ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4152/QĐ-UBND
|
Quảng Ninh, ngày
03 tháng 10 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP BẢO VỆ HÀNH LANG VÀ ĐẢM BẢO
TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015, Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16/6/2017;
Căn cứ Nghị định số
56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định về quản lý bảo vệ kết cấu hạ
tầng giao thông đường sắt;
Căn cứ Nghị định số
65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Đường sắt 2017;
Căn cứ Nghị định số
46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
giao thông đường bộ, đường sắt;
Căn cứ Quy chế phối hợp số
17/QCPH-BGTVT-UBND ngày 28/6/2013 giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Quảng
Ninh về đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ,
đường sắt;
Xét đề nghị của Sở Giao
thông vận tải tại Tờ trình số 4592/TTr-SGTVT ngày 24/9/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp bảo vệ hành lang và đảm bảo
trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Điều 2.
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Giao
thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh; Chủ tịch UBND
các địa phương có đường sắt chạy qua; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Bùi Văn Khắng
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP BẢO VỆ HÀNH LANG VÀ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO
THÔNG ĐƯỜNG SẮT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4152/QĐ-UBND ngày 03/10/2019 của UBND tỉnh
Quảng Ninh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục
đích phối hợp
Tăng cường công tác phối hợp
theo chức năng nhiệm vụ của các bên có liên quan, hỗ trợ lẫn nhau, tránh chồng
chéo trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong công tác bảo vệ
hành lang an toàn đường sắt và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt đặc
biệt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.
Điều 2.
Phạm vi phối hợp
- Công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng
và hành lang an toàn giao thông trên tuyến đường sắt quốc gia Kép - Hạ Long và
tuyến đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt Quốc gia (sau đây gọi
chung là đường sắt) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
- Bảo đảm trật tự an toàn giao
thông tại các điểm giao cắt, các lối đi dân sinh, lối đi tự mở; bảo đảm không
phát sinh và tiến tới giảm dần, xóa bỏ lối đi tự mở bằng cách xây dựng đường
gom, hàng rào dọc hành lang đường sắt; Phân công trách nhiệm xử lý đối với các
lối đi tự mở, lối đi dân sinh và rà soát quy hoạch các điểm giao cắt giữa đường
bộ và đường sắt nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Điều 3.
Giải thích từ ngữ
Trong quy chế này, một số cụm từ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Lối đi tự mở, lối đi dân
sinh hay đường ngang không có phép: Là điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ
và đường sắt được hình thành do địa phương, người dân tự mở phục vụ giao thông
đi lại nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
2. Cảnh giới đường ngang: Là
hoạt động tạo ra tín hiệu, thông báo cho người tham gia giao thông nhận biết
tàu hỏa sắp qua đường ngang hoặc lối đi dân sinh để người tham gia giao thông xử
lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
3. Chốt gác: Là nơi tạo
ra tín hiệu cảnh báo vừa mang tính hỗ trợ, vừa mang tính cưỡng chế với hình thức
lập chắn tạm, barie giúp người tham gia giao thông nhận biết tàu hỏa sắp qua đường
ngang hoặc lối đi dân sinh để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn
giao thông.
4. Đường gom: Là đường để
gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế,
dân cư, thương mại - dịch vụ và các đường khác vào đường chính hoặc vào đường
nhánh trước khi đấu nối vào đường chính.
Chương II
PHẠM VI VÀ PHÂN CÔNG
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ HÀNH LANG ĐƯỜNG SẮT TRÊN ĐƯỜNG SẮT QUỐC
GIA VÀ ĐƯỜNG SẮT CHUYÊN DÙNG KHÔNG NỐI RAY VỚI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH
Điều 4.
Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn đường sắt quốc gia và đường
sắt chuyên dùng:
Được quy định từ Điều 9 đến Điều
22, Chương III Nghị định 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định về
quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt
Điều 5.
Quản lý, sử dụng đất dành cho đường sắt
Các nội dung liên quan đến việc
quản lý, sử dụng đất dành cho đường sắt được quy định tại các điều 23, 24, 25,
26, 27, 28 Nghị định 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định về quản
lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt
Điều 6.
Phân công quản lý và trách nhiệm thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng và hành lang
an toàn tuyến đường sắt quốc gia và tuyến đường sắt chuyên dùng[1]:
1. Trách nhiệm của Sở Giao
thông vận tải
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường và UBND các địa phương trong việc tuyên truyền giáo dục, phổ biến
pháp luật trong công tác quản lý đất dành cho đường sắt.
- Chỉ đạo hướng dẫn các địa
phương trong việc quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, tăng cường công tác
kiểm tra các điểm giao cắt yêu cầu các đơn vị có liên quan bổ sung kịp thời các
công trình ATGT trên đường bộ như biển báo hiệu đường bộ, gồ giảm tốc.
- Phối hợp với UBND các địa
phương trong việc rà soát lập quy hoạch, đầu tư xây dựng đường gom, xóa lối dân
sinh, lối đi tự mở
- Bố trí kinh phí thực hiện duy
tu bảo dưỡng, thay thế, sửa chữa thường xuyên hệ thống báo hiệu đường bộ trên
tuyến quốc lộ và đường tỉnh tại phạm vi giao cắt đường sắt hiện hữu.
- Chủ trì, phối hợp với các
ngành, địa phương, các đơn vị quản lý đường sắt thường xuyên rà soát vị trí
nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh; báo cáo đề xuất
cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý, xóa bỏ.
2. Trách nhiệm của Sở Xây dựng:
Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các địa phương rà soát quy hoạch tổng thể quỹ đất dọc 2
bên đường sắt lập quy hoạch đầu tư xây dựng đường gom để xóa lối đi dân sinh, lối
đi tự mở.
3. Trách nhiệm của Sở Tài
nguyên và Môi trường: Chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn UBND các địa phương công
tác quản lý, sử dụng quỹ đất hành lang an toàn giao thông đường sắt theo quy định
của pháp luật về đất đai và pháp luật về bảo vệ môi trường.
4. Trách nhiệm Công an tỉnh:
- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát
giao thông tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm về quản lý bảo
vệ kết cấu hạ tầng đường sắt trên địa bàn tỉnh; kiểm tra công tác đảm bảo trật
tự ATGT của nhân viên ngành đường sắt.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận
tải trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường
sắt.
- Phối hợp với các sở, ngành, địa
phương nơi có đường sắt đi qua tiến hành kiểm tra, rà soát xử lý các trường hợp
vi phạm hành lang ATGT đường sắt, kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.
- Có trách nhiệm thông báo đến
cơ quan có thẩm quyền về các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt gây mất
ATGT; các vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt; nơi thường
xuyên xảy ra tai nạn giao thông đường sắt; đường ngang thường xuyên xảy ra hoặc
có thể xảy ra tai nạn giao thông.
5. Trách nhiệm của các đơn vị
thuộc ngành đường sắt khai thác tuyến đường sắt Quốc gia và các đơn vị khai
thác tuyến đường sắt chuyên dùng
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo đơn
vị mình thực hiện nghiêm nội dung Điều 38 Nghị định 56/2018/NĐ-CP ngày
16/4/2018 của Chính phủ.
- Thực hiện nghiêm các nội dung
thuộc thẩm quyền theo quy định tại Thông tư số 25/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018
quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm
vi đất dành cho đường sắt.
- Thông tin kịp thời về biểu đồ
chạy tàu và công lệnh tốc độ cho các cơ quan, địa phương nơi có tuyến đường sắt
chạy qua theo quy định tại Điều 6, Điều 9 Quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày
08/5/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh (đối với đường sắt chuyên dùng) và Điều 7
Thông tư số 27/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2019 và Điều 9 Thông tư số
24/2018/TT-BGTVT ngày 07/5/2018 của Bộ Giao thông vận tải (đối với đường sắt quốc
gia); đồng thời chủ động phối hợp với các cấp địa phương về công tác đảm bảo an
toàn giao thông tại các đường ngang, lối đi dân sinh trong quá trình hoạt động.
- Chỉ đạo đơn vị trực thuộc
tăng cường công tác tuần tra, phát hiện, thông báo cho lực lượng chức năng và
chính quyền địa phương sở tại về hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt của
các tổ chức cá nhân, như: Lấn chiếm, xây dựng trái phép trong hành lang đường sắt,
có các hành vi gây khuất tầm nhìn, nguy hiểm mất ATGT đối với hoạt động vận tải
đường sắt.
- Quản lý, lắp đặt bổ sung kịp
thời báo hiệu đường sắt bị hư hỏng, mất mát trên đường sắt và các lối đi công cộng
hiện hữu; Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp
thu hẹp lối đi tự mở để đảm bảo an toàn giao thông.
- Phối hợp cung cấp điện thoại,
thông báo giờ tàu chạy và các trang thiết bị cảnh báo theo quy định của ngành
đường sắt để tạo điều kiện cho cá nhân của địa phương làm tốt nhiệm vụ được
giao.
- Chủ động rà soát, trao đổi thông
tin về vị trí nguy hiểm ATGT trên đường sắt với các cơ quan, đơn vị và địa
phương và thống nhất phương án xử lý.
6. Trách nhiệm UBND các địa
phương có đường sắt chạy qua (kể cả các địa phương có tuyến đường sắt chuyên
dùng chạy qua).
- Tổ chức tuyên truyền Nghị định
56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu
hạ tầng đường sắt; Nghị định số 65/2019/NĐ-CP ngày 12/5/2018 về quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Đường sắt và Quy chế phối hợp số 17/QCPH-BGTVT-UBND
giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh cho các tổ chức, cá nhân sinh sống dọc đường sắt biết
và thực hiện.
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, thực
hiện nghiêm nội dung Điều 36 và Điều 37 Nghị định 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018
của Chính phủ.
- Chủ trì kiểm tra giải tỏa tầm
nhìn ATGT đường sắt; thường xuyên rà soát quỹ đất hành lang đường sắt; Lập hồ
sơ theo dõi và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm, xây dựng
công trình trái phép trong hành lang đường sắt.
- Lắp đặt đầy đủ trang thiết bị
báo hiệu, gồ giảm tốc trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý; Chỉ đạo các địa
phương cấp phường, xã, khu phố triển khai vận động tuyên truyền các tổ chức, cá
nhân liên quan trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng, giải tỏa tầm nhìn ATGT đường
sắt; Lập hồ sơ xử lý các vi phạm về hành lang an toàn đường sắt thuộc phạm vi
quản lý.
- Cử lực lượng chức năng địa
phương tham gia hỗ trợ điều tiết và hướng dẫn giao thông khi có tàu chạy qua, vận
động tổ dân khu phố, hội cựu chiến binh, tổ an ninh trật tự cấp phường, xã triển
khai thực hiện mô hình tự quản, mô hình “đường sắt an toàn” tại các điểm giao cắt
đường bộ, đường sắt trên địa bàn.
- Rà soát lập quy hoạch, đầu tư
xây dựng tuyến đường gom dọc đường sắt để giảm dần và tiến tới xóa bỏ lối đi tự
mở; Tổ chức quản lý chặt chẽ lối đi tự mở, thực hiện giải pháp thu hẹp lối đi
>3m đảm bảo theo hướng dẫn của ngành đường sắt; Cho đến năm 2020 hoàn thành
việc lập hồ sơ và tổ chức quản lý các vị trí nguy hiểm, xóa bỏ lối đi tự mở khu
vực đông dân cư.
- Tạo điều kiện, bố trí kinh
phí để tổ chức, cá nhận được cử làm nhiệm vụ trực gác tại các đường ngang, lối
đi tự mở được tham gia đào tạo và được cấp chứng chỉ chuyên môn về đường sắt,
gác đường ngang,... theo quy định tại Thông tư số 33/2018/ TT-BGTVT ngày
15/5/2018 của Bộ Giao thông vận tải.
- Bố trí kinh phí thực hiện duy
tu bảo dưỡng, thay thế, sửa chữa thường xuyên hệ thống báo hiệu đường bộ trên
các tuyến đường do địa phương quản lý tại phạm vi giao cắt đường sắt hiện hữu.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7.
Tổ chức thực hiện
1. Các đơn vị, địa phương căn cứ
chức năng nhiệm vụ và phân công trách nhiệm tại Quy chế này để thực hiện. Trong
quá trình thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan phối hợp
và cơ quan, tổ chức có liên quan thông tin về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp,
phối hợp giải quyết.
2. Chế độ báo cáo:
- Về công tác rà soát quy hoạch,
đầu tư đường gom, hàng rào và biện pháp thu hẹp bề rộng đường sắt, UBND các địa
phương có trách nhiệm triển khai và báo cáo tiến độ hàng quý.
- Giao Sở Giao thông vận tải là
cơ quan đầu mối theo dõi tình hình, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo kịp
thời./.
[1] Tuyến đường sắt chuyên dùng do Tập đoàn
Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam quản lý.