CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 170/2016/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 27
tháng 12 năm 2016
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH VỀ VIỆC CÔNG BỐ, TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ TRUYỀN PHÁT THÔNG TIN AN NINH HÀNG HẢI
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ Luật
hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Bộ Luật Quốc
tế về an ninh tàu biển và bến cảng ban hành kèm theo Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên
biển (sửa đổi, bổ sung năm 2002);
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc
công bố, tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh hàng hải.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
Nghị định này quy định về việc công bố, tiếp nhận,
xử lý và truyền phát thông tin an ninh hàng hải.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có
liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác các loại tàu biển, giàn di động,
cơ sở cảng sau đây:
1. Tàu biển Việt Nam hoạt động trên tuyến quốc tế
và tàu biển nước ngoài hoạt động tại các vùng biển Việt Nam và vùng nước cảng
biển (sau đây gọi chung là tàu biển), bao gồm: Tàu chở khách; tàu chở hàng có tổng
dung tích từ 500 trở lên.
2. Giàn di động hoạt động trên tuyến quốc tế.
3. Cơ sở cảng tiếp nhận các loại tàu biển quy định
tại khoản 1 và giàn di động quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Cơ sở cảng quy định tại Nghị định này bao gồm: Cảng
biển, cảng thủy nội địa tiếp nhận tàu biển nước ngoài, bến phao, cảng dầu khí
ngoài khơi, ụ nổi và kho chứa nổi tiếp nhận tàu biển vào hoạt động.
2. Sự cố an ninh hàng hải là bất kỳ hành động hoặc
tình huống khả nghi nào mà đe dọa đến an ninh của tàu biển, giàn di động hoặc
cơ sở cảng.
3. Cấp độ an ninh hàng hải là mức độ nguy hiểm của
một sự cố an ninh hàng hải sẽ xảy ra đối với tàu biển, giàn di động hoặc cơ sở
cảng.
Chương II
CẤP ĐỘ AN NINH HÀNG HẢI
Điều 4. Cấp độ an ninh hàng hải
Cấp độ an ninh hàng hải được phân chia thành 03 cấp,
gồm:
1. Cấp độ 1: Là cấp độ thông thường, yêu cầu áp dụng
các biện pháp an ninh tối thiểu trong Điều kiện hoạt động bình thường của tàu
biển, giàn di động hoặc cơ sở cảng.
2. Cấp độ 2: Là cấp độ cao, yêu cầu áp dụng các biện
pháp an ninh cao hơn trong thời gian có nguy cơ cao về sự cố an ninh đối với
tàu biển, giàn di động hoặc cơ sở cảng.
3. Cấp độ 3: Là cấp độ đặc biệt, yêu cầu áp dụng
các biện pháp an ninh đặc biệt trong thời gian có thể hoặc sắp xảy ra sự cố an
ninh đối với tàu biển, giàn di động hoặc cơ sở cảng.
Điều 5. Duy trì và thay đổi cấp
độ an ninh hàng hải
1. Cấp độ 1 được duy trì thường xuyên trên các tàu
biển Việt Nam, giàn di động và tại các cơ sở cảng Việt Nam.
2. Các cấp độ an ninh hàng hải có thể thay đổi theo
thứ tự từ cấp độ 1 lên cấp độ 2 và cấp độ 3 hoặc cũng có thể chuyển trực tiếp từ
cấp độ 1 lên cấp độ 3, tùy theo Điều kiện, hoàn cảnh thực tế.
3. Cấp độ 3 chỉ áp dụng trong thời gian có thông
tin đáng tin cậy, nhận biết rõ sự cố an ninh có thể hoặc sắp xảy ra đối với tàu
biển, giàn di động hoặc cơ sở cảng.
4. Việc thay đổi cấp độ an ninh hàng hải phải được
thực hiện theo công bố của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và được thông báo kịp
thời cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan theo quy định tại Nghị định
này và các quy định khác có liên quan của pháp Luật.
Điều 6. Cơ quan công bố, thay đổi
cấp độ an ninh hàng hải
1. Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển chịu trách nhiệm công bố
cấp độ hoặc thay đổi cấp độ an ninh hàng hải theo quy định tại Điều
4 và Điều 5 của Nghị định này.
2. Bộ Công an cung cấp các thông tin cần thiết cho
Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển để công bố cấp độ hoặc thay đổi cấp độ an ninh hàng hải
đối với cơ sở cảng.
Điều 7. Tiếp nhận, xử lý và
truyền phát thông tin về cấp độ an ninh hàng hải
Việc tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin về cấp
độ an ninh hàng hải được thực hiện theo quy trình như sau:
1. Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển có trách nhiệm thông
báo về cấp độ, sự thay đổi về cấp độ an ninh hàng hải cho Trung tâm Thông tin
an ninh hàng hải (sau đây viết tắt là Trung tâm).
2. Ngay sau khi nhận được các thông tin quy định tại
khoản 1 Điều này, Trung tâm phải chuyển tiếp các thông tin đó đến các tổ chức,
cá nhân sau:
a) Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa;
b) Cán bộ an ninh của chủ tàu;
c) Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia có liên quan,
đồng thời thông báo cho Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao (sau đây viết tắt là Cục
Lãnh sự).
Trong trường hợp Trung tâm không thể liên lạc được
với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà tàu biển hoặc giàn di động mang cờ quốc
tịch thì sẽ thông qua Cục Lãnh sự để thông báo cho các cơ quan có liên quan của
quốc gia đó biết.
3. Xử lý ngay sau khi nhận được thông tin do Trung
tâm truyền phát:
a) Các Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa
phải thông báo cho cán bộ an ninh của cơ sở cảng và tàu biển, giàn di động dự
kiến sẽ đến hoặc đang hoạt động tại cơ sở cảng thuộc khu vực quản lý, Bộ đội
Biên phòng cửa khẩu cảng hoặc Công an cửa khẩu cảng;
b) Cán bộ an ninh của chủ tàu phải thông báo cho sĩ
quan an ninh tàu biển do mình quản lý biết để áp dụng cấp độ an ninh hàng hải
cho tàu biển, giàn di động.
4. Các tàu biển, giàn di động và cơ sở cảng phải
triển khai kế hoạch an ninh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Chương III
TIẾP NHẬN, XỬ LÝ VÀ TRUYỀN
PHÁT THÔNG TIN AN NINH HÀNG HẢI
Điều 8. Trung tâm Thông tin an
ninh hàng hải
1. Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải là đơn vị sự
nghiệp công lập trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện chức năng là cơ
quan thường trực của Việt Nam tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh
hàng hải theo quy định của Nghị định này, Bộ Luật
quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng (sau đây viết tắt là Bộ Luật ISPS)
và các quy định khác có liên quan của pháp Luật.
2. Nhiệm vụ chủ yếu của Trung tâm, bao gồm:
a) Tiếp nhận thông tin về cấp độ, thay đổi cấp độ
an ninh hàng hải, thông tin an ninh hàng hải từ Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển và Bộ
Công an để truyền phát đến tàu biển, giàn di động, cơ sở cảng và các cơ quan có
liên quan khác của Việt Nam cũng như cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, khi
được yêu cầu;
b) Tiếp nhận thông tin an ninh hàng hải từ tàu biển,
giàn di động, cơ sở cảng hoặc từ cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, hoặc từ
tổ chức, cá nhân khác và thông báo kịp thời cho Bộ tư Lệnh Cảnh sát biển, Bộ
Công an và các cơ quan có liên quan khác của Việt Nam. Trường hợp tiếp nhận
thông tin từ tàu biển, giàn di động mang cờ quốc tịch nước ngoài phải thông báo
đến cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó;
c) Tiếp nhận thông tin an toàn hàng hải và phòng ngừa
ô nhiễm môi trường biển do hoạt động của tàu biển;
d) Thực hiện việc trao đổi thông tin liên quan đến
an ninh hàng hải giữa Việt Nam với các tổ chức an ninh hàng hải quốc tế;
đ) Tham gia diễn tập các tình huống sự cố an ninh
hàng hải, thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải với các cơ quan, doanh
nghiệp trong nước và các tổ chức phòng, chống khủng bố của nước ngoài theo quy
định;
e) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền và tổ chức có
liên quan thực hiện các công việc khác liên quan đến thông tin an ninh hàng hải;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ
Giao thông vận tải.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể
về tổ chức bộ máy và biên chế của Trung tâm.
4. Kinh phí hoạt động của Trung tâm do ngân sách
nhà nước bảo đảm.
Điều 9. Tiếp nhận, xử lý và
truyền phát thông tin an ninh hàng hải
1. Ngay sau khi nhận được thông tin “báo động an
ninh” từ tàu biển, giàn di động hoặc yêu cầu hỗ trợ bảo đảm an ninh từ tàu biển,
giàn di động đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam, từ cảng dầu khí ngoài khơi
hoặc từ cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà tàu biển, giàn di động mang cờ quốc
tịch, Trung tâm phải chuyển tiếp kịp thời đến Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển.
2. Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển phải xử lý ngay thông
tin vừa nhận được và kịp thời thông báo cho Trung tâm các biện pháp an ninh phù
hợp cần áp dụng đối với tàu biển, giàn di động đang hoạt động tại vùng biển Việt
Nam, tàu biển đang hoạt động tại cảng dầu khí ngoài khơi để Trung tâm truyền
phát những thông tin đó đến chủ tàu, chủ cơ sở cảng Việt Nam và cơ quan có thẩm
quyền của quốc gia mà tàu biển, giàn di động mang cờ quốc tịch nếu có yêu cầu,
đồng thời thông báo cho Cục Lãnh sự biết.
Trong trường hợp Trung tâm không thể liên lạc được
với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà tàu biển, giàn di động mang cờ quốc tịch
thì sẽ thông qua Cục Lãnh sự để thông báo cho các cơ quan có liên quan của quốc
gia đó biết.
3. Ngay sau khi nhận được thông tin có khả năng ảnh
hưởng đến an ninh cơ sở cảng trừ cảng dầu khí ngoài khơi, cơ sở cảng phải thông
báo ngay cho cơ quan công an tại địa phương để kịp thời xử lý, đồng thời thông
báo cho Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng hoặc Công an cửa khẩu cảng, Cảng vụ
hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa tại khu vực và Trung tâm biết để kịp thời
phối hợp xử lý.
4. Việc tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin
an ninh hàng hải giữa cán bộ an ninh của chủ tàu với chủ tàu, chủ cơ sở cảng và
các cơ quan liên quan được thực hiện theo Kế hoạch an ninh đã được cơ quan có
thẩm quyền phê duyệt.
Điều 10. Cơ chế phối hợp tiếp
nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh hàng hải
1. Việc tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin
an ninh hàng hải giữa Trung tâm, Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển, Bộ Công an và các cơ
quan có liên quan với các chủ cơ sở cảng, chủ tàu phải bảo đảm thông suốt 24/24
giờ trong ngày, kịp thời, chính xác, đúng quy định của pháp Luật về bảo mật, bằng
các phương thức phù hợp (điện thoại, fax, email, bưu chính). Địa chỉ liên lạc
thực hiện theo danh mục thông tin liên lạc an ninh hàng hải do Cục Hàng hải Việt
Nam thông báo.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện việc tiếp
nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh hàng hải, nếu liên quan đến chức
năng, nhiệm vụ của cơ quan khác thì hai bên có trách nhiệm chủ động trao đổi thống
nhất và phối hợp thực hiện.
3. Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển và Bộ Công an thông báo
cho Trung tâm và các cơ quan có liên quan (nếu có yêu cầu) biết kết quả xử lý
thông tin an ninh hàng hải.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN, ĐƠN VỊ LIÊN QUAN
Điều 11. Trách nhiệm của Bộ
Giao thông vận tải
1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị: Cục Hàng hải Việt
Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Trung tâm, Cảng vụ
hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực, chủ tàu, chủ cơ sở cảng tổ chức
thực hiện nhiệm vụ quy định tại Nghị định này, Bộ
Luật ISPS và các quy định khác có liên quan của pháp Luật.
2. Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp
với Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển và các cơ quan, đơn vị liên quan hàng năm tổ chức
diễn tập các tình huống sự cố an ninh hàng hải trong vùng nước của cơ sở cảng,
diễn tập kết nối thông tin an ninh hàng hải giữa Trung tâm với các tổ chức
phòng, chống khủng bố, các cơ quan, đơn vị trong nước cũng như nước ngoài.
3. Hướng dẫn việc xây dựng và phê duyệt Kế hoạch an
ninh tàu biển, giàn di động và cơ sở cảng theo quy định của Bộ Luật ISPS.
Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Quốc
phòng
1. Chỉ đạo Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển chủ trì, phối hợp
với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức diễn tập các tình huống sự cố an ninh
hàng hải trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
2. Chỉ đạo Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư Lệnh Bộ
đội Biên phòng phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan, tổ
chức diễn tập các tình huống sự cố an ninh hàng hải trong vùng nước của cơ sở cảng,
diễn tập kết nối thông tin an ninh hàng hải giữa Trung tâm với các cơ quan, đơn
vị có liên quan tại các cảng dầu khí ngoài khơi và trên tàu biển đang hoạt động
tại cảng dầu khí ngoài khơi.
Điều 13. Trách nhiệm của Bộ
Công an
1. Chỉ định và hướng dẫn các cơ quan và đơn vị trực
thuộc phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức huấn
luyện nghiệp vụ bảo đảm an ninh hàng hải cho cán bộ an ninh cơ sở cảng và phối
hợp tổ chức diễn tập các tình huống sự cố an ninh hàng hải trong vùng nước của
cơ sở cảng, diễn tập kết nối thông tin an ninh hàng hải giữa Trung tâm với các
cơ quan, đơn vị có liên quan tại các cơ sở cảng trừ cảng dầu khí ngoài khơi và
trên tàu biển, giàn di động đang hoạt động.
2. Công bố danh mục cơ quan công an tại địa phương
để phối hợp triển khai nội dung liên quan đến lĩnh vực an ninh hàng hải.
Điều 14. Trách nhiệm của Bộ
Tài chính
Bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước
hàng năm cho các bộ, ngành và các cơ quan liên quan thực hiện Nghị định này
theo quy định của pháp Luật về ngân sách nhà nước.
Điều 15. Trách nhiệm của Bộ
Ngoại giao
Chỉ đạo Cục Lãnh sự, các cơ quan đại diện ngoại
giao của Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại
trong việc tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin về cấp độ, thông tin an
ninh hàng hải liên quan đến tàu biển Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 16. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương có liên quan có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan,
đơn vị liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh
hàng hải.
Điều 17. Trách nhiệm của chủ
tàu biển Việt Nam, chủ cơ sở cảng và chủ giàn di động
1. Chủ tàu biển Việt Nam và chủ giàn di động có
trách nhiệm:
a) Phối hợp với Trung tâm và các cơ quan có liên
quan kịp thời xác minh thông tin an ninh hàng hải và tình trạng thực tế của
"báo động an ninh" phát ra từ tàu biển, giàn di động do cơ quan, đơn
vị mình quản lý, khai thác;
b) Bảo đảm thiết bị an ninh của tàu, giàn di động
được duy trì hoạt động 24/24 giờ trong ngày và chịu trách nhiệm trước pháp Luật
nếu để hệ thống báo động an ninh của tàu biển, giàn di động thuộc quyền quản
lý, khai thác phát "báo động an ninh" không đúng với tình trạng an
ninh thực tế, trừ trường hợp tàu biển đang được sửa chữa trên đà, ụ nổi.
2. Chủ tàu biển Việt Nam, chủ cơ sở cảng và chủ
giàn di động có trách nhiệm:
a) Cung cấp kịp thời cho Trung tâm địa chỉ liên lạc
của doanh nghiệp và danh sách cán bộ an ninh cơ sở cảng; danh sách cán bộ an
ninh của chủ tàu; danh sách cán bộ an ninh của giàn di động và danh sách tàu biển
do chủ tàu quản lý, khai thác; kịp thời cập nhật địa chỉ, danh sách khi có thay
đổi;
b) Cung cấp kịp thời, nhanh chóng và chính xác các thông
tin an ninh hàng hải cho Trung tâm và các cơ quan có liên quan; tổ chức diễn tập,
thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải và thử thiết bị “báo động an ninh”
theo quy định;
c) Thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định này,
Bộ Luật ISPS và các quy định khác có liên
quan của pháp Luật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 7 năm 2017.
2. Bãi bỏ Quyết định số 125/2004/QĐ-TTg ngày 09
tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố, tiếp nhận, truyền
phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải và Quyết định số 11/2009/QĐ-TTg ngày
16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của
Quyết định số 125/2004/QĐ-TTg về việc công bố, tiếp nhận, truyền phát và xử lý
thông tin an ninh hàng hải.
Điều 19. Tổ chức thực hiện
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, CN (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|