ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1289/QĐ-UBND
|
Điện Biên, ngày 26 tháng 12 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG XE NĂM 2018 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN
BIÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 01/01/2016;
Căn cứ Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016
của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện
giao thông;
Căn cứ Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày
06/8/2015 của Chính phủ đối với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm
soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tải trọng xe ô tô;
Căn cứ Công điện số 95/CĐ-TTg ngày
10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận
tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng và chở quá số khách cho phép; Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng
Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ; Công văn số
478/TTg-KTN ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện
các giải pháp siết chặt kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ;
Căn cứ Quyết định số 2919/QĐ-BGTVT
ngày 24/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định hoạt động của Trạm
kiểm tra tải trọng xe lưu động;
Tiếp theo Quyết định số 32/QĐ-UBND
ngày 15/01/2015 của UBND tỉnh về việc thành lập Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu
động tỉnh Điện Biên; Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày
23/02/2017 của UBND tỉnh Điện Biên về việc ban hành Quy chế hoạt động của Trạm
kiểm tra tải trọng xe lưu động;
Xét đề nghị của Sở Giao thông Vận
tải tại Văn bản số 2522/SGTVT-TTr ngày 19/12/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành
kèm theo Quyết định này, Kế hoạch kiểm soát tải trọng xe năm 2018 trên địa bàn
tỉnh Điện Biên.
Điều 2. Giao Sở
Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh,
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các ngành, đơn vị liên quan triển
khai thực hiện.
Điều 3. Quyết định
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ
huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ GTVT;
- Bộ Công an;
- Tổng cục ĐBVN;
- Tổng cục VII-Bộ Công an;
- LĐ UBND tỉnh;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Ban ATGT tỉnh;
- Lưu: VT, TH(HTT)
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Mùa A Sơn
|
KẾ HOẠCH
KIỂM SOÁT TẢI TRỌNG XE NĂM 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1289/QĐ-UBND ngày 26/12/2017 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Điện Biên)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.
1. Mục đích.
- Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng
bộ các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ, xử lý nghiêm đối
với các hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng, hành vi thay đổi kích thước thùng xe nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ và phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao
thông do xe chở hàng quá khổ, quá tải gây ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về
chở hàng quá khổ, quá tải, tự ý thay đổi kích thước thùng
xe của lái xe, chủ xe, chủ hàng và đơn vị xếp hàng lên xe quá tải trọng cho
phép, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự
giác chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ của các đơn vị, doanh nghiệp
kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến
hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số
32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường công tác
kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông"; thiết lập môi trường kinh
doanh vận tải bình đẳng, lành mạnh.
2. Yêu cầu.
- Có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất
cao trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, giữa
các ngành Giao thông vận tải, Công an, Quân sự và các sở, ban, ngành, các tổ chức
chính trị - xã hội có liên quan. Các lực lượng khi có yêu cầu phối hợp phải
nhanh chóng thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình; trong đó thực
hiện đúng quy trình, chế độ công tác đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật và
trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong công tác kiểm
soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh.
- Duy trì hoạt động thường xuyên,
liên tục; việc kiểm soát phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh, chính xác, hiệu
quả và không gây cản trở, ùn tắc giao thông; không gây phiền hà, ảnh hưởng đến
hoạt động bình thường của các đơn vị kinh doanh vận tải.
- Thường xuyên theo dõi, tổng hợp,
lưu trữ kết quả công tác kiểm soát tải trọng xe và xử lý vi phạm để báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định hoặc khi có yêu cầu.
II. NỘI DUNG TRIỂN
KHAI.
1. Công tác tham mưu, chỉ đạo.
1.1. Sở Giao thông vận tải:
- Chỉ đạo lực lượng
Thanh tra Sở Giao thông vận tải bố trí đủ số lượng cán bộ, công chức làm việc tại
Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động (sau đây viết tắt là
Trạm KTTTX lưu động) và kiểm soát bằng cân xách tay theo Kế hoạch này; nâng cao
tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ KSTTX.
- Chủ trì phối hợp với các lực lượng
của Công an tỉnh Điện Biên (Cảnh sát giao thông, Cảnh sát 113, Cảnh sát cơ động)
và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để thanh tra, kiểm tra, kiểm
soát tải trọng xe nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát tải
trọng xe trong năm 2018 trên địa bàn toàn tỉnh.
- Xây dựng các phương án, kế hoạch,
chương trình cụ thể để phối hợp với các đơn vị chức năng
có liên quan mở các đợt cao điểm tuần tra, xử lý các phương tiện chở hàng quá tải
nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông do chở hàng quá tải trọng.
- Yêu cầu Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy
quân sự tỉnh phối hợp trong công tác kiểm soát đối với các phương tiện mang biển kiểm soát Công an, Quân sự vận chuyển hàng hóa
tham gia giao thông.
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính,
Quỹ bảo trì đường bộ tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí nguồn kinh phí phục
vụ công tác kiểm soát tải trọng xe năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
- Tổng hợp, báo cáo định kỳ kết quả
công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn gửi các cơ quan có thẩm quyền theo
quy định pháp luật hiện hành.
1.2. Công an tỉnh
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao
thông phối hợp với các đơn vị khác trong ngành, tăng cường tuần tra kiểm soát -
xử lý vi phạm về TTATGT trên các tuyến và địa bàn đã được phân công, phân cấp
theo chức năng nhiệm vụ; đồng thời xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát - xử lý
vi phạm theo chuyên đề chở hàng quá tải trọng theo quy định.
- Phối hợp với Thanh tra giao thông,
các ngành, đơn vị chức năng có liên quan xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tải
trọng trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý; sẵn sàng cử lực lượng tham
gia hỗ trợ các lực lượng kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe tại Trạm KTTTX lưu động,
Tổ kiểm soát bằng cân xách tay khi có
yêu cầu.
- Có phương án, kế hoạch cụ thể mở
các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, tỉnh
lộ, đường huyện đối với các phương tiện có hành vi sang tải, chuyển tải, không chấp hành yêu cầu kiểm soát tải trọng phương tiện của các
lực lượng chức năng.
- Chỉ đạo các phòng chức năng, Công
an các huyện, thị xã, thành phố theo tuyến địa bàn đã được
phân cấp lập hồ sơ điều tra cơ bản; khảo sát kỹ tuyến, địa bàn, loại phương tiện, thời gian, hành vi vi phạm, quy luật hoạt động, số
doanh nghiệp vận tải, các kho, bến, bãi, mỏ vật liệu trên địa bàn; rà soát, thống
kê, phân tích số lượng, tình hình ô tô vận tải hàng hóa hoạt động trên địa bàn
để có kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải cho
phù hợp. Vị trí dừng xe kiểm soát, xử lý phải đáp ứng điều kiện về mặt bằng, khảo
sát vị trí hạ tải, đảm bảo an toàn, không gây cản trở và ùn tắc giao thông.
- Chỉ đạo Công an các huyện thị xã, thành
phố hợp với lực lượng Thanh tra giao thông kiểm soát tải trọng trên những tuyến
đường đã được phân cấp.
1.3. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Cử lực lượng chức năng của Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp chặt chẽ với lực
lượng chức năng của Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh Điện
Biên xử lý các vấn đề phức tạp do người điều khiển phương
tiện mang biển kiểm soát quân sự gây ra khi có yêu cầu của các cơ quan chức
năng.
2. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
2.1. Tuyến, địa bàn:
a) Trạm KTTTX lưu động: Sở Giao thông
vận tải chủ trì phối hợp với các ngành liên quan chủ động nắm bắt tình hình hoạt
động xe quá tải để lựa chọn các vị trí đặt Trạm cân tại
các điểm đã được xây dựng nhằm giảm tối đa các hành vi chở
hàng quá tải trọng phương tiện, cụ thể: Km 68+910 QL279; Km 92+400 QL279; Km
188+300 QL12; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền
khi đi chuyển vị trí đặt Trạm cân.
b) Kiểm soát lưu động bằng cân xách
tay: Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh căn cứ vào chức năng nhiệm vụ chỉ đạo
lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với công an các
huyện, thị xã, thành phố và các phòng chức năng sử dụng cân xách tay để kiểm
soát trên các tuyến như Quốc lộ 4H; Quốc lộ 12 kéo dài; Quốc lộ 279C; Quốc lộ
6...Tùy thuộc tình hình cụ thể để lựa chọn tuyến đường, vị trí kiểm soát cho
phù hợp.
2.2. Phương thức kiểm tra, kiểm
soát: Tại những vị trí lắp đặt Bộ cân tải trọng xe lưu
động và các vị trí kiểm soát lưu động bằng cân xách tay tiến hành dừng các
phương tiện thuộc đối tượng kiểm soát và có dấu hiệu chở hàng quá khổ, quá tải
hoặc thay đổi kích thước thùng chở hàng để kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có). Trong trường hợp cần thiết,
sử dụng cân xách tay hoặc sử dụng cân của tư nhân (còn thời hạn kiểm định) để
tiến hành cân kiểm tra đối chứng khi lái xe, chủ xe hoặc chủ hàng có đầy đủ
thông tin, tài liệu chứng minh kết quả cân của lực lượng
chức năng chưa chính xác.
2.3. Đối tượng kiểm soát, xử lý:
- Các phương tiện là xe ô tô tải, xe
ô tô đầu kéo rơ mooc hoặc sơ mi rơ mooc, xe container, xe xi téc, xe chở chất lỏng
có dấu hiệu chở hàng vượt quá tải trọng ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; các xe ô tô tải chở hàng quá khổ, quá tải
trọng cho phép của cầu, đường và xe ô tô vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng
vi phạm các quy định về chở hàng quá trọng tải.
- Ngoài việc xử lý các hành vi vi phạm
tải trọng cho phép theo quy định, khi phát hiện các hành vi vi phạm khác thuộc
thẩm quyền, các lực lượng tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
- Kiểm tra, xử lý các hành vi thay đổi
kích thước thùng chở hàng trái quy định của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo
đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý cải tạo phương tiện khi tham gia
giao thông.
2.4. Bố trí lực lượng:
- Sở Giao thông vận tải: Ngoài 01 đồng
chí Phó Chánh thanh tra làm Trạm trưởng, 01 đồng chí làm kế toán Trạm kiểm tra
tải trọng xe lưu động (kiêm nhiệm); ủy quyền cho Chánh Thanh tra Sở bố trí 12
cán bộ, thanh tra viên, công chức thanh tra thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải
tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Trạm KTTTX lưu động; bố trí số lượng cán bộ,
thanh tra viên, công chức thanh tra thực hiện kiểm soát lưu động bằng cân xách
tay cho phù hợp với tình hình biên chế của đơn vị.
- Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh: Khi xảy ra
những vấn đề phức tạp do người điều khiển phương tiện mang biển kiểm soát quân
sự gây ra, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có trách nhiệm bố trí cán bộ, chiến sỹ Kiểm
soát quân sự tham gia phối hợp kiểm tra, xử lý khi có yêu cầu của Sở Giao thông
vận tải.
- Công an tỉnh, Công an các huyện, thị
xã, thành phố: Khi có đề nghị phối hợp giải quyết các sự việc phức tạp như chống
người thi hành công vụ, gây rối, sang tải, chuyển tải, không chấp hành yêu cầu
kiểm soát tải trọng xe thì kịp thời bố trí lực lượng phối hợp xử lý; bố trí lực
lượng kiểm soát lưu động bằng cân xách tay đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình biên chế của đơn vị.
2.5. Bố trí phương tiện, trang thiết
bị:
- Tại Trạm KTTTX lưu động: Sở Giao
thông vận tải bố trí 01 bộ cân tải trọng xe lưu động, 01 cân xách tay loại 20 tấn,
01 xe ô tô tải, 04 xe mô tô và các trang thiết bị khác phục vụ công tác kiểm
soát tải trọng xe.
- Tổ kiểm soát lưu động bằng cân xách
tay: Bố trí tối thiểu 01 xe ô tô chuyên dụng; 01 bộ cân xách tay; 03 xe mô tô
và các trang thiết bị khác.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN.
1. Phương pháp kiểm tra và xử lý vi phạm.
1.1. Phương pháp kiểm tra: Khi phát hiện phương tiện thuộc đối tượng kiểm soát và có dấu hiệu vi
phạm, lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe tiến hành dừng phương tiện,
hướng dẫn xe vào vị trí cân; đo, kiểm tra kích thước hàng hóa, thùng chở hàng;
kiểm tra giấy tờ của phương tiện, người lái và hàng hóa; vận hành cân tải trọng,
kiểm tra tải trọng, xác định tình trạng và mức độ quá tải, yêu cầu lái xe tự hạ
tải, cân kiểm tra lại sau khi xe đã hạ đủ tải theo quy định.
1.2. Xử lý vi phạm: Xe sau khi cân kiểm tra tải trọng, đo kích thước được xác định vi phạm
chở quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép của xe hoặc của cầu, đường bộ phải
được công khai thông báo lỗi vi phạm cho lái xe, chủ
phương tiện biết và tiến hành lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm
hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả được quy định
tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao
thông đường bộ các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Lái xe, chủ
xe, chủ hàng phải tự hạ tải và chịu mọi chi phí hạ tải, bảo quản, thuê kho bãi
để gửi hàng hóa trong quá trình hạ tải.
2. Thời gian hoạt động.
2.1. Trạm kiểm tra tải trọng xe
lưu động: Hoạt động 24/24 giờ hàng ngày và 07 ngày
trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ (trừ nghỉ Tết Nguyên
đán).
2.2. Kiểm soát lưu động bằng cân
xách tay: Tùy điều kiện cụ thể về biên chế, quy luật
hoạt động của phương tiện chở hàng trên tuyến để bố trí thời gian hoạt động cho phù hợp, hiệu quả.
3. Tổ chức hoạt động.
3.1. Tại Trạm KTTTX lưu động.
- Hàng ngày, bố trí
thành 03 ca, mỗi ca gồm 04 cán bộ, công chức thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận
tải. Mỗi ca do 01 đồng chí cán bộ, công chức Thanh tra giao thông làm Ca trưởng.
- Ca trưởng chịu trách nhiệm chỉ huy,
quán xuyến, điều hành mọi hoạt động trong ca và chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo
Trạm cân về việc tổ chức triển khai thực hiện. Các thành viên khác trong ca chấp
hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy trình công tác, quy định của
ngành, chấp hành, phục tùng sự lãnh đạo, điều hành của Ca trưởng và Lãnh đạo Trạm
cân.
- Khi xảy ra tình huống không chấp
hành yêu cầu kiểm tra, cản trở, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công
cộng tại trạm cân thì đồng chí Ca trưởng báo cáo đồng chí Trạm trưởng Trạm
KTTTX lưu động, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải để đề nghị
các đơn vị có liên quan giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
3.2. Kiểm soát lưu động bằng cân xách tay.
Được thành lập và tổ chức hoạt động
theo yêu cầu nhiệm vụ công tác; bao gồm Trưởng đoàn (Tổ trưởng), Phó trưởng
đoàn (Tổ phó) và các thành viên của Đoàn (Tổ) công tác; số lượng cụ thể do người
thành lập Đoàn (Tổ) quyết định. Trưởng đoàn (Tổ trưởng) chịu
trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị về mọi hoạt động của Đoàn (Tổ) công tác,
phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để triển khai nhiệm vụ có hiệu quả.
4. Phân công nhiệm vụ.
4.1. Lực lượng Thanh tra Sở
Giao thông vận tải:
- Duy trì trạng thái hoạt động của bộ
cân lưu động (hoặc cân xách tay), di chuyển, lắp đặt tại các vị trí kiểm tra;
- Thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát theo quy định hiện hành;
- Hướng dẫn xe vào vị trí cân kiểm
tra;
- Tiếp nhận, kiểm tra các giấy tờ của
xe, người lái và Hợp đồng vận tải hoặc Giấy vận tải theo quy định.
- Cân xe, xác định mức độ vi phạm, kiểm
tra kích thước thùng hàng của xe tải, Giấy phép lưu hành xe quá khổ, xe chở
hàng siêu trường, siêu trọng; thông báo lỗi vi phạm;
- Lập biên bản vi phạm hành chính, xử
phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi phát hiện vi phạm;
- Cân kiểm tra lại sau khi phương tiện
vi phạm đã hạ tải;
- Phối hợp với các lực lượng chức
năng ngăn chặn tình trạng phương tiện dừng, đỗ gây cản trở giao thông tại hai đầu
Trạm cân và tại vị trí kiểm soát lưu động bằng cân xách tay; các hành vi sang tải,
chuyển tải, vòng tránh Trạm cân để trốn tránh việc kiểm
tra tải trọng và những vụ việc phức tạp phát sinh;
- Lập, gửi báo cáo chi tiết hàng
tháng, quý, năm hoặc đột xuất kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm về Sở Giao thông
vận tải để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh nắm và chỉ đạo;
- Thực hiện các nhiệm vụ phối hợp
khác khi được phân công.
4.2. Lực lượng chức năng Công an tỉnh:
- Thành lập các Đoàn hoặc các Tổ kiểm
soát lưu động bằng cân xách tay khi được bố trí cân tải trọng và có sự chỉ đạo
của Bộ Công an, Công an tỉnh; Lực lượng tham gia thực hiện theo đúng chức năng,
nhiệm vụ quy định;
- Ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm
các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ tại các vị
trí kiểm tra tải trọng xe;
- Phối hợp với Thanh tra Giao thông vận
tải và lực lượng Cảnh sát khác ngăn chặn tình trạng phương tiện dừng, đỗ gây cản
trở giao thông tại hai đầu Trạm cân và tại vị trí kiểm soát lưu động bằng cân
xách tay; các hành vi sang tải, chuyển tải, vòng tránh Trạm cân để trốn tránh
việc kiểm tra tải trọng;
4.3. Lực lượng Kiểm soát quân sự: Phối hợp với lực lượng chức năng giải quyết kịp thời những vụ việc có
liên quan đến xe quân sự khi có yêu cầu.
5. Kinh phí thực hiện.
5.1.
Lương và các khoản phụ cấp kèm theo của các lực lượng tham gia phối hợp kiểm
soát tải trọng xe do cơ quan cử cán bộ, chiến sỹ tham gia chi trả. Các khoản bồi
dưỡng khác được thực hiện theo quy định hiện hành.
5.2. Kinh
phí hoạt động của Trạm cân kiểm tra tải trọng xe; Đoàn hoặc Tổ kiểm soát lưu động
bằng cân xách tay được đảm bảo từ Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Điện Biên.
5.3. Căn
cứ vào Kế hoạch kiểm soát tải trọng xe, cơ quan chủ trì phối hợp với các đơn vị
liên quan xây dựng dự toán kinh phí hoạt động năm 2018 gửi
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định trước khi trình UBND tỉnh xem xét, phê
duyệt.
Trên đây là Kế hoạch kiểm soát tải trọng
xe năm 2018 trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Giao
thông vận tải, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thị xã,
thành phố và các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng có liên quan tổ chức triển
khai thực hiện./.