HIỆP ĐỊNH
GIỮA
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC ĐẠI HÀN DÂN
QUỐC VỀ VIỆC CÔNG NHẬN LẪN NHAU GIẤY PHÉP LÁI XE QUỐC TẾ
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (“Việt
Nam”) và Chính phủ nước Đại Hàn Dân quốc (“Hàn Quốc”) (sau đây gọi chung là
“các Bên” và gọi riêng là “Bên”);
Mong muốn thúc đẩy lợi ích của nhân dân hai nước và
tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước, thông qua việc công nhận Giấy phép
lái xe quốc tế,
ĐÃ NHẤT TRÍ như sau:
Điều
1
1. Cho các mục đích của Hiệp
định này, khái niệm “Giấy phép lái xe quốc tế” có nghĩa là:
(a) Đối với Việt Nam: Giấy phép lái xe quốc tế quy
định tại Công ước về Giao thông đường bộ, làm tại Viên ngày 08 tháng 11 năm
1968; và
(b) Đối với Hàn Quốc: Giấy phép lái xe quốc tế quy
định tại Công ước về Giao thông đường bộ, làm tại Giơ-ne-vơ ngày 19 tháng 9 năm
1949.
2. Mỗi Bên sẽ công nhận lẫn nhau Giấy phép lái xe
quốc tế hợp lệ do nước kia cấp để cho phép người mang giấy phép đó điều khiển
phương tiện giao thông cơ giới dưới đây vào các mục đích phi thương mại:
(a) Tại Việt Nam:
(i) Công dân Hàn Quốc mang Giấy phép lái xe quốc tế
hạng A do Hàn Quốc cấp được phép điều khiển phương tiện cơ giới phù hợp với hạng
trên Giấy phép lái xe quốc tế đó; và
(ii) Công dân Hàn Quốc mang Giấy phép lái xe quốc tế
thuộc các hạng khác do Hàn Quốc cấp được phép điều khiển phương tiện cơ giới hạng
B theo Giấy phép lái xe quốc tế đó; và
(b) Tại Hàn Quốc:
(i) Công dân Việt Nam mang Giấy phép lái xe quốc tế
hạng A, A1 hoặc B1 do Việt Nam cấp được phép điều khiển phương tiện cơ giới phù
hợp với hạng trên Giấy phép lái xe quốc tế đó; và
(ii) Công dân Việt Nam mang Giấy phép lái xe quốc tế
thuộc các hạng khác do Việt Nam cấp được phép điều khiển phương tiện cơ giới
theo hạng trên Giấy phép lái xe quốc tế đó.
3. Các hạng xe của Giấy phép lái xe quốc tế do các
Bên cấp được liệt kê tại các Phụ lục A và B.
Điều
2
Công dân của một nước có mang
Giấy phép lái xe quốc tế hợp lệ đã nói ở trên sẽ được phép điều khiển phương tiện
giao thông cơ giới theo các hạng quy định tại khoản 2 Điều 1 của Hiệp định này
trong lãnh thổ của nước kia trong thời hạn tối đa một (01) năm kể từ ngày nhập
cảnh vào lãnh thổ nước đó, miễn là các Giấy phép lái xe quốc tế vẫn còn hiệu lực
và được xuất trình với các giấy phép lái xe quốc gia tương ứng.
Điều
3
1. Công dân có mang Giấy phép
lái xe quốc tế do một Bên cấp khi điều khiển phương tiện trong lãnh thổ của nước
kia phải chấp hành theo pháp luật quốc gia của nước đó.
2. Mỗi Bên có thể tước quyền sử dụng Giấy phép lái
xe quốc tế của người lái xe trong lãnh thổ của nước mình nếu người lái xe đó vi
phạm các quy định trong lãnh thổ của nước mình mà theo pháp luật quốc gia của
Bên đó phải tước giấy phép của người vi phạm. Trong trường hợp như vậy, Bên đó
có thể:
(a) Tước và giữ Giấy phép lái xe quốc tế cho đến
khi hết thời hạn tước quyền sử dụng theo pháp luật quốc gia của Bên đó hoặc cho
đến khi người lái xe rời khỏi lãnh thổ nước mình, tùy theo thời hạn nào sớm
hơn;
(b) Thông báo việc tước quyền sử dụng Giấy phép lái
xe quốc tế cho Bên kia; và
(c) Điền vào chỗ trống ghi nhận vi phạm (xác nhận)
trên Giấy phép lái xe quốc tế thông báo Giấy phép lái xe quốc tế không còn hiệu
lực trên lãnh thổ nước mình trong thời hạn tước quyền sử dụng theo quy định của
pháp luật.
Điều
4
1. Các Bên sẽ hợp tác trong
thực hiện Hiệp định này.
2. Các Bên sẽ cung cấp cho nhau, qua các kênh ngoại
giao các thông tin và tài liệu sau:
(a) Các đầu mối liên lạc: các cơ quan có thẩm quyền,
bao gồm địa chỉ, số điện thoại, số fax và địa chỉ thư điện tử và họ tên người đại
diện;
(b) Các mẫu Giấy phép lái xe quốc tế và giấy phép
lái xe quốc gia của Bên mình trong phạm vi Hiệp định này; và
(c) Pháp luật liên quan đến cấp và sử dụng Giấy
phép lái xe quốc tế và giấy phép lái xe quốc gia của Bên mình.
3. Các Bên sẽ nhanh chóng thông báo cho bên kia,
qua các kênh ngoại giao, bất kỳ thay đổi nào của Giấy phép lái xe quốc tế của
Bên mình hoặc bất kỳ thay đổi, sửa đổi pháp luật có thể tác động đến việc thực
hiện Hiệp định này, cũng như bất kỳ thay đổi nào về thông tin liên lạc của Bên
mình.
4. Trong trường hợp có nghi ngờ liên quan đến hiệu
lực hoặc tính xác thực của một Giấy phép lái xe quốc tế, một Bên có thể yêu cầu
Bên kia xác minh hiệu lực hoặc tính xác thực của Giấy phép lái xe quốc tế đó
thông qua đầu mối liên lạc quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
5. Bên được yêu cầu xác minh hiệu lực hoặc tính xác
thực của Giấy phép lái xe quốc tế sẽ nhanh chóng trả lời yêu cầu xác minh.
Điều
5
1. Hiệp định này phải tuân
theo pháp luật liên quan có hiệu lực ở mỗi nước và điều ước quốc tế mà mỗi nước
là thành viên.
2. Hiệp định này không làm ảnh hưởng đến quyền và
nghĩa vụ của các Bên theo các điều ước quốc tế mà các Bên hiện là thành viên.
Điều
6
Bất kỳ bất đồng nào phát sinh
từ việc diễn giải hoặc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua
trao đổi giữa các Bên.
Điều
7
1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực
sau ba mươi (30) ngày kể từ ngày ký và có hiệu lực không xác định thời hạn.
2. Một trong hai Bên có thể chấm dứt Hiệp định này
vào bất kỳ thời điểm nào bằng một thông báo bằng văn bản qua các kênh ngoại
giao, có hiệu lực sau sáu mươi (60) ngày kể từ ngày Bên kia nhận được thông
báo.
3. Hiệp định này có thể được sửa đổi khi có sự đồng
ý bằng văn bản của các Bên. Bất kỳ sửa đổi nào như vậy sẽ có hiệu lực sau ba
mươi (30) ngày kể từ ngày các Bên nhận được văn bản đồng ý và là một phần không
tách rời của Hiệp định này.
Những người ký tên dưới đây, được Chính phủ các Bên
ủy quyền đã ký Hiệp định này.
Làm tại Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2023 thành hai
(02) bản bằng tiếng Việt, tiếng Hàn và tiếng Anh, tất cả các văn bản có giá trị
như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được
ưu tiên áp dụng.
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Nguyễn Văn Thắng
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
|
THAY MẶT CHÍNH
PHỦ
NƯỚC ĐẠI HÀN DÂN QUỐC
Park Jin
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
|
PHỤ LỤC A
PHÂN HẠNG GIẤY PHÉP LÁI XE QUỐC TẾ DO NƯỚC CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM CẤP
Mã
|
Hạng phương tiện
|
A
|
Mô tô
|
A1
|
Xe mô tô có dung tích không vượt quá 125 cm3
và động cơ không vượt quá 11 kW (xe mô tô hạng nhẹ)
|
B
|
Xe cơ giới, trừ xe hạng A, có trọng tải tối đa
cho phép không vượt quá 3.500 kg và không quá 8 chỗ ngoài chỗ của lái xe; hoặc
xe cơ giới hạng B có gắn kèm rơ moóc và tải trọng tối đa cho phép không vượt
quá 750 kg; hoặc phương tiện cơ giới hạng B có gắn kèm rơ moóc với tải trọng
tối đa vượt quá 750 kg nhưng không vượt quá tải trọng không chất tải của
phương tiện cơ giới đó và trọng lượng tổng cộng tối đa cho phép của cả phương
tiện cơ giới và xe rơ moóc không vượt quá 3.500 kg
|
B1
|
Mô tô ba bánh và bốn bánh
|
C
|
Phương tiện cơ giới, khác với phương tiện hạng D,
có tải trọng tối đa cho phép vượt quá 3.500 kg; hoặc phương tiện cơ giới hạng
C có gắn kèm rơ moóc có tải trọng tối đa cho phép không vượt quá 750 kg
|
C1
|
Phương tiện cơ giới, ngoại trừ các phương tiện cơ
giới theo hạng D, có trọng lượng tối đa cho phép vượt quá 3.500 kg nhưng không
vượt quá 7.500 kg, hoặc phương tiện cơ giới hạng C1 có gắn kèm xe rơ moóc với
tải trọng tối đa không vượt quá 750 kg
|
D
|
Phương tiện cơ giới được sử dụng để chuyên chở
hành khách và hơn 8 chỗ ngoài chỗ của lái xe; hoặc phương tiện cơ giới hạng D
có gắn kèm rơ moóc với tải trọng tối đa cho phép không vượt quá 750 kg
|
D1
|
Phương tiện cơ giới được dùng để chở khách và có
hơn 8 chỗ ngoài chỗ của lái xe nhưng không vượt quá 16 chỗ ngoài chỗ của lái
xe; hoặc phương tiện cơ giới hạng D1 có gắn kèm xe rơ moóc, với tải trọng tối
đa không vượt quá 750 kg
|
BE
|
Phương tiện cơ giới hạng B có gắn xe rơ moóc với
tải trọng tối đa cho phép lớn hơn 750 kg và vượt quá tải trọng không chất tải
của phương tiện cơ giới; hoặc phương tiện cơ giới hạng B có gắn kèm xe rơ
moóc có tải trọng tối đa vượt quá 750 kg và trọng lượng tổng cộng tối đa cho
phép của cả phương tiện cơ giới và xe rơ moóc vượt quá 3.500 kg
|
CE
|
Phương tiện cơ giới hạng C có gắn kèm xe rơ moóc
có tải trọng tối đa cho phép vượt quá 750 kg
|
C1E
|
Phương tiện cơ giới hạng C1 có gắn xe rơ moóc với
tải trọng tối đa vượt quá 750 kg nhưng không vượt quá tải trọng không tải của
phương tiện cơ giới, với tổng trọng lượng của phương tiện cơ giới và xe rơ
moóc không vượt quá 12.000 kg
|
DE
|
Phương tiện cơ giới hạng D có gắn kèm xe rơ moóc
có tải trọng tối đa cho phép vượt quá 750 kg
|
D1E
|
Phương tiện cơ giới hạng D1 có gắn xe rơ moóc,
không sử dụng để chở hành khách với tải trọng tối đa vượt quá 750 kg nhưng
không vượt quá tải trọng không tải của phương tiện cơ giới, với tổng trọng lượng
của phương tiện cơ giới và xe rơ moóc không vượt quá 12.000 kg
|
PHỤ LỤC B
PHÂN HẠNG GIẤY PHÉP LÁI XE QUỐC TẾ DO NƯỚC ĐẠI HÀN DÂN
QUỐC CẤP
Mã
|
Hạng phương tiện
|
A
|
Phương tiện cơ giới hai bánh, có hoặc không có thùng
xe, phương tiện dành cho người tàn tật và phương tiện cơ giới ba bánh với trọng
lượng xe không quá 400 kg (900 lbs.)
|
B
|
Phương tiện chở khách không quá 8 chỗ ngoài chỗ của
lái xe hoặc phương tiện chở hàng có trọng tải cho phép tối đa không vượt quá
3.500 kg (7.700 lbs.). Phương tiện hạng này có thể gắn kèm một rơ moóc nhẹ
|
C
|
Phương tiện cơ giới chở hàng có trọng tải cho
phép tối đa vượt quá 3.500 kg (7.700 lbs.). Phương tiện hạng này có thể gắn
kèm một rơ moóc nhẹ
|
D
|
Phương tiện cơ giới được sử dụng để chuyên chở
hành khách và có hơn 8 chỗ ngoài chỗ của lái xe. Phương tiện hạng này có thể
gắn kèm một rơ moóc nhẹ
|
E
|
Phương tiện cơ giới hạng B, C hoặc D, như được
cho phép ở trên, gắn kèm một rơ moóc không phải hạng nhẹ
|
“Trọng lượng tối đa cho phép” của một phương tiện
là tổng trọng lượng xe và trọng lượng hàng hóa tối đa. “Trọng lượng hàng hóa tối
đa” là trọng lượng hàng hóa cho phép do cơ quan có thẩm quyền của nước đăng ký
phương tiện công bố. “Rơ moóc nhẹ” là rơ moóc với trọng lượng tối đa cho phép
không quá 750 kg (1.650 lbs.).