BỘ CÔNG AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
41/2022/TT-BCA
|
Hà Nội,
ngày 27 tháng 10 năm 2022
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ THĂM GẶP; NHẬN, GỬI THƯ, TIỀN, QUÀ; LIÊN LẠC ĐIỆN
THOẠI ĐỐI VỚI HỌC SINH TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG, TRẠI VIÊN CƠ SỞ GIÁO DỤC BẮT BUỘC
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6
năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm
2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào
trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc;
Căn cứ Nghị định số
01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Cục trưởng
Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng;
Bộ trưởng Bộ Công an ban
hành Thông tư quy định về thăm gặp; nhận, gửi thư, tiền, quà; liên lạc điện thoại
đối với học sinh trường giáo dưỡng, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về chế độ thăm gặp; nhận,
gửi thư, tiền, quà và liên lạc điện thoại đối với học sinh đang chấp hành quyết
định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, trại viên đang chấp hành quyết
định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Học sinh đang chấp hành quyết định áp dụng biện
pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng (sau đây viết gọn là học
sinh).
2. Trại viên đang chấp hành quyết định áp dụng
biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (sau đây viết gọn
là trại viên).
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến
việc thăm gặp; nhận, gửi thư, tiền, quà và liên lạc điện thoại đối với học
sinh, trại viên.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ THĂM GẶP HỌC
SINH, TRẠI VIÊN
Điều 3. Chế độ thăm gặp
của học sinh, trại viên
1. Người được thăm gặp học sinh, trại viên
a) Học sinh được gặp thân nhân theo quy định tại
khoản 1 Điều 24 Nghị định số 140/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm
2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào
trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc (sau đây viết gọn là Nghị định số
140/2021/NĐ-CP).
b) Trại viên được gặp thân nhân theo quy định tại
khoản 1 Điều 39 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP;
c) Thân nhân đến thăm gặp học sinh, trại viên
theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 140/NĐ-CP.
2. Người đến thăm gặp học sinh, trại viên phải
chấp hành quy định của pháp luật, nội quy trường giáo dưỡng, nội quy cơ sở giáo
dục bắt buộc, nội quy nhà thăm gặp; thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ trường
giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.
3. Trình tự thăm gặp học sinh, trại viên
a) Cán bộ tiếp nhận, kiểm tra giấy tờ của người
đến thăm gặp theo quy định;
b) Vào Sổ theo dõi thăm gặp báo cáo Hiệu trưởng
trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc duyệt, ký trước khi giải
quyết cho thăm gặp;
c) Quản lý, giám sát học sinh, trại viên trong
thời gian tổ chức thăm gặp và ký vào Sổ xuất nhập học sinh, trại viên; kiểm
soát tiền, quà do thân nhân gửi cho học sinh, trại viên; kiểm soát đồ vật, tư
trang khi trại viên thăm gặp tại phòng riêng, những đồ vật, tư trang không được
mang vào phòng riêng yêu cầu kê khai, ký xác nhận và gửi ở tủ nhà thăm gặp;
d) Cập nhật thông tin vào Sổ theo dõi thăm gặp
và gửi tiền lưu ký cho học sinh, trại viên (nếu có).
Điều 4. Nhà thăm gặp học
sinh, trại viên
1. Mỗi trường giáo dưỡng hoặc mỗi phân hiệu trường
giáo dưỡng (nếu có phân hiệu) phải có một Nhà thăm gặp học sinh; mỗi cơ sở giáo
dục bắt buộc hoặc mỗi phân khu cơ sở giáo dục bắt buộc (nếu có phân khu) phải
có Nhà thăm gặp trại viên được xây dựng theo mẫu thiết kế của Bộ Công an, đặt ở
nơi thuận tiện cho việc thăm gặp, quản lý thăm gặp. Nhà thăm gặp phải trang bị
những dụng cụ và trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc thăm gặp.
2. Nhà thăm gặp của trường giáo dưỡng phải treo
biển “Nhà thăm gặp học sinh”, Nhà thăm gặp của cơ sở giáo dục bắt buộc phải treo
biển “Nhà thăm gặp trại viên”, có hòm thư góp ý để thân nhân học sinh, trại
viên phản ánh, đóng góp ý kiến.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ NHẬN, GỬI
THƯ, TIỀN, QUÀ; LIÊN LẠC ĐIỆN THOẠI
Điều 5. Chế độ nhận, gửi
thư; liên lạc điện thoại
1. Học sinh được nhận, gửi thư; liên lạc điện
thoại theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số
140/2021/NĐ-CP.
Trại viên được nhận, gửi thư; liên lạc điện thoại
theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP.
2. Khi liên lạc bằng điện thoại với thân nhân, học
sinh, trại viên phải đăng ký số điện thoại liên lạc và nội dung cuộc gọi.
3. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở
giáo dục bắt buộc phối hợp với cơ quan bưu chính viễn thông địa phương lắp đặt
buồng đàm thoại cho học sinh, trại viên liên lạc với thân nhân.
4. Buồng đàm thoại phải có cán bộ theo dõi, giám
sát việc liên lạc điện thoại của học sinh, trại viên. Nếu phát hiện nội dung
trao đổi không đúng với nội dung đăng ký, trái với yêu cầu giáo dục, ảnh hưởng
đến an ninh, trật tự thì phải lập biên bản, đề xuất xử lý kỷ luật học sinh,
trại viên theo quy định. Cước phí gọi điện thoại được tính theo giá của cơ
quan bưu chính viễn thông và do học sinh, trại viên trả (trừ trường hợp gọi điện
thoại qua đường dây miễn phí).
Điều 6. Chế độ nhận tiền,
quà
1. Học sinh được nhận tiền, quà theo quy định tại
khoản 3 Điều 24 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP.
Trại viên được nhận tiền, quà theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP.
2. Quà của học sinh, trại viên phải được cán bộ
kiểm tra kỹ trước khi đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Trường
hợp thân nhân của học sinh, trại viên mua hàng ở căng tin trường giáo dưỡng, cơ
sở giáo dục bắt buộc gửi cho học sinh, trại viên thì cán bộ bán hàng căng tin
phải đóng gói trước khi giao hàng, không để lợi dụng cất giấu vật cấm đưa vào
trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.
4. Trường hợp học sinh, trại viên từ chối nhận
tiền, quà qua đường bưu chính thì phải lập biên bản. Trường giáo dưỡng, cơ sở
giáo dục bắt buộc chuyển hoàn bưu gửi cho cơ quan bưu chính viễn thông để trả lại
cho người gửi, cước phí do người gửi trả.
Điều 7. Quy định về quản
lý tiền, đồ vật gửi lưu ký
1. Học sinh, trại viên khi đến chấp hành quyết định
hoặc trong thời gian chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục
bắt buộc có tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (tiền Việt Nam), ngân phiếu, giấy
tờ có giá, ngoại tệ, thẻ thanh toán điện tử, vàng, bạc, đồng hồ, đồ trang sức
quý hiếm hoặc những đồ vật có giá trị khác phải gửi vào lưu ký trường giáo dưỡng,
cơ sở giáo dục bắt buộc và được nhận lại khi ra khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở
giáo dục bắt buộc. Trường hợp học sinh, trại viên có nhu cầu chuyển số tiền, đồ
vật, tư trang nêu trên cho người thân hoặc người đại diện hợp pháp thì trường
giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc chuyển, giao trực tiếp cho người thân hoặc
gửi qua đường bưu điện. Việc chuyển tiền, đồ vật, tư trang phải được lập
biên bản; biên bản mô tả thực trạng, số lượng, chủng loại, hình dạng, kích thước,
màu sắc và các đặc điểm khác. Cước phí chuyển tiền, đồ vật, tư trang do học
sinh, trại viên trả theo quy định.
2. Học sinh, trại viên có tiền mặt, đồ vật gửi
lưu ký khi chuyển đến trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc khác hoặc trại
giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cán bộ trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt
buộc có trách nhiệm chuyển giao số tiền, đồ vật này cho nơi tiếp nhận học sinh,
trại viên. Việc giao nhận được lập thành biên bản, có chữ ký của bên giao, bên
nhận và học sinh, trại viên.
3. Trường hợp học sinh, trại viên chết, phải ghi
rõ vào biên bản học sinh, trại viên chết số tiền lưu ký còn lại, đồ vật gửi lưu
ký và tài sản cá nhân khác để bàn giao cho thân nhân hoặc đề nghị cơ quan có thẩm
quyền giải quyết.
Điều 8. Quy định về sử
dụng tiền lưu ký
Học sinh, trại viên được sử dụng tiền lưu ký
theo quy định sau:
1. Mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa tại căng
tin của trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Mỗi tháng học sinh, trại viên được mua lương thực,
thực phẩm không quá 05 lần định lượng ăn trung bình hằng tháng theo quy định của
Nhà nước (định lượng này được quy đổi thành tiền). Tiền mua các loại hàng hóa
phục vụ sinh hoạt không tính vào số lượng tiền mua lương thực, thực phẩm ăn
thêm của học sinh, trại viên.
2. Thanh toán tiền gửi thư, đồ vật, liên lạc điện
thoại với thân nhân.
3. Gửi về cho thân nhân hoặc nhận lại khi chấp
hành xong quyết định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Hiệu lực thi
hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 12
năm 2022 và thay thế Thông tư số 43/2015/TT-BCA
ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thăm gặp; nhận, gửi
thư, tiền, quà; liên lạc điện thoại đối với học sinh trường giáo dưỡng, trại
viên cơ sở giáo dục bắt buộc.
Điều 10. Trách nhiệm thi
hành
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ
sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc
thực hiện Thông tư này.
2. Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Giám đốc
Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan
chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản
lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng) để kịp thời hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ;
- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT Bộ Công an;
- Lưu: VT, C10.
|
BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Tô Lâm
|