Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 355/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Thào Xuân Sùng
Ngày ban hành: 10/12/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 355/NQ-HĐND

Sơn La, ngày 10 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường thuỷ nội địa số 23/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 384/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh số 01-NQ/TU ngày 02 tháng 11 năm 2010 về ổn định sản xuất và đời sống nhân dân ở các bản có điều kiện kinh tế - xã hội còn đặc biệt khó khăn;

Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 210/TTr-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2010; Báo cáo thẩm tra số 614/BC-KTNS ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh về lĩnh vực kinh tế - ngân sách tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khoá XII; tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm, mục tiêu quy hoạch

1.1. Quan điểm

Giao thông vận tải cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước, tạo tiền đề cho các ngành kinh tế phát triển phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; chiến lược và các quy hoạch phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải bền vững, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải. Hệ thống đường bộ là xương sống gắn với hệ thống đường thuỷ và đường hàng không, nối liền các trung tâm chính trị kinh tế - văn hoá, các khu công nghiệp, cửa khẩu biên giới và nối thông với hệ thống giao thông của khu vực, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Phát triển giao thông nông thôn đáp ứng được tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gắn kết với mạng giao thông đường tỉnh và quốc gia, tạo sự liên hoàn, thông suốt với chi phí vận tải hợp lý. Coi trọng công tác bảo trì, đảm bảo khai thác hiệu quả bền vững kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Nhanh chóng phát triển giao thông vận tải công cộng tại thành phố Sơn La và các đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao.

Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào đầu tư xây dựng và bảo trì mạng lưới giao thông vận tải với mục tiêu hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí. Coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển ngành.

Xã hội hóa việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; huy động tối đa mọi nguồn lực, coi trọng nguồn lực trong nước; người sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông có trách nhiệm đóng góp phí sử dụng để bảo trì và tái đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo hành lang an toàn giao thông.

1.2. Mục tiêu đến năm 2020

a) Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh thành một hệ thống thống nhất, liên hoàn kết nối các vùng kinh tế động lực, vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực sản xuất tập trung, các trung tâm hành chính và các cụm dân cư; đảm bảo liên thông hệ thống giao thông của vùng, cả nước đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh đến năm 2020.

- Phát triển giao thông vận tải đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cho công tác phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu sản xuất phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh và khu vực Tây Bắc, tạo điều kiện thúc đẩy và hội nhập kinh tế với cả nước và khu vực.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đường bộ:

+ Các tuyến đường bộ chính trên địa bàn tỉnh (quốc lộ, tỉnh lộ) được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh theo quy hoạch, mặt đường được rải nhựa, thảm nhựa hoặc bê tông xi măng, công trình thoát nước vĩnh cửu.

+ Phấn đấu đến năm 2015, 100% đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp đi được 4 mùa; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của >55 xã đạt theo tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, trên 50% đường đến các bản có điều kiện kinh tế - xã hội còn đặc biệt khó khăn được nâng cấp cứng hoá mặt đường. Đến năm 2020 cơ bản hoàn thiện hệ thống đường huyện và đường đến các bản trong toàn tỉnh theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A, B.

+ Đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới đáp ứng được yêu cầu an ninh quốc phòng, đảm bảo cơ động liên hoàn, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng biên giới.

+ Từng bước xây dựng hệ thống đường đô thị theo quy hoạch, đáp ứng tiến trình đô thị hoá. Quy hoạch chi tiết và từng bước xây dựng đường gom và các điểm đấu nối của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại - dịch vụ và các đường khác vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối vào đường chính.

+ Phấn đấu nâng mật độ đường ô tô từ 0,65Km/Km2 năm 2010 lên 0,91Km/Km2 vào năm 2020.

- Đường thuỷ: Từng bước hoàn thiện mạng lưới bến thuỷ nội địa, đầu tư chiều sâu, nâng cấp và xây dựng mới các cảng đầu mối, cảng chuyên dùng, bến hàng hoá và hành khách kết nối với hệ thống đường bộ, kịp thời điều chỉnh và khai thác có hiệu quả các tuyến vận tải hàng hoá, hành khách và du lịch, đặc biệt trên lòng hồ sông Đà.

- Hàng không: Hoàn thành đầu tư nâng cấp và đưa vào khai thác sử dụng Cảng hàng không Nà Sản theo quy hoạch phục vụ khai thác nội địa.

- Tổ chức vận tải: Tổ chức khoa học mạng lưới vận tải đường bộ, đường thuỷ trong tỉnh tạo thành một mạng lưới vận tải thông suốt và cơ động. Phối hợp chặt chẽ giữa các loại hình và lực lượng tham gia vận tải đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng và khối lư­ợng vận tải hàng hoá, hành khách, khuyến khích đối với tất cả các thành phần kinh tế tham gia, chú trọng phát triển các tuyến vận tải lên các xã vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa hẻo lánh.

- Kết cấu hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải: Từng bước xây dựng các bến, bãi đỗ xe, trạm nghỉ, trạm đăng kiểm, các trung tâm đào tạo sát hạch. Phát triển các cơ sở công nghiệp giao thông, các trung tâm cứu hộ giao thông, đặc biệt đối với mạng lưới giao thông đường bộ.

1.3. Định hướng đến năm 2030

- Cơ bản hoàn thiện và hiện đại hoá mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc gia và đồng bộ với tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN. Chất lượng vận tải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quốc tế: êm thuận, nhanh chóng, an toàn và kết nối hợp lý giữa các phương thức vận tải đường bộ - đường thuỷ - đường hàng không.

- Xây dựng các đoạn tuyến quốc lộ tránh đô thị, hình thành đường vành đai đô thị, xây dựng các nút giao khác mức tại các giao lộ lớn. Hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ, đường tỉnh có mặt đường bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng, nâng cấp một số tuyến tỉnh lộ đạt tiêu chuẩn đường cấp III hoàn chỉnh. Cải tạo nâng cấp một số tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn đường cấp IV-V hoàn chỉnh; nâng cấp và kiên cố hoá các tuyến đường xã, đảm bảo 100% đường ô tô đến các bản đi được 4 mùa. Xây dựng hệ thống đường chuyên dùng, đường tuần tra biên giới, đường đô thị theo qui hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Hoàn thiện cơ cở hạ tầng phục vụ vận tải và các dịch vụ hỗ trợ vận tải để nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp hoá dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Hiện đại hóa một số cảng đầu mối, cảng chuyên dùng; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa bốc xếp đối với các cảng; xây dựng một số cảng khách, bến khách trên hồ sông Đà.

- Tiếp tục đầu tư mở rộng, khai thác hiệu quả cảng hàng không Nà Sản đủ điều kiện khai thác các máy bay lớn để đáp ứng nhu cầu khai thác nội địa và quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng.

- Hoàn thiện mạng lưới các tuyến vận tải đảm bảo đến được tất cả các trung tâm xã, các bản và kết nối với hệ thống giao thông trên địa bàn, chuyên nghiệp hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Phát triển vận tải ở các đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại, tiện lợi và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

2. Nội dung quy hoạch phát triển giao thông vận tải

2.1. Quy hoạch mạng lưới giao thông đường b

a) Hệ thống quốc lộ

- Hoàn thành nâng cấp các quốc lộ trên địa bàn tỉnh theo đúng quy hoạch và tiêu chuẩn kỹ thuật được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; xây dựng tuyến tránh thành phố Sơn La; xây dựng cầu cứng tại Vạn Yên - QL.43.

- Đề nghị Bộ Giao thông vận tải: Kéo dài quốc lộ 4G thêm 70Km theo hướng tuyến đường tỉnh 105 từ Sông Mã - Sốp Cộp - Nậm Lạnh ra Cửa khẩu Quốc gia Lạnh Bánh; nâng cấp đoạn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp IV, 2 làn xe, mặt đường bê tông nhựa, các đoạn qua đô thị mở rộng theo quy hoạch. Chuyển đường tỉnh 107 từ ngã ba Tông Lạnh (QL6) đến trung tâm Phiêng Lanh (QL279) thành quốc lộ với chiều dài 30Km; nâng cấp đoạn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe; mặt đường bê tông nhựa các đoạn qua đô thị mở rộng theo quy hoạch.

b) Hệ thống đường tỉnh

- Căn cứ vai trò ý nghĩa phục vụ và tầm quan trọng của từng tuyến đường sẽ nâng cấp đường tỉnh quan trọng lên thành quốc lộ; cải tuyến kéo dài đường tỉnh qua những khu vực cần thiết; quy hoạch kéo dài một số tuyến đường tỉnh và một số tuyến đường huyện chuyển thành đường tỉnh.

- Đến năm 2020 nâng cấp hệ thống đường tỉnh tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V, đoạn qua thị trấn mở rộng theo qui hoạch đô thị. Định hướng đến năm 2030 xây dựng hoàn thiện hệ thống đường tỉnh đạt cấp V đến cấp IV, một số tuyến quan trọng đạt tiêu chuẩn III, mặt đường thảm bê tông nhựa.

c) Hệ thống đường huyện

- Đến năm 2015: Tập trung đầu tư nâng cấp để 100% đường ô tô đến trung tâm xã đi được 4 mùa, quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại A.

- Đến năm 2020, nâng cấp đảm bảo tất cả các tuyến đường huyện đều được rải nhựa hoặc bê tông xi măng, quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại A đến cấp V miền núi hoàn chỉnh. Định hướng đến năm 2030, nâng cấp đảm bảo đảm bảo tất cả các tuyến đường huyện đều được nhựa hoá hoặc bê tông xi măng, quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp V miền núi hoàn chỉnh.

- Căn cứ vai trò ý nghĩa phục vụ và tầm quan trọng của từng tuyến đường sẽ nâng cấp đường huyện quan trọng lên thành đường tỉnh; cải tuyến kéo dài đường huyện qua những khu vực cần thiết; quy hoạch một số tuyến đường xã quan trọng thành đường huyện.

d) Hệ thống đường đô thị: Phát triển giao thông vận tải đô thị bảo đảm tính thống nhất, cân đối, đồng bộ, liên hoàn với mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh, khu vực và quốc gia, tuân thủ theo quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt. Quy hoạch hệ thống đường đô thị tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 phải đáp ứng được các tiêu chí cơ bản sau:

- Quỹ đất dành cho giao thông đô thị phải đảm bảo tỷ lệ theo loại đô thị như sau: Đô thị loại II: 21% đến 23%; Đô thị loại III: 18% đến 20%; Đô thị loại IV, loại V: 16% đến 18%.

- Quy mô đường giao thông đô thị, tuỳ theo chức năng đảm bảo các chỉ tiêu phân loại sau: Đường phố chính chủ yếu có cấp kỹ thuật 60-70 (Km/h), tối thiểu 6 làn xe; đường phố chính thứ yếu có cấp kỹ thuật 50-60 (Km/h), tối thiểu 4 làn xe; đường phố gom (đường phố khu vực) có cấp kỹ thuật 40-50 (Km/h), tối thiểu 2 làn xe; đường phố nội bộ có cấp kỹ thuật 20-30 (Km/h), tối thiểu 1 làn xe.

e) Hệ thống đường xã

- Đến năm 2015: Tiếp tục nâng cấp các tuyến đường xã hiện có, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của các xã đạt tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới (55 xã) và đường đến các bản có điều kiện kinh tế - xã hội còn đặc biệt khó khăn (1.105 bản) được nâng cấp cứng hoá mặt đường trên 50%.

- Đến năm 2020: Nâng cấp đường xã (ưu tiên đường đến bản và đường giao thông nông thôn các xã để đạt theo tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới), quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại A, B mặt đường từng bước được cứng hóa. Nâng cấp đường xã quan trọng lên thành đường huyện, cải tuyến kéo dài đường xã qua những khu vực cần thiết.

- Huy động mọi nguồn lực, theo hình thức nhân dân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ vật tư chủ yếu và công kỹ thuật. 100% các tuyến đường xã sau khi xây dựng, nâng cấp được bảo trì.

f) Đường Tuần tra biên giới

Đường tuần tra biên giới Việt - Lào địa phận tỉnh Sơn La quy hoạch dài 662Km gồm đường dọc biên và đường xương cá. Đến hết năm 2011 dự kiến triển khai 6 dự án với chiều dài 206 Km và năm 2011 - 2015 tiếp tục triển khai 3 dự án với chiều dài 150Km xây dựng cơ bản đạt tiêu chuẩn đường từ giao thông nông loại A đến cấp VI miền núi. Đến năm 2020 hoàn thành theo quy hoạch.

g) Đường chuyên dùng

Xây dựng đường chuyên dùng đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông lâm nghiệp như sản xuất chè, cà phê, cao su, vùng nguyên liệu mía, chăn nuôi bò sữa) và phát triển công nghiệp như đầu tư xây dựng 54 thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn, thuỷ điện tích năng đông Phù Yên, thuỷ điện tích năng Liên Hoà Mộc Châu, đường chuyên dùng phục vụ 28 cụm công nghiệp và các mỏ khai thác chế biến khoáng sản. Phối hợp với các nhà đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo, kiên cố hoá đối với các tuyến đường chuyên dùng để phục vụ sản xuất của nhà đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

h) Hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải

Xây dựng 53 bến xe và 89 bãi đỗ xe tại các trung tâm huyện, thành phố và các trung tâm cụm xã trọng điểm. Xây dựng các điểm đón trả khách, tập kết hàng hoá theo hướng lồng ghép với các điểm bưu điện, văn hoá xã, trung tâm các xã dọc quốc lộ, tỉnh lộ (gồm 59 xã nằm dọc các quốc lộ và 37 xã nằm dọc theo các tỉnh lộ). Xây dựng 3 trạm dừng nghỉ tại thị trấn Mộc Châu, thị trấn Phù Yên và Mường Giôn; 01 trạm thu phí kết hợp trạm kiểm tra tải trọng xe trên QL6 tại Yên Châu và 01 trung tâm cứu hộ giao thông tại Cò Nòi.

2.2. Giao thông vận tải hàng không

a) Đến năm 2015: Cơ bản hoàn thành xây dựng mới đường băng cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, đường trục vào cảng, công trình phụ trợ... và đưa vào khai thác.

b) Đến năm 2020: Xây dựng hoàn thiện Cảng Hàng không Nà Sản theo quy hoạch được duyệt phục vụ khai thác nội địa.

2.3. Quy hoạch mạng lưới giao thông đường thuỷ: Mở rộng luồng tuyến, đầu tư hệ thống báo hiệu để khai thác vận tải thuỷ; xây dựng mới các cảng phục vụ vận chuyển thiết bị siêu trường - siêu trọng, khai thác có hiệu quả các cảng hiện có trên lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, phát triển thêm các cảng phục vụ vận tải trên lòng hồ thuỷ điện Sơn La và tham quan du lịch trên hồ Sông Đà; các bến chợ, các bến đò ngang tại các chợ đầu mối ven sông, các điểm tập trung hàng hoá.

a) Vùng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình và thuỷ điện Sơn La: Duy tu, lắp đặt hệ thống biển báo đường thuỷ nội địa hoàn chỉnh, tổ chức phát triển các tuyến vận tải hành khách hàng hoá và các tuyến du lịch sinh thái. Xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở đào tạo thuyền viên để cấp chứng chỉ chuyên môn và bằng thuyền trưởng hạng 3; cải tạo nâng cấp các cảng hiện có tại Vạn Yên, Tà Hộc, Tạ Bú; xây dựng mới 02 bến cảng bốc xếp hàng hoá tại Chiềng Hoa, Pá Uôn; 04 bến cảng chuyên dùng phục vụ khai thác chế biến khoáng sản tại Đá Đỏ, Tân Hợp, Tường Hạ, Suối Bàng; 02 cảng hành khách tại Tạ Bú, Pá Uôn và 19 bến khách ngang sông tại các trung tâm xã, cụm dân cư dọc sông. Nâng cao chất lượng công tác quản lý phương tiện và người lái phương tiện; tổ chức tốt các hình thức liên vận giữa giao thông đường bộ - đường thuỷ.

b) Sông Mã: Từng bước xây dựng, cải tạo kiên cố hoá một số bến đò ngang sông nằm tại các vị trí thuận lợi có lưu lượng lớn, các trung tâm xã, cụm dân cư dọc sông.

2.4. Quy hoạch vận tải đường bộ

- Vận dụng và đề xuất ban hành cơ chế, chính sách để quản lý và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực, đầu tư phương tiện có chất lượng cao.

- Nâng cao chất lượng các tuyến vận tải hiện có, mở các tuyến vận tải mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên các tuyến đến các vùng có tiềm năng sản xuất hàng hoá, dịch vụ, trung tâm xã trọng điểm.

- Phát triển hệ thống vận tải liên vận đường bộ - đường thuỷ - đường không.

2.5. Quy hoạch phát triển công nghiệp, đào tạo

- Đầu tư xây dựng Trung tâm đăng kiểm cơ giới thuỷ bộ tại thành phố Sơn La và thị trấn Mộc Châu. Phát triển mở rộng quy mô cơ sở đào tại lái xe các hạng tại thành phố Sơn La và xây dựng 01 cơ sở tại Mộc Châu phục vụ nhu cầu trong tỉnh và tỉnh bạn. Nâng cao năng lực Trung tâm sát hạch lái xe tại thành phố Sơn La.

- Phát triển các cơ sở đóng mới, sửa chữa, bảo hành phương tiện vận tải, trước mắt lắp ráp, bảo hành các phương tiện vận tải đường bộ, đóng mới các phương tiện vận tải thủy loại vừa và nhỏ phục vụ nhân dân. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, mở rộng kinh doanh, liên kết huy động vốn, chuyển giao công nghệ lắp ráp, sửa chữa phương tiện vận tải đường bộ, đường thuỷ và tham gia dịch vụ hỗ trợ vận tải.

2.6. Quĩ đất dành cho giao thông

Quỹ đất dành cho công trình giao thông bao gồm: đất xây dựng công trình; đất quản lý, bảo trì, bảo vệ và đất bảo đảm an toàn cho công trình giao thông. Tổng quỹ đất dành cho giao thông là 29.838 ha.

2.7. Đảm bảo an toàn giao thông

Kiềm chế tai nạn giao thông, phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải đảm bảo hành lang an toàn và được thẩm định về an toàn giao thông. Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, quản lý người điều khiển phương tiện vận tải, chất lượng kiểm định phương tiện cơ giới. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.

2.8. Bảo vệ môi trường

Thực hiện đánh giá môi trường từ khâu lập dự án đầu tư. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường trong các dự án xây dựng công trình và các cơ sở công nghiệp giao thông vận tải nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, máy móc thiết bị, công nghệ thi công nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Các công trình giao thông và phương tiện vận tải phải có tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng phù hợp với các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục và cưỡng chế thi hành pháp luật bảo vệ môi trường.

2.9. Nhu cầu vốn đầu tư: 44.237 tỷ đồng

Trong đó:

- Giai đoạn 2011 - 2015: 23.497 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020: 20.758 tỷ đồng.

3. Một số giải pháp, chính sách

3.1. Giải pháp, chính sách phát triển vận tải: Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng và vận tải phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Phát triển đa dạng các loại hình vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, đảm bảo chất lượng, nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, tiết kiệm chi phí xã hội.

3.2. Giải pháp, chính sách và dự kiến nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

a) Giải pháp, chính sách

- Tăng mức đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông bằng ngân sách nhà nước hàng năm đạt > 5% GDP. Huy động mạnh các nguồn lực, chú trọng nguồn nội lực, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là đầu tư theo hình thức BOT, BT, BTO… trong và ngoài nước.

- Tranh thủ các nguồn vốn các Bộ, ngành Trung ương và vốn ODA để đầu tư phát triển cở sở hạ tầng giao thông. Kết hợp chặt chẽ nguồn vốn của Trung ương, vốn của địa phương và vốn của các nhà đầu tư, tập trung ưu tiên các công trình trọng điểm, các công trình thuộc danh mục ưu tiên đầu tư.

- Triển khai thành lập Quỹ bảo trì và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trước hết là Quỹ bảo trì đường bộ. Thực hiện cam kết bảo trì cho các dự án đầu t­ư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông.

Giải pháp cụ thể:

- Đối với các công trình quốc gia trên địa bàn (bao gồm đường quốc lộ, sân bay, hồ sông Đà do Trung ương quản lý): do ngân sách Trung ương đầu tư.

- Đối với đường tuần tra biên giới: Do ngân sách Trung ương đầu tư.

- Đối với đường giao thông nội tỉnh:

+ Tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương (các chương trình mục tiêu quốc gia, Trái phiếu Chính phủ, di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La, ổn định dân cư Thuỷ điện Hoà Bình - Sơn La, xoá đói giảm nghèo...) và các nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế để đầu tư, bảo trì mạng lưới đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị và hỗ trợ xây dựng đường xã.

+ Huy động vốn đóng góp từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn như các nhà máy, khu - cụm công nghiệp, khu du lịch... để đầu tư các công trình giao thông chuyên dùng (đường, cảng, bến bãi chuyên dùng...).

+ Có cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các đô thị.

+ Những công trình có tính xã hội hoá cao (bến xe, bãi đỗ, trạm dừng nghỉ, các cơ sở đào tạo, dịch vụ hỗ trợ vận tải...): kêu gọi và huy động các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư.

+ Huy động nguồn lực trong dân để phát triển giao thông nông thôn: Đầu tư, bảo trì hệ thống đường xã thực hiện theo phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước có cơ chế hỗ trợ phần kinh phí và kết hợp vốn các chương trình dự án trên địa bàn để thực hiện. Tận dụng nguyên vật liệu địa phương để giảm chi phí.

b) Dự kiến nguồn vốn thực hiện: Tổng nhu cầu vốn là 44.237 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư của các bộ, ngành Trung ương 15.421 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 2.274 tỷ đồng; vốn dự án tái định cư thuỷ điện Sơn La 2.181 tỷ đồng; vốn dự án ổn định dân cư thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La 4.500 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ADB, WB, JBIC, JICA...) 7.700 tỷ đồng; vốn khác (các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế...) 12.161 tỷ đồng.

3.3. Giải pháp, chính sách phát triển công nghiệp giao thông vận tải: Khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghiệp giao thông vận tải mở rộng liên doanh, liên kết trong và ngoài nước để huy động vốn, chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và thực hiện lộ trình nội địa hóa. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng các nguồn tài chính, công nghệ, phương tiện kỹ thuật mới.

3.4. Giải pháp, chính sách về hội nhập và cạnh tranh quốc tế: Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại và phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước trong khu vực và thế giới. Ưu tiên vốn và nguồn lực để phát triển dịch vụ vận tải hiện đại đồng thời nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn dịch vụ để nâng cao sức cạnh tranh. Thực hiện các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức hợp tác quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.

3.5. Giải pháp đổi mới tổ chức quản lý, cải cách hành chính: Sắp xếp lại các đơn vị quản lý theo mô hình chức năng, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đổi mới quản lý hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải bằng phương pháp ứng dụng tin học và tiêu chuẩn quốc tế (ISO).

3.6. Giải pháp, chính sách áp dụng khoa học - công nghệ mới: Khuyến khích áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong đầu tư và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Hiện đại hóa phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ; áp dụng các công nghệ vận tải xếp dỡ tiên tiến. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và khai thác giao thông vận tải.

3.7. Giải pháp, chính sách phát triển nguồn nhân lực

- Mở rộng các hình thức đào tạo, đào tạo lại; xã hội hoá công tác đào tạo để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức và người lao động; áp dụng chế độ tuyển dụng công khai thông qua thi tuyển, thử việc. Có chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi đối với người lao động trong điều kiện lao động đặc thù của ngành giao thông vận tải, đặc biệt là công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông ở các vùng sâu, vùng xa, lao động nặng nhọc, nguy hiểm...

- Đầu tư tập trung nâng cao năng lực và trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, để nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Tăng cường sự phối hợp và gắn kết giữa các công ty sử dụng nguồn nhân lực với các cơ sở đào tạo, huấn luyện để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế và sử dụng hiệu quả nguồn nhận lực đã được đào tạo.

Điều 2. Hiệu lực thi hành: Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày HĐND tỉnh khoá XII thông qua.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Phê duyệt, công bố công khai quy hoạch và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch này.

- Căn cứ quy hoạch được duyệt, chỉ đạo lập thẩm định và phê duyệt các qui hoạch chi tiết và điều chỉnh bổ sung quy hoạch theo quy định của pháp luật.

2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường tuyên truyền và giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh khoá XII, kỳ họp thứ 15 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước;
- Vụ Công tác đại biểu - Văn phòng Quốc hội;
- Các bộ: Giao thông vận tải; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT Huyện uỷ, HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng UBND tỉnh;
- Lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng HĐND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh; Trung tâm Lưu trữ tỉnh;
- Lưu: VT. 240 bản.

CHỦ TỊCH




Thào Xuân Sùng

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 355/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 thông qua Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.013

DMCA.com Protection Status
IP: 3.12.34.150
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!