Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 55/2024/TT-BGTVT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Nguyễn Duy Lâm
Ngày ban hành: 15/11/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Các loại xe phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường

Ngày 15/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 55/2024/TT-BGTVT quy định về trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong sản xuất, lắp ráp.

Các loại xe phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường

Theo đó, các loại xe phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường, bao gồm:

- Xe ô tô con;

- Xe mô tô;

- Xe gắn máy.

Trường hợp xe sản xuất, lắp ráp từ xe cơ sở đã được dán nhãn năng lượng hoặc xe sản xuất, lắp ráp để xuất khẩu thì không áp dụng dán nhãn năng lượng.

Về phía cơ sở sản xuất, cơ sở sản xuất phải thực hiện công khai mức tiêu thụ năng lượng của xe cơ giới. Việc công khai mức tiêu thụ năng lượng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Phù hợp với các thông tin, mức tiêu thụ năng lượng của kiểu loại xe đã được chứng nhận;

- Đăng tải thông tin về mức tiêu thụ năng lượng của kiểu loại xe trên trang thông tin điện tử của cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh xe (nếu có). Thông tin công khai phải được duy trì trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe ra thị trường.

Cơ sở sản xuất thực hiện đăng ký dán nhãn năng lượng theo quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với kiểu loại xe cơ giới thuộc đối tượng phải dán nhãn năng lượng trên cơ sở mức tiêu thụ năng lượng đã chứng nhận, thực hiện dán nhãn năng lượng cho các xe xuất xưởng trước khi đưa ra thị trường.

Trường hợp kiểu loại sản phẩm đã được chứng nhận có các thay đổi không thoả mãn về sản phẩm cùng kiểu loại về mức tiêu thụ năng lượng hoặc các thay đổi làm ảnh hưởng đến mức tiêu thụ năng lượng đã được chứng nhận vượt quá phạm vi cho phép hoặc không đáp ứng được điều kiện mở rộng việc thừa nhận kết quả thử nghiệm khí thải quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng thì phải thực hiện chứng nhận lại kiểu loại xe liên quan tới mức tiêu thụ năng lượng.

Xem chi tiết tại Thông tư 55/2024/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025.

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2024/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2024

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA XE CƠ GIỚI, XE MÁY CHUYÊN DÙNG, PHỤ TÙNG XE CƠ GIỚI TRONG SẢN XUẤT, LẮP RÁP

Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 ngày 27 tháng 6 năm 2024;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007; Luật số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch;

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010; Luật số 28/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô; Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong sản xuất, lắp ráp.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong sản xuất, lắp ráp.

2. Thông tư này không áp dụng đối với:

a) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

b) Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới sử dụng để nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phục vụ sản xuất, trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và phụ tùng xe cơ giới trong sản xuất, lắp ráp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổng thành là động cơ, khung, buồng lái, thân xe hoặc thùng chở hàng hay thiết bị đặc trưng, chuyên dùng lắp trên xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

2. Hệ thống là hệ thống truyền lực, hệ thống chuyển động, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống nhiên liệu, hệ thống điện, hệ thống lưu trữ năng lượng cung cấp cho hệ truyền động của xe, hệ thống đèn chiếu sáng và tín hiệu.

3. Phụ tùng là tổng thành, hệ thống, cụm chi tiết và các chi tiết của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.

4. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi tắt là xe) là các xe được sản xuất, lắp ráp từ phụ tùng mới, xe cơ sở bao gồm các loại xe sau:

a) Các loại xe được quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường;

b) Ô tô sát xi được định nghĩa tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

5. Xe cơ sở là các xe mới gồm ô tô sát xi không buồng lái, ô tô sát xi có buồng lái, xe cơ giới hoàn chỉnh, xe máy chuyên dùng hoàn chỉnh đã được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, chưa thực hiện thủ tục đăng ký xe lần đầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an được sử dụng để sản xuất, lắp ráp thành xe khác.

6. Sản xuất, lắp ráp xe: là quá trình tạo ra xe hoàn chỉnh, ô tô sát xi có buồng lái, ô tô sát xi không có buồng lái (khung gầm có gắn động cơ) từ các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận, tổng thành, hệ thống; là quá trình tạo ra xe hoàn chỉnh từ xe cơ sở hoặc ô tô sát xi có buồng lái từ ô tô sát xi không có buồng lái.

7. Sản phẩm là phụ tùng hoặc xe.

8. Sản phẩm cùng kiểu loại là các sản phẩm có cùng đặc điểm được xác định theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

9. Mẫu điển hình là sản phẩm mẫu được lựa chọn để thực hiện kiểm tra, thử nghiệm theo quy định tại Thông tư này và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

10. Chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm là quá trình kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của một kiểu loại sản phẩm với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

11. Mức tiêu thụ năng lượng của xe cơ giới là lượng nhiên liệu, điện năng tiêu thụ của xe cơ giới trên một quãng đường ứng với điều kiện, chu trình thử nghiệm xác định.

12. Nhãn năng lượng của xe cơ giới (sau đây viết tắt là nhãn năng lượng) là nhãn cung cấp các thông tin liên quan đến loại năng lượng sử dụng, mức tiêu thụ năng lượng và kiểu loại xe cơ giới.

13. Cơ sở sản xuất là một trong các tổ chức sau:

a) Tổ chức thực hiện sản xuất, lắp ráp phụ tùng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức thực hiện sản xuất, lắp ráp các loại xe ô tô được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

c) Tổ chức thực hiện sản xuất, lắp ráp các loại xe (trừ tổ chức quy định tại điểm b khoản này) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.

14. Cơ sở kinh doanh xe là tổ chức, cá nhân thực hiện việc bán, phân phối xe ra thị trường được thành lập theo quy định của pháp luật.

15. Cơ quan có thẩm quyền chứng nhận (sau đây gọi tắt là Cơ quan chứng nhận) là Cục Đăng kiểm Việt Nam.

16. Cơ sở thử nghiệm là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật và được Cục Đăng kiểm Việt Nam công nhận, chỉ định để thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm xe, phụ tùng.

17. Báo cáo kiểm tra, thử nghiệm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe (sau đây gọi là Báo cáo thử nghiệm an toàn xe) là kết quả kiểm tra, thử nghiệm mẫu điển hình của cơ sở thử nghiệm theo quy định tại Thông tư này và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với kiểu loại xe.

18. Báo cáo thử nghiệm khí thải xe là kết quả thử nghiệm khí thải mẫu điển hình của cơ sở thử nghiệm theo quy định tại Thông tư này và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của xe.

19. Báo cáo thử nghiệm phụ tùng là kết quả thử nghiệm mẫu điển hình của cơ sở thử nghiệm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với kiểu loại phụ tùng.

20. Báo cáo thử nghiệm mức tiêu thụ năng lượng là kết quả thử nghiệm mức tiêu thụ năng lượng mẫu điển hình của cơ sở thử nghiệm theo quy định tại Thông tư này và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với kiểu loại xe cơ giới.

21. Sản phẩm có khuyết tật là sản phẩm có lỗi trong quá trình thiết kế, chế tạo, lắp ráp có khả năng gây nguy hiểm đến an toàn tính mạng và tài sản của người sử dụng cũng như gây ảnh hưởng xấu đến an toàn và môi trường của cộng đồng.

22. Triệu hồi là hành động của cơ sở sản xuất thực hiện đối với sản phẩm có khuyết tật trong quá trình thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp đã được cung cấp ra thị trường nhằm khắc phục, ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra.

23. Năm sản xuất xe là năm tính theo dương lịch khi số khung xe được lập và đóng trên khung của xe hoặc thân vỏ xe. Đối với xe được sản xuất, lắp ráp từ xe cơ sở, năm sản xuất của xe được lấy theo năm sản xuất của xe cơ sở lần đầu được xuất xưởng.

24. Quản lý rủi ro là việc Cơ quan chứng nhận áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm đánh giá, phân loại mức độ rủi ro đối với cơ sở sản xuất và áp dụng biện pháp quản lý phù hợp trong sản xuất, lắp ráp xe, phụ tùng.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE CƠ GIỚI, XE MÁY CHUYÊN DÙNG, PHỤ TÙNG XE CƠ GIỚI

Điều 4. Thử nghiệm mẫu điển hình

1. Cơ sở sản xuất chuẩn bị mẫu điển hình, tài liệu kỹ thuật và các tài liệu liên quan khác để thực hiện đăng ký thử nghiệm mẫu điển hình cho các kiểu loại sản phẩm thuộc đối tượng phải kiểm tra, thử nghiệm quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này hoặc đăng ký thử nghiệm mức tiêu thụ năng lượng xe cơ giới. Cơ sở sản xuất có thể lựa chọn thực hiện việc thử nghiệm mức tiêu thụ năng lượng của xe độc lập hoặc kết hợp với thử nghiệm khí thải xe.

2. Cơ sở thử nghiệm thực hiện kiểm tra, thử nghiệm mẫu điển hình; lập và cấp một trong các báo cáo thử nghiệm: Báo cáo thử nghiệm an toàn xe; Báo cáo thử nghiệm khí thải xe; Báo cáo thử nghiệm phụ tùng; Báo cáo thử nghiệm mức tiêu thụ năng lượng. Báo cáo thử nghiệm có giá trị sử dụng trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày ký để thực hiện đăng ký chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với kiểu loại xe hoặc phụ tùng xe cơ giới.

Điều 5. Hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường

1. Hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng kiểu loại phụ tùng thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại phụ tùng theo quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản thông tin thể hiện các thông số kỹ thuật đặc trưng của kiểu loại phụ tùng;

c) Bản sao Báo cáo thử nghiệm phụ tùng kèm theo bản sao chụp các bản vẽ kỹ thuật thể hiện các thông số đặc trưng của phụ tùng;

d) Ảnh chụp tổng thể phụ tùng; bản thuyết minh các ký hiệu, ký tự, số đóng trên phụ tùng;

đ) Danh mục các phụ tùng sử dụng để sản xuất, lắp ráp đối với phụ tùng là động cơ sử dụng cho mô tô, xe gắn máy, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Kết quả đánh giá việc đảm bảo chất lượng kiểu loại phụ tùng tại cơ sở sản xuất hoặc kết quả đánh giá việc đảm bảo chất lượng kiểu loại phụ tùng tương tự trong trường hợp không phải đánh giá lại việc đảm bảo chất lượng đối với cơ sở sản xuất đã được đánh giá.

2. Hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng kiểu loại xe bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe theo quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này đối với kiểu loại xe sản xuất, lắp ráp;

c) Bản sao Báo cáo thử nghiệm an toàn xe kèm theo bản sao chụp các bản vẽ kỹ thuật được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này khi thực hiện đăng ký kiểm tra, thử nghiệm;

d) Bản sao Báo cáo thử nghiệm khí thải xe kèm theo bản sao chụp các tài liệu thông tin về kiểu loại xe khi thực hiện đăng ký thử nghiệm khí thải;

đ) Bản sao Báo cáo thử nghiệm mức tiêu thụ năng lượng kèm theo bản sao chụp các tài liệu khi thực hiện đăng ký thử nghiệm mức tiêu thụ năng lượng;

e) Bản thống kê các phụ tùng sản xuất trong nước và nhập khẩu dùng để sản xuất, lắp ráp xe theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

g) Bản sao tài liệu còn hiệu lực đối với phụ tùng thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này sử dụng để lắp ráp xe;

h) Ảnh chụp tổng thể xe, ảnh chụp thiết bị đặc trưng, chuyên dùng;

i) Bản sao bản thuyết minh phương pháp và vị trí đóng số khung, số động cơ xe;

k) Kết quả đánh giá việc đảm bảo chất lượng kiểu loại xe tại cơ sở sản xuất hoặc kết quả đánh giá việc đảm bảo chất lượng kiểu loại xe tương tự trong trường hợp không phải đánh giá lại việc đảm bảo chất lượng đối với cơ sở sản xuất đã được đánh giá.

3. Các tài liệu quy định tại điểm g khoản 2 Điều này đối với mỗi kiểu loại phụ tùng là một trong các tài liệu sau:

a) Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại phụ tùng;

b) Thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phụ tùng xe ô tô nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 60/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định về việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu và phụ tùng nhập khẩu theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (sau đây gọi là Thông báo miễn kiểm tra phụ tùng);

c) Bản sao văn bản xác nhận của nhà sản xuất phụ tùng nước ngoài kèm theo các tài liệu kết quả chứng nhận sự phù hợp về chất lượng của các kiểu loại phụ tùng xe ô tô nhập khẩu theo quy định tại các thỏa thuận từ các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận xe cơ giới;

d) Bản sao văn bản xác nhận của đại diện hợp pháp của nhà sản xuất phụ tùng nước ngoài tại Việt Nam kèm theo bản sao Giấy chứng nhận kiểu loại phụ tùng sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe ô tô thuộc đối tượng của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2017 (sau đây gọi tắt là Nghị định 116/2017/NĐ-CP) do Cơ quan chứng nhận cấp.

4. Các tài liệu được miễn nộp đối với thành phần hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng kiểu loại xe:

a) Báo cáo thử nghiệm khí thải xe đối với kiểu loại xe sản xuất, lắp ráp từ xe cơ sở và quá trình sản xuất, lắp ráp không làm thay đổi hệ thống khí thải của xe cơ sở được chứng nhận chất lượng; hoặc các kiểu loại xe không thuộc đối tượng áp dụng tiêu chuẩn mức khí thải xe;

b) Báo cáo thử nghiệm mức tiêu thụ năng lượng đối với loại xe không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức tiêu thụ năng lượng hoặc các xe sản xuất từ xe cơ sở đã được chứng nhận về mức tiêu thụ năng lượng; Báo cáo thử nghiệm khí thải xe đã bao gồm kết quả thử nghiệm mức tiêu thụ năng lượng;

c) Tài liệu quy định tại điểm g khoản 2 Điều này đối với trường hợp phụ tùng được Cơ quan chứng nhận thực hiện cấp Giấy chứng nhận chất lượng hoặc Thông báo miễn kiểm tra phụ tùng;

d) Bản sao bản thuyết minh phương pháp và vị trí đóng số khung, số động cơ quy định tại điểm i khoản 2 Điều này đối với kiểu loại xe được sản xuất, lắp ráp từ xe cơ sở.

5. Các tài liệu thay thế đối với thành phần hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng kiểu loại xe:

a) Tài liệu thay thế Báo cáo thử nghiệm khí thải xe: bản sao chụp văn bản của cơ sở thử nghiệm xác nhận kết quả kiểm tra sự phù hợp về khí thải của kiểu loại xe đáp ứng các yêu cầu về mở rộng thừa nhận về khí thải với kiểu loại xe đã được chứng nhận hoặc bản sao chụp văn bản xác nhận của cơ sở thử nghiệm về sự phù hợp của kiểu loại xe sản xuất, lắp ráp với Báo cáo thử nghiệm khí thải thuộc các trường hợp quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Tài liệu thay thế Báo cáo thử nghiệm mức tiêu thụ năng: bản sao chụp văn bản xác nhận của cơ sở thử nghiệm về sự phù hợp của kiểu loại xe đối với trường hợp kiểu loại xe cơ giới được xác định cùng kiểu loại với kiểu loại xe đã chứng nhận quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu thụ năng lượng hoặc bản sao chụp văn bản xác nhận của cơ sở thử nghiệm đối với trường hợp kiểu loại xe đáp ứng được điều kiện mở rộng thừa nhận kết quả thử nghiệm khí thải đối với kiểu loại xe đã chứng nhận hoặc bản sao chụp văn bản xác nhận của cơ sở thử nghiệm về sự phù hợp của kiểu loại xe sản xuất, lắp ráp với Báo cáo thử nghiệm mức tiêu thụ năng lượng thuộc các trường hợp quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Khi thực hiện nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này được thay thế bằng bản khai thông tin điện tử, tài liệu dạng điện tử.

Điều 6. Đảm bảo chất lượng sản phẩm trong sản xuất, lắp ráp

1. Cơ sở sản xuất xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất, lắp ráp và xuất xưởng sản phẩm đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

2. Cơ quan chứng nhận thực hiện đánh giá việc đảm bảo chất lượng sản phẩm (gọi tắt là đánh giá COP) bao gồm các phương thức sau:

a) Đánh giá lần đầu được thực hiện khi cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm mới tại cơ sở sản xuất.

Nội dung đánh giá: kiểm tra các tài liệu liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, địa điểm và quyền sử dụng mặt bằng nhà xưởng; đánh giá hệ thống quản lý chất lượng tại cơ sở sản xuất đảm bảo, duy trì sự phù hợp và tính ổn định chất lượng sản phẩm gồm các tài liệu quy định về: kiểm soát chất lượng linh kiện vật tư đầu vào; sản xuất, lắp ráp, kiểm tra chất lượng trên từng công đoạn và kiểm tra chất lượng xuất xưởng sản phẩm; kiểm soát sự không phù hợp và hành động khắc phục, phòng ngừa lỗi của sản phẩm; bảo dưỡng thiết bị sản xuất, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra chất lượng; bảo hành, triệu hồi sản phẩm; quản lý, sử dụng Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng; lưu trữ hồ sơ kiểm tra chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc phụ tùng và sản phẩm; đánh giá hoạt động thực tế của hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lắp ráp và kiểm tra chất lượng xuất xưởng; đánh giá nghiệp vụ của nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Đối với kiểu loại sản phẩm mới được sản xuất bởi cơ sở sản xuất đã được đánh giá COP nhưng quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp và kiểm tra có sự thay đổi so với kiểu loại sản phẩm đã được đánh giá thì chỉ đánh giá các nội dung có sự thay đổi so với kiểu loại sản phẩm đã được đánh giá;

b) Đánh giá định kỳ được thực hiện theo chu kỳ quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này.

Nội dung đánh giá: kiểm tra các tài liệu liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, quyền sử dụng mặt bằng nhà xưởng (nếu có sự thay đổi so với kỳ đánh giá trước); đánh giá việc duy trì hệ thống quản lý chất lượng; đánh giá hoạt động thực tế của hệ thống quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất, lắp ráp và kiểm tra chất lượng xuất xưởng; đánh giá nghiệp vụ của nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Việc đánh giá các nội dung: duy trì việc đảm bảo chất lượng của cơ sở sản xuất; việc lưu trữ hồ sơ kiểm tra chất lượng sản phẩm và sự phù hợp của sản phẩm xuất xưởng so với các chỉ tiêu chất lượng đăng ký của kiểu loại sản phẩm; việc quản lý, sử dụng Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng được thực hiện theo phương thức kiểm tra xác suất. Việc mở rộng phạm vi kiểm tra, đánh giá được xem xét thực hiện khi phát hiện có sự không phù hợp trong quá trình đánh giá;

c) Đánh giá đột xuất được thực hiện khi có đơn thư, phản ánh về việc: không duy trì việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, không thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm hoặc sản phẩm xuất xưởng không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận và mẫu điển hình của kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc sử dụng, cấp Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng không đúng quy định.

Nội dung đánh giá: đánh giá các hạng mục liên quan đến phản ánh và mở rộng nội dung đánh giá nếu phát hiện các sai phạm có liên quan tới các hạng mục đánh giá khác;

d) Đánh giá bổ sung được thực hiện khi có sự thay đổi liên quan đến hệ thống quản lý chất lượng, thay đổi công đoạn sản xuất, công đoạn kiểm tra, thay đổi mặt bằng nhà xưởng, thiết bị kiểm tra chất lượng xuất xưởng ảnh hưởng đến việc đảm bảo chất lượng sản phẩm của cơ sở sản xuất so với lần đánh giá trước đó.

Nội dung đánh giá: đánh giá các hạng mục liên quan các nội dung thay đổi.

3. Cơ sở sản xuất có thể đề nghị thực hiện đánh giá COP trước hoặc sau thời điểm nộp hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm hoặc trước thời điểm đánh giá định kỳ; riêng đối với trường hợp đánh giá định kỳ, việc đánh giá lại được thực hiện trước không quá 03 tháng so với thời điểm phải đánh giá. Nếu có nội dung chưa đạt phải khắc phục, cơ sở sản xuất có trách nhiệm khắc phục trong thời hạn không quá 03 tháng kể từ ngày được thông báo các nội dung chưa đạt yêu cầu để đánh giá lại; nếu quá thời hạn nêu trên, cơ sở sản xuất không khắc phục nội dung chưa đạt yêu cầu, Cơ quan chứng nhận dừng đánh giá và ghi nhận kết quả đánh giá COP không đạt yêu cầu. Trường hợp đạt yêu cầu, kết quả đánh giá COP và thời gian đánh giá kỳ tiếp theo được thông báo bằng văn bản hoặc hình thức phù hợp cho cơ sở sản xuất. Thời gian kỳ đánh giá tiếp theo được xác định trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý chất lượng sản phẩm sản xuất, lắp ráp quy định tại Điều 14 và Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Thời điểm bắt đầu của kỳ đánh giá được xác định như sau:

a) Đối với đánh giá lần đầu: kể từ ngày kết thúc đánh giá COP đạt yêu cầu;

b) Đối với đánh giá định kỳ: Trường hợp cơ sở sản xuất đề nghị đánh giá định kỳ trước ngày đánh giá lại COP đã được thông báo ở kỳ trước nếu kết quả đánh giá đạt yêu cầu, thời điểm bắt đầu của kỳ đánh giá tiếp theo được lấy theo ngày đánh giá lại COP đã được thông báo ở kỳ trước; nếu kết quả đánh giá có một trong các nội dung sau không đạt yêu cầu: sản phẩm không đáp ứng các yêu cầu, không phù hợp với kiểu loại sản phẩm đã được chứng nhận; không thực hiện kiểm tra xuất xưởng sản phẩm; kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng xuất xưởng không thực hiện đúng hướng dẫn kiểm tra chất lượng xuất xưởng; thiết bị kiểm tra xuất xưởng không hoạt động hoặc hoạt động không bình thường, không đảm bảo độ chính xác; sử dụng và cấp phiếu xuất xưởng không phù hợp với kiểu loại xe đã chứng nhận thì kết quả đánh giá COP trước đó không còn giá trị. Sau khi cơ sở sản xuất khắc phục các nội dung không đạt, thời điểm bắt đầu của kỳ đánh giá tiếp theo được lấy theo ngày đánh giá lại COP đã được thông báo ở kỳ trước.

Trường hợp cơ sở sản xuất đề nghị đánh giá định kỳ sau ngày đánh giá lại COP đã được thông báo ở kỳ trước thì thời điểm bắt đầu được tính từ ngày kết thúc đánh giá định kỳ đạt yêu cầu;

c) Đối với trường hợp đánh giá kiểu loại sản phẩm mới lần đầu được sản xuất bởi cơ sở sản xuất đã được đánh giá COP hoặc trường hợp đánh giá bổ sung: thời điểm bắt đầu của kỳ đánh giá tiếp theo được lấy theo thời gian đã thông báo ở kỳ trước.

5. Không đánh giá lại COP (miễn đánh giá COP) trong trường hợp kiểu loại sản phẩm được sản xuất, lắp ráp theo quy trình công nghệ và quy trình kiểm tra tương tự hoặc đơn giản hơn so với quy trình công nghệ và quy trình kiểm tra của kiểu loại sản phẩm đã được đánh giá trước đó.

Điều 7. Chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm

Cơ sở sản xuất lập 01 bộ hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng tương ứng với kiểu loại sản phẩm theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này gửi tới Cơ quan chứng nhận để thực hiện xem xét cấp chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm (sau đây gọi tắt là chứng nhận kiểu loại sản phẩm) theo trình tự và cách thức thực hiện như sau:

1. Cơ sở sản xuất nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc nộp trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Giao thông vận tải (gọi chung là hệ thống dịch vụ công trực tuyến) đến Cơ quan chứng nhận.

2. Cơ quan chứng nhận tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ. Trường hợp thành phần hồ sơ không đầy đủ theo quy định, Cơ quan chứng nhận trả lại hồ sơ trong ngày làm việc đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trả lại hồ sơ trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận đối với hình thức nộp khác và thông báo lý do để cơ sở sản xuất hoàn thiện lại hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cơ quan chứng nhận thực hiện kiểm tra, đánh giá hồ sơ.

3. Cơ quan chứng nhận thực hiện kiểm tra kết quả đánh giá COP, kiểm tra nội dung hồ sơ trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận đủ hồ sơ và cơ sở sản xuất đã nộp đầy đủ các khoản giá dịch vụ, lệ phí theo quy định.

a) Nếu kết quả COP và kết quả kiểm tra hồ sơ đạt yêu cầu, Cơ quan chứng nhận cấp chứng nhận kiểu loại sản phẩm;

b) Nếu hồ sơ có nội dung chưa phù hợp hoặc chưa có kết quả COP hoặc có kết quả COP nhưng không phù hợp với kiểu loại sản phẩm, Cơ quan chứng nhận thông báo để cơ sở sản xuất bổ sung, hoàn thiện; trường hợp chưa có kết quả đánh giá COP hoặc có kết quả COP nhưng không phù hợp với kiểu loại sản phẩm, cơ sở sản xuất thống nhất thời gian thực hiện để Cơ quan chứng nhận thực hiện đánh giá COP theo quy định. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm hoàn thiện nội dung hồ sơ chưa phù hợp đã thông báo và gửi lại cho Cơ quan chứng nhận. Thời hạn giải quyết được tính lại từ đầu sau khi nhận được hồ sơ do cơ sở sản xuất bổ sung, hoàn thiện.

Cơ sở sản xuất được phép bổ sung, hoàn thiện các nội dung không phù hợp của hồ sơ trong thời hạn tối đa 03 tháng kể từ ngày thông báo lần đầu tiên. Quá thời hạn 03 tháng, Cơ quan chứng nhận dừng việc kiểm tra đánh giá hồ sơ, đánh giá COP và thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến về việc không cấp chứng nhận kiểu loại sản phẩm.

4. Cơ quan chứng nhận cấp chứng nhận kiểu loại sản phẩm trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả đánh giá COP và kết quả kiểm tra hồ sơ đạt yêu cầu. Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm (sau đây gọi là Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm) được cấp có hiệu lực trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cấp. Việc cấp chứng nhận kiểu loại sản phẩm được quy định như sau:

a) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại xe (Giấy chứng nhận kiểu loại xe) theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này; phôi Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại phụ tùng (Giấy chứng nhận kiểu loại phụ tùng) theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Cơ sở sản xuất nhận kết quả chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho kiểu loại sản phẩm trực tiếp tại trụ sở Cơ quan chứng nhận hoặc qua hệ thống bưu chính đối với trường hợp cấp chứng nhận chất lượng bản giấy; qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đối với trường hợp cấp chứng nhận chất lượng bản điện tử.

Điều 8. Cấp lại Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm

1. Giấy chứng nhận được cấp lại trong các trường hợp: bị mất, hỏng; hết hiệu lực; thay đổi nội dung thông tin, tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất trên Giấy chứng nhận; thay đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho sản phẩm; thay đổi nhãn hiệu, tên thương mại của sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận (còn hiệu lực) liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ; kiểu loại xe cơ giới đã được chứng nhận có sự thay đổi về mức tiêu thụ năng lượng.

2. Hồ sơ cấp lại gồm các tài liệu sau:

a) Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận do bị mất, hỏng hoặc do thay đổi thông tin, tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất trên Giấy chứng nhận: tài liệu quy định tại điểm a và e khoản 1 Điều 5 đối với phụ tùng hoặc tài liệu quy định tại điểm a và k khoản 2 Điều 5 của Thông tư này đối với xe; tài liệu liên quan đối với trường hợp thay đổi thông tin, tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất.

b) Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận do hết hiệu lực: tài liệu quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 5 của Thông tư này. Miễn nộp các tài liệu nếu không có sự thay đổi so với các tài liệu đã nộp trong hồ sơ của kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận;

c) Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận do kiểu loại xe cơ giới đã được chứng nhận có sự thay đổi về mức tiêu thụ năng lượng hoặc thay đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho sản phẩm hoặc thay đổi nhãn hiệu, tên thương mại của sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ: tài liệu quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 5 của Thông tư này; tài liệu liên quan đối với trường hợp thay đổi nhãn hiệu, tên thương mại của sản phẩm. Miễn nộp các tài liệu nếu không có sự thay đổi so với các tài liệu đã nộp trong hồ sơ của kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận.

       3. Trình tự thực hiện:

a) Cơ sở sản xuất lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này tương ứng với từng trường hợp và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cơ quan chứng nhận;

b) Cơ quan chứng nhận tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ. Trường hợp thành phần hồ sơ không đầy đủ theo quy định, Cơ quan chứng nhận trả lại hồ sơ trong ngày làm việc đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trả lại hồ sơ trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận đối với hình thức nộp khác  và thông báo lý do để cơ sở sản xuất hoàn thiện lại hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cơ quan chứng nhận thực hiện kiểm tra, đánh giá hồ sơ;

c) Cơ quan chứng nhận thực hiện kiểm tra kết quả đánh giá COP, kiểm tra nội dung hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận (bản giấy) do bị mất, hỏng hoặc 07 ngày làm việc đối với hồ sơ cấp lại thuộc các trường hợp khác kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận và cơ sở sản xuất đã nộp đầy đủ các khoản giá dịch vụ, lệ phí.

Nếu kết quả COP và kết quả kiểm tra hồ sơ đạt yêu cầu, Cơ quan chứng nhận cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Nếu hồ sơ có nội dung chưa phù hợp hoặc kết quả COP không đạt yêu cầu, Cơ quan chứng nhận thông báo để cơ sở sản xuất bổ sung, hoàn thiện hồ sơ; trường hợp kết quả COP không đạt yêu cầu, cơ sở sản xuất thống nhất thời gian để Cơ quan chứng nhận thực hiện đánh giá COP theo quy định. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm hoàn thiện nội dung hồ sơ chưa phù hợp và gửi lại cho Cơ quan chứng nhận. Thời hạn giải quyết được tính lại từ đầu sau khi nhận đủ hồ sơ do cơ sở sản xuất bổ sung, hoàn thiện.

Cơ sở sản xuất được phép bổ sung, hoàn thiện các nội dung không phù hợp của hồ sơ trong thời hạn tối đa 03 tháng kể từ ngày thông báo lần đầu tiên. Quá thời hạn 03 tháng, Cơ quan chứng nhận dừng việc kiểm tra đánh giá hồ sơ, đánh giá COP và thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến về việc không cấp Giấy chứng nhận;

d) Cơ quan chứng nhận cấp Giấy chứng nhận trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả đánh giá COP và kết quả kiểm tra hồ sơ đạt yêu cầu. Giấy chứng nhận được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục IX hoặc Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này. Hiệu lực Giấy chứng nhận cấp lại do hết hiệu lực có hiệu lực trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cấp. Hiệu lực Giấy chứng nhận cấp lại do thay đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng có hiệu lực trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cấp nếu thực hiện kiểm tra, thử nghiệm theo toàn bộ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng đối với kiểu loại sản phẩm. Hiệu lực Giấy chứng nhận cấp lại đối với các trường hợp cấp lại khác được lấy theo hiệu lực của Giấy chứng nhận đã cấp;

đ) Cơ sở sản xuất nhận Giấy chứng nhận trực tiếp tại trụ sở Cơ quan chứng nhận hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến (nếu nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến).

Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận do hết hiệu lực, Cơ quan chứng nhận lấy mẫu ngẫu nhiên trong lô sản phẩm đã được sản xuất, lắp ráp và kiểm tra xuất xưởng đạt yêu cầu để kiểm tra, thử nghiệm khi cơ sở sản xuất có nhu cầu tiếp tục sản xuất, lắp ráp. Số lượng sản phẩm xuất xưởng đối với xe sản xuất, lắp ráp từ xe cơ sở, xe chuyên dùng, xe máy chuyên dùng để lấy mẫu không nhỏ hơn số lượng mẫu phục vụ để kiểm tra, thử nghiệm. Việc lấy mẫu cho phép thực hiện trước khi nộp hồ sơ và khi Giấy chứng nhận hết hiệu lực không quá 06 tháng.

4. Khi thực hiện nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này được thay thế bằng bản khai thông tin điện tử, tài liệu dạng điện tử.

Điều 9. Cấp mở rộng Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm

1. Việc cấp mở rộng Giấy chứng nhận kiểu loại xe hoặc Giấy chứng nhận kiểu loại phụ tùng (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận mở rộng) được thực hiện khi kiểu loại sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận còn hiệu lực có sự thay đổi nhưng vẫn đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm cùng kiểu loại và thuộc một trong các trường hợp quy định tại mục 2 Phần I đối với xe cơ giới, phụ tùng xe cơ giới hoặc mục 2 Phần II đối với xe máy chuyên dùng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này hoặc làm thay đổi việc nhận dạng sản phẩm hoặc làm thay đổi thông số in trên Giấy chứng nhận kiểu loại đã cấp.

2. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận mở rộng gồm:

a) Các tài liệu quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 5 của Thông tư này. Miễn nộp các tài liệu nếu không có sự thay đổi so với các tài liệu đã nộp trong hồ sơ của kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận;

b) Các tài liệu liên quan đến sự thay đổi của sản phẩm.

3. Trình tự thực hiện:

a) Cơ sở sản xuất lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cơ quan chứng nhận;

b) Cơ quan chứng nhận xem xét tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ. Trường hợp thành phần hồ sơ không đầy đủ theo quy định, Cơ quan chứng nhận trả lại hồ sơ trong ngày làm việc đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trả lại hồ sơ trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ được xem xét tiếp nhận đối với hình thức nộp khác và thông báo lý do để cơ sở sản xuất hoàn thiện lại hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cơ quan chứng nhận thực hiện kiểm tra, đánh giá hồ sơ;

c) Cơ quan chứng nhận thực hiện kiểm tra kết quả đánh giá COP, kiểm tra nội dung hồ sơ trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận và cơ sở sản xuất đã nộp đầy đủ các khoản giá dịch vụ, lệ phí.

Nếu kết quả COP và hồ sơ đạt yêu cầu, Cơ quan chứng nhận cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Nếu hồ sơ có nội dung chưa phù hợp hoặc kết quả COP không đạt yêu cầu, Cơ quan chứng nhận thông báo để cơ sở sản xuất bổ sung, hoàn thiện; trường hợp kết quả COP không đạt yêu cầu, cơ sở sản xuất thống nhất thời gian để Cơ quan chứng nhận thực hiện đánh giá COP theo quy định. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm hoàn thiện nội dung hồ sơ chưa phù hợp đã thông báo và gửi lại cho Cơ quan chứng nhận. Thời hạn giải quyết được tính lại từ đầu sau khi nhận đủ hồ sơ do cơ sở sản xuất bổ sung, hoàn thiện.

Cơ sở sản xuất được phép bổ sung, hoàn thiện các nội dung không phù hợp của hồ sơ trong thời hạn tối đa 03 tháng kể từ ngày thông báo lần đầu tiên. Quá thời hạn 03 tháng, Cơ quan chứng nhận dừng việc kiểm tra đánh giá hồ sơ, đánh giá COP và thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến về việc không cấp Giấy chứng nhận;

d) Cơ quan chứng nhận cấp Giấy chứng nhận mở rộng trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả đánh giá COP và nội dung hồ sơ đạt yêu cầu. Giấy chứng nhận được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục IX hoặc Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận mở rộng được lấy theo hiệu lực của Giấy chứng nhận của kiểu loại sản phẩm trước khi thay đổi;

đ) Cơ sở sản xuất nhận Giấy chứng nhận trực tiếp tại trụ sở Cơ quan chứng nhận hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến (nếu nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến).

4. Khi thực hiện nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này được thay thế bằng bản khai thông tin điện tử, tài liệu dạng điện tử.

Điều 10. Bổ sung hồ sơ đăng ký chứng nhận sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận kiểu loại

1. Việc bổ sung hồ sơ đăng ký chứng nhận kiểu loại sản phẩm được thực hiện khi kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận còn hiệu lực có sự thay đổi nhưng không làm thay đổi về sản phẩm cùng kiểu loại theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này, đáp ứng yêu cầu về sản phẩm cùng kiểu tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư này hoặc thuộc trường hợp bổ sung kết quả kiểm tra, thử nghiệm hạng mục áp dụng của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo lộ trình áp dụng đã ban hành.

2. Hồ sơ bổ sung gồm các tài liệu sau:

a) Các tài liệu quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 5 của Thông tư này. Miễn nộp các tài liệu nếu không có sự thay đổi so với các tài liệu đã nộp trong hồ sơ của kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận;

b) Các tài liệu liên quan đến sự thay đổi, bổ sung của sản phẩm.

3. Miễn thử nghiệm và cung cấp báo cáo thử nghiệm đối với sản phẩm có sự thay đổi, bổ sung trong các trường hợp sau: sản phẩm có sự thay đổi về tính tiện nghi và thẩm mỹ, thay đổi ký tự trên sản phẩm nhưng không làm thay đổi các thông số kỹ thuật, không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của kiểu loại sản phẩm được sử dụng làm cơ sở để cấp Giấy chứng nhận kiểu loại và vẫn đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm cùng kiểu loại quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và yêu cầu về sản phẩm cùng kiểu tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; bổ sung phụ tùng cùng kiểu loại nhập khẩu được cấp Giấy chứng nhận cho lô hàng nhập khẩu do chưa thực hiện đánh giá COP (có cùng các thông tin, thông số kỹ thuật của sản phẩm trên Giấy chứng nhận và trong Báo cáo thử nghiệm) sử dụng để sản xuất, lắp ráp kiểu loại xe; bổ sung phụ tùng cùng loại đã được cấp Giấy chứng nhận có cùng thông số kỹ thuật ghi trên Giấy chứng nhận và trong Báo cáo thử nghiệm so với phụ tùng đã được lắp trên kiểu loại xe đã được cấp Giấy chứng nhận và đáp ứng các yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các trường hợp bổ sung, thay đổi khác với trường hợp đã quy định được xem xét, đánh giá trên cơ sở sự phù hợp các thông số kỹ thuật của phụ tùng đã được chứng nhận với thông số kỹ thuật của kiểu loại xe, phụ tùng lắp đặt trên xe và đáp ứng các hạng mục liên quan đến phụ tùng thay đổi lắp đặt trên xe được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng đối với kiểu loại xe.

4. Trình tự thực hiện:

a) Cơ sở sản xuất lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Cơ quan chứng nhận để thực hiện bổ sung hồ sơ đăng ký chứng nhận của kiểu loại đã được cấp Giấy chứng nhận;

b) Cơ quan chứng nhận tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ. Trường hợp thành phần hồ sơ không đầy đủ theo quy định, Cơ quan chứng nhận trả lại hồ sơ trong ngày làm việc đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trả lại hồ sơ trong vòng 02 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận đối với hình thức nộp khác và thông báo lý do để cơ sở sản xuất hoàn thiện lại hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cơ quan chứng nhận thực hiện kiểm tra đánh giá hồ sơ;

c) Cơ quan chứng nhận thực hiện kiểm tra kết quả đánh giá COP, kiểm tra nội dung hồ sơ trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận và cơ sở sản xuất đã nộp đầy đủ các khoản giá dịch vụ, lệ phí.

Nếu kết quả COP và kết quả kiểm tra hồ sơ đạt yêu cầu, Cơ quan chứng nhận ghi nhận và bổ sung các nội dung thay đổi đối với kiểu loại sản phẩm đã được chứng nhận và thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho cơ sở sản xuất.

Nếu hồ sơ có nội dung chưa phù hợp hoặc kết quả COP không đạt yêu cầu, Cơ quan chứng nhận thông báo để cơ sở sản xuất bổ sung, hoàn thiện; trường hợp kết quả COP không đạt yêu cầu, cơ sở sản xuất thống nhất thời gian để Cơ quan chứng nhận thực hiện đánh giá COP. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm hoàn thiện nội dung hồ sơ chưa phù hợp đã thông báo và gửi lại cho Cơ quan chứng nhận. Thời hạn giải quyết được tính lại từ đầu sau khi nhận đủ hồ sơ do cơ sở sản xuất bổ sung, hoàn thiện.

Cơ sở sản xuất được phép bổ sung, hoàn thiện các nội dung không phù hợp trong thời hạn tối đa 03 tháng kể từ ngày thông báo lần đầu tiên. Quá thời hạn 03 tháng, Cơ quan chứng nhận dừng việc kiểm tra đánh giá hồ sơ, đánh giá COP và thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến về việc không thực hiện ghi nhận và bổ sung các nội dung thay đổi đối với kiểu loại sản phẩm đã được chứng nhận.

5. Khi thực hiện nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này được thay thế bằng bản khai thông tin điện tử, tài liệu dạng điện tử.

Điều 11. Quy định trong quá trình sản xuất, lắp ráp các sản phẩm

1. Cơ sở sản xuất phải duy trì việc đảm bảo chất lượng trong quá trình sản xuất, lắp ráp sản phẩm, thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra xuất xưởng cho từng sản phẩm.

2. Từng sản phẩm xuất xưởng phải được cơ sở sản xuất kiểm tra xuất xưởng, chạy thử trên đường thử, kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu chất lượng theo chỉ tiêu đã đăng ký trong hồ sơ chứng nhận của kiểu loại sản phẩm.

3. Việc kiểm tra xuất xưởng được thực hiện theo một trong hai hình thức tự kiểm tra xuất xưởng hoặc kiểm tra xuất xưởng có sự giám sát của Cơ quan chứng nhận:

a) Hình thức tự kiểm tra xuất xưởng

Cơ sở sản xuất được cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm, có kết quả đánh giá COP đạt yêu cầu và không có vi phạm đến mức phải áp dụng hình thức giám sát kiểm tra xuất xưởng được tự thực hiện việc kiểm tra xuất xưởng. Cơ quan chứng nhận có thể kiểm tra ngẫu nhiên về sự phù hợp của sản phẩm xuất xưởng tại cơ sở sản xuất. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở sản xuất có vi phạm, Cơ quan chứng nhận sẽ áp dụng hình thức giám sát kiểm tra chất lượng; đối với kiểu loại sản phẩm vi phạm sẽ bị đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định;

b) Hình thức kiểm tra xuất xưởng có sự giám sát của Cơ quan chứng nhận

Cơ quan chứng nhận thực hiện giám sát việc kiểm tra xuất xưởng (sau đây gọi tắt là giám sát) theo nội dung được quy định tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này nếu cơ sở sản xuất xe vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau: xuất xưởng sản phẩm không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng và mẫu điển hình của kiểu loại sản phẩm; kỹ thuật viên thực hiện kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe hoặc sử dụng thiết bị kiểm tra chất lượng không đúng hướng dẫn do cơ sở sản xuất đã ban hành; có vi phạm liên quan đến việc sử dụng Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng; tự ý tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung (số VIN), số động cơ xe sản xuất, lắp ráp hoặc trường hợp cơ sở sản xuất có kết quả đánh giá sau mỗi đợt giám sát cho thấy chất lượng sản phẩm xuất xưởng không ổn định (chất lượng sản phẩm được coi là ổn định nếu tỷ lệ giữa số sản phẩm không đạt yêu cầu, phải giám sát lại và tổng số sản phẩm được giám sát không lớn hơn 5% tính cho cả đợt giám sát và không lớn hơn 10% tính cho một tháng bất kỳ của đợt giám sát).

Thời gian của một đợt giám sát là 06 tháng (có sản phẩm xuất xưởng) hoặc theo số lượng sản phẩm được giám sát (2000 sản phẩm đối với mô tô, xe gắn máy; 500 sản phẩm đối xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc; 200 sản phẩm đối với xe loại khác) tùy theo yếu tố nào đến trước. Sau mỗi đợt giám sát, nếu chất lượng sản phẩm ổn định và không vi phạm các quy định tại Thông tư này thì sẽ được áp dụng hình thức tự kiểm tra xuất xưởng.

4. Cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các sản phẩm xuất xưởng và thực hiện ghi nhãn hàng hóa cho sản phẩm, dán nhãn năng lượng xe cơ giới theo quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trước khi đưa ra thị trường. Các sản phẩm chỉ được xuất xưởng, cấp Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe khi thực hiện đầy đủ các quy định về việc đảm bảo chất lượng theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này, Giấy chứng nhận của kiểu loại sản phẩm còn hiệu lực và khi phụ tùng sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe thuộc đối tượng phải kiểm tra thử nghiệm và chứng nhận theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này đáp ứng một trong yêu cầu sau:

a) Giấy chứng nhận của phụ tùng còn hiệu lực;

b) Thông báo miễn kiểm tra phụ tùng theo Nghị định 60/2023/NĐ-CP còn hiệu lực.

5. Số khung, số động cơ:

a) Cơ sở sản xuất không sử dụng khung xe, động cơ có số khung, số động cơ bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này để sản xuất, lắp ráp thành xe;

b) Số khung hoặc số động cơ đóng trong nước bị sai do thao tác của nhân viên hoặc bị lỗi do thiết bị trong quá trình đóng số hoặc bị mờ, khó đọc (sau đây gọi chung là số đóng bị lỗi) thì cơ sở sản xuất phải giữ nguyên trạng số đã đóng bị lỗi và thông báo bằng văn bản tới Cơ quan chứng nhận. Cơ quan chứng nhận kiểm tra nếu không có dấu hiệu vi phạm thì thông báo bằng văn bản cho cơ sở sản xuất để thực hiện việc đóng lại số khung hoặc số động cơ, nếu có vi phạm sẽ thông báo bằng văn bản yêu cầu cơ sở sản xuất không được sử dụng khung hoặc động cơ có số đóng bị lỗi để sản xuất, lắp ráp thành xe.

6. Cơ sở sản xuất chỉ được cấp Phiếu xuất xưởng sau khi xe đã được kiểm tra chất lượng xuất xưởng đạt yêu cầu, phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận và mẫu điển hình của kiểu loại sản phẩm đã được chứng nhận.

7. Cơ sở sản xuất lập và cấp 01 bộ hồ sơ cho từng xe xuất xưởng gồm:

a) Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (sau đây gọi tắt là Phiếu xuất xưởng) theo một trong các mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này kèm theo bản chà số khung, số động cơ. Phiếu xuất xưởng phải do người có thẩm quyền (người đứng đầu hoặc người được ủy quyền) của cơ sở sản xuất ký tên, đóng dấu; phương thức, hình thức nhận phôi Phiếu xuất xưởng được thực hiện theo việc phân loại cơ sở sản xuất bằng việc áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro theo quy định tại Điều 14 và Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Tài liệu bằng tiếng Việt kèm theo xe: hướng dẫn sử dụng; sổ bảo hành hoặc phiếu bảo hành sản phẩm. Các tài liệu này thể hiện được các nội dung thông tin về thông số kỹ thuật sản phẩm và hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị chính, thiết bị an toàn của xe, thiết bị đặc trưng, chuyên dùng (nếu có); chu kỳ, nội dung công việc bảo dưỡng; thời gian và điều kiện bảo hành và địa chỉ các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng.

Trường hợp cơ sở sản xuất cung cấp tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng dạng điện tử kết hợp bản giấy hoặc hình thức phù hợp khác thì việc cung cấp tài liệu  hướng dẫn sử dụng phải đảm bảo nguyên tắc: quản lý thống nhất các phiên bản ban hành; đảm bảo người sử dụng xe có thể xem, thực hiện các hướng dẫn cơ bản sử dụng xe, các lưu ý khi sử dụng hoặc cách xử lý, khắc phục sự cố xe trong mọi trường hợp kể cả khi hệ thống điện, màn hình trên xe bị lỗi, hỏng hoặc khi không kết nối được mạng dẫn đến không thể xem được tài liệu hướng dẫn chi tiết sử dụng xe bản điện tử.

8. Đối với cơ sở sản xuất vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 12 hoặc khoản 2 Điều 12 của Thông tư này ngoài việc bị đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận của kiểu loại sản phẩm, cơ sở sản xuất xe sẽ bị áp dụng hình thức kiểm tra xuất xưởng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này, chuyển hình thức cấp phôi Phiếu xuất xưởng theo quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này và chỉ được cấp Phiếu xuất xưởng cho các xe của kiểu loại không vi phạm sau khi có kết quả kiểm tra xuất xưởng gửi tới Cơ quan chứng nhận cho đến khi việc đình chỉ hiệu lực của Giấy chứng nhận của kiểu loại sản phẩm vi phạm được hủy bỏ hoặc có báo cáo về việc khắc phục lỗi sản phẩm vi phạm được Cơ quan chứng nhận đánh giá và chấp thuận.

9. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm báo cáo và truyền dữ liệu liên quan đến các xe đã xuất xưởng tới Cơ quan chứng nhận gồm: thông tin về kiểu loại xe, số khung, số động cơ, số sê ri Phiếu xuất xưởng, ngày xuất xưởng xe, năm sản xuất xe, ngày cấp Phiếu xuất xưởng của xe trong vòng 10 ngày làm việc kế tiếp sau khi đã nhận được phôi Phiếu xuất xưởng hoặc sử dụng Phiếu xuất xưởng đối với trường hợp cấp theo phương thức 1 quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này.

10. Khi bị mất Phiếu xuất xưởng, cơ sở sản xuất thông báo với Cơ quan chứng nhận và chỉ được cấp Phiếu xuất xưởng thay thế sau 30 ngày kể từ ngày thông báo.

Điều 12. Đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm

1. Cơ quan chứng nhận đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm, yêu cầu cơ sở sản xuất dừng cấp Phiếu xuất xưởng đối với kiểu loại xe vi phạm trong thời hạn 06 tháng và thông báo tới cơ sở sản xuất bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có một trong các lỗi: không duy trì việc đảm bảo chất lượng sản phẩm; không thực hiện kiểm tra xuất xưởng; sản phẩm xuất xưởng không đảm bảo chất lượng, không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; không phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận và mẫu điển hình của kiểu loại sản phẩm đã được chứng nhận; cấp Phiếu xuất xưởng cho xe không đúng quy định;

b) Không thực hiện quy định về đánh giá định kỳ việc đảm bảo chất lượng tại các kỳ tiếp theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này;

c) Không thực hiện việc triệu hồi ô tô bị khuyết tật theo quy định tại Thông tư này hoặc không thực hiện việc khắc phục, thu hồi sản phẩm bị khuyết tật đối với các loại sản phẩm khác theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hoá và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng;

d) Cơ sở sản xuất tự ý tẩy xóa, đục sửa số khung, số động cơ mà không báo cáo Cơ quan chứng nhận;

đ) Có sự sai lệch thông tin về mức tiêu thụ năng lượng của kiểu loại xe cơ giới đã được chứng nhận với thông tin về mức tiêu thụ năng lượng trên nhãn năng lượng của kiểu loại xe cơ giới; hoặc trường hợp giá trị thử nghiệm mức tiêu thụ năng lượng của kiểu loại xe cơ giới đã được chứng nhận mức tiêu thụ năng lượng được xác định không đáp ứng yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

      2. Đình chỉ hiệu lực của tất cả các Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm

Cơ quan chứng nhận đình chỉ hiệu lực của tất cả các Giấy chứng nhận kiểu loại đã cấp cho cơ sở sản xuất, yêu cầu dừng xuất xưởng, cấp Phiếu xuất xưởng đối với tất cả kiểu loại sản phẩm trong thời hạn 06 tháng và thông báo tới cơ sở sản xuất bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Cơ sở sản xuất bị đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận kiểu loại của 02 kiểu loại sản phẩm trở lên trong thời gian đang khắc phục lỗi của sản phẩm đã bị đình chỉ trước đó hoặc vi phạm một trong các lỗi đã quy định tại điểm a, c, d, đ khoản 1 Điều này với 02 kiểu loại sản phẩm trở lên trong một lần vi phạm hoặc vi phạm cùng một lỗi từ 03 lần trở lên trong cùng năm xem xét; kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng xuất xưởng không thực hiện đúng hướng dẫn kiểm tra chất lượng xuất xưởng do cơ sở sản xuất đã ban hành; thiết bị kiểm tra xuất xưởng không hoạt động hoặc hoạt động không bình thường, không đảm bảo độ chính xác; sản xuất, lắp ráp không đúng địa chỉ đăng ký;

b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô của cơ sở sản xuất thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP bị tạm dừng hiệu lực hoặc bị thu hồi theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP;

c) Cơ sở sản xuất không thực hiện triệu hồi ô tô bị khuyết tật hoặc khắc phục, thu hồi đối với loại sản phẩm khác bị khuyết tật theo yêu cầu và thông báo (trên 02 lần) của Cơ quan chứng nhận.

3. Hủy bỏ việc đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận

Trong thời hạn bị đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này, cơ sở sản xuất bị tạm dừng cấp phôi phiếu xuất xưởng không được thực hiện xuất xưởng sản phẩm, cấp Phiếu xuất xưởng cho xe để đưa ra thị trường đối với kiểu loại sản phẩm vi phạm đang bị đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận kiểu loại, phải thực hiện khắc phục các lỗi vi phạm trong thời gian tối đa 06 tháng kể từ ngày đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm.

Cơ quan chứng nhận kiểm tra sau khi cơ sở sản xuất báo cáo về các biện pháp khắc phục và việc đã khắc phục các lỗi vi phạm; nếu các lỗi vi phạm đã được khắc phục thì Cơ quan chứng nhận thông báo bằng văn bản cho cơ sở sản xuất về việc hủy bỏ đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận kiểu loại và huỷ bỏ việc dừng cấp phôi Phiếu xuất xưởng, Phiếu xuất xưởng của kiểu loại sản phẩm vi phạm; nếu quá thời gian quy định trên mà cơ sở sản xuất vẫn không khắc phục được các lỗi vi phạm thì Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm sẽ không còn giá trị, bị thu hồi theo quy định tại khoản 4 Điều 13 của Thông tư này.

Điều 13. Thu hồi Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm

Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường kiểu loại sản phẩm sẽ bị thu hồi nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Cơ sở sản xuất giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật;

2. Cơ sở sản xuất giả mạo các tài liệu trong hồ sơ đăng ký chứng nhận;

3. Kiểu loại xe có sự thay đổi làm thay đổi mức tiêu thụ năng lượng đã được chứng nhận và không thoả mãn quy định và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

4. Quá thời gian 06 tháng kể từ ngày đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 12 của Thông tư này mà cơ sở sản xuất không thực hiện khắc phục lỗi.

Điều 14. Quản lý rủi ro

1. Cơ quan chứng nhận đánh giá mức độ rủi ro để tiến hành phân nhóm cơ sở sản xuất và áp dụng biện pháp quản lý phù hợp. Tiêu chí phân nhóm theo mức độ rủi ro và các biện pháp quản lý được quy định chi tiết tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Khi có sự thay đổi phân nhóm, Cơ quan chứng nhận thông báo để cơ sở sản xuất biết và thực hiện.

Điều 15. Kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất

Cơ quan chứng nhận thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở sản xuất về việc tuân thủ các quy định tại Thông tư này trong trường hợp sau:

a) Có đơn thư phản ánh, khiếu nại về chất lượng sản phẩm trên thị trường hoặc sản phẩm xuất xưởng không đảm bảo chất lượng hoặc không phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận và mẫu điển hình của kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc sử dụng, cấp Phiếu xuất xưởng không đúng với kiểu loại xe đã được chứng nhận;

b) Có văn bản thông báo của cơ quan quản lý có liên quan về chất lượng sản phẩm, hoạt động sản xuất, lắp ráp;

Nếu kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở sản xuất vi phạm các quy định về duy trì việc đảm bảo chất lượng sản phẩm; sản phẩm xuất xưởng không đảm bảo chất lượng, không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc xuất xưởng không phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận và mẫu điển hình của kiểu loại sản phẩm đã được chứng nhận chất lượng; cấp Phiếu xuất xưởng không đúng với kiểu loại sản phẩm đã được chứng nhận hoặc vi phạm các quy định khác tại Thông tư này, Cơ quan chứng nhận xem xét xử lý theo quy định tại Điều 12 hoặc Điều 13 của Thông tư này, chuyển hình thức cấp phôi Phiếu xuất xưởng và áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp theo quy định tại Điều 14 và Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 16. Quy định về tiêu thụ năng lượng xe cơ giới, dán nhãn năng lượng xe cơ giới

1. Cơ sở sản xuất phải thực hiện công khai mức tiêu thụ năng lượng của xe cơ giới. Việc công khai mức tiêu thụ năng lượng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Phù hợp với các thông tin, mức tiêu thụ năng lượng của kiểu loại xe đã được chứng nhận;

b) Đăng tải thông tin về mức tiêu thụ năng lượng của kiểu loại xe trên trang thông tin điện tử của cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh xe (nếu có). Thông tin công khai phải được duy trì trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe ra thị trường.

2. Các loại xe phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường, bao gồm:

a) Xe ô tô con;

b) Xe mô tô, xe gắn máy.

3. Không áp dụng dán nhãn năng lượng đối với các loại xe quy định tại khoản 2 Điều này trong các trường hợp sau:

a) Xe sản xuất, lắp ráp từ xe cơ sở đã được dán nhãn năng lượng;

b) Xe sản xuất, lắp ráp để xuất khẩu.

4. Cơ sở sản xuất thực hiện đăng ký dán nhãn năng lượng theo quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với kiểu loại xe cơ giới thuộc đối tượng phải dán nhãn năng lượng trên cơ sở mức tiêu thụ năng lượng đã chứng nhận, thực hiện dán nhãn năng lượng cho các xe xuất xưởng trước khi đưa ra thị trường.

5. Kiểu loại sản phẩm đã được chứng nhận có các thay đổi không thoả mãn về sản phẩm cùng kiểu loại về mức tiêu thụ năng lượng hoặc các thay đổi làm ảnh hưởng đến mức tiêu thụ năng lượng đã được chứng nhận vượt quá phạm vi cho phép hoặc không đáp ứng được điều kiện mở rộng việc thừa nhận kết quả thử nghiệm khí thải quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng thì phải thực hiện chứng nhận lại kiểu loại xe liên quan tới mức tiêu thụ năng lượng.

Điều 17. Công khai lại mức tiêu thụ năng lượng

Cơ sở sản xuất phải thực hiện công khai lại thông tin về mức tiêu thụ năng lượng trên cơ sở thực hiện cấp lại Giấy chứng nhận đối với trường hợp kiểu loại xe cơ giới đã được chứng nhận có sự thay đổi về mức tiêu thụ năng lượng trong các trường hợp sau:

1. Khi mức tiêu thụ năng lượng của kiểu loại xe đã chứng nhận không phù hợp quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc khi công khai sai mức tiêu thụ năng lượng so với mức tiêu thụ năng lượng đã được chứng nhận.

2. Kiểu loại xe có sử dụng động cơ đốt trong đã được chứng nhận mức tiêu thụ năng lượng có những thay đổi làm thay đổi mức tiêu thụ năng lượng và không đáp ứng được điều kiện mở rộng việc thừa nhận kết quả thử nghiệm khí thải theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc kiểu loại xe chỉ dẫn động bằng động điện đã được chứng nhận mức tiêu thụ năng lượng có những thay đổi làm thay đổi mức tiêu thụ năng lượng vượt quá quy định cho phép trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia so với mức tiêu thụ năng lượng đã được chứng nhận.

Điều 18. Kiểm tra, giám sát việc dán nhãn năng lượng xe cơ giới

1. Định kỳ hàng năm, cơ sở sản xuất thực hiện báo cáo liên quan đến việc dán nhãn năng lượng gửi về Cơ quan chứng nhận như sau:

a) Tên báo cáo: Báo cáo định kỳ về việc dán nhãn năng lượng;

b) Nội dung yêu cầu báo cáo: số lượng các kiểu loại xe cơ giới dán nhãn năng lượng; tiêu thụ năng lượng trung bình chung trong 01 năm của mỗi cơ sở sản xuất;

c) Đối tượng thực hiện báo cáo: cơ sở sản xuất;

d) Cơ quan nhận báo cáo: Cơ quan chứng nhận;

đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử; được gửi bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, gửi qua dịch vụ bưu chính, gửi qua hệ thống thư điện tử, các phương thức khác theo quy định của pháp luật;

e) Thời hạn gửi báo cáo: chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hàng năm;

g) Tần suất thực hiện báo cáo: báo cáo định kỳ hàng năm;

h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo;

i) Mẫu biểu số liệu báo cáo: theo quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Cơ quan chứng nhận tổ chức kiểm tra, giám sát liên quan đến thực hiện dán nhãn năng lượng như sau:

a) Hàng năm, lập kế hoạch và thực hiện kiểm tra việc tuân thủ về công khai thông tin mức tiêu thụ năng lượng và thực hiện dán nhãn của cơ sở sản xuất, kinh doanh xe theo quy định.

b) Kiểm tra đột xuất trong trường hợp nhận được phản ánh, khiếu nại về dấu hiệu vi phạm quy định liên quan đến thực hiện dán nhãn năng lượng của cơ sở sản xuất.

Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm liên quan đến mức tiêu thụ năng lượng đã được chứng nhận, Cơ quan chứng nhận yêu cầu cơ sở sản xuất phải thử nghiệm lại mức tiêu thụ năng lượng. Kết quả kiểm tra, thử nghiệm là căn cứ để xem xét đình chỉ Giấy chứng nhận kiểu loại xe cơ giới theo quy định tại Điều 12 hoặc thu hồi Giấy chứng nhận kiểu loại xe cơ giới đã cấp theo quy định tại Điều 13 của Thông tư này.

Trường hợp phát hiện các vi phạm liên quan đến việc dán nhãn năng lượng, Cơ quan chứng nhận thực hiện thông báo bằng văn bản tới Bộ Công Thương và quy định rõ nội dung vi phạm để Bộ Công Thương xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ TRIỆU HỒI SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CÓ KHUYẾT TẬT

Điều 19. Sản phẩm, hàng hóa thuộc diện phải triệu hồi

1. Các xe ô tô thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP sản xuất, lắp ráp (sau đây gọi tắt là sản phẩm) có khuyết tật thực hiện triệu hồi theo quy định tại Chương này.

2. Các trường hợp phải thực hiện triệu hồi:

a) Sản phẩm triệu hồi theo công bố của cơ sở sản xuất;

b) Sản phẩm triệu hồi theo yêu cầu của Cơ quan chứng nhận.

Điều 20. Triệu hồi sản phẩm

1. Triệu hồi sản phẩm do cơ sở sản xuất công bố và chủ động thực hiện

Trường hợp phát hiện các sản phẩm đã cung cấp ra thị trường có khuyết tật thuộc diện phải triệu hồi, cơ sở sản xuất chủ động thực hiện các công việc sau đây:

a) Tạm dừng xuất xưởng đối với các sản phẩm thuộc kiểu loại sản phẩm có khuyết tật;

b) Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện ra sản phẩm có khuyết tật, cơ sở sản xuất phải thông báo bằng văn bản tới các đại lý bán hàng yêu cầu tạm dừng việc cung cấp sản phẩm có khuyết tật ra thị trường;

c) Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày xác định các sản phẩm có khuyết tật thuộc diện triệu hồi, cơ sở sản xuất phải báo cáo Cơ quan chứng nhận về nguyên nhân xảy ra khuyết tật của sản phẩm, biện pháp khắc phục, số lượng sản phẩm triệu hồi và kế hoạch triệu hồi sản phẩm;

d) Công bố kế hoạch triệu hồi trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật;

đ) Định kỳ hàng năm, cơ sở sản xuất báo cáo kết quả thực hiện triệu hồi tới Cơ quan chứng nhận theo quy định tại khoản 4 Điều này;

e) Sau thời gian không quá 30 ngày kể từ khi kết thúc việc triệu hồi, cơ sở sản xuất phải báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện triệu hồi tới Cơ quan chứng nhận.

2. Triệu hồi theo yêu cầu của Cơ quan chứng nhận

Khi phát hiện ra sản phẩm của cơ sở sản xuất đã cung cấp ra thị trường có khuyết tật thuộc diện phải triệu hồi, Cơ quan chứng nhận căn cứ theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các thông tin và kết quả điều tra để xem xét và quyết định thực hiện các công việc sau đây:

a) Yêu cầu cơ sở sản xuất tạm dừng xuất xưởng kiểu loại sản phẩm có khuyết tật và báo cáo Cơ quan chứng nhận về các thông tin liên quan về sản phẩm;

b) Căn cứ vào mức độ nguy hiểm và khẩn cấp của sản phẩm có khuyết tật để có yêu cầu cơ sở sản xuất thực hiện ngay triệu hồi sản phẩm. Trường hợp sản phẩm bị khuyết tật gây ra bởi nhiều nguyên nhân phức tạp và cần phải đưa các quyết định kịp thời để yêu cầu cơ sở sản xuất thực hiện triệu hồi sản phẩm khuyết tật, Cơ quan chứng nhận trưng cầu các chuyên gia để đánh giá mức độ nguy hiểm của lỗi của sản phẩm có khuyết tật.

3. Cơ quan chứng nhận tiếp nhận kế hoạch triệu hồi và thông báo cho cơ sở sản xuất và các yêu cầu bổ sung đối với kế hoạch triệu hồi (nếu có).

4. Cơ sở sản xuất thực hiện báo cáo định kỳ kết quả thực hiện triệu hồi sản phẩm như sau:

a) Tên báo cáo: Báo cáo định kỳ kết quả thực hiện triệu hồi sản phẩm;

b) Nội dung yêu cầu báo cáo: số lượng các sản phẩm đã thực hiện triệu hồi và hoàn thành khắc phục theo kế hoạch và biện pháp khắc phục đã công bố; số lượng các sản phẩm chưa thực hiện được theo kế hoạch và biện pháp khắc phục đã công bố;

c) Đối tượng thực hiện báo cáo: cơ sở sản xuất;

d) Cơ quan nhận báo cáo: Cơ quan chứng nhận;

đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử; được gửi bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, gửi qua dịch vụ bưu chính, gửi qua hệ thống thư điện tử, các phương thức khác theo quy định của pháp luật;

e) Thời hạn gửi báo cáo: chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hàng năm;

g) Tần suất thực hiện báo cáo: báo cáo định kỳ hàng năm;

h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo;

i) Mẫu biểu số liệu báo cáo: theo quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN VÀ TỔ CHỨC LIÊN QUAN

Điều 21. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của các thông tin khai báo, các tài liệu nộp trong hồ sơ; chịu trách nhiệm về tính thống nhất về thông tin khai báo và giữa các tài liệu nộp trong hồ sơ đăng ký kiểm tra, thử nghiệm và hồ sơ đăng ký chứng nhận; tuân thủ các quy định, quyết định kiểm tra của cơ quan chức năng.

2. Chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, phụ tùng sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe; lưu trữ các thông tin liên quan đến sản phẩm, phụ tùng để truy xuất nguồn gốc và triệu hồi sản phẩm.

3. Chuyển mẫu điển hình tới địa điểm đã thống nhất để kiểm tra, thử nghiệm.

4. Duy trì hệ thống quản lý chất lượng để đảm bảo chất lượng sản phẩm đã được kiểm tra, đánh giá; sản xuất, lắp ráp và kiểm tra xuất xưởng sản phẩm đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phù hợp với mẫu điển hình đã được thử nghiệm và hồ sơ đăng ký chứng nhận của kiểu loại sản phẩm; đảm bảo sự phù hợp với mức tiêu thụ năng lượng đã được chứng nhận; dán nhãn năng lượng, nhãn hàng hóa theo quy định trước khi đưa ra thị trường.

5. Dán bản chà số khung, số động cơ vào mặt sau Phiếu xuất xưởng và đóng dấu giáp lai để phục vụ công tác đăng ký xe trực tuyến toàn trình theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

6. Lưu trữ bản sao chụp của Phiếu xuất xưởng (gồm cả bản chụp bản chà số khung, số động cơ). Lưu trữ kết quả kiểm tra chất lượng của sản phẩm tối thiểu 03 năm kể từ ngày xuất xưởng sản phẩm; khi hủy tài liệu này, cơ sở sản xuất phải đảm bảo được việc truy xuất dữ liệu phục vụ cho việc triệu hồi sản phẩm và khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

7. Quản lý, sử dụng phôi Phiếu xuất xưởng theo đúng quy định; chịu trách nhiệm in nội dung thông tin xe xuất xưởng lên Phiếu xuất xưởng phù hợp với kiểu loại xe đã được cấp Giấy chứng nhận và gửi dữ liệu các xe đã xuất xưởng tới Cơ quan chứng nhận.

8. Triệu hồi ô tô thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP có khuyết tật theo quy định của Thông tư này; chủ động thực hiện khắc phục lỗi hoặc thu hồi đối với các sản phẩm khác có khuyết tật theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hoá và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng.

9. Lưu trữ hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng sản phẩm, các tài liệu liên quan đến việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm, hồ sơ đăng ký chứng nhận mức tiêu thụ năng lượng, tối thiểu 05 năm kể từ thời điểm dừng sản xuất kiểu loại sản phẩm.

10. Trường hợp xảy ra sự cố giao dịch điện tử trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cơ sở sản xuất phải thông báo cho Cơ quan chứng nhận để phối hợp giải quyết.

Điều 22. Trách nhiệm của Cơ quan chứng nhận

1. Thực hiện chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe, phụ tùng, mức tiêu thụ năng lượng xe cơ giới theo quy định.

2. Thống nhất phát hành, quản lý việc sử dụng đối với mẫu Giấy chứng nhận và mẫu phôi Phiếu xuất xưởng.

3. Công nhận, chỉ định và công khai danh sách các cơ sở thử nghiệm thực hiện việc thử nghiệm phụ tùng xe cơ giới, xe phục vụ cho công tác chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, mức tiêu thụ năng lượng xe cơ giới.

5. Thông báo tới cơ quan công an khi nhận được thông báo bị mất Phiếu xuất xưởng của cơ sở sản xuất; thông báo với cơ quan hải quan nơi nhập khẩu khi có bằng chứng xe sản xuất, lắp ráp sử dụng bộ phụ tùng có số khung, số động cơ đóng tại nước ngoài bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại.

6. Kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất việc đảm bảo chất lượng sản phẩm; kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm xuất xưởng tại cơ sở sản xuất; thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ việc dán nhãn năng lượng.

7. Thông báo tới Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý vi phạm theo quy định khi phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh xe vi phạm các quy định liên quan đến việc dán nhãn năng lượng trong quá trình kiểm tra, giám sát.

8. Trường hợp xảy ra sự cố không thể thực hiện thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Cơ quan chứng nhận có trách nhiệm thông báo trên trang Thông tin điện tử của Cơ quan chứng nhận chậm nhất 04 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự cố trong giờ hành chính hoặc 04 giờ kể từ thời điểm bắt đầu ngày làm việc tiếp theo đối với những sự cố xảy ra trong thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật.

9. Lưu trữ hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm.

10. Tổng hợp kết quả thực hiện công tác chứng nhận, kiểm tra dán nhãn năng lượng xe và báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Chương V

HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. 

2. Bãi bỏ các Thông tư và một số điều tại các Thông tư đã ban hành kể từ khi Thông tư này có hiệu lực thi hành, cụ thể như sau:

a) Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới;

b) Thông tư số 45/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy;

c) Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện;

d) Thông tư số 16/2014/TT-BGTVT ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông đường bộ;

đ) Thông tư số 54/2014/TT-BGTVT ngày 20 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới;

e) Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế;

g) Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng;

h) Thông tư số 40/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại trên 07 chỗ đến 09 chỗ;

i) Điều 1, Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm;

k) Thông tư số 59/2018/TT-BGTVT ngày 17 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Thông tư số 59/2018/TT-BGTVT);

l) Thông tư số 25/2019/TT-BGTVT ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp ô tô;

m) Thông tư số 46/2019/TT-BGTVT ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2019/TT-BGTVT ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp ô tô;

n) Điều 1, Điều 5 của Thông tư số 26/2020/TT-BGTVT ngày 16 tháng 10 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đăng kiểm;

o) Thông tư 23/2020/TT-BGTVT ngày 01 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 89/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng và Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm;

p) Điều 1, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 8 của Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm;

q) Thông tư số 48/2022/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện (sau đây gọi tắt là Thông tư số 48/2022/TT-BGTVT);

r) Thông tư số 49/2023/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và xe đạp điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu.

3. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 24. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các hồ sơ nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực gồm: hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký kiểm tra, chứng nhận mức tiêu thụ nhiên liệu; hồ sơ thiết kế xe; hồ sơ đăng ký chứng nhận sản phẩm (hồ sơ kiểm tra sản phẩm) để cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ.

2. Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các kiểu loại sản phẩm đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực hoặc các Giấy chứng nhận được cấp cho kiểu loại sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều này được phép tiếp tục sản xuất, lắp ráp cho đến khi:

a) Hết thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm đã được cấp đối với ô tô thuộc đối tượng của nghị định 116/2017/NĐ-CP và phụ tùng sử dụng cho ô tô;

b) Đến hết ngày của kỳ đánh giá định kỳ tiếp theo của Giấy chứng nhận kiểu loại đã được cấp đối với: ô tô không thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP; rơ moóc; sơ mi rơ moóc; mô tô, xe gắn máy; xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe máy chuyên dùng; phụ tùng sử dụng cho mô tô, xe gắn máy; phụ tùng sử dụng cho xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ.

3. Giấy chứng nhận mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại ô tô đến 08 chỗ không kể chỗ của người lái xe (còn hiệu lực) đã được cấp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT ngày 24 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại từ 07 chỗ trở xuống hoặc Thông tư số 40/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại trên 07 chỗ đến 09 chỗ trước ngày Thông tư này có hiệu lực có giá trị sử dụng cho đến khi Giấy chứng nhận kiểu loại xe cơ giới hết hiệu lực.

4. Mức tiêu thụ năng lượng của kiểu loại xe đã công khai theo quy định của Thông tư số 59/2018/TT-BGTVT hoặc Thông tư số 48/2022/TT-BGTVT trước ngày Thông tư này có hiệu lực tiếp tục có giá trị sử dụng đến khi:

a) Hết thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểu loại xe ô tô đến 08 chỗ không kể chỗ của người lái xe đã được cấp;

b) Đến hết ngày của kỳ đánh giá hàng năm của Giấy chứng nhận kiểu loại mô tô, xe gắn máy đã được cấp.

5. Phiếu xuất xưởng đã cấp cho các xe cơ giới trước ngày Thông tư này có hiệu lực và Phiếu xuất xưởng cấp cho các xe theo quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị sử dụng để thực hiện đăng ký xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc thực hiện các thủ tục chứng nhận để sản xuất, lắp ráp thành các loại xe khác. Các mẫu phôi Phiếu xuất xưởng đã ban hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025. Việc áp dụng triển khai mẫu phôi Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng theo quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025./.

 

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ; Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KHCN&MT(H.Lưu).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Duy Lâm

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

MINISTRY OF TRANSPORT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------------

No. 55/2024/TT-BGTVT

Hanoi, November 15, 2024

 

CIRCULAR

ON PROCEDURES FOR CERTIFICATION OF TECHNICAL SAFETY QUALITY AND ENVIRONMENTAL PROTECTION FOR MOTOR VEHICLES, SPECIAL-PURPOSE VEHICLES, AND MOTOR VEHICLE PARTS IN MANUFACTURING AND ASSEMBLY

Pursuant to the Law on Road Traffic Order and Safety No. 36/2024/QH15 dated June 27, 2024;

Pursuant to the Law on Product and Goods Quality No. 05/2007/QH12 dated November 21, 2007, and Law No. 35/2018/QH14 dated November 20, 2018 on amendments to 37 laws related to planning;

Pursuant to the Law on Economical and Efficient Use of Energy No. 50/2010/QH12 dated June 17, 2010, and Law No. 28/2018/QH14 dated June 15, 2018 on amendments to 11 laws related to planning;

Pursuant to Decree No. 116/2017/ND-CP dated October 17, 2017 of of the Government on conditions for manufacturing, assembly, import, and trading in warranty and maintenance services for automobiles, and Decree No. 17/2020/ND-CP dated February 5, 2020 of the Government on amendments to decrees related to investment and business conditions under the management of the Ministry of Industry and Trade;

Pursuant to Decision No. 04/2017/QD-TTg dated March 9, 2017 of the Prime Minister on the list of vehicles and equipment required to bear energy labels, apply minimum energy efficiency levels, and implement the corresponding roadmap;

Pursuant to Decree No. 56/2022/ND-CP dated August 24, 2022 of the Government defining the functions, tasks, powers, and organizational structure of the Ministry of Transport;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



The Minister of Transport hereby promulgates the Circular on procedures for certification of technical safety quality and environmental protection for motor vehicles, special-purpose vehicles, and motor vehicle parts in manufacturing and assembly.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

1. This Circular prescribes procedures for certification of technical safety quality and environmental protection for motor vehicles, special-purpose vehicles, and motor vehicle parts in manufacturing and assembly.

2. This Circular does not apply to:

a) Motor vehicles, special-purpose vehicles, and motor vehicle parts under the management of the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security;

b) Motor vehicles, special-purpose vehicles, and motor vehicle parts used for scientific research, production research, exhibition, or display at fairs and trade shows.

Article 2. Regulated entities

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 3. Interpretation of terms

For the purposes of this Circular, the terms below shall be understood as follows:

1. “Assemblies” refer engines, chassis, cabs, bodies, or cargo bodies and specialized equipment mounted on motor vehicles or special-purpose vehicles.

2. “Systems” include power transmission systems, drive systems, suspension systems, fuel systems, electrical systems, energy storage systems for vehicle powertrains, lighting systems, and signaling systems.

3. “Parts” refer to assemblies, systems, sub-assemblies, and components of motor vehicles or special-purpose vehicles.

4. “Motor vehicles and special-purpose vehicles” (hereinafter referred to as “vehicles”) are vehicles manufactured and assembled from new parts or base vehicles, including:

a) Vehicles specified in the Circular issued by the Minister of Transport on classification of road vehicles and identification of motor vehicles using clean and green energy or environmentally friendly technologies;

b) Chassis trucks defined in Clause 2, Article 3 of Decree No. 116/2017/ND-CP dated October 17, 2017, of the Government on conditions for manufacturing, assembly, import, and provision of warranty and maintenance services for automobiles.

5. “Base vehicles” are new vehicles, including chassis trucks without cabs, chassis trucks with cabs, complete motor vehicles, or complete special-purpose vehicles that have been certified for technical safety quality and environmental protection in manufacturing, assembly, or import in accordance with regulations issued by the Minister of Transport but have not undergone initial vehicle registration procedures as prescribed by the Minister of Public Security. These vehicles are used for manufacturing or assembling other vehicles.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



7. “Products” refer to parts or vehicles.

8. “Products of the same type” are products sharing the same characteristics as specified in Appendix I enclosed with this Circular.

9. “Representative sample” refers to a sample product selected for inspection and testing as stipulated in this Circular and national technical regulations.

10. “Product type certification” is the process of inspection, testing, assessment, and certification of the technical safety quality and environmental protection of a product type in accordance with national technical regulations.

11. “Energy consumption of motor vehicles” refers to the amount of fuel or electricity consumed by motor vehicles over a specific distance under defined conditions and testing cycles.

12. “Energy labels for motor vehicles” (hereinafter referred to as “energy labels”) are labels providing information on the type of energy used, energy consumption levels, and motor vehicle types.

13. “Manufacturing facility” refers to one of the following organizations:

a) Organizations engaged in the manufacturing and assembly of parts, which are granted a Business Registration Certificate, Enterprise Registration Certificate, or Investment Certificate in accordance with the law;

b) Organizations engaged in the manufacturing and assembly of automobiles, which are granted a Certificate of Eligibility for Automobile Manufacturing and Assembly in accordance with Decree No. 116/2017/ND-CP dated October 17, 2017 of the Government on conditions for manufacturing, assembly, importation, and provision of warranty and maintenance services for automobiles, and Decree No. 17/2020/ND-CP dated February 5, 2020, on amendments to decrees related to investment and business conditions under the management of the Ministry of Industry and Trade;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



14. “Vehicle trading facility” refers to organizations or individuals engaged in selling and distributing vehicles to the market, established in accordance with the law.

15. “Competent certifying authority” (hereinafter referred to as the certifying authority) is the Vietnam Register.

16. “Testing facility” refers to organizations established in accordance with the law and recognized or designated by the Vietnam Register to perform inspections and testing of vehicles and parts.

17. “Vehicle technical safety and environmental protection inspection and testing report” (hereinafter referred to as the “vehicle safety testing report”) refers to the result of inspection and testing of representative samples conducted by a testing facility, in accordance with this Circular and national technical regulations on vehicle types.

18. “Vehicle emission testing report” refers to the result of representative sample emission testing conducted by a testing facility, in accordance with this Circular and national technical regulations on vehicle emissions.

19. “Parts testing report” refers to the result of representative sample testing of parts conducted by a testing facility, in accordance with national technical regulations on parts types.

20. “Energy consumption testing report” refers to the result of representative sample energy consumption testing conducted by a testing facility, in accordance with this Circular and national technical regulations on motor vehicle types.

21. “Defective product” refers to a product with design, manufacturing, or assembly defects that may endanger the safety of life and property of users or negatively impact public safety and the environment.

22. “Recall” refers to an action taken by a manufacturing facility to address defective products in the process of design, manufacturing, production, or assembly that have been released to the market, with the aim of rectifying or preventing potential dangers.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



24. “Risk management” refers to the measures applied by the certifying authority to assess and classify the risk levels of manufacturing facilities and implement appropriate management measures in the manufacturing and assembly of vehicles and parts.

Chapter II

PROCEDURES FOR GRANTING THE CERTIFICATE OF TECHNICAL SAFETY QUALITY AND ENVIRONMENTAL PROTECTION FOR MOTOR VEHICLES, SPECIAL-PURPOSE VEHICLES, AND MOTOR VEHICLE PARTS

Article 4. Testing of representative samples

1. Manufacturing facilities shall prepare representative samples, technical documents, and other relevant materials to register for testing of representative samples for product types subject to inspection and testing as specified in Appendix II enclosed with this Circular or register for testing the energy consumption of motor vehicles.  Manufacturing facilities may choose to conduct independent energy consumption testing or combine it with vehicle emission testing.

2. Testing facilities shall inspect and test the representative samples and issue one of the following testing reports: Vehicle safety testing report; vehicle emission testing report; parts testing report; or energy consumption testing report. The testing report shall remain valid for 36 months from the date of signing for the purpose of registering for the certification of technical safety quality and environmental protection for the respective vehicle or motor vehicle parts type.

Article 5. Application for certification of technical safety quality and environmental protection

1. The application for part type certification for parts subject to the provisions of Appendix II enclosed with this Circular includes:

a) An application form for the issuance of the Type Approval Certificate for parts, as specified in Appendix XII enclosed with this Circular;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) A copy of the parts testing report, along with copies of technical drawings showing the distinctive specifications of the parts;

d) Photographs of the parts, accompanied by explanations of markings, symbols, and numbers on the parts;

dd) A list of parts used for manufacturing and assembling parts being engines for motorcycles, mopeds, and four-wheeled motorized cargo vehicles as specified in Appendix VI enclosed with this Circular;

e) Quality assurance evaluation results for the parts type at the manufacturing facility, or equivalent evaluation results in cases where the facility has already undergone a quality assurance evaluation for similar parts types.

2. The application for vehicle type certification includes:

a) An application form for the issuance of the Type Approval Certificate for vehicles, as specified in Appendix XII enclosed with this Circular;

b) A technical information sheet in the format specified in Appendix III enclosed with this Circular for the respective type of manufactured or assembled vehicle;

c) A copy of the vehicle safety testing report, along with copies of the technical drawings specified in Appendix IV enclosed with this Circular when registering for inspection and testing;

d) A copy of the vehicle emission testing report, along with copies of documents providing information on the vehicle type when registering for emission testing;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



e) A list of domestically produced and imported parts used for manufacturing and assembling vehicles, as specified in Appendix V enclosed with this Circular;

g) Copies of valid documents for parts subject to the provisions of Appendix II enclosed with this Circular, used for vehicle assembly;

h) Photographs of the complete vehicle and specialized or distinctive equipment;

i) A copy of the description of the method and location for stamping vehicle chassis numbers and engine numbers;

k) Quality assurance evaluation results for the vehicle type at the manufacturing facility, or equivalent evaluation results in cases where the facility has already undergone a quality assurance evaluation for similar vehicle types.

3. The documents specified in Point g, Clause 2 of this Article for each part type shall include one of the following:

a) A certificate of technical safety quality and environmental protection for the part type;

b) A notice of exemption from inspection of technical safety quality and environmental protection for imported automobile parts, as stipulated in Decree No. 60/2023/ND-CP dated August 16, 2023, of the Government on the inspection and certification of technical safety quality and environmental protection for imported automobiles and parts under international agreements to which Vietnam is a signatory (hereinafter referred to as Notice of exemption for parts);

c) A copy of the confirmation document from the foreign part manufacturer, accompanied by certification documents of conformity with quality standards for imported automobile part types under agreements from countries or territories that have mutual recognition agreements with Vietnam in the field of motor vehicle certification;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Documents exempted from submission for vehicle type certification applications:

a) Vehicle emission testing reports for vehicle types manufactured or assembled from base vehicles, where the manufacturing or assembly process does not alter the emission system of the certified base vehicle, or for vehicle types not subject to emission standards;

b) Energy consumption testing reports for vehicle types not subject to national technical regulations on energy consumption, or for vehicles manufactured from base vehicles already certified for energy consumption; or cases where the vehicle emission testing report includes energy consumption testing results;

c) Documents specified in Point g, Clause 2 of this Article for parts certified by the certifying authority or exempted from inspection through a Notice of exemption for parts;

d) Copies of descriptions of the method and location for stamping vehicle chassis and engine numbers specified in Point i, Clause 2 of this Article for vehicle types manufactured or assembled from base vehicles.

5. Replacement documents for vehicle type certification applications:

a) Replacement for vehicle emission testing reports: Copies of documents issued by testing facilities certifying the conformity of vehicle type emissions with the requirements for expanded recognition of emissions for certified vehicle types, or copies of documents from testing facilities confirming the conformity of manufactured or assembled vehicle types with the emission testing report, as specified in Appendix XVI enclosed with this Circular;

b) Replacement for Energy consumption testing reports: Copies of documents from testing facilities confirming the conformity of the vehicle type as identical to a previously certified vehicle type under national technical regulations on energy consumption, or copies of documents from testing facilities confirming the vehicle type's compliance with the expanded recognition conditions for emission testing results of certified vehicle types, or copies of documents confirming the conformity of manufactured or assembled vehicle types with Energy consumption testing reports, as specified in Appendix XVI enclosed with this Circular.

6. When submitting applications through the online public service system, the documents specified in Clause 1 or Clause 2 of this Article may be replaced with electronic information declarations and electronic documents.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Manufacturing facilities must establish quality management systems to ensure the control of quality during manufacturing, assembly, and the release of products, in compliance with national technical regulations.

2. The certifying authority shall conduct evaluations of quality assurance (referred to as COP evaluations) through the following methods:

a) Initial evaluation performed when granting the Certificate of technical safety quality and environmental protection for new product types at the manufacturing facility.

Evaluation content: includes reviewing documents related to enterprise registration, the location, and rights to use factory premises; assessing the quality management system at the manufacturing facility to ensure and maintain compliance and the stability of product quality. This includes: quality control of incoming materials and components; manufacturing, assembly, and quality checks at each production stage and upon product release; control of non-conformance and corrective/preventive actions; maintenance of production equipment and calibration of quality inspection devices; warranty and recall processes for products; management and usage of Factory quality inspection slips; storage of quality inspection records; traceability of parts and products; evaluating the operational effectiveness of the quality management system during production, assembly, and final product inspections; assessing the competency of personnel conducting product quality inspections.

For new product types manufactured by a facility that has undergone COP evaluation but whose manufacturing, assembly, and inspection processes have changed compared to previously evaluated product types, only the aspects that have changed shall be re-evaluated;

b) Periodic evaluation is conducted according to the cycle specified in Appendix XI enclosed with this Circular.

Evaluation content: review documents related to enterprise registration and rights to use factory premises (if changes occurred since the previous evaluation); assess the maintenance of the quality management system; evaluate the practical operation of the quality management system during manufacturing, assembly, and final product inspections; assess the competency of personnel conducting product quality inspections.

Evaluation includes: ensuring the manufacturing facility maintains product quality, storing quality inspection records, and verifying the conformity of released products with the registered quality criteria for the product type. The management and use of Factory quality inspection slips are conducted on a random inspection basis. Expanded inspection and evaluation may be performed if non-conformities are detected during the evaluation process.

c) Ad hoc evaluation is conducted when complaints or reports are received regarding: failure to maintain product quality assurance, failure to conduct product quality inspections, or releasing products that fail to meet quality standards, do not comply with the certification application and the representative sample of the product type issued with Certificate of technical safety quality and environmental protection improper use or issuance of the Factory quality inspection slip.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Supplemental evaluation is conducted when there are changes related to the quality management system, production stages, inspection stages, factory premises, or final product inspection equipment that impact the facility's ability to maintain product quality compared to the previous evaluation.

Evaluation content: assess the items related to the changes.

3. The manufacturing facility may request a COP evaluation to be conducted before or after submitting the application for product type certification or before the scheduled periodic evaluation; for periodic evaluations, re-evaluations must be conducted no more than three months before the scheduled evaluation time. If deficiencies are identified, the manufacturing facility is responsible for rectifying them within three months of being notified. If the facility fails to address the deficiencies within this timeframe, the certifying authority will terminate the evaluation process and record the COP evaluation as non-compliant. If compliant, the COP evaluation results and the next evaluation schedule will be communicated to the facility in writing or through an appropriate method. The timing of the next evaluation will be determined based on the risk management approach to quality management for manufactured and assembled products, as specified in Article 14 and Appendix XI enclosed with this Circular.

4. The starting point of the evaluation cycle is determined as follows:

a) For initial evaluations: The starting point is from the date of completion of the COP evaluation that meets requirements;

b) For periodic evaluations: If the manufacturing facility requests a periodic evaluation before the COP re-evaluation date previously notified, and the evaluation results meet the requirements, the starting point for the next evaluation cycle is taken as the previously notified COP re-evaluation date. If the evaluation identifies any of the following non-conformities:  products fail to meet requirements or do not conform to the certified product type; final product inspections are not conducted; quality control technicians fail to follow final product inspection guidelines; final inspection equipment is not operational, operates abnormally, or does not ensure accuracy; the use and issuance of final inspection slips are inconsistent with the certified vehicle type; the results of the previous COP evaluation will no longer be valid.  After the manufacturing facility rectifies the non-conformities, the starting point of the next evaluation cycle is taken as the previously notified COP re-evaluation date.

If the manufacturing facility requests a periodic evaluation after the COP re-evaluation date previously notified, the starting point is calculated from the date of completion of the periodic evaluation that meets requirements;

c) For initial evaluations of new product types manufactured by a facility with a COP evaluation, or for supplemental evaluations: the starting point of the next evaluation cycle is taken as the previously notified date.

5. COP evaluations are exempted if the product type is manufactured and assembled following technology and inspection processes that are identical to or simpler than those of previously evaluated product types.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



The manufacturing facility shall prepare one application for certification corresponding to the product type as prescribed in Article 5 of this Circular and submit it to the certifying authority for consideration and issuance of the Certificate of technical safety quality and environmental protection for the product type (hereinafter referred to as the Product type certificate) in accordance with the following procedures:

1. The manufacturing facility shall submit the application either directly, via postal services, or online through the National Public Service Portal or the Public Service Portal of the Ministry of Transport (hereinafter referred to as online public service system) to the certifying authority.

2. The certifying authority shall receive and check the components of the application. If the application components are incomplete, the certifying authority shall return the application on the same working day for direct submissions or within 2 working days from the date of receipt for other submission methods, and notify the manufacturing facility of the reasons for the return to complete the application. If the application components are complete, the certifying authority shall review and assess the application.

3. The certifying authority shall review the COP evaluation results and examine the application contents within 7 working days from the date the application is fully received and the manufacturing facility has paid all service fees and charges in accordance with regulations.

a) If the COP evaluation and application review results meet the requirements, the certifying authority shall issue the Product type certificate;

b) If the application contains non-compliant items, lacks a COP evaluation result, or has a COP evaluation result that does not conform to the product type, the certifying authority shall notify the manufacturing facility to supplement or complete the application. For cases lacking COP evaluation results or with COP results inconsistent with the product type, the manufacturing facility must agree on a timeline for the certifying authority to conduct the COP evaluation as per regulations. The manufacturing facility must address the notified non-compliant items in the application and resubmit it to the certifying authority. The processing timeline is reset from the date the supplemented application is received.

The manufacturing facility may supplement and complete the application within a maximum of three months from the initial notification date. If the three-month deadline is exceeded without addressing the deficiencies, the certifying authority will terminate the application review, COP evaluation, and notify, either in writing or via the online public service system, the decision not to issue the Product type certificate.

4. The certifying authority shall issue the Product type certificate within three working days from the date the COP evaluation and application review results meet requirements. The Certificate of technical safety quality and environmental protection for the product type (hereinafter referred to as the Product type certificate) is valid for 36 months from the issuance date. The issuance of Product type certificate is regulated as follows:

a) The Certificate of technical safety quality and environmental protection for vehicle types (Vehicle type certificate), following the form specified in Appendix IX enclosed with this Circular, and blank Factory quality inspection slips, following the form specified in Appendix VII enclosed with this Circular;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. The manufacturing facility may receive the Certificate of technical safety and environmental protection for the product type either directly at the premises of the certifying authority’s head office; via postal services for paper certificates; via the online public service system for electronic certificates.

Article 8. Reissuance of Product type certificate

1. Product type certificate shall be reissued in the following cases: loss or damage; expiry of validity; changes in information, name, or address of the manufacturing facility on the certificate; changes in national technical regulations applicable to the product; changes in the brand name or trade name of the certified product (while the certificate remains valid) related to intellectual property rights; changes in energy consumption levels of the certified motor vehicle type.

2. The application for reissuance includes the following documents:

a) For reissuance due to loss, damage, or changes in information, name, or address of the manufacturing facility on the certificate: documents specified in point a and point e, clause 1, article 5 for parts; documents specified in point a and point k, clause 2, article 5 for vehicles; relevant documents in cases of changes to the manufacturing facility’s information, name, or address.

b) For reissuance due to expiry of validity: documents specified in Clause 1 or Clause 2, Article 5 of this Circular. submission of documents is exempted if there are no changes from the documents previously submitted for the certified product type;

c) For reissuance due to changes in the energy consumption levels of certified motor vehicle types, changes to applicable standards or technical regulations, or changes in the brand name or trade name of the certified product related to intellectual property rights: documents specified in Clause 1 or Clause 2, Article 5 of this Circular; relevant documents in cases of changes to the brand name or trade name of the product. Submission of documents is exempted if there are no changes from the documents previously submitted for the certified product type.

3. Procedures:

a) The manufacturing facility shall prepare one application as specified in Clause 2 of this Article, corresponding to each specific case, and submit it directly, via postal services, or through the online public service system to the certifying authority;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) The certifying authority shall verify the COP evaluation results and assess the application content within five working days for reissuance due to loss or damage (paper certificates); seven working days for other reissuance cases, from the date of application receipt and full payment of service fees and charges by the manufacturing facility.

If the COP evaluation and application review meet requirements, the certifying authority shall issue the certificate.

If the application contains non-compliant items or the COP evaluation result does not meet requirements, the certifying authority shall notify the manufacturing facility to supplement or complete the application. In cases where the COP evaluation does not meet requirements, the manufacturing facility must coordinate with the certifying authority to schedule the COP evaluation. The manufacturing facility must rectify the non-compliant application items and resubmit the application to the certifying authority. The processing timeline resets from the date the supplemented application is received.

The manufacturing facility may supplement and complete the application within a maximum of three months from the initial notification date. After the 3-month deadline, the certifying authority will terminate the application and COP evaluation process and notify the decision not to issue the certificate in writing or via the online public service system;

d) The certifying authority shall issue the certificate within three working days from the date the COP evaluation and application review meet requirements. Certificates are issued using the forms provided in Appendix IX or Appendix X enclosed with this Circular. The validity of reissued certificates due to expiration is 36 months from the issuance date. The validity of reissued certificates due to changes in applicable national technical regulations is also 36 months if full inspection and testing are conducted in compliance with all applicable regulations for the product type. The validity of certificates reissued for other reasons aligns with the validity of the previously issued certificate;

dd) The manufacturing facility may receive the certificate directly at the certifying authority’s office, via postal services, or through the online public service system (if the application was submitted online).

In cases where the certificate is reissued due to expiration, the certifying authority shall randomly select samples from products manufactured, assembled, and inspected at the facility for inspection and testing, if the facility wishes to continue production and assembly.  The number of completed products for sampling, including base vehicles, special-purpose vehicles, and motorcycles, must not be less than the sample size required for inspection and testing. Sampling is allowed prior to application submission and within six months after the certificate expires.

4. When submitting an application via the online public service system, the application components specified in Clause 2 of this Article may be replaced with electronic information declarations and electronic documents.

Article 9. Issuance of extended Product type certificates

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The application for the issuance of an extended certificate includes:

a) Documents specified in Clause 1 or Clause 2, Article 5 of this Circular.  Submission of documents is exempted if there are no changes from the documents previously submitted for the certified product type;

b) Documents related to the changes in the product.

3. Procedures:

a) The manufacturing facility shall prepare one application as specified in Clause 2 of this Article and submit it directly, via postal services, or through the online public service system to the certifying authority;

b) The certifying authority shall review and check the application components. If the application components are incomplete as per regulations, the certifying authority will return the application on the same working day for direct submission or within 2 working days from the date of review and acceptance for other submission methods, along with a notice specifying the reasons for the manufacturer to complete the application. If the application is complete, the certifying authority shall review and assess the application;

c) The certifying authority shall verify the COP evaluation results and assess the application content within seven working days from the date of application receipt and the manufacturing facility's full payment of service fees and charges.

If the COP evaluation and application review meet requirements, the certifying authority shall issue the extended certificate as prescribed.

If the application contains non-compliant items or the COP evaluation result does not meet requirements, the certifying authority shall notify the manufacturing facility to supplement or complete the application. If the COP evaluation result does not meet requirements, the manufacturing facility must coordinate with the certifying authority to schedule a COP evaluation. The manufacturing facility must address the notified non-compliant items in the application and resubmit it to the certifying authority. The processing timeline resets from the date the supplemented application is received.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) The certifying authority shall issue the extended certificate within three working days from the date the COP evaluation and application content meet requirements. Certificates are issued using the forms provided in Appendix IX or Appendix X enclosed with this Circular. The validity of the extended certificate corresponds to the validity of the certification for the product type before the changes;

dd) The manufacturing facility may receive the certificate directly at the certifying authority’s office, via postal services, or through the online public service system (if the application was submitted online).

4. When submitting an application via the online public service system, the application components specified in Clause 2 of this Article may be replaced with electronic information declarations and electronic documents.

Article 10. Supplementing applications for certification for certified product types

1. Supplementing the application for certification for Product type certificate is conducted when the certified product type, whose certification is still valid, undergoes changes that do not alter the product’s conformity as the same type as specified in Appendix I enclosed with this Circular. It must meet the requirements for products of the same type under national technical regulations and not fall under the cases specified in Clause 1, Article 9 of this Circular or involve supplementing test results for applicable items in national technical regulations according to the published implementation schedule.

2. The supplementary application includes the following documents:

a) Documents specified in Clause 1 or Clause 2, Article 5 of this Circular.  Submission of documents is exempted if there are no changes from the documents previously submitted for the certified product type;

b) Documents related to the changes or additions to the product.

3. Testing and providing test reports for products with changes or additions are exempted in the following cases: Changes in convenience or aesthetics, or changes to characters on the product that do not alter technical specifications or affect the technical safety and environmental protection of the certified product type, while meeting the requirements for products of the same type specified in Appendix I and national technical regulations; adding parts of the same certified type imported for use in manufacturing and assembly of vehicle types, where COP evaluation has not been conducted (provided they match the information and technical specifications on the certificate and in the test report); adding parts of the same certified type with matching technical specifications recorded on the certificate and in the test report as the parts installed on the certified vehicle type, while meeting the requirements specified in national technical regulations. Other cases of changes or additions not specified above shall be reviewed and evaluated based on the conformity of the certified parts' technical specifications with the technical specifications of the vehicle type and parts installed on the vehicle, ensuring compliance with the related requirements in the applicable national technical regulations for the vehicle type.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The manufacturing facility shall prepare one supplementary application as specified in Clause 2 of this Article and submit it directly, via postal services, or through the online public service system to the certifying authority to supplement the application for certification for the certified product type;

b) The certifying authority shall receive and check the application components. If the application components are incomplete, the certifying authority shall return the application on the same working day for direct submissions or within 2 working days from the date of receipt for other submission methods, and notify the manufacturing facility of the reasons for the return to complete the application. If the application is complete, the certifying authority shall review and evaluate the application;

c) The certifying authority shall verify the COP evaluation results and assess the application content within seven working days from the date of application receipt and the manufacturing facility's full payment of service fees and charges.

If the COP evaluation and application review meet requirements, the certifying authority shall record and supplement the changes to the certified product type and notify the manufacturing facility in writing or via the online public service system.

If the application contains non-compliant items or the COP evaluation result does not meet requirements, the certifying authority shall notify the manufacturing facility to supplement or complete the applicationl. In cases where the COP evaluation result does not meet requirements, the manufacturing facility must coordinate with the certifying authority to schedule a COP evaluation. The manufacturing facility must address the notified non-compliant items in the application and resubmit it to the certifying authority. The processing timeline resets from the date the supplemented application is received.

The manufacturing facility is allowed a maximum of three months from the initial notification date to address non-compliant application items. If the three-month deadline is exceeded without rectification, the certifying authority will terminate the application and COP evaluation process and notify, either in writing or via the online public service system, the decision not to record or supplement the changes to the certified product type.

5. When submitting an application via the online public service system, the application components specified in Clause 2 of this Article may be replaced with electronic information declarations and electronic documents.

Article 11. Provisions during the manufacturing and assembly process of products

1. Manufacturing facilities must maintain quality assurance during the manufacturing and assembly process and conduct quality checks and final inspections for each product.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The final inspection of products is carried out in one of two forms: self-inspection or inspection under the supervision of the certifying authority:

a) Self-conducted final inspection:

Manufacturing facilities granted a Product type certificate with a COP evaluation that meets requirements and without violations warranting supervised inspections are allowed to self-conduct final inspections. The certifying authority may randomly check the conformity of products released from the factory. If violations are detected, the certifying authority will apply supervised inspection measures, and the Product type certificate for the violating product type may be suspended or revoked in accordance with regulations;

b) Supervised final inspection by the certifying authority:

The certifying authority conducts supervision of final inspection (hereinafter referred to as "supervision") according to the contents specified in Appendix XIII enclosed with this Circular if the manufacturing facility commits one of the following violations: products released from the factory do not meet national technical regulations or do not conform to the application for certification and the representative sample for the product type; technicians conducting quality inspections of vehicles before leaving the factory or using quality inspection equipment fail to follow the manufacturer’s guidelines; violations are related to the use of Factory quality inspection slip; unauthorized erasure, alteration, or re-stamping of vehicle identification numbers (VIN) or engine numbers occurs during production or assembly; or the manufacturing facility’s evaluation results after each supervision cycle indicate unstable product quality (product quality is considered stable if the ratio of non-compliant products requiring re-monitoring to the total monitored products does not exceed 5% for the entire supervision cycle and 10% for any given month within the supervision cycle).

The duration of a supervision cycle is six months (provided products are released from the factory) or based on the number of supervised products, whichever comes first (2,000 products for motorcycles and mopeds; 500 products for automobiles, trailers, and semi-trailers; 200 products for other vehicle types). After each supervision cycle, if product quality is stable and no violations of this Circular are identified, the facility may revert to the self-inspection method for final inspections.

4. The manufacturing facility is responsible for the origin, quality, and labeling of released products and for affixing energy labels to motor vehicles in compliance with laws on energy-saving and efficient usage before distribution to the market. Products may only be released from the factory and issued a Factory quality inspection slip after full compliance with the quality assurance requirements under Article 6 of this Circular, provided the Product type certificate remains valid, and parts used in manufacturing and assembly, which are subject to testing and certification as specified in Appendix II enclosed with this Circular, meet one of the following conditions:

a) The part certification remains valid;

b) A notice of exemption from part inspection under Decree No. 60/2023/ND-CP remains valid.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The manufacturing facility must not use chassis or engines with numbers that have been tampered with, erased, altered, or restamped, except as specified in Point b of this Clause, for vehicle manufacturing and assembly;

b) If chassis or engine numbers stamped domestically are faulty due to operator error, equipment malfunction during stamping, or are faint or difficult to read (hereinafter referred to as "faulty numbers"), the manufacturing facility must preserve the original state of the faulty numbers and notify the certifying authority in writing. The certifying authority shall inspect the numbers, and if no violations are found, issue a written notice to the manufacturing facility permitting the restamping of the chassis or engine numbers. If violations are detected, the certifying authority shall issue a written notice prohibiting the use of the chassis or engines with faulty numbers for vehicle manufacturing and assembly.

6. The manufacturing facility may only issue a Factory quality inspection slip after the vehicle has passed the final quality inspection, meeting requirements and conforming to the certificate application and the representative sample of the certified product type.

7. The manufacturing facility shall prepare and issue one application for each vehicle released from the factory, which includes:

a) A Factory quality inspection slip (hereinafter referred to as the Factory Slip) in one of the forms specified in Appendix VII enclosed with this Circular, along with a rubbing of the chassis and engine numbers. The Factory slip must be signed and stamped by an authorized person (the head of the facility or a delegated representative) of the manufacturing facility. The method and form of receiving blank Factory slips are determined based on the risk management measures applied to the classification of manufacturing facilities, as specified in Article 14 and Appendix XI enclosed with this Circular;

b) Documents in Vietnamese accompanying the vehicle: user manual; warranty booklet or warranty card. These documents must provide information on the product's technical specifications, instructions for using the main and safety equipment, as well as specialized or distinctive equipment (if any), maintenance schedules and tasks, warranty periods and conditions, and the addresses of maintenance and warranty centers.

If the manufacturing facility provides user manuals in a combination of electronic and physical formats or other suitable methods, the following principles must be met: ensure consistent management of all released versions; ensure that users can access basic operational instructions, safety notices, and troubleshooting procedures for the vehicle under any circumstances, including instances where the vehicle’s electrical system, onboard display, or network connection fails, rendering the electronic manual inaccessible.

8. If a manufacturing facility violates Clause 1 or Clause 2 of Article 12, apart from suspension of the Product type certificate; the following measures are also applied: implementation of supervised final inspection as specified in Point b, Clause 3 of Article 11; change to the method of issuing blank Factory slips, as outlined in Appendix XI enclosed with this Circular; issuance of Factory slips only for non-violating product types after submitting satisfactory final inspection results to the certifying authority, until the suspension of the Product type certificate is lifted or the certifying authority reviews and approves reports on the rectification of defective products.

9. The manufacturing facility must report and transmit data on vehicles released from the factory to the certifying authority within 10 working days after receiving or using blank Factory quality inspection slips under Method 1 outlined in Appendix XI. This data includes: vehicle type information; chassis number; engine number; serial number of the Factory slip; vehicle release date; production year; date of the Factory slip issuance.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 12. Suspension of Product type certificate

1. The certifying authority may suspend a Product type certificate and require the manufacturing facility to cease issuing Factory slips for the violating vehicle type for six months. A written notice or notification via the online public service system is sent under the following circumstances:

a) Having one of the following violations:  failure to maintain product quality assurance; failure to conduct final inspections; products released do not meet national technical regulations or conform to the certificate application and representative sample; improper issuance of Factory slips;

b) Failure to conduct periodic evaluations for subsequent cycles as specified in Article 6;

c) Failure to recall defective vehicles as prescribed in this Circular or failure to implement the correction or recall of defective products for other product types in accordance with the laws on product quality and consumer protection;

d) Unauthorized alterations to chassis or engine numbers without notifying the certifying authority;

dd) There is a discrepancy between the certified energy consumption information of the motor vehicle type and the energy consumption information displayed on the energy label of the motor vehicle type; or the tested energy consumption value of the certified motor vehicle type fails to meet the requirements stipulated in the national technical regulations.

2. Suspension of validity of all Product type certificates:

The certifying authority suspends the validity of all type certificates issued to the manufacturer, requiring the cessation of product release and issuance of Factory slips for all product types for a period of 6 months and notifies the manufacturer in writing or through the online public service system in any of the following cases:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) The Certificate of eligibility for automobile manufacturing and assembly granted to the manufacturing facility under the provisions of Decree No. 116/2017/ND-CP is suspended or revoked in accordance with the regulations of Decree No. 116/2017/ND-CP;

c) The manufacturing facility fails to conduct recalls of defective automobiles or address and recall other defective products as required and notified by the certifying authority on more than two occasions.

3. Revocation of Certificate suspension

During the period when the validity of the Product type certificate for the product is suspended as stipulated in Clause 1 or Clause 2 of this Article, the manufacturing facility, being temporarily suspended from receiving factory slip templates, is prohibited from releasing products or issuing Factory slips for vehicles to be marketed for the product type under suspension. The facility must rectify the violations within a maximum period of six months from the date the Product type certificate is suspended.

The certifying facility will conduct inspections after the manufacturing facility submits reports on the corrective measures taken and confirms that the violations have been rectified. If the violations have been resolved, the certifying facility will issue a written notification to the manufacturing facility regarding the cancellation of the suspension of the Product type certificate’s validity and the resumption of issuing factory slip templates and factory slips for the violating product type. If the manufacturing facility fails to rectify the violations within the prescribed time frame, the Product type certificate will be rendered invalid and revoked in accordance with Clause 4, Article 13 of this Circular.

Article 13. Suspension of Product type certificate

A Product type certificate shall be revoked under the following circumstances:

1. The manufacturing facility is dissolved or bankrupt as prescribed by law;

2. The facility falsifies documents in its certification application;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. If the manufacturing facility fails to rectify the violations within six months from the date of certificate suspension as specified in Clauses 1 or 2 of Article 12 of this Circular, the type certificate will be revoked.

Article 14. Risk management

1. The certifying authority shall assess the risk level of manufacturing facilities, classify them, and apply suitable management measures. Risk criteria and management measures are detailed in Appendix XI enclosed with this Circular.

2. Any changes in classification shall be notified to the manufacturing facility for implementation.

Article 15. Ad hoc inspections of manufacturing facilities

The certifying authority shall establish an inspection team and conduct ad hoc inspections of manufacturing facilities to ensure compliance with the provisions of this Circular in the following cases:

a) Upon receiving complaints or reports regarding product quality in the market, or products released from the manufacturing facility fail to meet quality standards, do not comply with the registration application and the representative sample of the type that has been granted a Certificate for technical safety and environmental protection, or the use and issuance of Factory slips are not in accordance with the certified vehicle type.

b) A written notice from a relevant management authority regarding product quality, manufacturing, or assembly activities;

If the inspection results indicate that the manufacturing facility violates the regulations on maintaining product quality; produces products that fail to meet national technical regulations, or releases products that do not conform to the certification application and the representative sample of the certified product type; issues Factory slips that do not correspond to the certified product type; or violates other provisions of this Circular, the certifying authority shall handle the matter in accordance with Articles 12 or 13 of this Circular, adjust the method of issuing Factory slip templates, and apply appropriate risk management measures as stipulated in Article 14 and Appendix XI enclosed with this Circular.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Manufacturing facilities must publicly disclose the energy consumption of motor vehicles, ensuring. Disclosure of energy consumption must meet the following requirements:

a) Consistent with the information and energy consumption levels of vehicle types that have been certified;

b) Publish information on the energy consumption levels of vehicle types on the website of the manufacturing facility or the vehicle trading facility (if applicable).  The disclosed information must be maintained throughout the period during which the manufacturing facility or trading facility supplies the vehicle type to the market.

2. Vehicles required to have energy labels before being marketed include:

a) Automobiles;

b) Motorcycles and mopeds.

3. Energy labeling is not required for vehicles specified in Clause 2 of this Article in the following cases:

a) Vehicles manufactured or assembled from base vehicles that have already been energy-labeled;

b) Vehicles manufactured or assembled for export.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. If certified product types undergo changes that fail to meet the criteria for similar products in terms of energy consumption or changes that affect the certified energy consumption levels beyond the permissible scope, or do not satisfy conditions for expanding the recognition of exhaust emission test results as stipulated in the applicable national technical standards, re-certification of the vehicle type concerning energy consumption is required.

Article 17. Redisclosure of energy consumption information

The manufacturing facility must re-disclose information on energy consumption based on the reissuance of the Certificate in cases where the certified vehicle type undergoes changes in energy consumption, as follows:

1. When the certified energy consumption of the vehicle type does not comply with the provisions of the corresponding national technical standards, or when the disclosed energy consumption differs from the certified energy consumption.

2. When the vehicle type using an internal combustion engine, which has been certified for energy consumption, undergoes changes that alter the energy consumption and fail to meet the conditions for expanding recognition of exhaust emission test results as stipulated in the national technical standards; or when the vehicle type powered solely by an electric motor, which has been certified for energy consumption, undergoes changes that result in energy consumption exceeding the permissible limits under the national technical standards compared to the certified energy consumption.

Article 18. Monitoring and enforcement of energy labeling compliance

1. Manufacturing facilities must submit annual energy labeling reports to the certifying authority, including:

a) Report title: Periodic report on energy labeling;

b) Contents required in the report: Number of energy-labeled vehicle types and average annual energy consumption per facility;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Receiving authority: Certifying authority;

dd) Methods of report submission: Reports may be in paper or electronic form and submitted directly, via postal services, email, or other lawful methods;

e) Report submission deadline: No later than December 31 of each year;

g) Reporting frequency: Annual reports;

h) Data cutoff period: December 15 of the previous year to December 14 of the reporting year;

i) Reporting forms: Specified in Appendix XV of this Circular.

2. The certifying authority organizes inspections and supervision related to the implementation of energy labeling as follows:

a) Annual inspections: Develop and execute plans to inspect compliance with energy consumption disclosure and labeling by manufacturing and trading entities.

b) Ad hoc inspections: Conducted upon receiving complaints or reports of violations regarding energy labeling practices.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



If energy labeling violations are detected, the certifying authority shall notify the Ministry of Industry and Trade, specifying the violations for appropriate legal action.

Chapter III

REGULATIONS ON THE RECALL OF DEFECTIVE PRODUCTS AND GOODS

Article 19. Products and goods subject to recall

1. Automobiles under the scope of Decree No. 116/2017/ND-CP on manufacturing and assembly (hereinafter referred to as "products") with defects shall be recalled as stipulated in this Chapter.

2. Circumstances requiring recall:

a) Products recalled based on announcements by the manufacturing facility;

b) Products recalled as required by the certifying authority.

Article 20. Product recall

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



If a manufacturing facility identifies defects in products supplied to the market that require recall, the facility must:

a) Suspend the release of defective product types from the factory;

b) Notify dealerships in writing to cease supplying defective products to the market within five working days from the date the defect is discovered;

c) Within no more than 10 working days from the date of identifying defective products subject to recall, the manufacturing facility must report to the certifying authority on the cause of the defect, corrective measures, the number of products to be recalled, and the recall plan;

d) Announce the recall plan through mass media in accordance with legal regulations;

dd) Submit annual reports to the certifying authority on recall progress, as specified in Clause 4 of this Article;

e) Submit a final recall report in writing to the certifying authority within 30 days after the recall concludes.

2. Recall mandated by the certifying authorit

Upon detecting that products from the manufacturing facility supplied to the market have defects subject to recall, the certifying authority shall, based on applicable regulations, standards, technical regulations, relevant information, and investigation results, consider and decide to undertake the following actions:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Based on the severity and urgency of the defective product, the certifying authority may require the manufacturing facility to immediately recall the product. In cases where the defect is caused by multiple complex factors and timely decisions are needed, the certifying authority shall consult experts to assess the severity of the defect in the defective product.

3. The certifying authority shall receive the recall plan, notify the manufacturing facility, and specify any additional requirements for the recall plan (if applicable).

4. The manufacturing facility shall submit periodic reports on the results of product recalls as follows:

a) Report title: Periodic report on the results of product recalls;

b) Contents required in the report: the number of products recalled and successfully rectified according to the announced plan and corrective measures; the number of products yet to be recalled or rectified according to the announced plan and corrective measures;

c) Entities responsible for reporting: manufacturing facilities;

d) Receiving authority: Certifying authority;

dd) Methods of report submission: Reports may be in paper or electronic form and submitted directly, via postal services, email, or other lawful methods;

e) Report submission deadline: No later than December 31 of each year;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



h) Data cutoff period: December 15 of the previous year to December 14 of the reporting year;

i) Reporting forms: as specified in Appendix XIV enclosed with this Circular.

Chapter IV

RESPONSIBILITIES OF RELATED AUTHORITIES AND ORGANIZATIONS

Article 21. Responsibilities of manufacturing facilities

1. Be legally responsible for the accuracy and legitimacy of declared information and submitted documents in applications for certification; ensure consistency in declared information and alignment between submitted documents for inspection, testing, and certification applications; and comply with regulations and decisions of competent authorities regarding inspections.

2. Ensure the origin and provenance of products and parts used for vehicle production and assembly; maintain records related to products and parts for traceability and recalls.

3. Deliver representative samples to the agreed locations for inspection and testing.

4. Maintain a quality management system to ensure that the quality of products has been inspected and assessed; manufacture, assemble, and inspect factory-released products to ensure product quality meets national technical regulations, conforms to the representative sample tested, and aligns with the certification application of the product type; ensure compliance with the certified energy consumption levels; and affix energy labels and product labels in accordance with regulations before releasing the products to the market.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. Retain copies of the Factory slip Origin (including rubbings of frame and engine numbers)  Retain  quality control results for a minimum of three years from the date of product release. When disposing of these documents, the manufacturing facility must ensure data traceability for product recalls or upon request from competent authorities.

7. Manage and use the Factory slip template in compliance with regulations; ensure accurate printing of information on Factory slip that matches certified vehicle types and submit data on released vehicles to the certifying authority.

8. Recall automobiles subject to Decree No. 116/2017/ND-CP that have defects as prescribed in this Circular; proactively address defects or recall other defective products in accordance with the laws on product quality and consumer protection.

9. Retain product quality certification applications and documents related to quality assurance, energy consumption certification applications for at least five years after ceasing production of the certified product type.

10. In the event of electronic transaction failures on the online public service system, notify the certifying authority for resolution coordination.

Article 22. Responsibilities of the certifying authority

1. Certify technical safety, environmental protection, and energy consumption of motor vehicles and parts in accordance with regulations.

2. Manage the issuance and utilization of Certificates and Factory slip templates.

3. Recognize, designate, and publish a list of testing facilities for motor vehicle parts and vehicles to support technical safety, environmental protection, and energy consumption certification.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. Conduct regular or ad-hoc inspections to ensure product quality; verify the conformity of factory products at the manufacturing facility; and perform regular monitoring of energy labeling compliance.

7. Notify the competent authority for handling violations in accordance with regulations when detecting that manufacturing or trading facilities violate energy labeling requirements during inspections or monitoring.

8. In case of a system failure preventing administrative procedures on the online public service platform, the certifying authority must announce the incident on its official electronic information portal no later than four hours from the occurrence of the failure during business hours or four hours from the start of the next working day if the failure occurs during official holidays.

9. Maintain records of applications for product type certification.

10. Consolidate the results of certification activities and energy labeling inspections for vehicles and report to the competent authority upon request.

Chapter V

ENTRY IN FORCE AND IMPLEMENTATION

Article 23. Entry into force

1. This Circular comes into force as of January 1, 2025.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Circular No. 30/2011/TT-BGTVT dated April 15, 2011, of the Minister of Transport on quality inspection of technical safety and environmental protection in the production and assembly of motor vehicles;

b) Circular No. 45/2012/TT-BGTVT dated October 23, 2012, on quality inspection of technical safety and environmental protection in the production and assembly of motorcycles and mopeds;

c) Circular No. 41/2013/TT-BGTVT dated November 5, 2013, on quality inspection of technical safety for electric bicycles;

d) Circular No. 16/2014/TT-BGTVT dated May 13, 2014, on conditions for four-wheel goods vehicles with motors and their drivers participating in road traffic;

dd) Circular No. 54/2014/TT-BGTVT dated October 20, 2014, of the Minister of Transport, on amendments to Circular No. 30/2011/TT-BGTVT dated April 15, 2011, of the Minister of Transport on regulations for quality, technical safety, and environmental protection inspections during the manufacturing and assembly of motor vehicles;

e) Circular No. 86/2014/TT-BGTVT dated December 31, 2014, of the Minister of Transport, stipulating conditions for four-wheeled motorized vehicles and their drivers participating in traffic within restricted areas;

g) Circular No. 89/2015/TT-BGTVT dated December 31, 2015, of the Minister of Transport, regulating the quality, technical safety, and environmental protection inspections of specialized vehicles;

h) Circular No. 40/2017/TT-BGTVT dated November 9, 2017, of the Minister of Transport, guiding energy labeling for passenger cars with a capacity of over 7 to 9 seats;

i) Articles 1, 3, 4, 5, 6, 7, and 8 of Circular No. 42/2018/TT-BGTVT dated July 30, 2018, of the Minister of Transport, on amendments to circulars in the field of vehicle registration;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



l) Circular No. 25/2019/TT-BGTVT dated July 5, 2019, of the Minister of Transport, regulating quality, technical safety, and environmental protection inspections during the manufacturing and assembly of automobiles;

m) Circular No. 46/2019/TT-BGTVT dated November 12, 2019, of the Minister of Transport, on amendments to Circular No. 25/2019/TT-BGTVT dated July 5, 2019, of the Minister of Transport on quality, technical safety, and environmental protection inspections during the manufacturing and assembly of automobiles;

n) Articles 1 and 5 of Circular No. 26/2020/TT-BGTVT dated October 16, 2020, on amendments to circulars regulating periodic reporting in the field of vehicle registration;

o) Circular No. 23/2020/TT-BGTVT dated October 1, 2020, of the Minister of Transport, on amendments to Circular No. 89/2015/TT-BGTVT dated December 31, 2015, of the Minister of Transport regulating quality, technical safety, and environmental protection inspections for specialized vehicles and Circular No. 42/2018/TT-BGTVT dated July 30, 2018, of the Minister of Transport, on amendments to circulars in the field of vehicle registration;

p) Articles 1, 4, 5, 6, and 8 of Circular No. 16/2022/TT-BGTVT dated June 30, 2022, of the Minister of Transport, on amendments to circulars in the field of vehicle registration;

q) Circular No. 48/2022/TT-BGTVT dated December 30, 2022, of the Minister of Transport, guiding energy labeling for passenger cars, motorcycles, and mopeds using electricity and hybrid electricity (hereinafter referred to as Circular No. 48/2022/TT-BGTVT);

r) Circular No. 49/2023/TT-BGTVT dated December 31, 2023, on amendments to circulars on quality, technical safety, and environmental protection inspections for motor vehicles, specialized vehicles, four-wheeled motorized passenger vehicles, four-wheeled motorized cargo vehicles, and electric bicycles manufactured, assembled, and imported.

3. In cases where legal documents, national technical regulations, or national standards referenced in this Circular are amended, supplemented, or replaced, the amended, supplemented, or replaced documents, regulations, or standards shall apply.

Article 24. Transitional provisions

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Certificate of quality, technical safety, and environmental protection for product type models issued before the effective date of this Circular or certificates issued for product types as specified in Clause 1 of this Article may continue to be used for manufacturing and assembly until:

a) The expiration of the validity period indicated on the Product type certificate for automobiles falling under the scope of Decree No. 116/2017/ND-CP and components used for automobiles;

b) The end of the next periodic evaluation date of the issued Product type certificate for: automobiles not under the scope of Decree No. 116/2017/ND-CP; trailers; semi-trailers; motorcycles; mopeds; four-wheeled motorized cargo vehicles; four-wheeled motorized passenger vehicles; specialized vehicles; components used for motorcycles and mopeds; components used for four-wheeled motorized cargo vehicles.

3. Fuel consumption certificates for automobile types with up to 8 seats excluding the driver's seat (still valid) issued under the provisions of Inter-Circular No. 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT dated September 24, 2014, of the Minister of Transport and the Minister of Industry and Trade on energy labeling for passenger cars with up to 7 seats, or Circular No. 40/2017/TT-BGTVT dated November 9, 2017, of the Minister of Transport guiding energy labeling for passenger cars with over 7 seats and up to 9 seats, issued before the effective date of this Circular, shall remain valid until the expiration of the Motor vehicle type certificate.

4. The energy consumption of vehicle types disclosed under the provisions of Circular No. 59/2018/TT-BGTVT or Circular No. 48/2022/TT-BGTVT prior to the effective date of this Circular shall remain valid until:

a) The expiration of the validity period of the Vehicle type certificate for passenger cars with up to 8 seats excluding the driver's seat;

b) The end of the annual evaluation period of the Vehicle type certificate for motorcycles and mopeds that has been issued.

5. Factory slips issued for motor vehicles before the effective date of this Circular and Factory slips issued for vehicles under the provisions of Clause 1, Article 24 of this Circular shall remain valid for vehicle registration in accordance with regulations of the Minister of Public Security or for certification procedures to manufacture and assemble other vehicle types. Factory slip templates issued prior to the effective date of this Circular may continue to be used until June 30, 2025. The implementation of the Factory quality inspection slip templates as prescribed in Appendix VII enclosed with this Circular shall take effect starting from July 1, 2025./.

 

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



PP. THE MINISTER
DEPUTY MINISTER




Nguyen Duy Lam

 

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 55/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 quy định về trình tự, thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới trong sản xuất, lắp ráp do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.100

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.85.147
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!