THÔNG TƯ
BAN HÀNH QUY CHẾ TUYỂN SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ TUYỂN
SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo
dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của
Chính phủ quy định trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2021 của Chính
phủ quy định việc quản lí trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ
thông công lập;
Theo đề nghị của Vụ trưởng
Vụ Giáo dục Trung học;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển
sinh trung học phổ thông.
Điều 1. Ban
hành kèm theo Thông tư này Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh
trung học phổ thông.
Điều 2. Thông
tư này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2025.
Thông tư này thay thế Thông
tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm
2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh trung học
cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông; Thông tư số 18/2014/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung vào điểm a khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển
sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông
tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm
2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 4,
điểm d khoản 1 Điều 7 và khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở
và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 3. Chánh
Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan
thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận,
thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố và các tổ chức,
cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGD của Quốc hội;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp;
- Kiểm toán nhà nước;
- Công báo;
- Bộ trưởng;
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GDĐT;
- Lưu VT, Vụ PC, Vụ GDTrH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Ngọc Thưởng
|
QUY CHẾ
TUYỂN SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ TUYỂN SINH TRUNG HỌC
PHỔ THÔNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2024 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về
tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.
2. Quy chế này áp dụng đối với
trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp
học, cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; các tổ chức và
cá nhân có liên quan.
3. Việc tuyển sinh đối với
các trường chuyên biệt thực hiện theo quy định về tuyển sinh tại quy chế tổ chức
và hoạt động của trường chuyên biệt.
Điều 2.
Nguyên tắc tuyển sinh
Việc tổ chức tuyển sinh trung
học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông thực hiện theo nguyên tắc sau:
1. Bảo đảm an toàn, khách
quan, công bằng và nghiêm túc.
2. Bảo đảm thực hiện nhiệm vụ
phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
3. Bảo đảm mục tiêu giáo dục
toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Chương
II
TUYỂN SINH
TRUNG HỌC CƠ SỞ
Điều 3.
Đối tượng tuyển sinh trung học cơ sở
Học sinh hoàn thành chương
trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, học viên hoàn thành chương trình xóa mù
chữ giai đoạn 2, trong độ tuổi vào học lớp 6 theo quy định tại Điều lệ trường
trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Điều 4.
Phương thức tuyển sinh trung học cơ sở
1. Hằng năm tổ chức 01 (một)
lần tuyển sinh trung học cơ sở.
2. Tuyển sinh trung học cơ sở
được thực hiện theo phương thức xét tuyển.
3. Tiêu chí xét tuyển do Sở
Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng,
khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đối với trường trung học cơ sở,
trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp trung học cơ sở (sau đây gọi
chung là trường trung học cơ sở) thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu,
tiêu chí xét tuyển do đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản
lí hướng dẫn hoặc thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường
đặt trụ sở.
Điều 5.
Đăng kí tuyển sinh trung học cơ sở
1. Việc đăng kí tuyển sinh
trung học cơ sở được tổ chức thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Trường hợp
chưa đủ điều kiện thực hiện đăng kí tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến thì thực
hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
2. Phòng Giáo dục và Đào tạo
hướng dẫn cụ thể việc đăng kí tuyển sinh đối với các trường trung học cơ sở thuộc
phạm vi quản lí.
Đối với các trường trung học
cơ sở thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, việc đăng kí tuyển sinh
do đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí hướng dẫn hoặc thực
hiện theo hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở.
Điều 6. Hội
đồng tuyển sinh trung học cơ sở
1. Trong năm tổ chức tuyển
sinh, mỗi trường trung học cơ sở thành lập 01 (một) Hội đồng tuyển sinh trung học
cơ sở do Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập, thành phần gồm:
Chủ tịch là Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng; Phó chủ tịch là Phó hiệu trưởng
hoặc Tổ trưởng chuyên môn; thư kí và ủy viên là giáo viên, nhân viên của nhà
trường.
Đối với các trường trung học
cơ sở thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu. Hội đồng tuyển sinh trung
học cơ sở do Giám đốc đại học, Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện
nghiên cứu trực tiếp quản lí quyết định thành lập.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của
Hội đồng tuyển sinh trung học cơ sở
a) Tổ chức thực hiện việc
đăng kí tuyển sinh; thực hiện việc xét tuyển; đề xuất danh sách học sinh trúng
tuyển; đề nghị khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức có thành tích; đề nghị xử
lí đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quy chế tuyển sinh.
b) Nhiệm vụ và quyền hạn cụ
thể của Hội đồng tuyển sinh trung học cơ sở do Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc đại
học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí quy định.
Điều 7.
Quy trình tuyển sinh trung học cơ sở
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân
huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố
trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) phê duyệt
kế hoạch tuyển sinh trung học cơ sở. Kế hoạch tuyển sinh trung học cơ sở bao gồm
các nội dung cơ bản sau: đối tượng tuyển sinh; chỉ tiêu và địa bàn tuyển sinh;
tiêu chí xét tuyển; thời gian xét tuyển và công bố kết quả tuyển sinh. Kế hoạch
tuyển sinh trung học cơ sở được công bố trước ngày 31 tháng 3 hằng năm.
Đối với các trường trung học
cơ sở thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, kế hoạch tuyển sinh trung
học cơ sở do Giám đốc đại học, Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện
nghiên cứu trực tiếp quản lí quyết định sau khi thống nhất với Phòng Giáo dục
và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở.
2. Căn cứ kế hoạch tuyển sinh
trung học cơ sở đã được phê duyệt, Hội đồng tuyển sinh trung học cơ sở xây dựng
và thông báo công khai kế hoạch tuyển sinh của nhà trường; tổ chức việc đăng kí
tuyển sinh, tiếp nhận và chuẩn bị nội dung đăng kí tuyển sinh.
3. Hội đồng tuyển sinh trung
học cơ sở tổ chức việc xét tuyển theo kế hoạch tuyển sinh đã được phê duyệt; đề
xuất danh sách học sinh trúng tuyển với Hiệu trưởng nhà trường để trình Trưởng
phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Đối với các trường trung học
cơ sở thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, danh sách học sinh trúng
tuyển do Giám đốc đại học, Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện nghiên
cứu trực tiếp quản lí phê duyệt.
Chương
III
TUYỂN SINH
TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Điều 8. Đối
tượng tuyển sinh trung học phổ thông
Học sinh, học viên (sau đây gọi
chung là học sinh) tốt nghiệp trung học cơ sở, trong độ tuổi vào học lớp 10
theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và
trường phổ thông có nhiều cấp học.
Điều 9.
Phương thức tuyển sinh trung học phổ thông
1. Hằng năm tổ chức 01 (một)
lần tuyển sinh trung học phổ thông.
2. Tuyển sinh trung học phổ
thông được tổ chức theo 01 (một) trong 03 (ba) phương thức: xét tuyển, thi tuyển,
kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
a) Xét tuyển: căn cứ xét tuyển
là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học theo chương trình giáo dục
phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung
học cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học
lại của lớp đó.
b) Thi tuyển: thực hiện theo
quy định tại Điều 13 Quy chế này.
c) Kết hợp thi tuyển với xét
tuyển: thực hiện kết hợp theo quy định tại điểm a và điểm b của khoản này.
Điều 10.
Đăng kí tuyển sinh trung học phổ thông
1. Việc đăng kí tuyển sinh
trung học phổ thông được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Trường hợp chưa đủ
điều kiện thực hiện đăng kí tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến thì thực hiện
bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo hướng
dẫn cụ thể việc đăng kí tuyển sinh trung học phổ thông đối với các trường thuộc
phạm vi quản lí.
Đối với các trường, trường
trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp trung học
phổ thông (sau đây gọi chung là trường trung học phổ thông) thuộc Bộ Giáo dục
và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, việc đăng kí tuyển sinh
do Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp
quản lí hướng dẫn hoặc thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi
trường đặt trụ sở.
Điều 11.
Hội đồng tuyển sinh trung học phổ thông
1. Trong năm tổ chức tuyển
sinh, mỗi trường trung học phổ thông thành lập 01 (một) Hội đồng tuyển sinh
trung học phổ thông do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập,
thành phần gồm: Chủ tịch là Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng; Phó chủ tịch là
Phó hiệu trưởng hoặc Tổ trưởng chuyên môn; thư kí và ủy viên là giáo viên, nhân
viên của nhà trường.
Đối với các trường trung học
phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu,
Hội đồng tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Giám đốc đại học, Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện nghiên cứu trực
tiếp quản lí quyết định thành lập.
2. Nhiệm vụ của Hội đồng tuyển
sinh trung học phổ thông
a) Tổ chức thực hiện việc
đăng kí tuyển sinh; thực hiện kế hoạch tuyển sinh; đề xuất danh sách học sinh
trúng tuyển; đề nghị khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức có thành tích; đề nghị
xử lí đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quy chế tuyển sinh.
b) Nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng
tuyển sinh trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Giáo dục và
Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí quy định.
Điều 12.
Quy trình tuyển sinh trung học phổ thông
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh)
phê duyệt kế hoạch tuyển sinh trung học phổ thông. Kế hoạch tuyển sinh trung học
phổ thông bao gồm các nội dung cơ bản sau: đối tượng tuyển sinh; chỉ tiêu và địa
bàn tuyển sinh; phương thức tuyển sinh; chế độ tuyển thẳng, ưu tiên, khuyến
khích; thời gian xét tuyển và công bố kết quả tuyển sinh. Kế hoạch tuyển sinh
trung học phổ thông được công bố trước ngày 31 tháng 3 hằng năm.
Đối với các trường trung học
phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu,
kế hoạch tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Giám đốc đại học, Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện nghiên cứu trực
tiếp quản lí quyết định sau khi thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường
đặt trụ sở.
2. Căn cứ kế hoạch tuyển sinh
trung học phổ thông đã được phê duyệt, Hội đồng tuyển sinh trung học phổ thông
xây dựng và thông báo công khai kế hoạch tuyển sinh của nhà trường; tổ chức việc
đăng kí tuyển sinh, tiếp nhận và chuẩn bị nội dung đăng kí tuyển sinh.
3. Hội đồng tuyển sinh trung
học phổ thông tổ chức việc tuyển sinh theo kế hoạch tuyển sinh đã được phê duyệt;
đề xuất danh sách học sinh trúng tuyển với Hiệu trưởng nhà trường để trình Giám
đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Đối với các trường trung học
phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu,
danh sách học sinh trúng tuyển do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc đại
học, Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện nghiên cứu trực tiếp quản lí
phê duyệt.
Điều 13.
Tổ chức thi tuyển
1. Môn thi, bài thi
a) Số môn thi, bài thi gồm:
Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo
lựa chọn 01 (một) trong 02 (hai) phương án sau:
- Môn thi thứ ba được lựa chọn
trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ
thông cấp trung học cơ sở, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03
(ba) năm liên tiếp;
- Bài thi thứ ba là bài thi tổ
hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm
số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.
Đối với các trường trung học
phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu
có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi hoặc bài thi thứ ba do Bộ Giáo dục và
Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí lựa chọn.
b) Môn thi hoặc bài thi thứ
ba được công bố sau khi kết thúc học kì I nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 3
hằng năm.
c) Thời gian làm bài thi: môn
Ngữ văn: 120 phút; môn Toán: 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba: 60 phút hoặc
90 phút; bài thi thứ ba: 90 phút hoặc 120 phút.
d) Nội dung thi nằm trong
chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, chủ yếu là lớp 9.
đ) Đối với việc tuyển sinh
vào trường trung học phổ thông chuyên, học sinh phải thi các môn thi, bài thi
quy định tại khoản này và 01 (một) môn thi chuyên. Mỗi môn chuyên có 01 (một) đề
thi riêng theo chương trình môn học cấp trung học cơ sở, nội dung thi bảo đảm
tuyển chọn được học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
2. Ra đề thi
a) Công tác ra đề thi phải bảo
đảm an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu: ra đề, in sao đề thi, vận chuyển, bàn
giao và bảo quản đề thi. Đề thi bảo đảm tính chính xác, khoa học và tính sư phạm;
có đề thi chính thức và đề thi dự bị; mỗi đề thi có đáp án, hướng dẫn chấm thi.
b) Hội đồng ra đề thi do Giám
đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập, thành phần gồm: Chủ tịch Hội đồng
là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; Phó chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Giáo dục
và Đào tạo hoặc lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; thư kí,
người soạn thảo đề thi, người phản biện đề thi; lực lượng công an; nhân viên phục
vụ, y tế, bảo vệ. Thư kí, người soạn thảo đề thi và người phản biện đề thi là
chuyên viên, cán bộ quản lí, giảng viên, giáo viên có năng lực chuyên môn phù hợp,
am hiểu chương trình môn học ở cấp trung học cơ sở. Mỗi môn thi có ít nhất 01
(một) người soạn thảo đề thi hoặc phản biện đề thi là giáo viên cấp trung học
cơ sở.
Đối với các trường trung học
phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu
có tổ chức thi tuyển, Hội đồng ra đề thi do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Giám đốc đại học, Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện nghiên cứu trực
tiếp quản lí quyết định thành lập.
c) Trách nhiệm và quyền hạn của
Hội đồng ra đề thi: xây dựng kế hoạch làm việc; phân công nhiệm vụ cho các
thành viên của Hội đồng; tổ chức soạn thảo đề thi; tổ chức phản biện đề thi;
duyệt đề thi chính thức, đề thi dự bị, hướng dẫn chấm thi của đề thi chính thức
và đề thi dự bị; xử lí hoặc đề nghị xử lí sự cố bất thường trong quá trình ra đề
thi; lập và lưu trữ hồ sơ của Hội đồng; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật đề
thi theo quy định; xem xét, quyết định hoặc đề nghị hình thức khen thưởng, kỉ luật
đối với các thành viên của Hội đồng theo quy định.
3. Coi thi
a) Công tác coi thi phải bảo
đảm công bằng, an toàn, nghiêm túc. Quy trình coi thi và phân công trách nhiệm
các thành phần tham gia coi thi phải đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm tính độc lập,
khách quan giữa các khâu; có biện pháp hiệu quả để chống gian lận trong thi cử.
Bố trí cơ cấu giám thị coi thi, giám thị giám sát coi thi phù hợp với số lượng
phòng thi. Số lượng thí sinh trong mỗi phòng thi không quá 24 (hai mươi bốn)
thí sinh, mỗi phòng thi bố trí 02 (hai) giám thị coi thi.
b) Hội đồng coi thi do Giám đốc
Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập, thành phần gồm: Chủ tịch Hội đồng
là Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông hoặc trường
trung học cơ sở; Phó chủ tịch Hội đồng là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, Tổ trưởng
chuyên môn trường trung học phổ thông hoặc trường trung học cơ sở; thư kí và
giám thị coi thi, giám thị giám sát coi thi là giảng viên, giáo viên, chuyên
viên; lực lượng công an; nhân viên phục vụ, y tế, bảo vệ.
Đối với các trường trung học
phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu
có tổ chức thi tuyển, Hội đồng coi thi do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Giám đốc đại học, Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện nghiên cứu trực
tiếp quản lí quyết định thành lập.
c) Trách nhiệm và quyền hạn của
Hội đồng coi thi: xây dựng kế hoạch làm việc của Hội đồng; phân công nhiệm vụ
cho các thành viên của Hội đồng; tổ chức cho các thành viên của Hội đồng và thí
sinh học tập, nắm vững, thực hiện đúng quy định, hướng dẫn tổ chức thi và các
văn bản khác liên quan; tổ chức coi thi; xử lí hoặc đề nghị xử lí các sự cố bất
thường trong quá trình coi thi; lập và lưu trữ hồ sơ của Hội đồng; bảo đảm an
ninh, an toàn, bảo mật đề thi theo quy định; xem xét, quyết định hoặc đề nghị
hình thức khen thưởng, kỉ luật đối với các thí sinh và các thành viên của Hội đồng
theo quy định.
4. Chấm thi
a) Việc chấm thi phải bảo đảm
an toàn, bảo mật bài thi ở tất cả các khâu: nhận bàn giao bài thi, bảo quản bài
thi, làm phách, tổ chức chấm thi. Việc chấm thi phải bảo đảm chính xác, khách
quan theo đáp án và hướng dẫn chấm thi. Với việc chấm thi tự luận, phải tổ chức
chấm chung ít nhất 10 (mười) bài thi; tổ chức chấm hai vòng độc lập. Với việc
chấm thi trắc nghiệm, nếu sử dụng phần mềm chấm trắc nghiệm, phải tổ chức tập
huấn cho giám khảo về sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Phần mềm chấm thi
trắc nghiệm phải bảo đảm chính xác, khoa học; được nghiệm thu trước khi sử dụng.
b) Hội đồng chấm thi do Giám
đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập, thành phần gồm: Chủ tịch Hội đồng
là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; Phó chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Giáo dục
và Đào tạo hoặc lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo; thư kí,
giám khảo; lực lượng công an; nhân viên phục vụ, y tế, bảo vệ. Thư kí, giám khảo
là giảng viên, giáo viên, chuyên viên; giám khảo chấm thi tự luận là người am
hiểu chương trình môn học ở cấp trung học cơ sở; giám khảo chấm thi trắc nghiệm
là người sử dụng thành thạo phần mềm chấm trắc nghiệm.
Đối với các trường trung học
phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu
có tổ chức thi tuyển, Hội đồng chấm thi do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Giám đốc đại học, Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện nghiên cứu trực
tiếp quản lí quyết định thành lập.
c) Trách nhiệm và quyền hạn của
Hội đồng chấm thi: xây dựng kế hoạch làm việc của Hội đồng; phân công nhiệm vụ
cho các thành viên của Hội đồng; tổ chức làm phách; tổ chức chấm thi; ghép
phách, lên điểm thi; xử lí hoặc đề xuất xử lí các sự cố bất thường trong quá
trình chấm thi; lập và lưu trữ hồ sơ của Hội đồng; bảo đảm an ninh, an toàn, bảo
mật bài thi theo quy định; xem xét quyết định hoặc đề nghị hình thức khen thưởng,
kỉ luật đối với các thành viên của Hội đồng theo quy định.
5. Phúc khảo bài thi
a) Việc phúc khảo bài thi phải
bảo đảm an toàn, bảo mật bài thi ở tất cả các khâu: rút bài thi, bàn giao bài
thi, bảo quản bài thi, chấm phúc khảo bài thi; quy trình chấm phúc chấm phúc khảo
thực hiện như quy trình chấm thi.
b) Thành phần, trách nhiệm và
quyền hạn của Hội đồng phúc khảo bài thi thực hiện như thành phần, trách nhiệm
và quyền hạn của Hội đồng chấm thi quy định tại khoản 4 Điều này. Giám khảo của
Hội đồng phúc khảo bài thi không trùng với giám khảo của Hội đồng chấm thi.
6. Điểm xét tuyển vào lớp 10
trung học phổ thông là điểm tổng của các môn thi, bài thi tính theo thang điểm
10 (mười) với mỗi môn thi, bài thi. Việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng
thời với công bố điểm thi.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo căn
cứ quy định tại Quy chế này quy định cụ thể việc ra đề thi, coi thi, chấm thi,
phúc khảo bài thi phù hợp với điều kiện thực tế. Các trường trung học phổ thông
thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức
thi tuyên riêng thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học,
trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí hoặc thực hiện theo quy định
của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở.
Điều 14.
Tuyển thẳng, chế độ ưu tiên tuyển sinh trung học phổ thông
1. Tuyển thẳng vào trung học
phổ thông các đối tượng sau đây:
a) Học sinh trường phổ thông
dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở.
b) Học sinh là người dân tộc
thiểu số rất ít người.
c) Học sinh là người khuyết tật.
d) Học sinh trung học cơ sở đạt
giải cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoặc phối hợp với các Bộ và
cơ quan ngang Bộ tổ chức trên quy mô toàn quốc đối với các cuộc thi, kì thi, hội
thi (sau đây gọi chung là cuộc thi) về văn hóa, văn nghệ, thể thao; cuộc thi
nghiên cứu khoa học, kĩ thuật.
đ) Học sinh trung học cơ sở đạt
giải trong các cuộc thi quốc tế do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định
chọn cử.
2. Đối tượng được cộng điểm
ưu tiên
Điểm ưu tiên được cộng vào tổng
điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 (mười) đối với mỗi môn thi. Trong đó,
nhóm 1: được cộng 2,0 điểm; nhóm 2 được cộng 1,5 điểm; nhóm 3 được cộng 1,0 điểm.
a) Nhóm đối tượng 1:
- Con liệt sĩ;
- Con thương binh mất sức lao
động 81% trở lên;
- Con bệnh binh mất sức lao động
81% trở lên;
- Con của người được cấp “Giấy
chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng
nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81%
trở lên”;
- Con của người hoạt động
kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
- Con của người hoạt động
cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
- Con của người hoạt động
cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
b) Nhóm đối tượng 2:
- Con của Anh hùng lực lượng
vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Con thương binh mất sức lao
động dưới 81%;
- Con bệnh binh mất sức lao động
dưới 81%;
- Con của người được cấp “Giấy
chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng
nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới
81 %”.
c) Nhóm đối tượng 3:
- Người có cha hoặc mẹ là người
dân tộc thiểu số;
- Người dân tộc thiểu số;
- Học sinh ở vùng có điều kiện
kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Đối tượng được cộng điểm
khuyến khích
a) Học sinh trung học cơ sở đạt
giải cấp tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoặc phối hợp với các sở, ngành
tổ chức trên quy mô toàn tỉnh đối với các cuộc thi có tổ chức ở cấp quốc gia
theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều này.
b) Điểm khuyến khích được cộng
vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 (mười) đối với mỗi môn thi, bài
thi. Trong đó giải nhất được cộng 1,5 điểm; giải nhì được cộng 1,0 điểm; giải
ba được cộng 0,5 điểm.
Chương
IV
TRÁCH NHIỆM THỰC
HIỆN
Điều 15.
Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Chỉ đạo công tác tuyển
sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông trên phạm vi toàn quốc.
2. Chỉ đạo việc thực hiện
công tác tuyển sinh trung học phổ thông đối với các trường thuộc Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
3. Chỉ đạo công tác thanh
tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
Điều 16.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Chỉ đạo công tác tuyển
sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông thuộc phạm vi quản lí.
2. Quyết định thành lập Ban
Chỉ đạo tuyển sinh trung học phổ thông; phê duyệt kế hoạch tuyển sinh trung học
phổ thông thuộc phạm vi quản lí.
3. Quyết định xử lí những trường
hợp bất thường trong quá trình tổ chức tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh
trung học phổ thông thuộc phạm vi quản lí.
4. Chỉ đạo công tác thanh
tra, kiểm tra việc tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông
thuộc phạm vi quản lí.
Điều 17.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Chỉ đạo công tác tuyển
sinh trung học cơ sở thuộc phạm vi quản lí.
2. Quyết định thành lập Ban
Chỉ đạo tuyển sinh trung học cơ sở; phê duyệt kế hoạch tuyển sinh trung học cơ
sở thuộc phạm vi quản lí.
3. Xử lí hoặc báo cáo Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh xử lí những trường hợp bất thường trong quá trình tổ chức tuyển
sinh trung học cơ sở thuộc phạm vi quản lí.
4. Chỉ đạo công tác thanh
tra, kiểm tra việc tuyển sinh trung học cơ sở thuộc phạm vi quản lí.
Điều 18.
Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Xây dựng và trình Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Ban chỉ đạo tuyển sinh trung học phổ
thông và quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển sinh trung học phổ thông thuộc phạm
vi quản lí.
2. Đối với các Sở Giáo dục và
Đào tạo có tổ chức thi tuyển:
a) Quy định cụ thể việc tổ chức
ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi.
b) Tổ chức lựa chọn môn thi
hoặc bài thi thứ ba và tổ chức thi tuyển theo quy định tại Điều
13 Quy chế này.
3. Hướng dẫn các Phòng Giáo dục
và Đào tạo, trường trung học phổ thông thuộc phạm vi quản lí thực hiện công tác
tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.
4. Quyết định thành lập Hội đồng
tuyển sinh trung học phổ thông; phê duyệt kết quả tuyển sinh trung học phổ
thông thuộc phạm vi quản lí.
5. Tổ chức thanh tra, kiểm
tra công tác tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, bao
gồm công tác tuyển sinh của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc
Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu thuộc phạm vi
quản lí.
6. Lưu trữ hồ sơ tuyển sinh
trung phổ thông theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện thống kê, thông
tin, báo cáo về công tác tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ
thông khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 19.
Trách nhiệm của đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có trường trung học cơ
sở, trường trung học phổ thông
1. Thực hiện chỉ đạo của Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp cấp huyện về tuyển sinh trung học cơ
sở, tuyển sinh trung học phổ thông đối với các trường thuộc phạm vi quản lí.
2. Phê duyệt kế hoạch tuyển
sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông thuộc phạm vi quản lí.
3. Tổ chức lựa chọn môn thi
hoặc bài thi thứ ba và tổ chức thi tuyển theo quy định tại Điều
13 Quy chế này (nếu có tổ chức thi tuyển riêng).
4. Hướng dẫn các trường trung
học cơ sở, trường trung học phổ thông thuộc phạm vi quản lí thực hiện công tác
tuyển sinh. Quyết định xử lí những trường hợp bất thường trong quá trình tổ chức
tổ chức tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông đối với các
trường thuộc phạm vi quản lí.
5. Quyết định thành lập Hội đồng
tuyển sinh trung học cơ sở, Hội đồng tuyển sinh trung học phổ thông; quyết định
phê duyệt kết quả tuyển sinh trung học cơ sở, kết quả tuyển sinh trung học phổ
thông thuộc phạm vi quản lí.
6. Lưu trữ hồ sơ tuyển sinh
trung học cơ sở và trung học phổ thông theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện thống kê, thông
tin, báo cáo về công tác tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ
thông khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 20.
Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Xây dựng và trình Ủy ban
nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban chỉ đạo tuyển sinh trung học cơ sở
và phê duyệt kế hoạch tuyển sinh trung học cơ sở.
2. Hướng dẫn các trường trung
học cơ sở thuộc phạm vi quản lí thực hiện công tác tuyển sinh.
3. Quyết định thành lập các Hội
đồng tuyển sinh trung học cơ sở; phê duyệt kết quả tuyển sinh trung học cơ sở thuộc
phạm vi quản lí.
4. Tổ chức kiểm tra công tác
tuyển sinh trung học cơ sở của các trường trung học cơ sở thuộc phạm vi quản
lí.
5. Lưu trữ hồ sơ tuyển sinh
trung học cơ sở theo quy định của pháp luật.
6. Thực hiện thống kê, thông
tin, báo cáo về công tác tuyển sinh trung học cơ khi có yêu cầu của cơ quan có
thẩm quyền.
Điều 21.
Trách nhiệm của các trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, cơ sở
giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông
1. Xây dựng và công khai kế
hoạch tuyển sinh của nhà trường, cơ sở giáo dục; tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển
sinh theo quy định.
2. Tuyển sinh học sinh khuyết
tật có nhu cầu học theo quy định.
3. Thực hiện việc kiểm tra nội
bộ về công tác tuyển sinh.
4. Lưu trữ hồ sơ tuyển sinh
trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện thống kê, báo
cáo công tác tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông với cơ
quan quản lí trực tiếp.
Điều 22.
Thanh tra, kiểm tra
Công tác tuyển sinh trung học
cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan
quản lí giáo dục các cấp, cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành có
liên quan.
Điều 23.
Khen thưởng và xử lí vi phạm
1. Cá nhân, tổ chức có thành
tích trong công tác tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ
thông được đề nghị khen thưởng theo quy định của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.
2. Cá nhân, tổ chức vi phạm
quy định của Quy chế này và các quy định khác có liên quan bị xử lí theo quy định
của pháp luật./.