ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
97/KH-UBND
|
Cần
Thơ, ngày 16 tháng 8 năm 2016
|
KẾ HOẠCH
TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH BẢO ĐẢM TRẬT TỰ
AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM 2016
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó
Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc
gia tại Hội Nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn
giao thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm
2016 (Thông báo số 168/TB-VPCP ngày 07 tháng 7 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ),
Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch tăng cường thực hiện các giải pháp
cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố từ nay đến
cuối năm 2016, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU,
YÊU CẦU
1. Mục tiêu
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước thông qua việc phối hợp thực hiện của các sở, ban, ngành có liên
quan, các lực lượng thực thi nhiệm vụ và nâng cao nhận thực và ý thức tự giác
chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xem việc giảm tai nạn giao
thông và khắc phục ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người đối với cộng
đồng xã hội khi tham gia giao thông.
- Tăng cường công tác tuyên truyền,
phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đến mọi tầng
lớp nhân dân và người tham gia giao thông, đơn vị kinh doanh vận tải.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm,
tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trên lĩnh
vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông và đẩy mạnh chống tiêu cực trong quá
trình thực thi công vụ.
2. Yêu cầu
- Tiếp tục đôn đốc các sở, ngành và địa phương
triển khai các nhiệm vụ được giao để hoàn thành kế hoạch bảo đảm trật tự an
toàn giao thông năm 2016, phấn đấu giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người
chết và số người bị thương theo chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
- Tập trung nghiên cứu công tác quản lý nhà nước
về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giám sát chấp hành pháp luật về trật tự
an toàn giao thông. Tăng cường công tác tuyên truyền an toàn giao thông dưới
nhiều hình thức cụ thể, dễ hiểu.
II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Để thực
hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác từ nay đến cuối năm 2016, các sở, ngành liên quan sẽ tiếp tục tăng cường công
tác phối hợp, xử lý hiệu quả lĩnh vực kinh doanh vận tải, vấn đề tải trọng và
tình trạng “xe dù”, “bến cóc” trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra, xử lý, khắc phục các “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông đường bộ;
huy động tối đa lực lượng để tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm. Đặc biệt tập trung xử lý các hành vi vi phạm tải trọng, tốc độ,
nồng độ cồn, không đi đúng phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, tránh, vượt sai
quy định, phương tiện quá chu kỳ đăng kiểm và niên hạn sử dụng... Đây là
những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lớn về tai nạn giao thông.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban an toàn giao thông thành phố
a) Tiếp tục đôn đốc các sở, ngành và địa phương
triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao để hoàn thành kế hoạch bảo đảm trật
tự an toàn giao thông năm 2016; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đảm bảo
trật tự an toàn giao thông và giám sát chấp hành pháp luật về trật tự an toàn
giao thông; nâng cao công tác tuyên truyền an toàn giao thông dưới nhiều hình
thức cụ thể, dễ hiểu.
b) Phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan, đơn
vị có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác "Siết chặt quản lý
kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” theo đúng quy định.
c) Chỉ đạo Ban An toàn giao thông quận, huyện đẩy
mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự an toàn giao
thông; đặc biệt, chú trọng tuyên truyền Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26
tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
giao thông đường bộ và đường sắt.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải,
Công an thành phố các sở, ngành và địa phương khảo sát các điểm nguy cơ mất an
toàn giao thông (điểm đen), các điểm ùn tắc giao thông, triển khai thực hiện đồng
bộ, có hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
2. Sở Giao thông vận tải
a) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị thuộc
Bộ Giao thông vận tải để đẩy mạnh công tác thẩm định an toàn giao thông qua đó
phát hiện và xử lý những bất cập về an toàn giao thông; rà soát, điều chỉnh và
bổ sung thiết bị phân luồng, phân làn và biển báo tín hiệu giao thông trên mạng
lưới đường bộ và đường thủy nội địa; có phương án tổ chức đảm bảo giao thông chống
sạt lở trên đường bộ, chống va trôi tại các vị trí cầu vượt sông nhất là trong
mùa mưa bão.
b) Tiếp tục siết chặt quản lý kinh doanh vận tải,
kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, đường thủy nội địa; tổ chức tập huấn
phổ biến quy định pháp luật cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ phương tiện;
yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức khám sức khỏe cho toàn đội ngũ
lái xe để chấm dứt sử dụng lái xe cho dương tính với chất ma túy và các chất
kích thích khác; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống
tiêu cực trong quản lý nhà nước về vận tải, đào tạo và sát hạch, cấp giấy phép
lái xe cũng như trong công tác đăng ký, đăng kiểm các phương tiện và trong công
tác tuần tra kiểm soát.
c) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp
với Cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm
soát tải trọng xe và xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp luật về trật tự an toàn
giao thông. Tổ chức hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện công tác kiểm soát tải trọng
phương tiện vận chuyển hàng hóa trên đường bộ.
d) Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan chức
năng có liên quan quản lý kiểm soát tốt việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải,
giá dịch vụ xe ra vào bến, quản lý, kiểm tra phương tiện kinh doanh vận tải qua
thiết bị giám sát hành trình.
đ) Thường xuyên rà soát các tuyến đường, cầu do
Sở Giao thông vận tải quản lý để có kế hoạch sửa chữa kịp thời nhằm đảm bảo an
toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông.
3. Công an thành phố
a) Nghiên cứu, đánh giá kết quả 03 năm thực hiện
Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư trung ương Đảng về
"Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn
giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao
thông” để có đề xuất kiến nghị và đưa ra kế hoạch định hướng về công tác an
toàn giao thông trong thời gian tới sát với tình hình thực tế tại mỗi địa
phương.
b) Tiếp tục chỉ đạo Công an quận, huyện tập
trung lực lượng tuần tra, kiểm soát theo các chuyên đề, kế hoạch và xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; đặc biệt, các đường giao
thông nông thôn. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức hội nghị sơ kết 02
năm thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
c) Phối hợp liên ngành kiểm tra xử lý những hành
vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa, lũ. Đôn
đốc kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai Cuộc vận động xây dựng
phong trào "Văn hóa giao thông gắn với bình yên sông nước” giai đoạn 2016
- 2020.
d) Tổ chức triển khai Nghị định số 46/2016/NĐ-CP
ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực
giao thông đường bộ và đường sắt trong các cơ quan, đơn vị, địa phương,...
4. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố
Tăng cương tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về giao thông trong toàn lực lượng; chỉ đạo các cơ quan
chuyên ngành phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông
trong hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông
về tải trọng xe đối với người điều khiển và đơn vị quản lý phương tiện vi phạm;
ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đối tượng sử dụng giấy
tờ biển số giả phương tiện quân sự để hoạt động trái phép, tiếp tục triển khai
và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao
thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016 - 2020 đối với các đơn vị vận tải
đường thủy nội địa.
5. Sở Tài chính
Nghiên cứu và phối hợp với Công an thành phố, Ủy
ban nhân dân các quận, huyện hướng dẫn thực hiện quy định của Luật ngân sách
nhà nước năm 2015 đối với việc thu và sử dụng kinh phí xử phạt hành chính trong
lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; tiếp tục nghiên
cứu và đề xuất với Trung ương đối với việc quản lý tiền xử phạt vi phạm về trật
tự an toàn giao thông theo hướng để lại toàn bộ cho địa phương nhằm phục vụ
công tác an toàn giao thông.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố,
các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông những tháng
còn lại của năm 2016; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan truyền thông của quận, huyện
xây dựng và triển khai kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương
trong công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông đường thủy, đường bộ.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo
Tiếp tục ứng dụng và phổ biến các tài liệu giảng
dạy về an toàn giao thông để chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các trường học tăng cường
công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trong đầu năm học
mới 2016 - 2017; Phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố phát động cuộc
thi "Giao thông học đường” trên internet trong năm học 2016 - 2017 nhằm đổi
mới hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông
cho học sinh các cấp.
8. Sở Y tế
Báo cáo kết quả việc xét nghiệm nồng độ cồn
trong máu của nạn nhân tai nạn giao thông trong năm 2015 và
6 tháng đầu năm 2016; phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố để tổ chức
tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông đối với cán bộ y tế
tuyến huyện, xã và các lái xe kinh doanh vận tải và tình nguyện viên; chỉ đạo
các cơ sở y tế của địa phương tăng cường nâng cao năng lực cấp cứu tai nạn giao
thông tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
9. Ủy ban nhân dân quận, huyện
a) Tiếp tục triển khai kế hoạch năm an toàn giao
thông năm 2016 với chủ đề "Xây
dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của
người thực thi công vụ”, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”; Tập
trung giải quyết ngay những vấn đề nổi cộm, phức tạp và mất an toàn giao thông
gây bức xúc dư luận; đặc biệt, cần phân công cụ thể và xác địch rõ trách nhiệm
của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong công tác đảm bảo trật tự an toàn
giao thông; xử lý trách nhiệm đối với người đứng nếu để tai nạn giao thông tiếp
tục tăng hoặc xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người trên địa bàn quản
lý.
b)
Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn
giao thông nhất là các lỗi nguyên nhân trực tiếp như tai nạn giao thông và các
hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng
5 năm 2016 của Chính phủ.
c) Chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường thực
hiện các biện pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, rà soát
và khắc phục các điểm nguy cơ gây tai nạn giao thông trên đường nông thôn; kiểm
tra, rà soát chấn chỉnh điều kiện an toàn giao thông tại các bến khách ngang
sông, các bến tàu, bến cảng thủy nội địa và phương tiện chở khách,….
Trên đây là Kế hoạch tăng
cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an
toàn giao thông trên địa bàn thành phố từ nay đến cuối năm 2016, Giám
đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện; trong quá trình thực
hiện có khó khăn, vướng mắc có văn bản phản ánh về Sở Giao
thông vận tải tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem
xét, chỉ đạo./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Võ Thành Thống
|