ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 116/KH-UBND
|
Hà Giang, ngày 28
tháng 07 năm 2015
|
KẾ HOẠCH
KiỂm tra tẢi trỌng xe trên đỊa bàn tỈnh Hà
Giang
Để tiếp tục triển khai thực hiện công tác kiểm tra tải
trọng xe bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số
870/TTr-SGTVT ngày 22 tháng 6 năm 2014;
UBND tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch kiểm tra tải trọng
xe trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH
Căn cứ Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10/01/2013; Công
điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm
soát tải trọng xe trên đường bộ;
Căn cứ Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21/11/2013
của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an về việc Phối hợp thực hiện việc tuần
tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ô tô vận chuyển
hàng hóa trên đường bộ;
Căn cứ Quy chế phối hợp số 96/QCPH-BGTVT-UBND ngày 29/4/2014
của Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Hà Giang trong công tác chỉ đạo, điều
hành hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động;
Căn cứ Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 07/3/2014 của
UBND tỉnh Hà Giang, về việc thành lập Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh
Hà Giang;
Căn cứ Quyết định số 1380/QĐ-UBND ngày 27/7/2015 của
UBND tỉnh Hà Giang về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Trạm kiểm tra
tải trọng xe lưu động tỉnh Hà Giang.
II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự chuyển
biến trong nhận thức của các cấp, các ngành và ý thức chấp hành pháp luật của
các chủ doanh nghiệp, đội ngũ lái xe trong vận chuyển hàng hóa đúng tải trọng
bằng ô tô trên đường bộ tỉnh Hà Giang.
2. Tăng cường công tác cưỡng chế, xử lý các hành vi
vi phạm vận chuyển hàng hóa quá tải trọng của phương tiện và của cầu, đường nhằm
bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
3. Các giải pháp kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ
phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
III. TUYẾN, ĐỊA BÀN VÀ ĐỐI TƯỢNG
KIỂM SOÁT
1. Tuyến, địa bàn tuần tra kiểm soát
- Căn cứ vào tình hình lưu lượng phương tiện vận tải
chở hàng hóa quá tải trên các tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh, Trạm trưởng, Phó Trạm
trưởng Trạm KTTTXLĐ có trách nhiệm tổ chức khảo sát tình hình vi phạm chở hàng
quá trọng tải, xác định vị trí đặt Trạm KTTTXLĐ, thống nhất thời gian, địa điểm
cụ thể và báo cáo bằng văn bản để lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo Sở GTVT phê
duyệt trước khi thực hiện.
- Trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tế,
lãnh đạo Trạm chủ động liên hệ với UBND huyện, thành phố để chỉ đạo Công an cấp
huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện chở hàng
quá tải trọng cho phép của cầu, đường trốn tránh việc kiểm tra tải trọng xe đi
vào các tuyến đường thuộc địa bàn huyện, thành phố và bố trí bãi hạ tải, phân
công lực lượng bảo vệ hàng hóa, phương tiện khi có yêu cầu.
2. Đối tượng kiểm soát
- Xe ô tô tải, xe ô tô đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi
rơ moóc, xe ô tô chở Container, chở hàng vượt tải trọng thiết kế được ghi trong
Giấy đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi
trường; Chở hàng vượt tải trọng của cầu, đường; Xe ô tô vận chuyển hàng siêu
trường, siêu trọng, vi phạm các quy định về chở hàng quá trọng tải; Xe ô tô vận
chuyển hành khách.
- Ngoài việc xử lý vi phạm chở hàng quá trọng tải, nếu
phát hiện các hành vi vi phạm khác thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp
luật.
IV. NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP THỰC
HIỆN
1. Chế độ làm việc của Trạm kiểm tra tải trọng xe
lưu động.
Trạm KTTTXLĐ khi thực hiện nhiệm vụ hoạt động theo Kế
hoạch kiểm tra được UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện 24/24 giờ, 7 ngày/tuần, trừ
các ngày nghỉ lễ và ngày tết. Mỗi ngày làm việc theo 03 ca, kết thúc mỗi ca làm
việc phải tiến hành thủ tục bàn giao ca.
2. Lực lượng tham gia tại Trạm kiểm tra tải trọng
xe lưu động.
Lực lượng phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm tại Trạm
gồm: Thanh tra Giao thông vận tải thuộc Sở Giao thông vận tải; Cảnh sát giao thông
đường bộ, Cảnh sát trật tự Công an tỉnh; Văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh
và các lực lượng khác (nếu có), cụ thể:
- Trạm trưởng: Lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông vận
tải.
- Phó Trạm trưởng: Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông
đường bộ, Công an tỉnh.
- Ca trưởng: Là chỉ huy cấp Đội hoặc Trạm Cảnh sát
giao thông.
- Nhân viên kỹ thuật: Theo sự phân công của Thanh tra
Sở Giao thông vận tải.
- Cán bộ giám sát kế hoạch: 01 cán bộ Văn phòng Ban
An toàn giao thông tỉnh.
3. Thành phần trực tiếp mỗi ca trực kiểm tra.
- Thanh tra Giao thông vận tải: Cử 07 người, mỗi ca
02 người.
- Cảnh sát giao thông đường bộ: Cử 07 người, mỗi ca
02 người.
- Cảnh sát trật tự: Cử 06 người, mỗi ca 02 người.
- Văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh: 01 người.
- Ngoài các lực lượng trên có thể có các cơ quan, tổ
chức liên quan, tham gia phối hợp (nếu có).
4. Phân công nhiệm vụ.
- Các lực lượng tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ
tuân thủ theo sự phân công điều hành trực tiếp của Trạm trưởng, người được giao
phụ trách thực hiện kế hoạch kiểm soát tải trọng xe; Lực lượng tham gia phối
hợp thực hiện nhiệm vụ tại Trạm căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình để thực hiện việc phối hợp trách nhiệm và nhiệm vụ được giao, đảm bảo trạm
hoạt động thường xuyên, liên tục, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật; Khi
có sự cố ùn tắc giao thông phải chủ động phối hợp giải quyết và báo cáo kịp thời
cho lãnh đạo Công an địa phương, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Phòng Cảnh sát
giao thông đường bộ, Thanh tra Sở Giao thông vận tải có biện pháp giải quyết.
- Tất cả các trường hợp vi phạm chở hàng quá khổ, quá
tải trọng, đều tiến hành lập biên bản vi phạm; Yêu cầu lái xe hoặc chủ xe phải
tự hạ tải theo quy định; Chủ xe, lái xe phải chịu mọi chi phí và bảo quản hàng
hóa trong quá trình hạ tải. Sau khi đã thực hiện việc hạ tải cần kiểm tra lại
đảm bảo tải trọng quy định, mới giải quyết tiếp tục cho xe được lưu hành.
4.1. Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông:
- Thực hiện lệnh dùng phương tiện để kiểm soát và phối
hợp cân trọng tải.
- Yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình: Giấy
phép lái xe; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo
vệ môi trường; Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận
chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; Giấy phép lưu hành xe bánh
xích tự hành trên đường bộ.
- Lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính,
áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính theo thẩm quyền, trường hợp
phương tiện chở quá trọng tải khi phát hiện vi phạm, đều bắt buộc chủ xe, lái
xe hạ tải đảm bảo trọng tải theo quy định mới cho xe tiếp tục được lưu hành.
Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải sử dụng camera, máy ảnh để ghi lại
hình ảnh. Trường hợp hành vi vi phạm ở mức phạt vượt quá thẩm quyền, phải
chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm đến cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt.
- Thông báo, phối hợp với lực lượng Cảnh sát tuần tra
kiểm soát trên đường và hai đầu Trạm KTTTXLĐ hoặc Công an địa phương, buộc các
xe vi phạm vượt Trạm dừng ở hai đầu Trạm trốn tránh kiểm tra về Trạm KTTTXLĐ để
kiểm tra.
4.2. Nhiệm vụ của lực lượng Thanh tra giao thông:
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, bảo dưỡng trang thiết
bị cân trọng tải và các điều kiện cần thiết khác về cơ sở, vật chất đảm bảo cho
cán bộ, chiến sĩ trong Tổ công tác thực hiện; Trường hợp cần thiết, có thể liên
hệ với các cơ quan, tổ chức để sử dụng các trạm cân điện tử.
- Thực hiện nhiệm vụ dẫn xe vào vị trí cân; Trực tiếp
vận hành cân tải trọng; Kiểm tra trọng tải xe, xác định tình trạng và mức độ
quá tải, bàn giao phiếu cân các xe vi phạm về tải trọng cho lực lượng Cảnh sát
giao thông lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định; Cân kiểm tra lại sau
khi phương tiện đã hạ đủ tải và phối hợp thực hiện nhiệm vụ khác do Ca trưởng
phân công.
- Phối hợp với Cảnh sát giao thông tổng hợp kết quả
tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng quá trọng tải và báo cáo theo quy định.
4.3. Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát trật tự:
- Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực
đặt Trạm KTTTXLĐ.
- Phối hợp với các lực lượng khác của Trạm KTTTXLĐ trong
công tác xử lý vi phạm, tuần tra, kiểm soát trong khu vực Trạm KTTTXLĐ và hai
đầu Trạm KTTTXLĐ phát hiện, xử lý xe vi phạm vượt Trạm, vi phạm trốn tránh kiểm
tra về Trạm KTTTXLĐ để kiểm tra.
- Thông báo, phối hợp với lực lượng Công an địa phương,
khi có sự cố về an ninh trật tự ở khu vực đặt Trạm KTTTXLĐ và báo kịp thời cho
cấp có thẩm quyền để có biện pháp giải quyết.
4.4. Nhiệm vụ của Văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh:
- Giám sát việc triển khai, thực hiện kế hoạch kiểm
tra, xử lý xe vi phạm tải trọng trên địa bàn tỉnh của các lực lượng phối hợp tại
Trạm KTTTXLĐ.
5. Phương tiện:
- Thanh tra Sở Giao thông vận tải: 01 xe ô tô Trạm kiểm
tra tải trọng xe lưu động có kèm theo cân kiểm tra tải trọng xe cùng các trang
thiết bị.
- Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Công an tỉnh:
01 xe ô tô tô bán tải.
Các đơn vị có lực lượng tham gia phối hợp tại Trạm bố
trí trang thiết bị, công cụ hỗ trợ đảm bảo cho cán bộ, chiến sỹ, thanh tra viên
thực hiện nhiệm vụ đúng quy trình, điều lệnh kiểm tra.
6. Kinh phí thực hiện:
Nguồn kinh phí hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng
xe lưu động được đảm bảo từ Quỹ bảo trì đường bộ địa phương, nguồn kinh phí an
toàn giao thông địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giao thông vận tải.
- Chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT bố trí đủ cán bộ, phương
tiện thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tại Trạm theo kế hoạch; Phối hợp với lực lượng
Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự và lực lượng Cảnh sát khác thực hiện
nghiêm túc Kế hoạch phối hợp kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn tỉnh.
- Tổng hợp kết quả thực hiện, phân tích, đánh giá tình
hình báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND tỉnh, Ban
An toàn giao thông tỉnh.
2. Công an tỉnh.
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật
tự phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thanh tra giao thông thực hiện nghiêm túc Kế
hoạch phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng quá trọng tải trên
địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo lực lượng Công an các địa phương xây dựng
kế hoạch chuyên đề xử lý xe quá tải trên địa bàn và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Huy động lực lượng tăng cường tuần tra xử lý các xe ô tô tránh, vượt trạm, đỗ
chờ ở hai phía của Trạm, tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi chống
đối, không chấp hành và các hành vi vi phạm khác
- Chỉ đạo Công an cấp huyện, thành phố trên tuyến có
Trạm KTTTX tăng cường lực lượng phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp xảy ra
(khi có yêu cầu của Trạm).
- Tổng hợp kết quả thực hiện, phân tích, đánh giá
tình hình báo cáo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự,
an toàn xã hội.
3. Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh.
- Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận
tải, các cơ quan Báo, Đài tổ chức tuyên truyền kế hoạch kiểm tra tải trọng xe
trên địa bàn tỉnh, các quy định của pháp luật về tải trọng xe, về xử lý vi phạm
trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Giúp UBND tỉnh đôn đốc, kiểm tra thực hiện Kế hoạch,
báo cáo đề xuất UBND tỉnh có chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc phát
sinh trong quá trình thực hiện.
5. Báo Hà Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Hà Giang.
Phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh,
Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải tuyên truyền kế hoạch kiểm tra tải trọng xe
trên địa bàn tỉnh, các quy định của pháp luật về tải trọng xe, về xử lý vi phạm
trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
6. Sở Tài Chính, Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh
Hà Giang.
Tham mưu bố trí đầy đủ kinh phí dành cho hoạt động kiểm
soát tải trọng, ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ và kinh
phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho hoạt động
của Trạm KTTTX.
7. UBND các huyện, thành phố.
- Chỉ đạo Công an cấp huyện, thành phố tăng cường công
tác kiểm tra, xử lý các phương tiện chở hàng quá tải trọng cho phép trên các
tuyến đường thuộc địa bàn huyện, thành phố; Phối hợp tham gia bảo đảm trật tự
an ninh tại khu vực đặt Trạm.
- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn bố trí bãi hạ
tải và phân công lực lượng bảo vệ hàng hóa, phương tiện khi có yêu cầu của Trạm.
- Tổ chức tuyên truyền và yêu cầu các Doanh nghiệp vận
tải, Doanh nghiệp khai thác, vận chuyển khoáng sản, kinh doanh vật liệu xây dựng,
chủ phương tiện trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định về tải trọng xe.
8. Thời gian thực hiện và chế độ thông tin báo
cáo
- Kế hoạch này thực hiện theo đúng các nội dung chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh.
- Hằng ngày, vào lúc 8h00 Trạm tổng hợp số liệu và đánh
giá tình hình báo cáo về Thanh tra Sở Giao thông vận tải số Fax 02193.860.709;
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh số Fax 043.8571.440 (theo
mẫu báo cáo đính kèm).
- Hàng tháng, Trạm tổng hợp, phân tích, đánh giá tình
hình, kết quả hoạt động kiểm soát trọng tải xe về Sở Giao thông vận tải, Công
an tỉnh trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp báo cáo.
- Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày
24/4/2015 của UBND tỉnh Hà Giang về việc kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn tỉnh
Hà Giang.
UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu các cấp, các ngành và các
địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Ủy Ban ATGT Quốc gia; (để b/cáo)
- Bộ Công an, Bộ GTVT; (để b/cáo)
- Tổng cục ĐBVN; (để b/cáo)
- Tổng cục VII Bộ Công an; (để b/cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (để b/cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (để b/cáo)
- CT, các PCT UBND tỉnh; (để b/cáo)
- Ban ATGT tỉnh; (để b/cáo)
- Cổng TT điện tử và công báo tỉnh;
- Sở GTVT, CA tỉnh; Sở Tài chính;
- Báo Hà Giang, Đài Phát thanh, Truyền hình Hà Giang;
- UBND các huyện, thành phố;
- Công an các huyện, thành phố;
- Trạm KTTTXLĐ Hà Giang;
- Lưu: VT,CV.
|
CHỦ TỊCH
Đàm Văn Bông
|