BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 12
năm 2012
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC THÀNH LẬP, HOẠT ĐỘNG, ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG,
TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC HÒA NHẬP
Căn cứ Luật Người khuyết tật ngày
17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng
6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm
2009;
Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28 tháng 6 năm 2012 quy định về thành
lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của
Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch quy định
điều kiện và thủ tục thành lập, hoạt động, đình chỉ hoạt động, tổ chức lại, giải thể Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về điều kiện
và thủ tục thành lập, hoạt động, đình chỉ hoạt động, tổ chức
lại, giải thể Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
2. Thông tư này được áp dụng đối với
tất cả các Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (sau đây gọi tắt là
Trung tâm) do cơ quan, tổ chức và cá nhân thành lập.
Điều 2. Khái niệm
và phân loại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục
hòa nhập
Trung tâm là cơ sở cung cấp nội dung
chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ giáo dục,
tổ chức giáo dục phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của người
khuyết tật. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Trung tâm có hai loại hình: công lập
và ngoài công lập.
Trung tâm công lập là đơn vị sự nghiệp
do cơ quan nhà nước thành lập, được nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất,
trang thiết bị và được bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên theo
quy định.
Trung tâm ngoài công lập là đơn vị sự
nghiệp hoạt động trợ giúp người khuyết tật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền
cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng
cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên theo quy định của
pháp luật.
Điều 3. Chức
năng, nhiệm vụ của Trung tâm
1. Phát hiện khuyết tật để tư vấn lựa
chọn phương thức giáo dục phù hợp;
2. Thực hiện biện pháp can thiệp sớm
người khuyết tật tại cộng đồng để lựa chọn phương thức
giáo dục phù hợp;
3. Tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục,
hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp;
4. Hỗ trợ người khuyết tật tại gia
đình, tại cơ sở giáo dục và cộng đồng;
5. Cung cấp nội dung, thiết bị, tài
liệu dạy và học đặc thù phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật.
Điều 4. Tên của
Trung tâm
1. Tên của Trung tâm được quy định
như sau:
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập + tên riêng.
2. Tên của Trung tâm được ghi trên
quyết định thành lập, con dấu, biển hiệu và các giấy tờ
giao dịch của Trung tâm.
Điều 5. Thẩm quyền
thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, tổ
chức lại, giải thể Trung tâm
1. Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Chủ tịch
UBND cấp tỉnh) quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể
đối với Trung tâm công lập hoặc quyết định cho phép thành lập, cho phép tổ chức
lại, cho phép giải thể đối với Trung tâm ngoài công lập.
2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động của Trung tâm.
Điều 6. Kinh phí
hoạt động của Trung tâm
1. Kinh phí hoạt động của Trung tâm
công lập gồm:
a) Nguồn ngân sách nhà nước cấp theo quy
định của Luật Ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý ngân
sách nhà nước hiện hành;
b) Nguồn đóng
góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân;
c) Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ của
Trung tâm;
d) Các nguồn thu hợp pháp khác theo
quy định của pháp luật.
2. Kinh phí hoạt động của Trung tâm
ngoài công lập gồm:
a) Nguồn đầu tư của tổ chức, cá nhân
đứng ra thành lập Trung tâm;
b) Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ
chức, cá nhân;
c) Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ của
Trung tâm;
d) Các nguồn hợp pháp khác theo quy định
của pháp luật.
Chương 2.
ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP, HOẠT
ĐỘNG, ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ TRUNG TÂM
Điều 7. Điều kiện
thành lập Trung tâm
Trung tâm được thành lập khi có đủ
các điều kiện sau:
1. Có đề án thành lập Trung tâm,
trong đó xác định cụ thể mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ;
2. Phù hợp với
quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu hỗ trợ giáo dục người khuyết tật của địa
phương;
3. Có trụ sở làm việc hoặc đề án quy
hoạch cấp đất xây dựng trụ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp
xây dựng trụ sở mới); trang thiết bị cần thiết ban đầu; nguồn nhân sự và kinh
phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
4. Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm.
Điều 8. Điều kiện
hoạt động của Trung tâm
Trung tâm được phép hoạt động khi có
đủ các điều kiện sau:
1. Quyết định thành lập hoặc Quyết định
cho phép thành lập của Chủ tịch UBND cấp tỉnh;
2. Cơ sở vật chất, phương tiện thiết
bị và dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm người khuyết tật:
a) Trụ sở, phòng làm việc của lãnh đạo,
giáo viên, nhân viên;
b) Phòng học, phòng chức năng tương ứng
để thực hiện các hoạt động của Trung tâm;
c) Khu nhà ở cho học sinh đối với
Trung tâm có người khuyết tật nội trú;
d) Phương tiện, thiết bị, công cụ sử
dụng cho đánh giá, can thiệp, dạy học, hướng nghiệp, dạy nghề;
e) Tài liệu chuyên môn, tài liệu hỗ
trợ bảo đảm thực hiện các hoạt động của Trung tâm.
3. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân
viên hỗ trợ giáo dục có trình độ chuyên môn phù hợp với các phương thức giáo dục
người khuyết tật
a) Giám đốc
Trung tâm phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành giáo dục đặc biệt hoặc tốt nghiệp
đại học chuyên ngành khác có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, có hiểu biết về đặc
điểm phát triển của người khuyết tật, về nội dung, phương pháp, hình thức giáo
dục cho người khuyết tật;
b) Giáo viên có trình độ trung cấp trở
lên, có chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục người khuyết tật;
c) Nhân viên hỗ trợ giáo dục được tập
huấn về giáo dục người khuyết tật.
4. Nội dung chương trình giáo dục và
tài liệu bồi dưỡng, tư vấn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật,
gồm:
a) Nội dung chương trình, tài liệu về
giáo dục cá nhân đối với người khuyết tật thuộc các dạng tật;
b) Nội dung chương trình, tài liệu bồi
dưỡng về giáo dục người khuyết tật thuộc các dạng tật;
c) Tài liệu tư vấn về việc lựa chọn
các phương thức giáo dục phù hợp với dạng và mức độ tật của người khuyết tật.
Điều 9. Điều kiện
đình chỉ hoạt động Trung tâm
Trung tâm bị đình chỉ hoạt động khi xảy
ra một trong các trường hợp sau:
1. Không bảo đảm các quy định tại Điều
8 Thông tư liên tịch này.
2. Có hành vi gian lận để được thành
lập, hoạt động.
3. Người cho phép thành lập, hoạt động
không đúng thẩm quyền.
4. Không triển khai hoạt động trong
thời hạn quy định cho phép, kể từ ngày được phép hoạt động.
5. Vi phạm quy định của pháp luật bị
xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ bị đình chỉ.
6. Các trường hợp vi phạm khác theo
quy định của pháp luật.
Điều 10. Điều kiện
tổ chức lại Trung tâm
Trung tâm được tổ chức lại khi bảo đảm
đủ các điều kiện sau:
1. Có sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của Trung tâm;
2. Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ
sở giáo dục, nhu cầu hỗ trợ giáo dục người khuyết tật của địa phương đã được cấp
có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);
3. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt
động của Trung tâm.
Điều 11. Điều kiện
giải thể Trung tâm
Trung tâm bị giải thể khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
1. Không còn chức năng, nhiệm vụ.
2. Ba năm liên tiếp không hoàn thành
nhiệm vụ hoặc hoạt động không có hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền thành lập.
3. Vi phạm nghiêm trọng các quy định
quản lý, tổ chức, hoạt động của Trung tâm.
4. Hết thời hạn
đình chỉ hoạt động mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ.
5. Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập Trung tâm; theo yêu cầu sắp xếp về tổ chức Trung tâm để phù hợp với quy hoạch mạng lưới
tổ chức Trung tâm đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
Chương 3.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC
THÀNH LẬP, HOẠT ĐỘNG, ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG, TỔ CHỨC LẠI, GIẢI THỂ TRUNG TÂM
MỤC 1. THÀNH LẬP
TRUNG TÂM
Điều 12. Đề án
thành lập
1. Đề án thành lập
Trung tâm do tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập xây dựng,
trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc quyết định cho
phép thành lập.
2. Nội dung Đề án
thành lập Trung tâm theo quy định tại Khoản 2, Điều 5 của Nghị định
số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về thành lập,
tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 13. Tờ
trình thành lập
1. Tờ trình thành lập Trung tâm do tổ
chức, cá nhân đề nghị thành lập trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem
xét, quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập.
2. Nội dung tờ trình thành lập Trung
tâm theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 của Nghị định số
55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về thành lập,
tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp
công lập.
Điều 14. Lấy ý
kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan
Tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập gửi
Đề án thành lập đến các cơ quan, tổ chức
có liên quan theo quy định của pháp luật và theo quy chế làm việc của cơ quan để
lấy ý kiến bằng văn bản đối với việc thành lập Trung tâm.
Điều 15. Hồ sơ
thành lập
Hồ sơ thành lập Trung tâm gồm:
1. Hồ sơ thẩm định
a) Đề án thành lập Trung tâm;
b) Văn bản đề nghị, tờ trình thành lập
Trung tâm, dự thảo Quyết định thành lập hoặc dự thảo Quyết định cho phép thành
lập Trung tâm; dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của
Trung tâm và các tài liệu khác có liên quan (giấy tờ đất đai, kinh phí, nguồn
nhân lực);
c) Ý kiến bằng văn bản của các cơ
quan có liên quan về việc thành lập hoặc cho phép thành lập Trung tâm;
d) Báo cáo giải trình việc tiếp thu ý
kiến của các cơ quan có liên quan.
2. Hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh
quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập Trung tâm
a) Văn bản thẩm định, văn bản tham
gia góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức và các tài liệu khác có liên quan;
b) Dự thảo Quyết định thành lập Trung
tâm hoặc dự thảo Quyết định cho phép thành lập Trung tâm đã được hoàn chỉnh về
nội dung và thể thức.
Điều 16. Trình tự
gửi và tiếp nhận hồ sơ thành lập
1. Tổ chức, cá nhân gửi 01 (một) bộ hồ
sơ thành lập Trung tâm đến Sở Nội vụ để thẩm định; đối với các cơ quan có liên quan để phối hợp
hoặc để biết thì chỉ ghi tên các cơ quan đó vào mục nơi nhận của công văn hoặc
tờ trình đề nghị thành lập.
2. Sở Nội vụ tổ chức tiếp nhận hồ sơ
thành lập Trung tâm phải lập danh mục hồ sơ theo dõi quá trình xử lý theo quy định.
3. Hồ sơ gửi là văn bản chính được ký
tên, đóng dấu của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập và các tài liệu khác có
liên quan theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.
Điều 17. Xử lý hồ
sơ thành lập
1. Sở Nội vụ tiếp nhận hồ sơ có trách
nhiệm xử lý hồ sơ thành lập Trung tâm theo quy chế làm việc của cơ quan để thẩm định và trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định
thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập Trung tâm theo quy định của pháp
luật.
2. Đối với những vấn đề chưa rõ hoặc
còn có ý kiến khác nhau thì Sở Nội vụ yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập
có văn bản giải trình bổ sung để làm
rõ và báo cáo Sở Nội vụ.
3. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với tổ
chức, cá nhân đề nghị thành lập hoàn tất hồ sơ và các thủ tục theo quy định,
trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép
thành lập Trung tâm.
Điều 18. Thẩm định
thành lập
1. Cơ quan, tổ chức thẩm định: Sở Nội
vụ là cơ quan thẩm định thành lập Trung tâm;
2. Nội dung thẩm định:
a) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của
việc thành lập Trung tâm;
b) Mục tiêu, phạm vi đối tượng, tên gọi,
địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức; cơ chế tài chính của Trung tâm;
c) Điều kiện bảo đảm hoạt động đối với
Trung tâm khi được thành lập;
d) Tính khả thi của việc thành lập
Trung tâm;
đ) Dự thảo Quyết định thành lập Trung
tâm hoặc dự thảo Quyết định cho phép thành lập Trung tâm, dự thảo Quy chế tổ chức
và hoạt động của Trung tâm.
Điều 19. Quyết định
thành lập
Căn cứ văn bản đề nghị thành lập, văn
bản thẩm định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc quyết định cho
phép thành lập Trung tâm.
Điều 20. Thời hạn
giải quyết việc thành lập
1. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày
làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (đúng thủ tục), Sở Nội vụ phải có văn
bản thẩm định.
2. Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày
làm việc, kể từ ngày Sở Nội vụ có văn bản thẩm định, Chủ tịch
UBND cấp tỉnh ra Quyết định thành lập hoặc Quyết định cho
phép thành lập Trung tâm; trường hợp không đồng ý việc thành lập Trung tâm, Chủ
tịch UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập
Trung tâm biết rõ lý do.
MỤC 2. TỔ CHỨC LẠI,
GIẢI THỂ TRUNG TÂM
Điều 21. Đề án,
tờ trình tổ chức lại, giải thể Trung tâm
1. Nội dung Đề án và tờ trình Đề án tổ
chức lại, giải thể Trung tâm gồm:
a) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của
việc tổ chức lại, giải thể Trung tâm;
b) Phương án xử lý các vấn đề về nhân
sự, tổ chức bộ máy, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên
quan;
c) Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải
trả và các vấn đề khác có liên quan (nếu có);
d) Quy định trách nhiệm của người đứng
đầu Trung tâm và các cá nhân có liên quan đối với việc thực hiện phương án tổ
chức lại, giải thể Trung tâm và thời hạn xử
lý.
2. Trình tự, thủ tục tổ chức lại, giải thể Trung tâm hoặc cho phép tổ
chức lại, cho phép giải thể Trung tâm thực hiện như đối với việc
thành lập Trung tâm.
Điều 22. Hồ sơ tổ
chức lại, giải thể Trung tâm
1. Hồ sơ tổ chức
lại, giải thể Trung tâm bao gồm:
a) Đề án tổ
chức lại, giải thể Trung tâm;
b) Tờ trình Đề án
tổ chức lại, giải thể Trung tâm và dự thảo Quyết định tổ chức
lại, giải thể Trung tâm;
c) Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất
đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác có liên quan (nếu có).
2. Việc gửi hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, xử
lý hồ sơ về tổ chức lại, giải thể Trung tâm hoặc cho phép
tổ chức lại, giải thể Trung tâm được thực hiện như quy định đối với việc thành
lập Trung tâm.
Điều 23. Thời hạn
giải quyết việc tổ chức lại, giải thể Trung tâm
1. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày
làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (đúng thủ tục),
Sở Nội vụ phải có văn bản thẩm định.
2. Trong thời hạn 25 (hai mươi lăm)
ngày làm việc, kể từ ngày Sở Nội vụ có văn bản thẩm định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh
quyết định việc tổ chức lại, giải thể Trung tâm hoặc cho
phép tổ chức lại, cho phép giải thể Trung
tâm; trường hợp không đồng ý việc tổ chức lại, giải thể
hoặc cho phép tổ chức lại, cho phép giải thể
Trung tâm, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị biết rõ lý do.
MỤC 3. HOẠT ĐỘNG
VÀ ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM
Điều 24. Trình tự,
thủ tục cho phép hoạt động của Trung tâm
1. Hồ sơ đề nghị cho phép hoạt động của
Trung tâm gồm:
a) Văn bản đề nghị cho phép hoạt động
của Trung tâm, trong đó nêu rõ điều kiện đáp ứng hoạt động tương ứng với các
nhiệm vụ được quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch này;
b) Bản sao Quyết định thành lập hoặc
Quyết định cho phép thành lập Trung tâm.
2. Trình tự cho phép hoạt động của
Trung tâm
a) Giám đốc Trung tâm đề nghị cho
phép Trung tâm hoạt động phải có hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này
gửi Sở Giáo dục và Đào tạo. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể
từ ngày nhận hồ sơ, Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành thẩm định. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không đúng theo quy định, Sở
Giáo dục và Đào tạo trả lại hồ sơ hoặc gửi văn bản yêu cầu giám đốc Trung tâm bổ
sung, hoàn thiện hồ sơ.
b) Trong thời hạn 25 (hai mươi lăm)
ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ và yêu cầu của Giám đốc
Trung tâm, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức
thẩm định các điều kiện hoạt động theo quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch
này và quyết định cho phép Trung tâm hoạt động. Trường hợp không đủ điều kiện
hoạt động, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh và
thông báo cho Giám đốc Trung tâm biết rõ lý do.
3. Trong thời hạn 24 (hai mươi tư)
tháng, kể từ ngày có Quyết định thành lập hoặc Quyết định cho phép thành lập, nếu
Trung tâm không hoạt động thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh thu hồi Quyết định thành lập
hoặc Quyết định cho phép thành lập.
Điều 25. Trình tự,
thủ tục đình chỉ hoạt động của Trung tâm
1. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
thành lập đoàn thanh tra đánh giá tình hình thực tế của Trung tâm và đề xuất
phương án xử lý.
2. Căn cứ kết quả thanh tra, giám đốc
Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động của Trung tâm,
trong đó phải nêu rõ lý do, thời hạn đình chỉ, biện pháp bảo đảm quyền lợi đối
với người khuyết tật và cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trung tâm; thời hạn đình chỉ hoạt động của Trung tâm nhiều nhất là 12 (mười hai)
tháng. Quyết định đình chỉ hoạt động của Trung tâm phải được công bố công khai
trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Trong thời gian đình chỉ hoạt động
của Trung tâm, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ được khắc phục thì
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép Trung tâm hoạt động trở lại.
Sau thời gian đình chỉ hoạt động của Trung tâm, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc
đình chỉ chưa được khắc phục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào tình
hình thực tế để quyết định đình chỉ hoạt động của Trung
tâm lần thứ 2; thời hạn đình chỉ lần thứ 2 không quá 12 tháng. Hết thời hạn đình chỉ hoạt động lần thứ 2 mà Trung
tâm vẫn không khắc phục được những nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ, Giám đốc
Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản đề nghị chủ tịch UBND cấp tỉnh ra Quyết định giải
thể hoặc cho phép giải thể Trung tâm.
Chương 4.
HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM
Điều 26. Phát hiện
khuyết tật, can thiệp giáo dục sớm người khuyết tật
1. Chủ trì, phối hợp với người khuyết
tật, gia đình có người khuyết tật và các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan trong việc phát hiện khuyết tật và xác định ảnh hưởng của
khuyết tật đối với việc giáo dục người khuyết tật.
2. Chủ trì, phối hợp với người khuyết
tật, gia đình có người khuyết tật và các cơ quan, tổ chức
có liên quan trong việc xây dựng và thực hiện chương trình can thiệp giáo dục sớm
người khuyết tật, bao gồm: xác định năng lực, nhu cầu của người khuyết tật, xây
dựng mục tiêu, lập kế hoạch, thực hiện các biện pháp can thiệp giáo dục sớm và
đánh giá kết quả can thiệp giáo dục.
Điều 27. Tư vấn
giáo dục người khuyết tật
1. Tư vấn cho người khuyết tật và gia
đình có người khuyết tật lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với người khuyết
tật.
2. Tư vấn cho người khuyết tật và gia
đình có người khuyết tật tới các cơ sở chăm sóc, giáo dục, hướng nghiệp phù hợp với nhu cầu tâm lý, sức khỏe của người khuyết tật.
Điều 28. Hỗ trợ
người khuyết tật
1. Phát triển và rèn luyện các kĩ
năng xã hội cho người khuyết tật trước tuổi đi học.
2. Phục hồi chức năng đáp ứng nhu cầu
giáo dục của người khuyết tật tại gia đình và cộng đồng.
3. Rèn luyện các kĩ năng đặc thù đáp ứng
nhu cầu giáo dục của người khuyết tật.
4. Hướng nghiệp, giới thiệu và hỗ trợ
việc làm cho người khuyết tật.
5. Liên hệ với các dịch vụ phù hợp
cho người khuyết tật, gia đình có người khuyết tật.
6. Tổ chức cho người khuyết tật tham
gia các hoạt động xã hội tại cộng đồng.
7. Thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cần
thiết khác cho người khuyết tật.
Điều 29. Cung cấp
nội dung chương trình, phương pháp, thiết bị, tài liệu dạy học đặc thù phù hợp
1. Xây dựng nội dung chương trình, bồi
dưỡng phương pháp và chuyển giao công nghệ giáo dục khuyết
tật cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và những người có liên quan; tổ
chức các hoạt động giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu của
người khuyết tật.
2. Cung cấp sách giáo khoa chuyển đổi
bằng chữ nổi Braille, thiết bị, tài liệu đối với người khiếm thị; sách giáo
khoa chuyển đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu, thiết bị, tài liệu đối với người khiếm
thính; tài liệu, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật trí tuệ, người khuyết tật
ngôn ngữ và người khuyết tật dạng khác.
Chương 5.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 30. Trách
nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào
tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành liên quan thực hiện
các nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức tuyên truyền, phối hợp thực
hiện kế hoạch; huy động nguồn lực cho việc thành lập, hoạt động của Trung tâm;
2. Hướng dẫn các Trung tâm hiện đang
hoạt động đã đáp ứng các quy định tại Thông tư liên tịch này làm tờ trình đề
nghị để được công nhận là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo
dục hòa nhập;
3. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ về
giáo dục người khuyết tật của Trung tâm.
Điều 31. Trách
nhiệm của Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Sở Nội vụ có trách nhiệm thẩm định, báo cáo kết quả thẩm định và trình Chủ tịch
UBND cấp tỉnh về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể Trung tâm hoặc cho phép
thành lập, cho phép tổ chức lại, cho phép giải thể Trung tâm.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách
nhiệm:
a) Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội trong việc thẩm định thành lập, tổ chức lại, giải thể
Trung tâm hoặc cho phép thành lập, cho phép tổ chức lại,
cho phép giải thể Trung tâm;
b) Hướng dẫn các cơ sở giáo dục
chuyên biệt dành cho người khuyết tật chuyển đổi thành Trung tâm hỗ trợ phát
triển giáo dục hòa nhập;
c) Thẩm định và cho phép hoạt động,
đình chỉ hoạt động của Trung tâm;
d) Thực hiện quản lý nhà nước về giáo
dục đối với hoạt động của Trung tâm trên phạm vi địa phương.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc thẩm định thành lập tổ chức lại, giải thể Trung tâm hoặc cho phép thành lập,
cho phép tổ chức lại, cho phép giải thể Trung tâm.
Điều 32. Hiệu lực
thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 18 tháng 02 năm 2013.
2. Các Trung tâm ngoài công lập được
áp dụng Thông tư liên tịch này.
3. Nếu các văn bản
dẫn chiếu để áp dụng trong Thông tư liên tịch này được sửa
đổi, bổ sung hay thay thế bằng văn bản
mới thì sẽ được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới đó.
Điều 33. Trách
nhiệm thi hành
Các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng,
nhiệm vụ được giao, chỉ đạo và tổ chức thực hiện những quy
định tại Thông tư liên tịch này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng
mắc, đề nghị các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh kịp thời về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Trọng Đàm
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Nghĩa
|
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nưóc;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
- Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH;
- Lưu: VT (BGD&ĐT), VT (BLĐ-TB&XH), GDTH
(BGD&ĐT), BTXH (BLĐ-TB&XH).
|
|