Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BGDĐT 2024 Thông tư điều kiện mở ngành đào tạo tiến sĩ

Số hiệu: 07/VBHN-BGDĐT Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Người ký: Hoàng Minh Sơn
Ngày ban hành: 09/12/2024 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/VBHN-BGDĐT

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2024

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO, ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, THẠC SĨ, TIẾN SĨ

Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 04 tháng 3 năm 2022, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo[1] sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.[2]

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học; các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; viện hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Danh mục thống kê ngành đào tạo là Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV đối với các trình độ của giáo dục đại học, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Ngành đào tạo là tập hợp kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ, được thống kê, phân loại trong Danh mục thống kê ngành đào tạo.

3. Nhóm ngành đào tạo là tập hợp một số ngành đào tạo có những đặc điểm chung về chuyên môn, trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ, được thống kê, phân loại trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp III thuộc Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Lĩnh vực đào tạo là tập hợp các nhóm ngành đào tạo có những đặc điểm chung về kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong phạm vi hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ được thống kê, phân loại trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp II thuộc Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.

5.[3] (Được bãi bỏ)

6.[4] (Được bãi bỏ)

7. Thành phần của một chương trình đào tạo là một nhóm học phần và các hoạt động học tập, nghiên cứu khác có đặc điểm chung về chuyên môn; có vai trò rõ nét trong thực hiện một nhóm mục tiêu và yêu cầu đầu ra của chương trình đào tạo. Các thành phần được sử dụng để thiết kế cấu trúc tổng thể của chương trình đào tạo (như giáo dục đại cương, khoa học cơ bản, cơ sở và cốt lõi ngành, thực tập và trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, và các thành phần khác).

8. Giảng viên toàn thời gian trong mở ngành đào tạo bao gồm giảng viên cơ hữu và giảng viên ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên đang làm việc toàn thời gian tại cơ sở đào tạo (sau đây gọi chung là giảng viên toàn thời gian), cụ thể như sau:

a) Giảng viên cơ hữu được xác định theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 10 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 ngày 12 tháng 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

b) Giảng viên ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên, làm việc toàn thời gian tại cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chế độ làm việc của giảng viên đại học trong cả năm học tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mở ngành, đồng thời không ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác.

9. Giảng viên thỉnh giảng trong mở ngành đào tạo là người không thuộc diện theo quy định tại khoản 8 Điều này nhưng có ký hợp đồng thỉnh giảng với cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật, giảng dạy theo kế hoạch được phân công tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mở ngành, được cơ sở đào tạo trả lương, thù lao theo hợp đồng thỉnh giảng với cơ sở đào tạo.

10.[5] (Được bãi bỏ)

CHƯƠNG II

ĐIỀU KIỆN MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO

Điều 3. Điều kiện chung

Cơ sở đào tạo phải đáp ứng điều kiện chung khi mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ, bao gồm:

1. Về ngành đào tạo và trình độ đào tạo dự kiến mở

a) Phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, cả nước và của lĩnh vực đào tạo bảo đảm hội nhập quốc tế; bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt và công bố của các bộ, ngành, địa phương hoặc báo cáo chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có), phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chiến lược phát triển của cơ sở đào tạo;

b) Có trong Danh mục thống kê ngành đào tạo (trừ trường hợp có quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ); việc đề xuất bổ sung ngành mới vào Danh mục thống kê ngành đào tạo thực hiện theo Thông tư quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học.

2. Về đội ngũ giảng viên

a) Có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (bao gồm giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng), đáp ứng yêu cầu đội ngũ giảng viên theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo của trình độ đào tạo, lĩnh vực, nhóm ngành và ngành đào tạo, trong đó giảng viên thỉnh giảng (tính theo từng năm học) chỉ đảm nhận tối đa 30% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo; các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật (quy định tại Phụ lục I[6] ban hành kèm theo Thông tư này), giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhận tối đa 40% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo;

b) Đối với các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao (theo quy định tại Danh mục thống kê ngành đào tạo), ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này và các quy định sau:

- Giảng viên có danh hiệu là Nghệ sĩ Nhân dân hoặc Nghệ nhân Nhân dân hoặc Nhà giáo Nhân dân do Nhà nước trao tặng, đồng thời có bằng thạc sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có bằng tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo (đối với mở ngành đào tạo trình độ đại học); hoặc đồng thời có bằng tiến sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có chức danh phó giáo sư và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo;

- Riêng ngành đào tạo ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, giảng viên là người dân tộc thiểu số hoặc người có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số phù hợp với ngôn ngữ văn hóa dân tộc thiểu số của ngành đào tạo dự kiến mở, đồng thời có bằng thạc sĩ có thể thay cho giảng viên có bằng tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo (đối với mở ngành đào tạo trình độ đại học); hoặc đồng thời có bằng tiến sĩ có thể thay cho giảng viên có chức danh phó giáo sư và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo.

c) Đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe (theo quy định tại Danh mục thống kê ngành đào tạo), giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có giấy phép hành nghề[7] khám bệnh, chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.

d)[8] Giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và giảng viên chủ trì giảng dạy chương trình đào tạo phải là giảng viên cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; hằng năm trực tiếp giảng dạy trọn vẹn một số học phần bắt buộc hoặc hướng dẫn chính luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ trong chương trình đào tạo.

3. Về cơ sở vật chất

a) Có cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất theo quy định của chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo và các quy định tại Thông tư này;

b) Có đủ phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, cơ sở sản xuất thử nghiệm, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống quản lý hỗ trợ học tập, quản lý đào tạo cùng các thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của chương trình đào tạo, phù hợp với quy mô đào tạo ở từng trình độ đào tạo và phải có kế hoạch sử dụng phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành với diện tích và các thiết bị cụ thể của từng phòng thí nghiệm, thực hành phù hợp với số lượng sinh viên thực hành, thí nghiệm tại mỗi bàn và mỗi thiết bị trong mỗi phòng thí nghiệm, phòng thực hành, phù hợp với quy mô đào tạo theo yêu cầu của chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học;

c) Có hợp đồng hợp tác đào tạo thực hành, thực tập với các cơ sở thực hành, thực tập bên ngoài cơ sở đào tạo[9] phù hợp với kế hoạch giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học cho toàn khóa học; các cơ sở thực hành đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khoẻ phải có hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành bảo đảm tuân thủ theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe;

d) Có thư viện truyền thống và thư viện điện tử bảo đảm đủ giáo trình, tài liệu hỗ trợ giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên và người học; có bản quyền truy cập cơ sở dữ liệu trong nước về sách, tạp chí khoa học liên quan đến ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của ngành và trình độ đào tạo, phù hợp với quy mô đào tạo; từ năm học 2023 - 2024 trở đi, yêu cầu bắt buộc cơ sở đào tạo phải có bản quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc tế về sách, tạp chí khoa học liên quan đến ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của ngành và trình độ đào tạo, phù hợp với quy mô đào tạo;

đ) Có trang thông tin điện tử đăng tải đầy đủ thông tin yêu cầu phải công khai theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

4. Chương trình đào tạo của ngành đề xuất mở được xây dựng, thẩm định và ban hành bảo đảm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo và phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

5. Cơ sở đào tạo đã có đơn vị chuyên môn cấp khoa hoặc tương đương để quản lý các hoạt động chuyên môn, giảng viên, người học và các nhiệm vụ quản lý khác đối với ngành đào tạo dự kiến mở.

6. Cơ sở đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện tối thiểu theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định.

7. Hội đồng trường đã có nghị quyết thông qua chủ trương mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo. Trong trường hợp cơ sở đào tạo chưa có hội đồng trường phải có văn bản phê duyệt chủ trương mở ngành đào tạo của cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở đào tạo.

8.[10] Ngành phù hợp ở trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đối với một ngành đào tạo trình độ thấp hơn phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

a) Cùng tên với ngành đào tạo hoặc đáp ứng quy định trong chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

b) Trường hợp chưa có chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành tương ứng: Có căn cứ khoa học và thực tiễn và được Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo xác định là ngành có nền tảng chuyên môn gần nhất đối với ngành đào tạo, được phần lớn người tốt nghiệp ngành đào tạo lựa chọn khi học lên trình độ cao hơn;

c) Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận dựa trên ý kiến của Hội đồng tư vấn chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập.

9.[11] Ngành phù hợp ở trình độ tiến sĩ đối với một ngành đào tạo cùng trình độ phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

a) Cùng tên với ngành đào tạo hoặc đáp ứng quy định trong chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

b) Trường hợp chưa có chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành tương ứng: Có căn cứ khoa học và thực tiễn và được Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo xác định là ngành có cùng nền tảng chuyên môn và thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo;

c) Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận dựa trên ý kiến của Hội đồng tư vấn chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập.

Điều 4. Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học

Cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo trình độ đại học phải đáp ứng các điều kiện chung để mở ngành đào tạo theo quy định tại Điều 3 Thông tư này và các điều kiện cụ thể sau đây cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo:

1. Có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học của các ngành khác (trường hợp ngành đào tạo dự kiến mở là ngành ghép bởi các ngành học từ các nhóm ngành khác nhau, hoặc ngành đào tạo mang tính liên ngành được sắp xếp đồng thời vào một số nhóm ngành khác nhau, yêu cầu mỗi ngành được ghép phải có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

2. Có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình (tính cả tiến sĩ ngành phù hợp quy định tại khoản 1 Điều này), trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy. Riêng đối với các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao (theo quy định tại Danh mục thống kê ngành đào tạo), ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật (quy định tại Phụ lục I[12] ban hành kèm theo Thông tư này), phải bảo đảm tối thiểu có 03 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp.

3. Có đội ngũ giảng viên thực hiện chương trình đào tạo (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư này) bảo đảm đủ cho 02 năm học đầu của chương trình đào tạo và bảo đảm mỗi học phần của chương trình đào tạo phải có ít nhất 02 giảng viên có chuyên môn phù hợp đảm nhiệm, bảo đảm tỉ lệ sinh viên trên giảng viên theo quy định; có kế hoạch, phương án tuyển dụng, phát triển đội ngũ giảng viên cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để từ năm học thứ 3 chậm nhất trước 01 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm có đầy đủ về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học. Riêng đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe, lĩnh vực Pháp luật, lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (theo quy định tại Danh mục thống kê ngành đào tạo), phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư này) cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

4. Đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe, phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này và bảo đảm các điều kiện cụ thể về giảng viên đối với từng ngành đào tạo theo quy định tại Bảng 1, Phụ lục II[13] ban hành kèm theo Thông tư này. Đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Pháp luật, phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này và có tối thiểu 03 tiến sĩ với ngành học thuộc lĩnh vực Pháp luật.

5. Điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư này phải bảo đảm đủ cho 02 năm học đầu của chương trình đào tạo, và phải có kế hoạch, phương án đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để từ năm học thứ 3, chậm nhất trước 01 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo yêu cầu của chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học. Riêng đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe, lĩnh vực Pháp luật, lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất (quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư này) cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

6. Đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều này và phải bảo đảm các điều kiện cụ thể về phòng thí nghiệm, thực hành đối với từng ngành đào tạo theo quy định tại Bảng 2, Phụ lục II[14] ban hành kèm theo Thông tư này. Đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Pháp luật, phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều này và bảo đảm có phòng diễn án, trung tâm thực hành (tư vấn) pháp luật.

7.[15] Đối với các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam và các ngành đào tạo ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này, cơ sở đào tạo xây dựng Đề án mở ngành đào tạo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và quyết định trên cơ sở ý kiến của Hội đồng tư vấn chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập.

8.[16] Giảng viên có chuyên môn phù hợp quy định tại khoản 2 Điều này là giảng viên đáp ứng tiêu chuẩn quy định trong chuẩn chương trình đào tạo và một trong các yêu cầu sau:

a) Có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ ngành phù hợp theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Thông tư này;

b) Có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ thuộc ngành được Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo xác định phù hợp để chủ trì giảng dạy ít nhất 02 học phần cốt lõi trong một thành phần của chương trình đào tạo, đồng thời đã có ít nhất 02 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trọn vẹn các học phần đó.

Điều 5. Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ

Cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ phải đáp ứng các điều kiện chung để mở ngành theo quy định tại Điều 3 Thông tư này và các điều kiện sau đây cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo:

1. Có ít nhất 05 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

2. Bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo, trong đó có giảng viên cơ hữu với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy đối với từng môn học, học phần trong chương trình đào tạo.

3. Bảo đảm về số lượng và tiêu chuẩn của người hướng dẫn luận văn theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4.[17] Có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo, đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Ngành đào tạo trình độ thạc sĩ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ đại học;

b) Trong 05 năm gần nhất, số giảng viên quy định tại khoản 1 Điều này đã có ít nhất 02 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trên 50% số học phần trong chương trình đào tạo; đồng thời đã công bố tổng số ít nhất 20 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.

5.[18] (Được bãi bỏ)

Điều 6. Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ

Cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ phải đáp ứng các điều kiện chung để mở ngành theo quy định tại Điều 3 Thông tư này và các điều kiện sau đây cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo:

1. Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 01 giáo sư hoặc 01 phó giáo sư và 02 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

2. Bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo, giảng viên tham gia giảng dạy phải bảo đảm tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giảng dạy các nội dung trong chương trình đào tạo, trong đó phải có giảng viên cơ hữu với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy đối với từng môn học, học phần trong chương trình đào tạo.

3. Bảo đảm về số lượng và tiêu chuẩn của người hướng dẫn nghiên cứu sinh theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4.[19] Có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo, đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Ngành đào tạo trình độ tiến sĩ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ thạc sĩ;

b) Trong 05 năm gần nhất, số giảng viên quy định tại khoản 1 Điều này đã tham gia hướng dẫn 05 luận án tiến sĩ thuộc ngành đào tạo được bảo vệ thành công (tại một cơ sở đào tạo khác); đồng thời đã công bố tổng số ít nhất 50 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ.

5.[20] Đạt các tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học áp dụng cho cơ sở đào tạo tiến sĩ bao gồm:

a) Tiêu chí 2.3 về tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ;

b) Tiêu chí 6.1 về tỉ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ (trừ các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an);

c) Tiêu chí 6.2 về số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian.

CHƯƠNG III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO, ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH ĐÀO TẠO

Điều 7. Xây dựng, đề xuất và phê duyệt chủ trương mở ngành đào tạo

1. Giám đốc, viện trưởng, hiệu trưởng cơ sở đào tạo (gọi chung là hiệu trưởng) chỉ đạo, tổ chức việc xây dựng và đề xuất chủ trương về việc mở ngành đào tạo.

2. Nội dung đề xuất chủ trương về việc mở ngành gồm có:

a) Về sự cần thiết đề xuất chủ trương mở ngành đào tạo: báo cáo phân tích, thuyết minh về nhu cầu đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực phục vụ thị trường lao động hiện tại và hướng đến trong thời gian tới; phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực về số lượng, trình độ, khảo sát yêu cầu về năng lực người học sau khi tốt nghiệp mà nhà tuyển dụng mong muốn và phạm vi thị trường nhân lực theo ngành đào tạo; phân tích xu hướng phát triển ngành đào tạo trên thế giới, sự phù hợp với sự phát triển ngành và trình độ đào tạo của cơ sở đào tạo, phù hợp với sứ mạng và mục tiêu chiến lược của cơ sở đào tạo, chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, vùng và cả nước;

b) Về năng lực của cơ sở đào tạo: báo cáo phân tích, thuyết minh về năng lực hiện có của cơ sở đào tạo đối với ngành và trình độ đào tạo đề xuất mở, bao gồm đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công nghệ và[21] học liệu, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế;

c) Về mục tiêu phát triển ngành đào tạo đề xuất mở: báo cáo thuyết minh kết quả mong đợi về thời gian mở ngành đào tạo, thời gian triển khai tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo, kế hoạch và số lượng tuyển sinh, quy mô đào tạo của ngành trong thời gian từ 05 đến 10 năm tới, chất lượng đào tạo, hiệu quả và tác động xã hội;

d) Về giải pháp và lộ trình thực hiện: báo cáo thuyết minh các giải pháp và lộ trình về xây dựng đề án mở ngành đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, nhu cầu và kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu, nhu cầu và kế hoạch tuyển dụng, phát triển đội ngũ giảng viên để đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo, kế hoạch đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo;

đ) Về phương án phòng ngừa và xử lý rủi ro: báo cáo phân tích, thuyết minh dự báo các tình huống rủi ro có thể xảy ra và các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục; báo cáo phân tích cụ thể về các giải pháp xử lý rủi ro trong trường hợp cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động ngành đào tạo;

3. Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo tổ chức thẩm định và có kết luận về đề xuất chủ trương mở ngành đào tạo đã được xây dựng bảo đảm đầy đủ nội dung và chất lượng theo quy định tại khoản 2 Điều này và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.

4. Phê duyệt chủ trương mở ngành đào tạo

Trên cơ sở chủ trương đề xuất mở ngành đào tạo đã được hội đồng khoa học và đào tạo tổ chức thẩm định và có kết luận theo quy định tại khoản 3 Điều này, hiệu trưởng báo cáo trình hội đồng trường phê duyệt; giám đốc đại học báo cáo trình hội đồng đại học phê duyệt đối với ngành đào tạo có nhiều đơn vị thành viên tham gia thực hiện chương trình đào tạo. Hội đồng trường, hội đồng đại học chịu trách nhiệm về các nội dung:

a) Định hướng phát triển ngành đề xuất mở phải phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở đào tạo, bảo đảm phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương, cả nước và hội nhập quốc tế;

b) Bảo đảm nguồn lực để triển khai đề án mở ngành đào tạo đạt hiệu quả;

c) Đánh giá về dự báo rủi ro, các giải pháp ngăn ngừa, đề phòng rủi ro và cách thức giải quyết trong trường hợp xảy ra rủi ro khi mở ngành đào tạo.

Trong trường hợp cơ sở đào tạo chưa có hội đồng trường, cơ sở đào tạo trình cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở đào tạo phê duyệt và chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát việc xây dựng đề án và triển khai đề án mở ngành của cơ sở đào tạo.

5. Cơ sở đào tạo quy định cụ thể việc xây dựng và đề xuất chủ trương mở ngành đào tạo, quy định việc xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, thời gian thực hiện, dự kiến sản phẩm và tổ chức thực hiện đối với từng nội dung xây dựng và đề xuất chủ trương mở ngành đào tạo (quy định tại khoản 2 Điều này), trong đó có quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp giữa các tập thể và cá nhân của cơ sở đào tạo trong việc xây dựng và đề xuất chủ trương mở ngành, quy định cụ thể về trách nhiệm và nguyên tắc làm việc của hội đồng khoa học và đào tạo trong việc thẩm định (quy định tại khoản 3 Điều này) đề xuất chủ trương mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo.

Điều 8. Xây dựng đề án, chuẩn bị điều kiện mở ngành đào tạo

Trên cơ sở chủ trương mở ngành được phê duyệt, hiệu trưởng hoặc giám đốc đại học (đối với ngành đào tạo có nhiều đơn vị thành viên tham gia thực hiện chương trình đào tạo) chỉ đạo và tổ chức xây dựng đề án mở ngành đào tạo. Nội dung đề án mở ngành đào tạo gồm có:

1. Một số thông tin cơ bản giới thiệu về cơ sở đào tạo: giới thiệu sơ lược về cơ sở đào tạo.

2. Sự cần thiết mở ngành đào tạo: báo cáo khái quát các nội dung về chủ trương mở ngành đào tạo đã được phê duyệt.

3. Điều kiện về chương trình đào tạo để mở ngành đào tạo: hiệu trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo và tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Giáo dục đại học, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành.

4. Điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học để mở ngành đào tạo

a) Căn cứ các quy định về điều kiện đội ngũ giảng viên trong mở ngành đào tạo theo quy định tại Thông tư này và điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo, hiệu trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc chuẩn bị về đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học nhằm đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo tương ứng với mỗi trình độ đào tạo theo quy định tại Thông tư này và các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành;

b) Xây dựng kế hoạch, xác định thời gian, lộ trình và cam kết thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị, tổ chức, cá nhân của cơ sở đào tạo và tổ chức triển khai thực hiện việc tuyển dụng, ký hợp đồng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học, bảo đảm về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của chương trình đào tạo, phân công giảng dạy, phù hợp với kế hoạch giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của giảng viên và người học cho từng năm học của toàn bộ khóa học, phù hợp với qui mô đào tạo, đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo theo quy định của Thông tư này, quy định của cơ sở đào tạo, bảo đảm tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành và phải được cam kết thực hiện trong đề án mở ngành đào tạo.

c)[22] Trường hợp chưa có đủ căn cứ để xác định rõ ngành phù hợp của giảng viên, cơ sở đào tạo gửi báo cáo các thông tin liên quan theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều này và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn để thẩm định và xác nhận. Hội đồng tư vấn chuyên môn có từ 3 đến 5 thành viên là giảng viên, chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm chuyên môn phù hợp, đại diện các cơ sở đào tạo có uy tín về ngành, nhóm ngành liên quan.

5. Điều kiện về cơ sở vật chất để mở ngành đào tạo

a) Căn cứ các quy định về điều kiện cơ sở vật chất trong mở ngành đào tạo theo quy định tại Thông tư này và điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo, hiệu trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo tương ứng với mỗi trình độ đào tạo theo quy định tại Thông tư này và các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành;

b) Xây dựng kế hoạch, xác định thời gian, lộ trình và cam kết thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị, tổ chức, cá nhân của cơ sở đào tạo và triển khai thực hiện việc đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của chương trình đào tạo, phù hợp với kế hoạch giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của giảng viên và người học cho từng năm học của toàn bộ khóa học, phù hợp với quy mô đào tạo, đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo theo quy định của Thông tư này, quy định của cơ sở đào tạo, bảo đảm tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành và phải được cam kết trong đề án mở ngành đào tạo.

6. Điều kiện về tổ chức bộ máy quản lý để mở ngành đào tạo

a) Xác định đơn vị chuyên môn cấp khoa hoặc tương đương để quản lý các hoạt động chuyên môn, giảng viên, người học và các nhiệm vụ quản lý khác đối với ngành đào tạo dự kiến mở;

b) Phân công cán bộ quản lý chuyên môn và giao trách nhiệm, quyền hạn cho tập thể và cá nhân cán bộ quản lý chuyên môn để quản lý và tổ chức các hoạt động chuyên môn đối với ngành đào tạo dự kiến mở.

7. Phương án, giải pháp đề phòng, ngăn ngừa, xử lý rủi ro trong mở ngành đào tạo

a) Báo cáo phân tích tình hình phát triển kinh tế xã hội, dự báo những biến động có thể xảy ra, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của cơ sở đào tạo và những nội dung khác có liên quan, từ đó dự báo các rủi ro có thể xảy ra khi mở ngành và triển khai tuyển sinh, đào tạo cùng các giải pháp chung để ngăn ngừa kịp thời nhằm hạn chế rủi ro cũng như đề xuất các phương án cụ thể mang tính chủ động để ngăn ngừa và xử lý khi rủi ro xảy ra;

b) Báo cáo thuyết minh về các giải pháp xử lý rủi ro trong trường hợp cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động ngành đào tạo với các phương án, giải pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho người học, giảng viên, cơ sở đào tạo và các bên liên quan.

8. Các minh chứng kèm theo đề án

a) Nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng đại học phê duyệt chủ trương mở ngành đào tạo hoặc văn bản phê duyệt chủ trương mở ngành của cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở đào tạo (trong trường hợp cơ sở đào tạo chưa có hội đồng trường);

b) Biên bản thẩm định đề án mở ngành của hội đồng khoa học và đào tạo;

c) Quyết định thành lập hội đồng xây dựng, hội đồng thẩm định; biên bản thẩm định chương trình đào tạo của hội đồng thẩm định; quyết định ban hành chương trình đào tạo;

d) Danh sách đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo theo quy định tại khoản 4 Điều này, gồm các thông tin theo mẫu báo cáo quy định tại Mục 1 (về giảng viên) và Mục 2 (về kết quả nghiên cứu khoa học) Phụ lục III[23] ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao các quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động, bản sao chứng thực văn bằng do cơ sở đào tạo Việt Nam cấp hoặc văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp và giấy công nhận văn bằng do cơ quan có thẩm quyền cấp;

đ) Bảng thống kê về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thí nghiệm, thực hành, thực tập đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo đã chuẩn bị theo quy định tại khoản 5 Điều này, gồm các thông tin theo các mẫu báo cáo được quy định tại Mục 3 (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện phục vụ cho thực hiện chương trình đào tạo) Phụ lục III[24] ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe (đối với đề án mở ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe).

9. Cơ sở đào tạo quy định cụ thể việc xây dựng đề án mở ngành đào tạo, quy định việc xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, thời gian thực hiện, dự kiến sản phẩm và tổ chức thực hiện kế hoạch, quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp giữa các tập thể và cá nhân của cơ sở đào tạo trong việc xây dựng đề án và chuẩn bị các điều kiện mở ngành đào tạo, quy định việc theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, xử lý điều chỉnh và quyết định đối với từng nội dung của đề án theo quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này trong quá trình xây dựng đề án mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo.

Điều 9. Thẩm định đề án mở ngành đào tạo

1. Hội đồng khoa học và đào tạo tổ chức thẩm định đề án mở ngành đào tạo, trong đó hội đồng thẩm định phải xem xét, đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo trên cơ sở căn cứ các quy định tại Thông tư này, quy định của cơ sở đào tạo và các quy định của pháp luật hiện hành, đánh giá mức độ đáp ứng so với yêu cầu về điều kiện để được mở ngành đối với từng nội dung cụ thể của đề án, bao gồm thẩm định các điều kiện về tên ngành đào tạo, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, khả năng sẵn sàng chuyển sang dạy - học trực tuyến và công tác tổ chức quản lý đối với ngành đào tạo đề xuất mở.

2. Kết quả thẩm định đề án mở ngành đào tạo của hội đồng khoa học và đào tạo phải được thể hiện bằng biên bản thẩm định và có kết luận cụ thể về việc cơ sở đào tạo đã có đủ điều kiện để được mở ngành đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư này, quy định của cơ sở đào tạo và các quy định của pháp luật hiện hành. Trong quá trình thẩm định, hội đồng khoa học và đào tạo phải kiểm tra điều kiện thực tế và kiểm tra các minh chứng cụ thể trước khi kết luận, đồng thời báo cáo hiệu trưởng cơ sở đào tạo và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả thẩm định.

3. Cơ sở đào tạo quy định cụ thể nguyên tắc làm việc của hội đồng khoa học và đào tạo khi tổ chức thẩm định đề án mở ngành đào tạo, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng và các thành viên trong hội đồng.

Điều 10. Hồ sơ mở ngành đào tạo

Hồ sơ mở ngành đào tạo gồm có:

1. Văn bản đề nghị mở ngành đào tạo: tóm tắt quá trình xây dựng đề án, báo cáo khẳng định về việc bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định để được mở ngành đào tạo và đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Đề án mở ngành đào tạo đã được thẩm định theo quy định tại Điều 9 Thông tư này, bảo đảm đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

3. Công văn của đại học chấp thuận về mặt chủ trương (đối với các đơn vị thành viên thuộc đại học khi mở ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe và nhóm ngành Đào tạo giáo viên).

Điều 11. Phê duyệt đề án và quyết định mở ngành đào tạo

1. Đối với các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện để được tự chủ mở ngành (ở từng trình độ đào tạo) theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018); quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định khác có liên quan của pháp luật (trừ các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khoẻ, nhóm ngành Đào tạo giáo viên, lĩnh vực An ninh, quốc phòng, hoặc trường hợp cơ sở đào tạo là đơn vị thành viên của đại học khi mở một ngành đào tạo có nhiều đơn vị thành viên khác tham gia thực hiện chương trình đào tạo), thực hiện như sau:

a) Hiệu trưởng cơ sở đào tạo quyết định việc mở ngành của cơ sở đào tạo đối với các ngành, các trình độ đào tạo của giáo dục đại học, khi cơ sở đào tạo đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được mở ngành theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác có liên quan của pháp luật;

b) Hiệu trưởng cơ sở đào tạo quy định cụ thể việc gửi hồ sơ mở ngành để báo cáo và quyết định mở ngành thực hiện trong nội bộ cơ sở đào tạo.

2. Đối với các cơ sở đào tạo là các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc đại học (gọi chung là đơn vị) chưa đủ điều kiện để được tự chủ mở ngành theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định khác có liên quan của pháp luật, hoặc trường hợp cơ sở đào tạo là đơn vị thành viên của đại học khi mở một ngành đào tạo có nhiều đơn vị thành viên khác tham gia thực hiện chương trình đào tạo, thực hiện như sau (trừ các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khoẻ, nhóm ngành Đào tạo giáo viên, lĩnh vực An ninh, quốc phòng):

a) Đơn vị gửi hồ sơ mở ngành đến đại học để báo cáo và đề nghị đại học quyết định cho phép mở ngành đào tạo;

b) Giám đốc đại học quyết định việc mở ngành đào tạo đối với các đơn vị đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được mở ngành theo quy định tại Thông tư này và quy định của đại học;

c) Giám đốc đại học quy định cụ thể việc gửi hồ sơ báo cáo đề nghị mở ngành và việc quyết định mở ngành đào tạo thực hiện trong nội bộ đại học.

3. Đối với các cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để được tự chủ mở ngành (trừ các đơn vị thuộc các đại học), hoặc trong thời hạn không được tự chủ mở ngành đào tạo do vi phạm quy định đến mức không được tự chủ mở ngành đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định khác có liên quan của pháp luật hoặc đối với việc mở các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khoẻ, nhóm ngành Đào tạo giáo viên, lĩnh vực An ninh, quốc phòng, thực hiện như sau:

a) Cơ sở đào tạo gửi 01 bộ hồ sơ mở ngành đến Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hình thức gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận và thẩm định hồ sơ; trong trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định việc tổ chức đoàn kiểm tra thực tế các điều kiện bảo đảm chất lượng tại cơ sở đào tạo. Riêng đối với mở ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến (bằng văn bản) của Bộ Y tế về nhu cầu nhân lực ngành đề xuất mở và các điều kiện về tổ chức đào tạo thực hành trong khối ngành sức khỏe theo quy định của Chính phủ;

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ mở ngành của cơ sở đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép mở ngành đào tạo, nếu hồ sơ mở ngành của cơ sở đào tạo đầy đủ và đáp ứng các điều kiện để được mở ngành theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Trường hợp hồ sơ mở ngành[25] của cơ sở đào tạo chưa đầy đủ, chưa bảo đảm các điều kiện để được mở ngành theo quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo kết quả bằng văn bản về tình trạng hồ sơ và những nội dung chưa bảo đảm theo quy định đối với cơ sở đào tạo.

Điều 12. Đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo[26]

1. Cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động tuyển sinh đối với một ngành đào tạo trong các trường hợp sau:

a) Đã mở ngành đúng quy định nhưng không duy trì được đầy đủ điều kiện mở ngành trong quá trình hoạt động theo quy định tại Thông tư này;

b) Vi phạm quy định khác của pháp luật về giáo dục ở mức độ phải đình chỉ hoạt động tuyển sinh.

2. Cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đào tạo trong các trường hợp sau:

a) Tự chủ mở ngành đào tạo hoặc gian lận để được mở ngành đào tạo khi chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định;

b) Hết thời hạn đình chỉ hoạt động tuyển sinh nhưng không khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến đình chỉ hoạt động tuyển sinh;

c) Vi phạm quy định khác của pháp luật về giáo dục ở mức độ phải đình chỉ hoạt động đào tạo.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đình chỉ hoạt động tuyển sinh hoặc hoạt động đào tạo đối với ngành đào tạo khi có kết luận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về các trường hợp vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; thời gian đình chỉ từ 06 tháng đến 12 tháng căn cứ mức độ và tính chất vi phạm. Quyết định đình chỉ phải nêu rõ lý do, phạm vi, thời hạn đình chỉ và được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động tuyển sinh hoặc hoạt động đào tạo đối với ngành đào tạo theo quy định tại khoản 3 Điều này phải thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học, giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên của cơ sở đào tạo.

5. Trong thời hạn đình chỉ hoạt động tuyển sinh, nếu cơ sở đào tạo đã khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến đình chỉ tuyển sinh và đáp ứng đầy đủ điều kiện mở ngành theo quy định tại Thông tư này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết định cho phép tuyển sinh trở lại đối với ngành đào tạo trong thời gian 30 ngày tính từ ngày hết thời hạn đình chỉ tuyển sinh.

6. Trong thời hạn đình chỉ hoạt động đào tạo, nếu cơ sở đào tạo đã khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến đình chỉ hoạt động đào tạo và đáp ứng đầy đủ điều kiện mở ngành theo quy định tại Thông tư này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết định cho phép hoạt động đào tạo trở lại đối với ngành đào tạo trong thời gian 45 ngày tính từ ngày kết thúc đình chỉ hoạt động đào tạo. Nếu hết thời hạn đình chỉ hoạt động đào tạo mà cơ sở đào tạo không cung cấp được đầy đủ minh chứng về việc đã khắc phục các nguyên nhân dẫn tới đình chỉ hoạt động đào tạo và đáp ứng đầy đủ điều kiện mở ngành thì quyết định mở ngành đào tạo hết hiệu lực.

7. Đối với ngành đào tạo đã được mở nhưng trong thời gian 05 năm liên tiếp cơ sở đào tạo không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển sinh được thì quyết định mở ngành đào tạo hết hiệu lực.

8. Trường hợp quyết định mở một ngành đào tạo hết hiệu lực, nếu cơ sở đào tạo muốn tiếp tục tuyển sinh và đào tạo ngành này phải thực hiện lại trình tự, thủ tục mở ngành theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN [27]

Điều 13. Xây dựng và thực hiện quy định của cơ sở đào tạo

Căn cứ Thông tư này và các quy định hiện hành khác có liên quan, cơ sở đào tạo có trách nhiệm:

1. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ hoạt động ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học của cơ sở đào tạo trên cơ sở tư vấn của hội đồng khoa học và đào tạo và các quy định quản lý nội bộ, cụ thể hóa và có thể yêu cầu cao hơn nhưng không trái với các quy định của Thông tư này; quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, đơn vị, cá nhân trong các hoạt động mở ngành đào tạo và chế tài xử lý vi phạm đối với tập thể, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động mở ngành đào tạo.

2. Tổ chức triển khai thực hiện đúng cam kết theo đề án mở ngành đào tạo.

3. Thực hiện trách nhiệm trong việc đánh giá chất lượng và kiểm định chương trình đào tạo theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018); thực hiện trách nhiệm trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học[28] theo quy định tại Điều 50 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018).

4. Tổ chức kiểm tra, thanh tra nội bộ việc thực hiện hoạt động mở ngành đào tạo, việc thực hiện cam kết theo đề án mở ngành đào tạo và công tác bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành; chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có thẩm quyền theo các quy định hiện hành.

5. Thực hiện giải trình theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 14. Chế độ báo cáo, lưu trữ và công khai thông tin

1. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định mở ngành đào tạo theo quy định, cơ sở đào tạo báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (trừ các ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định) và cơ quan quản lý trực tiếp:

a) Quyết định mở ngành đào tạo;

b) Đề án mở ngành đào tạo;

c) Địa chỉ truy cập trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo đã công khai các nội dung liên quan đến việc mở ngành đào tạo.

2. Đối với ngành đào tạo đã mở trình độ đại học: từ năm học thứ hai (kể từ khi ban hành quyết định mở ngành đào tạo) đến khi kết thúc khóa học đầu tiên, trước ngày bắt đầu năm học mới của từng năm học, cơ sở đào tạo phải báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý trực tiếp, việc cơ sở đào tạo đã chuẩn bị đủ các điều kiện về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình đào tạo đối với ngành đào tạo đã mở theo kế hoạch, lộ trình đã cam kết trong đề án mở ngành của cơ sở đào tạo, gồm các nội dung theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 4 Thông tư này để phục vụ quản lý và công tác hậu kiểm (trừ trường hợp mở ngành ở trình độ đại học đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe, lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, lĩnh vực An ninh, quốc phòng và lĩnh vực Pháp luật hoặc mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ).

3. Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, cơ sở đào tạo báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở đào tạo về quyết định mở ngành đào tạo đã hết hiệu lực (nếu có) của cơ sở đào tạo, theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Thông tư này để phục vụ công tác quản lý, bao gồm các nội dung: số quyết định; ngày, tháng, năm ban hành quyết định; cơ quan ban hành quyết định; tên ngành; trình độ đào tạo; lý do quyết định mở ngành hết hiệu lực.

4. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm lưu trữ và bảo quản hồ sơ mở ngành đào tạo, các tài liệu liên quan tới việc mở ngành đào tạo, các minh chứng kèm theo hồ sơ mở ngành đào tạo, bao gồm cả các minh chứng về việc đáp ứng các điều kiện mở ngành đào tạo, bảo đảm tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.

5. Cơ sở đào tạo công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học như sau:

a) Công khai Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ hoạt động ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học của cơ sở đào tạo trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo ít nhất là 45 ngày trước khi tổ chức thực hiện;

b) Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày ban hành quyết định mở ngành đào tạo hoặc nhận được quyết định cho phép mở ngành đào tạo của cơ quan có thẩm quyền, cơ sở đào tạo phải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo các nội dung sau:

- Quyết định mở ngành đào tạo;

- Những nội dung cơ bản của đề án mở ngành đào tạo đã được phê duyệt, bao gồm: chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra và đề cương chương trình đào tạo; danh sách đội ngũ giảng viên thực hiện chương trình đào tạo; danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; dự kiến kế hoạch tuyển sinh và đào tạo trong 05 năm đầu tuyển sinh; địa điểm đào tạo và danh sách các địa điểm thực hành, thực tập;

- Cập nhật thông tin về mở ngành đào tạo, đề án mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học.

6. Đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, việc thực hiện chế độ báo cáo, lưu trữ và công khai thông tin theo quy định tại Thông tư này phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định.

Điều 15. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 04 tháng 3 năm 2022.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học; Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.

3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; giám đốc các đại học, học viện; hiệu trưởng các trường đại học; viện trưởng các viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ; hiệu trưởng hoặc giám đốc các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc;
- Cổng TTĐT Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, GDĐH, PC.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Minh Sơn

 

PHỤ LỤC I[29]

CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO ĐẶC THÙ THUỘC LĨNH VỰC NGHỆ THUẬT
(Kèm theo Thông tư quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ)

Bảng 1. Ngành đào tạo trình độ đại học thuộc lĩnh vực Nghệ thuật

STT

Tên ngành

 

Mỹ thuật

1

Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật

2

Hội họa

3

Đồ họa

4

Điêu khắc

5

Gốm

 

Nghệ thuật trình diễn

6

Âm nhạc học

7

Sáng tác âm nhạc

8

Chỉ huy âm nhạc

9

Thanh nhạc

10

Biểu diễn nhạc cụ phương tây

11

Piano

12

Nhạc Jazz

13

Biểu diễn nhạc cụ truyền thống

14

Lý luận, lịch sử và phê bình sân khấu

15

Biên kịch sân khấu

16

Diễn viên sân khấu kịch hát

17

Đạo diễn sân khấu

18

Lý luận, lịch sử và phê bình điện ảnh, truyền hình

19

Biên kịch điện ảnh, truyền hình

20

Diễn viên kịch, điện ảnh - truyền hình

21

Đạo diễn điện ảnh, truyền hình

22

Quay phim

23

Lý luận, lịch sử và phê bình múa

24

Diễn viên múa

25

Biên đạo múa

26

Huấn luyện múa

 

Nghệ thuật nghe nhìn

27

Nhiếp ảnh

28

Công nghệ điện ảnh, truyền hình

 

Mỹ thuật ứng dụng

29

Thiết kế đồ họa

30

Thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh

Bảng 2. Ngành đào tạo trình độ thạc sĩ thuộc lĩnh vực Nghệ thuật

STT

Tên ngành

 

Mỹ thuật

1

Lý luận và lịch sử mỹ thuật

2

Mỹ thuật tạo hình

 

Nghệ thuật trình diễn

3

Âm nhạc học

4

Nghệ thuật âm nhạc

5

Lý luận và lịch sử sân khấu

6

Nghệ thuật sân khấu

7

Lý luận và lịch sử điện ảnh, truyền hình

8

Nghệ thuật điện ảnh, truyền hình

 

Mỹ thuật ứng dụng

9

Thiết kế đồ họa

10

Thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh

Bảng 3. Ngành đào tạo trình độ tiến sĩ thuộc lĩnh vực Nghệ thuật

STT

Tên ngành

 

Mỹ thuật

1

Lý luận và lịch sử mỹ thuật

 

Nghệ thuật trình diễn

2

Âm nhạc học

3

Lý luận và lịch sử sân khấu

4

Lý luận và lịch sử điện ảnh, truyền hình

 

PHỤ LỤC II[30]

GIẢNG VIÊN VÀ PHÒNG THÍ NGHIỆM, THỰC HÀNH PHỤC VỤ ĐÀO TẠO CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO THUỘC LĨNH VỰC SỨC KHỎE
(Kèm theo Thông tư quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ)

BẢNG 1. SỐ LƯỢNG VÀ CHUYÊN MÔN ĐƯỢC ĐÀO TẠO CỦA GIẢNG VIÊN TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ ĐỐI VỚI TỪNG NGÀNH ĐÀO TẠO THUỘC LĨNH VỰC SỨC KHỎE

STT

Tên ngành/chuyên ngành đào tạo của giảng viên trình độ tiến sĩ

Ngành đào tạo dự kiến mở

Y khoa

Y học cổ truyền

Răng Hàm Mặt

Y học dự phòng

Dược học

Số lượng tiến sĩ

Số lượng tiến sĩ

Số lượng tiến sĩ

Số lượng tiến sĩ

Số lượng tiến sĩ

1

Khoa học y sinh

2

2

2

2

1

2

Ngoại khoa

2

1

1

1

-

3

Nội khoa

2

1

1

1

1

4

Nhi khoa

1

1

1

1

-

5

Y học dự phòng/Y tế công cộng

1

1

1

6

-

6

Sản phụ khoa

1

1

-

1

-

7

Chuyên khoa nội (trừ ngành Nội khoa và Nhi khoa)

3

-

-

-

-

8

Chuyên khoa ngoại (trừ Ngoại khoa và Sản phụ khoa)

3

-

-

-

-

9

Y học cổ truyền

-

5

 

-

-

10

Răng Hàm Mặt

-

-

6

-

-

11

Ngành thuộc các môn cơ sở ngành Dược

-

-

-

-

2

12

Ngành thuộc nhóm ngành Dược học

-

-

-

-

7


BẢNG 2. CÁC PHÒNG THÍ NGHIỆM, THỰC HÀNH PHỤC VỤ ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI TỪNG NGÀNH ĐÀO TẠO THUỘC LĨNH VỰC SỨC KHỎE[31]

STT

Tên phòng thí nghiệm, thực hành

Ngành đào tạo dự kiến mở

Y khoa

Y học cổ truyền

Răng Hàm Mặt

Y học Dự phòng

Điều dưỡng

Hộ sinh

Dược học

Kỹ thuật Phục hình răng

Kỹ thuật xét nghiệm y học

Kỹ thuật Hình ảnh y học

Kỹ thuật Phục hồi chức năng

1

Sinh học và di truyền y học

X

X

X

X

X

X

-

-

X

X

X

2

Lý sinh

X

X

X

X

X

X

-

X

X

X

X

3

Sinh lý

X

X

X

X

X

X

-

-

X

X

X

4

Hóa học

X

X

X

X

X

X

-

X

X

X

-

5

Hóa sinh

X

X

X

X

X

X

X

X

X

X

X

6

Giải phẫu

X

X

X

X

X

X

-

X

X

X

X

7

Vi sinh - Ký sinh trùng

X

X

X

X

X

X

X

-

-

-

-

8

Sinh lý bệnh - Miễn dịch

X

X

X

X

X

X

X

-

-

-

-

9

Dược lý

X

X

X

X

X

X

X

-

-

-

-

10

Điều dưỡng cơ bản

X

X

X

X

X

X

-

-

X

X

X

11

Giải phẫu bệnh

X

X

X

X

X

-

-

-

-

X

-

12

Mô phôi

X

X

X

X

-

-

-

-

-

-

-

13

Dinh dưỡng và Vệ sinh an toàn thực phẩm

X

-

X

X

-

-

-

-

-

-

X

14

Sức khỏe môi trường và Sức khỏe nghề nghiệp

X

-

-

X

X

X

-

-

-

-

X

15

Thực vật dược

-

X

-

-

-

-

X

-

-

-

-

16

Dinh dưỡng tiết chế

-

-

-

-

X

X

-

-

-

-

X

17

Y học cổ truyền

-

-

-

-

X

X

-

-

-

-

-

18

Hộ sinh cơ bản

-

-

-

-

X

-

-

-

-

-

-

19

Hóa đại cương vô cơ

-

-

-

-

-

-

X

X

-

-

-

20

Hóa hữu cơ

-

-

-

-

-

-

X

X

-

-

-

21

Hóa phân tích

-

-

-

-

-

-

X

X

-

-

-

22

Giải phẫu - Sinh lý

-

-

-

-

-

-

X

-

-

-

-

23

Sinh học

-

-

-

-

-

-

X

-

-

-

-

24

Vật lý

-

-

-

-

-

-

X

X

-

-

X

25

Dược liệu

-

-

-

-

-

-

X

-

-

-

-

26

Hóa Dược

-

-

-

-

-

-

X

-

-

-

-

27

Dược học cổ truyền

-

-

-

-

-

-

X

-

-

-

-

28

Bào chế

-

-

-

-

-

-

X

-

-

-

-

29

Dược lâm sàng

-

-

-

-

-

-

X

-

-

-

-

30

Công nghiệp dược

-

-

-

-

-

-

X

-

-

-

-

31

Kiểm nghiệm thuốc

-

-

-

-

-

-

X

-

-

-

-

32

Chiết suất vi sinh

-

-

-

-

-

-

X

-

-

-

-

33

Nhà thuốc

-

-

-

-

-

-

X

-

-

-

-

34

Trung tâm tiền lâm sàng (các phòng thực hành về: hệ nội, hệ ngoại, phụ- sản, nhi, hồi sức cấp cứu, điều dưỡng)

X

-

-

X

-

-

-

-

-

-

-

35

Trung tâm tiền lâm sàng (các phòng thực hành về: hệ nội, hệ ngoại, hồi sức cấp cứu, điều dưỡng, châm cứu, xoa bóp- dưỡng sinh)

-

X

-

-

-

-

-

-

-

-

-

36

Trung tâm tiền lâm sàng (các phòng thực hành về: chữa răng và nội nha, phục hình, chỉnh nha, nha nhu, phẫu thuật trong miệng và phẫu thuật hàm mặt, Labo răng giả)

-

-

X

-

-

-

-

-

-

-

-

37

Trung tâm tiền lâm sàng (các phòng thực hành về: chăm sóc sức khỏe bệnh nội khoa, chăm sóc sức khỏe ngoại khoa, chăm sóc sức khỏe phụ nữ-bà mẹ và gia đình, chăm sóc sức khỏe trẻ em, chăm sóc cho người cần được phục hồi chức năng)

-

-

-

-

X

-

-

-

-

-

-

38

Trung tâm tiền lâm sàng/Trung tâm thực hành kỹ năng Sản-Phụ khoa-Kế hoạch hóa gia đình (các phòng thực hành về: chăm sóc bà mẹ thời kỳ thai nghén-chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ; chăm sóc bà mẹ thời kỳ chuyển dạ và đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và kế hoạch hóa gia đình)

-

-

-

-

-

X

-

-

-

-

-

39

Labo Kỹ thuật phục hình răng (các phòng về: kỹ thuật phục hình tháo lắp, kỹ thuật phục hình cố định, kỹ thuật phục hình sứ, kỹ thuật phục hình trên implant, kỹ thuật CAD/CAM & số trong nha khoa, Labo răng giả.

-

-

-

-

-

-

-

X

-

-

-

40

Trung tâm tiền lâm sàng gồm:

- Các phòng thực hành Vật lý trị liệu: Thực hành điều trị bằng tay; Thực hành Vận động trị liệu; Thực hành Điện trị liệu.

- Các phòng thực hành Hoạt động trị liệu: thực hành các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, thực hành làm nẹp và dụng cụ trợ giúp.

- Các phòng thực hành Ngôn ngữ trị liệu: thực hành các kỹ thật can thiệp cho người lớn, thực hành các kỹ thuật can thiệp cho trẻ em.

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

X

41

Huyết học

-

-

-

-

-

-

-

-

X

-

-

42

Vi sinh

-

-

-

-

-

-

-

-

X

-

-

43

Ký sinh trùng

-

-

-

-

-

-

-

-

X

-

-

44

Sinh học phân tử

-

-

-

-

-

-

-

-

X

-

-

45

Xét nghiệm tế bào

-

-

-

-

-

-

-

-

X

-

-

46

Kỹ thuật siêu âm

-

-

-

-

-

-

-

-

-

X

-

47

X-Quang đa khoa

-

-

-

-

-

-

-

-

-

X

-

48

X-Quang chuyên khoa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

X

-

49

Phòng kiến tập X quang can thiệp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

X

-

50

Chụp cắt lớp vi tính

 

 

 

 

 

 

 

 

 

X

-

51

Chụp cộng hưởng từ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

X

-

52

Y học hạt nhân xạ trị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

X

-

 

PHỤ LỤC III[32]

XÁC NHẬN ĐIỀU KIỆN THỰC TẾ CỦA CƠ SỞ ĐÀO TẠO
(Kèm theo Thông tư quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ)

BỘ, NGÀNH
(Cơ quan quản lý trực tiếp nếu có)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

TÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO

……., ngày … tháng … năm…

 

XÁC NHẬN ĐIỀU KIỆN THỰC TẾ CỦA CƠ SỞ ĐÀO TẠO

Ngành dự kiến mở: …………………………………………………………Mã ngành …………………

Trình độ đào tạo:……………………………………………………………………………………………

1. Về giảng viên

Mẫu 1: Danh sách giảng viên, nhà khoa học, bao gồm: giảng viên cơ hữu, giảng viên ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên làm việc toàn thời gian với cơ sở đào tạo, giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy các học phần, môn học trong chương trình đào tạo của ngành đào tạo dự kiến mở của cơ sở đào tạo

Số TT

Họ và tên, ngày sinh

Số CMND, CCCD hoặc Hộ chiếu; Quốc tịch

Chức danh khoa học, năm phong

Trình độ, nước, năm tốt nghiệp

Ngành đào tạo ghi theo văn bằng tốt nghiệp

Tuyển dụng/hợp đồng từ 12 tháng trở lên làm việc toàn thời gian, hợp đồng thỉnh giảng, ngày ký; thời gian; gồm cả dự kiến

Mã số bảo hiểm

Kinh nghiệm (thời gian) giảng dạy theo trình độ (năm)

Số công trình khoa học đã công bố: cấp

Ký tên

Tuyển dụng

Hợp đồng

Bộ

Cơ sở

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

1

Nguyễn Văn A 15/11/1966

092066001879

Việt Nam

GS, 2016

TS, Việt Nam, 2002

Nuôi trồng thủy sản

01/08/198 8

X

HC158293061 873267

33

10

24

 

2

Nguyễn Thị B 20/12/1971

064071007451

Việt Nam

PGS, 2015

TS, Hà Lan, 2009

Công nghệ chế biến thủy sản

X

15/11/2010, Hợp đồng thỉnh giảng tự trả lương

HC893527818 012345

8

3

12

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú: Lý lịch khoa học của giảng viên cơ hữu chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo; giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy của ngành đào tạo dự kiến mở được đính kèm.

Mẫu 2: Danh sách giảng viên, nhà khoa học tham gia giảng dạy các học phần, môn học trong chương trình đào tạo của ngành đào tạo dự kiến mở của cơ sở đào tạo

Số TT

Họ và tên

Học phần/môn học giảng dạy

Thời gian giảng dạy (học kỳ, năm học)

Số tín chỉ

Giảng viên cơ hữu ngành phù hợp chủ trì xây dựng, thực hiện chương trình/chuyên môn phù chủ trì giảng dạy/hướng dẫn luận văn, luận án

Bắt buộc

Tự chọn

Học trực tiếp

Học trực tuyến

Học trực tiếp

Học trực tuyến

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

1

Nguyễn Văn A

Kỹ thuật sản xuất giống cá nước ngọt

Học kỳ 1, năm thứ 2

X

 

 

 

Giảng viên cơ hữu chủ trì xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo

 

 

 

 

 

 

 

 

3

Mẫu 3: Danh sách cán bộ quản lý cấp khoa đối với ngành đào tạo dự kiến mở trình độ đại học/thạc sĩ/tiến sĩ của cơ sở đào tạo

Số TT

Họ và tên, ngày sinh, chức vụ hiện tại

Trình độ đào tạo, năm tốt nghiệp

Ngành/ Chuyên ngành

Ghi chú

 

 

 

 

 

2. Về kết quả nghiên cứu khoa học

Mẫu 4: Các đề tài nghiên cứu khoa học của cơ sở đào tạo, giảng viên, nhà khoa học liên quan đến ngành đào tạo dự kiến mở do cơ sở đào tạo thực hiện (kèm theo bản liệt kê có bản sao quyết định, bản sao biên bản nghiệm thu)

Số TT

Số quyết định, ngày phê duyệt đề tài, mã số

Đề tài cấp Bộ/đề tài cấp cơ sở

Tên đề tài

Chủ nhiệm đề tài

Số quyết định, ngày thành lập HĐKH nghiệm thu đề tài

Ngày nghiệm thu đề tài (theo biên bản nghiệm thu)

Kết quả nghiệm thu, ngày

Tên thành viên tham gia nghiên cứu đề tài (học phần/môn học được phân công)

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mẫu 5: Các công trình khoa học công bố của giảng viên, nhà khoa học cơ hữu liên quan đến ngành đào tạo dự kiến mở của cơ sở đào tạo trong thời gian 5 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ mở ngành đào tạo (kèm theo bản liệt kê có bản sao trang bìa tạp chí, trang phụ lục, trang đầu và trang cuối của công trình công bố)

STT

Công trình khoa học

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

Ghi chú: Công trình khoa học được liệt kê theo quy tắc sau:

- Họ tên tác giả, chữ cái viết tắt tên tác giả (Năm xuất bản), tên sách, lần xuất bản, nhà xuất bản, nơi xuất bản.

- Họ và chữ cái viết tắt tên tác giả (Năm xuất bản), ‘Tên bài viết’, tên tập san, số, kì/thời gian phát hành, số trang.

- Tác giả (Năm xuất bản), tên tài liệu, đơn vị bảo trợ thông tin, ngày truy cập.

- Họ tác giả, chữ viết tắt tên tác giả (Năm xuất bản), ‘Tiêu đề bài viết’, [trong] tên kỷ yếu, địa điểm và thời gian tổ chức, nhà xuất bản, nơi xuất bản, số trang.

3. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện phục vụ cho thực hiện chương trình đào tạo

Mẫu 6: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thực hiện chương trình đào tạo thuộc ngành đào tạo dự kiến mở trình độ đại học/thạc sĩ/tiến sĩ của cơ sở đào tạo

STT

Hạng mục

Số lượng

Diện tích sàn xây dựng (m2)

Học phần /môn học

Thời gian sử dụng (học kỳ, năm học)

Ghi chú

1

Hội trường, giảng đường, phòng học các loại, phòng đa năng, phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cơ hữu

 

 

 

 

 

1.1

Hội trường, phòng học lớn trên 200 chỗ

 

 

 

 

 

1.2

Phòng học từ 100 - 200 chỗ

 

 

 

 

 

1.3

Phòng học từ 50 - 100 chỗ

 

 

 

 

 

1.4

Số phòng học dưới 50 chỗ

 

 

 

 

 

1.5

Số phòng học đa phương tiện

 

 

 

 

 

1.6

Phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên toàn thời gian

 

 

 

 

 

2

Thư viện, trung tâm học liệu

 

 

 

 

 

3

Trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực nghiệm, cơ sở thực hành, thực tập, luyện tập

 

 

 

 

 

Mẫu 7: Thư viện

STT

Tên sách, giáo trình, tạp chí (5 năm trở lại đây)

Tên tác giả

Nhà xuất bản, năm xuất bản, nước

Số lượng bản

Tên học phần sử dụng sách, tạp chí

Mã học phần/môn học

Thời gian sử dụng (học kỳ, năm học)

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mẫu 8: Trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực nghiệm, cơ sở thực hành, thực tập, luyện tập theo yêu cầu của ngành đào tạo dự kiến mở

Danh mục hỗ trợ nghiên cứu, thí nghiệm, thực nghiệm, thực hành, thực tập, luyện tập

Tên học phần/môn học sử dụng thiết bị

Thời gian sử dụng (học kỳ, năm học)

Số người học/máy, thiết bị

Ghi chú

STT

Tên gọi máy, thiết bị, ký hiệu và mục đích sử dụng

Nước sản xuất, năm sản xuất

Số lượng

Đơn vị

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đại diện trưởng các đơn vị chuyên môn quản lý kê khai (theo từng mẫu trên)

(Ký tên xác nhận)

Thủ trưởng cơ sở đào tạo

(Ký tên, đóng dấu)

 



[1] Cụm từ “Thông tư số 16/2024/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo” được sửa đổi bởi cụm từ “Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo” theo quy định tại Công văn số 7603/BGDĐT-GDĐH ngày 28 tháng 11 năm 2024 về việc đính chính Thông tư số 16/2024/TT-BGDĐT ngày 20/11/2024.

[2] Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của

Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.”.

[3] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[4] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[5] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[6] Cụm từ “Phụ lục 1” được thay thế bởi cụm từ “Phụ lục I” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[7] Cụm từ “chứng chỉ hành nghề” được thay thế bởi cụm từ “giấy phép hành nghề” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[8] Điểm này được bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[9] Cụm từ “nhà trường” được thay thế bởi cụm từ “cơ sở đào tạo” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[10] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[11] Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[12] Cụm từ “Phụ lục 1” được thay thế bởi cụm từ “Phụ lục I” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[13] Cụm từ “Phụ lục 2” được thay thế bởi cụm từ “Phụ lục II” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[14] Cụm từ “Phụ lục 2” được thay thế bởi cụm từ “Phụ lục II” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[15] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[16] Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[17] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[18] Khoản này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[19] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[20] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[21] Từ “và” được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[22] Điểm này được bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[23] Cụm từ “Phụ lục 3” được thay thế bởi cụm từ “Phụ lục III” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[24] Cụm từ “Phụ lục 3” được thay thế bởi cụm từ “Phụ lục III” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[25] Cụm từ “Nếu hồ sơ mở ngành” được thay thế bởi cụm từ “Trường hợp hồ sơ mở ngành” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[26] Điều này được sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[27] Điều 3 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025 quy định như sau:

“Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

2. Đối với các ngành đào tạo được mở và đang hoạt động trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, cơ sở đào tạo tiếp tục duy trì, cải tiến các điều kiện mở ngành theo các quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc theo các quy định của Thông tư này, đồng thời bảo đảm tất cả các ngành tuyển sinh từ ngày 01 tháng 06 năm 2026 đáp ứng đầy đủ điều kiện mở ngành theo quy định của Thông tư này.

3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; giám đốc các đại học, học viện; hiệu trưởng các trường đại học; viện trưởng các viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ; hiệu trưởng hoặc giám đốc các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.”

[28] Cụm từ “đại học” được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[29] Cụm từ “Phụ lục 1” được thay thế bởi cụm từ “Phụ lục I” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[30] Cụm từ “Phụ lục 2” được thay thế bởi cụm từ “Phụ lục II” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[31] Bảng này được thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

[32] Cụm từ “Phụ lục 3” được thay thế bởi cụm từ “Phụ lục III” theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2025.

MINISTRY OF EDUCATION AND TRAINING OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------------

No. 07/VBHN-BGDDT

Hanoi, December 09, 2024

 

CIRCULAR

on conditions, processes and procedures for opening and suspension of academic majors at undergraduate, master's and doctoral levels

Circular No. 02/2022/TT-BGDDT dated January 18, 2022 of the Minister of Education and Training prescribing conditions and procedures for opening academic majors, suspending academic majors at undergraduate, master's and doctoral levels, which comes into force from March 04, 2022, is amended by:

Circular No. 12/2024/TT-BGDDT dated October 10, 2024 of the Minister of Education and Training [1] amending certain articles of Circular No. 02/2022/TT-BGDDT dated January 18, 2022 of the Minister of Education and Training prescribing conditions and procedures for opening academic majors, suspending academic majors at undergraduate, master's and doctoral levels, which comes into force from January 05, 2025.

Pursuant to the Law on Education dated June 14, 2019;

Pursuant to Law on Higher Education dated June 18, 2012; Law on amendments to the Law on Higher Education dated November 19, 2018;

Pursuant to Decree No. 69/2017/ND-CP dated May 25, 2017 of the Government on functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Education and Training;

Pursuant to Decree No. 99/2019/ND-CP dated December 30, 2019 of the Government of Vietnam elaborating certain Articles of the Law on amending certain articles of the Law on Higher Education;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



The Minister of Education and Training hereby promulgates a Circular on conditions and procedures for opening academic majors, suspending academic majors at undergraduate, master’s and doctoral levels. [2]

CHAPTER I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Regulated scope and entities

1. This Circular provides regulations on conditions, processes and procedures for opening and suspension of academic majors at undergraduate, master's and doctorial levels.

2. This Circular applies to higher education institutions; other educational institutions permitted to provide education at undergraduate, master’s and doctoral levels; academies and educational institutes established by the Prime Minister according to the Law on Science and Technology permitted to provide education at doctoral level (hereinafter referred to as “academic institutions”); and relevant organizations and individuals.

Article 2. Definitions

For the purposes of this Circular, these terms below shall be construed as follows:

1. “list of academic majors” means level-four classification of education at various higher education levels, issued by the Ministry of Education and Training.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. “academic sub-discipline” means a collection of some academic majors with common professional characteristics within the scope of occupations, science and technology, which are specified according to Level III classification of the national education system in accordance with the Prime Minister’s regulations.

4. “Academic discipline/field of study” means a collection of some academic sub-disciplines with common knowledge and skill characteristics within the scope of occupations, science and technology, which are specified according to level-two classification of education of national education system.

5. [3] (annulled)

6. [4] (annulled)

7. “components of an academic curriculum” means a classification of modules/units of subjects and other academic and research activities having common professional characteristics; and playing a distinct role in the implementation of a set of objectives and output requirements of the academic curriculum. These components are used to design the overall structure of the academic curriculum (such as general education, basic science, basic and core knowledge of the major, internships and experiences, scientific research and other components).

8. “Full-time lecturers eligible for the opening of academic majors” includes lecturers entering into a long-term contract (hereinafter referred to as “permanent lecturers”) and lecturers entering into an employment contract for a fixed term of full 12 months or more (hereinafter referred to as "fixed-term lecturers") who are working full-time at academic institutions (hereinafter referred to as “full-time lecturers”). To be specific:

a) Permanent lecturers shall be determined as prescribed in point e clause 1 Article 10 of Decree No. 99/2019/ND-CP dated December 30, 2019 of the Government elaborating certain articles of the Law on amendments to certain articles of the Law on higher education;

b) Fixed-term lecturers shall be working full-time at academic institutions according to applicable regulations of the Ministry of Education and Training on working regulations of university lecturers for the whole academic year upon submitting applications for registration of opening majors and not conclude any employment contract for a term of 3 months or more with other employers/institutions.

9. “Guest lecturers eligible for opening of academic majors” include individuals who are not specified in clause 8 of this Article but have concluded guest lecturer contracts with academic institutions in accordance with the law, are teaching according to the assigned plan upon submission of applications for registration of opening majors, and are paid according to their guest lecturer contracts concluded with their academic institutions.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Chapter II

Conditions of opening of academic majors

Article 3. General conditions

Academic institutions must meet general conditions when opening academic majors at undergraduate, master’s and doctoral levels, including:

1. Regarding proposed academic majors and training levels

a) Meet demands of human resources for the socio-economic development of local areas, regions and the country and of academic disciplines to ensure international integration; correspond with the approved and published human resource development planning by ministries, central authorities, local authorities or official reports of competent state agencies (if any), correspond with functions, tasks and development strategies of academic institutions;

b) Be included in the List of academic majors (except in cases of specific regulation by the Government and the Prime Minister); the proposal to add new majors to the List of academic majors shall comply with the Circular regulating the List of academic majors of higher education.

2. Regarding lecturers:

a) Academic institutions must employ enough qualified lecturers (including full-time lecturers and guest lecturers) meeting eligibility requirements for lecturers in accordance with academic curriculum standards of training levels, academic disciplines, academic sub-disciplines and academic majors, including guest lecturers (calculated for each academic year) only undertake a maximum of 30% of the teaching load in each academic component; for academic majors under the Arts discipline (specified in Appendix I [6] enclosed herewith), guest lecturers may undertake up to 40% of the teaching loads in each academic component;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



- Lecturers who are the People's Artists or the People's Artisans or the People's Teachers (these titles conferred by the State) and have the master’s degrees in the majors equivalent to the proposed academic majors may replace lecturers who have doctoral degrees but do not preside over the development and execution of these academic curricula (for academic majors at undergraduate level); or, and have doctoral degrees of the majors equivalent to the proposed academic majors may replace lecturers who are associate professors but do not preside over the development and execution of these academic curricula;

- Lecturers of academic majors of Vietnamese ethnic minority language under the Vietnamese language, literature and culture the sub-discipline must be ethnic minorities or individuals who have good command of languages and culture of ethnic minorities in conformity with proposed academic majors. In addition, if these lecturers obtain master's degrees, they may replace lecturers who get doctoral degrees but do not preside over the development and execution of these academic curricula (for academic majors at undergraduate level); or if these lectures have doctoral degrees, they may replace lecturers who are associate professors but do not preside over the development and execution of these academic curricula.

c) Regarding academic majors of the Health discipline (according to the List of academic majors), lecturers and practical instructors of subjects and modules related to medical examination and treatment must obtain healthcare practicing certificates [7], have worked or currently work at health facilities eligible for being practice facilities providing education in the health discipline according to the regulations of the Government on organizing practical training in the category of health.

d) [8] Lecturers presiding over the development and execution of academic curricula and lecturers directly teaching these academic curricula must be permanent lecturers not exceeding the maximum retirement age as stipulated by the Government regarding retirement at an older age for public employees in public service providers; annually, they must directly teach the entirety of certain mandatory modules or act as main advisors for master’s theses and doctoral dissertations in the academic curricula.

3. Regarding material facilities:

a) There are material facilities, equipment, libraries and textbooks that meet requirements for teaching, learning and researching according to requirements of academic curricula and meet requirements for material facilities as prescribed in the academic curriculum standards of academic disciplines, sub-disciplines and majors and provisions herein;

b) There are enough classrooms, laboratories, experimental production facilities, information technology systems, system of management of study assistance and training and essential equipment to meet requirements for teaching, learning and scientific research in accordance with academic curricula, and in conformity with the training scale at each training level. Academic institutions must have plans for using classrooms and laboratories with specific areas and equipment of each laboratory conformable to the number of students for each desk and equipment in each laboratory and conformable to the training scale according to requirements of academic curricula of each academic year;

c) Have contracts for cooperation in practical training with the practical facilities outside the academic institutions [9] in conformity with plans for teaching, learning and scientific research for the whole course; the practical facilities in the health discipline must have principal contracts for practical training in compliance with regulations of the Government on the organization of practical training in the health sub-disciplines;

d) Have traditional libraries and electronic libraries providing sufficient teaching, learning, and research syllabi and materials of lecturers and learners; have copyright access to domestic databases of scientific journals and books that relate to academic majors, meeting requirements of academic majors, training levels, suitable for the scale of training; since academic year of 2023 – 2024, t is mandatory for academic institutions to obtain copyright access to international databases of scientific journals and books related to academic majors, meeting requirements of academic majors and training levels, suitable for the scale of training;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The academic curriculum of the proposed majors shall be formulated, approved and promulgated according to regulations of the Ministry of Education and Training in a manner that meet academic curriculum standards of the academic discipline and conform to National Qualifications Framework. 

5. Academic institutions already have faculty-level units or equivalents to manage teaching and learning activities, lecturers, learners and other management tasks for the proposed academic majors.

6. Academic institutions must meet minimum requirements and conditions according to applicable regulations of the Ministry of Education and Training to prepare for online teaching with academic quality assurance as per regulations.

7. Institution councils have had resolutions on approval for guidelines on opening academic majors of the academic institutions. In case an academic institution has not established a council, it is required to obtain a written approval for guidelines on opening academic majors of the academic institution's governing body

8. [10] A major at the doctoral or master’s level is considered applicable to an academic major at the lower level provided that one of the following requirements is met:

a) It has the same name or meets the regulations in academic curriculum standards issued by the Ministry of Education and Training;

b) In case no academic curriculum standards of the equivalent discipline or sub-discipline are issued: It is required to have scientific and practical grounds and it has been determined by the science and training council of the academic institution as the major with the closest professional foundation to the academic major, which is chosen by the majority of graduates of the academic major when pursuing higher degrees;

c) It is certified by the Ministry of Education and Training on the basis of the feedback from the consulting council established by the Ministry of Educations and Training.

9. [11] A major at the doctoral level is considered applicable to an academic major of the same level provided that one of the following requirements is met:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) In case no academic curriculum standards of the equivalent discipline or sub-discipline are issued: It is required to have scientific and practical grounds and it has been determined by the science and training council of the academic institution as the major with the same professional foundation and under the same sub-discipline to the academic major;

c) It is certified by the Ministry of Education and Training on the basis of the feedback from the consulting council established by the Ministry of Educations and Training.

Article 4. Conditions for opening academic majors at undergraduate level

An academic institution wishing to open an academic major at undergraduate level must meet general conditions for opening the academic major as prescribed in Article 3 hereof and the following specific conditions for the entire courses upon submission of applications for opening the academic major:

1. There is at least 01 Ph.D in an appropriate major who is a permanent lecturer but is not the permanent lecturer who is required for the opening of another academic major at the undergraduate level (in case the proposed academic major is combined by different majors under different sub-disciplines or is an interdisciplinary major that is sorted simultaneously into some different sub-disciplines, provided each combining major has at least 01 Ph.D in an appropriate major who is a permanent lecturer) and the lecture must have at least 3 years of experience in managing the undergraduate training or teaching to take charge of the academic curriculum.

2. There are at least 05 Ph.Ds who are permanent lecturers with appropriate expertise for directly teaching the academic curriculum (including Ph.Ds of the appropriate majors specified in clause 1 of this Article) in which each component of the academic curriculum must have lecturers with appropriate expertise for directly teaching the academic curriculum. Particularly, for pedagogy majors of ethnic minority languages of Vietnam, Vietnamese language, literature and culture majors, foreign language, literature and culture majors, physical education and sports majors (according to the List of academic majors) and academic majors under the Arts discipline (prescribed in Appendix I [12] issued herewith), it is required to have at least 03 Ph.Ds who are permanent lectures with appropriate expertise.

3. The lecturers teaching the academic curriculum (specified in point a clause 2 Article 3 of this Circular) must be adequate for the first 02 academic years of the academic curriculum, in which at least 02 lecturers with appropriate expertise are assigned to undertake each module of the academic curriculum and the student-lecturer ratio is ensured according to regulations; there are plans for recruitment and development of lecturers for the next academic years of the entire course so that at least 01 year before the beginning of the third academic year onwards, there are enough qualified lecturers for the academic curriculum for each academic year of each course. For academic majors under the Health, Law or Pedagogy Science discipline (according to the List of academic majors), there must be adequate lecturers for these majors (prescribed in Point a Clause 2 Article 3 hereof) for the entire course upon submission of applications for opening these majors.

4. For the Health discipline, the conditions prescribed in clauses 1, 2 and 3 of this Article and specific conditions for lecturers for each academic major as prescribed in Table 1 of Appendix II [13] issued herewith must be satisfied. For the Law discipline, the conditions prescribed in clauses 1, 2 and 3 of this Article must be satisfied and there are at least 03 Ph.Ds in the Law majors.

5. Material facilities as prescribed in Point b Clause 3 Article 3 hereof must be equipped adequately for the first 02 years of the academic curriculum and it is required to have plans for investment in material facilities and purchase of equipment for the following academic years of the entire course so that, since the third academic year, by at least 01 year to the beginning of a new academic year, material facilities must be equipped adequately to meet the requirements of the academic curriculum for each academic year of each course. For academic majors under the Health, Law or Pedagogy Science discipline, there must be adequate material facilities (prescribed in Point b Clause 3 Article 3 hereof) for the entire course upon submission of applications for opening these majors.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



7. [15] For pedagogy majors of ethnic minority languages of Vietnam and academic majors of ethnic minority languages, if the conditions prescribed in clauses 1, 2 and 3 of this Article are not met, the academic institution must develop and submit a Scheme for opening these majors to the Ministry of Education and Training for consideration and decision on the basis of the feedback from the consulting council established by the Ministry of Education and Training.

8. [16] Lecturers with appropriate expertise specified in clause 2 of this Article must satisfy the regulations in the academic curriculum standards and one of the following requirements:

a) These lectures must obtain master’s or doctoral degrees in the appropriate majors specified in clause 8 Article 4 of this Circular;

b) These lectures must possess master’s or doctoral degrees in majors that is determined by the science and training council of the academic institution as suitable to directly teach at least 02 core modules in a component of the academic curriculum and have at least 02 years of experience in directing teaching those modules.

Article 5. Conditions for opening academic majors at the master’s level

An academic institution opening an academic major at the master’s level must meet general conditions for opening the academic major as prescribed in Article 3 hereof and the following conditions for the entire course upon submission of an application for opening the academic major:

1. There must be at least 05 Ph.Ds in appropriate majors who are permanent lecturers (regarding pedagogy major of ethnic minority languages of Vietnam, Vietnamese language, literature and culture majors, foreign language, literature and culture majors, physical education and sports majors and academic majors under the Arts discipline, there must be at least 03 Ph.Ds in appropriate majors who are permanent lecturers), including 01 professor or associate professor who has at least 03 years of experience in managing the training or teaching at university (who is not the permanent lecturer who is required for the opening of another academic major at the master’s level) to develop and organize the academic curriculum.

2. There must be adequate qualified lecturers for the academic curriculum, including permanent lecturers with appropriate expertise in directly teaching each subject or module in the academic curriculum.

3. There must be adequate qualified instructors of dissertations in accordance with applicable regulations on admission and training at master’s level of the Ministry of Education and Training.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) An academic major at master’s level is appropriate for a major in which undergraduate degrees have been granted;

b) Within the last 5 years, the lecturers specified in clause 1 of this Article must have had at least 02 years of experience in directly teaching over 50% of the modules in the academic curriculum; and, they must have published at least 20 articles and scientific reports in scientific journals that are evaluated by the State Council for Professorship for the academic major, in the role of the lead author or corresponding author.

5. [18] (annulled)

Article 6. Conditions for opening academic majors at the doctoral level

An academic institution opening an academic major at the doctoral level must meet general conditions for opening the academic major as prescribed in Article 3 hereof and the following conditions for the entire course upon submission of an application for opening the academic major:

1. There must be at least 01 professor or 02 associate professors and 03 Ph.Ds in appropriate majors who are permanent lecturers (regarding pedagogy major of ethnic minority languages of Vietnam, Vietnamese language, literature and culture majors, foreign language, literature and culture majors, physical education and sports majors and academic majors under the Arts discipline, there must be at least 01 professor or 01 associate professor and 02 Ph.Ds in appropriate majors who are permanent lecturers), including 01 professor or associate professor who has at least 03 years of experience in managing the undergraduate training or teaching (who is not the permanent lecturer who is required for the opening of another academic major at the doctoral level) to develop and organize the academic curriculum.

2. There must be adequate qualified lecturers for the academic curriculum. Lecturers participating in the teaching must meet the standards of lecturers teaching at the doctoral level in accordance with the applicable regulations on admission and training at the doctoral level of the Ministry of Education and Training serving the teaching in the academic curriculum. To be specific, there must be permanent lecturers with appropriate expertise in directly teaching subjects or modules in the academic curriculum.

3. There must be adequate qualified doctoral supervisors in accordance with applicable regulations on the admission and training at doctoral level of the Ministry of Education and Training.

4. [19] The academic institution must have experience in organizing training and scientific research related to the academic major, meeting one of the following conditions:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Within the last 5 years, the lecturers specified in clause 1 of this Article must have participated in instructing 05 Ph.D theses in the academic major which are unanimously upheld (at another institution); and, they must have published at least 50 articles and scientific reports in scientific journals that are evaluated by the State Council for Professorship for the academic major, in the role of the lead author or corresponding author.

5. [20] The academic institution must satisfy criteria of higher education institution standards applicable to doctoral training institutions, including:

a) Criterion 2.3 regarding the ratio of full-time lecturers with doctoral degrees;

b) Criterion 6.1 regarding the proportion of revenue from scientific and technological activities (excluding academic institutions under the Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security);

c) Criterion 6.2 regarding the average number of scientific and technological publications per full-time lecturer.

Chapter III

PROCEDURES FOR OPENING OR SUSPENDING ACADEMIC MAJORS

Article 7. Development, proposal and approval of guidelines on opening academic majors

1. Directors and principals of academic institutions (hereinafter referred to as "Principals") shall direct and organize development and proposal of guidelines on opening academic majors.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Regarding the necessity of the guideline proposal: report on analysis and description of training needs and demands for human resources serving the current and future labor market; analysis and forecast of human resource demands for quantity and qualifications as well as investigation of request for learners' capacity after graduation that employers find and scale of human resource market according to the major; analysis of the orientation of development of the major on the world and conformity with development of the major and training level of the academic institution, conformity with duties and strategic objectives of the academic institution, planning strategies for socio-economic development of the major, its local area, region and the country;

b) Regarding the capacity of the academic institution: report on analysis and description of available capacity of the academic institution for the academic major and training level proposed to open, including lecturers, material facilities, technology and [21] study materials, academic curriculum, scientific research, enterprise cooperation and international cooperation;

c) Regarding orientation of development: report on description of expected results of the duration of opening the major, duration of organizing the academic curriculum, objectives, enrolment plan and quantity and training scale of the major during the next 05-10 years, training quality, effectiveness, and social impact;

d) Regarding implementation solutions and roadmap: report on description of solutions and roadmap of developing a scheme for opening the academic major, academic curriculum, demands and plans for investment in material facilities, technology and study materials, demands and plans for recruitment and development of lecturers to meet conditions for opening the academic major, plans on assessment and verification of the academic curriculum;

dd) Regarding risk prevention measures and actions: report on analysis and description of forecasts about possible risks and prevention measures and actions; report on specific analysis of risk management measures in case the academic institution is shut out;

3. Science and training council of the academic institution shall organize verification and come to conclusion on the proposed guideline on opening the academic major in a manner of full contents and quality according to regulations specified in clause 2 of this Article and relevant applicable laws.

4. Approval of the guidelines on opening an academic major

On the basis of the proposed guidelines on opening the academic major verified and concluded by the science and training council according to regulations specified in clause 3 of this Article, the principal shall make a report and submit it to the institution council for approval; the parent university director shall make a report and submit it to the school council for approval for the academic major including multiple subsidiaries participating in executing the academic curriculum. The institution council and school council shall take responsibility for:

a) Orientation towards development of the proposed major must be conformable to the orientation towards development of the academic institution and human resource demands of ministries, central authorities, local authorities, the country and international integration;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Assessment of risk forecasts, prevention measures and remedies in case there are risks during the opening of the academic major.

In case the academic institution has not established a council, it shall propose to the academic institution's governing body to approve and take responsibility for management, inspection and supervision of development and implementation of the scheme for opening academic major of the academic institution.

5. Academic institutions shall specify the development and proposal of guidelines on opening academic majors, prescribe the development of plans, assignment of duties, implementation duration, expected products and organization of implementation for each content of development and proposal of the guidelines on opening the academic majors (prescribed in Clause 2 of this Article) including regulations on responsibilities, powers and cooperation between collectives and individuals of the academic institutions in developing and proposing the guidelines and specific regulations on responsibilities and working principles of the science and training council in verification (prescribed in clause 3 of this Article) of the proposed guidelines on opening the academic majors of the academic institutions.

Article 8. Developing schemes and preparing conditions for opening academic majors

On the basis of the approved guidelines, the principals or directors (for academic majors including multiple subsidiaries participating in implementing academic curricula) shall direct and organize the development of schemes for opening academic majors. Contents of a scheme for opening an academic major:

1. Some basis information on the academic institution: brief introduction to the academic institution.

2. The necessity for opening the academic major: short report on contents of the approved guidelines.

3. Conditions of the academic curriculum: the principal of the academic institution shall direct and organize the development, verification and promulgation of the academic curriculum in a manner of compliance with regulations of the Law on higher education, the Ministry of Education and Training and relevant applicable laws.

4. Conditions for lecturers and scientific staffs

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) The principal shall develop plans, determine duration and roadmap and commit the implementation and assignment of specific duties to units, organizations and individuals of the academic institution and organize the implementation of recruitment, conclusion of contracts and development of lecturers and scientific staffs in a manner that ensures quantity and quality according to requirements of the academic curriculum and teaching assignment, conforms to teaching, learning and researching plans of lecturers and their learners for each academic year of the entire course and the training scale, meets the conditions for opening the academic major according to provisions hereof and regulations of the academic institution, ensures compliance with relevant regulations of applicable laws, and the commitment must be stated in the scheme for opening the academic major.

c) [22] In case there is no basis for clearly determining appropriate majors of lecturers, the academic institution shall send a report on relevant information as specified in point d clause 8 of this Article and request the Ministry of Education and Training to establish a consulting council for verification. The consulting council has 3 to 5 members who are lecturers, experts with appropriate qualifications and professional experience, representatives of reputable academic institutions in related majors and sub-disciplines.

5. Conditions for material facilities

a) On the basis of conditions for material facilities as prescribed herein and realistic conditions of the academic institution, the principal of the academic institution shall direct and organize the investment in material facilities to meet conditions for opening the academic major corresponding to each training level as prescribed in this Circular and relevant applicable laws;

b) The principal shall develop plans, determine duration and roadmap and commit the implementation and assignment of specific duties to units, organizations and individuals of the academic institution and organize the investment in material facilities in a manner that ensures quantity and quality according to requirements of the academic curriculum, conforms to teaching, learning and researching plans of lecturers and their learners for each academic year of the entire course, conforms to the training scale, meets the conditions for opening the academic major according to provisions hereof and regulations of the academic institution, ensures compliance with relevant regulations of applicable laws, and the commitment must be stated in the scheme for opening the academic major.

6. Conditions for organizing management apparatus

a) Determine faculty-level units or equivalents to manage teaching and learning activities, lecturers, learners and other management tasks for the proposed academic major.

b) Appoint academic managers and assign responsibilities and powers to collectives of academic managers and individual academic managers for management and organization of teaching and learning activities, lecturers for the proposed academic major.

7. Plans, risk prevention measures and remedies

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Report on risk management measures in case the academic major of the academic institution is suspended including specific plans and measures for protection of the rights of learners, lecturers, the academic institution and relevant parties.

8. Evidences enclosed with the scheme

a) A resolution on approving guidelines for opening the academic major of the school council or a written approval for guidelines for opening the academic major of the academic institution's governing body (in case the academic institution has not established an school council);

b) An appraisal minute of the scheme on opening the academic major of the science and training council;

c) Decisions on establishment of a development council and an appraisal council; an appraisal minute of the academic curriculum of the appraisal council; a decision on promulgating the academic curriculum;

d) A list of lecturers and scientific staffs eligible for opening the academic major according to regulations specified in clause 4 of this Article including information specified in the report form in Section 1 (for lecturers) and Section 2 (for scientific research findings) of Appendix III [23] promulgated herewith; copies of decisions on recruitment or employment contracts, certified copies of degrees granted by Vietnamese academic institutions or foreign academic institutions and written confirmations of these degrees issued by competent authorities;

dd) A list of prepared material facilities and equipment serving experiments and practical activities meeting conditions for opening the academic major as prescribed in clause 5 of this Article, including information specified in the report forms in Section 3 (for material facilities, equipment and libraries serving the implementation of the academic curriculum) of Appendix III [24] issued herewith;

e) A principal contract for practical training according to regulations of the Government on organization of practical training for the health discipline (for schemes for opening majors under the health discipline).

9. The academic institution shall specify development of the scheme on opening the academic major, prescribe development of plans, assignment of duties, implementation duration, expected products and organization of implementation thereof, prescribe responsibilities, powers and cooperation between collectives and individuals of the academic institution in developing the scheme and setting out conditions for opening the academic major, prescribe monitoring, supervision and evaluation of performance results, adjustment and decision for each content of the scheme as prescribed from clause 1 to clause 8 of this Article during the period of developing the scheme for opening the academic major of the academic institution.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. A science and training council shall appraise a scheme for opening an academic major. To be specific, the appraisal council must consider and assess realistic conditions of the academic institution on the basis of provisions hereof, regulations of the academic institution and applicable laws, assess the fulfilment of conditions for opening the academic major for each specific content of the scheme, including appraisal of name of the academic major, academic curriculum, lecturers, material facilities, preparedness to convert to online teaching-learning and management organization work for the proposed major.

2. The scheme appraisal result of the science and training council must be recorded in an appraisal minute including specific conclusion of the eligibility or ineligibility for opening the major according to the regulations hereof, regulations of the academic institution and applicable laws. During the appraisal period, the science and training council shall inspect realistic conditions and specific evidences before making conclusion, and report the principal of the academic institution and take responsibilities for explanation for the appraisal result.

3. The academic institution shall specify working principles of the science and training council during the appraisal period, responsibilities and power of the council and its members.

Article 10. Applications for opening academic majors

An application for opening an academic major includes:

1. A written request for opening the academic major: an outline of developments of the scheme, a report expressing the eligibility for opening the academic major and requesting the competent authority to make decision.

2. The appraised scheme for opening the academic major as prescribed in Article 9 hereof which meets all conditions specified in Article 8 hereof.

3. The parent university’s official dispatch on approval of guidelines (in case its subsidiaries open academic majors under the health discipline and pedagogy sub-discipline).

Article 11. Approval for schemes and decisions on opening academic majors

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Principals of academic institutions shall decide the opening of undergraduate majors and undergraduate levels when these academic institutions meet all conditions for opening the majors as prescribed herein and other relevant laws;

b) Principals of these academic institutions shall specify the submission of applications for opening academic majors for internally reporting and deciding the opening of these majors of these academic institutions.

2. In case academic institutions are member units of undergraduate institutions or units affiliated to undergraduate institutions (hereinafter referred to as “units”) which are ineligible for autonomous opening of academic majors according to provisions of the Law on higher education and other relevant laws, or in case an academic institution is an undergraduate institution’s member unit opening an academic major with many other participants in an academic curriculum, the following shall apply (except for academic majors under the health discipline, pedagogy sub-disciplines and national defense and security discipline):

a) Units shall submit applications for opening academic majors to parent universities for reporting and requiring the parent universities to decide permission of to open academic majors;

b) Directors of parent universities shall decide the opening of academic majors for units meeting all conditions for opening these majors as prescribed herein and these parent universities’ regulations;

c) Directors of parent universities shall specify dossiers on reporting requests for opening academic majors and decisions to open academic majors within the parent universities.

3. For academic institutions which are ineligible for autonomous opening of majors (except for units affiliated to parent universities) or are suspended from autonomous opening of academic majors due to violations of regulations to the extent that they are not permitted to autonomously open academic majors according to the provisions of the Law on higher education and other relevant laws or for the opening of academic majors under the health discipline, pedagogy sub-disciplines, national defense and security discipline, the following shall apply:

a) An academic institution shall send an application for opening a major to the Ministry of Education and Training in person or by post or via online public service portal of the Ministry of Education and Training;

b) The Ministry of Education and Training shall receive and appraise the application; if necessary, the Minister of Education and Training shall decide on the organization of an inspection team for conducting an on-site inspection of conditions for quality assurance at the academic institution. Particularly, for a major under the health discipline, the Ministry of Education and Training shall consult the Ministry of Health about human resource demands for the proposed major and conditions for organizing practical training in the health discipline according to regulations of the Government in writing;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 12. Suspension of academic majors [26]

1. An academic institution shall be suspended from enrolling learners in an academic major under the following circumstances:

a) The academic major was opened in accordance with regulations but failed to satisfy the eligibility requirements for maintaining the major during operation as stipulated in this Circular.

b) The academic institution violates other education laws to the extent that enrolment activities must be suspended.

2. An academic institution shall be suspended from training for an academic major under the following circumstances:

a) It autonomously opens the academic major or engages in fraudulent activities to open the academic major without meeting the stipulated conditions.

b) The deadline for the suspension of enrolment activities has expired, but the causes leading to the suspension have not been remedied;

c) The academic institution violates other education laws to the extent that training activities must be suspended.

3. The Minister of Education and Training shall make a decision on suspending the enrolment or training for the academic major when a conclusion of violations against regulations specified in clause 1 and clause 2 of this Article is made by a state competent authority; the suspension period ranges from 6 months to 12 months depending on the severity and nature of such violations. The suspension decision must clearly state the reasons, scope, suspension period, and be publicly announced through mass media.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. During the suspension period of the enrolment, if the academic institution has rectified the causes leading to the suspension of enrolment and fully meets the conditions for opening the major as stipulated in this Circular, the Minister of Education and Training will decide to permit the resumption of enrolment for the academic major within 30 days from the end of the enrolment suspension period.

6. During the suspension period of the training, if the academic institution has rectified the causes leading to the suspension of enrolment and fully meets the conditions for opening the major as stipulated in this Circular, the Minister of Education and Training will decide to permit the resumption of training for the academic major within 45 days from the end of the training suspension period. If the academic institution fails to provide sufficient evidence of having addressed the causes leading to the suspension of training and fully meet the conditions for opening the academic major when the training suspension period expires, the decision to open the academic major shall be invalid.

7. In case the academic major has opened but the academic institution fails to enrol during 5 consecutive years, the decision to open the major shall be invalid.

8. In case the decision to open the major is invalid, if the academic institution wishes to continue to enrol and organize training in this major, it must re-implement the procedures for opening the major according to provisions hereof and other relevant laws.

Chapter IV

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION [27]

Article 13. Establishing and implementing regulations of academic institutions

Pursuant to this Circular and other relevant applicable regulations, an academic institution shall:

1. Establish, issue and organize implementation of regulations on conditions and procedures for opening and suspending academic majors at various higher education levels of the academic institution on the basis of consultation of the science and training council and internal management regulations, specify and potential require higher standards but not conflict with the provisions of this Circular; specifically stipulate the powers and responsibilities of collectives, units, and individuals in the opening of the academic major and the penalties for violations by collectives, units, and individuals involved in the opening of the academic major.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Implement responsibilities for assessing quality and verifying the academic curriculum according to the provisions in clause 5 Article 33 of the Law on higher education (revised in 2018); take responsibilities for ensuring higher education quality [28] as prescribed in Article 50 of the Law on higher education (revised in 2018).

4. Organize internal inspection of the implementation of opening the academic major, fulfilment of the commitments under the scheme for opening the academic major and quality assurance work according to applicable laws; be subject to supervision and inspection of the Ministry of Education and Training and competent authorities according to applicable regulations.

5. Provide explanation according to then provisions in the Decree of the Government elaborating the Law on amendments to certain articles of the Law on higher education and other relevant laws.

Article 14. Reporting, storage, and public disclosure of information

1. Within 10 days from the day on which a decision to open an academic major is made, an academic institution shall submit a report to the Ministry of Education and Training (except for majors decided by the Ministry of Education and Training) and its governor body:

a) The Decision to open the academic major;

b) The scheme for opening the academic major;

c) Address for accessing the academic institution's web portal which has publicly disclosed the contents relevant to the opening of the academic major.

2. For an opened academic major at the undergraduate level: from the second academic year (since the issuance of the decision to open the academic major) until the completion of the first course, prior to the start of the new academic year of each academic year, the academic institution must submit a report on the readiness of the teaching staff and material facilities serving the implementation of the academic curriculum opened according to the plan or routemap committed in the scheme for opening the major of the academic institution to the Ministry of Education and Training and the governing body, including the contents prescribed in clauses 3 and 5 Article 4 hereof to serve the management and post-inspection (except in cases of opening majors at the undergraduate level under the Health, Pedagogy Science, Security, National Defense or Law discipline or opening majors at the master’s/doctoral level)

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Academic institutions shall be responsible for storing and preserving applications for opening academic majors, all documents related to the opening of academic majors and attached evidences including evidences of meeting the conditions for opening the majors, ensuring compliance with applicable laws.

5. Academic institutions shall publicly disclose information on their websites and update all information into the national database on higher education as follows:

a) Disclose regulations on conditions and procedures for opening and suspending academic institutions’ academic majors at various higher education levels on their websites at least 45 days before organizing implementation thereof;

b) Within 05 days after promulgating a decision to open an academic major or receiving a decision on acceptance of the opening of an academic major from a competent authority, an academic institution must publicly disclose the following contents on its website:

- Decision to open the academic major;

- Fundamental contents of the approved scheme for opening the academic major including: requirements for enrolment, those for graduation and outline of the academic curriculum; list of lecturers; list of material facilities and equipment used for training and scientific researches; enrolment and training plan for the first 5 years of enrolment; training location and list of practical training and internship locations;

- Update information on opening the academic major, scheme for opening the academic major on the national database on higher education.

6. For academic institutions under the Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security, the reporting, storage and public disclosure in accordance with the provisions hereof must meet prescribed requirements for protection of the state secret.

Article 15. Implementation clauses

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. This Circular replaces Circular No. 22/2017/TT-BGDDT dated September 06, 2017 of the Ministry of Education and Training prescribing conditions and procedures for opening academic majors, suspending enrolment and revoking decisions on opening academic majors at undergraduate level; Circular No. 09/2017/TT-BGDDT dated April 04, 2017 of the Ministry of Education and Training prescribing conditions and procedures for opening academic majors or disciplines and suspending enrolment and revoking decisions on opening academic majors or disciplines at master’s and doctoral levels.

3. Chief of Office, Heads of Departments of Higher Education, Heads of relevant units affiliated to the Ministry of Education and Training of Vietnam; Directors of parent universities and institutes; Principals of universities; principals of research institutes providing doctoral training; principals or directors of other academic institutions permitted to provide undergraduate, master's or doctoral training; relevant organizations and individuals are responsible for implementation of this Circular.

 

 

CERTIFIED BY

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Hoang Minh Son

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Văn bản hợp nhất 07/VBHN-BGDĐT ngày 09/12/2024 hợp nhất Thông tư quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.632

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.133.6
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!