ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 15/2003/CT-UB
|
Bến Tre, ngày 29
tháng 12 năm 2003
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH
Qua thời gian tổ chức thực hiện Luật Giao thông
đường bộ; Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 14-3-2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao
thông; Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19-11-2002 của Chính phủ về các giải
pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao
thông; Nghị định số 14/2003/NĐ-CP của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một
số điều của Luật Giao thông đường bộ; Nghị định 15/2003/NĐ-CP của Chính phủ Qui
định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và Chỉ thị số 06/CT-TU
ngày 21-3-2003 của Tỉnh ủy Bến Tre về tăng cường sự lãnh đạo của cấp Ủy Đảng
đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Ủy ban
nhân dân tỉnh đã tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp tích cực, kiên
quyết, nên tình hình trật tự, an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực,
hạn chế sự gia tăng số vụ tai nạn giao thông.
Song điều đáng quan tâm là tình hình trật tự an
toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, tính chất vi phạm ngày càng nghiêm
trọng, số người chết do tai nạn giao thông tăng. Sự phối hợp giữa các ngành,
các cấp còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm
soát, xử lý vi phạm chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Các cơ quan có trách
nhiệm quản lý trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, đặc biệt là Ủy ban nhân
dân cấp xã, phường, thị trấn chưa làm hết trách nhiệm. Ý thức tôn trọng, chấp
hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân còn thấp.
Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông nhằm hạn
chế gia tăng tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản cho nhân
dân, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp
luật về trật tự, an toàn giao thông một cách sâu rộng, bằng nhiều hình thức phù
hợp để nâng dần ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của
cán bộ, nhân dân, học sinh. Chú trọng tuyên truyền giáo dục ý thức tự bảo vệ
bản thân của người dân qua việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy nhằm
hạn chế tử vong khi xảy ra tai nạn do chấn thương sọ não.
Ban an toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở Tư
pháp, Sở Văn hóa – Thông tin, Sở Giáo dục – Đào tạo, Đài Phát thanh – Truyền
hình, Báo Đồng Khởi, các đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã, các Bản tin trong
tỉnh và các đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp
luật về trật tự an toàn giao thông với nhiều hình thức thích hợp, có hiệu quả.
2) Công an tỉnh: Cần bố trí lực lượng để tuần
tra, kiểm soát lưu động thường xuyên, đều khắp trên các tuyến đường nhằm ngăn
chặn, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt chú ý xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cao như: lạng lách, đánh võng, giành
đường, lấn đường, phóng nhanh, tránh vượt trái luật, uống rượu bia say điều
khiển xe mô tô, xe máy. Đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp không đội mũ
bảo hiểm theo quy định.
Tăng cường các biện pháp kiểm tra phát hiện vi
phạm thông qua chụp ảnh, ghi hình, tin báo của quần chúng nhân dân, làm rõ và
kiên quyết xử lý nghiêm khi có đủ cơ sở. Tránh để lọt những hành vi vi phạm
nghiêm trọng.
Trong những dịp lễ, Tết, cần huy động lực lượng
tăng cường tuần tra, kiểm soát trên những tuyến, địa bàn trọng điểm nhằm hạn
chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm
các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
3) Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với Sở Xây
dựng, UBND huyện, thị xây dựng quy chế quản lý lòng đường, lề đường, vỉa hè,
chỉ giới xây dựng, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy trên địa
bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn UBND huyện, thị thực hiện đúng quy
chế.
- Tổ chức chặt chẽ, có chất lượng việc đào tạo,
kiểm tra công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cấp giấy chứng nhận đăng ký
phương tiện thủy, kiểm định phương tiện không để xảy ra tiêu cực.
- Thực hiện việc kiểm tra kết cấu hạ tầng giao
thông, cầu, đường cống trên các tuyến đường giao thông do tỉnh quản lý.
- Tăng cường công tác kiểm tra, sửa chữa và bố
trí mốc lộ giới, cọc tiêu, biển báo trên các tuyến đường do tỉnh quản lý.
Thường xuyên phát quang lề đường, khai rãnh thoát nước, chú trọng công tác duy
tu, bảo dưỡng cầu, đường.
- Kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp phương
tiện chở quá tải, quá khổ cầu đường, xây dựng, lấn chiếm hành lang an toàn giao
thông đường bộ, đường thủy nội địa.
- Tăng cường quản lý đường thủy nội địa, đặc
biệt là các bến đò ngang. Kiên quyết đình chỉ các bến đò ngang không xin phép
hoặc không đủ điều kiện an toàn. Tổ chức tốt công tác đăng ký, đăng kiểm các
phương tiện giao thông thủy.
- Phối hợp với Công an tỉnh trong việc tuần tra,
kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải đường
thủy, đường bộ và trật tự an toàn giao thông theo thẩm quyền.
4) Ủy ban nhân dân huyện, thị: Chỉ đạo tuyên
truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn; quản lý các tuyến đường giao
thông thủy, bộ được phân cấp.
- UBND huyện, thị thành lập Đội quản lý công
trình giao thông và đô thị thực hiện nhiệm vụ công tác duy tu, sửa chữa hệ
thống giao thông nông thôn và đường đô thị tại địa phương đảm bảo ATGT.
Kiên quyết đình chỉ các bến đò ngang không đảm
bảo các quy định về an toàn, không có giấy phép mở bến. Giao trách nhiệm cho
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý bến đò ngang trong việc
làm thủ tục mở bến, thực hiện quyết định đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền,
thường xuyên kiểm tra đôn đốc các chủ bến thủy nội địa tiến hành các thủ tục mở
bến theo quy định.
Cụ thể hóa quy chế quản lý lòng đường, lề đường,
vỉa hè, chỉ giới xây dựng, hành lang an toàn giao thông của UBND tỉnh để quản
lý trên địa bàn.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn
phải chủ động nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, giữ gìn trật tự, an toàn
giao thông trên địa bàn. Cụ thể:
- Tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm
trật tự an toàn giao thông xảy ra trên địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn theo quy định của Pháp lệnh xử lý
vi phạm hành chính và Nghị định số 15/2003/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Chú trọng ngăn chặn, xử lý hành vi phơi lúa,
hoa màu, rơm rạ hay những vật khác trên đường giao thông.
- Phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc chuyển các cơ
quan có thẩm quyền xử lý và buộc khắc phục hậu quả những trường hợp xe máy kéo
sử dụng bánh lồng đi trên đường giao thông hoặc lôi kéo các vật khác gây hư
hỏng cầu đường.
- Phải bảo vệ tốt những đoạn đường giao thông
nông thôn sau khi xây dựng đưa vào sử dụng. Chỗ nào xuống cấp, hư hỏng Ủy ban
nhân dân cấp xã phải khắc phục, sửa chữa ngay.
- Ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi lấn
chiếm lòng lề đường, hành lang bảo vệ đường bộ, chỉ giới xây dựng, lấn hẻm để
kinh doanh, mua bán, xây dựng công trình. Những trường hợp xây dựng trái phép
phải lập biên bản, đình chỉ ngay, xử lý vi phạm và buộc tháo dỡ triệt để.
- Có biện pháp quản lý để đảm bảo đường thông,
hè thoáng, sắp xếp bố trí biển hiệu, biển quảng cáo, nơi họp chợ, buôn bán hợp
lý để không gây cản trở, ách tắc giao thông.
- Nơi nào không tổ chức thực hiện tốt thì Chủ
tịch UBND xã, phường, thị trấn sẽ bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật.
- Chỉ đạo công an xã, phường, thị trấn thường
xuyên kiểm tra, theo dõi, giáo dục các hộ gia đình thực hiện “Bản cam kết thực
hiện an toàn giao thông”.
5) Sở Kế hoạch – Đầu tư, Phòng Kinh tế (hoặc
Phòng Công thương) huyện, thị, Chi cục Quản lý thị trường: Phối hợp, hỗ trợ
trong việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng lề đường, kiên quyết đình chỉ kinh
doanh hoặc rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh tái phạm nhiều
lần.
6) Sở Giáo dục – Đào tạo: Chỉ đạo Hiệu trưởng
các trường học trong tỉnh thường xuyên giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về
trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên. Nghiêm cấm học sinh đi học
bằng xe mô tô, xe máy. Chỉ đạo Ban giám hiệu các trường hướng dẫn học sinh và
phụ huynh đưa rước con em phải có trật tự, tránh ùn tắc giao thông trước cổng
trường.
7) Sở Văn hóa – Thông tin: Ngoài trách nhiệm
tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho nhân dân, cần đề cao
trách nhiệm kiểm tra, quản lý chặt việc treo băng rôn, panô, áp phích, cờ trang
trí tuyên truyền cổ động để không ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Đồng thời
quản lý chặt việc dựng, đặt, treo… các biển hiệu, quảng cáo. Kiên quyết xử lý
và buộc khắc phục hậu quả những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến an toàn
giao thông và mỹ quan đô thị.
8) Sở Tài chính: Đảm bảo kinh phí cho các hoạt
động bảo vệ trật tự an toàn giao thông. Chi bồi dưỡng kịp thời cho lực lượng
tuần tra, kiểm soát làm thêm ca, thêm giờ. Cấp kinh phí mua các thiết bị, dụng
cụ cần thiết cho việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm.
9) Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ
quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị vũ trang: Có trách nhiệm giáo dục cán
bộ, công nhân viên, chiến sĩ thuộc quyền quản lý, có ý thức chấp hành pháp luật
về trật tự an toàn giao thông và tham gia các hoạt động đảm bảo trật tự an toàn
giao thông. Nghiêm cấm việc bao che, bảo lãnh người vi phạm. Phải đưa nội dung
chấp hành luật giao thông vào tiêu chuẩn đăng ký và bình xét thi đua.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có lực lượng tuần
tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông cần giáo dục cán bộ,
chiến sĩ khi thi hành công vụ phải có thái độ tác phong đúng mực, không sách
nhiễu, tiêu cực. Đảm bảo việc xử lý nghiêm minh và có tính thuyết phục, giáo
dục đối với người vi phạm, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Ban an toàn giao
thông tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông – Vận tải tham mưu triển khai thực hiện
Chỉ thị này. Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện,
thị, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn căn cứ nhiệm vụ được giao trong Chỉ
thị này và nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật qui định để có kế hoạch thực
hiện cụ thể, hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc phải báo cáo ngay để Ủy ban
nhân dân tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Cao Tấn Khổng
|