ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------
|
Số:
227/2006/QĐ-UBND
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HÈ PHỐ, LÒNG ĐƯỜNG
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Công chính và Giám đốc Công an Thành phố
tại Tờ trình số 615/LN-GTCC-CATP ngày 25 tháng 9 năm 2006 và Báo cáo thẩm định
số 1592/STP-VBPQ ngày 14/11/2006 của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và sử
dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ
ngày ký và thay thế Quyết định số 63/2003/QĐ-UB ngày 14/5/2003 của UBND Thành
phố.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các
Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện, Phường, Thị trấn và
các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- TT Thành ủy; TT HĐND TP HN;
- Chủ tịch UBND TP HN (để báo cáo);
- Các phó Chủ tịch UBND TP HN;
- Bộ Xây dựng, Bộ GTVT
- Văn phòng Chính phủ.
- Như Điều 3;
- Công báo của UBND TP HN,
- Báo HN mới; Báo KT&ĐT.
- Đài PTTHHN
- Lưu: VT, PVP, TH, XB.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đỗ Hoàng Ân
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HÈ PHỐ, LÒNG ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH
PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 227/2006/QĐ-UB ngày 12 tháng 12 năm
2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Bản quy định này áp dụng đối với
các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường, phân cấp
trách nhiệm quản lý, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến quản lý và sử dụng
hè phố, lòng đường trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2. Việc quản lý và sử dụng vỉa hè,
lòng đường trên các đường phố ẩm thực, phố đi bộ, các phố chợ đêm được thực hiện
theo quy định riêng của UBND Thành phố.
Điều 2.
Nguyên tắc quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường
1. Hè phố, lòng đường là bộ phận của
hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu của Nhà nước, hè phố, lòng
đường còn bao chứa các công trình cấp, thoát nước, chiếu sáng, thông tin, môi
trường và các công trình khác.
Hè phố được sử dụng chủ yếu cho người
đi bộ.
Lòng đường được sử dụng cho các
phương tiện giao thông qua lại.
2. Khi sử dụng hè phố, lòng đường
vào các mục đích khác phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Việc sử dụng hè phố, lòng đường phải
bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Chương 2.
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HÈ PHỐ,
LÒNG ĐƯỜNG
Điều 3. Quản
lý hè phố, lòng đường
1. Hè phố, lòng đường phải được quản
lý chặt chẽ theo đúng chỉ giới, mốc giới quy hoạch.
Sở giao thông công chính chịu trách
nhiệm quản lý việc xây dựng, sử dụng, duy tu hè phố, lòng đường đối với các đường
phố đã đặt tên; hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, thị trấn tổ chức
quản lý xây dựng, duy tu các đường làng, ngõ xóm theo phân cấp của Ủy ban nhân
dân Thành phố, tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định tại quyết định này.
- UBND các quận, huyện có trách nhiệm
thống nhất với Sở giao thông công chính những nội dung để phân công cho UBND
phường, thị trấn trực tiếp quản lý việc sử dụng hè phố, lòng đường đảm bảo trật
tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.
2. Việc phân luồng, vạch tuyến, đặt
biển chỉ dẫn, đèn tín hiệu phải rõ ràng, theo quy định của Luật Giao thông đường
bộ.
3. Hè phố, lòng đường thuộc hệ thống
giao thông được quản lý thống nhất trên địa bàn thành phố. Cấm mọi tổ chức, cá
nhân tự ý đào bới, xây dựng làm biến dạng hè phố, lòng đường đã được xây dựng;
Không được sử dụng vỉa hè, lòng đường để họp chợ, bày hàng quán, để vật liệu,
phế thải; Không được đỗ các phương tiện không đúng nơi quy định, không đi bộ
sang đường tùy tiện, không sử dụng lòng đường làm nơi vui chơi, giải trí.
Hè phố sử dụng cho người đi bộ,
không được bán hàng, bày hàng và chiếm không gian trên hè phố treo hàng hóa; cấm
hạ thấp hè phố, làm cầu dẫn đưa xe lên xuống. Nếu sử dụng hè phố, lòng đường với
mục đích khác, phải được phép của cấp có thẩm quyền.
Điều 4. Việc
đào hè phố, lòng đường
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào
hè phố, lòng đường để xây lắp các công trình ngầm trên các đường phố phải xin
phép Sở Giao thông công chính.
2. Sở Giao thông công chính chịu
trách nhiệm nhận hồ sơ, tổ chức khảo sát cấp giấy phép đào hè phố, lòng đường
cho tổ chức, cá nhân có hồ sơ hợp lệ. Nếu từ chối cấp giấy phép, Sở Giao thông
công chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Sở Giao thông công chính khi cấp
giấy phép đào hè phố, lòng đường, phải thông báo cho UBND quận, huyện, phường,
thị trấn, để giám sát thực hiện, kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ hoàn công của chủ
đầu tư công trình và chịu trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư hoàn công theo Giấy
phép được cấp.
4. Chủ đầu tư công trình phải thực
hiện theo các quy định hiện hành về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vệ
sinh môi trường, có đủ biển và đèn báo hiệu chỉ rõ công trình đang thi công; thực
hiện đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng về việc hoàn trả lại hè phố, lòng đường
đã được cấp giấy phép.
Điều 5. Xây dựng
Kiốt, lắp đặt mái che trên hè phố
1. Cấm tự ý xây dựng, lắp đặt kiốt
trên hè phố. Đối với những khu vực được Thành phố cho phép xây dựng Kiốt để
kinh doanh phục vụ du lịch trong những ngày Lễ lớn, chủ đầu tư phải xây dựng
theo đúng mẫu thiết kế và quy hoạch do Sở Quy hoạch - Kiến trúc quy định.
2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu lắp
đặt mái che mưa, che nắng phải thực hiện đúng những quy định của Sở Quy hoạch -
Kiến trúc và của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn về thiết kế, bảo đảm mỹ quan
đô thị và không được ảnh hưởng tới giao thông.
3. Ủy ban nhân dân phường, thị trấn
có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng Kiốt, lắp đặt mái che mưa, che
nắng; Tổ chức dỡ bỏ Kiốt, mái che mưa, che nắng không theo đúng quy định tại
khoản 1 và 2 Điều này.
Điều 6. Lắp đặt
biển chỉ dẫn giao thông, biển quảng cáo trên hè phố, lề đường
1. Sở giao thông công chính chịu
trách nhiệm quản lý việc lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn giao thông bảo đảm đúng
vị trí, đúng quy định của Điều lệ Báo hiệu đường bộ.
2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu lắp
đặt biển hiệu, biển quảng cáo trên hè phố, lề đường, dải phân cách phải xin
phép Sở văn hóa thông tin.
3. Sở Văn hóa thông tin phối hợp với
Sở Giao thông công chính và các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện
xem xét, thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo với
những nội dung quy định cụ thể.
4. Tổ chức, cá nhân khi được phép lắp
đặt biển hiệu, biển quảng cáo, biển chỉ dẫn trên hè phố, lề đường, dải phân
cách phải thực hiện đúng các nội dung được quy định trong giấy phép và các văn
bản quy phạm pháp luật.
Điều 7. Xây dựng,
lắp đặt các công trình nổi trên hè phố, lề đường
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây
dựng, lắp đặt các công trình nổi gồm; tủ cáp điện thoại, trạm biến áp, trụ nước
cứu hỏa, các van giảm áp nước, cổng chào trên hè phố, lề đường để phục vụ công
cộng của Thành phố phải xin phép Sở Giao thông công chính.
2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng
hệ thống cột đèn chiếu sáng công cộng để treo, lắp các thiết bị kỹ thuật (dây,
cáp, biển quảng cáo, biển chỉ dẫn, camera…) phải xin phép Sở Giao thông công
chính.
3. Tổ chức, cá nhân khi lắp đặt mới,
thay thế đường dây điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng phải bố trí đi ngầm
dưới hè phố, lòng đường. Đối với những đường dây hiện có chưa được hạ ngầm, tổ
chức, cá nhân quản lý và khai thác phải treo cao tối thiểu 4,5m so với mặt hè
phố, lòng đường, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Điều 8. Bảo đảm
vệ sinh hè phố, lòng đường
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có
trách nhiệm giữ gìn, bảo đảm vệ sinh hè phố, lòng đường trước trụ sở cơ quan,
nhà riêng; Không vứt rác, không để người khác đưa hàng hóa, vật dụng tới bày
bán, đổ rác, phế thải trên hè phố, lòng đường, làm mất vệ sinh môi trường, mỹ
quan đô thị trước cửa nhà, trụ sở cơ quan.
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi
phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường, sử dụng phương tiện làm rơi, vãi
chất thải, nguyên liệu, vật liệu, đổ rác, phế thải không đúng nơi quy định bị xử
lý theo các quy định, nghị định của Chính phủ và pháp lệnh xử phạt hành chính
trong lĩnh vực giao thông và vệ sinh môi trường.
Điều 9. Về quản
lý cây xanh trên các đường phố
1. Trên hè phố các tuyến phố, các
giải phân cách được bố trí trồng các loại cây xanh đô thị. Sở Giao thông công
chính chịu trách nhiệm xác định vị trí, loại cây xanh tổ chức trồng và lập lý lịch
quản lý, chăm lo cắt tỉa; Tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về trồng và bảo vệ
cây xanh trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
2. Cấm tùy tiện trồng các loại cây
tạp không có trong danh mục quy hoạch cần trồng; cấm tự ý chặt, hạ cây xanh,
đánh chuyển, di dời cây, bẻ cành, chặt, cắt rễ và các hành vi khác làm ảnh hưởng
đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
3. Mọi vi phạm về trồng và bảo vệ cây
bị xử phạt theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố, trường hợp chặt, hủy hoại
cây trồng lâu năm, cây cổ thụ có giá trị lịch sử, giá trị bảo vệ môi trường còn
bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 10. Sử dụng
tạm thời hè phố, lòng đường phục vụ thi công, xây dựng công trình
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử
dụng tạm thời hè phố, để trung chuyển vật liệu phục vụ thi công xây dựng công
trình phải xin phép Sở Giao thông công chính. Hè phố sử dụng tạm thời điểm đảm
bảo điều kiện dành lối đi tối thiểu 1,0m cho người đi bộ; có rào chắn bao bọc
xung quanh nơi tập kết vật liệu để đảm bảo vệ sinh môi trường. Mọi vi phạm đều
bị xử lý nghiêm theo các quy định pháp luật.
Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Sở
Giao thông công chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 11. Sử dụng
tạm thời hè phố cho việc cưới, việc tang
1. Cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm
thời hè phố cho việc cưới, việc tang phải xin phép Ủy ban nhân dân phường, thị
trấn nơi sử dụng.
2. Ủy ban nhân dân phường, thị trấn
chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận cho phép sử dụng tạm thời hè phố cho việc
cưới, việc tang đối với cá nhân có đơn xin phép.
Thời gian sử dụng tạm thời không
quá 48 giờ, kể từ khi được Ủy ban nhân dân phường, thị trấn cho phép và phải
giành lối đi tối thiểu 1m cho người đi bộ.
Điều 12. Sử dụng
tạm thời hè phố vào việc bán hàng ăn uống
1. Tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh
doanh, có nhu cầu sử dụng tạm thời hè phố để bán hàng ăn, uống, phải làm đơn
xin phép Ủy ban nhân dân phường, thị trấn sở tại.
2. Ủy ban nhân dân phường, thị trấn
nhận đơn, bố trí sắp xếp việc bán hàng ăn uống vào nơi thích hợp cho phép bán
hàng ăn, uống theo những điều kiện cụ thể do Sở Thương mại quy định.
3. Các hàng ăn, uống chỉ được phép
sử dụng hè phố bán hàng trong giờ quy định (sáng từ 5h00 đến 8h00, tối từ 19h đến
24h).
4. Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ
trì phối hợp với các ngành liên quan, hướng dẫn UBND phường, thị trấn kiểm tra
xử lý theo quy định hiện hành.
Điều 13. Sử dụng
tạm thời hè phố, lòng đường làm nơi để xe
1. Trong khi chờ UBND Thành phố xây
dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch, tạm thời sử dụng hè phố lòng đường làm nơi đỗ
xe. Danh mục các điểm đỗ xe công cộng sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường được
UBND Thành phố phê duyệt. Các khu vực ở xa các điểm đỗ xe ô tô công cộng, các tổ
chức, cá nhân có nhu cầu dừng đỗ xe để giao dịch và làm việc, phải xin phép Sở
Giao thông công chính.
2. Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp
với Sở Giao thông công chính hoàn thiện quy hoạch các bãi đỗ xe tĩnh trong đô
thị. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nơi đỗ xe trong khuôn
viên, tầng hầm của công trình.
3. Hè phố có chiều rộng lớn hơn
3,0m có thể sử dụng tạm thời làm nơi trông giữ xe đạp, xe máy. Các tổ chức cá
nhân có nhu cầu làm hồ sơ xin phép UBND quận, huyện. UBND quận, huyện phối hợp
với Sở Giao thông công chính tổ chức kiểm tra thống nhất đảm bảo điều kiện an
toàn giao thông trước khi cấp phép.
4. Các tuyến hè phố được sử dụng tạm
thời để xe đạp, xe máy, phải để xe sát mép hè và quay đầu vào trong.
5. Hạn chế sử dụng những tuyến hè
phố có bề rộng hè nhỏ hơn 3,0m để xe đạp, xe máy và phải dành lối đi tối thiểu
1,0m cho người đi bộ.
Chương 3.
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
Điều 14. Trách
nhiệm của các Sở, ngành có liên quan
1. Sở Giao thông công chính chịu
trách nhiệm:
a/ Lập và thực hiện kế hoạch xây dựng,
duy tu bảo dưỡng quản lý chất lượng, an toàn hè phố, lòng đường các tuyến do Sở
Giao thông công chính được giao quản lý.
b/ Tổ chức quản lý, lắp đặt hệ thống
biển báo, sơn kẻ vạch, tổ chức phân luồng giao thông.
c/ Cấp giấy phép và giám sát kiểm
tra sau phép.
d/ Lập danh mục những đoạn hè phố,
lòng đường; đề xuất để thành phố xem xét cho phép sử dụng tạm cho các điểm đỗ từng
loại phương tiện trong thời gian quá độ phát triển bãi đỗ xe theo quy hoạch.
e/ Phối hợp với UBND các quận, huyện,
hướng dẫn về chuyên môn, thống nhất những nội dung để UBND các quận, huyện quản
lý.
f/ Tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử
lý các vi phạm trên địa bàn, phối hợp với Công an Thành phố bảo đảm trật tự vệ
sinh, an toàn hè phố.
2. Công an Thành phố chịu trách
nhiệm:
a/ Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao
thông, cảnh sát trật tự và các lực lượng khác trong ngành phối hợp với ngành
Giao thông công chính, Ủy ban nhân dân các quận, huyện xử lý kịp thời các vi phạm
quy định về quản lý và sử dụng hè phố.
b/ Tổ chức kiểm tra, duy trì hoạt động
của hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
3. Sở Quy hoạch - Kiến trúc chịu
trách nhiệm:
Công bố quy định xây dựng và lắp đặt
mái che trên hè phố.
4. Sở Tài chính và Cục thuế Hà Nội
chịu trách nhiệm:
Hướng dẫn mức phạt, tem phạt quản
lý và sử dụng các khoản tiền phạt theo quy định của pháp luật.
5. Sở Văn hóa thông tin chịu
trách nhiệm:
a/ Phối hợp với Sở giao thông công
chính, Ủy ban nhân dân các quận, huyện hướng dẫn thực hiện Điều 6 của Quy định
này, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung quy định này trên hệ thống thông
tin đại chúng.
b/ Chủ trì, phối hợp với UBND quận,
huyện tổ chức dỡ bỏ biển hiệu, biển quảng cáo vi phạm.
6. Sở Thương mại chịu trách nhiệm:
- Quy định các điều kiện kinh doanh
ăn uống trên vỉa hè đảm bảo an toàn vệ sinh, để các quận, huyện xem xét cấp giấy
phép kinh doanh (tạm thời).
Điều 15. Trách
nhiệm của Ủy ban nhân dân các quận, huyện
1. Thực hiện công tác quản lý sử dụng
hè phố, lòng đường theo chức năng, nhiệm vụ và các điều khoản được quy định tại
Quyết định này.
2. Chịu trách nhiệm quản lý hành
chính trong việc sử dụng hè phố, lòng đường, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường
trên địa bàn, có biện pháp chống lấn chiếm hè phố, lòng đường bảo đảm an toàn
giao thông, trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
3. Quản lý xây dựng, duy tu, cải tạo
nâng cấp đối với các đường ngõ xóm do UBND các quận, huyện quản lý và các hè phố
được phân cấp.
4. Chỉ đạo các phòng, Ban thuộc
UBND các quận, huyện UBND các phường, thị trấn thực hiện chức năng quản lý theo
thẩm quyền và tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và quy định của
pháp luật.
Điều 16. Trách
nhiệm của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến
hướng dẫn và tổ chức thực hiện bản Quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật
có liên quan.
2. Quản lý cấp giấy phép sử dụng tạm
thời hè phố cho việc cưới, tang, bán hàng ăn, uống theo quy định tại Điều 11 và
Điều 12 của quy định này.
3. Tổ chức kiểm tra xử lý các vi phạm
về quản lý sử dụng hè phố, lòng đường theo quy định của pháp luật.
Chương 4.
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 17. Đối với
cán bộ, cơ quan quản lý và cấp phép:
1. Người có thẩm quyền cấp phép làm
không đúng trách nhiệm được giao bị xử lý kỷ luật từ chuyển đổi khỏi vị trí
công tác đến buộc thôi việc và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp
luật hiện hành.
2. Nếu sau khi cấp phép không tổ chức
giám sát, thực hiện đúng những nội dung quy định trong giấy phép để xảy ra hậu
quả thì thủ trưởng cơ quan cấp phép phải kiểm điểm trách nhiệm, tùy mức độ thiệt
hại có thể bị xử lý kỷ luật tới hình thức cách thức.
3. Đối với UBND các cấp được phân cấp
quản lý để xảy ra vi phạm trên địa bàn.
a/ Địa phương bị xem xét khi đánh
giá thi đua khen thưởng.
b/ Chủ tịch UBND các cấp cùng Thủ
trưởng cơ quan quản lý để xảy ra vi phạm mà không tổ chức xử lý đều bị kỷ luật
theo pháp lệnh công chức.
4. Người thi hành công vụ mà lợi dụng
quyền hạn nhũng nhiễu dưới mỗi hình thức; Dung túng, hợp thức cho những hành vi
vi phạm, bị xử lý từ cảnh cáo tới buộc thôi việc. Đối với cơ quan, thủ trưởng
phải công khai nhận lỗi về trách nhiệm cá nhân trong quản lý cơ quan.
Điều 18. Đối với
các tổ chức, cá nhân
Tổ chức, cá nhân không tự giác chấp
hành bản quy định này, ngoài việc bị xử lý theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi
phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, còn bị áp
dụng các hình thức sau:
1. Nhắc nhở công khai trên các
phương tiện thông tin công cộng để cộng đồng dân cư cùng biết.
2. Thông báo về cơ quan, đoàn thể để
cơ quan, đoàn thể giáo dục và đánh giá phẩm chất cán bộ về thực hiện pháp luật.
Trường hợp cơ quan, đoàn thể vi phạm thì thủ trưởng trực tiếp cơ quan sẽ bị
thông báo về nơi cư trú vì đã để tổ chức, cơ quan vi phạm.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Khen
thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất
sắc trong thực hiện Quy định này được xem xét khen thưởng theo quy định.
Điều 20. Tổ chức
thực hiện
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng
mắc, Sở Giao thông công chính có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban
nhân dân các quận, huyện, phường, thị trấn thống nhất đề xuất những nội dung cần
sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết
định./.