ỦY
BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
********
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 18
/2006/QĐ-UBND
|
Mỹ
Tho, ngày 21 tháng 4 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG
XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/6/2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2001/NĐ-CP ngày 11/12/2001 của Chính phủ về điều kiện
kinh doanh vận tải bằng ôtô;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt
trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở
Giao thông Vận tải tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; thủ trưởng các sở, ngành có
liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công
và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định
này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ GTVT;
- Cục KTVB (Bộ TP);
- TTTU, HĐND tỉnh;
- CT& các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các hưyện, TP, TX;
- LĐ VPUBND tỉnh, các PNC;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Phòng
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 18/2006 /QĐ-UBND ngày 21 tháng
4 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Văn bản này quy định việc quản lý hoạt động vận tải
hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Đối với các tuyến xe buýt liên tỉnh sẽ do Ủy ban
nhân dân tỉnh Tiền Giang phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh (hoặc thành phố trực
thuộc Trung ương) có liên quan để thực hiện công tác quản lý.
Điều 2. Các tổ chức có đăng ký kinh doanh hoạt động vận tải hành
khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh được hưởng các chính sách ưu đãi
của Nhà nước về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và được hưởng các ưu
đãi do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
Điều 3. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận
tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh để từng bước giảm lượng
phương tiện xe 2 bánh lưu thông, hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông, giảm thiểu
ô nhiễm môi trường, nhất là trong các khu đô thị.
Điều 4. Giải
thích từ ngữ
Các từ ngữ
trong Quy định này được hiểu như sau:
1. Tuyến xe
buýt: là tuyến đường được xác định để vận tải hành khách bằng xe buýt từ một điểm
này đến một điểm khác; có các trạm (điểm) dừng đón, trả khách và chạy xe theo
biểu đồ vận hành. Trường hợp tuyến xe buýt liên tỉnh giáp ranh hoặc qua 2 tỉnh
phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước địa phương có tuyến xe buýt đi qua.
2. Lộ trình hoạt động: là tuyến xe buýt được xác định
cụ thể, có quy định điểm đi, điểm đến và các điểm dừng để xe buýt thực hiện
trong mỗi chuyến xe.
3. Tuyến xe
buýt thử nghiệm: là tuyến mới đưa vào hoạt động thử trong một thời gian, sau đó
sẽ duy trì nếu hoạt động có hiệu quả, được áp dụng một số chính sách ưu đãi về
tài chính trong thời gian nhất định.
4. Trạm dừng
đón, trả khách: là nơi dừng xe để hành khách lên, xuống xe buýt theo lộ trình
xe buýt.
5. Lịch trình
chạy xe: là thời gian xác định cho một hành trình chạy xe, từ khi xuất phát đến
khi kết thúc của một chuyến xe buýt, có quy định thời gian dừng lại tại các trạm
để đón, trả khách.
6. Biểu đồ chạy
xe: là tổng hợp các lịch trình chạy xe của các chuyến xe tham gia trên cùng một
tuyến xe buýt.
7. Sổ nhật
trình chạy xe: là sổ để ghi chép hành trình theo từng chuyến trong ngày có xác
nhận của doanh nghiệp và của cơ quan quản lý tuyến tại điểm đầu và cuối tuyến
hoặc đột xuất trên hành trình của tuyến.
8. Kết cấu hạ tầng xe buýt: bao gồm các bãi đỗ tại
2 đầu tuyến, trạm dừng, các biển báo và các thiết bị phụ trợ, văn phòng ban điều
hành, các hệ thống thông tin liên lạc (nếu có) phục vụ cho việc vận tải xe buýt
an toàn, hiệu quả.
Chương 2:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT
ĐỘNG XE BUÝT
Điều 5. Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước về vận
tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh, bao gồm:
1. Xây dựng
quy hoạch mạng lưới luồng tuyến, quy hoạch cơ sở hạ tầng xe buýt.
2. Quyết định
đầu tư, phê duyệt kết quả đấu thầu các dự án xe buýt theo quy định.
3. Quyết định
giao cho các doanh nghiệp khai thác các tuyến xe buýt theo hình thức chỉ định,
giao khoán tuyến hoặc quyết định chấp thuận cho doanh nghiệp khai thác thông
qua đấu thầu.
4. Phê duyệt
các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động xe buýt; các mức
giá vé lượt đi và giá vé dài ngày, các chính sách miễn, giảm giá vé và mức bù
giá, nguồn kinh phí bù giá cho hoạt động xe buýt (nếu có).
5. Ban hành
những quy định về quản lý hoạt động xe buýt phù hợp với điều kiện địa phương.
6. Phê duyệt, công bố các ưu tiên trong lưu thông
của xe buýt khi cần thiết.
7. Thực hiện
các chính sách ưu đãi đối với hoạt động xe buýt.
Điều 6. Sở Giao thông Vận tải là cơ quan chuyên môn, giúp Ủy
ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về vận tải hành khách bằng xe buýt, có trách
nhiệm:
1. Nghiên cứu,
đề xuất các biện pháp, nội dung quản lý và các chính sách ưu đãi đối với các hoạt
động vận tải khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
2. Phối hợp với
các ngành liên quan tổ chức thẩm định điều kiện hoạt động và các phương án hoạt
động xe buýt trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Quyết định
và điều chỉnh lộ trình mỗi tuyến xe buýt, về số lượng xe kể cả xe dự phòng cho
mỗi tuyến xe buýt, về chủng loại phương tiện hoạt động trên từng tuyến.
4. Lập kế hoạch
đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt.
5. Quản lý và
cấp phát sổ nhật trình, phù hiệu xe buýt cho doanh nghiệp tham gia.
6. Quyết định
tạm đình chỉ, đình chỉ có thời hạn hoặc tước quyền khai thác tuyến của doanh
nghiệp xe buýt vi phạm những quy định hiện hành về hoạt động xe buýt.
7. Ban hành kế
hoạch chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về hoạt động xe buýt cho lái
phụ xe, nhân viên bán vé xe buýt.
8. Tổ chức,
quản lý các trung tâm điều hành xe buýt.
9. Hướng dẫn
các doanh nghiệp về các thủ tục đăng ký tham gia hoạt động xe buýt.
Điều 7. Trung tâm điều hành xe buýt
1. Trung tâm
điều hành xe buýt là đơn vị trực tiếp quản lý điều hành vận tải khách bằng xe
buýt, là bộ phận trực thuộc và được Sở Giao thông Vận tải thành lập và giao chức
năng và nhiệm vụ thực hiện một số công việc quy định tại Điều 6 của Quy định
này.
Trung tâm điều
hành xe buýt có con dấu và tài khoản riêng, hạch toán theo hình thức đơn vị sự
nghiệp có thu.
2. Tổ chức
nhân sự của Trung tâm điều hành xe buýt gồm 01 giám đốc, không quá 02 phó
giám đốc cùng với các nhân viên điều hành theo yêu cầu phát triển tuyến xe
buýt.
Chương 3:
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG XE
BUÝT
Điều 8. Điều kiện doanh nghiệp hoạt động khai thác tuyến xe
buýt
1. Doanh nghiệp
đăng ký khai thác tuyến xe buýt trình phương án kinh doanh, điều kiện, năng lực
hoạt động tại Sở Giao thông Vận tải để được tổ chức thẩm định.
2. Được cơ
quan nhà nước chỉ định tham gia tuyến xe buýt hoặc trúng thầu tuyến xe buýt (nếu
tổ chức đấu thầu tuyến).
Điều 9. Quy định đối với xe buýt
1. Tiêu chuẩn
xe buýt
Phải là xe
ôtô khách đủ điều kiện hoạt động quy định tại Nghị định số 92/2001/NĐ-CP ngày
11/12/2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô và các tiêu
chuẩn do ngành giao thông vận tải quy định; tuyệt đối không được làm ba ga trên
mui xe để hàng; phải có chuông (hoặc còi điện) báo hiệu lên xuống và có đủ tay
vịn, dây nắm cho hành khách. Có bố trí ghế ưu tiên cho người tàn tật, người già
yếu, phụ nữ có thai.
2. Xe buýt
đang hoạt động phải mang theo các loại giấy theo quy định của Luật Giao thông
đường bộ để đáp ứng cho công tác kiểm tra, kiểm soát; có gắn phù hiệu “Xe Buýt” trên kính phía trước và phía sau xe, có sổ nhật
trình chạy xe được ghi chép đầy đủ, chính xác, rõ ràng để theo dõi hoạt động của
xe.
Điều 10. Vé xe buýt gồm các loại vé như sau:
1. Loại vé
hành khách đi trên ½ tuyến hoặc vé dưới ½ tuyến của từng lượt đi.
2. Loại vé đi
dài ngày (từng đợt 15 đến 30 ngày) có giảm giá, gồm vé hành khách đi trên ½ tuyến
hoặc vé dưới ½ tuyến của từng lượt đi.
3. Ngoài các
loại vé nêu trên, còn có các loại vé phát hành cho các đối tượng ưu tiên.
4. Sở Giao
thông Vận tải phối hợp với các ngành liên quan và các doanh nghiệp đề xuất Ủy
ban nhân dân tỉnh về các loại giá vé nêu tại Khoản 1, 2, 3 Điều này.
Điều 11. Lái xe, nhân viên phục vụ
1. Lái xe phải
có đủ điều kiện của người lái xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ theo quy
định tại Điều 53 và Khoản 2, Khoản 3 Điều 61 Luật Giao thông đường bộ về vận
chuyển hành khách bằng xe ôtô.
2. Nhân viên
phục vụ phải có thái độ phục vụ ân cần, vui vẻ, lịch sự, bán vé đúng giá và
đúng quy định đối tượng hành khách đi xe.
3. Lái xe và
nhân viên khi làm việc phải đeo bảng tên và mặc đồng phục (trừ tuyến xe buýt thử
nghiệm), phải hiểu biết về những quy định về vận tải khách, có trách nhiệm giải
thích thông tin về tuyến, hướng dẫn và giúp đỡ hành khách lên xuống an toàn, ổn
định chỗ ngồi cho hành khách, nhất là đối với người già, người tàn tật, trẻ em
và phụ nữ có thai. Không được chuyên chở những vật phẩm, hàng hoá Nhà nước cấm
lưu thông hoặc cấm chuyên chở trên phương tiện công cộng.
4. Lái xe và
nhân viên phải được doanh nghiệp tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp
vụ phục vụ vận tải theo chương trình được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt và cấp
giấy chứng nhận (trừ tuyến xe buýt thử nghiệm).
Chương 4:
Điều 12. Quyền lợi của hành khách
1. Được mua
vé xe đúng giá quy định, được thực hiện chế độ bảo hiểm thông qua giá vé theo
quy định của Nhà nước.
2. Được mang
theo 10kg hành lý xách tay không phải trả tiền cước. Trường hợp hành lý trên
10kg thì phải mua thêm vé cước hoặc diện tích chiếm chỗ tương đương 0,25m2
thì mua thêm bằng 01 vé.
3. Được cơ
quan quản lý tuyến và doanh nghiệp khai thác tuyến xe buýt cung cấp các thông
tin về hoạt động xe buýt.
4. Được yêu cầu
bồi thường thiệt hại về người và hành lý mang theo nếu thiệt hại đó do lái xe,
nhân viên phục vụ trên xe gây ra.
5. Được yêu cầu
xử lý và công bố kết quả xử lý về các khiếu nại đối với những hành vi vi phạm của
lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
6. Được góp ý
về những ưu khuyết điểm trong quá trình đi xe buýt qua các kênh thông tin.
7. Trẻ em từ
11 tuổi trở xuống hoặc có chiều cao dưới 1,3 mét thì được miễn mua vé.
Điều 13. Nghĩa vụ của hành khách
1. Hành khách
đi xe buýt phải mua vé và phải xuất trình vé khi có yêu cầu của nhân viên kiểm
soát.
2. Hành khách
đi xe phải chấp hành nội quy vận chuyển xe buýt, tuân thủ hướng dẫn của lái xe,
nhân viên phục vụ trên xe để đảm bảo trật tự trên xe. Trường hợp hành khách vi
phạm nội quy, làm thiệt hại đến người khác đi trên xe thì xử lý theo quy định
pháp luật.
3. Hành khách
đi trên xe phải giữ vệ sinh chung, không được mang lên xe những vật phẩm, hàng
hoá Nhà nước cấm lưu thông hoặc cấm chuyên chở trên phương tiện công cộng.
Điều 14. Quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp:
1. Được thực
hiện cơ chế tài chính do Nhà nước quy định; được hưởng các ưu đãi do Ủy ban
nhân dân tỉnh quy định; được hưởng chế độ bù giá (nếu có) theo phương án cụ thể
được duyệt.
2. Tuân thủ
Luật Giao thông đường bộ. Thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển khách bằng
xe ôtô quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 61 và tại Khoản 1 Điều 66 Luật Giao
thông đường bộ.
3. Thực hiện
đúng hợp đồng khai thác tuyến xe buýt đã ký kết với cơ quan quản lý tuyến xe
buýt.
4. Bảo đảm bố
trí phương tiện, chủng loại và chất lượng hoạt động, trường hợp đột xuất có
phương tiện hư hỏng không đảm bảo số lượng xe tham gia hoạt động thì doanh nghiệp
phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý tuyến để xử lý kịp thời.
5. Chấp hành
nghiêm sự điều phối của cơ quan quản lý tuyến xe buýt trong việc điều xe, điều
chuyển hoạt động sang tuyến khác cho phù hợp với yêu cầu phục vụ chung của mạng
lưới xe buýt, kể cả trong trường hợp đột xuất để xử lý sự cố.
6. Phổ biến
và thường xuyên nhắc nhở lái xe, nhân viên phục vụ thực hiện đúng nội dung tại
điều này, xử lý kịp thời lái xe, nhân viên phục vụ vi phạm theo Khoản 1,2,3 Điều
11 của Quy định này và Nội quy của doanh nghiệp.
7. Chịu trách
nhiệm trước cơ quan quản lý tuyến đối với tất cả những hành vi vi phạm quy định
này của lái xe và nhân viên phục vụ.
8. Thực hiện
báo cáo đúng quy định theo yêu cầu của cơ quan quản lý tuyến xe buýt.
9. Phát hiện
và báo cáo kịp thời cho cơ quan quản lý tuyến về tình trạng cơ sở hạ tầng tuyến,
về tình hình an toàn trật tự trên tuyến.
10. Lập kế hoạch
tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ vận tải cho lái xe, nhân viên phục vụ,
theo chương trình được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt và cấp giấy chứng nhận.
Bảo đảm lái xe, nhân viên phục vụ của doanh nghiệp có đủ giấy chứng nhận đã được
tập huấn.
11. Quản lý
và sử dụng kinh phí bù giá (nếu có) của tỉnh đúng quy định, phối hợp với cơ
quan quản lý tuyến xe buýt thực hiện quyết toán chi phí bù giá đúng thời gian
quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo quyết
toán.
12. Thực hiện
chế độ thống kê, báo cáo tài chính liên quan đến hoạt động vận tải hành khách bằng
xe buýt của mình theo quy định.
Chương 5:
KẾT CẤU HẠ TẦNG PHỤC VỤ
HOẠT ĐỘNG XE BUÝT
Điều 15. Trạm dừng xe buýt
1. Hệ thống
trạm dừng, nhà chờ biển báo cho hoạt động xe buýt phải được xây dựng, lắp đặt tại
những địa điểm, vị trí thuận lợi cho việc đi lại của hành khách, có kiểu dáng,
kích thước thiết kế phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
2. Đối với các
trạm dừng không có nhà chờ (điểm dừng) có lắp biển “Trạm xe buýt”, nơi nào có
điều kiện có dán thông báo biểu đồ chạy xe và sơ đồ tuyến xe buýt.
3. Đối với trạm
dừng có nhà chờ phải thông tin về hành trình chạy xe, lịch trình chạy xe, các số
điện thoại nóng và bản đồ hướng dẫn mạng lưới tuyến xe buýt.
4. Tại 2 đầu tuyến xe buýt và trạm dừng chuyển tiếp
có bố trí nhân viên điều hành để hướng dẫn hành khách, kiểm tra, phối hợp hoạt
động của xe buýt trên tuyến và thông tin liên lạc, tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của
cơ quan quản lý tuyến.
Điều 16. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xe buýt
1. Việc đầu
tư xây dựng hạ tầng phục vụ vận tải khách bằng xe buýt được thực hiện bằng
phương thức kêu gọi vốn của các nhà đầu tư, của doanh nghiệp khai thác tuyến xe
buýt, các nguồn vốn khác hoặc được ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng theo quy định
pháp luật.
2. Việc quảng
cáo trên các trạm dừng, nhà chờ và thân xe phải thực hiện đúng các quy định của
Nhà nước.
3. Đơn vị đầu
tư, quản lý kết cấu hạ tầng xe buýt có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa
phương và các cơ quan chức năng có liên quan để xác định địa điểm, quy mô đảm bảo
vẽ mỹ quan, an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Chương 6:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 17. Khen thưởng
Các tổ chức,
cá nhân có thành tích trong công tác quản lý và tổ chức vận tải hành khách bằng
xe buýt trên địa bàn tỉnh sẽ được xem xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Điều 18. Xử lý các vi phạm
Các tổ chức,
cá nhân thực hiện trái với Quy định này hoặc có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị
xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
Chương 7:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Giao Giám đốc
Sở Giao thông Vận tải tổ chức triển khai và hướng dẫn chi tiết thực hiện
quy định này; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
Điều 20. Chủ tịch UBND
các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công triển khai thực hiện quy định này
trên địa bàn phụ trách.
Điều 21. Trong quá
trình thực hiện, nếu có phát sinh các vấn đề mới sẽ bổ sung, sửa đổi Quy định
này cho phù hợp. Việc bổ sung sửa đổi Quy định này do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết
định./.