BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/VBHN-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày
24 tháng 12 năm 2015
|
THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG PHỔ THÔNG
DÂN TỘC BÁN TRÚ
Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm
2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động
của trường phổ thông dân tộc bán trú, có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 9 năm
2010, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT ngày 11 tháng 12
năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của
Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ban hành kèm
theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 01 năm 2016.
Căn cứ Nghị định số
178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số
32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số
75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng
Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định[1]:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tổ chức và hoạt
động của trường phổ thông dân tộc bán trú.
Điều 2.[2] Thông tư này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 17 tháng 9 năm 2010.
Điều 3.
Các Ông (bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục
dân tộc, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các sở giáo
dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Nghĩa
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC
BÁN TRÚ
(Ban hành kèm theo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường
phổ thông dân tộc bán trú)
Chương
I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về tổ
chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú (sau đây viết tắt là trường
PTDTBT) bao gồm: thành lập trường PTDTBT; xét duyệt học sinh bán trú; tổ chức
hoạt động giáo dục trong trường PTDTBT; nhiệm vụ của hiệu trưởng, giáo viên,
nhân viên và học sinh bán trú; khen thưởng và xử lý vi phạm.
2. Quy chế này áp dụng đối với
trường PTDTBT, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động trong các trường PTDTBT.
3. Trường PTDTBT được tổ chức
và hoạt động theo quy định của Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường trung học
cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây
gọi chung là Điều lệ trường phổ thông) và các quy định tại Quy chế này.
Điều
2. Trường phổ thông dân tộc bán trú và học sinh bán trú
1. Trường PTDTBT là trường
chuyên biệt, được Nhà nước thành lập cho con em các dân tộc thiểu số, con em
gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng này. Trường
PTDTBT có số lượng học sinh bán trú theo quy định.
2. Học sinh bán trú là học
sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được cấp có thẩm
quyền cho phép ở lại trường để học tập trong tuần, do không thể đi đến trường
và trở về nhà trong ngày.
Điều
3. Nhiệm vụ của trường phổ thông dân tộc bán trú[3]
Trường phổ thông dân tộc bán
trú (PTDTBT) thực hiện các nhiệm vụ quy định hiện hành tại Điều lệ trường phổ
thông và các nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức xét duyệt học
sinh bán trú.
2. Tổ chức các hoạt động
giáo dục đặc thù phù hợp.
3. Tổ chức nuôi dưỡng và
chăm sóc học sinh bán trú.
4. Thực hiện chế độ chính
sách theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này.
5. Thực hiện xã hội hóa để
phục vụ các hoạt động giáo dục của trường PTDTBT.
Điều 4.
Tên trường, biển tên trường[4]
1. Tên trường được quy định
như sau: Trường phổ thông dân tộc bán trú + cấp học + tên riêng của trường.
2. Tên trường được ghi trên
quyết định thành lập trường, biển tên trường, con dấu và giấy tờ giao dịch.
3. Biển tên trường ghi những
nội dung sau:
a) Góc phía trên bên trái:
Dòng thứ nhất: Ủy ban nhân
dân huyện (quận, thị xã, thành phố) trực thuộc tỉnh và tên huyện (quận, thị xã,
thành phố) thuộc tỉnh;
Dòng thứ hai: Phòng giáo dục
và đào tạo.
b) Ở giữa ghi tên trường
theo quy định tại khoản 1 của Điều này;
c) Dưới cùng là địa chỉ, số
điện thoại của trường.
Điều 5.
Cơ sở vật chất và thiết bị của trường PTDTBT[5]
Trường PTDTBT có đất đai, cơ
sở vật chất, thiết bị theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường phổ thông,
ngoài ra còn có:
1. Cơ sở vật chất đảm bảo
cho việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Các công trình phục vụ
cho quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh bán trú: Phòng trực nội trú, nhà ở
nội trú; nhà bếp, nhà ăn, nhà tắm; công trình vệ sinh, nước sạch và các trang
thiết bị kèm theo công trình.
3. Các dụng cụ, thiết bị phục
vụ hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí cho
học sinh bán trú.
Điều
5a. Cơ cấu tổ chức của trường PTDTBT[6]
1. Cơ cấu tổ chức của trường
PTDTBT theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường phổ thông. Ngoài ra, mỗi trường
có thêm một Tổ quản lý học sinh bán trú thực hiện nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng
và chăm sóc học sinh bán trú.
2. Tổ quản lý học sinh bán
trú có tổ trưởng, từ 1 đến 2 tổ phó và các thành viên chịu sự quản lý chỉ đạo của
Hiệu trưởng, do Hiệu trưởng bổ nhiệm và giao nhiệm vụ.
Điều 6.
Chính sách đối với trường phổ thông dân tộc bán trú
1. Trường PTDTBT được hưởng
chính sách như đối với trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ
thông có nhiều cấp học công lập, ngoài ra còn được Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở
vật chất, thiết bị để đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh
bán trú theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
2. Cán bộ quản lý và giáo
viên được hưởng chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở
trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Ngoài định mức biên chế sự
nghiệp giáo dục ở các trường chuyên biệt công lập, trường PTDTBT được hợp đồng
thêm nhân viên làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, bảo vệ theo hướng dẫn thực hiện quyền tự
chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với
đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
4. Nhân viên và học sinh bán
trú được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước.
Chương
II
THÀNH LẬP TRƯỜNG
PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ
Điều 7. Điều
kiện thành lập trường
Trường PTDTBT được thành lập
khi có đủ các điều kiện sau:
1. Có đề án phù hợp với quy
hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa
phương đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
2.[7]
Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung
giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường,
tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng xây dựng và phát triển nhà
trường. Trong phương hướng xây dựng và phát triển nhà trường cần bảo đảm ổn định
các tỷ lệ sau:
a) Tỷ lệ học sinh là người
dân tộc thiểu số: Có ít nhất 50% trong tổng số học sinh của toàn trường là người
dân tộc thiểu số.
b) Tỷ lệ học sinh bán trú:
- Đối với trường PTDTBT tiểu
học: Có ít nhất 25% học sinh bán trú;
- Đối với trường PTDTBT
trung học cơ sở: Có ít nhất 50% học sinh bán trú;
- Đối với trường PTDTBT tiểu
học và trung học cơ sở: Có ít nhất 25% học sinh tiểu học và 50% học sinh trung
học cơ sở bán trú.
Điều 8.
Thẩm quyền thành lập, cho phép và đình chỉ hoạt động giáo dục
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân
huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân
cấp huyện) quyết định thành lập trường PTDTBT.
2. Trưởng phòng giáo dục và
đào tạo quyết định cho phép hoặc đình chỉ hoạt động giáo dục của trường PTDTBT.
Điều 9.
Hồ sơ, thủ tục thành lập trường
1. Hồ sơ đề nghị thành lập
trường gồm:
a) Tờ trình đề nghị thành lập
trường PTDTBT;
b) Đề án thành lập trường
theo các nội dung được quy định tại Điều 7 của Quy chế này.
2. Thủ tục thành lập trường
PTDTBT
a) Lập hồ sơ đề nghị thành lập
trường
- Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm lập hồ sơ
đề nghị thành lập theo quy định tại Khoản 1 Điều này (đối với trường PTDTBT
thành lập mới);
- Nhà trường lập hồ sơ đề
nghị thành lập theo quy định tại Khoản 1 Điều này (đối với trường PTDTBT được
thành lập trên cơ sở trường phổ thông).
b) Phòng giáo dục và đào tạo
tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối hợp với các ngành hữu quan ở cấp huyện tổ chức
thẩm định theo nội dung của đề án thành lập trường quy định tại Điều
7 của Quy chế này; trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét quyết định thành
lập trường PTDTBT;
c) Trong thời hạn 45 ngày
làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định
thành lập trường.
Trường hợp chưa quyết định
thành lập trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản thông báo cho phòng giáo
dục và đào tạo biết rõ lý do và hướng giải quyết.
Điều
10. Điều kiện để được cho phép hoạt động giáo dục
1. Có quyết định thành lập
trường.
2. Có đất đai, trường sở, cơ
sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động giáo dục của trường PTDTBT được
quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
3. Địa điểm xây dựng trường
bảo đảm môi trường giáo dục, an toàn và thuận lợi cho người học, người dạy và
nhân viên phục vụ.
4. Có chương trình giáo dục
và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học tương ứng.
5. Có đội ngũ nhà giáo và
cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu bảo đảm thực
hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục ở trường PTDTBT.
6. Có đủ nguồn lực tài chính
theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục của trường
PTDTBT.
7. Có quy định về tổ chức hoạt
động bán trú của trường.
Điều
11. Hồ sơ, thủ tục để được cho phép hoạt động giáo dục
1. Hồ sơ đề nghị để được cho
phép hoạt động giáo dục
Tờ trình đề nghị cho phép hoạt
động giáo dục.
2. Thủ tục đề nghị để được
cho phép hoạt động giáo dục
a) Trường PTDTBT làm tờ
trình đề nghị cho phép hoạt động giáo dục;
b) Phòng giáo dục và đào tạo
tiếp nhận hồ sơ, xem xét điều kiện để cho phép hoạt động giáo dục theo quy định
tại Điều 10 của Quy chế này.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ
ngày ký quyết định thành lập, trường được phép hoạt động giáo dục khi có đủ các
điều kiện được quy định tại Điều 10; hết thời hạn trên, nếu
không đủ điều kiện thì phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm trình Ủy ban
nhân dân cấp huyện thu hồi quyết định thành lập.
Điều
12. Đình chỉ hoạt động và chuyển đổi trường phổ thông dân tộc bán trú
1. Trường PTDTBT không bảo đảm
một trong các điều kiện quy định tại Điều 10 của Quy chế này
thì bị đình chỉ hoạt động giáo dục.
2. Trường PTDTBT không đảm bảo
tỷ lệ học sinh dân tộc và tỷ lệ học sinh bán trú theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Quy chế này trong vòng 3 năm liền thì chuyển
thành trường phổ thông công lập.
a) Trường PTDTBT lập tờ
trình đề nghị cho phép chuyển đổi. Trong tờ trình cần nêu rõ phương án sử dụng
cơ sở vật chất của trường, chế độ chính sách đối với giáo viên, nhân viên và học
sinh sau chuyển đổi;
b) Phòng giáo dục và đào tạo
tiếp nhận hồ sơ, chủ trì phối hợp với các ngành hữu quan ở cấp huyện thẩm định
và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định chuyển đổi trường PTDTBT
thành trường phổ thông công lập.
Chương
III
XÉT DUYỆT HỌC
SINH BÁN TRÚ
Điều
13. Đối tượng xét duyệt
1. Học sinh cấp tiểu học và
trung học cơ sở có đủ các điều kiện:
a) Bản thân học sinh và bố,
mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn và các thôn đặc
biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ;
b) Do điều kiện nhà ở xa trường
hoặc do địa hình cách trở, giao thông khó khăn, học sinh không thể đi đến trường
và trở về nhà trong ngày.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy
định cụ thể đối với điểm b Khoản 1 của Điều này.
2.[8]
(được bãi bỏ).
Điều
14. Hội đồng xét duyệt
1. Thành phần: Hội đồng có
ít nhất 07 thành viên (do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập), gồm:
- Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo
UBND xã nơi đặt trường PTDTBT;
- Phó Chủ tịch Hội đồng: Hiệu
trưởng trường PTDTBT;
- Ủy viên thường trực: Cán bộ
hoặc giáo viên phụ trách học sinh bán trú;
- Các ủy viên: Công an xã,
Ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện một số ban ngành của xã (đối với trường
liên xã có thêm đại diện UBND xã có học sinh xin bán trú).
2. Nhiệm vụ: Xét duyệt học
sinh bán trú theo chỉ tiêu được phê duyệt.
Điều
15. Tổ chức xét duyệt
1. Kế hoạch xét duyệt
Nhà trường lập kế hoạch xét
duyệt học sinh bán trú trình phòng giáo dục và đào tạo.
2.[9]
Hồ sơ xét duyệt gồm:
a) Đơn xin bán trú có ý kiến
của bố, mẹ hoặc người giám hộ học sinh;
b) Sổ hộ khẩu (bản sao xuất
trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực; trường hợp sổ hộ
khẩu bị thất lạc phải có giấy xác nhận hộ khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
tại địa phương.
3.[10]
Quy trình xét duyệt:
a) Học sinh nộp hồ sơ cho
nhà trường;
b) Nhà trường tập hợp hồ sơ
và lập danh sách;
c) Hội đồng xét duyệt tổ chức
xét duyệt;
d) Phê duyệt và công bố kết
quả xét duyệt:
- Hội đồng xét duyệt thông
báo công khai danh sách dự kiến được xét duyệt trong thời hạn 7 ngày làm việc,
trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt chính thức;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện
phê duyệt kết quả xét duyệt;
- Ủy ban nhân dân cấp xã và
trường PTDTBT công bố kết quả xét duyệt học sinh bán trú trước khai giảng ít nhất
10 ngày làm việc.
đ) Giải quyết khiếu nại
Hội đồng xét duyệt giải quyết
khiếu nại về kết quả xét duyệt học sinh bán trú (nếu có) trong thời hạn 10 ngày
làm việc, kể từ ngày công bố kết quả.
Chương
IV
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
GIÁO DỤC TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC BÁN TRÚ
Điều
16. Hoạt động dạy và học[11]
Trường PTDTBT tổ chức hoạt động
dạy và học theo quy định hiện hành tại Điều lệ trường phổ thông. Nhà trường tổ
chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh. Hoạt động dạy và học phải phù hợp với đặc
điểm tâm, sinh lý học sinh dân tộc thiểu số.
Điều
17. Hoạt động giáo dục, lao động, văn hóa thể thao và tổ chức nuôi dưỡng
1. Giáo dục tinh thần đoàn kết
giữa các dân tộc, kỹ năng sống, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường cho học
sinh.
2. Giáo dục lao động của trường
PTDTBT bao gồm: lao động công ích và lao động sản xuất để cải thiện điều kiện
ăn, ở, học tập của học sinh.
3. Hoạt động văn hóa, thể
thao bao gồm: sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao; tham quan, lễ hội, tết dân
tộc, giao lưu văn hóa khác nhằm góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của
các dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu.
4. Tổ chức nấu ăn tập thể
cho học sinh bán trú đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; chăm sóc sức khỏe cho
học sinh bán trú.
Chương
V
NHIỆM VỤ CỦA HIỆU
TRƯỞNG, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN VÀ HỌC SINH
Điều
18. Nhiệm vụ của Hiệu trưởng
Hiệu trưởng trường PTDTBT thực
hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều lệ trường phổ thông, ngoài ra còn có các
nhiệm vụ sau:
1. Nắm vững chính sách dân tộc
của Đảng và Nhà nước, có hiểu biết về phong tục, tập quán các dân tộc thiểu số
và đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc của địa phương.
2. Biết sử dụng ít nhất một
tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương để giao tiếp với học sinh và cộng đồng.
3. Phối hợp với chính quyền,
các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương trong quản lí, chăm sóc học
sinh bán trú.
Điều
19. Nhiệm vụ của giáo viên
Giáo viên trường PTDTBT thực
hiện các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều lệ trường phổ thông và các nhiệm
vụ sau:
1. Biết sử dụng ít nhất một
tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương để giao tiếp với học sinh và cộng đồng.
2. Tìm hiểu, nắm vững phong
tục tập quán và đặc điểm tâm lý học sinh các dân tộc nơi công tác.
3.[12]
Vận dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá phù hợp với
học sinh dân tộc thiểu số; tham gia quản lý, giáo dục học sinh ngoài giờ chính
khóa.
Điều
20. Nhiệm vụ của nhân viên
Nhân viên trường PTDTBT thực
hiện các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều lệ trường phổ thông, nhiệm vụ
trong hợp đồng và các nhiệm vụ sau:
1. Học ít nhất một tiếng dân
tộc thiểu số ở địa phương để sử dụng trong giao tiếp với học sinh và cộng đồng.
2. Tìm hiểu phong tục tập
quán và đặc điểm tâm lý học sinh các dân tộc thiểu số nơi công tác.
Điều
21. Nhiệm vụ của học sinh bán trú
Học sinh bán trú thực hiện
các nhiệm vụ quy định tại Điều lệ trường phổ thông, nội quy nội trú của nhà trường
giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tham gia các hoạt động của trường PTDTBT.
Chương
VI
KHEN THƯỞNG VÀ
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều
22. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành
tích trong việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT được
khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Điều
23. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy
chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT bị xử lý theo quy định của pháp luật./.
[1]
Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức
và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số
24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục có căn cứ
ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Giáo dục
ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số
36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số
32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số
75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11
tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09
tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về việc sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị
định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Căn cứ Nghị định số
115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản
lý nhà nước về giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng
Vụ Giáo dục dân tộc,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường
phổ thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày
02 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
[2]
Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của
Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ban hành kèm
theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 01 năm 2016 quy định như
sau:
“Điều 3. Thông
tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 01 năm 2016.
Điều 4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng
Vụ Giáo dục dân tộc, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và
Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc
sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.”
[3] Điều này được
sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT sửa đổi,
bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc
bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 01 năm
2016.
[4] Điều này được
sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT sửa đổi,
bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc
bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 01 năm
2016.
[5] Điều này được
sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT sửa đổi,
bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc
bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 01 năm
2016.
[6] Điều này được
bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT sửa đổi,
bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc
bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 01 năm
2016.
[7] Khoản này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT
sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ
thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02
tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày
25 tháng 01 năm 2016.
[8] Khoản này
được bãi bỏ theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ
sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc
bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 01 năm
2016.
[9] Khoản này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT
sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ
thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02
tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày
25 tháng 01 năm 2016.
[10] Khoản này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT
sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ
thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02
tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày
25 tháng 01 năm 2016.
[11] Điều này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 7 Điều 1 của Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT
sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ
thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02
tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày
25 tháng 01 năm 2016.
[12] Khoản này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT
sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ
thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02
tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày
25 tháng 01 năm 2016.