UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1370/KH-UBND
|
Hà Nam, ngày
05 tháng 8 năm 2013
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ 12/CT-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC
TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM NGĂN CHẶN TAI NẠN GIAO THÔNG
NGHIÊM TRỌNG TRONG HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI.
Ngày 23 tháng 6 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã
ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp
bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam xây dựng kế hoạch tổ
chức thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Tổ chức triển khai cụ thể, sâu rộng ý kiến chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm
ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải để nâng cao
nhận thức và ý thức đối với đối với doanh nghiệp, đơn vị vận tải, chủ phương
tiện, lái xe; các lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý vận tải, quản lý phương
tiện, người lái; đào tạo, sát hạch cấp GPLX, đăng kiểm phương tiện.
2. Tăng cường công tác quản lý; thanh tra, kiểm
tra hoạt động vận tải đối với chủ phương tiện, lái xe và các lực lượng liên
quan trong hoạt động vận tải; xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong
hoạt động vận tải, quản lý bến xe, đăng kiểm phương tiện và dịch vụ hỗ trợ vận
tải.
3. Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ trong
quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép
lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện.
II. NỘI DUNG
1. Ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác đảm
bảo an toàn giao thông và trật tự vận tải, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp
luật trật tự an toàn giao thông đặc biệt là đối với các tổ chức, cá nhân trực
tiếp làm công tác vận tải.
2. Chỉ đạo Thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các
đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe vi phạm các quy định về quản lý vận tải và
điều kiện kinh doanh vận tải, đặc biệt là việc lắp đặt thiết bị giám sát hành
trình. Kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải đối
với các đơn vị cố tình không chấp hành đúng phương án kinh doanh đã đăng ký và
để xẩy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
3. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, HTX cho cán bộ quản lý
vận tải. Các đơn vị kinh doanh vận tải phổ biến các quy định của pháp luật về
trật tự an toàn giao thông, kinh doanh vận tải; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức,
kỹ năng tổ chức vận tải, đạo đức tác phong phục vụ cho lái xe và nhân viên phục
vụ trên xe.
4. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát đảm bảo tiến độ,
chất lượng thi công các dự án, đặc biệt các dự án trọng điểm. Đảm bảo an toàn
giao thông đối với công trình đường bộ đang khai thác, tổ chức bảo đảm an toàn
giao thông trong quá trình thi công; xử lý vi phạm đơn vị, cá nhân không thực
hiện quy định về bảo đảm an toàn giao thông để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm
trọng tại các công trình đang thi công.
5. Kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị và cán
bộ, công chức cơ quan quản lý thi hành công vụ, đình chỉ chức vụ để tiến hành
điều tra đối với những trường hợp có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay, dung túng cho
các cơ sở kinh doanh vận tải, kiểm định phương tiện, cơ sở đào tạo, sát hạch
cấp giấy phép lái xe, các bến xe và lái xe vi phạm các quy định về điều kiện
kinh doanh vận tải và trật tự an toàn giao thông.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giao thông vận tải:
- Tham mưu hoặc ban hành các văn bản chỉ đạo về
an toàn và trật tự vận tải. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức lái
xe đến từng doanh nghiệp, đơn vị , cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải, không
chở quá tải phương tiện gây hư hỏng cầu, đường và mất an toàn giao thông.
- Chủ trì và phối hợp với Ban An toàn giao
thông, Công an tỉnh, Sở Lao động Thương binh & Xã hội; Sở Tài chính, Sở Y
tế kiểm tra thường xuyên các doanh nghiệp, HTX vận tải hành khách, hàng hoá,
các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe, trung tâm đăng kiểm, yêu cầu thực
hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 12/CT-TTg cũng như của Bộ Giao
thông vận tải tại các chỉ thị số 02/CT-BGTVT; chỉ thị số 10/CT-BGTVT về việc
triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu tai nạn
giao thông trong hoạt động vận tải đường bộ.
- Yêu cầu các cơ sở kinh doanh vận tải tổ chức
kiểm tra sức khoẻ định kỳ và đột xuất đối với đội ngũ lái xe, trước hết là lái
xe khách tuyến cố định, lái xe buýt, xe taxi, lái xe của các công ty du lịch,
xe vận tải container trên địa bàn ; phát hiện và loại khỏi đội ngũ những lái xe
có hành vi sử dụng chất ma tuý, rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
- Tăng cường kiểm tra công tác đăng kiểm phương
tiện cơ giới đường bộ, kiên quyết không đăng kiểm cho các loại xe tải cơi nới
thùng xe để nâng tải trọng. Nghiên cứu, đề xuất thực hiện biện pháp kiểm tra kỹ
thuật phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm.
- Tăng cường công tác quản lý, yêu cầu các cảng,
mỏ, nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn phải thực hiện các biện pháp kiểm soát,
ngăn chặn tình trạng quá tải ngay từ gốc khi xếp hàng, tại bến xe, kiên quyết
không cho xuất bến khi lái xe đã sử dụng rượu bia, chất kích thích và những xe
không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Pháp luật.
- Chỉ đạo tích hợp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành
trình xe ô tô để quản lý, phát hiện, cảnh báo và xử lý theo quy định; tiếp tục
mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải.
- Nâng cấp, bảo trì cơ sở hạ tầng giao thông vận
tải; tập trung rà soát, bổ sung điều chỉnh hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ
(trọng tâm là tuyến QL1A, QL38, QL21A, tại các đường ngang giao cắt đường bộ
với đường sắt), đường thuỷ nội địa. Kiểm tra thường xuyên việc đảm bảo
an toàn giao thông trên các công trình đang triển khai thi công. Tiếp tục duy
trì thực hiện thí điểm phân làn đường trên tuyến QL21A (đoạn từ cầu Đồng Sơn
đến cầu Hồng Phú).
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý
nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong thực thi nhiệm vụ dưới
bất ký hình thức nào.
- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và Uỷ ban
nhân dân các huyện thành phố xây dựng “Đề án kiểm tra, xử lý vi phạm xe ô tô
chở quá tải trọng trên các tuyến đường bộ, địa bàn tỉnh Hà Nam”; báo cáo Uỷ ban
nhân dân tỉnh trong tháng 8 năm 2013.
2. Công an tỉnh:
- Huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị,
phương tiện, đẩy mạnh tuần tra lưu động, tập trung xử lý lái xe vi phạm các lỗi
có nguy cơ gây tai nạn cao như: chở quá tải, quá số người quy định, chạy quá
tốc độ, đi sai làn đường, tránh vượt xe sai quy định, vi phạm nồng độ cồn, chất
kích thích.
- Điều tra, khởi tố và đưa ra xét xử công khai
một số vụ vi phạm điển hình trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông; điều tra
đối với những trường hợp có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay, dung túng cho các cơ sở
kinh doanh vận tải, các lái xe vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh vận
tải và trật tự an toàn giao thông.
- Tổ chức thanh tra công vụ, kiểm tra và xử lý
nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định trong thực thi công vụ.
- Chỉ đạo lực lượng công an các huyện, thành phố
phối hợp với Thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý
nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
3. Sở Lao động thương binh và xã hội:
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tiến hành
thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, HTX vận tải trong việc ký kết hợp đồng lao
động với người lái xe, thực hiện các điều kiện quy định trong đào tạo nghề lái
xe tại các cơ sở đào tạo lái xe.
4. Sở Y tế:
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với
các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, các đơn vị vận tải tổ chức
kiểm tra sức khoẻ định kỳ và đột xuất đối với đội ngũ lái xe.
- Chỉ đạo Thanh tra tiến hành thanh, kiểm tra
công tác khám và cấp chứng nhận sức khoẻ phục vụ hoạt động đào tạo, sát hạch
cấp giấy phép lái xe, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các
quy định về cấp chứng nhận sức khoẻ.
5. Sở Thông tin truyền thông, Báo Hà Nam, Đài
Phát thanh và Truyền hình Hà Nam:
Phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội đẩy
mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông đến tận khu dân
cư và từng gia đình, biểu dương những tập thể, cá nhân chấp hành tốt các quy
định về trật tự an toàn giao thông, phê phán các tổ chức, cá nhân có hành vi vi
phạm pháp luật trong hoạt động vận tải, đặc biệt là phát động phong trào quần
chúng nhân dân giám sát cán bộ, công chức thực thi công vụ.
6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng, nâng
cao trách nhiệm quản lý, thực thi công vụ, tập trung kiểm tra việc thực hiện
các quy định về hoạt động vận tải đường bộ, đường sông trên địa bàn theo phân
cấp quản lý.
- Chỉ đạo, chủ trì và phối hợp với Thanh tra
giao thông xử lý vi phạm lòng lề đường và hành lang an toàn giao thông .
7. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc; Hội Nông dân; Hội
Cựu chiến binh tỉnh:
Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và
Uỷ ban nhân dân các địa phương trong việc tuyên truyền vận động chủ phương tiện
và nhân dân địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở,
Ban, Ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp triển khai
thực hiện Kế hoạch này, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân
tỉnh (qua Sở Giao thông vận tải) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ
và Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia./.
Nơi nhận:
- UBATGTQG;
- Bộ GTVT; để b/c
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB; LĐVP (4);
- Lưu: VT-GT.
B/2013/CV65KH
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Đông
|