BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO
TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số: 192/TB-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 4 năm 2009
|
THÔNG BÁO KẾT
QUẢ KIỂM TRA
PHONG
TRÀO THI ĐUA “ XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN, HỌC SINH TÍCH CỰC” TẠI MỘT SỐ
TỈNH THUỘC 7 VÙNG THI ĐUA
Thực hiện chương trình công tác, từ ngày 10
đến ngày 18/3/2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 7 đoàn kiểm tra việc
triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích
cực” tại 14 tỉnh, thành phố: Hoà Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nghệ An, Khánh Hoà,
Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Cà Mau, Bạc Liêu, TP. Hồ Chí Minh, Cần
Thơ, Bắc Ninh, Thái Bình.
Ở mỗi tỉnh, đoàn làm việc với:
- Lãnh đạo Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban
chỉ đạo phong trào thi đua cấp tỉnh và cấp cơ sở, các ban ngành liên quan;
- Đại diện chính quyền, đoàn thể, cộng đồng ở
cơ sở;
- Kiểm tra việc thực hiện phong trào ở 1
trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở và 1 trường trung
học phổ thông.
Ở mỗi trường đến kiểm tra, đoàn đã:
- Kiểm tra cảnh quan, cơ sở vật chất và thiết
bị nhà trường;
- Gặp gỡ, tiếp xúc, phỏng vấn, điều tra bằng
phiếu hỏi đối với giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh của trường;
- Làm việc với lãnh đạo nhà trường, trao đổi,
đánh giá, rút kinh nghiệm, kết luận.
Căn cứ vào báo cáo kết quả làm việc và hồ sơ
của 7 đoàn kiểm tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo:
1. Một số kết quả ban
đầu
1.1. Phong trào được hưởng ứng và triển khai
mạnh mẽ ở tất cả các tỉnh, thành phố và đến tận các trường. Biểu hiện rõ và dễ
thấy nhất là ở những nơi đoàn đến, trường lớp đều sạch đẹp, có khuôn viên, cây
xanh, có công trình vệ sinh. Giáo viên chăm lo nhiều hơn đến đổi mới phương pháp
dạy học; học sinh tự tin, chủ động, được động viên, khuyến khích khi tiến bộ
nên tích cực hơn trong học tập. Gia đình chăm lo, động viên và giúp đỡ cho con
em mình cụ thể, thiết thực hơn. Mối quan hệ nhà trường, gia đình, xã hội thân
thiện hơn, gắn bó hơn. Vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội
Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh được phát huy tốt hơn.
1.2. Do góp phần tác động tích cực của phong
trào, tỉ lệ bỏ học giảm nhiều so với năm học trước. Các lớp duy trì được sĩ số.
Việc vận động học sinh bỏ học trở lại lớp có tiến bộ hơn. Cuộc vận động giúp đỡ
học sinh vùng khó khăn được giáo viên, học sinh hưởng ứng tích cực.
1.3. Việc nhận chăm sóc và phát huy giá trị
tinh thần các di tích lịch sử, văn hoá đang thực sự trở thành phong trào sôi
nổi ở các địa phương. Các trường trên cùng một địa bàn phân công từng phần việc
nhận chăm sóc, phù hợp với cấp học và độ tuổi. Nhiều trường có phong trào nhận
chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ, gia đình thương binh liệt sĩ và
gia đình có công với cách mạng. Nhiều cựu chiến binh đã có những cuộc giao lưu
đối với học sinh, kể chuyện chiến đấu; giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc
và tự hào về quê hương. Ngành văn hoá thể thao và du lịch cũng có nhiều đóng
góp trong việc giới thiệu và quảng bá các di tích văn hoá vật thể, phi vật thể
của địa phương.
1.4. Phong trào đã tạo ra sự kết nối chặt chẽ
và mối quan hệ thân thiện giữa nhà trường, các cấp chính quyền, đoàn thể ở địa
phương biểu hiện ở sự giúp đỡ ngày càng nhiều của địa phương đối với các hoạt
động của nhà trường như vệ sinh, trồng cây, xây dựng bảng tin, tuyên dương, khen
thưởng cho học sinh đạt thành tích cao…
2. Nhiều sáng kiến
xuất hiện từ các cơ sở nhằm thực hiện tốt hơn phong trào này.
Nhiều địa phương đã có một số sáng kiến
trong việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học
sinh tích cực” ví dụ như:
2.1. Học sinh đăng kí tự quản Con đường an
toàn - xanh-sạch-đẹp trường em, làm cho con đường không chỉ vệ sinh, sạch đẹp
về cảnh quan mà còn an toàn, không có tụ điểm tiêu cực hay tệ nạn xã hội (phối
hợp và được sự chỉ đạo của chính quyền địa phương).
2.2. Nhà trường phối hợp với với ngành Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, các đoàn thể
thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, khuyến học, các cơ quan truyền thanh, truyền
hình quảng bá cho phong trào. Sưu tầm, biên soạn, hướng dẫn, phổ biến các trò
chơi dân gian, các làn điệu dân ca của địa phương vào nhà trường.
2.3. Tổ chức hội thảo trong giáo viên, nhân
viên, học sinh nhà trường nhằm cụ thể hóa nội dung thân thiện, tích cực; từ đó
xây dựng qui ước nội bộ kế hoạch hành động cho các tập thể và cá nhân.
2.4. Kết nghĩa, giao lưu tạo sự thân thiện và
hỗ trợ lẫn nhau giữa các trường ở vùng thuận lợi và khó khăn trên địa bàn tỉnh.
2.5. Tổ chức câu lạc bộ liên trường cùng mang
tên một danh nhân để trao đổi thông tin, cung cấp tư liệu, tăng cường các hoạt
động giáo dục truyền thống, học tập, vui chơi.
2.6. Hỗ trợ học sinh kém, học sinh cá biệt
bằng nhiều hình thức phong phú.
3. Một số điểm cần
khắc phục
3.1. Một số nhà trường, cơ quan quản lí giáo
dục còn lúng túng, trông chờ vào sự hướng dẫn cụ thể của cấp trên, chưa chủ
động tổ chức triển khai (ngay cả khi đã có Chỉ thị và Kế hoạch hướng dẫn liên
ngành). Ở một số nơi, chủ yếu là sở giáo dục và đào tạo triển khai, chưa có sự
quan tâm đúng mức của lãnh đạo các cấp và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn
thể.
3.2. Các trường tự đánh giá, cho điểm theo
tiêu chí của Bộ: tự cho điểm cao quá (trên 80, thậm chí trên 90 điểm/thang điểm
100). Nhiều trường cho rằng đã là trường chuẩn quốc gia thì đương nhiên là đạt
điểm gần như tối đa của tiêu chí đánh giá phong trào này. Trên thực tế phong
trào này còn có các yêu cầu khác so với trường chuẩn và cần có yêu cầu cụ thể
hơn của Sở và mỗi trường về các nội dung chi tiết.
3.3. Điều kiện về cơ sở vật chất (diện tích,
trang thiết bị, kinh phí, cán bộ giáo viên) còn thiếu nhiều. Công trình vệ sinh
chưa đủ và việc giữ vệ sinh công cộng còn nhiều điều đáng phàn nàn, nhất là ở
các trường THPT .
4. Một số bài học
kinh nghiệm
4.1. Cần có sự chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh và
sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương trong việc triển khai
thực hiện. Các nhà trường chủ động mời chính quyền địa phương các cấp tham gia
từ lúc chuẩn bị đến lúc tổ chức triển khai; cùng kiểm tra, đánh giá, giải quyết
kịp thời những vướng mắc;
4.2. Sở giáo dục và đào tạo phải chú ý làm
tốt ở tất cả các bước tiến hành: tham mưu, lập kế hoạch, phối hợp tổ chức thực
hiện, đôn đốc kiểm tra thường xuyên, định kỳ, sơ kết, khen thưởng, chấn chỉnh
kịp thời.
4.3. Phải tổ chức chỉ đạo điểm để rút kinh
nghiệm, sau đó nhân rộng từng bước đến các trường khác. Lưu ý là phải chú ý chỉ
đạo điểm đối với các trường có điều kiện thuận lợi, các trường có điều kiện khó
khăn ở các khu vực trong tỉnh để sau này có điều kiện rút ra bài học kinh
nghiệm.
4.4. Các sở, trường chủ động sưu tập và đưa
trò chơi dân gian, tiếng hát dân ca, giáo dục kỹ năng sống và các hoạt động của
nhà trường, tạo ra nét riêng và văn hoá ở địa phương.
4.5. Hiệu trưởng có vai trò quyết định cho kết
quả của việc triển khai phong trào thi đua ở mỗi trường. Bởi vậy, cần có nhận
thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu và nội dung của phong trào, phải nhiệt tâm, có
nhiều sáng kiến nhằm cụ thể hoá và huy động sức mạnh các lực lượng giáo dục đẩy
mạnh các hoạt động của nhà trường theo các yêu cầu của phong trào thi đua.
5. Một số điều lưu ý
khi tiếp tục triển khai phong trào tại địa phương
5.1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nêu
gương trong việc thực hiện phong trào, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo
viên, học sinh và mọi người. Chính quyền các cấp phải chỉ đạo sát sao với sự tham
mưu tích cực của trường, của phòng và sở giáo dục và đào tạo.
5.2. Cần chỉ đạo điểm ở một số trường vùng thuận
lợi và vùng khó khăn để sau này có kinh nghiệm trong việc mở rộng phong trào;
gắn việc mở rộng phong trào với điều kiện, đặc điểm của điạ phương, cơ sở.
5.3. Mỗi trường, mỗi địa phương chọn một vài
việc cụ thể, trọng điểm giải quyết dứt điểm trong một thời điểm cụ thể. Từ đó,
rút kinh nghiệm, nhân rộng để triển khai các nội dung khác của phong trào. Xác
định kế hoạch hằng năm để giải quyết dần từng bước các nội dung của phong trào.
5.4. Cần có sự hướng dẫn việc lồng ghép các cuộc
vận động, phong trào: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Hai
không”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô
giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Trường chuẩn Quốc gia” và
các nội dung khác của địa phương cho phù hợp và có hiệu quả.
5.5. Cụ thể hóa tiêu chí đánh giá trường học
thân thiện, học sinh tích cực cho phù hợp với điều kiện ở những vùng khác nhau
của tỉnh, thành phố. Chú ý xây dựng quy định về ứng xử văn hóa của các thành
viên trong nhà trường; sưu tầm và tổ chức trò chơi dân gian, hát dân ca; xây
dựng tủ sách giáo dục kĩ năng sống trong các nhà trường.
5.6. Tăng cường phối hợp liên ngành, đặc biệt
với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học
Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể các cấp; sơ kết, kiểm tra, khen thưởng, chấn
chỉnh kịp thời trong tổ chức thực hiện cũng như đánh giá kết quả xây dựng
trường học thân thiện, học sinh tích cực; chống bệnh thành tích, hình thức, chủ
quan, cho rằng trường đã đạt chuẩn quốc gia thì mặc nhiên là trường học thân
thiện, học sinh tích cực.
Trên đây là kết quả kiểm tra, đánh giá việc
thực hiện phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực
ở một số địa phương và ý kiến chỉ đạo của Bộ để các sở giáo dục và đào tạo
nghiên cứu, vận dụng tiếp tục triển khai. Bộ sẽ có thông báo tiếp về nội dung
sơ kết 1 năm phong trào thi đua này ở các tỉnh vào dịp cuối năm học.
Nơi nhận:
-
Bộ trưởng (để b/c);
- TTTT. Bành Tiến Long (để b/c);
- Các Thứ trưởng(để b/c);
- Bộ VHTTDL; TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (để biết);
- Các sở giáo dục và đào tạo;
- Các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT;
- Website của Bộ GD&ĐT;
- Lưu VT, Vụ CTHSSV.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG
Trần Quang Quý
|