BỘ
GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
018-TT
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1960
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 231-TTG NGÀY 05-10-1960 CỦA
PHỦ THỦ TƯỚNG VỀ VIỆC CẢI TIẾN VÀ XÂY DỰNG CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ KỸ THUẬT VÀ
TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT
I. Ý NGHĨA MỤC ĐÍCH VÀ TẦM QUAN TRỌNG
CỦA VẤN ĐỀ
Căn cứ vào tình hình quản lý kinh
tế, quản lý kỹ thuật hiện nay trong các xí nghiệp, công trường cũng như trong
giao thông vận tải và để thực hiện phương châm sản xuất “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”
thì tiến hành công tác cải tiến và xây dựng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và
tiêu chuẩn kỹ thuật là một việc rất cần thiết và cấp bách. Nếu không có các chỉ
tiêu kinh tế và tiểu chuẩn kỹ thuật thích hợp thì không đẩy mạnh sản xuất và quản
lý xí nghiệp tốt được và tình trạng lãng phí trầm trọng nhân, vật, tài lực
không thể tránh được.
Trong nghị quyết Đại hội Đảng về
phần công tác kinh tế có nói: “Tập trung lực lượng đẩy mạnh tăng năng suất, hạ
giá thành, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, chuẩn bị cơ sở cho kế hoạch 1961…”
cũng trong nghị quyết Đại hội Đảng về phần công tác khoa học có nói: “Phải nghiên
cứu những vấn đề kỹ thuật riêng của nước ta…nghiên cứu áp dụng những tiêu chuẩn,
quy phạm, quy trình kỹ thuật của các nước vào điều kiện nước ta tiến tới xây dựng
cho ta một hệ thống các tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình kỹ thuật thích hợp…”.
Chúng ta có thể thấy rằng một trong những vấn đề cấp bách phải thực hiện để phục
vụ cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là cải tiến và xây dựng các chỉ tiêu kinh tế
kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Xây dựng các chỉ tiêu kinh tế và
kỹ thuật là định hiệu suất sử dụng thiết bị, phương tiện, máy móc, định mức
năng suất lao động, định mức tiêu dùng nguyên nhiên vật liệu, điện lực cho từng
loại sản xuất, cho từng loại sản phẩm. Các chỉ tiêu ấy là cơ sở để quản lý kinh
tế, quản lý sản xuất, để hạch toán kinh tế, có tác dụng tốt quản lý giá thành sản
phẩm. Tiêu chuẩn kỹ thuật quy định quy cách, phẩm chất của sản phẩm, v.v… Các
chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và các tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện rất cơ bản để
quản lý xí nghiệp. Việc gì chưa có chỉ tiêu thì xây dựng; chỉ tiêu hoặc tiêu
chuẩn nào đã có, nhưng nếu xét không thích hợp nữa thì cải tiến cho tiến bộ
hơn.
Cải tiến và xây dựng các chỉ
tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn cũng là yêu cầu thiết thực cho phong trào
thi đua của công nhân và cán bộ. Làm công tác này tốt chẳng những tạo ra điều
kiện vững chắc, khoa học để thi đua, để quản lý xí nghiệp mà còn thúc đẩy anh
chị em công nhân học tập thêm nghề nghiệp nắm vững kỹ thuật máy móc do mình phụ
trách, nắm vững khả năng của thiết bị khả năng lao động của mình, nắm vững các
chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật của xí nghiệp, thiết thực tham gia quản lý xí nghiệp,
để thực hiện có kết quả quyền làm chủ xí nghiệp. Đối với cán bộ nhân cơ hội này
mà nâng thêm một bước trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý kinh tế của
mình, học hỏi thêm được trí thức sản xuất của quần chúng, gắn chặt thêm tình
đoàn kết giữa cán bộ với công nhân. Làm công tác này tốt là đẩy mạnh thêm một
bước cách mạng xã hội chủ nghĩa về mặt tư tưởng, văn hóa và khoa học kỹ thuật,
về mặt quản lý sản xuất quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa. Công tác này sẽ khắc
phục cho cán bộ và công nhân những tư tưởng cũ phát hiện và bồi dưỡng những tư
tưởng và tác phong tốt, cải tiến dần tác phong lề mề, đại khái, quan liêu, tạo
ra một phong cách sản xuất và quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa là dám nói,
dám nghĩ, dám làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ, nhiệt tình khẩn trương, chín chắn,
v.v…Kết quả đó cho chúng ta điều kiện để thực hiện yêu cầu đưa miền Bắc tiến
nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc với nhiệm vụ trung tâm là công nghiệp hóa xã hội
chủ nghĩa.
Tóm lại, lợi ích của việc xây dựng
và cải tiến các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật về mặt kinh tế-chính
trị, tổ chức đều rất lớn. Mỗi người, mỗi đơn vị cần nhận rõ và tích cực thi
hành nghiêm chỉnh, khẩn trương, chu đáo thông tư số 231-TTg của Thủ tướng Chính
phủ phục vụ cho kế hoạch 1961 được tốt.
II. ĐẶC ĐIỂM
TÌNH HÌNH
Ngành Giao thông và Bưu điện gồm
3 Tổng cục, lưới hoạt động từ trung ương đến các địa phương (nhất là Bưu điện
xuống đến huyện xã), có bộ phận tập trung như các công trường xây dựng đường sắt,
đường bộ, có bộ phận phân tán như các đoàn xe, đoàn tàu, đội khảo sát và luôn
luôn di động rất khó khăn cho việc quản lý mọi mặt.
Trừ ngành Đường sắt có điều kiện
lãnh đạo thống nhất và tập trung từ trên xuống dưới còn các ngành khác đều chịu
hai chiều lãnh đạo: Bộ và các Tổng cục lãnh đạo về mặt nghiệp vụ chuyên môn,
các mặt khác do Uỷ ban địa phương các cấp lãnh đạo, do đó sự kết hợp công tác
cũng gặp khó khăn và trở ngại.
Ngành có nhiệm vụ quản lý và xây
dựng các công trình về đường sắt, đường bộ, đường thuỷ và đường dây bưu điện để
phục vụ cho nhiệm vụ chủ yếu là công tác Giao thông vận tải và thông tin liên lạc.
Do nhiệm vụ trên, các tính chất
về nghiệp vụ chuyên môn về sản xuất sửa chữa, về xây dựng cơ bản của ba Tổng cục
đều có những yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu cung cấp riêng biệt.
- Về nghiệp vụ chuyên môn có vận
tải đường sắt, đường bộ (ô-tô), đường sông, đường biển và công tác điện chính
bưu chính, phát hành báo chí.
- Về sản xuất công nghiệp các xưởng
cơ khí, trước kia chủ yếu sửa chữa các loại phương tiện vận tải thuỷ bộ, các loại
máy công trình và sản xuất một số phụ tùng thay thế, gần đây trong kế hoạch 3
năm có sản xuất một số mặt hàng mới như đóng xa-lan, ca-nô, ro-moóc, toa xe
hàng, toa xe khách, máy điện thoại để bàn và các loại tổng đài điện thoại.
- Về xây dựng cơ bản: Đường sắt
xây dựng các tuyến đường sắt mới, đặt thông tin hiệu chí, xây dựng nhà ga, cấp
nước, cầu, cống, v.v… Đường bộ xây dựng đường sá, cầu, cống, bến phà; Đường thủy
nạo vét lòng lạch, sông ngòi, cửa biển và xây dựng các bến tàu và hải cảng; Bưu
điện xây dựng các công trình về các đường dây thông tin liên lạc. Ngoài ra
ngành còn quản lý và tu bổ sửa chữa các công trình trên.
Do tính chất phức tạp nhiều
ngành nghề, nhiều loại công trình, nhiều mặt hàng sản xuất và sửa chữa, nhiều cấp
sửa chữa cho nên yêu cầu cung cấp nguyên nhiên vật liệu, của ngành rất phức tạp.
Ngành quản lý các loại phương tiện
vận tải thuỷ bộ, các thiết bị về bưu điện, một số lớn máy công cụ, máy công
trình, máy đo đạc khảo sát, các loại tàu vận tải, tàu kéo, tàu cuốc để phục vụ
cho yêu cầu vận tải, sản xuất và xây dựng.
Tình trạng máy móc thiết bị và
các loại phương tiện vận tải rất phức tạp, có những loại máy tiếp thu đã sử dụng
trên dưới vài chục năm, có những loại máy mới viện trợ và mua sắm trong những
năm gần đây của các nước như Liên xô, Trung quốc, Tiệp khắc, Ba lan, Công hoà
dân chủ Đức, Anh, Mỹ, Pháp, Bỉ, Nhật bản, Tây Đức, v.v… quy cách to nhỏ khác
nhau, kỹ thuật bảo quản, bảo dưỡng và sử dụng yêu cầu trình độ nghiệp vụ cao
trong khi khả năng chuyên môn của công nhân có hạn.
Từ khi thi hành chế độ hạch toán
kinh tế đến nay, và qua cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp nhiều xí nghiệp
công trường đã xây dựng và áp dụng một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn
kỹ thuật do đó đã có cơ sở lập kế hoạch toàn diện tương đối chính xác, phát huy
được khả năng tiềm tàng của xí nghiệp công trường. Nhờ kinh nghiệm sản xuất và
quản lý sản xuất trong mấy năm qua, nhờ ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa và nhiệt
tình lao động của cán bộ công nhân sau học tập cải tiến quản lý xí nghiệp, kết
hợp với việc xây dựng một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật,
các xí nghiệp công trường đã giảm được một phần lãng phí, nâng cao hiệu suất
lao động, hạ giá thành sản phẩm công trình, đảm bảo chất lượng trong sản xuất
và xây dựng.
Với khẩu hiệu “phấn đấu trở
thành cá nhân tiền tiến, đơn vị tiền tiến đẩy mạnh sản xuất hoàn thành vượt mức
kế hoạch” nhiều chỉ tiêu đã được nâng cao. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm 1960
công nhân đường sắt đã tăng mức kéo từ 8% lên đến 136% như trên đoạn Hải dương
Hải phòng đầu máy Prairie đã nâng mức kéo từ 500T lên đến 1.184T, tăng 136%. Đoạn
Đồng Mỏ- Kép đầu máy Mikado đã nâng mức kéo từ 850T lên đến 1.444 tấn tăng 69%.
Bình quân năm 1960 một đầu máy kéo trong một khu đoạn ấn định 1.530T đã thực hiện
2.167T tăng 41,01%. Công nhân quốc doanh sông biển đã kéo một chuyến 14 xà-lan
chở 3.200T hàng với một tàu kéo 360cv (trước chỉ kéo 1.200T), Khu Giao thông Việt
bắc đã kéo thí điểm thành công 10 rơ-moóc,Ty Giao thông Thanh hoá đã kéo thí điểm
thành công 10 và 15 rơ-moóc. Vấn đề giải phóng xe nhanh trong sửa chữa đang có
đà tiến mạnh trong các xí nghiệp và các đơn vị vận tải. Cụ thể đại tu một chiếc
xe trước phải giữ trong xưởng từ 45 đến 60 ngày nay rút xuống chỉ 1 ngày với số
giờ ấn định từ 1.800 đến 2 000 giờ nay chỉ từ 1.200 đến 1.500 giờ thôi. Phong
trào cải tiến phương tiện giải phóng đôi vai đang được đẩy mạnh trên các công
trường. Công trường 426 Tây bắc đã giải phóng đôi vai 90%, các công trường thuộc
các tỉnh trung du và đồng bằng giải phóng đôi vai từ 40% đến 50%. Vấn đề đào đất
ở công trường 426: từ mức 4m3 đến 8m3 một công, có người
đạt được 150m3, đạt đột xuất có người đào được 180 và 200m3.
Những điển hình trên tuy chưa
thành một phong trào rộng khắp trong toàn ngành nhưng nó chứng minh một cách
hùng hồn rằng khả năng tiềm tàng của cán bộ và công nhân chúng ta là vô tận, nó
nói lên tinh thần dũng cảm trong đấu tranh sản xuất của cán bộ và công nhân
chúng ta. Nó đã có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, sáng
chế, phát minh, nhờ đó mà kế hoạch năm 1960 và kế hoạch 3 năm có điều kiện thuận
lợi hoàn thành tốt đẹp. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt mức, nhiều
đơn vị vận tải, sản xuất, và xây dựng hoàn thành kế hoạch trước thời hạn: Cụ thể:
So với nhiệm vụ kế hoạch 3 năm
(1958-1960)
- Về vận tải (đường sắt, đường bộ,
đường thuỷ) toàn ngành đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển nói chung, nếu tính
riêng hàng hóa trong nước vượt 13,4%, khối lượng luân chuyển vượt 16,5%. Tổng
giá trị khối lượng nghiệp vụ bưu điện vượt 2,2%, mặt khác, giá thành vận tải
năm 1960 giảm hơn mức kế hoạch định và so với năm 1957 đường sắt giảm 40%, đường
bộ giảm 34%, đường sông giảm 40% và đường biển 48%.
- Về sản xuất công nghiệp giá trị
tổng sản lượng công nghiệp toàn ngành vượt 34,1% (chi tiết: đường sắt 50,4%, đường
bộ 16,9%, đường thủy 3,5%, Bưu điện 70,1%).
- Về xây dựng cơ bản giá trị tổng
sản lượng xây dựng cơ bản toàn ngành vượt 7,6% (chi tiết: Đường sắt 39,8%, đường
bộ 15%, Bưu điện 12,4% riêng đường thuỷ hụt 3,6%).
- Về năng suất lao động, nếu lấy
năm 1957 làm chuẩn là 100% thì năm 1960:
a) Về vận tải đường sắt vượt
105,34%, đường bộ vượt 144,7%, đường thuỷ vượt 75,2%, cảng Hải phòng vượt
128,94%, Bưu điện vượt 120,49%.
b) Về công nghiệp, năng suất lao
động bình quân toàn ngành vượt 145,59% (xây dựng cơ bản chưa tính được).
Tuy nhiên trong việc xây dựng,
thực hiện và quản lý các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật các
đơn vị trong ngành còn có nhiều thiếu sót:
- Các chỉ tiêu chủ yếu chưa xây
dựng một cách toàn diện và đồng đều. Thí dụ: cùng một công việc đào đất đắp đất
nhưng năng suất của đường sắt và đường bộ khác nhau, cùng một loại xà-lan nhưng
các xưởng lại tính với những giá thành khác nhau, v.v… Phần lớn các Tổng cục
chú trọng nhiều đến các chỉ tiêu về sản lượng (vận tải, sản xuất, xây dựng) mà
chưa chú ý đúng mức đến các chỉ tiêu về năng suất lao động, công suất thiết bị,
nguyên, nhiên vật liệu và chất lượng sản phẩm công trình do đó thiếu cơ sở để hạch
toán kinh tế, hạn chế khả năng phấn đấu hạ thấp giá thành hơn nữa, mặt khác khi
tổng kết các chỉ tiêu giá trị tổng sản lượng (vận tải, sản xuất, xây dựng) lên
xuống thất thường rất khó khăn cho lãnh đạo nhận xét phân tích và đánh giá tình
hình để tìm ra nguyên nhân ưu khuyết điểm một cách chính xác để bổ khuyết và đẩy
mạnh sản xuất tiến lên.
- Các chỉ tiêu và tiêu chuẩn khi
xây dựng còn phiến diện, chưa kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế và kỹ thuật. Ví dụ
chưa dung hòa và giải quyết đúng đắn mâu thuẫn về năng suất lao động với các chỉ
tiêu nguyên, nhiên, vật liệu, như đại tu toa xe chỉ chú trọng nhiều đến công
tháo gỗ cho nhanh mà chưa chú ý tiết kiệm dùng lại những tấm gỗ còn tốt; chưa kết
hợp được năng suất của bộ phận này với bộ phận khác, phân xưởng này với phân xưởng
khác trong dây chuyền sản xuất như bộ phận xẻ gỗ ván toa xe chú trọng nhiều đến
khối lượng gỗ xẻ mà chưa chú ý đến chất lượng của mạch cưa nên bộ phận mộc tốn
nhiều công bào lại hao phí gỗ, chưa kết hợp được giữa hiện đại với thô sơ như cảng
Hải phòng chưa dùng được băng chuyển than xuống tàu, vì chưa giải quyết được, số
công nhân bốc vác sẽ thừa ra. Nhất là những mâu thuẫn giữa chủ phương tiện khi
thực hiện chỉ tiêu vận tải với khách hàng khi bốc dỡ, chưa giải quyết được tốt
những tàu kéo, kéo một chuyến 3.200 tấn hàng nhưng không tổ chức bốc dỡ kịp thời
nên chỉ tiêu quay vòng phương tiện không thực hiện được tốt.
- Một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật
và tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng không theo đường lối quần chúng và thiếu chính
xác nên ít có tác dụng và không được quảng đại quần chúng tự giác chấp hành
nghiêm chỉnh và thực hiện thiếu nhiệt tình.
- Các thể lệ chế độ về bảo quản,
bảo dưỡng, dự trữ máy móc thiết bị nguyên, nhiên vật liệu và phụ tùng thay thế
còn thiếu, nên gây tình trạng lãng phí, hao hụt, ứ đọng như cầu Đò Cấm
làm xong còn thừa lại 20 tấn sắt tròn và 30 tấn xi- măng.
- Các quy trình quy phạm và tiêu
chuẩn kỹ thuật vận hành máy móc thiết bị và các loại phương tiện vận tải chưa
xây dựng đầy đủ, nên chưa tận dụng hết khả năng của máy móc phương tiện. Cụ thể
các loại máy, công trình mới chỉ dùng được trung bình 60 ngày một năm, máy dùng
nhiều nhất là 212 ngày và ít nhất 3 ngày trong một năm; tàu Hoà bình trọng tải
700 tấn vào Bến thủy chỉ chở được 140 tấn gỗ mà mỗi tháng chỉ đi được 2 chuyến,
v.v…
- Các chế độ kiểm tra, thưởng phạt,
an toàn lao động chưa chú ý xây dựng đầy đủ nên chưa tạo điều kiện dễ
dàng cho việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật đã
được xây dựng đúng.
- Ở các cấp chưa tổ chức phân
công người chuyên trách thống kê theo dõi thường xuyên để đệ trình xét duyệt và
điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cho thích hợp với
hoàn cảnh thực tế, do đó nhiều trường hợp bất hợp lý không được kịp thời sửa chữa
để đẩy mạnh phong trào tiến lên.
Những thiếu sót trên đã gây nên
tình trạng lãng phí nghiêm trọng trong việc sử dụng nhân vật tài lực của Nhà nước,
mặt khác đã hạn chế những thành quả lao động của ngành, đồng thời làm cho ngành
không đẩy mạnh được tốc độ phát triển để phục vụ đắc lực cho nhu cầu trước mắt.
Sở dĩ chúng ta mắc những thiếu
sót trên, một trong những nguyên nhân căn bản và chủ yếu là cán bộ lãnh đạo
chúng ta chưa coi trọng đúng mức công tác lãnh đạo kinh tế. Điều đó biểu hiện
trình độ quản lý kinh tế kỹ thuật của chúng ta còn thấp kém; mặt khác biểu hiện
khuynh hướng công tác chính trị tách rời công tác kinh tế và kỹ thuật, trong
khi lãnh đạo chính trị và lãnh đạo kinh tế, kỹ thuật là hai mặt của một vấn đề
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc
III. YÊU CẦU
MỤC ĐÍCH
Chỉ thị số 231-TTg ngày
05-10-1960 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Hiện nay nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch
3 năm và năm 1960 còn khá nặng. Nhiệm vụ chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất
và năm 1961 đã đặt ra cấp thiết. Trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở miền Bắc, đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa với tốc độ
cao, đòi hỏi chúng ta phải tiến lên một bước trong việc quản lý kinh tế có kế
hoạch, trước hết là phải quản lý tốt các xí nghiệp, công trường nhằm đẩy mạnh sản
xuất theo phương châm “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” tận lực phát huy khả năng tiềm
tàng của công nhân và máy móc, phương tiện, nâng cao hơn nữa trình độ kỹ thuật
và năng suất lao động của công nhân, cải tiến phẩm chất sản phẩm, hạ giá thành
thực hành tiết kiệm, tăng thêm tích luỹ cho Nhà nước, tạo điều kiện thúc đẩy sản
xuất mở rộng và cải thiện đời sống của công nhân và nhân dân lao động”.
Để đạt tới yêu cầu đó ngành ta
cũng như các ngành khác phát động công tác cải tiến và xây dựng chỉ tiêu kinh tế
kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm mấy mục đích:
1. Tiếp tục phát huy
thắng lợi của cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp không ngừng nâng cao lập
trường tư tưởng giác ngộ xã hội chủ nghĩa và phát huy óc sáng tạo, khả năng tiềm
tàng của cán bộ công nhân.
2. Cải tiến và xây dựng
các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất
lao động, chất lượng sản phẩm, tận dụng đến mức tối đa nguyên, nhiên, vật liệu,
máy móc thiết bị và các loại phương tiện vận tải, triệt để tiết kiệm, chống
lãng phí tham ô để hạ giá thành sản phẩm, cải thiện đời sống cán bộ công
nhân và tăng thêm tích luỹ vốn cho Nhà nước để tái sản xuất mở rộng.
3. Cải tiến và xây dựng
các thể lệ, chế độ, quy trình, quy phạm vận hành máy móc thiết bị và các loại
phương tiện vận tải khác nhằm bảo đảm cho việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ
thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng đúng.
4. Củng cố máy quản trị
kinh tế, quản lý dây chuyền sản xuất, xác định quyền hạn nhiệm vụ và sự phối hợp
công tác giữa chính trị với chuyên môn, giữa trực tiếp với gián tiếp, bảo đảm sự
đoàn kết nhất trí trong nội bộ xí nghiệp và công trường để quản lý các mặt kế
hoạch, kỹ thuật, tài vụ, cung cấp, lao động được tốt và chặt chẽ.
5. Tạo điều kiện cho
cán bộ lãnh đạo chính trị đi sâu vào khoa học kỹ thuật, nắm được kỹ thuật để
lãnh đạo chuyên môn, đồng thời làm cho cán bộ kỹ thuật và nghiệp vụ gắn liền với
quần chúng, thoát ly quan điểm chuyên môn thuần tuý. Mặt khác phát động quần
chúng đi sâu vào khoa học kỹ thuật ngành nghề tạo điều kiện cho quần chúng dám
nói, dám nghĩ, dám làm và thực sự làm chủ xí nghiệp của mình.
Nhà máy xi-măng Hải phòng và nhà
máy diêm Thống nhất đã chứng minh rằng chỉ có dựa trên cơ sở xây dựng các chỉ
tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật chính xác và trung bình tiền tiến
mới phát huy được óc sáng tạo của cán bộ công nhân, mới tận dụng hết khả năng
máy móc, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu để phấn đấu cải tiến kỹ thuật, tăng
năng suất hạ giá thành sản phẩm, do đó nguyên tắc đãi ngộ xã hội chủ nghĩa được
áp dụng có hiệu quả. Mặt khác nó có tác dụng kích thích sản xuất đồng thời tăng
thêm thu nhập cho người lao động.
IV. NỘI
DUNG CÔNG TÁC CẢI TIẾN XÂY DỰNG
1. Tăng cường giáo dục chính trị,
tư tưởng:
Việc cải tiến xây dựng chỉ tiêu
kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật là nội dung công tác lãnh đạo sản xuất
và quản lý sản xuất. Từ trước đến nay cán bộ, công nhân ta đã lãnh đạo và quản
lý sản xuất, nhưng nhận thức chưa được đầy đủ và sâu sắc cho nên việc làm chưa
được tốt.
Cuộc phát động này đưa ra đều được
cán bộ, công nhân hưởng ướng, nhưng mặt khác cũng có những nhận thức không
đúng, nếu không giải quyết tốt thì sẽ làm ảnh hưởng công tác cải tiến và xây dựng
chỉ tiêu và tiêu chuẩn.
Cán bộ và công nhân ngành Giao
thông và Bưu điện phần nhiều đã được thử thách trong kháng chiến, đa số xuất
thân ở thành phần cơ bản và được sự giáo dục của Đảng, qua mấy năm hoà bình được
thử thách trong các cuộc đấu tranh giai cấp: cải cách ruộng đất, cải tạo giai cấp
tư sản, cải tiến quản lý xí nghiệp, v.v… do đó trình độ chính trị đã được nâng
cao lên một bước và lập trường tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã được xác định, cho
nên mặc dù điều kiện công tác khó khăn phức tạp, cán bộ công nhân trong các xí
nghiệp công trường của Bộ Giao thông và Bưu điện vẫn hăng hái thi đua lao động,
thi đua cải tiến kỹ thuật đưa năng suất tiến lên không ngừng. Cụ thể là các
ngành vận chuyển; đường sắt, ô-tô , đường thuỷ và các xí nghiệp công trường
luôn luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức về sản lượng trước thời hạn. Đó là
mặt ưu điểm, mặt chủ yếu, nhưng hiện nay đang có hiện tượng tư tưởng không tốt
biểu hiện trong sản xuất và trong quản lý sản xuất cần phải giải quyết mới tiến
hành công tác này được tốt.
- Trong sản xuất chưa chú ý chất
lượng, có hiện tượng chạy theo số lượng với tư tưởng kinh tế đơn thuần.
- Chưa chú ý đến lợi ích toàn bộ
mà chỉ nghĩ đến lợi ích bộ phận mình, hoàn thành kế hoạch nhưng không nghĩ đến
giá thành lỗ lãi. Mặt khác trong việc hoàn thành kế hoạch chưa chú ý đến liên
quan trở ngại cho ngành khác, đơn vị khác.
- Ý thức bảo vệ của công chưa
cao, chưa đau xót tình hình lãng phí, hư hỏng phương tiện máy móc nguyên vật liệu.
Đó cũng biểu thị tinh thần làm chủ xí nghiệp của chúng ta chưa được đầy đủ.
- Tư tưởng cung cấp trong ngành
ta khá phổ biến, biểu hiện khi nhận kế hoạch đòi hỏi tiền nhiều, biên chế tăng
thêm, phương tiện máy móc thiết bị nguyên nhiên vật liệu đầy đủ, nhưng khi nhận
kế hoạch sản lượng có xu hướng muốn hạ thấp dần. Đó là tư tưởng cung cấp đơn
thuần đồng thời cũng là tư tưởng cục bộ, phiến diện.
Trên đây là những tư tưởng tồn tại,
nhưng khi tiến hành công tác cải tiến xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và
tiêu chuẩn kỹ thuật có thể đẻ ra một số tư tưởng mới khác như sau:
- Những đơn vị có xây dựng được
một số chỉ tiêu và tiêu chuẩn thì tự mãn, bảo thủ, cho của mình như thế là đầy
đủ lắm rồi, còn những đơn vị mới xây dựng được ít hoặc chưa có, mà lâu nay vẫn
hoàn thành kế hoạch, thì cho việc xây dựng chỉ tiêu và tiêu chuẩn cũng không cần
thiết. Hai hiện tượng trên là bảo thủ và tự mãn đều cần phải khắc phục.
- Cho việc xây dựng chỉ tiêu,
tiêu chuẩn và cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất sẽ thừa người, thiếu
nguyên vật liệu, thiếu việc, cho nên không tích cực cải tiến, xây dựng hoặc làm
cầm chừng.
- Cán bộ công nhân có thể cho rằng
lần này cải tiến xây dựng chỉ tiêu và tiêu chuẩn không khác gì cuộc cải tiến quản
lý xí nghiệp vừa qua, phát hiện các vấn đề bất hợp lý nhưng chưa giải quyết được
đầy đủ, do đó kém phần tin tưởng.
- Tư tưởng buông trôi, khoán trắng
cho một số cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ và cũng có thể bao biện không cho cán bộ kỹ
thuật nghiệp vụ trực tiếp làm.
- Phải đề phòng tư tưởng làm qua
loa, không nghiêm túc của các đồng chí phụ trách xí nghiệp công trường, không tận
tình phát hiện hết ưu khuyết điểm trong việc xây dựng chỉ tiêu và tiêu chuẩn do
đó ảnh hưởng đến việc phát động tư tưởng của công nhân.
- Trong cải tiến quản lý xí nghiệp
công nhân phát hiện yêu cầu trên sửa chữa, nhưng lần này phát động cải tiến xây
dựng chỉ tiêu và tiêu chuẩn kỹ thuật thì công nhân tự phát hiện, tự xây dựng và
tự quản lý, cho nên cần đề phòng tư tưởng ỷ lại vào cấp trên.
Trong cuộc phát động này cũng
tránh không nên để anh chị em công nhân đi lệch vào các chế độ, chính sách thuộc
về đời sống mà chủ yếu là phát hiện các bất hợp lý trong sản xuất, xoay quanh bốn
tiêu chuẩn và chỉ tiêu chính.
Cho nên việc giáo dục chính trị,
lãnh đạo tư tưởng, giải quyết tư tưởng cho cán bộ công nhân là vấn đề rất quan
trọng, nó quyết định thành công của công tác này.Vì vậy đòi hỏi cán bộ
lãnh đạo phải tỉ mỉ, cụ thể, đi sâu đi sát mới giải quyết được tốt.
2. Vấn đề học tập:
Vì trình độ kỹ thuật và nghiệp vụ
của chúng ta còn non kém và yêu cầu sản xuất và lãnh đạo sản xuất đòi hỏi nên
trong mấy năm qua, nhất là từ năm 1959 lại đây, mỗi cán bộ, công nhân chúng ta
đã cố gắng học tập; các cấp lãnh đạo đã tạo điều kiện cho cán bộ công nhân học
tập kỹ thuật nghiệp vụ, do đó đã đưa lại kết quả tốt cho lãnh đạo sản xuất và
trực tiếp sản xuất. Nhưng kiểm điểm lại việc học tập của chúng ta chưa toàn diện;
- Chúng ta có rất nhiều điều kiện
học tập như học tập chuyên gia, học tập những sáng kiến kinh nghiệm trong sản
xuất của nhau, nhưng chúng ta chưa chú ý đúng mức. Ví dụ: mấy cuộc triển lãm
sáng kiến cải tiến kỹ thuật của ngành ta rất tốt, rất phong phú, nhưng chúng ta
chưa lấy đó phổ biến học tập một cách rộng rãi.
- Sáng kiến cải tiến kỹ thuật
trong ngành ta rất nhiều, nhưng khi bộ phận này có sáng kiến cải tiến kỹ thuật
thì bộ phận khác, xí nghiệp khác chưa sốt sắng học tập lẫn nhau. Ví dụ: những
sáng kiến kỹ thuật của nhà máy Gia-lâm, nhà máy 1-5, v.v… thì các ngành của các
Bộ khác tới học tập rút kinh nghiệm nhưng các xí nghiệp trong Bộ ta thì xem nhẹ.
- Việc học tập chuyên gia thiếu
tích cực. Các đồng chí chuyên gia rất cần thiết giúp đỡ chúng ta học tập nhưng
chúng ta thiếu tổ chức, thiếu lãnh đạo để học tập, mặt khác có hiện tượng bảo
thủ, học tập máy móc. Gần đây đã sửa chữa nhưng chưa đúng mức.
Lẽ ra trình độ kỹ thuật, nghiệp
vụ của cán bộ công nhân ta tiến một bước khá dài, nhưng do quan điểm học tập
chưa đúng, cho nên hạn chế sự tiến bộ của chúng ta. Chúng ta phải quan niệm rằng
muốn sản xuất và lãnh đạo sản xuất tốt, cần phải học tập kỹ thuật và nghiệp vụ.
Nhưng việc học tập kỹ thuật nghiệp vụ không phải học tập tập trung tại trường,
tại lớp là đủ, mà cần phải học tập kinh nghiệm sản xuất trong bản thân mình, học
tập sáng kiến kinh nghiệm của người khác, đơn vị khác. Phải nhận thức đúng đắn
như trên để thông qua cuộc phát động này rút ra trong thực tế những kinh nghiệm
của bản thân và những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người khác, của đơn vị
khác để trao đổi phổ biến học tập lẫn nhau.
Để đẩy mạnh sản xuất hơn nữa,
chúng ta cần quan tâm đúng mức việc bồi dưỡng kỹ thuật và nghiệp vụ cho cán bộ
công nhân. Các cấp trên tổ chức những cuộc trưng bày triển lãm những thành tích
cải tiến kỹ thuật, những sáng kiến phát minh, tổ chức biểu diễn thao tác kỹ thuật
để trao đổi cùng nhau học tập, tổ chức những đoàn đi học tập kinh nghiệm và
tranh thủ học tập các chuyên gia bạn.
Phải thấy rằng muốn xây dựng một
nền công nghiệp hiện đại thì phải có khoa học. Cho nên vấn đề bồi dưỡng trí thức
khoa học cho các bộ công nhân là một việc rất quan trọng. Có thế mới nâng cao
trình độ kỹ thuật nghiệp vụ của cán bộ công nhân ta lên một bước trong quản lý
sản xuất và trong sản xuất.
3. Cải tiến xây dựng các chỉ
tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật, sửa đổi, bổ sung và xây dựng
các chế độ, thể lệ cần thiết.
- Trong kế hoạch 5 năm đã được Đại
hội Đảng lần thứ III thông qua có ghi rõ: “Cần tập trung lực lượng thúc đẩy việc
nâng cao không ngừng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm”, và cũng
trong kế hoạch này có đề ra biện pháp cụ thể: “Muốn thế cần phải bồi dưỡng nhiệt
tình lao động của công nhân trên cơ sở tiến hành giáo dục chính trị và tư tưởng,
nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật kết hợp với cải tiến chế độ tiền lương và
phát triển phúc lợi công cộng, cần tăng cường tổ chức lao động, nâng cao kỹ thuật
lao động, khuyến khích cải tiến tổ chức, cải tiến kỹ thuật, áp dụng rộng rãi kỹ
thuật tiền tiến, triệt để sử dụng công suất của thiết bị máy móc, thực hiện đầy
đủ chế độ hạch toán kinh tế, phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm”
- Việc cải tiến xây dựng chỉ
tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của chúng ta, muốn làm được tốt,
trước tiên phải làm cho cán bộ công nhân thấu triệt và thấm nhuần tinh thần những
điểm trong nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III đã nêu ở trên và Chỉ thị của Phủ
Thủ tướng để phục vụ sản xuất và lãnh đạo sản xuất được tốt. Làm cho mọi người
cán bộ, công nhân hiểu một cách sâu sắc trong quản lý sản xuất xã hội chủ
nghĩa, nếu không có chỉ tiêu và tiêu chuẩn kỹ thuật, thì không thể sản xuất tốt
và lãnh đạo sản xuất tốt, mà muốn xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu
chuẩn kỹ thuật tốt, thì vấn đề quan trọng là phải phát động quần chúng để họ tự
phát hiện và tự xây dựng, sau đó họ tự quản lý. Kinh nghiệm trong cuộc phát động
cải tiến quản lý xí nghiệp, khả năng sáng kiến của công nhân ta rất lớn.
Cần nhận rõ rằng việc xây dựng
chỉ tiêu và tiêu chuẩn các ngành trong Bộ ta đã làm và làm rất nhiều, có tác dụng
rất lớn trong sản xuất, trong vận tải, trong xây dựng như trên đã nói, nhưng về
mặt khác, chúng ta thấy còn nhiều khuyết điểm và nhược điểm.
Việc xây dựng chỉ tiêu và tiêu
chuẩn kỹ thuật lần này rất quan trọng. Làm được tốt hay xấu sẽ ảnh hưởng rất lớn
đến kế hoạch năm 1961 và kế hoạch 5 năm. Vì vậy muốn xây dựng được tốt và đúng
trước tiên phải kiểm điểm đúng mức trong công tác xây dựng và quản lý các chỉ
tiêu, tiêu chuẩn chúng ta có những khuyết điểm gì?
- Chúng ta lãnh đạo sản xuất
nhưng chưa chú trọng đúng mức lãnh đạo xây dựng chỉ tiêu và tiêu chuẩn kỹ thuật,
đồng thời thiếu lãnh đạo quản lý chặt chẽ những chỉ tiêu và tiêu chuẩn đã có,
do đó lãnh đạo khó nhận xét, phân tích tìm nguyên nhân ưu khuyết điểm để bổ
khuyết và đẩy mạnh sản xuất.
- Do việc xem nhẹ cho nên một số
chỉ tiêu và tiêu chuẩn, chủ yếu đã xây dựng chưa thật đi đúng đường lối quần
chúng, do đó tác dụng của nó bị hạn chế.
- Cũng do coi nhẹ việc lãnh đạo
quản lý chỉ tiêu và tiêu chuẩn, cho nên cấp dưới tự xây dựng đưa thi hành cấp
trên không biết và những chỉ tiêu đưa xuống thi hành các đơn vị chưa thật
thông.
- Lãnh đạo xây dựng chỉ tiêu và
tiêu chuẩn chưa kết hợp bốn nội dung với nhau cho nên thường sinh ra mâu thuẫn
trong dây chuyền sản xuất.
Việc lãnh đạo chưa được chặt chẽ
ấy đã gây nên tình trạng khó khăn trong sản xuất và lãnh đạo sản xuất.
Căn cứ vào thiếu sót trên, căn cứ
vào nội dung yêu cầu của Chỉ thị của Thủ tướng phủ, Bộ nêu cụ thể nội dung như
sau để các xí nghiệp, công trường căn cứ vào đó làm hướng cải tiến và xây dựng
các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật.
a) Chỉ tiêu về hiệu suất sử dụng
các loại phương tiện, máy móc thiết bị, tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc vận hành
máy móc.
- Chỉ tiêu về lợi dụng công suất
của máy (thí dụ: năng lực thiết kế của một máy trộn bê-tông trong 1 giờ là 2m3
bê-tông, nhưng thực tế chỉ trộn được 1m35, chỉ tiêu về lợi dụng công
suất là (1,5:2)x 100% = 75%).
- Chỉ tiêu về thời gian sử dụng
phương tiện vận tải, máy móc (số giờ thực tế của máy làm việc trong một kíp, số
giờ sử dụng để vận chuyển của phương tiện vận tải trong một đơn vị thời gian,
v.v…)
- Chỉ tiêu về thời gian sử dụng
máy móc, phương tiện, vận tải cho một đơn vị sản phẩm.
- Tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc
vận hành phương tiện máy móc.
b)Chỉ tiêu về năng suất lao động.
- Chỉ tiêu về thời gian lao động
(mức trung bình tiền tiến) cho mỗi đơn vị sản phẩm hoặc số lượng sản phẩm cho một
đơn vị thời gian lao động.
- Xây dựng cấp bậc công việc để
bố trí cấp bậc thợ đúng khả năng chuyên môn.
Xác định định viên mới cho công
trường, xí nghiệp, phân xưởng, tổ sản xuất (khi đã áp dụng chỉ tiêu và tiêu chuẩn
mới).
c) Chỉ tiêu về sử dụng nguyên,
nhiên vật liệu, điện lực.
- Chỉ tiêu tiêu dùng và tiêu hao
nguyên, nhiên vật liệu, điện lực cho mỗi đơn vị sản phẩm.
- Định mức thu hồi nguyên vật liệu
như nhôm, đồng, sắt, gỗ, v.v… sau khi gia công (ví dụ: phoi bào, phoi tiện, gỗ
vụn, v.v…)
- Định mức dự trữ nguyên, nhiên
vật liệu, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị cho mỗi đơn vị sản xuất.
d)Tiêu chuẩn chất lượng thành phẩm
và phế phẩm:
- Tiêu chuẩn kỹ thuật (hay quy
cách) của sản phẩm và công trình xây dựng.
- Tỷ lệ phế phẩm cho phép (riêng
vận chuyển và khai thác bưu điện không cho phép có phế phẩm).
Để đảm bảo việc xây dựng hoặc quản
lý và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật nói trên
được tốt, các xí nghiệp, công trường, cơ quan, v.v… cần nghiên cứu cải tiến, bổ
sung và xây dựng các chế độ, thể lệ, quy tắc cần thiết như: chế độ sử dụng, chế
độ bảo quản, bào dưỡng, kiểm tra, tu sửa phương tiện vận tải, máy móc thiết bị,
quy tắc thao tác, phương tiện, máy móc, quy trình công nghệ, chế độ kiểm tra,
nghiệm thu sản phẩm, chế độ trách nhiệm cá nhân trong tổ sản xuất, chế độ sử dụng,
bảo quản, cung cấp nguyên, nhiên vật liệu, v.v… chế độ nội dung về lao động,
v.v… Muốn nâng cao cải tiến các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và các tiêu chuẩn kỹ
thuật, một mặt phải dựa vào trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ, trí tuệ, sáng tạo của
công nhân viên, mặt khác phải dựa vào chế độ xử lý nghiệp vụ, trình độ thao tác
kỹ thuật, quy tắc quản lý kỹ thuật, thể lệ vận hành, máy móc thiết bị, v.v… Bởi
vậy trong cuộc vận động này, cần kết hợp chặt chẽ việc xây dựng các chỉ tiêu
kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật với việc xây dựng và cải tiến các chế độ,
thể lệ, quy tắc về nghiệp vụ, kỹ thuật, kinh tế, làm như vậy là tạo thêm điều
kiện mới để cải tiến chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời
là cơ sở để quản lý các chỉ tiêu và tiêu chuẩn ấy.
Các Tổng cục, các Cục trong khi
lãnh đạo xây dựng, cải tiến các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật,
cần nghiên cứu Chỉ thị số 3.494-CN ngày 9-12-1960 của Phủ Thủ tướng để kết hợp
hai công tác trên được chặt chẽ.
4. Củng cố các tổ sản xuất và
các tổ chức kỹ thuật nghiệp vụ:
Việc củng cố các tổ sản xuất và
các tổ chức kỹ thuật nghiệp vụ rất cần thiết và rất quan trọng, nó bảo đảm duy
trì và phát triển thắng lợi của cuộc cải tiến xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật
và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Trong cải tiến quản lý xí nghiệp,
các tổ sản xuất đã được củng cố và xây dựng thêm, nó có tác dụng rất lớn trong
việc quản lý lao động, vật liệu, và quản lý một phần về kỹ thuật, do đó đã hạn
chế được một phần lãng phí về lao động, nguyên, nhiên vật liệu. Nhưng so với
yêu cầu quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa thì mới chỉ là bước đầu. Hiện nay tổ
sản xuất chưa quản lý tài vụ, giá thành, vật tư, do đó cơ sở làm chủ xí nghiệp
của công nhân chưa được vững chắc, cán bộ chưa được bồi dưỡng cho nên qua cuộc
phát động này chúng ta cần phải bồi dưỡng cho cán bộ, tổ sản xuất, giáo dục
nâng cao tinh thần làm chủ xí nghiệp, trong tổ sản xuất và tạo điều kiện giúp đỡ
tổ sản xuất quản lý đầy đủ các chỉ tiêu và tiêu chuẩn, các thể lệ chế độ đã xây
dựng.
Các tổ chức kỹ thuật: trong Bộ
ta từ trên xuống dưới đều có cán bộ phụ trách kỹ thuật nhưng chưa tổ chức thành
hệ thống. Ở mỗi cấp có một số cán bộ làm định ngạch kỹ thuật. Hai hệ thống đó nội
dung là một nhưng tách rời nhau không bên nào làm đầy đủ trách nhiệm, vì vậy
không có người thường xuyên chuyên trách theo dõi công tác này. Từ nay về sau
công tác xây dựng chỉ tiêu và tiêu chuẩn tùy thuộc nhiều bộ môn nghiệp vụ,
nhưng chủ yếu giao cho hệ thống kế hoạch và kỹ thuật theo dõi thường xuyên để
giúp cho các cấp nắm vững và chỉ đạo các chỉ tiêu và tiêu chuẩn. Để làm tròn
nhiệm vụ đó cần phải củng cố tổ chức hệ thống kỹ thuật từ trên xuống dưới.
Cán bộ trong hệ thống thông kê của
ta từ trên xuống dưới đã có nhưng chưa đủ và mới làm nhiệm vụ tổng hợp, chưa
làm tròn nhiệm vụ thống kê để phục vụ sản xuất, mà làm nhiệm vụ tổng hợp cũng
chưa thật chính xác. Do đó cần phải kiện toàn tổ chức thống kê từ trên xuống dưới.
V. TỔ CHỨC
LÃNH ĐẠO.
A. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1.
Để lãnh đạo thực hiện công tác cải tiến xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và
tiêu chuẩn kỹ thuật được chặt chẽ, ở Bộ tổ chức một đoàn kiểm tra hướng dẫn
công tác cải tiến xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Thành phần gồm có:
- Mỗi Vụ xung quanh Bộ một Vụ
trưởng hoặc Vụ phó.
- Mỗi Tổng cục một Tổng cục phó.
2. Ở
các Tổng cục thành lập một Ban cải tiến xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và
tiêu chuẩn kỹ thuật. Thành phần gồm có:
- Tổng cục trưởng
- Các Cục và các Phòng trực tiếp
Tổng cục,
- Đảng uỷ (như Đường sắt)
- Công đoàn dọc – Thanh niên dọc.
- Các cán bộ phụ trách kỹ thuật
nghiệp vụ.
3.
Các xí nghiệp, đoạn, đội, công trường, công ty, cảng, ty thành lập một ban cải
tiến xây dựng chỉ tiêu.
4. Ở
phân xưởng, phân đội thành lập một tiểu ban cải tiến xây dựng chỉ tiêu.
5.
Mỗi tổ sản xuất là một tổ cải tiến xây dựng chỉ tiêu.
Các thành phần và nhiệm vụ cụ thể
của xí nghiệp và phân xưởng do các Tổng cục căn cứ tình hình cụ thể ở mỗi ngành
mà quy định.
B. NHIỆM VỤ TỔ
CHỨC LÃNH ĐẠO VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN Ở CÁC CẤP.
1. Nhiệm vụ đoàn kiểm
tra:
a) Giúp các Tổng cục trong công
tác cải tiến xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật.
b) Đoàn có nhiệm vụ nắm vững
tình hình ở các Tổng cục đi sâu từng bộ môn (các Vụ), kiểm tra đôn đốc các Tổng
cục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ được đầy đủ
và nghiêm chỉnh.
c) Đoàn chịu trách nhiệm trước Bộ,
cùng với các Tổng cục xét duyệt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ
thuật và trình Bộ công bố kịp thời.
d) Đoàn có nhiệm vụ theo dõi nắm
vững tình hình phản ảnh tiến độ công tác của các Tổng cục cho Bộ trưởng.
đ) Người chủ trì đoàn kiểm tra
là Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật, sử dụng bộ máy của Vụ Kỹ thuật và một số cán bộ của
các Vụ khác để làm việc.
2. Nhiệm vụ của ban
cải tiến xây dựng chỉ tiêu ở các Tổng cục:
a) Ban cải tiến xây dựng chỉ
tiêu ở các Tổng cục chịu trách nhiệm tổ chức lãnh đạo, giáo dục chính trị, tư
tưởng cho cán bộ công nhân viên thấm nhuần ý nghĩa mục đích và giải quyết tư tưởng
lệch lạc để thực hiện công tác cải tiến chỉ tiêu và tiêu chuẩn được tốt.
b) Căn cứ tình hình cụ thể của mỗi
ngành, phân công cán bộ đi sát xuống hiện trường trực tiếp giúp đỡ các xí nghiệp,
công trường lập kế hoạch cụ thể cho từng đơn vị.
c) Tổ chức và chỉ đạo các đơn vị
hiện trường thực hiện tốt công tác cải tiến xây dựng các chỉ tiêu và tiêu chuẩn.
d) Tổ chức và chỉ đạo trọng điểm
để rút kinh nghiệm bổ khuyết và lãnh đạo mở rộng diện.
đ) Căn cứ vào phân cấp của Bộ và
nhiệm vụ của Tổng cục duyệt các chỉ tiêu và tiêu chuẩn đã cải tiến xây dựng được
kịp thời.
e) Qua từng bước công tác, các Tổng
cục sơ bộ nhận định tình hình đã thực hiện và báo cáo lên Bộ các mặt công tác cải
tiến xây dựng chỉ tiêu và tiêu chuẩn.
3. Thời gian thực
hiện:
a) Bộ giao cho các Tổng cục chuẩn
bị kế hoạch và triệu tập cán bộ cơ sở có cả Khu, Sở, Ty để học tập Chỉ thị của
Thủ tướng phủ, thông tư của Bộ, theo luận kế hoạch của Tổng cục, hướng dẫn
phương pháp cụ thể cho các đơn vị.
b) Bộ giao cho các Tổng cục kết
hợp chặt chẽ với các Bộ Lao động, Tài chính, Y tế, Truyền thanh, báo chí … và
các cấp uỷ địa phương để tiến hành công tác được tốt.
c) Thời gian thi hành: từ đầu
quý 1-1961 đến ngày 1-5-1961 kết thúc.
Trước khi thi hành các Tổng cục
trình Bộ thông qua kế hoạch.
C. CÁC BƯỚC TIẾN
HÀNH.
Nội dung cải tiến xây dựng chỉ
tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật gồm nhiều vấn đề phức tạp, cần phải
tiến hành thận trọng theo kế hoạch từng bước công tác cụ thể sau đây:
Bước 1:
Chuẩn bị
Nội dung bước này chuẩn bị tư tưởng,
tổ chức, tài liệu, trọng tâm là chuẩn bị tư tưởng, làm sao cho mọi người trong
xí nghiệp, công trường nhận thức thống nhất ý nghĩa mục đích công tác cải tiến
xây dựng chỉ tiêu và tiêu chuẩn, tạo sự nhất trí và quyết tâm trong Đảng uỷ và
toàn Đảng bộ trong xí nghiệp, công trường.
1. Chuẩn bị tư tưởng:
- Về mặt Đảng: học tập để nhận
thức thống nhất ý nghĩa mục đích công tác cải tiến xây dựng chỉ tiêu và tiêu
chuẩn.
- Chính quyền phổ biến chủ trường
của Chính phủ đến tận cán bộ công nhân viên.
- Công đoàn, Thanh niên căn cứ
nhiệm vụ và kế hoạch công tác cải tiến xây dựng chỉ tiêu và tiêu chuẩn, làm nồng
cốt giáo dục động viên tuyên truyền liên tục, uốn nắn các tư tưởng lệch lạc.
2. Chuẩn bị tổ chức:
- Lập kế hoạch cụ thể của xí
nghiệp, phân xưởng (chú ý chuẩn bị nguyên vật liệu, máy móc).
- Thông qua tổ chức, phân công,
phân nhiệm.
- Quy định thời gian từng bứơc
công tác và các vấn đề cụ thể, có trọng tâm trọng điểm đi trước một bước để
lãnh đạo mở rộng diện.
3. Chuẩn bị tài liệu:
- Sưu tầm và tập hợp các tài liệu
về tổ chức, kỹ thuật, thiết kế, vận tải, sửa chữa, sản xuất, tài liệu kiểm kê,
thống kê, tài liệu về máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, lao động, các số liệu
về chỉ tiêu giá thành cũ, v.v… và các vấn đề còn tồn tại trong đợt cải tiến quản
lý xí nghiệp. Ban quản đốc hay Ban chỉ huy công trường sẽ dựa vào tài liệu và số
liệu trên làm bản báo cáo nhận xét tình hình quản lý các chỉ tiêu kinh tế kỹ
thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật trong xí nghiệp, công trường.
- Chỉ thị của Thủ tướng phủ,
thông tư hướng dẫn của Bộ và báo cáo của Ban quản đốc hay Ban chỉ huy công trường.
Bước 2: Học
tập
1. Tổ chức học tập, chủ
yếu học trong Đảng trước cho thông suốt.
Tài liệu học tập gồm: Chỉ thị của
Thủ tướng phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ, bản báo cáo nhận xét tình hình xí
nghiệp, công trường của Ban quản đốc hay Ban chỉ huy công trường.
2. Yêu cầu học tập: thấm
nhuần ý nghĩa mục đích yêu cầu và nội dung Chỉ thị của Thủ tướng phủ, và thông
tư hướng dẫn của Bộ.
3. Phát động tư tưởng
quần chúng rộng rãi dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, chống tư tưởng bảo thủ,
hấp tấp, nóng vội, ngại khó.
4. Liên hệ: xí nghiệp
liên hệ, cá nhân liên hệ phát hiện các vấn đề bất hợp lý dựa vào bốn chỉ tiêu
và tiêu chuẩn chính.
5. Trên cơ sở liên hệ
và phát hiện ấy tự đề ra biện pháp cải tiến xây dựng và giải quyết các vấn đề bất
hợp lý, căn bản là tổ sản xuất và phân xưởng.
Đợt học tập này cần chú ý mất điểm:
- Liên hệ thực tế tránh đi sâu
danh từ, quyền lợi, chế độ.
- Hướng dẫn liên hệ và phát hiện
dựa vào bốn chỉ tiêu và tiêu chuẩn chính.
Bước 3: Bước
ổn định dây chuyền sản xuất, cải tiến xây dựng các chỉ tiêu và tiêu chuẩn kỹ
thuật.
1. Nội dung bước này chủ
yếu giải quyết các tình trạng không hợp lý trong dây chuyền sản xuất, chỉnh đốn
trên các mặt:
- Cải tiến xây dựng chỉ tiêu và
tiêu chuẩn sử dụng phương tiện máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu.
- Cải tiến xây dựng chỉ tiêu và
tiêu chuẩn tu sửa phương tiện máy móc, thiết bị đúng chu kỳ, đúng chế độ quy tắc
kỹ thuật.
- Xây dựng các chỉ tiêu lao động.
- Xây dựng tiêu chuẩn phẩm chất
thành phẩm, bán thành phẩm, hao phí.
- Xây dựng nội quy vận hành, sử
dụng phương tiện máy móc.
- Xây dựng nội dung công tác, chế
độ làm việc cho các bộ phận gián tiếp như nhân sự, tài vụ, kế hoạch, tiền
lương…
- Xây dựng chế độ bảo quản tu sửa.
2. Xác định các loại
chỉ tiêu và tiêu chuẩn đã cải tiến xây dựng dựa trên bốn chỉ tiêu và tiêu chuẩn
chính.
3. Sản xuất và sơ bộ
xác minh theo đúng các chỉ tiêu và tiêu chuẩn đã cải tiến xây dựng đồng thời
theo dõi thống kê lấy mức.
4. Công bố thường
xuyên kết quả và lãnh đạo chặt chẽ, động viên tuyên truyền liên tục.
Bước 4: Tổng
kết
1. Tổng hợp và báo cáo
kết quả các chỉ tiêu và tiêu chuẩn đã cải tiến và xây dựng cho anh em công nhân
và đề nghị trên duyệt công bố chính thức.
2. Tổng kết sự lãnh đạo thực hiện và đánh
giá kết quả dựa trên bốn chỉ tiêu và tiêu chuẩn chính.
3. Tổng kết các vấn đề
còn tồn tại, xác định lại tình hình và có kế hoạch cụ thể giải quyết các vấn đề
còn tồn tại để bảo đảm phát huy thắng lợi.
4. Tổ chức khen thưởng
và tiếp tục phát động phong trào thi đua thực hiện vượt mức các chỉ tiêu và
tiêu chuẩn
5. Củng cố và mở rộng
chế độ hạch toán kinh tế, nội dung gồm năm điểm chính như sau (chế độ 5 giao –
5 quản).
a) Giao cho các xí nghiệp công
trường tự quản lý sản lượng.
b) Giao cho xí nghiệp công trường
quản lý kế hoạch tổ chức lao động.
c) Giao cho xí nghiệp công trường
quản lý kế hoạch lao động tiền lương.
d) Giao cho xí nghiệp công trường
quản lý kế hoạch giá thành và vốn.
đ) Giao cho xí nghiệp công trường
quản lý kế hoạch vật tư.
VI. PHẢI
QUÁN TRIỆT MẤY NGUYÊN TẮC, PHƯƠNG CHÂM LÃNHH ĐẠO SAU ĐÂY:
1. Mỗi phong trào quần
chúng phải lấy phát động tư tưởng và học tập chính trị làm vấn đề then chốt, nếu
xem nhẹ vấn đề học tập giải quyết tư tưởng thì nhất định thất bại.Vấn đề quan
trọng trong khi phát động tư tưởng là làm cho cán bộ, công nhân thấy được tầm
quan trọng của vấn đề về mọi mặt. Đảng uỷ và Chi bộ phải tăng cường lãnh đạo
phong trào thật chặt chẽ. Trong khi lãnh đạo tư tưởng phải kết hợp lãnh đạo
kinh tế và kỹ thuật, không thể tách rời nhau được. Có thể kết luận rằng:
- Chính trị là then chốt.
- Kỹ thuật là cơ sở.
- Hạch toán kinh tế là biện pháp
duy nhất quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa.
2. Lực lượng lãnh đạo là các
Đảng uỷ và Chi bộ. Các đảng viên cần nắm vững sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề,
yêu cầu mục đích của công tác và tiền phong trong khi thực hiện. Công đoàn là lực
lượng động viên giáo dục anh chị em công nhân thực hiện tốt yêu cầu và đồng thời
nghiên cứu thực hiện đúng các chế độ đã ban hành để bảo đảm sức khoẻ của anh chị
em công nhân. Thanh niên làm nồng cốt thực hiện tốt công tác này. Có thể kết luận
rằng: Đảng lãnh đạo, Công đoàn động viên, thanh niên nồng cốt.
3. Quan điểm và đường lối quần chúng:
phải tin tưởng quần chúng có khả năng làm tốt công tác này dưới sự lãnh đạo của
Đảng. Phải làm cho công tác này thành một phong trào cách mạng do quần chúng đảm
nhiệm, không thể bắt ép mà phải lấy giáo dục chính trị, giác ngộ lập trường
giai cấp để họ tự nguyện làm công tác này mới có kết quả. Mức trung bình tiền
tiến phải do quần chúng xây dựng không nên quá cao, cũng không nên quá thấp, cả
hai khuynh hướng đều không tốt. Phải chiếu cố mức thực tế và mức động viên quần
chúng, làm thế nào bước đầu phải đạt thắng lợi. Dù việc lớn hay việc nhỏ đều phải
theo đường lối quần chúng mà tiến hành.
4. Trọng tâm trọng điểm:
mỗi công tác mỗi đơn vị đều phải có trọng tâm trọng điểm. Giải quyết tốt khâu
chủ yếu thì toàn thể dây chuyền sản xuất cũng được ảnh hưởng tốt. Tập trung
lãnh đạo vào trọng tâm trọng điểm, tránh tình trạng đặt trọng tâm trọng điểm
nhưng không có kế hoạch tỷ mỷ và cụ thể, không có người chuyên trách, rút cuộc
chẳng đem lại kinh nghiệm gì cho các chỗ khác, sẽ không thúc đẩy được toàn diện.
Đảng uỷ, Công đoàn, Thanh niên kết hợp chọn cho đúng trọng tâm trọng điểm.
5.
Phải kết
hợp tốt các công tác khác:
Công tác cải tiến và xây dựng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ
thuật là nội dung của phong trào thi đua tiền tiến. Hai phong trào này nương tựa
lẫn nhau. Đẩy mạnh sản xuất mới cải tiến và xây dựng chỉ tiêu tốt. Cải tiến và
xây dựng các chỉ tiêu phải kết hợp với công tác hạch toán kinh tế. Để phục vụ
phong trào cải tiến và xây dựng chỉ tiêu, tiêu chuẩn phải đẩy mạnh công tác của
Hội đồng kỹ thuật, tổ cải tiến kỹ thuật, kết hợp với các công tác đời sống mới,
công tác bích báo thi ca, v.v… Tất cả các công tác nhằm đẩy mạnh và thực hiện tốt
việc cải tiến và xây dựng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật.
6.
Trách
nhiệm của mỗi người đối với phong trào : Trong đột cải tiến quản lý xí nghiệp năm
1959 có một số cơ quan cấp trên chưa phát động nên thiếu tích cực tham gia do
đó ảnh hưởng đến đơn vị sản xuất. Nhưng trong đợt cải tiến và xây dựng các chỉ
tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật các cơ quan, các cán bộ lãnh đạo
có trách nhiệm từ trên xuống dưới đều phải có kế hoạch và đi xuống phục vụ
cho đơn vị sản xuất. Nhân lực, vật liệu, tài vụ, kế toán,thống kê, chính trị và
kỹ thuật, v.v… đều có trách nhiệm cả, một bộ phận chậm là ảnh hưởng toàn bộ.
Các Vụ, các Cục, các Phòng, các Ban, v.v.. đều phải tổ chức theo dõi hệ công
tác của mình, tích cực góp ý kiến cùng ban lãnh đạo, cùng cơ sở tham gia lao động,
cùng quần chúng bàn bạc làm việc. Có nắm vững thực tế mới có ý kiến đúng.
Tóm lại trong lãnh đạo cần chú ý
mấy điểm sau:
- Làm sao cho cán bộ, công nhân
nhận thức thông suốt ý nghĩa mục đích của vấn đề, đề cao tinh thần trách nhiệm
và quyết tâm của cán bộ công nhân phát hiện tìm ra cái đúng, cái sai, bất hợp
lý. Các chỉ tiêu và tiêu chuẩn chưa có hoặc chưa hợp lý từ anh em công nhân xây
dựng thêm và sửa chữa, những cái đã có nhưng chưa được chính xác thì nên củng cố
lại cho đầy đủ và chính xác. Đặc biệt chú ý tăng cường công tác quản lý các chỉ
tiêu và tiêu chuẩn.
- Các cán bộ lãnh đạo và các cấp
lãnh đạo phải nhận thức đầy đủ lấy công tác cải tiến xây dựng chỉ tiêu và tiêu
chuẩn làm nội dung lãnh đạo sản xuất và quản lý sản xuất.
- Trong quá trình tiến hành phải
kết hợp chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền, Công đoàn và Thanh niên.
- Phải đi sâu đi sát lắng nghe ý
kiến quần chúng, tiếp thu cái đúng, những cái sai phải giải thích cho họ thông
suốt.
- Các vấn đề quần chúng đã phát
hiện thấy bất hợp lý, cần giúp đỡ họ đặt phương pháp cải tiến xây dựng và xác
nhận kịp thời các chỉ tiêu và tiêu chuẩn đã cải tiến xây dựng để trình Tổng cục
hoặc Bộ công bố kịp thời.
- Khi chuẩn bị cần nghiên cứu những
kiến nghị của công nhân phát hiện trong cải tiến quản lý xí nghiệp để cải tiến
xây dựng sửa chữa luôn.
- Công tác này không yêu cầu
phát hiện về đời sống của công nhân, về tác phong quan liêu mệnh lệnh của cán bộ
lãnh đạo, chủ yếu là phát hiện các vấn đề bất hợp lý trong tổ chức và quản lý sản
xuất. Nhưng cũng không phải khi quần chúng thấy các chế độ chính sách về đời sống
chấp hành chưa đúng hoặc có cán bộ quan liêu mệnh lệnh, quần chúng phát hiện mà
ta gạt ra thì không đúng, nếu nhận thấy quả thật là sai thì phải thành khẩn tiếp
thu để sửa chữa.
- Về tổ chức phải làm thế nào, mỗi
cán bộ, mỗi cấp, mỗi xí nghiệp, mỗi cơ quan tất cả công tác của mình phải kết hợp
cho được với công tác cải tiến xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn
kỹ thuật. Công tác này phức tạp khó khăn, cuối năm lại nhiều công tác phải hoàn
thành, nếu chúng ta không lãnh đạo tốt, tổ chức tốt thì công tác này không thể
nào làm được tốt, ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch năm 1961 và kế hoạch 5
năm.
Nhận được thông tư này các Tổng
cục nên có kế hoạch chuẩn bị ngay trong những điều kiện cụ thể của mình,
khi chuẩn bị cần quan tâm các mặt: phương tiện, máy móc, thiết bị, nguyên vật
liệu, tài vụ, thống kê, y tế, quan sát đời sống sức khoẻ công nhân, chế độ ăn uống,
làm việc, v.v… Tìm những khó khăn và thuận lợi đặt kế hoạch tiến hành gấp.
|
BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU
ĐIỆN
Phan Trọng Tuệ
|