Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 07/VBHN-VPQH Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Văn phòng quốc hội Người ký: Bùi Văn Cường
Ngày ban hành: 16/09/2024 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/VBHN-VPQH

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2024

LUẬT

ĐƯỜNG SẮT

Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, được sửa đổi, bổ sung bởi:

1. Luật số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

2. Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024;

3. Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024[1];

4. Luật số 43/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Đường sắt[2].

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cầu chung là cầu có mặt cầu dùng chung cho phương tiện giao thông đường sắt và phương tiện giao thông đường bộ.

2. Chạy tàu là hoạt động để điều khiển sự di chuyển của phương tiện giao thông đường sắt.

3. Chứng vật chạy tàu là bằng chứng cho phép phương tiện giao thông đường sắt được chạy vào khu gian và được thể hiện bằng tín hiệu đèn màu, tín hiệu cánh, thẻ đường, giấy phép, phiếu đường.

4. Công lệnh tải trọng là quy định về tải trọng tối đa cho phép trên một trục và tải trọng rải đều tối đa cho phép theo chiều dài của phương tiện giao thông đường sắt được quy định trên từng cầu, đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt.

5. Công lệnh tốc độ là quy định về tốc độ tối đa cho phép phương tiện giao thông đường sắt chạy trên từng cầu, đoạn, khu gian, khu đoạn, tuyến đường sắt.

6. Công trình đường sắt là công trình xây dựng phục vụ giao thông vận tải đường sắt, bao gồm đường, cầu, cống, hầm, kè, tường chắn, ga, đề-pô, hệ thống thoát nước, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ thống báo hiệu cố định, hệ thống cấp điện và các công trình, thiết bị phụ trợ khác của đường sắt.

7. Công trình công nghiệp đường sắt là công trình được xây dựng để phục vụ cho các hoạt động sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải phương tiện giao thông đường sắt; sản xuất phụ kiện, phụ tùng, vật tư, thiết bị chuyên dùng cho đường sắt.

8. Đề-pô là nơi tập kết tàu để bảo dưỡng, sửa chữa, thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật khác.

9. Đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác.

10. Đường sắt tốc độ cao là một loại hình của đường sắt quốc gia có tốc độ thiết kế từ 200 km/h trở lên, có khổ đường 1.435 mm, đường đôi, điện khí hóa.

11. Ga đường sắt là nơi để phương tiện giao thông đường sắt dừng, tránh, vượt, đón, trả khách, xếp, dỡ hàng hoá, thực hiện tác nghiệp kỹ thuật và các dịch vụ khác.

12. Hàng siêu trọng là hàng không thể tháo rời, có khối lượng vượt quá tải trọng cho phép của toa xe hoặc khi xếp lên toa xe có tổng khối lượng hàng hóa và toa xe vượt quá tải trọng quy định của công lệnh tải trọng đã được công bố.

13. Hàng siêu trường là hàng không thể tháo rời, khi xếp lên toa xe có kích thước vượt quá khổ giới hạn đầu máy, khổ giới hạn và chiều dài toa xe của khổ đường tương ứng.

14. Hoạt động đường sắt là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quy hoạch, kinh doanh đường sắt, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và các hoạt động khác có liên quan.

15. Kết cấu hạ tầng đường sắt là công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.

16. Ke ga là công trình đường sắt trong ga đường sắt để phục vụ hành khách lên, xuống tàu, xếp, dỡ hàng hóa.

17. Khổ đường sắt là khoảng cách ngắn nhất giữa hai má trong của đường ray.

18. Khu gian là đoạn đường sắt nối hai ga liền kề, được tính từ vị trí xác định tín hiệu vào ga của ga phía bên này đến vị trí xác định tín hiệu vào ga gần nhất của ga phía bên kia.

19. Khu đoạn là tập hợp một số khu gian và ga đường sắt kế tiếp nhau phù hợp với tác nghiệp chạy tàu.

20. Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ hoạt động đầu tư, sử dụng, bán, cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt để phục vụ hoạt động vận tải đường sắt và các dịch vụ thương mại khác nhằm mục đích sinh lợi.

21. Kinh doanh vận tải đường sắt là việc thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý và hàng hóa bằng đường sắt nhằm mục đích sinh lợi.

22. Kinh doanh đường sắt đô thị là việc thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn từ đầu tư đến vận chuyển hành khách trong đô thị nhằm mục đích sinh lợi.

23. Lối đi tự mở là đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt do tổ chức, cá nhân tự xây dựng và khai thác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

24. Nút giao cùng mức là nơi có hai hoặc nhiều đường giao thông giao nhau trên cùng một mặt bằng.

25. Nút giao khác mức là nơi có hai hoặc nhiều đường giao thông giao nhau không cùng một mặt bằng.

26. Phương tiện giao thông đường sắt là đầu máy, toa xe, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.

27. Tuyến đường sắt là một hoặc nhiều khu đoạn liên tiếp tính từ ga đường sắt đầu tiên đến ga đường sắt cuối cùng.

28. Tàu là phương tiện giao thông đường sắt được lập bởi đầu máy và toa xe hoặc đầu máy chạy đơn, toa xe động lực, phương tiện động lực chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.

Điều 4. Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đường sắt

1. Bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác và hiệu quả; phục vụ nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

2. Phát triển đường sắt theo quy hoạch, kế hoạch, gắn kết với các loại hình giao thông vận tải khác và hội nhập quốc tế, bảo đảm văn minh, hiện đại và đồng bộ.

3. Điều hành thống nhất, tập trung hoạt động giao thông vận tải đường sắt.

4. Tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư.

5. Bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt

1. Ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị để bảo đảm giao thông vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.

2. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, kinh doanh đường sắt.

3. Dành quỹ đất theo quy hoạch để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt.

4. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đường sắt hiện đại.

5. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống đường sắt chuyên dùng.

6. Ưu tiên phân bổ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm với tỷ lệ thích đáng để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch.

Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.

Điều 6. Ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt

1. Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị và công nghiệp đường sắt là các ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như sau:

a) Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt;

b) Căn cứ vào khả năng nguồn lực thực tế, Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; đầu tư mua sắm phương tiện giao thông đường sắt, máy móc, thiết bị phục vụ duy tu bảo dưỡng đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt;

c) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị, công nghiệp đường sắt được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

d) Được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt, nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị cần thiết cho hoạt động đường sắt và vật tư cần thiết cho xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mà trong nước chưa sản xuất được.

3. Tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị được Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.

4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt được dành riêng dải tần số vô tuyến điện phục vụ công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt và hệ thống cung cấp điện sức kéo phục vụ chạy tàu.

Điều 7. Quy hoạch mạng lưới đường sắt[3]

1. Quy hoạch mạng lưới đường sắt là quy hoạch ngành quốc gia, làm cơ sở định hướng đầu tư, phát triển, khai thác mạng lưới đường sắt.

2. Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường sắt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Điều 7a. Quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt[4]

1. Quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch mạng lưới đường sắt, được lập cho tuyến đường sắt quốc gia, ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế.

2. Quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Xác định hướng tuyến, điểm đầu, điểm cuối, chiều dài tuyến, khổ đường, các điểm khống chế chính, các công trình cầu, hầm, điểm giao cắt; vị trí các ga, đề-pô;

b) Phương án kết nối với các phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; kết nối với hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu du lịch, khu công nghiệp, khu chế xuất;

c) Xác định nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn đầu tư, lộ trình thực hiện quy hoạch theo thứ tự ưu tiên đầu tư;

d) Giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch.

3. Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Việc công bố công khai quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về đường sắt.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt.

Điều 8. Hợp tác quốc tế về đường sắt

1. Hợp tác quốc tế về đường sắt phải bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia; đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Ưu tiên hoạt động hợp tác quốc tế đối với kết nối khu vực và quốc tế, kinh doanh vận tải đường sắt; đầu tư phát triển, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Giao thông vận tải bảo đảm thuận tiện, nhanh chóng trong việc thông quan tại ga liên vận quốc tế.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt

1. Phá hoại công trình đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt.

2. Lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

3. Tự mở lối đi qua đường sắt; xây dựng trái phép cầu vượt, hầm chui, cống hoặc công trình khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt; khoan, đào trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

4. Làm sai lệch công trình, hệ thống báo hiệu trên đường sắt; làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt.

5. Ngăn cản việc chạy tàu, tùy tiện báo hiệu hoặc sử dụng các thiết bị để dừng tàu, trừ trường hợp phát hiện có sự cố gây mất an toàn giao thông đường sắt.

6. Vượt rào, vượt chắn đường ngang, vượt qua đường ngang khi có tín hiệu cấm; vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh.

7. Xả chất thải không bảo đảm vệ sinh môi trường lên đường sắt; để vật chướng ngại, đổ chất độc hại, chất phế thải lên đường sắt; để chất dễ cháy, chất dễ nổ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.

8. Chăn thả súc vật, họp chợ trên đường sắt, trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.

9. Đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên nóc toa xe, đầu máy, bậc lên xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe, đầu máy, nơi nối giữa các toa xe, đầu máy; mở cửa lên, xuống tàu, đưa đầu, tay, chân và vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ.

10. Đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ.

11. Ném đất, đá hoặc vật khác lên tàu hoặc từ trên tàu xuống.

12. Mang, vận chuyển hàng hóa cấm lưu thông, động vật có dịch bệnh vào ga, lên tàu; mang, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, chất phóng xạ, chất dễ cháy, chất dễ nổ và hàng nguy hiểm khác vào ga, lên tàu; mang, vận chuyển thi hài, hài cốt vào ga, lên tàu đường sắt đô thị.

13. Làm, tiêu thụgiả; bán vé trái quy định.

14. Đưa phương tiện giao thông đường sắt, trang thiết bị không bảo đảm an toàn kỹ thuật vào hoạt động phục vụ giao thông đường sắt; sử dụng toa xe chở hàng để vận chuyển hành khách; tự ý thay đổi kết cấu, hình dáng, tính năng sử dụng của phương tiện giao thông đường sắt; giao hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường sắt.

15. Nối vào tàu khách các toa xe vận tải động vật, hàng hoá có mùi hôi thối, chất dễ cháy, chất dễ nổ, chất độc hại và hàng nguy hiểm khác.

16. Điều khiển tàu chạy quá tốc độ quy định.

17. Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong khi làm nhiệm vụ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

Chương II

KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 10. Hệ thống đường sắt Việt Nam

1. Hệ thống đường sắt Việt Nam bao gồm đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng được quy định như sau:

a) Đường sắt quốc gia phục vụ nhu cầu vận tải chung của cả nước, từng vùng kinh tế và liên vận quốc tế;

b) Đường sắt đô thị phục vụ nhu cầu vận tải hành khách ở đô thị và vùng phụ cận;

c) Đường sắt chuyên dùng phục vụ nhu cầu vận tải riêng của tổ chức, cá nhân.

2. Thẩm quyền quyết định công bố, điều chỉnh hệ thống đường sắt được quy định như sau:

a) Đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố, điều chỉnh; đường sắt đô thị có nối ray hoặc chạy chung với đường sắt quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố, điều chỉnh sau khi thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đường sắt đô thị;

b) Đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố, điều chỉnh; trường hợp đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia đi qua địa giới hành chính từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên thì Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố, điều chỉnh sau khi có ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố này.

3. Thẩm quyền quy định việc đặt tên tuyến, tên ga đường sắt; quyết định đưa tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt vào khai thác; dừng khai thác, tháo dỡ tuyến được quy định như sau:

a) Chính phủ quy định việc đặt tên tuyến, tên ga đường sắt và tháo dỡ tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt;

b) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định đưa vào khai thác, dừng khai thác tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt quốc gia;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đưa vào khai thác, dừng khai thác tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt đô thị;

d) Chủ đầu tư quyết định đưa vào khai thác, dừng khai thác tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt chuyên dùng do mình đầu tư.

Điều 11. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt bao gồm:

a) Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu bao gồm công trình, hạng mục công trình đường sắt hoặc công trình phụ trợ khác trực tiếp phục vụ công tác chạy tàu, đón tiễn hành khách, xếp dỡ hàng hóa;

b) Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt không trực tiếp liên quan đến chạy tàu là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

2. Trách nhiệm quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư:

a) Chính phủ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

b) Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị;

d) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt sử dụng, khai thác, bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt khi được Nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân tự quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định Danh mục tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quy định tại khoản 1 Điều này; quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.

Điều 12. Đất dành cho đường sắt

1.[5] (được bãi bỏ)

2. Việc sử dụng đất dành cho đường sắt được quy định như sau:

a) Đất dành cho đường sắt được dùng để xây dựng công trình đường sắt và bảo đảm an toàn giao thông đường sắt theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Trường hợp đất dành cho đường sắt phải sử dụng kết hợp để xây dựng công trình thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội không thể bố trí ngoài phạm vi đất này thì không được làm ảnh hưởng đến công trình đường sắt, an toàn giao thông đường sắt và khi thực hiện phải được cấp phép theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

c) Tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm sử dụng, khai thác đất dành cho đường sắt theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật.

3. Quản lý đất dành cho đường sắt được quy định như sau:

a) Việc quản lý đất dành cho đường sắt do cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Cơ quan quản lý nhà nước quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được giao quản lý đất dùng để xây dựng công trình đường sắt, đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; quản lý việc sử dụng đất dành cho đường sắt theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Ủy ban nhân dân các cấp quản lý đất dành cho đường sắt đã được quy hoạch, đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt;

d) Đất dành cho đường sắt trong phạm vi đất cảng hàng không, sân bay dân dụng, cảng biển được quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 13. Cấp kỹ thuật đường sắt

1. Đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng được phân thành các cấp kỹ thuật đường sắt. Mỗi cấp kỹ thuật đường sắt có tiêu chuẩn tương ứng.

2. Việc tổ chức lập, thẩm định, công bố tiêu chuẩn về cấp kỹ thuật đường sắt thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Điều 14. Khổ đường sắt

1. Đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng nối ray với đường sắt quốc gia có khổ đường tiêu chuẩn là 1.435 mm hoặc khổ đường hẹp là 1.000 mm.

2. Đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị đầu tư mới có khổ đường 1.435 mm. Trường hợp đặc biệt có khổ đường khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia đi qua khu vực dân cư do chủ đầu tư quyết định khổ đường sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 15. Kết nối ray các tuyến đường sắt

1. Vị trí kết nối ray các tuyến đường sắt trong nước phải tại ga đường sắt.

2. Chỉ đường sắt quốc gia mới được kết nối ray với đường sắt nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kết nối ray giữa đường sắt quốc gia với đường sắt nước ngoài.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện việc kết nối ray đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng với đường sắt quốc gia; việc kết nối ray các tuyến đường sắt đô thị.

4. Tổ chức, cá nhân quyết định việc kết nối ray đường sắt chuyên dùng với đường sắt chuyên dùng do mình đầu tư.

Điều 16. Ga đường sắt

1. Ga đường sắt được phân loại như sau:

a) Ga hành khách để đón, trả khách, thực hiện dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách, tác nghiệp kỹ thuật và kinh doanh dịch vụ thương mại khác;

b) Ga hàng hóa để giao, nhận, xếp, dỡ, bảo quản hàng hóa, thực hiện dịch vụ khác liên quan đến vận tải hàng hoá và tác nghiệp kỹ thuật;

c) Ga kỹ thuật để thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật phục vụ chạy tàu;

d) Ga hỗn hợp có chức năng của 02 hoặc 03 loại ga quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

2. Ga đường sắt phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Tùy theo cấp kỹ thuật ga, ga đường sắt gồm có nhà ga, quảng trường, kho, bãi hàng, ke ga, tường rào, khu dịch vụ, trang thiết bị cần thiết và công trình khác có liên quan đến hoạt động đường sắt;

b) Ga đường sắt phải có tên ga và thông tin, chỉ dẫn cho khách hàng. Tên ga không trùng nhau và phù hợp với địa danh, lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục của địa phương. Tại các ga trên đường sắt quốc gia trong đô thị loại III trở lên, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế phải bố trí nơi làm việc cho cơ quan quản lý nhà nước hoạt động thường xuyên có liên quan đến hoạt động đường sắt theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Phải có hệ thống thoát hiểm; hệ thống pḥòng cháy và chữa cháy; hệ thống cấp điện, chiếu sáng, thông gió; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống bảo đảm vệ sinh môi trường và yêu cầu kỹ thuật khác của nhà ga;

d) Ga hành khách phải có công trình, thiết bị chỉ dẫn tiếp cận cho người khuyết tật và đối tượng được ưu tiên theo quy định của pháp luật; hệ thống điện thoại khẩn cấp, phương tiện sơ cứu y tế;

đ) Ga liên vận quốc tế, ga trung tâm phải có kiến trúc mang đặc trưng lịch sử, bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, vùng miền. Ga đường sắt tốc độ cao phải có thiết bị kiểm soát bảo đảm an ninh, an toàn;

e) Tại các ga đường sắt quốc gia, ga đường sắt đô thị được phép xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng.

3. Phạm vi ga theo chiều dọc được xác định bởi dải đất từ vị trí xác định tín hiệu vào ga phía bên này đến vị trí xác định tín hiệu vào ga phía bên kia; theo chiều ngang ga được xác định bởi khoảng đất phía trong tường rào ga hoặc mốc chỉ giới ga theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cấp kỹ thuật ga đường sắt.

Điều 17. Đường sắt giao nhau với đường sắt hoặc với đường bộ

1. Đường sắt giao nhau với đường sắt phải giao khác mức, trừ trường hợp đường sắt chuyên dùng giao nhau với đường sắt chuyên dùng.

2. Đường sắt giao nhau với đường bộ phải xây dựng nút giao khác mức trong các trường hợp sau đây:

a) Đường sắt có tốc độ thiết kế từ 100 km/h trở lên giao nhau với đường bộ;

b) Đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp III trở lên; đường sắt giao nhau với đường bộ đô thị;

c) Đường sắt đô thị giao nhau với đường bộ, trừ đường xe điện bánh sắt.

3. Chủ đầu tư xây dựng đường sắt mới phải chịu trách nhiệm xây dựng nút giao khác mức theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Chủ đầu tư xây dựng đường bộ mới phải chịu trách nhiệm xây dựng nút giao khác mức theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khi chưa có đủ điều kiện tổ chức giao khác mức thì Ủy ban nhân dân các cấp, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ đầu tư dự án hoặc tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao thông qua đường sắt phải tuân theo những quy định sau đây:

a) Nơi xây dựng đường ngang phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;

b) Nơi không được phép xây dựng đường ngang phải xây dựng đường gom nằm ngoài hành lang an toàn giao thông đường sắt để dẫn tới đường ngang hoặc nút giao khác mức gần nhất.

5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về:

a) Đường ngang, giao thông tại khu vực đường ngang; việc cấp, gia hạn Giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bãi bỏ đường ngang;

b) Cầu chung, giao thông trên khu vực cầu chung;

c) Kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

6. Chính phủ quy định việc xử lý các vị trí đường sắt giao nhau với đường sắt, đường sắt giao nhau với đường bộ không phù hợp với quy định của Luật này, các lối đi tự mở và lộ trình thực hiện.

Điều 18. Đường sắt và đường bộ chạy song song gần nhau

1. Trường hợp đường sắt, đường bộ chạy song song gần nhau thì phải bảo đảm đường này nằm ngoài hành lang an toàn giao thông của đường kia; trường hợp địa hình không cho phép thì trên lề đường bộ phía giáp với đường sắt phải xây dựng công trình phòng hộ ngăn cách, trừ trường hợp đỉnh ray đường sắt cao hơn mặt đường bộ từ 03 m trở lên.

2. Trường hợp đường sắt, đường bộ chạy song song chồng lên nhau thì khoảng cách theo phương thẳng đứng từ điểm cao nhất của mặt đường bộ phía dưới hoặc đỉnh ray đường sắt phía dưới đến điểm thấp nhất của kết cấu nhịp cầu phía trên phải bằng chiều cao bảo đảm an toàn giao thông của công trình phía dưới.

Điều 19. Hệ thống báo hiệu cố định trên đường sắt

1. Hệ thống báo hiệu cố định trên đường sắt bao gồm:

a) Cột tín hiệu, đèn tín hiệu;

b) Biển hiệu, mốc hiệu;

c) Biển báo;

d) Rào, chắn;

đ) Cọc mốc chỉ giới;

e) Các báo hiệu khác.

2. Hệ thống báo hiệu cố định trên đường sắt phải được xây dựng, lắp đặt đầy đủ phù hợp với cấp kỹ thuật và loại đường sắt; bảo đảm thường xuyên hoạt động tốt.

Mục 2. ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 20. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt là việc đầu tư xây dựng mới, đổi mới công nghệ, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật.

2. Việc góp vốn nhà nước tham gia vào dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo hình thức đối tác công tư trong thời gian xây dựng hoặc kéo dài suốt vòng đời dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng và công bố dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Kết cấu hạ tầng đường sắt đưa vào khai thác phải được bảo trì theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; tổ chức quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị; tổ chức quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư;

c) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật khi được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng;

d) Tổ chức, cá nhân tự quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn thu từ khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt và nguồn thu khác được sử dụng theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Giao thông vận tải quản lý, sử dụng nguồn tài chính được bố trí cho công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, sử dụng nguồn tài chính được bố trí cho công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư.

4. Tổ chức, cá nhân tự tổ chức quản lý, sử dụng nguồn tài chính của mình cho công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư.

Mục 3. BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 23. Bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Hoạt động bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt bao gồm: các hoạt động nhằm bảo đảm an toàn cho công trình đường sắt; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm, phá hoại công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt.

2. Phạm vi bảo vệ công trình đường sắt là giới hạn được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với công trình đường sắt để quản lý, bảo vệ, ngăn ngừa những hành vi xâm phạm đến ổn định công trình đường sắt và bảo đảm an toàn cho công trình đường sắt, bao gồm:

a) Phạm vi bảo vệ đường sắt;

b) Phạm vi bảo vệ cầu đường sắt;

c) Phạm vi bảo vệ hầm đường sắt;

d) Phạm vi bảo vệ ga, đề-pô đường sắt;

đ) Phạm vi bảo vệ công trình thông tin, tín hiệu, hệ thống cấp điện cho đường sắt;

e) Phạm vi bảo vệ các công trình đường sắt khác.

3. Hành lang an toàn giao thông đường sắt là phạm vi được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với phạm vi bảo vệ đường sắt để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông.

4. Xây dựng công trình, khai thác tài nguyên và tiến hành hoạt động khác ở vùng lân cận phạm vi đất dành cho đường sắt:

a) Việc xây dựng công trình, khai thác tài nguyên và tiến hành hoạt động khác ở vùng lân cận phạm vi đất dành cho đường sắt không được làm ảnh hưởng đến an toàn của công trình đường sắt và an toàn giao thông vận tải đường sắt;

b) Trường hợp việc xây dựng công trình, khai thác tài nguyên và tiến hành hoạt động khác ở vùng lân cận phạm vi đất dành cho đường sắt nhưng có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của công trình đường sắt hoặc an toàn giao thông vận tải đường sắt thì chủ đầu tư công trình, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên và tiến hành hoạt động khác phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình đường sắt và an toàn giao thông vận tải đường sắt;

c) Chủ đầu tư công trình, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên và tiến hành hoạt động khác phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho công trình đường sắt và an toàn giao thông vận tải đường sắt theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 24. Trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm sau đây trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư:

a) Tổ chức và hướng dẫn thực hiện việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đường sắt đi qua tổ chức bảo vệ công trình đường sắt đặc biệt quan trọng;

c) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

2. Ủy ban nhân dân các cấp nơi có đường sắt đi qua có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt và an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn;

b) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.

3. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo vệ công trình đường sắt để bảo đảm giao thông vận tải đường sắt hoạt động thông suốt, an toàn;

b) Trường hợp đất dành cho đường sắt bị xâm phạm phải kịp thời ngăn chặn, đồng thời báo cáo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt để hoạt động giao thông vận tải phải thực hiện đúng quy định về bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng đường sắt.

5. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, tham gia ứng cứu khi công trình đường sắt bị hư hỏng. Khi phát hiện công trình đường sắt bị hư hỏng hoặc hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt phải kịp thời báo cho Ủy ban nhân dân, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất. Người nhận được tin báo phải kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý để bảo đảm an toàn giao thông vận tải đường sắt.

Điều 25. Phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng đường sắt được Nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng;

b) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai đối với kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật.

5. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai trong hoạt động đường sắt theo quy định của pháp luật.

Chương III

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ĐƯỜNG SẮT, PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Mục 1. PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ĐƯỜNG SẮT

Điều 26. Công nghiệp đường sắt

1. Công nghiệp đường sắt bao gồm:

a) Sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải phương tiện giao thông đường sắt;

b) Sản xuất phụ kiện, phụ tùng, vật tư, thiết bị chuyên dùng cho đường sắt.

2. Chính phủ quy định Danh mục phụ kiện, phụ tùng, vật tư, thiết bị chuyên dùng cho đường sắt quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 27. Yêu cầu về phát triển công nghiệp đường sắt

1.[6] Phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường sắt và chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam theo từng thời kỳ.

2. Đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, dịch vụ vận tải đường sắt và bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Đầu tư dây chuyền công nghệ, chuyển giao công nghệ cho công nghiệp đường sắt phải bảo đảm tính đồng bộ, tiên tiến, hiện đại.

Điều 28. Đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, phát triển công nghiệp đường sắt.

2. Nhà nước đầu tư xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt kết nối từ đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị đến các cơ sở công nghiệp đường sắt theo quy hoạch.

3. Doanh nghiệp công nghiệp đường sắt tự đầu tư, nâng cấp, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt trong phạm vi cơ sở công nghiệp đường sắt.

Điều 29. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ trong công nghiệp đường sắt

1. Việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ đường sắt phải bảo đảm tiên tiến, khả năng làm chủ và phát triển công nghệ.

2.[7] Đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp đường sắt phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường sắt và đồng bộ với công nghệ được chuyển giao.

3. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực phải tuân thủ quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Mục 2. PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 30. Điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông đường sắt

1. Phương tiện giao thông đường sắt khi tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

b) Có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Có Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt hoặc Giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.

2. Phương tiện giao thông đường sắt khi di chuyển trong trường hợp đặc biệt được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Điều 31. Đăng ký phương tiện giao thông đường sắt

1. Phương tiện giao thông đường sắt khi đáp ứng các yêu cầu sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt:

a) Có nguồn gốc hợp pháp;

b) Đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

2. Phương tiện giao thông đường sắt khi thay đổi tính năng sử dụng hoặc thay đổi các thông số kỹ thuật chủ yếu thì chủ phương tiện phải làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt.

3. Khi chuyển quyền sở hữu, chủ sở hữu mới của phương tiện giao thông đường sắt phải làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt theo tên chủ sở hữu mới.

4. Chủ sở hữu phương tiện giao thông đường sắt phải khai báo và nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt để xóa đăng ký trong các trường hợp sau đây:

a) Phương tiện giao thông đường sắt không còn sử dụng cho giao thông đường sắt;

b) Phương tiện giao thông đường sắt bị mất tích, bị phá hủy.

5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc cấp, cấp lại, thu hồi, xóa Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt.

Điều 32. Đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt

1. Phương tiện giao thông đường sắt sản xuất, lắp ráp hoặc hoán cải, phục hồi phải được tổ chức đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ủy quyền kiểm tra, giám sát và cấp Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.

2. Phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác sử dụng phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ và được tổ chức đăng kiểm Việt Nam định kỳ kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.

3. Chủ phương tiện giao thông đường sắt chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của tổ chức đăng kiểm.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định:

a) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện;

b) Yêu cầu đối với cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm;

c) Tiêu chuẩn Đăng kiểm viên;

d) Kiểm tra, cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.

Điều 33. Thông tin, chỉ dẫn, trang thiết bị phục vụ khách hàng, thiết bị an toàn trên phương tiện giao thông đường sắt

1. Phương tiện giao thông đường sắt phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Có thông tin, chỉ dẫn cần thiết phục vụ khách hàng và phục vụ công tác quản lý; ký hiệu, thông tin, chỉ dẫn phải rõ ràng, dễ hiểu; bảng niêm yết phải bố trí ở nơi dễ thấy, dễ đọc;

b) Có trang thiết bị, tiện nghi cần thiết để phục vụ khách hàng, thiết bị an toàn, dụng cụ thoát hiểm; thiết bị, dụng cụ và vật liệu chữa cháy; thuốc sơ cấp cứu và thiết bị cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết Điều này.

Điều 34. Điều kiện nhập khẩu phương tiện giao thông đường sắt

1. Phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu để tham gia giao thông đường sắt phải bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam và phải được tổ chức đăng kiểm cấp Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt.

2. Việc nhập khẩu phương tiện giao thông đường sắt phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu.

Chương IV

NHÂN VIÊN ĐƯỜNG SẮT TRỰC TIẾP PHỤC VỤ CHẠY TÀU

Điều 35. Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu

1. Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu bao gồm các chức danh sau đây:

a) Trưởng tàu;

b) Lái tàu, phụ lái tàu;

c) Nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga;

d) Trực ban chạy tàu ga;

đ) Trưởng dồn;

e) Nhân viên gác ghi;

g) Nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe;

h) Nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm;

i) Nhân viên gác đường ngang, cầu chung;

k) Các chức danh nhân viên khác phù hợp với từng loại hình đường sắt.

2. Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu khi làm việc phải có các điều kiện sau đây:

a) Có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh theo quy định của pháp luật;

b) Có đủ điều kiện sức khỏe khi tuyển dụng và giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe định kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

c) Đối với lái tàu, ngoài các điều kiện quy định tại khoản này còn phải có giấy phép lái tàu.

3. Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu khi làm nhiệm vụ có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các công việc theo chức danh, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật và theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường sắt;

b) Tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu; chấp hành các quy định, chỉ thị của cấp trên;

c) Mặc đúng trang phục, đeo phù hiệu, cấp hiệu và biển chức danh.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định:

a) Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu;

b) Nội dung, chương trình đào tạo đối với cơ sở đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu;

c) Chức danh nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu quy định tại điểm k khoản 1 Điều này.

Điều 36. Giấy phép lái tàu

1. Giấy phép lái tàu được cấp cho người trực tiếp lái phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Luật này.

2. Người được cấp giấy phép lái tàu chỉ được lái loại phương tiện giao thông đường sắt đã quy định trong giấy phép lái tàu.

3. Người được cấp giấy phép lái tàu phải có các điều kiện sau đây:

a) Có độ tuổi từ đủ 23 tuổi đến 55 tuổi đối với nam, từ đủ 23 tuổi đến 50 tuổi đối với nữ; có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe;

b) Có bằng hoặc chứng chỉ chuyên ngành lái phương tiện giao thông đường sắt do cơ sở đào tạo cấp;

c) Có thời gian làm phụ lái tàu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

d) Đã qua kỳ sát hạch đối với loại phương tiện giao thông đường sắt quy định trong giấy phép lái tàu.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu.

Chương V

TÍN HIỆU, QUY TẮC GIAO THÔNG VÀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT

Mục 1. TÍN HIỆU, QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 37. Tín hiệu giao thông đường sắt

1. Hệ thống tín hiệu giao thông đường sắt bao gồm hiệu lệnh của người tham gia điều khiển chạy tàu, tín hiệu trên tàu và tín hiệu dưới mặt đất, biển báo hiệu, pháo hiệu phòng vệ, đuốc. Biểu thị của tín hiệu là mệnh lệnh và điều kiện chạy tàu, dồn tàu, dừng tàu.

2. Hệ thống tín hiệu giao thông đường sắt phải đầy đủ, chính xác, rõ ràng, bảo đảm an toàn và nâng cao hiệu suất chạy tàu.

3. Nhân viên đường sắt và người tham gia giao thông phải chấp hành tín hiệu giao thông đường sắt.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về tín hiệu giao thông đường sắt.

Điều 38. Quy tắc giao thông đường sắt

1. Quy tắc giao thông đường sắt bao gồm các quy định về chỉ huy chạy tàu, lập tàu, dồn tàu, chạy tàu, tránh tàu, vượt tàu, dừng tàu, lùi tàu.

2. Quy định về chỉ huy chạy tàu:

a) Việc chạy tàu ở mỗi khu đoạn chỉ do một nhân viên điều độ chạy tàu tuyến chỉ huy. Mệnh lệnh chạy tàu phải được thực hiện thông qua sự chỉ huy của nhân viên điều độ chạy tàu tuyến. Điều độ chạy tàu ga, trực ban chạy tàu ga, trưởng tàu, lái tàu phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh chỉ huy của nhân viên điều độ chạy tàu tuyến;

b) Trong phạm vi ga đường sắt, điều độ chạy tàu ga hoặc trực ban chạy tàu ga là người chỉ huy chạy tàu. Trưởng tàu, lái tàu phải tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy chạy tàu hoặc tuân theo biểu thị của tín hiệu;

c) Trên tàu, trưởng tàu là người chỉ huy cao nhất để bảo đảm chạy tàu an toàn;

d) Trên tàu không bố trí trưởng tàu, đầu máy chạy đơn, tàu đường sắt đô thị, lái tàu là người chỉ huy cao nhất để bảo đảm chạy tàu an toàn.

3. Quy định về lập tàu:

a) Việc lập tàu phải theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đường sắt;

b) Toa xe phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thì mới được ghép nối.

4. Quy định về dồn tàu:

a) Dồn tàu là việc di chuyển đầu máy, toa xe từ vị trí này sang vị trí khác trong phạm vi ga đường sắt, khu gian. Dồn tàu phải thực hiện theo kế hoạch của trực ban chạy tàu ga;

b) Trong quá trình dồn tàu, lái tàu phải tuân theo sự điều khiển của trưởng dồn.

5. Quy định về chạy tàu:

a) Khi chạy tàu, lái tàu phải tuân thủ các quy định sau đây:

Điều khiển tàu đi từ ga, thông qua ga, dừng, tránh, vượt tại ga theo lệnh của trực ban chạy tàu ga.

Chỉ được phép điều khiển tàu vào khu gian khi có chứng vật chạy tàu.

Chỉ được phép điều khiển tàu vào ga, thông qua ga theo tín hiệu đèn màu, tín hiệu cánh và tín hiệu của trực ban chạy tàu ga.

Điều khiển tốc độ chạy tàu theo quy định tại Điều 42 của Luật này.

Trong quá trình chạy tàu, lái tàu và phụ lái tàu đang trong phiên trực không được rời vị trí làm việc;

b) Tàu khách chỉ được chạy khi các cửa toa xe hành khách đã đóng. Cửa toa xe hành khách chỉ được mở khi tàu đã dừng hẳn tại ga đường sắt.

6. Quy định về tránh, vượt tàu:

a) Việc tránh, vượt tàu phải thực hiện tại ga đường sắt;

b) Lái tàu thực hiện việc tránh, vượt tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng theo lệnh của trực ban chạy tàu ga; trên đường sắt đô thị theo lệnh của điều độ chạy tàu đường sắt đô thị.

7. Quy định về dừng tàu, lùi tàu:

Lái tàu phải dừng tàu khi thấy có tín hiệu dừng; khi phát hiện tình huống đe dọa đến an toàn chạy tàu hoặc nhận được tín hiệu dừng tàu khẩn cấp thì được phép dừng tàu hoặc lùi tàu khẩn cấp. Trường hợp dừng tàu, lùi tàu khẩn cấp, trưởng tàu, lái tàu có trách nhiệm thông báo cho nhà ga theo quy định.

8. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết Điều này.

Điều 39. Giao thông tại đường ngang, cầu chung, trong hầm

1. Tại đường ngang, cầu chung, phương tiện giao thông vận tải đường sắt được quyền ưu tiên.

2. Lái tàu phải kéo còi trước khi đi vào đường ngang, cầu chung, hầm; phải bật đèn chiếu sáng khi đi trong hầm.

3. Người tham gia giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang, cầu chung phải thực hiện theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và của Luật này.

4. Tại đường ngang, cầu chung có người gác, khi đèn tín hiệu không hoạt động hoặc báo hiệu sai quy định, chắn đường bộ bị hỏng thì nhân viên gác đường ngang, nhân viên gác cầu chung phải điều hành giao thông.

Mục 2. BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT

Điều 40. Hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt

1. Hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt bao gồm:

a) Bảo đảm an toàn về người, phương tiện, tài sản của tổ chức, cá nhân trong hoạt động giao thông vận tải đường sắt;

b) Bảo đảm điều hành tập trung, thống nhất hoạt động giao thông vận tải trên đường sắt;

c) Phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống hành vi phá hoại công trình đường sắt và các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt;

d) Các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông trên đường sắt và tại điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ.

2. Tổ chức, cá nhân phải chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

3. Hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

4. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giao thông vận tải đường sắt có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt. Lực lượng Công an và chính quyền địa phương các cấp nơi có đường sắt đi qua, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt.

Điều 41. Điều hành giao thông vận tải đường sắt

1. Điều hành giao thông vận tải đường sắt phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) Tập trung, thống nhất; tuân thủ biểu đồ chạy tàu đã công bố;

b) Bảo đảm giao thông vận tải đường sắt an toàn, thông suốt theo đúng biểu đồ chạy tàu;

c) Bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.

2. Điều hành giao thông vận tải đường sắt bao gồm các nội dung sau đây:

a) Lập, phân bổ và công bố biểu đồ chạy tàu;

b) Tổ chức chạy tàu thống nhất, tập trung, bảo đảm an toàn, thông suốt theo đúng biểu đồ chạy tàu đã công bố, quy định về tín hiệu giao thông đường sắt, quy tắc giao thông đường sắt và mệnh lệnh chạy tàu;

c) Chỉ huy xử lý các sự cố khẩn cấp hoặc bất thường xảy ra trên đường sắt;

d) Thu nhận và tổng hợp thông tin liên quan đến công tác điều hành giao thông vận tải đường sắt;

đ) Phối hợp điều hành giao thông vận tải đường sắt với các tổ chức đường sắt quốc tế;

e) Lưu trữ dữ liệu liên quan đến công tác điều hành theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về điều hành giao thông vận tải đường sắt đô thị.

Điều 42. Tải trọng, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ chạy tàu

1. Tải trọng đoàn tàu khai thác không được vượt tải trọng cho phép quy định trong công lệnh tải trọng cho từng khu đoạn, tuyến đường sắt.

2. Công lệnh tải trọng được xây dựng căn cứ vào trạng thái kỹ thuật, khả năng chịu lực của công trình và thiết bị cầu đường.

3. Công lệnh tốc độ được xây dựng căn cứ vào trạng thái kỹ thuật cho phép, khả năng khai thác của công trình đường sắt và tải trọng của phương tiện giao thông đường sắt.

4. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đoạn, tuyến đường sắt được giao kinh doanh.

5. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trình tự xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trình tự xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt đô thị.

Điều 43. Biểu đồ chạy tàu

1. Biểu đồ chạy tàu là cơ sở của việc tổ chức chạy tàu, được xây dựng hằng năm, hằng kỳ và theo mùa cho từng tuyến và toàn mạng lưới đường sắt. Biểu đồ chạy tàu phải được xây dựng theo nguyên tắc không phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt và công bố công khai.

2. Việc xây dựng biểu đồ chạy tàu phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:

a) Nhu cầu của doanh nghiệp vận tải về thời gian vận tải, khối lượng hàng hóa, số lượng hành khách và chất lượng vận tải; tuyến vận tải, các ga đi, ga dừng và ga đến;

b) Năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt và của phương tiện vận tải đường sắt;

c) Yêu cầu về thời gian cho việc bảo trì, sửa chữa công trình đường sắt;

d) Thứ tự ưu tiên các tàu chạy trên cùng một tuyến.

3. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu trên tuyến đường sắt do mình quản lý theo quy định.

4. Thẩm quyền quy định về xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu:

a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia.

Điều 44. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt

1. Khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện các công việc sau đây:

a) Lái tàu hoặc nhân viên đường sắt khác trên tàu dừng tàu khẩn cấp;

b) Trưởng tàu tổ chức phân công nhân viên đường sắt và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn cứu giúp người bị nạn, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của người bị nạn, đồng thời phải báo ngay cho tổ chức điều hành giao thông đường sắt hoặc ga đường sắt gần nhất.

Trường hợp tàu, đường sắt bị hư hỏng, trưởng tàu lập biên bản báo cáo về vụ tai nạn và cung cấp thông tin liên quan đến vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp tàu, đường sắt không bị hư hỏng, trưởng tàu tiếp tục cho tàu chạy sau khi đã lập biên bản báo cáo về vụ tai nạn và cử người thay mình ở lại làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Tổ chức điều hành hoặc ga đường sắt khi nhận được tin báo phải có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan Công an và Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để xử lý, giải quyết tai nạn đường sắt;

d) Cơ quan Công an và Ủy ban nhân dân nơi gần nhất khi nhận được tin báo về tai nạn giao thông đường sắt có trách nhiệm đến ngay hiện trường để giải quyết.

2. Đối với đoàn tàu không bố trí trưởng tàu, khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, ngoài việc dừng tàu khẩn cấp thì lái tàu phải thực hiện các nhiệm vụ của trưởng tàu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Trường hợp tàu, đường sắt không bị hư hỏng, lái tàu chỉ được phép tiếp tục cho tàu chạy sau khi đã lập biên bản báo cáo về vụ tai nạn và cử nhân viên đường sắt khác thay mình ở lại làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Người điều khiển phương tiện giao thông khác khi đi qua nơi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu, trừ trường hợp đang làm nhiệm vụ khẩn cấp.

4. Ủy ban nhân dân các cấp nơi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt cứu giúp người bị nạn, bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trường hợp có người chết không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm tổ chức chôn cất.

5. Mọi tổ chức, cá nhân không được gây trở ngại cho việc khôi phục đường sắt và hoạt động giao thông vận tải đường sắt sau khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.

6. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt; phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.

Điều 45. Xử lý khi phát hiện sự cố, vi phạm trên đường sắt

1. Người phát hiện hành vi, sự cố có khả năng gây cản trở, gây mất an toàn giao thông vận tải đường sắt có trách nhiệm kịp thời báo cho ga đường sắt, đơn vị đường sắt, chính quyền địa phương hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất biết để có biện pháp xử lý; trường hợp khẩn cấp, phải thực hiện ngay các biện pháp báo hiệu dừng tàu.

2. Tổ chức, cá nhân nhận được tin báo hoặc tín hiệu dừng tàu phải có ngay biện pháp xử lý bảo đảm an toàn giao thông vận tải đường sắt và thông báo cho đơn vị trực tiếp quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt biết để chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục.

3. Tổ chức, cá nhân có hành vi gây sự cố cản trở, mất an toàn giao thông vận tải đường sắt phải bị xử lý; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 46. Bảo vệ trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt

1. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt có trách nhiệm tổ chức bảo vệ trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp; chủ động phối hợp với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân để phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết theo thẩm quyền hành vi vi phạm pháp luật về đường sắt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

2. Lực lượng bảo vệ trên tàu được tổ chức trong doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trên các mạng đường sắt quốc gia.

3. Chính phủ quy định về tổ chức, trang phục, phù hiệu, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ trên tàu. Việc trang bị, quản lý và sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng bảo vệ trên tàu thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 47. Trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của lực lượng Công an

1. Lực lượng Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật;

b) Điều tra xác minh, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường sắt;

c) Chủ trì, phối hợp với thanh tra giao thông, lực lượng bảo vệ đường sắt và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt.

2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, nội dung kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm và điều tra xác minh, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt.

Điều 48. Trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của Ủy ban nhân dân nơi có đường sắt đi qua

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các nội dung sau đây:

1. Phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường sắt;

2. Khi giao đất, cho thuê đất dọc ngoài hành lang an toàn giao thông đường sắt phải bố trí đất để xây dựng đường gom, cầu vượt, hầm chui, hàng rào để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt;

3. Thực hiện các biện pháp bảo vệ, chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt;

4. Quản lý, tăng cường các điều kiện an toàn giao thông tại lối đi tự mở; giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở hiện có theo lộ trình; chịu trách nhiệm trong việc phát sinh lối đi tự mở mới;

5. Bảo đảm kinh phí để thực hiện công tác bảo đảm an toàn giao thông trong phạm vi trách nhiệm của địa phương;

6. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật;

7. Tham gia giải quyết tai nạn giao thông đường sắt theo quy định tại Điều 44 của Luật này;

8. Người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi qua phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn mình quản lý theo quy định của pháp luật.

Chương VI

KINH DOANH ĐƯỜNG SẮT

Mục 1. HOẠT ĐỘNG KINH DOANH ĐƯỜNG SẮT

Điều 49. Hoạt động kinh doanh đường sắt

1. Kinh doanh đường sắt bao gồm kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị.

2. Kinh doanh đường sắt là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Mục 2. KINH DOANH KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 50. Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho doanh nghiệp để kinh doanh theo quy định.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư hoặc do tổ chức, cá nhân khác đầu tư để hoạt động kinh doanh phải trả tiền sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Điều 51. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có các quyền sau đây:

a) Được sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến kết cấu hạ tầng đường sắt phải thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kết cấu hạ tầng đường sắt;

c) Xây dựng và trình duyệt giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư trong phạm vi được giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng;

d) Tạm đình chỉ chạy tàu khi thấy kết cấu hạ tầng đường sắt có nguy cơ mất an toàn chạy tàu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;

đ) Được bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hoặc tổ chức, cá nhân khác gây ra;

e) Được Nhà nước hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Luật này;

g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có các nghĩa vụ sau đây:

a) Quản lý sử dụng tài sản thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật;

b) Duy trì trạng thái kỹ thuật, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt đã công bố bảo đảm giao thông đường sắt luôn an toàn, thông suốt;

c) Xây dựng, công bố công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu trên các tuyến, đoạn tuyến, khu đoạn để làm cơ sở cho việc chạy tàu;

d) Tổ chức điều hành giao thông vận tải đường sắt trên hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị khi được Nhà nước giao. Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt và khách hàng thông tin về dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt và năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt khi có yêu cầu;

đ) Thông báo kịp thời sự cố đe dọa an toàn chạy tàu và việc tạm đình chỉ chạy tàu cho trực ban chạy tàu ga ở hai đầu khu gian nơi xảy ra sự cố, nhân viên điều hành giao thông vận tải đường sắt, khách hàng sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt;

e) Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và lệnh chạy tàu đặc biệt do cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

g) Khi được Nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền khai thác mà tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng do lỗi chủ quan của mình, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải có trách nhiệm tự khôi phục;

h) Trả tiền sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định;

i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Mục 3. KINH DOANH VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT

Điều 52. Kinh doanh vận tải đường sắt

1. Kinh doanh vận tải đường sắt gồm kinh doanh vận tải hành khách, hành lý và hàng hóa trên đường sắt.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách, hành lý và hàng hóa trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về vận tải đường sắt trên đường sắt đô thị.

Điều 53. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt

1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có các quyền sau đây:

a) Được cung cấp các thông tin về kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt liên quan đến năng lực kết cấu hạ tầng đường sắt;

b) Được sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt và dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên hệ thống đường sắt để kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định;

c) Tạm ngừng chạy tàu khi xét thấy kết cấu hạ tầng đường sắt có nguy cơ mất an toàn chạy tàu đồng thời phải thông báo cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;

d) Được bồi thường thiệt hại do lỗi doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc do tổ chức, cá nhân khác gây ra;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tổ chức chạy tàu theo đúng biểu đồ chạy tàu, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ đã được doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt công bố;

b) Ưu tiên thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Phải ngừng chạy tàu khi nhận được thông báo của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt;

d) Trả tiền sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt;

đ) Bảo đảm đủ điều kiện an toàn chạy tàu trong quá trình khai thác;

e) Chịu sự chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt trong việc phòng, chống sự cố, thiên tai, xử lý tai nạn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật;

g) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

h) Cung cấp các thông tin về nhu cầu vận tải, năng lực phương tiện, thiết bị vận tải cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phục vụ cho việc xây dựng, phân bổ biểu đồ chạy tàu và làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt;

i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 54. Hợp đồng vận tải hành khách, hành lý

1. Hợp đồng vận tải hành khách, hành lý là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt với hành khách về vận chuyển hành khách, hành lý, theo đó doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt nhận vận chuyển hành khách, hành lý từ nơi đi đến nơi đến. Hợp đồng vận tải hành khách, hành lý xác định quan hệ về quyền và nghĩa vụ của các bên và được lập thành văn bản hoặc hình thức khác mà hai bên thỏa thuận.

2. Vé hành khách là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận tải hành khách. Vé hành khách do doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phát hành theo quy định của pháp luật.

Điều 55. Hợp đồng vận tải hàng hóa

1. Hợp đồng vận tải hàng hóa là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt với người thuê vận tải, theo đó doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt nhận vận chuyển hàng hóa từ nơi nhận đến nơi đến và giao hàng hóa cho người nhận hàng được quy định trong hợp đồng. Hợp đồng vận tải hàng hóa xác định quan hệ về quyền và nghĩa vụ của các bên và được lập thành văn bản hoặc hình thức khác mà hai bên thỏa thuận.

2. Hóa đơn gửi hàng hóa là bộ phận của hợp đồng vận tải do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phát hành theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm lập hóa đơn và giao cho người thuê vận tải sau khi người thuê vận tải giao hàng hóa; có chữ ký của người thuê vận tải hoặc người được người thuê vận tải ủy quyền. Hóa đơn gửi hàng hóa là chứng từ giao nhận hàng hóa giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người thuê vận tải, là chứng cứ để giải quyết tranh chấp.

3. Hóa đơn gửi hàng hóa phải ghi rõ loại hàng hóa; ký hiệu, mã hiệu hàng hóa; số lượng, khối lượng hàng hóa; nơi giao hàng hóa, nơi nhận hàng hóa, tên và địa chỉ của người gửi hàng, tên và địa chỉ của người nhận hàng; giá vận tải và các chi phí phát sinh; các chi tiết khác mà doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người thuê vận tải thỏa thuận ghi vào hóa đơn gửi hàng hoá; xác nhận của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt về tình trạng hàng hóa nhận vận tải.

Điều 56. Giá vận tải đường sắt

1.[8] Giá vận tải hành khách, hành lý, hàng hoá trên đường sắt quốc gia do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt quyết định; giá vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá theo quy định của pháp luật về giá; giá vận tải trên đường sắt chuyên dùng do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt chuyên dùng quyết định.

2. Giá vận tải đường sắt phải được niêm yết tại ga đường sắt và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trước thời điểm áp dụng.

3. Giá vận tải hàng siêu trường, siêu trọng do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và người thuê vận tải thỏa thuận.

4. Chính phủ quy định việc miễn, giảm giá vận tải hành khách cho đối tượng chính sách xã hội.

Điều 57. Vận tải quốc tế

1. Vận tải quốc tế là vận tải từ Việt Nam đến nước ngoài, vận tải từ nước ngoài đến Việt Nam hoặc quá cảnh Việt Nam đến nước thứ ba bằng đường sắt.

2. Hoạt động vận tải quốc tế bằng đường sắt phải đáp ứng quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 58. Vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội

1. Vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt là vận tải người, hàng hoá và trang thiết bị để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn, dịch bệnh, thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp về quốc phòng, an ninh.

2. Vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội là vận tải hành khách trên tuyến, đoạn tuyến, khu đoạn đường sắt nhằm phục vụ cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ mà Nhà nước cần bảo đảm vì lợi ích chung và việc vận tải này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí.

3. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được hỗ trợ theo quy định tại Điều 68 của Luật này.

Điều 59. Trách nhiệm bảo hiểm trong kinh doanh vận tải hành khách

1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phải mua bảo hiểm cho hành khách; phí bảo hiểm được tính trong giá vé hành khách.

2. Vé hành khách, giấy tờ đi tàu là bằng chứng để chi trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

3. Việc bảo hiểm cho hành khách thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Điều 60. Quyền, nghĩa vụ của hành khách

1. Hành khách có các quyền sau đây:

a) Được hưởng mọi quyền lợi theo đúng hạng vé và không phải trả tiền vận chuyển đối với hành lý mang theo người trong phạm vi khối lượng và chủng loại theo quy định của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

b) Trả lại vé, đổi vé trước giờ tàu chạy và chịu các khoản chi phí (nếu có) theo quy định của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

c) Được hoàn trả tiền vé, bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh khi bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định của pháp luật;

d) Được bảo hiểm về tính mạng, sức khỏe theo quy định của pháp luật;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Hành khách có các nghĩa vụ sau đây:

a) Phải có vé hành khách, vé hành lý và tự bảo quản hành lý mang theo người;

b) Bồi thường thiệt hại nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

c) Chấp hành nghiêm chỉnh nội quy đi tàu và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 61. Quyền, nghĩa vụ của người thuê vận tải

1. Người thuê vận tải có các quyền sau đây:

a) Thay đổi hợp đồng vận tải hàng hóa kể cả khi hàng hóa đã giao cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hoặc hàng hóa đã xếp lên toa xe và chịu chi phí phát sinh do thay đổi hợp đồng vận tải;

b) Chỉ định lại người nhận hàng khi hàng hóa đó chưa được giao cho người có quyền nhận hàng trước đó; được thay đổi địa điểm giao hàng hoặc yêu cầu vận chuyển hàng hóa trở lại nơi gửi hàng và phải chịu mọi chi phí phát sinh do thay đổi người nhận hàng và địa điểm giao hàng;

c) Được bồi thường thiệt hại khi hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng, quá thời hạn vận chuyển do lỗi của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt gây ra theo quy định của pháp luật.

2. Người thuê vận tải có các nghĩa vụ sau đây:

a) Kê khai hàng hóa trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai đó;

b) Trả tiền vận tải đúng thời hạn, hình thức thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng;

c) Thực hiện việc đóng gói hàng hóa và các điều kiện vận chuyển hàng hóa theo hướng dẫn của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;

d) Giao hàng hóa cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt đúng thời hạn, địa điểm;

đ) Cung cấp giấy tờ, tài liệu và thông tin cần thiết khác về hàng hóa;

e) Bồi thường thiệt hại do việc kê khai không trung thực về hàng hóa gây thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hoặc thiệt hại khác do lỗi của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 62. Vận tải hàng nguy hiểm

1. Hàng nguy hiểm là hàng khi vận chuyển trên đường sắt có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của con người và vệ sinh môi trường.

2. Việc vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt phải tuân theo quy định của pháp luật về vận tải hàng nguy hiểm và bảo vệ môi trường.

3. Phương tiện giao thông đường sắt phải bảo đảm đủ các điều kiện an toàn kỹ thuật mới được vận tải hàng nguy hiểm.

4. Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm và điều kiện xếp, dỡ, vận tải hàng nguy hiểm trên đường sắt.

Điều 63. Vận tải động vật sống

Vận tải động vật sống trên đường sắt phải tuân theo các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh, phòng dịch và bảo vệ môi trường.

Điều 64. Vận tải thi hài, hài cốt trên đường sắt quốc gia

1. Thi hài, hài cốt khi vận chuyển trên đường sắt quốc gia phải có người áp tải.

2. Thi hài, hài cốt khi vận chuyển trên đường sắt quốc gia phải bảo đảm vệ sinh, phòng dịch, bảo vệ môi trường và có đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật.

Điều 65. Vận tải hàng siêu trường, siêu trọng

1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt khi vận tải hàng siêu trường, siêu trọng phải có phương án tổ chức xếp, dỡ, gia cố, vận chuyển, bảo đảm an toàn chạy tàu và kết cấu hạ tầng đường sắt.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hàng siêu trường, siêu trọng trên đường sắt.

Mục 4. QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH ĐƯỜNG SẮT

Điều 66. Phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu là khoản tiền phải trả khi sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu để được chạy tàu trong ga, trên tuyến hoặc khu đoạn đường sắt.

a) Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu áp dụng đối với phương thức giao sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.

b) Giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu áp dụng đối với phương thức cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn quyền sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.

2. Giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt không trực tiếp liên quan đến chạy tàu là khoản tiền phải trả để được sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt không trực tiếp liên quan đến chạy tàu.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định về phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.

Điều 67. Giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt

1. Giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt là khoản tiền phải trả khi sử dụng dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt để chạy tàu trong ga, trên tuyến hoặc khu đoạn đường sắt.

2. Thẩm quyền định giá được quy định như sau:

a)[9] Bộ Giao thông vận tải định giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật về giá;

b) Tổ chức, cá nhân quyết định giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư.

Điều 68. Hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong việc thực hiện phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội

1. Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong trường hợp vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ chi phí hợp lý của doanh nghiệp.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 69. Quản lý, sử dụng nguồn thu từ việc Nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư

Nguồn thu từ việc Nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Chương VII

ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Điều 70. Yêu cầu chung đối với đường sắt đô thị

1.[10] Phát triển đường sắt đô thị phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và tạo động lực cho quá trình phát triển đô thị.

2. Kết nối hiệu quả các phương thức vận tải khác trong đô thị để chuyên chở hành khách. Công trình đường sắt đô thị phải được đấu nối không gian và đấu nối kỹ thuật với các công trình lân cận, đáp ứng tính đồng bộ theo quy hoạch đô thị.

3. Công trình, phương tiện, thiết bị đường sắt đô thị phải đáp ứng yêu cầu kinh tế, kỹ thuật, bảo đảm đồng bộ, an toàn, quốc phòng, an ninh, phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn, cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường.

4. Hành lang an toàn giao thông đường sắt đô thị phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Không được trồng cây, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang;

b) Phải được cách ly để tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép;

c) Đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác phòng chống, cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn.

5. Phải bảo đảm thuận tiện cho hành khách và bảo đảm tiếp cận sử dụng cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

Điều 71. Các loại hình đường sắt đô thị

1. Đường sắt đô thị bao gồm đường tàu điện ngầm, đường tàu điện đi trên mặt đất, đường tàu điện trên cao, đường sắt một ray tự động dẫn hướng và đường xe điện bánh sắt.

2. Việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại hình đường sắt đô thị thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Điều 72. Chính sách phát triển đường sắt đô thị

1. Các chính sách quy định tại Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước huy động các nguồn lực để phát triển đường sắt đô thị thành một trong những loại hình giao thông chủ yếu ở các đô thị lớn.

3. Nhà nước hỗ trợ cho kinh doanh đường sắt đô thị.

Điều 73. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý đường sắt đô thị

1. Tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt đô thị trên địa bàn quản lý.

2. Quyết định áp dụng tiêu chuẩn cho đường sắt đô thị.

3. Tổ chức và hướng dẫn thực hiện việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.

4. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ giá vận tải đường sắt đô thị theo quy định của pháp luật.

Điều 74. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị

1. Thực hiện quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định tại Điều 51 và Điều 53 của Luật này.

2. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 75. Yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị

1. Kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị phải bảo đảm ổn định, bền vững và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về an toàn, môi trường, phòng, chống cháy, nổ tương ứng với loại hình đường sắt đô thị được đầu tư.

2. Hệ thống cung cấp điện sức kéo phải được điều khiển, giám sát tập trung, ổn định và có khả năng dự phòng để không làm gián đoạn chạy tàu.

3. Hệ thống quản lý điều hành chạy tàu phải theo phương thức tập trung.

4. Thông tin, chỉ dẫn cần thiết phục vụ khách hàng phải rõ ràng, dễ hiểu bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Điều 76. Hệ thống kiểm soát vé

1. Hệ thống kiểm soát vé sử dụng công nghệ hiện đại, đồng nhất và có khả năng kết nối với hệ thống kiểm soát vé của các loại hình giao thông khác.

2. Thiết bị của hệ thống kiểm soát vé phải bảo đảm ngăn ngừa, hạn chế hành động phá hoại, truy cập trái phép.

3. Hệ thống kiểm soát vé phải bảo đảm dễ tiếp cận và sử dụng, an toàn cho hành khách, nhân viên đường sắt.

Điều 77. Quản lý an toàn đường sắt đô thị

1. Đường sắt đô thị xây dựng mới hoặc nâng cấp trước khi đưa vào khai thác phải được đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; thẩm định, cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị.

2. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị phải xây dựng và duy trì hệ thống quản lý an toàn và được cấp Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị và cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị, Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị.

Chương VIII

ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO

Điều 78. Yêu cầu chung đối với đường sắt tốc độ cao

1. Kết nối hiệu quả các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm và phương thức vận tải khác.

2. Bảo đảm đồng bộ, hiện đại, an toàn, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường.

3. Phải được nghiên cứu tổng thể toàn tuyến và tổ chức xây dựng theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động vốn.

4. Công trình và phương tiện, thiết bị đường sắt tốc độ cao phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật bảo đảm đồng bộ, an toàn, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn.

5. Phải duy trì hệ thống quản lý đủ khả năng kiểm tra và giám sát khai thác chạy tàu an toàn.

6. Đất dành cho đường sắt tốc độ cao theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được cắm mốc giới theo quy hoạch xây dựng để quản lý, chuẩn bị đầu tư xây dựng.

7. Hành lang an toàn của đường sắt tốc độ cao phải được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép.

8. Phải bảo đảm thuận tiện cho hành khách và bảo đảm tiếp cận sử dụng cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật.

9. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ phù hợp với kế hoạch xây dựng và đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành, khai thác.

Điều 79. Chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao

1. Các chính sách quy định tại Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác, kinh doanh đường sắt tốc độ cao.

3. Tập trung phát triển đường sắt tốc độ cao kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

4. Phát triển đường sắt tốc độ cao đồng bộ, hiện đại.

Điều 80. Yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao

1. Kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm ổn định, bền vững và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về an toàn, môi trường, phòng, chống cháy, nổ tương ứng với loại hình đường sắt tốc độ cao được đầu tư.

2. Hệ thống cung cấp điện sức kéo phải được điều khiển, giám sát tập trung, ổn định và có khả năng dự phòng để không làm gián đoạn chạy tàu.

3. Hệ thống quản lý điều hành chạy tàu phải theo phương thức tập trung.

4. Thông tin, chỉ dẫn cần thiết phục vụ khách hàng phải rõ ràng, dễ hiểu bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Điều 81. Quản lý, khai thác, bảo trì đường sắt tốc độ cao

1. Nhà nước bảo đảm kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao do Nhà nước đầu tư.

2. Nhà đầu tư bảo đảm kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao do mình đầu tư.

3. Việc tổ chức khai thác đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm an toàn, thuận tiện, hiệu quả.

Điều 82. Quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao

1. Đường sắt tốc độ cao xây dựng mới hoặc nâng cấp trước khi đưa vào khai thác phải được đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống.

2. Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt tốc độ cao phải xây dựng và duy trì hệ thống quản lý an toàn.

Chương IX

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG ĐƯỜNG SẮT

Điều 83. Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt

1.[11] Xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch và chính sách phát triển đường sắt.

2. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành đường sắt.

3. Phổ biến, giáo dục pháp luật về đường sắt.

4. Quản lý việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt; công bố đóng, mở ga, tuyến đường sắt.

5. Quản lý vốn đầu tư công đầu tư trong lĩnh vực đường sắt; quản lý công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

6. Quản lý hoạt động vận tải đường sắt và hoạt động điều hành giao thông vận tải đường sắt.

7. Quản lý việc tổ chức bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động đường sắt; tổ chức quản lý và bảo đảm an ninh, an toàn cho các đoàn tàu thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.

8. Quản lý hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và điều tra sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.

9. Cấp, cấp lại, công nhận, thu hồi, xóa chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động đường sắt.

10. Tổ chức thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt.

11. Quản lý hoạt động khoa học và công nghệ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong hoạt động đường sắt.

12. Hợp tác quốc tế trong hoạt động đường sắt.

13. Quản lý giá, phí và lệ phí trong hoạt động đường sắt.

14. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đường sắt.

Điều 84. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.

2. Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về đường sắt.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.

Điều 85. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đường sắt

1. Mọi tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đường sắt có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đường sắt cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên thuộc phạm vi quản lý của mình; phối hợp với chính quyền địa phương các cấp nơi có đường sắt đi qua tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật về đường sắt.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phổ biến và giáo dục pháp luật về đường sắt cho Nhân dân tại địa phương.

3. Cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đường sắt thường xuyên, rộng rãi đến người dân.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo việc giáo dục pháp luật về đường sắt trong các cơ sở giáo dục.

5. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về đường sắt.

Chương X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[12]

Điều 86. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

2. Luật Đường sắt số 35/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 87. Quy định chuyển tiếp

1. Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt đã được phê duyệt trước thời điểm Luật này có hiệu lực thì không phải phê duyệt lại, các hoạt động tiếp theo chưa được thực hiện thì thực hiện theo quy định của Luật này.

2. Đối với những vị trí kết nối ray các tuyến đường sắt đang tồn tại đến trước thời điểm Luật này có hiệu lực mà chưa thực hiện được theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật này thì doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải có biện pháp bảo đảm an toàn chạy tàu.

3. Đối với những vị trí đường sắt giao nhau cùng mức với đường sắt đang tồn tại đến trước thời điểm Luật này có hiệu lực mà chưa thực hiện được theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này thì doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt phải có biện pháp bảo đảm an toàn chạy tàu.

4. Đối với những lối đi tự mở tồn tại đến trước thời điểm Luật này có hiệu lực mà chưa thực hiện được theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 17 của Luật này thì Ủy ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước liên quan và doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường bộ./.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

CHỦ NHIỆM




Bùi Văn Cường



[1] Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 được sửa đổi hiệu lực thành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024 theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Luật số 43/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.

[2] Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12, Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13, Luật Đường sắt số 06/2017/QH14, Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 48/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13, Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 08/2017/QH14, Luật Đất đai số 45/2013/QH13, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12, Luật Khí tượng thủy văn số 90/2015/QH13, Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13, Luật Đê điều số 79/2006/QH11, Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14, Luật Năng lượng nguyên tử số 18/2008/QH12, Luật Đo lường số 04/2011/QH13, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12, Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13, Luật Xuất bản số 19/2012/QH13, Luật Báo chí số 103/2016/QH13, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh số 30/2013/QH13, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14, Luật Hải quan số 54/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 71/2014/QH13, Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 62/2010/QH12, Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2009/QH12, Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 77/2015/QH13, Luật Dầu khí năm 1993 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2000/QH10 và Luật số 10/2008/QH12, Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 92/2015/QH13, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 46/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12, Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12.”.

Luật Giá số 16/2023/QH15 có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Giá.”.

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Đất đai.”.

Luật số 43/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.”.

[3] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[4] Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[5] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 251 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024 theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Luật số 43/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

[6] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[7] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[8] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 73 của Luật Giá số 16/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

[9] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 73 của Luật Giá số 16/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

[10] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[11] Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 3 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

[12] Điều 31 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 quy định như sau:

Điều 31. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.”.

Điều 74 và Điều 75 của Luật Giá số 16/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 quy định như sau:

Điều 74. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quy định tại khoản 2 Điều 60 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất 01 thành viên có một trong các chứng nhận chuyên môn sau đây:

a) Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên về chuyên ngành giá, thẩm định giá;

b) Thẻ thẩm định viên về giá;

c) Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về thẩm định giá;

d) Chứng chỉ bồi dưỡng thẩm định giá nhà nước.

3. Luật Giá số 11/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 61/2014/QH13, Luật số 64/2020/QH14 và Luật số 07/2022/QH15 (sau đây gọi chung là Luật Giá số 11/2012/QH13) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ các quy định tại Điều 75 của Luật này.

Điều 75. Quy định chuyển tiếp

1. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp thẩm định giá đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật Giá số 11/2012/QH13 phải bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật này. Sau thời hạn nêu trên mà doanh nghiệp thẩm định giá không bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của Luật này, Bộ Tài chính thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

2. Người được cấp thẻ thẩm định viên về giá theo quy định của Luật Giá số 11/2012/QH13 thì được tiếp tục đăng ký hành nghề thẩm định giá trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản và thẩm định giá doanh nghiệp theo quy định của Luật này.”.

Điều 252 và Điều 253 của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024 quy định như sau:

Điều 252. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Điều 190 và Điều 248 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

3. Việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Khoản 9 Điều 60 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày Nghị quyết số 61/2022/QH15 hết hiệu lực.

4. Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 (sau đây gọi là Luật Đất đai số 45/2013/QH13) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 253. Quy định chuyển tiếp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi Luật này có hiệu lực thi hành

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện và được điều chỉnh khi rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại Điều 73 của Luật này.

2. Đối với địa phương đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh để thực hiện công tác quản lý đất đai cho đến hết kỳ quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14.”.

Điều 5 của Luật số 43/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2024 quy định như sau:

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.”.

OFFICE OF THE NATIONAL ASSEMBLY
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 07/VBHN-VPQH

Hanoi, September 16, 2024

 

LAW

ON RAILWAY TRANSPORT

The Law on Railway Transport No. 06/2017/QH14 dated June 16, 2017 of the National Assembly, which has been effective since July 01, 2018, is amended by:

1. Law No. 35/2018/QH14 dated November 20, 2018 of the National Assembly on amendments to some Articles concerning planning of 37 laws, which has been effective since January 01, 2019.

2. The Law on Prices No. 16/2023/QH15 dated June 19, 2023 of the National Assembly, which has been effective since July 01, 2024.

3. The Law on Land No. 31/2024/QH15 dated January 18, 2024 of the National Assembly, which has been effective since August 01, 2024[1];

4. The National Assembly’s Law No. 43/2024/QH15 dated June 29, 2024 on amendments to certain Articles of Law on Land No. 31/2024/QH15, Law on Housing No. 27/2023/QH15, Law on Real Estate Business No. 29/2023/QH15 and Law on Credit Institutions No. 32/2024/QH15, which has been effective since August 01, 2024.

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for planning for, investment in, construction, protection, management, maintenance and development of railway infrastructures; railway industry, railway vehicles; railway signals, railway rules and railway safety; railway business; rights and obligations of organizations and individuals involved in railway activities; state management of railway activities.

Article 2. Regulated entities

This Law applies to domestic and foreign organizations and individuals related to railway activities within the territory of Socialist Republic of Vietnam.

Article 3. Definitions

For the purposes of this Law, the terms below are construed as follows:

1. “road-rail bridge” means a bridge with deck shared by both railway vehicles and road vehicles.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. “evident permission” means an evidence permitting railway vehicles to move into a block, and is expressed by color light signals, semaphore signals, line cards, licenses, line notes.

4. “maximum load order” means the regulation on the permissible maximum load per axle and the permissible maximum even-spread load according to the length of railway vehicles, and is applied to each bridge, segment, block, section or railway line.

5. “maximum speed order” means the regulation on the speed limits applied to railway vehicles running on each bridge, segment, block, section or railway line.

6. “railway work” means a work that is built to serve rail transport, including roads, bridges, culverts, tunnels, embankments, retaining walls, stations, depots, sewerage systems, signaling systems, fixed-block signaling systems, power supply systems and other railway works and auxiliary equipment.

7. “railway industry work” means a work that is built to serve the manufacturing, assembly, repair and modification of railway vehicles; manufacturing of dedicated components, accessories, supplies and equipment of the railway.

8. “depot” means a place where trains are housed for maintenance, repair and other professional procedures are followed.

9. “level crossing” means the intersection between the railroad and a road at the same level and the construction and use of which are permitted by a competent authority.

10. “high-speed rail” means a type of electrified double-track national railway which has a speed of at least 200 km/h and a gauge of 1,435 mm.

11. “railway station” means a place where railway vehicles stop, shunt, overtake, pick up or disembark passengers, cargoes are handled, other professional procedures are followed and other services are provided.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



13. “oversized cargo” means non-divisible cargo whose size, once loaded, exceeds the dimensional limits of the locomotive and the coach of corresponding gauges.

14. “railway activities” include railway planning, railway operation, railway safety assurance and other relevant activities.

15. “railway infrastructure” means railway works, safety perimeter of the railway work and railway safety corridor.

16. “platform” means a railway work in the station in service of passengers getting on or off the train and cargo handling.

17. “track gauge” means the shortest distance between the two inner faces of the rails.

18. “block” means a railway section connecting two adjacent stations, measured from the station-entry signaling position of one station to the nearest station-entry signaling position of the opposite station.

19. “section” means a collection of some blocks and successive railway stations, which is identified according to train operation.

20. “railway infrastructure business” means the performance of one, several or all activities of investing, using, selling, leasing or transferring the right to use railway infrastructure to serve rail transport and other commercial services for profit.

21. “rail transport business” means the transport of passengers, luggage and cargoes by train for profit.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



23. “illegal crossing” means an intersection with road or railway and is built and used without the permission by competent authorities.

24. “at-grade intersection” means a place where two or more roads cross at the same level.

25. “grade-separated junction” means a place where two or more surface transport axes at different heights.

26. “railway vehicle” includes locomotives, coaches and dedicated vehicles on rail tracks.

27. “railway line” means one or multiple successive sections, beginning from the first railway station to the terminus.

28. “train” means a railway vehicle formed by locomotives and coaches or single locomotive, motive power coaches, and motive power dedicated vehicles moving on rail tracks.

Article 4. Basic rules for railway activities

1. Ensure continuous, orderly, safe, accurate and efficient rail transport; facilitate people’s travel, contribute to socio-economic development, ensure national defense and security, and protect the environment.

2. Develop rail transport according to the planning and plan in combination with other modes of transport and international integration to ensure civilization, modernity and uniformity.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Separate the state management by regulatory authorities from business management by enterprises; the railway infrastructure business from state-invested rail transport business.

5. Ensure healthy and fair competition among organizations and individuals of all economic sectors doing railway business.

Article 5. State policies on railway development

1. Give priority to investment in sources for development, upgrade, maintenance and protection of national and urban railway infrastructure to ensure that rail transport plays a key role in national transport system.

2. Encourage, assist, enable and protect rights and legitimate interests of domestic and foreign organizations and individuals involved in investment in railways and railway business.

3. Provide land according to the planning to develop railway infrastructure and railway industry works.

4. Encourage and assist in development of railway industry, research, apply advanced science and technology, high technology, train human resources for development of modern railways.

5. Encourage and enable organizations and individuals to develop the specialized railway system.

6. Give priority to allocation of central government budget to annual and medium-term public investment plan at a reasonable rate to ensure railway infrastructure is developed according to the planning.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 6. Incentives and support for investment in railway activities

1. Railway infrastructure business, rail transport business, urban railway business and railway industry are business lines eligible for investment incentives.

2. An organization or individual involved in railway activities shall be eligible for incentives and support as follows:

a) They are allocated land without paying land levy on the land area used for construction of urban and railway infrastructure; the land for construction of dedicated railway infrastructure and railway industrial work shall be exempted from land rent;

b) According to the actual sources, the State shall lend them a fund charged at the interest rate of preferential investment from the State investment or they shall be provided with government-guaranteed loans according to regulations of the law on management of public debt for development of national and urban railway infrastructure; investment in and procurement of railway vehicles, machines and equipment for railway maintenance; development of railway industry;

c) The railway infrastructure enterprise, urban railway enterprise and railway industry enterprise shall be eligible for incentives for enterprise income tax rate according to regulations of the Law on Enterprise Income Tax;

d) They shall enjoy exemption from import duties on machines, equipment, components, railway vehicles, raw materials for manufacture of machines and equipment or spare parts of machines and equipment necessary for construction of railway infrastructures that are yet to be domestically produced.

3. An organization or individual invested in construction of national and urban railway infrastructure shall be provided with funding by the State for clearing the land for rail transport that is used for construction of railway infrastructures.

4. An organization or individual doing railway infrastructure business shall be provided with a separate frequency bands in service of the control of rail transport and traction power network in service of train operation.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Railway network planning means the national sector planning and serves as a basis for orientating investment, development and operation of railway network.

2. The Ministry of Transport shall organize the formulation of railway network planning and submit it to the Prime Minister for approval in accordance with regulations of law on planning.

Article 7a. Railway line and railway station planning[4]

1. The railway line and railway station planning means the detailed planning aimed at realizing the national comprehensive planning and railway network planning and is tailored for national railway lines, national railway stations in urban areas, major national railway stations international railway stations.

2. The railway line and railway station planning contains at least:

a) Railway line, start point, end point, line length, track gauges, main points of horizontal control, bridges, tunnels, points of intersection; location of railway stations and depots;

b) A plan for connection with modes of road, inland waterway, maritime and air transport; connection with the system of urban areas, economic zones, tourism areas, industrial parks and export-processing zones;

c) Demand for land, demand for investment and roadmap for implementation of planning in order of investment priority;

d) Solutions for organizing the implementation of the planning.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The railway line and railway station planning shall be published as prescribed by the law on planning and law on railway transport.

5. The Government shall elaborate the formulation, appraisal, approval, publishing, implementation, assessment and adjustment of the railway line and railway station planning.

Article 8. International cooperation in railway transport

1. International cooperation in railway transport must ensure independence, sovereignty, territorial integrity and national interests; satisfy the need for international cooperation; comply with treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. Give priority to regional and international cooperation in rail transport business; railway infrastructure investment and business; development of railway industry; scientific research, technology transfer; provision of training for human resources.

3. Ministries and ministerial agencies shall take charge and cooperate with the Ministry of Transport in facilitating customs clearance at international railway stations.

Article 9. Prohibited acts in railway activities

1. Sabotaging railway works and railway vehicles.

2. Encroaching upon railway safety corridors and safety perimeters of railway works.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Tampering with works and railway signaling; covering or tampering with railway signals.

5. Obstructing the train operation; arbitrarily using signals or equipment to stop trains, unless a threat to railway safety is found.

6. Trespassing fences or barriers of level crossings when the block signal is given; trespassing fences that separate a railway from adjacent areas.

7. Discharging untreated sewage onto railways; placing obstacles and dumping hazardous substances or waste on railways; illegally placing flammable or explosive substances within safety perimeters of railway works and railway safety corridors.

8. Herding animals and trading goods on railways and within safety perimeters of railway works and railway safety corridors.

9. Walking, standing, lying, sitting or performing other acts on roofs of coaches, locomotives, steps; hanging, standing, sitting on sides of coaches, locomotives, or connectors; opening train doors, poking the head, arm, leg, or other things out of the coach when the train is running, except for railway workers and law enforcement officers on duty.

10. Walking, standing, lying, sitting or performing other acts on railway lines, except for railway workers and law enforcement officers on duty.

11. Throwing earth, stones or other objects at or from the train.

12. Bringing or transporting prohibited goods or animal that carries contagious diseases to the station or to the train; illegally bringing or transporting wild animals, radioactive/flammable/explosive substances and dangerous goods to the station or the train; bringing or transporting corpses or bones to the station or to the train running on urban railways.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



14. Allowing any railway vehicle or equipment that fails to meet technical safety requirements to operate on railways; using cargo coaches to transport passengers; changing the structure, design or functions of vehicles without permission; assigning or allowing another person who is ineligible to operate a railway vehicle.

15. Assembling coaches that contain animals, stinky goods, flammable/explosive substances, hazardous substances, or other dangerous goods into a passenger train.

16. Operating trains in excess of the speed limits.

17. Railway workers directly serving train operation are under influence of alcohol or other banned stimulants in the performance of their duties.

Chapter II

RAILWAY INFRASTRUCTURE

Section 1. GENERAL PROVISIONS

Article 10. Vietnamese railway system

1. Vietnamese railway system includes national railway, urban railway and dedicated railway. To be specific:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Urban railway satisfies the transport demands of passengers in urban areas and surrounding areas;

c) Dedicated railway satisfies the transport demands of each organization or individual.

2. The power to introduce and adjust of the railway system:

a) National railway or dedicated railway that is connected to the national railway shall be introduced and adjusted by the Minister of Transport; the urban railway that is connected to or shares the national railway shall be introduced and adjusted by the Minister of Transport after the agreement with the President of People’s Committee of the province which the urban railway passes through is reached;

b) Urban railway or dedicated railway that is not connected to the national railway shall be introduced or adjusted by the President of People’s Committee of province; in the cases where the urban railway or dedicated railway that is not connected to the national railway passes through 02 provinces or more, the Minister of Transport shall introduce and adjustment after receiving comments from the Presidents of People’s Committees of these provinces.

3. The power to name railway lines and stations; to decide inauguration of railway lines and stations; to cease operation and remove lines:

a) The Government shall specify the naming of railway lines and stations and removal of railway lines and stations;

b) The Minister of Transport shall decide inauguration of national railway lines and stations or cease their operation;

c) The President of the provincial People’s Committee shall decide inauguration of urban railway lines and stations or cease their operation;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 11. Railway infrastructure assets

1. Railway infrastructure assets include:

a) Railway infrastructure assets directly serving train operation include railway works, work items or other auxiliary works directly serving train operation, passenger and cargo loading and unloading;

b) Railway infrastructure assets not directly serving train operation are railway infrastructure assets other than those specified in Point a of this Clause.

2. Responsibility for management of state-invested railway infrastructure assets:

a) The Government shall act as a representative of the owner, perform uniform management of railway infrastructure assets in accordance with regulations of the law on management and use of public property;

b) The Ministry of Transport shall perform tasks and exercise powers of the owner’s representative in respect of national railway infrastructure assets;

c) Every provincial People’s Committee shall perform tasks and exercise powers of the representative of the owner in respect of urban railway infrastructure assets;

d) Every railway infrastructure enterprise shall use, operate and protect railway infrastructure assets that are allocated, leased out or transferred by the State in accordance with regulations of law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The Government shall specify a list of railway infrastructure assets prescribed in Clause 1 of this Law; shall manage and use the State-invested railway infrastructure assets.

Article 12. Land for rail transport

1. [5] (repealed)

2. Use of land for rail transport shall be specified as follows:

a) Land for rail transport shall be used for construction of railway works and ensure rail transport safety according to the land use plan and planning approved by a competent authority;

b) In the cases where part of the land area for rail transport must be used to construct essential works in service of national defense and security or socio-economic development, such works must not affect the railway work and rail transport safety and must be licensed in accordance with regulations of the Minister of Transport;

c) An organization or individual that is allocated, leased out or transferred railway infrastructure shall use the land for rail transport according to the planning approved by a competent authority and regulations of law.

3. Management of land for rail transport shall be specified as follows:

a) Regulatory authorities shall manage land for rail transport in accordance with regulations of the Law on Land;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) People’s Committees at all levels shall manage the land dedicated to rail transport and the land within railway safety corridors;

d) Land for rail transport that is located within the land for airports, civil aerodromes and seaports shall be managed in accordance with regulations of law on land.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 13. Grading for railway lines

1. National railways, urban railways and dedicated railways shall be classified into several grades. Each grade shall come with corresponding standards.

2. The establishment, approval and announcement of standards in grading for railway lines shall be compliant with regulations of the Law on Technical Regulations and Standards.

Article 14. Gauges

1. National railway or dedicated railway that is connected to the national railway has a standard gauge of 1,435 mm or a narrow gauge of 1,000 mm.

2. New national railway and urban railway have a standard gauge of 1,435 mm. Other gauges shall be specified by the Prime Minister

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 15. Connection of rails of railway lines

1. Rails of domestic railway lines must be connected at railway stations.

2. Only national railway is connected to the foreign railway. The Prime Minister shall decide the rail connection between national railway and foreign railway.

3. The Minister of Transport shall specify conditions and procedures for the connection of urban railway and dedicated railway with the national railway; and the rail connection between urban railway lines.

4. Organizations and individuals shall specify the connection between the dedicated railway and dedicated railway in which they invested.

Article 16. Railway stations

1. Railway station is classified as follows:

a) Passenger stations used for passenger loading and unloading, and provision of services related to passenger transport, professional procedures and other commercial purposes;

b) Cargo stations used for transfer, receipt, handling and storage of cargoes, and provision of other services related to cargo transport and professional procedures;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Mixed stations having functions of 02 or 03 types of stations set forth in Points a, b and c of this Clause.

2. A railway station must meet the following requirements:

a) Depending on the grading for railway stations, a railway station must have terminals, squares, warehouses, yards, platforms, fences, service areas, necessary equipment and other works related to railway activities;

b) A railway station must have its own name, and information and instructions for passengers. The name must not be identical and must be appropriate to locations, local history, culture and fine traditions and customs. At stations along the national railway in grade-III or above urban areas, key stations and international stations, there must be working offices for regulatory authorities involved in railway activities according to the planning approved by a competent authority.

c) A railway station must have an emergency exit system; fire safety and fighting system; power supply system, lighting system, ventilation system; water supply and drainage system; systems ensuring environmental safety and other technical requirements;

d) A passenger station must have works and equipment accessible to the disabled and prioritized subjects according to regulations of law; emergency telephone system and first aid supplies;

dd) An international station or central station must have an architecture that shows the history and traditional cultural identity of each region. A high-speed rail station must have control equipment to ensure security and safety;

e) At a national railway station or urban railway station, offices and trade and service facilities may be built.

3. The vertical area of a station shall be determined according to the strip of land from station-entry signaling position on one side to the station-entry signaling position on the other side; the horizontal area of a station shall be determined according to the land area inside the fence or boundary marker of the station according to the planning approved by a competent authority.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 17. Railway crossings and rail junctions

1. A junction between two or more railway lines must be grade-separated (“flying junctions”), except for the junctions between dedicated railways.

2. A rail crossing has to be grade-separated in the following cases:

a) Railways with the designed speed of 100 km/hour or higher intersect roads;

b) Railways intersect roads of grade III or above; railways intersect urban roads;

c) Urban railways intersect roads, except for tramways.

3. The investor in a new railway line shall build grade-separated flying junctions and grade separated junctions according to Clause 1 and Clause 2 of this Article. The investor in a new road shall build grade-separated junctions according to Clause 2 of this Article.

4. In the cases other than those specified in Clause 2 of this Article or where a grade-separated crossing is yet to be feasible, People's Committees at all levels, railway infrastructure enterprises, project investors or organizations and individuals wishing to cross railways must observe the following regulations:

a) The place where the level crossing will be built must be licensed by a competent authority.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. The Minister of Transport shall elaborate on:

a) Level crossing, traffic at level crossing; issuance and renewal of construction permit, improvement, upgrade or removal of level crossing;

b) Road-rail bridge, traffic at road-rail bridge;

c) Connection of traffic lights at level crossings, provision of safety information at road-rail intersections.

6. The Government shall specify the methods and road map for dealing with railroad crossings and rail junctions that are not conformable with the regulations of this document, illegal crossings.

Article 18. Road-rail bridge

1. In case of a road-rail bridge, road/railway must lie outside the traffic safety corridor of the other road/railway; in case of difficult terrain, a protection work must be built on the road's edge close to the railway, except for the cases where the top of the rail is at least 03 meters higher than the road surface.

2. In case of a road-rail bridge, the vertical distance from the highest point of the underneath surface of the road or the underneath top of the rail of the railway to the lowest point of the above span equals the vertical clearance of the work below.

Article 19. Fixed-block signaling system

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Signal posts, signal lights;

b) Signs, landmarks;

c) Signs;

d) Fences;

dd) Boundary markers;

e) Other signals.

2. The fixed-block signaling system must be constructed and installed in conformity with grades and types or railways; ensure smooth operation.

Section 2. INVESTMENT IN CONSTRUCTION, MANAGEMENT AND MAINTENANCE OF RAILWAY INFRASTRUCTURE

Article 20. Investment in construction of railway infrastructure

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The contribution of state capital to an investment project for the development of national and urban railway infrastructure in the form of public-private partnerships during the construction period or throughout project life cycle shall be decided by the Prime Minister.

3. The Minister of Transport and People’s Committees of provinces shall plan and launch the railway work project under their management according to regulations of law.

Article 21. Management and maintenance of railway infrastructure

1. The railway infrastructure to be put into operation must undergo inspections according to regulations of law.

2. Responsibility for management and maintenance of railway infrastructure:

a) The Minister of Transport shall specify the management and maintenance of national railway infrastructure; organize the management and maintenance of state-invested national railway infrastructure;

b) Provincial People’s Committees shall specify the management and maintenance of urban railway infrastructure; organize the management and maintenance of state-invested urban railway infrastructure;

c) Railway infrastructure enterprises shall carry out maintenance of state-invested railway infrastructure assigned by or leased out or transferred by the State;

d) Organizations and individuals shall manage and carry out maintenance of railway infrastructure in which they invested in accordance with regulations of law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Financial sources for management and maintenance of state-invested railway infrastructure shall be covered by the state budget; revenues from the use of railway infrastructure and other revenues that are used in accordance with regulations of law.

2. The Ministry of Transport shall manage and use the financial sources provided for management and maintenance of state-invested national railway infrastructure.

3. Provincial People’s Committees shall manage and use the financial sources provided for management and maintenance of state-invested urban railway infrastructure.

4. Organizations and individuals shall manage and use their own financial sources for management and maintenance of urban railway infrastructure in which they invested.

Section 3. PROTECTION OF RAILWAY INFRASTRUCTURE

Article 23. Protection of railway infrastructure

1. The protection of railway infrastructure includes the following activities: assurance of railway infrastructure safety; prevention of and response to railway accidents and damage to railway infrastructure caused by natural disasters; prevention and imposition of penalties for acts of encroaching upon or sabotaging railway works, safety perimeters of railway works and railway safety corridors.

2. The safety perimeter of a railway work is the perimeter determined by the space, surrounding land and water areas adjacent to the railway work and is meant for management and protection of the railway work and assurance of railway work safety, including:

a) Safety perimeter of a railway;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Safety perimeter of a railway tunnel;

d) Safety perimeter of a railway station or depot;

dd) Safety perimeter of a railway signaling system or power supply system;

e) Safety perimeter of other railway works.

3. The railway safety corridor is the corridor determined by the space, surrounding land and water areas adjacent to safety perimeter of the railway and used for ensuring rail transport safety; serving the recue and ensuring that road users’ vision is not blocked.

4. Construction of works, exploitation of natural resources and conduct of other activities in the vicinity of areas of land for rail transport shall be carried out as follows:

a) Construction of works, exploitation of natural resources and conduct of other activities in the vicinity of areas of land for rail transport shall not affect railway work safety and rail transport safety;

b) In the cases where the construction of works, exploitation of natural resources and conduct of other activities in the vicinity of areas of land for rail transport may affect railway work safety or rail transport safety, the investor, organization or individual exploiting natural resources and conducting other activities shall take measures to ensure the railway work safety and railway safety;

c) The investor, organization or individual exploiting natural resources and conducting other activities shall provide compensation for the damage caused to railway works and rail transport safety in accordance with regulations of law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 24. Responsibility for protection of railway infrastructure

1. The Ministry of Transport shall have the following responsibilities for protection of the state-invested national railway:

a) Organize and provide guidance on the protection of railway infrastructure;

b) Take charge and cooperate with the Ministry of Public Security, Ministry of National Defense and People’s Committees of provinces which railways pass through in protecting railway works of special importance;

c) Inspect the implementation of regulations of the law on management and protection of railway infrastructure.

2. People’s Committees at all levels which railways pass through shall:

a) Take charge and cooperate with railway infrastructure enterprises in preventing and imposing penalties for infringement upon railway infrastructure and rail transport safety within the area;

b) Inspect the implementation of regulations of the law on management and protection of railway infrastructure.

3. Railway infrastructure enterprises shall:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) In case of infringement upon land for rail transport, promptly prevent and report such to a competent authority.

4. All organizations and individuals using railway infrastructure for transport shall comply with regulations on assurance of railway infrastructure safety.

5. All organizations and individuals shall protect railway infrastructure and participate in emergency response to the damage to railway works. When the damage to a railway work or infringement upon railway infrastructure is found, promptly inform the nearest People’s Committee, railway infrastructure enterprise or police station. When informed, the recipient must take measures to ensure rail transport safety.

Article 25. Preventing and responding to railway accidents and damage to railway infrastructure caused by natural disasters

1. Railway infrastructure enterprises shall:

a) Formulate and implement a plan to prevent and respond to railway accidents and damage to railway infrastructure caused by natural disasters to ensure the safety of railway infrastructure that is assigned by or leased out or transferred by the State;

b) Take other responsibilities in accordance with the Law on Natural Disaster Management.

2. Organization and individuals shall prevent and respond to railway accidents and damage to railway infrastructure in which they invested caused by natural disasters in accordance with regulations of law.

3. The Ministry of Transport shall direct relevant organizations and individuals to prevent and respond to railway accidents and damage to the state-invested national railway infrastructure caused by natural disasters in accordance with regulations of law

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. Ministries, ministerial agencies, governmental agencies and People’s Committees at all levels shall prevent and respond to railway accidents and damage to railway activities caused by natural disasters in accordance with regulations of law.

Chapter III

DEVELOPMENT OF RAILWAY INDUSTRY AND RAILWAY VEHICLES

Section 1. DEVELOPMENT OF RAILWAY INDUSTRY

Article 26. Railway industry

1. Railway industry includes:

a) Manufacturing, assembly, repair and modification of railway vehicles;

b) Manufacturing of specialized components, accessories, supplies and equipment for railways.

2. The Government shall specify a list of specialized components, accessories, supplies and equipment for railways set forth in Point b Clause 1 of this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. [6] The railway network planning and Vietnam industry development strategy from time to time must be conformed to.

2. The railway industry development must synchronize with railway infrastructure development, rail transport services, and ensure safety and environmental safety in accordance with regulations of law.

3. Investment in production line and transfer of technology to railway industry must ensure uniformity and modernity.

Article 28. Investment in railway industry

1. The State encourages domestic and foreign organizations and individuals to invest in and develop railway industry.

2. The State invests in construction and maintenance of railways that connect national and urban railways with railway industry establishments according to the planning.

3. Railway industry enterprises shall invest in, upgrade and maintain railway infrastructure and railway industry works themselves within the premises of railway industry establishments.

Article 29. Science and technology research and application, human resource training and development, technology transfer in railway industry

1. The railroad technologies received and applied must be advanced, can be mastered and developed.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The science research and application, technology transfer and human resource training and development must be conformable with regulations of law on education and vocational education, law on science and technology and law on technology transfer.

Section 2. RAILWAY VEHICLES

Article 30. Roadworthiness of railway vehicles

1. Roadworthiness of railway vehicles:

a) Comply with national technical regulation on technical safety and environmental safety;

b) Have a railway vehicle registration certificate issued by a competent authority;

c) Have a certificate of technical safety and environmental safety or an unexpired certificate of periodic inspection of technical safety and environmental safety issued by a competent authority.

2. If operating for special purposes, railway vehicles shall be compliant with the regulations imposed by the Minister of Transport.

Article 31. Registration of railway vehicles

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Have lawful origins;

b) Satisfy the national technical regulation on technical safety and environmental safety.

2. Upon change of functions or main specifications, the vehicle owner shall reapply for the railway vehicle registration certificate.

3. Upon the transfer of ownership, the new owner of the railway vehicle must reapply for the railway vehicle registration certificate under the new owner's name.

4. The railway vehicle owner shall make a declaration and return the railway vehicle registration certificate to cancel registration in the following cases:

a) His/her railway vehicle is no longer used for rail transport;

b) His/her railway vehicle is lost or damaged.

5. The Minister of Transport shall specify the issuance, reissuance, revocation and cancellation of railway vehicle registration certificate.

Article 32. Registration for inspection of railway vehicles

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. During operation, the railway vehicle must be still within its service life according to Government’s regulations, periodically inspected and issued with a certificate of technical safety and environmental safety by a Vietnamese registry.

3. The railway vehicle owner is responsible for repair, maintenance and satisfaction of national technical regulation on technical safety and environmental safety between the two inspections carried out by the registry.

4. The Minister of Transport shall specify:

a) National technical regulation on technical safety and environmental safety;

b) Requirements for facilities and technical infrastructure of the registry;

c) Standards to be satisfied by inspectors;

d) Inspection, issuance, reissuance and revocation of the certificate of technical safety and environmental safety.

Article 33. Information, instructions and equipment provided for passengers, safety equipment on railway vehicles

1. A railway vehicle must satisfy the following requirements:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) The railway vehicle must have necessary equipment and amenities to serve passengers, safety equipment, escape equipment; fire-fighting equipment and materials; first-aid kits and equipment for the disabled.

2. The Minister of Transport shall elaborate this Article.

Article 34. Conditions for import of railway vehicles

1. Any railway vehicle that is imported to run on railways must satisfy Vietnam’s national technical standards and regulations and must be issued with a certificate of technical safety and environmental safety by a registry.

2. The import of railway vehicles must be compliant with regulations of the law on import and export.

Chapter IV

RAILWAY WORKERS DIRECTLY SERVING TRAIN OPERATION

Article 35. Railway workers directly serving train operation

1. Railway workers that directly serve train operation include:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Drivers, co-drivers;

c) Train dispatchers;

d) Traffic controllers;

dd) Shunting commanders;

e) Pointsmen;

g) Workers responsible for the coupling;

h) Road, bridge and tunnel patrolling staff;

i) Level crossing and road-rail bridge flagmen;

k) Other workers according to each type of railway.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) He/She must have appropriate qualification in accordance with regulations of law;

b) He/She must be physically fit for work and periodic health check-up certificates according to regulations made by the Minister of Health;

c) Apart from the conditions set forth in this Clause, the driver must have a train driving license.

3. A railway worker that directly serves train operation has the following responsibilities while working:

a) Perform his/her tasks according to his/her respective title, or rank, and national technical regulations on railway transport;

b) Strictly obey the train operation commands; observe regulations and instructions from superiors;

c) Wear uniform, badge and name tag as prescribed.

4. The Minister of Transport shall specify:

a) Standards, responsibilities and powers of railway workers directly serving train operation;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Workers directly serving train operation set forth in Point k Clause 1 of this Article.

Article 36. Train driving license

1. The train driving license shall be issued to the person directly driving railway vehicles as prescribed in this Law.

2. The holder of train driving license shall only drive the railway vehicle specified in the license.

3. The holder of train driving license must satisfy the following conditions:

a) Man is from 23 to 55 years of age, woman is from 23 to 50 years of age; he/she must be physically fit for work;

b) He/She must have a railway vehicle driving degree or a certificate issued by a training institution;

c) He/She has worked as a co-driver according to regulations made by the Minister of Transport;

d) He/She has passed relevant railway vehicle operation test.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Chapter V

RAILWAY SIGNALS, RAILWAY RULES AND RAILWAY SAFETY

Section 1. RAILWAY SIGNALS AND RAILWAY RULES

Article 37. Railway signals

1. A railway signaling system includes orders of the person involved in train operation, onboard signals and ground signals, signs, detonators and torches. Signals indicate orders and conditions for train operation, shunting and stopping.

2. The railway signaling system must be adequate, accurate and clear, ensure safety and improve train performance.

3. Railway workers and road users must observe railway signals.

4. The Minister of Transport shall elaborate on railway signals.

Article 38. Railway rules

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Regulations on train operation dispatching command:

a) The operation of train in each section shall be only commanded by a train dispatcher. Train operation order must be carried out under the command of the train dispatcher. Train dispatcher, traffic controller, train captain and driver must strictly obey the commands of the train dispatcher;

b) Within the railway station area, train dispatcher or traffic controller is the person who issues the train operation commands. Train captain and driver must obey the orders of the person issuing train operation commands or obey the signals;

c) On a train, the train captain is the commander in chief ensuring train operation safety;

d) On the train without train captain, single locomotive and train running on urban railway, driver is the commander in chief ensuring train operation safety.

3. Regulations on train assembly:

a) The train assembly must satisfy standards and regulations on railway;

b) Each coach must satisfy technical standards and regulations on safety so that it can be coupled.

4. Regulations on train shunting:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) During train shunting, the driver must obey the command of the shunting commander.

5. Regulations on train operation:

a) During train operation, the driver must obey the following regulations:

Run the train from and through the station, stop train or dodge another train at the station under the orders from the traffic controller.

The train may only enter the block with an evident permission.

The train may only enter and pass through the station via color light signals, semaphore signals and signals from the urban traffic controller.

Operate the train at the speed prescribed in Article 42 of this Law.

During train operation, the driver and co-driver on duty must not leave the working position;

b) The passenger train shall only run when all doors of passenger coach have been closed. Doors of passenger coach shall only be opened when the train completely stops at the railway station.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Train dodging and overtaking must be carried out at a railway station;

b) The driver shall carry out train dodging and overtaking on national and specialized railways under the orders from the traffic control; and on urban railways under the orders from the urban train dispatcher.

7. Regulations on train stopping and reversing:

The driver must stop the train when the stop signal is given; in case a threat to train operation is found or emergency stop signal is given, the driver is allowed to immediately stop or reverse the train. In case train is immediately stopped or reversed, the train captain or driver shall inform the train station as prescribed.

8. The Minister of Transport shall elaborate this Article.

Article 39. Traffic at level crossings, road-rail bridges, and tunnels

1. At level crossings and road-rail bridges, railway vehicles shall be given priority.

2. The driver must blow the train whistle before entering a level crossing, road-rail bridge or tunnel; switch on the headlights when running through a tunnel.

3. Road users traveling through level crossings and road-rail bridges must comply with regulations of the Law on Road Traffic and this Law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Section 2. RAILWAY SAFETY ASSURANCE

Article 40. Railway safety assurance

1. Assurance of railway safety includes:

a) Assuring safety of people, organizations and individuals’ vehicles and assets upon rail transport;

b) Assuring uniform and concentrated rail transport;

c) Preventing and fighting against infringement upon railway works and illegal occupation of railway safety corridors;

d) Measures for prevention of accidents on railways and at at-grade intersections between railways and roads.

2. Organizations and individuals must comply regulations of the law on assurance of railway safety.

3. Rail transport offences must be promptly detected and handled in accordance with law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 41. Control of rail transport

1. Control of rail transport must be compliant with the following rules:

a) Be concentrated and uniform; comply with the published timetable;

b) Ensure safe and continuous rail transport in line with the timetable;

c) Ensure equality between rail transport enterprises.

2. Control of rail transport includes:

a) Establishing, distributing and publishing the timetable;

b) Ensuring uniform, concentrated, safe and continuous train operation in accordance with the published timetable, regulations on railway signals, railway rules and train operation order;

c) Giving command to the response to accidents on the railway;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Cooperating with international railway organizations in controlling rail transport;

e) Storing data on the control of rail transport in accordance with regulations of law.

3. The Minister of Transport shall specify the control of national and specialized rail transport.

4. People’s Committees of provinces shall specify the control of urban rail transport.

Article 42. Load, maximum load order and maximum speed order

1. The load of active train must not exceed the permissible load applied to each section and railway line according to the maximum load order.

2. The maximum load order shall be created according to technical conditions and bearing load of the work and bridge construction equipment.

3. The maximum speed order shall be created according to the permissible technical conditions, capacity of railway works and railway vehicle load.

4. The railway infrastructure enterprise shall create and publish the maximum load order and maximum speed order on the segment or railway line assigned to such enterprise.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. People’s Committees of provinces shall specify procedures for creating and publishing maximum load order and maximum speed order applied to trains running on urban railways.

Article 43. Timetables

1. A timetable provides a basis for train operation and is established on an annual, periodic and seasonal basis for each line and the entire railway network. The timetable must be established according to the principle of non-discrimination, must ensure rail transport safety and must be made publicly available.

2. The establishment of a timetable must depend on the following factors:

a) Transport enterprise’s demands, including time, payload, number of passengers and transport quality; transport lines, departure, transit and destination stations;

b) Capacity of the railway infrastructure and railway vehicles;

c) The time needed for maintenance and repair of railway works;

d) The order of priority of trains running on the same line.

3. The railway infrastructure enterprise shall establish and publish the timetable applied to trains running on the railway line which the enterprise manages.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The Minister of Transport shall establish and publish the timetable and inspect the adherence to the timetable applied to trains running on national railway, specialized railway that is connected to the national railway, and urban railway sharing the national railway;

b) People's Committees of provinces shall establish and publish the timetable, and inspect the adherence to the timetable applied to trains running on urban railways, specialized railway that is connected to the national railway.

Article 44. Responsibility of organizations and individuals upon the occurrence of railway accidents

1. When a railway accident occurs, the relevant organization or individual must undertake the following missions:

a) Driver or another onboard railway worker must immediately stop the train;

b) The train captain shall assign railway workers and the person that is present at the scene to assist the victims, protect assets of the State and the victims and immediately inform the nearest rail transport control organization or railway station.

In case of damage to the train or railway, the train captain shall make an accident record and provide information relating to the accident at the request of a competent authority.

In case of no damage to the train or railway, the train captain shall keep operating the train after making the accident record and appointing another person to work with the competent authority on his/her behalf.

c) Upon receipt of notification, the rail transport control organization or railway station shall immediately inform the nearest police station and People’s Committee;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. For the train without train captain, in addition to immediately stopping the train upon the occurrence of a railway accident, the driver shall undertake the train captain’s missions as prescribed in Point b Clause 1 of this Article. In case of no damage to the train or railway, the driver shall be only allowed to keep operating the train after making the accident record and appointing another person to work with the competent authority on his/her behalf.

3. Another road user shall transport the victim to a health facility when passing through the place where the railway accident occurs unless that road user is on urgent mission.

4. People's Committees at all levels where the railway accident occurs shall cooperate with police stations and railway enterprises in assisting the victim and protect assets of authorities, organizations and individuals. The People's Committee of the commune where the railway accident occurs shall organize the burial of unidentified victims.

5. All organizations and individuals must not obstruct the restoration of the railway and rail transport after the occurrence of a railway accident.

6. The Minister of Transport shall specify the response to railway accidents; shall analyze, produce statistics on and report railway accidents.

Article 45. Actions taken upon detection of railway accidents

1. The person who detects any act or accident that potentially obstructs or threatens rail transport safety shall inform the nearest railway station, railway authority, local authority or police station; in case of emergency, stop signals must be immediately sent to the train.

2. Upon receipt of notification or stop signal, the recipient must take immediate actions to ensure rail transport safety and inform the unit directly managing railway infrastructure, which will cooperate with relevant units in taking remedial measures.

3. The organization or individual that commits any act that obstructs or threatens rail transport safety must incur penalties; in case of damage, they must provide compensation as prescribed by law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Every railway enterprise shall ensure rail transport safety under their management; cooperate with police stations and People’s Committees in preventing and taking actions against violations of the law on railway transport, and is responsible to the law for their decision.

2. Rail transport enterprises using the national railway network shall assemble onboard security forces.

3. The Government shall specify the organization, uniforms, badges, tasks and powers of onboard security forces. The equipment, management and use of support instruments of onboard security forces shall be compliant with regulations of the law on management and use of weapons, explosive materials and support instruments.

Article 47. Responsibility of Public Security Forces for rail transport safety assurance

1. The Public Security Force shall assume the following responsibilities within its jurisdiction:

a) inspect and search railway vehicles and their operators as prescribed by law;

b) investigate and respond to railway accidents and take actions against violations of the law on railway transport;

c) take charge and cooperate with transport inspectors, railway security forces, and relevant authorities, organizations and individuals in ensuring rail transport safety.

2. The Minister of Public Security shall specify procedures for inspecting the imposition of penalties for violations and investigating and responding to railway accidents.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



People’s Committees at all levels shall, within their jurisdiction, organize, direct and inspect the performance of the following tasks:

1. Disseminate and educate about the law on railway safety assurance;

2. Provide land area for construction of collector roads, flyovers, underpasses and fences to ensure rail transport safety when allocating and leasing out land along the railway safety corridor;

3. Take measures against illegal occupation of railway safety corridor and measures for railway safety assurance;

4. Improve safety at illegal crossings; gradually remove illegal crossings; be responsible for the appearance of new illegal crossings;

5. Provide sufficient funding for the assurance of rail transport within their jurisdiction;

6. Carry out inspections and take actions against violations of rail transport safety as prescribed by law;

7. Participate in the response to railway accidents as prescribed in Article 44 of this Law;

8. The head of the local government of the area which railways pass through must bear responsibility in case a railway accident occurs in the area under their management in accordance with regulations of law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



RAILWAY BUSINESS

Section 1. RAILWAY BUSINESS ACTIVITIES

Article 49. Railway business activities

1. Railway business includes railway infrastructure business, rail transport business and urban railway business.

2. Railway business is a conditional business line.

3. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article.

Section 2. RAILWAY INFRASTRUCTURE BUSINESS

Article 50. Railway infrastructure business

1. The state-invested railway infrastructure shall be assigned, leased out or transferred for a limited period of time to enterprises for operation in accordance with regulations.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 51. Rights and obligations of railway infrastructure enterprises

1. A railway infrastructure enterprise has the following rights:

a) Use and operate railway infrastructure as prescribed;

b) Request organizations and individuals related to railway infrastructure to comply with technical standards and regulations on railway infrastructure;

c) Determine and propose rents for state-invested railway infrastructure within the scope of allocation, lease or transfer;

d) Suspend train operation when the railway infrastructure is found threatening train operation safety and be responsible to law for their decision;

dd) Receive compensation in case the damage to railway infrastructure is caused by the rail transport enterprise or another organization or individual;

e) Receive assistance from the State as prescribed in Clause 1 Article 68 of this Law;

g) Other rights prescribed by law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Manage and use railway infrastructure assets as prescribed by law;

b) Maintain the declared technical conditions and quality of the railway infrastructure to ensure safe and continuous rail transport;

c) Create and publish the maximum speed order, maximum load order and timetable applied to trains running on lines and sections to provide a basis for train operation;

d) Control rail transport on national and urban railways when assigned by the State. Provide railway authorities and customers with information about provision of rail transport control services and capacity of railway infrastructure upon request;

dd) Promptly report threats to train operation safety and suspension of train operation to the traffic controllers at two ends of the block where the threat is found, rail transport operators, or customers using railway infrastructure;

e) Undertake national defense and security missions and carry out special train operation order at the request of a competent authority;

g) The operating enterprise is liable for any damage it causes to the railway infrastructure asset that is assigned, leased out or transferred by the State;

h) Pay for use of railway infrastructure as prescribed;

i) Other obligations prescribed by law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 52. Rail transport business

1. Rail transport business includes passenger, luggage and cargo transport services.

2. The Minister of Transport shall specify the transport of passengers, luggage and cargoes on the national railway and specialized railway that is connected to the national railway.

3. People’s Committees of provinces shall specify urban rail transport business.

Article 53. Rights and obligations of rail transport enterprises

1. A rail transport enterprise has the following rights:

a) Be provided with technical and economic information, and rail transport control services related to the capacity of railway infrastructure;

b) Use railway infrastructure and rail transport control services on the railway network for rail transport business as prescribed;

c) Suspend train operation when the railway infrastructure is found threatening train operation safety, inform the railway infrastructure enterprise and be responsible to law for their decision;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Other rights prescribed by law.

2. A rail transport enterprise has the following obligations:

a) Organize the operation of trains in line with the timetables, maximum load orders and maximum speed orders published by the railway infrastructure enterprise;

b) Give priority to provision of transport services to serve special or social security missions at the request of a competent authority;

c) Stop trains upon receipt of notification given by a railway infrastructure enterprise;

d) Pay the railway infrastructure enterprise for use of railway infrastructure and rail transport control services;

dd) Satisfy all train operation safety requirements during operation;

e) Accept the instructions from a competent authority and cooperate with railway infrastructure enterprises in preventing and responding to railway accidents and damage caused by natural disasters in accordance with regulations of law;

g) Provide compensation as prescribed by law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



i) Other obligations prescribed by law.

Article 54. Passenger and luggage transport contract

1. Passenger and luggage transport contract is the agreement between the rail transport enterprise and passenger on transport of passengers and luggage, whereby the rail transport enterprise shall transport passengers and luggage from the place of departure to the place of destination. The passenger and cargo transport contract shall specify the rights and obligations of the parties and be made in writing or in other forms agreed upon by the two parties.

2. A passenger ticket is the evidence of the conclusion of a passenger transport contract. The ticket shall be issued by the passenger transport enterprise as prescribed by law.

Article 55. Cargo transport contract

1. Cargo transport contract is the agreement between the rail transport enterprise and the consignor on transport of passengers and lug gages, whereby the rail transport enterprise shall transport cargoes from the place of departure to the place of destination and transfer cargoes to the consignee specified in the contract. The cargo transport contract shall define the rights and obligations of parties and be made in writing or in any other form agreed upon by the two parties.

2. The consignment invoice is part of the transport contract and issued by the rail transport enterprise as prescribed by law. The rail transport enterprise shall issue an invoice to the consignor after the cargoes are received from the consignor; the invoice shall bear signature of the consignor or the person authorized by the consignor. The consignment invoice is a documentary evidence of cargo delivery between the rail transport enterprise and consignor and is an evidence for settlement of disputes.

3. The consignment invoice must specify types of cargoes; signs and codes of cargoes; volume and weight of cargoes; place of delivery, place of receipt, name and address of consignors, name and address of consignees; freight and expenses incurred; other details inscribed in the invoices under the agreement between the rail transport enterprise and consignor; certification by the rail transport enterprise of condition of the transported cargoes.

Article 56. Rail transport freight

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The freight must be publicly posted at railway station and published through the media or on the website of the rail transport enterprise before it is applied.

3. The freight for transport of oversized and overweight cargoes shall be agreed upon by the rail transport enterprise and consignor.

4. The Government shall specify the exemption from and reduction in the freight for transport of passengers who are social policy beneficiaries.

Article 57. International transport

1. International transport is the transport from Vietnam to a foreign country, from a foreign country to Vietnam or transit through Vietnam to proceed to a third country by rail.

2. International rail transport must be compliant with regulations of the relevant treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Article 58. Provision of transport services for special or social security missions

1. Provision of transport services for special missions is the transport of people, cargoes and equipment for prevention and response to an accident, epidemic, or performance of a national defense and security mission.

2. Provision of transport services for social security missions is the transport of passengers on lines and sections in service of residential community of an area of which the State needs to protect common interests and such kind of services is likely to make a loss.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 59. Responsibility to buy insurance for passengers

1. Every passenger transport enterprise must buy insurance for passengers; insurance premium is included in the ticket price.

2. The ticket and travel documents are the bases for payment of insurance payout upon occurrence of an insured event.

3. Provision of insurance for passengers shall be compliant with regulations of law on insurance business.

Article 60. Rights and obligations of passengers

1. A passenger has the following rights:

a) Enjoy all benefits according to his/her ticket class and do not have to pay for transport of the hand luggage taken with him/her if its weight and type do not violate regulations of the rail transport enterprise;

b) Return or change his/her ticket before the train leaves and bear all expenses (if any) as prescribed by the rail transport enterprise;

c) Receive a refund, compensation for damage and expenses incurred in case of loss of life or damage to health or property inflicted by the rail transport enterprise according to regulations of law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Other rights prescribed by law.

2. A passenger has the following obligations:

a) Carry his/her ticket and luggage ticket, and protect his/her luggage;

b) Provide compensation if causing any damage or loss of assets of the rail transport enterprise;

c) Strictly obey the train rules and other relevant regulations of law.

Article 61. Rights and obligations of consignors

1. A consignor has the following rights:

a) Change the consignment contract even when cargoes have been consigned to the rail transport enterprise or cargoes have been loaded onto coaches, and bear expenses incurred due to change of transport contract;

b) Designate an alternative consignee when such cargoes are yet to be consigned to the previous consignee; change place of delivery or return the shipment, and bear all expenses incurred due to change of consignee and place of delivery;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. A consignor has the following rights:

a) Declare his/her cargoes in a truthful manner and take responsibility for such declaration;

b) Pay freight on schedule and according to the payment method specified in the contract;

c) Handle cargoes and fulfill conditions for transport of cargoes under the guidance of the rail transport enterprise;

d) Deliver cargoes to the rail transport enterprise on schedule and at the right place;

dd) Provide documents and other necessary information about the cargoes;

e) Provide compensation for any damage caused by their untruthful declaration of cargoes to the rail transport enterprise or other damage caused due to through their fault in accordance with law.

Article 62. Transport of dangerous cargoes

1. Dangerous cargo is the cargo that may threaten people’s health and lives, and environmental safety when transported by rail.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Only the railway vehicle that satisfies all technical safety requirements is allowed to transport dangerous cargoes.

4. The Government shall specify a list of dangerous cargoes and conditions for handling and transport of dangerous cargoes by rail.

Article 63. Transport of live animals

The transport of live animals by rail must be compliant with regulations of law on safety, hygiene, epidemic prevention and environmental protection.

Article 64. Transport of corpses and bones by national railway

1. Escorts are required when corpses and bones are transported by national railway.

2. Assurance of hygiene, epidemic prevention, environmental safety and sufficient documents is required as prescribed by law when corpses and bones are transported by national railway.

Article 65. Transport of oversized and overweight cargoes

1. Upon transport of oversized and overweight cargoes, the rail transport enterprise shall prepare a plan for handling, securing, transport of cargoes, assurance of train operation and railway infrastructure.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Section 4. FINANCIAL MANAGEMENT DURING RAILWAY BUSINESS

Article 66. Fees and prices for use of railway infrastructure

1. Fees and prices for use of railway infrastructure directly serving train operation are the payments for use of railway infrastructure directly serving train operation in order for a train to run through stations, on railway lines or sections.

a) Fees for use of railway infrastructure directly serving train operation are applied to the method of allocating state-invested railway infrastructure assets.

b) Prices for use of railway infrastructure directly serving train operation are applied to the method of leasing out or transferring the limited right to use state-invested railway infrastructure.

2. Prices for use of railway infrastructure not directly serving train operation are the payments for use of railway infrastructure not directly serving train operation.

3. The Ministry of Finance shall take charge and cooperate with the Ministry of Transport in specifying fees and prices for use of state-invested railway infrastructure.

Article 67. Prices for rail transport control services

1. Prices for rail transport control services are the payments for use of rail transport control services in order for train to run through station, on railway lines or sections.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a)[9] The Ministry of Transport of Vietnam shall fixing the prices for provision of rail transport control services on the state-invested railway infrastructure in compliance with regulations of law on prices;

b) Organizations and individuals shall decide the prices for provision of rail transport control services on the railway infrastructure in which they invested.

Article 68. Provision of assistance for railway enterprises in undertaking special or social security missions

1. The State shall cover reasonable expenses incurred by the railway enterprise that provides transport services serving special or social security missions.

2. The Government shall elaborate this Article.

Article 69. Management and use of revenue from operation of state-invested railway infrastructure assets assigned, leased out or transferred by the State

The revenue from operation of the state-invested railway infrastructure assets assigned, leased out or transferred by the State shall be managed and used in accordance with regulations of law on management and use of public property.

Chapter VII

URBAN RAILWAYS

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. [10] Development of urban railways must be conformable to the regional planning, provincial planning and urban planning, and facilitate urban development.

2. Other modes of transport shall be effectively connected in urban areas to serve the transport of passengers. Spatial and technical connections must be established between urban railway works and surrounding works to ensure uniformity according to the urban planning.

3. Urban railway works, vehicles and equipment must satisfy economic and technical requirements to ensure uniformity, safety and national defense and security, and requirements for fire safety, rescue, urban landscapes and environmental safety.

4. Urban railway safety corridors must meet the following requirements:

a) Do not plant trees or illegally construct works within corridors;

b) Be separated to prevent unauthorized access;

c) Serve the fire safety and rescue.

5. Ensure convenience for passengers and accessibility to the disabled in accordance with regulations of law.

Article 71. Types of urban railways

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The establishment and issuance of national technical standards and regulations on types of urban railways shall be compliant with regulations of law on technical regulations and standards.

Article 72. Policies on development of urban railways

1. The policies are specified in Article 5 of this Law.

2. The State mobilizes sources to develop urban railway into one of the main modes of transport in large urban areas.

3. The State provides assistance in urban railway business.

Article 73. Responsibility of People’s Committees of provinces for investment, construction and management of urban railways

1. Invest in, construct, manage and operate urban railways within their provinces.

2. Decide the application of standards to urban railways.

3. Provide guidance on the protection of railway infrastructure.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 74. Rights and obligations of urban railway enterprises

1. Exercise rights and assume obligations of railway infrastructure enterprises and rail transport enterprises as prescribed in Article 51 and Article 53 of this Law.

2. Research and apply science and technology, and provide training to meet business requirements of enterprises.

Article 75. Requirements for urban railway infrastructure

1. Urban railway infrastructure must ensure stability and meet requirements for safety, environment and fire safety corresponding to the type of existing urban railway.

2. The traction power network must be controlled and monitored in a concentrated manner, stable and readily available when needed in order not to interrupt train operation.

3. Train operation management system must be operated in a concentrated manner.

4. Necessary information and instructions provided for passengers must be explicit in Vietnamese and English.

Article 76. Ticket control system

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The equipment of ticket control system shall prevent and restrict the damage and unauthorized access. 

3. The ticket control system shall be easy to access and use, and safe for passengers and railway workers.

Article 77. Safety management of urban railways

1. A newly built or upgraded urban railway shall be required of assessment and certification of system safety; assessed and issued with a Certificate of verification of urban railway system safety documents before it is put into operation.

2. Urban railway enterprises must build safety management system and issued with a certificate of urban railway operation safety management system.

3. The Minister of Transport shall specify the assessment and certification of urban railway system safety and issue the certificate of verification of system safety documents and certificate of urban railway operation safety management system.

Chapter VIII

HIGH-SPEED RAILS

Article 78. General requirements for high-speed rails

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Uniformity, modernity, safety and natural disaster preparedness, and environmental safety must be ensured.

3. An overall research on the entire line must be conducted and the rail must be constructed according to transport demands and capital mobilization.

4. High-speed rail works, vehicles and equipment must satisfy technical requirements to ensure uniformity, safety, efficiency and satisfy requirements for fire safety and rescue.

5. The ability of the management system to inspect and monitor train operation must be maintained.

6. Areas of land reserved for high-speed rails according to the planning approved by a competent authority shall have boundary marker planted under the construction planning for management and preparation for construction.

7. High-speed rail safety corridors must be carefully protected to prevent unauthorized access.

8. Ensure convenience for passengers and accessibility to the disabled in accordance with regulations of law.

9. Provision of training for human resources and technology transfer must be conformable to the construction plan and satisfy requirements for management and operation.

Article 79. Policies on development of high-speed rails

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The State plays a key role in the investment in, construction, management, maintenance and operation of high-speed rails, and high-speed rail business.

3. High-speed rails shall be developed in such a way that it can connect key economic regions, thereby boosting socio-economic growth.

4. High-speed rails shall be developed in a uniform and modern manner.

Article 80. Requirements for high-speed rail infrastructure

1. High-speed rail infrastructure must ensure stability and satisfy requirements for safety, environment and fire safety corresponding to the type of high-speed rail that is being invested in.

2. The traction power network must be controlled and monitored in a concentrated manner, stable and readily available when needed in order not to interrupt train operation.

3. Train operation management system must be operated in a concentrated manner.

4. Necessary information and instructions provided for passengers must be explicit in Vietnamese and English.

Article 81. Management, operation and maintenance of high-speed rails

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The investor shall provide funding for management and maintenance of the high-speed rail in which he/she invested.

3. The operation of high-speed rails must ensure safety, convenience and efficiency.

Article 82. Safety management of high-speed rails

1. A newly built or upgraded high-speed rail shall be required of assessment and certification of system safety before it is put into operation.

2. High-speed rail enterprises must build and maintain the safety management system.

Chapter IX

STATE MANAGEMENT OF RAILWAY ACTIVITIES

Article 83. State management of railway activities

1. [11] Formulate and organize the implementation of railway network planning, railway line planning, railway station planning and other relevant planning prescribed by the law on planning; formulate and organize the implementation of railway development plans and policies.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Disseminate and educate about the law on railway transport.

4. Manage the investment in construction of railway infrastructure; announce the opening and closure of railway stations and lines.

5. Manage public investment in railway transport; manage the maintenance of railway infrastructure.

6. Manage the railway transport and rail transport control.

7. Manage the railway safety assurance; manage and ensure the safety of trains on special missions.

8. Manage natural disaster preparedness and search and rescue and investigate railway accidents.

9. Issue, reissue, recognize, revoke and cancel certificates and licenses relating to railway activities.

10. Organize the implementation of registration and inspection of railway vehicles.

11. Manage scientific and technological activities; provide training; protect the environment, respond to climate change and use energy economically and efficiently in railway activities.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



13. Manage prices, fees and charges in railway activities.

14. Inspect and deal with complaints and denunciations, and take actions against violations of law in railway activities.

Article 84. Responsibility for state management of railway activities

1. The Government shall perform uniform state management of railway activities.

2. The Ministry of Transport shall act as a conduit to assist the Government in performing state management of railway activities.

3. Ministries and ministerial agencies shall take charge and cooperate with the Ministry of Transport in performing state management of railway activities.

4. People’s Committees of provinces shall perform state management of railway activities.

Article 85. Communicating, disseminating and educating about law on railway transport

1. All organizations involved in railway activities shall communicate, disseminate law on railway transport to officials, public employees and staff under their management and educate them thereabout; cooperate with local governments at all levels which railways pass through in encouraging people to observe the law on railway transport.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Information and communications authority shall organize the dissemination and communication of law on railway transport to the people on a regular basis.

4. Education and training authority shall provide instructions on the education about law on railway transport to educational institutions.

5. The Vietnamese Fatherland Front and its member organizations shall cooperate with relevant authorities and local governments in communicating law on railway transport and encouraging the people to observe it.

Chapter X

Article 86. Effect

1. This Law comes into force from July 01, 2018.

2. The Law No. 35/2005/QH11 shall cease to have effect from the effective date of this Law.

Article 87. Transitional clauses

1. Any railway work project that is approved before the effective date of this Law is not subject to reapproval; the subsequent operations that are yet to be conducted may be conducted as prescribed by this Law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Railway infrastructure enterprises shall take measures for assurance of train operation safety at level junctions that exist before the effective date of this Law but are not conformable with Clause 1 Article 17 of this Law.

4. People’s Committees at all levels shall take charge and cooperate with relevant regulatory authorities and railway infrastructure enterprises in taking measures for assurance of railway and road safety at illegal crossings that exist before the effective date of this Law but are yet to be handled as prescribed in Point b Clause 4 Article 17 of this Law./.

 

 

CERTIFIED BY

CHAIRMAN




Bui Van Cuong

 

 

[1] The effective date of the Law on Land No. 31/2024/QH15 is now August 01, 2024 (previously January 01, 2025) according to clause 2 Article 1 of the Law No. 43/2024/QH15 dated June 29, 2024 on amendments to certain Articles of Law on Land No. 31/2024/QH15, Law on Housing No. 27/2023/QH15, Law on Real Estate Business No. 29/2023/QH15 and Law on Credit Institutions No. 32/2024/QH15, which has been effective since August 01, 2024.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



 “The Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly hereby promulgates the Law on amendments to some Articles concerning planning of the Law on Road Traffic No. 23/2008/QH12, Vietnam Maritime Code No. 95/2015/QH13, Law on Railway Transport No. 06/2017/QH14, Law on Inland Waterway Transport No. 23/2004/QH11 whose Articles are amended by the Law No. 48/2014/QH13 and Law No. 97/2015/QH13, Law on Water Resources No. 17/2012/QH13 whose Articles are amended by the Law No. 08/2017/QH14, Law on Land No. 45/2013/QH13, Law on Environmental Protection No. 55/2014/QH13, Law on Minerals No. 60/2010/QH12, Law on Hydrometeorology No. 90/2015/QH13, Law on Biodiversity No. 20/2008/QH12, Law on Natural Resources and Environment Of Sea and Islands No. 82/2015/QH13, Law on Measurement No. 04/2011/QH13, Law on Technical Standards and Regulations No. 68/2006/QH11, Law on Quality of Products and Goods No. 05/2007/QH12, Law on Cyberinformation Security No. 86/2015/QH13, Law on Publishing No. 19/2012/QH13, Press Law No. 103/2016/QH13, Law on National Defense and Security Education No. 30/2013/QH13, Law on Management and Utilization of State Capital Invested in the Enterprises’ Manufacturing and Business Operations No. 69/2014/QH13, Law on Thrift Practice and Waste Combat No. 44/2013/QH13 whose Articles are amended by the Law No. 21/2017/QH14, Law on Securities No. 70/2006/QH11 whose Articles are amended by the Law No. 62/2010/QH12, Law on Cinematography No. 62/2006/QH11 whose Articles are amended by the Law No. 31/2009/QH12, Law on Advertising No. 16/2012/QH13, Law on Construction No. 50/2014/QH13 whose Articles are amended by the Law No. 03/2016/QH14, Law on Urban Planning No. 30/2009/QH12 whose Articles are amended by the Law No. 77/2015/QH13, Law on Petroleum 1993 whose Articles are amended by the Law No. 19/2000/QH10 and the Law No. 10/2008/QH12, Labor Code No. 10/2012/QH13 whose Articles are amended by the Law No. 92/2015/QH13, Law on Social Insurance No. 58/2014/QH13, Law on Health Insurance No. 25/2008/QH12 whose Articles are amended by the Law No. 32/2013/QH13, Law No. 46/2014/QH13 and Law No. 97/2015/QH13, Law on Prevention and Control of Infectious Diseases No. 03/2007/QH12, Law on Judicial Expertise No. 13/2012/QH13 and Law on Protection of Consumers’ Rights No. 59/2010/QH12.”.

Preludes to the Law on Prices No. 35/2018/QH14:

 “The Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly hereby promulgates the Law on Prices.”.

Preludes to the Law on Land No.31/2024/QH15:

 “The Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly hereby promulgates the Law on Land.”.

Preludes to the Law No. 43/2024/QH15 on amendments to certain Articles of Law on Land No. 31/2024/QH15, Law on Housing No. 27/2023/QH15, Law on Real Estate Business No. 29/2023/QH15 and Law on Credit Institutions No. 32/2024/QH15:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



The National Assembly hereby promulgates the Law on amendments to certain Articles of Law on Land No. 31/2024/QH15, Law on Housing No. 27/2023/QH15, Law on Real Estate Business No. 29/2023/QH15 and Law on Credit Institutions No. 32/2024/QH15.”.

[3] This Article is amended by Clause 1 Article 3 of the Law No. 35/2018/QH14 on amendments to some Articles concerning planning of 37 laws, which has been effective since January 01, 2019.

[4] This Article is added by Clause 2 Article 3 of the Law No. 35/2018/QH14 on amendments to some Articles concerning planning of 37 laws, which has been effective since January 01, 2019.

[5] This Clause is repealed by Point b Clause 1 Article 251 of the Law on Land No. 31/2024/QH15 coming into force from August 01, 2024 according to clause 2 Article 1 of the Law No. 43/2024/QH15 dated June 29, 2024 on amendments to certain Articles of Law on Land No. 31/2024/QH15, Law on Housing No. 27/2023/QH15, Law on Real Estate Business No. 29/2023/QH15 and Law on Credit Institutions No. 32/2024/QH15.

[6] This Clause is amended by Clause 3 Article 3 of the Law No. 35/2018/QH14 on amendments to some Articles concerning planning of 37 laws, which has been effective since January 01, 2019.

[7] This Clause is amended by Clause 4 Article 3 of the Law No. 35/2018/QH14 on amendments to some Articles concerning planning of 37 laws, which has been effective since January 01, 2019.

[8] This Clause is amended by Point a Clause 3 Article 73 of the Law on Prices No. 16/2023/QH15, which comes into force from July 01, 2024.

[9] This Point is amended by Point b Clause 3 Article 73 of the Law on Prices No. 16/2023/QH15, which comes into force from July 01, 2024.

[10] This Clause is amended by Clause 5 Article 3 of the Law No. 35/2018/QH14 on amendments to some Articles concerning planning of 37 laws, which has been effective since January 01, 2019.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



[12] Article 31 of the Law No. 35/2018/QH14 on amendments to some Articles concerning planning of 37 laws, which has been effective since January 01, 2019, stipulates that:

 “Article 31. Effect

This Law comes into force from January 01, 2019.”.

Articles 74 and 75 of the Law on Prices No. 16/2023/QH15, which comes into force from July 01, 2024, stipulate that:

 “Article 74. Entry into force

1. This Law comes into force as of July 01, 2024, except for the case prescribed in Clause 2 of this Article.

2. Clause 2 Article 60 of this Law comes into force as of January 01, 2026. From July 01, 2024 to December 31, 2025 inclusive, each valuation council shall have at least 01 member having one of the following professional certificates:

a) At least a degree of associate on prices and/or valuation;

b) Valuer’s card;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Certificate of advanced training in state valuation.

3. The Law on Prices No. 11/2012/QH13, which has been amended by Law No. 61/2014/QH13, Law No. 64/2020/QH14, and Law No. 07/2022/QH15 (hereinafter referred to as “Law on Prices No. 11/2012/QH13”), expires as of the effective date of this Law, except for Article 75 of this Law.

Article 75. Transitional provisions

1. Within 12 months after this Law comes into force, valuation enterprises with certificates of eligibility for valuation services issued under the Law on Prices No. 11/2012/QH13 shall satisfy the requirements for eligibility for valuation services under this Law. After the mentioned period, if valuation enterprises fail to satisfy the requirements for eligibility for valuation services according to this Law, the Ministry of Finance of Vietnam shall revoke their certificates of eligibility for valuation services.

2. Holders of valuer’s cards issued according to the Law on Prices No. 11/2012/QH13 may continue to apply for valuation practicing with respect to asset valuation and business valuation under this Law.”.

Article 252 and Article 253 of the Law on Land No. 31/2024/QH15, which has been effective since August 01, 2024, stipulate that:

 “Article 252. Effect

1. This Law comes into force from January 01, 2025, except for the cases specified in clauses 2 and 3 of this Article.

2. Article 190 and Article 248 of this Law come into force from April 01, 2024.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Clause 9 Article 60 of this Law comes into force from the date on which Resolution No. 61/2022/QH15 ceases to have effect.

4. Land Law No. 45/2013/QH13 which was amended by Law No. 35/2018/QH14 (hereinafter referred to as “Land Law No. 45/2013/QH13”) shall cease to have effect from the effective date of this Law.

Article 253. Transitional provisions on land use planning and plans when this Law comes into force

1. Land use planning and plans that have been decided and approved by competent regulatory agencies before the effective date of this Law may continue to be implemented and adjusted when reviewing land use planning and plans according to Article 73 hereof.

2. A local authority that has provincial planning for the period of 2021 - 2030 approved according to planning laws before the effective date of this Law may continue adopting the plan for land distribution and zoning in the provincial planning to perform land management until the end of the planning period. The adjustment to the provincial planning shall comply with Law on Planning No. 21/2017/QH14.”.

Article 5 of the Law No. 43/2024/QH15 on amendments to certain Articles of Law on Land No. 31/2024/QH15, Law on Housing No. 27/2023/QH15, Law on Real Estate Business No. 29/2023/QH15 and Law on Credit Institutions No. 32/2024/QH15, which has been effective since August 01, 2024, stipulates that:

 “This Law comes into force from August 01, 2024.”.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Integrated document No. 07/VBHN-VPQH dated September 16, 2024 Law on Railway Transport

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


162

DMCA.com Protection Status
IP: 18.221.217.100
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!