơn đề nghị đăng ký phải làm riêng đối với từng tàu bay.
Điều 20. Thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay
1. Trường hợp
đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm a và b khoản 3 Điều 5 của
Nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam ghi các thông tin liên quan đến giao
dịch bảo đảm bằng tàu bay vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam và cấp Giấy chứng
nhận đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục VI
của Nghị định này.
2. Thời hạn hiệu lực của đăng ký giao
dịch bảo đảm được xác định theo thời hạn hiệu lực của giao dịch bảo đảm.
Điều 21. Thay
đổi nội dung giao dịch bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký
1. Đối với giao
dịch bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký, khi có thay đổi nội dung của giao dịch, người đăng ký phải gửi hồ sơ đề nghị đến Cục Hàng không Việt Nam.
2. Hồ sơ đề nghị
thay đổi nội dung đăng ký bao gồm:
a) Đơn đề nghị thay đổi nội dung đã
đăng ký của giao dịch bảo đảm bằng tàu bay bao gồm các thông tin: họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người đề nghị
đăng ký, người đăng ký; loại giao dịch và số giấy chứng nhận đăng ký đã cấp;
nội dung thay đổi;
b) Giấy chứng
nhận đăng ký giao dịch bảo đảm đã cấp;
c) Giấy tờ chứng
minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký;
d) Giấy tờ chứng
minh nội dung thay đổi;
đ) Biên lai hoặc
giấy tờ xác nhận về việc nộp lệ phí đăng ký.
3. Sau khi xem
xét hồ sơ đề nghị, Cục Hàng không Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký giao
dịch bảo đảm đã cấp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm mới. Thời điểm
có hiệu lực của đăng ký không thay đổi.
4. Trong trường
hợp nội dung thay đổi là tàu bay thì người đề nghị phải thực hiện việc xóa đăng
ký quyền đối với tàu bay và làm thủ tục đăng ký lại như đăng ký lần đầu.
Điều 22. Thực hiện việc đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm
bằng tàu bay
1. Đối với giao
dịch bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký, thì chậm nhất 15 ngày trước khi tiến hành
xử lý tài sản bảo đảm, người nhận bảo đảm đề nghị xử lý tài sản phải gửi văn
bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm đến bên bảo đảm và tất cả các bên nhận bảo
đảm khác, hoặc phải đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm với Cục Hàng không Việt Nam.
2. Hồ sơ đề nghị
đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay bao gồm:
a) Đơn đề nghị
đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay, bao gồm các thông
tin: họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người đề nghị đăng ký, người đăng ký;
loại tàu bay, số xuất xưởng, nhà sản xuất và quốc gia sản xuất, năm xuất xưởng;
loại, số lượng và số hiệu động cơ tàu bay; loại giao dịch và số giấy chứng nhận
đăng ký đã cấp; lý do, phương thức, thời điểm và nghĩa vụ được xử lý;
b) Văn bản thông
báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay;
c) Giấy tờ chứng
minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký;
d) Bản sao Giấy
chứng nhận giao dịch bảo đảm bằng tàu bay đã cấp;
đ) Biên lai hoặc
giấy tờ xác nhận về việc nộp lệ phí đăng ký.
3. Thực hiện quy
định tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định này, Cục Hàng không
Việt Nam cấp cho người đề nghị Giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo xử lý
tài sản bảo đảm bằng tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Nghị định này.
4. Cục Hàng
không Việt Nam thông báo việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký văn bản thông báo xử
lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay cho bên bảo đảm và tất cả các bên nhận bảo đảm
khác theo địa chỉ ghi trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
Mục 4. ĐĂNG KÝ QUYỀN ƯU TIÊN THANH TOÁN TIỀN CÔNG CỨU HỘ, GIỮ GÌN TÀU BAY
Điều 23. Hồ sơ đề nghị
đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện
cứu hộ, giữ gìn tàu
bay gửi
hồ sơ đăng
ký quyền ưu tiên
thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu
bay đến
Cục Hàng không
Việt Nam.
2.13 Hồ sơ đề nghị đăng ký bao gồm:
a) Đơn đề
nghị đăng ký quyền thanh toán công cứu hộ, giữ gìn tàu bay, theo mẫu quy định
tại Phụ lục VI Nghị định này;
b) Giấy tờ
chứng minh tư cách pháp lý của người đề nghị đăng ký, người đăng ký;
c) Xác nhận về hoạt động cứu hộ, giữ
gìn tàu bay của hãng hàng không hoặc Cảng vụ hàng không liên quan.
Điều 24. Thực hiện việc đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu
hộ, giữ gìn tàu bay
1. Trường hợp
đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm a và b khoản 3 Điều 5 của
Nghị định này, Cục Hàng không Việt Nam ghi các thông tin liên quan đến quyền
ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay mang quốc tịch Việt Nam
vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam và cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền ưu tiên
thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII
của Nghị định này.
2. Đối với tàu
bay mang quốc tịch nước ngoài thì việc đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền
công cứu hộ, giữ gìn tàu bay được thực hiện theo pháp luật của quốc gia đăng ký
tàu bay. Cục Hàng không Việt Nam xác nhận việc cứu hộ, giữ gìn đã thực hiện tại
Việt Nam và thông báo cho quốc gia đăng ký tàu bay.
Chương IV
SỔ ĐĂNG BẠ TÀU BAY VIỆT NAM
Điều 25. Lập và quản lý Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam
Cục Hàng không
Việt Nam chịu trách nhiệm lập, ghi chép, cập nhật thông tin, quản lý và khai
thác Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam. Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam được lập dưới
dạng Sổ ghi chép trên giấy hoặc lập Sổ điện tử.
Điều 26. Nội dung Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam
1. Sổ đăng bạ
tàu bay Việt Nam ghi các thông tin liên quan đến đăng ký, xóa đăng ký quốc tịch
tàu bay, các quyền đối với tàu bay, quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ,
giữ gìn tàu bay, văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay.
2. Sổ đăng bạ
tàu bay Việt Nam bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
a) Ngày vào Sổ
đăng bạ tàu bay Việt Nam đối với từng loại đăng ký;
b) Giấy chứng
nhận đã cấp với từng loại đăng ký: số,
ngày cấp;
c) Quốc tịch và
số hiệu đăng ký;
d) Loại tàu bay;
đ) Nhà sản xuất
tàu bay;
e) Số và ngày
xuất xưởng tàu bay;
g) Phân nhóm tàu
bay;
h) Giấy chứng
nhận loại tàu bay: số, cơ quan cấp;
i) Giấy chứng
nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu: số,
cơ quan cấp, ngày cấp;
k) Giấy chứng
nhận đủ điều kiện bay: số, cơ quan cấp, ngày
cấp;
l) Chủ sở hữu: tên đầy đủ, địa chỉ, quốc tịch;
m) Người chiếm
hữu: tên đầy đủ, địa chỉ,
quốc tịch;
n)
Thời hạn của việc chiếm hữu đối với tàu bay thuê;
o) Người khai
thác: tên đầy đủ, địa chỉ,
quốc tịch;
p) Người thuê
tàu bay: tên đầy đủ, địa chỉ,
quốc tịch;
q) Bên bảo đảm: tên đầy đủ, địa chỉ, quốc tịch;
r) Bên nhận bảo
đảm: tên đầy đủ, địa chỉ,
quốc tịch;
s)
Giá trị nghĩa vụ được bảo đảm bằng tàu bay;
t)
Thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm;
u)
Người thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay: tên đầy đủ, địa chỉ, quốc tịch;
v) Tên đầy đủ, địa chỉ, quốc tịch của người thực
hiện cứu hộ, giữ gìn tàu bay;
x)
Thời hạn có hiệu lực đối với tàu bay được đăng ký tạm thời quốc tịch;
y)
Xoá đăng ký đối với từng loại đăng ký: ngày,
lý do xóa đăng ký;
z)
Các thông tin cần thiết khác.
Điều 27. Cung cấp thông tin trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam
1.14 Người đề nghị
cung cấp thông tin, trích lục, bản sao từ Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam gửi đơn
đề nghị cung cấp thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục IX Nghị định này đến
Cục Hàng không Việt Nam.
3. Sau khi đánh giá hồ sơ, Cục Hàng không Việt Nam cung cấp thông tin, cấp
trích lục, bản sao từ Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam cho người đề nghị cung cấp.
4. Trong thời
hạn 15 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay, Cục Hàng
không Việt Nam cung cấp thông tin về việc đăng ký quốc tịch tàu bay cho Bộ Quốc
phòng để phục vụ công tác quản lý vùng trời, quản lý bay.
Điều 28. Sửa chữa sai sót trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam
1. Cục Hàng
không Việt Nam có trách nhiệm giải quyết và trả lời bằng văn bản các khiếu nại,
yêu cầu của tổ chức, cá nhân liên quan tới bất kỳ sai sót nào trong Sổ đăng bạ
tàu bay Việt Nam hoặc các giấy chứng nhận đã cấp và tiến hành các thủ tục sửa
chữa sai sót theo quy định của Nghị định này.
2. Người đề nghị
gửi hồ sơ đề nghị sửa chữa sai sót đến Cục Hàng không Việt Nam. Hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản đề
nghị sửa chữa sai sót trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam, bao gồm các thông tin:
họ tên, địa chỉ, số điện
thoại của người đề nghị sửa chữa sai sót; loại đăng ký, nội dung sửa chữa sai
sót;
b) Giấy chứng
nhận đăng ký đã cấp có sai sót;
c) Tài liệu chứng
minh các sai sót.
3. Sau khi xem
xét hồ sơ đề nghị sửa chữa sai sót, Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận
mới đã sửa chữa sai sót cho người đề nghị, đồng thời thu hồi giấy chứng nhận có
sai sót và ghi các nội dung đã được sửa chữa vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH15
Điều 29. Áp
dụng đối
với các đăng
ký đã có hiệu lực
1. Các đăng ký
còn hiệu lực được thực hiện trước khi Nghị định này có hiệu lực theo quy định
của Quyết định số 971/TTg ngày 28 tháng
12 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đăng ký tàu bay, đăng ký
chuyển nhượng quyền sở hữu tàu bay và đăng ký thế chấp tàu bay dân dụng và
Thông tư số 01/2004/TT-BGTVT ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ Giao thông vận
tải hướng dẫn việc đăng ký tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay không
phải làm thủ tục đăng ký lại.
2. Việc gia hạn,
thay đổi, sửa chữa sai sót hoặc xoá đăng ký của các đăng ký nói tại khoản 1 Điều
này được thực hiện sau ngày Nghị định này có hiệu lực phải tuân theo quy định
tại Nghị định này.
Điều 30. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này
có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo
2. Bãi bỏ các
văn bản: Quyết định số 971/TTg ngày 28 tháng 12 năm 1996 của Thủ
tướng Chính phủ ban hành Quy chế đăng ký tàu bay, đăng ký chuyển nhượng quyền
sở hữu tàu bay và đăng ký thế chấp tàu bay dân dụng; Thông tư số
01/2004/TT-BGTVT ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn
việc đăng ký tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay.
Điều 31. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Giao thông
vận tải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Bộ Tài chính
quy định mức thu và chế độ quản lý, sử dụng các loại phí, lệ phí liên quan đến
việc đăng ký quốc tịch tàu bay, đăng ký các quyền đối với tàu bay, đăng ký
quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay, đăng ký văn bản
thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu bay và cung cấp thông tin trong Sổ
đăng bạ tàu bay Việt Nam theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.
3. Các Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2013
|
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Trang thông tin điện tử Bộ GTVT(để đăng tải);
- Lưu: VT, PC.
|
BỘ TRƯỞNG
Đinh La Thăng
|