CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
167/1999/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 11 năm 1999
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 167/1999/NĐ-CP NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 1999 VỀ
TỔ CHỨC QUẢN LÝ ĐƯỜNG BỘ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 20 tháng 3 năm 1996;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông ngày 02 tháng 12 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
1. Nghị định
này quy định về phân loại đường bộ, vốn đầu tư đường bộ và phân cấp quản lý đường
bộ.
2. Đường bộ nêu trong Nghị định
này là kết cấu hạ tầng của giao thông vận tải phục vụ cho việc đi lại của người
và các loại phương tiện giao thông đường bộ.
Điều 2.
Các hệ thống đường bộ trong cả nước là một mạng lưới liên hoàn do Nhà nước thống
nhất quản lý, không phân biệt đường bộ được xây dựng bằng nguồn vốn nào.
Điều 3.
Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, kể cả người Việt Nam định
cư ở nước ngoài có đầu tư vốn xây dựng, quản lý, sửa chữa và khai thác hệ thống
đường bộ ở Việt Nam đều phải tuân theo các quy định của Nghị định này và pháp
luật có liên quan.
Điều 4.
Mọi tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, kể cả người Việt Nam định cư ở
nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đều
có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn các hệ thống đường bộ, chấp hành nghiêm chỉnh
các quy định về quản lý và khai thác hệ thống đường bộ.
Chương 2:
QUẢN LÝ ĐƯỜNG BỘ
Điều 5.
Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện chức
năng quản lý nhà nước về đường bộ trong phạm vi cả nước, bao gồm các nội dung
sau:
1. Xây dựng chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch phát triển hệ thống đường bộ trong cả nước phục vụ cho sự phát triển
kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước; chỉ
đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát
triển mạng lưới đường bộ của địa phương phù hợp với quy hoạch, kế hoạch chung về
phát triển mạng lưới đường bộ của cả nước;
2. Xây dựng trình Chính phủ ban
hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn
và định mức kinh tế kỹ thuật và các quy định khác về quản lý đường bộ;
3. Trình Chính phủ phê duyệt hoặc
phê duyệt theo thẩm quyền những công trình, dự án đầu tư xây dựng đường bộ theo
quy định về quản lý đầu tư và xây dựng;
4. Thanh tra, kiểm tra việc thực
hiện các quy định của pháp luật về quản lý đường bộ và chất lượng các công
trình đường bộ trong phạm vi cả nước.
Điều 6.
Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý đường bộ, bao gồm các nội dung
sau:
1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch
phát triển đường bộ của địa phương phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã
hội, an ninh quốc phòng ở địa phương và theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ
Giao thông vận tải về chiến lược, quy hoạch phát triển chung của mạng lưới đường
bộ trong cả nước;
2. Tổ chức quản lý và bảo vệ các
hệ thống đường bộ của địa phương, bảo vệ hệ thống đường bộ qua địa phương theo
quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan hữu quan để thống nhất xây dựng
kế hoạch phát triển, cải tạo các công trình ngầm ở những nơi có đường bộ đi
qua;
3. Tuyên truyền, giáo dục và kiểm
tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đường bộ trong phạm vi quản lý của
địa phương;
4. Chỉ đạo các tổ chức chuyên
ngành có chức năng quản lý nhà nước về đường bộ trong phạm vi địa phương theo
đúng các quy định của pháp luật và hướng dẫn chuyên ngành của Bộ Giao thông vận
tải.
Điều 7.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với
Bộ Giao thông vận tải trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đường
bộ.
Chương 3:
PHÂN LOẠI ĐƯỜNG BỘ
Điều 8.
Mạng lưới đường bộ được phân chia thành 6 hệ thống sau đây:
1. Hệ thống quốc lộ (ký hiệu là
QL) là các đường trục chính của mạng lưới đường bộ toàn quốc có tác dụng đặc biệt
quan trọng phục vụ lợi ích kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc
phòng của đất nước bao gồm:
a) Đường nối liền Thủ đô Hà Nội
tới các thành phố trực thuộc Trung ương, tới trung tâm hành chính của các tỉnh;
b) Đường từ trục chính đến các cửa
khẩu quốc tế và cửa khẩu chính (bao gồm cả cảng quốc gia), đến các khu công
nghiệp lớn;
c) Đường trục nối liền trung tâm
hành chính của nhiều tỉnh (từ 03 tỉnh trở lên) có ý nghĩa quan trọng về các mặt
kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng đối với từng vùng.
2. Hệ thống đường tỉnh (ký hiệu
là ĐT) là các đường trục trong địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) bao gồm các đường nối từ thành phố hoặc trung
tâm hành chính của tỉnh tới trung tâm hành chính của huyện và các đường trục nối
trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của các tỉnh lân cận.
3. Hệ thống đường huyện (ký hiệu
là ĐH) là các đường nối từ trung tâm hành chính huyện tới trung tâm hành chính
của xã hoặc cụm các xã của huyện và các đường nối trung tâm hành chính huyện với
trung tâm hành chính của các huyện lân cận.
4. Hệ thống đường xã (ký hiệu là
ĐX) là các đường nối từ trung tâm hành chính xã đến các thôn, xóm hoặc các đường
nối giữa các xã với nhau nhằm phục vụ giao thông công cộng trong phạm vi xã.
5. Hệ thống đường đô thị (ký hiệu
là ĐĐT) là các đường giao thông nằm trong nội đô, nội thị thuộc phạm vi địa giới
hành chính của thành phố, thị xã, thị trấn.
6. Hệ thống đường chuyên dùng
(ký hiệu là ĐCD) là các đường nội bộ hoặc đường chuyên phục vụ cho nhu cầu vận
chuyển và đi lại của một hoặc nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tư nhân.
Điều 9.
Thẩm quyền quyết định phân loại các hệ thống đường bộ được quy định như sau:
1. Hệ thống quốc lộ do Bộ trưởng
Bộ Giao thông vận tải quyết định.
2. Hệ thống đường tỉnh do Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh)
quyết định sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải.
3. Hệ thống đường đô thị do Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản
của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
4. Hệ thống đường huyện do Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
5. Hệ thống đường xã do Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định.
6. Hệ thống đường chuyên dùng do
tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng quyết định sau khi có ý kiến thỏa thuận bằng
văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sở tại.
Việc điều chỉnh hệ thống đường
chuyên dùng thành một trong 5 hệ thống đường nói trên được thực hiện theo thẩm
quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 của Điều này.
Sau khi quyết định phân loại hệ
thống đường tỉnh, đường huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải; sau khi quyết định phân loại hệ thống đường xã,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Chương 4:
TỔ CHỨC VÀ PHÂN CẤP QUẢN
LÝ ĐƯỜNG BỘ
Điều 10.
Cơ quan quản lý đường bộ ở Trung ương
Bộ Giao thông vận tải thống nhất
quản lý nhà nước về đường bộ trong phạm vi cả nước; trực tiếp quản lý hệ thống
quốc lộ. Cục Đường bộ Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ trực tiếp
quản lý các đoạn tuyến quốc lộ; trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao cho
các Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý một số đoạn tuyến, tuyến quốc lộ.
Điều 11.
Cơ quan quản lý đường bộ ở địa phương
1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản
lý các hệ thống đường bộ địa phương theo quy định của pháp luật; trực tiếp tổ
chức quản lý các hệ thống đường tỉnh, đường đô thị. Sở Giao thông vận tải trực
tiếp quản lý các đoạn tuyến quốc lộ mà Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh và các tuyến (hoặc đoạn) đường đô thị, đường tỉnh quan trọng;
trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao cho các huyện quản lý số đường tỉnh,
đường đô thị còn lại.
2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản
lý đối với đường trong phạm vi huyện. Cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp
huyện được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý các đường tỉnh và đường đô thị được
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao; quản lý hệ thống đường huyện.
3. Uỷ ban nhân dân xã quản lý đường
xã trong phạm vi xã.
Điều 12.
1. Cơ
quan, tổ chức, cá nhân trước khi xây dựng đường chuyên dùng phải được phép của
các cơ quan có thẩm quyền và phải đăng ký đường tại Sở Giao thông vận tải sở tại;
việc quản lý, khai thác phải theo quy định và hướng dẫn của cơ quan quản lý
chuyên ngành.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân
trong nước và nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam được phép đầu tư xây dựng đường bộ theo hình thức hợp đồng Xây dựng -
Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) tổ chức quản lý, khai thác đường theo quy định
và hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Chương 5:
VỐN ĐẦU TƯ ĐƯỜNG BỘ
Điều 13.
Vốn đầu tư đường bộ gồm:
Vốn đầu tư xây dựng mới, khôi phục,
cải tạo và nâng cấp đường bộ;
Vốn quản lý và sửa chữa đường bộ.
Việc quản lý vốn đầu tư đường bộ
thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 14.
Nguồn vốn để đầu tư đường bộ
1. Vốn đầu tư đường bộ đối với hệ
thống quốc lộ được bố trí từ ngân sách Trung ương và từ các nguồn vốn khác.
2. Vốn đầu tư đường bộ đối với hệ
thống đường tỉnh, đường huyện chủ yếu bố trí từ nguồn vốn của ngân sách địa
phương và từ các nguồn vốn khác.
3. Vốn đầu tư đường bộ đối với hệ
thống đường xã chủ yếu huy động từ sự đóng góp tài, lực của nhân dân địa
phương, của ngân sách xã và một phần hỗ trợ của ngân sách cấp trên và từ các
nguồn vốn khác.
Điều 15.
Vốn cho quản lý và sửa chữa đường bộ được sử dụng vào các công việc sau đây:
1. Quản lý và sửa chữa thường
xuyên;
2. Sửa chữa định kỳ;
3. Sửa chữa đột xuất.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất
với Bộ Tài chính để quy định cụ thể việc quản lý vốn đầu tư cho công tác quản
lý và sửa chữa đường bộ trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 16.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nguồn vốn ngân
sách Nhà nước cho đầu tư xây dựng mới, khôi phục, cải tạo và nâng cấp hệ thống
đường bộ địa phương, đồng thời gửi cho Bộ Giao thông vận tải biết.
Điều 17.
Bộ Tài chính thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nguồn kinh phí của Nhà nước
đầu tư cho việc quản lý và sửa chữa các hệ thống đường địa phương, đồng thời gửi
cho Bộ Giao thông vận tải biết.
Điều 18.
Vốn đầu tư công trình đường bộ theo các hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh
doanh - Chuyển giao (BOT) và Xây dựng - Chuyển giao (BT) thực hiện theo quy định
hiện hành của Nhà nước.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19.
Nghị định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Các quy định trước đây trái với
Nghị định này đều bị bãi bỏ.
Điều 20.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Điều 21.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính
phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm thi hành Nghị định này.