BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------
|
Số:
49/2008/QĐ-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG PHỔ THÔNG
DÂN TỘC NỘI TRÚ
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số
178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 07/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học
phồ thông và trường phố thông có nhiều cấp học;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và
hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng
Công báo và thay thế Quyết định số 2590/GD&ĐT ngày 24 tháng 8 năm 1997 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động của
trường phổ thông dân tộc nội trú.
Điều 3.
Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Thủ
trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các bộ có
trường phổ thông dân tộc nội trú, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Hiệu trưởng trường phổ thông
dân tộc nội trú chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
- Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội;
- Ủy ban Dân tộc Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán Nhà nước;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GD&ĐT;
- Như Điều 3;
- Lưu VT, Vụ GDTrH, Vụ PC.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Vinh Hiển
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 49/2008/QĐ-BGDĐT ngày 25 tháng 8 năm 2008
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về tổ chức
và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú (sau đây viết tắt là PTDTNT)
bao gồm: tổ chức và quản lý trường; công tác tuyển sinh; tổ chức các hoạt động
giáo dục trong trường; nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng, giáo viên, nhân
viên và học sinh.
2. Quy chế này áp dụng cho các
trường PTDTNT, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động trong các trường PTDTNT.
3. Trường PTDTNT được tổ chức và
hoạt động theo quy định của Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ
thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi chung là Điều lệ trường
trung học) và các quy định tại Quy chế này.
Điều 2. Mục
tiêu, vai trò và tính chất của trường phổ thông dân tộc nội trú
1. Nhà nước thành lập trường
PTDTNT cho con em các dân tộc thiểu số, con em các dân tộc định cư lâu dài tại
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm góp phần tạo nguồn
đào tạo cán bộ cho các vùng này.
2.Trường PTDTNT có vai trò quan
trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc
phòng ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
3. Trường PTDTNT là loại trường
chuyên biệt mang tính chất phổ thông, dân tộc và nội trú.
Điều 3.
Chính sách ưu tiên đối với trường phổ thông dân tộc nội trú
1. Trường PTDTNT được ưu tiên đầu
tư cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách, lựa chọn bố trí cán bộ, giáo viên,
nhân viên để đảm bảo việc nuôi, dạy học sinh.
2. Cán bộ quản lý, giáo viên,
nhân viên và học sinh của trường được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của
Nhà nước.
Điều 4. Nhiệm
vụ của trường phổ thông dân tộc nội trú
Trường PTDTNT thực hiện các nhiệm
vụ quy định tại Điều lệ trường trung học và các nhiệm vụ sau đây:
1. Tuyển sinh đúng đối tượng
theo chỉ tiêu kế hoạch được giao hằng năm.
2. Giáo dục học sinh về truyền
thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa của các dân tộc
thiểu số và đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
3. Giáo dục lao động và hướng
nghiệp, giúp học sinh định hướng nghề phù hợp với khả năng của bản thân và yêu
cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giáo dục học sinh ý thức phục vụ
quê hương sau khi tốt nghiệp.
4. Tổ chức đời sống vật chất,
tinh thần cho học sinh PTDTNT.
5. Có kế hoạch theo dõi số học
sinh đã tốt nghiệp nhằm đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục.
Điều 5. Hệ
thống trường phổ thông dân tộc nội trú
1. Hệ thống trường PTDTNT bao gồm:
a) Trường PTDTNT cấp huyện đào tạo
cấp trung học cơ sở (THCS) được thành lập tại các huyện miền núi, hải đảo, vùng
dân tộc;
b) Trường PTDTNT cấp tỉnh đào tạo
cấp trung học phổ thông (THPT) được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương.
2. Trong trường hợp cần thiết, để
tạo nguồn cán bộ là con em các dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế -
xã hội đặc biệt khó khăn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể giao cho trường
PTDTNT cấp huyện đào tạo cả cấp THPT; bộ chủ quản có thể giao cho trường PTDTNT
trực thuộc bộ đào tạo dự bị đại học và cấp THCS.
3. Trường PTDTNT trực thuộc bộ
(được thành lập trước khi ban hành Quyết định này) tổ chức và hoạt động theo
quy định của bộ chủ quản.
Điều 6. Tên
trường
1. Việc đặt tên trường PTDTNT thực
hiện theo quy định sau:
a) Đối với trường cấp huyện: trường
PTDTNT + cấp học + tên riêng (nếu có) + tên đơn vị hành chính cấp huyện;
b) Đối với trường cấp tỉnh: trường
PTDTNT + cấp học + tên riêng (nếu có) + tên đơn vị hành chính cấp tỉnh;
2. Tên trường được ghi trong quyết
định thành lập, con dấu, biển hiệu và các giấy tờ giao dịch.
Điều 7. Cơ sở
vật chất và thiết bị của trường phổ thông dân tộc nội trú
Trường PTDTNT được đầu tư cơ sở
vật chất, trang thiết bị như các trường THCS, THPT theo quy định đối với trường
chuẩn quốc gia, ngoài ra còn được đầu tư:
1. Khu nhà ở nội trú, nhà ăn cho
học sinh
2. Nhà công vụ cho giáo viên
3. Nhà sinh hoạt, giáo dục văn
hóa dân tộc với các trang thiết bị kèm theo.
4. Phòng học và trang thiết bị
giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông
Chương 2.
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ NHÀ
TRƯỜNG
Điều 8. Điều
kiện thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú
Trường PTDTNT được xem xét để
quyết định thành lập khi có đủ điều kiện quy định tại Điều lệ trường trung học
và các điều kiện sau đây:
1. Có nguồn tuyển sinh ổn định để
thực hiện quy hoạch đào tạo cán bộ của địa phương, của ngành.
2. Có kế hoạch và nguồn đầu tư
cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết, đảm bảo hoạt động giáo dục phù hợp với mục
tiêu đào tạo, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 9. Thẩm
quyền quyết định thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể
trường phổ thông dân tộc nội trú.
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
quyết định thành lập trường PTDTNT cấp tỉnh và trường PTDTNT cấp huyện sau khi
có sự thỏa thuận bằng văn bản với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Cấp có thẩm quyền thành lập
thì có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường
PTDTNT.
Điều 10. Hồ
sơ, trình tự, thủ tục thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú
1. Hồ sơ thành lập trường PTDTNT
bao gồm các văn bản theo Quy định tại Điều lệ trường trung học và ý kiến bằng văn
bản của các cơ quan có liên quan.
2. Trình tự, thủ tục thành lập
trường:
a) Đối với trường PTDTNT cấp huyện:
phòng giáo dục và đào tạo chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan ở cấp
huyện thẩm định các nội dung quy định tại Điều 8 của Quy chế này và lập hồ sơ
theo quy định tại khoản 1 của Điều này để đề nghị UBND cấp huyện trình UBND cấp
tỉnh ra quyết định thành lập;
b) Đối với trường PTDTNT cấp tỉnh
và trường PTDTNT cấp huyện có đào tạo cấp THPT: sở giáo dục và đào tạo chủ trì
phối hợp với UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan ở cấp tỉnh thẩm định
các nội dung quy định tại Điều 8 của Quy chế này và lập hồ sơ theo quy định tại
khoản 1 của Điều này để đề nghị UBND tỉnh ra quyết định thành lập.
3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đình
chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường PTDTNT theo quy định tại
khoản 1, khoản 2 Điều 10 của Quy chế này và quy định của Điều lệ trường trung học.
Điều 11.
Quy mô, số lượng trường phổ thông dân tộc nội trú
1. Quy mô của trường PTDTNT được
xác định căn cứ vào quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, nhu cầu tạo nguồn đào tạo
cán bộ, khả năng đầu tư ngân sách Nhà nước, cơ sở vật chất của trường. Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh quyết định quy mô, số lượng trường và số lượng học sinh của
trường PTDTNT.
2. Mỗi lớp học của trường PTDTNT
có không quá 35 học sinh.
Điều 12. Cơ
cấu tổ chức của trường phổ thông dân tộc nội trú
Ngoài các tổ chức theo quy định
của Điều lệ trường trung học, trường PTDTNT cấp tỉnh được thành lập thêm tổ
Giáo vụ và Quản lý học sinh, tổ Quản trị và Đời sống; trường PTDTNT cấp huyện
được thành lập thêm tổ Quản lý nội trú để phục vụ cho các hoạt động giáo dục của
trường.
Điều 13.
Phân cấp quản lý
1. Trường PTDTNT cấp huyện do
phòng giáo dục và đào tạo quản lý.
2. Trường PTDTNT cấp tỉnh và trường
PTDTNT cấp huyện có mở cấp THPT do sở giáo dục và đào tạo quản lý.
3. Trường PTDTNT trực thuộc bộ
do bộ chủ quản quản lý.
Chương 3.
TUYỂN SINH
Điều 14.
Tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh và phân luồng đào tạo
1. Trường PTDTNT thực hiện việc
tuyển sinh theo quy định của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT do Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và quy định tại Quy chế này.
2. Kế hoạch tuyển sinh của trường
PTDTNT cấp huyện và cấp tỉnh, do sở giáo dục và đào tạo trình Ủy ban nhân dân tỉnh
quyết định trên cơ sở quy hoạch đào tạo cán bộ của địa phương.
3. Chỉ tiêu, kế hoạch tuyển sinh
của trường PTDTNT trực thuộc bộ, do bộ chủ quản quyết định.
4. Căn cứ quy hoạch đào tạo và sử
dụng cán bộ của địa phương, trường có kế hoạch hướng nghiệp và phân luồng học
sinh trong quá trình đào tạo.
Điều 15. Đối
tượng tuyển sinh
1. Thanh niên, thiếu niên là con
em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều
kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Thanh niên, thiếu niên là con
em dân tộc thiểu số ở các vùng khác nếu được UBND cấp tỉnh quy định là vùng có
nhu cầu tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thì cũng thuộc diện tuyển sinh vào học
trường PTDTNT. Tỷ lệ tuyển số học sinh này do UBND tỉnh quy định.
3. Trường PTDTNT được phép tuyển
sinh không quá 5% trong tổng số học sinh được tuyển là con em dân tộc Kinh định
cư lâu dài ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Điều 16. Điều
kiện và hồ sơ dự tuyển
1. Điều kiện dự tuyển:
a) Có đủ sức khỏe để học tập và
công tác lâu dài;
b) Trong độ tuổi quy định và có
hồ sơ hợp lệ.
2. Ngoài hồ sơ theo quy định hiện
hành của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, học sinh dự tuyển còn phải
có các giấy tờ sau:
a) Đơn xin học có xác nhận của Ủy
ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã);
b) Lý lịch do Ủy ban nhân dân cấp
xã xác nhận;
c) Phiếu khám sức khỏe do bệnh
viện cấp huyện trở lên cấp.
3. Ngoài các quy định trên, trường
PTDTNT trực thuộc bộ thì bộ có thể quy định thêm các loại hồ sơ cần thiết phục
vụ cho công tác tuyển sinh.
Chương 4.
TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC
TRONG TRƯỜNG
Điều 17. Thực
hiện kế hoạch giáo dục
1. Trường PTDTNT thực hiện kế hoạch
giáo dục theo mục tiêu, chương trình của các cấp học phổ thông tương ứng, có bổ
sung kiến thức về lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số và địa
phương.
2. Trường PTDTNT trực thuộc bộ
thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của bộ chủ quản trên cơ sở đảm bảo
thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.
3. Trường PTDTNT dạy học 2 buổi
mỗi ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 18. Hoạt
động giáo dục hướng nghiệp và giáo dục nghề phổ thông
1. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp
và hoạt động giáo dục nghề phổ thông của trường PTDTNT bao gồm:
a) Giáo dục hướng nghiệp, giáo dục
nghề phổ thông;
b) Dạy nghề ngắn hạn, nghề truyền
thống phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội góp phần đào tạo cán bộ ở
địa phương.
2. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp
và hoạt động giáo dục nghề phổ thông của trường trực thuộc bộ thực hiện theo
quy định tại khoản 1 của Điều này và quy định của bộ chủ quản.
Điều 19. Hoạt
động lao động, văn hóa, thể thao và tổ chức đời sống nội trú
1. Hoạt động lao động, văn hóa,
thể thao bao gồm: lao động công ích; sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao, các
hoạt động theo chủ đề, chủ điểm, tham quan du lịch, lễ hội, tết dân tộc, giao
lưu văn hóa và các hoạt động xã hội khác nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn
hóa của dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, góp phần phát triển và hoàn thiện
nhân cách học sinh.
2. Hoạt động nuôi dưỡng bao gồm:
tổ chức bếp ăn tập thể đảm bảo dinh dưỡng theo đúng chế độ, đảm bảo an toàn vệ
sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe học sinh. Hoạt động nuôi dưỡng được thực hiện
công khai dân chủ, tôn trọng phong tục tập quán tiến bộ của các dân tộc.
3. Tổ chức và quản lý hoạt động
nội trú:
a) Tổ chức việc giữ gìn vệ sinh
trong trường và bảo vệ môi trường;
b) Tổ chức tốt hoạt động tự học
sau giờ lên lớp, lao động cải thiện điều kiện sống; giáo dục học sinh tương trợ,
giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, xây dựng nếp sống văn minh cho học sinh.
Chương 5.
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA
HIỆU TRƯỞNG; NHIỆM VỤ, QUYỀN CỦA GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN VÀ HỌC SINH
Điều 20.
Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng
1. Nắm vững quan điểm, chính
sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
2. Biết sử dụng ít nhất một thứ tiếng
dân tộc thiểu số ở địa phương trong giao tiếp.
3. Giáo dục cán bộ, giáo viên,
nhân viên, học sinh ý thức tôn trọng, bảo vệ quyền bình đẳng giữa các dân tộc,
tôn trọng phong tục, tập quán văn hóa của các dân tộc thiểu số.
4. Được hưởng các chính sách ưu
đãi theo quy định của Nhà nước.
Điều 21.
Nhiệm vụ và quyền của giáo viên
1. Biết sử dụng ít nhất một thứ
tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương để giao tiếp với cộng đồng, tích cực tìm hiểu
tình hình kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số nơi đang công tác.
2. Tôn trọng và bảo vệ quyền
bình đẳng giữa các dân tộc, thương yêu học sinh, nắm được đặc điểm tâm sinh lý
lứa tuổi, đặc điểm văn hóa dân tộc của học sinh người dân tộc thiểu số.
3. Tham gia quản lý học sinh
ngoài giờ lên lớp, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, tổ chức
lao động và vui chơi giải trí.
4. Được hưởng các chính sách ưu
đãi theo quy định của Nhà nước.
Điều 22.
Nhiệm vụ và quyền của nhân viên
1. Chấp hành các quy định của
nhà trường, thực hiện tốt việc phục vụ đời sống và hoạt động giáo dục, hiểu tâm
sinh lý lứa tuổi của học sinh.
2. Biết sử dụng ít nhất một thứ
tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương để giao tiếp với học sinh.
3. Có thái độ tôn trọng, thương
yêu học sinh.
4. Được bồi dưỡng về chuyên môn,
nghiệp vụ và phương pháp giáo dục, phương pháp chăm sóc học sinh dân tộc.
5. Được hưởng các chính sách ưu
đãi theo quy định của Nhà nước.
Điều 23.
Nhiệm vụ và quyền của học sinh
1. Chấp hành nội quy của nhà trường,
có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và chấp hành nghiêm túc sự phân công
đi học các ngành nghề theo nhu cầu đào tạo của địa phương.
2. Được hưởng các chế độ ưu tiên
theo quy định.
3. Học sinh tốt nghiệp THCS,
THPT ở trường PTDTNT được ưu tiên xét đi đào tạo tiếp theo chế độ cử tuyển.
Chương 6.
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 24.
Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích
trong việc thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT được khen
thưởng theo quy định của Nhà nước.
Điều 25. Xử
lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định
của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT bị xử lý theo quy định của
pháp luật.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Vinh Hiển
|