BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số: 16/2006/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 3 năm 2006
|
QUYẾT
ĐỊNH
BAN HÀNH TIÊU CHUẨN NGÀNH
BỘ TRƯỞNG BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 26 tháng 12 năm 1991 và Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 20 tháng 4
năm 1995;
Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa số 18/1999/PL-UBTVQH10 ngày 24 tháng 12
năm 1999;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Cục trưởng Cục Hàng không Việt
Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Ban hành kèm theo Quyết định này Tiêu chuẩn ngành "Tổ chức bảo
dưỡng tầu bay"
Số đăng ký: 22 TCN 337 –
06
Điều
2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công
báo; bãi bỏ Quyết định số 371/1998/QĐ-CHK ngày 13/3/1998 của Cục trưởng Cục
Hàng không Dân dụng Việt Nam về việc ban hành Quy chế hàng không 145 "Phê
chuẩn tổ chức bảo dưỡng tầu bay HKDD".
Điều
3. Giao Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Tiêu
chuẩn ngành này.
Điều
4. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Cục trưởng Cục Hàng
không Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Thủ trưởng các
đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Tiến Sâm
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM
Độc
lập - Tự do - Hạnh phúc
|
TỔ CHỨC BẢO DƯỠNG TẦU BAY
|
22TCN 337-06
|
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
|
Có
hiệu lực từ ngày …/…/2006
|
Ban
hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGTVT ngày 31 tháng 3 năm 2006 của Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải
Điều 1. Giới thiệu
khái quát
1. Tiêu chuẩn ngành 22TCN 337-06 đưa ra
các yêu cầu mà tổ chức bảo dưỡng tầu bay dân dụng phải đáp ứng để được Cục Hàng
không Việt Nam cấp chứng chỉ phê chuẩn.
2. Tiêu chuẩn ngành 22TCN 337-06 được xây
dựng tương đương với quy chế hàng không JAR-145 của Cộng đồng các nhà chức
trách hàng không châu Âu (JAA), bao gồm các sửa đổi 1, 2, 3, 4, 5 và EASA Part
145 của Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA). Tương quan giữa các Điều của
tiêu chuẩn này với các yêu cầu của JAR-145 và EASA Part 145 được nêu trong Phụ
lục 8, tài liệu hướng dẫn thực hiện Tiêu chuẩn này.
3. Để thể hiện sự tương đồng với quy chế
hàng không về tổ chức bảo dưỡng tầu bay của các Nhà chức trách hàng không khác
trên thế giới, Tiêu chuẩn ngành 22TCN 337-06 được gọi là Quy chế hàng không 145
(sau đây viết tắt là QCHK-145).
4. Các GHI CHÚ chỉ là tài liệu giải thích
thêm, chứ không phải là yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng để được cấp chứng chỉ phê
chuẩn. Các GHI CHÚ được thể hiện bằng cỡ chữ in nhỏ hơn.
Điều 2. Giải thích
thuật ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được
thể hiện như sau:
"Bảo dưỡng" là các hoạt động kiểm
tra, sửa chữa, thay thế, đại tu, cải tiến hoặc sửa chữa hỏng hóc của tầu bay hoặc
thiết bị tầu bay, được thực hiện từng dạng đơn lẻ hoặc kết hợp các dạng hoạt động
khác nhau.
"Cải tiến" là sự thay đổi kết cấu
tầu bay hoặc thiết bị tầu bay phù hợp với tiêu chuẩn được phê chuẩn.
"Chính sách chất lượng" là mục
đích và mục tiêu tổng quát của tổ chức về chất lượng, do giám đốc điều hành phê
chuẩn.
"Dữ liệu bảo dưỡng" là tất cả
các thông tin cần thiết để đảm bảo tầu bay hoặc thiết bị tầu bay được bảo dưỡng
để duy trì trạng thái đủ điều kiện bay, hoặc khả năng làm việc của các thiết bị
khai thác và thiết bị khẩn nguy.
"Đại tu" là việc khôi phục tầu
bay hoặc thiết bị tầu bay bằng kiểm tra và thay thế phù hợp với tiêu chuẩn được
phê chuẩn, để kéo dài thời hạn khai thác.
"Địa điểm" là nơi tổ chức bảo dưỡng
thực hiện hoặc dự định thực hiện các hoạt động bảo dưỡng yêu cầu phải được phê
chuẩn phù hợp QCHK-145
"Được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn"
có nghĩa là đươc Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn trực tiếp hoặc phù hợp với
quy trình được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn.
"Giải trình tổ chức bảo dưỡng"
là tài liệu trong đó chứa đựng các nội dung mà Điều 18 quy định, để chứng minh
rằng tổ chức bảo dưỡng tầu bay tuân thủ QCHK-145.
"Giám đốc điều hành" là người quản
lý được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và trao đủ quyền điều hành để đảm bảo rằng
hoạt động bảo dưỡng tầu bay theo yêu cầu của khách hàng được cung cấp đủ tài
chính và được thực hiện đạt tiêu chuẩn mà Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu.
GHI CHÚ: Thuật ngữ "Giám đốc điều
hành" trong QCHK-145 tương đương với thuật ngữ "Accountable
Manager" trong JAR-145/EASA Part 145.
"Khả năng con người" là các khả
năng và giới hạn của con người có ảnh hưởng đến an toàn và hiệu quả khai thác kỹ
thuật hàng không.
"Kiểm tra" là khảo sát bằng mắt
thường hoặc với sự trợ giúp của các dụng cụ như gương, kính lúp, thiết bị soi
trong và các thiết bị đo kiểm khác, để xác định tầu bay hoặc thiết bị tầu bay
phù hợp hoặc không phù hợp với các tiêu chuẩn được phê chuẩn.
"Kiểm tra trước khi bay" là dạng
kiểm tra được thực hiện trước mỗi chuyến bay để đảm bảo rằng tầu bay có đủ tiêu
chuẩn để bay theo kế hoạch. Kiểm tra trước khi bay không bao gồm việc khắc phục
hỏng hóc.
"Nhân viên xác nhận bảo dưỡng"
là những người được tổ chức 145 ủy quyền cấp chứng chỉ cho phép khai thác tầu
bay hoặc thiết bị tầu bay phù hợp với quy trình được Cục Hàng không Việt Nam chấp
thuận.
"Nhân viên trợ giúp mức B1 và
B2" là các nhân viên kỹ thuật mức B1 và B2 tham gia bảo dưỡng nội trường,
nhưng chưa được tổ chức 145 cấp ủy quyền xác nhận bảo dưỡng.
"Sửa chữa" là sự khôi phục tầu
bay hoặc thiết bị tầu bay để đạt trạng thái hoạt động bình thường phù hợp với
tiêu chuẩn được phê chuẩn.
"Tầu bay" là thuật ngữ chung chỉ
máy bay cánh cố định (gọi ngắn gọn là máy bay), máy bay trực thăng (gọi ngắn gọn
là trực thăng), tầu lượn hoặc khí cầu.
"Thiết bị tầu bay" là phần cấu
thành bất kỳ của tầu bay, từ chi tiết đơn lẻ đến khối máy hoàn chỉnh, cụm chi
tiết, cho đến và bao gồm cả hệ thống tạo lực đẩy và/hoặc thiết bị khai thác,
thiết bị khẩn nguy.
"Tầu bay hoặc thiết bị tầu bay liên
quan" có nghĩa là tầu bay hoặc thiết bị tầu bay nêu trong phạm vi ủy quyền
phê chuẩn.
"Tiêu chuẩn được phê chuẩn" là
tiêu chuẩn sản xuất, thiết kế, bảo dưỡng, chất lượng được Cục Hàng không Việt
Nam phê chuẩn hoặc công nhận.
"Tổ chức bảo dưỡng" là pháp nhân
hoặc cá nhân đăng ký hoạt động hợp pháp. Tổ chức bảo dưỡng có thể hoạt động ở một
hoặc nhiều địa điểm bên trong hoặc bên ngoài lãnh thổ Việt Nam và có thể có một
hoặc nhiều chứng chỉ phê chuẩn phù hợp QCHK-145.
" Tổng Giám đốc điều hành" là
người nắm giữ chức vụ cao nhất và do đó có quyền lực điều hành cao nhất trong tổ
chức bảo dưỡng.
GHI CHÚ: Thuật ngữ "Tổng Giám đốc điều
hành" trong QCHK-145 tương đương với thuật ngữ "Chief Executive
Officer – CEO" trong JAR-145/EASA Part 145.
"Ủy quyền cấp chứng chỉ cho phép khai
thác" là ủy quyền do tổ chức bảo dưỡng cấp cho nhân viên xác nhận bảo dưỡng,
trong đó quy định rõ họ được tổ chức bảo dưỡng ủy quyền ký chứng chỉ cho phép
khai thác theo các yêu cầu tại Điều 14, trong các giới hạn cụ thể.
"Vận tải hàng không thương mại"
là vận chuyển hành khách, hàng hóa, bưu phẩm… nhằm mục đích thu lợi nhuận.
"Yếu tố con người" là các nguyên
tắc áp dụng cho thiết kế, phê chuẩn, huấn luyện/đào tạo, khai thác và bảo dưỡng
kỹ thuật hàng không, có tính đến các khả năng của con người, nhằm mục đích đạt
được tương tác an toàn giữa con người và các hệ thống thiết bị.
Điều 3. Quy định chung
1. Chỉ khi tầu bay có chứng chỉ cho phép
khai thác do tổ chức bảo dưỡng tầu bay cấp, trong đó xác nhận rằng việc bảo dưỡng
tầu bay hoặc thiết bị dự dịnh lắp lên tàu bay đã được thực hiện đúng quy định,
thì các tổ chức, cá nhân mới được phép sử dụng tầu bay đó cho mục đích khai
thác vận tải thương mại.
2. Chỉ các tổ chức bảo dưỡng tầu bay được
Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn phù hợp QCHK-145 (sau đây gọi là tổ chức 145)
hoặc được chấp thuận phù hợp khoản 3, Điều 4, mới được phép cấp chứng chỉ cho
phép khai thác tầu bay sử dụng cho khai thác vận tải thương mại. Ngoại trừ trường
hợp nêu khác tại khoản 5 của Điều này, chỉ các tổ chức 145 hoặc tổ chức hoạt động
dưới sự kiểm soát của hệ thống chất lượng thuộc tổ chức 145 hoặc được chấp thuận
phù hợp khoản 3, Điều 4, mới được phép bảo dưỡng tầu bay sử dụng cho mục đích
khai thác vận tải thương mại.
3. Chỉ các tổ chức 145 hoặc được chấp thuận
phù hợp khoản 3, Điều 4, mới được phép cấp chứng chỉ cho phép khai thác thiết bị
dự định lắp lên tầu bay sử dụng cho mục đích khai thác vận tải thương mại. Ngoại
trừ trường hợp nêu khác tại khoản 5, chỉ các tổ chức 145 hoặc tổ chức hoạt động
dưới sự kiểm soát của hệ thống chất lượng bảo dưỡng thiết bị lắp lên tầu bay sử
dụng cho mục đích khai thác vận tải thương mại.
4. Phạm vi phê chuẩn cấp kèm theo chứng chỉ
phê chuẩn cho tổ chức 145 có thể thay đổi từ bảo dưỡng một hoặc nhiều chủng loại
thiết bị tầu bay, cho đến bảo dưỡng toàn bộ tầu bay, hoặc kết hợp bảo dưỡng tầu
bay với bảo dưỡng một hoặc nhiều chủng loại thiết bị tầu bay.
5. Tổ chức hoạt động dưới sự giám sát của
hệ thống chất lượng của tổ chức 145 hoặc tổ chức được chấp thuận phù hợp khoản
3, Điều 4, chỉ được phép hoạt động trong giới hạn mà các quy trình nêu tại khoản
2, Điều 17, cho phép, nhưng không được thực hiện bảo dưỡng môi trường tầu bay
hoặc bảo dưỡng tại xưởng hay đại tu động cơ hoặc một môđun của động cơ.
Điều 4. Phạm vi áp dụng
1. Quy chế này đưa ra các yêu cầu cho việc
phê chuẩn tổ chức bảo dưỡng tầu bay hoặc các thiết bị tầu bay và những yêu cầu
chung về điều hành tổ chức 145. Khi đã được câấ, chứng chỉ phê chuẩn sẽ áp dụng
cho toàn bộ tổ chức bảo dưỡng do giám đốc đứng đầu.
2. Các tổ chức bảo dưỡng tầu bay ở bên
trong lãnh thổ Việt Nam sẽ được phê chuẩn khi đáp ứng các yêu cầu của Quy chế
này.
3. Các tổ chức bảo dưỡng ở nước ngoài sẽ
được phê chuẩn khi đáp ứng các yêu cầu của Quy chế này và trên cơ sở có nhu cầu
bảo dưỡng tầu bay hoặc các thiết bị lắp cho tầu bay đăng ký tại Việt Nam. Cục
Hàng không Việt Nam cũng có thể công nhận chứng chỉ phê chuẩn do nhà chức trách
hàng không nước ngoài cấp cho tổ chức bảo dưỡng, nếu tiêu chuẩn phê chuẩn của
nhà chức trách hàng không nước ngoài tương đương với QCHK-145 và có nhu cầu bảo
dưỡng cho tầu bay hoặc thiết bị lắp cho tầu bay đăng ký tại Việt Nam.
Điều 5. Đơn đề nghị
phê chuẩn
1. Đơn đề nghị phê chuẩn tổ chức bảo dưỡng
hoặc đề nghị bổ sung phạm vi phê chuẩn tổ chức bảo dưỡng phải làm theo mẫu và
thủ tục của Cục Hàng không Việt Nam và phải đệ trình cùng với tài liệu giải
trình tổ chức bảo dưỡng được cập nhật đầy đủ.
2. Cục Hàng không Việt Nam sẽ phê chuẩn tổ
chức bảo dưỡng tầu bay có đơn đề nghị phê chuẩn, nếu tổ chức đó đáp ứng các yêu
cầu của Quy chế này và nộp đầy đủ các khoản lệ phí theo quy định.
Điều 6. Phạm vi phê
chuẩn
Việc Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn tổ
chức bảo dưỡng tầu bay phù hợp QCHK-145 được thể hiện bằng "Chứng chỉ phê
chuẩn". Chứng chỉ phê chuẩn quy định rõ những công việc được phép thực hiện
trong Phụ lục phê chuẩn. Tài liệu giải trình của tổ chức 145 phải nêu rõ những
công việc đề nghị phê chuẩn.
Điều 7. Yêu cầu về cơ
sở nhà xưởng
Tổ chức 145 phải đảm bảo:
1. Có cơ sở nhà xưởng phù hợp với đòi hỏi
của công việc dự kiến thực hiện, đặc biệt phải được bảo vệ để không bị ảnh hưởng
bởi các yếu tố thời tiết. Các xưởng bảo dưỡng thiết bị và các hanga phải được
tách biệt một cách hợp lý để không gây ô nhiễm môi trường và khu vực làm việc.
a) Trường hợp bảo dưỡng nội trường tầu
bay, phải có hanga đủ rộng để bố trí tầu bay và thực hiện hoạt động bảo dưỡng dự
kiến theo kế hoạch.
b) Trường hợp bảo dưỡng thiết bị, phải có
xưởng bảo dưỡng thiết bị đủ rộng để bố trí thiết bị tầu bay và thực hiện hoạt động
bảo dưỡng dự kiến theo kế hoạch.
2. Có văn phòng làm việc phù hợp cho việc
điều hành công việc dự kiến thực hiện, đặc biệt phải thích hợp cho các bộ phận
quản lý chất lượng, lập kế hoạch bảo dưỡng và thống kê kỹ thuật.
3. Môi trường làm việc, bao gồm cả hanga
và xưởng bảo dưỡng thiết bị và văn phòng làm việc, phù hợp với nhiệm vụ thực hiện,
các yêu cầu đặc biệt cụ thể phải được tuân thủ. Ngoại trừ những trường hợp do
yêu cầu công việc cụ thể đòi hỏi, môi trường làm việc phải đảm bảo sao cho hiệu
suất làm việc của nhân viên không bị ảnh hưởng.
a) Nhiệt độ phải duy trì ở mức đội ngũ
nhân viên có thể thực hiện công việc theo yêu cầu mà không bị khó chịu;
b) Rác và bụi bẩn khác phải được giữ ở mức
tối thiểu, sao cho tại khu vực bảo dưỡng bụi bẩn xuất hiện trên bề mặt ngoài tầu
bay hoặc thiết bị tầu bay được giới hạn ở mức không nhìn rõ bằng mắt thường. Nếu
có rác và bụi bẩn xuất hiện trên bề mặt ngoài, cần che phủ các hệ thống nhạy cảm
cho đến khi các điều kiện phù hợp được tái thiết lập.
c) Mức chiếu sáng phải đủ để có thể thực
hiện được các công việc bảo dưỡng và kiểm tra một cách có hiệu quả.
d) Mức tiếng ồn không được phép ảnh hưởng
đến đội ngũ nhân viên thực hiện các công tác kiểm tra. Nơi nào không kiểm soát
được nguồn tiếng ồn, thì nhân viên kiểm tra phải thực được trang bị để ngăn chặn
tiếng ồn quá mức vì đó là nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu đến việc tiến hành kiểm
tra.
e) Nơi nào nhiệm vụ bảo dưỡng cụ thể yêu cầu
áp dụng các điều kiện môi trường đặc biệt, khác với các điều kiện đã được đề cập
ở trên, thì các điều kiện đó phải được tuân thủ. Các điều kiện đặc biệt được
nêu rõ trong chỉ dẫn bảo dưỡng được phê chuẩn.
f) Môi trường làm việc đối với bảo dưỡng
ngoại trường phải đảm bảo sao cho nhiệm vụ bảo dưỡng hoặc kiểm tra cụ thể được
thực hiện mà không bị ảnh hưởng xấu. Vì vậy, ở nơi nào môi trường làm việc bị ô
nhiễm đến mức không chấp nhận được về nhiệt độ, độ ẩm, mưa đá, băng, tuyết,
gió, ánh sáng, bụi bẩn…, các công việc bảo dưỡng và kiểm tra phải được hoãn lại
cho đến khi các điều kiện thuận lợi được tái thiết lập.
4. Có kho bảo quản thiết bị, dụng cụ và vật
liệu một cách an toàn, chắc chắn. Thiết bị, dụng cụ và vật liệu sử dụng
được không được để lẫn với thiết bị, dụng cụ và vật liệu không sử dụng được. Điều
kiện bảo quản trong kho phải phù hợp với chỉ dẫn của nhà sản xuất để thiết bị,
dụng cụ và vật liệu bảo quản trong kho không bị hư hỏng và suy giảm chất lượng.
Phải có biện pháp để những người không có phận sự không vào được kho.
Điều 8. Yêu cầu về
nhân sự
1. Tổ chức 145 phải bổ nhiệm giám đốc điều
hành (sau đây viết tắt là giám đốc), người được trao đủ quyền điều hành để đảm
bảo rằng toàn bộ công việc bảo dưỡng mà khách hàng yêu cầu được cung cấp tài
chính và được thực hiện đáp ứng các yêu cầu của Quy chế này. Giám đốc phải:
a) Bảo đảm có đủ các nguồn lực để thực hiện
bảo dưỡng phù hợp với khoản 2, Điều 17, để duy trì chứng chỉ phê chuẩn cho tổ
chức 145.
b) Xây dựng và hoàn thiện chính sách an
toàn và chất lượng quy định tại khoản 1, Điều 17.
c) Hiểu tổng thể Quy chế này.
2. Tổ chức 145 phải bổ nhiệm cá nhân hoặc
nhóm cá nhân điều hành chịu trách nhiệm đảm bảo cho tổ chức 145 luôn tuân thủ
các yêu cầu của QCHK-145. Những người này phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước
giám đốc.
a) Những người được bổ nhiệm phải thể hiện
được cơ cấu điều hành bảo dưỡng của tổ chức và chịu trách nhiệm về tất cả các
chức năng mà Quy chế này quy định.
b) Những người được bổ nhiệm phải cung cấp
bản trích ngang sơ yếu lý lịch cho Cục Hàng không Việt Nam, trong đó ghi rõ các
thông tin theo mẫu quy định.
c) Những người được bổ nhiệm phải có kiến
thức liên quan, nền tảng học vấn và kinh nghiệm liên quan đến bảo dưỡng tầu bay
hoặc thiết bị tầu bay và thể hiện sự hiểu biết các quy trình làm việc theo Quy
chế này.
d) Các quy trình phải xác định rõ người được
ủy quyền cho từng người được bổ nhiệm, trong trường hợp người đó vắng mặt lâu
dài.
3. Giám đốc nêu tại khoản 1 phải bổ nhiệm
hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm người chịu trách nhiệm giám sát hệ thống
chất lượng theo quy định tại khoản 3, Điều 17, bao gồm cả hệ thống phản hồi
thông tin. Người đó phải có quyền báo cáo trực tiếp cho giám đốc, để đảm bảo rằng
giám đốc được thông tin kịp thời về các vấn đề liên quan đến chất lượng và tuân
thủ các yêu cầu.
4. Tổ chức 145 phải tuyển dụng đủ nhân
viên để lập kế hoạch, thực hiện, giám sát, kiểm tra hoạt động bảo dưỡng và giám
sát chất lượng tổ chức bảo dưỡng phù hợp với phạm vi công việc được phê chuẩn.
Ngoài ra, tổ chức 145 còn phải có quy trình định mức lại công việc dự kiến thực
hiện khi số lượng nhân viên có trên thực tế không đủ theo nhu cầu của một ca hoặc
một giai đoạn cụ thể.
5. Năng lực của cán bộ điều hành, nhân viên
bảo dưỡng và nhân viên đánh giá chất lượng phải được xác định và kiểm soát phù
hợp với quy trình và tiêu chuẩn được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận. Ngoài
trình độ chuyên môn liên quan đến chức năng công việc, năng lực cần phải bao gồm
cả sự hiểu biết và vận dụng các nguyên tắc yếu tố con người và các vấn đề
khả năng con người, tùy thuộc vào chức năng của cá nhân trong tổ chức bảo dưỡng.
6. Nhân viên thực hiện và/hoặc kiểm soát
thử nghiệm không phá hủy cấu trúc tầu bay hoặc thiết bị tầu bay phải được đào tạo
phù hợp với từng phương pháp thử nghiệm cụ thể theo tiêu chuẩn EN 1479 : 2003 về
"Nhân viên thử nghiệm không phá hủy", hoặc tiêu chuẩn tương đương.
Nhân viên nêu tại khoản 7, điểm (a) và điểm
(b) khoản 8, nếu được đào tạo đạt mức B1 theo Quy chế hàng không 66 về
"Nhân viên xác nhận bảo dưỡng" (sau đây viết tắt là QCHK-66), thì được
phép thực hiện và/hoặc kiểm soát các thử nghiệm không phá hủy bằng phương pháp
thẩm thấu bột màu.
7. Mọi tổ chức 145 thực hiện bảo dưỡng ngoại
trường tầu bay, ngoại trừ trường hợp quy định khác tại khoản 10, phải có nhân
viên xác nhận bảo dưỡng được huấn luyện loại tầu bay đạt mức B1 và B2 theo
QCHK-66 và Điều 9 Quy chế này.
Ngoài ra, tổ chức 145 cũng có thể sử dụng
nhân viên xác nhận bảo dưỡng được huấn luyện thực hiện công việc (task) đạt mức
A theo QCHK-66 và Điều 9 Quy chế này, một cách thích hợp, để thực hiện bảo dưỡng
ngoại trường dạng nhỏ và khắc phục hỏng hóc đơn giản. Dù có nhân viên mức A như
đã nêu, nhưng vẫn phải có nhân viên xác nhận bảo dưỡng mức B1 và B2 theo
QCHK-66 để hỗ trợ nhân viên xác nhận bảo dưỡng mức A, ngoại trừ trường hợp nhân
viên mức B1 và B2 không cần thiết phải thường xuyên có mặt tại trạm ngoại trường
trong quá trình thực hiện bảo dưỡng ngoại trường dạng nhỏ hoặc khắc phục hỏng
hóc đơn giản.
8. Mọi tổ chức 145 thực hiện bảo dưỡng tầu
bay, ngoại trừ trường hợp nêu tại khoản 10:
a) Trường hợp bảo dưỡng nội trường tầu bay
lớn, phải có nhân viên xác nhận bảo dưỡng được huấn luyện loại tầu bay đạt mức
C theo QCHK-66 và Điều 9 Quy chế này. Ngoài ra, tổ chức 145 còn phải có đủ nhân
viên được đào tạo loại đạt mức B1 và B2 theo QCHK-66 và Điều 9 Quy chế này để hỗ
trợ nhân viên xác nhận bảo dưỡng mức C.
(i) Nhân viên trợ giúp mức B1 và B2 phải đảm
bảo tất cả các công việc bảo dưỡng đã được thực hiện đạt tiêu chuẩn yêu cầu trước
khi nhân viên mức C ký chứng chỉ cho phép khai thác.
(ii) Tổ chức 145 phải lưu giữ danh sách tất
cả các nhân viên trợ giúp mức B1 và B2.
(iii) Nhân viên mức C phải đảm bảo sự tuân
thủ yêu cầu tại khoản 10 được đáp ứng và tất cả các công việc do khách hàng yêu
cầu đã được thực hiện trong quá trình bảo dưỡng nội trường, và phải đánh giá được
ảnh hưởng của bất kỳ công việc nào không được thực hiện với quan điểm yêu cầu
phải thực hiện hoặc thỏa thuận với người khai thác lùi việc thực hiện công việc
đó đến lần bảo dưỡng khác hoặc hạn thời gian cụ thể.
b) Trường hợp bảo dưỡng nội trường tầu bay
nhỏ, phải có:
(i) Nhân viên xác nhận bảo dưỡng mức B1 và
B2 theo QCHK-66 và Điều 9 Quy chế này, hoặc
(ii) Nhân viên xác nhận bảo dưỡng mức C và
các nhân viên trợ giúp mức B1 và B2 như đã nêu tại điểm (a) khoản 6.
9. Nhân viên xác nhận bảo dưỡng thiết bị tầu
bay phải đáp ứng QCHK-66.
10. Mặc dù có các quy định nêu tại các khoản
7 và 8, tổ chức 145 có thể sử dụng nhân viên xác nhận bảo dưỡng được đào tạo
như sau, nếu tuân thủ các điều kiện quy định cho từng hoàn cảnh cụ thể:
a) Tổ chức 145 ở nước ngoài có thể sử dụng
nhân viên xác nhận bảo dưỡng được đào tạo theo quy định của Nhà chức trách hàng
không sở tại, nếu Cục Hàng không Việt Nam xét thấy rằng tiêu chuẩn đào tạo đó
tương đương với QCHK-66 và đáp ứng các điều kiện nêu tại Phụ lục 7, tài liệu hướng
dẫn thực hiện Quy chế này.
b) Đối với bảo dưỡng ngoại trường thực hiện
tại trạm ngoại trường ở nước ngoài, nhân viên xác nhận bảo dưỡng có thể được
đào tạo theo quy định của Nhà chức trách hàng không sở tại, nhưng phải đáp ứng
các điều kiện nêu tại Phụ lục 7, tài liệu hướng dẫn thực hiện Quy chế này.
c) Đối với các thông báo kỹ thuật bắt buộc
phải thực hiện trước mỗi chuyến bay, trong đó quy định rõ tổ lái được phép thực
hiện, tổ chức 145 có thể cấp ủy quyền hạn chế cho cơ trưởng, nếu xét thấy rằng
người đó được huấn luyện thực tế đủ để thực hiện thông báo kỹ thuật bắt buộc đạt
tiêu chuẩn yêu cầu.
d) Trường hợp tầu bay khai thác ngoài căn
cứ, tổ chức 145 có thể cấp ủy quyền hạn chế cho cở trưởng, nếu xét thấy rằng
người đó được huấn luyện thực tế đủ để thực hiện thông báo kỹ thuật bắt buộc đạt
tiêu chuẩn yêu cầu.
e) Đối với những trường hợp tầu bay phải dừng
bay ngoài dự kiến tại địa điểm không phải là căn cứ chính, nơi không có nhân
viên xác nhận bảo dưỡng, tổ chức được hợp đồng trợ giúp bảo dưỡng có thể cấp ủy
quyền một lần cho:
(i) Nhân viên có ủy quyền về loại tầu bay
tương đương về công nghệ, cấu tạo và các hệ thống.
(ii) Người có kinh nghiệm bảo dưỡng 5 năm
trở lên và có giấy phép bảo dưỡng tầu bay theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng
không dân dụng quốc tế (ICAO) còn hiệu lực, có năng định loại tầu bay phù hợp,
với điều kiện ở đó không có tổ chức 145 và tổ chức được hợp đồng trợ giúp bảo
dưỡng có lưu giữ hồ sơ về giấy phép và kinh nghiệm của người đó.
Tất cả các trường hợp trên đều phải được
báo cáo về Cục Hàng không Việt Nam trong vòng 7 ngày tính từ khi cấp ủy quyền.
Tổ chức cấp ủy quyền một lần phải đảm bảo rằng mọi công việc bảo dưỡng có khả
năng ảnh hưởng đến an toàn bay, phải được tổ chức bảo dưỡng được phê chuẩn
thích hợp kiểm tra lại.
Điều 9. Nhân viên xác
nhận bảo dưỡng và nhân viên trợ giúp mức B1 và B2
1. Ngoài yêu cầu tại khoản 7 và khoản 8,
Điều 8, tổ chức 145 phải đảm bảo đội ngũ nhân viên xác nhận bảo dưỡng và nhân
viên trợ giúp mức B1 và B2 hiểu rõ về tầu bay hoặc thiết bị tầu bay liên quan
mà họ bảo dưỡng cùng với các quy trình của tổ chức trước khi được cấp mới hoặc
gia hạn ủy quyền cấp chứng chỉ cho phép khai thác.
2. Ngoại trừ các trường hợp nêu tại khoản
10, Điều 8, tổ chức 145 chỉ được cấp ủy quyền cho nhân viên xác nhận bảo dưỡng
liên quan đến các mức cơ bản hoặc tiểu mức và năng định loại liệt kê trong giấy
phép bảo dưỡng tầu bay trong QCHK-66, với điều kiện giấy phép còn hiệu lực
trong suốt thời hạn hiệu lực của ủy quyền và nhân viên xác nhận bảo dưỡng vẫn
đáp ứng được các yêu cầu của QCHK-66.
3. Tổ chức 145 phải đảm bảo toàn bộ nhân
viên xác nhận bảo dưỡng và nhân viên trợ giúp mức B1 và B2 có tham gia hoạt động
bảo dưỡng thực tế ít nhất 6 tháng trong mỗi thời kỳ 2 năm. Trong mục này,
"tham gia hoạt động bảo dưỡng thực tế" có nghĩa là các nhân viên đó
hiện đang tham gia bảo dưỡng tầu bay và đang thực hành ủy quyền của tổ chức 145
hoặc thực tế đang thực hiện bảo dưỡng ít nhất là một số hệ thống tầu bay cùng
kiểu loại quy định rõ trong ủy quyền của tổ chức 145.
4. Tổ chức 145 phải đảm bảo đội ngũ nhân
viên xác nhận bảo dưỡng và nhân viên trợ giúp mức B1 và B2 được đào tạo định kỳ
đầy đủ trong mỗi thời kỳ 2 năm để họ được cập nhật kiến thức về công nghệ liên
quan, các quy trình nội bộ và các vấn đề yếu tố con người.
5. Tổ chức 145 phải xây dựng chương trình
đào tạo định kỳ cho đội ngũ nhân viên xác nhận bảo dưỡng và nhân viên trợ giúp
mức B1 và B2, bao gồm quy trình để đảm bảo sự phù hợp với các yêu cầu của Điều
này làm cơ sở để cấp ủy quyền xác nhận bảo dưỡng, cộng với quy trình để đảm bảo
sự tuân thủ QCHK-66.
6. Ngoại trừ trường hợp cấp ủy quyền một lần
tại điểm (e), khoản 10, Điều 8, toàn bộ nhân viên xác nhận bảo dưỡng phải được
tổ chức 145 đánh giá về năng lực, trình độ và khả năng thực hiện chức năng xác
nhận bảo dưỡng theo quy trình nêu trong tài liệu giải trình tổ chức, trước khi
họ được cấp mới hoặc gia ủy quyền xác nhận bảo dưỡng.
7. Một khi các điều kiện nêu tại các khoản
1, 2, 4, 6 và 3, một cách thích hợp, đã được đội ngũ nhân viên xác nhận bảo dưỡng
đáp ứng, tổ chức 145 phải cấp ủy quyền xác nhận bảo dưỡng trong đó quy định rõ
phạm vi và các giới hạn ủy quyền. Khả năng duy trì hiệu lực ủy quyền xác nhận bảo
dưỡng phụ thuộc vào sự tuân thủ các yêu cầu nêu tại các khoản 1, 2, 4 và 3, một
cách thích hợp.
8. Phạm vi công việc trong ủy quyền xác nhận
bảo dưỡng phải rõ ràng, chính xác để nhân viên xác nhận bảo dưỡng và người được
quyền yêu cầu phải kiểm tra không hiểu sai. Nếu sử dụng mã để xác định phạm vi
công việc, thì tổ chức 145 phải có chú giải mã.
9. Phụ trách hệ thống chất lượng là người
chịu trách nhiệm thay mặt tổ chức 145 cấp ủy quyền cho nhân viên xác nhận bảo
dưỡng. Phụ trách hệ thống chất lượng có thể cử người khác cấp ủy quyền theo quy
trình được định rõ trong tài liệu giải trình tổ chức.
10. Tổ chức 145 phải lưu giữ hồ sơ của
toàn bộ đội ngũ nhân viên xác nhận bảo dưỡng và nhân viên trợ giúp mức B1 và
B2.
Hồ sơ phải bao gồm:
a) Các chi tiết về giấy phép bảo dưỡng tầu
bay theo QCHK-66;
b) Các chứng chỉ đào tạo;
c) Phạm vi ủy quyền;
d) Chi tiết về đội ngũ được cấp ủy quyền hạn
chế hoặc ủy quyền một lần.
Tổ chức 145 phải lưu giữ hồ sơ nhân viên
xác nhận bảo dưỡng hoặc nhân viên trợ giúp mức B1 hoặc B2 tối thiểu 2 năm, sau
khi các nhân viên đó chấm dứt hợp đồng lao động với tổ chức hoặc sau khi ủy quyền
bị hủy. Ngoài ra, khi được yêu cầu, tổ chức 145 phải cấp cho nhân viên xác nhận
bảo dưỡng bản sao hồ sơ khi họ chuyển đi khỏi tổ chức.
Khi được nhân viên xác nhận bảo dưỡng yêu
cầu, tổ chức 145 phải cho phép họ được tiếp cận hồ sơ cá nhân của mình.
11. Tổ chức 145 phải cấp cho nhân viên xác
nhận bảo dưỡng một bản chứng chỉ ủy quyền của họ. Chứng chỉ đó có thể ở dạng
văn bản (documented) hoặc ở dạng điện tử (electronic).
12. Nhân viên xác nhận bảo dưỡng phải xuất
trình chứng chỉ ủy quyền của mình cho người có thẩm quyền trong vòng 24 tiếng đồng
hồ, khi được yêu cầu.
13. Độ tuổi tối thiểu của nhân viên xác nhận
bảo dưỡng và nhân viên trợ giúp mức B1 và B2 là 21.
Điều 10. Thiết bị, dụng
cụ và vật liệu
1. Tổ chức 145 phải có đủ thiết bị, dụng cụ
và vật liệu cần thiết để thực hiện công việc trong phạm vi được phê chuẩn, theo
các quy định sau:
a) Khi nhà sản xuất quy định rõ dụng cụ hoặc
thiết bị chuyên dụng, tổ chức 145 phải sử dụng dụng cụ hoặc thiết bị đó, ngoại
trừ trường hợp việc sử dụng dụng cụ hoặc thiết bị thay thế được Cục Hàng không
Việt Nam chấp thuận thông qua tài liệu giải trình tổ chức bảo dưỡng.
b) Dụng cụ và thiết bị phải thường xuyên
có đủ, ngoại trừ những dụng cụ hoặc thiết bị ít dùng tới mức không cần phải thường
xuyên có đủ. Những trường hợp đó phải được nêu rõ trong tài liệu giải trình tổ
chức bảo dưỡng.
c) Tổ chức được phê chuẩn thực hiện bảo dưỡng
nội trường phải có đủ thiết bị tiếp cận tầu bay và các dàn dock để có thể kiểm
tra tầu bay một cách kỹ càng.
2. Dụng cụ, thiết bị, đặc biệt là thiết bị
thử nghiệm/kiểm tra, phải được kiểm soát và hiệu chuẩn định kỳ đạt tiêu chuẩn
được Cục Hàng không Việt Nam chấp nhận để đảm bảo khả năng làm việc và độ chính
xác của chúng. Hồ sơ về hiệu chuẩn và vật chuẩn (mẫu chuẩn) đã sử dụng phải được
tổ chức 145 lưu giữ.
Điều 11. Chấp nhận
thiết bị tầu bay
1. Tất cả thiết bị tầu bay phải được phân
loại và tách riêng thành các cấp như sau:
a) Thiết bị dùng được, được xuất xưởng
theo Mẫu Một Cục Hàng không Việt Nam (sau đây viết tắt là Mẫu Một cục HK) hoặc
tương đương, được ghi nhãn theo yêu cầu tại Chương Q, Quy chế hàng không 21 về
"Phê chuẩn tầu bay và các sản phẩm, thiết bị tầu bay, tổ chức thiết kế và
sản xuất" (sau đây viết tắt là QCHK-21).
b) Thiết bị không dùng được, nhưng sẽ được
bảo dưỡng theo các yêu cầu của Quy chế này.
c) Thiết bị không thể tận dụng, được phân
loại theo khoản 4.
d) Các chi tiết tiêu chuẩn sử dụng trên tầu
bay, động cơ, cánh quạt hoặc thiết bị tầu bay khác khi được nêu rõ trong
"Danh mục thiết bị có minh họa" (IPC) và/hoặc trong dữ liệu bảo dưỡng
của nhà sản xuất.
e) Vật liệu thô và vật liệu tiêu hao sử dụng
trong quá trình bảo dưỡng, khi tổ chức 145 tin chắc rằng các vật liệu đó đáp ứng
tiêu chuẩn và được theo dõi lai lịch một cách chặt chẽ. Toàn bộ vật liệu phải
có hồ sơ liên quan một cách rõ ràng và có chứng chỉ hợp chuẩn, nguồn cung cấp
và sản xuất.
2. Trước khi lắp đặt thiết bị, tổ chức 145
phải đảm bảo rằng thiết bị đó có đủ tư cách pháp lý (đủ tiêu chuẩn) để lắp lên
tầu bay khi có thể áp dụng các cải tiến và/hoặc các thông báo kỹ thuật bắt buộc.
3. Tổ chức 145 có thể chế tạo một số loại
chi tiết đơn giản sử dụng trong quá trình thực hiện bảo dưỡng tại cơ sở của
mình, với điều kiện có quy trình cụ thể trong tài liệu giải trình tổ chức của
mình.
4. Các thiết bị hết tổng thọ mệnh thiết kế
được phê chuẩn hoặc có những hư hỏng không thể sửa chữa phải được phân loại là
không thể thu hồi và không được đưa vào hệ thống cung ứng thiết bị, ngoại trừ
trường hợp tổng thọ mệnh được phê chuẩn cho phép kéo dài hoặc giải pháp sửa chữa
được phê chuẩn theo QCHK-21.
Điều 12. Dữ liệu bảo
dưỡng
1. Tổ chức 145 phải lưu giữ và sử dụng các
dữ liệu bảo dưỡng thích hợp để thực hiện bảo dưỡng, bao gồm cả cải tiến và sửa
chữa. "Thích hợp" có nghĩa là liên quan đến tất cả các kiểu loại tầu
bay, thiết bị tầu bay hoặc quá trình nêu trong phê chuẩn và tài liệu giải trình
năng lực bảo dưỡng của tổ chức 145.
Trường hợp dữ liệu bảo dưỡng do người khai
thác hoặc khách hàng cung cấp, tổ chức 145 phải lưu giữ dữ liệu đó trong cả tiến
trình bảo dưỡng, ngoại trừ trường hợp phải tuân thủ khoản 3, Điều 15.
2. Trong Quy chế này, các dữ liệu bảo dưỡng
thích hợp được hiểu là:
a) Tất cả các quy chế, quy trình, thông
báo kỹ thuật bắt buộc, hoặc chỉ lệnh khai thác thích hợp của Cục Hàng không Việt
Nam.
b) Tất cả các thông báo kỹ thuật bắt buộc
của các Nhà chức trách hàng không quản lý chứng chỉ loại.
c) Tất cả các tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng
và sửa chữa của người sở hữu chứng chỉ loại và chứng chỉ loại bổ sung, được nhà
chức trách hàng không quản lý chứng chỉ loại phê chuẩn.
d) Các tiêu chuẩn bảo dưỡng hiện hành của
các viện nghiên cứu, tổ chức ở nước ngoài, được Cục Hàng không Việt Nam công nhận
là tiêu chuẩn bảo dưỡng tốt.
e) Các tiêu chuẩn, chẳng hạn tiêu chuẩn bảo
dưỡng thực hành của nhà chức trách hàng không, viện nghiên cứu hoặc tổ chức bất
kỳ được Cục Hàng không Việt Nam công nhận là tiêu chuẩn bảo dưỡng tốt.
f) Các dữ liệu ban hành theo khoản 4.
3. Tổ chức 145 phải xây dựng các quy trình
để đảm bảo rằng nếu có bất kỳ sự không chính xác, sự không hoàn chỉnh hoặc các
quy trình, thông tin hoặc chỉ dẫn bảo dưỡng trong các dữ liệu bảo dưỡng có thể
gây hiểu nhầm cho nhân viên kỹ thuật sử dụng, sẽ được ghi lại và thông báo cho
tác giả của dữ liệu bảo dưỡng.
4. Tổ chức 145 chỉ được phép sửa đổi các
chỉ dẫn bảo dưỡng theo quy trình được nêu trong tài liệu giải trình tổ chức bảo
dưỡng, nếu chứng minh được sự tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn bảo dưỡng được
phê chuẩn, và phải thông báo cho người sở hữu chứng chỉ loại. Các chỉ dẫn bảo
dưỡng nêu trong khoản này được hiểu là chỉ dẫn cách thức thực hiện nội dung bảo
dưỡng cụ thể nào đó, chúng không bao hàm thiết kế sửa chữa hoặc cải tiến.
5. Tổ chức 145 phải có hệ thống phiếu công
việc (workcard/worksheet) thống nhất để sử dụng ở tất cả các bộ phận liên quan
của tổ chức, trong đó phải diễn giải chính xác dữ liệu bảo dưỡng nêu trong các
khoản 2 và 4, hoặc chỉ rõ tham chiếu của dữ liệu bảo dưỡng đó. Phiếu công việc
có thể chuẩn bị bằng máy tính và lưu giữ trong cơ sở dữ liệu điện tử. Cơ sở dữ
liệu phải được bảo vệ chống lại sự sửa đổi không hợp pháp và được sao lưu, cập
nhật trong vòng 24 giờ mọi thông tin mới.
Tổ chức 145 có thể sử dụng phiếu công việc
của người khai thác, nếu người khai thác thuê dịch vụ bảo dưỡng tầu bay yêu cầu
sử dụng phiếu công việc của họ. Trong trường hợp này, tổ chức 145 phải có quy
trình để đảm bảo sự ghi chép chính xác phiếu công việc của người khác.
6. Tổ chức 145 phải bảo đảm tất cả hướng dẫn
bảo dưỡng thích hợp được cung cấp kịp thời cho tất cả các nhân viên bảo dưỡng
khi có yêu cầu.
7. Tổ chức 145 phải bảo đảm dữ liệu bảo dưỡng
mà mình kiểm soát được cập nhật đầy đủ. Trong trường hợp dữ liệu bảo dưỡng do
người khai thác kiểm soát và cung cấp, tổ chức 145 phải chứng minh có thông tin
bằng văn bản từ người khai thác thể hiện tất cả dữ liệu bảo dưỡng được cập nhật,
hoặc có chỉ lệnh công việc (workorder) quy định rõ ràng tình trạng cập nhật dữ
liệu bảo dưỡng sẽ sử dụng.
Điều 13. Kế hoạch sản
xuất
1. Tổ chức 145 phải có hệ thống lập kế hoạch
về nhân lực, dụng cụ, thiết bị, vật liệu, dữ liệu bảo dưỡng và hanga để đảm bảo
hoàn thành công việc bảo dưỡng một cách an toàn, phù hợp với khối lượng và mức
độ phức tạp của công việc bảo dưỡng.
2. Việc phân phiếu công việc và tổ chức ca
kíp làm việc phải tính đến giới hạn khả năng con người.
3. Khi có sự đổi ca thực hiện công việc bảo
dưỡng, các thông tin liên quan phải được trao đổi một cách thích hợp giữa nhân
viên hai ca theo quy trình được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận.
Điều 14. Xác nhận bảo
dưỡng
1. Chứng chỉ cho phép khai thác phải được
cấp bởi nhân viên xác nhận bảo dưỡng có ủy quyền thích hợp thay mặt tổ chức
145, sau khi xác định toàn bộ công việc bảo dưỡng đã được thực hiện một cách
hoàn chỉnh và phù hợp với các quy trình nêu rõ trong tài liệu giải trình tổ chức
bảo dưỡng theo Điều 18, có tính đến việc có đủ và sử dụng các dữ liệu bảo dưỡng
được phê chuẩn và không còn những sự không phù hợp có khả năng uy hiếp an toàn
bay.
2. Chứng chỉ cho phép khai thác phải được
cấp trước khi bay, sau khi đã thực hiện xong toàn bộ công việc bảo dưỡng.
3. Khi tổ chức 145 phát hiện những hỏng
hóc phát sinh hoặc chỉ lệnh công việc còn thiếu nội dung, thì phải thông báo
cho người khai thác tầu bay, để được chấp nhận sửa chữa các hỏng hóc đó hoặc thực
hiện các nội dung còn thiếu trong chỉ lệnh công việc. Trường hợp người khai
thác tầu bay không đồng ý cho thực hiện các công việc theo thông báo, thì thực
hiện theo quy định tại khoản 5, một cách thích hợp.
4. Chứng chỉ cho phép khai thác phải được
cấp sau khi thực hiện xong công việc bảo dưỡng bất kỳ trên thiết bị đã được
tháo khỏi tầu bay. Chứng chỉ cho phép xuất xưởng - Mẫu Một Cục HK – là chứng chỉ
cho phép khai thác thiết bị. Khi tổ chức 145 bảo dưỡng thiết bị cho chính mình
sử dụng, thì có thể không sử dụng Mẫu Một Cục HK, nếu điều này được nêu rõ
trong quy trình xác nhận bảo dưỡng trong tài liệu giải trình tổ chức của mình.
5. Tuy có yêu cầu tại khoản 1, khi không
thể hoàn thành tất cả công việc bảo dưỡng theo chỉ lệnh công việc, tổ chức 145
có thể cấp chứng chỉ cho phép khai thác trong phạm vi các giới hạn được phê chuẩn
của tầu bay. Tổ chức 145 phải ghi rõ thực tế đó vào chứng chỉ cho phép khai
thác tầu bay trước khi cấp chứng chỉ.
6. Tuy có yêu cầu tại Điều 11 và khoản 1,
Điều này, khi tầu bay phải dừng bay ngoài căn cứ bảo dưỡng nội trường hoặc bảo
dưỡng ngoại trường chính do không có thiết bị với chứng chỉ xuất xưởng thích hợp,
có thể tạm thời lắp thiết bị không có chứng chỉ xuất xưởng thích hợp tối đa 30
giờ bay hoặc cho tới khi tầu bay trở về trạm ngoại trường chính hoặc cơ sở bảo
dưỡng chính, tùy thuộc điều nào xảy ra trước, nếu được người khai thác đồng ý
và thiết bị tầu bay đó có chứng chỉ xuất xưởng cho dù không phù hợp với tất cả
các yêu cầu bảo dưỡng và khai thác hiện hành. Thiết bị tầu bay lắp tạm phải được
tháo khỏi tầu bay trong hạn quy định đã nêu, ngoại trừ nếu có được chứng chỉ xuất
xưởng thích hợp.
Điều 15. Hồ sơ bảo dưỡng
1. Tổ chức 145 phải ghi chép đầy đủ tất cả
các công việc đã thực hiện ở dạng được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận.
2. Tổ chức 145 phải cung cấp một bản chứng
chỉ cho phép khai thác cho người khai thác tầu bay cùng với một bộ hồ sơ mọi
công việc sửa chữa, cải tiến được phê chuẩn, nếu công việc đó đã được thực hiện.
3. Tổ chức 145 phải lưu giữ một bồ hồ sơ
ghi chép chi tiết tất cả các công việc bảo dưỡng và mọi dữ liệu bảo dưỡng liên
quan trong vòng hai năm kể từ ngày tầu bay hoặc thiết bị tầu bay được cấp chứng
chỉ cho phép khai thác.
GHI CHÚ: Nếu người khai thác thuê tổ chức
145 lưu giữ chứng chỉ cho phép khai thác và các hồ sơ sửa chữa/cải tiến được
phê chuẩn liên quan, thời hạn lưu giữ phải phù hợp yêu cầu tại Chương M, Quy chế
hàng không về "Khai thác máy bay vận tải thương mại/trực thăng vận tải
thương mại" (sau đây viết tắt là QCHK-KT1/3).
Điều 16. Báo cáo sự cố
1. Tổ chức 145 phải báo cáo kịp thời cho Cục
Hàng không Việt Nam và tổ chức thiết kế tầu bay và thiết bị tầu bay về mọi tình
trạng của tầu bay hoặc thiết bị tầu bay có thể dẫn đến tình trạng uy hiếp an
toàn mà mình phát hiện được.
2. Tổ chức 145 phải hình thành hệ thống
báo cáo sự cố nội bộ được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận để có khả năng thu
thập và đánh giá các báo cáo, kể cả việc đánh giá và lọc ra các sự cố phải báo
cáo theo quy định tại khoản 1. Quy trình phải chỉ rõ các xu thế bất lợi, hoạt động
khắc phục các khiếm khuyết, bao gồm cả việc đánh giá tất cả các thông tin đã biết
liên quan đến các sự cố và phương pháp chuyển thông tin theo yêu cầu.
3. Các báo cáo phải được làm theo cách thức
được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận, trong đó có tất cả các thông tin cần
thiết về tình trạng và kết quả đánh giá đã biết mà tổ chức 145 phát hiện được.
4. Khi tổ chức 145 ký hợp đồng bảo dưỡng với
người khai thác, thì phải thông báo cho người khai thác về bất cứ tình trạng
nào ảnh hưởng đến tầu bay hoặc các thiết bị tầu bay của người khai thác. Trường
hợp tầu bay đăng ký ở nước ngoài, thì nhà chức trách hàng không quốc gia đăng
ký cũng phải được thông báo.
5. Các báo cáo phải được làm càng sớm càng
tốt, nhưng bất luận trường hợp nào cũng không được quá 72 giờ kể từ khi tổ chức
145 phát hiện ra tình trạng phải báo cáo.
Điều 17. Quy trình bảo
dưỡng về hệ thống chất lượng
1. Tổ chức 145 phải thiết lập chính sách
an toàn và chất lượng của mình và đưa vào tài liệu giải trình tổ chức bảo dưỡng
theo quy định tại Điều 18.
2. Tổ chức 145 phải xây dựng các quy
trình, có tính đến yếu tố con người và khả năng con người, được Cục Hàng không
Việt Nam chấp thuận nhằm đảm bảo thực hiện tốt công việc bảo dưỡng và phù hợp với
tất cả các yêu cầu liên quan trong Quy chế này, bao gồm cả hợp đồng bảo dưỡng một
cách cụ thể, để tầu bay và các bộ phận của tầu bay được cấp chứng chỉ cho phép
khai thác phù hợp với quy định tại Điều 14.
a) Các quy trình bảo dưỡng phải xây dựng
cho các yêu cầu từ Điều 7 tới Điều 23.
b) Các quy trình bảo dưỡng đã hoặc sẽ được
xây dựng phải bao quát tất cả các khía cạnh của hoạt động bảo dưỡng của tổ chức
145, bao gồm cả các quy định về kiểm soát các dịch vụ chuyên dụng và đưa ra các
tiêu chuẩn mà tổ chức 145 sẽ tuân thủ.
c) Đối với hoạt động bảo dưỡng ngoại trường
và nội trường tầu bay, tổ chức 145 phải xây dựng các quy trình để giảm thiểu
nguy cơ các sai lỗi đa bội và ngăn chặn các sai lỗi trên các hệ thống xung yếu,
và đảm bảo sao cho trong mỗi lần làm bảo dưỡng, sẽ không để một người phải thực
hiện và kiểm tra công việc bảo dưỡng có tháo và lắp lại một số thiết bị tầu bay
cùng kiểu loại, thuộc hai hoặc nhiều hệ thống trên cùng một tầu bay. Tuy nhiên,
khi chỉ có một người để thực hiện các công việc thuộc loại kể trên, thì phiếu
công tác phải bao gồm thêm bước kiểm tra lại do chính người đó thực hiện, sau
khi đã thực hiện xong tất cả các công việc.
d) Các quy trình bảo dưỡng phải được xây dựng
để đảm bảo rằng mọi hư hỏng cấu trúc đều được đánh giá và công việc sửa chữa được
thực hiện căn cứ theo các dữ liệu được Cục Hàng không Việt Nam hoặc tổ chức thiết
kế/chủ sở hữu chứng chỉ loại phê chuâẩ, một cách thích hợp.
3. Tổ chức 145 phải xây dựng hệ thống chất
lượng, bao gồm:
a) Đội ngũ nhân viên đánh giá chất lượng độc
lập để giám sát sự tuân thủ các tiêu chuẩn đối với tầu bay, thiết bị tầu bay và
sự thích hợp của các quy trình, để các quy trình đó đảm bảo chất lượng hoạt động
bảo dưỡng và trạng thái đủ điều kiện bay của tầu bay, thiết bị tầu bay. Các tổ
chức bảo dưỡng nhỏ có thể hợp đồng thuê bộ phận đánh giá chất lượng của tổ chức
145 khác, hoặc một người có hiểu biết kỹ thuật phù hợp và chứng minh được là có
đủ kinh nghiệm đánh giá chất lượng được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận.
b) Hệ thống thông tin phản hồi về chất lượng
đến những người liên quan nêu tại khoản 2, Điều 8 và cao nhất là giám đốc để đảm
bảo có các biện pháp khắc phục đầy đủ và kịp thời đối với các báo cáo từ các
nhân viên đánh giá chất lượng độc lập được tổ chức để đáp ứng yêu cầu tại điểm
(a) khoản này.
Điều 18. Tài liệu giải
trình tổ chức bảo dưỡng
1. Tổ chức 145 phải có tài liệu giải trình
tổ chức bảo dưỡng của mình, trong đó bao gồm các thông tin sau:
a) Cam kết do giám đốc ký khẳng định rằng
tài liệu giải trình tổ chức bảo dưỡng và mọi tài liệu tham chiếu liên quan định
rõ tổ chức 145 đã và sẽ luôn luôn tuân thủ QCHK-145. Trường hợp giám đốc không
phải là Tổng giám đốc điều hành của tổ chức 145, thì Tổng giám đốc điều hành phải
cùng ký lời cam kết.
b) Chính sách an toàn và chất lượng của tổ
chức theo khoản 1, Điều 17.
c) Các chức danh và họ tên của các cán bộ
điều hành được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận theo khoản 2, Điều 8.
d) Chức trách và nhiệm vụ của các cán bộ
điều hành nêu tại điểm (c), khoản này, bao gồm cả việc họ có thể thay mặt tổ chức
145 liên hệ trực tiếp với Cục Hàng không Việt Nam.
e) Sơ đồ tổ chức, trên đó thể hiện quan hệ
trách nhiệm của các cán bộ điều hành theo điểm (c), khoản này.
f) Danh sách đội ngũ nhân viên xác nhận bảo
dưỡng và nhân viên trợ giúp mức B1 và B2.
g) Mô tả tổng thể các nguồn nhân lực.
h) Mô tả tổng thể về cơ sở nhà xưởng ở mội
địa điểm định rõ trong chứng chỉ phê chuẩn của tổ chức 145.
i) Phạm vi công việc của tổ chức 145.
j) Quy trình thông báo các thay đổi của tổ
chức 145 theo Điều 21.
k) Quy trình sửa đổi tài liệu giải trình tổ
chức bảo dưỡng.
GHI CHÚ: Các nội dung từ điểm (a) đến điểm
(k) tạo thành phần điều hành của tài liệu giải trình tổ chức bảo dưỡng.
l) Các quy trình và hệ thống chất lượng của
tổ chức 145 theo các yêu cầu từ Điều 7 đến Điều 23.
m) Danh sách các nhà khai thác thương mại
theo QCHK-KT1/3 mà tổ chức 145 cung cấp dịch vụ bảo dưỡng tầu bay.
n) Danh sách các tổ chức thầu phụ theo khoản
2, Điều 19, nếu có.
o) Danh sách các trạm ngoại trương theo
khoản 4, Điều 19, nếu có.
p) Danh sách các tổ chức ký hợp đồng, nếu
có.
2. Thông tin nêu tại điểm (f) và các điểm
từ (l) đến (p), khoản 1, có thể lập thành tài liệu riêng hoặc file trong máy
tính, nhưng phải có số tham chiếu rõ ràng.
3. Tài liệu giải trình tổ chức bảo dưỡng
và các sửa đổi tiếp theo phải được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn.
Điều 19. Quyền hạn của
tổ chức 145
Tổ chức 145 chỉ thực hiện các công việc được
cho phép và phù hợp với các tài liệu giải trình tổ chức bảo dưỡng như sau:
1. Bảo dưỡng các loại tầu bay hoặc thiết bị
tầu bay được phê chuẩn ở các địa điểm nêu trong chứng chỉ phê chuẩn và/hoặc
trong tài liệu giải trình tổ chức bảo dưỡng.
2. Ký hợp đồng bảo dưỡng tầu bay hoặc thiết
bị tầu bay với tổ chức bảo dưỡng nêu tại khoản 5, Điều 3, trong giới hạn và dưới
sự kiểm soát chất lượng của mình.
3. Bảo dưỡng tầu bay hoặc bộ phận của tầu
bay ở các địa điểm theo nhu cầu phát sinh khi tầu bay bị hỏng, hoặc để hỗ trợ bảo
dưỡng ngoại trường không thường xuyên phù hợp với các điều kiện nêu trong tài
liệu giải trình tổ chức của mình.
4. Bảo dưỡng tầu bay hoặc thiết bị tầu bay
ở địa điểm bảo dưỡng ngoại trường, nếu tài liệu giải trình tổ chức bảo dưỡng
cho phép và có danh sách các địa điểm đó.
5. Cấp chứng chỉ cho phép khai thác cho tầu
bay và thiết bị tầu bay sau khi hoàn thành bảo dưỡng theo các quy định tại Điều
14.
Điều 20. Giới hạn của
tổ chức 145
Chỉ khi có đủ cơ sở nhà xưởng, thiết bị, dụng
cụ, vật liệu cần thiết, dữ liệu bảo dưỡng và đội ngũ nhân viên xác nhận bảo dưỡng,
tổ chức 145 mới được phép bảo dưỡng tầu bay hoặc thiết bị tầu bay mà mình được
phê chuẩn.
Điều 21. Các thay đổi
của tổ chức 145
1. Để Cục Hàng không Việt Nam có căn cứ
xác định sự tuân thủ liên tục QCHK-145 và sửa đổi phạm vi phê chuẩn, nếu cần
thiết, tổ chức 145 phải báo cáo cho Cục Hàng không Việt Nam biết về bất kỳ dự
kiến thay đổi nào như nêu dưới đây:
a) Tên của tổ chức.
b) Địa chỉ chính của tổ chức.
c) Các địa chỉ bổ sung của tổ chức.
d) Giám đốc.
e) Bất kỳ cá nhân nào nêu tại khoản 2, Điều
8.
f) Cơ sở nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ, vật
liệu, các quy trình, phạm vi công việc và đội ngũ nhân viên xác nhận bảo dưỡng
có khả năng ảnh hưởng đến phạm vi phê chuẩn.
2. Cục Hàng không Việt Nam có thể quy định
các điều kiện để tổ chức 145 có thể tiếp tục hoạt động trong khi có các thay đổi
như trên, trừ khi Cục Hàng không Việt Nam cho rằng chứng chỉ phê chuẩn phải bị
đình chỉ.
Điều 22. Duy trì hiệu
lực của chứng chỉ phê chuẩn
Ngoại trừ trường hợp phê chuẩn bị từ chối,
thay thế, đình chỉ, hủy bỏ hoặc hết hiệu lực vì đã quá hạn ghi trong chứng chỉ,
việc duy trì hiệu lực của chứng chỉ phê chuẩn phụ thuộc vào các điều kiện sau
đây:
1. Tổ chức 145 luôn luôn tuân thủ
QCHK-145;
2. Cục Hàng không Việt Nam được quyền kiểm
tra tổ chức 145 để xác định sự tuân thủ QCHK-145;
3. Thanh toán các khoản lệ phí theo quy định.
Điều 23. Trường hợp
an toàn tương đương
1. Cục Hàng không Việt Nam có thể miễn trừ
một yêu cầu nào đó trong QCHK-145 khi xét thấy yêu cầu đó đã không tiên liệu được
tình hình thực tế, nhưng phải tuân thủ mọi điều kiện bổ sung, do Cục Hàng không
Việt Nam đưa ra, để đảm bảo an toàn tương đương.
2. Trong từng trường hợp cụ thể, Cục Hàng
không Việt Nam có thể cho phép miễn áp dụng mọi yêu cầu nào đó trong QCHK-145 đối
với tổ chức bảo dưỡng, chỉ trên cơ sở tuân thủ mọi điều kiện bổ sung để đảm bảo
an toàn tương đương.
Điều 24. Thu hồi,
đình chỉ, giảm bớt phạm vi phê chuẩn hoặc từ chối gia hạn chứng chỉ phê chuẩn
Cục Hàng không Việt Nam có thể thu hồi,
đình chỉ, giảm bớt phạm vi hoặc từ chối gia hạn chứng chỉ phê chuẩn phù hợp
QCHK-145, nếu có lý do xác đáng rằng tổ chức 145 không còn đáp ứng các yêu cầu
của QCHK-145 với các điều kiện sau đây:
1. Ngoại trừ trường hợp nêu ở tại khoản 2,
trước khi quyết định thu hồi, đình chỉ, giảm bớt phạm vi hoặc từ chối gia hạn
chứng chỉ phê chuẩn phù hợp QCHK-145 ít nhất 28 ngày, Cục Hàng không Việt Nam sẽ
thông báo bằng văn bản cho tổ chức sở hữu chứng chỉ phê chuẩn về ý định của
mình và lý do của ý định đó, tạo cơ hội cho tổ chức 145 giải thích, và Cục Hàng
không Việt Nam sẽ xem xét các giải thích đó.
2. Nếu xét thấy rằng việc khai thác an
toàn tầu bay có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Cục Hàng không Việt Nam sẽ đình
chỉ một phần hoặc toàn bộ chứng chỉ phê chuẩn phù hợp QCHK-145 mà không cần
thông báo trước như đã quy định tại khoản 1./.