ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
45/2023/QĐ-UBND
|
Bình Dương, ngày
08 tháng 12 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BÌNH DƯƠNG BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 54/2012/QĐ-UBND NGÀY 14 THÁNG 12 NĂM
2012 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 01 tháng 7 năm 2020;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16
tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy định về dạy
thêm, học thêm;
Căn cứ Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng
8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
tại Tờ trình số 2793/TTr-SGDĐT ngày 04 tháng 11 năm 2023,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Bãi bỏ một số điều của Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa
bàn tỉnh Bình Dương ban hành kèm theo Quyết định số 54/2012/QĐ-UBND ngày 14
tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:
Bãi bỏ Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều
12, Điều 13, Điều 19.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về dạy thêm, học
thêm trên địa bàn tỉnh Bình Dương ban hành kèm theo Quyết định số
54/2012/QĐ-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như
sau:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều
1 như sau:
“1. Văn bản này quy định về dạy thêm, học thêm có
thu tiền, bao gồm: Việc thu, quản lý và sử dụng tiền dạy thêm, học thêm; trách
nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; công tác thanh tra, kiểm tra và xử
lý vi phạm về hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Bình Dương.”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như
sau:
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Dạy thêm, học thêm trong quy định này là hoạt động
dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo
dục chính khóa nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục chính
khóa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm,
học thêm do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm
Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và
Bồi dưỡng nghiệp vụ tỉnh, trung tâm học tập cộng đồng; sau đây gọi chung là nhà
trường) tổ chức.”
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như
sau:
“Điều 3. Nguyên tắc dạy thêm, học thêm
1. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng
cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc
điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
2. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo
dục chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung
trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
3. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học
thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình
thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
4. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp
học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương
đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học
lực của học sinh.
5. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học
thêm trong nhà trường phải chịu trách nhiệm về các nội dung xin phép tổ chức hoạt
động dạy thêm, học thêm.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như
sau:
“Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường
tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ
các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương
của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà
trường.”
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều
5 như sau:
“1. Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn
xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi
chung là cha mẹ học sinh) có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với
nhà trường về việc học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết.”
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như
sau:
“Điều 7. Mức thu, chi và quản lý tiền học thêm
trong nhà trường
1. Mức thu tiền học thêm trong nhà trường: thực hiện
theo hướng dẫn của Sở GDĐT, phòng GDĐT theo phân cấp quản lý; được thỏa thuận bằng
văn bản giữa cha mẹ học sinh và nhà trường; đảm bảo phù hợp với điều kiện thực
tế ở địa phương.
2. Mức chi tiền học thêm trong nhà trường
a) Thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy không
ít hơn 80% tổng tiền thu.
b) Trả tiền điện, nước, vệ sinh, sửa chữa cơ sở vật
chất của nhà trường phục vụ dạy thêm, học thêm và công tác quản lý dạy thêm, học
thêm của nhà trường không nhiều hơn 20% tổng tiền thu.
3. Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh,
quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận kế toán của nhà trường; giáo viên dạy
thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm; đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi
và các quy định tài chính hiện hành.
4. Các tổ chức, cá nhân dạy thêm có nghĩa vụ nộp
thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.”
7. Sửa đổi tên gọi của Chương
IV như sau:
Chương IV
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY THÊM, HỌC THÊM
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như
sau:
“Điều 15. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa
phương, đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định
này; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm,
học thêm trên địa bàn tỉnh theo quy định.
2. Phê duyệt kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm
trong nhà trường đối với các đơn vị tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc
chương trình cấp trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có
chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông.
3. Tổ chức hoặc phối hợp với các sở, ban, ngành
liên quan tổ chức phổ biến, thanh tra, kiểm tra về nội dung dạy thêm, học thêm;
phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền
xử lý vi phạm.
4. Tổng hợp kết quả thực hiện quản lý dạy thêm, học
thêm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi kết thúc năm học
hoặc theo yêu cầu đột xuất.”
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như
sau:
“Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp
huyện
1. Quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa
bàn theo quy định.
2. Chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy
thêm, học thêm trên địa bàn để phát hiện các sai phạm, kịp thời xử lý hoặc kiến
nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
3. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với
Ủy ban nhân dân tỉnh.”
10. Sửa đổi, bổ sung Điều 17
như sau:
“Điều 17. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào
tạo
1. Phê duyệt kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học
thêm trong nhà trường trên địa bàn quản lý đối với các trường hợp tổ chức dạy
thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình cấp trung học cơ sở và các chương
trình bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống đối với
cấp tiểu học.
2. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện
về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
3. Phổ biến, chỉ đạo các trường, tổ chức và cá nhân
liên quan thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm.
4. Tổ chức hoặc phối hợp với các ngành liên quan tổ
chức thanh tra, kiểm tra nội dung dạy thêm, học thêm; phát hiện và xử lý vi phạm
theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
5. Tổng hợp kết quả thực hiện dạy thêm, học thêm
báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo khi kết thúc năm học
hoặc báo cáo theo yêu cầu đột xuất.”
11. Sửa đổi, bổ sung Điều 18
như sau:
“Điều 18. Trách nhiệm của Hiệu trưởng, Thủ trưởng
các cơ sở giáo dục
1. Lập kế hoạch tổ chức hoạt động dạy thêm, học
thêm trong nhà trường và gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tổ chức
hoạt động dạy thêm, học thêm.
2. Phổ biến, quán triệt các văn bản có liên quan về
dạy thêm, học thêm đến viên chức đơn vị mình. Thực hiện nghiêm quy định về dạy
thêm, học thêm; kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các
trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
3. Chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học
thêm, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí dạy thêm, học thêm
trong nhà trường.
4. Báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục
và Đào tạo (theo phân cấp quản lý) kết quả thực hiện dạy thêm, học thêm khi kết
thúc năm học hoặc theo yêu cầu đột xuất.”
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 20
như sau:
“Điều 20. Thanh tra, kiểm tra
Hoạt động dạy thêm, học thêm chịu sự thanh tra, kiểm
tra của cơ quan quản lý giáo dục, các cơ quan thanh tra Nhà nước, thanh tra
chuyên ngành có liên quan, chính quyền các cấp.”
13. Sửa đổi khoản 2 Điều 21 như
sau:
“2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; công
chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì
bị xử lý kỷ luật theo quy định.”
14. Sửa đổi, bổ sung Điều 22
như sau:
“Điều 22. Tổ chức thực hiện
1. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các
sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc
thực hiện Quy định này và các quy định có liên quan; chịu trách nhiệm trước Ủy
ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh
theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc,
vượt quá thẩm quyền, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, quyết định.
2. Các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với Sở
Giáo dục và Đào tạo tham gia quản lý, thanh tra, xử lý các vi phạm về dạy thêm,
học thêm.”
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục
và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ
ngày ký./.
Nơi nhận:
- Bộ GDĐT;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy; TT.HĐND tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Như Điều 3;
- CSDLQG về PL (Sở Tư pháp);
- Trung tâm Công báo, Cổng TTĐT tỉnh;
- LĐVP, Dg, TH;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Lộc Hà
|