ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
12/2025/QĐ-UBND
|
Hậu Giang, ngày
14 tháng 01 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ
VÀ TỶ LỆ PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG CÓ THIẾT BỊ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI
KHUYẾT TẬT TRONG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm
2020;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị
ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Người khuyết tật
ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Đường bộ ngày 27
tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Luật Trật tự, an toàn
giao thông đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Nghị định số
151/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số
158/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2024 của Chính phủ quy định về hoạt động vận
tải đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Giao thông vận tải.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy định về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị
và tỷ lệ phương tiện vận chuyển hành khách công cộng có thiết bị hỗ trợ cho người
khuyết tật trong đô thị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực từ ngày 24 tháng 01 năm 2025.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban,
ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (HN - TP. HCM);
- Bộ Giao thông vận tải;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy;
- UBMTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- VP. Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NCTH.HP
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Hòa
|
QUY ĐỊNH
HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRONG ĐÔ THỊ VÀ TỶ LỆ PHƯƠNG TIỆN
VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG CÓ THIẾT BỊ HỖ TRỢ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRONG
ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Kèm theo Quyết định số: 12/2025/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2025 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về hoạt
động vận tải đường bộ trong đô thị và tỷ lệ phương tiện vận chuyển hành khách
công cộng có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật trong đô thị trên địa bàn tỉnh
Hậu Giang quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
năm 2024.
2. Quy định này áp dụng đối với
tổ chức, cá nhân và các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị
xã, thành phố đến hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong đô thị, vận chuyển
hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 2.
Nguyên tắc chung
1. Hoạt động vận tải đường bộ
trong đô thị phải đảm bảo thông suốt, trật tự, an toàn và hiệu quả; góp phần
phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường;
thực hiện theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường
bộ và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
2. Phương tiện vận tải đường bộ
trong đô thị phải tuân thủ các điều kiện về phương tiện tham gia giao thông đường
bộ theo quy định tại Điều 35 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các
quy định của pháp luật khác có liên quan.
3. Người điều khiển phương tiện
tham gia hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị phải đảm bảo các điều kiện quy
định tại Điều 56, Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và phải chấp
hành nghiêm, đầy đủ các quy tắc giao thông đường bộ, các quy định về bảo đảm trật
tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao
thông đường bộ, Luật Đường bộ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 3.
Quy định đối với các đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện tham gia hoạt động
vận tải đường bộ trong đô thị
1. Đối với đơn vị kinh doanh vận
tải: Có Giấy phép kinh doanh vận tải do Sở Giao thông vận tải cấp còn hiệu lực.
2. Phương tiện tham gia hoạt động
vận tải đường bộ trong đô thị phải đảm bảo các điều kiện và quy định như sau:
a) Đáp ứng các điều kiện đối với
phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 35 Luật Trật tự,
an toàn giao thông đường bộ.
b) Còn niên hạn sử dụng theo
quy định của Chính phủ đối với từng loại phương tiện theo quy định tại Điều 40
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
c) Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ
thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ
giới trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp theo quy định tại Điều 41 Luật Trật tự,
an toàn giao thông đường bộ.
d) Bảo đảm an toàn kỹ thuật và
bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường
bộ theo quy định tại các khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 42 Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ.
đ) Bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông đường bộ của ô tô vận chuyển hành khách theo quy định tại Điều 45 Luật
Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
e) Bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông đường bộ của ô tô vận chuyển hàng hóa theo quy định tại Điều 49 Luật
Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
g) Phương tiện tham gia hoạt động
kinh doanh vận tải phải được Sở Giao thông vận tải cấp biển hiệu, phù hiệu theo
quy định của Chính phủ phù hợp với loại hình kinh doanh vận tải phương tiện đó
đang hoạt động; phù hiệu biển hiệu phải còn giá trị theo thời hạn và không bị
thu hồi, không quá thời hạn so với niên hạn sử dụng của phương tiện theo quy định.
Điều 4. Phạm
vi, thời gian hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị
1. Các phương tiện tham gia hoạt
động vận tải đường bộ được phép hoạt động trên các tuyến đường trong đô thị
trên địa bàn tỉnh trừ các tuyến đường, khu vực bị cấm hoặc hạn chế hoạt động
theo quy định của cấp có thẩm quyền.
2. Đối với phương tiện hoạt động
vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phải hoạt động đúng tuyến, đúng lịch
trình, thời gian được phép hoạt động đúng theo phương án kinh doanh đã được phê
duyệt và dừng xe, đỗ xe đúng nơi quy định.
Điều 5. Tỷ
lệ phương tiện vận chuyển hành khách công cộng có thiết bị hỗ trợ cho người
khuyết tật trong đô thị
1. Doanh nghiệp vận tải đăng ký
tham gia khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh
Hậu Giang phải đảm bảo có ít nhất 5% tổng số phương tiện đăng ký hoạt động
trên tuyến có chỗ ngồi ưu tiên dành cho người khuyết tật, có lắp đặt thiết bị hỗ
trợ phục vụ đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật.
2. Các đơn vị vận tải hành
khách công cộng bằng xe buýt phải chủ động bố trí phương tiện tham gia hoạt động
trên tuyến đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật theo quy định tại khoản
1 Điều này.
Điều 6.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Sở Giao thông vận tải
a) Chủ trì, phối hợp với Công
an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
b) Thực hiện quản lý hoạt động
vận tải trên địa bàn theo thẩm quyền; phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thị
xã, thành phố, các đơn vị có liên quan tham mưu, thực hiện việc xây dựng, cải
tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật cho người khuyết tật tiếp
cận, sử dụng.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh
nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khách công cộng bằng xe buýt xây dựng kế
hoạch đầu tư phương tiện có thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng
theo quy định.
d) Theo dõi việc triển khai thực
hiện Quy định này, tình hình hoạt động và những vấn đề phát sinh, vướng mắc
trong quá trình thực hiện; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo,
giải quyết kịp thời khi có yêu cầu.
2. Công an tỉnh
a) Phối hợp tuyên truyền, phổ
biến các quy định về bảo đảm an toàn giao thông và Quy định này cho các tổ chức,
cá nhân trên địa bàn tỉnh.
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp
vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
3. Ban An toàn giao thông tỉnh,
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, Báo Hậu
Giang tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Quy định này và các quy định
của pháp luật hiện hành có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng đến
các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội chủ trì, phối hợp với sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành
phố thực hiện công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật đối với người
khuyết tật. Rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ
người khuyết tật tham gia giao thông phù hợp với tình hình thực tế tại địa
phương.
5. Ủy ban nhân dân huyện, thị
xã, thành phố
a) Phối hợp với Sở Giao thông vận
tải rà soát, đề xuất lắp đặt biển báo hiệu giao thông đường bộ phù hợp với Quy
định này đối với các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý.
b) Tuyên truyền, phổ biến, quán
triệt quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến các tổ
chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị biết, chấp
hành.
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn thống kê danh sách, tổ chức quản lý hoạt động của các chủ thể
kinh doanh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn đô
thị trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
6. Đơn vị kinh doanh vận tải
a) Chấp hành nghiêm các quy định
pháp luật hiện hành liên quan đến tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải
đường bộ.
b) Đối với doanh nghiệp, hợp
tác xã vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt: Xây dựng kế hoạch thực hiện
các quy định về phương tiện vận chuyển hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của
người khuyết tật theo đúng Quy định này.
c) Thực hiện chính sách miễn,
giảm giá vé đối với người khuyết tật theo quy định của pháp luật hiện hành;
bố trí nhân viên phục vụ có trách nhiệm giúp đỡ cho người khuyết tật và các
đối tượng ưu tiên khác lên xuống xe.
7. Lái xe, nhân viên phục vụ
trên xe
a) Thực hiện quyền hạn, trách
nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo quy định hiện hành; chấp hành
nghiêm quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các quy định
pháp luật khác có liên quan.
b) Kiểm tra các điều kiện bảo đảm
an toàn của xe; kiểm tra việc sắp xếp, chằng buộc hành lý, hàng hóa bảo đảm an
toàn trước khi khởi hành.
c) Có biện pháp bảo vệ tính mạng,
sức khỏe, tài sản của hành khách đi xe, giữ gìn trật tự, vệ sinh trong xe.
d) Lái xe và nhân viên phục vụ
trên xe phải giúp đỡ người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật bị hạn chế
khả năng vận động, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ khi
lên, xuống xe.
Trường hợp các văn bản quy phạm
pháp luật được dẫn chiếu tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế
thì áp dụng các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Trong quá trình triển khai tổ
chức thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, đề
nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân báo cáo Ủy ban nhân dân
tỉnh (thông qua Sở Giao thông vận tải) để được xem xét, giải quyết theo thẩm
quyền./.