BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 03/2018/TT-BGDĐT
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 01
năm 2018
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ GIÁO DỤC HÒA NHẬP ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng
6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng
11 năm 2009;
Căn cứ Luật Người khuyết tật ngày
17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP
ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP
ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật
Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa
đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm
2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật
Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa
đổi điểm b Khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm
2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 75/2006 NĐ-CP
ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật
Giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo
dục Tiểu học;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Thông tư quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều
chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về giáo dục
hòa nhập đối với người khuyết tật, bao
gồm: tổ chức, hoạt động giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật; nhiệm vụ và
quyền hạn của giáo viên, giảng viên, nhân viên hỗ trợ giáo
dục người khuyết tật và người khuyết tật.
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ sở
giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường
trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi
chung là cơ sở giáo dục); trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; các tổ
chức, cá nhân thực hiện giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật (sau đây gọi
là giáo dục hòa nhập).
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Trong văn bản này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ
phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới
dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
2. Giáo dục hòa nhập đối với người
khuyết tật là phương thức giáo dục
chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục.
3. Lớp học hòa nhập là lớp học
có người khuyết tật học tập cùng với người không khuyết tật
trong cơ sở giáo dục.
4. Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập
là phòng học trong cơ sở giáo dục được sử dụng để hỗ trợ người khuyết tật học hòa nhập.
5. Kỹ năng đặc thù là những kỹ
năng cần thiết để khắc phục những suy giảm chức năng do
khuyết tật gây ra, giúp người khuyết tật thuận lợi trong sinh hoạt, giao tiếp,
học tập và hòa nhập cộng đồng.
6. Can thiệp sớm là hoạt động
phát hiện, phòng tránh, ngăn ngừa trước những nguy cơ dẫn
đến khuyết tật; giảm tối đa những hạn chế do khuyết tật gây ra; nâng cao khả
năng phát triển và tăng cường khả năng sống độc lập của người khuyết tật trong
xã hội.
Điều 3. Mục tiêu
giáo dục hòa nhập
1. Người khuyết tật được phát triển
khả năng của bản thân, được hòa nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng.
2. Đảm bảo quyền
học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp với đặc điểm, khả năng của người khuyết tật.
Điều 4. Hợp tác
quốc tế
1. Địa phương, cơ sở giáo dục, trung
tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập huy động sự giúp đỡ của cá nhân, tổ chức
quốc tế để nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập theo quy định của pháp luật Việt
Nam.
2. Khuyến khích
địa phương, cơ sở giáo dục, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập mở rộng
hợp tác quốc tế về giáo dục hòa nhập.
Chương II
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG
GIÁO DỤC HÒA NHẬP ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Điều 5. Nhiệm vụ,
quyền hạn của cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập
1. Phát hiện, huy động và tiếp nhận người khuyết tật học tập tại cơ sở giáo dục.
2. Sắp xếp, bố trí các lớp học phù hợp
với người khuyết tật; đảm bảo mỗi lớp học hòa nhập có không quá 02 (hai) người
khuyết tật. Trường hợp đặc biệt, thủ trưởng cơ sở giáo dục
căn cứ vào Điều kiện thực tế có thể sắp xếp, bố trí thêm người khuyết tật trong một lớp học để đảm bảo cho những người khuyết tật có nhu cầu
học hòa nhập đều được đi học.
3. Xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt
động can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập; tư vấn, định hướng nghề nghiệp phù hợp
nhu cầu và khả năng của người khuyết tật.
4. Xây dựng môi trường giáo dục hòa
nhập, thân thiện, đảm bảo người khuyết tật được tôn trọng, hỗ trợ, hợp tác và
được tham gia bình đẳng trong mọi hoạt động giáo dục.
5. Phối hợp với gia đình, cộng đồng,
trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cơ sở giáo dục chuyên biệt thực
hiện giáo dục hòa nhập.
6. Hỗ trợ thực hiện các hoạt động can
thiệp sớm và phát triển kỹ năng cơ bản cho người khuyết tật để hòa nhập cộng đồng.
7. Cung cấp thông tin về giáo dục của
người khuyết tật đang học hòa nhập tại cơ sở giáo dục cho hội đồng xác định mức
độ khuyết tật của xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
8. Phát triển năng lực chuyên môn cho
đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên đáp ứng nhiệm vụ giáo
dục hòa nhập.
9. Huy động nhân lực hỗ trợ giáo dục
hòa nhập và sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước dành cho việc thực hiện nhiệm vụ
giáo dục hòa nhập theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Phòng hỗ
trợ giáo dục hòa nhập và các hoạt động hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong các cơ sở
giáo dục
1. Căn cứ vào Điều kiện của cơ sở
giáo dục và nhu cầu hỗ trợ của người khuyết tật học hòa nhập,
cơ sở giáo dục bố trí phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập để thực hiện hoạt động hỗ
trợ người khuyết tật học hòa nhập.
2. Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập có
thiết bị hỗ trợ đặc thù, học liệu, công cụ xác định mức độ phát triển cá nhân của
người khuyết tật để tổ chức các hoạt động nhằm phát triển
khả năng của người khuyết tật.
3. Các hoạt động hỗ trợ giáo dục hòa
nhập:
a) Hỗ trợ người
khuyết tật bổ sung kiến thức, phát triển kỹ năng đặc thù để
học hòa nhập có hiệu quả;
b) Tư vấn, hỗ trợ các biện pháp, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho giáo viên, nhân viên hỗ
trợ giáo dục người khuyết tật và gia đình người khuyết tật;
c) Tư vấn dịch vụ hỗ trợ giáo dục hòa
nhập và định hướng nghề nghiệp cho người khuyết tật.
4. Cơ sở giáo dục phối hợp với trung
tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, các tổ chức, cá nhân để thực hiện các
hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tại phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập đạt hiệu
quả.
Điều 7. Vai trò,
trách nhiệm của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trong việc phối hợp
với cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục hòa nhập
1. Hỗ trợ phát hiện khuyết tật, lập kế hoạch và thực hiện giáo dục hòa nhập.
2. Hỗ trợ chuyên môn về chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo
viên, nhân viên của cơ sở giáo dục.
3. Hỗ trợ, tư vấn về chăm sóc, giáo dục
người khuyết tật cho gia đình người khuyết tật.
Điều 8. Nhập học,
tuyển sinh người khuyết tật học hòa nhập
1. Người khuyết tật được hưởng chính
sách nhập học, tuyển sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC
ngày 31/12/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
và Bộ Tài chính quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật (Thông tư số 42) và quy chế tuyển sinh các
cấp học và trình độ đào tạo hiện hành.
2. Hồ sơ của người khuyết tật học hòa nhập theo quy định đối với từng cấp học, trình độ đào tạo và giấy xác nhận mức độ khuyết tật, kế hoạch giáo dục cá nhân.
Điều 9. Kế hoạch
giáo dục cá nhân
1. Mỗi người khuyết tật học hòa nhập có kế hoạch giáo dục cá nhân.
2. Kế hoạch giáo dục cá nhân do giáo
viên, giảng viên phối hợp với nhân viên hỗ trợ giáo dục
người khuyết tật, gia đình người khuyết
tật xây dựng trên cơ sở khả năng và nhu cầu của người khuyết tật, Chương trình
giáo dục, kế hoạch dạy học phù hợp với Điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục.
3. Kế hoạch giáo dục cá nhân bao gồm
các thông tin về: khả năng, nhu cầu; các đặc điểm cá nhân;
Mục tiêu năm học và Mục tiêu học kỳ; thời gian, nội dung, biện pháp và người thực
hiện; kết quả đánh giá và Điều chỉnh sau đánh giá đối với người học.
Điều 10. Cơ sở vật
chất, thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy học, đồ chơi của cơ sở giáo dục để thực
hiện giáo dục hòa nhập
1. Cơ sở giáo dục đảm bảo các Điều kiện
tối thiểu về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi
đáp ứng yêu cầu giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật.
2. Khuyến khích cơ sở giáo dục phối hợp
với tổ chức, cá nhân thiết kế và sản xuất thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy học,
đồ chơi cho người khuyết tật.
Chương III
NHIỆM VỤ, QUYỀN
CỦA GIÁO VIÊN, GIẢNG VIÊN, NHÂN VIÊN HỖ TRỢ GIÁO DỤC NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ NGƯỜI
KHUYẾT TẬT
Điều 11. Nhiệm vụ
của giáo viên, giảng viên
Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ
theo quy định đối với nhà giáo, giáo viên, giảng viên tham gia giáo dục hòa nhập
thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Tôn trọng và thực hiện các quyền của
người khuyết tật.
2. Bảo mật thông tin về tình trạng
khuyết tật của cá nhân người khuyết tật và gia đình người khuyết tật.
3. Phối hợp với nhân viên hỗ trợ giáo
dục người khuyết tật và gia đình người khuyết tật lập kế hoạch giáo dục cá nhân
đối với người khuyết tật học hòa nhập; tổ chức hoạt động giáo dục, đánh giá kết
quả giáo dục theo kế hoạch giáo dục cá nhân của người khuyết tật.
4. Phát hiện và đề xuất giải pháp xử
lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện giáo dục hòa nhập.
5. Tư vấn cho người khuyết tật và gia
đình người khuyết tật về dịch vụ hỗ trợ, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập, định
hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng và nhu cầu của người
khuyết tật.
6. Phối hợp với đồng nghiệp, gia đình và các tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng môi trường
giáo dục hòa nhập, thân thiện đối với người khuyết tật.
7. Thường xuyên tự bồi dưỡng, đổi mới
phương pháp, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập.
Điều 12. Quyền của
giáo viên, giảng viên
Ngoài các quyền theo quy định đối với
nhà giáo, giáo viên, giảng viên tham gia giáo dục hòa nhập được hưởng các quyền
sau đây:
1. Được đào tạo, bồi dưỡng chuyên
môn, nâng cao nghiệp vụ về giáo dục hòa nhập.
2. Được tham quan, học tập kinh nghiệm
về giáo dục hòa nhập.
3. Được khen thưởng khi có thành tích
xuất sắc trong giáo dục hòa nhập.
4. Được hưởng các chính sách ưu đãi
trong giáo dục hòa nhập theo quy định hiện hành.
Điều 13. Nhiệm vụ
của nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật
Nhiệm vụ của nhân viên hỗ trợ giáo dục
người khuyết tật được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV
ngày 22 tháng 6 năm 2016 của Bộ Giáo
dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập.
Điều 14. Nhiệm vụ
của người khuyết tật
Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ của
người học theo quy định, người khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập thực hiện
các nhiệm vụ sau đây:
1. Học tập và rèn luyện theo kế
hoạch giáo dục cá nhân của người khuyết tật
2. Thông tin tình hình sức khỏe, khả
năng học tập, đề xuất nhu cầu hỗ trợ với gia đình, cơ sở
giáo dục khi cần thiết.
3. Tôn trọng cán bộ, giáo viên, nhân
viên trong cơ sở giáo dục; đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ nhau trong học tập và
rèn luyện; thực hiện nội quy nhà trường; giữ gìn và bảo vệ tài sản chung.
Điều 15. Quyền của
người khuyết tật
Ngoài các quyền của người học theo
quy định, người khuyết tật học hòa nhập được hưởng các quyền sau đây:
1. Người khuyết tật được nhập học ở độ
tuổi cao hơn so với độ tuổi nhập học theo quy định.
2. Được học tập trong các cơ sở giáo
dục phù hợp với trình độ, năng lực; được quan tâm, tôn trọng và bảo vệ, đối xử
bình đẳng trong học tập, trong các hoạt động giáo dục để phát triển khả năng cá
nhân; được cung cấp thông tin, cấp sách giáo khoa, học phẩm, học bổng theo quy
định.
3. Người khuyết tật được học tập, rèn
luyện và hỗ trợ trong các giờ học cá nhân về kiến thức, kỹ năng đặc thù để học
hòa nhập có hiệu quả.
4. Được tư vấn về dịch vụ hỗ trợ, can
thiệp sớm, giáo dục hòa nhập, định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng và
nhu cầu của người khuyết tật.
5. Được bảo mật thông tin về tình trạng
khuyết tật.
6. Được tuyên dương, khen thưởng khi
có thành tích trong học tập, rèn luyện.
7. Được hưởng chính sách, chế độ về
giáo dục đối với người khuyết tật theo quy định tại Thông tư số 42 và các quy định
hiện hành khác.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Ủy ban
nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh)
a) Thực hiện quy hoạch hệ thống trung
tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đáp ứng nhu cầu can thiệp sớm và giáo dục
hòa nhập tại địa phương;
b) Thực hiện nghiêm túc chính sách về
giáo dục hòa nhập theo quy định, ban hành các chính sách của địa phương về giáo
dục hòa nhập;
c) Chỉ đạo thực hiện Chương trình, kế
hoạch, quy hoạch phát triển giáo dục hòa nhập tại địa phương;
d) Đảm bảo ngân sách và các Điều kiện
tối thiểu về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, đồ dùng
dạy học, đồ chơi đáp ứng yêu cầu chăm sóc, can thiệp sớm và
giáo dục hòa nhập; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhân viên
đáp ứng yêu cầu chất lượng giáo dục hòa nhập của địa phương; Chỉ đạo Ủy ban
nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đảm bảo các Điều kiện tối thiểu đáp ứng yêu cầu giáo dục hòa nhập tại địa phương;
đ) Huy động các nguồn lực từ cộng đồng,
tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ thực hiện
giáo dục hòa nhập tại địa phương;
e) Chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với
ngành Giáo dục Điều tra, phát hiện, can thiệp sớm và thực hiện có hiệu quả giáo
dục hòa nhập tại địa phương;
g) Kiểm tra việc thực hiện các quy định
về giáo dục hòa nhập tại địa phương.
2. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị
xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp
huyện)
a) Chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo,
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là
cấp xã) thực hiện hiệu quả chính sách giáo dục hòa nhập theo chỉ đạo của Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh; vận động và tổ chức, tạo Điều kiện để người khuyết tật học
hòa nhập tại cơ sở giáo dục;
b) Chỉ đạo thực hiện Chương trình, kế
hoạch, quy hoạch phát triển giáo dục hòa nhập tại địa phương;
c) Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc
thực hiện các quy định về giáo dục hòa nhập tại địa phương.
3. Ủy ban nhân cấp xã chỉ đạo các
ban, ngành phối hợp với cơ sở giáo dục trên địa bàn Điều tra, phát hiện, can
thiệp sớm và thực hiện có hiệu quả giáo dục hòa nhập tại địa phương.
Điều 17. Sở giáo
dục và đào tạo
1. Chịu trách
nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quy mô, chất lượng giáo dục hòa nhập tại
địa phương; thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo giáo dục trẻ
khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hằng năm, tổng hợp, đánh giá công
tác giáo dục hòa nhập và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục
hòa nhập đáp ứng nhu cầu giáo dục hòa nhập tại địa phương.
3. Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến
và tổ chức thực hiện các quy định về giáo dục hòa nhập; xây dựng kế hoạch, đề
án, Chương trình và các nội dung khác về giáo dục hòa nhập tại địa phương.
4. Kiểm tra, giám sát hỗ trợ việc thực
hiện giáo dục hòa nhập tại các cơ sở giáo dục và trung tâm hỗ trợ phát triển
giáo dục hòa nhập trong phạm vi quản lý.
5. Phối hợp với cơ quan, ban, ngành của
tỉnh trong việc hướng dẫn phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục, trung tâm
hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thực hiện chính sách về giáo dục hòa nhập tại
địa phương.
6. Hướng dẫn phòng giáo dục và đào tạo,
cơ sở giáo dục, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập huy động và sử dụng
hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ
trợ giáo dục hòa nhập tại địa phương.
Điều 18. Phòng
giáo dục và đào tạo
1. Xây dựng kế hoạch giáo dục hòa nhập
đối với người khuyết tật trên địa bàn và tham mưu để Ủy
ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Phối hợp với các cơ
quan, ban, ngành và các tổ chức để triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục hòa
nhập.
2. Kiểm tra, giám sát, đánh giá công
tác giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật của các cơ sở giáo dục thuộc thẩm
quyền quản lý.
3. Báo cáo định kỳ kết quả thực hiện
giáo dục hòa nhập với sở giáo dục và đào tạo và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Điều 19. Cơ sở
giáo dục
1. Tuyên truyền, vận động người khuyết
tật, gia đình người khuyết tật, chính quyền, các ban,
ngành đoàn thể địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để nâng cao nhận
thức về giáo dục hòa nhập.
2. Vận động người khuyết tật, gia
đình người khuyết tật cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin về khả năng và nhu cầu của
người khuyết tật cho cơ sở giáo dục và hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật cấp
xã.
3. Chủ trì, phối hợp với người khuyết
tật và gia đình người khuyết tật xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục cá
nhân của người khuyết tật.
4. Cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin về
kết quả chăm sóc, can thiệp sớm và giáo dục người khuyết tật cho các bên liên
quan khi người khuyết tật chuyển cấp, chuyển cơ sở giáo dục hoặc chuyển về gia
đình.
5. Bảo mật thông tin về tình trạng
khuyết tật của cá nhân người khuyết tật và gia đình người khuyết tật.
Điều 20. Phối hợp
giữa cơ sở giáo dục, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, gia đình và
xã hội
1. Cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với
trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, gia đình và các tổ chức, cá nhân
xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập thân thiện, bình đẳng, an toàn, thuận lợi
cho sự phát triển và hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật.
2. Gia đình phối hợp với cơ sở giáo dục,
trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và các tổ chức, cá nhân thực hiện
giáo dục hòa nhập; giám sát các hoạt động hỗ trợ, can thiệp sớm và giáo dục hòa
nhập.
3. Các tổ chức, cá nhân phối hợp với
cơ sở giáo dục, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và gia đình tuyên
truyền, nâng cao nhận thức về trách nhiệm trong thực hiện giáo dục hòa nhập,
giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Điều 21. Hiệu lực
và trách nhiệm thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 16 tháng 3 năm 2018 và thay thế Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT ngày
22 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về giáo dục
hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật.
2. Trường hợp
các văn bản dẫn chiếu để áp dụng trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc
thay thế bằng văn bản mới thì sẽ được thực hiện theo quy định
tại các văn bản đó.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục, trung
tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ
Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban giám sát tài chính quốc gia;
- Ủy ban quốc gia về người khuyết tật
Việt Nam;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các sở GDĐT;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT. Vụ GDTH, Vụ PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Nghĩa
|