BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 792/QĐ-BGDĐT
|
Hà
Nội, ngày 7 tháng 3
năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH KẾ HOẠCH CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2014 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng
3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20 tháng
11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”;
Căn cứ Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09 tháng 4
năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết
luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX);
Căn cứ Quyết định số 1141/QĐ-BĐHĐA ngày 29 tháng
3 năm 2013 của Trưởng Ban điều hành Đề án Nâng cao chất lượng công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật trong nhà trường ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao
chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn
2013-2016;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật năm 2014 của ngành giáo dục.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ trưởng
Vụ Pháp chế; Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám
đốc các sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các
trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này.
Nơi nhận:
- Hội đồng PHPBGDPL TW (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ Tư pháp;
- Như Điều 3 (để t/h);
- Công đoàn GDVN;
- Chi hội Luật gia, Đoàn TN Bộ GD&ĐT;
- Lưu VT, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Mạnh Hùng
|
KẾ HOẠCH
CÔNG
TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2014 CỦA NGÀNH GIÁO DỤC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 792/QĐ-BGDĐT ngày 7 tháng 3 năm 2014 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
I. MỤC ĐÍCH
Triển khai thực hiện Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi chung là Hiến pháp), Luật phổ biến, giáo dục
pháp luật; tiếp tục thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí
thư Trung ương Đảng về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của
Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho
cán bộ, nhân dân; Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng
Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày
19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX); Quyết định số 1928/QĐ-TTg
ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất
lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” (Đề án 1928); Quyết
định số 1141/QĐ-BĐHĐA ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Trưởng Ban điều hành Đề án
1928 ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 1928 giai đoạn 2013 -2016 (sau đây gọi
chung là Quyết định số 1141/QĐ-BĐHĐA) nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ,
công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học trong toàn Ngành; góp
phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.
II. YÊU CẦU
1. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần bám
sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục năm 2014, gắn với triển khai thực
hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung
ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công
nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (sau đây gọi chung là Nghị quyết 29-NQ/TW) và Quyết
định số 1141/QĐ-BĐHĐA.
2. Kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức;
lồng ghép hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với các cuộc vận động, các hoạt
động ngoại khóa và các phong trào thi đua lớn của ngành trong năm 2014.
III. NHIỆM VỤ CHUNG
1. Phổ biến kịp thời, thường xuyên các quy định
pháp luật mới về giáo dục và các quy định pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm
vụ của từng đối tượng cán bộ, nhà giáo, người học, người lao động thuộc phạm vi
quản lý của đơn vị. Tập trung triển khai việc tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp,
Nghị quyết 29-NQ/TW; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Giáo dục đại học,
Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 và các văn bản hướng dẫn.
2. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục
pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các hình thức phổ biến,
giáo dục pháp luật mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
3. Tăng cường sự phối hợp giữa ngành giáo dục,
ngành tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc triển khai công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật.
IV. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Nhiệm vụ của các sở giáo dục
và đào tạo
a) Tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, Nghị quyết
29-NQ/TW tới cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người học;
b) Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án
1928 giai đoạn 2013-2016 ban hành kèm theo Quyết định số 1141/QĐ-BĐHĐA của Trưởng
ban Điều hành Đề án 1928;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các phòng giáo dục và đào tạo,
các cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức triển khai Quyết định số 1141/QĐ-BĐHĐA; tổ
chức phổ biến kịp thời, thường xuyên các quy định pháp luật mới về giáo dục và
các quy định pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng thuộc
phạm vi quản lý của đơn vị;
d) Tiếp tục rà soát, bổ sung đội ngũ giáo viên môn
pháp luật, môn giáo dục công dân. Phối hợp với ngành tư pháp tổ chức tập huấn,
bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ
giáo viên môn pháp luật, môn giáo dục công dân, báo cáo viên và cán bộ phụ
trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục bổ sung, nâng cao chất lượng
tủ sách pháp luật và các phương tiện, thiết bị, tài liệu, học liệu hỗ trợ công
tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chỉ đạo xây dựng trang thông tin phổ biến,
giáo dục pháp luật trên website của các cơ sở giáo dục;
đ) Tổ chức hội thi học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi
môn giáo dục công dân. Tăng cường chỉ đạo điểm về công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật. Chỉ đạo triển khai Chương trình phổ biến, giáo dục ngoại khóa do Bộ
Giáo dục và Đào tạo ban hành. Chỉ đạo đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng
giảng dạy kiến thức pháp luật trong chương trình chính khóa; tăng cường nội
dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong các chương trình ngoại khóa và các hoạt
động ngoài giờ lên lớp. Tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật” và các cuộc thi tìm
hiểu pháp luật;
e) Phát động phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm,
làm đồ dùng dạy học; sưu tầm hình ảnh, tư liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo
dục pháp luật trong chương trình chính khóa và ngoại khóa.
2. Nhiệm vụ của các cơ sở
giáo dục đại học và các trường trung cấp chuyên nghiệp
a) Tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, Nghị quyết số
29-NQ/TW, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Giáo dục đại học, các văn bản
chỉ đạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học và các văn bản pháp luật mới về
giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học;
b) Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án
Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường ban
hành kèm theo Quyết định số 1141/QĐ-BĐHĐA;
c) Tiếp tục khảo sát, đánh giá thực trạng công tác
đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục công dân ở các cơ sở đào tạo sư phạm. Xây
dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và lộ trình hoàn thành việc chuẩn hóa đội ngũ
giáo viên dạy môn giáo dục công dân; giáo viên, giảng viên dạy pháp luật;
d) Bổ sung môn pháp luật đại cương thành môn học bắt
buộc và môn pháp luật chuyên ngành phù hợp vào chương trình đào tạo của tất cả
các ngành học theo quy định tại khoản 2 Mục II Nghị quyết số 61/2007/NĐ-CP ngày
07/12/2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày
09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
của cán bộ và nhân dân và điểm a khoản 4 Điều 1 Quyết định số
1928/QĐ-TTg;
đ) Tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung giáo trình,
tài liệu giảng dạy cho phù hợp với Hiến pháp;
e) Đổi mới phương pháp giảng dạy, học các môn học
pháp luật, pháp luật đại cương.
f) Triển khai Chương trình phổ biến, giáo dục pháp
luật ngoại khóa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đa dạng hóa các hình thức
giáo dục pháp luật ngoại khóa cho học sinh, sinh viên. Lựa chọn nội dung pháp
luật phù hợp để phổ biến cho học sinh, sinh viên trong tuần sinh hoạt “Công dân
- học sinh, sinh viên” đầu năm, đầu khóa, cuối khóa;
g) Xây dựng trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp
luật Website và chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật trên đài truyền thanh,
bản tin nội bộ của trường.
3. Nhiệm vụ của các Cục, Vụ,
Thanh tra, Văn phòng và các đơn vị trực thuộc Bộ
a) Kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Điều hành Đề án 1928; Tổ chức triển khai Kế hoạch
thực hiện Đề án 1928 năm 2014 theo Quyết định số 1141/QĐ-BĐHĐA: Vụ Pháp chế chủ
trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan thực hiện, hoàn
thành trong Quý I/2014;
b) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến
pháp: xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp của ngành giáo dục: Vụ
Pháp chế chủ trì thực hiện, hoàn thành trong Quý I/2014;
c) Tổ chức Hội nghị phổ biến Hiến pháp tới cán bộ,
công chức cơ quan Bộ; giới thiệu Hiến pháp tới cán bộ, công chức, viên chức
ngành giáo dục. Tuyên truyền Nghị quyết 29-NQ/TW; Chiến lược phát triển giáo dục
giai đoạn 2011-2020: Vụ Pháp chế chủ trì thực hiện trong Quý II/2014;
d) Xây dựng và triển khai Chương trình phổ biến,
giáo dục pháp luật ngoại khóa cho học sinh các trường trung học cơ sở, trung học
phổ thông giai đoạn 2014 – 2016: Vụ Công tác Học sinh, sinh viên chủ trì, hoàn
thành trong Quý III/2014;
đ) Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ giảng
viên giảng dạy môn pháp luật đại cương tại các cơ sở giáo dục không chuyên luật.
Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình, giáo trình và các tài liệu môn học
pháp luật đại cương trong các cơ sở giáo dục đại học không chuyên luật: Vụ Giáo
dục đại học chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế hoàn thành trong quý II/2014;
e) Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng công tác
đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giáo dục công dân ở các cơ sở đào tạo giáo viên.
Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên môn giáo
dục công dân chưa được đào tạo chuẩn hóa: Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở
giáo dục chủ trì, phối hợp với Vụ Giáo dục đại học, Vụ Pháp chế thực hiện, hoàn
thành trong Quý III/2014;
f) Tổ chức biên soạn bộ mẫu thiết bị hỗ trợ việc dạy
và học các kiến thức pháp luật ở các trường trung học cơ sở: Cục Cơ sở vật chất
và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em chủ trì, phối hợp với Vụ Giáo dục Trung
học thực hiện, hoàn thành trong Quý IV/2014;
g) Triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn
Luật giáo dục quốc phòng và an ninh theo Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 14 tháng
02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức tuyên truyền, phổ
biến, tập huấn Luật giáo dục quốc phòng và an ninh”: Vụ Giáo dục quốc phòng chủ
trì, phối hợp với Vụ Pháp chế thực hiện.
h) Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng:
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật
cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật: Vụ Pháp chế chủ trì, thực
hiện trong Quý III/2014;
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật
cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cốt cán: Vụ Giáo dục mầm non chủ
trì, phối hợp với Vụ Pháp chế thực hiện trong quý III/2014;
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật
cho giáo viên cốt cán giảng dạy môn học giáo dục công dân cấp trung học phổ
thông: Vụ Giáo dục Trung học chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục Nhà giáo và
Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thực hiện trong Quý III/2014;
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cốt cán giảng
dạy môn pháp luật ở các trường trung cấp chuyên nghiệp: Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp
chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục
thực hiện trong Quý III/2014;
- Tổ chức tập huấn triển khai chương trình, giáo
trình và các tài liệu môn học pháp luật đại cương cho đội ngũ giảng viên giảng
dạy môn pháp luật đại cương của các cơ sở giáo dục đại học: Vụ Giáo dục đại học
chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế thực hiện trong Quý III/2014.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật
cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giáo dục dân tộc: Vụ Giáo dục Dân tộc chủ
trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, thực hiện trong Quý III/2014;
- Tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán của các trung
tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh: Vụ Giáo dục thường xuyên chủ trì, phối hợp
với Vụ Pháp chế thực hiện trong Quý IV/2014;
i) Đẩy mạnh các hình thức phổ biến, giáo dục pháp
luật:
- Cập nhật thường xuyên hệ cơ sở dữ liệu pháp luật về
giáo dục trên website Bộ Giáo dục và Đào tạo: Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với
Văn phòng Bộ thực hiện thường xuyên;
- Tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng Bản Tin
phổ biến, giáo dục pháp luật; Biên soạn các đề cương tuyên truyền, phổ biến văn
bản pháp luật mới; đĩa văn bản pháp luật về giáo dục, các tài liệu phổ biến,
giáo dục pháp luật phù hợp cho các đối tượng: Vụ Pháp chế chủ trì, thực hiện
thường xuyên;
- Xây dựng chuyên mục,
tin, bài phản ánh về tình hình triển khai việc thực hiện Đề án 1928: Báo Giáo dục
và Thời đại chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế thực hiện thường xuyên.
k) Tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án
1928 tại một số Bộ, ngành, địa phương, một số sở giáo dục và đào tạo và nhà trường:
Vụ Pháp chế chủ trì, thực hiện trong Quý III, IV/2014.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cơ quan, đơn vị nêu tại mục IV của Kế hoạch
này xây dựng kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ
quan, đơn vị mình; tổ chức kiểm tra, tổng kết việc thực hiện kế hoạch và báo
cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Pháp chế) trước ngày 15/12/2014.
2. Việc lập dự toán, bố trí kinh phí bảo đảm cho
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện
hành và Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27
tháng 01 năm 2014 của liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự
toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật.
3. Đề nghị Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Đoàn Thanh
niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Chi hội Luật gia cơ quan Bộ Giáo
dục và Đào tạo và các tổ chức đoàn thể trong ngành giáo dục xây dựng Kế hoạch
phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên và phối hợp thực hiện tốt Kế hoạch
này.
4. Vụ Pháp chế - Thường trực Hội đồng phối hợp công
tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp Bộ trưởng đôn
đốc, phối hợp thực hiện Kế hoạch này; báo cáo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Bộ Tư pháp và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương theo
quy định.