Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 27/2018/TT-BGTVT xây dựng công bố công lệnh tải trọng trên đường sắt quốc gia

Số hiệu: 27/2018/TT-BGTVT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Nguyễn Ngọc Đông
Ngày ban hành: 14/05/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2018/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 2018

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG, CÔNG BỐ CÔNG LỆNH TẢI TRỌNG, CÔNG LỆNH TỐC ĐỘ TRÊN ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA, ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ CHẠY CHUNG VỚI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA, ĐƯỜNG SẮT CHUYÊN DÙNG

Căn cứ Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Tải trọng rải đều là tải trọng tối đa cho phép tính theo chiều dài của phương tiện giao thông đường sắt, đơn vị tính là tấn/mét.

2. Tải trọng trục là tải trọng tối đa cho phép trên một trục của phương tiện giao thông đường sắt, đơn vị tính là tấn/trục.

Chương II

CÔNG LỆNH TẢI TRỌNG, CÔNG LỆNH TỐC ĐỘ

Điều 4. Yêu cầu xây dựng, cập nhật công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ

Ngoài các yêu cầu đối với công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ quy định tại Luật Đường sắt, khi xây dựng, cập nhật công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Bảo đảm an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

2. Bảo đảm tải trọng trục, tải trọng rải đều, tốc độ kỹ thuật cho phép của công trình đường sắt ổn định.

3. Hạn chế số lượng điểm biến đổi tốc độ trong một khu gian.

4. Chiều dài mỗi dải tốc độ trên tuyến phải bảo đảm không ngắn hơn 800 mét, trừ các điểm chạy chậm cố định.

5. Tải trọng trục, tải trọng rải đều cho mỗi loại đầu máy, toa xe và đoàn tàu quy định như sau:

a) Đối với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng phải đồng nhất trong một khu đoạn;

b) Đối với đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia phải đồng nhất trong suốt đoạn, tuyến chạy chung với đường sắt quốc gia.

Điều 5. Nội dung cơ bản của công lệnh tải trọng

1. Nội dung cơ bản liên quan đến xây dựng công lệnh tải trọng:

a) Khổ đường sắt;

b) Tải trọng trục, tải trọng rải đều của phương tiện giao thông đường sắt khai thác trên từng đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt;

c) Tải trọng trục, tải trọng rải đều của đoàn tàu cứu viện, cứu hộ, máy móc thi công trên đường sắt;

d) Các thông tin khác liên quan đến phương tiện giao thông đường sắt khai thác trên từng đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt;

đ) Các tuyến nhánh có nối ray với tuyến đường sắt chính.

2. Tải trọng trục, tải trọng rải đều cho phép trên từng đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt.

3. Quy định về ghép đầu máy, máy thi công và các phương tiện giao thông đường sắt khác để chạy đơn, chạy ghép trên từng đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt.

4. Quy định các tải trọng đặc biệt của phương tiện giao thông đường sắt khác (nếu có).

5. Các thông tin khác liên quan đến phương tiện giao thông đường sắt, công trình đường sắt để hướng dẫn thực hiện công lệnh tải trọng.

6. Nội dung công lệnh tải trọng quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này phải được lập cho từng tuyến đường sắt, bao gồm cả các tuyến nhánh có nối ray với tuyến đường sắt chính.

7. Tải trọng thiết kế của các công trình phụ trợ phục vụ thi công công trình trên từng đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt phải tuân thủ công lệnh tải trọng đã được công bố.

Điều 6. Nội dung cơ bản của công lệnh tốc độ

1. Nội dung cơ bản liên quan đến xây dựng công lệnh tốc độ:

a) Khổ đường sắt;

b) Lý trình các ga, trạm, các vị trí bị hạn chế tốc độ kỹ thuật cho phép của công trình đường sắt (yếu tố bình diện đường sắt, các vị trí thi công, các vị trí xung yếu khác trên tuyến phải hạn chế tốc độ);

c) Các thông tin khác liên quan đến phương tiện giao thông đường sắt khai thác trên từng đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt;

d) Các quy định khác liên quan đến việc di chuyển, chạy tàu đoàn tàu cứu viện, cứu hộ, máy móc thi công trên đường sắt;

đ) Đối với các vị trí thi công được phép hạn chế tốc độ theo từng giai đoạn thi công.

2. Bảng quy định tốc độ kỹ thuật cho phép của công trình đường sắt, các vị trí xung yếu phải hạn chế tốc độ trên từng đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt:

a) Tốc độ chạy tàu (km/h): Tốc độ lớn nhất cho phép; tốc độ chạy chậm;

b) Các vị trí thay đổi tốc độ;

c) Các vị trí có tốc độ quy định tại điểm a, điểm b Khoản này phải ghi rõ các thông tin sau: Lý trình điểm đầu, điểm cuối; chiều dài các đoạn, khu đoạn, các vị trí xung yếu khác trên tuyến phải hạn chế tốc độ trên từng tuyến đường sắt; tên gọi theo địa danh (nếu có);

d) Bảng quy định tốc độ kỹ thuật cho phép của công trình đường sắt theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Trình tự xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ

1. Đối với đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia:

a) Căn cứ trạng thái kỹ thuật cho phép, khả năng khai thác của công trình đường sắt và tải trọng của phương tiện giao thông đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt xây dựng dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt quốc gia;

b) Doanh nghiệp được giao quản lý tuyến đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ;

c) Trước 30 ngày so với ngày dự kiến công bố, doanh nghiệp chủ trì xây dựng dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ quy định tại điểm a, điểm b Khoản này gửi đến Cục Đường sắt Việt Nam để tham gia ý kiến;

d) Chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ theo quy định của Thông tư này, Cục Đường sắt Việt Nam có ý kiến bằng văn bản gửi doanh nghiệp chủ trì xây dựng dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ;

đ) Doanh nghiệp chủ trì xây dựng dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ và công bố theo quy định của Luật Đường sắt;

e) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày công bố, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ phải được gửi đến Cục Đường sắt Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh có đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt khác có liên quan để triển khai thực hiện;

g) Công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ phải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và có hiệu lực sau 05 ngày kể từ ngày công bố.

2. Đối với đường sắt chuyên dùng, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng tự xây dựng và công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên tuyến đường sắt do mình đầu tư.

Điều 8. Cập nhật công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ

1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt xem xét, quyết định cập nhật, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trong các trường hợp sau:

a) Khi có sự thay đổi về năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt;

b) Khi có sự thay đổi về phương tiện giao thông đường sắt.

2. Việc cập nhật công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ phải bảo đảm yêu cầu quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

3. Việc công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ sau khi cập nhật thực hiện theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 7 của Thông tư này.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN TRONG VIỆC XÂY DỰNG, CÔNG BỐ CÔNG LỆNH TẢI TRỌNG,CÔNG LỆNH TỐC ĐỘ

Điều 9. Cục Đường sắt Việt Nam

1. Tham gia ý kiến đối với dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ theo quy định tại Thông tư này.

2. Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường sắt trong xây dựng, công bố, cập nhật, thực hiện công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia:

Điều 10. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc xây dựng, công bố, cập nhật và tổ chức thực hiện công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ theo quy định.

2. Kiểm tra, giám sát, hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt khác có liên quan và các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ đã công bố.

3. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc xây dựng, công bố, cập nhật và tổ chức thực hiện công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ theo quy định của Luật Đường sắt và Thông tư này.

4. Kiểm tra, giám sát phương án tổ chức thi công, biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại các vị trí thi công trên tuyến đường sắt theo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ đã công bố.

Điều 11. Doanh nghiệp được giao quản lý tuyến đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc xây dựng, công bố, cập nhật và tổ chức thực hiện công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ theo quy định.

2. Kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt khác có liên quan và các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ đã công bố.

3. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc xây dựng, công bố, cập nhật và tổ chức thực hiện công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ theo quy định của Luật Đường sắt và Thông tư này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

2. Thông tư số 78/2015/TT-BGTVT ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về xây dựng, ban hành, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ, biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 13. Quy định chuyển tiếp

Trường hợp công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ đã xây dựng và công bố trước ngày 01 tháng 7 năm 2018 được tiếp tục thực hiện đến khi công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ mới hoặc công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ được cập nhật.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 14;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KCHT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Đông

PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BGTVT ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

BẢNG QUY ĐỊNH TỐC ĐỘ KỸ THUẬT CHO PHÉP CỦA CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG SẮT NĂM...

I. Tốc độ kỹ thuật cho phép trên tuyến đường sắt....

A. Đường chính

Tên ga

Lý trình

Dài (km)

Tốc độ (km/h)

Điểm chạy chậm

Khổ 1000 mm

Khổ 1435 mm

Vị trí chạy chậm

Dài (m)

Tốc độ chạy chậm (km/h)

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

7)

(8)

(9)

Ghi chú:

(1): Ghi rõ tên ga, lý trình ga.

(2): Ghi rõ lý trình điểm đầu, điểm cuối của từng đoạn có tốc độ kỹ thuật cho phép của công trình đường sắt như nhau.

(3): Chiều dài từng đoạn có tốc độ kỹ thuật cho phép của công trình đường sắt như nhau (km).

(4), (5): Tốc độ kỹ thuật (km/h) cho phép của công trình đường sắt trên từng đoạn theo từng loại khổ đường khác nhau. Trường hợp trên tuyến chỉ có 01 loại khổ đường thì ghi giá trị tốc độ cho phép công trình đường sắt tương ứng với loại khổ đường đó.

(6): Ghi rõ lý trình điểm đầu, điểm cuối của vị trí phải chạy chậm.

(7): Chiều dài đoạn phải chạy chậm (m).

(8): Tốc độ chạy chậm (km/h).

(9): Ghi rõ lý do phải chạy chậm: bán kính đường cong R; điểm xung yếu phải hạn chế tốc độ; vị trí thi công phải hạn chế tốc độ; yếu tố kỹ thuật của đường cong không bảo đảm yêu cầu.

B. Các điểm hạn chế tốc độ khác

1. Ghi đường sắt trên chính tuyến tại các ga (hướng thẳng, hướng rẽ): Ghi rõ số hiệu ghi, tên ga, lý trình ga.

2. Ghi đường sắt trên chính tuyến ngoài khu gian (hướng thẳng, hướng rẽ): Ghi rõ số hiệu ghi, lý trình ghi.

3. Các điểm hạn chế tốc độ khác tại thời điểm xây dựng, công bố công lệnh tốc độ.

II. Tốc độ kỹ thuật cho phép trên các đường nhánh...

Đường nhánh..., thuộc tuyến đường sắt...

TT

Tên đường nhánh

Dài (m)

Tốc độ (km/h)

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

Ghi chú:

(1): Ghi số thứ tự.

(2): Ghi rõ tên đường nhánh; điểm đầu và điểm cuối của đường nhánh.

(3): Chiều dài từng đoạn đường nhánh (m) có tốc độ kỹ thuật cho phép của công trình đường sắt như nhau.

(4): Tốc độ kỹ thuật cho phép của công trình đường sắt theo từng đoạn của đường nhánh (km/h).

(5): Ghi rõ vị trí, lý trình nối đường nhánh vào đường chính; lý do hạn chế tốc độ: bán kính đường cong R, điểm xung yếu phải hạn chế tốc độ, vị trí thi công phải hạn chế tốc độ, yếu tố kỹ thuật của đường cong không bảo đảm yêu cầu.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 27/2018/TT-BGTVT ngày 14/05/2018 quy định về xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.934

DMCA.com Protection Status
IP: 18.221.175.48
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!