BỘ Y TẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
5787/QĐ-BYT
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN KHỬ KHUẨN KHU VỰC CẢNG VÀ TÀU
THUYỀN TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số
75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Y tế dự phòng, Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH;
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định
này “Hướng dẫn khử khuẩn khu vực cảng và tàu thuyền trong phòng chống dịch bệnh
truyền nhiễm”.
Điều 2. “Hướng dẫn khử khuẩn khu vực cảng và tàu thuyền trong phòng
chống dịch bệnh truyền nhiễm” là tài liệu hướng dẫn kỹ thuật được áp dụng tại
các khu vực cảng và tàu thuyền trên toàn quốc.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng,
Cục trưởng, Tổng Cục trưởng thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện
Pasteur, Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 43;
- Đ/c Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, DP
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Trường Sơn
|
HƯỚNG DẪN KHỬ KHUẨN
KHU VỰC CẢNG VÀ TÀU THUYỀN TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN
NHIỄM
(ban hành kèm theo Quyết định số 5787/QĐ-BYT
ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Bộ Y tế)
I.
NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN CHUNG
1. Việc thực hiện vệ sinh và khử khuẩn ở cảng cũng như tàu
thuyền cần phải tuân thủ các quy định phù hợp của quốc tế như Tổ chức Y tế Thế
giới (WHO), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và các quy định của Bộ Y tế
có liên quan.
2. Hóa chất sử dụng để khử khuẩn được thực hiện theo các quy định
của Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, phù hợp với các tác nhân
gây bệnh cụ thể theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoá chất; đối với loại sử dụng
cho tàu thuyền được sự chấp thuận của đại diện hãng tàu thuyền hoặc nằm trong
danh sách khuyến cáo của các nhà sản xuất tàu thuyền.
3. Nhân viên thực hiện khử khuẩn phải được huấn luyện thường
xuyên; trang bị phòng hộ cá nhân bao gồm quần, áo, kính, mũ, khẩu trang, găng
tay, ủng, phù hợp với khu vực thực hiện vệ sinh, khử khuẩn và phòng chống các
tác nhân gây bệnh.
4. Thiết bị khử khuẩn được bảo dưỡng, bảo quản tốt, có hướng dẫn
vận hành để việc sử dụng không ảnh hưởng đến cảng, phương tiện vận chuyển và
tàu thuyền.
5. Việc khử khuẩn được thực hiện khi phát hiện mang hoặc có dấu
hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định, theo yêu cầu của cơ
quan có thẩm quyền hoặc theo đề nghị của người đại diện tàu thuyền.
II. PHẠM
VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Nhà ga, nhà điều hành tại cảng đường biển, đường sông (gọi
chung là cảng).
2. Phương tiện vận chuyển trong cảng.
3. Tàu thuyền ra, vào và neo đậu tại cảng.
III.
QUY TRÌNH KHỬ KHUẨN NHÀ GA, NHÀ ĐIỀU HÀNH
1.
Thu thập và xử lý thông tin
- Thu thập thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm
tại cảng (Cảng vụ hàng hải, Biên phòng và Hải quan cửa khẩu, đại lý, chủ
tàu,...) hoặc qua kiểm tra, giám sát, kiểm dịch viên tiến hành kiểm tra, xác
minh khu vực có nguy cơ lây nhiễm cần phải xử lý.
- Xác định các khu vực, đối tượng cần thực hiện khử khuẩn, loại
hóa chất sử dụng phù hợp, phương pháp khử khuẩn; lưu ý các khu vực có nhiều
nguy cơ lây nhiễm: khu vực và quầy làm thủ tục hàng hải, khu vực kiểm tra và
sàng lọc an ninh, khu vực thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, khu vực thủ tục hải
quan, khu vực chờ lên tàu thuyền, khu vực làm thủ tục kiểm dịch y tế, thang cuốn,
thang máy, tay vịn các khu vực công cộng, nhà vệ sinh và khu vực thay đồ cho
bé, xe đẩy hành lý và điểm thu gom xe, ghế ngồi chờ trước khi kiểm tra an ninh
và trong khu vực lên tàu thuyền,... .
2.
Công tác chuẩn bị
- Thông báo cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền liên
quan (cảng vụ, chủ tàu hoặc đại diện, các đơn vị phục vụ tại cảng, ...) để phối
hợp đảm bảo an toàn cho người và các trang thiết bị có thể bị ảnh hưởng trong
quá trình khử khuẩn.
- Bố trí nhân viên xử lý y tế theo nhu cầu thực tế và yêu cầu
chuyên môn.
- Phương tiện phòng hộ cá nhân (bao gồm quần, áo, kính, mũ,
khẩu trang, găng tay, ủng), xà phòng, dung dịch sát khuẩn (60-80% nồng độ cồn
cho việc vệ sinh tay và có ít nhất 70% nồng độ cồn cho vệ sinh trang thiết bị)
và các thiết bị, dụng cụ cần thiết.
- Trang thiết bị, hoá chất phù hợp với kỹ thuật khử khuẩn.
- Thùng, túi đựng đồ thải bỏ.
- Phương tiện vận chuyển trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất,
rác thải lây nhiễm theo quy định an toàn sinh học.
3.
Khử khuẩn khi phát hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm
3.1. Yêu cầu
- Vệ sinh và khử khuẩn các khu vực công cộng tại cảng nên thực
hiện hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng và tăng tần suất vệ sinh, khử khuẩn
khi đang có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm liên quan đến vận chuyển và thường
do nhân viên chuyên trách của cảng thực hiện và có sự giám sát của cơ quan kiểm
dịch y tế.
- Tùy theo kết quả kiểm tra, giám sát về tác nhân gây bệnh, mức
độ lây lan, mức độ di chuyển, giao tiếp của người bệnh, nghi nhiễm bệnh và mật
độ người trong khu vực nhà ga, nhà điều hành có liên quan mà kiểm dịch viên quyết
định mức độ khử khuẩn.
- Bất kỳ khu vực nào bị phát hiện có trường hợp nghi ngờ hoặc
mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A hoặc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác hoặc có hành
khách từ vùng dịch nguy hiểm về sẽ được kiểm dịch viên y tế trực tiếp thực hiện
khử khuẩn hoặc đơn vị khử khuẩn chuyên nghiệp thực hiện với sự giám sát của kiểm
dịch viên y tế.
3.2. Khử khuẩn
3.2.1. Khử khuẩn không khí
- Sử dụng thông gió tự nhiên khi điều kiện cho phép; thông
gió điều hòa, quạt hút nên được làm sạch và bảo dưỡng, màng lọc không khí được
thay theo quy định của nhà sản xuất.
- Có thể sử dụng hóa chất chứa clo hoạt tính và hydro peroxide bằng
cách phun khí dung với 10 - 20ml/m3, tuy nhiên, chỉ áp dụng ở trong
các phòng không có người.
- Cửa sổ phải được đóng lại trước khi khử khuẩn và được mở lại
để thông khí sau khử khuẩn 60 phút; bề mặt và không gian phải được phun đều, bắt
đầu từ trên xuống, rồi từ trái sang phải.
3.2.2. Khử khuẩn bề mặt
a) Thu dọn vệ sinh: trước khi thực hiện khử khuẩn các bề mặt
nhà ga, nhà điều hành cần phải thực hiện thu dọn vệ sinh tất cả các vật dụng.
- Mở một túi màu vàng đựng rác "nguy cơ sinh học"
và đặt gần vị trí định làm vệ sinh, khử khuẩn.
- Sử dụng khăn giấy hoặc vật liệu hấp phụ, lau sạch chất bám
dính trên bề mặt và đặt vào túi "nguy cơ sinh học".
- Thay đổi găng tay nếu chúng bị nhiễm bẩn đến mức có thể
nhìn thấy.
- Đối với chất tiết, chất nôn của trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh
truyền nhiễm:
+ Che phủ kín vị
trí xử lý bằng khăn giấy thấm hút và đổ hóa chất thấm đều từ ngoài vào trong
theo hình xoắn ốc vị trí cần xử lý.
+ Chờ một thời
gian tác dụng của hoá chất thích hợp, theo chỉ định trong hướng dẫn sử dụng hóa
chất, sau đó thu dọn từ ngoài vào trong tránh để lan rộng phạm vi ô nhiễm.
+ Lau sạch khu vực
nhiễm bẩn bằng hoá chất tẩy rửa thông thường.
+ Thu dọn khăn, dụng
cụ đã sử dụng vào túi rác “nguy cơ sinh học”.
+ Đóng kín túi
rác “nguy cơ sinh học” và đảm bảo vận chuyển thận trọng và cuối cùng hủy bỏ.
+ Sau khi thu dọn
chất bẩn, chất nôn,.. .của người bệnh, nghi nhiễm bệnh,.. thì thực hiện khử khuẩn.
b) Hóa chất khử khuẩn
Tùy theo tác nhân
gây bệnh, mức độ, phạm vi ô nhiễm, khu vực xử lý có thể sử dụng dung dịch có chứa
clo hoạt tính hoặc hóa chất khử khuẩn theo qui định của Bộ Y tế hoặc của nhà sản
xuất.
c) Phương pháp khử khuẩn
Phun ướt bề mặt kết
hợp với lau chùi, không phun trực tiếp hóa chất vào các trang thiết bị điện tử,
phải sử dụng lau chùi bằng giẻ lau chuyên dụng cùng với hóa chất. Sau khi phun/
lau hóa chất thì cần phải lau chùi lại bằng khăn khô sạch, tránh tồn đọng hóa
chất trên các thiết bị điện tử và các bề mặt cảm ứng của thiết bị điện tử.
Lưu ý khử khuẩn
khu vực đông người và bề mặt cảm ứng cao (như quầy làm thủ tục, nút bấm trong
thang máy và tay vịn thang cuốn, tay vịn cửa nhà vệ sinh).
3.2.3. Xử lý chất thải: thực hiện theo quy định đối với chất
thải lây nhiễm.
4.
Kết thúc xử lý y tế và báo cáo
- Nhân viên xử lý cởi bỏ, thu gom đồ bảo hộ, rác vào thùng rác
theo qui định.
- Sát khuẩn tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn
(60-80% nồng độ cồn cho việc vệ sinh tay), sát khuẩn thiết bị khử khuẩn bằng
dung dịch sát khuẩn có ít nhất 70% nồng độ cồn.
- Sau khi thực hiện phun khử khuẩn xong, nhân viên xử lý bàn
giao lại cho đại diện cảng hoặc người đại diện chịu trách nhiệm khu vực đã được
khử khuẩn.
- Báo cáo trưởng ca, trực ban trưởng và các cấp lãnh đạo có
liên quan sau khi đã hoàn thành việc xử lý.
IV.
QUI TRÌNH KHỬ KHUẨN PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN TẠI CẢNG
1.
Thu thập và xử lý thông tin
- Thu thập thông tin từ cảng vụ, điều hành cảng, đại diện
hãng tàu thuyền, chủ tàu, chủ phương tiện vận chuyển, cổng thông tin một cửa quốc
gia,… về số lượng, số hiệu, chủ sở hữu hoặc điều hành:
+ Xe ô tô, tàu vận
chuyển hành khách có hành khách bị bệnh hoặc nghi bị bệnh hoặc từ vùng dịch về,.
từ tàu thuyền, từ cầu cảng vào nhà ga.
+ Xe cấp cứu, xe
ô tô đã vận chuyển hành khách bị bệnh hoặc nghi bị bệnh từ tàu thuyền vào hoặc
vận chuyển về cơ sở khám, chữa, cách ly,.
+ Xe chở những
người thực hiện nhiệm vụ vệ sinh, điều hành, giám sát an ninh, bộ đội biên
phòng, hải quan,. mà có tiếp xúc với hành khách bị bệnh, nghi bị bệnh, hành
khách về từ vùng dịch,.
+ Xe chở hành lý
của hành khách bị bệnh, nghi bị bệnh, hành khách về từ vùng dịch,...
- Xác định các vị trí trên phương tiện vận chuyển cần thực hiện
khử khuẩn, loại hóa chất sử dụng phù hợp, phương pháp khử khuẩn.
- Yêu cầu đưa các phương tiện về khu vực cách ly để thực hiện
khử khuẩn ngay sau khi hoàn thành vận chuyển hành khách bị bệnh, nghi bị bệnh
và hành khách từ vùng dịch về.
2.
Công tác chuẩn bị:
- Thông báo cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền
liên quan (cảng vụ, chủ phương tiện vận chuyển đại diện, các đơn vị phục vụ tại
cảng,...)
để phối hợp đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện vận chuyển có thể bị ảnh
hưởng trong quá trình khử khuẩn.
- Bố trí nhân viên xử lý y tế theo nhu cầu thực tế và yêu cầu
chuyên môn.
- Trang bị phòng chống dịch, kính chắn giọt bắn, xà phòng,
dung dịch sát khuẩn (60-80% nồng độ cồn cho việc vệ sinh tay và có ít nhất 70%
nồng độ cồn cho vệ sinh trang thiết bị) và các thiết bị, dụng cụ cần thiết.
Nhân viên vận hành phương tiên khi phối hợp xử lý cũng phải được mặc trang phục
phòng hộ cá nhân phù hợp như nhân viên xử lý y tế.
- Trang thiết bị, hoá chất phù hợp với kỹ thuật khử khuẩn.
- Thùng, túi đựng đồ thải bỏ.
- Phương tiện vận chuyển trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất,
rác thải lây nhiễm theo quy định an toàn sinh học.
3.
Khử khuẩn
- Các vị trí khử khuẩn gồm: khu vực bên ngoài phương tiện;
toàn bộ khu vực trong phương tiện dành cho người điều khiển, hành khách, lưu ý
những khu vực có tiếp xúc với hành khách, người bệnh như tay vịn, tay nắm cửa,
cánh cửa, bệ bước, ghế ngồi, cáng nằm và các khu vực khác tùy trường hợp,...
- Tùy theo tác nhân gây bệnh, mức độ, phạm vi ô nhiễm, khu vực
xử lý có thể sử dụng dung dịch có chứa clo hoạt tính với nồng độ 0,1% hoặc hóa
chất khử khuẩn theo qui định của Bộ Y tế hoặc của nhà sản xuất.
- Phun ướt bề mặt kết hợp với lau chùi.
- Không phun trực tiếp vào các trang thiết bị điện tử, phải sử
dụng lau chùi bằng giẻ lau chuyên dụng cùng với hóa chất.
- Xử lý chất thải thực hiện theo quy định đối với chất thải
lây nhiễm.
4.
Kết thúc xử lý y tế và báo cáo
- Nhân viên xử lý cởi bỏ, thu gom đồ bảo hộ, rác vào thùng
rác theo qui định.
- Sát khuẩn tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn
(60-80% nồng độ cồn cho việc vệ sinh tay), sát khuẩn thiết bị khử khuẩn bằng
dung dịch sát khuẩn có ít nhất 70% nồng độ cồn.
- Thông báo cho người đại diện quản lý phương tiện vận chuyển
công tác xử lý y tế khử khuẩn hoàn tất, phương tiện có thể sử dụng bình thường
sau thời gian lưu giữ nhất định để hóa chất có đủ thời gian khử khuẩn (ít nhất
30 phút, tùy theo loại hóa chất sử dụng ghi trên nhãn mác) và cấp giấy chứng nhận
cho phương tiện theo qui định.
- Báo cáo trưởng ca, trực ban cảng vụ hàng hải và lãnh đạo
sau khi đã hoàn thành việc xử lý y tế.
V. QUY
TRÌNH KHỬ KHUẨN TÀU THUYỀN
1.
Thu thập và xử lý thông tin:
- Thu thập thông tin từ cảng vụ, điều hành cảng, đại diện
hãng tàu thuyền, chủ tàu, chủ phương tiện vận chuyển, cổng thông tin một cửa quốc
gia... về số lượng, số hiệu, chủ sở hữu hoặc điều hành:
+ Hãng tàu, thời
gian xuất phát, thời gian dự kiến đến, số hành khách, thuyền viên,.
+ Cảng khởi hành
(khu vực, quốc gia có dịch hay đang theo dõi,.)
+ Danh sách hành
khách và tình trạng sức khoẻ, đặc biệt người bị bệnh hoặc nghi mắc bệnh và những
người xung quanh trong vòng 2 mét.
+ Danh sách thuyền
viên, đặc biệt lưu ý nhân viên tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, nghi mắc bệnh.
- Yêu cầu cơ quan có liên quan đưa tàu thuyền vào vị trí kiểm
dịch hoặc khu vực cách ly để khử khuẩn.
- Xác định các khu vực trên tàu thuyền cần thực hiện khử khuẩn;
loại hóa chất, phương pháp khử khuẩn đối với từng khu vực.
2.
Công tác chuẩn bị
- Thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm liên
quan (cảng vụ hàng hải, chủ tàu thuyền hoặc đại diện,...) để phối hợp đảm bảo
an toàn cho con người và các trang thiết bị có thể bị ảnh hưởng trong quá trình
cách ly và khử khuẩn.
- Bố trí nhân viên xử lý y tế theo nhu cầu thực tế và yêu cầu
chuyên môn.
- Phương tiện phòng hộ cá nhân, dung dịch sát khuẩn (60-80% nồng
độ cồn cho việc vệ sinh tay và có ít nhất 70% nồng độ cồn cho vệ sinh trang thiết
bị) và các thiết bị, dụng cụ cần thiết..
- Trang thiết bị, hoá chất phù hợp với kỹ thuật khử khuẩn.
- Thùng, túi đựng đồ thải bỏ.
- Dụng cụ được chuẩn bị sẵn trong túi đồ vệ sinh:
+ Túi đựng rác và
khẩu trang có dây.
+ Giẻ lau, giấy vệ
sinh và/hoặc vật liệu thấm hút.
+ Bình phun hóa
chất.
+ Khăn lau chuyên
dụng.
- Phương tiện vận chuyển trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất,
rác thải lây nhiễm theo quy định an toàn sinh học.
3.
Khử khuẩn
3.1. Những yêu cầu khử khuẩn trên tàu thuyền
- Sau khi hành khách ra khỏi tàu thuyền, nhân viên xử lý y tế
lên tàu để thực hiện khử khuẩn.
- Để việc khử khuẩn đạt hiệu quả tối đa thì thường phải thực
hiện vệ sinh kỹ lưỡng, thu dọn bất kỳ những đồ vật, rác trước khi khử khuẩn; phải
loại bỏ chất nôn, chất tiết, làm sạch các vết bẩn trước khi tiến hành khử khuẩn.
- Nước thải từ quá trình làm sạch phải được xử lý như nước thải
lây nhiễm.
- Khăn lau và dụng cụ đựng ở các khu vực khác nhau phải được
sử dụng riêng; nên sử dụng thiết bị làm sạch dùng một lần.
Nếu không có
thiết bị làm sạch dùng một lần, vật liệu làm sạch (vải, bọt biển,...) nên được
cho vào dung dịch khử khuẩn có chứa clo hoạt tính trong thời gian tiếp xúc ít
nhất 30 phút. Khăn lau có thể được giặt ở nhiệt độ 90°C và sau đó có thể được sử
dụng lại. Nếu cả hai giải pháp đều không có sẵn, vật liệu nên được loại bỏ và
không được sử dụng lại.
- Cần phải mở hệ thống thông gió tự nhiên trong quá trình khử
khuẩn. Trong trường hợp các phòng không thể mở cửa sổ và hệ thống thông gió hoạt
động trong một vòng kín, nên tắt tuần hoàn không khí và hệ thống phải hoạt động
với nguồn cung cấp không khí sạch, mới. Lựa chọn khác có thể sử dụng sau khi được
tư vấn kỹ thuật của chuyên gia: đặt bộ lọc không khí dạng hạt hiệu quả cao tạm
thời (HEPA) qua các lỗ thông hơi và khí thải trong các phòng có bệnh nhân hoặc
sử dụng hệ thống lọc không khí HEPA di động được đặt gần nơi bệnh nhân đã được
xác định.
- Thực hiện phun khử khuẩn theo nguyên tắc từ trong ra ngoài,
từ trên xuống dưới, nên bắt đầu từ những khu vực sạch sẽ nhất, tiến tới những
khu vực bẩn nhất (khu vực có bệnh nhân).
- Phun xịt các chất khử khuẩn trên sàn tàu từ trước ra sau,
tiếp theo lau chùi khử khuẩn các khu vực nguy cơ cao (khu vực ghế ngồi của người
bệnh, nghi nhiễm bệnh và khu vực xung quanh, nhà vệ sinh mà người bệnh sử dụng,...),
sau đó một lần nữa lại phun khử khuẩn theo hướng ngược lại.
- Hóa chất khử khuẩn phù hợp với các khu vực nguy cơ và khu vực
thực hiện khử khuẩn.
- Nên làm ướt dụng cụ lau chùi bằng các chất khử khuẩn khi
lau chùi bề mặt, để tồn lưu trong khoảng thời gian theo khuyến cáo của nhà sản
suất và sau đó loại bỏ.
- Những nơi không thể phun, dùng phương pháp lau; sử dụng các
công cụ làm sạch khác nhau (vải và giẻ lau) cho từng khu vực khác nhau trong
tàu thuyền, nên có màu khác nhau để phân biệt và giảm ô nhiễm chéo.
3.2. Thực hiện khử khuẩn
3.2.1. Khoang
hành khách và chế biến thực phẩm
- Các khu vực thường xuyên tiếp xúc với hành khách và các bề
mặt cứng khác trên tàu như tường, cửa sổ, tay nắm cửa, thanh cửa, ghế, tay vịn,
mặt bàn, công tắc đèn, vòi nước, nút thang máy,... Làm sạch bề mặt môi trường bằng
nước và chất tẩy rửa thông thường, đồng thời lau các chất khử khuẩn chứa clo hoạt
tính với nồng độ 0,1% hoặc dung dịch sát khuẩn (có ít nhất 70% nồng độ cồn)
trong 30 phút hoặc hóa chất khử khuẩn theo qui định của Bộ Y tế hoặc của nhà sản
xuất.
- Chất nôn, dịch tiết cơ thể: Nếu dính trên bề mặt cần phải
được loại bỏ cẩn thận bằng khăn và xử lý an toàn ngay lập tức như chất thải lây
nhiễm.
- Xử lý chất thải: thực hiện theo quy định đối với chất thải
lây nhiễm.
- Phòng tắm và nhà vệ sinh trong khu vực y tế, khu vực cách
ly hoặc kiểm dịch.
+ Khử khuẩn bằng
cách phun hoặc lau chất khử khuẩn có chứa clo hoạt tính với nồng độ 0,1% trong
ít nhất 30 phút hoặc hóa chất khử khuẩn theo qui định của Bộ Y tế hoặc của nhà
sản xuất.
+ Các bề mặt cần
được rửa lại bằng nước sạch sau 30 phút tiếp xúc với clo.
+ Nên sử dụng nhà
vệ sinh chuyên dụng cho các trường hợp nghi ngờ và đã được xác nhận. Nếu không
thể cung cấp nhà vệ sinh riêng cho bệnh nhân và cho người cùng khoang, nhà vệ
sinh chung phải được làm sạch và khử khuẩn ít nhất hai lần mỗi ngày.
- Nhà vệ sinh công cộng, bồn rửa và các thiết bị vệ sinh
khác: các bề mặt tiếp xúc với tay (ví dụ như tay vịn tắm và các thiết bị vệ
sinh được nhiều người sử dụng) phải được thực hiện khử khuẩn cẩn thận. Cân nhắc
việc sử dụng chất khử khuẩn có chứa clo hoạt tính với nồng độ 0,1% trong 30
phút, hoặc hóa chất khử khuẩn theo qui định của Bộ Y tế hoặc của nhà sản xuất.
- Ghế, sofa, tấm trải tường:
+ Phải được khử
khuẩn kỹ lưỡng bằng phun hoặc lau chất khử khuẩn diệt khuẩn thích hợp.
+ Lưu ý thuốc tẩy
clo có thể làm hỏng vải dệt. Có thể dung dịch sát khuẩn (có ít nhất 70% nồng độ
cồn) trong 30 phút. Sau đó để khô trong không khí dưới ánh nắng mặt trời nếu có
thể.
+ Có thể sử dụng
các chất khử khuẩn khác theo qui định của Bộ Y tế hoặc của nhà sản xuất.
+ Không nên bỏ
qua các phương tiện giải trí như ghế ngồi ngoài trời.
- Thảm và đồ nội thất:
+ Nên được làm sạch
bằng hơi nước và sau đó khử khuẩn. Làm sạch bằng hơi nước là một phương pháp hiệu
quả để làm sạch các bề mặt mềm như thảm và rèm cửa. Tuy nhiên, vấn đề làm sạch
bằng hơi nước chỉ là một phương pháp khử khuẩn, vì rất khó để đạt được nhiệt độ
đủ cao trong đồ đạc mềm. Có thể là làm sạch bằng hơi nước có kết hợp với biện
pháp khác.
+ Có thể dung dịch
sát khuẩn (có ít nhất 70% nồng độ cồn) trong 30 phút.
+ Có thể sử dụng
các chất khử khuẩn khác theo qui định của Bộ Y tế hoặc của nhà sản xuất.
- Đồ giặt từ các phòng ngủ của các trường hợp bệnh, nghi ngờ
và những người tiếp xúc phải được xử lý như chất có thể lây nhiễm, phù hợp với
kế hoạch quản lý ổ dịch được cung cấp trên tàu đối với các bệnh truyền nhiễm
khác.
+ Tất cả những
người tiếp xúc với đồ vải bẩn của trường hợp mắc, nghi mắc bệnh truyền nhiễm phải
mặc trang phục phòng hộ, bao gồm găng tay nặng, khẩu trang, kính bảo vệ mắt (tấm
che mặt/ kính bảo hộ), áo choàng dài tay, tạp dề (nếu áo choàng không chống được
chất lỏng), ủng hoặc giày kín trước khi chạm vào bất kỳ đồ vải nào bị bẩn.
+ Bất kỳ vật nào ở
trên khăn trải giường đều phải được loại bỏ và xử lý như chất thải lây nhiễm.
+ Đồ giặt nên được
vận chuyển đến khu vực giặt là trong các xe đẩy riêng trong các túi kín như đối
với với rác thải lây nhiễm.
+ Đồ giặt bị bẩn
được giặt và xử lý riêng biệt với các đồ khác, không được tiếp xúc với bất kỳ bề
mặt nào trong khu vực giặt là.
- Các dụng cụ phục vụ ăn uống từ các khoang của các trường hợp
nghi ngờ và người tiếp xúc phải được xử lý là có khả năng lây nhiễm, phù hợp với
kế hoạch quản lý ổ dịch được cung cấp trên tàu đối với các bệnh truyền nhiễm
khác. Nếu bát đĩa và dao kéo không được sử dụng, thì sau khi hoàn thành bữa ăn,
khay phục vụ, bát đĩa và dao kéo nên được vận chuyển đến khu vực rửa bát trong
một túi, sau đó rửa sạch và khử khuẩn ở nhiệt độ 77°C trở lên trong ít nhất 30
giây và sau đó được làm khô trong không khí.
- Khu vực chuẩn bị thực phẩm: nếu có ổ dịch trên tàu, tiến
hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực chế biến thực phẩm phun dung dịch có chứa
clo hoạt tính với nồng độ 0,1% với thời gian tiếp xúc tối thiểu 30 phút hoặc
hóa chất khử khuẩn theo qui định của Bộ Y tế hoặc của nhà sản xuất, sau đó lau
lại bằng nước sạch.
3.2.2. Khử khuẩn khu vực có trang thiết bị điện tử
- Dùng phương pháp lau hóa chất; không được dùng bình xịt với
áp xuất cao, hoặc máy phun sương mù phun thẳng vào khu vực có trang thiết bị điện
tử. Sau khi lau bằng khăn tẩm hóa chất thì dùng khăn sạch lau để tránh hóa chất
lắng đọng.
- Có thể sử dụng bằng dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 70%
cồn hoặc hóa chất khử khuẩn theo qui định của Bộ Y tế hoặc của nhà sản xuất.
- Khử khuẩn khu vực có trang thiết bị điện tử nên được thực
hiện bởi nhân viên xử lý được đào tạo tốt.
3.2.3. Khử khuẩn khoang hàng hóa
- Nên sử dụng phương pháp phun xịt khử khuẩn trong vòng khép
kín. Việc khử khuẩn phải được thực hiện từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới,
từ trái qua phải, từ sau ra trước.
- Sử dụng chất khử khuẩn có chứa clo hoạt tính với nồng độ
0,05% trong 30 phút, hoặc hóa chất khử khuẩn theo qui định của Bộ Y tế hoặc của
nhà sản xuất…
- Sau khi phun xong khoang hàng, đóng cửa và phun bề mặt cửa,
cầu thang hoặc xe nâng.
3.3. Xử lý chất thải: thực hiện theo quy định đối với chất
thải lây nhiễm.
4.
Kết thúc xử lý và báo cáo
- Nhân viên xử lý cởi bỏ, thu gom đồ bảo hộ, rác vào thùng
rác y tế theo qui định.
- Sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn chứa 60-80% nồng độ
cồn và sát khuẩn thiết bị bằng dung dịch sát khuẩn có ít nhất 70% nồng độ cồn.
- Thông báo cho đại diện hãng tàu thuyền công tác khử khuẩn
hoàn tất. Tàu thuyền có thể đưa vào sử dụng bình thường sau khi hết thời gian
lưu hóa chất (theo khuyến cáo) và cấp giấy chứng nhận theo qui định cho đại diện
hãng tàu thuyền.
- Báo cáo trưởng ca, trực ban trưởng và lãnh đạo sau khi đã
hoàn thành việc xử lý y tế.
VI. TỔ
CHỨC THựC HIỆN
1. Cục Y tế dự phòng tổ chức triển khai phổ biến hướng dẫn khử
khuẩn khu vực cảng và tàu thuyền trong phòng chống bệnh truyền nhiễm trên phạm
vi toàn quốc, cung cấp tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A cần phải xử lý y
tế trên thế giới tới các tổ chức kiểm dịch y tế.
2. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chịu trách
nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/
Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế trong việc tổ chức thực hiện khử khuẩn khu vực
cảng và tàu thuyền trong phòng chống bệnh truyền nhiễm.
3. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/ Trung tâm Kiểm dịch Y tế biên
giới làm đơn vị đầu mối, tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại cảng,
cảng vụ, hãng tàu thuyền, các đơn vị hoạt động tại cảng về các hoạt động khử
khuẩn khu vực cảng và tàu thuyền trong phòng chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực
cảng; triển khai các hoạt động kỹ thuật trong việc khử khuẩn khu vực cảng, tàu
thuyền và cấp giấy chứng nhận vệ sinh tàu thuyền theo quy định.
4. Các đơn vị hoạt động tại cảng có trách nhiệm tổ chức và đảm
bảo các điều kiện thực hiện hoạt động vệ sinh, khử khuẩn khu vực cảng và tàu
thuyền trong phòng chống bệnh truyền nhiễm.
5. Các chủ tàu hoặc đại diện chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ
với các tổ chức kiểm dịch y tế tại các cảng thực hiện nghiêm việc khai báo y tế,
kiểm tra y tế và triển khai vệ sinh, khử khuẩn tàu thuyền theo các quy định hiện
hành; cung cấp danh mục hóa chất phục vụ việc vệ sinh, khử khuẩn tàu phù hợp với
yêu cầu vệ sinh tàu thuyền, các quy định của quốc tế.
6. Các đơn vị thực hiện vệ sinh, khử khuẩn có trách nhiệm phối
hợp với các đơn vị quản lý liên quan tại khu vực cảng thực hiện nghiêm các hướng
dẫn vệ sinh, khử khuẩn theo quy định.
Trong quá trình
thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Y tế dự
phòng) để giải quyết./.