CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 143/2017/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 12 năm 2017
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH BẢO VỆ CÔNG TRÌNH HÀNG HẢI
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật
hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định bảo vệ
công trình hàng hải.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về bảo vệ công trình hàng hải
tại Việt Nam, bao gồm: Phạm vi bảo vệ công trình hàng hải, xác định phạm vi bảo
vệ công trình hàng hải trong một số trường hợp đặc biệt, giám sát việc thực hiện
và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong hoạt động bảo vệ
công trình hàng hải.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá
nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ công trình hàng hải trong vùng
nước cảng biển và vùng biển của Việt Nam.
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng pháp
luật về bảo vệ công trình hàng hải
Bảo vệ công trình hàng hải được thực hiện theo quy
định tại Nghị định này, quy định của Bộ luật
hàng hải Việt Nam năm 2015 và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Điều 4. Các hành vi bị cấm
trong bảo vệ công trình hàng hải
1. Xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất nguy hại
trái quy định có khả năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng công trình hàng hải khi chưa
được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Thải các chất thải làm hư hại, ảnh hưởng đến độ
bền và tuổi thọ của công trình hàng hải.
3. Nạo vét trái phép trên luồng hàng hải, phạm vi bảo
vệ luồng hàng hải, vùng nước cảng biển hoặc nạo vét không đúng yêu cầu kỹ thuật
đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; thực hiện giám sát nạo vét và đổ bùn
đất nạo vét không đúng quy định.
4. Thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản, cắm
đăng đáy, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trong luồng hàng hải và phạm vi bảo
vệ công trình hàng hải.
5. Lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.
6. Thực hiện các hành vi gây cản trở việc quản lý,
khai thác, sử dụng, bảo vệ công trình hàng hải.
7. Điều khiển tàu thuyền và phương tiện khác sai
quy định gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình hàng hải.
8. Các hành vi khác làm ảnh hưởng đến an toàn trong
quản lý, khai thác công trình hàng hải.
9. Các hành vi khác bị cấm theo quy định của pháp luật.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ PHẠM VI BẢO
VỆ CÔNG TRÌNH HÀNG HẢI
Điều 5. Phạm vi bảo vệ công
trình hàng hải
1. Công trình hàng hải bao gồm bến cảng, cầu cảng,
cảng dầu khí ngoài khơi, bến phao, luồng hàng hải, vũng quay tàu, báo hiệu hàng
hải, hệ thống hỗ trợ hàng hải, đê chắn sóng, đê chắn cát, kè hướng dòng, kè bảo
vệ bờ được đầu tư xây dựng hoặc thiết lập trong vùng nước cảng biển và vùng biển
của Việt Nam.
2. Phạm vi bảo vệ công trình bến cảng, cầu cảng được
tính từ rìa ngoài cùng của công trình đến hết giới hạn phía ngoài của vùng nước
trước bến cảng, cầu cảng.
3. Phạm vi bảo vệ công trình bến cảng, cầu cảng, bến
trụ tựa có kết hợp phao neo hoặc trụ neo được tính từ vị trí tâm rùa neo phao
neo hoặc tâm của trụ neo và rìa ngoài cùng của công trình bến cảng, cầu cảng, bến
trụ tựa ra đến hết giới hạn phía ngoài của vùng nước trước bến theo thiết kế và
về các phía còn lại được xác định theo quy chuẩn kỹ thuật công trình, cụ thể
như sau:
a) Tối thiểu 60 m đối với công trình có cao độ đáy
bến thiết kế hoặc phao neo có chiều sâu khu nước tính từ đáy bến đến mực nước
thấp thiết kế lớn hơn 20 m;
b) Tối thiểu 50 m đối với công trình có cao độ đáy
bến thiết kế hoặc phao neo có chiều sâu khu nước tính từ đáy bến đến mực nước
thấp thiết kế từ 16 m đến 20 m;
c) Tối thiểu 40 m đối với công trình có cao độ đáy
bến thiết kế hoặc phao neo có chiều sâu khu nước tính từ đáy bến đến mực nước
thấp thiết kế từ 12 m đến 16 m;
d) Tối thiểu 30 m đối với công trình có cao độ đáy
bến thiết kế hoặc phao neo có chiều sâu khu nước tính từ đáy bến đến mực nước
thấp thiết kế từ 8 m đến 12 m;
đ) Tối thiểu 20 m đối với công trình có cao độ đáy
bến thiết kế hoặc phao neo có chiều sâu khu nước tính từ đáy bến đến mực nước
thấp thiết kế nhỏ hơn 8 m;
e) Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình bến cảng, cầu
cảng, bến trụ tựa, phao neo phụ trợ trùng với hành lang an toàn đường bộ, đường
sắt, đường thủy nội địa hoặc vượt qua mép bờ tự nhiên về phía bờ, vượt qua giới
hạn phía ngoài của vùng nước trước bến thì phạm vi bảo vệ công trình được xác định
đến hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa hoặc mép bờ tự
nhiên, giới hạn phía ngoài vùng nước trước bến.
4. Phạm vi bảo vệ công trình cảng dầu khí ngoài
khơi được giới hạn bởi vành đai an toàn có chiều rộng 500 m tính từ điểm nhô ra
xa nhất của công trình cảng dầu khí ngoài khơi và vùng cấm hành hải, thả neo có
chiều rộng 02 hải lý tính từ vị trí tọa độ của công trình cảng dầu khí ngoài
khơi.
5. Phạm vi bảo vệ công trình bến phao được tính từ
vị trí tâm rùa neo bến phao đến hết giới hạn vùng nước neo đậu tàu theo thiết kế
và từ đường nối các vị trí tâm rùa neo về các phía còn lại được xác định theo
quy chuẩn kỹ thuật phao neo, cụ thể như sau:
a) Tối thiểu 60 m đối với công trình có chiều sâu
khu nước tính từ cao độ đáy bến đến mực nước thấp thiết kế lớn hơn 20 m;
b) Tối thiểu 50 m đối với khu vực bến phao có chiều
sâu khu nước tính từ cao độ đáy bến đến mực nước thấp thiết kế từ 16 m đến 20
m;
c) Tối thiểu 40 m đối với khu vực bến phao có chiều
sâu khu nước tính từ cao độ đáy bến đến mực nước thấp thiết kế từ 12 m đến 16
m;
d) Tối thiểu 30 m đối với khu vực bến phao có chiều
sâu khu nước tính từ cao độ đáy bến đến mực nước thấp thiết kế từ 8 m đến 12 m;
đ) Tối thiểu 20 m đối với khu vực bến phao có chiều
sâu khu nước tính từ cao độ đáy bến đến mực nước thấp thiết kế nhỏ hơn 8 m.
6. Phạm vi bảo vệ công trình trụ đỡ băng chuyền, đường
ống (đối với bến cảng, cầu cảng có hệ thống trụ đỡ băng chuyền, đường ống) được
tính từ rìa ngoài cùng của công trình theo phương thẳng đứng ra hai bên tối thiểu
là 5 m.
7. Phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được tính từ vị
trí của tâm rùa neo phao báo hiệu luồng hàng hải ra hai bên luồng được xác định
theo quy chuẩn kỹ thuật luồng hàng hải, cụ thể như sau:
a) Tối thiểu 60 m đối với luồng hàng hải có bề rộng
luồng lớn hơn 210 m và cao độ đáy thiết kế lớn hơn 20 m ở cửa biển, trên biển,
cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào bề rộng luồng lớn
hơn 230 m, cao độ đáy thiết kế lớn hơn 17 m;
b) Tối thiểu 50 m đối với luồng hàng hải có bề rộng
luồng từ 190 m đến 210 m và cao độ đáy thiết kế từ 16 m đến 20 m ở cửa biển,
trên biển, cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào có bề rộng
luồng từ 210 m đến 230 m, cao độ đáy thiết kế từ 14 m đến 17 m;
c) Tối thiểu 40 m đối với luồng hàng hải có bề rộng
luồng từ 140 m đến 190 m và cao độ đáy thiết kế từ 14 m đến 16 m ở cửa biển,
trên biển, cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào có bề rộng
luồng từ 150 m đến 210 m và cao độ đáy thiết kế từ 12 m đến 14 m;
d) Tối thiểu 30 m đối với luồng hàng hải có bề rộng
luồng từ 80 m đến 140 m và cao độ đáy thiết kế từ 8 m đến 14 m ở cửa biển, trên
biển, cửa vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào có bề rộng luồng
từ 90 m đến 150 m và cao độ đáy thiết kế từ 7 m đến 12 m;
đ) Tối thiểu 20 m đối với luồng hàng hải có bề rộng
luồng nhỏ hơn 80 m và cao độ đáy thiết kế nhỏ hơn 8 m ở cửa biển, trên biển, cửa
vịnh hở; luồng trong sông, trong vịnh kín hoặc kênh đào có bề rộng luồng nhỏ
hơn 90 m và cao độ đáy thiết kế nhỏ hơn 7 m.
8. Phạm vi bảo vệ công trình chỉnh trị được xác định
cụ thể như sau:
a) Đối với công trình đê chắn sóng, đê chắn cát được
tính từ chân đê về phía luồng tối thiểu là 20 m; về phía biển tối thiểu là 200
m; về phía bờ tối thiểu là 25 m;
b) Đối với công trình kè bảo vệ bờ được tính từ đầu
kè về hai phía tối thiểu là 50 m; từ chân kè trở ra luồng tối thiểu là 20 m; từ
chân kè về phía bờ tối thiểu là 5 m đối với khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch
và 25 m đối với khu vực khác;
c) Đối với công trình kè chỉnh trị khác được tính từ
chân kè ra phía ngoài tối thiểu là 50 m,
9. Phạm vi bảo vệ công trình báo hiệu hàng hải được
tính từ tâm của báo hiệu hàng hải (tâm của đèn biển, tâm của rùa neo phao báo
hiệu nổi) ra phía ngoài được xác định theo quy chuẩn kỹ thuật báo hiệu hàng hải,
cụ thể như sau:
a) Tối thiểu 60 m đối với đèn biển có tầm hiệu lực
ánh sáng lớn hơn 20 hải lý hoặc phao báo hiệu nổi có độ sâu tại vị trí thả phao
lớn hơn 20 m tính đến mực nước thấp thiết kế;
b) Tối thiểu 50 m đối với đèn biển có tầm hiệu lực
ánh sáng từ 15 hải lý đến 20 hải lý hoặc phao báo hiệu nổi có độ sâu tại vị trí
thả phao từ 16 m đến 20 m tính đến mực nước thấp thiết kế;
c) Tối thiểu 40 m đối với đèn biển có tầm hiệu lực
ánh sáng từ 10 hải lý đến 15 hải lý hoặc phao báo hiệu nổi có độ sâu tại vị trí
thả phao từ 12 m đến 16 m tính đến mực nước thấp thiết kế;
d) Tối thiểu 30 m đối với đèn biển có tầm hiệu lực
ánh sáng nhỏ hơn 10 hải lý hoặc phao báo hiệu nổi có độ sâu tại vị trí thả phao
từ 8 m đến 12 m tính đến mực nước thấp thiết kế;
đ) Tối thiểu 20 m đối với báo hiệu hàng hải khác.
10. Phạm vi bảo vệ công trình hàng hải phần trên
không (chiều cao tĩnh không), phần dưới mặt đất được xác định cụ thể đối với từng
công trình trên cơ sở quy hoạch phát triển cảng biển và luồng hàng hải, quy chuẩn
kỹ thuật và quy định có liên quan của pháp luật.
11. Cơ quan có thẩm quyền khi thỏa thuận vị trí xây
dựng, công bố đưa công trình hàng hải vào sử dụng theo quy định phải bao gồm cả
nội dung về phạm vi bảo vệ công trình hàng hải.
Điều 6. Xác định phạm vi bảo vệ
công trình hàng hải trong một số trường hợp đặc biệt
1. Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình hàng hải
trùng với phạm vi bảo vệ các công trình phòng, chống lụt, bão, bảo vệ đê thì thực
hiện theo quy định có liên quan của pháp luật về phòng, chống lụt, bão, pháp luật
về đê điều.
2. Trường hợp phạm vi bảo vệ luồng hàng hải trùng với
hành lang an toàn đường bộ, đường sắt hoặc vượt qua mép bờ tự nhiên về phía bờ
thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được xác định đến mép bờ tự nhiên.
3. Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình hàng hải
trùng với hành lang an toàn đường thủy nội địa thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải
được xác định đến phạm vi hành lang an toàn đường thủy nội địa.
4. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ công trình
hàng hải trùng với hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt, đường dây điện,
cáp treo thì thực hiện theo quy định có liên quan về bảo vệ hành lang an toàn cầu,
đường dây điện, cáp treo.
5. Trường hợp phạm vi bảo vệ luồng hàng hải trùng với
phạm vi bảo vệ công trình bến cảng, cầu cảng thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải
được xác định đến phạm vi bảo vệ công trình bến cảng, cầu cảng.
6. Đối với công trình cảng biển xếp dỡ hàng chuyên
dùng, công trình chỉnh trị thì hành lang an toàn tối thiểu phải được thực hiện
theo quy định tại Nghị định này, đồng thời khoảng cách an toàn vẫn phải tuân thủ
theo các quy định có liên quan đối với công trình cầu cảng xếp dỡ hàng chuyên
dùng hoặc công trình chỉnh trị có liên quan.
7. Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình hàng hải
liên quan đến công trình an ninh, quốc phòng liền kề phải có ý kiến thống nhất
của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng.
8. Trường hợp phạm vi bảo vệ công trình hàng hải
trùng với phạm vi bảo vệ hành lang bờ biển thì phạm vi bảo vệ luồng hàng hải được
xác định đến phạm vi hành lang an toàn bờ biển.
Điều 7. Lấy ý kiến về nội dung
trong quy hoạch có ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình hàng hải
1. Khi tiến hành xây dựng quy hoạch chuyên ngành có
ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình hàng hải, các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được văn bản của các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Giao thông vận tải có văn
bản trả lời về sự phù hợp của nội dung quy hoạch đối với phạm vi bảo vệ công
trình hàng hải, trường hợp nội dung quy hoạch không phù hợp với phạm vi bảo vệ
công trình hàng hải, Bộ Giao thông vận tải phải hướng dẫn người đề nghị về phạm
vi bảo vệ công trình hàng hải theo quy định.
3. Trên cơ sở ý kiến tham gia của Bộ Giao thông vận
tải, các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu
tư, nhà thầu thiết kế, thi công và tổ chức, cá nhân liên quan tuân thủ các quy
định về bảo vệ công trình hàng hải theo quy định của Nghị định này và quy định
khác có liên quan của pháp luật.
Điều 8. Phương án bảo vệ công
trình hàng hải
1. Nội dung phương án bảo vệ công trình hàng hải
theo quy định tại Điều 125 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015,
gồm các nội dung sau:
a) Xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải;
b) Thiết lập báo hiệu hàng hải đối với công trình
hàng hải;
c) Nhân lực, địa chỉ, số điện thoại liên hệ trong
thực hiện bảo vệ công trình hàng hải;
d) Phương tiện, công cụ phục vụ việc bảo vệ công
trình hàng hải;
đ) Kế hoạch thực hiện bảo vệ công trình hàng hải và
biện pháp kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư hoặc của người quản lý khai thác
công trình;
e) Biện pháp xử lý khi xảy ra hư hỏng, tai nạn hàng
hải, sự cố hoặc hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an toàn trong khai thác công
trình hàng hải;
g) Đề xuất nguyên tắc, cơ chế, cách thức phối hợp
giữa chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác công trình với Cảng vụ hàng hải và
cơ quan có thẩm quyền tại khu vực có công trình hàng hải.
2. Thẩm quyền, trách nhiệm xây dựng, thẩm định và
phê duyệt phương án bảo vệ công trình hàng hải
a) Đối với các công trình hàng hải đang chuẩn bị đầu
tư thì chủ đầu tư công trình tổ chức xây dựng phương án bảo vệ công trình hàng
hải với các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và bổ sung vào hồ sơ dự án để
trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt cùng với dự án đầu tư.
b) Đối với các công trình hàng hải đã đưa vào khai
thác, sử dụng nhưng chưa có phương án bảo vệ công trình hàng hải thì người quản
lý khai thác, sử dụng công trình hàng hải có trách nhiệm tổ chức xây dựng
phương án bảo vệ công trình hàng hải với các nội dung quy định tại khoản 1 Điều
này, đồng thời tổ chức thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bảo
vệ công trình hàng hải.
3. Phương án bảo vệ công trình hàng hải sau khi được
tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải phê duyệt
phải gửi cho Cảng vụ hàng hải để kiểm tra, giám sát và phối hợp thực hiện.
Điều 9. Giám sát thực hiện xây
dựng công trình ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình hàng hải
1. Việc xây dựng các công trình phải phù hợp với
quy hoạch phát triển cảng biển và các quy hoạch khác có liên quan đã được phê
duyệt, đáp ứng các quy định về bảo vệ công trình hàng hải và bảo đảm an toàn
hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường theo quy định của Nghị định này
và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
2. Trong quá trình xây dựng công trình có ảnh hưởng
đến phạm vi bảo vệ công trình hàng hải, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản
lý khai thác công trình phải thực hiện quy định về giám sát thực hiện xây dựng
công trình trong vùng nước cảng biển, phương án bảo đảm an toàn hàng hải và các
quy định khác theo quy định của Nghị định này, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày
10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động
hàng hải và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
3. Cảng vụ hàng hải khu vực tổ chức kiểm tra, giám
sát việc thực hiện xây dựng công trình ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình
hàng hải phù hợp với quy hoạch, phương án bảo vệ công trình đã được phê duyệt,
bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
4. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai
thác công trình hàng hải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về quản lý quy hoạch,
đầu tư xây dựng, khai thác, bảo trì công trình để luôn bảo đảm chất lượng và an
toàn trong khai thác, vận hành công trình.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN,
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH HÀNG HẢI
Điều 10. Trách nhiệm của Bộ
Giao thông vận tải
1. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật,
quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến bảo vệ công trình hàng hải.
2. Tổ chức chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm
tra, giám sát, thanh tra, xử lý hành vi vi phạm trong việc thực hiện các quy định
của pháp luật về bảo vệ công trình hàng hải theo quy định.
3. Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức rà soát,
hướng dẫn tổ chức, cá nhân liên quan hoàn thiện phương án bảo vệ đối với các
công trình hàng hải đã được khai thác, sử dụng trước ngày Nghị định này có hiệu
lực thi hành nhưng chưa có phương án bảo vệ công trình hàng hải.
4. Tổ chức hướng dẫn việc xác định phạm vi bảo vệ
công trình hàng hải theo đề nghị của chủ đầu tư hoặc người quản lý khai thác
công trình hàng hải.
5. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ
chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hàng hải tại cảng biển trong việc thực
hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình hàng hải.
6. Triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ
thông tin vào hoạt động quản lý bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi và hiệu quả cho
hoạt động bảo vệ công trình hàng hải.
Điều 11. Trách nhiệm của Bộ
Công an và Bộ Quốc phòng
Chỉ đạo hướng dẫn lực lượng trong ngành kiểm tra, xử
lý hành vi vi phạm về bảo vệ công trình hàng hải theo thẩm quyền.
Điều 12. Trách nhiệm của Bộ
Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ
Giao thông vận tải hướng dẫn việc giao khu vực biển để ưu tiên xây dựng cảng biển
và luồng hàng hải phù hợp quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài
nguyên vùng bờ và quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đã được phê duyệt.
Điều 13. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với
Cảng vụ hàng hải thực hiện bảo vệ và xử lý kịp thời hành vi vi phạm công trình
hàng hải theo quy định.
Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình hàng hải
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ
công trình hàng hải theo quy định tại Nghị định này.
2. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo
vệ, bảo trì công trình hàng hải để luôn bảo đảm chất lượng công trình ở tình trạng
khai thác an toàn, bình thường.
3. Phối hợp với Cảng vụ hàng hải và các cơ quan chức
năng trong việc điều tra tai nạn hàng hải có liên quan đến công trình hàng hải
do mình đầu tư xây dựng hoặc quản lý khai thác theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Phối hợp quản lý
trong công tác bảo vệ công trình hàng hải
1. Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp
hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển trong bảo
vệ công trình hàng hải.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng
biển có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau khi xử lý kịp thời các vi phạm
hoặc sự cố, tai nạn hàng hải xảy ra đối với công trình hàng hải.
3. Các vướng mắc phát sinh liên quan đến chức năng,
nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác đều phải được trao
đổi thống nhất để giải quyết kịp thời; trường hợp có sự không thống nhất, phải
kịp thời thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết để giải quyết theo quy định của
pháp luật. Trường hợp có vướng mắc phát sinh vượt quá thẩm quyền giải quyết của
cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nào thì cơ quan đó phải kịp thời báo cáo
cơ quan quản lý cấp trên của mình để giải quyết ngay; khi cần thiết, các bộ,
ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để giải
quyết nhưng chậm nhất là sau 04 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo phải thông báo
quyết định xử lý của mình cho cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan biết.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 02 năm 2018 và thay thế Nghị định số 109/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm
2014 của Chính phủ về Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải.
Điều 17. Điều khoản chuyển tiếp
1. Các dự án xây dựng công trình hàng hải đã được
thỏa thuận đầu tư xây dựng trước ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định này
nhưng chưa được đưa vào khai thác, sử dụng thì tiếp tục được thực hiện theo quy
định tại Nghị định số 109/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về
Quy chế bảo vệ công trình cảng biển và luồng hàng hải.
2. Đối với các công trình hàng hải đã được khai thác,
sử dụng trước ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định này nhưng chưa có phương
án bảo vệ công trình hàng hải thì người quản lý khai thác, sử dụng công trình
hàng hải phải hoàn thành phương án bảo vệ công trình hàng hải theo quy định của
Nghị định này để triển khai thực hiện trước ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Điều 18. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm
chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương có liên quan tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, CN (2b).PC
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|