Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 62/QĐ-UBND 2015 Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức Bắc Giang đến 2020 tầm nhìn 2030

Số hiệu: 62/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang Người ký:
Ngày ban hành: 06/02/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 06 tháng 02 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

Căn cứ Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 19/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Kết luận số 90-KL/TW 04/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước;

Xét đề nghị của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Có Chiến lược chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chiến lược này.

Điều 3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hạnh

 

CHIẾN LƯỢC

PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 62/QĐ - UBND ngày 06 tháng 02 năm 2015 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, đội ngũ trí thức Việt Nam là một chủ thể của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, có vai trò chủ chốt trong nghiên cứu khoa học và tham gia chuyển giao công nghệ; có vai trò và thế mạnh trong tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Các kết quả hoạt động nghiên cứu của trí thức góp phần làm luận cứ khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng con người, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã xác định: Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Trí thức Bắc Giang được xác định theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X): "Là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội".

Đối với trình độ học vấn được xác định là những người được đào tạo ở bậc đại học[1].

Thực hiện Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 03/10/2008 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X); Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 19/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 90-KL/TW 04/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, UBND tỉnh ban hành Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, khai thác và phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là những định hướng lớn về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có những giải pháp mang tính đột phá, nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Bắc Giang đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Phần thứ nhất

BỐI CẢNH QUỐC TẾ, TRONG NƯỚC VÀ TRONG TỈNH TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC

I. BỐI CẢNH QUỐC TẾ

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã rút ngắn thời gian cho một phát minh, phạm vi ứng dụng rộng, tạo ra những ngành kỹ thuật mới, những ngành sản xuất và dịch vụ mới với hàm lượng trí tuệ là thành phần chủ yếu trong sản phẩm…đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Dưới sự tác động của tiến bộ khoa học và công nghệ, đã tạo ra sự thay đổi hoàn toàn phương thức tạo ra sản phẩm, do vậy, cách thức sản xuất cổ điển, truyền thống nay không còn thích hợp nữa. Từ đó, kéo theo những thay đổi lớn về cơ cấu dân cư, những đòi hỏi mới về giáo dục và đào tạo, nhằm đáp ứng chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ trí thức trong phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cầu hoá là kết quả của quá trình tăng tiến mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, là xu thế khách quan, là một thực tế không thể đảo ngược. Về mặt tích cực, toàn cầu hoá thúc đẩy rất mạnh, rất nhanh sự phát triển và xã hội hoá của lực lượng sản xuất, đưa lại sự tăng trưởng cao, góp phần làm chuyển biến cơ cấu kinh tế, đòi hỏi tiến hành cải cách sâu rộng để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế…Về mặt tiêu cực, toàn cầu hoá đã làm trầm trọng thêm sự bất công xã hội, phân hoá giàu nghèo. Như vậy toàn cầu hoá là thời cơ lịch sử; vừa là cơ hội rất to lớn cho sự phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực, đồng thời cũng tạo ra thách thức là nếu bỏ lỡ thời cơ thì sẽ bị tụt hậu rất xa.

Nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển, "Là nền kinh tế được dẫn dắt bởi tri thức, là một nền kinh tế mà việc sản sinh và khai thác tri thức có vai trò nổi trội trong quá trình tạo ra của cải" [2]. Nền kinh tế tri thức được biểu hiện ra là hàm lượng trí tuệ trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ rất cao; tri thức có vai trò chủ yếu trong việc tạo ra của cải, dẫn đến thay đổi thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng. Kinh tế tri thức cũng đặt ra những cơ hội và thách thức. Trong bối cảnh ấy, nếu nắm lấy thời cơ, đổi mới tư duy, có thể đưa đất nước, địa phương phát triển nhảy vọt, ngược lại sẽ rơi vào cực bần cùng của phân hóa giàu nghèo. Trong nền kinh tế tri thức, con người và tri thức trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia, địa phương.

II. BỐI CẢNH TRONG NƯỚC VÀ TRONG TỈNH

1. Bối cảnh trong nước

Việt Nam là một quốc gia đang tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam đã là thành viên WTO, tiếp tục mở rộng hợp tác với EU và tương lai gần tham gia hiệp định TPP (Đối tác xuyên châu Á-Thái Bình Dương), năm 2015 Việt Nam sẽ là một thành viên có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đã xác định rõ mục tiêu phát triển của đất nước: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững.

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học và công nghệ đầu đàn. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề. Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy trí thức, nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.

Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội cả nước, vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đã tạo đà quan trọng cho tỉnh phát triển. Sự đầu tư của các doanh nghiệp FDI lớn và tên tuổi ở các tỉnh lân cận, có tác động mạnh đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặt ra yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, trong đó có yêu cầu phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh.

2. Bối cảnh trong tỉnh

 Những thuận lợi cơ bản

Những thành tựu đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Giang thời gian qua đã tạo tiền đề quan trọng cho phát triển trong giai đoạn tới. Nền kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn trung bình cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với một số sản phẩm có thương hiệu; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng tiếp tục duy trì ổn định và phát triển. Tạo ra những thuận lợi cơ bản để trí thức Bắc Giang tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bắc Giang cách không xa các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn của “Tam giác kinh tế phát triển”: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nơi tập trung đầu mối giao lưu kinh tế, khoa học và công nghệ của cả nước. Vùng thủ đô Hà Nội rộng lớn vừa là thị trường, vừa là nguồn đầu tư, vừa là đầu mối kết nối Bắc Giang với các vùng khác. Tạo ra những cơ hội để trí thức Bắc Giang tiếp cận những tri thức mới, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, tập hợp và phát huy đội ngũ trí thức là người Bắc Giang đang công tác ở ngoài tỉnh tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tỉnh có cả 3 vùng (vùng núi, trung du, đồng bằng), có tiềm năng lớn về đất nông nghiệp, trong đó loại đất phù hợp với nhiều cây trồng, ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, có tiềm năng phát triển đa dạng các hàng hóa nông sản có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt có vùng trung du, miền núi rộng để phát triển được một số loại cây trồng, vật nuôi có tính đặc trưng như cây ăn quả, rừng kinh tế, dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Tạo điều kiện, môi trường để trí thức của tỉnh tham gia nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Bắc Giang có di sản văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhiều cảnh quan thiên nhiên có thể phát triển các loại hình du lịch sinh thái, đặc biệt là khu di tích Tây Yên Tử có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, văn hóa, là điểm thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, kết nối với khu du lịch Quảng Ninh sẽ tạo ra quần thể du lịch của tỉnh Bắc Giang, góp phần thu hút, sử dụng lao động và thúc đẩy giảm nghèo cho địa phương trong thời gian tới.

Bắc Giang có lực lượng lao động dồi dào, nhưng tỉ lệ qua đào tạo còn thấp, vừa là điều kiện để thu hút đầu tư với giá nhân công rẻ, vừa đặt ra yêu cầu cao đối với công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề. Những tiềm năng và lợi thế nói trên, tạo ra nhiều cơ hội đối với đội ngũ trí thức trong việc đóng góp trí tuệ, năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức tham gia xây dựng tỉnh Bắc Giang giàu mạnh.

2.2. Những khó khăn, thách thức

Mặc dù nằm ở vị trí vùng trung chuyển, song Bắc Giang chưa được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Trung ương, không thuộc trung tâm phát triển các ngành, lĩnh vực trong quy hoạch vùng. Nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh hạn hẹp, thiếu nguồn lực cần thiết để đầu tư cho nhân lực và những lĩnh vực có thể tạo sự phát triển bứt phá của địa phương.

Cấu trúc kinh tế, mô hình tăng trưởng lạc hậu, chủ yếu gia tăng về lượng nhờ lắp ráp, gia công và lao động giá rẻ, năng suất lao động thấp, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển; các ngành sản xuất trong tỉnh chưa tham gia được nhiều vào chuỗi giá trị, giá trị gia tăng, hàm lượng chất xám của sản phẩm thấp. Chưa hình thành được vùng kinh tế động lực của tỉnh, thiếu chính sách đặc thù có tính đột phá, thiếu cơ chế quản lý tiên tiến, tổ chức lãnh thổ đô thị, công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp nông thôn lạc hậu, thiếu tính liên kết, hỗ trợ. Chưa phát huy mạnh mẽ được nhân tố con người, nguồn lực con người, đặc biệt là tri thức cho phát triển.

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp nhờ đóng góp chủ yếu từ khu vực FDI; tăng trưởng từ các ngành nội địa và truyền thống chậm; tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ đạt thấp so với cả nước, cơ cấu ngành dịch vụ chậm chuyển dịch, chưa phát triển được nhiều ngành dịch vụ có giá trị gia tăng và hàm lượng trí tuệ cao; chưa khai thác được lợi thế lớn của tỉnh trong liên kết vùng thủ đô, vùng kinh tế miền núi phía Bắc và hành lang kinh tế Việt-Trung.

Chất lượng nhân lực thấp, còn thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành trình độ cao, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm còn cao. Việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất chưa mạnh, các đề tài, dự án khoa học và công nghệ chưa đặt trọng tâm vào hoàn thiện, chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh.

Chưa có những giải pháp đột phá, chế độ ưu tiên, đãi ngộ xứng đáng để thu hút nhân tài bố trí vào các vị trí xứng đáng; chưa phát huy được kết quả và nhân rộng các mô hình, sản phẩm có giá trị qua các Hội thi sáng tạo kỹ thuật.

Quản lý Nhà nước trên một số mặt nhìn chung còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò của đội ngũ trí thức trong hệ thống chính trị; chưa ban hành được cơ chế, chính sách tạo ra đột phá trong phát triển; môi trường đầu tư có bước cải thiện song chưa thật sự thông thoáng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trong những năm gần đây (2011-2013) thấp và đang có xu hướng giảm dần; hiệu quả của các dự án đầu tư chưa cao; các dự án được cấp phép chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ cũ; chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.

Như vậy, trình độ phát triển của tỉnh nhìn chung vẫn mức thấp. Thấp hơn một số tỉnh trong khu vực, so với cả nước Bắc Giang ở mức dưới, tiệm cận mức trung bình. Dân số đông, trong khi chất lượng nguồn nhân lực thấp; vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chuyển đổi lao động nông nghiệp sang lĩnh vực khác, tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo, thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đủ khả năng quản lý, quản trị; nghiên cứu và triển khai, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao,... là một thách thức đặt ra cho trí thức tham gia phát triển kinh tế-xã hội nói chung, cho phát triển đội ngũ trí thức nói riêng của tỉnh Bắc Giang.

Tóm lại: Bối cảnh quốc tế, trong nước, trong tỉnh quy định tính cấp thiết, yêu cầu khách quan, là căn cứ chủ yếu cho việc phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh. Đội ngũ trí thức của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phải đáp ứng yêu cầu về nguồn lực chất lượng cao, đóng vai trò then chốt (xung kích, dẫn dắt) trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bắc Giang.

Phần thứ hai

THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC VÀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TỈNH BẮC GIANG

I. THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC

1. Số lượng, chất lượng, cơ cấu

Lực lượng trí thức trong toàn tỉnh (những người có trình độ từ cao đẳng trở lên) có 80.945 người, chiếm 5% dân số; trong đó cao đẳng 33.763 người, chiếm 2,1%; đại học 47.182 người, chiếm 2,9% dân số [3].

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh hiện nay là 42.643 người (công chức 8.283 người; viên chức 34.360 người; nam 16.033 người, chiếm 37,6%; nữ 26.610 người, chiếm 62,4%); trong đó, trí thức 30.992 người, chiếm 72,7%. Về trình độ chuyên môn: Tiến sĩ [4]: 09 người, chiếm 0,03%; Thạc sĩ: 1.275 người, chiếm 4,1%; Đại học: 19.061 người, chiếm 61,5%; cao đẳng: 10.647 người, chiếm 34,4% trong tổng số trí thức. Trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp 1.128 người, chiếm 3,6%; trung cấp 5.982 người, chiếm 19,3%. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, số lượng và trình độ đào tạo của trí thức trong một số ngành, lĩnh vực chủ yếu cụ thể như sau:

- Trí thức lãnh đạo, quản lý[5]: Tổng số 3.057 người, trong đó: Cơ quan, đơn vị cấp tỉnh 1.690 người; về trình độ chuyên môn: tiến sĩ 7 người (0,4%), thạc sỹ 310 người (18,3%), đại học 1.355 người (80,2%), cao đẳng 18 người (1,1%). Cơ quan, đơn vị cấp huyện 876 người; về trình độ chuyên môn: thạc sỹ 102 người (11,6%), đại học 755 người (86,2%), cao đẳng 19 người (2,2%). Cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn 491 người; về trình độ chuyên môn: thạc sỹ 10 người (2%), đại học 381 người (77,6%), cao đẳng 100 người (20,4%).

- Trí thức khối đảng, đoàn thể (cấp tỉnh và cấp huyện): 1.029 người. Trong đó: Tiến sĩ 02 người, chiếm 0,2%; Thạc sĩ: 166 người, chiếm 16,1%; Đại học 839 người,

chiếm 81,5%; Cao đẳng 22 người, chiếm 2,1%.

- Trí thức lĩnh vực khoa học và công nghệ: Tổng số nhân lực KH&CN của tỉnh là 27.359 người. Trong đó: Tiến sĩ 07 người, chiếm 0,03%; Thạc sĩ: 1.036 người, chiếm 3,8%; Đại học: 16.464 người, chiếm 60,2%; cao đẳng: 9.852 người, chiếm 36%.

- Trí thức lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: Tổng số: 1.020/1.243 người, chiếm 82,1%. Trong đó: Tiến sĩ: 02 người, chiếm 0,2%; Thạc sĩ: 116 người, chiếm 9,3%; Đại học: 841 người, chiếm 67,7%; cao đẳng: 61 người, chiếm 4,9% trong tổng số nhân lực của ngành.

- Trí thức lĩnh vực công thương: Tổng số: 220/257 người, chiếm 85,6%. Trong đó: Thạc sĩ: 10 người, chiếm 3,9%; Đại học: 206 người, chiếm 80,2%; cao đẳng: 04 người, chiếm 1,6% trong tổng số nhân lực của ngành.

- Trí thức lĩnh vực văn hoá - thể thao và du lịch: Tổng số: 468/725 người, chiếm 64,6%. Trong đó: Thạc sĩ: 20 người, chiếm 2,8%; Đại học: 406 người, chiếm 56%; cao đẳng: 42 người, chiếm 5,8% trong tổng số nhân lực của ngành.

- Trí thức lĩnh vực thông tin – truyền thông: Tổng số: 221/276 người, chiếm 80,1%. Trong đó: Thạc sĩ: 18 người, chiếm 6,5%; Đại học: 180 người, chiếm 65,2%; cao đẳng: 23 người, chiếm 8,3% trong tổng số nhân lực của ngành.

- Trí thức lĩnh vực y tế: Tổng số: 1.691/5.310 người, chiếm 31,8%. Trong đó: Tiến sĩ: 01 người, chiếm 0,02%; Thạc sĩ: 79 người, chiếm 1,5%; Đại học: 1.362 người, chiếm 25,6%; cao đẳng: 249 người, chiếm 4,7% trong tổng số nhân lực của ngành. Thầy thuốc nhân dân 01 người, thầy thuốc ưu tú 78 người.

- Trí thức lĩnh vực giáo dục: Tổng số: 23.259/27.589 người, chiếm 84,3%. Trong đó: Tiến sĩ: 02 người, chiếm 0,01%; Thạc sĩ: 639 người, chiếm 2,3%; Đại học: 13.872 người, chiếm 50,2%; cao đẳng: 8.746 người, chiếm 31,7% trong tổng số nhân lực của ngành. Nhà giáo nhân dân 02 người, nhà giáo ưu tú 76 người.

- Trí thức lĩnh vực văn học - nghệ thuật: Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Giang có 109 người có trình độ từ cao đẳng trở lên/159 hội viên; trong đó có 64 hội viên tham gia các chi hội Trung ương; có 05 nghệ sĩ ưu tú; có 7 thạc sĩ, chiếm 4,4%, đại học, cao đẳng 102 người chiếm 64,1% trong tổng số hội viên.

- Trí thức lĩnh vực tài nguyên - môi trường: Tổng số: 727/867 người, chiếm 83,9%. Trong đó: Thạc sĩ: 46 người, chiếm 5,3%; Đại học: 549 người, chiếm 63,3%; cao đẳng: 132 người, chiếm 15,2% trong tổng số nhân lực của ngành.

- Trí thức trong doanh nghiệp: Tính đến tháng 10/2014, trên địa bàn tỉnh có doanh nghiệp và 637 chi nhánh, văn phòng đại diện; số lao động trong các doanh nghiệp có trên 124 nghìn người[6]; trong đó, trình độ từ cao đẳng trở lên đang làm trong các doanh nghiệp khoảng 40 nghìn người.

- Trí thức là người Bắc Giang đang công tác ở ngoài tỉnh có lực lượng khá đông đảo ở trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là đang công tác tại thành phố Hà Nội; hiện tại có Hội đồng hương Bắc Giang và Hội các nhà khoa học Bắc Giang tại Hà Nội, riêng Hội các nhà khoa học Bắc Giang đã tập hợp được 55 hội viên; trong đó, có 18 giáo sư, 24 phó giáo sư.

Đánh giá chung: Đội ngũ trí thức của tỉnh không ngừng tăng về số lượng, nâng lên về chất lượng, đã hình thành một đội ngũ trí thức hoạt động ở tất cả các lĩnh vực của đời sống - xã hội. Trí thức là bộ phận quan trọng không thể thiếu trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là nguồn nhân lực có trình độ cao, là những người gương mẫu tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, là lực lượng đi đầu trong các phong trào quần chúng… Đội ngũ trí thức đã luôn cố gắng khẳng định vai trò của mình trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Những đóng góp của đội ngũ trí thức

Trong những năm qua, với vai trò quan trọng và khả năng, năng lực, tâm huyết của mình, đội ngũ trí thức của tỉnh đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp CNH, HĐH và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh qua các thời kỳ. Trong đó có những đóng góp nổi bật.

Một là: góp phần xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh. Đội ngũ trí thức là cán bộ lãnh đạo, quản lý đã phát huy tốt vai trò và khả năng chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực lãnh đạo và trình độ quản lý, hoạch định các chủ trương, chính sách đúng đắn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Đội ngũ trí thức trong công chức, viên chức đã có nhiều đóng góp trong tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, xây dựng MTTQ và các đoàn thể các cấp ngày càng vững mạnh.

Hai là: góp phần truyền bá tri thức, nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân tài và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Đội ngũ trí thức lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã có nhiều đóng góp vào kết quả, thành tích trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, dạy nghề, mỗi năm có trên 10.000 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia hàng năm, tỉnh Bắc Giang đều đứng trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất toàn quốc. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề được nâng cao, từng bước gắn kết giữa các cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 33,5% năm 2010 lên 44% năm 2013.

Ba là: góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với kết quả nổi bật là: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn bình quân cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Trong lĩnh vực nông nghiệp đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; một số sản phẩm chủ lực của tỉnh; tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá, giá trị xuất khẩu tăng cao. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Văn hoá và xã hội có tiến bộ trên nhiều mặt; việc gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội có chuyển biến, nhất là trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt một số kết quả tích cực. Lực lượng trí thức trong các doanh nghiệp đã góp phần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của tỉnh.

Bốn là: tham gia tích cực trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống và sản xuất, góp phần tăng năng suất, nâng cao đời sống của nhân dân, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đội ngũ trí thức của tỉnh đã trực tiếp tham gia các đề tài, dự án khoa học cấp nhà nước, cấp tỉnh trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ, khoa học xã hội, góp phần đưa các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng quy mô, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, giúp chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp hàng hoá của tỉnh.

II. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC

Trên cơ sở vận dụng đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, xây dựng cơ chế, chính sách trong khả năng của địa phương, tạo điều kiện tối đa cho trí thức tỉnh nhà phát huy năng lực sáng tạo, cống hiến.

UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ trí thức. Công tác quy hoạch đã được thực hiện đồng bộ ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), cơ bản bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu theo quy định. Hằng năm, tiến hành rà soát, bổ sung, bảo đảm quy hoạch động và mở, đã lựa chọn những trí thức tiêu biểu, có năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để đưa vào quy hoạch, tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng. Phối hợp tổ chức đào tạo với các trường đại học và các học viện, cử đi đào tạo theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương…để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và ngoại ngữ cho đội ngũ trí thức.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 144-QĐ/1998/UBND về việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ sau khi có quyết định công nhận các học vị thạc sỹ, tiến sỹ hoặc học vị tương đương. Ban hành Quyết định số 30/2001/QĐ-UB về hợp đồng lao động đối với sinh viên đã tốt nghiệp đại học chưa có việc làm, nhằm tạo việc làm cho người lao động và nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh. Chủ trương thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao về tỉnh công tác. Thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch xã khó khăn; Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020... Chính sách trọng dụng và tôn vinh trí thức được quan tâm: Tỉnh có kế hoạch bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ trí thức; bổ nhiệm trí thức có đủ năng lực vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; quan tâm trí thức trẻ, trí thức nữ, trí thức là người dân tộc thiểu số. Lựa chọn trí thức tiêu biểu trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, nghệ thuật, để đề nghị phong tặng danh hiệu nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú. Tổ chức lễ Vinh danh tài năng trẻ Bắc Giang.

Quan tâm tạo môi trường cho trí thức hoạt động, cống hiến: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 75/2011/QĐ-UBND ngày 09/3/2011 quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, góp phần tập hợp, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức tham gia tư vấn, phản biện, nâng cao chất lượng chương trình, đề án và những chính sách do UBND tỉnh ban hành. Hằng năm, tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng, thông qua hội thi, cuộc thi đã có hàng ngàn giải pháp của các tổ chức, cá nhân, trí thức khoa học công nghệ và các em học sinh trên địa bàn tỉnh đăng ký tham dự, trong đó hơn 300 mô hình, giải pháp kỹ thuật đã được trao giải thưởng, nhiều giải pháp, mô hình, ý tưởng thiết thực và hiệu quả đã góp phần mang lại lợi ích cho tổ chức, doanh nghiệp.

Đội ngũ trí thức của tỉnh đã tích cực tham gia đề xuất, triển khai thực hiện các dự án, đề tài áp dụng vào thực tiễn trên các lĩnh vực, góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Các biện pháp, chính sách trên của tỉnh về xây dựng đội ngũ trí thức đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

III. NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Về hạn chế, yếu kém

Đối với đội ngũ trí thức

Đội ngũ trí thức Bắc Giang hiện còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, mất cân đối về số lượng, chất lượng, cơ cấu (chuyên môn, giới tính, dân tộc, lĩnh vực ngành nghề, địa bàn phân bố...) Trí thức trình độ tiến sĩ còn ít, chiếm tỉ lệ rất thấp (0,03%), lại phân bố không hợp lý. Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, y tế, kế hoạch và đầu tư, mỗi ngành có 01 tiến sĩ, trong các ngành nông, lâm nghiệp thủy sản, lĩnh vực mà tỉnh có nhiều thế mạnh và tiềm năng, chỉ có 02 tiến sĩ thú y; ngành giáo dục-một trong những ngành chủ lực cho phát triển đội ngũ trí thức, chỉ có 02 tiến sĩ; các ngành còn lại không có tiến sĩ. Trí thức có trình độ chuyên môn là thạc sĩ, có cơ cấu hợp lý hơn, tuy nhiên, trong những ngành chủ lực cho phát triển kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại, tỉ lệ thạc sĩ vẫn thấp, như: ngành công thương có 10 người, chiếm 3,9% trí thức của ngành; văn hóa-du lịch-thể thao có 20 người, chiếm 2,8%; thông tin-truyền thông có 18, chiếm 6,5%…

Chưa có đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đội ngũ kế cận hẫng hụt; chưa có tập thể khoa học mạnh, có khả năng giải quyết những vấn đề cấp bách trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý còn hạn chế về tư duy và tầm nhìn; chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao, chưa thực sự đề cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Sự cải thiện năng lực cạnh tranh và quản trị chưa thật sự ổn định, thiếu vững chắc; một số chỉ số quản trị và hành chính công của tỉnh có thứ hạng thấp hoặc rất thấp. Hoạt động của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ còn lúng túng, chưa có nhiều nghiên cứu có giá trị. Chưa có những giải pháp khoa học và công nghệ có tính cơ bản và đột phá cho các vấn đề kinh tế-xã hội. Chưa có sự gia tăng hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm nông nghiệp, du lịch... Thiếu các nghiên cứu cơ bản, các dự án nghiên cứu, triển khai có khả năng thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế có thế mạnh của tỉnh. Năng lực nắm bắt những vấn đề mới, khả năng nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ còn thấp. Đóng góp chưa rõ rệt trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong xây dựng nền văn hóa mới, con người mới; ít có công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm với truyền thống văn hóa.

Đóng góp thực tế của đội ngũ trí thức còn chưa tương xứng với tiềm năng. Còn chưa thể hiện tốt vai trò của mình trên các hoạt động phản biện và giám định xã hội; tổng kết thực tiễn trong lãnh đạo, quản lý; trong tư vấn đề xuất chính sách, giải pháp để giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong phát triển kinh tế-xã hội; trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Một bộ phận trí thức, kể cả người có trình độ học vấn cao, còn thiếu tự tin, e ngại, sợ bị quy kết về quan điểm, né tránh nêu các chính kiến của cá nhân trong tranh luận khoa học. Một số giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, có biểu hiện chạy theo bằng cấp, thiếu trung thực và tinh thần hợp tác. Một số trí thức không thường xuyên học hỏi, tìm tòi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, thiếu chí khí và hoài bão. Nhiều trí thức trẻ có tâm trạng thiếu phấn khởi, chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên về chuyên môn.

Đối với công tác xây dựng đội ngũ trí thức

Các chính sách biện pháp về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức từ Trung ương đến địa phương chưa đồng bộ, thiếu cụ thể, chậm ban hành, thiếu nguồn lực thực hiện, trong một số lĩnh vực còn duy trì lâu dài tình trạng bất hợp lý. Vì vậy chưa tạo được động lực cho sự phát triển đội ngũ trí thức nói chung, trí thức Bắc Giang nói riêng.

Chưa có cơ chế chính sách cụ thể về tập hợp đội ngũ chuyên gia; tỷ lệ tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ còn thấp. Việc tập hợp, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao, là người Bắc Giang đang công tác ở ngoài tỉnh có mặt còn hạn chế. Chưa tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực để phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức tỉnh nhà. Nội dung cụ thể hoá các văn bản của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về xây dựng và phát triển Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh còn chậm, nhất là xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện tập hợp, phát huy đội ngũ trí thức của tỉnh.

Chủ trương thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao về tỉnh công tác mới thực hiện thí điểm, chưa triển khai đồng bộ thành các chính sách cụ thể; công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức có một số trường hợp không theo quy hoạch, chủ yếu là do nhu cầu cá nhân; việc đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự gắn với bố trí sử dụng.

Các chính sách phát triển đội ngũ trí thức chưa được đồng bộ: Mức độ hài lòng của cán bộ, của chính đội ngũ trí thức và người dân về các chính sách: đào tạo, bồi dưỡng; bố trí sử dụng; môi trường làm việc; chế độ đãi ngộ,…ở mức thấp.

Chưa có các chính sách đầy đủ và hiệu quả để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức. Thiếu quy hoạch, kế hoạch và biện pháp hiệu quả cho việc học tập nâng cao trình độ học vấn và chuyên môn (học thạc sĩ, tiến sĩ) cho trí thức công chức, viên chức. Việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ sau khi được học tập, đào tạo và luân chuyển chưa hợp lý. Chưa có giải pháp thỏa đáng trong khắc phục khó khăn và động viên đối với con em tỉnh nhà trong học tập. Còn một bộ phận sinh viên tốt nghiệp đại học chưa được bố trí việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo; chưa quan tâm đúng mức việc tạo nguồn, định hướng nghề nghiệp, phát hiện nhân tài và chưa có kế hoạch cụ thể về bồi dưỡng nhân tài.

Môi trường làm việc của trí thức chưa thực sự thuận lợi, còn nhiều hạn chế và khó khăn, chưa tạo lập được nhận thức chung của xã hội về sự tôn trọng, đánh giá công bằng, khách quan đối với trí thức. Còn thiếu các diễn đàn, trung tâm nghiên cứu hiện đại, cơ chế phối hợp cho hoạt động của trí thức; điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, nơi làm việc còn thiếu thốn, dẫn tới chảy máu "chất xám".

Chế độ đãi ngộ đối với trí thức tuy đã có nhiều cố gắng và có những giải pháp mang tính đột phá, nhưng chính sách thu hút trí thức, thu hút người tài, bố trí, đề bạt vào các vị trí xứng đáng, tôn vinh, tưởng thưởng những trí thức có thực tài, có cống hiến… đều chưa đạt được hiệu quả cao.

Sử dụng năng lực chuyên môn của trí thức hiện nay, bình quân chỉ ở mức khoảng 70%, tức khoảng 2/3. Tỉ lệ này, cao hơn mức bình quân cả nước. Tuy nhiên, 1/3 năng lực của đội ngũ trí thức chưa được sử dụng, là một sự lãng phí lớn, đang đặt thành vấn đề.

2. Nguyên nhân của những yếu kém

Nguyên nhân khách quan:

Do xuất phát điểm kinh tế-xã hội, trình độ khoa học và công nghệ của tỉnh Bắc Giang còn thấp, yêu cầu ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống chưa cao. Thiếu nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Vì vậy vai trò của trí thức chưa được phát huy và chưa được xã hội nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ.

Cơ chế thị trường một mặt kích thích sự phát triển của khoa học và công nghệ, hình thành đội ngũ trí thức; mặt trái của kinh tế thị trường làm nẩy sinh tâm lý thực dụng, chú trọng lợi ích trước mắt, thiếu quan tâm đúng mức cho phát triển lâu dài, thiếu đầu tư bài bản.

Hệ thống các văn bản giữa Đảng và Nhà nước về xây dựng tổ chức Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam còn chưa thống nhất; nên việc triển khai cụ thể hoá các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật của tỉnh và tập hợp trí thức còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chủ quan:

Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức, nên chưa quan tâm sử dụng và chưa đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc…để phát huy vai trò của trí thức.

Nhiều chủ trương của Ðảng về công tác trí thức đã được ban hành, nhưng chậm triển khai vào cuộc sống, chưa kịp thời cụ thể hóa thành cơ chế chính sách của địa phương.

Thiếu cơ chế hoạt động để tăng cường sự gắn kết giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh với các hội thành viên, giữa các nhóm trí thức theo chuyên môn, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và hoạt động của các hội thành viên.

Công tác đánh giá, sử dụng trí thức còn bất hợp lý, thiếu những cơ chế thích hợp để phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, tiến cử và trọng dụng nhân tài. Tỉnh chưa có Chiến lược tổng thể phát triển đội ngũ trí thức; thiếu chính sách đãi ngộ trong việc tập hợp, phát huy trí tuệ của trí thức trong và ngoài tỉnh nhất là lực lượng trí thức có trình độ cao tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Tư tưởng an phận, sợ trách nhiệm, ngại thay đổi ở chính các cá nhân trí thức gây cản trở việc phát huy vai trò đội ngũ trí thức. Năng lực làm chủ của bản thân, khát vọng cống hiến, năng lực tiếp cận tri thức khoa học và công nghệ hiện đại còn hạn chế.

Phần thứ ba

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

I. CÁC QUAN ĐIỂM

1. Phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Bắc Giang phải gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh vững mạnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị.

2. Xây dựng Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức Bắc Giang là nhằm tạo ra sự chuyển biến có tính đột phá trong phát triển nguồn nhân lực địa phương. Phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với ứng dụng khoa học và công nghệ. Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học và công nghệ ngày càng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là những thành tựu khoa học và công nghệ mới, có khả năng tăng hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm thế mạnh, chủ lực, có truyền thống ở địa phương.

3. Xây dựng đội ngũ trí thức trên hai mặt: Đức và Tài; hoàn thiện ba tố chất căn bản của người lao động trí óc: Tri thức, kỹ năng và thái độ. Có tri thức chuyên sâu, đủ khả năng giải quyết những vấn đề thực tiễn phát triển của địa phương đặt ra; có kỹ năng thành thạo trong tổ chức nghiên cứu, truyền bá và ứng dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học và công nghệ vào đời sống kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; hình thành chuẩn mực đạo đức nhân cách của đội ngũ trí thức mới, biết sống lao động cống hiến vì sự giàu mạnh của quê hương đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Chống chủ nghĩa cơ hội thực dụng.

4. Xây dựng đội ngũ trí thức Bắc Giang là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, trong đó trách nhiệm của cấp ủy Ðảng và chính quyền các cấp giữ vai trò quyết định. Phát huy vai trò của trí thức, đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất cho hoạt động chuyên môn, đãi ngộ xứng đáng, tạo mọi điều kiện để trí thức sáng tạo, cống hiến. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài.

5. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển đội ngũ trí thức với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Phát triển đội ngũ trí thức Bắc Giang đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng nhằm tạo động lực cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, từ đó cải thiện chất lượng lao động của công nhân, nông dân, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp… nói chung, trên cơ sở đó, tạo ra những tiền đề cần thiết cho phát triển đội ngũ trí thức, góp phần củng cố khối liên minh công nhân- nông dân-trí thức và doanh nhân, làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh nâng cao về chất lượng, hợp lý về cơ cấu (trình độ, chuyên ngành- lĩnh vực, giới, cấp hành chính…), đảm bảo về chất lượng, là nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng dẫn dắt các lực lượng lao động khác; có năng lực tổng kết thực tiễn, tư vấn, phản biện chính sách; phát hiện, tổ chức giải quyết những vấn đề cấp bách trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; có khả năng nghiên cứu triển khai, truyền bá, ứng dụng những thành tựu tiên tiến về khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống, cải thiện đáng kể năng lực lãnh đạo, quản lý và sức cạnh tranh; có năng lực trao đổi, hợp tác, tiếp nhận, chuyển giao các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở quy mô toàn quốc, với mức độ nhất định ở phạm vi khu vực và quốc tế; có một số cơ sở nghiên cứu hiện đại với đội ngũ chuyên gia và một số nhóm nghiên cứu mạnh ở các ngành, lĩnh vực quan trọng, chủ lực của tỉnh; có đạo đức tư cách trong sáng, gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tâm huyết với sự nghiệp phát triển của quê hương, gắn bó với nhân dân, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể

(1)- Nâng tỉ lệ số người có trình độ đại học trở lên trong đội ngũ trí thức: tiến sĩ: Từ 0,03% lên 0,06% vào năm 2020 và 0,2% vào năm 2030; Thạc sĩ: Từ 4,1% lên 7% vào năm 2020 và 12% vào năm 2030; Đại học: Từ 61,5% lên 72% vào năm 2020 và 85% vào năm 2030 trong tổng số trí thức.

(2)- Nâng tỉ lệ bình quân trí thức có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị hiện nay là 3,6% lên 5% vào năm 2020 và 7% vào năm 2030. Nâng tỉ lệ bình quân trí thức có trình độ trung cấp lý luận chính trị hiện nay là 19,3% lên 25% vào năm 2020 và 30% vào năm 2030.

(3)- Các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh có lực lượng trí thức chủ chốt, nhóm chuyên gia và tập thể khoa học có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tham mưu, hoạch định chính sách, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

(4)- Đến năm 2020, nâng cấp, xây dựng mới một số trung tâm nghiên cứu đủ mạnh (Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; Trung tâm giống thuỷ sản cấp I, Trung tâm giống cây ăn quả - cây lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT. Thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin). Đảm bảo đến năm 2030, các trung tâm này không chỉ có vai trò trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, mà còn có thể có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi phía Bắc, có uy tín trong phát triển khoa học và công nghệ đất nước.

III. NHIỆM VỤ

1- Nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền đối với công tác xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết 05-NQ/HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, các cấp ủy, chính quyền quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ các giải pháp phát triển đội ngũ trí thức Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong cán bộ, đảng viên của tỉnh.

Quán triệt và đổi mới nhận thức về mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và vai trò quan trọng của trí thức với tư cách là nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố có ý nghĩa quyết định trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. Phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, trên cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo, bố trí, sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức làm việc, cống hiến.

Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung đã đề ra trong Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 03/10/2008 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về "xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước"; Chương trình hành động số 42-CTr/TU ngày 01/8/2008 thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Kế hoạch số 06-KH/TU ngày 19/02/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 19/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 90-KL/TW 04/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Triển khai cụ thể hoá và thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Các chủ trương, định hướng phát triển khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức gắn với Quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; tạo điều kiện để trí thức tham gia đóng góp ý tưởng phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương và tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng sáng kiến vào sản xuất và đời sống.

2. Đào tạo đội ngũ trí thức phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đánh giá lại toàn bộ đội ngũ trí thức của đơn vị mình, căn cứ vào vị trí việc làm và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, xây dựng quy hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực. Trong đó xác định rõ số lượng, cơ cấu, chất lượng, lĩnh vực chuyên môn, trình độ, thời gian, loại hình và nơi đào tạo bồi dưỡng; lựa chọn những người thật sự có năng lực và triển vọng đưa đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và nước ngoài trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị giỏi, cán bộ khoa học và công nghệ, chuyên gia đầu ngành.

Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng của tỉnh. Khi đủ điều kiện, thành lập Trường Đại học Bắc Giang. Chuẩn bị nguồn cho đào tạo, bồi dưỡng: tạo nguồn từ bậc học phổ thông, bậc học đại học; tạo nguồn từ sinh viên tốt nghiệp, mới tuyển dụng. Trong quy hoạch nguồn cần xác định rõ các tiêu chí, phù hợp với kế hoạch xây dựng đội ngũ trí thức và yêu cầu nhân lực trong từng giai đoạn. Đối với đội ngũ công chức, viên chức trẻ, mới được tuyển dụng, dựa trên kết quả tốt nghiệp và kết quả tập sự để đưa đi đào tạo ở trình độ cao hơn để trở thành cán bộ lãnh đạo quản lý, hoặc chuyên gia ở từng ngành, lĩnh vực.

Nghiên cứu, áp dụng cơ chế đặc biệt ưu đãi để nuôi dưỡng, thu hút về tỉnh đối tượng là học sinh của tỉnh đạt thành tích xuất sắc trong các trường Trung học phổ thông, học sinh giỏi quốc gia, học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi vào đại học, sinh viên đang theo học đại học chính quy đạt loại giỏi trở lên ở các trường Đại học, các văn nghệ sĩ, vận động viên, huấn luyện viên thể thao có thành tích xuất sắc cấp quốc gia và quốc tế…

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên của tỉnh; lựa chọn trí thức trẻ có năng lực tham gia dự thi các khoá đào tạo sau đại học, bồi dưỡng ngoại ngữ tại nước ngoài theo chương trình Đề án 165. Mở lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý của tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương; các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ chất lượng cao, tập trung tại tỉnh. Tạo điều kiện để đội ngũ trí thức được tham dự các cuộc hội thảo, học tập, nghiên cứu kinh nghiệm ở trong và ngoài nước.

Liên kết với các trung tâm, cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ, các trường đại học, để tranh thủ sự giúp đỡ về chuyên môn, khoa học nhằm giải quyết các vấn đề từ thực tế đặt ra ở địa phương. Khuyến khích các hình thức hợp tác, gắn kết việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyển giao khoa học và công nghệ giữa các trường, các viện nghiên cứu với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Liên kết mở các lớp đào tạo đại học và trên đại học tại tỉnh.

3. Tổ chức các hoạt động khoa học, tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm phát huy trí tuệ và năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức

Tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội và các hội thảo khoa học để tập hợp và phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức tham gia tư vấn, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tế đặt ra, tích cực đóng góp ý tưởng, trí tuệ vào quá trình hoạch định chính sách của địa phương và phản biện, giám định các chủ trương, chính sách, các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nâng cao chất lượng các hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, triển lãm kết quả lao động sáng tạo, tổng kết và khen thưởng hoạt động sáng kiến hằng năm và các hoạt động khác để tôn vinh tổ chức, cá nhân trí thức điển hình và biểu dương các sáng kiến có thể áp dụng rộng rãi và mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Tạo điều kiện cho Câu lạc bộ Trí thức tỉnh hoạt động, phát triển thành viên cả về số lượng và chất lượng. Tổ chức các hoạt động để trí thức giao lưu, học hỏi, bổ sung, cập nhật kiến thức mới; tích cực truyền bá những tri thức tiến bộ, phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật trong cộng đồng và áp dụng vào sản xuất và đời sống, góp phần thiết thực nâng cao dân trí. Thiết lập các diễn đàn để trí thức trao đổi những ý tưởng, đóng góp ý kiến cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khuyến khích trí thức chủ trì đề xuất và liên kết với các Trung tâm khoa học lớn ở ngoài tỉnh thực hiện các chương trình, đề tài, dự án cấp tỉnh, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, giải quyết những vấn đề khó khăn của tỉnh đang đặt ra.

4. Mở rộng, tăng cường trao đổi, hợp tác với trí thức trong nước, khu vực và trên thế giới

Hằng năm, tổ chức gặp mặt trí thức là người Bắc Giang ở ngoài tỉnh; vận động trí thức người Bắc Giang ở ngoài tỉnh tham gia đóng góp trí tuệ, giới thiệu, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hoặc trực tiếp đầu tư về tỉnh, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm trong và ngoài nước tổ chức các hội thảo khoa học, đưa ra những khuyến nghị về hoạch định chủ trương, chính sách, giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra cho địa phương.

Xây dựng chính sách hỗ trợ, kêu gọi doanh nhân là người Bắc Giang ở nước ngoài và ngoài tỉnh đầu tư phát triển, mở rộng doanh nghiệp sản xuất và chuyển giao công nghệ tại địa phương.

5. Phát huy vai trò của Liên hiệp các hội Khoa học- Kỹ thuật tỉnh và các hội trí thức trong thực hiện chức năng tập hợp, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh

Đổi mới, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tỉnh các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức xã hội khác về vai trò, vị trí của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những vấn đề quan trọng, cấp bách về chủ trương, quyết sách phát triển kinh tế-xã hội, phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh. Chủ động thực hiện chức năng tư vấn, phản biện, giám định xã hội và truyền bá, ứng dụng, chuyển giao những thành tựu khoa học và công nghệ. Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp trí thức, tổ chức nghiên cứu khoa học, các mối quan hệ hợp tác, đối tác với những tổ chức cá nhân nghiên cứu khoa học và công nghệ và với người kinh doanh, người sản xuất.

Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của cơ quan Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật đáp ứng yêu cầu của tổ chức tập hợp trí thức. Bảo đảm kinh phí và các điều kiện hoạt động cho Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật như các tổ chức chính trị - xã hội khác. Thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật cấp huyện; chi hội văn học, nghệ thuật cấp huyện khi có đủ điều kiện.

Xây dựng cơ chế về tổ chức quản lý, nhằm gắn kết giữa Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật với các hội thành viên, nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của các hội thành viên.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội chuyên ngành hoặc theo lĩnh vực chuyên môn nhằm thu hút đội ngũ trí thức tích cực tham gia xây dựng quê hương. Hỗ trợ kinh phí và giao cho các hội trí thức là thành viên của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tham gia thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh có liên quan. Tạo điều kiện để các hội trí thức thực hiện các dịch vụ công, tham gia cấp chứng chỉ hành nghề, giám sát hoạt động nghề nghiệp.

IV. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP

1. Nhóm giải pháp đột phá

Xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trình độ cao, gắn với sử dụng cán bộ tài năng và trí thức trẻ, để làm cơ sở cho phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc thu hút chuyên gia giỏi, đầu ngành về tỉnh tham gia nghiên cứu, phát triển những lĩnh vực, ngành có vai trò đột phá; chính sách về tập hợp, phát huy trí tuệ của trí thức Bắc Giang ở ngoài tỉnh tham gia các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đổi mới cơ chế thanh quyết toán tài chính đối với các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho trí thức tập trung nghiên cứu và sáng tạo.

Đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu hiện đại đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, triển khai và ứng dụng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực như: nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản; ứng dụng công nghệ thông tin và sản xuất phần mềm; công nghiệp phụ trợ.

2. Nhóm giải pháp về tuyển dụng, bố trí, sử dụng

Đổi mới chính sách, phương thức tuyển dụng, thu hút trí thức: Thực hiện việc thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có trình độ thạc sĩ; ưu tiên tuyển dụng đối với người có học vị tiến sĩ vào làm việc tại các cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành thế mạnh cần ưu tiên của tỉnh (Lãnh đạo, quản lý, tham mưu; công nghệ nuôi trồng thủy sản, giống, cây, con, công nghệ chế biến, công nghệ phần mềm, công nghiệp phụ trợ...).

Xây dựng bộ quy chế sử dụng sau đào tạo, luân chuyển; đề bạt, đánh giá cán bộ một cách minh bạch, công bằng, hợp lý và dân chủ theo hướng khuyến khích người tài đức, phù hợp với chuyên ngành đào tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Xây dựng chính sách đồng bộ trong việc phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức. Quan tâm bổ nhiệm trí thức có tư duy đổi mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có chính sách và kế hoạch cụ thể để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và trí thức nữ.

3. Nhóm giải pháp về chế độ, chính sách đãi ngộ

Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với trí thức: Quy định rõ đối tượng, tiêu chuẩn và điều kiện thu hút trí thức có trình độ chuyên môn, thuộc lĩnh vực, ngành của tỉnh đang thiếu; xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù để thu hút các chuyên gia có trình độ cao tham gia nghiên cứu, phát triển những lĩnh vực, ngành của tỉnh có vai trò đột phá; chính sách riêng đối với trí thức tình nguyện về công tác tại các huyện miền núi, các huyện, xã còn khó khăn, trí thức trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội chủ lực, thực hiện các mục tiêu đột phá trong phát triển của tỉnh; khắc phục tình trạng “chảy máu nguồn nhân lực” từ những địa bàn nông thôn, vùng núi, vùng khó khăn về các thị xã, thành phố; đồng thời tránh “chảy máu nhân lực” từ tỉnh ra các thành phố lớn hoặc đi nơi khác. Nâng mức hỗ trợ kinh phí cho trí thức là cán bộ, công chức, viên chức được lựa chọn cử đi đào tạo tiến sĩ; hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ được luân chuyển; xây dựng cơ chế tập hợp, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức là người Bắc Giang đang công tác ở ngoài tỉnh tham gia xây dựng quê hương.

Xây dựng các quy định, quy chế về tôn vinh trí thức. Tùy theo mức độ cống hiến, công lao, thành tựu đạt được trong công tác, trong nghiên cứu khoa học, trong giáo dục và đào tạo…mà có những hình thức tôn vinh, khen thưởng tương xứng. Các hình thức tôn vinh phải thể hiện được văn hóa coi trọng hiền tài, tránh tôn vinh một cách hình thức.

4. Nhóm giải pháp về điều kiện, môi trường làm việc

Bố trí sử dụng trí thức đúng với trình độ chuyên môn và năng lực của cán bộ. Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật tối đa nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp, như phòng làm việc, trang thiết bị, máy móc hiện đại, phương tiện đi lại, cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thư viện…

Tạo môi trường dân chủ, tự do sáng tạo cho đội ngũ trí thức: Tôn trọng trí thức, lắng nghe trí thức. Tạo điều kiện để trí thức trao đổi học thuật, tranh luận khoa học, phản biện xã hội. Trân trọng các ý kiến, các công trình nghiên cứu của trí thức; đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ trong công bố và sử dụng các kết quả nghiên cứu, phát minh. Tạo điều kiện để trí thức có thể trao đổi khoa học, giao lưu học hỏi ở trong và ngoài nước về những vấn đề chuyên môn mà mình quan tâm.

Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức làm việc và sinh hoạt như điều kiện đi lại, phương tiện làm việc, nhà công vụ… nhất là trí thức công tác nơi vùng sâu, vùng xa.

5. Nhóm giải pháp về nguồn lực thực hiện

Tranh thủ mọi nguồn lực để thực hiện, trong đó chú trọng thực hiện lồng ghép việc xây dựng đội ngũ trí thức gắn với thực hiện các chương trình về giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn hóa, thể thao và du lịch, vv… Phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tăng cường hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương để kêu gọi, tranh thủ đầu tư, vận động viện trợ từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) và nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, dịch vụ tư vấn, thông tin khoa học.

Thực hiện xã hội hoá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên môn và trình độ ngoại ngữ, theo phương thức nhà nước và người đi học cùng đầu tư, tùy theo ngành nghề mà có sự ưu tiên khác nhau.

V. DANH MỤC CÁC ĐỀ ÁN TRỌNG TÂM THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC GIAI ĐOẠN 2015-2030

1. Đề án quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng nhân lực trình độ cao của tỉnh

Mục tiêu

- Xây dựng Quy hoạch nhân lực trình độ cao, lựa chọn những trí thức trẻ, có năng lực chuyên môn, tâm huyết với công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, để đưa vào Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chuyên môn.

- Xây dựng được một lực lượng trí thức chủ chốt, các nhóm chuyên gia và tập thể khoa học có trình độ chuyên môn cao, phân bố đồng đều ở các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh.

Nội dung

- Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có trình độ thạc sĩ; ưu tiên tuyển dụng đối với người có học vị tiến sĩ vào làm việc tại các cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành thế mạnh cần ưu tiên của tỉnh.

- Xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực trình độ cao cho các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ thạc sĩ và tiến sĩ cho đội ngũ trí thức đang công tác tại tỉnh.

- Xây dựng Kế hoạch đào tạo ngoại ngữ chất lượng cao (có giáo viên nước ngoài) tại tỉnh, để đào tạo đội ngũ trong Quy hoạch.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học Thạc sĩ ở nước ngoài và Tiến sĩ trong và ngoài nước.

- Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ trong việc phát hiện, tiến cử, bố trí, sử dụng những trí thức có năng lực thực sự trong thực tiễn và nhân lực trình độ cao.

Cơ quan chủ trì

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.

2. Đề án đổi mới hoạt động của các tổ chức tập hợp trí thức; thu hút, phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức ở ngoài tỉnh và ở nước ngoài tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương

 Mục tiêu

- Củng cố, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tập hợp trí thức. Chuyển một số nội dung của các cơ quan nhà nước liên quan đến nhiệm vụ của các hội khoa học - kỹ thuật, hội nghề nghiệp thực hiện, góp phần tinh giản biên chế, bộ máy của cơ quan nhà nước.

- Tập hợp, vận động trí thức người Bắc Giang ở ngoài tỉnh, ở ngoài nước; trí thức không phải là người Bắc Giang nhưng có tâm huyết muốn đóng góp xây dựng tỉnh Bắc Giang; thu hút những chuyên gia đầu ngành đang công tác, sinh sống trong và ngoài nước đầu tư, tham gia các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Thu hút chuyên gia giỏi, đầu ngành về tỉnh tham gia nghiên cứu, phát triển những lĩnh vực, ngành có vai trò đột phá.

Nội dung

- Xây dựng danh mục các nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thể giao cho các hội trí thức thực hiện như: Phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật; tuyên truyền, giáo dục pháp luật; tập huấn, bồi dưỡng, dạy nghề; đào tạo cán bộ hợp tác, tổ hợp tác; giám sát và giám định xã hội...

- Xây dựng cơ chế, chính sách cho hội trí thức, hội nghề nghiệp thực hiện các dịch vụ công, tham gia cấp chứng chỉ hành nghề, giám sát hoạt động nghề nghiệp, từng bước tự trang trải về kinh phí, giảm gánh nặng cho ngân sách của tỉnh.

- Xây dựng cơ chế quản lý về tổ chức đối với hội trí thức, hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với chuyên gia có trình độ cao đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, tỉnh ngoài về tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; cơ chế phối hợp để các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao ở Trung ương thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về địa phương thông qua các hình thức như:

+ Hợp đồng thuê chuyên gia đầu ngành tham gia nhiệm vụ phát triển ngành, lĩnh vực có vai trò đột phá.

+ Liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học triển khai nghiên cứu, ứng dụng các dự án, đề tài khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống.

+ Phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học, đề xuất giải pháp giải quyết những vấn đề đặt ra ở tỉnh.

Cơ quan chủ trì

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Đề án nâng cấp, xây dựng một số trung tâm nghiên cứu tạo môi trường để trí thức làm việc

Mục tiêu

Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị và nguồn nhân lực trình độ cao cho một số trung tâm phục vụ phát triển một số ngành kinh tế chủ lực của tỉnh; xây dựng các trung tâm này thành đầu mối chủ lực trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và hợp tác chuyển giao khoa học và công nghệ; là đầu mối để thực hiện hợp tác nghiên cứu với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học; tạo điều kiện để trí thức có môi trường làm việc, nghiên cứu sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nội dung

Đầu tư nguồn lực để xây dựng, nâng cấp một số trung tâm của tỉnh trở thành các trung tâm hiện đại so với các tỉnh trong khu vực, có đầy đủ hệ thống các phòng thí nghiệm, các cơ sở thực nghiệm, cơ sở sản xuất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, triển khai và ứng dụng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực như: nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản; ứng dụng công nghệ thông tin và sản xuất phần mềm; công nghiệp phụ trợ.

- Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Đưa Trung tâm này thành đầu mối chủ lực trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và hợp tác chuyển giao khoa học và công nghệ của tỉnh.

- Thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin.

- Đầu tư, nâng cấp các Trung tâm giống thuỷ sản cấp I, Trung tâm giống cây ăn quả - cây lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT thành Trung tâm đầu mối cung cấp cây, con có chất lượng cho tỉnh và khu vực.

Cơ quan chủ trì

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng các đề án xây dựng, nâng cấp các trung tâm thuộc lĩnh vực ngành phụ trách trình UBND tỉnh.

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030, UBND tỉnh phân công cho các ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện như sau:

1. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh

- Là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược. Giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc và tham mưu giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong thực hiện Chiến lược.

- Tổ chức tập hợp trí thức tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, quy hoạch của tỉnh; tham gia hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vận động trí thức người Bắc Giang ở ngoài tỉnh, ở ngoài nước; chuyên gia đầu ngành đang công tác, sinh sống trong và ngoài nước đầu tư, tham gia các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Định kỳ đánh giá việc tổ chức thực hiện; đề xuất, bổ sung các giải pháp, biện pháp mới, cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược.

2. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chính sách về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng đội ngũ trí thức; chính sách thu hút chuyên gia, chính sách phát hiện và sử dụng nhân tài; xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức.

- Chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tham mưu, đề xuất cơ chế quản lý về tổ chức đối với hội trí thức, hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn kinh phí thực hiện Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh các chính sách về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức.

4. Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan trong Chiến lược; chỉ đạo phát triển đội ngũ trí thức của sở, ban, ngành theo định hướng của Chiến lược.

- Các sở được giao chủ trì các Đề án trọng tâm chủ động tham mưu Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện, phối hợp với Sở Tài chính để bố trí và quản lý nguồn kinh phí thực hiện các Đề án.

5. UBND các huyện, thành phố

Các huyện, thành phố xây dựng các kế hoạch, lộ trình xây dựng đội ngũ trí thức về số lượng, chất lượng, cơ cấu cho từng giai đoạn 5 năm và có kế hoạch cụ thể của từng năm, bắt đầu từ năm 2015 đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của huyện mình theo quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược.

 

BIỂU 1: TỔNG HỢP VỀ THỰC TRẠNG VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2030

(Tính trong công chức, viên chức đến 31/3/2014)

TT

Lĩnh vực

Thực trạng

Mục tiêu phát triển

Ghi chú

Tổng số CCVC

Tiến sĩ

Thạc sĩ

Đại học

Cao đẳng

Tổng trí thức

Đến 2020

Đến 2030

Tiến sĩ

Thạc sĩ

Đại học

Tiến sĩ

Thạc sĩ

Đại học

1

Khối đảng, đoàn thể

1.059

2

166

839

22

1.029

3

211

845

8

317

734

 

2

Lĩnh vực Nông-lâm-TS

1.243

2

116

841

61

1.020

4

186

870

10

249

932

 

3

Lĩnh vực công thương

257

0

10

206

4

220

1

18

218

3

26

226

 

4

Lĩnh vực VH-TTDL

725

0

20

406

42

468

1

36

471

5

73

580

 

5

Lĩnh vực Thông tin-TT

276

0

18

180

23

221

1

55

193

4

77

235

 

6

Lĩnh vực y tế

5.310

1

79

1.362

249

1.691

2

266

2.602

9

531

3.186

 

7

Lĩnh vực giáo dục

27.589

2

639

13.872

8.746

23.259

3

828

15.174

9

1.379

17.933

 

8

Lĩnh vực văn học, NT

159

0

7

80

22

109

1

16

143

2

32

127

 

9

Lĩnh vực tài nguyên, MT

867

0

46

549

132

727

1

87

607

4

130

694

 

10

Lĩnh vực khác

5.158

2

174

726

1.346

2.248

0

406

1.185

5

799

1.799

 

 

Tổng số

42.643

9

1.275

19.061

10.647

30.992

18

2.108

22.309

60

3.613

26.445

 



[1] Theo Luật giáo dục đại học: trình độ đào tạo của giáo dục đại học gồm trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

[2] Định nghĩa của Bộ Thương mại và công nghiệp Anh năm 1998. Theo Dale Neef: "Nền kinh tế tri thức" (1998), Nxb Thống kê, H.,2000, tr.123.

[3] Nguồn: Báo cáo rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

[4] Không tính số Tiến sĩ tại Đại học Nông Lâm và cơ quan thuộc ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn.

[5] Cán bộ lãnh đạo, quản lý gồm những người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương cấp huyện trở lên; bí thư, phó bí thư, thường trực cấp ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND xã, phường, thị trấn.

[6] Niên giám thống kê tỉnh Bắc Giang năm 2013

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 62/QĐ-UBND ngày 06/02/2015 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.585

DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.172.68
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!