ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 23/2012/QĐ-UBND
|
Gia Lai, ngày 29
tháng 10 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy định về dạy thêm, học
thêm;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh
Gia Lai tại Tờ trình số 1326/TTr-SGDĐT ngày 12/10/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này “Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.
Điều 2. Quyết định này thay
thế Quyết định số 99/2007/QĐ-UBND ngày 26/11/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về
ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Gia Lai và có hiệu
lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- TT.Tỉnh ủy (b/c);
- TT.HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Cục Kiểm ta văn bản - Bộ Tư pháp;
- Ban VHXH-HĐND tỉnh;
- Như điều 3;
- Sở Tư pháp;
- TT Tin học VP.UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, NC, VHXH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Măng Đung
|
QUY ĐỊNH
VỀ
DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
(Ban hành kèm Quyết định số: 23/2012/QĐ-UBND, ngày 29 tháng 10 năm 2012
của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định cụ thể một số điều về dạy thêm,
học thêm tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo (sau đây gọi tắt là Thông tư 17) bao gồm: Quy định cụ thể thẩm
quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; việc thu, quản lý và
sử dụng tiền học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; công
tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động dạy thêm, học thêm trên
địa bàn tỉnh Gia Lai.
2. Văn bản này áp dụng đối với người dạy thêm, người
học thêm và các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc có
liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Việc phụ
đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách
nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh, không coi là dạy thêm, học
thêm.
Những nội dung khác về hoạt động dạy thêm, học thêm
được áp dụng theo Quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư 17.
Điều 2. Quy định cụ thể các
trường hợp không được dạy thêm
1. Thực hiện nghiêm túc các quy định tại điều 4 của
Thông tư 17.
2. Đối với cấp tiểu học: Không được tổ chức dạy thêm
các môn văn hóa đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ
thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Việc bồi dưỡng về nghệ thuật,
thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống là hoạt động giáo dục có điều kiện
phải được tổ chức trong nhà trường hoặc do các tổ chức, cá nhân được cơ quan có
thẩm quyền quy định chức năng hoạt động trong lĩnh vực này tổ chức.
3. Công chức không được dạy thêm trong giờ hành chính.
Đối với viên chức không được dạy thêm ngoài nhà trường trong giờ hành chính
vượt quá 8 tiết/tuần (không tính thời gian nghỉ hè).
Điều 3. Số học sinh của mỗi
nhóm (lớp), thời lượng và thời gian dạy thêm, học thêm
1. Số học sinh của mỗi nhóm (lớp) học thêm không vượt
quá số học sinh/lớp được quy định tại Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường
trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp
học hiện hành.
2. Thời lượng và thời gian dạy thêm:
- Thời lượng dạy thêm cho mỗi môn học: Không quá 02
buổi/tuần/nhóm(lớp); riêng khối 12 không quá 03 buổi/tuần/nhóm(lớp). Mỗi buổi dạy
không quá 02 tiết học.
- Thời gian dạy thêm trong ngày: Buổi sáng từ 7h00 đến
11 h00; Buổi chiều từ 13h00 đến 17h00; Buổi tối từ 17h00 đến 21h00.
- Các nhà trường, tổ chức, cá nhân không được dạy thêm
vào các ngày nghỉ lễ do Nhà nước quy định.
Chương 2.
THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP
VÀ VIỆC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN HỌC THÊM
Điều 4. Thẩm quyền cấp giấy
phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
1. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép tổ
chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội
dung thuộc chương trình trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng
có chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông.
2. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép tổ
chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội
dung thuộc chương trình tiểu học theo khoản 2 điều 2 quy định này, trung học cơ
sở hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình
trung học cơ sở.
Điều 5. Thu, chi, quản lý và sử
dụng tiền học thêm, tiền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
trong nhà trường và ngoài nhà trường
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính
hướng dẫn liên ngành định mức thu, chi, quản lý và sử dụng tiền học thêm, tiền
cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài
nhà trường hàng năm.
Chương 3.
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT
ĐỘNG DẠY THÊM, HỌC THÊM
Điều 6. Trách nhiệm của sở Giáo
dục và Đào tạo
1. Là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, ban, ngành, địạ phương, đơn vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc
thực hiện quy định này và quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư 17; chịu
trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm
trên địa bàn theo quy định.
2. Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành
liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, thanh tra, kiểm tra về hoạt động dạy
thêm, học thêm; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ
quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
3. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở
cơ quan, hòm thư góp ý và điện thoại của bộ phận tiếp dân để tiếp nhận ý kiến phản
ánh của nhân dân về những vấn đề tiêu cực trong hoạt động dạy thêm, học thêm
trên địa bàn để kịp thời xử lý.
4. Tổng hợp kết quả thực hiện quản lý dạy thêm, học
thêm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo định kỳ hoặc đột
xuất.
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban
nhân dân cấp huyện
1. Quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa
bàn theo quy định.
2. Chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm,
học thêm trên địa bàn để phát hiện các sai phạm, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị
với cơ quan có thẩm quyền xử lý.
3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác
nhận vào hồ sơ xin cấp hoặc gia hạn giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học
thêm cho các tổ chức và cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại điều 8, điều
9, điều 10 của Thông tư 17.
4. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với
Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 8. Trách nhiệm của Phòng
Giáo dục và Đào tạo
1. Thực hiện việc quản Iý dạy thêm, học thêm trong nhà
trường và ngoài nhà trường của tổ chức, cá nhân theo quy định. Chịu trách nhiệm
trước Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo về quản lý dạy thêm,
học thêm trên địa bàn.
2. Tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo các trường, các tổ
chức và cá nhân liên quan thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm.
3. Tổ chức hoặc phối hợp với các ban ngành liên quan
tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; phát hiện và xử lý vi
phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
4. Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở
cơ quan, hòm thư góp ý và điện thoại của bộ phận tiếp dân để tiếp nhận ý kiến phản
ánh của nhân dân về những vấn đề tiêu cực trong hoạt động dạy thêm, học thêm
trên địa bàn để kịp thời xử lý.
5. Tổng hợp kết quả thực hiện dạy thêm, học thêm báo
cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo khi kết thúc năm học hoặc
báo cáo theo yêu cầu đột xuất.
Điều 9. Trách nhiệm của Hiệu
trưởng và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục
1. Tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm,
học thêm trong nhà trường; bảo đảm các điều kiện quy định về hoạt động dạy thêm,
học thêm và quyền lợi của người học thêm, người dạy thêm.
2. Quản lý, tổ chức việc dạy và học chính khóa, đảm
bảo các nguyên tắc dạy thêm, học thêm quy định tại điều 3 của Thông tư 17; quản
lý việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh, xác nhận các nội dung yêu cầu đối
với người dạy thêm theo quy định tại khoản 5, điều 8 của Thông tư 17 nhằm ngăn
chặn hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.
3. Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ
quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
4. Chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học thêm,
quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà
trường.
5. Tổng hợp kết quả thực hiện dạy thêm, học thêm báo
cáo Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Phòng Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý
khi kết thúc năm học hoặc báo cáo theo yêu cầu đột xuất.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
1. Xác nhận vào hồ sơ xin cấp hoặc gia hạn giấy phép
tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện
theo quy định tại điều 8, điều 9, điều 10 của Thông tư 17.
2. Phối hợp tham gia với các cấp quản lý giáo dục trong
việc kiểm tra các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm
trên địa bàn.
3. Đề xuất với các cấp quản lý giáo dục kiểm tra hoạt
động dạy thêm, học thêm đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm,
học thêm trên địa bàn nếu có dấu hiệu vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Điều 11. Trách nhiệm của tổ
chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
1. Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm của
Bộ Giáo dục và Đào tạo, các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định khác
có liên quan của pháp luật.
2. Quản lý và đảm bảo quyền của người học thêm, người
dạy thêm. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm phải báo cáo cơ quan cấp phép và
thông báo công khai cho người học thêm biết trước ít nhất là 30 ngày. Hoàn trả
các khoản tiền đã thu của người học thêm tương ứng với phần dạy thêm không thực
hiện, thanh toán đầy đủ kinh phí với người dạy thêm và các tổ chức, cá nhân
liên quan.
3. Quản lý, lưu giữ và xuất trình khi được thanh tra,
kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm: Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức hoạt
động dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; danh sách người học thêm;
thời khóa biểu dạy thêm; đơn xin học thêm, hồ sơ tài chính theo quy định hiện
hành.
4. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của chính quyền, của
cơ quan có trách nhiệm quản lý giáo dục các cấp trong việc thực hiện quy định về
dạy thêm, học thêm; thực hiện báo cáo với cơ quan quản lý vào cuối tháng 5 và
cuối tháng 12 hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất.
Chương 4.
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 12. Thanh tra, kiểm tra
Hoạt động dạy thêm, học thêm chịu sự thanh tra, kiểm
tra của cơ quan quản lý giáo dục, của các cơ quan thanh tra Nhà nước, thanh tra
chuyên ngành có liên quan, của chính quyền các cấp.
Điều 13. Xử lý vi phạm
1. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định
về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành
chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ,
công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm
thì bị xử lý kỷ luật theo quy định./.