ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 374/QĐ-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày 22 tháng 3 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TUYỂN SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ TRUNG HỌC PHỔ
THÔNG NĂM HỌC 2019 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về
việc ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ
thông; Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục
và Đào tạo về việc sửa đổi bổ sung Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và Trung
học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Thông tư số
01/2016/TT-BGDĐT ngày 15/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú;
Căn cứ Văn bản hợp nhất số
20/VBHN-BGDĐT ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT
chuyên;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục
và Đào tạo tại Tờ trình số 350/TTr-SGDĐT ngày 11/3/2019 về việc phê duyệt kế hoạch
tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 năm học 2019 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh trung học cơ sở
(THCS) và trung học phổ thông (THPT) năm học 2019 - 2020, với các nội dung
chính như sau:
A. Nguyên tắc
tuyển sinh
Hằng năm, tổ chức một lần tuyển sinh
vào THCS và THPT; việc tuyển sinh bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan,
đúng Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; duy trì, củng cố
và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn.
B. Nội dung kế
hoạch
I. Tuyển sinh THCS
- Theo phương thức xét tuyển.
- Căn cứ vào hướng dẫn của Sở Giáo dục
và Đào tạo về công tác tuyển sinh và chỉ tiêu kế hoạch phát triển giáo dục năm
học 2019-2020 được cấp thẩm quyền giao cho đơn vị, Trưởng phòng Giáo dục và Đào
tạo căn cứ đặc điểm tình hình của địa phương lập kế hoạch
tuyển sinh, trình Chủ tịch UBND huyện, thành phố phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh
và hướng dẫn công tác tuyển sinh trên địa bàn.
- Căn cứ vào hướng dẫn tuyển sinh của
phòng Giáo dục và Đào tạo, trường THCS tổ chức phát hành và thu nhận hồ sơ từ
các trường tiểu học trên địa bàn; lập danh sách học sinh
đã hoàn thành chương trình tiểu học, tiến hành xét tuyển; tránh tình trạng học
sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học nhưng không được vào học lớp 6 trên
cùng một địa bàn xã, phường, thị trấn.
- Trường hợp cơ sở giáo dục có số học
sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì thực hiện theo khoản 2 Điều 4, Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT ngày
28/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi bổ sung Quy chế
tuyển sinh THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày
18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hoàn thành công tác tuyển sinh và báo
cáo kết quả cho UBND huyện, thành phố và Sở Giáo dục và
Đào tạo chậm nhất ngày 31/7/2018.
II. Tuyển sinh
THPT
Bao gồm tuyển sinh vào trường trung học
phổ thông (THPT) chuyên, THPT công lập, THPT tư thục và hệ giáo dục thường
xuyên (GDTX) cấp THPT.
1. Đối tượng tuyển sinh
Học sinh đã tốt nghiệp THCS hoặc tốt
nghiệp THCS hệ GDTX có đủ điều kiện dự tuyển theo Quy chế.
2. Chế độ tuyển thẳng, ưu tiên
a) Chế độ tuyển thẳng (không áp dụng
cho THPT chuyên)
Thực hiện theo điểm a, b, c, khoản 1,
Điều 7 của Quy chế tuyển sinh THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư số
11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào
tạo; khoản 3, Điều 1 của Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi bổ sung Quy chế tuyển
sinh THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Chế độ ưu tiên (không áp dụng cho
THPT chuyên)
b1) Cộng 3,0 điểm
cho một trong các đối tượng:
- Con liệt sĩ;
- Con thương binh mất sức lao động
81% trở lên;
- Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên;
- Con của người được cấp “Giấy chứng
nhận người hưởng chính sách như thương binh và người được cấp Giấy chứng nhận
người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”.
b2) Cộng 2,5 điểm cho một trong các đối
tượng:
- Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động;
- Con thương binh mất sức lao động dưới
81%;
- Con bệnh binh mất sức lao động dưới
81%;
- Con của người được cấp “Giấy chứng
nhận người hưởng chính sách như thương binh và người được cấp Giấy chứng nhận
người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81
%”.
b3) Cộng 2,0 điểm cho một trong các đối
tượng:
- Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc
thiểu số;
- Người dân tộc thiểu số;
- Người học đang sinh sống, học tập ở
các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Con đẻ của người hoạt động kháng
chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận
bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt,
học tập do hậu quả của chất độc hóa học.
Điểm cộng thêm tối đa cho các đối tượng
ưu tiên không quá 4,0 điểm đối với phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Đối với
học sinh thi tuyển vào trường THPT chuyên nếu không trúng tuyển thì được cộng
điểm ưu tiên khi tham gia xét tuyển theo nguyện vọng vào trường THPT không
chuyên.
3. Phương thức tuyển sinh
Tùy theo số lượng đăng ký dự thi,
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định lựa chọn các phương thức tuyển sinh
phù hợp, cụ thể như sau:
a) Xét tuyển
- Áp dụng cho học sinh đối với các
trường THPT công lập theo phương thức không thi tuyển, trường THPT tư thục,
trung tâm DN - GDTX và HN tỉnh, trung tâm GDNN - GDTX huyện đối với các đơn vị
được giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10.
- Căn cứ xét tuyển: Dựa vào kết quả học
tập và rèn luyện của 4 năm học cấp THCS để xét tuyển, được quy đổi điểm như
sau:
+ Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi: 10 điểm;
+ Hạnh kiểm khá, học lực giỏi hoặc hạnh
kiểm tốt, học lực khá: 9 điểm;
+ Hạnh kiểm khá, học lực khá: 8 điểm;
+ Hạnh kiểm trung bình, học lực giỏi
hoặc hạnh kiểm tốt, học lực trung bình: 7 điểm;
+ Hạnh kiểm khá, học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình,
học lực khá: 6 điểm;
+ Các trường hợp còn lại: 5 điểm.
- Điểm xét tuyển là tổng số điểm của
điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của 4 năm học cấp THCS và điểm cộng
thêm cho đối tượng ưu tiên (nếu có).
- Đối với các trường dạy và xếp loại
theo mô hình trường học mới (VNEN) thì cách quy đổi điểm như sau:
+ Đối với xếp loại học lực:
Năm học 2015 - 2016: lấy điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm để đánh giá, xếp
loại học lực học sinh theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ năm học 2016 - 2017: lấy điểm
trung bình môn cả năm để đánh giá, xếp loại học lực học sinh theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT
ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Trường hợp học sinh phải kiểm tra lại
cuối năm thì lấy điểm kiểm tra lại làm điểm trung bình môn cả năm để xếp loại.
+ Đối với xếp loại hạnh kiểm:
Năm học 2015 - 2016: học sinh có phẩm
chất đạt và năng lực đạt, xếp loại hạnh kiểm tốt. Học sinh
có phẩm chất đạt và năng lực còn hạn chế; hoặc phẩm chất cần
rèn luyện thêm và năng lực đạt: xếp loại hạnh kiểm khá. Những trường hợp còn lại sẽ xếp loại hạnh kiểm trung bình.
Từ năm học 2016 - 2017: học sinh có
phẩm chất tốt và năng lực tốt: xếp loại hạnh kiểm tốt. Học sinh có phẩm chất đạt
và năng lực đạt hoặc phẩm chất tốt và năng lực đạt hoặc phẩm chất đạt và năng lực
tốt: xếp loại hạnh kiểm khá. Những trường hợp còn lại sẽ xếp
loại hạnh kiểm trung bình.
b) Thi tuyển
- Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh thi 2 môn: Ngữ văn và Toán.
- Đối với Trường THPT chuyên Lê Khiết
tổ chức thi 4 môn: Ngữ văn, Toán, môn Tiếng Anh và môn chuyên.
- Đối với các trường THPT công lập
thi 3 môn: Ngữ văn, Toán và môn Tiếng Anh.
4. Tổ chức
kỳ thi tuyển sinh
a) Tổ chức một kỳ thi tuyển sinh vào
lớp 10 chung cho:
- Trường THPT chuyên Lê Khiết;
- Các trường THPT công lập tổ chức
thi tuyển;
- Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.
b) Thời gian làm bài, điểm xét tuyển,
nguyên tắc tuyển
- Trường THPT chuyên Lê Khiết
+ Thời gian làm bài của mỗi môn Ngữ
văn, Toán 120 phút; môn Tiếng Anh 90 phút. Các môn chuyên 150 phút.
+ Môn Tiếng Anh chuyên gồm 4 kỹ năng:
nghe, nói, đọc hiểu, viết.
+ Thí sinh dự thi vào lớp chuyên Tin
học thi môn Toán chuyên cùng đề với thí sinh dự thi vào lớp chuyên Toán.
+ Điểm xét tuyển vào lớp chuyên =
Điểm môn Ngữ văn + Toán + môn Tiếng Anh + môn chuyên x 2.
+ Điểm xét tuyển vào lớp không chuyên
= Điểm môn Ngữ văn + Toán + môn Tiếng Anh.
Thí sinh trúng tuyển có điểm xét tuyển
từ cao nhất cho đến khi đủ số lượng của lớp chuyên, lớp không chuyên; thi đủ 4
bài thi và các bài thi không chuyên điểm lớn hơn 2,0; điểm bài thi môn chuyên lớn
hơn 4,0.
- Trường THPT công lập tổ chức thi
tuyển
+ Thời gian làm bài mỗi môn Ngữ văn, Toán 120 phút, môn Tiếng Anh 90 phút.
+ Điểm xét tuyển = Điểm môn (Ngữ văn + Toán) x 2 + điểm môn Tiếng Anh + điểm ưu
tiên (nếu có).
Thí sinh trúng tuyển có điểm xét tuyển
từ cao nhất cho đến khi đủ chỉ tiêu được giao, thi đủ các bài thi và không có bài
thi nào bị điểm dưới 1,0.
- Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh
+ Thời gian làm bài mỗi môn Ngữ văn,
Toán 120 phút.
+ Điểm xét tuyển = Điểm môn (Ngữ văn
+ Toán) x 2 + điểm ưu tiên (nếu có).
Thí sinh trúng tuyển có điểm xét tuyển
từ cao nhất cho đến khi đủ chỉ tiêu được giao, thi đủ các bài thi và không có
bài thi nào bị điểm dưới 1,0.
5. Địa bàn tuyển sinh
a) Trường THPT Chuyên Lê Khiết tuyển
những học sinh đã tốt nghiệp THCS có hộ khẩu thường trú hoặc đã tốt nghiệp THCS
tại các trường THCS trong địa bàn tỉnh. Những trường hợp từ tỉnh ngoài chuyển về
phải được sự đồng ý của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
b) Trường THPT công lập tuyển học
sinh đã tốt nghiệp THCS, có hộ khẩu thường trú hoặc đã tốt nghiệp THCS tại các
trường THCS trên địa bàn huyện, thành phố nơi trường đóng.
Riêng một số xã, phường tại một số huyện và thành phố quy định về địa bàn như
sau:
- Học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc đã tốt nghiệp THCS tại Trường THCS Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành được dự tuyển vào một trong
các trường THPT thuộc huyện Nghĩa Hành hoặc một trong các trường THPT thuộc huyện
Mộ Đức.
- Học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc
đã tốt nghiệp THCS tại các trường THCS của các xã Phổ An, Phổ Phong, Phổ Thuận,
huyện Đức Phổ được dự tuyển vào Trường THPT Trần Quang Diệu hoặc dự tuyển vào một
trong các trường THPT thuộc huyện Đức Phổ.
- Học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc
đã tốt nghiệp THCS tại các trường THCS của các xã Nghĩa An, Nghĩa Hà, Nghĩa
Phú, Nghĩa Điền huyện Tư Nghĩa được dự tuyển vào các trường THPT trên địa bàn
huyện Tư Nghĩa hoặc dự tuyển vào một trong các trường THPT thuộc thành phố Quảng
Ngãi.
- Học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc đã tốt nghiệp THCS tại các trường
THCS ở các xã của huyện Sơn Tịnh được dự tuyển vào Trường
THPT Ba Gia, Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Mỹ, Võ Nguyên Giáp.
c) Các trường THPT tư thục, trung tâm
DN-GDTX và HN tỉnh, trung tâm GDNN-GDTX có giao chỉ tiêu tuyển vào lớp 10,
không giới hạn địa bàn tuyển sinh, nhưng phải tổ chức dạy học tại địa điểm của
trường, trung tâm.
Những trường hợp đặc biệt, trái với địa bàn quy định phải được sự đồng ý của Giám đốc
Sở Giáo dục và Đào tạo. Nếu vượt thẩm quyền Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo UBND
tỉnh xem xét, quyết định.
6. Địa bàn và đối tượng tuyển sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh
Thực hiện theo Điều 18, Thông tư số
01/2016/TT-BGDĐT ngày 15/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc
nội trú.
7. Đăng ký và nguyên tắc xét nguyện
vọng
a) Đăng ký nguyện vọng
- Đối với học sinh dự thi vào Trường
THPT Chuyên Lê Khiết: Được đăng ký tối đa 04 nguyện vọng:
vào lớp chuyên, lớp không chuyên trong trường chuyên và 02 nguyện vọng vào trường
THPT không chuyên theo địa bàn tuyển sinh quy định.
- Đối với học sinh dự thi vào các trường
THPT công lập tổ chức thi tuyển: Được đăng ký tối đa 02 nguyện vọng vào các trường
THPT trên địa bàn tuyển sinh theo quy định.
- Đối với học sinh dự thi vào Trường
THPT DTNT tỉnh: Được đăng ký vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, nếu không
trúng tuyển thì được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển vào trường THPT trên địa
bàn tuyển sinh theo quy định.
b) Nguyên tắc xét nguyện vọng
- Đối với học sinh dự thi vào Trường
THPT Chuyên Lê Khiết: xét tuyển nguyện vọng vào lớp chuyên trước, vào lớp không
chuyên sau, nếu không trúng tuyển vào trường chuyên thì được dùng kết quả điểm
xét tuyển để xét tuyển vào trường THPT trên địa bàn theo quy định.
- Đối với học sinh dự thi vào các trường
THPT công lập tổ chức thi tuyển: Thí sinh được xét tuyển
theo nguyện vọng 1 trước, nguyện vọng 2 sau. Nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1
thì không xét nguyện vọng 2.
- Điểm xét trúng tuyển nguyện vọng 2
phải cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 cùng trường ít nhất là 2,0 điểm.
- Đối với học sinh dự thi vào trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh: Sau khi xét tuyển nguyện vọng vào Trường, nếu không trúng tuyển thì được xét tuyển vào trường
THPT trên địa bàn theo quy định.
8. Thời gian tổ chức Kỳ thi tuyển
sinh
Căn cứ khung kế hoạch thời gian năm học
được phê duyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thời gian tổ chức Kỳ
thi tuyển sinh.
9. Phê duyệt kết quả tuyển sinh
Trên cơ sở chỉ tiêu được giao của các
trường, Hội đồng tuyển sinh xác định điểm chuẩn tuyển sinh cho các trường. Trên
cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
phê duyệt kết quả tuyển sinh của từng trường. Số học sinh trúng tuyển của từng
trường được phê duyệt dao động so với chỉ tiêu được giao phù hợp với điều kiện
kinh tế-xã hội của một số địa phương.
Thời gian hoàn thành công tác tuyển sinh,
báo cáo UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo trước 31/7/2019.
III. Kinh phí phục
vụ công tác tuyển sinh
Thực hiện theo dự toán được cấp có thẩm
quyền giao và các nguồn thu hợp pháp khác. Việc sử dụng và thanh quyết toán
kinh phí, giao Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối
hợp với các sở, ngành liên quan:
- Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch
được phê duyệt; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập các hội đồng
ra đề thi, hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi, hội đồng phúc khảo, thanh tra
thi theo Quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thanh
tra, kiểm tra công tác tuyển sinh của các huyện, thành phố và các trường; hướng
dẫn chi tiết các nội dung có liên quan đến kinh phí phục vụ
công tác tuyển sinh.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố
Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo lập
kế hoạch tuyển sinh; phê duyệt kế hoạch tuyển sinh theo quy định; chỉ đạo thanh
tra, kiểm tra việc tuyển sinh; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc
phối hợp tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn; đảm bảo trật tự, an toàn tại
các hội đồng coi thi (nếu có).
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục
và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Công an tỉnh;
- Các Sở: Tài chính, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ;
- Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi;
- Công ty Điện lực Quảng Ngãi;
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi;
- VPUB: PCVP(KGVX), CBTH;
- Lưu: VT, KGVXbthm87
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đặng Ngọc Dũng
|