Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 07/2012/TT-BGTVT chức danh, nhiệm vụ theo chức danh

Số hiệu: 07/2012/TT-BGTVT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Đinh La Thăng
Ngày ban hành: 21/03/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2012/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2012

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CHỨC DANH, NHIỆM VỤ THEO CHỨC DANH CỦA THUYỀN VIÊN VÀ ĐĂNG KÝ THUYỀN VIÊN LÀM VIỆC TRÊN TÀU BIỂN VIỆT NAM

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên 1978 sửa đổi 2010 mà Việt Nam là thành viên.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đối với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài chỉ áp dụng khi có những quy định cụ thể trong Thông tư này.

Điều 3. Quốc kỳ trên tàu biển Việt Nam

1. Thuyền viên có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn sự tôn nghiêm của Quốc kỳ.

2. Quốc kỳ phải được treo đúng nơi quy định. Khi tàu hành trình hoặc khi neo đậu, Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột phía lái. Đối với tàu không có cột lái, Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột chính. Hàng ngày, Quốc kỳ được kéo lên vào lúc mặt trời mọc và hạ xuống lúc mặt trời lặn. Về mùa đông, những ngày có sương mù, Quốc kỳ được kéo lên vào thời điểm có thể nhìn thấy được. Quốc kỳ được kéo lên sớm hơn hoặc hạ xuống muộn hơn thời gian quy định trong những trường hợp sau đây:

a) Tàu vào, rời cảng;

b) Gặp tàu quân sự hoặc tàu Việt Nam khi 2 tàu nhìn thấy nhau.

3. Việc kéo và hạ Quốc kỳ do thủy thủ trực ca thực hiện theo lệnh của sỹ quan trực ca boong.

4. Khi có Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở trên tàu, ngoài Quốc kỳ treo ở đỉnh cột phía lái còn phải treo thêm một Quốc kỳ ở đỉnh cột chính và chỉ được phép hạ xuống khi các vị khách nói trên đã rời khỏi tàu.

5. Trong những ngày lễ lớn hay những ngày có chỉ thị đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, Quốc kỳ phải được kéo lên theo nghi lễ chào cờ. Khi tàu hành trình trên biển và trong điều kiện thời tiết cho phép, ngoài Quốc kỳ treo ở đỉnh cột phía lái còn phải treo thêm Quốc kỳ ở đỉnh cột chính.

6. Khi tàu neo, đậu ở cảng nước ngoài, Quốc kỳ Việt Nam phải được kéo lên trước và hạ xuống sau Quốc kỳ của nước có cảng mà tàu đang đậu.

7. Khi hành trình trong lãnh hải hoặc vào, rời hay neo đậu trong vùng nước cảng biển nước ngoài, tàu phải treo Quốc kỳ nước đó ở cột chính của tàu.

8. Quốc kỳ phải được treo ở trạng thái mở. Trong ngày quốc tang, Quốc kỳ phải được treo theo nghi thức tang lễ.

Điều 4. Cờ lễ trên tàu biển Việt Nam

Việc trang hoàng cờ lễ khi tàu neo, đậu ở cảng phải theo nghi thức sau đây:

1. Nghi thức vào ngày lễ lớn: treo một dây cờ hiệu hàng hải quốc tế từ cột mũi đến cột lái của tàu qua xà ngang các cột trước và cột chính. Ở đỉnh cột trước, cột chính và cột lái đều treo Quốc kỳ, cột mũi treo cờ hiệu chủ tàu. Nếu tàu đang bốc dỡ hàng hoá thì phải trang trí sao cho không bị ảnh hưởng đến công việc bốc dỡ hàng hoá của tàu;

2. Nghi thức vào ngày lễ khác: treo một dây cờ hiệu hàng hải quốc tế từ cột mũi đến cột trước, một dây thứ hai từ cột chính đến cột lái. Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột trước, cột chính và cột lái;

3. Việc dùng cờ hiệu hàng hải quốc tế để trang hoàng phải chọn cờ có kích thước, màu sắc phù hợp để dây cờ đẹp, trang nghiêm;

4. Không được sử dụng Quốc kỳ Việt Nam và Quốc kỳ nước ngoài, quân kỳ, cờ chức vụ và cờ chữ thập đỏ để trang hoàng trong dây cờ lễ.

Điều 5. Đón khách thăm tàu

Khi có các vị khách được quy định tại khoản 4 Điều 3 của Thông tư này đến thăm tàu:

1. Trường hợp có thông báo trước, thuyền trưởng phải lệnh cho tất cả thuyền viên mặc trang phục chỉnh tề theo nghi thức ngày lễ, đứng xếp hàng dọc theo hành lang đầu cầu thang, thuyền trưởng phải có mặt tại chân cầu thang để đón khách lên tàu;

2. Trường hợp không được báo trước, sỹ quan trực ca boong phải đón chào các vị khách tại chân cầu thang, đồng thời báo cho thuyền trưởng đến tiếp khách.

Chương II

CHỨC DANH VÀ NHIỆM VỤ THEO CHỨC DANH

Mục 1. CHỨC DANH THUYỀN VIÊN

Điều 6. Chức danh thuyền viên

1. Chức danh của thuyền viên trên tàu biển Việt Nam bao gồm: thuyền trưởng, đại phó, sỹ quan boong (phó hai, phó ba), máy trưởng, máy hai, sỹ quan máy (máy ba, máy tư), thuyền phó hành khách, sỹ quan thông tin vô tuyến, sỹ quan kỹ thuật điện, sỹ quan an ninh tàu biển, sỹ quan máy lạnh, thủy thủ trưởng, thủy thủ phó, thủy thủ trực ca, thợ máy chính, thợ máy trực ca, thợ kỹ thuật điện, nhân viên thông tin vô tuyến, quản trị, bác sỹ hoặc nhân viên y tế, phục vụ viên, bếp trưởng, cấp dưỡng, tổ trưởng phục vụ hành khách, nhân viên phục vụ hành khách, tổ trưởng phục vụ bàn, nhân viên phục vụ bàn, quản lý kho hành lý, thợ giặt là, kế toán, thủ quỹ, nhân viên bán hàng, nhân viên bán vé, trật tự viên, thợ máy lạnh và thợ bơm. Tùy thuộc vào loại tàu, đặc tính kỹ thuật và mục đích sử dụng, chủ tàu bố trí các chức danh phù hợp với định biên của tàu.

2. Đối với các chức danh không được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều này thì chủ tàu căn cứ vào điều kiện kỹ thuật và mục đích sử dụng của tàu để bố trí các chức danh đó.

Mục 2. NHIỆM VỤ THEO CHỨC DANH

Điều 7. Nhiệm vụ của thuyền trưởng

Thuyền trưởng là người có quyền chỉ huy cao nhất ở trên tàu. Thuyền trưởng có nhiệm vụ sau đây:

1. Nhiệm vụ của thuyền trưởng khi giao, nhận tàu:

a) Việc bàn giao tàu phải được tiến hành trực tiếp giữa thuyền trưởng nhận tàu và thuyền trưởng giao tàu;

b) Khi giao, nhận tàu phải bàn giao chi tiết về phần vỏ tàu, các máy móc, trang thiết bị, tài sản, toàn bộ các hồ sơ, tài liệu, tiền mặt và phải lập bản thống kê từng hạng mục;

c) Thuyền trưởng nhận tàu yêu cầu thuyền trưởng giao tàu cho biết về cấu trúc đặc biệt, tính năng kỹ thuật, khả năng khai thác và kế hoạch tiếp tục hoàn thành. Thuyền trưởng giao tàu yêu cầu các sỹ quan phụ trách từng bộ phận báo cáo bằng văn bản về tình hình mọi mặt của bộ phận mình và bản kê tài sản của tàu. Thuyền trưởng nhận tàu cùng với đại phó, máy trưởng và máy hai tiến hành kiểm tra, tìm hiểu tình trạng thực tế của tàu;

d) Thời gian bắt đầu và kết thúc việc bàn giao phải được ghi vào biên bản, hai bên cùng ký tên và phải ghi vào nhật ký hàng hải. Biên bản bàn giao tàu phải được lập thành 04 bản: 01 bản gửi cho chủ tàu, 01 bản lưu lại tàu và 02 bản cho bên giao và bên nhận;

đ) Thuyền trưởng giao tàu phải họp toàn thể thuyền viên để giới thiệu thuyền trưởng nhận tàu và thông báo cụ thể thời gian chuyển giao quyền điều hành cho thuyền trưởng mới.

2. Nhiệm vụ của thuyền trưởng khi đưa tàu vào khai thác hoặc ngừng khai thác:

a) Thực hiện theo lệnh của chủ tàu để đưa tàu vào khai thác, ngừng khai thác hoặc sửa chữa hay giải bản;

b) Trước mỗi chuyến đi, thuyền trưởng phải có những biện pháp nhằm bảo đảm an toàn và an ninh cho người, tàu và hàng hoá trên tàu, kể cả vật tư kỹ thuật, nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm của tàu;

c) Phân công cụ thể cho đại phó và máy trưởng tiến hành chuẩn bị mọi mặt để tàu khởi hành an toàn đúng giờ quy định;

d) Kiểm tra việc chuẩn bị hải đồ, các tài liệu hàng hải khác liên quan đến toàn bộ chuyến đi của tàu;

đ) Nắm vững tình hình diễn biến thời tiết trong khu vực tàu sẽ đi qua, lập kế hoạch chuyến đi và vạch hướng đi trên hải đồ có tính toán đầy đủ ảnh hưởng của các điều kiện địa lý, khí tượng - thuỷ văn hàng hải và các yếu tố khác;

e) Kiểm tra việc xếp dỡ hàng hóa theo sơ đồ hàng hóa bảo đảm số lượng và chất lượng của hàng hóa. Đặc biệt, chú ý xếp dỡ và vận chuyển hàng rời, hàng nguy hiểm trên tàu; tận dụng dung tích và trọng tải của tàu nhưng phải đảm bảo tính ổn định và an toàn của tàu;

g) Ít nhất 02 giờ trước khi tàu rời cảng phải biết được tình hình công việc chuẩn bị của tàu, kiểm tra sự có mặt của thuyền viên và những người khác còn ở trên tàu;

h) Trường hợp có thuyền viên của tàu vắng mặt, để bảo đảm cho tàu xuất phát đúng giờ, thuyền trưởng phải kịp thời thông báo cho giám đốc cảng vụ, chủ tàu nếu tàu đậu ở các cảng trong nước hoặc thông báo cho đại lý, cơ quan đại diện ngoại giao có thẩm quyền của Việt Nam nếu tàu đậu ở cảng nước ngoài biết họ tên, chức danh và thời gian đi bờ của thuyền viên đó. Đồng thời, phải áp dụng mọi biện pháp để thuyền viên này kịp trở về tàu hoặc đón tàu ở cảng sắp đến, nếu sự vắng mặt của thuyền viên đó không ảnh hưởng đến an toàn của tàu;

i) Thường xuyên duy trì công tác bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

3. Nhiệm vụ của thuyền trưởng khi tàu hành trình:

a) Thuyền trưởng phải đảm bảo đủ và đúng về số lượng thuyền viên và hành khách đã khai báo trong danh sách thuyền viên và hành khách;

b) Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch chuyến đi đã lập; thường xuyên kiểm tra chế độ trực ca buồng lái, bảo đảm tàu đi theo tuyến đường đã lập trong kế hoạch chuyến đi và ban hành các mệnh lệnh cho sỹ quan trực ca khi cần thiết;

c) Ngoài thuyền trưởng không ai có quyền thay đổi hướng đi đã định. Trường hợp có nguy cơ va chạm hoặc để tránh tình huống nguy hiểm bất ngờ hay có người rơi xuống nước thì sỹ quan trực ca boong có quyền thay đổi hướng đi của tàu nhưng sau đó phải báo ngay cho thuyền trưởng;

d) Khẩn trương có mặt ở buồng lái khi sỹ quan trực ca boong đề nghị và có mặt thường xuyên ở buồng lái khi tàu hành trình trong luồng hẹp, eo biển, kênh đào, gần bờ, khi ra vào cảng, trong các khu vực nguy hiểm, khi thời tiết xấu, tầm nhìn xa bị hạn chế hoặc qua những khu vực có mật độ phương tiện thủy cao. Trong các trường hợp nói trên, thuyền trưởng phải áp dụng các biện pháp thích hợp, chuẩn bị neo ở vị trí sẵn sàng thả neo và phải thông báo cho buồng máy biết để sẵn sàng thực hiện điều động khi cần thiết;

đ) Khi gặp các tảng băng trôi, các chướng ngại vật và các nguy hiểm trực tiếp khác đối với tàu hoặc khi gặp bão nhiệt đới, gặp nhiệt độ không khí xuống dưới 0oC cùng với gió mạnh gây ra đóng băng trên thượng tầng kiến trúc của tàu hay khi gặp gió cấp 9 hoặc trên cấp 9 mà chưa nhận được tin báo bão thì thuyền trưởng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để xử lý tình huống một cách thích hợp nhằm đảm bảo an toàn cho người, tàu và hàng hoá trên tàu; đồng thời, thông báo ngay những diễn biến nói trên với các tàu thuyền xung quanh, chủ tàu và cơ quan có thẩm quyền đầu tiên mà tàu có thể liên lạc được;

e) Trường hợp tàu đi vào vùng có băng do tàu phá băng dẫn đường, thuyền trưởng phải chấp hành sự hướng dẫn của thuyền trưởng tàu phá băng và kịp thời có các khuyến nghị với tàu phá băng để bảo đảm an toàn hành trình cho tàu của mình;

g) Hàng ngày phải kiểm tra và ký xác nhận nội dung các loại nhật ký theo quy định;

h) Thường xuyên duy trì công tác bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

4. Nhiệm vụ của thuyền trưởng khi có hoa tiêu dẫn tàu:

a) Khi tàu hành trình ở vùng hoa tiêu bắt buộc thì phải sử dụng hoa tiêu dẫn tàu theo quy định. Tại những vùng hoa tiêu không bắt buộc, nếu thấy cần thiết thì thuyền trưởng vẫn có quyền sử dụng hoa tiêu để bảo đảm an toàn;

b) Bảo đảm an toàn trong việc đón trả hoa tiêu lên tàu và rời tàu, bố trí nơi nghỉ, ăn uống cho hoa tiêu và tạo điều kiện thuận lợi cho hoa tiêu thực hiện nhiệm vụ;

c) Trước khi hoa tiêu thực hiện nhiệm vụ, thuyền trưởng thông báo cho hoa tiêu biết về tính năng điều động, tình trạng máy móc, thiết bị của tàu và những thông tin cần thiết khác nhằm tạo điều kiện cho hoa tiêu có thể chủ động xử lý khi dẫn tàu;

d) Phải có mặt ở buồng lái để kịp thời xử lý các tình huống, tăng cường cảnh giới và chuẩn bị neo ở vị trí sẵn sàng thả neo. Trường hợp cần thiết phải vắng mặt ở buồng lái, thuyền trưởng phải giới thiệu cho hoa tiêu biết sỹ quan được mình uỷ quyền thay thế;

đ) Việc sử dụng hoa tiêu dẫn tàu không miễn giảm nghĩa vụ điều khiển của thuyền trưởng. Thuyền trưởng phải có biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời, chính xác mọi tình huống có thể xảy ra nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tàu;

e) Trường hợp hoa tiêu xử lý tình huống thiếu chính xác hoặc không hợp lý, thuyền trưởng phải kịp thời đình chỉ hành động đó của hoa tiêu và yêu cầu hoa tiêu phải có hành động phù hợp để bảo đảm an toàn hành trình của tàu. Trường hợp cần thiết, thuyền trưởng có quyền yêu cầu thay thế hoa tiêu.

5. Nhiệm vụ của thuyền trưởng khi có người rơi xuống nước:

Trường hợp có người rơi xuống nước, thuyền trưởng phải kịp thời áp dụng các biện pháp có hiệu quả để tìm cứu người bị nạn, đồng thời thông báo cho chủ tàu hoặc người quản lý tàu, người khai thác tàu, Đài thông tin duyên hải, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Cảng vụ hàng hải, các cơ quan chức năng liên quan nơi gần nhất, thông báo cho các tàu thuyền khác đang hành trình gần khu vực đó tìm kiếm và cứu nạn; chỉ được phép cho tàu rời khỏi khu vực có người rơi xuống nước khi đã cố gắng tìm kiếm nhưng xét thấy không còn hy vọng trừ trường hợp gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tàu biển và những người khác trên tàu. Thời gian và các biện pháp đã tiến hành tìm cứu phải được ghi vào nhật ký hàng hải.

6. Nhiệm vụ của thuyền trưởng trong tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ:

a) Khi nhận được tín hiệu cấp cứu hoặc khi phát hiện có tàu bị nạn, thuyền trưởng có nhiệm vụ nhanh chóng điều động tàu đến cứu nạn, nếu việc cứu nạn không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tàu và thuyền viên của mình. Thời gian, vị trí tàu bị nạn và lý do đến hoặc không đến cứu nạn phải được ghi vào nhật ký hàng hải;

b) Khi cứu hộ tàu bị nạn, thuyền trưởng phải áp dụng mọi biện pháp an toàn và có hiệu quả để cứu người. Việc cứu tàu, hàng hoá và tài sản khác chỉ được tiến hành khi có sự thoả thuận của thuyền trưởng tàu bị nạn theo hợp đồng cứu hộ. Trường hợp vì lý do nào đó mà thuyền trưởng tàu bị nạn không thể ký hợp đồng cứu hộ thì ít nhất phải có sự thoả thuận bằng lời hay bằng vô tuyến điện hoặc bằng tín hiệu trông thấy được của thuyền trưởng tàu bị nạn. Các hình thức thoả thuận này phải được ghi vào nhật ký hàng hải;

c) Khi gặp tàu không có người, nếu điều kiện cho phép thì thuyền trưởng phải tổ chức kéo tàu đó vào cảng gần nhất và thông báo chính quyền cảng hoặc Cảng vụ hàng hải, chủ tàu hoặc người quản lý tàu, người khai thác tàu và cơ quan đại diện ngoại giao có thẩm quyền của Việt Nam ở nước đó biết. Trường hợp không thể lai dắt được thì ghi vào nhật ký hàng hải vị trí của tàu đó, nguyên nhân không thực hiện được việc lai dắt và phải thông báo cho chính quyền cảng hoặc Cảng vụ hàng hải gần nhất.

7. Nhiệm vụ của thuyền trưởng khi tàu gặp nạn, đâm va:

a) Trường hợp xảy ra đâm va với tàu khác, thuyền trưởng phải yêu cầu thuyền trưởng tàu đó thông báo cho mình biết tên, số hiệu, số IMO, cảng đăng ký, cảng xuất phát, cảng ghé, cảng đến của tàu và tên chủ tàu. Đồng thời, thông báo cho tàu đó biết những thông tin nói trên của tàu mình và báo cho chủ tàu, người khai thác tàu, cảng vụ hàng hải nơi gần nhất. Nếu xét thấy tàu mình có khả năng và điều kiện cho phép thì phải có trách nhiệm cứu tàu bị nạn, trước hết là cứu người;

b) Sau khi xảy ra tai nạn, đâm va, thuyền trưởng phải kịp thời lập biên bản về diễn biến xảy ra sự cố, nêu rõ sự thiệt hại của mỗi bên có xác nhận của thuyền trưởng tàu đó và các bên hữu quan. Đồng thời, tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ tai nạn theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp tàu mình gặp nạn mà không còn khả năng cứu được và bắt buộc phải bỏ tàu, thuyền trưởng phải áp dụng mọi biện pháp để cứu người và tổ chức mang theo nhật ký hàng hải, nhật ký máy, nhật ký thông tin vô tuyến, hải đồ khu vực bị nạn, tiền và các hồ sơ, tài liệu cần thiết khác của tàu;

d) Nếu tàu mình bị tai nạn mà cần thiết có sự cứu trợ thì thuyền trưởng phải dùng mọi biện pháp yêu cầu tàu khác cứu giúp, nhưng trước hết phải yêu cầu sự cứu trợ của các tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam;

đ) Nếu được tàu khác cứu giúp, thuyền trưởng có nhiệm vụ chỉ huy thuyền viên, hành khách của tàu mình thực hiện nghiêm chỉnh quy định của tàu đó;

e) Thuyền trưởng phải thực hiện báo cáo đầy đủ về các sự cố hàng hải xảy ra với tàu mình theo quy định.

8. Nhiệm vụ của thuyền trưởng khi bỏ tàu:

a) Khi bỏ tàu, thuyền trưởng phải tổ chức đưa người xuống xuồng cứu sinh theo thứ tự ưu tiên: trẻ em, phụ nữ có thai, người ốm, người già, phụ nữ và người khuyết tật;

b) Khi bỏ tàu, thuyền trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức tìm kiếm và cứu hành khách (nếu có), thuyền viên đang bị mất tích và áp dụng các biện pháp cần thiết để đưa những người còn lại đến nơi an toàn và về nước, nếu tàu bị tai nạn ở nước ngoài;

c) Thuyền trưởng phải là người rời tàu cuối cùng.

9. Nhiệm vụ của thuyền trưởng khi có bệnh nhân trên tàu:

a) Trường hợp trên tàu có bệnh nhân nhưng không có đủ khả năng cứu chữa người lâm bệnh, thuyền trưởng có trách nhiệm tìm mọi biện pháp để nhận được sự giúp đỡ về y tế, kể cả phải đưa tàu vào cảng gần nhất và phải báo ngay cho chính quyền cảng và chủ tàu hoặc người quản lý, người khai thác tàu;

b) Trường hợp thuyền trưởng lâm bệnh nặng hoặc bị tai nạn bất ngờ thì tạm thời trao lại quyền chỉ huy tàu cho đại phó và báo cáo chủ tàu, người khai thác tàu biết để có biện pháp giải quyết kịp thời; đồng thời, báo cáo cho cơ quan đại diện ngoại giao có thẩm quyền của Việt Nam tại nước đó biết nếu tàu ở nước ngoài và phải ghi vào nhật ký hàng hải.

10. Nhiệm vụ của thuyền trưởng khi tàu vào, rời cảng, neo đậu:

a) Khi tàu hoạt động trong lãnh hải hoặc neo đậu ở cảng và các khu vực neo đậu tại Việt Nam hoặc nước ngoài, thuyền trưởng phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và pháp luật của nước đó;

b) Trước và trong khi làm thủ tục tàu đến, trong và sau khi làm thủ tục tàu rời cảng, không được cho thuyền viên của tàu giao tiếp với người khác, trừ các trường hợp thật cần thiết;

c) Trường hợp xảy ra tranh chấp có liên quan đến tàu hoặc thuyền viên bị bắt giữ, thuyền trưởng phải kịp thời lập kháng nghị hàng hải và phải báo cáo ngay cho cơ quan đại diện ngoại giao có thẩm quyền của Việt Nam ở nước đó và chủ tàu hoặc người quản lý tàu, người khai thác biết để có biện pháp can thiệp;

d) Khi tàu đậu trong cảng, thuyền trưởng phải tổ chức áp dụng các biện pháp phòng cháy, chữa cháy nhằm đảm bảo an toàn cho người, tàu và hàng hoá;

đ) Khi tàu hành trình ở những khu vực chưa quen biết hoặc tầm nhìn xa bị hạn chế hay gần khu vực có nhiều vật chướng ngại thuyền trưởng có quyền yêu cầu các sỹ quan khác phải có mặt ở vị trí để thực hiện nhiệm vụ;

e) Phải có mặt ở buồng lái khi điều động tàu thuyền ra, vào cảng hoặc cập, rời cầu cảng, khu neo đậu. Khi tàu neo đậu ở các khu vực mà các điều kiện an toàn hàng hải không đảm bảo, thuyền trưởng phải thường xuyên có mặt ở tàu. Nếu phải vắng mặt trên tàu thì yêu cầu đại phó ở lại tàu để thay mặt mình xử lý kịp thời những tình huống có thể xảy ra;

g) Trước khi thuyền trưởng vắng mặt trên tàu phải có chỉ thị cụ thể công việc cho đại phó hay sỹ quan trực ca boong ở lại tàu; đối với những việc quan trọng phải được ghi rõ trong nhật ký hàng hải và thông báo cho sỹ quan trực ca boong biết địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của mình trong thời gian vắng mặt trên tàu;

h) Hàng ngày phải kiểm tra và ký xác nhận nội dung các loại nhật ký theo quy định;

i) Kết thúc mỗi chuyến đi, thuyền trưởng phải lập báo cáo gửi chủ tàu, hoặc người quản lý tàu, người khai thác tàu về tình hình chuyến đi và kết quả việc thực hiện kế hoạch khai thác tàu.

11. Nhiệm vụ của thuyền trưởng khi tàu chở khách:

Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách, thuyền viên, hàng hoá, hành lý và tài sản trên tàu; tổ chức huấn luyện cứu sinh, cứu hoả, cứu thủng tàu cho thuyền viên và tổ chức hướng dẫn cho hành khách làm quen, sử dụng phương tiện cứu sinh, cứu hoả và các thiết bị an toàn khác.

12. Nhiệm vụ của thuyền trưởng khi nhận tàu đóng mới:

Khi nhận tàu đóng mới, thuyền trưởng có nhiệm vụ tổ chức nhận bàn giao cụ thể về vỏ tàu, máy móc, toàn bộ trang thiết bị kỹ thuật, các hồ sơ kỹ thuật, tài sản, dụng cụ sinh hoạt. Việc nhận và bàn giao tàu phải được lập biên bản có ký xác nhận của bên giao và thuyền trưởng bên nhận. Tổ chức cho thuyền viên làm quen với tàu để nhanh chóng đưa tàu vào khai thác an toàn.

13. Nhiệm vụ của thuyền trưởng khi sửa chữa tàu:

a) Duyệt các hạng mục sửa chữa do đại phó, máy trưởng lập và báo cáo chủ tàu quyết định;

b) Báo cáo xin ý kiến chủ tàu về mọi sửa đổi, bổ sung với các hạng mục sửa chữa nếu thấy cần thiết và chỉ sửa đổi, bổ sung hạng mục sửa chữa khi được sự đồng ý của chủ tàu;

c) Trong thời gian tàu ở nơi sửa chữa thuyền trưởng phải áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho tàu và thực hiện đúng nội quy của nơi sửa chữa; cùng với đại phó, máy trưởng và các bên liên quan tiến hành kiểm tra vỏ tàu, hệ thống van thông biển, chân vịt, bánh lái và lập biên bản xác nhận hiện trạng của chúng. Công việc này cũng phải được thực hiện lại trước khi tàu rời nơi sửa chữa và có xác nhận của cơ quan đăng kiểm;

d) Tổ chức kiểm tra, giám sát về tiến độ, chất lượng sửa chữa, bảo đảm an toàn lao động và tổ chức cho thuyền viên thực hiện tốt các công việc tự sửa chữa, tự bảo quản trong thời gian tàu sửa chữa;

đ) Khi hoàn thành việc sửa chữa tàu, tổ chức nghiệm thu từng phần về các hạng mục sửa chữa, bảo đảm chất lượng, tránh gây thiệt hại cho chủ tàu.

14. Nhiệm vụ trực ca của thuyền trưởng:

a) Nếu trên tàu không bố trí chức danh phó ba thì thuyền trưởng phải đảm nhiệm ca trực của phó ba;

b) Nếu trên tàu không bố trí chức danh phó hai và phó ba thì nhiệm vụ của chức danh đó do thuyền trưởng và đại phó đảm nhiệm theo sự phân công của thuyền trưởng.

Điều 8. Nhiệm vụ của đại phó

Đại phó là người kế cận thuyền trưởng, chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền trưởng. Đại phó có nhiệm vụ sau đây:

1. Trực tiếp tổ chức quản lý, khai thác tàu, phục vụ đời sống, sinh hoạt, trật tự kỷ luật trên tàu; quản lý và điều hành trực tiếp bộ phận boong, bộ phận phục vụ và y tế trên tàu, giúp thuyền trưởng chỉ đạo công việc của các sỹ quan boong khi tàu không hành trình. Trường hợp thuyền trưởng vắng mặt, đại phó thay mặt thuyền trưởng phụ trách các công việc chung của tàu; thừa lệnh của thuyền trưởng, ban hành các mệnh lệnh liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của thuyền viên theo quy định của Thông tư này;

2. Trực ca từ 04 giờ đến 08 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ trong ngày. Khi điều động tàu ra, vào cảng hoặc hành trình trên luồng hẹp, đến các khu vực neo đậu đại phó phải có mặt ở phía mũi tàu để chỉ huy việc thực hiện lệnh của thuyền trưởng;

3. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy trình, quy phạm về an toàn kỹ thuật và an toàn lao động thuộc bộ phận mình phụ trách;

4. Tổ chức khai thác và bảo quản vỏ tàu, boong tàu, cần cẩu, thượng tầng và buồng ở, phòng làm việc, kho tàng, hệ thống máy móc, thiết bị trên boong tàu như hệ thống hầm hàng, neo, bánh lái, tời, cần cẩu, dây buộc tàu, hệ thống phòng chống cháy, hệ thống đo nước, thông gió, dụng cụ chống thủng và các phương tiện cứu sinh theo đúng quy trình, quy phạm vận hành kỹ thuật; kịp thời báo cáo thuyền trưởng biết những hư hỏng, mất mát và đề xuất các biện pháp khắc phục; nếu thiết bị có liên quan đến bộ phận máy thì thông báo cho máy trưởng để có biện pháp khắc phục;

5. Theo dõi ngày công, bố trí nghỉ bù cho thuyền viên bộ phận boong; sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở, thời gian làm việc, học tập, nghỉ ngơi và giải trí cho thuyền viên;

6. Cùng máy trưởng lập và trình thuyền trưởng bảng phân công nhiệm vụ cho thuyền viên của tàu phải thực hiện khi có lệnh báo động về cứu hoả, cứu sinh, cứu thủng tàu và bỏ tàu; ít nhất mỗi tháng một lần tổ chức tập luyện cho thuyền viên về cứu hoả, cứu sinh, cứu thủng tàu; trực tiếp chỉ huy mọi hoạt động của thuyền viên để cứu tàu khi có lệnh báo động; tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ và kiểm tra số lượng thuyền viên, hành khách xuống xuồng cứu sinh khi có lệnh bỏ tàu và bằng mọi cách giúp thuyền trưởng bảo vệ nhật ký hàng hải, nhật ký vô tuyến điện, hải đồ, tiền mặt và các giấy tờ cần thiết khác; định kỳ tổ chức kiểm tra phương tiện cứu sinh, cứu hoả, cứu thủng tàu và báo cáo thuyền trưởng biết để kịp thời có biện pháp khắc phục; định kỳ tiến hành kiểm tra vỏ tàu và các trang thiết bị trên boong;

7. Lập sổ theo dõi việc sửa chữa các phương tiện, thiết bị thuộc bộ phận boong và kiểm tra kết quả việc sửa chữa đó; lập kế hoạch cung cấp vật tư, thiết bị kỹ thuật, nước ngọt, thực phẩm, lương thực và tổ chức quản lý, sử dụng các vật tư thiết bị đó khi được cấp;

8. Kiểm tra nước la canh, két nước dằn, két nước ngọt. Khi cần thiết lệnh cho sỹ quan trực ca máy bơm nước điều chỉnh để bảo đảm cho tàu luôn ở trạng thái cân bằng; kiểm tra dây buộc tàu, khu vực gần chân vịt trước khi thông báo bộ phận máy tiến hành chạy thử máy;

9. Trường hợp thuyền trưởng vắng mặt, nếu xảy ra tình huống cấp bách không bảo đảm an toàn cho tàu hoặc khi có lệnh của Giám đốc cảng vụ hàng hải hay chủ tàu thì đại phó có trách nhiệm yêu cầu hoa tiêu đến để điều động tàu đảm bảo an toàn;

10. Đôn đốc việc giữ gìn vệ sinh trên tàu, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho thuyền viên;

11. Trước khi tàu rời cảng, phải kiểm tra và báo cáo cho thuyền trưởng các việc có liên quan đến chuyến đi như đóng kín hầm hàng, cửa kín nước, việc chằng buộc trang thiết bị và hàng hoá trên boong, số thuyền viên có mặt, tình trạng người trốn theo tàu; kiểm tra hệ thống lái, thiết bị neo, thiết bị phát tín hiệu bằng âm thanh, ánh sáng, đèn hành trình, tay chuông và các thiết bị thông tin liên lạc nội bộ của tàu. Ít nhất 02 giờ trước khi tàu rời cảng, đại phó phải báo cáo cụ thể cho thuyền trưởng về công việc chuẩn bị của chuyến đi;

12. Tổ chức giao nhận hàng hóa, bưu kiện, bưu phẩm và chuẩn bị các giấy tờ về hàng hóa trình thuyền trưởng; hàng ngày phải báo cáo thuyền trưởng biết về tình hình làm hàng và số lượng hàng hoá xếp dỡ được; trước khi xếp hàng hóa, có nhiệm vụ lập sơ đồ xếp dỡ hàng hoá theo yêu cầu của thuyền trưởng nhằm tận dụng dung tích và trọng tải của tàu, bảo đảm đúng quy định về xếp dỡ, vận chuyển hàng hoá trên tàu; đặc biệt, chú ý đối với việc xếp dỡ nhiều loại hàng trong một chuyến, hàng trả ở nhiều cảng, hàng nguy hiểm, hàng rời, hàng chở trên boong và hàng khác. Sơ đồ xếp dỡ hàng phải được thuyền trưởng phê duyệt trước khi xếp hàng lên tàu, dỡ hàng khỏi tàu;

13. Trong thời gian làm hàng phải thường xuyên có mặt ở tàu để theo dõi tiến độ xếp dỡ hàng hoá; tránh mất mát, hư hỏng, hao hụt nhằm bảo đảm đúng số lượng và chất lượng hàng hoá khi giao nhận; trường hợp cần vắng mặt thì báo cáo thuyền trưởng biết và giao việc theo dõi làm hàng cho sỹ quan trực ca boong nhưng phải ghi rõ những yêu cầu và sự chú ý cần thiết;

14. Khi xếp hàng phải kiểm tra việc chèn lót, ngăn cách, thông gió; thực hiện đúng quy trình, quy phạm vận chuyển hàng hoá, nhất là đối với các loại hàng nguy hiểm, hàng rời, hàng chở trên boong; bảo đảm an toàn lao động và an toàn máy móc, thiết bị cho công nhân làm hàng trên tàu;

15. Theo dõi việc đóng, mở hầm hàng theo đúng quy trình kỹ thuật; trực tiếp chứng kiến việc niêm phong hầm hàng và kiểm tra các mối cặp chì theo yêu cầu của hợp đồng vận chuyển;

16. Khi xảy ra các trường hợp có ảnh hưởng đến hàng hoá phải áp dụng mọi biện pháp để cứu hàng hoá và kịp thời báo cáo thuyền trưởng; thường xuyên kiểm tra việc chằng buộc hàng hoá, nắp hầm hàng; áp dụng mọi biện pháp thích hợp bảo đảm an toàn cho hàng hoá khi tàu hành trình trong điều kiện thời tiết xấu; kiểm tra kỹ hầm hàng trước khi tiếp nhận hàng hoá xuống tàu và phải áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm bảo đảm an toàn cho tàu, hàng hoá chở trên tàu;

17. Bảo đảm xếp dỡ và vận chuyển hàng hoá nguy hiểm, hàng rời, hàng chở trên boong, hàng cồng kềnh, hàng siêu trường, hàng siêu trọng và các loại hàng hoá đặc biệt khác theo đúng quy định;

18. Tổ chức việc tiếp nhận và phục vụ hành khách đối với tàu chở khách nhưng không bố trí chức danh thuyền phó hành khách;

19. Xây dựng, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng boong;

20. Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho thực tập đại phó và huấn luyện, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa cho thuyền viên mới xuống tàu;

21. Thực hiện các nhiệm vụ khác do thuyền trưởng phân công.

Điều 9. Nhiệm vụ của máy trưởng

Máy trưởng chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền trưởng. Máy trưởng có nhiệm vụ sau đây:

1. Tổ chức quản lý, điều hành lao động và thực hiện chế độ làm việc, trực ca, nghỉ ngơi cho thuyền viên thuộc bộ phận máy và điện;

2. Tổ chức quản lý khai thác an toàn, đạt hiệu quả kinh tế đối với tất cả các máy móc, thiết bị như máy chính, nồi hơi, máy làm lạnh, máy phụ, máy móc điện, thiết bị điện, các hệ thống và thiết bị động lực khác theo quy trình, quy phạm hiện hành; bảo đảm an toàn kỹ thuật trong việc sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc và các hệ thống, thiết bị do các bộ phận khác quản lý như máy neo, phần cơ của máy lái, máy cẩu làm hàng, hệ thống tời, hệ thống đường ống, hệ thống thông gió, hệ thống khác và hướng dẫn thuyền viên của các bộ phận này thực hiện vận hành đúng quy trình, quy phạm hiện hành;

3. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy trình, quy phạm về an toàn kỹ thuật và an toàn lao động thuộc bộ phận mình phụ trách;

4. Thường xuyên giám sát, theo dõi việc thực hiện nội quy phòng chống cháy nổ ở buồng máy, trạm phát điện, xưởng, kho tàng, phòng làm việc, buồng ở và các khu vực khác do bộ phận máy và điện quản lý;

5. Khi có lệnh báo động, phải chỉ đạo thuyền viên bộ phận máy và điện thực hiện đúng nhiệm vụ theo quy định. Trường hợp bỏ tàu, phải mang theo và bảo vệ nhật ký máy cùng các tài liệu liên quan;

6. Hàng ngày kiểm tra việc ghi chép và ký xác nhận nhật ký máy, nhật ký dầu và các sổ theo dõi hoạt động của máy móc, thiết bị của tàu do bộ phận máy và điện quản lý;

7. Tổ chức cho thuyền viên bộ phận máy và điện kịp thời khắc phục sự cố và hư hỏng của máy móc, thiết bị; duy trì đúng chế độ bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên, đột xuất và định kỳ đối với máy móc, thiết bị; đề xuất kế hoạch sửa chữa định kỳ các máy móc, thiết bị thuộc bộ phận mình phụ trách và tiến hành kiểm tra kết quả sửa chữa; duyệt dự toán cung cấp vật tư kỹ thuật, nhiên liệu do các sỹ quan máy và điện đề xuất; đồng thời, theo dõi việc sử dụng, bảo quản vật tư kỹ thuật, nhiên liệu đã được cấp phát;

8. Trực tiếp điều khiển máy tàu khi điều động tàu ra, vào cảng, qua eo biển, luồng hẹp, khu vực nguy hiểm, tầm nhìn xa bị hạn chế hoặc khi cần thiết theo lệnh của thuyền trưởng và chỉ khi được phép của thuyền trưởng thì máy trưởng mới rời khỏi buồng máy hoặc buồng điều khiển (nếu có) và giao cho máy hai thay thế mình trực tiếp điều khiển máy;

9. Thực hiện một cách kịp thời, chính xác mệnh lệnh điều động tàu của thuyền trưởng; nếu vì lý do nào đó không thực hiện được hoặc thực hiện chậm trễ thì máy trưởng phải kịp thời báo cáo thuyền trưởng biết để xử lý. Trường hợp đặc biệt, nếu thực hiện mệnh lệnh của thuyền trưởng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của thuyền viên hay làm tổn hại đến máy móc, thiết bị thì phải báo cáo ngay thuyền trưởng biết và chỉ chấp hành mệnh lệnh của thuyền trưởng khi thuyền trưởng quyết định tiếp tục thi hành lệnh nói trên. Lệnh của thuyền trưởng và việc thi hành lệnh này phải được ghi vào nhật ký hàng hải và nhật ký máy;

10. Kiểm tra việc chuẩn bị cho chuyến đi của bộ phận máy, điện và ít nhất 02 giờ trước khi tàu rời cảng báo cáo thuyền trưởng biết công việc chuẩn bị của bộ phận mình;

11. Lập báo cáo cho chủ tàu, người khai thác tàu về tình trạng máy móc, thiết bị của tàu theo đúng chế độ quy định;

12. Trong thời gian điều động tàu trong cảng, luồng hẹp hoặc hành trình trên biển, máy trưởng muốn thay đổi chế độ hoạt động của máy, các thiết bị kỹ thuật khác hay điều chỉnh nhiên liệu, nước ngọt, nước dằn thì phải được sự đồng ý của thuyền trưởng;

13. Dự tính trước những khó khăn, hư hỏng có thể xảy ra đối với máy móc, thiết bị và chuẩn bị các biện pháp thích hợp nhằm khắc phục một cách hiệu quả khi xảy ra sự cố; đồng thời, báo cáo thuyền trưởng biết để chủ động xử lý khi cần thiết;

14. Trường hợp có sự cố xảy ra đối với máy móc, thiết bị thì máy trưởng hành động theo trách nhiệm và kinh nghiệm của mình để xử lý sự cố đó và kịp thời báo cáo thuyền trưởng biết những biện pháp đã thực hiện và hướng xử lý tiếp theo;

15. Trường hợp thuyền viên thuộc bộ phận máy và điện có hành động làm hư hỏng máy móc, thiết bị, máy trưởng có quyền đình chỉ công việc của thuyền viên đó và kịp thời báo cáo thuyền trưởng biết;

16. Khi tàu neo đậu ở cảng, nếu được thuyền trưởng chấp thuận, máy trưởng có thể vắng mặt trên tàu nhưng phải giao nhiệm vụ cho máy hai và báo rõ địa chỉ liên lạc, số điện thoại (nếu có) của mình;

17. Khi đến nhận nhiệm vụ trên tàu, máy trưởng phải tiếp nhận và tổ chức quản lý toàn bộ máy móc, thiết bị, nhiên liệu, dầu mỡ, dụng cụ đồ nghề, tài sản, vật tư kỹ thuật và các hồ sơ tài liệu thuộc bộ phận máy và điện; số lượng và khả năng nghiệp vụ chuyên môn của thuyền viên bộ phận máy và điện. Biên bản tiếp nhận và bàn giao được lập thành 04 bản có chữ ký xác nhận của thuyền trưởng: 01 bản giao cho chủ tàu, 01 bản cho thuyền trưởng, bên giao và bên nhận mỗi bên 01 bản;

18. Khi nhận tàu đóng mới, tàu mới mua hay tàu sửa chữa, máy trưởng tổ chức nghiệm thu, tiếp nhận phần máy và điện;

19. Xây dựng, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng máy;

20. Máy trưởng thực hiện nhiệm vụ trực ca trong các trường hợp sau:

a) Nếu trên tàu không bố trí chức danh máy hai thì nhiệm vụ trực ca do máy trưởng thực hiện;

b) Nếu trên tàu không bố trí chức danh máy ba thì nhiệm vụ của chức danh đó do máy trưởng và máy hai đảm nhiệm theo sự phân công của máy trưởng;

c) Nếu trên tàu không bố trí chức danh máy tư thì máy trưởng phải đảm nhiệm ca trực của máy tư;

21. Thực hiện các nhiệm vụ khác do thuyền trưởng phân công.

Điều 10. Nhiệm vụ của máy hai

Máy hai là người kế cận máy trưởng, chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của máy trưởng. Máy hai có nhiệm vụ sau đây:

1. Trực tiếp quản lý và khai thác máy chính, máy móc thiết bị khác hoạt động theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình, quy phạm; định kỳ tiến hành bảo quản và sửa chữa những hư hỏng đột xuất các máy móc, thiết bị do mình phụ trách;

2. Bảo đảm tình trạng kỹ thuật và hoạt động bình thường của máy chính, hệ thống trục chân vịt, máy sự cố, thiết bị chưng cất nước ngọt, phần cơ của máy lái, máy lai các máy và thiết bị phòng chống cháy ở buồng máy và các bình nén gió phục vụ khởi động máy; máy móc thiết bị trên boong như máy tời, neo; thiết bị làm hàng, máy phân ly dầu nước, thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt, hệ thống xử lý nước ballast; các thiết bị tự động hoá, các dụng cụ và thiết bị dùng để kiểm tra, đo, thử cũng như các thiết bị kỹ thuật khác phục vụ cho các máy móc, thiết bị do mình phụ trách;

3. Lập kế hoạch làm việc của bộ phận máy; phân công ca trực, ca bảo quản và chấm công, sắp xếp nghỉ phép, nghỉ bù cho thuyền viên bộ phận máy và điện;

4. Có mặt khi khởi động máy chính, đóng truyền động chân vịt và các máy móc quan trọng khác;

5. Lập và trình máy trưởng kế hoạch sửa chữa, bảo quản, dự trù vật tư, phụ tùng thay thế cho máy chính và cho các máy móc, thiết bị do mình quản lý và tổ chức triển khai việc sửa chữa theo kế hoạch đã phê duyệt;

6. Tiếp nhận, bảo quản, phân phối, điều chỉnh, tính toán dầu bôi trơn;

7. Theo dõi, ghi chép các thông số kỹ thuật, các hạng mục đã được sửa chữa, bảo dưỡng; quản lý các loại hồ sơ, tài liệu kỹ thuật và nhật ký máy các loại;

8. Trực tiếp tổ chức học tập và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho thuyền viên bộ phận máy và điện;

9. Ít nhất 03 giờ trước khi tàu rời cảng phải báo cáo máy trưởng việc chuẩn bị của mình cho chuyến đi;

10. Hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn cho thực tập máy hai;

11. Khi cần thiết và được sự chấp thuận của thuyền trưởng, máy hai có thể thay thế máy trưởng;

12. Nhiệm vụ trực ca của máy hai từ 04 giờ đến 08 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ trong ngày;

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do máy trưởng phân công.

Điều 11. Nhiệm vụ của phó hai

Phó hai chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền trưởng khi tàu hành trình và của đại phó khi tàu không hành trình. Phó hai có nhiệm vụ sau đây:

1. Trực tiếp phụ trách và tổ chức bảo quản, bảo dưỡng các máy móc, thiết bị hàng hải, hải đồ và các tài liệu về hàng hải, dụng cụ trên tàu;

2. Quản lý buồng lái, buồng hải đồ, nhật ký hàng hải; bảo quản và tu chỉnh hải đồ, các tài liệu hàng hải khác theo các thông báo nhận được;

3. Lập kế hoạch tuyến đường của chuyến đi và chuẩn bị hải đồ, tài liệu về hàng hải cho chuyến đi; kiểm tra đèn hành trình, máy móc, thiết bị và dụng cụ hàng hải thuộc phạm vi mình phụ trách;

4. Bảo quản và duy trì sự hoạt động của đồng hồ tàu, thời kế, lấy nhật sai thời kế hàng ngày và ghi nhật ký thời kế;

5. Bảo quản, kiểm tra sai số và chỉnh lý các dụng cụ, thiết bị hàng hải trên tàu; quản lý các linh kiện, phụ tùng dự trữ thay thế của máy móc, thiết bị hàng hải; trực tiếp khởi động và tắt la bàn con quay theo lệnh của thuyền trưởng;

6. Lập kế hoạch dự trù phụ tùng thay thế, các hạng mục sửa chữa định kỳ và đột xuất; bảo đảm cho các máy móc hàng hải luôn ở trạng thái hoạt động bình thường, có độ chính xác cao, đồng thời quản lý và sử dụng hợp lý vật tư, trang thiết bị được cấp;

7. Giúp đại phó theo dõi việc giao nhận và xếp dỡ hàng hoá theo đúng sơ đồ đã được thuyền trưởng duyệt;

8. Khi điều động tàu ra, vào cảng phải có mặt ở phía lái tàu hoặc vị trí do thuyền trưởng chỉ định để chỉ huy thực hiện lệnh của thuyền trưởng; trường hợp cần thiết, theo sự phân công của thuyền trưởng, đảm nhiệm một số nhiệm vụ của đại phó;

9. Ít nhất 03 giờ trước khi tàu rời cảng, phải báo cáo đại phó về các công việc chuẩn bị của mình cho chuyến đi;

10. Đảm nhiệm các công việc của phó ba nếu trên tàu không bố trí chức danh phó ba, trừ nhiệm vụ trực ca do thuyền trưởng đảm nhiệm;

11. Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho thực tập phó hai;

12. Đảm nhiệm ca trực từ 00 giờ đến 04 giờ và từ 12 giờ đến 16 giờ trong ngày;

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do thuyền trưởng phân công.

Điều 12. Nhiệm vụ của phó ba

Phó ba chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền trưởng khi tàu hành trình và của đại phó khi tàu không hành trình. Phó ba có nhiệm vụ sau đây:

1. Trực tiếp phụ trách và tổ chức bảo quản, bảo dưỡng các phương tiện, thiết bị cứu sinh, cứu hỏa như xuồng cứu sinh, phao tự thổi, phao tròn, áo phao cá nhân, bình chữa cháy, vòi chữa cháy và phải đảm bảo các dụng cụ, thiết bị này luôn ở trạng thái sẵn sàng sử dụng an toàn, thuận lợi khi có tình huống khẩn cấp xẩy ra;

2. Thường xuyên kiểm tra các trang thiết bị trên xuồng cứu sinh, lập kế hoạch và định kỳ tiến hành thay thế, bổ sung các dụng cụ, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, thuốc cấp cứu sau khi đã được thuyền trưởng phê duyệt;

3. Trực tiếp phụ trách công tác hành chính và quản trị trên tàu nếu trên tàu không bố trí chức danh quản trị;

4. Giúp thuyền trưởng chuẩn bị các giấy tờ để làm thủ tục cho tàu vào, rời cảng;

5. Giúp đại phó trong việc kiểm tra, bảo quản các dụng cụ, thiết bị cứu thủng tàu;

6. Giúp phó hai trong việc bảo quản, chỉnh lý các dụng cụ, thiết bị hàng hải, tu chỉnh hải đồ và các tài liệu hướng dẫn hàng hải khác;

7. Chậm nhất 03 giờ trước khi tàu rời cảng, phải báo cáo đại phó về việc chuẩn bị của mình cho chuyến đi;

8. Khi điều động tàu ra, vào cảng phải có mặt ở buồng lái để thực hiện lệnh của thuyền trưởng trong việc điều khiển tay chuông, ghi chép nhật ký điều động, xác định vị trí tàu và các nghiệp vụ hàng hải khác;

9. Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho thực tập phó ba;

10. Đảm nhiệm ca trực từ 08 giờ đến 12 giờ và từ 20 giờ đến 24 giờ trong ngày;

11. Thực hiện các nhiệm vụ khác do thuyền trưởng phân công.

Điều 13. Nhiệm vụ của máy ba

Máy ba chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của máy trưởng. Máy ba có nhiệm vụ sau đây:

1. Trực tiếp quản lý và khai thác máy lai máy phát điện, máy nén gió độc lập, máy lọc dầu đốt, máy lọc dầu nhờn, bơm dầu đốt, thiết bị hâm nóng nhiên liệu và thiết bị khác. Trên các tàu máy hơi nước, máy ba phụ trách lò, nồi hơi và các máy móc, thiết bị thuộc lò và nồi hơi; trực tiếp điều hành công việc của thợ lò, nếu trên tàu không bố trí chức danh trưởng lò;

2. Vận hành và khai thác máy chính, máy móc thiết bị khác hoạt động theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình, quy phạm;

3. Tổ chức tiếp nhận, bảo quản, phân phối, điều chỉnh, tính toán nhiên liệu cho tàu;

4. Lập và trình máy trưởng kế hoạch sửa chữa, bảo quản đối với các máy móc, thiết bị do mình quản lý và tổ chức triển khai việc sửa chữa theo kế hoạch đã được phê duyệt;

5. Lập dự trù vật tư kỹ thuật cho máy móc, thiết bị thuộc mình quản lý và tổ chức quản lý, sử dụng vật tư kỹ thuật theo đúng quy định hiện hành;

6. Theo dõi, ghi chép các thông số kỹ thuật và quản lý các hồ sơ, tài liệu của máy móc thiết bị do mình phụ trách;

7. Chậm nhất 03 giờ trước khi tàu rời cảng phải báo cáo máy trưởng biết việc chuẩn bị của mình cho chuyến đi;

8. Đảm nhiệm nhiệm vụ của máy tư nếu trên tàu không bố trí chức danh máy tư, trừ nhiệm vụ trực ca do máy trưởng đảm nhiệm;

9. Hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn cho thực tập máy ba;

10. Đảm nhiệm ca trực 00 giờ đến 04 giờ và 12 giờ đến 16 giờ trong ngày;

11. Đảm nhiệm các công việc khác do máy trưởng phân công.

Điều 14. Nhiệm vụ của máy tư

Máy tư chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của máy trưởng. Máy tư có nhiệm vụ sau đây:

1. Trực tiếp quản lý và khai thác hệ thống đường ống, hệ thống nước dằn, bơm la canh, bơm thoát nước và các thiết bị phục vụ cho các hệ thống đó; hệ thống thông gió buồng máy, hệ thống nước sinh hoạt và vệ sinh, nồi hơi phụ, máy xuồng cứu sinh, các máy bơm độc lập, hệ thống phát âm hiệu; trường hợp trên tàu không bố trí chức danh sỹ quan máy lạnh thì máy tư chịu trách nhiệm bảo đảm khai thác kỹ thuật các thiết bị làm lạnh, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống làm mát bằng không khí;

2. Khai thác máy đảm bảo tình trạng kỹ thuật, chế độ hoạt động của máy móc, thiết bị theo đúng quy trình, quy phạm hiện hành;

3. Lập và trình máy trưởng kế hoạch sửa chữa, bảo quản đối với máy móc thiết bị do mình quản lý và tổ chức triển khai việc sửa chữa theo kế hoạch đã phê duyệt;

4. Lập dự trù vật tư kỹ thuật cho các máy móc, thiết bị do mình quản lý và tổ chức quản lý, sử dụng các vật tư được cấp theo đúng quy định hiện hành;

5. Cùng với đại phó kiểm tra hầm hàng, nước dằn, các hệ thống đường ống trước và trong quá trình bốc dỡ hàng;

6. Theo dõi, ghi chép các thông số kỹ thuật và quản lý các hồ sơ tài liệu của máy móc thiết bị do mình phụ trách;

7. Ít nhất 03 giờ trước khi tàu khởi hành phải báo cáo máy trưởng về công việc chuẩn bị của mình cho chuyến đi;

8. Hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn cho thuyền viên thực tập máy tư trên tàu;

9. Đảm nhiệm ca trực từ 08 giờ đến 12 giờ và 20 giờ đến 24 giờ trong ngày;

10. Đảm nhiệm các công việc khác do máy trưởng phân công.

Điều 15. Nhiệm vụ của thuyền phó hành khách

Thuyền phó hành khách chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền trưởng. Thuyền phó hành khách có nhiệm vụ sau đây:

1. Tổ chức, quản lý bộ phận phục vụ hành khách và đảm nhiệm các công việc liên quan đến vận chuyển hành khách, hành lý trên tàu;

2. Bảo đảm buồng hành khách, câu lạc bộ, các khu vực nghỉ ngơi, giải trí, nhà bếp, các buồng để dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hành khách, buồng ở của bộ phận phục vụ hành khách luôn luôn ngăn nắp, gọn gàng, sạch, đẹp; trước khi nhận hành khách cùng với bác sỹ tiến hành kiểm tra buồng hành khách;

3. Tổ chức đón, trả, sắp xếp chỗ ở, phục vụ đời sống về vật chất và tinh thần cho hành khách; bán và kiểm soát vé đi tàu; báo cáo thuyền trưởng về số lượng vé cần bán ở cảng đến;

4. Tổ chức quản lý tài sản thuộc bộ phận mình phụ trách, lập kế hoạch bổ sung hoặc thay thế dụng cụ, trang thiết bị nhằm bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng;

5. Thường xuyên kiểm tra theo dõi trật tự, vệ sinh, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, phòng chống cháy thuộc bộ phận mình phụ trách;

6. Trước khi tàu nhận hành khách, phải kiểm tra việc đóng các cửa kín nước, chằng buộc và sắp xếp cố định các vật dụng thuộc bộ phận mình quản lý;

7. Kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc phục vụ hành khách thuộc bộ phận mình phụ trách;

8. Giám sát việc chế biến các món ăn nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đúng định lượng suất ăn cho hành khách;

9. Cùng với bác sỹ tổ chức kiểm tra định kỳ về sức khoẻ cho thuyền viên thuộc bộ phận mình phụ trách; kịp thời phát hiện và báo cáo thuyền trưởng những trường hợp thuyền viên không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ phục vụ hành khách;

10. Thu thập ý kiến của hành khách và báo cáo thuyền trưởng để có biện pháp giải quyết kịp thời;

11. Lưu giữ chìa khoá dự trữ của các buồng hành khách đúng nơi quy định;

12. Thường xuyên kiểm tra việc bảo quản kho tàng, tài sản và đồ dùng phục vụ hành khách;

13. Lập nội quy cho các bộ phận phục vụ thuộc mình quản lý và phân công nhiệm vụ cho thuyền viên phục vụ hành khách trình thuyền trưởng duyệt. Tổ chức thực hiện nội quy khi đã được thuyền trưởng phê duyệt;

14. Sau 24 giờ kể từ khi kết thúc chuyến đi, phải trình thuyền trưởng duyệt bản quyết toán thu, chi của bộ phận phục vụ hành khách và nộp báo cáo đó cho chủ tàu.

Điều 16. Nhiệm vụ của sỹ quan thông tin vô tuyến

Sỹ quan thông tin vô tuyến chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền trưởng. Sỹ quan thông tin vô tuyến có nhiệm vụ sau đây:

1. Trực tiếp quản lý và khai thác hệ thống máy móc, thiết bị thông tin vô tuyến trên tàu theo đúng quy trình, quy phạm; quản lý và điều hành công việc của nhân viên thông tin vô tuyến;

2. Bảo đảm tình trạng kỹ thuật, chế độ làm việc bình thường của hệ thống máy móc, thiết bị thông tin vô tuyến trên tàu; thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật, giấy chứng nhận của các máy móc, thiết bị thông tin vô tuyến và kịp thời báo cáo thuyền trưởng; khắc phục kịp thời những hư hỏng của máy móc, thiết bị thông tin vô tuyến và bảo đảm sự hoạt động bình thường của các máy móc, thiết bị đó;

3. Bảo đảm việc thông tin liên lạc thông suốt bằng vô tuyến của tàu theo đúng quy tắc thông tin hàng hải; duy trì đúng chế độ thu nhận bản tin dự báo về thời tiết và thông báo hàng hải;

4. Nắm vững tình trạng kỹ thuật của máy móc, thiết bị thuộc hệ thống thông tin vô tuyến trên tàu; lập và trình thuyền trưởng kế hoạch sửa chữa, bảo quản đối với các máy móc, thiết bị thông tin vô tuyến và tổ chức thực hiện kế hoạch đã phê duyệt;

5. Lập dự trù vật tư kỹ thuật cho hệ thống thông tin vô tuyến của tàu và chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng các vật tư kỹ thuật được cấp;

6. Trường hợp tàu bị nạn hoặc khi nhận được tín hiệu cấp cứu ở máy báo động tự động phải báo cáo ngay thuyền trưởng;

7. Theo dõi, ghi chép các loại nhật ký thông tin vô tuyến; phân công ca trực, lập kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi cho các nhân viên thông tin vô tuyến;

8. Khi nhận nhiệm vụ trên tàu phải tiếp nhận chi tiết về máy móc thiết bị thông tin vô tuyến, điện thoại, máy thông tin vô tuyến của xuồng cứu sinh, vật tư kỹ thuật, hồ sơ tài liệu kỹ thuật và các loại nhật ký thông tin vô tuyến, biên bản;

9. Sỹ quan thông tin vô tuyến trực ca theo chế độ hoạt động của hệ thống thông tin vô tuyến;

10. Nếu trên tàu không có định biên sỹ quan thông tin vô tuyến thì nhân viên thông tin vô tuyến đảm nhận công việc của sỹ quan thông tin vô tuyến; trường hợp không bố trí chức danh sỹ quan thông tin vô tuyến hoặc nhân viên thông tin vô tuyến thì nhiệm vụ về thông tin vô tuyến của tàu do thuyền trưởng phân công thuyền viên có chứng chỉ chuyên môn phù hợp đảm nhiệm.

Điều 17. Nhiệm vụ của sỹ quan kỹ thuật điện

Sỹ quan kỹ thuật điện chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của máy trưởng. Sỹ quan kỹ thuật điện có nhiệm vụ sau đây:

1. Phụ trách và điều hành công việc của thợ kỹ thuật điện;

2. Trực tiếp quản lý và khai thác theo đúng quy trình, quy phạm hiện hành tất cả hệ thống và trang thiết bị điện trên tàu như máy phát điện, hệ thống tự động điều khiển từ xa, hệ thống thông tin liên lạc nội bộ, hệ thống tín hiệu, nguồn điện cho các máy móc điện hàng hải và các thiết bị khác; vận hành mạng máy tính; trực tiếp phụ trách động cơ điện và các bộ đổi điện, máy phát điện sự cố, đèn hành trình, ắc quy;

3. Bảo đảm tình trạng kỹ thuật, chế độ làm việc bình thường của máy móc, thiết bị điện trên tàu;

4. Lập và trình máy trưởng kế hoạch sửa chữa, bảo quản đối với hệ thống máy móc, thiết bị điện trên tàu và tổ chức thực hiện;

5. Lập dự trù vật tư kỹ thuật cho hệ thống máy móc, thiết bị điện trên tàu và chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng các vật tư kỹ thuật được cấp;

6. Giám sát chế độ hoạt động của máy móc, thiết bị điện trên tàu;

7. Phải có mặt ở khu vực bố trí bảng phân phối điện chính khi tàu ra, vào cảng, hành trình qua luồng hẹp, trong điều kiện tầm nhìn xa bị hạn chế, các máy bơm bắt đầu làm việc, cẩu hàng chuẩn bị làm việc hoặc chọn chế độ làm việc cho các máy phát điện;

8. Quản lý các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật về phần điện của tàu; theo dõi, ghi chép các loại nhật ký về phần điện;

9. Phân công công việc, lập kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi cho các thợ kỹ thuật điện;

10. Chậm nhất 03 giờ trước khi tàu rời cảng phải báo cáo máy trưởng công việc chuẩn bị cho chuyến đi của bộ phận điện;

11. Trường hợp trên tàu chỉ bố trí chức danh sỹ quan kỹ thuật điện thì mọi nhiệm vụ về phần điện của tàu do sỹ quan kỹ thuật điện đảm nhiệm, trường hợp trên tàu chỉ bố trí chức danh thợ kỹ thuật điện thì mọi nhiệm vụ về phần điện của tàu do thợ kỹ thuật điện đảm nhiệm. Trên tàu không bố trí chức danh sỹ quan kỹ thuật điện hoặc thợ kỹ thuật điện thì mọi nhiệm vụ về phần điện của tàu do máy trưởng phân công.

Điều 18. Nhiệm vụ của sỹ quan an ninh tàu biển

Sỹ quan an ninh tàu biển là sỹ quan quản lý được chủ tàu bổ nhiệm, chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền trưởng. Sỹ quan an ninh tàu biển có nhiệm vụ sau đây:

1. Thường xuyên kiểm tra để đảm bảo việc thực hiện các biện pháp an ninh theo kế hoạch an ninh đã được duyệt; giám sát việc thực hiện kế hoạch an ninh của tàu, kể cả việc thực hiện các sửa đổi, bổ sung kế hoạch đó;

2. Phối hợp với các thuyền viên khác và sỹ quan an ninh cảng biển để đảm bảo an ninh trong các hoạt động vận chuyển hàng hoá và đồ dự trữ, cung ứng của tàu;

3. Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung đối với kế hoạch an ninh của tàu;

4. Khi phát hiện những khiếm khuyết và sự không phù hợp trong kế hoạch an ninh của tàu thì báo cáo Sỹ quan an ninh của công ty và thực hiện các biện pháp khắc phục;

5. Luôn nâng cao ‎ý thức cảnh giác về an ninh trên tàu; tổ chức huấn luyện công tác an ninh cho những người trên tàu; báo cáo sỹ quan an ninh của công ty về mọi sự cố an ninh xảy ra trên tàu;

6. Phối hợp với sỹ quan an ninh của công ty và của cảng biển nơi tàu đến để triển khai thực hiện kế hoạch an ninh của tàu;

7. Thường xuyên kiểm tra để đảm bảo các trang thiết bị an ninh trên tàu ở trạng thái hoạt động tốt, được bảo dưỡng và hiệu chỉnh phù hợp.

Điều 19. Nhiệm vụ của sỹ quan máy lạnh

Sỹ quan máy lạnh chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của máy trưởng. Sỹ quan máy lạnh có nhiệm vụ sau đây:

1. Bảo đảm tình trạng kỹ thuật, chế độ làm việc bình thường của các máy móc, thiết bị làm lạnh trên tàu; trực ca theo chế độ làm việc của hệ thống làm lạnh trên tàu;

2. Trực tiếp quản lý, khai thác công suất máy và bảo đảm tình trạng kỹ thuật, chế độ hoạt động của máy móc, thiết bị làm lạnh, hệ thống làm mát bằng không khí và hệ thống điều hoà nhiệt độ trên tàu theo đúng quy trình, quy phạm hiện hành;

3. Phụ trách và điều hành công việc của các thợ máy lạnh;

4. Lập và trình máy trưởng kế hoạch sửa chữa, bảo quản máy móc, thiết bị làm lạnh; tổ chức thực hiện kế hoạch đã phê duyệt;

5. Lập dự trù vật tư kỹ thuật và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng các vật tư kỹ thuật được cấp;

6. Theo dõi, ghi chép nhật ký vận hành máy lạnh; phân công chế độ trực ca, lập kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi cho thợ máy lạnh;

7. Quản lý hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của hệ thống máy lạnh trên tàu;

8. Trường hợp không bố trí sỹ quan máy lạnh thì nhiệm vụ của sỹ quan máy lạnh do máy hai đảm nhiệm.

Điều 20. Nhiệm vụ của thuỷ thủ trưởng

Thuỷ thủ trưởng chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của đại phó. Thuỷ thủ trưởng có nhiệm vụ sau đây:

1. Phân công và điều hành công việc của thuỷ thủ;

2. Kiểm tra và theo dõi việc bảo quản vỏ tàu, các loại dây, trang thiết bị của các hệ thống neo, cần cẩu, phương tiện cứu sinh, cứu hoả, cứu thủng tàu, các kho để vật tư dụng cụ và vật tư kỹ thuật, các tài sản khác của tàu do bộ phận boong quản lý;

3. Kiểm tra trật tự, vệ sinh trên boong; hướng dẫn thuỷ thủ thực hiện đúng yêu cầu quy định về an toàn lao động trên tàu, đặc biệt chú ý khi thực hiện các công việc trên cao, ngoài mạn tàu, trong hầm hàng, hầm nước dằn, các két và khi tàu ra, vào cảng;

4. Lập và trình đại phó kế hoạch làm việc hàng ngày của bộ phận boong và tổ chức thực hiện có hiệu quả các công việc đó;

5. Theo dõi và kiểm tra hệ thống đường ống trên boong, lỗ đo nước la canh hầm hàng, lỗ ống lỉn và các hệ thống van nước;

6. Lập và trình đại phó bản dự trù vật tư kỹ thuật cho bộ phận boong và tổ chức quản lý, sử dụng hợp lý các vật tư được cấp;

7. Lập và trình đại phó kế hoạch sửa chữa, bảo quản máy tời, cần cẩu, ròng rọc, pa lăng, ma ní, dây làm hàng, dây buộc tàu và các trang thiết bị khác trên boong;

8. Quản lý và sử dụng theo đúng quy trình kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị và các dụng cụ thuộc bộ phận mình quản lý;

9. Trước khi tàu rời cảng, phải tổ chức chằng buộc chắc chắn các dụng cụ, thiết bị và hàng hoá chở trên boong, đóng hầm hàng, cửa kín nước, phủ bạt đậy hầm hàng, đóng nêm và xiết chặt tăng đơ theo đúng quy định;

10. Thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các phương tiện cứu sinh, cứu hoả, cứu thủng tàu và các trang thiết bị khác;

11. Khi tàu hành trình gặp thời tiết xấu phải kiểm tra hàng hoá, vật tư trên boong và trong kho, xuồng cứu sinh, các cửa kín nước, nếu thấy cần thiết phải tiến hành chằng buộc gia cố lại;

12. Khi xếp dỡ hàng siêu trường, siêu trọng, phải chuẩn bị thiết bị cẩu và trực tiếp điều khiển công việc cẩu hàng dưới sự giám sát của đại phó hoặc sỹ quan boong trực ca;

13. Khi tàu cập hoặc rời cầu hay đến gần khu vực neo đậu hoặc qua các khu vực nguy hiểm, thuỷ thủ trưởng phải có mặt ở phía mũi tàu để thực hiện nhiệm vụ;

14. Đảm nhiệm nhiệm vụ của thủy thủ phó khi trên tàu không bố trí chức danh thủy thủ phó;

15. Trường hợp cần thiết, đảm nhiệm trực ca hoặc đốc ca theo sự phân công của đại phó.

Điều 21. Nhiệm vụ của thuỷ thủ phó

Thuỷ thủ phó chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuỷ thủ trưởng. Thuỷ thủ phó có nhiệm vụ sau đây:

1. Quản lý các kho, bảo quản bạt đậy hầm hàng, các áo bạt che các máy móc, thiết bị trên boong, các dụng cụ và tài sản khác thuộc bộ phận boong; tiếp nhận, bảo quản, cấp phát và thu hồi vật tư;

2. Bảo quản các dụng cụ và thiết bị cứu hoả, trừ trang bị cứu hoả ở buồng máy;

3. Phụ trách dây, pha chế sơn, điều khiển các máy móc trên boong như máy tời, cần cẩu và theo dõi hệ thống đèn pha, đèn cột, đèn hành trình;

4. Thực hiện công việc mộc, làm thang dây và điều khiển xuồng cứu sinh;

5. Trực tiếp nhận nước ngọt, kiểm tra và đo nước ngọt, nước dằn, nước la canh hầm hàng và ghi chép số liệu theo dõi hàng ngày;

6. Khi tàu ra, vào cảng, thuỷ thủ phó phải có mặt ở phía lái tàu để thực hiện nhiệm vụ;

7. Khi cần thiết, thuỷ thủ phó tham gia trực ca và đốc ca theo sự phân công của đại phó.

Điều 22. Nhiệm vụ của thủy thủ

Thủy thủ chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thủy thủ trưởng. Thủy thủ có nhiệm vụ sau đây:

1. Thực hiện nhiệm vụ trực ca, chấp hành mệnh lệnh của sỹ quan boong trực ca;

2. Bảo quản, bảo dưỡng vỏ, boong tàu, các máy móc thiết bị khác theo sự phân công của thuỷ thủ trưởng hoặc thuỷ thủ phó;

3. Theo dõi việc xếp dỡ hàng hoá, kịp thời phát hiện những bao bì rách, bị ướt, xếp dỡ không đúng quy định và báo cáo sỹ quan boong trực ca biết để xử lý. Nắm vững công việc khi tàu ra, vào cảng, đóng mở hầm hàng, làm dây, nâng và hạ cần cẩu, đo nước, bảo quản, đưa đón hoa tiêu lên và rời tàu, thông thạo thông tin tín hiệu bằng cờ và đèn;

4. Nắm vững cấu trúc, đặc điểm, tính năng kỹ thuật của tàu, các nơi quy định đặt các thiết bị cứu hoả, cứu sinh, cứu thủng tàu, bảo quản và sử dụng các trang thiết bị đó đúng quy định;

5. Chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của tàu về chế độ làm việc, ăn ở, sinh hoạt, an ninh, trật tự và vệ sinh trên tàu;

6. Nếu thuỷ thủ được đào tạo và huấn luyện về kỹ thuật lặn thì khi thực hiện công việc dưới nước theo sự phân công của đại phó hoặc thuỷ thủ trưởng phải đảm bảo an toàn và hoàn thành nhiệm vụ được giao;

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủy thủ trưởng phân công.

Điều 23. Nhiệm vụ của thợ máy chính

Thợ máy chính chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của máy hai. Thợ máy chính có nhiệm vụ sau đây:

1. Bảo dưỡng, sửa chữa các máy móc thiết bị theo yêu cầu và hướng dẫn của máy trưởng và các sỹ quan máy;

2. Quản lý và sử dụng thành thạo các máy công cụ và đồ nghề sửa chữa được trang bị cho bộ phận máy;

3. Thực hiện chế độ vệ sinh công nghiệp đối với máy móc thiết bị bộ phận máy;

4. Khi cần thiết, thực hiện nhiệm vụ trực ca của thợ máy theo sự phân công của máy trưởng.

Điều 24. Nhiệm vụ của thợ máy trực ca

Thợ máy trực ca chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của máy hai và sự phân công trực tiếp của sỹ quan máy trực ca. Thợ máy trực ca có nhiệm vụ sau đây:

1. Thực hiện các công việc bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các máy móc thiết bị, vệ sinh buồng máy, nơi làm việc, tiếp nhận phụ tùng, vật tư theo sự phân công của máy hai; thực hiện nhiệm vụ trực ca theo yêu cầu của sỹ quan máy trực ca;

2. Sử dụng máy móc, thiết bị cứu hoả, cứu sinh, phòng độc, chống nóng, chống khói, lọc nước biển, dầu mỡ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy trình, quy phạm;

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác do máy hai phân công.

Điều 25. Nhiệm vụ của thợ kỹ thuật điện

Thợ kỹ thuật điện chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của sỹ quan kỹ thuật điện hoặc sỹ quan máy trực ca nếu trên tàu không bố trí chức danh sỹ quan kỹ thuật điện. Thợ kỹ thuật điện có nhiệm vụ sau đây:

1. Bảo đảm chế độ làm việc của máy điện và các thiết bị điện khác theo đúng quy trình kỹ thuật. Bảo đảm cung cấp điện liên tục cho toàn tàu. Khi phát hiện máy điện và các thiết bị hoạt động không bình thường thì phải báo kịp thời cho sỹ quan máy trực ca hoặc sỹ quan kỹ thuật điện để có biện pháp khắc phục;

2. Bảo đảm khai thác đúng quy trình kỹ thuật đối với các máy phát điện, máy phát điện sự cố, các động cơ điện cần cẩu, máy tời, điện phụ của máy diesel, ắc quy sự cố, điện tự động lò hơi, các máy quạt điện, các thiết bị khác về điện và hệ thống đèn chiếu sáng trên tàu;

3. Bảo dưỡng các trang thiết bị điện như thiết bị lái tự động, thiết bị liên lạc bằng điện thoại, sửa chữa và thay thế thiết bị điện sinh hoạt theo sự hướng dẫn của sỹ quan kỹ thuật điện.

Điều 26. Nhiệm vụ của nhân viên thông tin vô tuyến

Nhân viên thông tin vô tuyến chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của sỹ quan thông tin vô tuyến. Nhân viên thông tin vô tuyến có nhiệm vụ sau đây:

1. Bảo đảm việc thông tin liên lạc giữa tàu mình với các tàu khác và với các đài thông tin vô tuyến trên bờ; thu nhận các thông tin, tín hiệu cấp cứu, thông báo hàng hải và bản tin dự báo thời tiết;

2. Quản lý hệ thống thông tin liên lạc, máy thu thanh, máy vô tuyến truyền hình, máy chiếu phim trên tàu.

Điều 27. Nhiệm vụ của quản trị

Quản trị chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của đại phó. Quản trị có nhiệm vụ sau đây:

1. Tổ chức quản lý và điều hành hoạt động của bộ phận phục vụ trên tàu. Lập kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi cho thuyền viên bộ phận phục vụ, nhận và phát lương cho thuyền viên;

2. Lập và trình đại phó bản dự trù mua lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống của tàu và tổ chức mua, bảo quản, sử dụng hợp lý lương thực, thực phẩm đó;

3. Kiểm tra, theo dõi và lập kế hoạch báo cáo đại phó về việc dự trù để thay thế hoặc bổ sung các dụng cụ, thiết bị cho nhà bếp, phòng ăn, buồng ở, phòng làm việc, câu lạc bộ. Tổ chức quản lý và sử dụng các dụng cụ, thiết bị và các tài sản khác của tàu do bộ phận mình phụ trách;

4. Phụ trách công việc tài chính của tàu và thực hiện các nghiệp vụ tài chính theo quy định hiện hành;

5. Giúp thuyền trưởng trong việc giao dịch, tổ chức các buổi tiếp khách, chiêu đãi trên tàu;

6. Giúp phó ba thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến làm thủ tục xin phép cho tàu ra, vào cảng;

7. Sau mỗi chuyến đi, lập báo cáo tổng hợp trình thuyền trưởng về quyết toán thu và chi của tàu;

8. Chậm nhất 03 giờ trước khi tàu rời cảng phải báo cáo đại phó về việc chuẩn bị của bộ phận mình cho chuyến đi;

9. Trường hợp không bố trí chức danh quản trị thì nhiệm vụ quản trị tàu do phó ba đảm nhiệm.

Điều 28. Nhiệm vụ của bác sỹ hoặc nhân viên y tế

Bác sỹ hoặc nhân viên y tế chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của đại phó. Bác sỹ hoặc nhân viên y tế có nhiệm vụ sau đây:

1. Phụ trách về y tế, vệ sinh trên tàu, theo dõi sức khoẻ, thực hiện cấp cứu và điều trị bệnh cho thuyền viên, hành khách và những người khác có mặt trên tàu; trường hợp cần thiết cho bệnh nhân nghỉ hoặc đưa bệnh nhân đi điều trị ở bệnh viện;

2. Tiếp nhận và điều trị bệnh nhân trên tàu; trực tiếp kiểm tra và báo cáo đại phó tình hình vệ sinh buồng ở của thuyền viên và hành khách, nhà ăn, câu lạc bộ và những nơi công cộng khác; báo cáo đại phó về tình hình điều trị bệnh nhân;

3. Kiểm tra chất lượng của lương thực, thực phẩm, nước ngọt sử dụng trên tàu và tiến hành kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh của bộ phận nhà bếp, nhà ăn, khách sạn. Tham gia lập thực đơn hàng ngày của thuyền viên và hành khách;

4. Định kỳ tổ chức khám sức khoẻ cho thuyền viên, báo cáo thuyền trưởng những người mắc bệnh truyền nhiễm, sử dụng chất gây nghiện; kiểm tra, theo dõi việc phòng ngừa ô nhiễm môi trường sống;

5. Quản lý sổ tiêm chủng của thuyền viên;

6. Lập dự trù bổ sung và thay thế các dụng cụ y tế, thuốc men; kiểm kê tủ thuốc hàng tháng, hàng quý và báo cáo thuyền trưởng; giữ gìn, bảo quản thuốc và dụng cụ y tế theo đúng quy định;

7. Hướng dẫn cho thuyền viên phương pháp cấp cứu khi gặp tai nạn và các kiến thức thông thường về vệ sinh phòng bệnh mùa hè, mùa đông, khu vực hàn đới và nhiệt đới;

8. Trước mỗi chuyến đi phải kiểm tra giấy chứng nhận sức khoẻ của thuyền viên, sổ tiêm chủng của thuyền viên, giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh tàu thủy, giấy chứng nhận tiêm phòng dịch cho gia súc (nếu có);

9. Tổ chức thực hiện pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về y tế, bảo hộ lao động trên tàu;

10. Chăm sóc người sinh, bảo quản thi hài người chết trên tàu;

11. Chậm nhất 03 giờ trước khi tàu rời cảng phải báo cáo cho đại phó về việc chuẩn bị của bộ phận mình cho chuyến đi;

12. Sau mỗi chuyến đi phải tập hợp báo cáo về tình hình sức khoẻ của thuyền viên. Nếu cần thiết lập danh sách và báo cáo thuyền trưởng, chủ tàu về những người cần phải kiểm tra sức khoẻ;

13. Quản lý phòng khám bệnh, phòng mổ, phòng cách ly, phòng bệnh nhân, trang thiết bị y tế, thuốc men. Nếu trên tàu không bố trí chức danh bác sỹ hoặc nhân viên y tế thì nhiệm vụ y tế trên tàu do thuyền trưởng phân công.

Điều 29. Nhiệm vụ của phục vụ viên

Phục vụ viên chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của đại phó. Phục vụ viên có nhiệm vụ sau đây:

1. Đảm nhiệm công việc phục vụ trên tàu; trường hợp có hai phục vụ viên trở lên thì nhiệm vụ cụ thể do đại phó quy định;

2. Phục vụ viên có nhiệm vụ phục vụ phòng ăn của tàu, làm vệ sinh buồng ở của thuyền trưởng, sỹ quan, phòng làm việc, câu lạc bộ, buồng tắm, buồng vệ sinh;

3. Giặt, là khăn trải bàn, ga, chăn, chiếu, màn và lập dự trù mua bổ sung thay thế các đồ dùng trên trình đại phó duyệt.

Điều 30. Nhiệm vụ của bếp trưởng

Bếp trưởng chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của quản trị. Bếp trưởng có nhiệm vụ sau đây:

1. Tổ chức thực hiện các công việc của nhà bếp và trực tiếp chuẩn bị bữa ăn hàng ngày cho thuyền viên và hành khách;

2. Tổ chức bảo quản và sử dụng lương thực, thực phẩm phục vụ cho sinh hoạt và đời sống thuyền viên và hành khách;

3. Nhận và phân phối lương thực, thực phẩm cho cấp dưỡng chuẩn bị các bữa ăn hàng ngày và chuẩn bị thực đơn, bảo đảm đúng định lượng, hợp vệ sinh;

4. Quản lý kho lương thực, thực phẩm, dụng cụ và trang thiết bị nhà bếp. Tổ chức sửa chữa những vật dụng hư hỏng và lập dự trù mua bổ sung, thay thế các vật dụng đó;

5. Giữ gìn vệ sinh nhà bếp, dụng cụ và trang thiết bị của phòng ăn.

Điều 31. Nhiệm vụ của cấp dưỡng

Cấp dưỡng chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của bếp trưởng. Cấp dưỡng có nhiệm vụ sau đây:

1. Thực hiện các công việc của nhà bếp, bảo đảm đúng chế độ ăn uống cho thuyền viên;

2. Trường hợp không bố trí chức danh bếp trưởng thì nhiệm vụ của bếp trưởng do cấp dưỡng đảm nhiệm. Trên tàu không bố trí chức danh bếp trưởng và cấp dưỡng thì đại phó phân công thuyền viên của tàu phục vụ.

Điều 32. Nhiệm vụ của tổ trưởng phục vụ hành khách

Tổ trưởng phục vụ hành khách chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền phó hành khách. Tổ trưởng phục vụ hành khách có nhiệm vụ sau đây:

1. Trực tiếp phụ trách nhân viên phục vụ buồng khách; lập và trình thuyền phó hành khách kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi cho nhân viên phục vụ buồng khách và nội quy buồng ở;

2. Khi khách lên và xuống tàu phải có mặt tại cửa cầu thang để đón hoặc tiễn hành khách và giao cho nhân viên phục vụ đưa khách nhận buồng;

3. Sau khi tàu rời cảng, phải kiểm tra các buồng khách, ghi số giường còn thừa, thiếu báo cáo thuyền phó hành khách;

4. Thông báo cho hành khách biết nội quy đi tàu, các phương tiện, đồ dùng được quyền sử dụng và cách thức sử dụng, bảo quản các phương tiện, đồ dùng đó;

5. Hàng ngày kiểm tra, đôn đốc nhân viên phục vụ buồng khách thực hiện đúng nhiệm vụ của mình và nhắc nhở hành khách thực hiện đúng nội quy của tàu;

6. Nhận, phân phối những tiện nghi, đồ dùng của các buồng khách;

7. Cùng với thuyền phó hành khách giải quyết những trường hợp vi phạm nội quy, xâm phạm tài sản của tàu, của hành khách và những việc có liên quan giữa hành khách với nhân viên phục vụ trên tàu;

8. Lập biên bản và thanh toán các khoản tiền bồi thường hư hỏng các đồ dùng, tiện nghi do hành khách gây ra;

9. Trước khi tàu rời cảng, báo cáo thuyền phó hành khách việc chuẩn bị cho chuyến đi theo nhiệm vụ của mình.

Điều 33. Nhiệm vụ của nhân viên phục vụ hành khách

Nhân viên phục vụ hành khách chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của tổ trưởng phục vụ hành khách. Nhân viên phục vụ hành khách có nhiệm vụ sau đây:

1. Phục vụ hành khách, quản lý tài sản và tiện nghi đồ dùng cho hành khách thuộc các buồng mình phụ trách;

2. Hàng ngày vệ sinh buồng khách, buồng tắm, buồng vệ sinh, hành lang;

3. Tiếp nhận hành khách lên tàu, hướng dẫn, giúp đỡ hành khách nhận buồng, sắp xếp chỗ ở đúng số vé; giao tiện nghi sinh hoạt, chìa khoá buồng cho hành khách, hướng dẫn hành khách biết sử dụng áo phao cứu sinh, lối xuống xuồng cứu sinh khi có báo động "bỏ tàu";

4. Trước khi hành khách rời tàu, kiểm tra các tiện nghi đồ dùng của buồng khách. Nếu còn đủ và không hư hỏng thì giao lại phiếu cho hành khách và nhận lại chìa khoá buồng; nếu phát hiện có hư hỏng, mất mát thì mời hành khách ở lại chờ ý kiến giải quyết của thuyền phó hành khách và tổ trưởng phục vụ hành khách;

5. Sau khi hành khách đã rời tàu, phải tiến hành ngay việc vệ sinh, thay đổi các vật dùng của buồng khách và chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận hành khách mới;

6. Thường xuyên có mặt ở khu vực buồng khách được phân công để kịp thời giúp đỡ hành khách khi có yêu cầu;

7. Báo ngay cho tổ trưởng phục vụ hành khách biết những tiện nghi bị hư hỏng ở buồng khách để có biện pháp giải quyết;

8. Khi có gió to, sóng lớn, đóng các cửa úp lô, cửa kín nước ở những buồng hành khách thuộc mình phụ trách;

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của tổ trưởng phục vụ hành khách sau khi đã được thuyền phó hành khách chấp thuận.

Điều 34. Nhiệm vụ của tổ trưởng phục vụ bàn

Tổ trưởng phục vụ bàn chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền phó hành khách. Tổ trưởng phục vụ bàn có nhiệm vụ sau đây:

1. Điều hành và phụ trách nhân viên phục vụ phòng ăn, phòng giải khát, quản lý dụng cụ phòng ăn, phòng giải khát;

2. Phân phối các dụng cụ, thiết bị cho nhân viên phục vụ bàn ăn, giải khát;

3. Bảo quản tốt các dụng cụ, trang thiết bị của phòng ăn, phòng giải khát;

4. Dự trù mua sắm, thay thế và sửa chữa những hư hỏng đối với các dụng cụ, trang thiết bị của phòng ăn, phòng giải khát;

5. Trực tiếp phục vụ những buổi chiêu đãi trên tàu cùng với phục vụ viên của tàu;

6. Lập và trình thuyền phó hành khách duyệt kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi cho bộ phận phục vụ bàn ăn, bàn giải khát;

7. Lập biên bản bồi thường đối với những hành khách làm hư hỏng hoặc mất mát tài sản, đồ dùng thuộc mình phụ trách; trường hợp cần thiết phải báo ngay cho thuyền phó hành khách biết.

Điều 35. Nhiệm vụ của nhân viên phục vụ bàn

Nhân viên phục vụ bàn chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của tổ trưởng phục vụ bàn. Nhân viên phục vụ bàn có nhiệm vụ sau đây:

1. Phục vụ hành khách theo yêu cầu của thực đơn;

2. Quản lý phòng ăn, phòng giải khát và các dụng cụ, thiết bị thuộc mình phụ trách;

3. Thực hiện vệ sinh phòng ăn, phòng giải khát và dụng cụ, thiết bị của các phòng đó.

Điều 36. Nhiệm vụ của quản lý kho hành lý

Quản lý kho hành lý chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền phó hành khách. Quản lý kho hành lý có nhiệm vụ sau đây:

1. Quản lý các tài sản, đồ dùng, các kho và phòng công cộng phục vụ hành khách;

2. Nhận và giao hành lý của hành khách gửi theo chuyến đi;

3. Xuất, nhập và quản lý các đồ dùng bằng gỗ, những dụng cụ và tiện nghi khác trang bị cho buồng hành khách, phòng ăn, phòng giải khát, buồng tắm, buồng vệ sinh, câu lạc bộ;

4. Giữ sổ tài sản và các chứng từ khác thuộc mình quản lý;

5. Tổ chức sửa chữa những hư hỏng của các vật dụng thuộc bộ phận mình phụ trách;

6. Giao và bảo quản hành lý của hành khách; trường hợp hư hỏng, mất mát hành lý của hành khách thì phải bồi thường theo quy định;

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do thuyền phó hành khách phân công.

Điều 37. Nhiệm vụ của thợ giặt là

Thợ giặt là chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của tổ trưởng phục vụ hành khách. Thợ giặt có nhiệm vụ sau đây:

1. Giặt, là những đồ dùng bằng vải như chăn màn, áo gối, ga, khăn trải bàn, khăn mặt, khăn tắm phục vụ hành khách;

2. Quản lý và sử dụng máy giặt, bàn là, nếu hư hỏng phải báo cáo với tổ trưởng phục vụ hành khách để có kế hoạch sửa chữa, thay thế;

3. Lập dự trù vật liệu, đồ dùng cho việc giặt là;

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của tổ trưởng tổ phục vụ hành khách hoặc của thuyền phó hành khách.

Điều 38. Nhiệm vụ của kế toán

Kế toán chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền phó hành khách. Kế toán có nhiệm vụ sau đây:

1. Thanh toán, quyết toán các khoản thu, chi liên quan đến hành khách;

2. Lập dự trù mua thường xuyên hoặc đột xuất các đồ dùng, văn hoá phẩm, lương thực, thực phẩm và các hàng hoá khác phục vụ hành khách, thuyền viên để thuyền phó hành khách trình thuyền trưởng;

3. Viết phiếu xuất, nhập các đồ dùng, văn hoá phẩm, lương thực, thực phẩm ở các kho thuộc bộ phận hành khách và thuyền viên theo lệnh của thuyền phó hành khách;

4. Viết phiếu thu các khoản tiền bán vé, ăn uống và các khoản khác;

5. Quản lý sổ sách, chứng từ thu, chi liên quan đến hành khách;

6. Lập quyết toán các khoản thu, chi để trình thuyền phó hành khách sau mỗi chuyến đi.

Điều 39. Nhiệm vụ của thủ quỹ

Thủ quỹ chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền phó hành khách. Thủ quỹ có nhiệm vụ sau đây:

1. Quản lý ngân quỹ liên quan đến hành khách;

2. Thu, chi các khoản tiền theo phiếu thu, phiếu chi của kế toán;

3. Lưu giữ các chứng từ, sổ sách về thu chi;

4. Quản lý và làm đầy đủ thủ tục xuất, nhập các loại vé trên tàu;

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của thuyền phó hành khách.

Điều 40. Nhiệm vụ của nhân viên bán hàng

Nhân viên bán hàng chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền phó hành khách. Nhân viên bán hàng có nhiệm vụ sau đây:

1. Bán hàng phục vụ hành khách;

2. Lập sổ sách, hồ sơ, chứng từ quản lý tài sản trong gian hàng và các loại hàng hoá để bán cho hành khách theo đúng quy định;

3. Dự trù mua các loại hàng hoá để bán cho hành khách và trình thuyền phó hành khách duyệt;

4. Nhận và đưa hàng xuống tàu bảo đảm chất lượng và số lượng;

5. Việc bán hàng phải theo bảng giá do thuyền phó hành khách duyệt và nộp tiền bán hàng cho thủ quỹ theo đúng quy định;

6. Bảo đảm quầy bán hàng trên tàu luôn sạch, đẹp;

7. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của thuyền phó hành khách.

Điều 41. Nhiệm vụ của nhân viên bán vé

Nhân viên bán vé do thuyền phó hành khách chỉ định sau khi được thuyền trưởng chấp thuận. Nhân viên bán vé có nhiệm vụ sau đây:

1. Hàng ngày nhận các loại vé bán cho hành khách, chịu bồi thường về những mất mát do mình gây ra;

2. Cuối mỗi ngày phải làm thủ tục thanh toán và nộp tiền mặt cho thủ quỹ tàu;

3. Giữ gìn trật tự vệ sinh nơi bán vé;

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của thuyền phó hành khách.

Điều 42. Nhiệm vụ của trật tự viên

Trật tự viên chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của thuyền phó hành khách. Trật tự viên có nhiệm vụ sau đây:

1. Bảo đảm trật tự, an ninh cho hành khách khi lên tàu, xuống tàu và trong quá trình ở trên tàu;

2. Kịp thời giải quyết, ngăn chặn các hành động phi pháp, làm mất trật tự an ninh trên tàu;

3. Khám xét tại chỗ và lập biên bản những vụ phạm pháp quả tang trên tàu. Lập hồ sơ những vụ vi phạm pháp luật do hành khách phát giác;

4. Tham gia lập biên bản các trường hợp hành khách bị tai nạn, bị chết trên tàu hoặc các trường hợp chết có liên quan đến hành khách;

5. Quản lý những người bị tạm giữ trên tàu và giao những người này cho chính quyền cảng đến cùng với những giấy tờ cần thiết; nếu tàu ở nước ngoài mà người bị tạm giữ là người Việt Nam, thì có quyền giữ cho đến khi về nước theo lệnh của thuyền trưởng;

6. Nếu trên tàu có nhiều trật tự viên thì thuyền phó hành khách chỉ định một tổ trưởng để phụ trách chung.

Điều 43. Nhiệm vụ của thợ máy lạnh

Thợ máy lạnh chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của sỹ quan máy lạnh. Thợ máy lạnh có nhiệm vụ sau đây:

1. Bảo quản, bảo dưỡng, vận hành các máy móc, thiết bị của hệ thống làm lạnh trên tàu như hầm hàng, kho thực phẩm, hệ thống điều hoà không khí, hệ thống điều hoà nhiệt độ, hệ thống làm mát và hệ thống khác theo đúng quy trình, quy phạm;

2. Sửa chữa máy móc, thiết bị làm lạnh của tàu theo sự phân công và hướng dẫn của sỹ quan máy lạnh hoặc máy hai.

Điều 44. Nhiệm vụ của thợ bơm

Thợ bơm chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của máy hai. Thợ bơm có nhiệm vụ sau đây:

1. Thực hiện bơm dầu hoặc bơm nước vào các hầm hàng theo lệnh của đại phó và chịu sự giám sát, hướng dẫn về nghiệp vụ của sỹ quan máy trực ca;

2. Làm vệ sinh, bảo dưỡng hệ thống đường ống và thiết bị phục vụ cho các loại bơm theo đúng quy trình kỹ thuật và vận hành thành thạo máy móc, thiết bị thuộc mình quản lý; sửa chữa máy móc, thiết bị đó theo sự hướng dẫn của máy trưởng, máy hai, sỹ quan máy;

3. Sử dụng các phương tiện cứu hoả ở buồng bơm, phát hiện và xử lý kịp thời những hư hỏng của máy móc, thiết bị do mình phụ trách để khắc phục hoặc báo cáo máy trưởng, máy hai, sỹ quan máy giải quyết.

Mục 3. TRỰC CA TRÊN TÀU BIỂN

Điều 45. Trực ca của thuyền viên

1. Thuyền trưởng là người chịu trách nhiệm tổ chức việc trực ca 24 giờ trong ngày. Đại phó, thuyền phó hành khách và máy trưởng có trách nhiệm giúp thuyền trưởng kiểm tra việc tổ chức thực hiện trực ca trên tàu của bộ phận mình phụ trách theo quy định.

2. Trực ca là nhiệm vụ của thuyền viên và phải được duy trì một cách thích hợp, hiệu quả để đảm bảo an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Ca trực của mỗi thuyền viên được chia thành ca biển và ca bờ:

a) Thời gian trực ca biển là 04 giờ và mỗi ngày trực 02 ca cách nhau 08 giờ; trường hợp có thay đổi múi giờ thì thời gian trực ca biển do thuyền trưởng quyết định;

b) Thời gian trực ca bờ do thuyền trưởng quy định, căn cứ vào điều kiện cụ thể khi tàu neo đậu.

3. Thuyền viên trực ca có nhiệm vụ sau đây:

a) Không được bỏ vị trí hoặc bàn giao ca trực cho người khác nếu chưa được phép của thuyền trưởng, máy trưởng hoặc của sỹ quan trực ca;

b) Khi có báo động vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trực ca của mình và chỉ khi nào có người khác thay thế mới được rời khỏi vị trí đến nơi quy định theo bảng phân công nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp;

c) Trong thời gian trực ca phải ghi chép đầy đủ tình hình trong ca trực vào sổ nhật ký của bộ phận mình theo quy định;

d) Nghiêm cấm thuyền viên làm những việc khác không thuộc nhiệm vụ của ca trực.

4. Việc giao ca phải được tiến hành tại nơi trực ca. Sỹ quan trực ca phải nhận ca ít nhất 15 phút trước khi ca trực bắt đầu. Các thuyền viên khác nhận ca ít nhất 5 phút trước khi ca trực bắt đầu. Thuyền viên giao ca phải thông báo cho thuyền viên nhận ca ít nhất 15 phút trước khi ca trực bắt đầu. Thuyền viên thay ca chỉ được nhận ca khi đã đánh giá được hết tình trạng của tàu. Trường hợp tàu đang thực hiện bất cứ hành động nào để tránh nguy hiểm thì việc thay ca chỉ được thực hiện khi hành động nói trên đã hoàn thành.

Trong trường hợp thuyền viên giao ca có lý do thấy rằng thuyền viên nhận ca không có khả năng thực hiện nhiệm vụ trực ca một cách hiệu quả thì không giao ca trực cho thuyền viên nhận ca đó đồng thời thông báo cho thuyền trưởng biết.

5. Căn cứ vào tình trạng kỹ thuật và điều kiện khai thác của tàu, thuyền trưởng quy định cụ thể chế độ trực ca cho thuyền viên thuộc bộ phận thông tin vô tuyến, máy lạnh và bộ phận kỹ thuật điện của tàu.

Điều 46. Trang phục khi trực ca

1. Thuyền viên trực ca phải mặc trang phục, khi trực ca bờ phải mang băng trực ở tay trái và tên hiệu. Băng trực ca gồm ba sọc ngang, bề rộng của băng 45 mm với mỗi sọc rộng 15 mm. Màu băng trực ca được quy định như sau:

a) Băng của sỹ quan trực ca có các màu: xanh đậm - trắng - xanh đậm;

b) Băng của thuyền viên khác trực ca có các màu: đỏ - trắng - đỏ.

2. Chủ tàu có trách nhiệm cung cấp trang phục và băng trực ca.

Điều 47. Thẩm quyền cho phép người lên tàu

1. Thuyền trưởng, sỹ quan boong trực ca và sỹ quan an ninh có quyền cho phép người lên tàu.

2. Thuyền trưởng có quyền cho phép người vào buồng lái, buồng hải đồ, buồng thông tin vô tuyến nhưng phải phù hợp với kế hoạch an ninh của tàu.

3. Thuyền trưởng, máy trưởng có quyền cho phép những người xuống buồng máy và vào các khu vực khác thuộc bộ phận máy quản lý nhưng phải phù hợp với kế hoạch an ninh của tàu.

Điều 48. Nhiệm vụ của sỹ quan boong trực ca

1. Sỹ quan boong trực ca chịu sự chỉ huy trực tiếp của thuyền trưởng. Khi tàu đậu ở cảng hoặc tại các khu vực neo đậu, nếu thuyền trưởng vắng mặt thì sỹ quan boong trực ca chịu sự chỉ huy của đại phó; ngoài thuyền trưởng, không ai có quyền huỷ bỏ hoặc thay đổi ca trực của sỹ quan boong trực ca; sỹ quan boong trực ca không được tự động rời vị trí trực ca nếu không được phép của thuyền trưởng hay đại phó khi được thuyền trưởng uỷ quyền.

2. Sỹ quan boong trực ca có nhiệm vụ chung sau đây:

a) Điều hành ca trực để bảo đảm an toàn, an ninh cho người, tàu, hàng hoá; trật tự vệ sinh trên tàu và phòng ngừa ô nhiễm môi trường;

b) Chú ý quan sát, theo dõi tình hình xung quanh tàu; áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu;

c) Khi xuất hiện các nguy cơ đe dọa đến an toàn, an ninh, ô nhiễm môi trường của tàu, phải tự mình phát tín hiệu báo động và áp dụng những biện pháp hợp lý để loại trừ những nguy cơ đó; trong mọi trường hợp đều phải kịp thời báo cáo thuyền trưởng hoặc đại phó;

d) Giữ nguyên hải đồ của chuyến hành trình có thao tác hướng đi của tàu cho đến khi tàu vào cảng; trường hợp xảy ra tai nạn hàng hải, phải tìm mọi biện pháp bảo vệ cho đến khi kết thúc việc điều tra tai nạn;

đ) Trực thông tin liên lạc; theo dõi và xử lý kịp thời các thông báo hàng hải thu nhận được để bảo đảm an toàn, an ninh cho hành trình của tàu.

3. Sỹ quan boong trực ca khi trực ca biển có nhiệm vụ sau đây:

a) Nắm vững tình hình hoạt động của tàu, các điều kiện có liên quan đến khu vực hành trình để chủ động tiếp nhận ca trực; tiến hành thủ tục nhận ca theo đúng quy định;

b) Khi mới nhận ca phải kiểm tra vị trí tàu trên hải đồ, kiểm tra chỉ số của tốc độ kế, hướng la bàn, sai số la bàn và đèn hành trình; kiểm tra hướng lái theo la bàn con quay và la bàn từ, so sánh các chỉ số đó;

c) Trong thời gian trực ca biển, sỹ quan boong trực ca phải luôn luôn có mặt ở buồng lái, chỉ được vào buồng hải đồ để tác nghiệp hải đồ trong thời gian ngắn sau khi đã giao việc theo dõi, quan sát phía trước mũi tàu cho thuỷ thủ trực ca; tiến hành xác định vị trí tàu; thường xuyên theo dõi sự hoạt động của các trang thiết bị hàng hải, đèn hành trình;

d) Sau mỗi giờ và mỗi lần thay đổi hướng đi, so sánh chỉ số la bàn từ với la bàn con quay, giữ hướng lái theo hướng đi đã định và xác định lại vị trí của tàu;

đ) Khi có sương mù, mưa rào, mưa tuyết và các hiện tượng thời tiết khác làm hạn chế tầm nhìn của tàu, kịp thời báo cáo thuyền trưởng và thông báo cho sỹ quan máy trực ca. Sử dụng trang thiết bị hàng hải, kiểm tra thiết bị phát tín hiệu sương mù, bố trí người quan sát phía trước mũi tàu, hiệu chỉnh đồng hồ ở buồng lái, buồng máy; xác định vị trí tàu và hành động theo lệnh của thuyền trưởng. Trường hợp tầm nhìn xa của tàu bị hạn chế đột ngột, khi thuyền trưởng chưa kịp lên buồng lái, sỹ quan boong trực ca có thể cho tàu giảm tốc độ và phát tín hiệu sương mù;

e) Trường hợp biển động phải sử dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho hành trình của tàu;

g) Kiểm tra nước la canh hầm hàng và ghi kết quả vào nhật ký hàng hải; trường hợp thấy mực nước không bình thường phải kịp thời báo cáo thuyền trưởng và đại phó để có biện pháp xử lý; mỗi ca biển phải tiến hành đo nước la canh hầm hàng ít nhất một lần vào cuối ca trực;

h) Phải bảo đảm tuyệt đối an toàn khi đón hoa tiêu lên tàu và tiễn hoa tiêu rời khỏi tàu;

i) Đặc biệt chú ý đến an toàn của xuồng cứu sinh, vật tư, thiết bị và hàng hoá chở trên boong, bạt đậy hầm hàng hoặc nắp hầm hàng;

k) Trường hợp có người rơi xuống nước, phải báo động toàn tàu và tự mình áp dụng những biện pháp thích hợp để cứu giúp và phải báo ngay cho thuyền trưởng;

l) Khi tàu neo, phải xác định vị trí neo, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tàu bị trôi neo, đứt neo và báo ngay cho thuyền trưởng;

m) Lập các báo cáo cần thiết, thực hiện các danh mục kiểm tra buồng lái và ghi chép các hoạt động hàng hải vào nhật ký hàng hải. Theo dõi, ghi chép tình hình khí tượng thuỷ văn.

4. Sỹ quan boong trực ca khi trực ca bờ có nhiệm vụ sau đây:

a) Phải tiếp nhận từ ca trực trước về tình hình chung trên tàu, công việc làm hàng, sửa chữa, số lượng thuyền viên có mặt trên tàu, những công việc cần thiết khác liên quan đến bảo đảm an toàn cho tàu; khi tàu neo đậu phải theo dõi thời tiết, tình hình xung quanh tàu, kiểm tra vị trí neo bằng mọi phương pháp và sử dụng những biện pháp cần thiết để tránh trôi neo;

b) Khi tàu đậu ở cảng cần chú ý theo dõi mớn nước của tàu, các dây buộc tàu, các tấm chắn chuột, cầu thang lên xuống tàu và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của cảng; theo dõi việc xếp dỡ hàng hoá và kịp thời báo cáo thuyền trưởng hoặc đại phó những diễn biến có thể gây tổn thất đối với hàng hoá và ảnh hưởng đến an toàn của tàu; bảo đảm cầu thang phải có lưới bảo hiểm, cạnh cầu thang phải có phao cứu sinh và đủ ánh sáng vào ban đêm; phụ trách việc thực hiện các biện pháp an ninh phù hợp;

c) Trước khi thử máy chính, phải chú ý quan sát các chướng ngại vật sau lái; khi thử máy cần chú ý đến các dây buộc tàu;

d) Khi thời tiết xấu và nhận được tin bão phải thực hiện các biện pháp thích hợp để phòng chống bão cho tàu;

đ) Trường hợp trên tàu có báo động nhưng vắng mặt thuyền trưởng và đại phó, sỹ quan boong trực ca phải trực tiếp chỉ huy thuyền viên có mặt trên tàu thực hiện các biện pháp thích hợp để đối phó với tình huống khẩn cấp. Trường hợp có báo động của những tàu đậu gần mình thì phải tiến hành liên lạc và nếu cần thiết thì phải tổ chức giúp đỡ khi tàu đó yêu cầu; báo cáo thuyền trưởng biết tình hình trên tàu trong thời gian thuyền trưởng vắng mặt;

e) Giám sát việc thực hiện công việc hàng ngày và công việc sửa chữa do bộ phận mình phụ trách; kiểm tra, theo dõi việc thực hiện nội quy phòng cháy, chữa cháy và an toàn lao động trên tàu;

g) Ban đêm phải tổ chức tuần tra và quan sát tình hình xung quanh tàu;

h) Ghi danh sách số người đi bờ, từ bờ trở về tàu, giám sát số lượng thuyền viên được phép đi bờ và báo cáo thuyền trưởng số người đi bờ về trễ giờ;

i) Trong thời gian nghỉ có số đông thuyền viên đi bờ, sỹ quan boong trực ca phải tổ chức số người còn lại ở tàu để sẵn sàng bảo vệ an toàn cho tàu;

k) Trường hợp có người trên bờ lên tàu làm việc, sỹ quan boong trực ca phải tổ chức theo dõi quá trình làm việc của những người đó;

l) Trong thời gian tàu không làm hàng, ban đêm sỹ quan boong trực ca có thể nghỉ tại buồng riêng của mình nhưng vẫn phải mặc trang phục trực ca;

m) Theo dõi việc đóng, mở hầm hàng, che bạt và hệ thống thông hơi hầm hàng, việc chằng buộc, bốc dỡ hàng hoá.

Điều 49. Nhiệm vụ của sỹ quan máy trực ca

1. Sỹ quan máy trực ca chịu sự chỉ huy trực tiếp của máy trưởng; chịu trách nhiệm hoàn toàn về các hành động của mình liên quan đến việc vận hành máy móc, thiết bị theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm sự hoạt động bình thường của tất cả máy móc, thiết bị. Sỹ quan máy trực ca không được tự ý bỏ ca trực khi chưa có sự đồng ý của máy trưởng hoặc máy hai được máy trưởng uỷ quyền.

2. Sỹ quan máy trực ca có nhiệm vụ sau đây:

a) Điều hành thợ máy, sỹ quan kỹ thuật điện, thợ kỹ thuật điện; thường xuyên theo dõi chế độ làm việc của các máy, thiết bị, lò, nồi hơi theo đúng quy trình kỹ thuật;

b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ca trực ở buồng máy, buồng lò, bảo đảm trật tự và vệ sinh công nghiệp ở buồng máy;

c) Bảo đảm các máy móc thuộc bộ phận máy hoạt động bình thường, an toàn và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra;

d) Theo dõi công việc sửa chữa của những người trên bờ xuống tàu làm việc thuộc bộ phận mình phụ trách, bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn kỹ thuật cho tàu và phòng ngừa ô nhiễm môi trường;

đ) Theo dõi tiêu hao nhiên liệu, sử dụng các vật tư kỹ thuật của tàu;

e) Tiến hành đo dầu, nước ở các két; bơm nước la canh buồng máy, nước dằn, nhiên liệu để điều chỉnh tàu theo yêu cầu của sỹ quan boong trực ca; khi tiến hành bơm nước thải các loại phải thực hiện theo đúng quy định;

g) Khi tàu hành trình, sỹ quan máy trực ca có nhiệm vụ thực hiện nghiêm chỉnh các mệnh lệnh từ buồng lái của thuyền trưởng hoặc sỹ quan boong trực ca;

h) Sỹ quan máy trực ca không có quyền tự ý thay đổi chế độ làm việc của máy chính hay các máy khác. Trong trường hợp cần thiết nếu phải thay đổi chế độ làm việc hoặc cho ngừng làm việc thì sỹ quan máy trực ca phải báo trước cho sỹ quan boong trực ca và máy trưởng;

i) Khi có sự cố hoặc có nguy cơ đe dọa đến sinh mạng con người thì sỹ quan máy trực ca có quyền cho ngừng máy chính hoặc các máy khác và phải báo ngay cho sỹ quan boong trực ca và máy trưởng. Trường hợp xét thấy việc ngừng máy chính hoặc các máy khác có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng cho tàu thì thuyền trưởng có quyền yêu cầu sỹ quan máy trực ca tiếp tục cho các máy móc đó hoạt động và phải chịu trách nhiệm về hậu quả có thể xảy ra. Trong trường hợp này sỹ quan máy trực ca phải ghi mệnh lệnh của thuyền trưởng vào nhật ký máy và thuyền trưởng phải ghi vào nhật ký hàng hải;

k) Khi vắng mặt máy trưởng, sỹ quan máy trực ca không có quyền khởi động máy chính, trừ trường hợp thật cần thiết nhưng phải có lệnh của thuyền trưởng;

l) Không được tiến hành giao, nhận ca khi tàu đang điều động cập hoặc rời cầu hoặc trong thời gian đang ngăn ngừa tai nạn, sự cố, nếu không có sự đồng ý của máy trưởng;

m) Khi bàn giao ca, sỹ quan nhận ca có trách nhiệm tự mình kiểm tra trạng thái hoạt động của các máy móc, thiết bị động lực, chế độ làm việc, tình trạng kỹ thuật của máy móc và thiết bị. Sỹ quan giao ca có trách nhiệm bàn giao cụ thể và nói rõ những khuyến nghị cần thiết cho sỹ quan nhận ca;

n) Lập các báo cáo cần thiết, thực hiện các danh mục kiểm tra buồng máy và ghi chép các hoạt động buồng máy vào nhật ký máy.

Điều 50. Nhiệm vụ của thủy thủ trực ca

1. Thuỷ thủ trực ca chịu sự chỉ huy trực tiếp của sỹ quan boong trực ca, việc nhận và giao ca của thuỷ thủ trực ca do sỹ quan boong trực ca quyết định.

2. Thuỷ thủ trực ca có nhiệm vụ sau đây:

a) Không được rời khỏi vị trí của mình và phải hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách mẫn cán; khi nhận ca phải tìm hiểu cụ thể tình hình của ca trực;

b) Khi nhận ca lái, thuỷ thủ trực ca phải tiếp nhận hướng lái và giữ nguyên hướng đi đã định. Trong khi lái, thường xuyên kiểm tra hướng lái và theo dõi hoạt động của hệ thống lái; kịp thời báo cho sỹ quan boong trực ca những sai lệch của hướng lái và trục trặc của hệ thống lái;

c) Khi tàu neo đậu ở cảng, phải có mặt ở vị trí do sỹ quan boong trực ca chỉ định và thi hành các mệnh lệnh của sỹ quan boong trực ca;

d) Khi trực ca phải kiểm tra, phát thẻ và ghi tên khách lên xuống tàu vào nhật ký trực ca, không được phép cho người lên tàu nếu không được sỹ quan boong trực ca chấp thuận. Khi xảy ra tai nạn, sự cố phải kịp thời phát tín hiệu báo động và hành động theo lệnh của sỹ quan boong trực ca;

đ) Theo dõi việc xếp dỡ hàng hoá, kịp thời phát hiện những bao bì rách, bị ướt, xếp dỡ không đúng quy định và báo cho sỹ quan boong trực ca để xử lý;

e) Bật, tắt đèn chiếu sáng, chiếu sáng biểu trưng của tàu sơn trên ống khói vào ban đêm trong suốt thời gian tàu neo, đậu ở cảng; kéo và hạ cờ theo quy định; tuần tra theo yêu cầu của sỹ quan boong trực ca.

Điều 51. Nhiệm vụ của thợ máy trực ca

1. Thợ máy trực ca chịu sự chỉ huy trực tiếp của sỹ quan máy trực ca; việc nhận và giao ca do sỹ quan máy trực ca quyết định.

2. Thợ máy trực ca có nhiệm vụ sau đây:

a) Nắm vững tình trạng kỹ thuật và chế độ làm việc của máy móc, thiết bị ở buồng máy;

b) Tiếp nhận từ thợ máy giao ca tình hình hoạt động của máy móc, thiết bị và các khuyến nghị, mệnh lệnh của ca trước còn phải thực hiện; báo cho sỹ quan máy trực ca về việc nhận ca của mình;

c) Khi trực ca, thợ máy phải đảm bảo sự hoạt động bình thường của các máy móc, thiết bị được giao; thực hiện đúng quy trình vận hành máy móc, thiết bị và vệ sinh công nghiệp ở buồng máy;

d) Khi phát hiện có hiện tượng máy móc hoạt động không bình thường hoặc những hỏng hóc của máy móc, thiết bị phải kịp thời có biện pháp thích hợp để xử lý và báo cho sỹ quan trực ca máy biết để có biện pháp khắc phục.

Điều 52. Nhiệm vụ của thợ kỹ thuật điện trực ca

1. Thợ kỹ thuật điện trực ca chịu sự chỉ huy trực tiếp của sỹ quan máy trực ca hoặc sỹ quan kỹ thuật điện nếu trên tàu có bố trí chức danh sỹ quan kỹ thuật điện. Trường hợp trên tàu không bố trí chức danh thợ kỹ thuật điện thì việc trực ca điện do sỹ quan kỹ thuật điện đảm nhiệm.

2. Thợ kỹ thuật điện trực ca có nhiệm vụ sau đây:

a) Nhận bàn giao tình trạng làm việc của máy móc, thiết bị điện, điện tử;

b) Báo cho sỹ quan máy trực ca hoặc sỹ quan kỹ thuật điện biết về việc nhận ca của mình;

c) Bảo đảm chế độ làm việc của máy điện và các thiết bị điện khác theo đúng quy trình kỹ thuật;

d) Không được đóng hoặc mở các cầu dao điện chính khi chưa được phép của sỹ quan kỹ thuật điện hoặc sỹ quan máy trực ca;

đ) Bảo đảm cung cấp điện liên tục cho tàu; khi phát hiện máy điện và các thiết bị hoạt động không bình thường thì phải báo kịp thời cho sỹ quan máy trực ca hoặc sỹ quan kỹ thuật điện để có biện pháp khắc phục.

Điều 53. Nhiệm vụ của nhân viên thông tin vô tuyến trực ca

1. Nhân viên thông tin vô tuyến trực ca chịu sự chỉ huy trực tiếp của sỹ quan thông tin vô tuyến và trực ca theo chế độ thông tin vô tuyến hàng hải. Nếu trên tàu định biên số nhân viên thông tin vô tuyến không đủ thì sỹ quan thông tin vô tuyến phải trực ca. Trường hợp trên tàu không bố trí chức danh nhân viên thông tin vô tuyến thì sỹ quan thông tin vô tuyến đảm nhiệm trực ca.

2. Nhân viên thông tin vô tuyến trực ca có nhiệm vụ sau đây:

a) Bảo đảm việc thông tin liên lạc giữa tàu mình với các tàu khác và với các đài vô tuyến trên bờ. Thu nhận các thông tin, tín hiệu cấp cứu, thông báo hàng hải và bản tin dự báo thời tiết;

b) Khi nhận ca phải nắm vững trạng thái hoạt động của các thiết bị vô tuyến điện, nhất là các máy tự động thu phát tín hiệu cấp cứu;

c) Thực hiện việc thu nhận thông tin liên lạc phù hợp với quy tắc thông tin vô tuyến hàng hải quốc tế;

d) Khi nhận được tín hiện cấp cứu, phải báo ngay cho sỹ quan boong trực ca và sĩ quan thông tin vô tuyến; đồng thời, thực hiện lệnh của thuyền trưởng phù hợp với quy tắc thông tin vô tuyến hàng hải quốc tế;

đ) Chỉ phát đi những tín hiệu báo động, tín hiệu cấp cứu khẩn cấp khi có lệnh của thuyền trưởng hoặc của người được thuyền trưởng uỷ quyền;

e) Chấp hành đúng quy định trên làn sóng báo tai nạn, cấp cứu khi gọi hoặc trả lời các đài khác. Trong thời gian liên lạc thông tin không được phép nói chuyện hoặc làm việc riêng;

g) Phải chấp hành đúng quy định sử dụng các làn sóng do các đài ven biển hoặc đài kiểm tra yêu cầu;

h) Mỗi ngày ít nhất một lần phải kiểm tra để hiệu chỉnh giờ ở buồng vô tuyến và buồng lái với các đài báo giờ;

i) Không được rời khỏi vị trí trực ca hoặc làm việc riêng trong khi trực ca. Nghiêm cấm việc cho người hoặc các thuyền viên không có nhiệm vụ vào buồng vô tuyến. Nhân viên thông tin vô tuyến chỉ có thể rời vị trí ca trực khi được thuyền trưởng hoặc sỹ quan thông tin vô tuyến chấp thuận;

k) Mọi điện tín chuyển đi đều phải có sự chấp thuận của thuyền trưởng;

l) Nếu đài phát trên tàu có công suất lớn hoặc việc liên lạc có thuận lợi hơn thì phải tương trợ, giúp đỡ các đài khác khi đài đó yêu cầu;

m) Phải giữ bí mật tuyệt đối các điện tín, nội dung giao dịch vô tuyến. Chỉ có thuyền trưởng mới được quyền kiểm tra nội dung của các bức điện;

n) Phải báo cho sỹ quan thông tin vô tuyến những hư hỏng hoặc sự làm việc không bình thường của các thiết bị thông tin vô tuyến; đồng thời, phải nhanh chóng tìm mọi biện pháp khắc phục, sửa chữa;

o) Ít nhất 01 giờ trước khi giao ca phải kiểm tra hoạt động của các thiết bị thông tin vô tuyến và ghi kết quả kiểm tra vào nhật ký trực ca thông tin vô tuyến;

p) Ghi nhật ký thông tin vô tuyến; kiểm tra và đánh dấu vào danh mục kiểm tra.

Mục 4. BẢO ĐẢM AN TOÀN VÀ CHẾ ĐỘ NGHỈ NGƠI, SINH HOẠT TRÊN TÀU BIỂN VIỆT NAM

Điều 54. Phân công nhiệm vụ và hướng dẫn trong tình huống khẩn cấp

1. Trên tàu phải lập Bảng phân công nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp khi có báo động về cứu hoả, cứu người rơi xuống nước, cứu thủng tàu và bỏ tàu (sau đây gọi là Bảng phân công).

2. Trong Bảng phân công phải quy định rõ:

a) Tín hiệu báo động chung, tín hiệu báo động trong trường hợp cứu hỏa, cứu sinh, chống thủng tàu và bỏ tàu;

b) Nhiệm vụ chung của mỗi thuyền viên và hành khách khi có báo động;

c) Vị trí tập trung và nhiệm vụ cụ thể của mỗi thuyền viên, hành khách khi có báo động đối với từng loại báo động trên tàu;

d) Thành viên của các đội chỉ huy, đội buồng máy, đội ứng phó, đội hỗ trợ, an ninh, y tế và trật tự (trên các tàu khách) và nhiệm vụ của từng đội khi có báo động;

đ) Người thay thế các vị trí chủ chốt và người phụ trách vận hành thiết bị cứu sinh, cứu hỏa.

3. Bảng phân công phải được niêm yết ở các hành lang, buồng lái, buồng điều khiển máy, nơi tập trung thuyền viên và hành khách.

Điều 55. Phiếu trách nhiệm cá nhân khi báo động

1. Trong buồng ở của thuyền viên và hành khách, phải niêm yết tại nơi dễ nhìn thấy nhất "Phiếu trách nhiệm cá nhân khi báo động" được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

2. Phiếu trách nhiệm cá nhân khi báo động bao gồm nội dung sau đây:

a) Các loại tín hiệu báo động;

b) Vị trí tập trung và nhiệm vụ của cá nhân phải thực hiện đối với từng loại báo động;

c) Số xuồng và vị trí ngồi trong xuồng cứu sinh.

Điều 56. Tín hiệu báo động trên tàu

1. Tín hiệu báo động phải được phát ra bằng chuông điện và hệ thống truyền thanh trên tàu. Hồi chuông ngắn là hồi chuông điện kéo dài từ 01 đến 02 giây; hồi chuông dài là hồi chuông điện kéo dài từ 04 đến 06 giây; giữa hai hồi chuông cách nhau từ 02 đến 04 giây.

2. Tín hiệu báo động bằng chuông điện được quy định như sau:

a) Báo động chung gồm bảy tiếng còi ngắn và một tiếng còi dài lặp lại vài lần (....... -----)

b) Báo động cứu hoả gồm một hồi chuông liên tục kéo dài 15 đến 20 giây, lặp đi lặp lại nhiều lần (--------);

c) Báo động cứu người rơi xuống nước gồm ba hồi chuông dài, lặp đi lặp lại 03 đến 04 lần (----- ----- -----);

d) Báo động cứu thủng tàu gồm năm hồi chuông dài, lặp đi lặp lại 02 đến 03 lần (----- ----- ----- ----- -----);

đ) Báo động bỏ tàu gồm sáu hồi chuông ngắn và một hồi chuông dài, lặp đi lặp lại nhiều lần (. . . . . . -----);

e) Lệnh báo yên bằng một hồi chuông liên tục kéo dài 15 đến 20 giây (--------).

3. Sau tín hiệu chuông phải kèm theo thông báo bằng lời. Trường hợp báo động cứu hỏa, cứu thủng tàu thì phải thông báo rõ vị trí nơi xảy ra sự cố. Nếu hệ thống chuông điện, hệ thống truyền thanh của tàu bị hỏng hoặc không có thì có thể dùng bất kỳ một thiết bị nào đó phát ra âm thanh tương tự để báo cho thuyền viên và hành khách biết.

Điều 57. Thực hành diễn tập

1. Để thuyền viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình khi có sự cố xảy ra, thuyền trưởng phải tổ chức diễn tập đối với mỗi loại báo động trên tàu theo quy định. Riêng đối với tàu khách, thuyền trưởng phải tổ chức hướng dẫn để hành khách làm quen với các loại báo động.

2. Chỉ có thuyền trưởng mới có quyền ra lệnh tổ chức diễn tập báo động trên tàu. Việc diễn tập báo động phải được ghi vào nhật ký hàng hải và sổ theo dõi huấn luyện trên tàu.

Điều 58. Sử dụng xuồng cứu sinh

1. Xuồng cứu sinh chỉ được sử dụng vào mục đích bảo đảm an toàn cho người, hành khách, thuyền viên và diễn tập báo động cứu người rơi xuống biển hoặc bỏ tàu.

2. Xuồng cứu sinh phải được kiểm tra, bảo quản và kịp thời thay thế, bổ sung các trang thiết bị theo đúng quy định.

3. Xuồng cứu sinh do đại phó hoặc một sỹ quan boong chỉ huy. Thuyền viên được giao nhiệm vụ điều khiển xuồng cứu sinh phải có giấy chứng nhận lái xuồng cứu sinh. Xuồng cứu sinh chỉ được phép rời khỏi tàu khi có lệnh của thuyền trưởng. Khi trở về tàu, sỹ quan boong chỉ huy phải báo cáo kết quả cho thuyền trưởng.

Điều 59. Sinh hoạt của thuyền viên trên tàu biển Việt Nam

1. Thời gian biểu sinh hoạt trên tàu do thuyền trưởng quy định. Trong trường hợp cần thiết, thuyền trưởng có thể thay đổi thời gian biểu này cho phù hợp với công việc và điều kiện thời tiết của từng mùa, từng khu vực.

2. Thuyền viên phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy sinh hoạt của tàu và phải thực hiện đúng chế độ vệ sinh, phòng bệnh trên tàu. Buồng ở của thuyền viên, phòng làm việc, câu lạc bộ, hành lang, cầu thang, buồng tắm, buồng vệ sinh và các nơi công cộng khác, phải bảo đảm luôn sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp.

3. Nghiêm cấm việc đánh bạc, sử dụng ma tuý và các chất gây nghiện bị cấm, các hình thức sinh hoạt không lành mạnh khác ở trên tàu;

4. Hạn chế sử dụng chất có cồn, giới hạn mức độ nồng độ cồn trong máu không vượt quá 0,05% hoặc 0,25mg/l nồng độ cồn trong hơi thở;

5. Việc sinh hoạt, giải trí trên tàu chỉ được tiến hành đến 22 giờ trong ngày; trường hợp đặc biệt do thuyền trưởng quy định.

Điều 60. Sử dụng các buồng và phòng trên tàu

1. Căn cứ vào điều kiện thực tế, thuyền trưởng quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng các buồng, phòng trên tàu. Đại phó chịu trách nhiệm bố trí, sắp xếp buồng ở cho thuyền viên.

2. Nghiêm cấm chứa chất nổ, vũ khí, chất dễ cháy, những hàng hoá nguy hiểm, hàng cấm khác trong buồng ở, phòng làm việc và phòng công cộng.

3. Một chìa khoá buồng được giao cho người ở buồng đó, chìa khoá thứ hai được đánh số và do đại phó quản lý. Thuyền viên và hành khách không được thay đổi khoá buồng mình ở.

4. Thuyền viên được giao nhiệm vụ quản lý phòng làm việc, câu lạc bộ và các phòng công cộng khác, phải chịu trách nhiệm bảo vệ tài sản của phòng và buồng đó.

5. Khi có báo động, làm thủ tục hoặc kiểm tra chung toàn tàu, thì các buồng ở, phòng công cộng không được khoá cửa.

Điều 61. Giờ ăn và phòng ăn trên tàu

1. Giờ ăn hàng ngày trên tàu do thuyền trưởng quy định. Sỹ quan ăn tại phòng ăn của sỹ quan, các thuyền viên khác ăn tại phòng ăn của thuyền viên. Thuyền viên ăn phải đúng giờ, trừ các thuyền viên trực ca. Thuyền viên đến phòng ăn phải mặc quần áo sạch sẽ, không được mặc quần đùi, áo may ô. Khi ăn không được nói chuyện ồn ào, phải giữ vệ sinh trong phòng ăn. Chỉ có thuyền viên ốm đau và theo đề nghị của bác sỹ hoặc nhân viên y tế mới được ăn tại buồng ở của thuyền viên đó.

2. Phòng ăn phải luôn sạch sẽ, trên bàn phải có khăn trải bàn và các vật dụng cần thiết khác. Phục vụ viên phòng ăn phải mặc trang phục.

Điều 62. Nghỉ bù, đi bờ và nghỉ phép của thuyền viên

1. Việc nghỉ bù và đi bờ của thuyền viên do thuyền trưởng quyết định. Khi cần thiết thuyền trưởng có quyền chỉ định thuyền viên phải ở lại tàu để làm nhiệm vụ.

2. Khi đi bờ hoặc trở lại tàu, thuyền viên phải báo cáo sỹ quan trực ca phụ trách.

3. Khi tàu chuẩn bị rời cảng, thuyền viên phải có mặt ở tàu đúng giờ theo quy định của thuyền trưởng .

4. Khi tàu ở cầu cảng, yêu cầu ít nhất 1/3 tổng số thuyền viên của mỗi bộ phận phải có mặt tại tàu. Khi tàu neo ở các khu neo đậu, ít nhất 2/3 tổng số thuyền viên của mỗi bộ phận phải có mặt tại tàu. Khi tàu ở cảng hoặc tại các khu neo đậu, thuyền trưởng có quyền phân công trực ca cho bất cứ thuyền viên nào theo yêu cầu của nhiệm vụ trên tàu.

5. Mỗi thuyền viên trước khi rời tàu để nghỉ phép hoặc chuyển tàu, chuyển đổi chức danh phải bàn giao cho người thay thế bằng biên bản có xác nhận của sỹ quan phụ trách liên quan về các nội dung sau đây:

a) Nhiệm vụ đang đảm nhiệm;

b) Máy móc, thiết bị, dụng cụ được phân công phụ trách và những lưu ý cần thiết;

c) Tài sản, đồ dùng của tàu đã được cấp phát để sử dụng, kể cả chìa khoá buồng ở.

Chương III

ĐĂNG KÝ THUYỀN VIÊN, CẤP SỔ THUYỀN VIÊN VÀ HỘ CHIẾU THUYỀN VIÊN

Mục 1. ĐĂNG KÝ THUYỀN VIÊN VÀ CẤP SỔ THUYỀN VIÊN

Điều 63. Đăng ký thuyền viên và cấp Sổ thuyền viên

1. Thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển Việt Nam, tàu biển nước ngoài và thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam phải đăng ký với cơ quan đăng ký thuyền viên và được cấp Sổ thuyền viên.

2. Cơ quan đăng ký thuyền viên bao gồm Chi cục Hàng hải Việt Nam tại thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh; các Cảng vụ Hàng hải: Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp.

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định bổ sung Cảng vụ hàng hải thực hiện việc đăng ký thuyền viên khi cần thiết.

3. Cơ quan đăng ký thuyền viên có trách nhiệm:

a) Lập và quản lý Sổ đăng ký thuyền viên;

b) Thực hiện việc đăng ký thuyền viên vào Sổ đăng ký thuyền viên;

c) Cấp Sổ thuyền viên cho thuyền viên;

d) Kiểm tra việc quản lý và sử dụng Sổ thuyền viên.

Điều 64. Trách nhiệm của người được cấp Sổ thuyền viên

Mỗi thuyền viên chỉ được cấp một Sổ thuyền viên. Thuyền viên có trách nhiệm giữ gìn và bảo quản Sổ thuyền viên; không được tẩy, xóa, sửa chữa những nội dung trong Sổ thuyền viên, không được cho người khác sử dụng hoặc sử dụng trái với các quy định của pháp luật.

Điều 65. Trách nhiệm của chủ tàu và thuyền trưởng

1. Chủ tàu có trách nhiệm bố trí chức danh thuyền viên làm việc trên tàu và xác nhận đầy đủ, chính xác việc bố trí chức danh thuyền viên trong Sổ thuyền viên và chịu trách nhiệm về việc xác nhận của mình.

2. Thuyền trưởng của tàu có trách nhiệm xác nhận thời gian xuống tàu và rời tàu của thuyền viên trong Sổ thuyền viên và chịu trách nhiệm về việc xác nhận của mình.

Điều 66. Thủ tục đăng ký và cấp Sổ thuyền viên

1. Tổ chức, cá nhân nộp một (01) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến một trong các cơ quan đăng ký quy định tại khoản 2 Điều 63 của Thông tư này. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai đề nghị cấp Sổ thuyền viên theo mẫu tại Phụ lục II của Thông tư này;

b) Bản sao chụp kèm bản gốc hoặc bản sao chứng thực: Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn đối với các chức danh trong khung định biên an toàn tối thiểu; bản sao chứng thực chứng chỉ nghề và Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn cơ bản đối với các chức danh không có trong khung định biên an toàn tối thiểu như: phục vụ, cấp dưỡng, thợ điện, thợ máy chính và các chức danh đối với tàu cuốc như: thợ cuốc, thợ sửa chữa cơ khí;

c) Hai ảnh màu 4x6 cm, kiểu chứng minh nhân dân chụp trong vòng 06 tháng.

2. Cơ quan đăng ký thuyền viên tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

a) Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ;

b) Trường hợp nhận hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời gian chậm nhất hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thì cơ quan đăng ký thuyền viên phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan đăng ký thuyền viên thực hiện việc vào Sổ đăng ký thuyền viên và cấp Sổ thuyền viên theo mẫu tại Phụ lục I của Thông tư này. Trường hợp không cấp Sổ thuyền viên, cơ quan đăng ký thuyền viên phải trả lời bằng văn bản trong thời hạn quy định tại khoản này và nêu rõ lý do.

4. Lệ phí cấp Sổ thuyền viên thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 67. Thủ tục cấp lại Sổ thuyền viên

1. Sổ thuyền viên được cấp lại cho thuyền viên đã được cấp Sổ thuyền viên nhưng bị mất, bị hỏng, bị hết số trang sử dụng hoặc bị sai thông tin.

2. Tổ chức, cá nhân nộp một (01) bộ hồ sơ cấp lại Sổ thuyền viên trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến cơ quan cơ quan đăng ký thuyền viên đã cấp Sổ thuyền viên lần đầu. Hồ sơ cấp lại Sổ thuyền viên bao gồm:

a) Tờ khai đề nghị cấp lại sổ thuyền viên theo mẫu tại Phụ lục II của Thông tư này;

b) Sổ thuyền viên đã cấp đối với trường hợp bị hỏng hoặc bị sai thông tin;

c) Giấy tờ có giá trị pháp lý chứng minh sự điều chỉnh đối với trường hợp bị sai thông tin;

d) Hai ảnh màu 4x6 cm, kiểu chứng minh nhân dân chụp trong vòng 06 tháng.

3. Cơ quan đăng ký thuyền viên tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

a) Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ;

b) Trường hợp nhận hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời gian chậm nhất hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thì cơ quan đăng ký thuyền viên phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan đăng ký thuyền viên thực hiện việc vào Sổ đăng ký thuyền viên và cấp Sổ thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này. Trường hợp không lại cấp Sổ thuyền viên, cơ quan đăng ký thuyền viên phải trả lời bằng văn bản trong thời hạn quy định tại khoản này và nêu rõ lý do.

5. Lệ phí cấp lại Sổ thuyền viên thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 68. Thu hồi Sổ thuyền viên

Sổ thuyền viên đã cấp bị thu hồi khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây:

a) Giả mạo hoặc sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung trong Sổ thuyền viên;

b) Mua bán, cho thuê, cho mượn Sổ thuyền viên;

c) Cố tình khai báo sai lệch thông tin hoặc sử dụng giấy tờ sửa chữa, giả mạo trong hồ sơ cấp Sổ thuyền viên.

Mục 2. HỘ CHIẾU THUYỀN VIÊN

Điều 69. Cấp Hộ chiếu thuyền viên

1. Hộ chiếu thuyền viên được cấp cho thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển hoạt động trên tuyến quốc tế và có giá trị sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh theo tàu biển.

2. Hộ chiếu thuyền viên do Cục Hàng hải Việt Nam cấp theo mẫu tại Phụ lục III của Thông tư này. Hộ chiếu thuyền viên có giá trị không quá 05 (năm) năm kể từ ngày cấp mới hoặc cấp lại.

Điều 70. Trách nhiệm của người được cấp Hộ chiếu thuyền viên

1. Sử dụng Hộ chiếu thuyền viên đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật.

2. Giữ gìn và bảo quản cẩn thận, không được tẩy xóa, sửa chữa những nội dung trong Hộ chiếu thuyền viên, không cho người khác sử dụng.

Điều 71. Thủ tục cấp Hộ chiếu thuyền viên

1. Tổ chức, cá nhân nộp một (01) bộ hồ sơ trực tiếp tại Cục Hàng hải Việt Nam hoặc gửi qua hệ thống bưu chính. Hồ sơ cấp Hộ chiếu thuyền viên bao gồm:

a) Tờ khai đề nghị cấp Hộ chiếu thuyền viên theo mẫu tại Phụ lục IV của Thông tư này;

b) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân;

c) 02 ảnh màu 4x6 cm, kiểu chứng minh nhân dân chụp trong vòng 06 tháng.

2. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

a) Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ;

b) Trường hợp nhận hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời gian chậm nhất hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thì Cục Hàng hải Việt Nam phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện việc cấp Hộ chiếu thuyền viên theo mẫu tại Phụ lục III của Thông tư này. Trường hợp không cấp Hộ chiếu thuyền viên, Cục Hàng hải Việt Nam phải trả lời bằng văn bản trong thời hạn quy định tại khoản này và nêu rõ lý do.

4. Lệ phí cấp Hộ chiếu thuyền viên thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 72. Thủ tục cấp lại Hộ chiếu thuyền viên

1. Thuyền viên đã được cấp Hộ chiếu thuyền viên nhưng bị mất, bị hỏng, bị sai thông tin, bị hết số trang sử dụng hoặc hết hạn sử dụng được cấp lại.

2. Tổ chức, cá nhân nộp một (01) bộ hồ sơ trực tiếp tại Cục Hàng hải Việt Nam hoặc gửi qua hệ thống bưu chính. Hồ sơ cấp lại Hộ chiếu thuyền viên bao gồm:

a) Tờ khai đề nghị cấp lại Hộ chiếu thuyền viên theo mẫu tại Phụ lục V của Thông tư này;

b) Hộ chiếu thuyền viên đã cấp đối với trường hợp bị hỏng, bị sai thông tin, bị hết số trang sử dụng hoặc hết hạn sử dụng;

c) Giấy tờ có giá trị pháp lý chứng minh sự điều chỉnh đối với trường hợp bị sai thông tin;

d) Hai ảnh màu 4x6 cm, kiểu chứng minh nhân dân chụp trong vòng 06 tháng.

3. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

a) Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ;

b) Trường hợp nhận hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời gian chậm nhất hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thì Cục Hàng hải Việt Nam phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện việc cấp Hộ chiếu thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này. Trường hợp không cấp lại Hộ chiếu thuyền viên, Cục Hàng hải Việt Nam phải trả lời bằng văn bản trong thời hạn quy định tại khoản này và nêu rõ lý do.

5. Lệ phí cấp lại Hộ chiếu thuyền viên thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 73. Thu hồi Hộ chiếu thuyền viên

Hộ chiếu thuyền viên đã cấp bị thu hồi khi vi phạm một trong các trường hợp sau đây:

a) Giả mạo hoặc sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung Hộ chiếu thuyền viên;

b) Mua bán, cho thuê, cho mượn Hộ chiếu thuyền viên;

c) Cố tình khai báo sai lệch thông tin hoặc sử dụng giấy tờ sửa chữa, giả mạo trong hồ sơ cấp Hộ chiếu thuyền viên.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 74. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2012 và thay thế Quyết định số 29/2008/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này 05 phụ lục:

a) Phụ lục I: mẫu Sổ thuyền viên;

b) Phụ lục II: mẫu Tờ khai đề nghị cấp Sổ thuyền viên;

c) Phụ lục III: mẫu Hộ chiếu thuyền viên;

d) Phụ lục IV: mẫu Tờ khai đề nghị cấp Hộ chiếu thuyền viên;

đ) Phụ lục V: mẫu Tờ khai đề nghị cấp lại Hộ chiếu thuyền viên.

3. Hộ chiếu thuyền viên đã cấp theo Quyết định số 65/2005/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam và Quyết định số 29/2008/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam còn giá trị sử dụng đến ngày hết hiệu lực ghi trong Hộ chiếu thuyền viên đó.

4. Sổ thuyền viên đã cấp theo Quyết định số 65/2005/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam và Quyết định số 29/2008/QĐ-BGTVT ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam có giá trị sử dụng đến khi được cấp lại, đổi Sổ thuyền viên mới.

5. Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức in và cấp Sổ thuyền viên, Hộ chiếu thuyền viên theo quy định tại Thông tư này.

Điều 75. Tổ chức thực hiện

1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 75;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Trang thông tin điện tử
Bộ Giao thông vận tải;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Lưu: VT, TCCB (Tđt).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

 

 

THE MINISTRY OF TRANSPORT
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 07/2012/TT-BGTVT

Hanoi, March 21, 2012

 

CIRCULAR

STIPULATING RANKS, RANK-BASED DUTIES OF SEAFARERS AND REGISTRATION OF SEAFARERS WORKING ABOARD VIETNAMESE SEAGOING SHIPS

Pursuant to the Law on Vietnam’s Maritime dated June 14, 2005;

Pursuant to the Government’s Decree No. 51/2008/NĐ-CP dated December 22, 2008 on defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Transport;

Pursuant to the 1978 International Convention on Standards of Training, Certification and Watchkeeping for Seafarers amended in 2010 of which Vietnam is a member.

The Minister of Transport hereby promulgates the Circular on stipulating ranks, rank-based duties of seafarers and registration of seafarers working aboard Vietnamese seagoing ships.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This Circular shall stipulate ranks, rank-based duties of seafarers and registration of seafarers working aboard Vietnamese seagoing ships.

Article 2. Applicable entities

This Circular shall apply to seafarers working aboard Vietnamese seagoing ships and other relevant agency, organization or individual. This Circular shall apply to Vietnamese seafarers working aboard ships seagoing vessels only if this is governed under the specific provisions of this Circular.

Article 3. Flying of the national ensign on Vietnamese ships

1. Seafarers are obliged to protect and preserve the dignity of the national ensign flown by their ships.

2. The national ensign must be flown in the regulated position. When the ship is under sail or at anchor, the national ensign must be flown from the peak of the aftermost mast. As for ships without the stern mast, the national ensign shall be flown from the main mast.  Everyday, the national ensign shall be hoisted at sunrise and lowered at sunset. In foggy winter days, the national ensign shall be raised whenever it can be seen. The national flag may be hoisted earlier or lowered later than the regulated time under the following circumstances:

a) Ships are entering or leaving harbours;

b) Ships come across combat ships or other Vietnamese ships.

3. The national ensign shall be raised and lowered by able seafarers under the order of the deck officer of the watch.   

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. During important national holidays or special days specified in the directive of the Prime Minister, the national ensign must be raised in the manner of a flag salutation practice. When underway and in favorable weather conditions, in addition to flying the national ensign from the topmost of the aftermost mast, the ship needs another national ensign to be flown from the main masthead.

6. When the ship is at anchor in an overseas harbor, the national ensign of Vietnam must be raised before and lowered after the other ensign of the nation in whose territorial waters the ship is moored. 

7. When the ship gets underway, enters, leaves or moors in foreign waters, it must fly the ensign of the host nation in whose territorial waters it is sailing from the ship’s main mast.  

8. The national flag must be displayed in the open. On the day of the state funeral, the national ensign must be displayed in the manner of a funeral ceremony.

Article 4. Flying of ceremonial flags on Vietnamese ships

Ceremonial flags flown by ships that are at anchor in the harbor must follow the practices hereunder:

1. On the day of a significant ceremony: a string of international maritime signal flags is extended from the forwardmost mast in the ship’s prow to the aftermost mast in the ship’s stern over horizontal spars of the fore mast and main mast. The national ensign must be displayed on the topmost of the fore mast, main mast and aftmast while the ship owner’s signal flag is flown from the jack staff. Cargo handling aboard a ship shall not be obstructed by the flying of such flags;

2. On other ceremonial days: a string of international maritime signal flags is extended from the jack staff to the foremast, and the second string is running from the main mast to the ensign staff in the ship's stern.   The national ensign must be flown on the topmost of the foremast, main mast and aftmast;

3. International maritime signal flags flown by the ship must have the suitable size and color to promote its eye-catching look and dignity;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 5. Reception of guests visiting ships

When guests stipulated in Clause 4 Article 3 hereof pay a visit to a ship:

1. If a prior notification is given, the master must order all of the ship’s crewmembers to dress formally like participating in a ceremony, stand in a queue alongside the end of the ship’s gangway and the master must stand at the end of the ship's gangway to welcome guests aboard;

2. If a prior notification is not given, the deck officer of the watch must stand at the end of the ship's gangway to greet guests and immediately advise the master to come to welcome visitors.

Chapter II

RANKS AND RANK-BASED DUTIES

Section 1. SEAFARER’S RANK

Article 6. Seafarer’s rank

1. Ranks and occupations of seafarers working aboard Vietnamese ocean-going vessels shall include: master, chief officer, deck officer (second officer, third officer), chief engineer, second engineer, engineering officer (third engineer, fourth engineer), chief steward, radio communications officer, electrotechnical officer, ship security officer, cooling system officer, bosun, bosun’s mate, watchstanding seaman, main engine machinist, machinist’s mate of the watch, electrotechnical engineer, radio and wireless communications crewmember, chief purser, medical doctor or medical assistants, messman, chief cook, cook’s mate, passenger service manager, steward, head waiter, waiter, luggage storage facility manager, laundryman, accountant, cashier, salesperson, ticket seller, security guard, refrigeration and air-conditioning engineer and pump engineer. Depending on the ship type, technical specification and use purpose, the shipowner can rank the ship crewmembers in conformity with the ship manning requirement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 2. RANK-BASED DUTIES

Article 7. Master's duties

Master is the person having the supreme command of the ship. The master shall assume the following duties:

1. When the ship is transferred and received, the master shall take on the following duties:

a) The handover of ships between the receiving master and the transferring master must be directly carried out;

b) When transferring and receiving ships, the master must transfer the details of the ship hull, machinery, equipment, property and all documents, records or cash amounts as well as keep a tally of items;

c) The receiving master shall require the transferring master to provide detailed information about the special structure, technical capability and continuing completion plan. The transferring master shall required officers of each department to prepare a written report on all current activities of their departments and declaration of the ship’s assets. The receiving master in conjunction with the chief officer, chief engineer and second engineer to check and verify the current condition of the ship;

d) Time of commencement and end of such ship handover must be specified in the record signed by both parties as well as recorded in the marine logbook. The record on the handover of the ship shall be made into 04 copies: 01 copy sent to the shipowner and 02 remaining copies delivered to the transferring and receiving party;

dd) The transferring master must convene the general meeting with ship crewmembers to introduce the ship-receiving master and give the newly-appointed master a notification of the time of ship command transfer.  

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Follow the order of the shipowner to bring the ship into operation or suspend the ship's operation, repair or dispose of the ship;

b) Before voyage, the master is obliged to take measures to maintain the safety and security for passengers, ship and cargos, inclusive of technical equipment, fuel, fresh water, food or provisions aboard the ship;

c) Designate the chief officer and chief engineer to make essential preparations for the ship’s safe departure at the regulated time;

d) Check the availability of the nautical chart and other nautical documents relating to the whole itinerary;

dd) Update the weather condition of the zone where the ship is going to move past, formulate the journey plan and set a course by using the nautical chart in which nautical factors such as geographical, meteorological – hydrographical conditions as well as others may cause any impact on the journey;

e) Check whether the cargo handling conforms to the cargo hold diagram so that the quantity and quality of cargos are kept unchanged.   Especially, the breakbulk or dangerous cargo handling and shipping are taken into particular consideration; the ship capacity and tonnage must be optimized but the stability and safety of the ship must be guaranteed;

g) At least 02 hours before leaving the harbor, the master must put all essential preparations under control and check the presence of ship crewmembers and others aboard the ship;

h) In case there is any absence of crewmembers, in order for the ship to depart at the right time, the master must promptly notify the director of the maritime administration and the shipowner when the ship is domestically moored, or notify the agent, Vietnam's competent diplomatic mission when the ship is moored in overseas countries, of full name, rank and shore-leave time of the absent crewmember.   At the same time, the master must take necessary measures to call this absent crewmember back to the ship in time for the journey or require him/her to embark at the next harbor provided that such absence causes no impact on the ship safety; 

i) Unceasingly maintain the shipping safety, security and environmental pollution prevention.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Guarantee the adequate and accurate number of crewmembers and passengers specified in the crew and passenger list;

b) Examine the implementation of the journey plan formulated before departure; carry out the regular inspection of the seafarer’s shift work at the nautical bridge in order to ensure that the ship is following the right route according to the journey plan and issue the order to the officer of the watch when necessary;

c) Except the master, no one has the right to change the specified course. In the event that there is a risk of crash or in order to serve the purpose of avoiding unforeseeable dangers, or if a person is seen falling off the ship, the deck officer of the watch shall exercise the right to change the course and then immediately report to the master;

d) Hurriedly turn up at the nautical bridge when the deck officer standing watch in the nautical bridge demands their presence and be regularly present at the bridge when the ship is sailing into the narrow navigable channels, straits, canals or near the coast, or when the ship is entering or leaving the harbor, or in dangerous zones, unfavorable weather conditions with restricted vision or passing zones where a large number of ships are getting underway. Under the abovementioned circumstances, the master is required to apply appropriate measures and place the anchor at the ready position as well as notify the bridge of these circumstances to get ready to take action upon request;

dd) If the ship is heading towards any iceberg, obstacle and is likely to face the direct danger or sailing into the tropical cyclone, the zone struck by below-zero-Celsius temperature along with the strong wind freezing the ship superstructure, or sailing against the wind force on the 9th or above-9th scale without receiving any information about such condition, the master is required to apply necessary measure to cope with it in an appropriate manner with the aim of protecting passengers, ship and cargos; concurrently, promptly keep ships operating nearby, shipowner and the competent authority that the ship can contact in the first attempt, informed of this situation;

e) In case the ship is led by an ice-breaking ship to get underway into the zone covered by icebergs, the master must follow the instructions of the master of this ice-breaking ship and send a prompt report on any related issue to ensure the safety for their ship voyage;

g) Carry out the daily examination and append their countersignature to authenticate the content written in logbooks in accordance with legal regulations;

h) Regularly perform the task of maintaining the shipping safety, security and environmental pollution prevention.

4. When the ship is guided by using the pilotage, the master shall take on the following duties:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Ensure the safety for the embarkment and disembarkment of pilots, arrange accommodations and meals for them as well as provide favorable conditions for pilots to accomplish their tasks;

c) Before pilots perform their tasks, the master shall notify them of the ship maneuvering characteristics, engine and equipment condition and other necessary information in order to provide the best conditions for pilots to act on their own initiative in guiding the ship;

d) Get ready to be present at the bridge to punctually deal with any situation, keep a sharper lookout and prepare the ship anchorage in the permitted casting position.   If leaving the ship bridge is inevitable, the ship master shall introduce his authorized officer to pilots; 

dd) The use of pilotage guiding the ship shall not lead to any exemption or exclusion of the master’s liability for operating the ship.  The master shall take measure to promptly and accurately prevent and deal with any situation that may happen in order to ensure the absolute safety for the ship;

e) In case pilots make an inaccurate or unreasonable decision on dealing with such situation, the master is obliged to suspend these pilots’ actions and require pilots to take appropriate actions in order for their ship to sail at sea in a safe and sound manner.  When necessary, the master shall be entitled to find any replacement for these pilots.

5. When a person is seen falling off the ship, the master shall take on the following duties:

In case there is a person seen falling off the ship, the master must take action in an immediate and efficient manner to search this person, concurrently notify the ship owner, manager or charterer, coastal radio station, marine search and rescue, maritime administration and the nearest competent authority as well as call for help with the search and rescue from other ships operating nearby; only make a decision to steer the ship away from the area where that person is falling off the ship when there is no hope for finding that person though all attempts have made, except when this decision may result in severe dangers posed to the ship and people aboard that ship.    Time and measures which have been taken to search and rescue the victim must be recorded into the nautical logbook.

6. When the search and rescue is carried out, the master shall take on the following duties:

a) When receiving the distress signal or discovering a stricken ship, the master shall be responsible for quickly maneuvering their ship to assist in the search and rescue on condition that such action does not cause any serious danger to the ship and crewmembers.  Time and position of the stricken ship along with reasons for agreeing or refusing to assist in the search and rescue must be recorded into the nautical logbook;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) When discovering the abandoned ship, if possible, the master is obliged to tow such ship toward the nearest harbor and notify the competent port state control or maritime administration, ship owner, manager or charterer and diplomatic missions of Vietnam in the country where such harbor is located.  In case it is impossible to tow the ship, the position of that ship must be recorded in the nautical logbook, reasons for failure to tow that ship, and the nearest port state control or the maritime administration must be notified as well.

7. When the ship has an accident or collision, the master shall take on the following duties:

a) In case the ship collides with the other ship, the master must require the master of the latter to provide information about name, serial number, IMO number, port of registration, port of departure, port of call, port of arrival and name of the shipowner.  Simultaneously, the master shall take turn to provide such information for the master of the latter and report to the nearest ship owner, charterer and maritime administration. Within the permitted capability and condition, the ship shall be liable to rescue the stricken ship over which the rescue of people trapped on board the ship shall take priority;   

b) After any accident, crash or collision occurs, the master must immediately keep a record of what have happened in which any loss or damage caused for both ships shall be validated by both ship masters and interested parties.  Concurrently, they are required to proceed to improve their documentation about such event in accordance with legal regulations;

c) When the ship meets with accidents, if there is no likelihood of being rescued and it is inevitable that the ship must be abandoned, the master shall take all possible measures to save people and find the way to carry the nautical logbook, engine logbook, radio communications logbook and nautical chart indicating the accident area, cash and other necessary documents and records of the ship;

d) On seeing that the ship needs assistance from other ships, the master of the stricken ship is required to apply all possible measures to call for such assistance in which any assistance offered by ships flying the national ensign of Vietnam shall be considered the top priority;

dd) Whilst receiving assistance from other ships, the master shall be responsible for commanding ship crewmembers, passengers to strictly comply with regulations of the assistance-offering ship;

e) The master is required to prepare a comprehensive report on the nautical accident that happened to the ship in accordance with legal regulations.

8. When the ship is abandoned, the master shall take on the following duties:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) When abandoning the ship, the master shall be still charged with search and rescue of passengers (if any), missing crewmembers and apply necessary measures to take the remaining people to the safe place and repatriate them if the ship met with an accident abroad;

c) The master must be the last one to leave the ship.

9. When there is a patient aboard the ship, the master shall take on the following duties:

a) If it is impossible to cure the patient on board the ship, the master shall be responsible for finding all necessary measures to call for the medical assistance, even navigate their ship in the nearest harbor and immediately report to the port state control and ship owner, manager or charterer; 

b) In case the master is seriously ill or is suffered from a sudden accident, the command of the ship shall be assigned to the chief officer and the ship owner, manager or charterer shall be notified to take prompt action; concurrently, the master shall report to the competent diplomatic mission of Vietnam at the host country if the ship is sailing abroad, and record this into the nautical logbook.

10. When the ship is entering, leaving the harbor or lays at anchor, the master shall take on the following duties:

a) When the ship is operating within the territorial waters or lays at anchor in the harbor or permitted anchorage areas in Vietnam or other overseas countries, the master shall comply with Vietnam's laws, International Agreements of which the Socialist Republic of Vietnam is a member as well as laws of that host country;   

b) Before and whilst completing the customs inward clearance procedure, or whilst and after completing the customs outward clearance procedure, the master shall not allow crewmembers to contact other persons, except when such contact is actually necessary;

c) In case there is any dispute pertaining to the ship or any crewmember is arrested, the master must punctually file a nautical appeal and immediately report to the competent diplomatic mission of Vietnam in that host country and ship owner, manager or charterer so that they can find possible solutions to this;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) When the ship is operating in unfamiliar areas or restricted visibility or near the area full of obstacles, the master shall order other officers to be in place for their assigned tasks;

e) The master must appear at the bridge when maneuvering the ship to enter or leave the harbor, or tying or untying the ship at the dock or the anchorage.  When the ship moors in the area where nautical safety requirements are not met, the master’s permanent presence is requested on board the ship.  If the master must be absent from the ship, the master must order the chief officer to act on behalf of the master to cope with any situation that may arise;

g) Prior to this absence, the master must provide specific instructions on tasks that the chief officer or the deck officer of the watch is assigned to perform; as for important issues, the master shall clearly record them into the nautical logbook and notify the deck officer of the watch of his address, telephone number (if available) during his absence from the ship;

h) Carry out the daily examination and append their countersignature to authenticate the content recorded in the logbook in accordance with regulations;

i) Upon completion of voyage, the master must submit the report to the ship owner, manager or charterer on the voyage and the result of implementing the plan on the ship operation.

11. When the ship is carrying passengers, the master shall take on the following duties:

Take necessary measures to ensure the absolute safety of passengers, crewmembers, cargos, luggage and ship's property; give on-board training in life-saving, firefighting and anti-flooding practices to the crew and provide the safety drills for passengers in using life-saving and fire-fighting equipment as well as other safety devices.

12. On receipt of the newly-built ship, the master shall take on the following duties:

When receiving the newly-built ship, the master shall be responsible for taking the delivery of this ship by keeping a record of the ship hull, machinery, entire technical equipment, technical documentation, records, ship’s property, catering apparatus and supplies.  a) When transferring and receiving the ship, a record on such transfer and receipt must be created with countersignatures appended by the transferring party and the ship master of the receiving party. Provide the crew with opportunities to get familiar with the ship in order to early bring the ship into operation. 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Consider approving ship repair items prepared by the chief officer, chief engineer and report to the ship owner to seek their decision;

b) Submit a report to ask for permission from the ship owner for any change or supplementation to such items when necessary and carry out such change or supplementation only if receiving the written consent from the ship owner; 

c) During the repair time, the master must apply necessary measures to ensure the safety of the ship and comply with rules and regulations set out by the ship repair service facility; work with the chief officer, chief engineer and other interested party to examine the ship's hull, seacock system, propeller, rudder and create a document confirming the current condition of these ones. This examination must be repeated before the ship leaves the ship repair service facility and this must be verified by the class society;

d) Examine and monitor the progress of repair work and quality of repair service, ensure the labour safety and facilitate the crew's best practice of ship repair and preservation in the process of ship repair;

dd) Upon completion of ship repair, the master shall conduct the acceptance testing on specific repair items in order to ensure the accepted quality as well as avoid causing any damage or loss for the ship owner.

14. Master's watchstanding duties:

a) If no one holds the third officer rank, the master shall be charged with standing watch as a third officer;

b) If there is none of the second officer and third officer aboard the ship, these rank-based duties shall be assumed by the master and chief officer in conformity with the assignment of the master.

Article 8. Chief officer's duties

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Directly manage, operate the ship, human life activities and ensure the security for the ship; directly manage and oversee the deck, steward and medical department on board the ship, and assist the master in directing the work of the deck officer when the ship is stopped and making no way through the water. If the master is absent, the chief officer shall act on behalf of the master to take charge of general work aboard the ship; by order of the master, issue orders relating to the crew’s resumption of duties in accordance with regulations laid down in this Circular;

2. Stand watch from 4 am to 8 am and from 4 pm to 8 pm in a day.  When maneuvering the ship to enter, leave the harbor or operate in the narrow channel, reach the anchorage, the chief officer must appear at the ship’s bow to command the execution of the master’s order;

3. Examine and control the compliance with the process and rule of technical and labor safety within their department on a regular basis;

4. Operate and preserve the ship’s hull, deck, derrick, superstructure, stateroom, work room, treasure chest, machinery system and deck equipment items such as cargo hold system, anchor, rudder, winch, derrick, lashing, fire safety system, water-level measurement system, ventilation, anti-flooding instrument and life-saving equipment in conformity with the technical operation procedure and rule; submit a timely report to the master on any damage or loss and recommend remedial measures; as for equipment items in the engineering department, inform the chief engineer of such damage or loss in order to find solutions;

5. Monitor man days and schedule the compensated time-off for the deck crewmembers; arrange meals, accommodations, work, study, rest and recreation period for crewmembers;

6. Collaborate with the chief engineer to formulate and submit the chart of the crew’s assigned tasks to the master when receiving fire, life-saving, ship flood and abandoning alarms; hold at least one safety drill on a monthly basis to train crewmembers in fire-fighting, life-saving and anti-flooding practices; directly command all of the crew's actions to be taken to save the ship when receiving alarms; check the number of crewmembers and passengers, and supervise, guide and help them to clamber down to lifeboats whenever there is any ship-abandoning alarm, and by all means, assist the master in protecting the nautical logbook, radio logbook, nautical chart, cash and other important papers; carry out the periodical examination of life-saving, fire-fighting and anti-flooding equipment and report to the master to find solutions; carry out the periodical survey of the ship's hull and deck equipment;  

7. Create the deck equipment repair logbook and check the result of such repair; formulate the plan to provide technical spares, materials and equipment, fresh water, food and provisions as well as manage and utilize these ones;

8. Survey bilge water, ballast water tank, fresh water tank. When necessary, order the officer who stands watch of the water pump to make an adjustment to ensure that the ship is kept balanced when at sea; check lashings, area near the rudder before giving an order for the engineering department to perform the test run;

9. In the absence of the master, if there is any emergency case which may pose a risk to the safety of the ship, or when receiving an order given by the Director of Maritime Administration or ship owner, the chief officer shall be responsible for requesting the pilot to maneuver the ship in conformity with the accepted safety standard; 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

11. Before the ship leaves the harbor, the chief officer is obliged to check, review and report to the master on issues relating to the voyage such as tight closing of cargo hatch, water-tight door, lashing or fastening of deck equipment and cargos, the number of crewmembers aboard the ship and checking whether there are any stowaway; check the navigation system, anchor equipment, radio, sound and light signal transmitter, side light, bell and intercom equipment on board the ship.     At least 02 hours prior to departure from the harbor, the chief officer is obliged to send a detailed report on preparations for the voyage to the master;

12. Manage the loading and unloading of cargos, mails, packages or parcels and prepare necessary cargo documents for submission to the master; send a daily report to the master on cargo handling and the volume of cargos handled on board the ship; before the handling of cargos, the chief officer shall be charged with setting up the cargo stowage plan upon the request of the master so as to take the most advantage of the ship's cargo carrying capacity and tonnage, conform to onboard cargo handling and shipping regulations; In particular, pay much attention to the handling of consolidated cargos, deconsolidated cargos unloaded at different ports of discharge, dangerous freight, break-bulk cargos, deck cargos and others. The cargo handling and stowage plan must be approved by the master before loading or unloading of cargos;

13. In the process of handling cargos, the chief officer must appear all the time aboard the ship so as to control the cargo handling progress; prevent any damage, loss or wastage in order to guarantee a sufficient number and quality of cargos on delivery; if the chief officer's absence is needed, the chief officer is required to notify the master of this and assign the task of monitoring the cargo handling to the deck officer of the watch as well as elaborate on significant requirements and notice;

14. When handling cargos, the chief officer shall examine the cargo dunnage, partitioning and air conditioning; comply with the process and rule of cargo shipping, especially for dangerous cargos, bulk-break cargos and deck cargos; guarantee the labor, engine and equipment safety for the cargo handling staff aboard the ship;  

15. Control the closing and opening of cargo hold hatch in conformity with the technical regulations; directly monitor the sealing of the cargo hold and check all seals as agreed upon in the shipping contract;

16. If there is any impact on cargos, the chief officer must take all necessary measures to save cargos and immediately report to the master; carry out the regular inspection of lashing and fastening of cargos and cargo hatch; apply all appropriate measures to ensure the safety of cargos when the ship is getting underway in the bad weather condition; carefully check the cargo hold before cargo stowage and apply all proper measures to ensure the safety of the ship and cargos;

17. Ensure that the handling and shipping of dangerous, breakbulk, bulk, deck, oversized, heavy and other special cargos shall conform to statutory standards;

18. Take care of the passenger stewardship aboard the passenger ship without the chief steward;

19. Formulate, implement and examine the implementation of the deck survey and maintenance plan;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

21. Assume other duties assigned by the master.

Article 9. Chief engineer's duties

The chief engineer is the person managed and supervised by the master. The chief engineer shall assume the following duties:

1. Manage and control work activities and compliance of crewmembers of the engine and electrical department with regulations on work, watchstanding and rest;  

2. Manage and control the safe and cost-effective operation of all machinery and devices such as main engine, boiler, cooler, auxiliary engine, electrical machine, electrical appliances and other propelling devices and systems in uniformity with current procedure and regulations; ensure the technical safety in use, preservation, maintenance and repair of machinery, system or devices under the control of other departments such as anchoring equipment, mechanical components of steering machine, cargo handling gear, mooring, piping, ventilation and other systems, and guide this department's crewmembers through the correct operational procedure; 

3. Examine and control the compliance with the process and rule of technical and labor safety within their department on a regular basis;

4. Supervise, monitor the compliance with the fire and explosive fighting and prevention practice in the engine room, power generation station, factory, treasure store, work room, stateroom and other areas managed by the engine and electrical engineering department on a regular basis;

5. When receiving the warning signal, the chief engineer must direct the crew of the engine and electrical engineering department to adhere to their assigned duties. In case of abandoning the ship, the chief engineer is required to carry along and guard the engine logbook as well as other related records;

6. Carry out the daily inspection of recording and append the countersignature on the engine, oil logbook and record books of operation of ship machinery and devices managed by the engine and electrical engineering department; 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. Directly operate the ship engine when maneuvering the ship to enter or leave the harbor, through the sea straits, narrow channels and dangerous areas or restricted visibility zones or by order of the master, and only if the master agrees, the chief engineer shall be allowed to leave the engine room or navigation room (if any) and assign the second engineer to act on his behalf to operate the engine;

9. Execute the ship maneuvering order of the master in a timely and accurate manner; if the chief engineer fails to execute or delay executing such order for some reasons, the chief engineer must promptly report to the master to find solutions. Under certain special circumstances, if executing the master's order poses a risk to the crew's life or causes any damage to ship machines or devices, the chief engineer must immediately report to the master and the master's order shall be implemented provided that the master makes a decision to allow the chief master to continue executing this order. The master’s order and execution of this order must be recorded in the nautical logbook and engine logbook;

10. Examine preparations of the engine and electrical engineering department for the voyage and report to the master on his department’s preparations in at least 02 hours before the ship’s leaving the harbor;

11. Send a report to the ship owner and charterer on the machinery and device condition in accordance with the reporting regulation;

12. Whilst maneuvering the ship in the harbor, narrow channels or underway at sea, if the chief engineer wishes to change the operational rule of machines or other technical devices or adjust fuel, fresh water or ballast water, the master's consent must be obtained; 

13. Anticipate difficulties or breakdowns that may happen to machines or devices, and plan proper measures to be taken to deal with these ones in an effective manner when these situation actually happen; concurrently, report to the master to find solutions when these unexpected situations arise;

14. If there is any failure or breakdown that may happen to machines or devices, the chief engineer shall take advantage of his assigned duties and experience to deal with these ones and promptly report to the master on measures that have been taken and the next actions to be taken;

15. In case any crewmember of the engine and electrical engineering department damages onboard machines or devices, the master shall have the right to suspend that crewmember’s work and promptly report to the master;

16. When the ship is at anchor in the harbor, if the master agrees, the chief engineer can be absent from the ship but he must assign his duties to the second engineer and clearly state the contact address and telephone number (if any);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

18. When taking delivery of the ship newly built, ship newly purchased or ship which has been completely repaired, the chief engineer shall conduct the acceptance testing and accept mechanical and electrical components when these components successfully pass such testing;

19. Formulate, implement and examine the implementation of the engineering preservation and maintenance plan;

20. The chief engineer shall perform the watchstanding duty under the following circumstances:

a) If there is no second engineer rank aboard the ship, the watchstanding duty shall be assumed by the chief engineer;

b) If there is none of the third officer aboard the ship, these rank-based duties shall be assumed by the chief engineer and second engineer under the assignment of the chief engineer;

c) If no one holds the fourth engineer rank aboard the ship, the chief engineer shall be charged with standing watch as a fourth officer;

21. Assume other duties assigned by the master.

Article 10. Second engineer's duties

The second engineer is the person next in rank to the chief engineer and is directly supervised by the chief engineer. The second engineer shall assume the following duties:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Ensure the normal technical condition and operation of the main engine, propeller shaft system, emergency diesel generator, freshwater distiller, mechanical component of the steering engine, machine used for towing firefighting machines and devices in the engine room and air compressor tank used for starting the engine; deck machines or devices such as winch, anchor; cargo handling gear, oily water separator, sewage treatment equipment and ballast water treatment system; automated equipment, inspection, measurement and test devices or instruments as well as other equipment used for machines or devices under the second engineer’s management;   

3. Draw up the work plan of the engineering department; set up the watch system and record working hours, man days, and arrange leave and compensated time-off of crewmembers in the engine and electrical engineering department;  

4. Be present when starting the main engine, and close the propeller drive as well as other important machinery items;

5. Formulate and provide the chief engineer with the repair, maintenance plan, bill of supplies, spare parts used for the main engine and machinery or devices put under their control as well as implement the approved repair plan;

6. Receive, store, distribute and calculate the volume of lubricating oil;

7. Monitor, record technical specifications, or items upon completion of repair and maintenance; manage different technical records, documents and machinery logbooks;

8. Directly provide professional training and instruction for crewmembers of the engine and electrical engineering department;

9. For the period of at least 03 hours prior to departure from the harbor, the second engineer is obliged to send a detailed report on preparations for the voyage to the chief engineer;

10. Provide professional instructions for the second engineer cadet;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

12. The second engineer shall be tasked with standing watch from 4 am to 8 am and from 4 pm to 8 pm in a day;

13. Assume other duties assigned by the chief engineer.

Article 11. Second officer's duties

The second officer is directly managed and supervised by the master when the ship is getting underway, and of the chief master when the ship is stopped or making no way through the water. The second officer shall take on the following duties:

1. Directly manage and control the preservation and maintenance of nautical machinery and appliances, nautical chart and nautical documents or records or instruments on board the ship;

2. Manage the bridge, nautical chart room and nautical logbook; preserve and amend the nautical chart and other documents according to the incoming notification;

3. Set up the journey plan and prepare the nautical chart, documents useful for the voyage; check the side light, nautical machinery, appliances and devices within his scope of operation;

4. Preserve and maintain normal operation of marine chronometer, weather station or instrument, and take the measurements on a daily basis and write the weather station logbook;

5. Preserve, check the tolerance and calibrate marine machinery and appliances on board the ship; manage components and spare parts of nautical machinery and appliances; directly turn on and off the gyro compass by order of the master;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Assist the chief officer in receiving, delivering and handling cargos in conformity with the cargo stowage plan approved by the master;

8. When steering the inward or outward ship in the harbor, the second officer must be present in the aftmost part of the ship or in the position designated by the master in order to command crewmembers to execute the master’s order as well as take charge of several duties of the chief officer;

9. At least 03 hours before the ship leaves the harbor, the second officer is obliged to send a detailed report on preparations for the voyage to the chief officer;

10. Take over the duties assigned to the third officer if there is no third officer rank aboard the ship, except for the watchstanding duty assumed by the master;

11. Provide professional instructions for the second officer cadet;

12. Stand watch from 00 am to 04 am and from 12 pm to 4 pm in a day.

13. Assume other duties assigned by the master.

Article 12. Third officer's duties

The third officer is directly managed and supervised by the master when the ship is getting underway, and of the chief officer when the ship is stopped or making no way through the water. The second officer shall take on the following duties:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Regularly check appliances aboard the lifeboat, formulate the plan and periodically replace and add appliances, fresh water, food and emergency medicine after obtaining the master’s approval;

3. Directly take charge of administrative and managerial work aboard the ship if there is no chief purser;

4. Assist the master in preparing documents in order to apply for the ship's entering and leaving the harbor;

5. Assist the chief officer in examining and preserving ship anti-flooding equipment and appliances;

6. Assist the second officer in preserving and calibrating nautical instruments and appliances as well as adapt the nautical chart and other nautical guides;

7. At least 03 hours before the ship leaves the harbor, the third officer is obliged to send a detailed report on preparations for the voyage to the chief officer;

8. When navigating the ship to leave or enter the harbor, the third officer must be present at the bridge to execute the master’s order to operate the bell, write the ship maneuvering logbook, and identify the ship's position as well as perform other nautical tasks;

9. Provide professional instructions for the third officer cadet;

10. Stand watch from 08 am to 12 am and from 8 pm to 12 pm in a day;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 13. Third engineer's duties

The third engineer is directly managed and supervised by the chief engineer. The third engineer shall assume the following duties:

1. Directly manage and operate the machine towing the power generator, independent air compressor, fuel oil, lubricant purifier, fuel oil pump, fuel heater and other equipment items. Upon working aboard the steam ship, the third engineer shall be charged with operating the boiler and its peripheral equipment; directly take charge of the boiler engineer’s tasks if there is no chief boiler engineer aboard the ship;

2. Operate and manipulate the main engine, machinery and other appliances to ensure that they operate in conformity with the accepted technical standard, process and regulations;

3. Receive, store, distribute, adjust and calculate the fuel volume;

4. Formulate and provide the chief engineer with the plan for repair, maintenance of machinery and appliances within his scope of operation and carry out the approved repair plan;

5. Create the bill of technical materials used for machinery and appliances within his scope of operation, and manage, use such technical materials in accordance with current regulations;

6. Monitor and record technical specifications, and manage documents or records about machinery within his scope of operation;

7. At least 03 hours prior to the ship’s departure from the harbor, the third engineer is obliged to send a detailed report on preparations for the voyage to the chief engineer;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. Provide professional instructions for the third engineer cadet;

10. Stand watch from 00 am to 04 am and from 12 pm to 04 pm in a day;

11. Assume other duties assigned by the chief engineer.

Article 14. Fourth engineer's duties

The fourth engineer is directly managed and supervised by the chief engineer. The fourth engineer shall assume the following duties:

1. Directly manage and operate the piping system, ballast water system, bilge pump, drainage pump and other equipment supporting such systems; engine-room ventilation system, sanitary water supply system, auxiliary boiler, engine of the lifeboat, independent pumps and sound signaling system; if there is no air-conditioning officer rank aboard the ship, the fourth engineer shall be charged with carrying out the technical operation of cooling equipment, air conditioning or cooling system;

2. Ensure that machines or appliances are operated in a proper manner, and in conformity with current operational procedure and regulations;

3. Formulate and provide the chief engineer with the plan for repair, maintenance of machinery and appliances within his scope of operation and carry out the approved repair plan;

4. Prepare the bill of technical materials used for machinery and appliances within his scope of operation, and manage, use such technical materials in accordance with current regulations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Monitor and record technical specifications, and manage documents or records about machinery within his scope of operation;

7. At least 03 hours prior to the ship’s departure from the harbor, the fourth engineer is obliged to send a detailed report on preparations for the voyage to the chief engineer;

8. Provide professional instructions for the fourth engineer cadet on board the ship;

9. Stand watch from 08 am to 12 am and from 8 pm to 12 pm in a day;

10. Assume other duties assigned by the chief engineer.

Article 15. Chief steward's duties

The chief steward is directly managed and supervised by the master. The chief steward shall assume the following duties:

1. Manage and supervise the steward department and take charge of tasks relating to the shipping of cargos and passengers aboard the ship;

2. Guarantee that passenger room, club, recreational facility, galley and rooms used for storing passenger servicing appliances and equipment and accommodation room for crewmembers of the steward department are kept tidy and clean; before welcoming passengers aboard, the chief steward shall work with the medical doctor to check the passenger room;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Manage property of the department under his management, formulate the plan to additionally provide or replace instruments or appliances in order to ensure that they are sufficient enough and achieve the specified quality standard;

5. Examine and control the ship security, sanitation, technical, labor and fire safety within the department that falls within his jurisdiction on a regular basis;

6. Before passenger embarkment, the chief steward is required to check closing of water-tight doors, lashing, fastening and fixation of items of the department that falls within his jurisdiction;  

7. Examine, inspect and supervise the passenger service provided by the department that falls within his jurisdiction;

8. Supervise the meal preparation so as to ensure that meals shall conform to food safety and hygiene standard and meet the requirement for an amount of food in a meal set per each passenger;

9. Work with the medical doctor to carry out the medical check for crewmembers in the department that falls under his jurisdiction; promptly detect and report to the master on any crewmember failing to meet the health requirements to work in the steward department;

10. Collect opinions from passengers and report to the master in order to find timely solutions;

11. Provide safe custody of stand-by keys of the passenger room in accordance with regulations;

12. Regularly check the preservation of treasury stores, property and items used for passenger services; 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

14. After 24 hours from the end of the voyage, the chief steward is required to submit the financial statement on receipts and expenses to the master for approval and then forward it to the ship owner.

Article 16. Duties of radio communications officer

The radio communications officer is directly managed and supervised by the master. Radio communications officer shall take on the following duties:

1. Directly manage and operate the machinery system, radio communications equipment aboard the ship in conformity with specified procedure and regulations; manage and supervise the work activities of radio communications crewmembers;

2. Ensure that radio communications machinery and appliances aboard the ship conform to technical standards and operate in a normal condition; regularly examine the technical condition and conformity certificate of radio communications machinery and appliances as well as send a prompt report to the master; deal with breakdowns that may happen to radio communications machinery and appliances as well as ensure that such machinery and appliances properly work;  

3. Ensure that the radio communication system must be thorough in conformity with the nautical information rule; comply with regulations on receipt of weather forecast bulletins and nautical notifications;

4. Thoroughly grasp the condition of machinery and appliances in the radio communication system aboard the ship; formulate and provide the master with the plan for repair and maintenance of machinery, radio communications facilities as well as implement the approved plan;

5. Create the bill of technical materials used for the radio communications system aboard the ship and bear responsibility to manage and use such technical materials;

6. In case the ship meets with accidents or if the distress signal is received from the automated alert equipment, the officer must immediately report to the master;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. When being assigned duties aboard the ship, the officer shall receive the detailed report on radio communications equipment, telephone and radio communications machine on board the lifeboat, technical materials, records and documentation, radio communications logbooks and memos; 

9. Radio communications officer shall stand watch depending on the operation of the radio communications system.

10. If there is no manning level applied to radio communications officers, radio communications crewmembers shall take over the duties of a radio communications officer; if there is none of radio communications officer rank or radio communications crewmember rank, the radio communication duties aboard the ship shall be assigned to crewmembers who have gained the respective certificate of professional qualification.

Article 17. Duties of the electrotechnical officer

The electrotechnical officer is directly managed and supervised by the chief engineer. The electrotechnical officer shall assume the following duties:

1. Manage and operate the work of the electrotechnical engineer;

2. Directly manage and operate all of electrical systems and appliances aboard the ship in conformity with current procedure and regulations such as power generator, automatic remote control system, intercom system, signal system and electrical source of nautical electrical machines and other equipment; operate the computer network; directly control electrical engine, converter, emergency generator, side light and battery;

3. Guarantee the normal technical condition of electrical machinery and appliances aboard the ship;

4. Create and provide the chief engineer with the plan for repair and maintenance of electrical machinery and appliances aboard the ship as well as implement such plan;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Supervise the operation of electrical machinery and appliances aboard the ship;

7. Be present at the main distribution panel when the ship enters or leaves the harbor or operates through narrow channels or in restricted visibility areas, operating pumps, or pre-operating cargo gear or choose the running mode of the power generator; 

8. Monitor and record technical specifications, and manage documents or records about machinery within his scope of operation;

9. Carry out the work assignment, set up the plan for work and rest of electrotechnical engineers; 

10. At least 03 hours prior to the ship’s departure from the harbor, the officer is obliged to send a detailed report on preparations for the voyage to the chief engineer;

11. If there is electrotechnical officer rank aboard the ship, all duties to electrical work aboard the ship shall be performed by the electrotechnical officer. If there is only electrical engineer rank aboard the ship, all duties relating to electrical work shall be assumed by the electrotechnical engineer.  If there is neither of electrotechnical officer or electrical engineer, all duties relating to electrical work aboard the ship shall be assigned by the chief engineer.

Article 18. Duties of the ship security officer

The ship security officer is the senior officer appointed by the ship owner and is directly managed and supervised by the master. The ship security officer shall assume the following duties:

1. Carry out the regular examination of ship security according to the approved ship security plan; supervise the implementation of the ship security plan, inclusive of any amendment or supplementation to such plan;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Propose any amendment or supplementation to the ship security plan;

4. Whenever detecting any defect and unsuitability of the ship security plan, the ship security officer must report to the security officer of the shipping company and make any correction or amendment;

5. Be always conscious of the ship security; train people on board the ship for security tasks; report to the shipping company's security officer on any security risk that may occur aboard the ship;

6. Collaborate with the security officer of the shipping company and the port where the ship arrives to implement the ship security plan;

7. Carry out the regular inspection so as to ensure that all security equipment aboard the ship work, maintained and calibrated in a proper manner.

Article 19. Cooling system officer’s duties

The cooling system officer is directly managed and supervised by the chief engineer. The cooling system officer shall assume the following duties:

1. Keep cooling machinery and appliances aboard the ship in a normal working condition and conform to the technical standard; stand watch depending on the operational mode of the cooling system aboard the ship;

2. Directly manage and take advantage of the engine capacity and ensure that cooling machinery, appliances, air cooling and conditioning system aboard the ship shall be operated in conformity with current procedure and regulations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Create and provide the chief engineer with the plan for repair and maintenance of cooling equipment aboard the ship; implement such plan;

5. Create the bill of technical stores and take responsibility to manage and use such technical stores and spares;

6. Monitor and write the logbook of cooling equipment operation; set up the watch system and the plan for work and rest of cooling system engineer;

7. Manage technical records or documents of the cooling system aboard the ship;

8. If there is no cooling system officer aboard the ship, duties of a cooling system officer shall be assumed by the second engineer.

Article 20. Bosun's duties

Bosun is directly managed and supervised by the chief officer. The bosun shall take on the following duties:

1. Assign and manage the work of seafarers;

2. Monitor and supervise the preservation of the ship’s hull, different types of rope and equipment used for the anchor system, derrick, life-saving, fire-fighting and anti-flooding equipment, stores of technical spares and other property of the ship that fall under the management of the deck department;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Prepare and submit the daily work plan of the deck department to the chief officer and implement such plan in an effective manner;

5. Monitor and examine the piping system on the ship deck, hold bilge soundings, hawse pipe and valve system;  

6. Prepare and submit the bill of technical materials, spares or stores used in the deck department to the chief officer, and manage and use such items;

7. Prepare and submit the plan for repair and maintenance of winch, derrick, chain hoist, chain block, swivel or shackle, cargo handling cable, lashing and other deck equipment;

8. Manage and use machinery, appliances and instruments in the department that fall under his jurisdiction in conformity with technical procedures;

9. Before the ship leaves the harbor, the bosun is required to tightly lash or fasten shipboard instruments, equipment and cargos, close cargo holds, watertight doors, cover cargo holds, and hammer the chock and turn the rigging screw to secure cargos in accordance with regulations;

10. Regularly check the technical condition of the life-saving, fire-fighting and anti-flooding equipment and others;

11. When the ship is getting underway in the bad weather condition, the bosun must examine deck cargos and materials or in stores, lifeboats, watertight doors. When necessary, the bosun must have it lashed or resecured;

12. When handling the oversized or heavy cargos, the bosun must prepare the lifting equipment and directly take control of the cargo lifting activities of the chief officer or the deck officer of the watch;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

14. Take over the duties of a bosun’s mate if there is no bosun’s mate aboard the ship;

15. When necessary, the bosun can take charge of standing watch or supervise the watch as assigned by the chief officer.

Article 21. Duties of the bosun’s mate

The bosun’s mate is directly managed and supervised by the bosun. The bosun’s mate shall take on the following duties:

1. Manage stores, preserve cargo hold covers, deck machinery and appliance covers, other instruments and property in the deck department; receive, preserve, dispense and retrieve materials;

2. Preserve fire-fighting equipment and instruments, except for fire-fighting equipment in the engine room;

3. Manage ropes or wires, prepare paints, and operate ship deck machinery, such as winch, derrick, and monitor the flood light, masthead light and side light;

4. Do the woodwork, make rope ladders and operate lifeboats;

5. Directly receive fresh water, examine and take the soundings of fresh water, ballast water, cargo hold bilge and record data and figures on a daily basis;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. When necessary, the bosun’s mate can stand watch and supervise the watchstanding activities according to the assignment of the bosun's mate.

Article 22. Duties of the able or ordinary seaman

The able and ordinary seaman is directly managed and supervised by the bosun. The able and ordinary seaman shall take on the following duties:

1. Stand watch and execute the order of the deck officer of the watch;

2. Preserve, maintain the ship’s hull, deck and other equipment as assigned by the bosun or the bosun's mate;

3. Keep track of cargo handling, and find out any torn, wet or mishandled package and report to the deck officer of the watch to seek any possible solution. Grasp his assigned tasks as the ship is entering or leaving the harbor, do the rope work, life and lower the derrick, take the soundings of water level, preserve and help pilots embark on or disembark from the ship, and have a good command of messages conveyed by signal flags and lights;

4. Grasp the technical structure, configuration and specification of the ship, and locations of fire-fighting, life-saving and anti-flooding equipment, and preserve and use such equipment in accordance with regulations;

5. Strictly comply with the rules of working, eating, living, security, order and sanitation aboard the ship;

6. If the able or ordinary seaman has trained and drilled in diving techniques, when working underwater as assigned by the chief officer or the bosun, the able or ordinary seaman must ensure the safety and fulfillment of his assigned task;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 23. Duties of the main engine machinist

The main engine machinist is directly managed and supervised by the second engineer. The main engine machinist shall take on the following duties:

1. Preserve, repair machinery and equipment upon the request and instruction of the chief engineer and engineering officers;

2. Masterly manage and use instruments and repair toolkit equipped for the engineering department;

3. Carry out the industrial cleaning of machinery and equipment in the engineering department;

4. When necessary, the main engine machinist can stand watch as a machinist as assigned by the chief engineer.

Article 24. Duties of the watchstanding machinist

The watchstanding machinist is directly managed and supervised by the second engineer and directly assigned by the engineering officer of the watch. The watchstanding machinist shall take on the following duties:

1. Carry out the work of preserving, maintaining and repairing machinery and equipment, clean the engine room, work room, receive spare components or materials as assigned by the second engineer; stand watch upon the request of the engineering officer of the watch;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Assume other duties assigned by the second engineer.

Article 25. Duties of the electrotechnical engineer

The electrotechnical engineer is directly managed and supervised by the electrotechnical officer or the engineering officer of the watch if there is no electrotechnical officer aboard the ship. The electrotechnical engineer shall assume the following duties:

1. Ensure the conformity with the technical procedures for operating electricity-driven engine and other electrical equipment. Guarantee the continual supply of electricity to the entire ship. Whenever the power generator and other equipment are not working properly, the electrotechnical engineer must send a timely report to the engineering officer of the watch or the electrotechnical officer to be advised on possible remedial action to be taken;

2. Ensure the conformity with technical procedures for operating the power generator, emergency power generator, power-driven engine of the derrick, windlass, auxiliary electrical engine of the diesel machine, emergency battery, automated electrical engine of the boiler, electrical fans, and other electrical equipment items and lighting systems aboard the ship; 

3. Preserve electrical equipment such as automatic steering system, telephone communication system, and repair and replace household electrical equipment under the instruction of the electrotechnical officer.

Article 26. Duties of the radio communications crewmember

The radio communications crewmember is directly managed and supervised by the radio communications officer. Radio communications crewmembers shall take on the following duties:

1. Ensure the thorough communication with other ships and shore-based stations; receive information, distress signal, nautical notification and weather forecast bulletins;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 27. Chief purser’s duties

The chief purser is directly managed and supervised by the chief officer. The chief purser shall take on the following duties:

1. Manage and operate the activities of the steward department aboard the ship. Draw up the plan for work and rest of crewmembers in the steward department, and receive and pay salary to crewmembers;

2. Prepare and provide the chief officer with the plan for procurement of food and provisions aboard the ship, and manage the sale, preservation and proper use of such food and provisions;

3. Examine, monitor and establish the plan reported to the chief officer for replacement or addition of appliances and equipment for the galley, dining room, accommodation room, work room and club. Manage and use instruments and equipment and other property aboard the ship that fall within his jurisdiction;

4. Undertake financial tasks aboard the ship and perform financial transactions in conformity with current laws;

5. Assist the master with transactions, and hold the guest welcome and party aboard the ship;

6. Assist the third officer in carrying out tasks relating to application for permission for the ship's entering and leaving the harbor;

7. After each voyage, prepare the general financial report on receipts and expenses for submission to the master;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. If there is no chief purser rank aboard the ship, the chief purser's duties shall be assumed by the third officer.

Article 28. Duties of the medical doctor or medical assistant

The medical doctor or medical assistant is directly managed and supervised by the chief officer. The medical doctor or medical assistant shall take on the following duties:

1. Undertake the healthcare and hygiene tasks aboard the ship, monitor health condition, give emergency aid to crewmembers , passengers and other people on board the ship; when necessary, the medical doctor or medical assistant can prescribe patients a rest or take them to hospital for medical treatment;

2. Receive and offer medical treatment to patients aboard the ship; directly examine and report to the chief officer on sanitation of accommodation rooms of the crew and passengers, dining room, club and other mess rooms; report to the chief officer on the patient treatment progress; 

3. Carry out the quality control of food, provisions and fresh water aboard the ship, and check the hygienic condition of the galley, dining room and restaurant. Get involved in choosing the daily menu offered to crewmembers and passengers;

4. Provide periodical health check-up for crewmembers, report to the master on those who contract infectious diseases, use additive substances; examine and supervise the environmental pollution prevention;

5. Manage the immunization record of crewmembers;

6. Prepare the bill of stores used for supplementing and replacing medical equipment and supplies;  carry out the stocktaking of medicine cabinet on a monthly or quarterly basis, and report to the master; store and preserve medicines and medical equipment in conformity with regulations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. Before each voyage, the medical doctor and medical assistant is obliged to check the health certificate, immunization record of crewmembers, sanitation control exemption certificate of the ship, and animal vaccination certificate (if available); 

9. Ensure that healthcare and labor protection aboard the ship shall conform to Vietnam’s laws and International Agreements;

10. Look after people who have delivered babies, and keep safe custody of the dead aboard the ship;

11. At least 03 hours before the ship leaves the harbor, the medical doctor and medical assistant are obliged to send a detailed report on preparations of the medical department for the voyage to the chief officer;

12. After each voyage, compile a report on health conditions of crewmembers. When necessary, prepare the list and report to the master and ship owner on those required to undergo medical tests;

13. Manage the health check room, surgery room, quarantine room, patient room and other medical equipment and medicines. If there is no medical doctor or medical assistant rank aboard the ship, healthcare duties shall be assigned by the master.

Article 29. Duties of the messman

The messman is directly managed and supervised by the chief officer. The messman shall take on the following duties:

1. Offer onboard services; if there are more than two messmen aboard the ship, the duties shall be specified by the chief officer;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Launder table cloths, bed sheets, blankets, mats and drapes and prepare the bill of stores used for replacing or supplementing such items for submission to the chief officer.

Article 30. Chief cook's duties

The chief cook is directly managed and supervised by the chief purser. The chief cook shall take on the following duties:

1. Manage activities performed in the galley and directly prepare daily meals for crewmembers and passengers;

2. Manage the storage and use of food, provisions supplied to crewmembers and passengers;

3. Receive and distribute food, provisions to the cook mate to prepare daily meals and menu in conformity with the rations and hygiene standards;

4. Manage the food store, instruments and equipment used in the galley. Supervise the repair of damaged items and prepare the bill of spares used for replacing and supplementing such items;

5. Keep the galley, appliances and equipment in the dining room clean and hygiene.

Article 31. Duties of the cook mate

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Perform assigned tasks in the galley, and adhere to the meal plan of crewmembers;

2. If there is no chief cook aboard the ship, duties of the chief cook shall be assumed by the cook mate. If there is nether chief cook or cook mate aboard the ship, the chief officer shall assign other crewmember to undertake such steward duties.

Article 32. Duties of the passenger service manager

The passenger service manager is directly managed and supervised by the chief steward. The passenger service manager shall take on the following duties:

1. Directly supervise passenger-room service attendant; prepare and provide the chief steward with the plan for work and rest of passenger-room service attendant and the rules of bedrooms;

2. When passengers embark or disembark, the chief steward's assistant must be present at the accommodation ladder to greet or say goodbye to passengers and assign stewards to take passengers to their rooms;

3. When the ship leaves the harbor, the passenger service manager must check passenger rooms, list out the number of abundant or deficient beds and then submit it to the chief steward;

4. Announce the rules of journey, interior furniture and stuff for use as well as the method of using and preserving such interior furniture and stuff;

5. Examine and improve the compliance of the passenger-room service attendant with their assigned tasks, and advise passengers to comply with the rules aboard the ship on a daily basis;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Cooperate with the chief steward in dealing with any violation against rules, infringement upon property of the ship, passengers and other events that may happen between passengers and stewards aboard the ship;

8. Create the record and pay compensation for any damage to interior stuff and furniture caused by passengers;

9. Before the ship leaves the harbor, the passenger service manager shall report to the chief steward on fulfillment of his task of making preparations for the voyage.

Article 33. Duties of the steward

The steward is directly managed and supervised by the passenger service manager. The steward shall take on the following duties:

1. Serve passengers, manage property and amenities provided for passengers in the bedrooms that fall within his jurisdiction on a daily basis;

2. Clean passenger rooms, bathrooms, restrooms and balcony areas;

3. Welcome passengers aboard, guide and help passengers check in their rooms, make the correct room arrangement according to the room number identified on the ticket; give amenities and room keys to passengers, guide them through the procedures for using life jackets and show them the way to find lifeboats in the event there is any ship-abandoning alert;

4. Before passengers disembark, the steward shall check amenities provided in the passenger room. If all of amenities are not changed in quantity and remain undamaged, the steward shall return the room slip to passengers and hold back the room key; if there is any damage, passengers shall not be allowed to leave the ship until decisions have been made by the chief steward and the passenger service manager;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Regularly visit the assigned passenger rooms in order to give assistance to passengers on a timely basis upon request;

7. Promptly report to the passenger service manager on damaged amenities in the passenger room to seek any possible solution;

8. In the strong wind and huge waves, the steward shall close side scuttles, watertight doors in the staterooms that fall within his jurisdiction;

9. Perform other duties as assigned by the passenger service manager after obtaining approval from the chief steward.

Article 34. Duties of the head waiter

The head waiter is directly managed and supervised by the chief steward. The head waiter shall take on the following duties:

1. Supervise and manage attendants working in the dining room, refreshment room, and manage instruments used in the dining room and refreshment room;

2. Dispense instruments and appliances to waiters serving passengers at the dining room and refreshment room;

3. Keep safe custody of instruments and appliances inside the dining room and refreshment room;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Directly serve passengers in the ship’s party in collaboration with the ship’s stewards;

6. Prepare and provide the chief steward with the plan for work and rest of waiters serving passengers in the dining room and refreshment room;

7. Issue the note on compensation paid by passengers who cause any damage or loss to property and furniture provided in the staterooms that fall within their jurisdiction; when necessary, the head waiter must report to the chief steward on this matter.

Article 35. Duties of the waiter

The waiter is directly managed and supervised by the passenger service manager. The waiter shall take on the following duties:

1. Serve meals offered in the menu to passengers;

2. Manage the dining room, refreshment room and other instruments or appliances that fall within his jurisdiction;

3. Clean the dining room, refreshment room and instruments or appliances placed inside these rooms.

Article 36. Duties of the luggage storage facility manager

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Manage property, useful items, stores and passenger saloon;

2. Receive and hand over passengers' luggage carried along the voyage;

3. Receive, dispense and manage useful wooden items, instruments and other interior furniture in the stateroom, dining room, refreshment room, bathroom, restroom and club;

4. Keep a property record book and other documents that fall within his jurisdiction;

5. Manage the repair of any damaged items used in the department that falls within his jurisdiction;

6. Hand over and store passengers’ luggage; if there is any damage or loss, the compensation is required;

7. Assume other duties as assigned by the chief steward.

Article 37. Laundryman’s duties

The laundryman is directly managed and supervised by the chief steward. The laundryman shall take on the following duties:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Manage and operate laundry machine and iron. If there is any damage to them, the laundryman must report to the passenger service manager to have them repaired or replaced;

3. Prepare the bill of materials and useful items supporting the laundry work;

4. Perform other duties as assigned by the passenger service manager or the chief steward.

Article 38. Accountant's duties

The accountant is directly managed and supervised by the chief steward. The accountant shall assume the following duties:

1. Make a financial report on passenger-related receipts or expenses;

2. Set up the regular or occasional plan to purchase useful items, cultural products, food, provisions and other goods used for serving passengers, crewmembers so that the chief steward shall submit it to the master;

3. Write the note on receiving and dispatching useful items, cultural products, food and provisions in the stores of the steward and crew department by executing the order of the chief steward;  

4. Issue the note of receipts gained from sale of tickets and provision of food and beverage services as well as other sums;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Make a final financial report on receipts or expenses for submission to the chief steward after each voyage.

Article 39. Duties of the cashier

The cashier is directly managed and supervised by the chief steward. The cashier shall take on the following duties:

1. Manage passenger-related budget;

2. Collect and pay cash according to the note of receipts and expenses issued by the accountant;

3. Retain accounting documents or records indicating receipts and expenses;

4. Manage and complete the procedure for receiving and dispatching different types of tickets aboard the ship;

5. Assume other duties as assigned by the chief steward.

Article 40. Duties of the salesperson

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Sell products to passengers;

2. Create records, documents and vouchers used for management of property in kiosks or shops, and different types of commodities sold to passengers in accordance with regulations;

3. Plan to purchase various types of commodities sold to passengers and submit such plan to the chief steward for approval;

4. Ensure that a full amount of and quality of goods must remain unchanged compared with its original condition;

5. Sell goods with price specified on the price list approved by the chief steward and complete the transfer of cash to the cashier in accordance with regulations;

6. Ensure that all shops or stores aboard the ship must be clean and tidy;

7. Assume other duties as assigned by the chief steward.

Article 41. Duties of the ticket seller

The ticket seller shall be appointed by the chief steward upon receipt of the master's approval. The ticket seller shall take on the following duties:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. At the day-end, the ticket seller shall transfer all cash sums to the ship's cashier;

3. Keep the ticket-selling area clean;

4. Assume other duties as assigned by the chief steward.

Article 42. Duties of the security guard

The security guard is directly managed and supervised by the chief steward. The security guard shall take on the following duties:

1. Guarantee the safety and security of passengers when they are embarking or disembarking and when the ship is getting underway;

2. Deal with and prevent any illegal action or any events that may pose risk to the ship security in a timely manner;

3. Carry out the on-the-spot search and issue the note of violations witnessed aboard the ship. Document any violations against laws reported by passengers;

4. Get involved in writing the record on passengers suffering from accidents or dead passengers or other passenger-related cases;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. If there are many security guards aboard the ship, the chief steward shall appoint one leader to carry out the general management.

Article 43. Duties of the refrigeration and air-conditioning engineer

The refrigeration and air-conditioning engineer is directly managed and supervised by the refrigeration and air-conditioning officer. The refrigeration and air-conditioning engineer shall take on the following duties:

1. Preserve, maintain and operate cooling machinery, appliances in cargo holds, food stores, temperature controlling system, air-conditioning system, cooling system and others in accordance with the procedure and regulation;

2. Repair machinery, cooling system aboard the ship as assigned and guided by the refrigeration and air-conditioning officer or the second engineer.

Article 44. Duties of the pump engineer

The pump engineer is directly managed and supervised by the second engineer. The pump engineer shall take on the following duties:

1. Pump oil or water into cargo holds by order of the chief officer and be subjected to the professional supervision and instructions of the engineering officer of the watch;

2. Clean and preserve the piping system and equipment supporting pumps in conformity with the technical procedure, and masterly operate machine, equipment that fall within his jurisdiction; repair such machinery and equipment under the instruction of the chief engineer, second engineer and engineering officer;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 3. WATCHSTANDING ABOARD THE SEAGOING SHIP

Article 45. Seafarer’s watchstanding

1. The master is the person responsible for running the 24-hour watch system. The chief officer, chief steward and chief engineer shall be responsible for assisting the master in examining the conformity of the department within their management with the watch system in accordance with regulations.

2. Watchstanding is considered the duty of crewmembers and must be sustained in a proper and efficient manner so as to ensure the safety, security and environmental pollution prevention aboard the ship.  The watch system applicable to each crewmember shall be divided into the at-sea and in-port watch:

a) At-sea watch period shall be 04 hours and each day is divided into 02 watches with 8-hour off-watch duration; in case there is any change to the time zone, the at-sea watch period shall be decided by the master;  

b) The in-port watch period shall be decided by the master, depending on the specific conditions when the ship is at anchor.

3. The watchstanding seafarer shall take on the following duties:

a) Do not leave the position or hand over the watch to others if there is no consent from the master, chief engineer or watchstanding officer;

b) When noticing the alert, keep on standing watch, and be allowed to leave the position only if the substitute watchstander comes in accordance with the regulation laid down in the emergency task assignment;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Strictly prohibit seafarers from doing other work which is not within their assigned task in the watchstanding period.

4. Transfer watch at the watchstanding spot. The watchstanding officer is required to take over watch at least 15 minutes prior to the commencement of watch. Other seafarers are required to take over watch at least 5 minutes prior to the commencement of watch. The watch-transferring seafarer is required to notify the watch-receiving seafarer at least 15 minutes prior to the commencement of watch. The watch-receiving seafarer shall accept watch duty only when the ship condition is entirely assessed. In case there is any action to be taken to prevent the ship from any danger, the transfer of watch duty shall occur only after such action is completed.

Where the watch-transferring seafarer proves that the watch-receiving seafarer is incapable of standing watch in an efficient manner, the watch-transferring seafarer shall be entitled to refuse to transfer watch to the watch-receiving seafarer and concurrently report this to the master. 

5. Based on the technical condition and operational requirements of the ship, the master shall specify the watch system applicable to crewmembers who work in the radio communications, cooling system and electrotechnical department aboard the ship.

Article 46. Watchstanding uniform

1. The watchstanding seafarer is required to wear uniform. As for the in-port watch, the watchstander is required to wear the armband on the left hand and watchstanding name. Watch armband shall include 3 horizontal stripes with a width of 45 mm and each stripe has 15 mm in width.  The color of stripes shall be regulated as follows:

a) Armband of the watchstanding officer shall have the color pattern such as deep blue - white - deep blue;

b) Armband of other watchstanding seafarers shall have the color pattern such as red – white – red.

2. The ship owner shall take responsibility to provide uniform and armband.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The master, deck officer of the watch and security officer shall have the authority to allow people to get on the ship.

2. The master shall have the authority to allow people to come inside the nautical bridge, chart room and radio room but this permission must match the ship security plan.

3. The master and chief engineer shall have the authority to grant permission to people to come inside the engine room and other areas that fall within the engineering department’s jurisdiction but this permission must conform to the ship security plan.

Article 48. Duties of the deck officer of the watch

1. The deck officer of the watch is put under the direct command of the master. When the ship is made fast to the port or is at anchor, if the master is absent, the deck officer of the watch shall be put under the command of the chief officer; except for the master, there is no one having the authority to cancel or change the watch duty of the deck officer of the watch; the deck officer of the watch shall not allow to leave his position at his own discretion without permission from the master or chief officer authorized by the master.

2. The deck officer of the watch shall take on the following general duties:

a) Manage watches in order to ensure the safety and security of onboard people, ship and cargos; the order and hygiene of the ship and environmental pollution prevention;

b) Carefully observe and monitor the condition around the ship; apply any necessary measure to ensure the safety, security and environmental pollution prevention of the ship;

c) Whenever any threat to the security, safety and environmental pollution prevention of the ship occurs, this officer shall act on his own to send alerts and apply proper measures to remove such threat; under any circumstance, the officer is required to report to the master or chief officer;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Stand communications watch; keep track of and deal with the nautical notification in a timely manner so as to ensure the safety and security of the ship voyage.

3. The deck officer of the watch, when the ship is getting underway, shall take on the following duties:

a) Grasp the ship operations, conditions relating to the area where the ship is getting underway in order to receive watch; carry out the receipt of watch in accordance with regulations;

b) When receiving watch, the officer must examine the ship position on the nautical chart, check indicators shown in the speedometer, direction shown on the compass, compass errors and side lights; check the navigational course shown on the gyro compass and magnetic compass, and compare these indicators with one another;

c) During the at-sea watch period, the deck officer of the watch shall be present all the time in the nautical bridge, and only allow entering the chart room to serve the work purpose for a short time after having transferred the monitoring and observation in the ship foredeck to the watchstanding seafarer; identify the ship position; regularly monitor the operation of nautical equipment and side lights;

d) After every hour and course change, the officer must compare the indicator shown on the magnetic compass with the indicator shown on the gyro compass, and adapt the ship course for the identified ship route and reposition the ship;

dd) When facing with mist, downpour, snow rain and other weather conditions which cause low visibility, the officer must report to the master in a timely manner and notify the engineering officer of the watch. Use nautical equipment, examine mist signaling equipment, and assign one person to stand watch in the foredeck and calibrate meters in the nautical bridge and engine room; identify the ship position and take action by executing the master's order. If the visibility is suddenly restricted, when the master does not appear in the nautical bridge, the deck officer of the watch can reduce the ship speed and send the fog signal;

e) When underway at the turbulent sea, the officer must take necessary measures to ensure the safety for the ship voyage;

g) Check the cargo hold bilge and record the result into the nautical logbook; if the level is not in a normal condition, the officer must send a timely report to the master and chief officer in order to find any possible solution; as for each at-sea watch, the officer must take soundings of cargo hold bilge at least once at the end of watch duty;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i) Pay particular attention to the safety of lifeboats, materials, equipment and cargos placed in the ship deck, cargo hold cover or cargo hold hatch;

k) In case there is a man overboard, the officer must issue an alert in the entire ship and apply proper measures on his own initiative to save this person and inform the master;

l) When the ship is at anchor, the officer must identify the anchoring position, detect and deal with slipping and torn-apart anchor and promptly inform the master;

m) Prepare the essential report, checklist of items need to be checked in the nautical bridge and record nautical operations in the nautical logbook.  Keep track of and record meteorological and hydrographical conditions.

4. The deck officer of the watch, when standing in-port watch, shall assume the following duties:

a) Receive the report on general condition of the ship, cargo handling, repair work and the number of crewmembers present aboard the ship, other essential work activities relating to the ship safety; when the ship moors, this officer is required to keep track of weather conditions, ship surroundings and examine the anchoring position by employing all necessary methods and take essential measures to prevent the ship anchor from slipping;

b) When the ship moors in the harbor, it is necessary to keep watch of the ship draught, lashing, mouse control sheet, accommodation ladder and strictly comply with the port regulations; monitor the cargo handling and report to the master of the chief officer on any event that may cause any damage to cargos and bad impact on the safety of the ship in a timely manner; ensure that the gangway and accommodation ladder must have the safety net with life buoys placed nearby and are brightly illuminated at night; take charge of taking proper measures to maintain the ship security;  

c) Before performing the test run of the main engine, the officer must keep careful watch of any obstacle in the stern; when running the ship engine, the officer should pay attention to lashings or ropes;

d) When underway in the bad weather conditions and receiving the warning of a storm, the officer is required to take proper measures to protect the ship from such storm;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Supervise daily work and repair activities assigned to the department under his management; check and monitor the compliance with rules of the fire fighting and prevention and labor safety practice aboard the ship;

g) Carry out the night patrol and keep watch of ship surroundings;

h) List out the number of seafarers getting ashore and returning to the ship from the shore, supervise a number of seafarers permitted to get ashore and report to the master the number of seafarers returning late to the ship from the shore; 

i) During the time off, if there are a lot of seafarers getting ashore, the deck officer of the watch must assign the remaining number of onboard seafarers to protect the ship safety; 

k) If there is any person getting on the ship to do his work, the deck officer of the watch must monitor the working progress of that person;

l) When not handling cargos, the deck officer of the watch can rest at his own bedroom at night but is required to wear the watch uniform;

m) Keep track of closing and opening the cargo hold, covering the cargo hold or the ventilation system in the cargo hold, lashing, securing and stowing cargos. 

Article 49. Duties of the engineering officer of the watch

1. The engineering officer of the watch is put under the direct command of the chief engineer; bear full responsibility for actions relating to operation of machinery and appliances in conformity with technical procedure, and ensure that all machinery and appliances shall be in normal condition.  The engineering officer of the watch shall not be allowed to abandon his watch duty at his own discretion without consent from the chief engineer or second engineer authorized by the chief engineer.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Manage the machinist, electrotechnical officer and engineer; frequently monitor the operational mode of machines, equipment, steam furnace and boiler in conformity with technical procedures; 

b) Manage the fulfillment of duties of watchstanders in the engine room, furnace room, and ensure the security and industrial cleaning in the engine room;

c) Ensure that machinery of the engineering department shall be working properly, safely and deal with any technical problem that may happen in a timely manner;

d) Keep track of repair work of people ashore getting on the ship to work in the department that falls within his jurisdiction, ensure the labor safety, fire and explosive prevention, technical safety of the ship and environmental pollution control;

dd) Monitor the energy and technical material consumption of the ship;

e) Take soundings of oil, water contained in tanks; pump the bilge water in the engine room, ballast water and fuel so as to make any adjustment upon the request of the deck officer of the watch; when pumping wastewater of all kinds, this officer must adhere to the regulations;

g) When the ship is getting underway, the engineering officer of the watch shall be charged with strictly follow the order of the steering room of the master or the deck officer of the watch;

h) The engineering officer of the watch shall not be entitled to change the operational mode of the main engine or others. When necessary, if there is any change to the operational mode or operational stop, the engineering officer of the watch must send a prior notification to the deck officer of the watch and the chief engineer;

i) When there is any breakdown or threat to human lives, the engineering officer of the watch shall be entitled to stop the main engine or other engines, and promptly report to the deck officer of the watch and the chief engineer. Since it is possible that stopping the main engine or other engines may pose the serious risk to the ship, the master shall have the power to order the engineering officer of the watch to continue operation and bear full responsibility for any potential consequence.   In such case, the engineering officer of the watch must record the order of the master into the engine logbook while the master must also write this event in the nautical logbook;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

l) Do not allow to transfer, receive the watch duty without the consent from the chief engineer while the ship is maneuvering to be tied up to or unfastened from the dock or while the accident, problem is being prevented from taking place;

m) During the transfer of the watch duty, the watch-receiving officer shall be responsible for examining the operational principle of machinery and motorized equipment and the technical condition of these ones.   The watch-transferring officer shall take responsibility for specific transfer and clarification of necessary recommendations to the watch-receiving officer;

n) Prepare necessary reports, complete the checklist of items required to be checked in the engine room and record operations in the engine room in the engine logbook.

Article 50. Duties of the watchstanding seafarer

1. The watchstanding seafarer shall be put under the command of the deck officer of the watch. The receipt and transfer of the watch duty of watchstanding seafarer shall be decided by the deck officer of the watch.

2. The watchstanding seafarer shall take on the following duties:

a) Do not leave his position and fulfill the assigned tasks in an enthusiastic manner; verify what has happened in the watch before agreeing to receive the watch duty;

b) When receiving the navigation watch, the watchstanding seafarer is required to be well informed of the steering course and keep the ship course unchanged in comparison with the specified route.   Whilst navigating the ship, the watchstanding seafarer must regularly examine the navigational direction and monitor operations of the steering system; send a timely report to the deck officer of the watch on any variation to the navigational direction and problems to the steering system;

c) When the ship is at anchor in the harbor, the watchstanding seafarer must be present in the position appointed by the deck officer of the watch and execute the orders of the deck officer of the watch;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Keep track of cargo handling, and punctually find out any torn, wet or mishandled package and report to the deck officer of the watch to seek any possible solution;

e) Turn on, off the lights, and those used for illuminating the ship’s emblem painted on the funnel at night during the time when the ship is at anchor in the harbor; raise and lower the flag in accordance with regulations; carry out the patrol upon the request of the deck officer of the watch.

Article 51. Duties of the watchstanding machinist

1. The watchstanding machinist shall be put under the direct command of the engineering officer of the watch; receiving and transferring the watch duty shall be decided by the engineering officer of the watch.

2. The watchstanding machinist shall take on the following duties:

a) Grasp the technical condition and operational mode of machinery and appliances in the engine room;

b) Receive the report on the operational condition of machinery and appliances made by the previous watchstander and recommendations or orders that the previous watchstander has yet to complete; report to the engineering officer of the watch on the receipt of the watch duty; 

c) When on watch duty, the machinist is required to ensure the normal operation of assigned machinery and appliances; adhere to the procedure for operation of machinery, appliances and carrying out the industrial cleaning in the engine room;

d) When any abnormal operation or technical problem of machinery or appliances is detected, the watchstanding machinist must take appropriate measures to deal with this and report to the engineering officer to seek any possible solution in a timely manner.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The electrotechnical engineer is put under the direct command of the engineering officer of the watch or the electrotechnical officer if there is the electrotechnical officer rank aboard the ship.  If there is no the electrotechnical engineer rank aboard the ship, the electrotechnical watch shall be stood by the electrotechnical officer.

2. The electrotechnical engineer of the watch shall assume the following duties:

a) Accept the transfer of the working condition of electrical and electronic machinery and appliances;

b) Inform the engineering officer of the watch or the electrotechnical officer of the receipt of the watch duty;

c) Ensure that the operational mode of electrical machine and other power-driven appliances shall conform to the specified technical procedure;

d) Do not switch on or off the main circuit breaker without the consent from the electrotechnical officer or the engineering officer of the watch;

dd) Guarantee the continual supply of electricity to the ship; whenever any abnormal operation of electrical machines or other power-driven machines is detected, the electrotechnical engineer must send a timely notification to the engineering officer of the watch or the electrotechnical officer so as to find any possible solution.   

Article 53. Duties of the radio communications crewmember of the watch

1. The radio communications crewmember of the watch is put under the direct command of the radio communications officer and stands watch in conformity with the regulation on nautical radio communication system.    If there are not a sufficient number of radio communication crewmembers aboard the ship to meet the manning requirement, the radio communications officer shall be obliged to stand watch. If there is no one assigned as the radio communications crewmember aboard the ship, the radio communications officer shall be responsible for standing watch.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Take care of the ship’s communication with other ships and the coast radio stations. Receive any emergency alerts, distress signals, nautical notifications and weather forecast bulletins.

b) When accepting the transfer of the watch duty, he must grasp the operational condition of the radio or wireless communication devices, especially automated distress signal receiver and transmitter;

c) Carry out the receipt of such message or signal in conformity with the international nautical radio communications principle;

d) When receiving any emergency message or signal, he must promptly notify the deck officer of the watch and the radio communications officer; concurrently, execute the master’s order in conformity with the international nautical radio communications principle;

dd) Send the warning signal or distress signal only after obtaining the approval from the master or the master’s authorized person;

e) Adhere to regulations of distress or emergency signaling frequency when calling or responding to other radio stations. During the communication process, private talk or issue shall be prohibited;

g) Comply with regulations on use of radio frequencies upon the request of the coast radio stations or inspecting stations.

h) Examine the radio and navigation room to calibrate the onboard time to make it align with the time specified by the time-telling radio stations at least once each day;

i) Do not leave the watch position or do private work during the watch period.   Allowing any person or crewmembers who do not undertake any tasks in the radio room shall be strictly prohibited. Radio communications crewmembers shall be permitted to leave the watch when obtaining the consent from the master or radio communications officer;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

l) If the ship has the radio station designed with high capacity or more convenient communication, this ship must be ready to give assistance to other stations upon request;

m) The content of all radio messages or signals must be treated with complete confidentiality.  The master is the only person who has access to such content.

n) Notify the radio communications officer of any breakdowns or abnormal working condition of the radio communications system; concurrently, immediately take remedial measures or have it repaired;

o) At least 01 hour prior to the transfer of the watch duty, the radio communication crewmember of the watch must inspect the operational condition of the radio communications devices and record the inspection result into the radio communications watch logbook;

p) Write the radio communications logbook; carry out the checking and marking on the list of items required to be inspected.

Section 4. GUARANTEE OF THE SAFETY, CONFORMITY WITH THE RULE ON REST AND DAILY ROUTINE ABOARD THE VIETNAMESE SHIP

Article 54. Duty assignment and instruction in the emergency situation

1. The duty assignment must be available aboard the ship when any emergency situation happens, when there is any firefighting, man-overboard, ship flood and abandonment alarm (hereinafter referred to as the duty chart).

2. The duty chart must specify the followings:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The general duties of each crewmember and passenger after receiving the distress signal;

c) Muster station and specific duties of each crewmember, passenger in terms of specific warning signals aboard the ship;

d) Members of commander team, engine team, emergency response team, assistance, security, healthcare and order team (aboard the passenger ship) and duties of each team in the event of distress signals;

dd) Substitute persons standing watch in the key position and persons who operate lifesaving and firefighting equipment.

3. The duty chart must be posted on the notice board placed along the balcony, nautical bridge, machinery space and muster stations.

Article 55. Personal emergency duty note

1. In each stateroom of crewmember and passenger, the personal emergency duty note is posted in a conspicuous place and written in Vietnamese and English.

2. Personal emergency duty note shall include the following information:

a) Different distress signal types;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Lifeboat number and seating position within the lifeboat.

Article 56. Onboard distress signals

1. The distress signal must be sent by means of electrical bells and sound signaling system aboard the ship.  Short blast is the electrical bell ring prolonged from 01 to 02 seconds; long blast is the electrical bell ring prolonged from 04 to 06 seconds; there is a break prolonged from 02 to 04 seconds between two blasts.

2. Electrical alarms shall be stipulated as follows:

a) General alarm is recognized by 7 short blasts on the ship's horn followed by one long blast. This shall be repeated in several times (………. -----)

b) Fire alarm shall be sounded as a continuous ringing of the ship’s bell prolonged from 15 to 20 seconds. This shall be repeated in multiple times (-------

c) Man-overboard alarm shall be recognized by 3 long blasts. The repetition frequency shall vary from 03 to 04 times (----------------

d) Ship flood alarm shall be recognized by 3 long blasts. The repetition frequency shall vary from 02 to 03 times (----------------);

dd) Ship abandonment alarm shall be sounded as a short blast and a long blast. This shall be repeated in multiple times (-------  . . . . . -----);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The ringing of the ship’s bell must be followed by the oral notification. As for the fire or ship flood alarms, the emergency position must be located. If the electrical bell and sound transmitter system of the ship is out of order or is not in place, any similar device can be used to sound to warn crewmembers and passengers.

Article 57. Emergency drills

1. In order to improve the emergency response practice, the master must hold emergency drills for each type of alarm aboard the ship in accordance with regulations. As for the passenger ship, the master must provide instructions for passengers to get familiar with different alarm types.

2. The master is the only person who can order the emergency drills. The emergency drills must be written in the nautical logbook and record book aboard the ship.

Article 58. Use of lifeboats

1. Lifeboats shall only serve the purpose of guaranteeing the safety of onboard people, passengers, crewmembers and holding the man-overboard emergency or ship abandonment drills.

2. Equipment attached to lifeboats must be checked, preserved and punctually replaced or further provided in accordance with regulations.

3. The lifeboat shall be commanded by the chief officer or one deck officer. Crewmembers who are charged with navigating the lifeboat must hold the lifeboat navigation certificate. Lifeboats shall only be launched by order of the master.  When retrieving lifeboats, the deck officer-in-command must report the result to the master.

Article 59. The crew’s daily routine aboard the Vietnamese ship

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Crewmembers must strictly comply with the rules set on board and conform to the regulations on hygiene and disease prevention aboard the ship.  Staterooms of the crewmember, work rooms, club, balcony, gangways, bathrooms, restrooms and other mess rooms, must be kept clean and tidy.

3. Gambling, illegal drug use and unhealthy ways of life shall be strictly prohibited aboard the ship;

4. Use of alcoholic substance is restricted. The blood alcohol content is not allowed to exceed 0.05% or the breath alcohol content is not allowed to exceed 0.25 mg/l;

5. All daily and entertainment activities must end by 22:00 within a day; other exceptions shall be decided by the master.

Article 60. Use of cabins and rooms aboard the ship

1. Based on the actual condition, the master shall provide regulations on management and use of onboard cabins and rooms.  The chief officer shall be responsible for arranging staterooms for crewmembers.

2. Storage of explosives, weapons, inflammable substances, dangerous and other prohibited goods in staterooms, workrooms and mess rooms shall be strictly banned. 

3. One room key shall be handed to the room dweller, the second room key shall be numbered and managed by the chief officer. Crewmembers and passengers shall not be allowed to change their room keys.

4. Crewmembers shall be assigned to manage work rooms, club and other mess rooms, and take responsibility for protecting property inside these rooms.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 61. Meal time and dining room aboard the ship

1. The daily meal time shall be decided by the master. The officer shall be served meals at the dining room intended for the officer while meals are ready to other crewmember in the dining room intended for the crewmember. All crewmembers are required to strictly adhere to the meal schedule, except for those who stand watch.  All crewmembers coming to the dining room must dress tidily and be prohibited from wearing short pants and singlets. During meal time, noisy talks are not allowed and crewmembers must be aware of keeping the dining room clean.  Sick seafarers or those following instructions of the medical doctor or medical assistant shall be allowed to eat their meals in the stateroom.

2. The dining room must be kept clean and there must be table mats and other necessary stuff. The dining-room attendant must wear uniform.

Article 62. Compensated time-off, shore leave and leave of seafarers

1. Compensated time-off and shore leave of the seafarer shall be approved by the master. When necessary, the master shall exercise his right to designate any crewmember to stay on board to perform their duties.

2. When the crewmember is taking shore leave or returning to the ship, he must report to the in-charge watchstanding officer. 

3. When the ship is going to leave the port, the crewmember must turn up on time in accordance with the master’s regulations.

4. When the ship is made fast to the dock, at least one-third of total crewmembers working in each ship department must be present on board. When the ship is at anchor, at least two-thirds of total crewmembers working in each ship department must be present on board. When the ship is in port or at anchor, the master shall have the right to assign the watch duty to any crewmember to meet the task requirements aboard the ship.

5. Each crewmember, before leaving the ship to take their leaves or moving to other ships or transferring their ranks, must carry out the handover of his duties to the substitute by giving the record with the endorsement of the in-charge officer on the followings:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Assigned machinery, appliances, instruments and any necessary remark;

c) Property and articles of the ship distributed for use, including the stateroom key.

Chapter III

REGISTRATION OF SEAFARERS, ISSUANCE OF MARINER CREDENTIALS AND PASSPORT

Section 1. REGISTRATION OF SEAFARERS AND ISSUANCE OF MARINER CREDENTIALS

Article 63. Registration of seafarers and issuance of mariner credentials

1. Vietnamese crewmembers working aboard Vietnamese ships, overseas vessels and foreign crewmembers working aboard Vietnamese ships must make registration with the crew register and shall be issued with the mariner credential.

2. The crew register shall include Vietnam Maritime Administration in Hai Phong and Ho Chi Minh city; Maritime Administration of Quang Ninh, Thai Binh, Thanh Hoa, Nghe An, Thua Thien Hue, Da Nang, Quy Nhon, Nha Trang, Vung Tau, Can Tho, Kien Giang, Ca Mau and Dong Thap.

The Director of Vietnam Maritime Administration shall decide to allow more Maritime Administrations to process applications for seafarer’s registration when necessary.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Preparing and managing the crew registration book;

b) Recording the crew registration in the crew registration book;

c) Issuing the mariner credential to crewmembers;

d) Examining the management and use of the mariner credential.

Article 64. Responsibility of the mariner credential holder

Each seafarer shall be issued with only one mariner credential. Seafarers shall be responsible for keeping and retaining their mariner credentials; do not erase or change any content provided in the mariner credential; do not give the mariner credential to others or use it in breach of the legal regulations.

Article 65. Responsibility of the ship owner and the master

1. The ship owner shall be responsible for deciding the ranks of crewmembers working aboard the ship and providing sufficient and accurate confirmation of such ranks in the mariner credential and bear responsibility for such confirmation.

2. The ship master shall be responsible for authenticating the onboard and offboard time of each crewmember in the mariner credential and assume liability for his authentication.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Organization or individual shall be required to submit one (01) set of documents in person or by mail to one of the crew registers stipulated in Clause 2 Article 63 hereof. Documentation shall include:

a) Application form for issuance of the mariner credential by completing the form given in the Appendix II hereof;

b) A copy along with the original or authenticated copy of the certificate of professional qualification applied to ranks within the minimum safety manning framework; authenticated copy of the marine practicing certificate and certificate of completion of basic safety training applied to ranks that fall outside of the minimum safety manning framework, such as messman, cook’s mate, electrotechnical engineer, main engine machinist, and ranks of crewmembers working on the backhoe dredger such as backhoe dredger staff and mechanical technician;   

c) Two color photos size 4x6 cm which is the same one as used for ID card and taken within 06 months.

2. The crew register shall receive and verify such documentation and carry out the followings:

a) In case of in-person submission, if the applicant has submitted all required documents, the documentation-received note and note of appointment of receiving the result shall be issued in accordance with regulations; if the applicant has not submitted all required documents in accordance with regulations, the crew register must immediately return it to this applicant and provide guidance for this applicant to improve their documentation;

b) In case of by-mail submission, if the applicant has not submitted all required documents, within two (02) days at the latest from the receipt of such documentation, the crew register must send a written response to the applicant in which the reason for refusal must be clearly stated.

3. Within the permitted period of three (03) working days from the receipt of all required documents, the crew register must write the content in the crew registration book and issue the mariner credential according to the form given in the Appendix I hereof. If issuance of the mariner credential is refused, the crew register must send a written response within the permitted period stipulated in this Clause and clarify reasons for the refusal.

4. The fee for issuance of the mariner credential shall be specified by the Ministry of Finance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The crewmember shall be reissued with the mariner credential if the mariner credential which was issued has been lost, damaged or run out of pages or included the wrong information.

2. Organization or individual shall submit one (01) set of documents to apply for reissuance of the mariner credential in person or by mail to the crew register that has issued the initial mariner credential. Documentation submitted to apply for reissuance of the mariner credential shall include:

a) Application form for reissuance of the mariner credential by completing the form given in the Appendix II hereof;

b) The mariner credential which has been issued. This requirement shall apply to the damaged or wrong-content mariner credential;

c) Valid documents stating evidence of any adjustment to the wrong content provided in the mariner credential;

d) Two color photos size 4x6 cm which is the same one as used for ID card and taken within 06 months.

3. The crew register shall receive and verify such documentation and carry out the followings:

a) In case of in-person submission, if the applicant has submitted all required documents, the documentation-received note and note of appointment of receiving the result shall be issued in accordance with regulations; if the applicant has not submitted all required documents in accordance with regulations, the crew register must immediately return it to this applicant and provide guidance for this applicant to improve their documentation;

b) In case of by-mail submission, if the applicant has not submitted all required documents, within two (02) days at the latest from the receipt of such documentation, the crew register must send a written response to the applicant in which the reason for refusal must be clearly stated.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The fee for reissuance of the mariner credential shall be specified by the Ministry of Finance.

Article 68. Revocation of the mariner credential

The mariner credential shall be revoked if it breaches one of the followings:

a) It is counterfeited or its contents have been changed, erased or falsified; 

b) It is used for sale, rent or free-of-interest lease;

c) The holder of the mariner credential has declared false information or use modified or counterfeit documents for applying for issuance of the mariner credential.

Section 2. SEAFARER’S PASSPORT

Article 69. Issuance of the seafarer’s passport

1. The seafarer’s passport shall be issued to Vietnamese crewmembers working aboard the seagoing ship operating in the international route and shall be used for getting on board the incoming or outgoing ships.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 70. Responsibility of the seafarer's passport holder

1. Use the seafarer’s passport to serve the right purpose and ensure the compliance with legal regulations.

2. Keep safe custody of the seafarer’s passport; avoid erasing or modifying contents of the seafarer's passport; do not give it to other people.

Article 71. Procedure for issuance of the seafarer’s passport

1. Organization or individual shall submit one (01) set of documents in person or by mail to Vietnam Maritime Administration. Documentation submitted to apply for seafarer’s passport shall include:

a) Application form for issuance of the seafarer’s passport by completing the form given in the Appendix IV hereof;

b) Copy of the ID card;

c) Two color photos size 4x6 cm which is the same one as used for ID card and taken within 06 months.

2. The Vietnam Maritime Administration shall receive and verify such documentation and carry out the followings:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) In case of by-mail submission, if the applicant has not submitted all required documents, within two (02) working days at the latest from the receipt of such documentation, the Vietnam Maritime Administration must send a written response to the applicant in which the reason for refusal must be clearly stated.

3. Within the permitted period of three (03) working days from the receipt of all required documents, the Vietnam Maritime Administration must issue the seafarer’s passport according to the form given in the Appendix III hereof. If issuance of the seafarer’s passport is refused, the Vietnam Maritime Administration must send a written response within the permitted period stipulated in this Clause and clarify reasons for the refusal.

4. The fee for issuance of the seafarer’s passport shall be specified by the Ministry of Finance.

Article 72. Reissuance of the seafarer’s passport

1. The seafarer shall be eligible to be reissued with the seafarer’s passport if the seafarer’s passport that was issued has been lost, damaged or run out of pages or included the wrong information or ended its validity.

2. Organization or individual shall submit one (01) set of documents in person or by mail to Vietnam Maritime Administration. Documentation submitted to apply for the seafarer’s passport shall include:

a) Application form for reissuance of the seafarer’s passport by completing the form given in the Appendix V hereof;

b) The mariner credential which was issued. This requirement shall apply to the seafarer’s passport that has been damaged or contained wrong information or ended its validity;

c) Valid documents stating evidence of any adjustment to the wrong content provided in the seafarer’s passport;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Vietnam Maritime Administration shall receive and verify such documentation and carry out the followings:

a) In case of in-person submission, if the applicant has submitted all required documents, the documentation-received note and note of appointment of receiving the result shall be issued in accordance with regulations; if the applicant has not submitted all required documents in accordance with regulations, the crew register must immediately return it to this applicant and provide guidance for this applicant to improve their documentation;

b) In case of by-mail submission, if the applicant has not submitted all required documents, within two (02) working days at the latest from the receipt of such documentation, the Vietnam Maritime Administration must send a written response to the applicant in which the reason for refusal must be clearly stated.

4. Within the permitted period of three (03) working days from the receipt of all required documents, the Vietnam Maritime Administration must issue the seafarer’s passport according to the form given in the Appendix III hereof. If issuance of the seafarer’s passport is refused, the Vietnam Maritime Administration must send a written response within the permitted period stipulated in this Clause and clarify reasons for the refusal.

5. The fee for reissuance of the seafarer’s passport shall be specified by the Ministry of Finance.

Article 73. Revocation of the seafarer’s passport

The seafarer’s passport which was issued shall be revoked if it breaches one of the followings:

a) It is counterfeited or its contents have been modified, erased or falsified;

b) It is used for sale, rent or free-of-interest lease;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter IV

IMPLEMENTARY PROVISIONS

Article 74. Effect

1. This Circular shall come into force from May 20, 2012 and replace the Decision No. 29/2008/QĐ-BGTVT of The Minister of Transport dated December 16, 2008 on stipulating ranks, rank-based duties of seafarers and registration of seafarers working aboard Vietnamese seagoing ships.

2. This Circular shall enclose 05 appendices:

a) Application I: the sample of the mariner credential;

b) Appendix II: the form of the declaration for application for issuance of the mariner credential;

c) Appendix III: the sample of the seafarer’s passport;

d) Appendix II: the form of the declaration for application for issuance of the seafarer’s passport;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The seafarer’s passport which was issued under the Decision No. 65/2005/QĐ-BGTVT of the Minister of Transport dated November 30, 2005 on stipulating ranks, rank-based duties of seafarers and registration of seafarers working aboard Vietnamese seagoing ships and the Decision No. 29/2008/QĐ-BGTVT of the Minister of Transport dated December 16, 2008 on ranks, rank-based duties of seafarers and registration of seafarers working aboard Vietnamese seagoing ships shall remain valid until the expiry date specified in the seafarer's passport.

4. The mariner credential which was issued under the Decision No. 65/2005/QĐ-BGTVT of the Minister of Transport dated November 30, 2005 on stipulating ranks, rank-based duties of seafarers and registration of seafarers working aboard Vietnamese seagoing ships and the Decision No. 29/2008/QĐ-BGTVT of the Minister of Transport dated December 16, 2008 on ranks, rank-based duties of seafarers and registration of seafarers working aboard Vietnamese seagoing ships shall remain valid until it is reissued or replaced by the new mariner credential.

5. The Vietnam Maritime Administration shall print and issue the mariner credential and seafarer’s passport in accordance with this Circular.

Article 75. Implementation

1. The Vietnam Maritime Administration shall be responsible for presiding over and collaborating with relevant agencies in implementation of this Circular.

2. The Chief of the Ministry Office, the Ministry’s Chief Inspector, the Directors of the Departments, the Director of the Vietnam Maritime Administration, heads of relevant organizations, agencies and individuals shall be liable to implement this Circular./.

 

 

THE MINISTER




Dinh La Thang

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 07/2012/TT-BGTVT ngày 21/03/2012 quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


11.635

DMCA.com Protection Status
IP: 3.15.211.55
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!