BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/2023/TT-BGDĐT
|
Hà Nội,
ngày tháng
năm 2023
|
DỰ THẢO
|
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC HỌC SINH, SINH VIÊN NỘI TRÚ, NGOẠI
TRÚ
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật
Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Cư
trú ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24
tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị
của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành Thông tư quy định về công tác học sinh, sinh viên nội trú, ngoại
trú.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về công tác học sinh, sinh viên, học
viên (sau đây gọi là học sinh, sinh viên) nội trú, ngoại trú, bao gồm: Quyền
và nghĩa vụ của học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú; công tác học sinh, sinh
viên nội trú, ngoại trú; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân
trong công tác học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với học
sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú của các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng
sư phạm, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên (sau đây gọi là
nhà trường), các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Học sinh, sinh viên nội
trú là học sinh, sinh viên cư trú trong khu vực do nhà trường bố trí tại khu nội
trú hoặc ký túc xá (sau đây gọi là khu nội trú) do nhà trường
quản lý.
2. Học sinh, sinh viên ngoại trú
là học sinh, sinh viên không cư trú trong khu nội trú do nhà trường quản lý.
Điều 4. Yêu cầu đối với công tác học sinh, sinh viên nội trú, ngoại
trú
1. Tuân thủ
đúng đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy định
của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quy định của nhà trường và địa phương nơi cư trú.
2. Đảm bảo sự phối hợp quản lý, hỗ
trợ hiệu quả, thường xuyên giữa nhà trường với chính quyền địa phương và gia
đình học sinh, sinh viên; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, văn hóa lành mạnh
trong khu nội trú và chỗ ở ngoại trú của học sinh, sinh viên; kịp thời giải quyết
các vụ việc có liên quan đến học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú.
3. Bảo đảm điều kiện, nhu cầu tối
thiểu cho việc học tập, sinh hoạt; bảo đảm an ninh, an toàn và phòng, chống tội
phạm, tệ nạn xã hội, dịch bệnh cho học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú.
Chương II
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ
CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN NỘI TRÚ, NGOẠI TRÚ
Điều 5. Quyền
của học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú
1. Học sinh, sinh viên nội trú có
các quyền sau đây:
a) Các quyền theo quy định của Luật
Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các quy định pháp luật
có liên quan;
b) Được tôn trọng và đối xử bình đẳng;
được ở và sử dụng các trang thiết bị trong khu nội trú theo thỏa thuận với Bộ
phận phụ trách khu nội trú và nhà trường để phục vụ hoạt động học tập và sinh
hoạt;
c) Được tham gia các hoạt động phục
vụ đời sống văn hóa, tinh thần do Bộ phận phụ trách khu nội trú hoặc nhà trường
tổ chức;
d) Được bảo đảm an ninh, trật
tự, an toàn, vệ sinh môi trường, sơ cấp cứu, điều trị bệnh ban đầu
và phòng, chống dịch bệnh trong khu nội trú; được tham gia các hoạt
động bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường và phòng,
chống tội phạm, tệ nạn xã hội, dịch bệnh trong khu nội trú;
đ) Được nhà trường bảo đảm, chịu
trách nhiệm về chất lượng các dịch vụ cung cấp cho học sinh, sinh viên trong
khu nội trú;
e) Được kiến nghị, đề đạt nguyện vọng
và tham gia ý kiến với Bộ phận phụ trách khu nội trú và nhà trường về các giải
pháp xây dựng khu nội trú văn minh, sạch đẹp, an toàn và các vấn đề liên quan đến
quyền, lợi ích chính đáng của học sinh, sinh viên trong khu nội trú.
2. Học sinh, sinh viên ngoại
trú có các quyền sau đây:
a) Các quyền theo quy định của Luật
Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các quy định pháp luật
có liên quan; quyền cư trú hợp pháp trên địa bàn theo quy
định của Luật Cư trú
b) Được tham gia ý kiến, đề đạt
nguyện vọng của mình đến chính quyền địa phương, nhà trường và các cơ quan hữu
quan đối với các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng tại nơi cư trú theo
quy định của pháp luật;
c) Được tham gia các hoạt động văn
hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do nhà
trường hoặc chính quyền địa phương tổ chức; được nhà trường tạo điều kiện thuận
lợi và hỗ trợ khi ở ngoại trú.
Điều 6. Nghĩa
vụ của học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú
1. Học sinh, sinh viên nội trú có
các nghĩa vụ sau đây:
a) Các nghĩa vụ theo quy định của
Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các quy định pháp
luật có liên quan;
b) Đăng kí tạm trú theo đúng quy định
của Luật Cư trú;
c) Chấp hành các nội quy, quy định
của Bộ phận phụ trách khu nội trú;
d) Thực hiện các biện pháp phòng
chống cháy, nổ; có ý thức tiết kiệm điện, nước, giữ gìn tài sản và bảo vệ môi
trường trong khu nội trú và các quy định khác của Ban quản lí khu nội trú,
nhà trường;
đ) Phản ánh kịp thời các vụ việc
xảy ra trong khu nội trú liên quan đến học sinh, sinh viên vi phạm nội quy,
quy định và các đề xuất, kiến nghị chính đáng với Ban quản lí khu nội trú;
e) Tích cực tham gia xây dựng khu
nội trú văn minh, sạch đẹp, an toàn;
f) Có ý thức giữ gìn vệ sinh môi
trường; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, dịch bệnh trong khu nội trú.
2. Học sinh,
sinh viên ngoại trú có các nghĩa vụ sau đây:
a) Các nghĩa vụ theo quy định của
Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các quy định pháp
luật có liên quan;
b) Đăng kí tạm trú theo quy định của
Luật Cư trú và báo cáo địa chỉ tạm trú của mình với nhà trường theo quy định cụ
thể của nhà trường.
c) Chấp hành các quy định của luật
pháp về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm, tệ nạn
xã hội, dịch bệnh và bảo vệ môi trường tại nơi cư trú.
d) Khi thay đổi nơi cư trú, phải
báo địa chỉ cư trú mới của mình với nhà trường theo quy định cụ thể của nhà trường.
đ) Tham gia các hoạt động văn hóa,
văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động khác do nhà trường và địa phương tổ
chức.
Chương III
CÔNG TÁC HỌC
SINH, SINH VIÊN NỘI TRÚ, NGOẠI TRÚ
Mục 1. Công
tác học sinh, sinh viên nội trú
Điều 7. Công
tác quản lý
Bộ phận phụ trách khu nội trú do
Hiệu trưởng/Giám đốc (sau đây gọi là Hiệu trưởng) nhà trường thành lập để
trực tiếp thực hiện công tác học sinh, sinh viên nội trú, gồm các
nội dung sau:
1. Xây dựng kế
hoạch hằng năm triển khai thực hiện công tác học sinh,
sinh viên nội trú.
2. Tuyên truyền, phổ biến các quy
định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền địa phương;
các quy định, nội quy của nhà trường cho học sinh, sinh viên về công tác quản
lý học sinh, sinh viên nội trú.
3. Phân công người trực 24/24 giờ
để giải quyết kịp thời các sự vụ liên quan đến học sinh, sinh viên nội trú.
Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nội quy của học sinh, sinh viên nội trú
và xử lí các vi phạm (nếu có).
4. Tổ chức các hoạt động tự quản để
học sinh, sinh viên phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm với bản thân, biết
tôn trọng tập thể ; khen thưởng học sinh, sinh viên nội trú có nhiều thành tích
đóng góp cho hoạt động ở khu nội trú.
5. Thiết lập kênh thông tin liên lạc
giữa Bộ phận phụ trách khu nội trú với học sinh, sinh viên và gia đình học
sinh, sinh viên để nắm bắt tình hình và kịp thời xử lí các vụ việc xảy ra liên
quan trong khu nội trú.
6. Xây dựng, tổ chức các phong
trào thi đua trong khu nội trú về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh
môi trường, phòng chống dịch bệnh, mĩ quan trong phòng ở, khu nội trú.
7. Định kì hằng năm tổ chức tối
thiểu một lần đối thoại trực tiếp hoặc bằng hình thức khác với học sinh, sinh
viên nội trú để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng và xử lí kịp thời các ý
kiến, nguyện vọng liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của học sinh, sinh
viên nội trú.
Điều 8. Điều
kiện tối thiểu trong khu nội trú
1. Khu nội trú phải có biển tên được
đặt tại cổng, ghi rõ: Tên đơn vị chủ quản + tên trường + khu nội trú.
2. Có bảng nội
quy đặt ở nơi dễ quan sát; có phòng trực, văn phòng làm việc của Bộ phận phụ
trách khu nội trú; có các phương tiện thông tin, tuyên truyền cho học sinh,
sinh viên nội trú.
3. Các tòa nhà, dãy nhà, các
phòng ở phải có biển tên/số phòng, danh sách học sinh, sinh viên để
quản lý.
4. Có phòng y tế gần khu vực nội
trú của học sinh, sinh viên; có sân chơi , phòng sinh hoạt chung, khu trông, giữ
xe cho học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn, thuận tiện.
5. Bảo đảm các điều kiện cần thiết,
an toàn phục vụ học tập, sinh hoạt cho học sinh, sinh viên nội trú về: y tế, điện,
nước sạch, phòng, chống dịch bệnh, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, cảnh
quan...
6. Các cơ sở
giáo dục phổ thông thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo
về tiêu chuẩn cơ sở vật chất khu nội trú.
Điều 9. Đối tượng
ưu tiên tiếp nhận ở nội trú
Khi tiếp nhận vào ở nội trú, trong
trường hợp số học sinh, sinh viên có nguyện vọng vượt quá quy mô của khu nội
trú, thì Hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào các đối tượng sau để xét duyệt:
1. Học sinh, sinh viên thuộc
đối tượng được hưởng ưu đãi theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với
cách mạng.
2. Học sinh hưởng chính
sách của các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ
thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán
trú.
3. Người có cha hoặc mẹ là người
dân tộc thiểu số.
4. Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng bảo trợ
xã hội; có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em.
5. Học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú tại
vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
6. Học sinh, sinh viên thuộc diện gia đình hộ
nghèo, hộ cận nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước.
8. Học sinh, sinh viên nữ; học
sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường, Đội Thiếu niên
Tiền phòng Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt
Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (nếu có) và các tổ chức xã hội phát động.
9. Các đối tượng học sinh, sinh viên khác do Hiệu trưởng nhà trường quy định.
Điều 10. Bảo
đảm an ninh, trật tự, an toàn; phòng, chống dịch bệnh, tội phạm, tệ nạn xã hội
trong khu nội trú
Công tác bảo đảm an ninh, trật tự,
an toàn, phòng chống dịch bệnh, tội phạm, tệ nạn xã hội, trong khu nội trú, gồm
các nội dung sau:
1. Bảo đảm cơ sở, vật chất công trình
phục vụ sinh hoạt tối thiểu và các thiết bị khác cho học sinh, sinh viên nội
trú; thường xuyên kiểm tra, kịp thời nâng cấp, sửa chữa những hạng mục xuống cấp,
không bảo đảm an toàn.
2. Có cán bộ quản lí và tổ
học sinh, sinh viên tự quản trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự,
an toàn; phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, dịch bệnh,
xâm hại và vệ sinh môi trường trong khu nội trú.
3. Có sư phối hợp chặt chẽ giữa Bộ
phận phụ trách với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, tổ tự quản của học
sinh, sinh viên trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống dịch bệnh,
tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, xâm hại và vệ sinh môi trường trong
khu nội trú.
4. Định kỳ một (1) lần/năm học tổ
chức phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, an
ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy; và các tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh
viên nội trú.
5. Thực hiện nghiêm túc các quy định
về y tế, phòng chống dịch bệnh, phòng cháy, chữa cháy trong khu nội trú.
6. Tổ chức cho học sinh, sinh viên
nội trú kí cam kết nghiêm túc thực hiện bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống
dịch bệnh, tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, xâm hại và vệ sinh môi
trường trong khu nội trú.
Điều 11. Tổ
chức hoạt động hỗ trợ, dịch vụ cho học sinh, sinh viên nội trú
1. Tổ chức các dịch vụ trông giữ
xe, internet; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các
hoạt động hỗ trợ khác trong khu nội trú phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất,
nhu cầu chính đáng của học sinh, sinh viên.
2. Căn cứ điều kiện cụ thể, nhà
trường tổ chức nhà ăn, trung tâm dịch vụ, căng tin phục vụ cho học sinh, sinh
viên nội trú bảo đảm thuận tiện và vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Tổ chức các hoạt động tư
vấn về tâm lý; công tác phòng cháy, chữa cháy, kĩ năng phòng, chống dịch
bệnh, tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên nội
trú.
4. Quy định cụ thể, công khai về
lệ phí phòng ở khu nội trú, các dịch vụ khác (nếu có)
và có chính sách miễn giảm cho học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách theo
quy định.
Điều 12. Công
tác phối hợp
Các nhà trường chủ động phối hợp với
các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện các nội dung sau đây:
1. Phối hợp với Công an xã (phường,
thị trấn), các cơ quan thông tin truyền thông và chính quyền địa phương tổ chức
tuyên truyền về Luật Cư trú cho học sinh, sinh viên; kết nối cơ sở dữ liệu về
cư trú của học sinh, sinh viên nội trú phục vụ cho công tác quản lý, theo
dõi và cập nhật kịp thời việc thay đổi nơi cư trú của học sinh, sinh viên nội
trú; hướng dẫn hỗ trợ cho học sinh, sinh viên làm thủ tục đăng kí tạm trú, gia
hạn tạm trú với Công an xã (phường, thị trấn) theo quy định của pháp luật.
2. Phối hợp với chính quyền địa
phương xã (phường, thị trấn), các đơn vị liên quan để làm tốt công tác đảm bảo
an ninh, trật tự, an toàn trong khu nội trú; giải quyết kịp thời các vụ việc
liên quan đến học sinh, sinh viên và tổ chức tổng kết công tác học sinh, sinh
viên nội trú hằng năm.
3. Phối hợp với các tổ chức trong
trường: Đội Thiều niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ
Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (nếu
có) và các tổ chức đoàn thể khác ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động cho
học sinh, sinh viên nội trú, thực hiện nếp sống văn minh trong khu nội trú.
4. Phối hợp với các cơ sở y tế địa
phương tổ chức khám sức khỏe định kì và đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho học sinh, sinh viên trong khu nội trú.
Mục 2. Công
tác học sinh, sinh viên ngoại trú
Điều 13. Công
tác phối hợp quản lí
Bộ phận phụ trách công tác học
sinh, sinh viên ngoại trú do Hiệu trưởng nhà trường thành lập và để thực hiện công tác phối hợp quản lý và hỗ trợ học sinh, sinh viên ngoại
trú, gồm các nội dung sau:
1. Xây dựng kế
hoạch hằng năm để triển khai thực hiện công tác phối hợp
quản lý và hỗ trợ học sinh, sinh viên ngoại trú.
2. Tổ chức việc phổ biến các quy định
của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường về công tác ngoại trú cho học sinh, sinh
viên; hướng dẫn và tư vấn thủ tục đăng kí tạm trú, gia hạn tạm trú cho học
sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật.
3. Lập kênh thông tin hai chiều giữa
nhà trường, chính quyền địa phương, Công an xã (phường, thị trấn), chủ nhà trọ
trên địa bàn trong công tác quản lý, hỗ trợ học sinh, sinh viên.
4. Cung cấp số điện thoại của cán
bộ phụ trách để học sinh, sinh viên ngoại trú kịp thời phản ánh những vấn đề bất
cập có liên quan đến nhà trường.
Điều 14. Công
tác tư vấn, hỗ trợ
Bộ phận phụ trách công tác học
sinh, sinh viên ngoại trú chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của địa
phương, trong công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên ngoại trú, gồm các nội dung
sau:
1. Phối hợp với Công an xã (phường,
thị trấn), các cơ quan liên quan của địa phương trong công tác quản lý cư trú
và tổ chức tuyên truyền các quy định của Luật Cư trú cho học sinh, sinh viên; kết
nối cơ sở dữ liệu về cư trú của học sinh, sinh viên ngoại trú phục vụ cho
công tác quản lý, theo dõi và cập nhật kịp thời việc thay đổi nơi cư trú của học
sinh, sinh viên ngoại trú; tư vấn, giới thiệu chỗ ở bảo đảm điều kiện về diện
tích nhà ở tối thiểu, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường
theo quy định cho học sinh, sinh viên có nhu cầu.
2. Phối hợp với chính quyền, công
an địa phương trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường;
tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên rèn luyện, phát huy năng lực trong xây dựng
văn hóa tại nơi cư trú; tổ chức tổng kết công tác quản lý học sinh, sinh viên
ngoại trú hằng năm với hình thức phù hợp, hiệu quả.
3. Phối hợp với các khu nội trú tập
trung do địa phương quản lý về công tác hỗ trợ, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch
bệnh, tội phạm, tệ nạn xã hội, đối với học sinh ngoại trú.
4. Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (nếu
có), các tổ chức chính trị - xă hội khác tại địa phương để tư vấn, hỗ trợ, giúp
đỡ, tổ chức thực hiện công tác ngoại trú của học sinh, sinh viên.
5. Bộ phận phụ trách công tác học sinh
ngoại trú của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên chủ động phối
hợp với gia đình học sinh, chủ nhà trọ trong công tác hỗ trợ bảo đảm an toàn
phòng, chống dịch bệnh, tội phạm, tệ nạn xã hội, đối với học sinh ngoại trú.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG CÔNG TÁC HỌC SINH, SINH VIÊN NỘI TRÚ, NGOẠI
TRÚ
Điều 15.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Chỉ đạo cơ quan công an
và các cơ quan, đơn vị liên quan của địa phương phối hợp chặt chẽ
với các nhà trường trong công tác phối hợp quản lý, hỗ trợ học sinh, sinh viên
đăng kí tạm trú, gia hạn tạm trú trên địa bàn theo quy định của Luật Cư trú; bảo
đảm an ninh, trật tự, an toàn; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, dịch bệnh
cho học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú; tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời
xử lí các vụ việc liên quan đến học sinh, sinh viên nội
trú, ngoại trú.
2. Chỉ đạo chính quyền cấp huyện,
cấp xã thực hiện công tác quản lý các hộ gia đình kinh doanh nhà
trọ cho học sinh, sinh viên ngoại trú thuê ở trên địa bàn.
3. Triển khai thực hiện hiệu quả
các giải pháp nhằm khuyến khích, phát huy năng lực của học sinh, sinh viên trên
địa bàn tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
4. Chỉ đạo các khu nội trú tập
trung do địa phương quản lý phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong công tác
quản lý đối với học sinh, sinh viên ngoại trú, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch
bệnh, tội phạm, tệ nạn xã hội.
5. Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức
liên quan trên địa bàn tổ chức giao ban theo học kì nhằm đánh giá tình hình và
tìm ra các giải pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong công tác
giáo dục, bảo vệ, quản lý, hỗ trợ học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú.
Điều 16.
Trách nhiệm của Hiệu trưởng các nhà trường
1. Ban hành nội quy, quy định về
công tác học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú phù hợp với điều kiện cụ thể của
nhà trường, địa phương.
2. Phê duyệt kế hoạch hoạt động
công tác học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú hằng năm; kế hoạch xây dựng,
tu bổ, nâng cấp, sửa chữa nhà ở, nhà ăn, các công trình hạ tầng cơ sở của khu nội
trú theo quy định.
3. Xét duyệt danh sách học sinh,
sinh viên thuộc diện được miễn hoặc giảm phí phòng ở nội trú và các khoản phí hợp
pháp khác (nếu có); hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định
của pháp luật.
4. Có quy chế phối hợp với chính
quyền, công an địa phương nhằm tạo điều kiện cho học sinh,
sinh viên nội trú, ngoại trú thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.
5. Thành lập và quy định chức năng,
nhiệm vụ của Bộ phận phụ trách khu nội trú, Bộ phận phụ trách công tác học
sinh, sinh viên ngoại trú (nếu có) để thực hiện các nội dung công tác quản lý,
hỗ trợ học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú theo; bố trí nhân sự chuyên trách
làm công tác học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú.
6. Phối hợp với tổ chức Đội Thiếu
niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh
viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (nếu có) của nhà trường trong
công tác quản lý, hỗ trợ học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú.
7. Các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo và các cơ quan chức năng của địa phương tham mưu, đề xuất cho Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên
quan của địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, hỗ trợ bảo đảm an
ninh, trật tự, an toàn; phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ, tội phạm, tệ nạn xã hội
cho học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh,
sinh viên được rèn luyện, phát huy năng lực trong xây dựng đời sống văn hóa ở
nơi nội trú, ngoại trú, thực hiện nghĩa vụ của công dân về cư trú và kịp thời xử
lí các việc có liên quan; hướng dẫn cho học sinh, sinh viên đăng kí tạm trú
theo quy định của Luật Cư trú.
8. Hằng năm, báo cáo cơ
quan quản lý trực tiếp về kết quả thực hiện công tác học sinh,
sinh viên nội trú, ngoại trú của các nhà trường thuộc phạm vi quản lý trước
ngày 30/6; báo cáo cơ quan quản lý cấp trên và các cơ quan
có liên quan những vụ việc đột xuất xảy ra liên quan đến học sinh, sinh viên
nội trú, ngoại trú.
Điều 17.
Trách nhiệm của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Ban hành quy định về công tác
học sinh nội trú, ngoại trú của các cơ sở giáo dục phổ
thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong phạm vi quản lý.
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ sở
giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường dự bị đại học trên địa bàn tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan của địa
phương phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong công tác quản lý, hỗ trợ bảo
đảm an ninh, trật tự, an toàn; phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ, tội phạm, tệ nạn
xã hội, cho học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú; tạo điều kiện thuận lợi cho
học sinh, sinh viên được rèn luyện, phát huy năng lực trong xây dựng đời sống
văn hóa ở nơi nội trú, ngoại trú, thực hiện nghĩa vụ của công dân về cư trú và
kịp thời xử lí các việc có liên quan.
3. Chủ trì, phối hợp với
các cơ quan, đơn vị hữu quan của địa phương tổ chức kiểm tra, đôn
đốc việc thực hiện công tác học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú trong các
nhà trường trực thuộc trên địa bàn.
4. Hằng năm,
tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác học sinh, sinh viên nội trú, ngoại
trú của các nhà trường trực thuộc trên địa bàn theo quy định của Thông tư này;
báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cùng cấp
về kết quả thực hiện công tác học sinh, sinh viên nội trú, ngoại
trú các nhà trường thuộc phạm vi quản lý trước ngày 30/6.
Điều 18.
Trách nhiệm của các Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Hướng dẫn các nhà trường trực
thuộc trên địa bàn thực hiện quy định về công tác học
sinh nội trú, ngoại trú của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
2. Phối hợp với các đơn vị
hữu quan có liên quan của địa phương tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc
thực hiện công tác học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú trong các nhà trường
trực thuộc trên địa bàn.
3. Hằng năm, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cùng cấp về kết quả thực hiện công tác học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú của
các nhà trường thuộc phạm vi quản lý trước ngày 30/6.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ
ngày ..... tháng ...... năm 2023.
2. Thông tư này thay thế Thông tư
số 27/2011/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 06 năm 2011 ban hành Quy chế công
tác học sinh, sinh viên nội trú tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục
quốc dân; Thông tư số 27/2009/TT-BGDĐT
ngày 19 tháng 10 năm 2009 ban hành Quy chế ngoại trú của học sinh,
sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy.
Điều 20.
Trách nhiệm thi hành
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng
Phòng Giáo dục và Đào tạo; các Hiệu trưởng nhà trường chịu trách
nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Uỷ ban VHGD của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Kiểm toán nhà nước;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Bộ;
- Các Sở GDĐT; các ĐH, HV; các trường ĐH, CĐSP;
- Lưu: VT, PC, Vụ GDCT HSSV.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Kim Sơn
|