BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 271/TB-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 02
tháng 04 năm 2015
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG ĐINH LA THĂNG TẠI CUỘC HỌP VỀ CÔNG TÁC KIỂM SOÁT
TẢI TRỌNG PHƯƠNG TIỆN, QUẢN LÝ ĐƯỜNG BỘ, QUẢN LÝ BẢO TRÌ ĐƯỜNG BỘ
Ngày 31/03/2015, tại Văn phòng Bộ
Giao thông vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng
đã chủ trì cuộc họp về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý đường
bộ, quản lý bảo trì đường bộ. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường;
Thứ trưởng Lê Đình Thọ; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG Khuất Việt
Hùng; lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị: Văn phòng Bộ, Văn phòng Quỹ bảo trì Đường
bộ TW, VP Ủy ban ATGTQG, Vụ VT, Vụ KHĐT,
Vụ TC, Vụ KCHTGT, Vụ ATGT, Vụ TCCB, Vụ PC, Vụ KHCN, Vụ MT, Thanh tra Bộ, Tổng cục
Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường sắt
Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; các Cục Quản lý Đường bộ 1, 2, 3, 4;
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty ĐTPT Đường cao tốc Việt Nam
(VEC); các cơ quan thông tấn, báo chí.
Sau khi nghe đại diện Tổng cục Đường
bộ Việt Nam và đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo về tình hình kiểm
soát tải trọng xe, công tác quản lý đường bộ và công tác quản lý bảo trì đường
bộ; ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường; Thứ trưởng Lê Đình Thọ
và Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG Khuất Việt Hùng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã kết luận như sau:
I. Về công tác kiểm
soát tải trọng phương tiện
Kiểm soát tải trọng phương tiện là một
giải pháp hết sức quan trọng trong các giải pháp toàn diện, đồng bộ mà Bộ GTVT
đề ra để thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác đảm bảo
trật tự an toàn giao thông, kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Dưới sự chỉ
đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành,
cơ quan liên quan; sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự đồng thuận, đồng
lòng của nhân dân, các doanh nghiệp vận tải và người điều khiển phương tiện;
công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đã đạt được những kết quả ban đầu rất
tích cực: số lượng xe quá tải cơ bản đã giảm, nhận thức của các doanh nghiệp vận
tải, của các lái xe về công tác kiểm soát tải trọng đã có chuyển biến tích cực,
nhiều doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện, lái xe đã chấp hành rất tốt quy định
về tải trọng phương tiện.
Tuy nhiên, tình hình kiểm soát phương
tiện quá tải trọng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, còn một số chủ doanh nghiệp,
lái xe chưa chấp hành nghiêm chỉnh, cố tình vi phạm các quy định của pháp luật
về kiểm soát tải trọng phương tiện và trật tự an toàn giao thông. Để thực hiện
tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và các cơ quan, đơn
vị liên quan cần tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả, quyết liệt, mạnh mẽ trong
chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện với mục tiêu kéo giảm
tai nạn giao thông trong năm 2015 xuống từ 5 - 10%, trong đó, tập trung thực hiện
các nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền,
phổ biến cho người dân, doanh nghiệp vận tải và lái xe hiểu rõ hơn về chủ
trương và quyết tâm của Chính phủ, của Bộ GTVT trong việc kiểm soát trọng tải
phương tiện để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo đảm sự nghiêm minh của
pháp luật và bảo vệ chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông.
2. Giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan (Thanh tra Bộ, Vụ VT, Vụ ATGT) nghiên cứu,
xây dựng Chỉ thị về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện trình Thủ tướng
Chính phủ ban hành vào tháng 4/2015 nhân dịp tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực
hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
3. Tăng cường công tác phối hợp giữa
các lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử phạt các trường hợp, đối tượng vi phạm
các quy định về kiểm soát tải trọng phương tiện, cụ thể:
- Đồng ý với kiến nghị của Thanh, tra
Bộ về thống nhất mô hình tổ chức của các trạm Kiểm soát tải trọng (KSTT) lưu động
với lực lượng cảnh sát giao thông là lực
lượng đóng vai trò chủ trì trong tuần tra, kiểm soát, dừng phương tiện và xử phạt
vi phạm hành chính, lực lượng Thanh tra giao thông là lực lượng phối hợp phụ trách kiểm soát tải trọng phương
tiện tại các đầu mối xếp hàng, thanh tra việc chấp hành các quy định và điều kiện
kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp và chủ phương tiện.
- Giao Vụ KCHTGT chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ Quy chế phối hợp trong công tác chỉ đạo,
điều hành hoạt động tại các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã ký giữa Bộ
Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh để sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp và thống nhất nội dung chỉ đạo thực hiện
theo Kế hoạch liên ngành 12593/KHLN-BGTVT-BCA.
- Giao Thanh tra Bộ chủ trì nghiên cứu,
tham mưu văn bản trình Bộ trưởng ký tạo điều kiện cho lực lượng Thanh tra giao
thông tại các Sở GTVT địa phương tổ chức, trực tiếp thanh tra, xử lý các hành
vi vi phạm quy định về xếp hàng hóa lên xe tại các cảng, bến.
4. Tăng cường, nâng cao tinh thần
trách nhiệm, chống tiêu cực của lực lượng thi hành công vụ thực hiện công các
KSTT và ý thức của người dân trong công tác kiểm soát trọng tải xe, đảm bảo trật
tự an toàn giao thông:
- Kiên quyết xử lý các tiêu cực, vi
phạm, các hành vi có dấu hiệu bao che, dung túng cho các phương tiện quá tải trọng
của lực lượng chức năng. Yêu cầu Thanh tra Bộ khi tổ chức thanh tra các Dự án đầu
tư xây dựng hạ tầng giao thông, nếu phát hiện tình trạng chuyên chở vật liệu,
hàng hóa quá tải trọng trong thi công xây dựng phải báo cáo Lãnh đạo Bộ để có
hình thức xử lý, kỷ luật.
- Điều tra, xử lý nghiêm tất cả các
bên liên quan (chủ cơ sở xếp dỡ hàng hóa, chủ hàng, chủ phương tiện, lái xe)
khi phát hiện phương tiện chuyên chở hàng hóa quá tải trọng.
5. Giao Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên
cứu, rà soát, xem xét điều chỉnh thời hạn đăng kiểm của một số loại phương tiện
nhằm giảm tình trạng tự ý cải tạo, cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải. Tổng hợp,
báo cáo các cơ quan chức năng số lượng phương tiện cơi nới, phương tiện quá tải
của từng doanh nghiệp, từng địa phương.
6. Giao các đồng chí Thứ trưởng chủ
trì, trực tiếp làm việc với các địa phương còn tình trạng phương tiện quá tải
trọng diễn biến phức tạp, hiệu quả kiểm soát tải trọng phương tiện còn hạn chế.
7. Giao Tổng công ty ĐTPT Đường cao tốc
Việt Nam (VEC) và Chủ đầu tư các tuyến đường cao tốc nghiên cứu, áp dụng khoa học
công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện
trên các tuyến đường cao tốc hiện có. Mục tiêu tới tháng 6/2015 không còn
phương tiện quá tải trên các tuyến đường cao tốc trên toàn quốc.
8. Nghiên cứu, áp dụng mô hình giám
sát xã hội trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện:
- Cung cấp số điện thoại đường dây
nóng để người dân cung cấp thông tin tại các tuyến đường thường xuyên xảy ra
tình trạng phương tiện quá tải.
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế khen
thưởng, khuyến khích người dân cung cấp thông tin về phương tiện quá tải.
9. Yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam
nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của các cá nhân, tập thể, địa phương
trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; báo cáo Lãnh đạo Bộ về các trường hợp trì trệ, không tích cực trong thực
hiện các chủ trương về kiểm soát tải trọng phương tiện.
10. Đồng ý với kiến nghị của Tổng cục
Đường bộ Việt Nam bổ sung quy định về chế
tài xử lý đối với Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Nhà thầu thi công để hoặc tiếp
nhận phương tiện chở vật tư, vật liệu, hàng hóa tải trọng phục vụ dự án, công
trình thi công; bổ sung quy định về điều kiện trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu
và hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu thi công, nhà đầu tư về quản lý, sử dụng
phương tiện chở hàng đúng tải trọng theo quy định.
II. Về công tác tổ
chức, quản lý giao thông
1. Giao Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo
các cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu, rà soát công tác quy định biển báo hạn
chế tốc độ nhằm tránh lãng phí trong thiết kế, đầu tư, khai thác cơ sở hạ tầng
giao thông.
2. Đồng ý với kiến nghị của Tổng cục
Đường bộ Việt Nam về quy định bắt buộc tiến hành thẩm tra, thẩm định an toàn
giao thông thông đối với các dự án xây mới, nâng cấp cải tạo ở 3 giai đoạn đối với
đường cấp II trở lên (gồm: giai đoạn dự án đầu tư; giai đoạn thiết kế kỹ thuật
và giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác); 2 giai đoạn với đường
cấp III trở xuống (giai đoạn thiết kế kỹ thuật, hoặc thiết kế bản vẽ thi
công và giai đoạn trước khi đưa công trình vào khai thác).
3. Giao Vụ KCHTGT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tiến
hành thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông các giai đoạn dự án đầu tư, thiết kế
kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công (giai đoạn 1 và giai đoạn 2).
Giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ
chức tiến hành thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông trước khi đưa công trình
vào khai thác (giai đoạn 3).
III. Về công tác
quản lý, bảo trì đường bộ
Giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tiếp
tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện các kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ thuộc
công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ GTVT, Văn phòng Bộ thông báo tới các cơ quan, đơn
vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường (để b/c);
- Thứ trưởng Lê Đình Thọ (để b/c);
- Các cơ quan, đơn vị dự họp;
- Lưu VT, TH.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG
Vũ Đức Thuận
|