ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
79/2024/QĐ-UBND
|
Phú Yên, ngày 31
tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG
XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY, XE THÔ SƠ ĐỂ KINH DOANH VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ
trình số 147/TTr-SGTVT ngày 24 tháng 12 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Quyết định này quy định về sử dụng xe mô tô, xe gắn
máy, xe thô sơ và các loại xe tương tự để kinh doanh vận chuyển hành khách,
hàng hóa trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng đối với:
a) Tổ chức, cá nhân sử dụng xe mô tô, xe gắn máy,
xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa.
b) Cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh
vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ trên địa
bàn tỉnh.
c) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến sử
dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và các loại xe tương tự trên địa bàn tỉnh
Phú Yên.
2. Quy định này không áp dụng đối với:
a) Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh thuộc biên
chế lực lượng công an và quân đội;
b) Xe thô sơ ba, bốn bánh làm nhiệm vụ thu gom rác
thải;
c) Xe mô tô ba bánh, xe thô sơ ba bánh của thương
binh, người tàn tật dùng làm phương tiện đi lại;
d) Xe thô sơ là xe lăn dùng cho người khuyết tật,
xe tương tự xe lăn dùng cho người khuyết tật.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và các
loại xe tương tự được phân loại tại điểm e, điểm g, điểm h khoản 1 và khoản 2
Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng
hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít
nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải cung cấp dịch vụ gồm:
Điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận tải
hành khách, hàng hoá trên đường bộ bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ nhằm
mục đích sinh lợi.
3. Các loại xe tương tự là các loại xe có
kết cấu, tính năng, động cơ (nếu có) tương tự xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY, XE THÔ SƠ ĐỂ
KINH DOANH VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA
Điều 4. Nguyên tắc chung
1. Trong quá trình tham gia giao thông, chủ
phương tiện, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người được chở:
Phải chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao
thông; đảm bảo an toàn cho mình và người khác.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành
khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ phải tuân thủ quy định của
pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, pháp luật về đầu tư kinh
doanh và các quy định của pháp luật khác có liên quan; đồng thời không được
thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ.
Điều 5. Quy định đối với
người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành
khách, hàng hóa
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để
kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa (sau đây gọi tắt là người điều khiển
phương tiện) phải thực hiện các quy định sau đây:
1. Có
giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện điều khiển theo quy định tại Điều
57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Phải
đủ tuổi, bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương
tiện được phép điều khiển theo quy định tại Điều 59 Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ.
3. Có trách nhiệm mang theo mũ bảo hiểm cho
hành khách đi cùng; yêu cầu hành khách thực hiện đội mũ bảo hiểm khi tham gia
giao thông theo quy định.
4. Có thái độ phục vụ văn minh, lịch sự; mặc
trang phục gọn gàng, sạch sẽ phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương; có
trách nhiệm giúp đỡ hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có
thai và trẻ em.
5. Người điều khiển phương tiện xe thô sơ
phải thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường
bộ.
6. Người điều khiển phương tiện, dẫn dắt vật
nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo đi trên đường bộ phải thực hiện theo quy định
tại Điều 32 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
7. Người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe
gắn máy phải thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao
thông đường bộ.
Điều 6. Phương tiện vận chuyển
1. Xe mô tô, xe gắn máy vận chuyển hành
khách, hàng hóa phải đáp ứng các điều kiện tham gia giao thông đường bộ theo
quy định khoản 1 Điều 35 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Xe thô sơ phải bảo đảm đúng kích thước,
quy cách, mẫu thiết kế đã sản xuất và đang lưu hành; bảo đảm về điều kiện an
toàn tình trạng kỹ thuật xe, bao gồm: Thân vỏ, thùng bệ, thùng hàng không được
thủng rách và được cố định chắc chắn với khung sườn; khung xe phải chắc chắn,
không bị nứt hoặc cong vênh khi nhận biết bằng mắt thường; phanh xe (thắng xe)
phải hoạt động tốt, bảo đảm hiệu lực phanh; bộ phận điều khiển chuyển hướng bảo
đảm chính xác, nhẹ nhàng; tổng thành xe (bánh xe, hệ thống treo, hệ thống
truyền lực) bảo đảm hoạt động tốt và độ rơ cho phép; có còi hoặc chuông báo
hiệu khi lưu thông; có đèn hoặc công cụ phát sáng báo hiệu khi lưu thông vào
ban đêm.
3. Việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô
sơ để vận chuyển hành khách, hàng hóa phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều
47 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Điều 7. Phạm vi hoạt động vận chuyển
1. Xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ khi vận
chuyển hành khách, hàng hóa được phép hoạt động trên các tuyến đường, đoạn
đường không bị cấm trên địa bàn tỉnh và phải chấp hành các quy định của pháp
luật về giao thông đường bộ.
2. Việc đón, trả khách tùy thuộc vào nhu cầu
của hành khách và được dừng, đỗ để chờ đón khách hoặc lên, xuống hàng hóa tại
các địa điểm, khu vực không bị cấm trên địa bàn tỉnh nhưng phải đảm bảo an toàn
cho hành khách, cho người tham gia giao thông và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Điều 8. Tổ chức hoạt động
1. Trên cơ sở quy mô, địa bàn hoạt động: tổ
chức, cá nhân tham gia vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn
máy, xe thô sơ được khuyến khích tổ chức thành các tổ, đội, nghiệp đoàn theo
hình thức tự quản.
2. Khuyến khích tổ chức, cá nhân ứng dụng
công nghệ thông tin trong hoạt động vận chuyển, sử dụng dịch vụ gọi xe thông
qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải; ưu tiên sử dụng hoặc tích hợp lên
nền tảng dịch vụ đô thị thông minh phục vụ công tác quản lý, giám sát, hỗ trợ
vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ trên địa
bàn tỉnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà
nước
1. Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố:
a) Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này tại
các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến các nội dung
Quyết định đến tổ chức, cá nhân sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh
doanh vận tải trên địa bàn quản lý. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với
tổ chức, cá nhân sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ kinh doanh vận chuyển
hành khách và hàng hóa trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
b) Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương,
phối hợp cơ quan liên quan thực hiện tổ chức cắm biển báo cấm hoặc hạn chế hoạt
động đối đối với xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ trên địa bàn quản lý để bảo
đảm giao thông thông suốt và an toàn; bố trí biển báo chỉ dẫn nơi đón, trả hành
khách, xếp dỡ hàng hoá cho xe thô sơ, gắn máy, xe mô tô trên địa bàn quản lý
theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ.
c) Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn
rà soát, thống kê danh sách các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh
vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và các
loại xe tương tự trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; lập danh sách theo dõi và
định kỳ hằng năm báo cáo về Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
2. Công an tỉnh:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban Nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra việc
chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự của
tổ chức, cá nhân sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ kinh doanh vận chuyển
hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các
huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các
trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ kinh doanh
vận chuyển hành khách và hàng hóa vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên
địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền. Đề xuất cơ quan chức năng có liên quan cắm
biển báo cấm hoặc hạn chế hoạt động đối với xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ trên
địa bàn quản lý để đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt.
3. Sở Giao thông vận tải:
a) Phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp huyện rà soát
các vị trí, khu vực có hoạt động của phương tiện vận chuyển hành khách, hàng
hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để bảo đảm trật tự an toàn giao thông
của địa phương. Xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền.
b) Tổng hợp và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh việc
triển khai Quy định này tại địa phương và tình hình hoạt động và những vấn đề
phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện để giải quyết kịp thời.
c) Phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành và Ủy
ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến các quy định
về trật tự, an toàn giao thông cho các tổ chức, cá nhân sử dụng xe mô tô, xe
gắn máy, xe thô sơ và các loại xe tương tự để kinh doanh vận chuyển hành khách,
hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát
thanh Truyền hình tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể
trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo đảm trật tự an
toàn giao thông và Quy định này cho các tổ chức, cá nhân sử dụng xe mô tô, xe
gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn
tỉnh.
5. Các tổ chức và cá nhân có liên quan đến
hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách và hàng hoá bằng xe mô tô, xe gắn
máy, xe thô sơ trên địa bàn tỉnh Phú Yên phải tuân thủ theo quy định pháp luật
về hoạt động vận tải đường bộ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và
quy định tại Quyết định này. Báo cáo tình hình hoạt động hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách và hàng hoá bằng xe
mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ của đơn vị cho cơ quan quản lý.
Điều 10. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 10 tháng 01 năm 2025.
2. Đối với các tổ chức, cá nhân đã sử dụng
xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và các loại xe tương tự để kinh doanh vận
chuyển hành khách, hàng hóa trước ngày Quy định này có hiệu lực thi hành phải
tổ chức thực hiện theo các quy định tại Quyết định này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có phát
sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh
bằng văn bản gửi về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân
tỉnh xem xét, quyết định.
4. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Thủ
trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố; tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như khoản 4 Điều
10;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Vụ Pháp chế-Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Báo Phú Yên, Đài PT-TH Phú Yên;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Trung tâm Truyền thông-VP. UBND tỉnh;
- Luu: VT, NC, Phg, Dg8.1e.2(2024).
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Tấn Hổ
|