QUY CHẾ
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM KIỂM TRA TẢI TRỌNG XE LƯU ĐỘNG
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 04 tháng 6 năm 2015 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy
chế này quy định việc quản lý, sử dụng và tổ chức hoạt động của Trạm kiểm tra
tải trọng xe lưu động (sau đây viết tắt là Trạm) trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
2. Quy
chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đến
công tác quản lý hoạt động của Trạm trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý
hoạt động
1. Trạm
thực hiện việc kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ và đường bộ địa phương
thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ.
2. Trạm
hoạt động theo Kế hoạch kiểm tra tải trọng xe do Sở Giao thông vận tải phê
duyệt.
3. Trạm
thực hiện việc quản lý tài sản theo đúng quy định pháp luật và quy định của Bộ
Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về các chế độ đăng ký, đăng
kiểm, thống kê, kiểm kê, vận hành, bảo trì và báo cáo hoạt động thường xuyên
của Trạm.
4. Việc
sử dụng bộ cân lưu động phải bảo đảm đúng mục đích, đạt hiệu quả trong công tác
kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về quá tải nhằm góp phần thiết thực vào
công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
Điều 3. Cơ cấu lực lượng
thực hiện nhiệm vụ tại Trạm
Tổng số lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm là
22 người, cụ thể:
1. Lực
lượng quản lý, điều hành tại Trạm là 04 người, gồm:
a) Trạm trưởng: Lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông
vận tải;
b) Phó Trạm trưởng: Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao
thông đường bộ - đường sắt, Công an thành phố;
c) 02 Chuyên viên hoặc Nhân viên Thanh tra Sở
Giao thông vận tải.
2. Lực
lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe tại Trạm là 15 người,
chia làm 3 ca hoạt động 24/24 giờ, mỗi ca gồm:
a) Thanh tra Sở Giao thông vận tải: 02 người;
b) Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường
sắt, Công an thành phố: 02 người;
c) Phòng Cảnh sát trật tự, Công an thành phố: 01
người.
3. Lực
lượng tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ tại Trạm (khi có yêu cầu) gồm:
a) Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố (hoặc Kiểm soát
quân sự Quân khu 9): 01 người;
b) Chi cục Quản lý đường bộ IV-5 hoặc đơn vị
quản lý đường bộ (quản lý tuyến đường có vị trí đặt Trạm): 01 người;
c) Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố:
01 người.
4. Lực
lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Lực lượng
trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe tại Trạm được bố trí thành
các Tổ công tác gồm Tổ trưởng, Tổ phó và các Tổ viên. Trong đó Tổ trưởng, Tổ
phó là chỉ huy cấp Đội Cảnh sát giao thông, Đội Thanh tra giao thông hoặc Trạm
kiểm soát giao thông.
Điều 4. Nhiệm vụ của lực
lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm
1. Lực
lượng quản lý, điều hành Trạm:
a) Trạm trưởng: Tổ chức, điều hành, phụ trách
chung hoạt động của Trạm trong suốt thời gian thực hiện kế hoạch. Phân công
nhiệm vụ cho Phó Trạm trưởng, Tổ trưởng và nhân viên của Trạm. Đề xuất, tham
mưu xây dựng kế hoạch kiểm tra tải trọng xe, thực hiện các chế độ thông tin,
báo cáo, sơ kết, tổng kết theo quy định;
b) Phó Trạm trưởng: Giúp Trạm trưởng chỉ đạo các
Tổ trưởng triển khai thực hiện kế hoạch, quản lý hoạt động của Trạm và thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Trạm trưởng;
c) Chuyên viên hoặc Nhân viên Thanh tra Sở Giao
thông vận tải: Thực hiện công tác tổng hợp, quản lý, sử dụng, duy trì trạng
thái hoạt động của bộ cân lưu động và phụ trách công tác tài chính, kế toán của
Trạm.
2. Lực
lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe tại Trạm:
a) Tổ trưởng Tổ công tác: Chịu trách nhiệm chỉ
huy, điều hành mọi hoạt động của Tổ công tác trong từng ca làm việc theo kế
hoạch đã được phê duyệt, tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ trong ca làm việc
báo cáo Trạm trưởng để theo dõi, chỉ đạo, lập sổ kiểm tra, nhật ký thống kê,
bàn giao ca sau liền kề để tiếp tục công việc. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo
sự phân công của Trạm trưởng hoặc Phó Trạm trưởng khi được ủy quyền của Trạm
trưởng;
b) Tổ phó Tổ công tác: Giúp Tổ trưởng trong việc
điều hành hoạt động của Tổ công tác trong từng ca làm việc và thực hiện nhiệm
vụ khác khi được Tổ trưởng phân công;
c) Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Sở Giao
thông vận tải:
- Tổ chức khảo sát tình hình vi phạm chở hàng
quá trọng tải trên địa bàn thành phố, tham mưu cho Sở Giao thông vận tải xác
định các vị trí đặt Trạm, tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, kho bãi hạ
tải.
- Tổ chức vận chuyển, lắp đặt, vận hành các
trang thiết bị kỹ thuật của Trạm, chuẩn bị cân trọng tải, phương tiện, thiết bị
để hạ tải và các điều kiện khác về cơ sở, vật chất bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ
trong Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp cần thiết liên hệ với các cơ
quan, tổ chức để sử dụng các trạm cân điện tử.
- Thực hiện nhiệm vụ dẫn xe vào vị trí cân, kiểm
tra giấy tờ, tiến hành cân xe, tiếp nhận kết quả kiểm tra tải trọng xe và khổ
giới hạn xe, xác định tình trạng và mức độ quá tải, thông báo cho lực lượng
Cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.
- Dẫn xe vi phạm vào bãi hạ tải (nếu có), cân
kiểm tra lại sau khi phương tiện đã hạ đủ tải và phối hợp thực hiện nhiệm vụ
khác theo sự phân công của Tổ trưởng Tổ công tác.
- Tiến hành xử lý các hành vi vi phạm hành chính
về trật tự an toàn giao thông thuộc thẩm quyền quản lý và phối hợp các lực
lượng tại Trạm xử lý các hành vi vi phạm khác tại khu vực kiểm tra tải trọng xe
lưu động.
d) Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường
sắt, Công an thành phố:
- Phối hợp Thanh tra Sở Giao thông vận tải khảo
sát tình hình vi phạm chở hàng quá trọng tải trên địa bàn thành phố, xác định
các vị trí đặt Trạm, tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, kho bãi hạ tải.
- Thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm
soát và phối hợp cân trọng tải, buộc các xe có dấu hiệu vi phạm phải chấp hành
vào vị trí kiểm tra.
- Lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành
chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Đối
với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải sử dụng camera, máy ảnh để ghi lại
hình ảnh.
- Tiến hành xử lý các hành vi vi phạm hành chính
về trật tự an toàn giao thông thuộc thẩm quyền quản lý và phối hợp các lực
lượng tại Trạm xử lý các hành vi vi phạm khác tại khu vực kiểm tra tải trọng xe
lưu động.
đ) Phòng Cảnh sát trật tự, Công an thành phố:
- Thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh tại
Trạm, phối hợp lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm giải quyết các tình huống
phức tạp (nếu có).
- Lập biên bản, xử lý đối với các trường hợp
chống đối người thi hành công vụ, tội phạm, ùn tắc giao thông và thực hiện các
nhiệm vụ cụ thể khác theo sự phân công của Tổ trưởng Tổ công tác.
3. Lực
lượng tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ tại Trạm:
a) Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố (hoặc Kiểm soát
quân sự Quân khu 9):
- Thực hiện việc kiểm tra đối với các xe mang
biển số quân sự, đưa các xe có dấu hiệu vi phạm quá tải, quá khổ giới hạn vào
Trạm để kiểm tra, xử lý kể cả các xe của các đơn vị, doanh nghiệp quân đội làm
kinh tế (trừ các xe làm nhiệm vụ khẩn cấp, đặc biệt theo quy định pháp luật).
- Phối hợp các lực lượng tại Trạm xử lý các vi
phạm hành chính khác theo thẩm quyền.
b) Chi cục Quản lý đường bộ IV-5 hoặc đơn vị
quản lý đường bộ:
- Phối hợp các đơn vị chức năng lựa chọn vị trí
đặt Trạm trên các tuyến đường bộ thuộc phạm vi quản lý. Phối hợp Thanh tra Sở
Giao thông vận tải lắp đặt, vận hành các trang thiết bị kỹ thuật của Trạm.
Hướng dẫn xe vào vị trí cân tải trọng xe và đưa phương tiện vào bãi hạ tải (nếu
có) khi có hành vi vi phạm quá tải.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho lái xe, chủ xe hoặc
chủ hàng thực hiện việc hạ tải theo quy định. Yêu cầu lái xe, chủ xe hoặc chủ
hàng phải tự hạ tải theo quy định và phải chịu mọi chi phí và bảo quản hàng hóa
trong quá trình hạ tải. Sau khi đã thực hiện việc hạ tải, phối hợp hướng dẫn xe
vào cân lại bảo đảm đúng quy định mới giải quyết cho xe tiếp tục lưu hành.
c) Văn phòng Ban An toàn giao thông:
- Giám sát việc thực hiện kiểm tra, xử lý vi
phạm, tình hình trật tự an toàn giao thông tại Trạm và báo cáo kết quả thực
hiện về Ủy ban nhân dân thành phố, Ban An toàn giao thông thành phố khi có yêu
cầu.
- Phối hợp lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm
giải quyết các tình huống phức tạp (nếu có).
4. Lực
lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe tại Trạm phải tuân
thủ sự phân công, điều hành trực tiếp của Tổ trưởng. Tổ trưởng chịu trách nhiệm
về quyết định của mình, nếu vượt quá thẩm quyền phải báo cáo Trạm trưởng hoặc
Phó Trạm trưởng khi được ủy quyền của Trạm trưởng để giải quyết. Đối với lực
lượng tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ tại Trạm phân công, bố trí cán bộ
khi có yêu cầu để giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh tại Trạm.
5. Lực
lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình để thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhằm hoàn thành nhiệm vụ được
giao, bảo đảm hoạt động của Trạm đạt hiệu quả và đúng quy định pháp luật. Sử
dụng hiệu quả các trang thiết bị của Trạm.
Điều 5. Vị trí đặt Trạm
1. Bảo
đảm đủ điều kiện để bố trí các thiết bị đo lường và chỗ dừng đỗ xe, bảo đảm an
toàn cho các trang thiết bị và an toàn giao thông. Chỗ bố trí Trạm tại các vị
trí có từ hai làn đường trở lên và phải có phần lề đường đủ rộng hoặc các bãi
đất tự nhiên bên đường để phục vụ việc dừng, đỗ xe.
2. Phải
lựa chọn các vị trí rộng, có đủ diện tích để đặt Trạm theo quy định và hạ tải mà
không làm cản trở, ùn tắc giao thông. Bệ đặt cân điện tử phải bảo đảm quy định của
nhà sản xuất hoặc quy định tại QCVN 66:2013/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về Trạm.
3. Sở
Giao thông vận tải phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan tiến hành
khảo sát, lựa chọn các vị trí có thể đặt Trạm trên các tuyến quốc lộ đi qua địa
bàn thành phố và các tuyến đường bộ địa phương bảo đảm theo đúng quy định tại Khoản
1 và Khoản 2 Điều này.
4. Sở Giao thông vận tải phối hợp các cơ quan,
đơn vị chức năng thống nhất, xác định vị trí đặt Trạm để đưa vào Kế hoạch kiểm
tra tải trọng xe tùy theo tình hình thực tế và từng thời điểm cụ thể.
Điều 6. Ban hành Kế hoạch
kiểm tra tải trọng xe
Căn cứ tình hình trật tự an toàn giao thông trên
địa bàn thành phố, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Ban
An toàn giao thông thành phố, Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp Phòng
Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an thành phố và các đơn vị chức
năng có liên quan đề xuất xây dựng Kế hoạch kiểm tra tải trọng xe trên các quốc
lộ và đường bộ địa phương thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ trình Sở Giao thông
vận tải xem xét, phê duyệt ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện.
Điều 7. Tiêu chuẩn, trang
bị, chế độ của lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm
1. Lực
lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm được tuyển chọn phải bảo đảm có phẩm chất đạo
đức tốt, đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu nhiệm
vụ.
2. Phương
tiện, trang bị, trang phục, sắc phục, phù hiệu của lực lượng thực hiện nhiệm vụ
tại Trạm thuộc ngành nào, ngành đó cấp và sử dụng theo quy định của từng ngành.
3. Lương
và các khoản phụ cấp thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 của Quy chế này.
4. Lực
lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm được tổ chức tập huấn nghiệp vụ có liên quan
về công tác kiểm tra, quy trình xử lý vi phạm, vận hành và bảo dưỡng trang
thiết bị của bộ cân lưu động theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và Tổng
cục Đường bộ Việt Nam.
Điều 8. Quản lý và sử dụng
trang thiết bị của bộ cân lưu động
1. Trạm
trưởng Trạm có nhiệm vụ phân công cán bộ thường xuyên quản lý, sử dụng và bảo
trì bộ cân lưu động theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và quy trình, tiêu
chuẩn quy định hiện hành.
2. Duy
trì trạng thái hoạt động của bộ cân lưu động bình thường giữa hai kỳ kiểm định,
kiểm chuẩn theo quy định, kiểm tra tình trạng kỹ thuật trước khi đưa bộ cân lưu
động vào hoạt động.
Điều 9. Kinh phí hoạt động
1. Kinh
phí hoạt động của Trạm được bảo đảm từ Quỹ bảo trì đường bộ địa phương, kinh
phí an toàn giao thông địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định.
2. Các
khoản chi cho hoạt động của Trạm bao gồm: Nhiên liệu của phương tiện, vật tư,
vật liệu, thiết bị, văn phòng phẩm thường xuyên, điện chiếu sáng, thông tin
liên lạc, bảo trì, tập huấn, hội họp, kiểm tra, thuê bãi đặt Trạm, chế độ phụ
cấp và các chi phí khác (nếu có).
3. Hàng
năm, Sở Giao thông vận tải xây dựng dự toán kinh phí các khoản chi cho hoạt
động của Trạm trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt làm cơ sở thực hiện.
4. Lương
và các khoản phụ cấp kèm theo của lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm do cơ
quan, đơn vị cử người chi trả. Đối với các khoản chi kiêm nhiệm công tác cho
lực lượng quản lý, điều hành và chi bồi dưỡng làm ca đêm, thêm giờ, các khoản
khác của lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm được chi trả trong nguồn kinh
phí hoạt động của Trạm (nếu có) và các nguồn kinh phí khác theo quy định.
Điều 10. Chế độ thông tin,
báo cáo
1. Trạm
trực tiếp cập nhật kết quả thực hiện, gửi thông tin và số liệu xử lý vi phạm
vào cổng thông tin điện tử của hệ thống, kết nối Internet truyền về máy chủ của
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đồng thời gửi báo cáo về cơ quan quản lý cấp trên
theo đúng quy định. Riêng đối với xe mang biển số kiểm soát quân sự, kết quả
kiểm tra báo cáo về Quân khu 9 (qua Cục kỹ thuật) để xử lý.
2.
Nghiêm cấp mọi hành vi can thiệp xử lý số liệu, kết quả kiểm tra tải trọng xe.
Lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm phải chấp hành nghiêm các quy định pháp
luật, quy chế phát ngôn, không được tự ý trao đổi, cung cấp thông tin về các
hoạt động của Trạm khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của Sở
Giao thông vận tải
1. Chủ
trì, phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng,
ban hành kế hoạch kiểm tra tải trọng xe. Kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện kế
hoạch đảm bảo công tác kiểm tra tải trọng xe đạt hiệu quả.
2. Hàng
năm lập dự toán kinh phí trình Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xem xét phê
duyệt, thực hiện việc chi và thanh quyết toán theo quy định.
3. Quản
lý, khai thác sử dụng, vận hành bộ cân lưu động, bảo đảm Trạm hoạt động hiệu
quả và đúng quy định của pháp luật.
4. Tổ
chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Tổ chức cho các chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải, chủ hàng thực hiện cam kết
không chở hàng hóa quá khổ, quá trọng tải được phép lưu hành trên đường bộ.
5. Tổng
hợp kết quả thực hiện, tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm sau từng đợt, quý, năm.
Thực hiện báo cáo tình hình, kết quả công tác kiểm tra tải trọng xe trên địa
bàn thành phố gửi về Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ủy
ban nhân dân thành phố theo quy định.
Điều 12. Trách nhiệm của
Công an thành phố
1. Phối
hợp Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch kiểm tra tải trọng xe và tổ chức
triển khai thực hiện Kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
2. Chỉ
đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cảnh sát trật tự phối
hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Giao thông vận tải và các lực lượng khác thực
hiện nghiêm túc kế hoạch kiểm tra tải trọng xe, xử lý vi phạm chở hàng quá tải
trọng.
3. Chủ
trì triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự tại các Trạm và phương án
phòng ngừa các hành vi chống đối để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Chỉ đạo Công an
các quận, huyện tăng cường lực lượng phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp
xảy ra (nếu có) tại Trạm.
Điều 13. Trách nhiệm của
Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố
1. Thực
hiện giám sát việc kiểm tra, xử lý vi phạm, tình hình trật tự an toàn giao
thông tại Trạm. Thu thập thông tin, đề xuất và kiến nghị các giải pháp để Trạm
hoạt động hiệu quả.
2. Tổ
chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông
phù hợp với kế hoạch tuyên truyền hàng năm của Ban An toàn giao thông thành
phố. Báo cáo kết quả thực hiện về Ban An toàn Giao thông thành phố, Ủy ban An
toàn giao thông Quốc gia theo quy định.
4. Đề
xuất, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Trạm để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được
giao.
Điều 14. Trách nhiệm của Bộ
Chỉ huy Quân sự thành phố (hoặc Kiểm soát quân sự Quân khu 9)
1. Phối
hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố và các đơn vị có liên quan tổ
chức triển khai kế hoạch kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ và đường bộ địa
phương thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ.
2. Chỉ
đạo lực lượng kiểm soát quân sự thành phố phối hợp thực hiện nhiệm vụ tại Trạm
theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
Điều 15. Trách nhiệm của
Chi Cục Quản lý đường bộ IV và đơn vị quản lý đường bộ
1. Phối
hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố và các đơn vị có liên quan tổ
chức triển khai kế hoạch kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ và đường bộ địa
phương thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ.
2. Cử
cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Trạm. Chỉ đạo lực lượng phối hợp lắp
đặt, vận hành các trang thiết bị kỹ thuật của Trạm khi có yêu cầu.
Điều 16. Khen thưởng, kỷ
luật
Lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm có thành
tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao sẽ được khen thưởng theo quy định
hiện hành. Đối với các trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm
sẽ bị kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo
quy định pháp luật.
Điều 17. Điều khoản thi
hành
Trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế
này, nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phải báo cáo về Ủy ban
nhân dân thành phố (qua Sở Giao thông vận tải hoặc Công an thành phố) để kịp
thời điều chỉnh cho phù hợp./.