ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/2022/QĐ-UBND
|
Bình Thuận, ngày 11 tháng 01 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ ĐẶC THÙ VÀ QUY TRÌNH XÉT DUYỆT HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ
CẤP VĂN BẢN CHẤP THUẬN ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN, THUÊ, MUA TÀU CÁ TRÊN BIỂN TẠI TỈNH
BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng
11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP
ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Thủy sản;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số
147/TTr-SNN ngày 20 tháng 12 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu
chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới,
cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển tại tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Hiệu lực
thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày 25 tháng 01 năm 2022.
2. Quyết định này bãi bỏ các văn bản
sau:
a) Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày
02 tháng 4 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân cấp quản lý tàu cá có
công suất dưới 20 Cv và các hoạt động khai thác hải sản thuộc vùng biển ven bờ
tỉnh Bình Thuận;
b) Quyết định số 61/2015/QĐ-UBND ngày
11 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định về quản lý hoạt động
khai thác thủy sản của nghề lưới kéo (giã cào) trên vùng biển của tỉnh Bình Thuận;
c) Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND ngày
02 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1
Quyết định số 61/2015/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh
quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo (giã cào) trên vùng
biển Bình Thuận.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các các tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Tổng cục Thủy sản:
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các ban của HĐND tỉnh;
- Báo Bình Thuận, Đài PT - TH tỉnh;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, NCKSTTHC, KT.AN
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Tuấn Phong
|
QUY ĐỊNH
TIÊU CHÍ ĐẶC THÙ VÀ QUY TRÌNH XÉT DUYỆT HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP VĂN BẢN CHẤP
THUẬN ĐÓNG MỚI, CẢI HOÁN, THUÊ, MUA TÀU CÁ TRÊN BIỂN TẠI TỈNH BÌNH THUẬN
(Kèm theo Quyết định số 02/2022/QĐ-UBND ngày 11 tháng 01 năm
2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định về tiêu chí đặc
thù và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải
hoán, thuê, mua tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên hoạt động trên biển
tại tỉnh Bình Thuận.
2. Đối tượng áp dụng:
Quy định này áp dụng đối với các cơ
quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán,
thuê, mua tàu cá trên biển tại tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy định này các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Chủ tàu cá là tổ chức, cá nhân có
quyền sở hữu hợp pháp tàu cá, đứng tên đăng ký sử dụng tàu theo quy định pháp
luật.
2. Đóng mới thay thế tàu cá là việc
chủ tàu cá thực hiện đóng mới tàu cá để thay thế cho tàu cá bị chìm, đắm do
thiên tai hoặc bị hư hỏng không thể sửa chữa, khắc phục được và đã làm thủ tục
thanh thải, xóa đăng ký nhằm mục đích khôi phục sản xuất. Việc đóng mới thay thế
tàu cá không làm thay đổi tổng số lượng tàu cá, cơ cấu tàu cá, ngành nghề khai
thác hiện có đang hoạt động.
3. Cải hoán tàu cá là việc sửa chữa
làm ảnh hưởng đến tính năng kỹ thuật của tàu (thay đổi kích thước cơ bản, thay
đổi máy chính, công dụng, vùng hoạt động của tàu).
4. Thuê, mua tàu cá là hoạt động giao
dịch chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu tàu cá theo quy định pháp luật dân sự
giữa các chủ tàu cá mà không làm thay đổi tính năng kỹ thuật, công năng sử dụng
của tàu cá thuê hoặc mua.
5. Hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy
sản trên biển của tỉnh là tổng số lượng Giấy phép khai thác thủy sản cấp cho
tàu cá của tỉnh hoạt động trên các vùng biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh công bố theo quy định pháp luật về thủy sản.
Điều 3. Nguyên
tắc thực hiện
1. Việc đóng mới, cải hoán, thuê, mua
tàu cá trên biển phải phù hợp với hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên
biển của tỉnh.
2. Không đóng mới và giảm dần số lượng
tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng; từng bước cơ cấu lại đội tàu khai
thác của tỉnh góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nghề cá có trách nhiệm, bền
vững.
3. Công tác xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp
văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá phải đảm bảo công khai,
minh bạch, đúng quy định.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ
THỂ
Điều 4. Các trường
hợp không cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động
trên biển
1. Tàu cá hoạt động các nghề, ngư cụ
thuộc Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản theo quy định của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Tàu cá hoạt động nghề lưới kéo các
loại (đơn, đôi, cào điệp, cào nhám, giã cào bay).
3. Chủ tàu cá có tàu cá thuộc danh
sách tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo
và không theo quy định (IUU).
Điều 5. Tiêu chí
đặc thù về đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển
1. Chủ tàu cá đề nghị cấp văn bản chấp
thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá phải có trụ sở hoặc nơi đăng ký thường
trú tại tỉnh Bình Thuận.
2. Đối với đóng mới tàu cá:
a) Không thuộc các trường hợp tại Điều
4 Quy định này;
b) Trường hợp đóng mới tàu cá trong
chỉ tiêu hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển của tỉnh thì tàu cá
đóng mới phải có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, vỏ thép hoặc vỏ vật liệu
mới, tổng công suất máy chính từ 295 KW (400 CV) trở lên; máy chính lai chân vịt
là loại máy thủy chuyên dùng;
c) Trường hợp đóng mới tàu cá thay thế
thì tàu cá đóng mới thay thế phải có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên, máy
chính lai chân vịt là loại máy thủy chuyên dùng.
3. Đối với cải hoán tàu cá:
a) Không thuộc các trường hợp tại Điều
4 Quy định này;
b) Tàu cá cải hoán phải có chiều dài
lớn nhất từ 06 m trở lên và không được cải hoán tàu cá đang làm các nghề khác
sang nghề lưới kéo;
c) Trường hợp cải
hoán tàu cá nghề lưới kéo sang các nghề khác hoặc cải hoán tàu cá để nâng vùng
hoạt động từ vùng bờ sang vùng lộng, từ vùng lộng sang vùng khơi thì phải phù hợp
hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển của tỉnh;
d) Khi cải hoán thay máy, máy thay thế
phải là máy thủy (không được lắp đặt các loại động cơ ôtô, máy kéo, động cơ
khác sử dụng trên bộ đã được thủy hóa hoặc các máy không rõ nguồn gốc, xuất xứ
làm máy chính trên tàu cá).
4. Đối với thuê, mua tàu cá:
a) Không thuộc các trường hợp tại Điều
4 Quy định này;
b) Tàu cá thuê, mua phải có đầy đủ giấy
tờ hợp pháp, đang hoạt động và có thời gian sử dụng (sau khi hoàn thành đóng mới)
không quá 10 năm đối với tàu vỏ gỗ, không quá 15 năm đối với tàu vỏ thép, vỏ
composite, vỏ vật liệu mới;
c) Trường hợp thuê, mua tàu cá ngoài
tỉnh thì tàu cá thuê, mua phải có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, máy
chính lai chân vịt phải là máy thủy có tổng công suất từ 295 KW (400 CV) trở
lên và phải phù hợp chỉ tiêu hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi
được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phân bổ.
5. Truông hợp chủ tàu hoặc tổ chức,
cá nhân cùng đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều này
mà số lượng hồ sơ nộp nhiều hơn số lượng theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy
sản của tỉnh, trong thời gian thẩm định xem xét thêm các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Chủ tàu cá là hộ gia đình ngư
dân sinh sống bằng nghề biển chỉ có một tàu cá duy nhất đang hoạt
động bị chìm, đắm do thiên tai hoặc bị hư hỏng không thể sửa
chữa, khắc phục được đã làm thủ tục thanh lý, xóa đăng ký, đề nghị được đóng mới
thay thế hoặc thuê, mua tàu cá thay thế nhằm khôi phục sản xuất, duy trì sinh kế;
b) Chủ tàu cá thuộc diện huy động
tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển, đảo;
c) Chủ tàu cá là thành viên Tổ, Đội
Đoàn kết sản xuất, Hợp tác xã, mô hình liên kết chuỗi giá trị khai thác xa bờ;
d) Cải hoán tàu cá đang hoạt động nghề
cấm phát triển theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Ủy
ban nhân dân tỉnh sang các nghề khai thác chọn lọc, thân thiện môi trường (nghề
câu, nghề kết hợp chà truyền thống, dịch vụ thủy sản);
đ) Đóng mới, mua mới tàu cá vỏ thép,
vỏ vật liệu mới có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên trang bị đồng bộ, hiện đại
tham gia chương trình, đề án hợp tác khai thác viễn dương của Chính phủ, Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
e) Theo thứ tự: tàu đóng mới; tàu cải
hoán; tàu thuê, mua.
Nếu có các trường hợp cùng đáp ứng đồng
thời các tiêu chí ưu tiên nêu trên, thì xem xét theo thứ tự
thời gian nộp hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận.
Điều 6. Quy trình
xét duyệt cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá
Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp văn bản
chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển thực hiện
theo quy định tại Điều 57 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và
thủ tục hành chính “Cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu
cá” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm
của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền,
phổ biến quy định pháp luật về quản lý tàu cá và Quy định này đến các cơ quan,
đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh.
2. Phân công, chỉ đạo cơ quan chuyên
môn trực thuộc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới,
cải hoán, thuê, mua tàu cá của chủ tàu cá và tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh;
cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên cơ sở hạn ngạch
Giấy phép khai thác thủy sản trên biển của tỉnh và tiêu chí đặc thù của địa
phương tại Quy định này.
3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý
hành vi vi phạm pháp luật trong việc đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá tại
Quy định này và các quy định pháp luật có hên quan theo thẩm quyền.
4. Tổng hợp tình hình đóng mới, cải
hoán, thuê, mua tàu cá trên địa bàn tỉnh, định kỳ báo cáo Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 8. Trách nhiệm
của UBND các huyện, thị xã, thành phố
1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quy
định này đến các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn quản lý biết để thực
hiện.
2. Chỉ đạo các Phòng ban trực thuộc,
lực lượng chức năng, UBND cấp xã tăng cường trách nhiệm quản lý tàu cá, tổ chức
kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc đóng mới, cải hoán,
thuê, mua tàu cá trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền.
Điều 9. Trách nhiệm
của chủ tàu, tổ chức, cá nhân đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá
1. Chủ tàu và tổ chức, cá nhân chỉ được
đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá sau khi được cấp có thẩm quyền cấp văn bản
chấp thuận và phải thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận.
2. Cơ sở đóng sửa tàu cá phải đáp ứng
điều kiện hoạt động theo quy định; chỉ được phép đóng mới, cải hoán tàu cá cho
chủ tàu, tổ chức, cá nhân đã được cấp có thẩm quyền cấp văn bản chấp thuận đóng
mới, cải hoán tàu cá.
Điều 10. Sửa đổi,
bổ sung Quy định
Trong quá trình thực hiện, nếu phát
sinh khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh bổ sung, các cơ quan, tổ chức, cá nhân
phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, quyết định./.