ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4389/QĐ-UBND
|
Hải Phòng, ngày
21 tháng 11 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRONG CÔNG TÁC ĐẢM
BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 15/6/2022;
Căn cứ Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày
31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi
đua, khen thưởng;
Căn cứ Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 của
Thủ tướng Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực
lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong
máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử
lý vi phạm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình
số 2723/TTr-SNV ngày 30 tháng 10 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng trong công
tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam thành phố, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND TP;
- CVP, PCVP UBNDTP;
- Sở Nội vụ;
- Các Phòng: KSTTHC, XDGTCT; HCTC;
- Lưu: VT, KSTTHC2.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Tùng
|
QUY ĐỊNH
ĐÁNH
GIÁ, XẾP LOẠI THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRONG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO
THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Kèm theo Quyết định số 4389/QĐ-UBND ngày 21/11/2024 của Chủ tịch Ủy ban
nhân dân thành phố Hải Phòng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về đánh giá, xếp loại thi
đua, khen thưởng trong công tác đảm bảo trật tự An toàn giao thông (ATGT) đối với
người đứng đầu và các tập thể, cá nhân khác có liên quan trên địa bàn thành phố
Hải Phòng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đối với tập thể: các Ban, sở, ngành, địa phương,
đơn vị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị -
xã hội thành phố, lực lượng vũ trang nhân dân (sau đây gọi tắt là địa phương,
cơ quan, đơn vị) trên địa bàn thành phố.
2. Đối với cá nhân: người đứng đầu các địa phương,
cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động, học
sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.
Điều 3. Nguyên tắc đánh giá,
xếp loại
1. Đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác; bảo đảm
đúng thẩm quyền quản lý.
2. Việc đánh giá, xếp loại trong công tác đảm bảo
trật tự an toàn giao thông phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết
quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện qua công việc, sản phẩm cụ thể và căn cứ vào kết
quả xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của cấp có thẩm quyền; đối với
cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện
nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
3. Kết quả đánh giá, xếp loại về đảm bảo trật tự
ATGT theo quy định tại Quyết định này được sử dụng làm cơ sở để bình xét, khen
thưởng toàn diện về thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm của các tập thể, cá
nhân và làm căn cứ xét tặng các hình thức khen thưởng khác.
Chương II
TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, CHẤM
ĐIỂM CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
Điều 4. Tiêu chí đánh giá, chấm
điểm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với các sở, ban, ngành,
đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân thành phố
1. Xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển
khai thực hiện chủ đề năm về an toàn giao thông của thành phố theo chức năng
nhiệm vụ được giao (20 điểm).
2. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ
đạo của Trung ương và thành phố trong công tác đảm bảo trật tự ATGT (20 điểm).
3. Đổi mới hình thức và nâng cao hiệu quả công tác
tuyên truyền, giáo dục, vận động việc chấp hành đảm bảo trật tự ATGT của các cá
nhân thuộc đơn vị quản lý (20 điểm).
4. Xây dựng được các mô hình, điển hình về đảm bảo
trật tự ATGT của ngành, đơn vị mình (20 điểm).
5. Có văn bản phối hợp với các ngành liên quan để
thực hiện đảm bảo trật tự ATGT theo chức năng nhiệm vụ được giao (10 điểm).
6. Tham gia đầy đủ, đúng thành phần các cuộc họp do
Ủy ban nhân dân thành phố, Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức (10 điểm).
Điều 5. Tiêu chí đánh giá,
chấm điểm áp dụng riêng đối với Công an thành phố
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực
hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quản lý và
thực hiện có hiệu quả; đưa tiêu chí đảm bảo trật tự ATGT vào tiêu chí thi đua
khen thưởng của ngành, đơn vị (15 điểm).
2. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi
phạm trên tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa theo các chuyên đề.
Nhất là các kế hoạch chuyên đề về xử lý vi phạm; tăng cường kiểm tra, xử lý
theo các chuyên đề: nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, quá tải, phương tiện hết niên
hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, dừng, đỗ
sai quy định; xe container, xe khách, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe
mô tô, xe máy điện, xe thô sơ, xe gắn máy, xe tự chế vi phạm trật tự ATGT... (15
điểm).
3. Nghiên cứu xây dựng, bổ sung hoàn thiện các
phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế
ở mỗi tuyến đường, địa phương. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải rà soát, đánh
giá hiện trạng các tuyến giao thông để kiến nghị xây dựng phương án tổ chức
giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến giao thông phức tạp nhằm kịp thời
khắc phục những bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các "điểm
đen", các tuyến giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao
thông (15 điểm).
4. Làm tốt công tác duy trì, giữ gìn trật tự đô thị,
trật tự công cộng, trật tự đường hè và hành lang ATGT theo chức năng, nhiệm vụ;
phối hợp giải tỏa các trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT, các tụ điểm phức tạp
về trật tự đô thị, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; tăng cường kiểm tra,
xử lý phương tiện dừng, đỗ sai quy định dưới lòng đường, vỉa hè (15 điểm).
5. Có kế hoạch thực hiện hiệu quả xử lý vi phạm tải
trọng xe, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ; kiểm tra
công tác bảo đảm TTATGT trong hoạt động vận tải thủy nội địa trên địa bàn thành
phố (15 điểm).
6. Xây dựng các mô hình, điển hình về đảm bảo trật
tự ATGT ở đơn vị và các đơn vị trực thuộc mang lại hiệu quả cho cộng đồng xã hội.
Tổ chức xây dựng (quyết định thành lập, cơ cấu thành phần và quy chế hoạt động)
và duy trì hoạt động các mô hình an toàn giao thông hoạt động có hiệu quả, có sức
lan tỏa và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến về công tác an toàn giao
thông (15 điểm).
7. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (tháng, quý,
06 tháng, tổng kết năm) theo đúng thời gian quy định và tham gia đầy đủ,
đúng thành phần các cuộc họp do Ủy ban nhân dân thành phố, Ban An toàn giao
thông thành phố tổ chức (10 điểm).
Điều 6. Tiêu chí đánh giá,
chấm điểm áp dụng riêng đối với Sở Giao thông vận tải
1. Xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực
hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quản lý và
thực hiện có hiệu quả; đưa tiêu chí đảm bảo trật tự ATGT vào tiêu chí thi đua
khen thưởng của ngành, đơn vị (10 điểm).
2. Rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn
giao thông mới phát sinh; ưu tiên sơn kẻ đường, biển báo, đinh phản quang, tiêu
dẫn đường, đèn chiếu sáng tại các nút giao ở khu vực đông dân cư (10 điểm).
3. Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên
ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất, trong đó tập trung vào các
nội dung: việc chấp hành các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp
giấy phép lái xe đường bộ; kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô
tô và hoạt động các bến xe ô tô khách; nâng cao công tác quản lý, bảo trì kết cấu
hạ tầng giao thông; việc chấp hành các quy định về kiểm soát tải trọng xe; việc
chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên các tuyến
luồng đường thủy nội địa (10 điểm).
4. Lập kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan để
thực hiện tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT và thanh tra, kiểm tra bảo vệ
công trình giao thông, giải tỏa xây dựng trái phép hành lang đường bộ theo chức
năng nhiệm vụ được giao (10 điểm).
5. Duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các tuyến đường bộ
bị hư hỏng, xuống cấp; phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các biện pháp
bảo vệ công trình giao thông trên địa bàn (10 điểm).
6. Phối hợp, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn
các Chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện
các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý, khai thác kết cấu hạ
tầng giao thông có hiệu quả (10 điểm).
7. Có kế hoạch thực hiện hiệu quả xử lý vi phạm tải
trọng xe, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ; kiểm tra
công tác bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động vận tải thủy nội địa trên địa bàn
thành phố (10 điểm).
8. Xây dựng các mô hình, điển hình về đảm bảo trật
tự ATGT ở đơn vị và các đơn vị trực thuộc mang lại hiệu quả cho cộng đồng xã hội.
Tổ chức xây dựng (quyết định thành lập, cơ cấu thành phần và quy chế hoạt động)
và duy trì hoạt động các mô hình an toàn giao thông hoạt động có hiệu quả, có sức
lan tỏa và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến về công tác an toàn giao
thông (10 điểm).
9. Tổ chức tuyên truyền hiệu quả các thông tin
tuyên truyền do Ban An toàn giao thông thành phố cung cấp qua hệ thống các nhóm
Zalo đến cán bộ công chức, người lao động, nhân dân trên địa bàn thành phố (10
điểm).
10. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (tháng,
quý, 06 tháng, tổng kết năm) theo đúng thời gian quy định và tham gia đầy đủ,
đúng thành phần các cuộc họp do Ủy ban nhân dân thành phố, Ban ATGT thành phố tổ
chức (10 điểm).
Điều 7. Tiêu chí đánh giá, chấm
điểm đối với Ủy ban nhân dân các quận, huyện
1. Có thành lập Ban An toàn giao thông và hoạt động
theo Quy chế, có xây dựng đề án hoặc kế hoạch đảm bảo ATGT trên địa bàn cho cả
giai đoạn và hằng năm (10 điểm).
2. Xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển
khai thực hiện chủ đề năm của thành phố trong thực hiện an toàn giao thông;
phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, các công cụ truyền
thông hiện đại để tạo chuyển biến quan trọng trong văn hóa giao thông trên địa
bàn (10 điểm).
3. Tăng cường các biện pháp cảnh giới, đảm bảo an
toàn giao thông điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; làm gờ
giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính tại tất cả
các điểm giao cắt giữa đường huyện, đường xã, đường nội bộ, đường giao thông
nông thôn (bao gồm cả lối đi dân sinh), huy động người dân tham gia phù hợp quy
định pháp luật (đối với lối đi dân sinh) (10 điểm).
4. Đảm bảo hành lang an toàn giao thông trên các
tuyến đường bộ, cương quyết không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép qua đường
sắt, đấu nối đường nhánh trái phép vào quy hoạch được duyệt, xử lý đối với người
đứng đầu chính quyền địa phương nếu để phát sinh lối đi dân sinh trái phép. Tiến
hành phát quang cây xanh che khuất tầm nhìn, giải tỏa lều quán, mái che, kiên
quyết xử lý tái lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè; công trình xây dựng vi
phạm hành lang các tuyến đường chính có mật độ lưu thông lớn (10 điểm).
5. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản đảm bảo
ATGT tại các khu dân cư tồn tại dọc theo các tuyến đường sắt, đặc biệt là qua
khu vực đô thị (10 điểm).
6. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (tháng, quý,
06 tháng, tổng kết năm) theo đúng thời gian quy định và tham gia đầy đủ,
đúng thành phần các cuộc họp do Ủy ban nhân dân thành phố, Ban ATGT thành phố tổ
chức (10 điểm).
7. Kết quả hằng năm giảm 03 tiêu chí về số vụ, số
người chết và số người bị thương (theo Quyết định giao chỉ tiêu hằng năm của
Bộ Công an đối với thành phố); giảm tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng
rượu, bia và tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh (20 điểm).
8. Không để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả đặc
biệt nghiêm trọng (20 điểm).
Chương III
THANG ĐIỂM ĐÁNH GIÁ, XẾP
LOẠI, NGUYÊN TẮC VÀ HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
Điều 8. Thang điểm đánh giá đối
với tập thể
Thang điểm đánh giá thực hiện các tiêu chí đảm bảo
trật tự an toàn giao thông đối với tổ chức, đơn vị là 100 điểm (quy định cụ
thể tại Điều 4,5,6,7 chương II).
Điều 9. Xếp loại đối với tập thể
1. Hoàn thành xuất sắc: đạt từ 80 đến 100 điểm;
2. Hoàn thành tốt: đạt từ 70 đến 79 điểm;
3. Hoàn thành: đạt từ 50 đến 69 điểm;
4. Không hoàn thành: dưới 50 điểm.
Điều 10. Các hình thức khen
thưởng
Căn cứ vào kết quả xếp loại và thành tích của các tập
thể, cá nhân sẽ được đề nghị khen thưởng một trong các hình thức sau:
- Bằng khen của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia;
- Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố;
- Giấy khen của Ban an toàn giao thông thành phố;
- Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện;
- Giấy khen của Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan,
đơn vị.
Điều 11. Nguyên tắc khen thưởng
1. Chỉ xem xét khen thưởng đối với các địa phương,
cơ quan, đơn vị và người đứng đầu mà trong năm tập thể được xếp loại Hoàn thành
tốt trở lên trong thực hiện đảm bảo trật tự ATGT. Đối với cán bộ, chiến sĩ,
công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn thành phố chấp hành tốt các
quy định, không vi phạm về đảm bảo trật tự ATGT.
2. Không khen thưởng và đề nghị khen thưởng tổng kết
năm hoặc khen thưởng chuyên đề về Trật tự an toàn giao thông đối với các tập thể
và người đứng đầu tập thể mà trong năm đề nghị khen thưởng tập thể có cá nhân
vi phạm trật tự an toàn giao thông.
3. Không khen thưởng và đề nghị khen thưởng tổng kết
năm học hoặc khen thưởng chuyên đề về an toàn giao thông đối với các Trường học,
cơ sở giáo dục và Hiệu trưởng, người đứng đầu cơ sở giáo dục trong các trường hợp
sau:
a) Có cán bộ, giáo viên, người lao động vi phạm trật
tự ATGT.
b) Có học sinh, sinh viên vi phạm trật tự ATGT để xảy
ra tai nạn giao thông (trừ trường hợp do lỗi khách quan).
c) Có học sinh, sinh viên vi phạm trật tự ATGT vượt
quá tỷ lệ 1% số học sinh, sinh viên của đơn vị mình.
4. Mọi người dân trên địa bàn thành phố có hành động,
việc làm tích cực góp phần đảm bảo công tác trật tự ATGT tại các điểm nóng, điểm
tiềm ẩn tai nạn giao thông thì người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị
xem xét khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng.
Chương IV
THỜI GIAN, QUY TRÌNH
ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI
Điều 12. Trước ngày 15
tháng 12 hàng năm các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, Ủy ban nhân dân các quận,
huyện tự chấm điểm và báo cáo kết quả xếp loại hàng năm về Ban An toàn giao
thông thành phố.
Điều 13. Ban An toàn giao
thông thành phố chủ trì, phối hợp cùng Công an thành phố thẩm định, đánh giá kết
quả tự chấm điểm của các tập thể. Tổng hợp kết quả, phối hợp với Ban Thi đua -
Khen thưởng, Sở Nội vụ để tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban an toàn
giao thông Quốc gia khen thưởng đối với các tập thể xếp loại hoàn thành tốt trở
lên theo quy định này vào dịp tổng kết công tác đảm bảo an toàn giao thông hàng
năm; phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, các cơ quan truyền
thông kịp thời phát hiện, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân, người dân
có thành tích đột xuất, đặc biệt xuất sắc góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao
thông trên địa bàn thành phố.
Chương IX
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Trách nhiệm của người
đứng đầu các Sở, ban, ngành, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện.
1. Trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban
nhân dân thành phố, Trưởng ban Ban An toàn giao thông thành phố về công tác đảm
bảo ATGT trên địa bàn và lĩnh vực quản lý theo quy định tại Quyết định này.
2. Căn cứ Quy định này, xây dựng, ban hành Quy định
của ngành, địa phương để tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại mức độ thực
hiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với các đơn vị trực thuộc và làm cơ
sở để bình xét thi đua, khen thưởng thuộc thẩm quyền.
3. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu
trong tổ chức các biện pháp thực hiện các tiêu chí bảo đảm trật tự ATGT trên địa
bàn và lĩnh vực quản lý.
4. Gương mẫu chấp hành, thường xuyên tuyên truyền,
vận động người khác chấp hành tốt các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao
thông. Không vi phạm trật tự an toàn giao thông.
5. Xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc vi phạm
hành lang an toàn giao thông theo chức trách và nhiệm vụ được giao.
6. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp thuộc cơ
quan, đơn vị vi phạm trật tự ATGT.
Điều 15. Trách nhiệm của cán bộ,
chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động
Gương mẫu chấp hành, tuyên truyền, vận động người
khác chấp hành tốt các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Không vi
phạm trật tự an toàn giao thông.
Điều 16. Trách nhiệm của các tầng
lớp Nhân dân
1. Chấp hành nghiêm quy định của Luật Trật tự an
toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành;
2. Không gây rối trật tự khi tham gia giao thông.
3. Phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy,
mô tô,...
4. Luôn luôn chấp hành đúng quy định giao thông,..
5. Tuyên truyền vận động người thân và bạn bè thực
hiện nghiêm chỉnh khi tham gia giao thông.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở,
ban, ngành, đơn vị, địa phương và toàn thể người dân trên địa bàn thành phố
nghiêm túc thực hiện các quy định tại Quyết định này, trong quá trình tổ chức
thực hiện xét thấy có điểm nào chưa phù hợp thì có ý kiến bằng văn bản gửi về
Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành
phố bổ sung, sửa đổi./.