BỘ
NGOẠI GIAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
50/2015/TB-LPQT
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 09 năm 2015
|
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định của Luật Ký kết, gia
nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông
báo:
Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về
Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2025, tầm
nhìn đến năm 2030, ký tại Viêng Chăn ngày 14 tháng 9
năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 9 năm 2015.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao
Bản ghi nhớ theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Lê Đức Hạnh
|
BẢN GHI NHỚ
GIỮA
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA
DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO VỀ CHIẾN LƯỢC HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI
GIAI ĐOẠN 2016-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCN
Việt Nam) và Chính phủ nước Cộng hòa Dân
chủ Nhân dân Lào (CHDCND Lào), sau đây gọi tắt là “hai Bên” thỏa thuận
về chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung sau:
ĐIỀU 1. QUAN ĐIỂM VỀ HỢP TÁC
1. Tôn trọng độc
lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, công bằng, hiểu biết lẫn nhau, hòa bình,
hữu nghị và hợp tác trong phát triển kinh tế
- xã hội, đảm bảo tính thống nhất cao
giữa Chính phủ hai nước, phù hợp với quy
định khu vực và quốc tế, góp phần tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN, các nước trong
khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), xây dựng Đông Nam Á trở thành khu vực hòa bình, bền vững, hợp tác, phát
triển và thịnh vượng.
2. Lựa chọn loại
hình kết nối phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, khả
năng kinh tế của mỗi nước; phát huy
những loại hình vận tải có thể mạnh, xác định loại hình tiềm năng phát triển
trong tương lai; tạo điều kiện thuận lợi kết nối các trung tâm, vùng và các tỉnh của Lào với các cảng
biển của Việt Nam.
3. Xác định vị
trí, quy mô kết nối giao thông tương xứng với qui trình
phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch hệ thống cửa khẩu hai Bên, đảm bảo khai
thác mạng lưới giao thông kết nối hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế và phát triển trong tương lai.
4. Xác định
phương thức vận tải đường bộ và đường sắt là trọng tâm trong quá trình kết nối giao thông vận tải hai nước. Phát huy ưu thế của
vận tải đường bộ là loại hình vận tải
có tính cơ động cao; phát triển vận tải đường bộ thỏa mãn nhu cầu vận tải nội tỉnh, vận tải liên tỉnh và liên vận quốc tế của hai
nước, tham gia vào chuỗi vận tải đa phương thức.
5. Tăng cường
trao đổi, phối kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước từ Trung
ương đến địa phương, giữa các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa của hai nước, giữa các cơ quan quản lý nhà nước
với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa qua các cơ chế,
chính sách, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức vận tải hàng hóa hai chiều.
ĐIỀU 2. MỤC TIÊU
VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHUNG TRONG HỢP TÁC VỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Mục tiêu và định
hướng chung của Bản ghi nhớ này làm
cơ sở xác định chiến lược hợp tác
trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025 tầm nhìn đến năm 2030 như sau:
1. Phát huy tối
đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của hai
nước, đặc biệt là tiềm năng về vị trí trung tâm của CHDCND Lào trong việc kết nối giao thông vận tải đường bộ
với các nước trong khu vực và tiềm năng biển của CHXHCH Việt Nam trong việc kết nối với
thế giới.
2. Xác định loại hình giao thông vận tải đường bộ và đường sắt trong tương
lai theo hành lang phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, khả năng kinh tế của mỗi hành lang để tạo thành ưu tiên phát triển chính
trong lĩnh vực giao thông vận tải để
kết nối giữa hai nước.
3. Xác định tuyến
kết nối tối ưu giữa hai Thủ đô Hà Nội
- Viêng Chăn và các địa phương của hai nước có liên quan đến tuyến đường này.
4. Quy hoạch
phát triển hệ thống mạng lưới đường cao tốc kết nối trong
tương lai.
5. Xác định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu phát
triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn, tập trung nâng cấp các tuyến đường hiện
hữu và xây dựng các công trình đường bộ
mới đạt tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều
kiện thuận lợi giao thông vận tải, khuyến khích đầu tư xây dựng một số tuyến mới theo hình
thức đối tác công-tư (PPP).
6. Tạo điều kiện
thuận lợi cho hàng hóa, hành khách quá
cảnh và xuyên quốc gia, ưu tiên kết nối giao thông vận tải với các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, các cửa khẩu
phụ có nhu cầu giao thông vận tải lớn, mỗi tỉnh dọc biên giới của hai nước tối thiểu phải có
một kết nối giao thông vận tải để thu hút hàng hóa, hành khách xuyên quốc gia và quá cảnh.
7. Xác định chiến lược phát triển hệ
thống vận tải hàng hóa bằng đường bộ và đường sắt từ Lào sang Việt Nam kể cả hàng hóa quá cảnh
và vận tải từ cảng Việt Nam sang Lào,
qua Lào đi các nước khác tạo thành hệ thống phân phối hàng hóa trong khu vực hoàn chính vào năm 2025. Ưu tiên sử
dụng cảng Hòn La, Vũng Áng và cảng Xuân Hải để tăng
cường vận tải hàng hóa từ Lào đi các nước khác.
8. Phát triển hệ thống vận tải hàng không, xác định
hàng không là một phần quan trọng trong hệ thống vận tải khu vực tiểu vùng sông
Mê Kông vào năm 2025, tạo điều kiện phát triển lĩnh vực công nghiệp hàng không
dân dụng; tăng cường kết nối hàng không qua hai nước.
9. Tăng cường hơn nữa việc phối, kết hợp giữa các
cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương; phối hợp giữa các đơn vị
kinh doanh vận tải hàng hóa của hai nước với nhau; phối hợp giữa các cơ quan quản
lý nhà nước với các đơn vị vận tải hàng hóa thông qua các cơ chế, chính sách, tạo
điều kiện cho các đơn vị vận tải tổ chức vận tải hàng hai chiều trong hoạt động
vận tải hàng hóa giữa hai nước.
10. Cùng nhau lập quy hoạch, tổ chức thực hiện đào
tạo nguồn nhân lực theo kế hoạch chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mỗi
nước.
ĐIỀU 3. TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030,
CHIẾN LƯỢC GIAI ĐOẠN 2016 - 2025 VÀ KẾ HOẠCH ƯU TIÊN ĐỂ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐẾN
NĂM 2020
1. Tầm nhìn đến năm 2030
Để triển khai quan điểm và định hướng hợp tác nêu tại
Điều 1 và Điều 2, hai Bên đã thống nhất xây dựng tầm nhìn về phát triển hệ thống
giao thông vận tải đến năm 2030 giữa hai nước nhau sau: “Xây dựng hệ thống giao
thông vận tải kết nối giữa hai nước đảm bảo thông suốt, thuận lợi, an toàn, hiện
đại và bền vững; kết nối hoạt động vận tải đa phương thức nhằm tạo điều kiện
thuận lợi trong hoạt động vận tải giữa hai nước và các nước trong khu vực”.
2. Định hướng hợp tác giai đoạn 2016 - 2025
2.1. Về Hạ tầng đường bộ
1) Xây dựng, cải tạo và nâng cấp tuyến đường quá cảnh
và xuyên quốc gia kết nối giữa Lào - Việt Nam tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp III
của ASEAN theo danh sách các tuyến đường hai nước đã thống nhất với nhau.
2) Nghiên cứu xây dựng tuyến đường ngắn nhất kết nối
giữa hai thủ đô Hà Nội - Viêng Chăn.
3) Đảm bảo mỗi tỉnh dọc biên giới hai nước đều có
tuyến đường kết nối với nhau.
4) Cùng nhau nghiên cứu, xây dựng các tuyến kết nối
cao tốc (Expressway) giữa hai nước.
5) Cùng nhau nghiên cứu, xây dựng các tuyến kết nối
giữa các trung tâm kinh tế, du lịch và phục vụ an ninh quốc phòng.
2.2. Về Hạ tầng đường sắt
Nghiên cứu, thiết kế và xây dựng đường sắt Vũng Áng
- Tân Ấp - Mụ Giạ - Thà Khẹc - Viêng Chăn.
2.3. Về Vận tải đường bộ
1) Cùng nhau bàn bạc và tổ chức thực hiện về sử dụng
đầu kéo rơ móoc và sơ mi rơ móoc của nước sở tại trong vận tải hàng hóa xuyên
quốc gia và quá cảnh.
2) Tạo điều kiện thuận lợi cho người và hàng hóa
qua lại tại các cặp cửa khẩu quốc tế thông qua việc áp dụng mô hình “Một cửa, một
lần dừng” (SWI/SSI) theo thỏa thuận của hai Bên.
3) Khuyến khích các đơn vị vận tải hai nước liên
doanh, liên kết phục vụ vận tải hàng hóa hai chiều.
4) Cải thiện chất lượng phục vụ vận tải hành khách
tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế.
5) Tổ chức việc vận tải khách du lịch đảm bảo cho
các công ty vận tải hành khách không cố định và các công ty du lịch của hai Bên
đều có lợi ích chung.
6) Quản lý xe vận tải để đảm bảo tình trạng kỹ thuật,
an toàn và hoạt động theo hiệp định, nghị định thư và phụ lục đã thống nhất.
2.4. Về Vận tải hàng không
1) Khuyến khích mở các đường bay thẳng giữa di sản
thế giới và khu du lịch của Việt Nam và Lào và các đường bay khác đủ điều kiện.
2) Hai Bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản
lý không lưu và xác định đường bay đảm bảo an toàn, có hiệu quả và tiết kiệm.
3) Hợp tác cùng triển khai có hiệu quả dịch vụ hàng
không qua lại nhằm đạt được các lợi ích tối đa.
2.5. Về Vận tải đường biển
1) Tạo điều kiện thuận lợi cho CHDCND Lào sử dụng tất
cả các cảng biển của CHXHCN Việt Nam.
2) Khuyến khích và tăng cường việc sử dụng các cảng
Hòn La, Vũng Áng và Xuân Hải.
3) Tổ chức thực hiện chiến lược phát triển cảng
Vũng Áng.
4) Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của CHDCND
Lào có kho bãi tại các cảng Vũng Áng, Xuân Hải và Hòn La nhằm tạo thuận lợi cho
xuất nhập khẩu hàng hóa và dầu khí của CHDCND Lào, cũng như cho phép các doanh
nghiệp của CHDCND Lào đầu tư xây dựng và khai thác tuyến đường ống vận chuyển dầu
khí từ cảng Hòn La về CHDCND Lào.
5) Nâng cấp chất lượng hệ thống Logistics theo hướng
hiện đại trong các cảng Hòn La, Vũng Áng, Xuân Hải và giữa các cảng Hòn La,
Vũng Áng, Xuân Hải đến CHDCND Lào.
2.6. Đào tạo nguồn nhân lực
1) Phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch
đào tạo nguồn nhân lực về chuyên môn kỹ thuật, ngôn ngữ, quản lý và đào tạo
giáo viên trong lĩnh vực giao thông vận tải.
2) Nghiên cứu định hướng kế hoạch nâng cao chất lượng
chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho CHDCND Lào về giao thông vận tải.
3) Tăng cường hợp tác, gặp gỡ và trao đổi để học hỏi
kinh nghiệm trong các lĩnh vực hai Bên cùng quan tâm, đặc biệt là giữa các Sở
Giao thông vận tải của các tỉnh chung biên giới.
3. Kế hoạch ưu tiên thực hiện từ năm 2016 - 2020
3.1. Kết nối bằng hệ thống đường bộ
1) Kết nối hệ thống đường cao tốc và tuyến đường giữa
hai Thủ đô Hà Nội - Viêng Chăn.
- Hoàn thiện nghiên cứu lập quy hoạch mạng lưới đường
cao tốc để đảm bảo tính đồng bộ giữa hai nước và khu vực.
- Hoàn thiện nghiên cứu để xây dựng tuyến đường ngắn
nhất kết nối giữa hai thủ đô Hà Nội và Viêng Chăn. Trước mắt sử dụng tuyến
QL13-QL8 (CHDCND Lào) qua cặp cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh)/Nậm Phao (Bô Ly Khăm
Xay)-QL8-Đường Hồ Chí Minh-Đại lộ Thăng Long (CHXHCN Việt Nam) để kết nối Thủ
đô của hai nước và tuyến đường ngắn nhất.
2) Kết nối bằng hệ thống đường bộ quốc gia và khu vực
Xây dựng, cải tạo và nâng cấp tuyến đường vận tải
quá cảnh kết nối giữa CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam đạt tối thiểu cấp III theo
tiêu chuẩn ASEAN, có hệ thống tín hiệu giao thông đầy đủ, đảm bảo tải trọng trục
xe 11 tấn, trên cơ sở hành lang đã thống nhất trong bản ghi nhớ ba bên Việt
Nam-Lào-Campuchia với các ưu tiên chủ yếu như sau: Tuyến QL13, QL9 (gồm cầu Xả Ợt
II), QL8, QL12, QL7, QL6, 6A, 6B, QL18B, QL4 H1, QL1D (Viêng Thoong-Xay-xổm-phon-Thanh
Thủy).
3) Kết nối bằng hệ thống đường địa phương
Nâng cấp đường tỉnh ĐT.2058 (Phu-thít-phờng đi
Na-xon) phía CHDCND Lào dài 105 km, kết nối Điện Biên và Luông-pra-băng thông
qua cặp cửa khẩu Huổi Puốc (Điện Biên)/Na-xon (Luông-pra-băng) đạt tiêu chuẩn cấp
IV.
Nâng cấp tuyến đường Xiêng Khoảng-Hủa Phăn-Thanh
Hóa phía CHDCND Lào với chiều dài khoảng 215 km (trong đó, đoạn từ Xăm-tạy đến
Tha Lấu (đường 3026) dài 67 km đang được đầu tư xây dựng) và QL47 của CHXHCN Việt
Nam kết nối Thanh Hóa và Hủa Phăn thông qua cặp cửa khẩu Khẹo (Thanh Hóa)/Tha Lấu
(Hủa Phăn) đạt tiêu chuẩn cấp IV.
Nâng cấp tuyến đường Sopao - Tén Tần phía CHDCND
Lào dài khoảng 10 km kết nối Thanh Hóa-Hủa Phăn qua cặp cửa khẩu Tén Tần/Thanh
Hóa-Xổm Vắng/Hủa Phăn đạt tiêu chuẩn cấp IV.
Nâng cấp tuyến đường khu vực với tổng chiều dài
135km kết nối Thừa Thiên Huế và Xê Kông thông qua cặp cửa khẩu A Đớt (Thừa
Thiên Huế)/Tà Vàng (Xê Kông) đạt tiêu chuẩn cấp IV.
3.2. Kết nối hệ thống giao thông vận tải bằng đường
sắt
Hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt
kết nối Vũng-Áng-Tân Ấp-Mụ Giạ-Thả Khẹc-Viêng Chăn.
3.3. Tạo thuận lợi cho việc vận tải quá cảnh và
xuyên quốc gia
1) Chính sách khuyến khích về hoạt động vận tải
Tiếp tục thực thi Hiệp định và Nghị định thư song
phương giữa CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào về tạo điều kiện thuận lợi cho phương
tiện cơ giới qua lại biên giới hai nước và các chương trình hợp tác hai Bên về
vận tải nhằm giảm chi phí vận tải hàng hóa giữa Lào và Việt Nam, khuyến khích vận
chuyển hàng hai chiều và sử dụng đầu kéo rơ móoc và sơ mi rơ móoc của nước sở tại
trong vận tải hàng hóa xuyên quốc gia và quá cảnh.
2) Tuyến đường vận tải hàng hóa xuyên quốc gia và
quá cảnh
Thực hiện vận tải hàng hóa xuyên quốc gia và quá cảnh
thông qua cặp cửa khẩu chính sau:
- Các tuyến đường và các cặp cửa khẩu đã quy định tại
Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Chính phủ nước CHDCND Lào và
Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia về vận tải đường bộ.
- Tuyến đường qua cửa khẩu Na Pông (Sa La Văn)-La
Lay (Quảng Trị) qua đường QL15.
- Tuyến đường QL16 Xê Kông-Đặc Trưng-cửa khẩu Ta
Óc-Nặm Nhang (Quảng Nam).
- Các tuyến đường đến cảng cạn (Dry Port) 9 điểm
phía CHDCND Lào đã xác định trong Hiệp định của UNESCAP về cảng cạn gồm: Na
Tơi, Huai Xai, Mương Xay, Luông Pra Băng, Tha na leng, Lắc Xao, Tha Khẹc, Xê Nô
và Văng Tàu.
3.4. Kết nối hệ thống giao thông vận tải đường hàng
không
1) Mở đường bay thẳng giữa thành phố Hồ Chí Minh đến
di sản thế giới tỉnh Luông Pra Băng, Pakse tỉnh Chăm Pa Sắc.
2) Mở đường bay thẳng Thủ đô Hà Nội-Pakse tỉnh Chăm
Pa Sắc.
3) Mở đường bay thẳng Thủ đô Viêng Chăn-Đà Nẵng.
4) Hoàn thành và đưa vào sử dụng sân bay tỉnh Atapư
và Nọng Khang tỉnh Hủa Phăn nhằm tăng cường kết nối giữa hai nước.
3.5. Kết nối hệ thống giao thông vận tải đường biển
1) Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải quá
cảnh và xuyên quốc gia của CHDCND Lào qua các cảng biển của CHXHCN Việt Nam.
2) Thực hiện chính sách ưu đãi phí dịch vụ cho
CHDCND Lào đối với cảng Hòn La gồm 4 loại: phí trọng tải, phí hoa tiêu, bảo đảm
hàng hải, phí neo đậu, như hai bên đã thực hiện đối với cảng Vũng Áng và cảng
Xuân Hải.
3) Hoàn thiện kế hoạch chiến lược phát triển các cảng
Vũng Áng, Xuân Hải.
4) Tổ chức thực hiện chiến lược phát triển cảng
Vũng Áng và cảng Xuân Hải trong giai đoạn 1: xây dựng hệ thống kho bãi và bến cảng
container tại cầu cảng số 3 và 4 của cảng Vũng Áng cùng với việc nâng cấp hệ thống
kho bãi tại cảng Xuân Hải; đối với cảng Hòn La: mục đích sử dụng làm kho dầu
khí và đường vận chuyển từ cảng Hòn La đến tỉnh Khăm Muôn (CHDCND Lào).
5) Nghiên cứu cải thiện hệ thống Logistics giữa cảng
Vũng Áng và cảng Hòn La tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa đến CHDCND Lào.
6) Nghiên cứu tính khả thi hoạt động kinh doanh vận
tải đường biên của CHDCND Lào.
3.6. Đào tạo nguồn nhân lực
1) Phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch
đào tạo nguồn nhân lực về chuyên môn kỹ thuật, ngôn ngữ, quản lý và đào tạo
giáo viên trong lĩnh vực giao thông vận tải.
2) Lập quy hoạch nâng cao chất lượng về chương
trình đào tạo theo kế hoạch ưu tiên của Trung tâm đào tạo giao thông vận tải và
chương trình đào tạo ngành cầu đường, vận tải và đường sắt dài hạn.
3) Tăng cường hợp tác, gặp gỡ và trao đổi để học hỏi
kinh nghiệm trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là giữa các Sở
Giao thông vận tải của các tỉnh chung biên giới.
ĐIỀU 4. CÁC CHÍNH SÁCH KHUYẾN
KHÍCH HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ
1. Phối hợp chặt chẽ giữa hai nước để thống nhất về
danh mục dự án cần đầu tư xây dựng và các thông tin về kinh tế-xã hội, kỹ thuật,
tính khả thi, kế hoạch phát triển, phương án thiết kế, trên tinh thần đoàn kết
hai bên cùng có lợi và phát triển đảm bảo đồng bộ về vị trí, quy mô và thời
gian đầu tư.
2. Cùng nhau nghiên cứu để lập đề án, tìm nguồn vốn
đầu tư cho các dự án như: Bổ sung vốn ngân sách Nhà nước hàng năm cho xây dựng hạ
tầng kỹ thuật, nguồn vốn từ cơ quan tài trợ quốc tế trong khung hợp tác song
phương và đa phương.
3. Nghiên cứu lập quỹ phát triển Việt - Lào để thực
hiện các chương trình, đề án nghiên cứu, nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ
thương mại dịch vụ dọc theo các hành lang vận tải và kinh tế giữa hai nước và
trong khu vực; xây dựng cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành trong quá trình thực
hiện.
ĐIỀU 5. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Hai Bên thống nhất giao các Bộ, ngành, địa phương
xây dựng, bổ sung và triển khai thực hiện trên cơ sở kế hoạch hợp tác về giao
thông vận tải theo các nội dung của Bản ghi nhớ, cụ thể:
1. Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Công chính
và Vận tải Lào là cơ quan đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện
các chương trình đã nêu tại Bản ghi nhớ này. Trong quá trình thực hiện cần cập
nhật, bổ sung các chương trình trên cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế
- xã hội và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của hai nước trong từng giai
đoạn.
2. Chuẩn bị kế hoạch chi tiết để các cấp có thẩm
quyền phê duyệt hoặc chỉ đạo các quy hoạch, dự án trong lĩnh vực giao thông vận
tải để đảm bảo sự thống nhất, tổng hợp và báo cáo chính phủ của mỗi nước phê
duyệt các dự án đã hợp tác trong từng giai đoạn.
ĐIỀU 6. CÁC NỘI DUNG KHÁC
1. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu cần sửa đổi,
bổ sung các nội dung của Bản ghi nhớ này, hai Bên sẽ trao đổi, thống nhất bằng
văn bản. Nội dung sửa đổi, bổ sung là bộ phận không thể tách rời của Bản ghi nhớ
này.
2. Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Công chính
và Vận tải Lào sẽ tổ chức họp thường niên hàng năm để rút kinh nghiệm và đề xuất
các phương án thực hiện Bản ghi nhớ. Các bất đồng trong quá trình giải thích hoặc
thực hiện Bản ghi nhớ này sẽ được Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Công
chính và Vận tải Lào thảo luận, trao đổi và thống nhất hoặc báo cáo Chính phủ
hai nước xem xét giải quyết trong trường hợp vượt thẩm quyền của hai Bộ.
3. Bản ghi nhớ này có hiệu lực kể từ ngày ký tới
ngày 31 tháng 12 năm 2025. Trường hợp một trong hai Bên có ý định chấm dứt Bản
ghi nhớ này phải thông báo cho Bên kia bằng văn bản trước sáu (06) tháng.
Bản ghi nhớ này ký tại Thủ đô Viêng Chăn, nước
CHDCND Lào ngày 14 tháng 9 năm 2015, thành hai (02) bản, mỗi bản bằng tiếng Việt
và tiếng Lào, tất cả các văn bản đều có giá trị như nhau, mỗi Bên giữ một (01)
bản.
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Đinh La Thăng
Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải
|
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA DÂN CHỦ
NHÂN DÂN LÀO
Tiến sĩ. Bounchanh SINTHAVONG
Bộ trưởng
Bộ Công chính và Vận tải
|