BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO –
BỘ CÔNG AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
34/2009/TTLT-BGDĐT-BCA
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2009
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT
TỰ TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC THUỘC HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ
quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19
tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02
tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 43/2007/NĐ-CP ngày 26
tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Công an nhân dân;
Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ
Công an hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các
cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân như sau:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định những nội
dung và biện pháp phối hợp công tác giữa hai ngành Giáo dục và Công an nhằm đảm
bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Thông tư được áp dụng đối với
các cơ sở giáo dục thuộc các loại hình trong hệ thống giáo dục quốc dân (sau
đây gọi chung là các nhà trường) và cơ quan công an các cấp từ trung ương đến địa
phương.
Điều 2.
Nguyên tắc phối hợp giữa nhà trường và cơ quan công an
1. Đảm bảo an ninh, trật tự
trong nhà trường là trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân
có liên quan, trong đó trách nhiệm của nhà trường và cơ quan công an là nòng cốt.
2. Nội dung công tác phối hợp gồm:
phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với âm mưu, hoạt động gây mất an ninh, trật tự
nhà trường; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xử lý các vấn đề về an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội có liên quan đến người học và cán bộ, nhà
giáo.
3. Công tác phối hợp giữa hai
ngành được thống nhất từ trung ương đến địa phương, căn cứ theo chức năng, nhiệm
vụ của mỗi ngành; khi xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh, trật
tự trường học cần đảm bảo sự chủ động, kịp thời, có sự trao đổi thống nhất trước
khi quyết định.
Điều 3. Nhiệm
vụ của nhà trường
1. Thực hiện công tác bảo đảm an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội theo Quyết định số 46/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20 tháng 8 năm 2007 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về công tác bảo đảm an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo
dục quốc dân.
2. Chủ động phối hợp với cơ quan
công an và các cơ quan chức năng ở địa phương để có phương án, kế hoạch cụ thể
nhằm tăng cường giáo dục, định hướng, nắm bắt về tư tưởng chính trị, nâng cao ý
thức cảnh giác của người học và cán bộ, nhà giáo đối với âm mưu và hoạt động chống
phá Việt Nam của các thế lực thù địch. Tuyên truyền, giáo dục, quản lý để người
học không bị kích động, lôi kéo tham gia tụ tập đông người trái với quy định của
pháp luật.
3. Có kế hoạch cụ thể và chủ động
phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và gia đình người học,
đặc biệt là cơ quan công an trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống
tội phạm, tệ nạn xã hội. Định kỳ phối hợp với công an địa phương tổ chức giao
ban, kiểm tra nắm tình hình, bàn biện pháp quản lý người học ở ngoại trú.
4. Phối hợp chặt chẽ với gia
đình người học, công an địa phương và các cơ quan chức năng để có biện pháp
phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn những tác động tiêu cực trong việc sử dụng dịch
vụ internet, trò chơi điện tử, điện thoại di động,...đối với người học. Chủ động
kiến nghị với chính quyền địa phương có biện pháp kiểm tra, giám sát, giải toả
các hàng quán, dịch vụ xung quanh trường học, ký túc xá nếu có biểu hiện phức tạp
về an ninh, trật tự, hoạt động vi phạm pháp luật.
5. Đảm bảo nội dung, đổi mới
phương pháp giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với người học
trong các môn học chính khoá và hoạt động ngoại khoá. Chú trọng công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người học, cán bộ, nhà giáo.
6. Thực hiện nghiêm túc các quy
định có liên quan đến vấn đề hội nhập, hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo,
tiếp nhận, sử dụng viện trợ, học bổng của cá nhân, tổ chức
nước ngoài; chủ động cung cấp cho cơ quan công an thông tin, tình hình hoạt động
liên quan đến yếu tố nước ngoài để phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh, trật
tự.
7. Phát huy hiệu quả vai trò của
các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, các hoạt động tự quản của người học
trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự nhà trường.
8. Thường xuyên kiện toàn để duy
trì hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo, lực lượng chuyên trách công tác bảo vệ
an ninh, trật tự và đơn vị phụ trách công tác học sinh, sinh viên. Đầu tư nhân
lực, kinh phí, trang thiết bị cần thiết để các lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm
vụ.
9. Hiệu trưởng (Giám đốc) nhà
trường định kỳ chủ trì tổ chức đối thoại với người học và cán bộ, nhà giáo để
phát hiện, đề xuất với cấp trên hoặc giải quyết theo thẩm quyền nguyện vọng
chính đáng của người học và cán bộ, nhà giáo; xử lý kịp thời biểu hiện gây mất
an ninh nội bộ, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất đoàn kết, khiếu kiện tập
thể, vượt cấp.
Điều 4. Nhiệm
vụ cơ quan công an các cấp
1. Lực lượng công an các cấp
theo chức năng, nhiệm vụ được phân công:
a) Chủ động tham mưu, hướng dẫn
và phối hợp với các nhà trường trên địa bàn về công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Hỗ trợ, phối hợp với lực lượng công an và các nhà trường ngoài địa bàn quản lý
giải quyết các vụ việc về an ninh, trật tự có liên quan.
b) Thường xuyên trao đổi với nhà
trường các thông tin liên quan đến tội phạm, tệ nạn xã hội và âm mưu, thủ đoạn
hoạt động của các thế lực thù địch nhằm tác động lôi kéo người học và cán bộ,
nhà giáo để chủ động phối hợp phòng ngừa. Phối hợp với nhà trường trong công
tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người học, cán bộ, nhà giáo.
c) Chủ động tham mưu với các cơ
quan quản lý giáo dục, các nhà trường trên địa bàn có kế hoạch thực hiện tốt
công tác bảo vệ an ninh nội bộ, đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức chính trị,
trách nhiệm cho cán bộ, nhà giáo và người học trong công tác bảo đảm an ninh,
trật tự các nhà trường
d) Tham mưu với cấp uỷ, chính
quyền địa phương ban hành quy định quản lý nhà trọ cho người học và quy chế phối
hợp quản lý người học ở ngoại trú. Chủ động phối hợp với các nhà trường trong
việc quản lý, định kỳ kiểm tra việc ăn, ở, sinh hoạt, việc chấp hành các quy định
về phòng cháy, chữa cháy của người học ở ký túc xá, người học ở ngoại trú.
đ) Tăng cường phối hợp với các
cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm
trong các hoạt động dịch vụ: hàng quán, internet, trò chơi điện tử, karaoke,
trông giữ xe,… làm ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện của người học và an
ninh, trật tự khu vực xung quanh nhà trường.
e) Thường xuyên kiểm tra, nắm
tình hình nhằm phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập
vào nhà trường, đặc biệt là các hành vi đe doạ, hành hung, cưỡng đoạt tài sản của
người học ở khu vực xung quanh trường học.
f) Thông báo kịp thời với nhà
trường các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến người học, cán bộ, nhà
giáo để cùng phối hợp, xử lý.
g) Tham mưu, phối hợp với các
nhà trường phát động và nhân rộng mô hình, gương điển hình tiên tiến trong
phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các nhà trường.
h) Công an quận (huyện, thị xã,
thành phố) và công an phường (xã, thị trấn) định kỳ chủ trì tổ chức giao ban với
cơ quan quản lý giáo dục và các nhà trường trên địa bàn quản lý để nắm tình
hình và bàn biện pháp phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự tại các nhà trường.
2. Lực lượng bảo vệ An ninh nội
bộ và Văn hoá tư tưởng chủ trì:
a) Phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn
các hành vi lợi dụng danh nghĩa hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo để
thâm nhập nội bộ, phá hoại tư tưởng hoặc điều tra, thu thập tin tức về tình
hình kinh tế, chính trị xã hội Việt Nam.
b) Phối hợp với các nhà trường
và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam chủ động nắm tình hình
diễn biến tư tưởng và giáo dục ý thức chính trị cho người học; kịp thời phát hiện
những dấu hiệu phức tạp về an ninh để có biện pháp xử lý, không để phát sinh việc
gây rối, biểu tình, tuyên truyền phát triển đạo, lập các hội nhóm, diễn đàn
trái phép,... trong người học.
c) Phối hợp quản lý về an ninh,
trật tự trong hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam,
có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động phức tạp của phía nước ngoài, của
giáo viên và sinh viên người nước ngoài tại Việt Nam vi phạm pháp luật.
d) Phối hợp với các nhà trường bảo
vệ an ninh, an toàn trong các kỳ thi; tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp
đấu tranh với các loại tội phạm liên quan trực tiếp đến các nhà trường như: thi
thuê, thi hộ, làm giấy tờ, văn bằng chứng chỉ giả mạo,…
Điều 5.
Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương
1. Chủ trì, phối hợp với cơ quan
công an cùng cấp xây dựng Quy chế phối hợp cụ thể về công tác đảm bảo an ninh,
trật tự trong các nhà trường thuộc phạm vi quản lý theo nội dung của Thông tư
liên tịch này và điều kiện cụ thể của địa phương; định kỳ phối hợp tổ chức giao
ban, đánh giá tình hình, kiểm tra việc thực hiện Quy chế phối hợp.
2. Chỉ đạo tổ chức thực hiện Thông
tư liên tịch; tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết theo từng giai đoạn và báo cáo
cơ quan quản lý giáo dục cấp trên về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong
các nhà trường thuộc phạm vi quản lý.
Điều 6.
Trách nhiệm của Hiệu trưởng (Giám đốc) nhà trường
1. Ban hành kế hoạch cụ thể để tổ
chức thực hiện các nhiệm vụ của nhà trường quy định tại Điều 3 của
Thông tư liên tịch này.
2. Chủ trì phối hợp với cơ quan
công an ở địa phương xây dựng Quy chế phối hợp về công tác đảm bảo an ninh, trật
tự trong nhà trường, định kỳ tổ chức giao ban, đánh giá tình hình thực hiện Quy
chế phối hợp; sơ kết hàng năm, tổng kết theo từng giai đoạn và báo cáo cơ quan
quản lý giáo dục trực tiếp về công tác đảm bảo an ninh, trật tự của nhà trường.
Điều 7.
Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan công an các cấp ở địa phương
1. Ban hành kế hoạch cụ thể để tổ
chức thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan công an quy định tại Điều
4 của Thông tư liên tịch này.
2. Chủ động phối hợp với các cơ
quan quản lý giáo dục cùng cấp và các nhà trường đóng trên địa bàn xây dựng Quy
chế phối hợp công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong nhà trường; phối hợp tổ chức
giao ban, sơ kết hàng năm, tổng kết theo từng giai đoạn và báo cáo cấp trên về
công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong các nhà trường trên địa bàn quản lý.
Điều 8. Hiệu
lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 06 tháng 01 năm 2010.
2.Thông tư này thay thế Thông tư
liên tịch số 10/2002/TTLT/GD&ĐT- CA ngày
22 tháng 3 năm 2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an về công tác bảo vệ
an ninh – trật tự trong trường học.
Điều 9.
Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị
liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an; Thủ trưởng cơ quan quản lý
giáo dục, cơ quan công an các cấp ở địa phương; Thủ trưởng cơ sở giáo dục thuộc
hệ thống giáo dục quốc dân chịu trách nhiệm thi hành Thông tư liên tịch này.
2. Vụ Công tác học sinh, sinh
viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Cục Bảo vệ An ninh nội bộ và Văn hoá tư tưởng
(Tổng Cục An ninh – Bộ Công an) chủ trì tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra,
đôn đốc thực hiện Thông tư liên tịch này. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc
thực hiện Thông tư liên tịch trong phạm vi toàn ngành Giáo dục và Công an.
3. Trong quá trình triển khai thực
hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Công
tác học sinh, sinh viên) và Bộ Công an (qua Cục Bảo vệ An ninh nội bộ và Văn
hoá tư tưởng) để được chỉ đạo, hướng dẫn.
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Hưởng
|
KT.
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Vinh Hiển
|
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Bộ trưởng: Bộ GD&ĐT, Bộ CA;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Các Website: Chính phủ, Bộ GD&ĐT; Bộ CA;
- Như điều 9;
- Lưu: Bộ GD&ĐT (VT, Vụ PC, Vụ CTHSSV), Bộ CA (VT, A11, A25).
|