Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1166/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Hoàng Trung Hải
Ngày ban hành: 14/07/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1166/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 07 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung như sau:

1. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

- Thiết lập và duy trì môi trường an toàn hàng hải, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, kinh tế biển và mục tiêu nhân đạo, kết hợp bảo vệ quốc phòng, an ninh, phối hợp tìm kiếm - cứu nạn, bảo vệ môi trường biển, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan;

- Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống báo hiệu hiện có, thiết lập mới hệ thống báo hiệu ở các vùng biển và các tuyến luồng hàng hải phù hợp với yêu cầu của hệ thống cảng biển; thiết lập hệ thống báo hiệu hàng hải vô tuyến; đầu tư đồng bộ các cơ sở sản xuất phụ trợ, các cơ sở điều hành quản lý, các trang thiết bị, phương tiện phục vụ quản lý và sản xuất; đào tạo, tuyển dụng nguồn lao động, phấn đấu đến năm 2020, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn hàng hải ở nước ta đạt trình độ tiên tiến so với khu vực và theo kịp xu thế phát triển của thế giới.

b) Mục tiêu cụ thể

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và cơ chế, chính sách về bảo đảm an toàn hàng hải;

- Đầu tư mới, nâng cấp, phát triển hệ thống báo hiệu hàng hải truyền thống, hệ thống báo hiệu hàng hải vô tuyến (RACON, RTE, AIS), hệ thống công cụ hỗ trợ hàng hải (DGPS, VTS, ENC) và các trạm quan trắc thủy hải văn tự động;

- Tập trung đầu tư mới, nâng cấp, phát triển hệ thống báo hiệu hàng hải trên biển đảo đặc biệt là các đèn biển trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa để góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo;

- Đầu tư trang thiết bị chuyên ngành, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải;

- Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực có khả năng áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải; đổi mới, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý cho phù hợp với nhiệm vụ trong từng giai đoạn phát triển;

- Tăng cường hội nhập quốc tế, tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực về bảo đảm an toàn hàng hải nhằm nâng cao vị thế quốc gia trong khu vực và trên thế giới; tiếp cận trình độ kỹ thuật cao và hợp tác phát triển trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải; tăng cường quan hệ quốc tế, hợp tác quốc tế để bảo đảm an toàn hàng hải, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

2. Các nhiệm vụ chủ yếu

a) Về xây dựng hệ thống báo hiệu hàng hải

- Cải tạo, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa hệ thống đèn biển hiện có; xây dựng bổ sung đèn biển ở các vùng biển có hoạt động kinh tế biển, vùng biên giới hải đảo có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh; tôn tạo các đèn biển có giá trị lịch sử; bổ sung các hạng mục cần thiết cho các đèn biển ở các vùng biên giới hải đảo để kết hợp nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia;

- Đầu tư nâng cấp nhằm tiêu chuẩn hóa hệ thống báo hiệu hàng hải trên luồng hàng hải;

- Lắp đặt tiêu ra đa (RACON) trên hệ thống các đèn biển, báo hiệu cố định trên luồng hàng hải; lắp đặt phản xạ ra đa chủ động (RTE) trên một số phao báo hiệu; lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động (AIS) trên đèn biển thuộc báo hiệu dẫn luồng, xây dựng các trạm quản lý cơ sở, trạm trung tâm;

- Lắp đặt thiết bị giám sát và điều khiển từ xa trên các đèn biển báo hiệu trên luồng hàng hải và xây dựng các trạm quản lý trung tâm.

b) Về xây dựng các công cụ hỗ trợ hàng hải

- Thiết lập bình đồ luồng hàng hải điện tử trên các tuyến luồng hàng hải từ phao số “0” vào đến cầu cảng phục vụ cho công tác quản lý, vận hành khai thác luồng hàng hải và ra thông báo hàng hải;

- Xây dựng mới hệ thống kiểm soát giao thông hàng hải (VTS) trên các tuyến luồng có mật độ lớn tàu thuyền ra vào, có điều kiện hàng hải phức tạp, có nhiều nguy cơ gây mất an toàn, bao gồm các tuyền luồng: Hòn Gai - Cái Lân, Hải Phòng, Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong, Cái Mép - Thị Vải, Kênh Tắt - Trà Vinh;

- Xây dựng các trạm DGPS tại những vùng hàng hải có mật độ lớn tàu thuyền qua lại, như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong, Sài Gòn, Vũng Tàu, Cái Mép - Thị Vải.

c) Về xây dựng các hạng mục công trình, thiết bị và các nhiệm vụ khác

- Cải tạo, nâng cấp một số trạm quản lý luồng còn thiếu những hạng mục cần thiết phục vụ cho hoạt động của trạm; xây dựng mới các trạm quản lý luồng cho các tuyến luồng đang khai thác, các tuyến luồng mới được đầu tư chưa có trạm quản lý;

- Xây dựng hệ thống trạm quan trắc thủy hải văn tự động tại các vùng hàng hải quan trọng có mật độ lớn tàu thuyền ra vào, có chế độ thủy hải văn phức tạp, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn, Vịnh Vân Phong, Cam Ranh, Nhà Bè, Thị Vải, Vịnh Gành Rái, Sông Tiền, Sông Hậu, Năm Căn;

- Đầu tư thiết bị và phần mềm khảo sát đa chùm tia (Multi-beam); thiết bị và phần mềm RTK; thiết bị và phần mềm Side-scan-sonar; phần mềm thiết bị bình đồ luồng hàng hải điện tử; hệ thống thông tin quản lý báo hiệu hàng hải, hệ thống thông tin công bố thông báo hàng hải;

- Cải tạo, nâng cấp các nhà điều hành hiện có, xây dựng mới trụ sở điều hành của công ty, xí nghiệp phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải; cải tạo nâng cấp nhà nghỉ thay ca tại Vũng Tàu; xây dựng mới nhà nghỉ, thay ca tại Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ;

- Đầu tư bổ sung các phương tiện, thiết bị. Tàu, canô khảo sát, tàu thay thả phao, tàu quản lý luồng, canô cao tốc, tàu tiếp tế kiểm tra khu vực quần đảo Trường Sa, tàu nạo vét duy tu luồng, phương tiện cơ giới đường bộ, thiết bị thi công xây dựng công trình, thiết bị xưởng cơ khí phục vụ cho hoạt động bảo đảm an toàn hàng hải;

- Bổ sung lực lượng lao động bảo đảm an toàn hàng hải; đào tạo nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật; đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành cho công nhân kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành báo hiệu hàng hải tiên tiến, hiện đại;

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cơ chế chính sách phục vụ phát triển bảo đảm an toàn hàng hải.

3. Ước tính kinh phí và nguồn vốn thực hiện

- Kinh phí ước tính đến năm 2020 là 8.588.950 tỷ đồng và chia thành hai giai đoạn (từ năm 2011 đến năm 2015 và từ năm 2016 đến năm 2020);

- Nguồn vốn thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án được huy động từ các nguồn vốn khác nhau: Vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ, tài trợ của các tổ chức nước ngoài thông qua hợp tác quốc tế, vốn ODA (nếu có), vốn phát triển doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đối với nguồn vốn Ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng bảo đảm an toàn hàng hải tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh.

Cơ cấu nguồn vốn đầu tư sẽ được xác định cụ thể trong quá trình lập các dự án trên cơ sở tuân thủ các quy định về thu, quản lý, sử dụng nguồn thu phí bảo đảm hàng hải và cơ chế tài chính trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải.

4. Định hướng phát triển đến năm 2030

a) Phấn đấu đến năm 2030, Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Tổ chức hàng hải thế giới và Hiệp hội hải đăng thế giới về bảo đảm an toàn hàng hải; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động bảo đảm an toàn hàng hải, hỗ trợ tối đa về an toàn hàng hải cho tàu biển, các phương tiện thủy hoạt động trên vùng biển và tuyến luồng hàng hải.

b) Đầu tư, thiết lập hệ thống điều khiển, giám sát từ xa, tự động hóa hệ thống báo hiệu hàng hải truyền thống; tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ, giám sát, sửa chữa hệ thống báo hiệu hàng hải, giảm dần nhân công quản lý vận hành hệ thống báo hiệu hàng hải; đầu tư đổi mới, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất phụ trợ phục vụ hoạt động, đáp ứng các yêu cầu của bảo đảm an toàn hàng hải.

c) Tiếp tục đầu tư xây dựng đèn biển phục vụ quốc phòng, an ninh tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và khu vực biên giới, hải đảo nhằm khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

d) Từng bước chuyển các tuyến luồng tàu biển hiện do các ngành, địa phương quản lý về Bộ Giao thông vận tải để thống nhất quản lý và phát huy hiệu quả của hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm an toàn hàng hải.

đ) Hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về bảo đảm an toàn hàng hải; nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm an toàn hàng hải, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật ngang tầm khu vực đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành hệ thống báo hiệu hàng hải hiện đại.

5. Giải pháp thực hiện

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý làm cơ sở phát triển bảo đảm an toàn hàng hải;

- Xây dựng cơ chế huy động các nguồn vốn và các cơ chế, chính sách ưu đãi khác để tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án;

- Tăng cường công tác thông tin về an toàn hàng hải trên các vùng biển của Việt Nam, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển; tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, tầm quan trọng trong hoạt động bảo đảm an toàn hàng hải; ý thức sử dụng và bảo vệ cơ sở hạ tầng bảo đảm an toàn hàng hải;

- Tăng cường công tác đào tạo để nâng cao năng lực cán bộ trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng bảo đảm an toàn hàng hải; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành, thiết kế, chế tạo và sản xuất các báo hiệu hàng hải;

- Tăng cường công tác phối hợp hoạt động bảo đảm an toàn hàng hải giữa Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan;

- Tăng cường quan hệ quốc tế, hợp tác quốc tế về hoạt động bảo đảm an toàn hàng hải.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giao thông vận tải thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cơ chế, chính sách về bảo đảm an toàn hàng hải nhằm đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn hàng hải.

b) Quyết định đầu tư các dự án, căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, các đơn vị bảo đảm an toàn hàng hải lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải, lựa chọn đơn vị có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với quy mô, tính chất kỹ thuật, nguồn vốn của từng dự án nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

c) Chủ trì tổ chức thông báo kịp thời khi có những thay đổi về hệ thống báo hiệu hàng hải, độ sâu cho phép các loại tàu ra, vào các luồng và cảng biển, xây dựng mới hoặc phá dỡ các công trình và các chướng ngại vật khác để đảm bảo an toàn hàng hải cho các tàu, thuyền hoạt động trên biển.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng thông báo kịp thời các thông tin về an toàn hàng hải theo quy định của pháp luật; phối hợp diễn tập các tình huống sự cố về an toàn hàng hải trên biển.

đ) Phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân trong việc khảo sát, đo đạc để xây dựng hải đồ biểu diễn các vùng biển Việt Nam; phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển về công tác chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành để xác định rõ hành vi vi phạm, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về an toàn hàng hải gây ra.

e) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khác có liên quan để tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về an toàn hàng hải cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động trên biển.

g) Xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động giữa các đơn vị bảo đảm an toàn hàng hải, trung tâm phối hợp tìm kiếm - cứu nạn hàng hải, thông tin điện tử hàng hải và các cơ quan hữu quan khác.

h) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu phương thức đào tạo, tiêu chuẩn đào tạo cho lực lượng lao động bảo đảm an toàn hàng hải.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan khác xây dựng và hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế tài chính, các quy định về thu, quản lý, sử dụng các nguồn thu liên quan đến hoạt động bảo đảm an toàn hàng hải; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện Đề án.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải bố trí và đảm bảo nguồn vốn Ngân sách Nhà nước theo kế hoạch hàng năm để thực hiện các dự án phát triển bảo đảm an toàn hàng hải.

b) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải vận động nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các chương trình, đề án, dự án theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách về lao động đặc thù của đảm bảo an toàn hàng hải, như: Danh mục nghề, công việc có yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ lương và bồi dưỡng độc hại; chế độ bồi thường và trợ cấp tai nạn lao động, trang bị phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động và các quy định khác về an toàn, vệ sinh lao động.

5. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành khác có liên quan xây dựng hải đồ hiển thị toàn bộ các vùng biển Việt Nam để bảo đảm an toàn cho các hoạt động hàng hải.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo việc trang bị, lắp đặt các thiết bị báo hiệu trên phương tiện, thiết bị hoạt động trên biển, các cảng chuyên dụng do Bộ quản lý để đảm bảo khả năng kết nối với hạ tầng bảo đảm an toàn hàng hải.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp thực hiện công tác khảo sát, nghiên cứu, đo đạc biển, thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn hàng hải.

8. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

9. Trong quá trình thực hiện Đề án, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Bộ, ngành và địa phương chủ động bàn bạc với Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam để tìm biện pháp khắc phục; trong trường hợp có ý kiến không thống nhất, phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 3. Điều khoản thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1166/QĐ-TTg ngày 14/07/2011 phê duyệt Đề án phát triển bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.323

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.119.119
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!