Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 số 66/2006/QH11 áp dụng 2024

Số hiệu: 66/2006/QH11 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Phú Trọng
Ngày ban hành: 29/06/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 66/2006/QH11

Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2006

 

LUẬT

HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Luật này quy định về hàng không dân dụng.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về hoạt động hàng không dân dụng, bao gồm các quy định về tàu bay, cảng hàng không, sân bay, nhân viên hàng không, hoạt động bay, vận chuyển hàng không, an ninh hàng không, trách nhiệm dân sự, hoạt động hàng không chung và các hoạt động khác có liên quan đến hàng không dân dụng.

2. Luật này không quy định về hoạt động của tàu bay công vụ, bao gồm tàu bay quân sự, tàu bay chuyên dụng của lực lượng hải quan, công an và các tàu bay khác sử dụng cho mục đích công vụ nhà nước, trừ trường hợp tàu bay công vụ được dùng vào mục đích dân dụng hoặc những trường hợp khác được Luật hàng không dân dụng Việt Nam quy định.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động hàng không dân dụng ở nước ngoài, nếu pháp luật của nước ngoài không có quy định khác.

3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động hàng không dân dụng ở vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

Vùng thông báo bay là khu vực trên không có kích thước xác định mà tại đó dịch vụ thông báo bay và dịch vụ báo động được cung cấp.

Điều 3. Áp dụng pháp luật

1. Đối với những quan hệ xã hội phát sinh từ hoạt động hàng không dân dụng không được Luật này điều chỉnh thì áp dụng các quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam.

2. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật này.

3. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật

1. Pháp luật của quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay được áp dụng đối với quan hệ xã hội phát sinh trong tàu bay đang bay và áp dụng để xác định các quyền đối với tàu bay.

2. Pháp luật của quốc gia nơi ký kết hợp đồng liên quan đến các quyền đối với tàu bay được áp dụng để xác định hình thức của hợp đồng.

3. Pháp luật của quốc gia nơi thực hiện việc cứu hộ hoặc giữ gìn tàu bay được áp dụng đối với việc trả tiền công cứu hộ hoặc giữ gìn tàu bay đó.

4. Pháp luật của quốc gia nơi xảy ra tai nạn do tàu bay va chạm hoặc gây cản trở nhau, do tàu bay đang bay gây thiệt hại cho người thứ ba ở mặt đất được áp dụng đối với việc bồi thường thiệt hại.

Điều 5. Nguyên tắc hoạt động hàng không dân dụng

1. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh và khai thác có hiệu quả tiềm năng về hàng không phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải; phát triển đồng bộ cảng hàng không, sân bay, hoạt động bay, phương tiện vận tải và các nguồn lực khác; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

3. Cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng.

4. Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Điều 6. Chính sách phát triển hàng không dân dụng

1. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng hàng không, sân bay, các công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng hàng không dân dụng để bảo đảm giao thông vận tải bằng đường hàng không phát triển an toàn, hiệu quả và đồng bộ.

2. Nhà nước tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

3. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để các hãng hàng không Việt Nam cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không, khai thác đường bay đến các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

4. Nhà nước khuyến khích việc nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển hoạt động hàng không dân dụng.

5. Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng.

Điều 7. Bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng

1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hàng không dân dụng phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Tàu bay, trang bị, thiết bị bảo đảm hoạt động bay; trang bị, thiết bị cảng hàng không, sân bay và các trang bị, thiết bị kỹ thuật mặt đất khác phải đáp ứng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và được kiểm tra để phòng ngừa và xử lý kịp thời các ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Điều 8. Nội dung quản lý nhà nước về hàng không dân dụng

1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy trình về hàng không dân dụng.

2. Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển ngành hàng không dân dụng.

3. Quản lý về hoạt động bay dân dụng trong lãnh thổ Việt Nam và ở vùng thông báo bay, hệ thống kỹ thuật, trang bị, thiết bị bảo đảm hoạt động bay.

4. Quy hoạch, quản lý việc tổ chức khai thác cảng hàng không, sân bay; chủ trì, phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và của các tổ chức khác tại cảng hàng không, sân bay.

5. Quản lý hoạt động vận chuyển hàng không.

6. Đăng ký tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay.

7. Quản lý việc thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng, xuất khẩu, nhập khẩu tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay, trang bị, thiết bị của tàu bay và các trang bị, thiết bị, vật tư khác phục vụ hoạt động hàng không dân dụng.

8. Cấp, công nhận chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận và các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng.

9. Quản lý việc bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng; tổ chức và bảo đảm an ninh, an toàn các chuyến bay chuyên cơ, các chuyến bay đặc biệt.

10. Quản lý hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và điều tra sự cố, tai nạn tàu bay.

11. Hợp tác quốc tế về hàng không dân dụng.

12. Quản lý việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của ngành hàng không dân dụng.

13. Quản lý hoạt động khoa học, công nghệ trong lĩnh vực hàng không dân dụng; bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng.

14. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động hàng không dân dụng.

Điều 9. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hàng không dân dụng

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hàng không dân dụng.

2. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng.

3. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm quản lý và bảo vệ vùng trời Việt Nam; giám sát hoạt động bay dân dụng; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc tổ chức và sử dụng vùng trời phục vụ hoạt động hàng không dân dụng.

4. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng theo quy định của Chính phủ.

5. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng tại địa phương.

Điều 10. Thanh tra hàng không

1. Thanh tra hàng không thuộc Thanh tra Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về hàng không dân dụng.

2. Thanh tra hàng không có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Thanh tra việc tuân thủ các quy định về giấy tờ, tài liệu, chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng; tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm an toàn kỹ thuật và điều kiện đối với tàu bay, trang bị, thiết bị phục vụ tàu bay, cảng hàng không, sân bay, bảo đảm hoạt động bay và các lĩnh vực khác của hoạt động hàng không dân dụng;

b) Đình chỉ hoạt động của tổ chức, cá nhân và phương tiện vi phạm quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật an toàn hàng không, an ninh hàng không;

c) Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

d) Tạm giữ tàu bay;

đ) Phối hợp với Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan hữu quan ở địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hàng không dân dụng;

e) Kiến nghị áp dụng các biện pháp xử lý và khắc phục những vi phạm trong hoạt động hàng không dân dụng.

3. Thanh tra hàng không được trang bị đồng phục, phù hiệu và phương tiện cần thiết.

4. Tổ chức và hoạt động của Thanh tra hàng không thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về thanh tra.

Điều 11. Phí, lệ phí và giá dịch vụ hàng không

1. Phí, lệ phí và giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Phí bay qua vùng trời, phí nhượng quyền khai thác và phí khác theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí;

b) Lệ phí cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng;

c) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh; phục vụ hành khách;

d) Giá dịch vụ khác tại cảng hàng không, sân bay.

2. Bộ Tài chính quy định mức phí, lệ phí và giá dịch vụ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

3. Doanh nghiệp quyết định các loại giá quy định tại điểm d khoản 1 Điều này trong khung giá do Bộ Tài chính quy định theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng không dân dụng

1. Các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

a) Sử dụng tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và các trang bị, thiết bị hàng không mà không có giấy phép phù hợp;

b) Thực hiện nhiệm vụ của nhân viên hàng không mà không có giấy phép, chứng chỉ phù hợp;

c) Thả thiết bị, vật dụng hoặc các vật thể khác vào không trung gây ảnh hưởng đến an toàn bay, môi trường và dân sinh;

d) Bay vào khu vực hạn chế bay, khu vực cấm bay trái quy định;

đ) Gây nhiễu, chiếm dụng, khai thác trùng lắp các tần số vô tuyến điện dành riêng cho hoạt động hàng không dân dụng;

e) Làm hư hỏng hệ thống tín hiệu, trang bị, thiết bị, đài, trạm thông tin, điều hành bay, các trang bị, thiết bị khác tại cảng hàng không, sân bay hoặc điều khiển, đưa các phương tiện mặt đất không đáp ứng điều kiện kỹ thuật vào khai thác tại khu bay;

g) Xây dựng công trình kiến trúc, lắp đặt trang bị, thiết bị, trồng cây có khả năng gây ảnh hưởng đến hoạt động bay và hoạt động của các trang bị, thiết bị quản lý vùng trời, quản lý hoạt động bay;

h) Xây dựng trong khu vực cảng hàng không, sân bay, khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay các công trình hoặc lắp đặt các trang bị, thiết bị gây ra nhiều khói, bụi, lửa, khí thải hoặc xây dựng trường bắn hoặc các công trình, lắp đặt các trang bị, thiết bị khác có khả năng ảnh hưởng đến an toàn bay, hoạt động của các trang bị, thiết bị tại cảng hàng không, sân bay;

i) Lắp đặt, sử dụng trong khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay các loại đèn, ký hiệu, tín hiệu hoặc các vật thể ảnh hưởng đến việc tàu bay cất cánh, hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay hoặc việc nhận biết cảng hàng không, sân bay;

k) Nuôi, thả chim, gia súc, gia cầm trong khu vực cảng hàng không, sân bay;

l) Can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng;

m) Đưa vũ khí, chất cháy, chất nổ, các vật phẩm nguy hiểm khác lên tàu bay, vào cảng hàng không, sân bay và các khu vực hạn chế khác trái quy định;

n) Phá hủy, gây hư hại, làm biến dạng, di chuyển vật đánh dấu, vật ngăn cách, vật ghi tín hiệu, vật bảo vệ tại cảng hàng không, sân bay; làm hư hại các ký hiệu, thiết bị nhận biết cảng hàng không, sân bay;

o) Đe dọa, uy hiếp an toàn bay, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác trong tàu bay;

p) Cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm khác.

2. Quy định tại điểm c và điểm đ khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với tàu bay công vụ.

Chương 2.

TÀU BAY

MỤC 1. QUỐC TỊCH TÀU BAY

Điều 13. Đăng ký quốc tịch tàu bay

1. Tàu bay là thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí, bao gồm máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác, trừ thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí phản lại từ bề mặt trái đất.

2. Tàu bay đăng ký mang quốc tịch Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chưa có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào hoặc đã xóa quốc tịch nước ngoài;

b) Có giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu bay;

c) Phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc công nhận.

3. Tàu bay đang trong giai đoạn chế tạo, lắp ráp hoặc thử nghiệm tại Việt Nam được tạm thời đăng ký mang quốc tịch Việt Nam nếu đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.

4. Tàu bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam và do tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác phải đăng ký mang quốc tịch Việt Nam, trong trường hợp là cá nhân thì cá nhân phải thường trú tại Việt Nam.

5. Tàu bay thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài do tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê theo hình thức thuê không có tổ bay, thuê mua được đăng ký mang quốc tịch Việt Nam theo quy định của Chính phủ.

6. Sổ đăng bạ tàu bay ViệtNam được mở công khai và ghi các thông tin về đăng ký quốc tịch tàu bay. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu được cấp trích lục hoặc bản sao từ Sổ đăng bạ tàu bay ViệtNam và phải nộp lệ phí.

7. Tàu bay mang quốc tịch Việt Nam từ thời điểm ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay.

8. Người đề nghị đăng ký tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải nộp lệ phí.

Điều 14. Xoá đăng ký quốc tịch tàu bay

Tàu bay bị xoá đăng ký quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp sau đây:

1. Bị tuyên bố mất tích theo quy định tại khoản 3 Điều 103 của Luật này;

2. Hư hỏng nặng không còn khả năng sửa chữa, phục hồi;

3. Không còn đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này;

4. Theo đề nghị của người đăng ký tàu bay.

Điều 15. Dấu hiệu quốc tịch, dấu hiệu đăng ký của tàu bay

Khi hoạt động, tàu bay phải được sơn hoặc gắn dấu hiệu quốc tịch, dấu hiệu đăng ký phù hợp với pháp luật của quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay.

Điều 16. Quy định chi tiết về quốc tịch tàu bay

Trình tự, thủ tục đăng ký, xoá đăng ký quốc tịch ViệtNam của tàu bay do Chính phủ quy định.

MỤC 2. TIÊU CHUẨN ĐỦ ĐIỀU KIỆN BAY

Điều 17. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay

1. Tàu bay chỉ được phép khai thác trong vùng trời Việt Nam khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay còn hiệu lực do Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận.

2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay được cấp khi tàu bay có đủ các điều kiện sau đây:

a) Tàu bay phù hợp với Giấy chứng nhận loại tương ứng;

b) Có đầy đủ trang bị, thiết bị bảo đảm an toàn;

c) Được khai thác, bảo dưỡng theo đúng chế độ quy định;

d) Ở trạng thái phù hợp với mục đích khai thác dự kiến.

3. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay phải nộp lệ phí.

4. Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay của tàu bay mang quốc tịch nước ngoài được công nhận với điều kiện việc cấp giấy chứng nhận đó phù hợp với tiêu chuẩn mà Việt Nam quy định hoặc công nhận.

Điều 18. Giấy chứng nhận loại

1. Giấy chứng nhận loại được cấp hoặc công nhận nếu thiết kế của tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay đáp ứng tiêu chuẩn đủ điều kiện bay mà Việt Nam quy định hoặc được công nhận.

2. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận loại phải nộp lệ phí.

3. Tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay khi sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu vào Việt Nam phải phù hợp với Giấy chứng nhận loại tương ứng do Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận.

Điều 19. Điều kiện nhập khẩu, xuất khẩu tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và phụ tùng tàu bay

1. Tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay khi xuất khẩu phải được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu phải nộp lệ phí.

2. Việc xuất khẩu, nhập khẩu tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và phụ tùng tàu bay phải bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, an ninh quốc gia, phù hợp với nhu cầu khai thác kinh doanh.

Tuổi tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam do Chính phủ quy định.

3. Tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và phụ tùng tàu bay nhập khẩu với mục đích làm đồ dùng học tập và các mục đích phi hàng không khác không được sử dụng vào hoạt động hàng không dân dụng.

Điều 20. Thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay

1. Việc thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay tại Việt Nam phải bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Cơ sở thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay tại Việt Nam phải có giấy phép do Bộ Giao thông vận tải cấp. Người đề nghị cấp giấy phép phải nộp lệ phí.

3. Tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay mang quốc tịch Việt Nam chỉ được bảo dưỡng tại cơ sở bảo dưỡng và theo chương trình bảo dưỡng đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Điều 21. Quy định chi tiết về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; thủ tục cấp, công nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay, Giấy chứng nhận loại; tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho các cơ sở thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay.

MỤC 3. KHAI THÁC TÀU BAY

Điều 22. Người khai thác tàu bay

1. Người khai thác tàu bay là tổ chức, cá nhân tham gia khai thác tàu bay.

2. Người khai thác tàu bay là tổ chức được khai thác tàu bay vì mục đích thương mại khi được Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay.

Người khai thác tàu bay là cá nhân không được phép khai thác tàu bay vì mục đích thương mại.

Điều 23. Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay

1. Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay được cấp cho tổ chức để chứng nhận việc đáp ứng điều kiện khai thác an toàn đối với loại tàu bay và loại hình khai thác quy định.

2. Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có tổ chức bộ máy khai thác; phương thức điều hành và giám sát khai thác tàu bay phù hợp;

b) Có đội ngũ nhân viên được đào tạo và có giấy phép, chứng chỉ phù hợp;

c) Có chương trình huấn luyện nghiệp vụ, chương trình bảo dưỡng tàu bay phù hợp với tính chất và quy mô khai thác;

d) Có tàu bay, trang bị, thiết bị bảo đảm khai thác an toàn;

đ) Có đầy đủ tài liệu hướng dẫn khai thác.

3. Tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay phải nộp lệ phí.

Điều 24. Trách nhiệm của người khai thác tàu bay

1. Duy trì hệ thống quản lý đủ khả năng kiểm tra và giám sát khai thác tàu bay an toàn.

2. Thực hiện quy định của tài liệu hướng dẫn khai thác.

3. Bảo đảm các phương tiện và dịch vụ mặt đất để khai thác tàu bay an toàn.

4. Bảo đảm mỗi tàu bay khi khai thác có đủ thành viên tổ bay được huấn luyện thành thạo cho các loại hình khai thác.

5. Tuân thủ các yêu cầu về bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay.

6. Thực hiện đúng quy định trong Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay, kể cả trong trường hợp sử dụng dịch vụ và nhân lực theo hợp đồng hỗ trợ khai thác, bảo dưỡng tàu bay.

7. Tuân thủ các quy định khác về khai thác tàu bay.

Điều 25. Giấy tờ, tài liệu mang theo tàu bay

1. Khi khai thác, tàu bay mang quốc tịch Việt Nam phải có các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay;

b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay;

c) Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay;

d) Giấy phép, chứng chỉ phù hợp của thành viên tổ bay;

đ) Nhật ký bay;

e) Giấy phép sử dụng thiết bị vô tuyến điện trên tàu bay, nếu được lắp đặt;

g) Tài liệu hướng dẫn bay dành cho tổ lái;

h) Danh sách hành khách trong trường hợp vận chuyển hành khách;

i) Bản kê khai hàng hóa trong trường hợp vận chuyển hàng hóa;

k) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự;

l) Tài liệu hướng dẫn khai thác tàu bay.

2. Giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này phải là bản chính, trừ Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay.

3. Giấy tờ, tài liệu mang theo tàu bay mang quốc tịch nước ngoài thực hiện các chuyến bay đến và đi từ Việt Nam phải phù hợp với quy định của pháp luật quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay.

Điều 26. Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với tàu bay và động cơ tàu bay

Tàu bay khi khai thác phải tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với tàu bay và động cơ tàu bay.

Điều 27. Quy định chi tiết về khai thác tàu bay

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc hướng dẫn khai thác tàu bay, điều kiện, thủ tục và trình tự cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay, Giấy phép sử dụng thiết bị vô tuyến điện trên tàu bay; yêu cầu bảo vệ môi trường đối với tàu bay và động cơ tàu bay.

MỤC 4. QUYỀN ĐỐI VỚI TÀU BAY

Điều 28. Các quyền đối với tàu bay

1. Các quyền đối với tàu bay bao gồm:

a) Quyền sở hữu tàu bay;

b) Quyền chiếm hữu tàu bay bằng việc thuê mua, thuê có thời hạn từ sáu tháng trở lên;

c) Thế chấp, cầm cố tàu bay;

d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Các quyền đối với tàu bay quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm quyền đối với thân, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay, trang bị, thiết bị vô tuyến điện của tàu bay và các trang bị, thiết bị khác được sử dụng trên tàu bay đó không phụ thuộc vào việc đã lắp đặt trên tàu bay hoặc tạm thời tháo khỏi tàu bay.

Điều 29. Đăng ký các quyền đối với tàu bay

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có các quyền đối với tàu bay quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này phải đăng ký các quyền đó theo quy định của Chính phủ.

2. Người đề nghị đăng ký các quyền đối với tàu bay phải nộp lệ phí.

3. Các vấn đề liên quan đến các quyền đã đăng ký của cùng một tàu bay phải được ghi trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.

Việc đăng ký các quyền đối với tàu bay quy định tại khoản 1 Điều này có hiệu lực từ thời điểm được cơ quan đăng ký ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.

4. Việc chuyển đăng ký các quyền đối với tàu bay từ Việt Nam ra nước ngoài phải được sự đồng ý của những người có các quyền đó, trừ trường hợp tàu bay bị bán để thi hành bản án, quyết định của Toà án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 30. Chuyển quyền sở hữu tàu bay

1. Việc chuyển quyền sở hữu tàu bay phải được lập thành văn bản và có hiệu lực từ thời điểm được ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.

2. Việc chuyển quyền sở hữu tàu bay không làm mất quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay, trừ trường hợp tàu bay bị bán để thi hành bản án, quyết định của Toà án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 31. Doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý, khai thác tàu bay

Doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý, khai thác tàu bay thuộc sở hữu nhà nước có quyền, nghĩa vụ như chủ sở hữu tàu bay theo quy định của Luật này và pháp luật về doanh nghiệp.

Điều 32. Thế chấp tàu bay

1. Người thế chấp tàu bay giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay của tàu bay thế chấp.

2. Thế chấp tàu bay thuộc sở hữu chung phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các đồng chủ sở hữu, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Trong trường hợp một tàu bay là tài sản thế chấp cho nhiều chủ nợ thì thứ tự thế chấp được xác định theo thời gian đăng ký thế chấp.

4. Sau khi các khoản nợ ưu tiên đã được thanh toán, những chủ nợ đã được đăng ký thế chấp được trả nợ theo thứ tự đăng ký.

5. Tàu bay đang thế chấp không được chuyển quyền sở hữu, trừ trường hợp có sự đồng ý của người nhận thế chấp.

6. Đăng ký thế chấp tàu bay bị xoá trong các trường hợp sau đây:

a) Nghĩa vụ được bảo đảm đã chấm dứt;

b) Hợp đồng thế chấp tàu bay bị huỷ bỏ;

c) Tàu bay là tài sản thế chấp đã được xử lý;

d) Có bản án, quyết định của Toà án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật về việc huỷ bỏ thế chấp tàu bay hoặc tuyên bố hợp đồng thế chấp tàu bay vô hiệu;

đ) Theo đề nghị của người nhận thế chấp tàu bay.

7. Trong trường hợp tàu bay thế chấp bị mất tích hoặc hư hỏng đã được bảo hiểm thì người nhận thế chấp đã đăng ký thế chấp được hưởng số tiền bảo hiểm đó.

Điều 33. Thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu hộ, giữ gìn tàu bay được hưởng quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay và các chi phí có liên quan.

2. Trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày kết thúc việc cứu hộ, giữ gìn tàu bay, tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu hộ, giữ gìn tàu bay đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tại khoản 1 Điều này theo quy định của Chính phủ; người yêu cầu đăng ký quyền ưu tiên thanh toán từ việc cứu hộ, gìn giữ tàu bay phải nộp lệ phí.

3. Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay bị chấm dứt, trừ các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu hộ, giữ gìn tàu bay đã đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay;

b) Tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu hộ, giữ gìn tàu bay và tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thanh toán đã thoả thuận với nhau về số tiền phải thanh toán;

c) Tổ chức, cá nhân cứu hộ, giữ gìn tàu bay đã khởi kiện về thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay.

Điều 34. Các khoản nợ ưu tiên

1. Các khoản nợ ưu tiên được thanh toán theo thứ tự sau đây:

a) Án phí và các chi phí cho việc thi hành án;

b) Tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay và các chi phí có liên quan.

2. Các khoản nợ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được thanh toán theo thứ tự khoản nợ nào phát sinh sau thì được thanh toán trước.

MỤC 5. THUÊ, CHO THUÊ TÀU BAY

Điều 35. Hình thức thuê, cho thuê tàu bay

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam được thuê, cho thuê tàu bay để thực hiện vận chuyển hàng không và các hoạt động hàng không dân dụng khác.

2. Thuê, cho thuê tàu bay bao gồm các hình thức sau đây:

a) Thuê, cho thuê tàu bay có tổ bay;

b) Thuê, cho thuê tàu bay không có tổ bay.

3. Hợp đồng thuê, cho thuê tàu bay phải được lập thành văn bản.

Điều 36. Thuê, cho thuê tàu bay có tổ bay

1. Trong trường hợp thuê, cho thuê tàu bay có tổ bay, tàu bay được khai thác theo Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của bên cho thuê.

2. Bên cho thuê chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện tiêu chuẩn an toàn về bảo dưỡng, khai thác tàu bay.

Điều 37. Thuê, cho thuê tàu bay không có tổ bay

1. Trong trường hợp thuê, cho thuê tàu bay không có tổ bay, tàu bay được khai thác theo Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của bên thuê.

2. Bên thuê chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện tiêu chuẩn an toàn về bảo dưỡng, khai thác tàu bay.

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê tàu bay không có tổ bay của nước ngoài, nếu phát sinh những yêu cầu đặc biệt của bên thuê về phương tiện, thiết bị trên tàu bay, thiết bị liên lạc và dẫn đường thì phải được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.

Điều 38. Yêu cầu đối với thuê tàu bay

Khi sử dụng tàu bay thuê, bên thuê không được cho bên cho thuê hoặc bất kỳ người có liên quan nào khác hưởng các lợi ích kinh tế hoặc sử dụng các quyền vận chuyển hàng không của bên thuê.

Điều 39. Chấp thuận việc thuê, cho thuê tàu bay giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Việc thuê, cho thuê tàu bay giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận bằng văn bản sau khi xem xét các nội dung sau đây:

a) Hình thức thuê;

b) Tư cách pháp lý của các bên tham gia hợp đồng thuê tàu bay;

c) Thời hạn thuê;

d) Số lượng, loại và tuổi tàu bay thuê;

đ) Quốc tịch tàu bay;

e) Giấy chứng nhận liên quan đến tàu bay;

g) Thoả thuận về việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách, hành lý, hàng hóa và đối với người thứ ba ở mặt đất;

h) Tổ chức chịu trách nhiệm khai thác, bảo dưỡng tàu bay theo Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay.

2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê, cho thuê tàu bay phải cung cấp bản sao hợp đồng thuê, cho thuê và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu để xem xét chấp thuận; Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm trả lời trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ các tài liệu này.

3. Thủ tục chấp thuận quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với việc thuê tàu bay có thời hạn không quá bảy ngày liên tục trong các trường hợp sau đây:

a) Thay thế tàu bay khác làm nhiệm vụ chuyên cơ hoặc bị trưng dụng vào các mục đích công vụ nhà nước khác;

b) Thay thế tàu bay bị tai nạn, sự cố kỹ thuật;

c) Thay thế tàu bay không khai thác được vì lý do bất khả kháng.

Tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê tàu bay quy định tại khoản này phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Giao thông vận tải về việc bên cho thuê có Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay phù hợp.

4. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nghĩa vụ thanh lý hợp đồng, tái xuất tàu bay thuê hoặc đưa tàu bay cho thuê về Việt Nam trong trường hợp hợp đồng hết hiệu lực, Giấy phép tạm nhập khẩu tàu bay thuê hoặc Giấy phép tạm xuất khẩu tàu bay cho thuê hết hiệu lực hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 40. Chuyển giao nghĩa vụ giữa quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay và quốc gia của người khai thác tàu bay

1. Trong trường hợp thuê, cho thuê tàu bay giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thì Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay hoặc của quốc gia của người khai thác tàu bay có liên quan để tiếp nhận hoặc chuyển giao nghĩa vụ của quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Quốc gia của người khai thác tàu bay là quốc gia nơi người khai thác tàu bay có trụ sở chính nếu người khai thác là tổ chức hoặc nơi thường trú nếu người khai thác là cá nhân.

2. Thoả thuận quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ liên quan đến việc thực hiện:

a) Quy định về bảo đảm hoạt động bay;

b) Quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay;

c) Yêu cầu đối với thành viên tổ bay;

d) Quy định liên quan đến lắp đặt và sử dụng thiết bị vô tuyến điện trên tàu bay.

MỤC 6. ĐÌNH CHỈ THỰC HIỆN CHUYẾN BAY, TẠM GIỮ, BẮT GIỮ TÀU BAY

Điều 41. Đình chỉ thực hiện chuyến bay

1. Tàu bay chưa khởi hành bị đình chỉ thực hiện chuyến bay khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Xuất hiện tình huống cấp thiết phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia hoặc phát hiện tàu bay có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh;

b) Vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay, khai thác tàu bay, an toàn hàng không, an ninh hàng không, thủ tục chuyến bay, lập và thực hiện kế hoạch bay, thực hiện phép bay;

c) Phát hiện chuyến bay có dấu hiệu bị uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không;

d) Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trong trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Thanh tra hàng không lập biên bản và ra quyết định đình chỉ thực hiện chuyến bay. Quyết định đình chỉ thực hiện chuyến bay có hiệu lực ngay và phải được gửi cho người chỉ huy tàu bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

3. Các cơ quan khác có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ thực hiện chuyến bay thì quyết định đó có hiệu lực ngay. Quyết định đình chỉ thực hiện chuyến bay phải được gửi ngay sau đó cho Cảng vụ hàng không nơi tàu bay dự định khởi hành.

4. Người chỉ huy tàu bay, người khai thác tàu bay phải tuân thủ quyết định đình chỉ thực hiện chuyến bay và có quyền yêu cầu cơ quan hoặc người ra quyết định làm rõ lý do đình chỉ.

5. Tàu bay bị đình chỉ thực hiện chuyến bay được tiếp tục thực hiện chuyến bay sau khi không còn các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép tiếp tục thực hiện chuyến bay.

Điều 42. Yêu cầu tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay

1. Tàu bay đang bay trong lãnh thổ Việt Nam có thể bị yêu cầu hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay khi chuyến bay có dấu hiệu bị uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không hoặc trong các trường hợp khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trường hợp phát hiện chuyến bay có dấu hiệu bị uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không, Giám đốc Cảng vụ hàng không có quyền quyết định yêu cầu tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay; quyết định này có hiệu lực ngay.

3. Các cơ quan khác có thẩm quyền ra quyết định yêu cầu tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay thì quyết định này có hiệu lực ngay. Quyết định yêu cầu tàu bay hạ cánh phải được gửi ngay sau đó cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và Cảng vụ hàng không có liên quan.

4. Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu có liên quan có trách nhiệm yêu cầu tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay theo quyết định của Giám đốc Cảng vụ hàng không và cơ quan khác có thẩm quyền. Trường hợp vì lý do an toàn của chuyến bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu có quyền không thực hiện yêu cầu tàu bay đang bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay và phải báo cáo cho cơ quan ra quyết định yêu cầu tàu bay hạ cánh.

5. Tàu bay bị yêu cầu hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay được tiếp tục thực hiện chuyến bay sau khi không còn căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép tiếp tục thực hiện chuyến bay.

Điều 43. Tạm giữ tàu bay

1. Tàu bay có thể bị tạm giữ khi xảy ra các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm chủ quyền và an ninh quốc gia của Việt Nam;

b) Không khắc phục các vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 của Luật này hoặc không chấp hành các biện pháp xử lý vi phạm;

c) Thực hiện hành vi bị cấm liên quan đến hoạt động bay, khai thác tàu bay và vận chuyển hàng không;

d) Vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến tổ bay, hành khách, hành lý, hàng hóa chuyên chở trong tàu bay;

đ) Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Thanh tra hàng không có quyền tạm giữ tàu bay. Quyết định tạm giữ tàu bay có hiệu lực ngay và phải được gửi cho người chỉ huy tàu bay, người khai thác tàu bay và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

3. Các cơ quan khác có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tàu bay thì quyết định đó có hiệu lực ngay. Quyết định tạm giữ tàu bay phải được gửi ngay sau đó cho Cảng vụ hàng không nơi tàu bay dự định khởi hành.

4. Việc tạm giữ tàu bay được chấm dứt khi các hành vi vi phạm đã được xử lý theo quy định của pháp luật hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm giữ tàu bay đề nghị chấm dứt tạm giữ.

Điều 44. Bắt giữ tàu bay

1. Bắt giữ tàu bay là biện pháp mà Toà án áp dụng đối với tàu bay vì lợi ích của chủ nợ, chủ sở hữu, người thứ ba ở mặt đất bị thiệt hại hoặc những người khác có quyền và lợi ích đối với tàu bay theo quy định tại khoản 2 Điều này, trừ việc bắt giữ tàu bay để thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc bắt giữ tàu bay có thể áp dụng đối với bất kỳ tàu bay nào của cùng một chủ sở hữu.

2. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu bay hạ cánh quyết định bắt giữ tàu bay theo yêu cầu bằng văn bản của chủ sở hữu hoặc của chủ nợ trong trường hợp tàu bay là tài sản bảo đảm cho khoản nợ của chủ nợ hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của người thứ ba ở mặt đất bị thiệt hại do tàu bay đang bay gây ra hoặc những người có quyền và lợi ích đối với tàu bay theo quy định của Luật này.

3. Người yêu cầu bắt giữ tàu bay phải bảo đảm tài chính theo hình thức và giá trị do Toà án ấn định tương đương với thiệt hại có thể gây ra cho tàu bay do việc bắt giữ tàu bay.

4. Trong trường hợp tàu bay bị bắt giữ, người vận chuyển, người khai thác tàu bay vẫn phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã cam kết.

5. Việc bắt giữ tàu bay được chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Các khoản nợ đã được thanh toán đầy đủ;

b) Đã áp dụng biện pháp bảo đảm thay thế;

c) Người yêu cầu bắt giữ đề nghị thôi bắt giữ.

6. Thủ tục bắt giữ tàu bay thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 45. Khám xét tàu bay

1. Giám đốc Cảng vụ hàng không và các cơ quan khác có thẩm quyền có quyền quyết định khám xét tàu bay trong các trường hợp sau đây:

a) Phát hiện có dấu hiệu vi phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, an ninh hàng không, an toàn hàng không;

b) Thành viên tổ bay, hành khách hoặc việc chuyên chở hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư và các vật phẩm khác trong tàu bay vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch.

2. Người quyết định khám xét tàu bay có trách nhiệm thông báo cho người chỉ huy tàu bay và các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi khám xét.

3. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo cho Giám đốc Cảng vụ hàng không về quyết định khám xét tàu bay để phối hợp thực hiện.

Điều 46. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người khai thác tàu bay hoặc người vận chuyển

Tổ chức, cá nhân quyết định đình chỉ việc thực hiện chuyến bay, yêu cầu tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay, tạm giữ, yêu cầu tạm giữ, yêu cầu bắt giữ tàu bay hoặc khám xét tàu bay trái pháp luật thì phải bồi thường thiệt hại gây ra cho người khai thác tàu bay hoặc người vận chuyển.

Chương 3.

CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 47. Cảng hàng không, sân bay

1. Cảng hàng không là khu vực xác định, bao gồm sân bay, nhà ga và trang bị, thiết bị, công trình cần thiết khác được sử dụng cho tàu bay đi, đến và thực hiện vận chuyển hàng không.

Cảng hàng không được phân thành các loại sau đây:

a) Cảng hàng không quốc tế là cảng hàng không phục vụ cho vận chuyển quốc tế và vận chuyển nội địa;

b) Cảng hàng không nội địa là cảng hàng không phục vụ cho vận chuyển nội địa.

2. Sân bay là khu vực xác định được xây dựng để bảo đảm cho tàu bay cất cánh, hạ cánh và di chuyển. Sân bay chỉ phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư mà không phải vận chuyển công cộng là sân bay chuyên dùng.

Điều 48. Khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay

1. Cảng hàng không, sân bay có khu vực lân cận để bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng và dân cư trong khu vực đó.

2. Giới hạn khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay là tám kilômét tính từ ranh giới cảng hàng không, sân bay trở ra.

3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cảng vụ hàng không và các cơ quan khác có thẩm quyền duy trì trật tự công cộng, bảo đảm thực hiện các quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không; áp dụng các biện pháp để tháo dỡ, phá bỏ, di chuyển, thay đổi kết cấu công trình, trang bị, thiết bị hoặc các chướng ngại vật khác ở khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay gây mất an toàn cho hoạt động bay; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật tại khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường ở khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.

Điều 49. Mở, đóng cảng hàng không, sân bay

1. Mở, đóng cảng hàng không, sân bay là việc cho phép, không cho phép hoạt động của cảng hàng không, sân bay theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc mở cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay; đóng cảng hàng không, sân bay vì lý do bảo đảm an ninh, quốc phòng hoặc các lý do đặc biệt ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc tạm thời đóng cảng hàng không, sân bay trong các trường hợp sau đây:

a) Cải tạo, mở rộng, sửa chữa cảng hàng không, sân bay có khả năng gây mất an toàn cho hoạt động bay;

b) Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay bị thu hồi;

c) Thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, tai nạn tàu bay và các tình huống bất thường khác uy hiếp đến an toàn hàng không, an ninh hàng không.

4. Vì sự cố đột xuất, để bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, Giám đốc Cảng vụ hàng không quyết định tạm thời đóng cảng hàng không, sân bay không quá hai mươi bốn giờ và báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

5. Cảng hàng không, sân bay được mở lại sau khi các lý do quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này đã chấm dứt.

Điều 50. Đăng ký cảng hàng không, sân bay

1. Cảng hàng không, sân bay phải được đăng ký vào Sổ đăng bạ cảng hàng không, sân bay.

2. Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay bao gồm:

a) Có giấy tờ chứng minh sự tạo lập hợp pháp cảng hàng không, sân bay;

b) Phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay đã được phê duyệt;

c) Có kết cấu hạ tầng phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc công nhận.

3. Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay.

4. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay phải nộp lệ phí.

Điều 51. Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay

1. Sau khi cảng hàng không, sân bay được đăng ký theo quy định tại Điều 50 của Luật này, người khai thác cảng hàng không, sân bay được cấp Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đáp ứng yêu cầu về tổ chức, trang bị, thiết bị và các yếu tố cần thiết khác để bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không;

b) Bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.

2. Cảng hàng không, sân bay chỉ được khai thác sau khi Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay.

3. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay phải nộp lệ phí.

4. Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Cảng hàng không, sân bay không đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Cảng hàng không, sân bay không được khai thác hoặc ngừng khai thác trong thời hạn mười hai tháng liên tục;

c) Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm thực hiện đúng các điều kiện quy định trong Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay.

Điều 52. Đăng ký cảng hàng không, sân bay đang xây dựng

1. Cảng hàng không, sân bay đang xây dựng được đăng ký tạm thời vào Sổ đăng bạ cảng hàng không, sân bay kể từ thời điểm khởi công xây dựng.

2. Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay đang xây dựng bao gồm:

a) Có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất và việc xây dựng cảng hàng không, sân bay;

b) Phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay đã được phê duyệt;

c) Có phương án xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc công nhận.

3. Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay đang xây dựng.

4. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay đang xây dựng phải nộp lệ phí.

Điều 53. Điều phối giờ cất cánh, hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay

1. Điều phối giờ cất cánh, hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay là việc quản lý, phân bổ giờ cất cánh, hạ cánh của chuyến bay thực hiện vận chuyển hàng không thường lệ tại cảng hàng không, sân bay được công bố.

2. Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc điều phối giờ cất cánh, hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay theo các nguyên tắc sau đây:

a) Trong phạm vi giới hạn khai thác của cảng hàng không, sân bay;

b) Bảo đảm công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử;

c) Thuận lợi và hiệu quả;

d) Phù hợp với thông lệ quốc tế.

Điều 54. Bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động tại cảng hàng không, sân bay phải thực hiện quy định về bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay.

2. Việc khai thác tàu bay, cảng hàng không, sân bay, trang bị, thiết bị bảo đảm hoạt động bay và các trang bị, thiết bị kỹ thuật mặt đất khác, việc cung ứng dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay phải đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn, khí thải và các tiêu chuẩn khác về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng.

Điều 55. Quy định chi tiết việc mở, đóng cảng hàng không, sân bay và quản lý hoạt động tại cảng hàng không, sân bay, khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay

1. Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng cảng hàng không, sân bay và quản lý hoạt động tại cảng hàng không, sân bay, quản lý khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay, sử dụng sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết việc lập Sổ đăng bạ cảng hàng không, sân bay; thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay; thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay đang xây dựng; tiêu chuẩn kỹ thuật cảng hàng không, sân bay, khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay; thủ tục cấp Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay và yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân hoạt động tại cảng hàng không, sân bay.

MỤC 2. QUY HOẠCH, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY

Điều 56. Quy hoạch cảng hàng không, sân bay

1. Quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quy hoạch phát triển giao thông vận tải, các ngành khác, địa phương và xu thế phát triển hàng không dân dụng quốc tế.

2. Bộ Giao thông vận tải chủ trì lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc và quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay nội địa.

3. Các ngành, địa phương khi lập quy hoạch hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình có ảnh hưởng đến quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 57. Quản lý đất cảng hàng không, sân bay

1. Đất cảng hàng không, sân bay bao gồm đất để xây dựng sân bay, nhà ga và các công trình cần thiết khác phục vụ cho hoạt động hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay.

2. Cảng vụ hàng không được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao đất cảng hàng không, sân bay một lần theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cảng hàng không, sân bay được cấp cho Cảng vụ hàng không.

3. Cảng vụ hàng không giao lại đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trong khu vực cảng hàng không, sân bay cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất để sử dụng theo đúng mục đích và quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất thuê cảng hàng không, sân bay có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Sử dụng đất đúng mục đích, không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất;

b) Được dùng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê để thế chấp, bảo lãnh tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; được bán, cho thuê tài sản, góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê.

Việc bán, cho thuê, thế chấp, bảo lãnh hoặc góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất phải bảo đảm tài sản đó được sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển của cảng hàng không, sân bay và phải được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải.

Người mua tài sản được Cảng vụ hàng không tiếp tục cho thuê đất và phải sử dụng đất, các công trình trên đất theo đúng mục đích đã được xác định trong quy hoạch, không làm ảnh hưởng hoặc làm gián đoạn hoạt động của cảng hàng không, sân bay.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng đất cảng hàng không, sân bay.

Điều 58. Đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay

1. Việc đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay mới hoặc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trong cảng hàng không, sân bay hiện có phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay và quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.

MỤC 3. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY

Điều 59. Cảng vụ hàng không

1. Cảng vụ hàng không là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay.

2. Giám đốc Cảng vụ hàng không là người đứng đầu Cảng vụ hàng không.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng không.

Điều 60. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảng vụ hàng không

1. Quản lý toàn bộ diện tích đất cảng hàng không, sân bay được giao để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; tổ chức thực hiện và quản lý việc xây dựng các công trình trên mặt đất, mặt nước, dưới lòng đất tại cảng hàng không, sân bay theo đúng quy hoạch và dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về:

a) Việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển cảng hàng không, sân bay;

b) Tiêu chuẩn an toàn hàng không, an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay và trong khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay;

c) Trật tự công cộng, bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay;

d) Khai thác vận chuyển hàng không tại cảng hàng không, sân bay;

đ) Khai thác cảng hàng không, sân bay, trang bị, thiết bị kỹ thuật cảng hàng không, sân bay;

e) Cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay;

g) Sử dụng đất cảng hàng không, sân bay.

3. Phối hợp với doanh nghiệp cảng hàng không thực hiện phương án khẩn nguy, cứu nạn, xử lý sự cố và tai nạn tàu bay xảy ra trong khu vực cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.

4. Quyết định đóng tạm thời cảng hàng không, sân bay.

5. Đình chỉ việc xây dựng, cải tạo công trình, lắp đặt trang bị, thiết bị, trồng cây trong khu vực cảng hàng không, sân bay; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc xây dựng, cải tạo công trình, lắp đặt trang bị, thiết bị, trồng cây trong khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay vi phạm quy hoạch cảng hàng không, sân bay, quy định về quản lý chướng ngại vật, gây uy hiếp an toàn cho hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay.

6. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.

7. Chuyển giao hoặc phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết vụ việc phát sinh tại cảng hàng không, sân bay.

8. Đình chỉ thực hiện chuyến bay; yêu cầu tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay; khám xét, tạm giữ tàu bay; thực hiện lệnh bắt giữ tàu bay; đình chỉ hoạt động của thành viên tổ bay không đáp ứng yêu cầu về an toàn hàng không, an ninh hàng không.

9. Thu, quản lý, sử dụng phí, lệ phí tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

10. Quản lý tài sản được Nhà nước giao.

11. Chủ trì việc sắp xếp vị trí làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động thường xuyên tại cảng hàng không, sân bay.

Điều 61. Hoạt động quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay

1. Cảng vụ hàng không và các cơ quan khác tại cảng hàng không, sân bay thực hiện các hoạt động nghiệp vụ và phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bảo đảm an toàn, an ninh và hoạt động bình thường của cảng hàng không, sân bay.

2. Cảng vụ hàng không chủ trì, phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không, sân bay; triệu tập và chủ trì các cuộc họp liên tịch định kỳ hàng tháng hoặc bất thường giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức hoạt động tại cảng hàng không, sân bay.

3. Trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại cảng hàng không, sân bay không thống nhất cách giải quyết vấn đề phát sinh, Giám đốc Cảng vụ hàng không có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

4. Trong trường hợp cảng hàng không, sân bay bị công bố là khu vực có dịch bệnh nguy hiểm, Cảng vụ hàng không phối hợp các cơ quan, tổ chức hoạt động trên địa bàn cảng hàng không, sân bay để áp dụng các biện pháp thích hợp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh và dập tắt dịch bệnh theo sự chỉ đạo chuyên môn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động thường xuyên tại cảng hàng không, sân bay được bố trí nơi làm việc thích hợp.

MỤC 4. KHAI THÁC CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY

Điều 62. Tổ chức, cá nhân kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay bao gồm:

a) Doanh nghiệp cảng hàng không;

b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không;

c) Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ khác.

2. Việc thành lập và hoạt động của tổ chức kinh doanh, hoạt động của cá nhân kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về doanh nghiệp, thương mại.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh cảng hàng không, cung cấp dịch vụ hàng không.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm:

a) Thực hiện các quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không;

b) Chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho Cảng vụ hàng không kiểm tra các hoạt động khai thác và cung cấp dịch vụ.

Điều 63. Doanh nghiệp cảng hàng không

1. Doanh nghiệp cảng hàng không là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện tổ chức khai thác cảng hàng không, sân bay.

2. Doanh nghiệp được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b) Có tổ chức bộ máy và nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, khai thác cảng hàng không, sân bay;

c) Đáp ứng điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ;

d) Có phương án về trang bị, thiết bị và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không.

3. Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không phải nộp lệ phí.

Điều 64. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cảng hàng không

1. Quản lý, tổ chức khai thác kết cấu hạ tầng, trang bị, thiết bị của cảng hàng không, sân bay.

2. Lập kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với nhu cầu phát triển, phù hợp với việc khai thác cảng hàng không, sân bay.

3. Tổ chức cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không, an toàn hàng không, dịch vụ hàng không và các dịch vụ công cộng khác tại cảng hàng không, sân bay.

4. Báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền các số liệu về kế hoạch và kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm, dài hạn và các số liệu thống kê về khai thác cảng hàng không, sân bay.

5. Bố trí nơi làm việc cho các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động thường xuyên tại cảng hàng không, sân bay theo yêu cầu của Cảng vụ hàng không.

6. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Điều 65. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay

1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, có mục đích hoạt động là cung cấp các dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng không tại cảng hàng không, sân bay và phải được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không trên cơ sở quy hoạch phát triển cảng hàng không, sân bay.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b) Có tổ chức bộ máy bảo đảm việc cung ứng các dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng không tại cảng hàng không, sân bay và nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, khai thác tại cảng hàng không, sân bay;

c) Có trang bị, thiết bị và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm phục vụ an toàn hàng không, an ninh hàng không;

d) Đáp ứng điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ.

3. Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không phải nộp lệ phí.

4. Danh mục dịch vụ hàng không do Chính phủ quy định.

Điều 66. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không

1. Cung cấp các dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay theo hợp đồng giao kết với doanh nghiệp cảng hàng không và thực hiện các quy định về khai thác cảng hàng không, sân bay.

 2. Tổ chức phục vụ khách hàng của cảng hàng không, sân bay bảo đảm chất lượng, văn minh, lịch sự, chu đáo.

Điều 67. Quyền lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay

Doanh nghiệp vận chuyển hàng không có quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, trừ trường hợp vì lý do an toàn hàng không, an ninh hàng không.

Chương 4.

NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 68. Nhân viên hàng không

1. Nhân viên hàng không là những người hoạt động liên quan trực tiếp đến bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, khai thác tàu bay, vận chuyển hàng không, hoạt động bay, có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp do Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận.

2. Nhân viên hàng không phải được ký hợp đồng lao động bằng văn bản với tổ chức sử dụng lao động.

3. Nhân viên hàng không được hưởng các quyền lợi và có nghĩa vụ thực hiện các điều khoản ghi trong hợp đồng lao động và pháp luật về lao động.

Điều 69. Giấy phép, chứng chỉ chuyên môn của nhân viên hàng không

1. Nhân viên hàng không khi thực hiện nhiệm vụ phải mang theo giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp do Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận.

2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, thành viên tổ lái, tiếp viên hàng không, kiểm soát viên không lưu phải mang theo giấy chứng nhận đủ điều kiện về sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.

3. Nhân viên hàng không chỉ được cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn nếu được đào tạo tại cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ được Bộ Giao thông vận tải cho phép hoặc công nhận.

4. Người đề nghị cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn của nhân viên hàng không phải nộp lệ phí.

Điều 70. Quy định chi tiết về nhân viên hàng không, cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ và cơ sở y tế giám định sức khoẻ

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về:

a) Chế độ lao động, kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không; đối với quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Chức danh, nhiệm vụ theo chức danh, tiêu chuẩn và thủ tục cấp, công nhận giấy phép, chứng chỉ chuyên môn của nhân viên hàng không;

c) Tiêu chuẩn và chương trình đào tạo, huấn luyện của các cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên hàng không.

2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn sức khoẻ của nhân viên hàng không và cơ sở y tế giám định sức khoẻ cho nhân viên hàng không.

MỤC 2. TỔ BAY

Điều 71. Thành phần tổ bay

1. Tổ bay bao gồm những người được người khai thác tàu bay chỉ định để thực hiện nhiệm vụ trong chuyến bay.

2. Thành phần tổ bay bao gồm tổ lái, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác theo yêu cầu thực hiện chuyến bay.

Điều 72. Tổ lái

1. Thành viên tổ lái là người thực hiện nhiệm vụ điều khiển tàu bay, bao gồm lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại tàu bay.

2. Tàu bay chỉ được phép thực hiện chuyến bay khi có đủ thành phần tổ lái theo quy định của pháp luật quốc gia đăng ký tàu bay hoặc quốc gia của người khai thác tàu bay.

Điều 73. Tiếp viên hàng không

1. Tiếp viên hàng không là người thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho hành khách trong chuyến bay, phục vụ trên tàu bay theo sự phân công của người khai thác tàu bay hoặc người chỉ huy tàu bay nhưng không được thực hiện nhiệm vụ của thành viên tổ lái.

2. Nhiệm vụ cụ thể của tiếp viên hàng không đối với từng loại tàu bay do người khai thác tàu bay quy định. Người khai thác tàu bay phải bố trí đủ số lượng tiếp viên hàng không và phù hợp với loại tàu bay.

Điều 74. Người chỉ huy tàu bay

1. Người chỉ huy tàu bay là thành viên tổ lái được người khai thác tàu bay chỉ định cho một chuyến bay; đối với hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại thì do chủ sở hữu tàu bay chỉ định.

2. Người chỉ huy tàu bay có quyền cao nhất trong tàu bay, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không cho tàu bay, người và tài sản trong tàu bay trong thời gian tàu bay đang bay.

Tàu bay được coi là đang bay kể từ thời điểm mà tất cả các cánh cửa ngoài được đóng lại sau khi hoàn thành xếp tải đến thời điểm mà bất kỳ cửa ngoài nào được mở ra để dỡ tải; trong trường hợp hạ cánh bắt buộc, tàu bay được coi là đang bay cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm nhận trách nhiệm đối với tàu bay, người và tài sản trong tàu bay.

Điều 75. Quyền của người chỉ huy tàu bay

1. Quyết định và chịu trách nhiệm về việc cất cánh, hạ cánh, huỷ bỏ chuyến bay, quay trở lại nơi cất cánh hoặc hạ cánh khẩn cấp.

2. Không thực hiện nhiệm vụ chuyến bay, kế hoạch bay hoặc chỉ dẫn của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu trong trường hợp cần tránh nguy hiểm tức thời, trực tiếp cho hoạt động hàng không và phải báo cáo ngay với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.

Trong trường hợp vì tránh nguy hiểm tức thời, trực tiếp mà phải bay chệch đường hàng không thì sau khi hết nguy hiểm, người chỉ huy tàu bay và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu phải nhanh chóng áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đưa tàu bay về đường hàng không.

3. Trong thời gian tàu bay đang bay, được áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với những người thực hiện một trong các hành vi sau đây trong tàu bay:

a) Phạm tội;

b) Đe doạ, uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không;

c) Hành hung hoặc đe dọa thành viên tổ bay, hành khách;

d) Không tuân theo sự hướng dẫn của người chỉ huy tàu bay hoặc của thành viên tổ bay thay mặt người chỉ huy tàu bay về việc bảo đảm an toàn cho tàu bay, duy trì trật tự, kỷ luật trong tàu bay;

đ) Phá hoại thiết bị, tài sản trong tàu bay;

e) Sử dụng ma tuý;

g) Hút thuốc trong buồng vệ sinh hoặc ở những nơi không được phép có khả năng uy hiếp an toàn của tàu bay;

h) Sử dụng thiết bị điện tử xách tay, điện thoại di động hoặc các thiết bị điện tử khác khi tàu bay cất cánh, hạ cánh hoặc khi bị cấm vì an toàn chuyến bay;

i) Các hành vi vi phạm thuần phong, mỹ tục của dân tộc, vi phạm trật tự công cộng khác.

4. Giao những người thực hiện các hành vi quy định tại khoản 3 Điều này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay gần nhất.

5. Quyết định việc xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay theo quy định tại Điều 88 của Luật này.

6. Ra mệnh lệnh cần thiết đối với mọi người trong tàu bay và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm nhận trách nhiệm đối với tàu bay, người và tài sản trong tàu bay trong trường hợp hạ cánh bắt buộc.

7. Thực hiện các công việc sau đây trong trường hợp không nhận được chỉ thị hoặc chỉ thị không rõ ràng của người khai thác tàu bay và phải thông báo ngay cho người khai thác tàu bay:

a) Thanh toán những khoản chi phí cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của chuyến bay, bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong chuyến bay;

b) Thực hiện những công việc cần thiết để tàu bay tiếp tục chuyến bay;

c) Thuê nhân công trong thời hạn ngắn theo từng vụ việc cần thiết cho chuyến bay.

Điều 76. Nghĩa vụ của người chỉ huy tàu bay

1. Thi hành chỉ thị của người khai thác tàu bay.

2. Áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho tàu bay, người và tài sản trong tàu bay khi tàu bay bị lâm nguy, lâm nạn và là người cuối cùng rời khỏi tàu bay.

3. Thông báo cho cơ sở đang cung cấp dịch vụ không lưu và trợ giúp theo khả năng nhưng không gây nguy hiểm cho tàu bay, người và tài sản trong tàu bay của mình khi phát hiện người, phương tiện giao thông hoặc tài sản khác bị nạn ở ngoài tàu bay.

4. Áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đưa tàu bay về đường hàng không trong trường hợp bay chệch đường hàng không.

Điều 77. Quyền lợi của thành viên tổ bay

1. Quyền lợi của thành viên tổ bay làm việc trên tàu bay do tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác được xác định theo hợp đồng lao động và quy định của pháp luật Việt Nam về lao động.

2. Thành viên tổ bay được người sử dụng lao động mua bảo hiểm tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ.

3. Trong trường hợp không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thì người khai thác tàu bay chịu trách nhiệm cung cấp mọi chi phí đưa thành viên tổ bay về địa điểm xác định trong hợp đồng hoặc địa điểm đã tiếp nhận trong trường hợp không có thỏa thuận khác.

4. Khi thành viên tổ bay ngừng làm việc vì lý do an toàn hàng không, an ninh hàng không theo quyết định của người chỉ huy tàu bay thì hợp đồng lao động của thành viên tổ bay đó không bị chấm dứt. Người khai thác tàu bay phải chịu các chi phí hợp lý phát sinh từ việc này.

5. Hợp đồng lao động bị chấm dứt tại thời điểm theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng; trường hợp hợp đồng lao động hết hạn khi thành viên tổ bay đang thực hiện nhiệm vụ thì thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động là thời điểm kết thúc nhiệm vụ.

6. Trong trường hợp người khai thác tàu bay thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi thành viên tổ bay đang thực hiện nhiệm vụ thì thời điểm thông báo được xác định là thời điểm kết thúc nhiệm vụ.

Điều 78. Nghĩa vụ của thành viên tổ bay

1. Tuân thủ mệnh lệnh của người chỉ huy tàu bay.

2. Không được rời tàu bay khi chưa có lệnh của người chỉ huy tàu bay.

Chương 5.

HOẠT ĐỘNG BAY

MỤC 1. QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BAY

Điều 79. Tổ chức, sử dụng vùng trời

1. Việc tổ chức, sử dụng vùng trời phải bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an toàn cho tàu bay, hợp lý, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hàng không dân dụng.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thiết lập và khai thác đường hàng không.

Đường hàng không là khu vực trên không có giới hạn xác định về độ cao, chiều rộng và được kiểm soát.

3. Bộ Giao thông vận tải quản lý việc tổ chức khai thác đường hàng không, vùng trời sân bay dân dụng, khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung trong vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý. Việc tổ chức khai thác vùng trời sân bay dùng chung dân dụng và quân sự phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng.

4. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với tàu bay công vụ.

Điều 80. Quản lý hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay

1. Tàu bay được cất cánh, hạ cánh tại các cảng hàng không, sân bay được mở hợp pháp, trừ trường hợp phải hạ cánh bắt buộc.

2. Tàu bay Việt Nam, tàu bay nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế chỉ được phép cất cánh, hạ cánh tại cảng hàng không quốc tế, trong trường hợp cất cánh, hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay nội địa thì phải được phép của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyến bay quốc tế nói tại Luật này là chuyến bay được thực hiện trên lãnh thổ của hơn một quốc gia.

Điều 81. Cấp phép bay

1. Phép bay là văn bản hoặc hiệu lệnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, xác định điều kiện và giới hạn được phép hoạt động của tàu bay.

2. Tàu bay hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam phải được các cơ quan sau đây của Việt Nam cấp phép bay:

a) Bộ Ngoại giao cấp phép bay cho chuyến bay chuyên cơ nước ngoài chở khách mời của Đảng, Nhà nước và chuyến bay làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam.

Chuyến bay chuyên cơ là chuyến bay được sử dụng hoàn toàn riêng biệt hoặc kết hợp vận chuyển thương mại và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc thông báo theo quy định phục vụ chuyến bay chuyên cơ;

b) Bộ Quốc phòng cấp phép bay cho các chuyến bay của tàu bay quân sự của Việt Nam, nước ngoài thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam và chuyến bay của tàu bay không người lái;

c) Bộ Giao thông vận tải cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm chuyến bay của tàu bay Việt Nam và nước ngoài nhằm mục đích dân dụng; chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam, chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó; chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này và chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó; chuyến bay của tàu bay công vụ Việt Nam và nước ngoài không thuộc phạm vi quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

Điều 82. Điều kiện cấp phép bay

1. Việc cấp phép bay cho các chuyến bay phải đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an toàn hàng không; trật tự và lợi ích công cộng; phù hợp với khả năng đáp ứng của hệ thống bảo đảm hoạt động bay, các cảng hàng không, sân bay.

2. Việc cấp phép bay cho các chuyến bay vận chuyển hàng không thương mại thường lệ phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này và căn cứ vào quyền vận chuyển hàng không được cấp.

Điều 83. Chuẩn bị chuyến bay, thực hiện chuyến bay và sau chuyến bay

1. Người chỉ huy tàu bay, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc chuẩn bị chuyến bay phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chuẩn bị chuyến bay, thực hiện chuyến bay và sau chuyến bay.

2. Tàu bay chỉ được phép cất cánh từ cảng hàng không, sân bay khi có lệnh của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.

3. Quy định tại khoản 2 Điều này cũng được áp dụng đối với tàu bay công vụ.

Điều 84. Yêu cầu đối với tàu bay và tổ bay khi hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam

1. Khi hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam, tàu bay phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Bay theo đúng hành trình, đường hàng không, khu vực bay, điểm vào, điểm ra được phép;

b) Duy trì liên lạc liên tục với các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; tuân thủ sự điều hành, kiểm soát và hướng dẫn của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu;

c) Hạ cánh, cất cánh tại các cảng hàng không, sân bay được chỉ định trong phép bay, trừ trường hợp hạ cánh bắt buộc, hạ cánh khẩn cấp;

d) Tuân theo phương thức bay, Quy chế không lưu hàng không dân dụng.

2. Người chỉ huy tàu bay phải báo cáo kịp thời với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu trong các trường hợp sau đây:

a) Tàu bay không thể bay đúng hành trình, đúng đường hàng không, khu vực bay, điểm vào, điểm ra hoặc không thể hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định trong phép bay vì lý do khách quan;

b) Xuất hiện các tình huống phải hạ cánh khẩn cấp và các tình huống cấp thiết khác.

3. Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, đơn vị quản lý vùng trời của Bộ Quốc phòng phải kịp thời thông báo cho nhau biết và phối hợp thực hiện các biện pháp ưu tiên giúp đỡ, hướng dẫn cần thiết trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Khi tàu bay mất liên lạc hoặc tổ lái mất khả năng kiểm soát tàu bay.

Điều 85. Khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay

1. Khu vực cấm bay là khu vực trên không có kích thước xác định mà tàu bay không được bay vào, trừ trường hợp tàu bay công vụ Việt Nam đang thực hiện công vụ.

Khu vực hạn chế bay là khu vực trên không có kích thước xác định mà tàu bay chỉ được phép hoạt động tại khu vực đó khi đáp ứng các điều kiện cụ thể.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay trong lãnh thổ Việt Nam nhằm mục đích bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội.

Trong trường hợp đặc biệt vì lý do quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng quyết định hạn chế bay tạm thời hoặc cấm bay tạm thời tại một hoặc một số khu vực trong lãnh thổ Việt Nam; quyết định này có hiệu lực ngay.

3. Bộ Quốc phòng quy định việc quản lý khu vực cấm bay và khu vực hạn chế bay.

Điều 86. Khu vực nguy hiểm

1. Khu vực nguy hiểm là khu vực trên không có kích thước xác định mà tại đó hoạt động bay có thể bị nguy hiểm vào thời gian xác định.

2. Khu vực nguy hiểm và chế độ bay trong khu vực nguy hiểm do Bộ Quốc phòng xác định và thông báo cho Bộ Giao thông vận tải.

Điều 87. Bay trên khu vực đông dân

1. Khi bay trên khu vực đông dân, tàu bay phải bay ở độ cao được quy định trong Quy chế không lưu hàng không dân dụng.

2. Tàu bay không được bay thao diễn, luyện tập trên khu vực đông dân, trừ trường hợp được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 88. Xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay

Tàu bay đang bay không được xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay xuống. Trường hợp vì lý do an toàn của chuyến bay hoặc để thực hiện nhiệm vụ cứu nguy trong tình thế khẩn nguy hoặc các nhiệm vụ bay khác vì lợi ích công cộng, tàu bay được xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa và các đồ vật khác từ tàu bay xuống khu vực do Bộ Giao thông vận tải quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 89. Công bố thông tin hàng không

Bộ Giao thông vận tải công bố công khai các đường hàng không, khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay, khu vực nguy hiểm, khu vực cung cấp dịch vụ không lưu, khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay xuống.

Điều 90. Cưỡng chế tàu bay vi phạm

Tàu bay vi phạm khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay hoặc vi phạm các quy định của Quy chế không lưu hàng không dân dụng, quy định về quản lý hoạt động bay dân dụng, về quản lý, sử dụng vùng trời và không chấp hành lệnh của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu thì có thể bị áp dụng biện pháp bay chặn, bắt buộc tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay, các biện pháp cưỡng chế khác đối với tàu bay. Quy định này cũng được áp dụng đối với tàu bay công vụ.

Điều 91. Phối hợp quản lý hoạt động bay dân dụng và quân sự

1. Nguyên tắc phối hợp quản lý hoạt động bay dân dụng và quân sự bao gồm:

a) Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an toàn và hiệu quả của hoạt động hàng không dân dụng;

b) Tuân theo quy định của Luật này khi hoạt động bay trong đường hàng không, vùng trời sân bay dân dụng, khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung trong vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;

c) Thực hiện hoạt động nghiệp vụ và giải quyết các vấn đề phát sinh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2. Nội dung phối hợp trong quản lý hoạt động bay bao gồm:

a) Tổ chức vùng trời, thiết lập đường hàng không và xây dựng phương thức bay;

b) Sử dụng vùng trời; quản lý hoạt động bay dân dụng ngoài đường hàng không và vùng trời sân bay;

c) Cấp phép bay, lập kế hoạch bay và thông báo tin tức về hoạt động bay;

d) Sử dụng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

đ) Tìm kiếm, cứu nạn;

e) Quản lý hoạt động bay đặc biệt, bao gồm bay để chụp ảnh, thăm dò địa chất, quay phim từ trên không, thao diễn, luyện tập, thử nghiệm, sử dụng phương tiện liên lạc vô tuyến điện ngoài thiết bị của tàu bay và bay vào khu vực hạn chế bay.

Điều 92. Quản lý chướng ngại vật

1. Quản lý chướng ngại vật là việc thống kê, đánh dấu, công bố, quản lý, cấp phép sử dụng khoảng không và xử lý các chướng ngại vật tự nhiên, nhân tạo có thể ảnh hưởng đến an toàn của hoạt động bay.

2. Bộ Giao thông vận tải công bố công khai các bề mặt giới hạn chướng ngại vật trong khu vực sân bay; khu vực giới hạn bảo đảm hoạt động bình thường của các đài, trạm vô tuyến điện hàng không; giới hạn chướng ngại vật của khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay và danh mục chướng ngại vật tự nhiên, nhân tạo có thể ảnh hưởng đến an toàn của hoạt động bay.

3. Tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý, sử dụng nhà cao tầng, trang bị, thiết bị kỹ thuật, đường dây tải điện, thiết bị kỹ thuật vô tuyến điện và các công trình khác có ảnh hưởng đến an toàn của hoạt động bay phải gắn các dấu hiệu, thiết bị nhận biết theo quy định của Luật này và chịu chi phí.

4. Không được xây dựng trường bắn làm mất an toàn hàng không và bố trí hướng bắn của trường bắn cắt đường hàng không.

Điều 93. Quản lý tần số

1. Việc quản lý các dải tần số sử dụng cho đài, trạm vô tuyến điện và hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không được thực hiện theo quy định của pháp luật về viễn thông.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng đài, trạm thông tin liên lạc hoặc thiết bị khác không được gây cản trở, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đài, trạm vô tuyến điện hàng không; phải chấm dứt việc sử dụng và nhanh chóng di dời đài, trạm thông tin liên lạc hoặc thiết bị gây cản trở, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đài, trạm vô tuyến điện hàng không.

Điều 94. Quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay

1. Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức, sử dụng vùng trời; cấp phép bay; phối hợp quản lý hoạt động bay dân dụng và quân sự; quản lý hoạt động bay đặc biệt; quản lý chướng ngại vật.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định thể thức bay chặn, bắt buộc tàu bay hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay, các biện pháp cưỡng chế khác đối với tàu bay.

3. Bộ Bưu chính, viễn thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định việc quản lý, sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ hàng không.

MỤC 2. DỊCH VỤ BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG BAY

Điều 95. Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay

1. Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là dịch vụ cần thiết để bảo đảm an toàn, điều hoà, liên tục và hiệu quả cho hoạt động bay, bao gồm dịch vụ không lưu, dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng; dịch vụ thông báo tin tức hàng không và dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.

2. Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là dịch vụ công ích.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động bay trong vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay phải có các cơ sở cung cấp dịch vụ và hệ thống kỹ thuật, thiết bị được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép khai thác. Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép khai thác phải nộp lệ phí.

Điều 96. Dịch vụ không lưu

1. Dịch vụ không lưu bao gồm dịch vụ điều hành bay, dịch vụ thông báo bay, dịch vụ tư vấn không lưu và dịch vụ báo động.

2. Tàu bay hoạt động trong một vùng trời xác định phải được điều hành bởi một cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.

3. Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan để quản lý, điều hành hoạt động bay dân dụng.

Điều 97. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu

1. Dịch vụ không lưu do doanh nghiệp nhà nước cung cấp.

Việc thành lập, hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu được thành lập khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành hàng không dân dụng;

b) Có phương án về tổ chức bộ máy phù hợp;

c) Có phương án về kết cấu hạ tầng và hệ thống kỹ thuật, trang bị, thiết bị phù hợp;

d) Có phương án về đội ngũ nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp để vận hành khai thác hệ thống kỹ thuật, trang bị, thiết bị và tài liệu hướng dẫn khai thác.

Điều 98. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu

1. Cung cấp đầy đủ và liên tục dịch vụ không lưu.

2. Cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay khác theo nhiệm vụ được Bộ Giao thông vận tải giao.

3. Duy trì liên lạc và phối hợp chặt chẽ với các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu của quốc gia lân cận để cung cấp dịch vụ điều hành bay, bảo đảm an toàn, điều hoà, liên tục và hiệu quả cho hoạt động của tàu bay trên các đường hàng không và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

4. Tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ vùng trời, Quy chế không lưu hàng không dân dụng và các tài liệu hướng dẫn bảo đảm hoạt động bay.

5. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý vùng trời, quản lý bay thuộc Bộ Quốc phòng để bảo đảm an toàn cho hoạt động bay dân dụng.

6. Tham gia, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xử lý các tình huống khẩn nguy, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng và tác chiến phòng không.

7. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Điều 99. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn

1. Cung cấp các dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn được Bộ Giao thông vận tải giao hoặc theo hợp đồng.

2. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Điều 100. Quy định chi tiết về bảo đảm hoạt động bay

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về việc tổ chức và quản lý bảo đảm hoạt động bay; điều kiện, thủ tục cấp giấy phép khai thác cho các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, hệ thống kỹ thuật và thiết bị bảo đảm hoạt động bay.

MỤC 3. TÌM KIẾM, CỨU NẠN

Điều 101. Thông báo tình trạng lâm nguy, lâm nạn

1. Tàu bay bị coi là lâm nguy khi tàu bay hoặc những người trong tàu bay bị nguy hiểm mà các thành viên tổ bay không thể khắc phục được hoặc tàu bay bị mất liên lạc và chưa xác định được vị trí tàu bay.

Tàu bay bị coi là lâm nạn nếu tàu bay bị hỏng nghiêm trọng khi lăn, cất cánh, đang bay, hạ cánh hoặc bị phá huỷ hoàn toàn và tàu bay hạ cánh bắt buộc ngoài sân bay.

2. Tàu bay trong tình trạng lâm nguy, lâm nạn phải phát tín hiệu và thông báo cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu để yêu cầu trợ giúp; trường hợp lâm nguy, lâm nạn trên biển còn phải phát tín hiệu cho các tàu biển và các trung tâm tìm kiếm, cứu nạn hàng hải.

3. Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu phải thông báo ngay cho các cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn khi nhận được tín hiệu, thông báo hoặc tin tức về tàu bay đang trong tình trạng lâm nguy, lâm nạn.

4. Quy định tại khoản 3 Điều này cũng được áp dụng đối với tàu bay công vụ.

Điều 102. Phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu có trách nhiệm phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn áp dụng mọi biện pháp cần thiết và kịp thời để trợ giúp tàu bay, hành khách, tổ bay và tài sản khi tàu bay lâm nguy, lâm nạn.

2. Trong trường hợp tàu bay lâm nguy, lâm nạn tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận của cảng hàng không, sân bay, Cảng vụ hàng không phải phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn và Ủy ban nhân dân các cấp tiến hành tìm kiếm, cứu nạn tàu bay, người và tài sản.

3. Trong trường hợp tàu bay lâm nguy, lâm nạn ngoài các khu vực quy định tại khoản 2 Điều này, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức khác tiến hành tìm kiếm, cứu nạn tàu bay, người và tài sản.

4. Việc tìm kiếm, cứu nạn tàu bay mang quốc tịch Việt Nam bị lâm nguy, lâm nạn ở lãnh thổ nước ngoài được tiến hành theo quy định của pháp luật quốc gia nơi tàu bay bị lâm nguy, lâm nạn.

5. Việc phối hợp trợ giúp, tham gia tìm kiếm, cứu nạn giữa Việt Nam với các quốc gia lân cận được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tham gia tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng; bảo quản tàu bay và tài sản trong tàu bay khi tàu bay lâm nạn ở địa phương ngoài khu vực cảng hàng không, sân bay.

7. Các doanh nghiệp vận chuyển hàng không có trách nhiệm tham gia vào hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không theo yêu cầu của cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.

Điều 103. Trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn

1. Cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn phải tiến hành ngay việc tìm kiếm tàu bay bị lâm nguy, lâm nạn.

2. Trường hợp đã áp dụng tất cả các biện pháp để tìm kiếm tàu bay bị lâm nạn, hành khách và tổ bay của tàu bay bị lâm nạn mà không có kết quả thì Bộ Giao thông vận tải quyết định chấm dứt hoạt động tìm kiếm tàu bay đó.

3. Tàu bay bị coi là mất tích từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động tìm kiếm.

4. Người khai thác tàu bay có trách nhiệm di dời tàu bay ra khỏi nơi bị nạn theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chịu mọi chi phí có liên quan.

MỤC 4. ĐIỀU TRA SỰ CỐ, TAI NẠN TÀU BAY

Điều 104. Sự cố, tai nạn tàu bay

1. Sự cố tàu bay là vụ việc liên quan đến việc khai thác tàu bay làm ảnh hưởng hoặc có khả năng làm ảnh hưởng đến an toàn khai thác bay nhưng chưa phải là tai nạn tàu bay.

2. Tai nạn tàu bay là vụ việc liên quan đến việc khai thác tàu bay trong khoảng thời gian từ khi bất kỳ người nào lên tàu bay để thực hiện chuyến bay đến khi người cuối cùng rời khỏi tàu bay mà xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Có người chết hoặc bị thương nặng do đang ở trong tàu bay hoặc do bị tác động trực tiếp của bất kỳ bộ phận nào của tàu bay, kể cả những bộ phận bị văng ra từ tàu bay hoặc do bị tác động trực tiếp của khí phát thải từ động cơ tàu bay, trừ trường hợp thương tổn xuất phát từ nguyên nhân tự nhiên hoặc do tự gây ra hoặc do người khác gây ra và thương tổn của hành khách không có vé trốn ở bên ngoài khu vực dành cho hành khách hoặc tổ bay;

b) Tàu bay hoặc kết cấu của tàu bay bị tổn hại làm ảnh hưởng xấu đến độ bền của kết cấu, tính năng bay của tàu bay dẫn đến phải sửa chữa lớn hoặc thay thế bộ phận bị hỏng, trừ những hỏng hóc hoặc sự cố của động cơ tàu bay chỉ ảnh hưởng đến động cơ tàu bay, vỏ bọc hoặc thiết bị của động cơ tàu bay hoặc hỏng hóc chỉ ảnh hưởng đến cánh quạt tàu bay, đầu cánh tàu bay, ăng ten, lốp, phanh, bộ phận tạo hình khí động học của tàu bay hoặc chỉ là vết lõm, lỗ thủng nhỏ ở vỏ tàu bay;

c) Tàu bay bị mất tích hoặc hoàn toàn không thể tiếp cận được.

Điều 105. Mục đích và thủ tục điều tra sự cố, tai nạn tàu bay

1. Sự cố, tai nạn tàu bay xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam phải được tiến hành điều tra. Sự cố, tai nạn của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam hoặc tàu bay của người khai thác tàu bay là tổ chức, cá nhân Việt Nam xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam được tiến hành điều tra phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Việc điều tra sự cố, tai nạn tàu bay nhằm xác định nguyên nhân sự cố, tai nạn tàu bay và áp dụng các biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn trong tương lai.

3. Chính phủ quy định thủ tục điều tra sự cố, tai nạn tàu bay.

Điều 106. Trách nhiệm điều tra sự cố, tai nạn tàu bay

1. Khi xảy ra sự cố tàu bay trong lãnh thổ Việt Nam hoặc vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý thì tuỳ theo tính chất của vụ việc, Bộ Giao thông vận tải thực hiện trách nhiệm báo cáo theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Khi xảy ra tai nạn tàu bay trong lãnh thổ Việt Nam hoặc vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm báo cáo cho Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế và thông báo cho quốc gia đăng ký tàu bay, quốc gia của người khai thác tàu bay, quốc gia sản xuất tàu bay, quốc gia thiết kế tàu bay và các quốc gia có liên quan khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Thẩm quyền tổ chức điều tra sự cố, tai nạn tàu bay được quy định như sau:

a) Bộ Giao thông vận tải tổ chức điều tra sự cố, tai nạn tàu bay quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 104 của Luật này; phối hợp với cơ quan quản lý tàu bay công vụ điều tra tai nạn liên quan đến tàu bay công vụ;

b) Ủy ban điều tra tai nạn tàu bay do Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ chức điều tra tai nạn tàu bay quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 104 của Luật này.

4. Khi xảy ra tai nạn tàu bay, cơ quan điều tra tai nạn có các trách nhiệm sau đây:

a) Điều tra nhằm làm rõ sự kiện, điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân và mức độ thiệt hại của vụ tai nạn;

b) Áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại có thể xảy ra;

c) Công bố kịp thời thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn tàu bay;

d) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương trong việc điều tra tai nạn tàu bay và hướng dẫn phòng ngừa tai nạn tàu bay trong tương lai.

5. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc chấp nhận đại diện của quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay, quốc gia của người khai thác tàu bay tham gia quá trình điều tra tai nạn tàu bay nước ngoài bị tai nạn trong lãnh thổ Việt Nam với tư cách là quan sát viên.

Điều 107. Quyền của cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay

1. Khi tiến hành điều tra, cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay có các quyền sau đây:

a) Lên tàu bay để làm rõ các tình tiết của sự cố, tai nạn;

b) Kiểm tra, khám nghiệm tàu bay, trang bị, thiết bị, tài sản trong tàu bay bị sự cố, tai nạn và tàu bay, tài sản có liên quan;

c) Ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có đủ khả năng tiến hành nghiên cứu và thực hiện các công việc liên quan đến việc điều tra sự cố, tai nạn tàu bay;

d) Trưng dụng người có đủ năng lực và trình độ để xác minh các vấn đề có liên quan đến sự cố, tai nạn tàu bay;

đ) Nghiên cứu các vấn đề về tàu bay bị sự cố, tai nạn; công tác đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không; việc bảo đảm và thực hiện chuyến bay; tâm lý và thể trạng của thành viên tổ bay và nhân viên hàng không có liên quan;

e) Yêu cầu cung cấp, nhận và nghiên cứu thông tin, tài liệu từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến sự cố, tai nạn tàu bay.

2. Trong trường hợp tai nạn gây chết người thì cơ quan điều tra tai nạn tàu bay có quyền quyết định việc giữ tử thi để phục vụ cho việc điều tra.

Điều 108. Trách nhiệm thông báo và bảo vệ chứng cứ

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời tin tức về sự cố, tai nạn tàu bay cho chính quyền địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hoặc cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không nơi gần nhất và giúp đỡ tìm kiếm, cứu nạn người, tài sản và bảo vệ tàu bay bị lâm nạn.

Ủy ban nhân dân địa phương được báo tin về sự cố, tai nạn tàu bay có trách nhiệm thông báo ngay cho Bộ Giao thông vận tải.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm bảo vệ tàu bay bị sự cố, tai nạn, trang bị, thiết bị, tài sản trong tàu bay bị sự cố, tai nạn để phục vụ công tác điều tra và giao nộp chứng cứ cho cơ quan điều tra sự cố, tai nạn tàu bay hoặc Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất.

3. Người nào cố ý che giấu, không thông báo về sự cố, tai nạn tàu bay, làm sai lệch thông tin, làm hư hỏng hoặc phá huỷ các thiết bị kiểm tra và các bằng chứng khác liên quan đến sự cố, tai nạn tàu bay thì tuỳ theo tính chất, mức độ mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này cũng được áp dụng đối với tàu bay công vụ.

Chương 6.

VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG

MỤC 1. DOANH NGHIỆP VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG

Điều 109. Kinh doanh vận chuyển hàng không

1. Vận chuyển hàng không là việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư bằng đường hàng không. Vận chuyển hàng không bao gồm vận chuyển hàng không thường lệ và vận chuyển hàng không không thường lệ.

Vận chuyển hàng không thường lệ là việc vận chuyển bằng đường hàng không bao gồm các chuyến bay được thực hiện đều đặn, theo lịch bay được công bố và được mở công khai cho công chúng sử dụng.

Vận chuyển hàng không không thường lệ là việc vận chuyển bằng đường hàng không không có đủ các yếu tố của vận chuyển hàng không thường lệ.

2. Kinh doanh vận chuyển hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện và do doanh nghiệp vận chuyển hàng không (sau đây gọi là hãng hàng không) thực hiện.

Điều 110. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không

1. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không;

b) Có phương án bảo đảm có tàu bay khai thác;

c) Có tổ chức bộ máy, có nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp bảo đảm khai thác tàu bay, kinh doanh vận chuyển hàng không;

d) Đáp ứng điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ;

đ) Có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không phù hợp với nhu cầu của thị trường và quy hoạch, định hướng phát triển ngành hàng không;

e) Có trụ sở chính và địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam.

2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điều kiện sau đây:

a) Bên nước ngoài góp vốn với tỷ lệ theo quy định của Chính phủ;

b) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công dân Việt Nam và không quá một phần ba tổng số thành viên trong bộ máy điều hành là người nước ngoài.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

4. Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không phải nộp lệ phí.

5. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Điều 111. Điều lệ vận chuyển

1. Điều lệ vận chuyển là bộ phận cấu thành của hợp đồng vận chuyển hàng không, quy định các điều kiện của người vận chuyển đối với việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư bằng đường hàng không.

2. Điều lệ vận chuyển không được trái với quy định của Luật này và quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Hãng hàng không có trách nhiệm ban hành Điều lệ vận chuyển và đăng ký với Bộ Giao thông vận tải.

MỤC 2. KHAI THÁC VẬN CHUYỂN HÀNG KHÔNG

Điều 112. Quyền vận chuyển hàng không

1. Quyền vận chuyển hàng không là quyền khai thác thương mại vận chuyển hàng không với các điều kiện về hãng hàng không, đường bay, tàu bay khai thác, chuyến bay và đối tượng vận chuyển.

2. Hãng hàng không kinh doanh vận chuyển hàng không trong phạm vi quyền vận chuyển hàng không do Bộ Giao thông vận tải cấp; không được mua, bán quyền vận chuyển hàng không, thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm hoặc cạnh tranh không lành mạnh.

3. Hãng hàng không thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và kinh doanh vận chuyển hàng không sau khi được Bộ Giao thông vận tải cấp quyền vận chuyển hàng không.

Điều 113. Thủ tục cấp quyền vận chuyển hàng không

1. Hãng hàng không Việt Nam đề nghị cấp quyền vận chuyển hàng không thường lệ phải gửi hồ sơ đến Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp quyền vận chuyển hàng không;

b) Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay;

c) Báo cáo về đường bay và kế hoạch khai thác dự kiến;

d) Tài liệu xác nhận tư cách pháp nhân và Điều lệ hoạt động của hãng.

2. Hãng hàng không nước ngoài đề nghị cấp quyền vận chuyển hàng không thường lệ phải gửi hồ sơ đến Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

a) Các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Văn bản của quốc gia của hãng hàng không nước ngoài chỉ định hoặc xác nhận chỉ định hãng hàng không đó được quyền khai thác vận chuyển hàng không theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xem xét, cấp hoặc không cấp quyền vận chuyển hàng không thường lệ trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

4. Hãng hàng không bị thu hồi quyền vận chuyển hàng không thường lệ trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không và khai thác vận chuyển hàng không;

b) Không bắt đầu khai thác quyền vận chuyển hàng không trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày được cấp;

c) Ngừng khai thác quyền vận chuyển hàng không mười hai tháng liên tục;

d) Theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Quyền vận chuyển hàng không không thường lệ được cấp cùng với việc cấp phép bay.

6. Hãng hàng không Việt Nam phải cung cấp bản sao hợp đồng hợp tác liên quan trực tiếp đến quyền vận chuyển hàng không và các tài liệu có liên quan đến Bộ Giao thông vận tải để xem xét phê duyệt. Thời hạn xem xét phê duyệt hợp đồng là bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ các tài liệu này.

Điều 114. Quyền vận chuyển hàng không quốc tế

1. Vận chuyển hàng không quốc tế là việc vận chuyển bằng đường hàng không qua lãnh thổ của hơn một quốc gia.

Việc trao đổi quyền vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và các quốc gia khác phải bảo đảm sự công bằng, bình đẳng về cơ hội khai thác, về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài.

2. Quyền vận chuyển hàng không quốc tế thường lệ đến và đi từ Việt Nam được cấp căn cứ vào nhu cầu của thị trường, khả năng của hãng hàng không, sự phát triển cân đối mạng đường bay; trên cơ sở và phù hợp với các quy định của điều ước quốc tế về vận chuyển hàng không mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp Việt Nam chưa là thành viên của điều ước quốc tế về vận chuyển hàng không, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có thể cho phép hãng hàng không khai thác vận chuyển hàng không quốc tế thường lệ tạm thời đến và đi từ Việt Nam.

3. Quyền vận chuyển hàng không quốc tế không thường lệ đến và đi từ Việt Nam được cấp căn cứ vào nhu cầu của thị trường và không được gây ảnh hưởng xấu đến vận chuyển thường lệ.

Điều 115. Quyền vận chuyển hàng không nội địa

1. Vận chuyển hàng không nội địa là việc vận chuyển bằng đường hàng không trong lãnh thổ của một quốc gia.

2. Quyền vận chuyển hàng không nội địa được cấp cho các hãng hàng không Việt Nam căn cứ vào nhu cầu của thị trường, khả năng của hãng hàng không, sự phát triển cân đối mạng đường bay và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Bộ Giao thông vận tải chỉ định hãng hàng không Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước khai thác đường bay đến các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa có nhu cầu thiết yếu về vận chuyển hàng không công cộng.

4. Hãng hàng không nước ngoài được tham gia vận chuyển hàng không nội địa khi được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho phép trong các trường hợp sau đây:

a) Phòng chống hoặc khắc phục thiên tai, dịch bệnh;

b) Cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.

Điều 116. Giá cước vận chuyển hàng không

1. Hãng hàng không phải thông báo theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải giá cước vận chuyển hàng không trên đường bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

2. Giá cước vận chuyển hàng không nội địa do hãng hàng không quyết định trong khung giá cước do Bộ Tài chính quy định theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 117. Vận chuyển hỗn hợp

1. Trong trường hợp việc vận chuyển được thực hiện một phần bằng đường hàng không và một phần bằng phương thức vận tải khác thì các quy định của Luật này chỉ áp dụng đối với phần vận chuyển bằng đường hàng không.

2. Các bên trong hợp đồng vận chuyển hàng không có quyền ghi vào vận đơn hàng không, biên lai hàng hóa, vé hành khách các điều kiện liên quan đến việc vận chuyển bằng phương thức vận tải khác.

Điều 118. Vận chuyển kế tiếp

1. Trong trường hợp vận chuyển hàng không do những người vận chuyển khác nhau kế tiếp thực hiện thì mỗi người vận chuyển kế tiếp được coi là một trong các bên của hợp đồng vận chuyển.

2. Trong trường hợp vận chuyển hành khách thì hành khách hoặc người có quyền yêu cầu bồi thường có thể khởi kiện bất kỳ người vận chuyển kế tiếp nào nếu trong quá trình vận chuyển xảy ra tai nạn, vận chuyển chậm, trừ trường hợp người vận chuyển đầu tiên đã nhận trách nhiệm đối với toàn bộ hành trình vận chuyển.

3. Trong trường hợp vận chuyển hành lý, hàng hóa thì hành khách hoặc người gửi hàng có quyền khởi kiện người vận chuyển đầu tiên; hành khách hoặc người nhận hàng có quyền khởi kiện người vận chuyển cuối cùng; mỗi người vận chuyển có quyền khởi kiện người vận chuyển đã thực hiện việc vận chuyển mà trong quá trình đó đã xảy ra mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc vận chuyển chậm. Những người vận chuyển này phải chịu trách nhiệm liên đới đối với hành khách hoặc người gửi hàng, người nhận hàng.

Điều 119. Đơn giản hoá thủ tục trong vận chuyển hàng không

1. Tàu bay, tổ bay, hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư đến và đi từ Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, hải quan, kiểm dịch và các thủ tục kiểm tra khác.

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan phải cung cấp trang bị, thiết bị và dịch vụ để thực hiện nhanh chóng các thủ tục vận chuyển hàng không, xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch và các thủ tục kiểm tra khác cho tàu bay, tổ bay, hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư   tại cảng hàng không, sân bay.

3. Hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư quá cảnh Việt Nam và không rời khỏi khu vực quá cảnh được miễn các thủ tục về nhập cảnh, xuất cảnh, hải quan.

Điều 120. Vận chuyển quốc tế kết hợp nhiều điểm tại Việt Nam

1. Vận chuyển quốc tế kết hợp nhiều điểm tại Việt Nam là việc vận chuyển hàng không quốc tế có ít nhất hai điểm đến hoặc hai điểm đi trong lãnh thổ Việt Nam.

2. Khi vận chuyển quốc tế kết hợp nhiều điểm tại Việt Nam thì tại điểm đến đầu tiên và điểm đi cuối cùng, tàu bay, tổ bay, hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư được áp dụng các quy định về thủ tục vận chuyển hàng không, nhập cảnh, xuất cảnh, hải quan, kiểm dịch như tại điểm quá cảnh quốc tế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 121. Báo cáo và cung cấp số liệu thống kê

1. Hãng hàng không Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Giao thông vận tải định kỳ hoặc theo yêu cầu về kế hoạch và kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm, dài hạn và cung cấp số liệu thống kê vận chuyển hàng không.

2. Hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có trách nhiệm cung cấp số liệu thống kê vận chuyển hàng không có liên quan theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải.

3. Số liệu thống kê vận chuyển hàng không bao gồm số liệu về hành khách, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư đã vận chuyển, về đội tàu bay và thành viên tổ lái, về tình hình tài chính.

Điều 122. Hoạt động kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không

1. Hãng hàng không Việt Nam, hãng hàng không nước ngoài được phép bán hoặc xuất vé hành khách, vận đơn hàng không trực tiếp tại văn phòng bán vé, đại lý bán vé trên cơ sở hợp đồng chỉ định đại lý hoặc thông qua giao dịch điện tử.

Văn phòng bán vé là chi nhánh của hãng hàng không thực hiện nhiệm vụ bán vé của hãng.

2. Hãng hàng không nước ngoài hoạt động kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không tại Việt Nam được quyền thanh toán, chuyển đổi và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 123. Điều kiện, thủ tục mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài

1. Hãng hàng không nước ngoài được mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Thành lập và hoạt động theo pháp luật của quốc gia nơi đặt trụ sở chính của hãng;

b) Quyền kiểm soát pháp lý thuộc về quốc gia nơi đặt trụ sở chính của hãng.

2. Hãng hàng không nước ngoài mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé phải gửi hồ sơ đến Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé;

b) Tài liệu xác nhận tư cách pháp nhân và Điều lệ hoạt động của hãng;

c) Văn bản xác nhận điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi hãng hàng không đặt trụ sở chính, trừ trường hợp hãng hàng không được cấp quyền vận chuyển hàng không thường lệ đến Việt Nam;

d) Giấy tờ xác nhận quyền sử dụng diện tích nhà nơi đặt văn phòng đại diện, văn phòng bán vé;

đ) Mẫu vé dự định bán hoặc xuất tại Việt Nam.

3. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xem xét, cấp hoặc không cấp Giấy phép mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé cho hãng hàng không nước ngoài trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Hãng hàng không nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé phải nộp lệ phí.

5. Giấy phép mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Không bắt đầu hoạt động bán vé trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép;

c) Ngừng hoạt động bán vé mười hai tháng liên tục;

d) Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép;

đ) Có hành vi lừa đảo khách hàng;

e) Vi phạm nghiêm trọng các quy định về kinh doanh vận chuyển hàng không hoặc khai thác hệ thống đặt giữ chỗ bằng máy tính;

g) Trong trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm quyền mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé tương tự của các hãng hàng không Việt Nam tại quốc gia của hãng hàng không nước ngoài.

Điều 124. Quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện, văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài

1. Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong Giấy phép mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé.

2. Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của văn phòng.

3. Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại văn phòng theo quy định của pháp luật Việt Nam về lao động.

4. Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng hoạt động tại Việt Nam và chỉ sử dụng tài khoản này vào hoạt động của văn phòng.

5. Có con dấu mang tên văn phòng theo quy định của pháp luật Việt Nam về doanh nghiệp.

6. Văn phòng đại diện không được hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam, không được giao kết hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này; không được sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của hãng, trừ trường hợp hợp đồng do văn phòng đại diện giao kết hoặc trưởng văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của hãng.

7. Nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính, chế độ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam.

8. Báo cáo về hoạt động của văn phòng định kỳ hoặc theo yêu cầu với Bộ Giao thông vận tải.

Điều 125. Điều kiện, thủ tục và việc đăng ký hợp đồng chỉ định đại lý bán vé của hãng hàng không nước ngoài

1. Hãng hàng không nước ngoài muốn chỉ định đại lý bán vé tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này.

2. Đại lý bán vé của hãng hàng không nước ngoài chỉ được phép thực hiện việc bán vé sau khi đăng ký hợp đồng chỉ định đại lý bán vé với Bộ Giao thông vận tải.

3. Hồ sơ đăng ký hợp đồng bao gồm:

a) Đơn đề nghị đăng ký hợp đồng chỉ định đại lý bán vé;

b) Tài liệu xác nhận tư cách pháp nhân và Điều lệ hoạt động của hãng;

c) Hợp đồng chỉ định đại lý có công chứng;

d) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của đại lý bán vé.

4. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xem xét, cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chỉ định đại lý bán vé trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Đại lý bán vé của hãng hàng không nước ngoài phải nộp lệ phí.

Điều 126. Hệ thống đặt giữ chỗ bằng máy tính

1. Hệ thống đặt giữ chỗ bằng máy tính là hệ thống máy tính cung cấp thông tin về lịch bay, tình trạng chỗ của chuyến bay, giá cước vận chuyển hàng không và thông qua đó thực hiện việc đặt chỗ trên chuyến bay.

2. Doanh nghiệp kinh doanh hệ thống đặt giữ chỗ bằng máy tính phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với người sử dụng dịch vụ;

b) Không bắt buộc người sử dụng chỉ được sử dụng dịch vụ hoặc thiết bị của doanh nghiệp;

c) Việc hiển thị thông tin trên màn hình về lịch bay, tình trạng chỗ của chuyến bay, giá cước vận chuyển hàng không phải toàn diện, công bằng, không phân biệt đối xử;

d) Giá sử dụng dịch vụ được xây dựng trên cơ sở chi phí hợp lý và áp dụng không phân biệt đối xử đối với tất cả những người sử dụng;

đ) Bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 127. Kiểm tra, thanh tra khai thác vận chuyển hàng không

Hãng hàng không Việt Nam, hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện quy định về khai thác vận chuyển hàng không, bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không.

MỤC 3. VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA

Điều 128. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa

1. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa là sự thoả thuận giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển có nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa đến địa điểm đến và trả hàng hóa cho người có quyền nhận; người thuê vận chuyển có nghĩa vụ thanh toán cước phí vận chuyển.

Người vận chuyển là tổ chức cung cấp dịch vụ vận chuyển thương mại bằng đường hàng không.

2. Vận đơn hàng không, các thoả thuận khác bằng văn bản giữa hai bên, Điều lệ vận chuyển, bảng giá cước vận chuyển là tài liệu của hợp đồng vận chuyển hàng hóa.

Điều 129. Vận đơn hàng không và biên lai hàng hóa

1. Vận đơn hàng không là chứng từ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng, việc đã tiếp nhận hàng hóa và các điều kiện của hợp đồng.

2. Vận đơn hàng không phải được sử dụng khi vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Trong trường hợp phương tiện lưu giữ thông tin về vận chuyển hàng hóa được sử dụng thay thế cho việc xuất vận đơn hàng không thì theo yêu cầu của người gửi hàng, người vận chuyển xuất biên lai hàng hóa cho người gửi hàng để nhận biết hàng hóa.

3. Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường cho người gửi hàng về thiệt hại do lỗi của mình, nhân viên, đại lý của mình gây ra do việc nhập không chính xác, không đầy đủ hoặc không đúng quy cách thông tin do người gửi hàng cung cấp vào các phương tiện lưu giữ thông tin quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Việc giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa mà thiếu một hoặc một số nội dung quy định tại các điều 130, 131, 132 và 133 của Luật này không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại và giá trị pháp lý của hợp đồng.

Điều 130. Nội dung của vận đơn hàng không và biên lai hàng hóa

1. Địa điểm xuất phát và địa điểm đến.

2. Địa điểm dừng thoả thuận trong trường hợp vận chuyển có địa điểm xuất phát, địa điểm đến ở lãnh thổ của cùng một quốc gia và có một hoặc nhiều địa điểm dừng thoả thuận ở lãnh thổ của quốc gia khác.

3. Trọng lượng hàng hóa, loại hàng hóa.

Điều 131. Lập vận đơn hàng không

1. Vận đơn hàng không do người gửi hàng lập thành ba bản chính. Bản thứ nhất do người gửi hàng ký, được giao cho người vận chuyển. Bản thứ hai do người gửi hàng và người vận chuyển ký, được giao cho người nhận hàng. Bản thứ ba do người vận chuyển ký, được giao cho người gửi hàng sau khi nhận hàng.

2. Chữ ký của người vận chuyển và người gửi hàng có thể được in hoặc đóng dấu.

3. Người vận chuyển lập vận đơn hàng không theo yêu cầu của người gửi hàng được coi là hành động thay mặt người gửi hàng nếu không có sự chứng minh ngược lại.

Điều 132. Giấy tờ về tính chất của hàng hóa

Trong trường hợp cần thiết, người gửi hàng phải xuất trình các giấy tờ chỉ rõ tính chất của hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan hải quan, công an và cơ quan khác có thẩm quyền. Quy định này không làm phát sinh thêm bất kỳ trách nhiệm hoặc nghĩa vụ nào của người vận chuyển.

Điều 133. Vận đơn hàng không và biên lai hàng hóa vận chuyển nhiều kiện hàng hóa

Khi vận chuyển nhiều kiện hàng hóa, người vận chuyển có quyền yêu cầu người gửi hàng lập vận đơn riêng biệt cho từng kiện hàng hóa. Trong trường hợp phương tiện lưu giữ thông tin về vận chuyển hàng hóa được sử dụng thay thế cho việc xuất vận đơn hàng không theo quy định tại khoản 2 Điều 129 của Luật này thì người gửi hàng có quyền yêu cầu người vận chuyển xuất biên lai hàng hóa riêng biệt cho từng kiện hàng hóa.

Điều 134. Các trường hợp hàng hóa bị từ chối vận chuyển

1. Hàng hóa được vận chuyển không đúng với loại hàng hóa đã thoả thuận.

2. Người gửi hàng không tuân thủ điều kiện và hướng dẫn của người vận chuyển về bao bì, đóng gói, ký hiệu, mã hiệu hàng hóa.

Điều 135. Trách nhiệm của người gửi hàng trong việc cung cấp thông tin

1. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin và tuyên bố liên quan đến hàng hóa được ghi trong vận đơn hàng không hoặc được cung cấp để lưu giữ thông tin trong phương tiện quy định tại khoản 2 Điều 129 của Luật này.

2. Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan hải quan, công an và cơ quan khác có thẩm quyền trước khi hàng hóa được giao cho người nhận hàng. Người vận chuyển không có nghĩa vụ kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin hoặc tài liệu mà người gửi hàng cung cấp.

3. Bồi thường thiệt hại gây ra cho người vận chuyển hoặc thiệt hại mà người vận chuyển phải chịu trách nhiệm do đã cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ hoặc không đúng quy cách.

Điều 136. Trả hàng hóa

1. Người vận chuyển phải thông báo cho người nhận hàng ngay sau khi hàng hóa được vận chuyển đến địa điểm đến, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Người nhận hàng có quyền yêu cầu người vận chuyển trả hàng hóa khi hàng hóa đến địa điểm đến sau khi thanh toán các chi phí phù hợp với điều kiện vận chuyển, trừ trường hợp quy định tại Điều 139 của Luật này.

3. Người nhận hàng hoặc người gửi hàng thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện người vận chuyển theo quy định tại Điều 170 của Luật này trong trường hợp người vận chuyển thừa nhận mất hàng hóa hoặc người nhận hàng không nhận được hàng hóa sau bảy ngày, kể từ ngày hàng hóa đáng lẽ phải được vận chuyển đến địa điểm đến.

Điều 137. Quan hệ giữa người gửi hàng và người nhận hàng hoặc quan hệ với bên thứ ba

1. Người gửi hàng và người nhận hàng có thể tự thực hiện tất cả các quyền của mình quy định tại Điều 139 của Luật này không phụ thuộc vào việc hành động đó vì lợi ích của người gửi hàng hoặc người nhận hàng, với điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa.

2. Các quy định tại khoản 1 Điều này, Điều 136 và Điều 139 của Luật này không ảnh hưởng đến quan hệ giữa người gửi hàng và người nhận hàng, cũng như quan hệ với bên thứ ba có các quyền phát sinh từ người gửi hàng hoặc từ người nhận hàng.

3. Các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, Điều 138 và Điều 139 của Luật này có thể được các bên thoả thuận khác nhưng phải được ghi cụ thể trong vận đơn hàng không hoặc biên lai hàng hóa.

Điều 138. Giá trị chứng cứ của vận đơn hàng không và biên lai hàng hóa

1. Các dữ liệu ghi trong vận đơn hàng không hoặc biên lai hàng hóa về trọng lượng, kích thước, bao gói của hàng hóa và số lượng kiện hàng hóa là chứng cứ ban đầu để khiếu nại hoặc khởi kiện người vận chuyển.

2. Các dữ liệu ghi trong vận đơn hàng không hoặc biên lai hàng hóa về số lượng, thể tích và tình trạng của hàng hóa không có giá trị chứng cứ để khiếu nại hoặc khởi kiện người vận chuyển, trừ trường hợp các dữ liệu đó đã được xác nhận trong vận đơn hàng không hoặc biên lai hàng hóa về việc đã được kiểm tra với sự có mặt của người gửi hàng hoặc các dữ liệu này có thể nhận biết được rõ ràng từ bên ngoài.

Điều 139. Quyền định đoạt hàng hóa

1. Người gửi hàng có quyền lấy lại hàng hóa tại cảng hàng không xuất phát hoặc cảng hàng không đến, giữ hàng tại bất kỳ nơi hạ cánh cho phép nào trong hành trình, yêu cầu giao hàng cho người nhận hàng khác tại địa điểm đến hoặc địa điểm khác trong hành trình, yêu cầu vận chuyển hàng hóa trở lại cảng hàng không xuất phát.

Quyền định đoạt hàng hóa của người gửi hàng không được thực hiện trong trường hợp việc thực hiện quyền đó cản trở hoạt động bình thường của người vận chuyển hoặc gây trở ngại cho những người gửi hàng khác. Người gửi hàng phải thanh toán chi phí phát sinh từ việc thực hiện quyền quy định tại khoản này.

2. Trong trường hợp yêu cầu của người gửi hàng không thể thực hiện được thì người vận chuyển phải thông báo ngay cho người gửi hàng.

3. Trong trường hợp người vận chuyển thực hiện các yêu cầu của người gửi hàng nhưng không lấy lại vận đơn hàng không hoặc biên lai hàng hóa đã xuất cho người gửi hàng thì người vận chuyển phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại gây ra cho bất kỳ người nào có quyền đối với vận đơn hàng không hoặc biên lai hàng hóa đó.

4. Quyền định đoạt hàng hóa của người gửi hàng chấm dứt kể từ thời điểm người nhận hàng yêu cầu người vận chuyển giao hàng hóa cho họ. Trường hợp người nhận hàng từ chối nhận hàng hoặc hàng hóa không thể giao cho người nhận hàng được thì người gửi hàng vẫn có quyền định đoạt hàng hóa.

Điều 140. Từ chối nhận hàng hoặc hàng không có người nhận

Trong trường hợp người nhận hàng từ chối nhận hàng hoặc không có người nhận hàng thì người vận chuyển có nghĩa vụ cất giữ hàng hóa và thông báo cho người gửi hàng. Người gửi hàng phải trả chi phí phát sinh do việc cất giữ hàng hóa.

Điều 141. Xuất vận đơn hàng không thứ cấp

1. Vận đơn hàng không thứ cấp là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giao nhận hàng hóa để vận chuyển bằng đường hàng không giữa doanh nghiệp giao nhận hàng hóa và người gửi hàng, điều kiện của hợp đồng và việc đã tiếp nhận hàng hóa để vận chuyển.

2. Doanh nghiệp giao nhận hàng hóa phải đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp với Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ đăng ký bao gồm:

a) Đơn đề nghị đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Mẫu vận đơn hàng không thứ cấp phù hợp với nội dung vận đơn hàng không quy định tại Điều 130 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài, trong trường hợp làm đại lý xuất vận đơn hàng không thứ cấp cho doanh nghiệp giao nhận hàng hóa nước ngoài.

3. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xem xét, cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp phải nộp lệ phí.

Điều 142. Thanh lý hàng hóa

1. Hàng hóa được thanh lý trong trường hợp người nhận hàng từ chối nhận hàng hoặc hàng hóa không thể giao cho người nhận hàng mà người gửi hàng từ chối nhận lại hàng hoặc không trả lời về việc nhận lại hàng trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày người vận chuyển thông báo cho người gửi hàng; hàng hóa mau hỏng có thể được thanh lý trước thời hạn này.

2. Số tiền thu được từ việc thanh lý hàng hóa sau khi đã trừ các chi phí liên quan đến việc vận chuyển, cất giữ và thanh lý hàng hóa phải được trả lại cho người có quyền nhận; nếu hết thời hạn một trăm tám mươi ngày, kể từ ngày thanh lý hàng hóa, mà người có quyền nhận không đến nhận thì số tiền còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục thanh lý hàng hóa.

MỤC 4. VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH, HÀNH LÝ

Điều 143. Hợp đồng vận chuyển hành khách, hành lý

1. Hợp đồng vận chuyển hành khách, hành lý bằng đường hàng không là sự thoả thuận giữa người vận chuyển và hành khách, theo đó người vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đến và hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.

2. Vé hành khách, Điều lệ vận chuyển, bảng giá cước vận chuyển và các thoả thuận khác bằng văn bản giữa hai bên là tài liệu của hợp đồng vận chuyển hành khách, hành lý.

Điều 144. Vé hành khách, thẻ hành lý

1. Vé hành khách là chứng từ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không và là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng, các điều kiện của hợp đồng. Vé hành khách được xuất cho cá nhân hoặc tập thể bao gồm các nội dung sau đây:

a) Địa điểm xuất phát và địa điểm đến;

b) Chỉ dẫn ít nhất một địa điểm dừng thoả thuận trong trường hợp vận chuyển có địa điểm xuất phát và địa điểm đến ở lãnh thổ của cùng một quốc gia và có một hoặc nhiều địa điểm dừng thoả thuận ở lãnh thổ của quốc gia khác.

2. Phương tiện lưu giữ thông tin về nội dung quy định tại khoản 1 Điều này có thể thay thế cho việc xuất vé hành khách; trường hợp các phương tiện đó được sử dụng thì người vận chuyển có trách nhiệm thông báo cho hành khách về việc cung cấp bản ghi thông tin đã được lưu giữ.

3. Người vận chuyển phải cấp cho hành khách thẻ hành lý đối với mỗi kiện hành lý ký gửi.

4. Việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách, hành lý mà thiếu một hoặc một số nội dung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này không ảnh hưởng đến sự tồn tại và giá trị pháp lý của hợp đồng.

Điều 145. Nghĩa vụ của người vận chuyển khi vận chuyển hành khách

1. Vận chuyển hành khách và hành lý đến địa điểm đến thoả thuận và giao hành lý ký gửi cho người có quyền nhận.

2. Thông báo kịp thời cho hành khách thông tin về chuyến bay; phải quan tâm, chăm sóc hành khách, đặc biệt đối với hành khách là người tàn tật hoặc cần sự chăm sóc trong quá trình vận chuyển.

3. Trong trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm mà không phải do lỗi của hành khách thì người vận chuyển phải thông báo kịp thời, xin lỗi hành khách, bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại và chịu các chi phí có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian phải chờ đợi tại cảng hàng không được quy định trong Điều lệ vận chuyển.

4. Trong trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm do lỗi của người vận chuyển thì ngoài việc thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều này, người vận chuyển còn phải thu xếp hành trình phù hợp cho hành khách theo quy định trong Điều lệ vận chuyển hoặc hoàn trả lại tiền phần vé chưa sử dụng theo yêu cầu của hành khách mà không được thu bất kỳ một khoản phí liên quan nào.

5. Trong trường hợp do lỗi của người vận chuyển, hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển hoặc chuyến bay bị huỷ mà không được thông báo trước thì người vận chuyển có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này và phải trả một khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về thời gian phải báo trước và khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong trường hợp phải bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm dân sự của người vận chuyển thì khoản tiền này được trừ vào khoản tiền bồi thường.

Điều 146. Từ chối vận chuyển hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay hoặc đang trong hành trình

1. Do tình trạng sức khoẻ của hành khách mà người vận chuyển nhận thấy việc vận chuyển hoặc vận chuyển tiếp sẽ gây nguy hại cho hành khách đó, cho những người khác trong tàu bay hoặc gây nguy hại cho chuyến bay.

2. Để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.

3. Hành khách không chấp hành quy định về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, khai thác vận chuyển hàng không.

4. Hành khách có hành vi làm mất trật tự công cộng, uy hiếp an toàn bay hoặc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.

5. Hành khách trong tình trạng say rượu, bia hoặc các chất kích thích khác mà không làm chủ được hành vi.

6. Vì lý do an ninh.

7. Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 147. Quyền của hành khách

1. Được thông báo bằng văn bản về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển áp dụng đối với trường hợp hành khách bị chết, bị thương, hành lý bị hư hỏng, mất và vận chuyển chậm.

2. Trong trường hợp hành khách không được vận chuyển do lỗi của người vận chuyển, hành khách có quyền yêu cầu người vận chuyển thu xếp hành trình phù hợp hoặc hoàn trả lại tiền phần vé chưa sử dụng.

3. Trong các trường hợp quy định tại Điều 146 của Luật này, hành khách được nhận lại tiền vé hoặc số tiền tương ứng của phần vé chưa sử dụng, sau khi đã trừ phí và tiền phạt được ghi trong Điều lệ vận chuyển.

4. Từ chối chuyến bay; nếu đang trong hành trình, hành khách có quyền từ chối bay tiếp tại bất kỳ cảng hàng không, sân bay hoặc nơi hạ cánh bắt buộc nào và có quyền nhận lại tiền vé hoặc số tiền tương ứng của phần vé chưa sử dụng, sau khi đã trừ phí và tiền phạt được ghi trong Điều lệ vận chuyển.

5. Được miễn cước vận chuyển hành lý với mức tối thiểu được ghi trong Điều lệ vận chuyển.

6. Trẻ em dưới mười hai tuổi đi tàu bay được miễn, giảm cước vận chuyển với mức ghi trong Điều lệ vận chuyển.

Trẻ em từ hai tuổi đến dưới mười hai tuổi được bố trí chỗ ngồi riêng; trẻ em dưới hai tuổi không có chỗ ngồi riêng và phải có người lớn đi cùng.

Điều 148. Nghĩa vụ của hành khách

1. Thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không.

2. Thực hiện theo sự chỉ dẫn của người vận chuyển trong quá trình vận chuyển.

3. Bồi thường thiệt hại khi hành khách có lỗi gây ra thiệt hại cho người vận chuyển, người khai thác tàu bay.

Điều 149. Vận chuyển hành lý

1. Hành lý bao gồm hành lý ký gửi và hành lý xách tay.

Hành lý ký gửi là hành lý của hành khách được chuyên chở trong tàu bay và do người vận chuyển bảo quản trong quá trình vận chuyển.

Hành lý xách tay là hành lý được hành khách mang theo người lên tàu bay và do hành khách bảo quản trong quá trình vận chuyển.

2. Hành lý của mỗi hành khách phải được vận chuyển cùng với hành khách trên một chuyến bay, trừ các trường hợp sau đây:

a) Vận chuyển hành lý thất lạc;

b) Hành lý bị giữ lại vì lý do an toàn của chuyến bay;

c) Vận chuyển túi ngoại giao, túi lãnh sự;

d) Hành khách bị chết trong tàu bay và thi thể đã được đưa khỏi tàu bay;

đ) Hành lý được vận chuyển như hàng hóa;

e) Các trường hợp bất khả kháng.

Điều 150. Thanh lý hành lý

1. Hành lý được thanh lý trong trường hợp không có người nhận trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày hành lý được vận chuyển đến địa điểm đến; hành lý mau hỏng có thể được thanh lý trước thời hạn này.

2. Thủ tục thanh lý hành lý được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 142 của Luật này.

MỤC 5. VẬN CHUYỂN THEO HỢP ĐỒNG VÀ VẬN CHUYỂN THỰC TẾ

Điều 151. Người vận chuyển theo hợp đồng và người vận chuyển thực tế

1. Người vận chuyển theo hợp đồng là người giao kết hợp đồng vận chuyển bằng đường hàng không với hành khách, người gửi hàng hoặc đại diện của hành khách, người gửi hàng.

2. Người vận chuyển thực tế là người thực hiện toàn bộ hoặc một phần vận chuyển theo sự uỷ quyền của người vận chuyển theo hợp đồng nhưng không phải là người vận chuyển kế tiếp theo quy định tại Điều 118 của Luật này.

Điều 152. Trách nhiệm của người vận chuyển theo hợp đồng và người vận chuyển thực tế

1. Người vận chuyển theo hợp đồng chịu trách nhiệm đối với toàn bộ việc vận chuyển thỏa thuận trong hợp đồng. Người vận chuyển thực tế chịu trách nhiệm đối với phần vận chuyển mà mình thực hiện.

2. Hành vi của người vận chuyển theo hợp đồng và của nhân viên, đại lý của người vận chuyển theo hợp đồng trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ được coi là hành vi của người vận chuyển thực tế liên quan đến phần vận chuyển do người vận chuyển thực tế thực hiện. Người vận chuyển thực tế không phải chịu trách nhiệm cao hơn giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Mục 1 Chương VII của Luật này.

3. Hành vi của người vận chuyển thực tế và của nhân viên, đại lý của người vận chuyển thực tế trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ được coi là hành vi của người vận chuyển theo hợp đồng liên quan đến phần vận chuyển do người vận chuyển thực tế thực hiện.

4. Thoả thuận của người vận chuyển theo hợp đồng về nghĩa vụ không được quy định ở Chương này, thoả thuận về việc từ bỏ các quyền được quy định tại Chương này hoặc thoả thuận về việc kê khai giá trị hàng hóa, hành lý ký gửi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 162 của Luật này không ảnh hưởng đến trách nhiệm của người vận chuyển thực tế, trừ trường hợp đã được người vận chuyển thực tế đồng ý.

Điều 153. Người nhận khiếu nại hoặc yêu cầu

1. Khiếu nại hoặc yêu cầu có thể được gửi đến người vận chuyển theo hợp đồng hoặc người vận chuyển thực tế, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Yêu cầu về quyền định đoạt hàng hóa quy định tại Điều 139 của Luật này chỉ có giá trị pháp lý khi được gửi cho người vận chuyển theo hợp đồng.

Điều 154. Giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với nhân viên, đại lý

Trong trường hợp việc vận chuyển do người vận chuyển thực tế thực hiện thì nhân viên hoặc đại lý của người vận chuyển thực tế hoặc của người vận chuyển theo hợp đồng có quyền hưởng các giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển quy định tại Mục 1 Chương VII của Luật này, nếu chứng minh được đã hành động trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ.

Điều 155. Tổng số tiền bồi thường thiệt hại

Trong trường hợp việc vận chuyển do người vận chuyển thực tế thực hiện thì tổng số tiền bồi thường thiệt hại mà người vận chuyển thực tế, người vận chuyển theo hợp đồng và nhân viên, đại lý của họ hoạt động trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ phải trả không cao hơn số tiền mà người vận chuyển theo hợp đồng, người vận chuyển thực tế phải bồi thường. Mỗi người vận chuyển không phải trả quá giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mình.

Điều 156. Người bị khởi kiện

Trong trường hợp việc vận chuyển do người vận chuyển thực tế thực hiện thì người vận chuyển thực tế hoặc người vận chuyển theo hợp đồng hoặc cả hai người vận chuyển đều có thể bị khởi kiện. Trường hợp một người vận chuyển bị khởi kiện thì người vận chuyển đó có quyền đề nghị Toà án đưa người vận chuyển kia tham gia tố tụng.

MỤC 6. VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA ĐẶC BIỆT

Điều 157. Vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, thư

Việc vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, thư bằng đường hàng không được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về bưu chính.

Điều 158. Vận chuyển hàng nguy hiểm

1. Hàng nguy hiểm là vật hoặc chất có khả năng gây nguy hiểm cho sức khoẻ, tính mạng của con người, sự an toàn của chuyến bay, tài sản hoặc môi trường.

2. Việc vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường hàng không phải tuân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Hãng hàng không chỉ được phép vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường hàng không khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường hàng không do Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận.

4. Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, trình tự, thủ tục cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường hàng không. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường hàng không phải nộp lệ phí.

Điều 159. Vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, chất thải hạt nhân

Không được vận chuyển bằng đường hàng không vũ khí, dụng cụ chiến tranh, chất thải hạt nhân vào hoặc qua lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Quy định này cũng được áp dụng đối với tàu bay công vụ.

Chương 7.

TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ

MỤC 1. QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA NGƯỜI VẬN CHUYỂN

Điều 160. Bồi thường thiệt hại đối với hành khách

Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hành khách chết hoặc bị thương do tai nạn xảy ra trong tàu bay, trong thời gian người vận chuyển đưa hành khách lên tàu bay hoặc rời tàu bay.

Điều 161. Bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa, hành lý

1. Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hàng hóa, hành lý ký gửi do sự kiện xảy ra từ thời điểm người gửi hàng, hành khách giao hàng hóa, hành lý ký gửi cho người vận chuyển đến thời điểm người vận chuyển trả hàng hóa, hành lý ký gửi cho người có quyền nhận; đối với vận chuyển hàng hóa, thời gian trên không bao gồm quá trình vận chuyển bằng đường biển, đường bộ, đường sắt hoặc đường thuỷ nội địa được thực hiện ngoài cảng hàng không, sân bay.

2. Trường hợp xảy ra mất mát, thiếu hụt hoặc hư hỏng hành lý xách tay, người vận chuyển chỉ chịu trách nhiệm bồi thường nếu người vận chuyển có lỗi gây ra thiệt hại.

Trường hợp hàng hóa, hành lý đã được bồi thường nhưng sau đó hàng hóa, hành lý lại đến địa điểm đến thì người nhận hàng, hành khách vẫn có quyền nhận số hàng hóa, hành lý đó và hoàn trả số tiền bồi thường đã nhận cho người vận chuyển.

3. Trường hợp hàng hóa đã được người vận chuyển hàng không tiếp nhận thì bất kỳ thiệt hại nào cũng được coi là kết quả của sự kiện xảy ra khi vận chuyển bằng đường hàng không mà không phụ thuộc vào phương thức vận chuyển thực tế, trừ trường hợp người vận chuyển chứng minh được thiệt hại xảy ra trong giai đoạn vận chuyển bằng đường biển, đường bộ, đường sắt hoặc đường thủy nội địa. Trường hợp người vận chuyển thay thế một phần hoặc toàn bộ việc vận chuyển bằng đường hàng không bằng phương thức vận chuyển khác mà không được sự đồng ý của người gửi hàng thì việc vận chuyển bằng phương thức khác đó được coi là vận chuyển bằng đường hàng không.

4. Người vận chuyển phải hoàn trả cho người gửi hàng, hành khách cước phí vận chuyển đối với số hàng hóa, hành lý ký gửi bị thiệt hại.

Điều 162. Mức bồi thường thiệt hại hàng hóa, hành lý

1. Mức bồi thường của người vận chuyển đối với mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hàng hóa, hành lý được tính như sau:

a) Theo thoả thuận giữa các bên, nhưng không vượt quá giá trị thiệt hại thực tế;

b) Theo mức giá trị đã kê khai của việc nhận hàng hóa, hành lý ký gửi tại địa điểm đến. Trường hợp người vận chuyển chứng minh được giá trị đã kê khai cao hơn giá trị thực tế thì mức bồi thường được tính theo giá trị thiệt hại thực tế;

c) Theo giá trị thiệt hại thực tế đối với hàng hóa, hành lý ký gửi không kê khai giá trị;

d) Theo giá trị thiệt hại thực tế đối với hành lý xách tay.

2. Trong trường hợp hàng hóa, hành lý ký gửi không kê khai giá trị mà bị mất mát, thiếu hụt, hư hỏng và không xác định được giá trị thiệt hại thực tế thì mức bồi thường của người vận chuyển được tính đến mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 166 của Luật này.

Điều 163. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển

Người vận chuyển phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tính mạng, sức khoẻ của hành khách, việc mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hàng hóa, hành lý và do vận chuyển chậm hoặc thực hiện các biện pháp bảo đảm khác đến mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển quy định tại Điều 166 của Luật này.

Điều 164. Bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm

1. Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do vận chuyển chậm, trừ trường hợp chứng minh được mình, nhân viên và đại lý của mình không thể áp dụng hoặc đã áp dụng mọi biện pháp để tránh thiệt hại nhưng thiệt hại vẫn xảy ra.

2. Việc bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm không vượt quá mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 166 của Luật này.

Điều 165. Miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Trong trường hợp chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, người vận chuyển được miễn một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2. Trong trường hợp chứng minh được thiệt hại đối với tính mạng, sức khoẻ của hành khách xảy ra do lỗi của hành khách, người vận chuyển được miễn một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của hành khách; người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tính mạng, sức khoẻ của hành khách nếu thiệt hại đó hoàn toàn do tình trạng sức khoẻ của hành khách gây ra.

3. Người vận chuyển được miễn một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm bồi thường đối với hàng hóa, hành lý ký gửi bị thiệt hại một cách tương ứng trong các trường hợp sau đây:

a) Do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hóa, hành lý ký gửi;

b) Do quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa, hành lý ký gửi;

c) Do xảy ra chiến tranh hoặc xung đột vũ trang;

d) Do lỗi của người gửi, người nhận hàng hóa, hành lý ký gửi hoặc do lỗi của người áp tải được người gửi hàng hoặc người nhận hàng cử đi kèm hàng hóa.

Điều 166. Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển

1. Người vận chuyển được hưởng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

a) Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách là một trăm nghìn đơn vị tính toán cho mỗi hành khách;

b) Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm là bốn nghìn một trăm năm mươi đơn vị tính toán cho mỗi hành khách;

c) Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là một nghìn đơn vị tính toán cho mỗi hành khách; trường hợp hành khách có kê khai giá trị của việc nhận hành lý ký gửi tại địa điểm đến và trả một khoản phí bổ sung thì người vận chuyển phải bồi thường theo mức giá trị đã được kê khai, trừ trường hợp người vận chuyển chứng minh được rằng giá trị đã kê khai lớn hơn giá trị thực tế;

d) Đối với vận chuyển hàng hóa, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm là mười bảy đơn vị tính toán cho mỗi kilôgam hàng hóa; trường hợp người gửi hàng có kê khai giá trị của việc nhận hàng hóa tại nơi đến và trả một khoản phí bổ sung thì người vận chuyển phải bồi thường theo mức giá trị đã được kê khai, trừ trường hợp người vận chuyển chứng minh được rằng giá trị đã kê khai lớn hơn giá trị thực tế.

2. Đơn vị tính toán là đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định và được quy ước là Quyền rút vốn đặc biệt. Đơn vị tính toán được chuyển đổi sang Đồng Việt Nam theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán.

3. Trọng lượng của kiện hàng hóa bị mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc bị vận chuyển chậm được sử dụng để xác định giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong trường hợp vận chuyển hàng hóa. Trường hợp phần hàng hóa bị mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc vận chuyển chậm làm ảnh hưởng đến giá trị của các kiện hàng hóa khác trong cùng một vận đơn hàng không hoặc biên lai hàng hóa thì trọng lượng của toàn bộ các kiện hàng hóa được sử dụng để xác định giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển.

4. Người vận chuyển chỉ được hưởng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại điểm a khoản 1 Điều này trong trường hợp người vận chuyển chứng minh được rằng thiệt hại xảy ra không phải do lỗi của mình hoặc hoàn toàn do lỗi của bên thứ ba.

5. Người vận chuyển không được hưởng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này trong trường hợp người vận chuyển, nhân viên hoặc đại lý của người vận chuyển thực hiện hành vi gây thiệt hại một cách cố ý hoặc do sự cẩu thả nhưng với nhận thức rằng thiệt hại có thể xảy ra. Trong trường hợp hành vi đó do nhân viên hoặc đại lý thực hiện thì phải chứng minh được rằng nhân viên hoặc đại lý đó đã hành động khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

6. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 167. Thỏa thuận về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Mọi thoả thuận của người vận chuyển với hành khách, người gửi hàng, người nhận hàng nhằm miễn, giảm mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển quy định tại Điều 166 của Luật này đều không có giá trị pháp lý.

2. Người vận chuyển có thể thoả thuận với hành khách, người gửi hàng, người nhận hàng về các mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cao hơn các mức giới hạn trách nhiệm quy định tại Điều 166 của Luật này.

Điều 168. Bồi thường thiệt hại cho người vận chuyển

Hành khách, người gửi hàng, người nhận hàng phải bồi thường thiệt hại cho người vận chuyển nếu gây thiệt hại cho người vận chuyển hoặc gây thiệt hại cho người thứ ba mà người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường.

Điều 169. Tiền trả trước

1. Trong trường hợp xảy ra tai nạn tàu bay gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của hành khách thì người vận chuyển phải trả ngay một khoản tiền cho hành khách hoặc người có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Mức tiền trả trước này do người vận chuyển quyết định và được ghi trong Điều lệ vận chuyển.

2. Khoản tiền trả trước theo quy định tại khoản 1 Điều này không phải là bằng chứng để xác định lỗi của người vận chuyển và được trừ vào số tiền bồi thường thiệt hại mà người vận chuyển phải trả.

Điều 170. Khiếu nại và khởi kiện người vận chuyển

1. Hành khách, người gửi hàng, người nhận hàng hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại, khởi kiện người vận chuyển để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị xâm hại.

2. Trước khi khởi kiện về mất mát, thiếu hụt, hư hỏng, vận chuyển chậm hàng hóa, hành lý ký gửi, người có quyền khởi kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải khiếu nại bằng văn bản đến người vận chuyển trong thời hạn sau đây:

a) Bảy ngày, kể từ ngày nhận hành lý trong trường hợp mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hành lý;

b) Mười bốn ngày, kể từ ngày nhận hàng trong trường hợp thiếu hụt, hư hỏng hàng hóa; hai mươi mốt ngày, kể từ ngày phải trả hàng trong trường hợp mất mát hàng hóa;

c) Hai mươi mốt ngày, kể từ ngày người có quyền nhận đã nhận được hành lý hoặc hàng hóa trong trường hợp vận chuyển chậm.

3. Người vận chuyển phải thông báo cho người khiếu nại biết việc chấp nhận hoặc không chấp nhận khiếu nại trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp khiếu nại không được chấp nhận hoặc quá thời hạn trên mà không nhận được thông báo trả lời thì người khiếu nại có quyền khởi kiện.

4. Việc khởi kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người vận chuyển chỉ được thực hiện theo các điều kiện và mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Luật này.

5. Trường hợp việc khiếu nại không được thực hiện trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này thì việc khởi kiện không có giá trị, trừ trường hợp có sự lừa dối từ phía người vận chuyển hoặc người có quyền khiếu nại có lý do chính đáng.

Điều 171. Quyền của nhân viên, đại lý của người vận chuyển khi bị khiếu nại

1. Trong trường hợp nhân viên, đại lý của người vận chuyển bị khiếu nại về bồi thường thiệt hại thì nhân viên, đại lý đó có quyền hưởng các giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển theo quy định tại Mục 1 Chương VII của Luật này nếu nhân viên, đại lý đó đã hành động trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ.

2. Tổng số tiền bồi thường thiệt hại mà người vận chuyển, nhân viên, đại lý của người vận chuyển phải chịu không vượt quá mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.

Điều 172. Thẩm quyền giải quyết của Toà án Việt Nam đối với tranh chấp trong vận chuyển hàng không quốc tế

1. Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng không quốc tế hành khách, hành lý, hàng hóa theo lựa chọn của người khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

a) Người vận chuyển có trụ sở chính hoặc địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam;

b) Người vận chuyển có địa điểm kinh doanh và giao kết hợp đồng vận chuyển tại Việt Nam;

c) Việt Nam là địa điểm đến của hành trình vận chuyển.

2. Hợp đồng vận chuyển quốc tế quy định tại khoản 1 Điều này là hợp đồng vận chuyển mà theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng, địa điểm xuất phát và địa điểm đến trên lãnh thổ của hai quốc gia hoặc trên lãnh thổ của một quốc gia nhưng có địa điểm dừng thoả thuận trên lãnh thổ của một quốc gia khác, không kể có gián đoạn trong vận chuyển hoặc chuyển tải.

3. Đối với tranh chấp về thiệt hại xảy ra trong trường hợp hành khách bị chết hoặc bị thương thì ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp hành khách có nơi cư trú chính và thường xuyên tại Việt Nam vào thời điểm xảy ra tai nạn, với điều kiện:

a) Người vận chuyển có hoạt động khai thác vận chuyển hành khách trực tiếp bằng tàu bay của mình hoặc bằng tàu bay của người vận chuyển khác theo hợp đồng giao kết giữa những người vận chuyển về việc liên danh khai thác các chuyến bay vận chuyển hành khách;

b) Người vận chuyển sử dụng trụ sở của mình hoặc trụ sở của người vận chuyển khác có hợp đồng liên danh giao kết với mình để kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường hàng không tại Việt Nam.

4. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng dân sự của Việt Nam.

Điều 173. Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

1. Các bên của hợp đồng vận chuyển hàng hóa có thể thoả thuận giải quyết tranh chấp phát sinh bằng Trọng tài. Thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản.

2. Đối với tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển, việc giải quyết bằng Trọng tài tại Việt Nam chỉ được thực hiện trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 172 của Luật này.

3. Quy định tại khoản 2 Điều này được coi là một phần của bất kỳ điều khoản hoặc thoả thuận trọng tài nào. Mọi điều khoản và thoả thuận trọng tài trái với quy định này đều bị coi là vô hiệu.

Điều 174. Thời hiệu khởi kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển

Thời hiệu khởi kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển đối với thiệt hại xảy ra cho hành khách, hành lý, hàng hóa là hai năm, kể từ ngày tàu bay đến địa điểm đến, ngày tàu bay phải đến địa điểm đến hoặc từ ngày việc vận chuyển bị chấm dứt, tùy thuộc vào thời điểm nào muộn nhất.

MỤC 2. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ĐỐI VỚI NGƯỜI THỨ BA Ở MẶT ĐẤT

Điều 175. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân ở mặt đất bị thiệt hại do tàu bay đang bay, người, vật, chất trong tàu bay đang bay gây ra (sau đây gọi là người thứ ba ở mặt đất) có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu chứng minh được rằng tàu bay đang bay, người, vật, chất từ tàu bay đang bay rơi xuống trực tiếp gây ra thiệt hại đó.

2. Trong Mục này, tàu bay được coi là đang bay kể từ thời điểm tàu bay nổ máy để cất cánh cho đến thời điểm tắt máy sau khi hạ cánh; đối với khí cầu hoặc thiết bị bay tương tự thì kể từ thời điểm rời khỏi mặt đất cho đến thời điểm chạm đất.

Điều 176. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người khai thác tàu bay

Người khai thác tàu bay phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người thứ ba ở mặt đất hoặc thực hiện các biện pháp bảo đảm khác đến mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mình quy định tại Điều 180 của Luật này.

Điều 177. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người khai thác tàu bay phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho người thứ ba ở mặt đất.

2. Người sử dụng tàu bay bất hợp pháp gây thiệt hại cho người thứ ba ở mặt đất thì phải bồi thường. Người chiếm hữu tàu bay phải chịu trách nhiệm liên đới với người sử dụng bất hợp pháp tàu bay về thiệt hại đã gây ra nếu không chứng minh được rằng mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc sử dụng bất hợp pháp đó.

3. Người khai thác tàu bay quy định tại Chương này là người trực tiếp sử dụng tàu bay hoặc nhân viên của người đó sử dụng tàu bay trong quá trình thực hiện công việc tại thời điểm xảy ra thiệt hại.

Điều 178. Miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì mức bồi thường của người gây ra thiệt hại được giảm tương ứng với mức độ lỗi của người bị thiệt hại; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.

2. Người khai thác tàu bay được miễn trách nhiệm bồi thường nếu thiệt hại là hậu quả trực tiếp của chiến tranh, xung đột vũ trang hoặc tàu bay đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền trưng dụng.

Điều 179. Quyền khởi kiện để truy đòi của người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có quyền khởi kiện để truy đòi đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc gây ra thiệt hại.

Điều 180. Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người khai thác tàu bay

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người khai thác tàu bay quy định tại Mục này đối với mỗi tàu bay và mỗi sự kiện gây thiệt hại không quá một nghìn đơn vị tính toán cho mỗi kilôgam trọng lượng tàu bay.

Trọng lượng tàu bay là trọng lượng cất cánh tối đa được phép của tàu bay theo Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay, trừ ảnh hưởng của khí nâng khi sử dụng.

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người khai thác tàu bay trong trường hợp người thứ ba ở mặt đất bị chết, bị thương hoặc tổn hại khác về sức khoẻ không quá một trăm năm mươi nghìn đơn vị tính toán cho mỗi người.

3. Trong trường hợp thiệt hại do tàu bay va chạm hoặc gây cản trở nhau thì người thứ ba ở mặt đất có quyền được bồi thường đến mức tổng số các giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với mỗi tàu bay; người có trách nhiệm bồi thường của mỗi tàu bay gây thiệt hại chỉ phải bồi thường đến mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người khai thác tàu bay.

Điều 181. Các trường hợp người khai thác tàu bay mất quyền hưởng giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại xảy ra do lỗi của người khai thác tàu bay, nhân viên, đại lý của người khai thác tàu bay.

2. Thiệt hại xảy ra khi tàu bay bị sử dụng bất hợp pháp.

Điều 182. Giải quyết bồi thường thiệt hại trong trường hợp tổng giá trị thiệt hại thực tế vượt quá giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người khai thác tàu bay

1. Trong trường hợp chỉ có yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hoặc về tài sản thì số tiền bồi thường cho mỗi yêu cầu được giảm theo tỷ lệ tương ứng với giá trị thiệt hại thực tế.

2. Trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại về cả tính mạng, sức khoẻ và tài sản thì tổng số tiền bồi thường được ưu tiên sử dụng để đáp ứng yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ; nếu không đủ thì chia theo tỷ lệ của các yêu cầu đó; phần tiền còn lại được sử dụng để đáp ứng yêu cầu bồi thường về tài sản chưa được giải quyết.

Điều 183. Các trường hợp người bảo hiểm, người bảo đảm được miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người bảo hiểm, người bảo đảm được miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp quy định tại Điều 178 của Luật này.

2. Người bảo hiểm, người bảo đảm được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra khi hợp đồng bảo hiểm hoặc việc bảo đảm hết hiệu lực. Trường hợp tàu bay đang bay mà hợp đồng bảo hiểm hoặc việc bảo đảm hết hiệu lực thì thời hạn bảo hiểm hoặc bảo đảm được kéo dài cho đến khi tàu bay hạ cánh ở điểm tiếp theo trong hành trình, nhưng không quá hai mươi bốn giờ, kể từ thời điểm hợp đồng bảo hiểm hoặc việc bảo đảm hết hiệu lực. Việc kéo dài thời hạn bảo hiểm hoặc bảo đảm chỉ được áp dụng khi có lợi cho người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra ở ngoài phạm vi được bảo hiểm về không gian quy định trong hợp đồng bảo hiểm hoặc bảo đảm, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trong tình huống khẩn cấp.

Điều 184. Miễn kê biên tiền bảo hiểm, tiền bảo đảm

Khoản tiền bảo hiểm, tiền bảo đảm quy định tại Điều 176 của Luật này không bị kê biên để bảo đảm thực hiện yêu cầu của chủ nợ của người khai thác tàu bay cho đến khi việc bồi thường thiệt hại cho người thứ ba ở mặt đất được giải quyết.

Điều 185. Thẩm quyền xét xử của Toà án

Tòa án nơi xảy ra thiệt hại có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của người thứ ba ở mặt đất, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều 186. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với người thứ ba ở mặt đất là hai năm, kể từ ngày phát sinh sự kiện gây thiệt hại.

Điều 187. Áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại

Các quy định tại Mục này được áp dụng đối với tàu bay đang bay gây thiệt hại cho tàu, thuyền, công trình của Việt Nam ở vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vùng biển, vùng đất không thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào.

MỤC 3. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI KHI TÀU BAY VA CHẠM HOẶC GÂY CẢN TRỞ NHAU

Điều 188. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người khai thác khi tàu bay va chạm hoặc gây cản trở nhau

1. Trong trường hợp xảy ra thiệt hại do tàu bay va chạm hoặc gây cản trở nhau thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người khai thác tàu bay được xác định như sau:

a) Thiệt hại xảy ra do lỗi của một bên thì bên có lỗi phải bồi thường;

b) Thiệt hại xảy ra do lỗi của nhiều bên thì trách nhiệm bồi thường được xác định theo mức độ lỗi của mỗi bên; trường hợp không xác định được mức độ lỗi thì các bên có trách nhiệm bồi thường ngang nhau.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không cản trở việc yêu cầu người vận chuyển bồi thường thiệt hại. Người vận chuyển có quyền yêu cầu người khai thác tàu bay có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền đã bồi thường.

Điều 189. Trách nhiệm liên đới

Khi hai hoặc nhiều tàu bay đang bay do va chạm hoặc gây cản trở cho nhau mà gây thiệt hại cho người thứ ba ở mặt đất thì người khai thác tàu bay của mỗi tàu bay gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại đó theo mức độ lỗi của mỗi bên.

Chương 8.

AN NINH HÀNG KHÔNG

Điều 190. An ninh hàng không

1. An ninh hàng không là việc sử dụng kết hợp các biện pháp, nguồn nhân lực, trang bị, thiết bị để phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, bảo vệ an toàn cho tàu bay, hành khách, tổ bay và những người dưới mặt đất.

2. Hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng là hành vi có khả năng uy hiếp an toàn hoạt động hàng không dân dụng, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

a) Chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay đang bay;

b) Chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay trên mặt đất;

c) Sử dụng tàu bay như một vũ khí;

d) Bắt giữ con tin trong tàu bay hoặc tại cảng hàng không, sân bay;

đ) Xâm nhập trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;

e) Đưa vật phẩm nguy hiểm vào tàu bay, vào cảng hàng không, sân bay và khu vực hạn chế khác trái pháp luật.

Vật phẩm nguy hiểm bao gồm vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất nổ, chất phóng xạ và các vật hoặc chất khác có khả năng gây nguy hiểm hoặc được dùng để gây nguy hiểm cho sức khoẻ, tính mạng của con người, sự an toàn của chuyến bay;

 g) Cung cấp các thông tin sai đến mức uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất; an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng.

Điều 191. Bảo đảm an ninh hàng không

1. Bảo đảm an ninh hàng không được thực hiện bằng các biện pháp sau đây:

a) Thiết lập khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không để bảo vệ tàu bay và công trình, trang bị, thiết bị tại khu vực đó;

b) Kiểm tra, soi chiếu, giám sát an ninh hàng không trước chuyến bay;

c) Loại trừ khả năng chuyên chở bất hợp pháp vật phẩm nguy hiểm bằng đường hàng không và áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi cho phép chuyên chở các vật phẩm nguy hiểm đó;

d) Đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

2. Việc bảo vệ tàu bay, thiết lập và bảo vệ các khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không và kiểm tra, soi chiếu, giám sát an ninh hàng không trước chuyến bay thực hiện theo chương trình an ninh hàng không dân dụng quy định tại Điều 196 của Luật này.

Điều 192. Thiết lập và bảo vệ các khu vực hạn chế

1. Khu vực hạn chế là khu vực của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không mà việc ra, vào và hoạt động tại đó phải tuân thủ các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được kiểm tra, soi chiếu, giám sát an ninh hàng không.

2. Việc thiết lập các khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không phải phù hợp với mục đích bảo đảm an ninh hàng không và tính chất hoạt động hàng không dân dụng.

Điều 193. Kiểm tra, soi chiếu, giám sát an ninh hàng không trước chuyến bay

1. Tàu bay phải được kiểm tra, giám sát an ninh hàng không trước khi thực hiện chuyến bay.

2. Hành khách, thành viên tổ bay, người phục vụ chuyến bay, người khác có liên quan, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư và các vật phẩm khác phải được kiểm tra, soi chiếu, giám sát an ninh hàng không trước khi lên tàu bay.

Điều 194. Đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng

1. Mọi biện pháp đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng phải ưu tiên bảo đảm an toàn cho tàu bay và tính mạng con người.

2. Tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp phải được ưu tiên về điều hành bay và các trợ giúp cần thiết khác.

3. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án khẩn nguy đối phó với các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

4. Bộ Công an chịu trách nhiệm chỉ huy lực lượng tham gia thực hiện phương án khẩn nguy.

5. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm xử lý hành vi can thiệp bất hợp pháp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 190 của Luật này; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý vùng trời, quản lý bay của Bộ Quốc phòng ưu tiên trợ giúp điều hành tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp khi bay trong vùng trời Việt Nam; phối hợp với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu hướng dẫn tổ bay xử lý thích hợp khi xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với tàu bay đang bay và thực hiện các biện pháp xử lý thích hợp khác.

6. Trong trường hợp đặc biệt, vượt quá phạm vi thẩm quyền của các bộ, ngành có liên quan, Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý các vấn đề về bảo đảm an toàn cho tàu bay, tổ bay, hành khách, hành lý, hàng hóa trong tàu bay.

7. Hãng hàng không phải chịu toàn bộ chi phí liên quan đến việc đối phó với những hành vi can thiệp bất hợp pháp đối với tàu bay của mình.

Điều 195. Nhân viên an ninh hàng không

1. Nhân viên an ninh hàng không được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không.

2. Việc trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của nhân viên an ninh hàng không được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 196. Chương trình an ninh hàng không dân dụng

1. Chương trình an ninh hàng không dân dụng quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục, biện pháp bảo đảm an ninh hàng không.

2. Các chương trình an ninh hàng không dân dụng bao gồm:

a) Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam;

b) Chương trình an ninh hàng không dân dụng của người khai thác cảng hàng không, sân bay;

c) Chương trình an ninh hàng không dân dụng của hãng hàng không;

d) Phương án điều hành tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu.

3. Các chương trình an ninh hàng không dân dụng được xây dựng phù hợp với pháp luật Việt Nam về bảo đảm an ninh hàng không và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Chương trình an ninh hàng không dân dụng Việt Nam; phê duyệt chương trình an ninh hàng không dân dụng của người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không Việt Nam; phê duyệt phương án điều hành tàu bay đang bay bị can thiệp bất hợp pháp; chấp thuận chương trình an ninh hàng không dân dụng của hãng hàng không nước ngoài.

Điều 197. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động hàng không dân dụng

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay; xây dựng chương trình an ninh hàng không dân dụng của người khai thác cảng hàng không, sân bay.

2. Hãng hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh hàng không đối với hoạt động của mình; xây dựng chương trình an ninh hàng không dân dụng của hãng.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu chịu trách nhiệm xây dựng phương án điều hành tàu bay khi đang bay bị can thiệp bất hợp pháp.

4. Hãng hàng không nước ngoài thực hiện vận chuyển thường lệ đến và đi từ Việt Nam phải trình Bộ Giao thông vận tải chương trình an ninh hàng không dân dụng đã được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi hãng hàng không có trụ sở chính hoặc có địa điểm kinh doanh chính phê duyệt.

5. Tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động hàng không dân dụng phải thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh hàng không.

6. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Chương 9.

HOẠT ĐỘNG HÀNG KHÔNG CHUNG

Điều 198. Điều kiện hoạt động hàng không chung

1. Hoạt động hàng không chung là hoạt động sử dụng tàu bay để thực hiện các chuyến bay trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và các lĩnh vực kinh tế khác, phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hoá, thể thao, đào tạo, huấn luyện, bay hiệu chuẩn, đo đạc, chụp ảnh, quay phim, bay phục vụ nhu cầu cá nhân và các hoạt động bay dân dụng khác không nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư.

2. Hoạt động hàng không chung phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Tàu bay, tổ bay phải được cấp giấy phép, chứng chỉ cần thiết theo quy định của Luật này và phù hợp với loại hình hoạt động khai thác được thực hiện;

b) Bảo đảm các điều kiện về an toàn hàng không, an ninh hàng không, bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức thực hiện hoạt động hàng không chung vì mục đích thương mại phải có Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay theo quy định tại Điều 23 của Luật này.

Điều 199. Quản lý hoạt động hàng không chung

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động hàng không chung phải đăng ký loại hình hoạt động với Bộ Giao thông vận tải.

2. Doanh nghiệp thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện hoạt động hàng không chung vì mục đích thương mại phải được Bộ Giao thông vận tải cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung.

3. Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung, Giấy phép kinh doanh hàng không chung.

4. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung, Giấy phép kinh doanh hàng không chung phải nộp lệ phí.

Điều 200. Hợp đồng cung cấp dịch vụ hàng không chung

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không chung vì mục đích thương mại phải ký hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ đó phù hợp với các quy định của pháp luật, trừ trường hợp thực hiện hoạt động cứu nạn, cứu hộ trong tình huống khẩn cấp.

Điều 201. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động hàng không chung phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này.

Chương 10.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 202. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.

2. Luật này thay thế Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 26 tháng 12 năm 1991 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam ngày 20 tháng 4 năm 1995.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng

 

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No: 66/2006/QH11

Hanoi, June 29, 2006

 

LAW

VIETNAM CIVIL AVIATION

(No. 66/2006/QH11)

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under December 25, 2001 Resolution No. 51/2001/QH10 of the Xth National Assembly, the 10th session;
This Law provides for civil aviation.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Scope of regulation

1. This Law provides for civil aviation activities, covering aircraft, airports, airfields, aviation personnel, air navigation, air carriage, aviation security, civil liability, general aviation and other activities related to civil aviation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 2.- Subjects of application

1. Vietnamese organizations and individuals and foreign organizations and individuals engaged in civil aviation activities in Vietnam.

2. Vietnamese organizations and individuals engaged in civil aviation activities in a foreign country, unless otherwise provided for by the laws of that foreign country.

3. Vietnamese organizations and individuals and foreign organizations and individuals engaged in civil aviation activities in the flight information region under the management of Vietnam.

Flight information region means a delimited area in the air where flight information services and alarming services are provided.

Article 3.- Application of laws

1. For social relations arising from civil aviation activities not governed by this Law, relevant provisions of Vietnamese law shall apply.

2. When this Law and another law provide differently for the same issue related to civil aviation, the provisions of this Law shall apply.

3. When a treaty to which Vietnam is a contracting party contains provisions different from those of this Law, the provisions of that treaty shall apply.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The laws of the state in which an aircraft's nationality is registered shall apply to social relations arising on board the aircraft in flight and to determining rights to an aircraft.

2. The laws of the state in which a contract related to rights to an aircraft is signed shall apply to determining the form of such contract.

3. The laws of the state in which an aircraft is salvaged or preserved shall apply to the payment of remuneration for the salvage or preservation of such aircraft.

4. The laws of the state in which an accident occurs as a result of aircraft collision or interference or in which an aircraft in flight causes damage to third parties on the surface shall apply to the compensation for damage.

Article 5.- Principles of civil aviation activities

1. Respect for independence, sovereignty, unity and territorial integrity of the Socialist Republic of Vietnam; assurance of safety and security of aviation; assurance of defense and security requirements and effective exploitation of aviation potential in service of national socio-economic development.

2. Compliance with the national socio-economic development strategy, the communications and transport development strategies, plannings and plans; coordinated development of airports, airfields, air navigation, means of transport and other resources; environmental protection and sustainable development.

3. Sound and fair competition among organizations and individuals of all economic sectors participating in civil aviation activities.

4. Expansion of international exchange and cooperation in the domain of civil aviation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The State shall prioritize investment in construction and upgrading of airports, airfields and other facilities belonging to civil aviation infrastructure in order to ensure safe, efficient and coordinated development of air carriage.

2. The State shall create conditions for Vietnamese organizations and individuals of all economic sectors, foreign organizations and individuals and overseas Vietnamese to cooperate and invest in the domain of civil aviation.

3. The State shall facilitate Vietnamese airlines to provide air carriage services and exploit flight routes to areas with particularly socio-economic difficulties, mountainous, deep-lying and remote areas.

4. The State shall encourage research and application of scientific and technological advances and human resource training for civil aviation development.

5. The State shall protect legitimate rights and interests of organizations and individuals of all economic sectors engaged in civil aviation activities.

Article 7.- Environmental protection in civil aviation activities

1. Organizations and individuals engaged in civil aviation activities shall observe the environmental protection law.

2. Aircraft, air navigation facilities and equipment; airport and airfield facilities and equipment and other technical equipment on the ground shall meet environmental protection standards and be inspected in order to prevent and promptly respond to adverse environmental impacts.

Article 8.- Contents of state management of civil aviation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Formulating, and directing the implementation of, strategies, plannings, plans and policies on development of the civil aviation sector.

3. Managing civil flight operations within Vietnamese territory and in the flight information region, technical systems, air navigation facilities and equipment.

4. Planning and managing the operation of airports and airfields; assuming the prime responsibility for and coordinating activities of state management agencies and other organizations in airports and airfields.

5. Managing air carriage operations.

6. Registering aircraft and rights thereto.

7. Managing the design, manufacture, maintenance, import, export of aircraft, aircraft engines, aircraft propellers, aircraft equipment and other facilities, equipment and supplies in service of civil aviation activities.

8. Granting and recognizing certificates, permits and licenses and other papers and documents related to civil aviation activities.

9. Managing the assurance of security and safety for civil aviation activities; organizing and preserving security and safety for special flights and special-purpose flights.

10. Managing aircraft search and rescue activities and investigations into aircraft incidents and accidents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



12. Managing the training and development of human resources for the civil aviation sector.

13. Managing scientific and technological activities in the civil aviation sector; environmental protection in civil aviation activities.

14. Supervising, inspecting, settling complaints and denunciations, and handling violations in civil aviation activities.

Article 9.- Responsibilities of state management of civil aviation

1. The Government shall perform the uniform state management of civil aviation.

2. The Ministry of Transport shall be responsible to the Government for performing the state management of civil aviation.

3. The Ministry of Defense shall manage and protect the Vietnamese airspace; supervise civil flight operations; and coordinate with the Ministry of Transport in organizing and using the airspace in service of civil aviation activities.

4. Ministries and ministerial-level agencies shall, within the scope of their respective tasks and powers, coordinate with the Ministry of Transport in performing the state management of civil aviation according to the Government's regulations.

5. People's Committees at all levels shall, within the scope of their respective tasks and powers, perform the state management of civil aviation in localities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The aviation inspectorate, a body under the inspectorate of the Ministry of Transport, shall perform inspection specializing in civil aviation.

2. The aviation inspectorate has the following tasks and powers:

a/ Inspecting the observance of regulations on papers, documents, certificates and permits related to civil aviation; standards, processes and regulations on technical safety and conditions of aircraft, equipment for aircraft, airports and airfields, ensuring air navigation and other aspects of civil aviation;

b/ Suspending activities of organizations, individuals and means that violate aviation safety and security regulations or fail to meet technical standards and conditions of aviation safety and security;

c/ Sanctioning administrative violations in civil aviation in accordance with the law on handling of administrative violations;

d/ Detaining aircraft;

e/ Coordinating with inspectorates of ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies and concerned local agencies in detecting, stopping and handling acts that violate the civil aviation law;

f/ Suggesting measures to handle and redress violations in civil aviation activities.

3. The aviation inspectorate shall be equipped with uniforms, badges and necessary equipment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 11.- Aviation service charges, fees and prices

1. Charges, fees and aviation service prices include:

a/ Charge for flight through the airspace, charge for the transfer of operation rights and other charges prescribed by the law on charges and fees;

b/ Fees for the grant of certificates and permits related to civil aviation activities;

c/ Prices of takeoff and landing services, administration of outbound and inbound flights; assistance in ensuring air navigation; security screening; and passenger services;

d/ Prices of other services provided at airports and airfields.

2. The Ministry of Finance shall set the rates of charges, fees and service prices specified at Points a, b and c, Clause 1 of this Article at the proposal of the Ministry of Transport.

3. Enterprises shall decide on prices specified at Point d, Clause 1 of this Article within the price frame set by the Ministry of Finance at the proposal of the Ministry of Transport.

Article 12.- Prohibited acts in civil aviation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Performing duties of aviation personnel without appropriate permits and certificates;

c/ Dropping equipment, items or other articles from aircraft in the air, thus affecting the safety of air navigation, environment and people's life;

d/ Flying into restricted or prohibited zones in contravention of regulations;

e/ Causing interference to, misusing and exploiting radio frequencies exclusively reserved for civil aviation activities;

f/ Damaging the system of signals, facilities, equipment, flight information and management stations, other facilities and equipment in airports and airfields or controlling or putting ground facilities failing to meet technical conditions into operation in the flight zones;

g/ Building architectural works, installing facilities and equipment or planting trees that may affect air navigation and the operation of facilities and equipment used in airspace and flight management;

h/ Building works in airports or airfields and their adjacent areas or installing facilities and equipment causing a lot of smoke, dust, fire or exhaust gas or building shooting ranges or works, installing other facilities and equipment that may affect the safety of flight and the operation of facilities and equipment in airports or airfields;

i/ Installing and using in airports or airfields or their adjacent areas lamps, beacons, signs, signals or objects that may affect aircraft takeoffs and landings at airports or airfields or the identification of airports or airfields;

j/ Feeding or rearing birds, cattle or poultry in the areas of airports or airfields;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



l/ Taking weapons, inflammables, explosives and other dangerous things on board aircraft, into airports, airfields or other restricted zones in contravention of regulations;

m/ Destroying, damaging, deforming, displacing markers, separators, signal-bearing objects and protective objects in airports and airfields; damaging signs and equipment used for the identification of airports or airfields;

n/ Endangering the safety of air navigation, endangering the life, health and property of other persons on board aircraft;

o/ Acts of unfair competition and other banned acts of competition restriction.

2. The provisions of Point c and Point e, Clause 1 of this Article also apply to official-duty aircraft.

Chapter II

AIRCRAFT

Section 1. NATIONALITY OF AIRCRAFT

Article 13.- Registration of nationality of aircraft

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To register for Vietnamese nationality, an aircraft must fully meet the following conditions:

a/ Having no nationality of any state or having relinquished its foreign nationality;

b/ Having lawful papers evidencing its ownership;

c/ Conforming with technical standards set or recognized by competent state agencies.

3. Aircraft in course of manufacture, assembling or testing in Vietnam shall be permitted for temporary registration to have Vietnamese nationality if they meet the conditions specified at Point b and Point c, Clause 2 of this Article.

4. Aircraft owned and operated by Vietnamese organizations or individuals must be registered to have Vietnamese nationality; in case of individuals, they must be permanent residents in Vietnam.

5. Aircraft owned by foreign organizations or individuals and leased by Vietnamese organizations or individuals in the form of dry lease or hire-purchase shall be permitted for registration to have Vietnamese nationality according to the Government's regulations.

6. The Vietnam aircraft register shall be opened publicly and used to record information on registration of nationality of aircraft. Organizations and individuals are entitled to request the grant of extracts or copies from the Vietnam aircraft register at a fee.

7. An aircraft has Vietnamese nationality from the time it is recorded in the Vietnam aircraft register. The Ministry of Transport shall issue aircraft nationality registration certificates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 14.- Deletion of registration of nationality of aircraft

An aircraft shall has its Vietnamese nationality deleted in the following cases:

1. Being declared missing under Clause 3, Article 103 of this Law;

2. Being irreparably or irrestorably damaged;

3. Failing to meet the conditions specified in Clause 2, Article 13 of this Law;

4. At the proposal of the aircraft registrant.

Article 15.- Nationality and registration marks of aircraft

When operating, every aircraft must be painted or affixed with nationality and registration marks in accordance with the law of the state in which the aircraft's nationality is registered.

Article 16.- Specific provisions on nationality of aircraft

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 2. STANDARDS OF AIRWORTHINESS

Article 17.- Certificates of airworthiness

1. Aircraft shall be permitted for operation in the Vietnamese airspace only when they have valid certificates of airworthiness granted or recognized by the Ministry of Transport.

2. A certificate of airworthiness shall only be granted to an aircraft that meets all the following conditions:

a/ The aircraft is compatible with its class certificate;

b/ Having adequate facilities and equipment to ensure safety;

c/ Being operated and maintained according to regulations;

d/ Being in a state suitable to the expected operation purpose.

3. Applicants for certificates of airworthiness shall pay a fee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 18.- Class certificates

1. Class certificates shall be granted or recognized if the designs of aircraft, aircraft engines or aircraft propellers meet all airworthiness conditions prescribed or recognized by Vietnam.

2. Applicants for class certificates shall pay a fee.

3. Aircraft, aircraft engines and aircraft propellers which are manufactured in Vietnam or imported into Vietnam must be compatible with class certificates granted or recognized by the Ministry of Transport.

Article 19.- Conditions on import and export of aircraft, aircraft engines, aircraft propellers and aircraft spare parts

1. To be-exported aircraft, aircraft engines and aircraft propellers must be granted certificates of airworthiness for export by the Ministry of Transport. Applicants for certificates of airworthiness for export shall pay a fee.

2. The import and export of aircraft, aircraft engines, aircraft propellers and aircraft spare parts must ensure aviation safety and security, national security and respond to business demands.

The age of used aircraft that are permitted for importation into Vietnam shall be stipulated by the Government.

3. Aircraft, aircraft engines, aircraft propellers and aircraft spare parts which are imported for use as learning aids and other non-aviation purposes must not be used for civil aviation activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The design, manufacture, maintenance or test of aircraft, aircraft engines, aircraft propellers and aircraft equipment in Vietnam must comply with standards promulgated by competent state agencies.

2. Establishments engaged in designing, manufacturing, maintaining or testing aircraft, aircraft engines, aircraft propellers and aircraft equipment in Vietnam must possess licenses granted by the Ministry of Transport. Applicants for those licenses shall pay a fee.

3. Aircraft having Vietnamese nationality, aircraft engines, aircraft propellers and aircraft equipment having Vietnamese nationality shall be maintained only at maintenance establishments and under maintenance programs already approved by the Ministry of Transport.

Article 21.- Specific provisions on airworthiness standards

The Minister of Transport shall issue regulations on airworthiness standards, procedures for grant, recognition of airworthiness conditions, grade certificates, criteria and procedures for licensing establishments engaged in designing, manufacturing, maintaining or testing aircraft, aircraft engines, aircraft propellers and aircraft equipment.

Section 3. OPERATION OF AIRCRAFT

Article 22.- Aircraft operators

1. Aircraft operators are organizations and individuals engaged in operating aircraft.

2. Aircraft-operating organizations may operate aircraft for commercial purposes when they are granted aircraft operator certificates or have their aircraft operator certificates recognized by the Ministry of Transport.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 23.- Aircraft operator certificates

1. An aircraft operator certificate shall be granted to an organization to certify its satisfaction of safe operation conditions for the prescribed class of aircraft and form of operation.

2. An organization shall be granted an aircraft operator certificate if meeting the following conditions:

a/ Having an appropriate organizational apparatus and mode of management and supervision of operation of aircraft;

b/ Having employees who have been adequately trained and have appropriate permits and certificates;

c/ Having a professional training program and an aircraft maintenance program suitable to the characteristics and scale of operation.

d/ Having aircraft, facilities and equipment ensuring safe operation;

e/ Having sufficient operation manuals.

3. Organizations applying for aircraft operator certificates shall pay a fee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To maintain a management system capable of supervising and monitoring the safe operation of aircraft.

2. To follow instructions in operation manuals.

3. To ensure ground facilities and services for the safe operation of aircraft.

4. To ensure that every aircraft in operation has sufficient crewmembers who have been adequately trained for each form of operation.

5. To observe requirements on aircraft maintenance and repair.

6. To strictly follow the provisions of the aircraft operator certificate, including the case of use of services and personnel under a contract of aircraft operation or maintenance assistance.

7. To strictly observe other regulations on aircraft operation.

Article 25.- Papers and documents carried in aircraft

1. An aircraft having Vietnamese nationality, when engaged in navigation, must carry the following papers and documents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Its certificate of airworthiness;

c/ The aircraft operator certificate;

d/ Appropriate permits and certificates for its crewmembers;

e/ The journey log book;

f/ The permit for the use of radio equipment on board the aircraft, if installed;

g/ Flight manuals for the crew;

h/ A list of passengers, in case of carrying passengers;

i/ A manifest of cargo in case of carrying cargo;

j/ The certificate of civil liability insurance;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Papers and documents specified in Clause 1 of this Article must be originals, except for the aircraft operator certificate.

3. Papers and documents carried in an aircraft having foreign nationality engaged in flights to and from Vietnam must comply with the law of the state in which the aircraft is registered.

Article 26.- Requirements on environmental protection for aircraft and aircraft engines

An aircraft engaged in navigation must comply with requirements on environmental protection for aircraft and aircraft engines.

Article 27.- Specific provisions on aircraft operation

The Minister of Transport shall issue regulations on aircraft operation instructions, conditions, procedures and order for the grant of aircraft operator certificates, permits for use of radio equipment installed on aircraft; and requirements on environmental protection for aircraft and aircraft engines.

Section 4. RIGHTS TO AIRCRAFT

Article 28.- Rights to aircraft

1. Rights to aircraft include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Right to possess aircraft through hire-purchase or lease for six months or more;

c/ Mortgage and pledge of aircraft;

d/ Other rights as provided for by the civil law.

2. The rights to aircraft specified in Clause 1 of this Article include rights to aircraft hulls, aircraft engines, aircraft propellers, aircraft radio equipment and other equipment used onboard aircraft, irrespective of whether they have been installed on board aircraft or temporarily removed therefrom.

Article 29.- Registration of rights to aircraft

1. Vietnamese organizations and individuals that have rights to aircraft specified in Clause 1 of Article 28 of this Law must register such rights according to the Government's regulations.

2. Applicants for registration of rights to aircraft shall pay a fee.

3. Matters related to registered rights to the same aircraft shall be entered in the Vietnam aircraft register.

The registration of rights to aircraft specified in Clause 1 of this Article shall become valid from the time it is entered by the registration office in the Vietnam aircraft register.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 30.- Transfer of ownership of aircraft

1. The transfer of aircraft ownership must be made in writing and shall become effective on the date it is entered in the Vietnam aircraft register.

2. The transfer of ownership of an aircraft does not deprive of the priority right to receive remuneration for salvage and preservation of the aircraft, unless the aircraft is sold for the enforcement of a legally effective court judgment or decision or arbitral award.

Article 31.- State enterprises assigned to manage and operate aircraft

A state enterprise assigned to manage and operate aircraft under state ownership has rights and obligations like an aircraft owner as provided for in this Law and the enterprise law.

Article 32.- Mortgage of aircraft

1. The mortgagor of an aircraft shall keep the original nationality registration certificate of the mortgaged aircraft.

2. The mortgage of an aircraft under common ownership is subject to written approval of its co-owners, unless otherwise agreed upon.

3. When an aircraft is mortgaged to several creditors, the order of mortgage shall be determined according to the time of registration of mortgage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. A mortgaged aircraft is not entitled to transfer of ownership, unless it is so agreed by the mortgagee.

6. Aircraft mortgage registration shall be deleted in the following cases:

a/ The secured obligation terminates;

b/ The aircraft mortgage contract is cancelled;

c/ The aircraft used as mortgaged property has been disposed of;

d/ There is a legally effective court judgment or decision or arbitral award on the cancellation of the aircraft mortgage or declaring the aircraft mortgage contract invalid;

e/ At the request of the aircraft mortgagee.

7. When an insured mortgaged aircraft is missing or damaged, the mortgagee who has registered the mortgage is entitled to the insurance sum.

Article 33.- Payment of remuneration for aircraft salvage and preservation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Within ninety days after the date of termination of the aircraft salvage and preservation, organizations and individuals involved in the aircraft salvage and preservation shall register their priority right to remuneration stated in Clause 1 of this Article according to the Government's regulations. Applicants for registration of the priority right to remuneration for aircraft salvage and preservation shall pay a fee.

3. Past the time limit specified in Clause 2 of this Article, the priority right to remuneration for aircraft salvage and preservation shall terminate, except in the following cases:

a/ Organizations and individuals involved in aircraft salvage and preservation have registered the priority right to remuneration for aircraft salvage and preservation;

b/ Organizations and individuals involved in aircraft salvage and preservation and those obliged to pay remuneration have reached agreement on the payable sum;

c/ Organizations and individuals involved in aircraft salvage and preservation have initiated a lawsuit regarding the payment of remuneration for aircraft salvage and preservation.

Article 34.- Priority debts

1. Priority debts shall be paid in the following order:

a/ Court fees and expenses for judgment enforcement;

b/ Remuneration for aircraft salvage and preservation and related expenses.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 3. AIRCRAFT LEASE AND LEASE-OUT

Article 35.- Forms of aircraft lease and lease-out

1. Vietnamese organizations and individuals may lease or lease out aircraft for air carriage and other civil aviation activities.

2. Aircraft lease and lease-out take the following forms:

a/ Lease, lease-out with a crew.

b/ Lease, lease-out without a crew.

3. Aircraft lease or lease-out contracts must be made in writing.

Article 36.- Lease and lease-out of aircraft with a crew

1. In case of lease or lease-out of an aircraft with a crew, the aircraft shall be operated according to the lessor's aircraft operator certificate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 37.- Lease, lease-out of aircraft without a crew

1. In case of lease or lease-out of an aircraft without a crew, the aircraft shall be operated according to the lessee's aircraft operator certificate.

2. The lessee shall ensure safety standards of aircraft maintenance and operation.

3. When a Vietnamese organization or individual leases a foreign aircraft without a crew, if the lessee has special requirements on facilities and equipment on board the aircraft and communications and navigation equipment, such lease is subject to approval of the Ministry of Transport.

Article 38.- Requirements on aircraft lease

When making use of a leased aircraft, the lessee may not allow the lessor or any other related party to enjoy the lessee's economic benefits or use the lessee's rights to air carriage.

Article 39.- Acceptance of lease, lease-out of aircraft between Vietnamese organizations or individuals and foreign organizations or individuals

1. The lease or lease-out of an aircraft between a Vietnamese organization or individual and a foreign organization or individual is subject to written approval of the Ministry of Transport which shall take into account the following contents:

a/ Form of lease;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Lease term;

d/ Quantity, type and age of the leased aircraft;

e/ Nationality of the aircraft;

f/ Certificates related to the aircraft;

g/ Agreement on the purchase of civil liability insurance for passengers, baggage and cargo and for third parties on the surface;

h/ The organization responsible for operating and maintaining the aircraft according to the aircraft operator certificate.

2. The Vietnamese organization or individual leasing or leasing out an aircraft shall supply a copy of the lease or lease-out contract and other related documents upon request for consideration and approval; the Ministry of Transport shall give its reply within seven working days after receiving all of these documents.

3. Approval procedures stated in Clause 1 of this Article are not applicable to the lease of an aircraft for no more than seven consecutive days in the following cases:

a/ Substitution of other aircraft for making a special flight or requisition for other state-duty purposes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Substitution of an aircraft which cannot be operated for force majeure reasons.

The Vietnamese organization or individual leasing an aircraft under the provisions of this Clause shall notify in writing to the Ministry of Transport that the lessor has an appropriate aircraft operator certificate.

4. The Vietnamese organization or individual is obliged to liquidate the lease contract, re-export the leased aircraft or take the leased aircraft back to Vietnam when the lease-out contract ceases to be valid, the permit for temporary import of the leased aircraft or for the temporary export of the leased-out aircraft ceases to be valid or at the request of a competent state agency.

Article 40.- Transfer of obligations between the state in which aircraft are registered and the state of aircraft operators

1. In case of lease or lease-out of an aircraft between a Vietnamese organization or individual and a foreign organization or individual, the Ministry of Transport shall reach agreement with competent authorities of the state in which the aircraft is registered or the state of the aircraft operator concerned on receiving or transferring the obligations of the state in which the aircraft is registered in accordance with the Vietnamese law and treaties to which Vietnam is a contracting party.

State of the aircraft operator is the state in which the aircraft operator is headquartered, if the operator is an organization, or the state in which the aircraft operator permanently resides, if the operator is an individual.

2. The agreement stated in Clause 1 of this Article covers part or the whole of the obligation to comply with:

a/ Regulations on ensuring air navigation;

b/ Regulations on certificates of airworthiness;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Regulations pertaining to the installation and use of radio equipment on board aircraft.

Section 6. SUSPENSION OF FLIGHTS, DETENTION AND ARREST OF AIRCRAFT

Article 41.- Suspension of flights

1. An aircraft not yet taxing shall be suspended from making a flight when one of the following circumstances occurs:

a/ There arises an urgent circumstance necessitating the performance of the task of safeguarding national sovereignty and security or the aircraft is detected to show signs of violation of regulations on assurance of defense and security;

b/ Violation of regulations on airworthiness standards, operation of aircraft, aviation safety and security, flight formalities, making and implementation of flight schedules, and observance of flight permits;

c/ It is detected that aviation safety and security in the flight are under threat;

d/ Other cases as decided by competent state agencies.

2. In any circumstance specified at Points a, b and c, Clause 1 of this Article, the director of the airport authority or the aviation inspector shall make a written record thereon and issue a decision to suspend the flight. A decision to suspend a flight takes immediate effect and must be sent to the aircraft commander, the air traffic service establishment and concerned agencies and organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Aircraft commanders and aircraft operators shall comply with decisions to suspend flights and may request agencies or persons who have made such decisions to give reasons for suspension.

5. The aircraft suspended from making flight may continue making flight after the grounds specified in Clause 1 of this Article no longer exist and competent state agencies have permitted the aircraft to make flight.

Article 42.- Request for aircraft to land at airports or airfields

1. An aircraft which is flying within the Vietnamese territory may be ordered to land at an airport or airfield when there are signs of threat to aviation safety and security during the flight or in other cases in which a competent state agency so orders.

2. If detecting signs of threat to aviation safety or aviation security during a flight the director of the airport authority may decide to order the aircraft concerned to land at an airport or airfield; such decision takes immediate effect.

3. When other competent agencies issue decisions to order an aircraft to land at an airport or airfield, such decisions take immediate effect. Decisions to order an aircraft to land must be promptly sent to the concerned air traffic service establishment and airport authority.

4. The concerned air traffic service establishment shall order an aircraft to land at an airport or airfield under the decision of the director of the airport authority or other competent agency. For the safety of a flight, the air traffic service establishment may refuse to comply with the decision to order an aircraft in flight to land at an airport or airfield and shall report its non-compliance to the agency which has issued such decision.

5. An aircraft which has landed at an airport or airfield as ordered may continue its flight when the grounds specified in Clause 1 of this Article no longer exist and it is so permitted by the competent state agency.

Article 43.- Detention of aircraft

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Violating national sovereignty and security of Vietnam;

b/ Failing to remedy violations specified at Point b, Clause 1, Article 41 of this Law or failing to comply with violation-handling measures;

c/ Committing banned acts related to air navigation, aircraft operation or air carriage;

d/ Violating relevant legal provisions on flight crews, passengers, baggage and cargo carried on board the aircraft;

e/ Other cases as decided by competent state agencies.

2. Upon detecting violations specified at Points a, b, c and d, Clause 1 of this Article, the director of the airport authority or the aviation inspector may detain the aircraft in violation. Decisions to detain an aircraft take immediate effect and must be sent to the aircraft commander, aircraft operator and concerned agencies and organizations.

3. When other competent agencies issue decisions to detain an aircraft, such decisions take immediate effect and must be promptly sent to the authority of the airport where the aircraft is due to make flight.

4. The detention of an aircraft terminates when the related violations have been handled in accordance with law or when the competent state agency having requested the detention proposes the termination of the detention.

Article 44.- Arrest of aircraft

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The court of a province or centrally run city in which an aircraft has landed shall issue a decision to arrest the aircraft upon written request of the owner or a creditor, if the aircraft is an asset to secure a debt to the creditor or of third parties who suffer damage on the surface caused by the aircraft in flight or of persons having rights and interests related to the aircraft in accordance with this Law.

3. Requestors for arrest of aircraft shall provide financial assurance in the form and with the value fixed by the court which is equivalent to the damage possibly caused to the aircraft when it is arrested.

4. In case of arrest of an aircraft, the carrier or aircraft operator shall still perform its obligations committed in the contract.

5. The arrest of an aircraft terminates in the following circumstances:

a/ Debts have been paid off;

b/ Substitute security measures have been applied;

c/ The arrest requester proposes the termination of the arrest.

6. Procedures for arrest of aircraft shall be stipulated by the National Assembly Standing Committee.

Article 45.- Search of aircraft

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Signs of violating national sovereignty, national security, aviation security or safety are detected;

b/ Members of the flight crew, passengers or the carriage of baggage, cargo, postal items or other articles in the aircraft violate regulations on entry, exit, customs and quarantine.

2. Persons deciding to search an aircraft shall notify the aircraft commander and concerned agencies and organizations before conducting search.

3. Competent state agencies shall notify aircraft search decisions to the directors of airport authorities for coordination.

Article 46.- Liability to pay compensations for damage caused to aircraft operators or carriers

Organizations and individuals that have decided to suspend flights, requested aircraft to land at airports or airfields, detained, requested detention, requested arrest or search of aircraft in an illegal manner shall pay compensations for damage caused to aircraft operators or carriers.

Chapter III

AIRPORTS, AIRFIELDS

Section 1. GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Airport is an area with specified boundaries, covering an airfield, terminals, facilities, equipment and other necessary structures used for aircraft making flights to, from and engaged in air carriage.

Airports are classified into the following categories:

a/ International airports, which serve international and domestic carriage;

b/ Domestic airports, which serve domestic carriage.

2. Airfield is an area with specified boundaries which is constructed for aircraft to land, take off and taxi. Airfields that are only used for either general aviation or carriage of passengers, baggage, cargo and postal items other than public carriage are specialized airfields.

Article 48.- Areas adjacent to airports and airfields

1. Airports and airfields shall have adjacent areas to ensure safety for civil aviation activities and inhabitants in such areas.

2. The boundary of areas adjacent to an airport and airfield is eight kilometers measuring from the boundary of the airport or airfield outward.

3. People's Committees at all levels shall assume the prime responsibility for, and coordinate with airport authorities and other competent agencies in, maintaining public order, ensuring the implementation of aviation safety and security regulations; applying measures to dismantle, destroy, remove or changing the structures of constructions, facilities, equipment or other obstacles in the adjacent areas of airports and airfields which endanger the safety of air navigation; preventing law-breaking acts and applying measures to protect the environment in these adjacent areas.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Opening or closure of an airport or airfield means permission or prohibition of operation of an airport or airfield under decision of a competent state agency.

2. The Prime Minister shall decide on the opening of airports or airfields in line with the planning on development of airports and airfields; on the closure of airports or airfields for security and defense assurance reasons or special socio-economic reasons.

3. The Minister of Transport shall decide on the temporary closure of airports and airfields in the following cases:

a/ Renovation, expansion or repair of airports and airfields, which can affect the safety of air navigation;

b/ Airport or airfield operation certificates are withdrawn;

c/ Natural calamities, epidemics, environmental pollution, aircraft accidents and other unexpected circumstances which endanger aviation safety and security.

4. When an unexpected incident occurs, in order to ensure aviation safety and security, the director of the airport authority shall decide to temporarily close the airport or airfield for no more than twenty four hours and immediately report the Minister of Transport thereon.

5. Airports or airfields shall be re-opened after the reasons specified in Clauses 2, 3 and 4 of this Article terminate.

Article 50.- Registration of airports and airfields

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Conditions for being granted an airport or airfield registration certificate include:

a/ Having papers evidencing the lawful formation of the airport or airfield;

b/ Compliance with the approved planning on development of the system of airports and airfields;

c/ Having infrastructure conforming to technical standards prescribed or recognized by competent state agencies.

3. The Ministry of Transport shall register and grant registration certificates to airports and airfields.

4. Applicants for airport or airfield registration certificates shall pay a fee.

Article 51.- Airport or airfield operation certificates

1. After an airport or airfield has been registered under Article 50 of this Law, its operator shall be granted an airport or airfield operation certificate when meeting all the following conditions:

a/ Meeting requirements on organization, facilities, equipment and other necessary factors for ensuring aviation safety and security;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. An airport or airfield may be put into operation only after it is granted by the Ministry of Transport an airport or airfield operation certificate.

3. Applicants for airport or airfield operation certificates shall pay a fee.

4. An airport or airfield operation certificate shall be withdrawn in the following cases:

a/ The airport or airfield fails to meet the conditions specified in Clause 1 of this Article;

b/ The airport or airfield has not been operated or has ceased operation for twelve consecutive months;

c/ Other cases as decided by competent state agencies.

5. Organizations and individuals managing or operating airports or airfields shall comply with the provisions in their airport or airfield operation certificates.

Article 52.- Registration of airports and airfields under construction

1. Airports or airfields under construction may be temporarily registered in the airport and airfield register from the time of commencement of construction.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Having lawful papers on land use rights and the construction of the airport or airfield;

b/ Compliance with the approved planning on development of the system of airports and airfields;

c/ Having a plan on construction of infrastructure conforming to technical standards prescribed or recognized by competent state agencies.

3. The Ministry of Transport shall register and grant registration certificates to airports or airfields under construction.

4. Applicants for registration certificates of airports or airfields under construction shall pay a fee.

Article 53.- Administration of takeoff and landing schedules at airports and airfields

1. Administration of takeoff and landing schedules at airports and airfields means management and allocation of takeoff and landing time of scheduled air carriage flights at airports or airfields as announced.

2. The Ministry of Transport shall administer takeoff and landing schedules at an airport and airfield on the following principles:

a/ Within the limits of operation of the airport or airfield;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Convenience and efficiency;

d/ Compliance with international practice.

Article 54.- Environmental protection at airports and airfields

1. Organizations and individuals engaged in activities in airports or airfields shall implement regulations on environmental protection in airports and airfields.

2. The operation of aircraft, airports, airfields, air navigation facilities and equipment and other facilities and technical equipment on the ground, and the provision of services at airports and airfields must meet noise and exhaust gas standards and other standards for environmental protection in civil aviation activities.

Article 55.- Specific provisions on the opening and closure of airports and airfields and management of activities in airports and airfields and areas adjacent thereto

1. The Government shall stipulate conditions, order and procedures for opening and closure of airports and airfields and management of activities in airports and airfields, management of areas adjacent to airports and airfields, and use of airfields for joint civil and military purposes.

2. The Minister of Transport shall stipulate in detail the making of the airport and airfield register, procedures for the grant of airport and airfield registration certificates; procedures for the grant of registration certificates to airports and airfields under construction; technical standards of airports, airfields and areas adjacent thereto; procedures for the grant of airport and airfield operation certificates and requirements on environmental protection applicable to organizations and individuals operating in airports and airfields.

Section 2. PLANNING, INVESTMENT IN AND CONSTRUCTION OF AIRPORTS AND AIRFIELDS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Planning of airports and airfields must be based on the socio-economic development strategy, defense and security tasks, development plannings of the transport sector and other sectors and localities, and the trend of development of international civil aviation.

2. The Ministry of Transport shall assume the prime responsibility for elaborating a planning on airports and airfields; submit to the Prime Minister for approval a master plan on development of the national system of airports and airfields and a detailed planning on international airports.

The Minister of Transport shall approve the detailed planning on domestic airports and airfields.

3. Sectors and localities, when making plannings or projects on investment in and construction of works which may affect the planning on airports and airfields, shall obtain written agreement of the Ministry of Transport.

Article 57.- Management of airport and airfield land areas

1. Airport and airfield land areas cover land areas for construction of airfields, terminals and necessary facilities to serve civil aviation activities at airports and airfields.

2. Airport authorities shall be assigned airport and airfield land areas at a time by provincial/municipal People's Committees according to the plannings already approved by competent state agencies. Airport and airfield land use certificates shall be granted to airport authorities.

3. Airport authorities may re-assign land areas without collection of land use levies or may lease land within the airport and airfield areas to organizations and individuals having demands for use of such land for proper purposes already approved by competent state agencies.

4. Organizations and individuals that lease airport and airfield land areas have the following rights and obligations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ To use their assets attached to the leased land areas for mortgage and guarantee at credit institutions licensed to operate in Vietnam; to sell, lease or contribute capital with, their own assets attached to the leased land areas.

Those who sell, lease, mortgage, guarantee or contribute capital with their assets attached to land shall ensure that such assets are used for proper purposes, in accordance with the planning and plan on development of airports and airfields and shall obtain the approval thereof from the Ministry of Transport.

Purchasers of the assets shall be leased land by the airport authorities and shall use such land and structures thereon for proper purposes already identified in the planning without affecting or disrupting the operation of airports and airfields.

5. The Government shall stipulate in detail the management and use of airport and airfield land areas.

Article 58.- Investment in and construction of airports and airfields

1. Investment in and construction of new airports or airfields or investment in and construction of structures in existing airports or airfields shall comply with the master plan on development of the system of airports and airfields and the detailed planning on airports and airfields already approved by competent state agencies.

2. Vietnamese and foreign organizations and individuals may invest in and construct airports and airfields in accordance with the investment and construction law.

Section 3. STATE MANAGEMENT IN AIRPORTS AND AIRFIELDS

Article 59.- Airport authorities

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The director is the head of the airport authority.

3. The Minister of Transport shall specify the organization and operation of airport authorities.

Article 60.- Tasks and powers of airport authorities

1. To manage the entire land areas of airports and airfields assigned to them for construction and development of airport and airfield infrastructures; to organize and manage the construction of facilities on the ground, water surface and under the ground in airports and airfields according to the plannings and projects already approved by competent state agencies.

2. To supervise and oversee the observance of regulations on:

a/ The implementation of plannings and plans on development of airports and airfields;

b/ Standards of aviation safety and security in airports and airfields and their adjacent areas;

c/ Public order and environmental protection in airports and airfields;

d/ Operation of air carriage in airports and airfields;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ Provision of services for flights in airports and airfields;

g/ Use of airport and airfield land areas.

3. To coordinate with airport enterprises in implementing emergency and salvage plans and responding to aircraft incidents and accidents occurring in airports, airfields or areas adjacent thereto.

4. To decide to temporarily close airports and airfields.

5. To stop the construction and renovation of facilities, installation of equipment, planting of trees in airport and airfield areas; to propose competent state agencies to stop the construction and renovation of facilities, installation of equipment and planting of trees in areas adjacent to airports and airfields in violation of the planning on airports and airfields or regulations on management of obstacles which affects air navigation at airports and airfields.

6. To handle violations of law according to their competence;

7. To transfer to competent state agencies for settlement or coordinate with the latter in settling cases arising in airports and airfields;

8. To suspend flights; to order aircraft to land at airports or airfields; to search and detain aircraft; to execute warrants of arrest of aircraft; to stop acts of members of flight crews which fail to meet aviation safety and security requirements.

9. To collect, manage and use charges and fees in airports and airfields in accordance with the law on charges and fees.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



11. To assume the prime responsibility for arranging working offices of state management agencies regularly working in airports and airfields.

Article 61.- State management activities in airports and airfields

1. Airport authorities and other agencies in airports and airfields shall perform professional activities and coordinate with one another in settling matters arising within the scope of their tasks and powers to ensure safety, security and regular activities in airports and airfields.

2. Airport authorities shall direct and coordinate activities of state management agencies in airports and airfields; convene and preside over monthly or irregular joint meetings of state management agencies and organizations operating in airports and airfields.

3. When related state management agencies in an airport or airfield fail to reach agreement on ways of settling a certain matter, the director of the airport authority shall make the final decision and take responsibility therefor.

4. When an airport or airfield is declared to be a zone affected by a dangerous epidemic, the airport authority shall coordinate with agencies and organizations operating in the airport or airfield area in applying appropriate measures to prevent the spread of the epidemic and stamp out the epidemic under the professional instructions of competent state agencies.

5. State management agencies regularly operating in airports and airfields shall be provided with appropriate working offices.

Section 4. OPERATION OF AIRPORTS AND AIRFIELDS

Article 62.- Organizations and individuals conducting business in airports and airfields

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Airport enterprises;

b/ Aviation service enterprises;

c/ Organizations and individuals providing other services.

2. The establishment and operation of business entities, activities of business individuals in airports and airfields shall comply with the provisions of this Law and the enterprise and commercial laws.

The Minister of Transport shall stipulate the order and procedures for the grant of airport business licenses and aviation service provision licenses.

3. Organizations and individuals conducting business in airports and airfields shall:

a/ Observe regulations on aviation safety and security;

b/ Comply with and facilitate airport authorities to supervise their business and service activities.

Article 63.- Airport enterprises

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. An enterprise shall be granted by the Ministry of Transport an airport business license when meeting the following conditions:

a/ Having the business registration certificate;

b/ Having an organizational apparatus and employees who have appropriate licenses and certificates, and meeting professional requirements on operation of airports and airfields;

c/ Meeting capital conditions stipulated by the Government;

d/ Having a plan on facilities, equipment and other necessary conditions for ensuring aviation safety and security.

3. Enterprises applying for airport business licenses shall pay a fee.

Article 64.- Rights and obligations of airport enterprises

1. To manage and organize the operation of infrastructure, facilities and equipment of airports and airfields.

2. To make investment plans on the development, renovation and expansion of airports and airfields in accordance with the plannings already approved by competent state agencies, development demands and the operation of airports and airfields.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To report periodically or at the request of state management agencies data on annual and long-term production and business plans and results and statistics on the operation of airports and airfields.

5. To arrange working offices for state management agencies regularly working in airports and airfields at the request of airport authorities.

6. Other rights and obligations as provided for by the enterprise law.

Article 65.- Aviation service enterprises in airports and airfields

1. Enterprises providing aviation services in airports and airfields are enterprises conducting the conditional business of providing services directly related to aviation activities in airports and airfields and must possess aviation service provision licenses granted by the Ministry of Transport in accordance with the planning on development of airports and airfields.

2. An aviation service enterprise shall be granted an aviation service provision license when meeting the following conditions:

a/ Having the business registration certificate;

b/ Having an organizational apparatus ensuring the provision of services directly related to aviation activities in airports and airfields, and employees who have appropriate licenses and certificates, and meeting professional requirements for the operation of airports and airfields;

c/ Having facilities, equipment and other necessary conditions to ensure aviation safety and security;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Enterprises applying for aviation service provision licenses shall pay a fee.

4. The list of aviation services shall be issued by the Government.

Article 66.- Responsibilities of aviation service enterprises

1. To provide aviation services in airports and airfields under contracts signed with airport enterprises and to comply with regulations on operation of airports and airfields.

2. To provide quality services to customers in airports and airfields in a civilized, polite and thoughtful manner.

Article 67.- Right to select aviation service enterprises in airports and airfields

Air carriage enterprises are entitled to select aviation service enterprises in airports and airfields at their discretion, unless when the grounds of aviation safety and security are taken into account.

Chapter IV

AVIATION PERSONNEL

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 68.- Aviation personnel

1. Aviation personnel are those personally involved in activities related to assurance of aviation safety and security, operation of aircraft, air carriage or air navigation and having appropriate professional licenses and certificates granted or recognized by the Ministry of Transport.

2. Aviation personnel are entitled to sign written labor contracts with their employing organizations.

3. Aviation personnel are entitled to interests and are obliged to perform obligations stated in their labor contracts and provided for by the labor law.

Article 69.- Professional licenses and certificates of aviation personnel

1. While on duty, aviation personnel shall carry appropriate licenses and certificates granted or recognized by the Ministry of Transport.

2. Apart from the provisions of Clause 1 of this Article, flight crew members, cabin crew member and air traffic controllers shall carry health certificates granted by competent medical establishments.

3. Aviation personnel shall be granted professional licenses and certificates after receiving training at professional training establishments permitted or recognized by the Ministry of Transport.

4. Applicants for aviation personnel's professional licenses and certificates shall pay a fee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The Minister of Transport shall issue detailed regulations on:

a/ Specific labor and labor discipline regimes for aviation personnel; for regulations on work time and rest time, which are subject to written agreement of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs;

b/ Titles, title-based tasks and criteria and procedures for the grant and recognition of professional licenses and certificates of aviation personnel;

c/ Standards and training programs of professional training establishments for aviation personnel.

2. The Ministry of Health shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Transport in, prescribing health criteria for aviation personnel and for medical establishments engaged in examining the health of aviation personnel.

Section 2. CREW

Article 71.- Composition of crew

1. A crew consists of persons designated by the aircraft operator to perform duties during a flight.

2. A crew is composed of a flight crew, cabin crew members and other aviation personnel as required by the flight.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Flight crew members are those who navigate the aircraft, including the principal pilot, assistant pilot and other aviation personnel suitable to the aircraft class.

2. An aircraft may make a flight only when it has a full flight crew as required by the law of the state in which the aircraft is registered or by the law of the state of the aircraft operator.

Article 73.- Cabin crew members

1. Cabin crew members are those whose duty is to ensure safety for passengers during a flight and to provide services on board the aircraft according to the assignment of the aircraft operator or commander but who may not perform duties of flight crew members.

2. Specific duties of cabin crew members for each class of aircraft shall be assigned by the aircraft operator. Aircraft operators shall arrange a sufficient number of cabin crew members suitable to the class of aircraft.

Article 74.- Aircraft commanders

1. Aircraft commander is a member of the flight crew appointed by the aircraft operator for a flight; for aviation for non-commercial purposes, the aircraft commander shall be appointed by the aircraft owner.

2. The aircraft commander has the supreme power in the aircraft, and is responsible for ensuring aviation safety and security for the aircraft, persons and property in the aircraft in flight.

An aircraft shall be considered to be in flight from the moment when all its external doors are closed following embarkation until the moment when any of such door is opened for disembarkation; in case of a forced landing, the flight is deemed to continue until a competent state agency takes over the responsibility for the aircraft and for persons and property on board.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To decide on and take responsibility for the takeoff, landing, flight cancellation, return to the takeoff place or urgent landing.

2. To refrain from performing flight duties, flight plans or instructions of an air traffic service establishment in case of necessity to avert an instant and direct danger to air navigation and immediately report it to the air traffic service establishment.

In case of deviating the aircraft from the designated air route for the purpose of averting an instant and direct danger, after the danger is averted, the aircraft commander and the air traffic service establishment shall quickly apply every necessary measure to steer the aircraft back to its air route.

3. When the aircraft is in flight, to apply measures to stop persons from taking one of the following acts in the aircraft:

a/ Committing a crime;

b/ Endangering aviation safety and security;

c/ Attacking or threatening crew members or passengers;

d/ Failing to follow instructions of the aircraft commander or a crew member on behalf of the aircraft commander to ensure safety for the aircraft and maintain order and discipline in the aircraft;

e/ Destroying equipment and property in the aircraft;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



g/ Smoking in the aircraft toilets or no-smoking places, possibly endangering the safety of the aircraft;

h/ Using portable electronic devices, cellular phones or other electronic devices when the aircraft is taking off or landing or when it is banned for the safety of the flight;

i/ Other acts running counter to fine national customs and habits or violating public order.

4. To hand over persons committing acts specified in Clause 3 of this Article to competent state agencies after the aircraft lands at the nearest airport or airfield.

5. To decide to discharge fuel, drop baggage, cargo or other articles from the aircraft in accordance with Article 88 of this Law.

6. To issue necessary orders to everyone in the aircraft and continue performing his/her duties and powers till competent state agencies start to take over the aircraft, persons and property on board the aircraft in case of a forced landing.

7. To perform the following tasks in case of receiving no instructions or unclear instructions from the air operator and immediately notify the aircraft operator thereof:

a/ Paying necessary expenses for fulfilling the tasks of the flight, ensuring safety for persons and property during flight;

b/ Performing necessary tasks for the aircraft to continue the flight;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 76.- Obligations of the aircraft commander

1. To obey instructions of the aircraft operator.

2. To take every necessary measure to ensure safety for the aircraft, persons and property in the aircraft in danger or in distress and to be the last leaving the aircraft.

3. When detecting persons, means of transport or other property in distress outside his/her aircraft, to notify the establishment which is providing air traffic services and to render assistance according to his/her ability without causing danger to his/her own aircraft, persons and property on board his/her own aircraft.

4. To take every necessary measure to steer the aircraft back to the designated air route when it deviates therefrom.

Article 77.- Interests of crew members

1. Interests of crew members working on an aircraft operated by a Vietnamese organization or individual are defined in their labor contracts and in accordance with the Vietnamese labor law.

2. The employer shall purchase accident insurance for flight crew members on duty.

3. If a crew member cannot continue performing his/her duties, the aircraft operator shall fully pay for his/her travel to the place designated in the contract or back to the place of his/her reception, unless otherwise agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. A labor contract shall terminate at the time agreed upon therein; if a labor contract terminates at a point of time when the crew member concerned is performing his/her duty, the time of termination of such contract is the time the flight crew member completes his/her duties.

6. If the aircraft operator notifies its unilateral termination of the labor contract when the crew member concerned is performing his/her duties, the time of notification shall be determined to be the time when the flight crew member completes his/her duties.

Article 78.- Obligations of crew members

1. To obey orders of the aircraft commander.

2. Not to leave the aircraft without the order of the aircraft commander.

Chapter V

AIR NAVIGATION

Section 1. MANAGEMENT OF AIR NAVIGATION

Article 79.- Organization and use of the airspace

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Prime Minister shall decide to establish and operate air routes.

Air route is an area in the air which is delimited in its elevation and width and under control.

3. The Ministry of Transport shall manage the organization and operation of air routes, the airspace of civil airfields, flight zones in service of general aviation in the Vietnamese airspace and the flight information region under the management of Vietnam. The organization and operation of the airspace of an airfield used for joint civil and military purposes are subject to written agreement of the Ministry of Defense.

4. The provision of Clause 1 of this Article also applies to official-duty aircraft.

Article 80.- Management of flights in airports and airfields

1. Except for cases of forced landing, aircraft may take off from and land at lawfully opened airports and airfields.

2. Vietnamese and foreign aircraft making international flights may only take off from and land at international airports; if taking off from or landing at a domestic airport or airfield, the permission of the Prime Minister is required.

International flight referred to in this Law means flight made over the territories of more than one state.

Article 81.- Grant of flight permits

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Aircraft operating within the Vietnamese territory must obtain flight permits from one of the following Vietnamese agencies:

a/ The Ministry of Foreign Affairs, which grants flight permits to foreign special flights carrying guests invited by the Party and the State and escort or preparation flights in service of such special flights engaged in civil aviation activities in Vietnam.

Special flight means a flight for totally exclusive use or for exclusive use combined with commercial carriage which is certified or notified as such by a competent state agency according to regulations on service of special flights;

b/ The Ministry of Defense, which grants flight permits for flights of Vietnamese and foreign military aircraft engaged in civil aviation activities in Vietnam and for flights of pilotless aircraft;

c/ The Ministry of Transport, which grants flight permits for flights engaged in civil aviation activities in Vietnam, including flights of Vietnamese and foreign aircraft for civil purposes; special flights of Vietnam, escort or preparation flights of such special flights; foreign special flights other than those specified at Point a of this Clause and escort or preparation flights of such special flights; and for flights of Vietnamese and foreign official-duty aircraft other than those specified at Points a and b of this Clause.

Article 82.- Conditions for grant of flight permits

1. The grant of flight permits for flights must satisfy requirements on defense, security, aviation security and safety; public order and interests; and must suit the capability of the air navigation assurance system, airports and airfields.

2. The grant of flight permits for scheduled commercial carriage flights must satisfy requirements specified in Clause 1 of this Article and be based on the granted air carriage rights.

Article 83.- Pre-flight, flight, and post-flight preparations

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Aircraft may take off from airports or airfields only after obtaining orders of air traffic service establishments.

3. The provision of Clause 2 of this Article also applies to official-duty aircraft.

Article 84.- Requirements on aircraft and crews operating in Vietnamese territory

1. When engaged in air navigation in Vietnamese territory, an aircraft must observe the following provisions:

a/ Flying according to the permitted journey, air route, flight region, point of entry and point of exit;

b/ Maintaining constant contact with the air traffic service establishment; observing the administration, control and instruction of such establishment;

c/ Landing at and taking off from airports and airfields designated in the flight permit, except for cases of forced or urgent landing;

d/ Complying with flight modes and the Regulation on civil air traffic.

2. The aircraft commander shall promptly report to the air traffic service establishment the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ There appear circumstances which prompt urgent landing and other emergency circumstances.

3. Air traffic service establishments and airspace management units of the Ministry of Defense shall promptly inform one another of the following cases for coordination in applying priority measures of assistance and instruction:

a/ Cases specified in Clause 2 of this Article;

b/ Where the aircraft loses contact or the crew loses the ability to control the aircraft.

Article 85.- Prohibited zones and restricted zones

1. Prohibited zone means a delimited area in the air where aircraft are banned to fly, except for Vietnamese official-duty aircraft on duty.

Restricted zone means a delimited area in the air where only aircraft that meet certain specific conditions can fly.

2. The Prime Minister shall decide on the establishment of prohibited zones and restricted zones in the Vietnamese territory for defense, security and social safety purposes.

In special cases for defense and security reasons, the Ministry of Defense shall decide on temporary flight restrictions or temporary flight bans in one or several areas in the Vietnamese territory; these decisions take immediate effect.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 86.- Dangerous zones

1. Dangerous zone means a delimited area in the air where air navigation may be endangered during specified periods of time.

2. Dangerous zones and the flight regime in these areas shall be determined by the Ministry of Defense and notified to the Ministry of Transport.

Article 87.- Flight over densely populated areas

1. When flying over densely populated areas, an aircraft must fly at elevations prescribed in the Regulation on civil air traffic.

2. Aircraft may not make exercise or training flights over densely populated areas, unless permitted by competent state agencies.

Article 88.- Discharge of fuel, drop of baggage, cargo or other articles from aircraft

An aircraft in flight may not discharge fuel or drop baggage, cargo or other articles from the aircraft. If, for reasons of safety for the flight or performance of rescue tasks in emergency circumstances or other flight tasks in public interests, an aircraft may discharge fuel or drop baggage, cargo or other articles from the aircraft in areas designated by the Ministry of Transport after consulting the Ministry of Natural Resources and Environment.

Article 89.- Announcement of aviation information

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 90.- Coercion of aircraft in violation

Aircraft that violate prohibited or restricted zones or violate the Regulation on civil air traffic, regulations on management of civil flights, management and use of the airspace and fail to obey orders of air traffic service establishments may be subject to the application of the measure of interception to force landing at an airport or airfield or other coercive measures applicable to aircraft. This provision also applies to official-duty aircraft.

Article 91.- Coordinated management of civil and military air navigation

1. Principles for coordinated management of civil and military air navigation include:

a/ Assurance of requirements on defense, security, safety and efficiency of civil aviation activities;

b/ Compliance with the provisions of this Law, for aircraft flying along the air routes, in the airspace of civil airfields or in the flight zones in service of general aviation in the airspace of Vietnam and the flight information region under the management of Vietnam;

c/ Performance of professional operations and settlement of matters arising within the scope of their tasks and powers.

2. Contents of coordinated management of air navigation include:

a/ Organizing the airspace and establishing air routes and developing flight modes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Granting flight permits, making flight plans and providing information on air navigation;

d/ Using air navigation assurance services;

e/ Conducting search and rescue;

f/ Managing special-purpose flights, including flights for photographing, geological survey, film shooting from the air, drilling, training and experimental flights using radio communication equipment other than equipment on board aircraft, and flights into restricted zones.

Article 92.- Management of obstacles

1. Management of obstacles means the making of statistics on, marking, announcement, management, grant of permits for use of the air and disposal of natural and artificial obstacles that may affect the safety of air navigation.

2. The Ministry of Transport shall publicly announce obstacle limitation surfaces in airfields; limited areas for ensuring the normal operation of aeronautical radio stations; the limits of obstacles in areas adjacent to airports and airfields and the list of natural and artificial obstacles that may affect the safety of air navigation.

3. Organizations and individuals building, managing or using high-rises, technical facilities and equipment, power transmission lines, technical radio equipment and other facilities which may affect the safety of air navigation shall affix identification signs and equipment thereto in accordance with this Law and bear all costs arising therefrom.

4. It is prohibited to build shooting ranges affecting aviation safety and to arrange the shooting direction of shooting ranges crossing air routes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The management of frequency bands used by aeronautical radio stations and of aeronautical communication, navigation and surveillance systems shall comply with the telecommunications law.

2. Organizations and individuals using communication stations or other equipment must neither obstruct nor affect normal operations of aeronautical radio stations; must stop the use of, and promptly relocate their communication stations or equipment which obstruct and affect normal operations of aeronautical radio stations.

Article 94.- Specific provisions on management of air navigation

1. The Government shall stipulate in detail the organization and use of the airspace, the grant of flight permits; coordinated management of civil and military air navigation; management of special-purpose flights; and management of obstacles.

2. The Ministry of Defense shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Transport in stipulating modes of interceptive flight to force aircraft to land at airports or airfields, and other coercive measures applicable to aircraft.

3. The Ministry of Post and Telematics shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Transport in, stipulating the management and use of radio frequencies of aeronautical operations.

Section 2. AIR NAVIGATION ASSURANCE SERVICES

Article 95.- Air navigation assurance services

1. Air navigation assurance services are necessary services to ensure safety, regularity, continuity and efficiency for air navigation, including air traffic service, aeronautical communication, navigation and surveillance service, meteorological service; aeronautical information notification service, and search and rescue service.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Organizations and individuals conducting air navigation in the flight information region under the management of Vietnam shall be provided with air navigation assurance services.

4. Enterprises providing air navigation assurance services must have service provision establishments and technical and equipment systems with operation permits granted by the Ministry of Transport. Enterprises applying for such operation permits shall pay a fee.

Article 96.- Air traffic services

1. Air traffic services include flight administration service, flight information service, air traffic consultancy service and alarming service.

2. Aircraft flying in a specified airspace must be administered by an air traffic service establishment.

3. Air traffic service establishments shall coordinate with concerned units in managing and administering civil aviation activities.

Article 97.- Air traffic service enterprises

1. Air traffic services are provided by state enterprises.

The establishment and operation of air traffic service enterprises shall comply with the provisions of this Law and the enterprise law. The Minister of Transport shall decide on the establishment of air traffic service enterprises.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Compliance with the planning and strategy on development of the civil aviation sector;

b/ Having a plan on appropriate organizational apparatus;

c/ Having a plan on appropriate infrastructure and technical systems, equipment and facilities;

d/ Having a plan on employees who have appropriate permits and certificates for operating technical systems, equipment and facilities and operation manuals.

Article 98.- Rights and obligations of air traffic service enterprises

1. To provide fully and continuously air traffic services.

2. To provide other air navigation assurance services as assigned by the Ministry of Transport.

3. To maintain contact and closely collaborate with air traffic service establishments of neighboring states in providing flight administration services to ensure safety, regularity, continuity and efficiency for the operation of aircraft along air routes and in the flight information region under the management of Vietnam.

4. To comply with regulations on management, use and safeguarding of the airspace, the Regulation on civil air traffic and documents guiding air navigation assurance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. To join and coordinate with concerned agencies and units in responding to circumstances of emergency or illegal interference in civil aviation activities and air defense operations.

7. To have other rights and obligations as provided for by the enterprise law.

Article 99.- Rights and obligations of enterprises engaged in providing communication, navigation and surveillance services, meteorological service, aeronautical information notification service, and search and rescue service

1. To provide aeronautical communication, navigation and surveillance service, meteorological service, aeronautical information notification service, and search and rescue service as assigned by the Ministry of Transport or as contracted.

2. To have other rights and obligations as provided for by the enterprise law.

Article 100.- Specific provisions on assurance of air navigation

The Minister of Transport shall stipulate in detail the organization and management of air navigation assurance activities; conditions and procedures for grant of operation licenses to establishments providing air navigation assurance services, and technical systems and equipment for air navigation assurance.

Section 3. SEARCH AND RESCUE

Article 101.- Notification of danger and distress

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



An aircraft shall be considered to be in distress if it has a serious breakdown when taxiing, taking off, flying or landing or it is completely destroyed or if it is forced to land outside an airfield.

2. An aircraft in danger or distress must release signals and notify the air traffic service establishment for assistance; when in danger or distress on the sea, it must also release signals to seagoing vessels and maritime rescue and search centers.

3. Upon receipt of signals, notices or reports on aircraft in danger or in distress, the air traffic service establishments shall immediately notify search and rescue service establishments thereof.

4. The provision of Clause 3 of this Article also applies to official-duty aircraft.

Article 102.- Coordination of search and rescue activities

1. Air traffic service establishments shall coordinate with rescue and salvage service establishments in applying every necessary measure in a timely manner to assist aircraft in danger or distress, passengers, crew members and property on board.

2. When an aircraft is in danger or distress at an airport, an airfield or an area adjacent thereto, the airport authority shall coordinate with the search and rescue service establishment and People's Committees at all levels in searching for and rescuing the aircraft, persons and property.

3. When an aircraft is in danger or distress outside areas specified in Clause 2 of this Article, the search and rescue service establishment shall coordinate with People's Committees at all levels and other agencies and organizations in searching for and rescuing the aircraft, persons and property.

4. The search for and rescue of an aircraft having Vietnamese nationality in danger or distress in the territory of a foreign state shall comply with the laws of the state in which the aircraft is in danger or distress.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. People's Committees at all levels shall participate in civil aviation search and rescue, preserve aircraft and property on board which are in distress in localities outside airport or airfield areas.

7. Air carriage enterprises shall participate in air search and rescue at the request of search and rescue service establishments.

Article 103.- Search and rescue responsibilities

1. Air traffic service establishments and search and rescue service establishments shall immediately conduct search for aircraft in danger or distress.

2. When all available measures have been taken to search for an aircraft in distress, its passengers and crew but are in vain, the Ministry of Transport shall decide to terminate operations to search for such aircraft.

3. An aircraft shall be considered missing from the date there is a decision on termination of search operations.

4. The aircraft operator shall remove the aircraft from the place where it is crashed at the request of a competent state agency and shall bear all related expenses.

Section 4. INVESTIGATION INTO AIRCRAFT INCIDENTS AND ACCIDENTS

Article 104.- Aircraft incidents and accidents

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Aircraft accident is an occurrence associated with the operation of an aircraft which takes place between the time any person boards the aircraft with the intention of flight until such time as all such persons have disembarked, in which:

a/ A person suffers a fatal or serious injury as a result of being in the aircraft direct contact with any part of the aircraft, including parts which have become detached from the aircraft, or direct exposure to jet blast, except when the injuries are from natural causes, self-inflicted or inflicted by other persons, or when the injuries are to stowaways hiding outside the areas normally available to the passengers and crew;

b/ The aircraft sustains damage or structural failure which adversely affects the structural strength, performance or flight characteristics of the aircraft, and would normally require major repair or replacement of the affected component, except for engine failure or damage, when the damage is limited to the engine, its cowlings or accessories; or for damage limited to propellers, wing tips, antennas, tyres, brakes, fairings, small dents or puncture holes in the aircraft skin;

c/ The aircraft is missing or is completely inaccessible.

Article 105.- Purposes of and procedures for investigation into aircraft incidents and accidents

1. An aircraft incident or accident occurring in the Vietnamese territory must be investigated. An incident or accident occurring outside the Vietnamese territory to an aircraft having Vietnamese nationality or an aircraft operated by a Vietnamese organization or individual shall be investigated in accordance with treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

2. Aircraft incident or accident investigation aims to identify the incident or accident causes and measures to be applied to prevent future incidents and accidents.

3. The Government shall stipulate procedures for investigation into aircraft incidents and accidents.

Article 106.- Responsibilities for investigating into aircraft incidents and accidents

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. When an aircraft accident occurs in the Vietnamese territory or the flight information region under the management of Vietnam, the Ministry of Transport shall report it to the International Civil Aviation Organization and notify the state in which the aircraft is registered, the state of the aircraft operator, the state of manufacture of the aircraft, the state in which the aircraft is designed and other related states in accordance with treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

3. Competence to organize investigations into aircraft incidents or accidents is as follows:

a/ The Ministry of Transport shall organize investigations into aircraft incidents or accidents stipulated in Clause 1 and at Point b, Clause 2, Article 104 of this Law; and coordinate with agencies managing official-duty aircraft in investigating accidents related to official-duty aircraft;

b/ The aircraft accident investigation committee set up by the Prime Minister shall organize investigations into aircraft accidents specified at Points a and c, Clause 2, Article 104 of this Law.

4. When an aircraft accident occurs, the accident investigation agency has the following duties:

a/ To investigate to clarify the event, conditions, circumstances, cause and extent of the damage caused by the accident;

b/ To apply measures to restrict any possible damage;

c/ To publicize in time information and documents related to the accident;

d/ To coordinate with concerned agencies and organizations as well as local authorities in investigating the accident and give guidance on prevention of future aircraft accidents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 107.- Rights of agencies investigating into aircraft incidents and accidents

1. When conducting investigations, the aircraft incident or accident investigation agency has the following rights:

a/ To get on board the aircraft to clarify details of the incident or accident;

b/ To check and examine the aircraft, equipment, devices and property in the aircraft suffering the incident or accident and any related aircraft and property;

c/ To authorize capable agencies and organizations to conduct research and perform jobs related to the aircraft incident or accident investigation;

d/ To requisition capable persons to verify matters related to the aircraft incident or accident;

e/ To study matters related to the aircraft incident or accident, training and coaching of aviation personnel, flight assurance and making; psychology and constitution of crew members and related aviation personnel;

f/ To request, receive and study information and documents from agencies, organizations and individuals involved in the aircraft incident or accident.

2. In case of a fatal accident, the aircraft accident investigation agency has the right to decide to keep bodies of dead persons for investigation purposes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Agencies, organizations and individuals shall promptly report information on aircraft incidents or accidents to local authorities, search and rescue service establishment or an agency or unit in the aviation sector in the nearest place and help search and rescue persons, property and protect aircraft in distress.

Local People's Committees receiving information on aircraft incidents or accidents shall promptly notify the Ministry of Transport thereof.

2. Related agencies, organizations and individuals shall protect aircraft suffering incidents or accidents and equipment, devices and property on board to serve investigation work and hand over evidences to the aircraft incident or accident agency or the local People's Committee in the nearest place.

3. Those who deliberately conceal information on an aircraft incident or accident, distort information, damage or destroy checking equipment and other evidences related to an aircraft incident or accident shall, depending on the nature and seriousness of their acts, be administratively sanctioned or examined for penal liability.

4. The provisions of Clauses 1, 2 and 3 of this Article also apply to official-duty aircraft.

Chapter VI

AIR CARRIAGE

Section 1. AIR CARRIAGE ENTERPRISES

Article 109.- Air carriage business

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Scheduled air carriage means carriage by air on scheduled flights, according to announced flight schedules and publicly opened to public use.

Non-scheduled air carriage means air carriage which does not have all elements of scheduled air carriage.

2. Air carriage business means a conditional business line conducted by air carriage enterprises (hereinafter referred to as airlines).

Article 110.- Conditions for grant of air carriage business licenses

1. An enterprise may be granted an air carriage business license when fully meeting the following conditions:

a/ Having a business registration certificate showing that the major business line is air carriage;

b/ Having a plan on assurance of the availability of aircraft for operation;

c/ Having an organizational apparatus, employees who have appropriate permits and certificates and are capable of operating aircraft and dealing in air carriage;

d/ Meeting capital conditions as stipulated by the Government;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ Having a head office and principal place of business in Vietnam.

2. A foreign-invested enterprise may be granted an air carriage business license when fully meeting the conditions specified in Clause 1 of this Article and the following conditions:

a/ The foreign party's capital contribution proportion complies with regulations of the Government;

b/ The enterprise's representative by law is a Vietnamese citizen and foreigners account for not more than one third of the total number of members of its executive apparatus.

3. The Minister of Transport shall grant air carriage business licenses after obtaining permission of the Prime Minister.

4. Enterprises applying for air carriage business licenses shall pay a fee.

5. The Government shall specify conditions, order and procedures for the grant of air carriage business licenses.

Article 111.- Carriage rules

1. Carriage rules constitute an integral part of an air carriage contract, stipulating the carrier's conditions of carriage by air of passengers, baggage, cargo and postal items .

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Airlines shall issue their carriage rules and register them with the Ministry of Transport.

Section 2. OPERATION OF AIR CARRIAGE

Article 112.- Right to air carriage

1. Right to air carriage means the right to commercially operate air carriage under conditions on airlines, air routes, aircraft in operation, flights and subjects of carriage.

2. Airlines shall deal in air carriage within the scope of the right to air carriage defined by the Ministry of Transport, and may not buy or sell this right or commit banned acts of competition restriction or unfair competition.

3. Airlines may carry out trade promotion activities and deal in air carriage after they are granted by the Ministry of Transport the right to air carriage.

Article 113.- Procedures for grant of the right to air carriage

1. Vietnamese airlines applying for the right to air carriage shall send dossiers to the Ministry of Transport. Such a dossier comprises:

a/ An application for the right to air carriage;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ A report on proposed air routes and operation plan;

d/ Documents certifying the legal person status and operation charter of the airline.

2. Foreign airlines applying for the right to scheduled air carriage shall send dossiers to the Ministry of Transport. Such a dossier comprises:

a/ Documents specified in Clause 1 of this Article;

b/ A document issued by the state of the foreign airline designating, or certifying the designation of, such airline to have the right to operate air carriage in accordance with treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

3. The Ministry of Transport shall consider and decide whether or not to grant the right to scheduled air carriage within ten working days after the date of receipt of complete dossiers.

4. An airline has its right to scheduled air carriage revoked in the following cases:

a/ Seriously violating the provisions of law on assurance of aviation safety, aviation security and operation of air carriage;

b/ Failing to start air carriage within twelve months after the date of grant of the right to air carriage;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ As provided for by treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

5. The right to non-scheduled air carriage shall be granted together with flight permits.

6. Vietnamese airlines shall supply copies of cooperation contracts directly related to the right to air carriage and relevant documents to the Ministry of Transport for consideration and approval. The time limit for consideration and approval of contracts is seven working days, counting from the date of receipt of all of these documents.

Article 114.- Right to international air carriage

1. International air carriage is carriage by air over the territories of more than one state.

The exchange of the right to air carriage between Vietnam and other states must ensure fairness and equality in the opportunity to operation and in the interests and obligations between Vietnamese and foreign airlines.

2. The right to scheduled international air carriage to and from Vietnam shall be granted on the basis of market demand, the capability of airlines, the balanced development of flight route networks, on the basis of and in accordance with treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party. When Vietnam does not yet accede to a treaty on air carriage, the Minister of Transport may permit airlines to temporarily operate scheduled international air carriage to and from Vietnam.

3. The right to non-scheduled international air carriage to and from Vietnam shall be granted on the basis of market demand without adversely affecting scheduled carriage.

Article 115.- Right to domestic air carriage

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The right to domestic air carriage shall be granted to Vietnamese airlines on the basis of market demand, the capability of these airlines, the balanced development of air route networks, and national socio-economic development objectives.

3. The Ministry of Transport shall designate Vietnamese airlines, which are state enterprises, to operate air routes to areas with particularly difficult socio-economic conditions, mountainous, deep-lying and remote areas where there are essential needs for public air carriage.

4. A foreign airline may participate in domestic air carriage after it obtains permission of the Minister of Transport in the following cases:

a/ Prevention or combat of natural calamities or epidemics;

b/ Supplying emergency humanitarian relief.

Article 116.- Air carriage freight rates

1. Airlines shall notify air carriage freight rates for international routes to and from Vietnam upon request of the Ministry of Transport, unless otherwise provided for by treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

2. Domestic air carriage freight rates shall be decided by airlines within the freight rate frame prescribed by the Ministry of Finance at the request of the Ministry of Transport.

Article 117.- Combined carriage

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Parties to an air carriage contract may indicate in air waybills, cargo receipts and passenger tickets conditions relating to other modes of carriage.

Article 118.- Successive carriage

1. In case of air carriage performed by various successive carriers, each of such successive carriers shall be deemed to be one of the parties to the carriage contract.

2. In case of passenger carriage, passengers or persons entitled to claim compensation may initiate a lawsuit against any successive carrier which performed the carriage during which the accident or the delay occurred, unless the first carrier has assumed liability for the whole journey.

3. In case of carriage of baggage or cargo, the passenger or consignor is entitled to initiate a lawsuit against the first carrier; and the passenger or consignee is entitled to initiate a lawsuit against the last carrier; each carrier may initiate a lawsuit against the carrier which performed the carriage during which the loss, lack, damage or delay took place. These carriers must be jointly and severally liable to the passenger or to the consignor or consignee.

Article 119.- Simplification of procedures in air carriage

1. Aircraft, crews, passengers, baggage, cargo and postal items to and from Vietnam shall be facilitated in entry, exit, customs, quarantine and other inspection procedures.

2. Related organizations and individuals shall supply devices, equipment and services to ensure the quick clearance of air carriage, exit, entry, customs, quarantine and other inspection procedures for aircraft, crews, passengers, baggage, cargo and postal items at airports or airfields.

3. Passengers, baggage, cargo and postal items in transit in Vietnam without departing from the transit lounge are exempt from entry, exit and customs procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. International carriage involving many points in Vietnam means international air carriage involving at least two points of arrival or two points of departure in the Vietnamese territory.

2. During international carriage involving many points in Vietnam, at the first point of arrival and the last point of departure, aircraft, crews, passengers, baggage, cargo and postal items are subject to regulations applicable to air carriage, entry, exit, customs and quarantine procedures at international transit points, unless otherwise provided for by law.

Article 121.- Reporting and supply of statistical data

1. Vietnamese airlines shall report to the Ministry of Transport on a periodical basis or upon request on their long-term and annual production and business plans and results and supply statistics on air carriage.

2. Foreign airlines operating in Vietnam shall supply relevant statistics on air carriage at the request of the Ministry of Transport.

3. Statistics on air carriage include statistics on passengers, cargo and postal items already carried, on aircraft fleet and flight crew members, and on the financial status.

Article 122.- Air carriage service business

1. Vietnamese and foreign airlines may sell or deliver passenger tickets or air waybills directly at ticket sale offices or agents on the basis of agent designation contracts or via e-transactions.

Ticket sale offices are branches of an airline which perform the duty of selling its tickets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 123.- Conditions and procedures for opening representative offices and ticket sale offices of foreign airlines

1. A foreign airline may open representative offices or ticket sale offices in Vietnam when meeting the following conditions:

a/ Having been established and operating by the law of the state in which the airline is headquartered;

b/ The right to legal control rests with the state in which the airline is headquartered.

2. A foreign airline wishing to open representative offices or ticket sale offices shall send a dossier to the Ministry of Transport. Such a dossier comprises:

a/ An application for a permit for the opening of a representative office or ticket sale office;

b/ Document certifying the airline's legal person status and its operation charter;

c/ Written certification of the conditions specified in Clause 1 of this Article, issued by competent authorities of the state in which the airline is headquartered, except for airlines which have been granted the right to scheduled air carriage to Vietnam;

d/ Papers certifying the right to use the house where the representative office or ticket sale office is to be based;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Ministry of Transport shall consider and decide whether to grant permits for the opening of representative offices or ticket sale offices to foreign airlines within seven working days after the date of receipt of complete dossiers stated in Clause 2 of this Article.

4. Foreign airlines applying for permits for the opening of representative offices or ticket sale offices shall pay a fee.

5. The permit for the opening of a representative office or ticket sale office granted to a foreign airline shall be revoked in the following cases:

a/ Failing to meet the conditions specified in Clause 1 of this Article;

b/ Failing to commence operation within twelve months from the date of grant of the permit;

c/ Ceasing the sale of tickets for twelve consecutive months;

d/ Operating for improper purposes or in contravention of the contents of the permit;

e/ Committing acts of cheating customers;

f/ Seriously breaching regulations on air carriage business or operation of the computerized booking system;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 124.- Rights and obligations of foreign airlines' representative offices and ticket sale offices

1. To operate for proper purposes, within the scope and the term indicated in their permits.

2. To lease offices, lease and procure equipment and articles necessary for their operation.

3. To recruit employees who are Vietnamese or foreigners to work at the offices in accordance with the Vietnamese law on labor.

4. To open accounts for foreign currency amounts and Vietnamese currency amounts of foreign origin at banks operating in Vietnam and use such accounts for the offices' activities only.

5. To have a seal bearing the name of the office in accordance with the Vietnamese law on enterprises.

6. Representative offices may not conduct activities which generate profits directly in Vietnam, enter into contracts, except for the cases specified in Clauses 2, 3 and 4 of this Article, amend or supplement contracts already entered into by their airlines, except for contracts entered into by themselves or when their chiefs have a lawful authorization paper issued by their airline.

7. To pay taxes, charges and fees, fulfill financial obligations and implement the accounting regime in accordance with Vietnamese law.

8. To report on their activities on a periodical basis or upon request to the Ministry of Transport.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Foreign airlines wishing to designate ticket sale agents in Vietnam must meet the conditions specified in Clause 1, Article 123 of this Law.

2. Ticket sale agents of foreign airlines may sell tickets only after they register contracts on designation of ticket sale agents with the Ministry of Transport.

3. A dossier of contract registration comprises:

a/ An application for registration of the contract on designation of ticket sale agent;

b/ Document certifying the airline's legal person status and its operation charter;

c/ The notarized contract on designation of ticket sale agent;

d/ The ticket sale agent's business registration certificate.

4. The Ministry of Transport shall consider and decide whether to grant certificates of registration of contracts on designation of ticket sale agents within seven working days after the date of receipt of complete dossiers stated in Clause 3 of this Article.

5. Ticket sale agents of foreign airlines shall pay a fee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Computerized booking system is a computerized system supplying information on flight schedules, the situation of seats on flights and air carriage freights, through which the booking of seats on flights is effected.

2. An enterprise dealing in a computerized booking system shall abide by the following principles:

a/ Equality and non-discrimination among service users;

b/ Users shall not be forced to use its services or equipment only;

c/ The display of information on the computer monitor on flight schedules, the situation of seats on flights and air carriage freights must be complete, fair and non-discriminatory;

d/ Service charges must be set on the basis of reasonable costs and applied to all users without discrimination;

e/ Customers' personal information shall be kept secret, unless upon request of competent state agencies.

Article 127.- Supervision and inspection of operation of air carriage

Vietnamese and foreign airlines operating in Vietnam shall submit to the supervision and inspection by the Ministry of Transport in their implementation of regulations on operation of air carriage and assurance of aviation safety and security.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 128.- Contract of cargo carriage

1. Contract of cargo carriage is an agreement between the carrier and carriage hirer, whereby the carrier is obliged to carry cargo to the place of destination and deliver cargo to the entitled consignee; and the carriage hirer is obliged to pay carriage freight.

The carrier is an organization providing the service of commercial carriage by air.

2. Air waybills and other written agreements between the parties, carriage charters and freight rate tables are documents of contracts of cargo carriage.

Article 129.- Air waybills and cargo receipts

1. Air waybill is a document of cargo carriage by air and constitutes an evidence of the conclusion of the contract, the receipt of the cargo and the acceptance of the conditions stated in the contract.

2. Air waybills must be used for the carriage of cargo by air. In case a means which preserves the information on the carriage of cargo is substituted for the delivery of an air waybill, the carrier shall, if so requested by the consignor, deliver to the consignor a cargo receipt permitting identification of the cargo.

3. The carrier shall pay compensations to the consignor for damage caused due to the fault of the carrier or its servants or agents in the entry of inaccurate or insufficient information or the improper entry of information supplied by the consignor in the information preservation means specified in Clause 2 of this Article.

4. The existence and legal validity of a concluded contract of cargo carriage shall not be affected if it lacks one or some of the contents specified in Articles 130, 131, 132 and 133 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Places of departure and destination.

2. Agreed stopping places in case of carriage involving the departure and destination places being within the territory of a single state and one or more agreed stopping places agreed being with the territory of another state.

3. Weight and kinds of the cargo.

Article 131.- Making out of air waybill

1. The air waybill shall be made by the consignor in three originals. The first part, signed by the consignor, shall be handed to the carrier. The second original, signed by the consignor and by the carrier, shall be handed to the consignee. The third original, signed by the carrier, shall be handed to the consignor after the cargo has been received.

2. The signatures of the carrier and consignor may be printed or stamped.

3. The making out of the air waybill by the carrier at the request of the consignor shall be deemed as an action on behalf of the consignor, unless there is proof to the contrary.

Article 132.- Document relating to the nature of the cargo

The consignor shall be required, if necessary, to produce a document indicating the nature of the cargo upon request of customs, police or other competent agencies. This provision shall create no liability or obligation for the carrier.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When carrying many cargo packages, the carrier is entitled to request the consignor to make out separate air waybills for each cargo package. If a means which preserves the information on the carriage of cargo is used to substitute for the delivery of an air waybill as provided for in Clause 2, Article 129 of this Law, the consignor is entitled to request the carrier to issue separate cargo receipts for each cargo package.

Article 134.- Cases of rejection of carriage of cargo

1. The cargo to be carried is of a kind other than those agreed upon.

2. The consignor fails to comply with the conditions and instructions of the carrier on package, packing, signs and codes of the cargo.

Article 135.- The consignor's responsibilities for the supply of information

1. To be accountable for the accuracy of information and statements in the air waybill relating to the cargo or supplied for preservation in the means mentioned in Clause 2, Article 129 of this Law.

2. To supply necessary information and documents at the request of customs, police and other competent agencies before the cargo is delivered to the consignee. The carrier shall not be obliged to check the accuracy and completeness of information or documents supplied by the consignor.

3. To pay compensations for damage caused to or incurred by the carrier because of the supply of inaccurate, incomplete or irregular information.

Article 136.- Delivery of cargo

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Except for the case specified in Article 139 of this Law, the consignee is entitled to request the carrier to deliver the cargo, upon arrival of the cargo at the place of destination, to it, after paying the expenses appropriate to the conditions of carriage.

3. If the carrier admits the loss of the cargo, or if the consignee fails to receive the cargo seven days after the date on which the cargo ought to have arrived at the place of destination, the consignee or consignor may exercise the right to complain or initiate a lawsuit under the provisions of Article 170 of this Law.

Article 137.- Relations of consignor and the consignee or mutual relations with third parties

1. The consignor and the consignee can respectively exercise all the rights given to them in Article 139 of this Law, each in its own name, regardless of whether it is acting in its own interest or in the interest of another, provided that it performs the obligations imposed under the contract of cargo carriage.

2. The provisions of Clause 1 of this Article, Articles 136 and 139 of this Law do not affect the relations of the consignor and the consignee as well as mutual relations with third parties who have their rights arising from the consignor or the consignee.

3. The contents specified in Clause 1 of this Article, Article 138 and Article 139 of this Law may be otherwise agreed upon by the parties but must be indicated in the air waybill or the cargo receipt.

Article 138.- Evidentiary value of air waybills and cargo receipts

1. Data recorded in the air waybill or the cargo receipt on the weight, dimensions and packing of the cargo and the number of cargo packages serve as prima facie evidence for lodging a complaint or initiating a lawsuit against the carrier.

2. Date recorded in the air waybill or the cargo receipt on the quantity, volume and condition of the cargo are not of evidentiary value for lodging complaints or initiating lawsuits against the carrier, unless such data are certified in the air waybill or the cargo receipt that they have been checked in the presence of the consignor or such data relate to the apparent condition of the cargo.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The consignor is entitled to withdraw the cargo at the airport of departure or destination, stop the cargo at any permitted landing place in the course of the journey, request it to be delivered to another consignee at the place of arrival or another place in the course of the journey, or request it to be returned to the airport of departure.

The consignor must not exercise the right of disposition in case the exercise of such right will impede normal operations of the carrier or cause hindrances to other consignors. The consignor shall pay expenses incurred from the exercise of the right specified in this Clause.

2. If it is impossible to carry out the consignor's request, the carrier shall promptly notify the consignor thereof.

3. If the carrier carries out the consignor's request but does not get back the air waybill or cargo receipt already delivered to the latter, the carrier is liable for any damage which may be caused thereby to any person who has the right related to such air waybill or cargo receipt.

4. The consignor's right of disposition of cargo terminates at the time when the consignee requests the carrier to deliver the cargo to the consignee. If the consignee refuses to receive the cargo or the cargo cannot be delivered to the consignee, the consignor shall still have the right to disposition of such cargo.

Article 140.- Refusal to receive cargo or cargo with no consignee

If the consignee refuses to receive the cargo or there is no consignee, the carrier is obliged to keep such cargo and notify the consignor thereof. The consignor shall pay expenses incurred from the preservation of such cargo.

Article 141.- Delivery of secondary air waybills

1. The secondary air waybill constitutes an evidence of the conclusion of the contract of cargo forwarding for carriage by air between the forwarding enterprise and the consignor, the conditions of the contract, and the acceptance of the cargo for carriage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ An application for registration of delivery of secondary air waybills;

b/ The business registration certificate;

c/ The form of secondary air waybills in consistency with the contents of an air waybill specified in Article 130 of this Law;

d/ The business registration certificate of the foreign enterprise, in case of acting as an agent to deliver secondary air waybills for a foreign forwarding enterprise.

3. The Ministry of Transport shall consider and decide whether or not to grant certificates of registration of delivery of secondary air waybills within seven working days after the date of receipt of complete dossiers as provided for in Clause 2 of this Article.

4. Enterprises applying for certificates of registration of delivery of secondary air waybills shall pay a fee.

Article 142.- Liquidation of cargo

1. The cargo shall be liquidated in case the consignee refuses to receive it or it is impossible to carry the cargo to the consignee while the consignor refuses to receive back the cargo or fails to reply on the receipt back of cargo within sixty days after the date it receives a notice thereon from the carrier; perishable cargo may be liquidated earlier.

2. Proceeds from the liquidation of the cargo less expenses related to its carriage, preservation and liquidation must be returned to the persons entitled to such proceeds; past one hundred eighty days counting from the date of liquidation of the cargo, if the persons entitled to such proceeds do not come to receive, the remaining sum shall be remitted into the state budget.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 4. CARRIAGE OF PASSENGERS AND BAGGAGE

Article 143.- Passenger and baggage carriage contracts

1. Contract on air carriage of passenger and baggage is an agreement between the carrier and the passenger whereby the carrier shall carry the passenger and baggage to a place of destination and the passenger shall pay a freight.

2. Passenger tickets, carriage rules, freight rates and other written agreements between the two parties shall constitute documents of a contract of passenger and baggage carriage.

Article 144.- Passenger tickets, baggage checks

1. Passenger ticket is a document on the carriage of passenger by air and an evidence of the conclusion of the contract and the conditions thereof. Passenger tickets shall be delivered to individuals or collectives, containing the following details:

a/ The places of departure and destination;

b/ If the places of departure and destination are within the territory of a single state, one or more agreed stopping places being within the territory of another state, an indication of at least one such stopping place.

2. A means which preserves the information indicated in Clause 1 of this Article may be substituted for the delivery of a passenger ticket; if such a means is used, the carrier shall notify passengers of the supply of papers recorded with the preserved information.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The existence and legal validity of a contract shall not be affected if the signed contract lacks one or some of the details specified in Clauses 1, 2 and 3 of this Article.

Article 145.- Obligations of the carrier when carrying passengers

1. To carry passengers and baggage to the agreed place of destination and to deliver the registered baggage to persons entitled to receive.

2. To promptly notify passengers of information about the flight, to take care of passengers, especially those with disability or in need of care during the carriage.

3. When a passenger's seat has been confirmed in the flight but the carriage is interrupted or delayed due to a fault not caused by the passenger, the carrier shall promptly notify the passenger thereof, arrange accommodation and travel for the passenger and pay all directly related expenses relevant to the waiting time at the airport as stipulated in the carriage rules.

4. When a passenger's seat has been confirmed in the flight but the carriage is interrupted or delayed due to a fault caused by the carrier, apart from performing the obligation prescribed in Clause 3 of this Article, the carrier shall also have to arrange an appropriate journey for the passenger as stipulated in the carriage rules or reimburse the unused portion of the fare at the request of the passenger without collecting any related charges.

5. If, due to the carrier's fault, a passenger whose seat has been confirmed in the flight is not carried or his/her flight is cancelled without prior notice, the carrier shall perform the obligations specified in Clauses 3 and 4 of this Article, and pay a non-refundable compensation amount in advance to the passenger. The Minister of Transport shall specify the time for prior notice and non-refundable advance compensations after consulting the Minister of Finance. If the carrier has to pay damages for his/her civil liability, this amount shall be subtracted from damages.

Article 146.- Refusal to carry passengers who have tickets and seats confirmed in the flight or during journey

1. Due to the health conditions of a passenger, the carrier recognizes that the carriage or continued carriage may cause harms to such passenger, other passengers on board the aircraft or to the flight.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The passenger fails to observe regulations on assurance of aviation safety and security and operation of air carriage.

4. The passenger commits an act of disturbing public order, endangering the safety of the flight or affecting others' life, health and property.

5. Passengers cannot control their acts under the influence of alcohol, beer or other stimulants.

6. For security reasons.

7. At the request of competent state agencies.

Article 147.- Rights of passengers

1. To be informed in writing of the limits of the carrier's liability for damage sustained in case of death or injury of a passenger, damage to or loss of baggage, and delay.

2. If a passenger cannot be carried due to the carrier's fault, the passenger is entitled to request the carrier to arrange an appropriate journey or refund the unused portion of the fare.

3. In the cases specified in Article 146 of this Law, passengers are entitled to receive back their fare or an amount of money equivalent to the unused portion of the fare after subtraction of a charge and fine as stipulated in the carriage rules.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. To be exempt from the baggage freight within the minimum limit stipulated in the carriage rules.

6. Children under twelve years of age going by aircraft are entitled to fare exemption or reduction at the level stipulated in the carriage rules.

Children between two and under twelve years of age shall be arranged separate seats; under-two children do not have a separate seat and must be accompanied by adults.

Article 148.- Obligations of passengers

1. To observe regulations on assurance of aviation safety and security.

2. To comply with instructions of the carrier during the journey.

3. To pay compensations for damage caused due to their fault to the carrier or aircraft operator.

Article 149.- Carriage of baggage

1. Baggage includes checked baggage and hand baggage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Hand baggage is baggage carried by passengers on board the aircraft and preserved by passengers during the journey.

2. Baggage of each passenger must be carried together with the passenger on board the same aircraft, except the following cases:

a/ Carrying strayed baggage;

b/ Baggage held back for flight safety reasons;

c/ Carrying diplomatic and consular bags;

d/ A passenger died on board the aircraft and his/her body was taken out of the aircraft;

e/ Baggage carried like cargo;

f/ Force majeure cases.

Article 150.- Liquidation of baggage

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The procedures for liquidation of baggage shall comply with the provisions of Clause 2 and Clause 3, Article 142 of this Law.

Section 5. CONTRACTING CARRIAGE AND ACTUAL CARRIAGE

Article 151.- Contracting carrier and actual carrier

1. Contracting carrier is the person entering into a contract of air carriage with a passenger, the consignor or a representative of the passenger or the consignor.

2. Actual carrier is the person who performs the whole or part of the carriage under the authorization of the contracting party but is not a successive carrier as provided for in Article 118 of this Law.

Article 152.- Respective liabilities of contracting and actual carriers

1. The contracting carrier shall take responsibility for the whole of the carriage agreed in the contract. The actual carrier shall take responsibility for the part of the carriage which it performs.

2. Acts of the contracting carrier and of its servants and agents acting within the scope of their assigned work shall, in relation to the part of the carriage performed by the actual carrier, be deemed to be also those of the actual carrier. The actual carrier shall not bear the liability exceeding the limit of liability specified in Section 1, Chapter VII of this Law.

3. Acts of the actual carrier and of its servants and agents acting within the scope of their assigned work shall, in relation to the part of the carriage performed by the actual carrier, be deemed to be also those of the contracting carrier.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 153.- Addressee of complaints or requests

1. Except for the case specified in Clause 2 of this Article, any complaint or request may be addressed to the contracting carrier or actual carrier.

2. Any complaint related to the right to disposition of cargo specified in Article 139 of this Law is effective only if addressed to the contracting carrier.

Article 154.- Limit of liability of servants and agents

When the carriage is performed by the actual carrier, any servant or agent of the actual carrier or of the contracting carrier, if they prove that they acted within the scope of their assigned work, is entitled to the limits of liability applicable to the carrier specified in Section 1, Chapter VII of this Law.

Article 155.- Aggregate of damages

When the carriage is performed by the actual carrier, the aggregate of the amounts payable by the actual carrier, the contracting carrier and their servants and agents acting within the scope of their assigned work must not exceed the amount compensated by the contracting carrier and actual carrier. Each carrier needs not to pay a sum in excess of the limit of liability applicable to it.

Article 156.- Addressee of claims

When the carriage is performed by the actual carrier, a lawsuit for damages may be initiated against the actual carrier or the contracting carrier or against both. If the lawsuit is brought against only one of those carriers, that carrier is entitled to request the court to bring the other carrier in the court proceedings.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 157.- Carriage of postal items

The carriage of postal items by air shall comply with the provisions of this Law and the post law.

Article 158.- Carriage of dangerous cargo

1. Dangerous cargo means articles or substances which may cause danger to human health and life, flight safety, property or environment.

2. The carriage by air of dangerous cargo shall comply with the provisions of this Law and relevant laws.

3. Airlines may carry by air dangerous cargo only when they acquire a certificate of eligibility for carriage of dangerous cargo issued or recognized by the Ministry of Transport.

4. The Ministry of Transport shall stipulate the conditions, order of and procedures for the issuance or recognition of certificates of eligibility for carriage of dangerous cargo. Applicants for such a certificate shall pay a fee.

Article 159.- Carriage of weapons, war tools and nuclear waste

It is prohibited to carry by air weapons, war tools and nuclear waste into or through the Vietnamese territory, except for special cases permitted by competent state agencies. This provision shall also apply to official-duty aircraft.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



CIVIL LIABILITY

Section 1. RIGHTS AND CIVIL LIABILITY OF CARRIERS

Article 160.- Compensation for damage to passengers

The carrier is liable for damage sustained in case of death or injury of a passenger when the accident which caused the death or injury took place on board the aircraft or in the course of any of the operations of embarking or disembarking.

Article 161.- Compensation of damage to cargo and baggage

1. The carrier is liable for damage sustained in the case of loss or lack of, or damage to, cargo and checked baggage when the event which caused the loss, lack or damage took place during the period from the time the consignor and passenger deliver the cargo and checked baggage to the carrier to the time the carrier returns the cargo and checked baggage to the entitled recipient; in case of carriage of cargo, this period does not extend to any carriage by sea, land, rail or inland waterway performed outside an airport or airfield.

2. In case of loss or lack of, or damage to, hand baggage, the carrier is liable only if the damage resulted from its fault.

When an amount has been compensated for the cargo or baggage but such cargo or baggage latter arrives at the place of destination, the consignee or passenger is still entitled to receive such cargo and baggage and shall refund the received compensation amount to the carrier.

3. If the cargo has been received by the carrier, any damage shall be regarded as the result of the event which took place during the carriage by air regardless of the actual mode of transport, except for the case the carrier proves that such damage was sustained during the stage of carriage by sea, land, rail or inland waterway. If the carrier, without the consent of the consignor, substitutes carriage by another mode of transport for the whole or part of the carriage by air, the carriage by another mode shall be deemed to be the carriage by air.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 162.- Level of compensation for damage to cargo and baggage

1. The level of compensation payable by the carrier for the loss or lack of, or damage to, cargo and baggage is calculated as follows:

a/ As agreed upon by the parties but not in excess of the actual damage value;

b/ Based on the declared value upon receipt of the cargo and checked baggage at the place of destination. When the carrier proves that the declared value is higher than the actual value, the level of compensation shall be calculated based on the actual damage value;

c/ Based on the actual damage value, for cargo and checked baggage whose value is not declared;

d/ Based on the actual damage value, for hand baggage.

2. In case of loss or lack of, or damage to, cargo and checked baggage whose value is not declared and it is impossible to determine the actual damage value, the level of compensation payable by the carrier shall be up to the limits of liability provided for in Article 166 of this Law.

Article 163.- Compulsory insurance for carriers' liability

The carrier shall buy compulsory insurance for the liability for the death and injury of passengers, for the loss or lack of, and damage to, cargo and baggage, for damage caused by delay or for the implementation of other security measures up to the limits of liability applicable to the carrier provided for in Article 166 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The carrier is liable for damage caused by delay, unless it proves that it and its servants and agents took all measures to avoid the damage or that it was impossible for it or them to take such measures.

2. The compensation sum payable for damage caused by delay must not exceed the limits of liability provided for in Article 166 of this Law.

Article 165.- Exoneration

1. If the carrier proves that the damage was due to the fault of the person entitled to claim compensation, it shall be wholly or partly exonerated from its liability to the claimant corresponding to the extent of the latter's fault.

2. In case of death or injury of a passenger, if the carrier proves that the damage was caused by the fault of such passenger, it shall likewise be wholly or partly exonerated from its liability corresponding to the extent of the passenger's fault; the carrier is not liable for the death or injury of a passenger if such damage was totally due to the passenger's health conditions.

3. The carrier shall be partly or wholly exonerated from its liability for the damage to the cargo or checked baggage at a corresponding level in the following cases:

a/ Natural characteristics or inherent defect of the cargo or checked baggage;

b/ A decision of the court or a competent state agency in relation to the cargo or checked baggage;

c/ The break-out of war or an armed conflict;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 166.- Limits of liability applicable to the carrier

1. The carrier is entitled to the limits of liability as follows:

a/ For carriage of passengers, the limit of liability for the death or injury of passengers is one hundred and thousand units of account per passenger;

b/ For carriage of cargo, the limit of liability for damage caused by delay is four thousand one hundred and fifty units of account per passenger;

c/ For carriage of baggage, including both checked and hand baggage, the limit of liability for the loss or lack of, or damage to, baggage or delay is one thousand units of account per passenger; in case a passenger has declared the value of the delivery of checked baggage at the place of destination and paid a supplementary charge therefor, the carrier is liable to pay a compensation sum based on the declared value, unless it proves that such value is higher than the actual value;

d/ For carriage of cargo, the limit of liability for the loss, lack, damage or delay shall be seventeen units of account per kilogram of cargo; in case the consignor has declared the value of the acceptance of checked baggage at the place of destination and has paid a supplementary charge therefor, the carrier shall be liable to pay a compensation sum based on the declared value, unless it proves that such value is higher than the actual value;

2. The unit of account is the currency determined by the International Monetary Fund and established as the Special Drawing Rights. It shall be converted into Vietnamese dong at the official exchange rate publicized at the time of payment by the State Bank of Vietnam.

3. The weight of the lost, lacked, damaged or delayed cargo package shall be taken into consideration in determining the carrier's liability in case of carriage of cargo. If the loss or lack of, or the damage to, or delay of, the cargo affects the value of other cargo packages covered by the same air waybill or cargo receipt, the total weight of all cargo packages shall be taken into consideration in determining the limit of liability of the carrier.

4. The carrier is only entitled to the limit of liability specified at Point a, Clause 1 of this Article if it proves that the sustained damage was not due to his/her fault or was totally due to the fault of a third party.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. In case of necessity, the Government shall decide to increase the limits of liability provided for in Clause 1 of this Article.

Article 167.- Agreement on limits of liability

1. All agreements between the carrier and the passenger, consignor and consignee aiming to exempt or reduce the limits of liability of the carrier provided for in Article 166 of this Law shall not be legally valid.

2. The carrier may reach agreement with the passenger, consignor and consignee on limits of liability which are higher than those provided for in Article 166 of this Law.

Article 168.- Compensation for damage to carriers

If causing damage to the carrier or to third parties to whom the carrier is liable, passengers, the consignor or the consignee shall pay compensations to the carrier.

Article 169.- Advance payments

1. In case of an aircraft accident resulting in death or injury of passengers, the carrier shall make advance payments without delay to passengers or persons who are entitled to claim compensation.

The level of such advance payment shall be decided by the carrier and stated in the carriage rules.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 170.- Complaints and lawsuits against carriers

1. Passengers, the consignor, the consignee or their lawful representatives are entitled to lodge complaints or initiate lawsuits against the carrier in order to protect their infringed legitimate rights and interests.

2. Before initiating a lawsuit about the loss or lack of, damage to, or delay of the cargo, or checked baggage, the persons entitled to initiate lawsuits provided for in Clause 1 of this Article shall lodge written complaints to the carrier within the following time limit:

a/ Seven days, counting from the day of receipt of baggage in case of loss or deficit of, or damage to, baggage;

b/ Fourteen days, counting from the date of receipt of cargo in case of loss of or damage to the cargo; twenty one days, counting from the date of delivery of cargo in case of loss of the cargo;

c/ Twenty one days, counting from the date the person entitled to claim receives baggage or the cargo in case of delay in the carriage.

3. The carrier shall notify the complainants of the acceptance or rejection of their complaints within thirty days after the date of receipt of such complaints. If the complaint is rejected or the complainant receives no reply at the expiration of the said time limit, he/she may initiate a lawsuit.

4. The initiation of lawsuits about the carrier's liability is subject to the conditions and the limits of liability specified in this Law.

5. If a complaint is not lodged within the time limit specified in Clause 2 of this Article, the initiation of a lawsuit is invalid, unless there is a fraud on the part of the carrier or a plausible reason given by the person entitled to complain.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. If a complaint is lodged against a servant or agent of the carrier arising out of damage, such servant or agent is entitled to the limits of liability applicable to the carrier as specified in Section 1, Chapter VII of this Law if such servant or agent proves that it acted within the scope of its assigned work.

2. The aggregate of the amounts payable by the carrier, its servants and agents must not exceed the limits of liability provided for in this Law.

Article 172.- Jurisdiction of Vietnamese courts to settle disputes in international air carriage

1. Vietnamese courts have jurisdiction to settle disputes arising from the contract of international carriage by air of passengers, baggage and cargo at the option of the plaintiff in the following cases:

a/ The carrier has its head office or principal place of business in Vietnam;

b/ The carrier has a place of business in Vietnam at which the contract of carriage has been concluded;

c/ Vietnam is the place of destination of the cargo journey.

2. Contract of international carriage stated in Clause 1 of this Article is a contract of carriage under which, as agreed upon by the parties to the contract, the place of departure and the place of destination, whether or not there is a break in the carriage or a transshipment, are situated either within the territories of two states or within the territory of a single state if there is an agreed stopping place in the territory in another state.

3. For a dispute over the damage resulting from the death or injury of a passenger, apart from the provisions of Clause 1 of this Article, the Vietnamese court shall have jurisdiction to settle the dispute when the passenger has his/her principal and permanent residence in Vietnam at the time the accident took place, provided that:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The carrier uses its head office or the head office of another carrier with which it has a joint operation contract to conduct its business of carriage of passengers by air in Vietnam.

4. The order and procedures for the settlement of disputes shall comply with the provisions of this Law and the civil procedure law of Vietnam.

Article 173.- Settlement of disputes by arbitration

1. The parties to the contract of carriage for cargo may reach agreement on the settlement of arising disputes by arbitration. Such arbitration agreement must be made in writing.

2. For disputes arising from contracts of international carriage for cargo and related to the carrier's liability, the settlement thereof by Vietnamese arbitration may only be effected in the cases specified in Clause 1 and Clause 2, Article 172 of this Law.

3. The provisions of Clause 2 of this Article are regarded to be part of every arbitration clause or agreement. All arbitration clauses and agreements which are contrary to this provision shall be considered invalid.

Article 174.- Statute of limitations for initiating lawsuits about carriers' liability

The statute of limitations for initiation of lawsuits concerning the carrier's liability for damage to passengers, baggage and cargo is two years, counting from the date the aircraft arrives at the place of destination, the date the aircraft ought to have arrived at the place of destination or from the date on which carriage stopped, whichever is the later.

Section 2. LIABILITY FOR DAMAGE TO THIRD PARTIES ON THE SURFACE

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Agencies, organizations and individuals on the surface that suffer from damage caused by the aircraft in flight or by persons, articles or substances falling therefrom (hereinafter referred to as third parties on the surface) are entitled to compensation if they prove that the aircraft in flight or persons, articles, substances falling therefrom directly cause such damage.

2. In this Section, the aircraft shall be considered to be in flight from the moment when power is applied for the purpose of takeoff until the moment when the landing run ends; for an airship or a similar flying device, this shall be from the moment of detaching from the surface until the moment of again attaching thereto.

Article 176.- Compulsory insurance for aircraft operators' liability

The aircraft operator shall buy compulsory insurance for liability toward third parties on the surface or take other security measures up to the limits of its liability provided for in Article 180 of this Law.

Article 177.- Liability

1. The aircraft operator is liable for damage sustained to third parties on the surface.

2. The person who was making illegal use of the aircraft and caused damage to third parties on the surface shall pay compensation therefor. The possessor of the aircraft are severally and jointly responsible with the illegal user of the aircraft for the caused damage, unless it proves that it has applied every necessary measure to prevent such illegal use.

3. The aircraft operator stated in this Chapter means the person is personally using the aircraft or when his/her servants are using the aircraft in the course of their employment at the time the damage occurred.

Article 178.- Exoneration from and reduction of liability

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The aircraft operator is not liable if the damage is the direct consequence of war, armed conflict or its aircraft is requisitioned by a competent state agency.

Article 179.- Right to recourse of persons liable for damage

A person liable for damage is entitled to recourse against organizations and individuals related to the damage.

Article 180.- Limits of liability applicable to aircraft operators

1. The aircraft operator's liability provided for in this Section for each aircraft and incident does not exceed one thousand units of accounts per kilogram of the aircraft.

The weight of an aircraft is the maximum weight authorized by the certificate of airworthiness for takeoff, excluding the effect of lifting gas when used.

2. The aircraft operator's liability in case of death, injury or other damage to the health of third parties on the surface does not exceed one hundred and fifty thousand units of account per person killed or injured.

3. In case of damage caused by aircraft which have collided or interfered with each other in flight, third parties are entitled to claim compensation up to the aggregate of the limits of liability applicable to each of the aircraft involved; the person liable for damage caused by each aircraft shall bear the liability up to the limit specified in Clauses 1 and 2 of this Article.

4. In case of necessity, the Government shall decide to increase the limits of liability applicable to the aircraft operator.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The damage is due to the fault of the aircraft operator or its servants and agents.

2. The damage occurs during the time the aircraft is illegally used.

Article 182.- Settlement of compensation in case the total actual damage value exceeds the aircraft operator's limit of liability

1. If the claims are exclusively in respect of death or injury or exclusively in respect of damage to property, the compensation amount for each claim shall be reduced in proportion to the actual damage value.

2. If the claims are both in respect of death or injury and in respect of damage to property, the total sum distributable shall be appropriated preferentially to meet proportionately the claims in respect of death or injury. The remainder, if any, of the total sum distributable shall be distributed proportionately among the claims in respect of damage to property.

Article 183.- Cases where insurers and securers enjoy exoneration from or reduction of liability

1. Insurers and securers shall enjoy exoneration from or reduction of liability in the cases specified in Article 178 of this Law.

2. Insurers and securers shall be exonerated from their liability in the following cases:

a/ The damage occurred after the insurance contract or the security ceases to be effective. If the insurance contract or the security ceases to be effective when the aircraft is in flight, the insurance or security period shall be prolonged till the aircraft lands at the next place in the flight but for no longer than twenty four hours as from the time the insurance contract or the security ceases to be effective. The prolongation of the insurance or security period shall apply only in the interest of the person who suffers the damage;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 184.- Exemption from seizure of insurance or security sums

Any insurance or security sums specified in Article 176 of this Law shall be exempt from seizure and execution by creditors of the aircraft operator until claims of third parties on the surface have been satisfied.

Article 185.- Adjudicating competence of courts

The court of the place where the damage occurs shall have jurisdiction to settle claims of third parties on the surface, unless otherwise provided for by treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

Article 186.- Statute of limitations for initiating lawsuits to claim compensation

The statute of limitations for third parties on the surface initiating lawsuits to claims is two years, counting from the date of the incident which caused the damage.

Article 187.- Application of provisions on damage compensation

The provisions of this Section apply to the aircraft in flight that cause damage to Vietnamese ships and works in the sea waters under the sovereignty, sovereign rights and national jurisdiction of Vietnam or sea waters and land areas not falling under the sovereignty, sovereign rights and jurisdiction of any state.

Section 3. LIABILITY FOR DAMAGE CAUSED BY AIRCRAFT WHICH COLLIDED OR INTERFERED WITH EACH PTHER

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. In case of damage caused by the aircraft which have collided or interfered with each other in flight, the liabilities of the aircraft operators shall be determined as follows:

a/ If the damage is due to the fault of one party, the party at fault shall pay damages;

b/ If the damage is due to the fault of many parties, the liability shall be determined according to the extent of fault of each party; if it is impossible to determine the extent of fault, the parties shall pay equivalent compensations.

2. The provision of Clause 1 of this Article does not prejudice the claims for the carrier to pay compensations. The carrier is entitled to request the aircraft operator liable for the damage provided for in Clause 1 of this Article to perform the obligation to reimburse the paid compensation sums.

Article 189.- Several and joint liability

When two or more aircraft collide or interfere with one another in flight and cause damage to third parties on the surface, the operator of each aircraft is severally and jointly liable for such damage according to the extent of its fault.

Chapter VIII

AVIATION SECURITY

Article 190.- Aviation security

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Acts of illegal interference in civil aviation activities are acts endangering the safety of civil aviation, including one of the following acts:

a/ Illegally possessing the aircraft in flight;

b/ Illegally possessing the aircraft on the ground;

c/ Using the aircraft as a weapon;

d/ Holding hostages in the aircraft or at an airport or airfield;

e/ Illegally entering the aircraft, airport, airfield and civil aviation facilities, equipment and devices;

f/ Illegally bringing dangerous objects on board the aircraft, the airports, airfields and other restricted areas.

Dangerous objects include weapons, ammunitions, inflammables, explosives, radioactive substances and other objects and substances capable of causing danger or being used to cause danger to human health and life and safety of flight;

g/ Supplying information which is so false that it affects the safety of the aircraft in flight or on the ground, the safety of passengers, crews, ground personnel or persons at the airports, airfields and civil aviation works, facilities and equipment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Aviation security shall be assured by the following measures:

a/ Establishing restricted areas in the airports, airfields and places where exist air navigation aids, facilities and equipment for the purpose of protecting aircraft and aids, facilities and equipment there;

b/ Checking, screening and supervising aviation security before flight;

c/ Precluding the possibility of illegally transporting dangerous articles and applying special preventive measures when permitting the carriage of such dangerous articles;

d/ Responding to acts of illegal interference in civil aviation activities.

2. The protection of aircraft, establishment and protection of restricted areas in the airports, airfields and places where exist air navigation aids, facilities and equipment, and the pre-flight checking, screening and supervision of aviation security shall comply with the civil aviation security programs provided for in Article 196 of this Law.

Article 192.- Establishment and protection of restricted zones

1. Restricted zone is a zone in the airport, airfield or place where exist air navigation aids, facilities and equipment in which the entry, exit and activities shall comply with regulations of competent state agencies and be subject to checking, screening and supervision of aviation security.

2. The establishment of restricted zones in airports, airfields and places where exist air navigation aids, facilities and equipment must conform to the purpose of ensuring aviation security and the characteristics of civil aviation activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Aircraft shall be checked and monitored to ensure aviation security before making flights.

2. Passengers, crew members, flight assistants, other related persons, baggage, cargo, postal items and other objects shall be checked, screened and monitored to ensure aviation security before getting on board the aircraft.

Article 194.- Response to acts of illegal interference in civil aviation activities

1. All measures in response to acts of illegal interference in civil aviation activities shall be prioritized to ensure safety for the aircraft and human life.

2. Aircraft which are illegally interfered shall be given priority in flight administration and other necessary assistance.

3. The Ministry of Transport shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Public Security, the Ministry of Defense and other concerned ministries and branches in, formulating and submitting to the Prime Minister for approval emergency plans in response to acts of illegal interference in civil aviation activities.

4. The Ministry of Public Security shall command the forces participating in implementing emergency plans.

5. The Ministry of Defense shall handle acts of illegal interference specified at Point c, Clause 2, Article 190 of this Law; direct its agencies in charge of the airspace and flight operations to prioritize their assistance in administering the aircraft which are illegally interfered while flying in the Vietnamese airspace; and coordinate with air traffic service establishments in guiding crews to apply proper measures to handle such acts of illegal interference and other appropriate handling measures.

6. In special cases which fall beyond the competence of concerned ministries and branches, the Prime Minister shall decide to handle matters in ensuring safety for aircraft, crews, passengers, baggage and cargo in the aircraft.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 195.- Aviation security personnel

1. Aviation security personnel shall be equipped with weapons and necessary support tools to perform their tasks of ensuring aviation security.

2. The equipment and use of weapons and support tools of aviation security personnel shall comply with the Government's regulations.

Article 196.- Civil aviation security program

1. Civil aviation security program defines the responsibilities of agencies, organizations and individuals in implementing processes, procedures and measures to ensure aviation security.

2. Civil aviation security programs include:

a/ Vietnam's civil aviation security program;

b/ Civil aviation security program of the airport or airfield operator;

c/ Civil aviation security program of the airline;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The formulated civil aviation security programs must comply with the Vietnamese law on assurance of aviation security and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

4. The Minister of Transport shall promulgate Vietnam's civil aviation security program; approve civil aviation security programs of airport or airfield operators and Vietnamese airlines; approve the plans on administration of aircraft that are being illegally interfered with; and approve civil aviation security programs of foreign airlines.

Article 197.- Responsibilities of organizations and individuals involved in civil aviation activities

1. Operators of airports and airfields shall ensure aviation security at their airports and airfields and develop their civil aviation security programs.

2. Vietnamese airlines shall ensure aviation security for their operations; and develop their civil aviation security programs.

3. Air traffic service enterprises shall develop aircraft administration plans for flying aircraft which are illegally interfered with.

4. Foreign airlines performing scheduled carriage operations to and from Vietnam shall submit to the Ministry of Transport their civil aviation security programs which have been approved by competent authorities of the state in which the foreign airlines are headquartered or have principal places of business.

5. Organizations and individuals engaged in civil aviation activities shall comply with the aviation security law.

6. The Ministry of Transport shall supervise and evaluate the application of aviation security assurance measures in accordance with Vietnamese law and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



GENERAL CIVIL AVIATION

Article 198.- Conditions of general aviation activities

1. General aviation activities are activities of making use of aircraft to make flights in the industrial, agricultural, forestry, fishery, construction or other economic domains, to serve search and rescue, emergency aid, salvage, health, scientific research, cultural, sport, training, coaching, testing, measurement, photographing, video-recording, serving personal needs and other civil flight activities not for the purpose of public carriage of passengers, baggage, cargo and postal items.

2. General civil aviation activities must satisfy the following conditions:

a/ Aircraft and crews must have necessary permits and certificates as provided for by this Law and appropriate to the forms of operations performed;

b/ Conditions on aviation safety and security, environmental protection and other provisions of relevant laws are complied with.

3. Organizations conducting general aviation activities for commercial purposes must have aircraft operator's certificates as provided for in Article 23 of this Law.

Article 199.- Management of general aviation activities

1. Organizations or individuals undertaking general aviation activities shall register their activities with the Ministry of Transport.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The Government shall stipulate conditions and procedures for the grant of general civil aviation registration certificates and civil aviation business licenses.

4. Applicants for civil general aviation registration certificates and civil aviation business licenses shall pay a fee.

Article 200.- Contracts on provision of general aviation services

Enterprises providing general aviation services for commercial purposes shall sign contracts in writing with organizations or individuals using such services in accordance with law, except for cases of carrying out rescue and salvage activities in emergency circumstances.

Article 201.- Compulsory insurance for liability

Organizations and individuals carrying out general aviation activities shall purchase compulsory insurance for their liability under the provisions of this Law.

Chapter X

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 202.- Implementation effect

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. This Law replaces the December 26, 1991 Vietnam Civil Aviation Law and the April 20, 1995 Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Vietnam Civil Aviation Law.

This Law was passed on June 29, 2006, by the XIth National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 9th session.

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Law No.66/2006/QH11 of June 29, 2006 Vietnam civil aviation

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.274

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.108.87
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!