ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
61/2024/QĐ-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 20
tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ
PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA XE THỒ SƠ; SỬ DỤNG XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY, XE THỒ SƠ ĐỂ KINH
DOANH VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA; THỜI GIAN, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI XE
BỐN BÁNH CÓ GẮN ĐỘNG CƠ VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG
SƠN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19
tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ
và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số 151/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng
11 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại
Tờ trình số 174/TTr-SGTVT ngày 20 tháng 12 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy
định về phạm vi hoạt động của xe thô sơ; sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ
để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa; thời gian, phạm vi hoạt động đối
với xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh
Lạng Sơn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ
ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và
các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chính phủ;
- Các Bộ: Công an, Giao thông vận tải;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban An toàn giao thông tỉnh;
- Báo Lạng Sơn, Đài PT-TH tỉnh, Công báo tỉnh; Công Thông tin điện tử tỉnh;
- C, PCVP UBND tỉnh, các phòng CM;
- Lưu: VT, KT(CVĐ).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Hồ Tiến Thiệu
|
QUY ĐỊNH
VỀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG
CỦA XE THỒ SƠ; SỬ DỤNG XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY, XE THỒ SƠ ĐỂ KINH DOANH VẬN CHUYỂN
HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA; THỜI GIAN, PHẠM VI HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI XE BỐN BÁNH CÓ GẮN ĐỘNG
CƠ VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
(Kèm theo Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Lạng Sơn)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định phạm vi hoạt động của xe thô
sơ; sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành
khách, hàng hóa; thời gian, phạm vi hoạt động đối với xe bốn bánh có gắn động
cơ vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
2. Các nội dung không quy định tại Quy định này thì
thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động vận chuyển hành
khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
2. Các tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ; sử dụng xe
mô tô, xe gắn máy, có hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh
Lạng Sơn.
3. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt
động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ, xe mô tô,
xe gắn máy, xe thô sơ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Xe thô sơ bao gồm:
a) Xe đạp là xe có ít nhất hai bánh và vận
hành do sức người thông qua bàn đạp hoặc tay quay;
b) Xe đạp máy, gồm cả xe đạp điện, là xe đạp
có trợ lực từ động cơ, nguồn động lực từ động cơ bị ngắt khi người lái xe dừng
đạp hoặc khi xe đạt tới tốc độ 25km/h;
c) Xe xích lô;
d) Xe lăn dùng cho người khuyết tật;
đ) Xe vật nuôi kéo;
e) Xe tương tự các loại xe quy định tại khoản
này.
2. Xe mô tô gồm: xe có hai hoặc ba bánh chạy
bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, trừ xe gắn máy;
đối với xe ba bánh thì khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg.
3. Xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy
bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc
thiết kế không lớn hơn 50km/h; nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung
tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50cm3; nếu động cơ dẫn
động là động cơ điện thì công suất của động cơ không lớn hơn 04kW; xe gắn máy
không bao gồm xe đạp máy.
4. Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là xe
có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động
trên đường bộ, có kết cấu để chở người, vận tốc thiết kế không lớn hơn 30 km/h,
số người cho phép chở tối đa 15 người (không kể người lái xe).
5. Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ là xe
có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động
trên đường bộ, có kết cấu để chở hàng, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên
cùng một khung xe, có tối đa hai hàng ghế và chở tối đa 05 người (không kể
người lái xe), vận tốc thiết kế không lớn hơn 60 km/h và khối lượng bản thân
không lớn hơn 550kg; trường hợp xe sử dụng động cơ điện thì có công suất động
cơ không lớn hơn 15kW.
6. Hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe bốn
bánh có gắn động cơ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe bốn bánh có gắn
động cơ để vận chuyển hành khách trên đường bộ.
7. Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe bốn bánh
có gắn động cơ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ
để vận chuyển hàng hóa trên đường bộ.
8. Hoạt động vận chuyển bằng xe bốn bánh có gắn
động cơ bao gồm hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe bốn bánh có gắn động
cơ và hoạt động vận tải nội bộ bằng xe bốn bánh có gắn động cơ.
9. Kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng
xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, xe bốn bánh gắn động cơ là việc tổ chức,
cá nhân (sau đây gọi chung là đơn vị kinh doanh vận tải) thực hiện ít nhất một
trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá
cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ bằng xe mô tô, xe
gắn máy, xe thô sơ, xe bốn bánh có gắn động cơ có thu tiền cước vận tải nhằm
mục đích sinh lợi.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Phạm vi hoạt động của xe thô sơ
Xe thô sơ được phép hoạt động trên các tuyến đường bộ
trên địa bàn tỉnh; không được phép đi vào đường cao tốc, các tuyến đường cấm xe
thô sơ hoặc các tuyến có biển báo hạn chế, giới hạn hoạt động.
Điều 5. Sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để
kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa
1. Quy định về người điều khiển
a) Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ
tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm,
còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Người điều khiển, người được chở trên xe đạp máy,
xe mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
và cài quai đúng quy cách;
c) Người điều khiển xe thô sơ chỉ được cho xe đi hàng
một, nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định;
khi tham gia giao thông đường bộ trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến
06 giờ ngày hôm sau phải sử dụng đèn hoặc có báo hiệu ở phía trước và phía sau
xe.
2. Quy định về sử dụng phương tiện
Việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để vận
chuyển hành khách, hàng hóa phải thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 47
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
3. Quy định xếp dỡ hàng hóa
a) Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa vượt
quá chiều rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3m, vượt quá về phía sau giá đèo hàng
0,5m theo thiết kế của nhà sản xuất; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường
xe chạy không vượt quá 02m;
b) Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn,
không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển. Hàng
hóa xếp trên xe không vượt quá 1/3 chiều dài thân xe và không vượt quá 1,0m
phía trước và phía sau xe; không vượt quá 0,4m mỗi bên bánh xe.
4. Quy định vị trí dừng, đỗ đón trả hành khách
a) Vị trí dừng, đỗ đón trả hành khách phải đúng nơi
quy định, không gây cản trở giao thông và đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự
an toàn giao thông đường bộ;
b) Trên đường bộ, chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi có lề
đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp
hoặc không có lề đường thì chỉ được dừng xe, đỗ xe sát mép đường phía bên phải
theo chiều đi của mình; không gây cản trở, nguy hiểm cho người và phương tiện
tham gia giao thông đường bộ.
c) Trên đường phố, chỉ được dừng xe, đỗ xe sát theo
lề đường, vỉa hè phía bên phải theo chiều đi của mình; không gây cản trở, nguy hiểm
cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Điều 6. Quy định về thời gian, phạm vi hoạt động
đối với xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hành khách, hàng hóa
1. Thời gian hoạt động: được phép hoạt động 24/24 giờ
trong ngày và thực hiện theo phương án tổ chức giao thông của Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hành khách
được hoạt động trên các tuyến đường trong khu vực nội thành, nội thị, khu vực
cửa khẩu, các khu chức năng của Khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công
nghiệp, trong khu du lịch, điểm du lịch, khu di tích, điểm di tích, khu thể
thao, khu vui chơi giải trí.... không được phép đi vào đường cao tốc và các
tuyến đường, đoạn đường có cắm biển báo cấm hoặc hạn chế loại phương tiện xe
bốn bánh có gắn động cơ hoạt động;
b) Xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hàng hóa
được hoạt động trên tất cả các tuyến đường bộ; trừ đường cao tốc và các tuyến
đường, đoạn đường có cắm biển báo cấm hoặc hạn chế loại phương tiện xe bốn bánh
có gắn động cơ hoạt động.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước
1. Cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản
lý nhà nước về giao thông vận tải
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan có
liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm
tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này;
b) Phối hợp với các cơ quan liên quan cắm biển báo
cấm hoặc hạn chế hoạt động đối với xe thô sơ, xe mô tô, xe gắn máy, xe bốn bánh
có gắn động cơ vận chuyển hành khách và hàng hóa theo đề nghị của Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố;
c) Tổng hợp các vướng mắc phát sinh trong quá trình
thực hiện Quy định này, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp.
2. Công an tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố, cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra việc chấp hành
pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh, trật tự của cơ quan,
tổ chức, cá nhân sử dụng xe thô sơ, xe mô tô, xe gắn máy, xe chở hàng bốn bánh
có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ hoạt động trên địa bàn
tỉnh theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát
quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các huyện, thành phố thường xuyên
duy trì tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp cơ quan, tổ chức, cá
nhân sử dụng xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hành khách và hàng hóa vi
phạm quy định gây mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn quản
lý. Đề xuất cơ quan có liên quan cắm biển báo cấm hoặc hạn chế hoạt động đối
với xe thô sơ, xe mô tô, xe gắn máy, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe
chở người bốn bánh có gắn động cơ trên địa bàn quản lý để bảo đảm giao thông
thông suốt và an toàn.
3. Các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân
tỉnh căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý,
tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy định này tới các tổ chức, cá nhân có hoạt
động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, xe
bốn bánh gắn động cơ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Tổ chức quản lý các hoạt động có liên quan đến
việc sử dụng xe vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe
thô sơ, xe bốn bánh gắn động cơ trên địa bàn quản lý; kiểm tra, kiểm soát, xử
lý nghiêm hành vi vi phạm theo thẩm quyền;
b) Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, phối hợp
với cơ quan quản lý đường bộ thực hiện tổ chức cắm biển báo cấm hoặc hạn chế
hoạt động đối với xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, xe bốn bánh gắn động cơ trên
địa bàn quản lý để bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.
5. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai Quy
định này đến các đối tượng có liên quan biết, thực hiện;
b) Chỉ đạo lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự
ở cơ sở, Công an xã nắm bắt tình hình, thường xuyên phối hợp tuần tra, phòng ngừa,
phát hiện và xử lý hành vi vi phạm thuộc địa bàn quản lý;
c) Theo dõi, thống kê số lượng xe bốn bánh gắn động
cơ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe
tương tự vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý;
định kỳ trước ngày 15/01 hằng năm báo cáo số lượng phương tiện hoạt động trên
địa bàn gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp.
Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu để áp dụng
tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các văn
bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn,
vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan phản ánh
kịp thời về Cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về
giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi,
bổ sung, thay thế Quy định này./.